10 - Chất Xúc Tác

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 5 tháng trước

.

10

Chất Xúc Tác

Trong chương quan trọng này, tôi sẽ giải thích chất xúc tác mang lại sự thêm lên hiệu quả. Khi dùng từ hiệu quả, tôi muốn nói đến sự nhân cấp còn đến đời đời.

Chất xúc tác là thành tố quan trọng để kích thích một sự thay đổi hay thúc đẩy một sự kiện (định nghĩa của tôi lấy từ nhiều nguồn từ điển). Chúng ta thảy đều được ban ơn, nhưng điều mà thúc đẩy tiềm năng lâu dài được tìm thấy trong những lời dạy của sứ đồ Phi-e-rơ, “Hãy dùng ơn đó mà phục vụ.” Sự phục vụ là chất xúc tác, nhưng sự phục vụ chân chính luôn được thúc đẩy bởi tình yêu. Sứ đồ Phao-lô viết:

Trước mặt Chúa, Cha chúng ta, chúng tôi nhớ đến công việc anh chị em làm do đức tin, lao khổ anh chị em chịu vì tình yêu thương và lòng kiên trì của anh chị em nhờ hy vọng nơi Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta. (1Tê 1:3)

Sự phục vụ thật xuất phát từ một tấm lòng yêu thương nóng cháy. Nó là một đức tính không bị dao động bởi nghịch cảnh, khó khăn hay bất cứ những hoàn cảnh bất trắc nào. Đôi khi nó được thể hiện qua lời nói, nhưng thường là qua hành động.

CÔ GÁI GÀ TÂY

Tôi sẽ minh họa sự phục vụ bằng một câu chuyện. Cặp vợ chồng mà tôi nói đến là những người bạn rất thân thiết đã yêu cầu giấu tên vì công tác truyền giáo của họ. Nên để làm theo yêu cầu của họ, tôi sẽ dùng tên tự đặt.

Riley và Dave sống ở khu ngoại ô của một thành phố lớn ở Mỹ. Thật là một định mệnh khi họ gặp nhau vì căn hộ của họ gần nhau.

Sau đó họ đám cưới ngay, Riley thắc mắc sao nhiều hội thánh, nhiều tổ chức từ thiện phát thức ăn và quà vào dịp giáng sinh, nhưng ít khi làm vào dịp Lễ Tạ Ơn. Cô vợ tin Lễ Tạ Ơn cũng quan trọng vì nó tập trung vào gia đình và vào bữa ăn. Nhiều bà mẹ đơn thân, những người tàn tật và những người vô gia cư rất khó khăn mới có được bữa ăn đàng hoàng. Cô vợ tin các nhà bếp tạm có thể nấu cho mục đích này nhưng không thể cung cấp bữa ăn cho cả một gia đình.

Riley phát biểu, “Riêng chúng ta thì mỗi người đều có cơ hội tạo ra ảnh hưởng, nhưng hiệp lực lại ảnh hưởng sẽ lớn hơn.” Cô này rất giỏi Kinh Thánh và biết nỗ lực của hai người làm việc với nhau hài hòa sẽ nhân lên gấp mười lần (xem Phục Truyền 32:30). Cô ta cũng ý thức một sự thật rằng kết quả sẽ gia tăng khi có nhiều tín hữu liên kết lại. Một sự thật nung nấu trong lòng cô đó là các tôi tớ thật muốn trở thành một thành viên của một đội và không quan tâm là họ có được vinh danh hay không. Thái độ của Rliey đã cô đọng những yếu tố quan trọng để được nhân cấp.

Cơ hội Lễ Tạ Ơn đầu tiên của cô đã đến, Riley quyên góp từ gia đình và bạn bè để mua gà tây. Với lối suy nghĩ nhân cấp, cô và Dave hứa sẽ dâng cho đủ số tiền mà người khác cam kết. Năm đó, cô mua được mười một con gà tây và phát cho những ai có nhu cầu từ chiếc xe kéo phía sau xe ô tô của cô. Năm thứ hai, con số lên tới ba mươi mốt con gà.

Năm thứ ba, cô nói với gia đình và bạn bè rằng họ có thể chia sẻ khải tượng cho nhiều người khác, miễn là không nói tên tuổi ai làm. Thế là họ đã chia sẻ và nỗ lực này bắt đầu nhân cấp lên cách nhanh chóng. Đến năm thứ năm, họ đã chạm đến năm trăm gia đình và có thể cho thêm hai lon đồ hộp và rau quả vào phần quà của họ.

Đến thời điểm đó, cô chính thức kí hợp đồng ẩn danh với tổ chức truyền giáo Salvation Army. Tổ chức từ thiện này liên kết với nhiều dịch vụ xã hội và có thể xúc tiến quá trình giúp đỡ những người thật sự thiếu thốn. Những người được chọn để giúp là những người không được hưởng những trợ cấp từ chính phủ hay từ quỹ phúc lợi. Riley và đội của cô phân phát bằng xe và bằng cách đi bộ phát quà tại các cơ sở của hội Salvation Army.

Có rất nhiều người nghèo túng muốn nhận thực phẩm. Họ kéo xe ngựa, đi xe đạp, đẩy các rổ, xin hàng xóm đi nhờ, hay đi bộ đến đem gà tây, rau và thực phẩm về – đôi khi đi một quãng xa – trở về lại những nơi mà họ sống. Một người đàn ông vô gia cư đã tìm ra cách để nấu gà tây ở ngoài trời cho mình và cho bạn bè vô gia cư của anh ta, dùng chảo rán bị người ta vứt và thùng giấy (nhiên liệu để nấu).

Cuối cùng, việc phân phát trở nên quá nhiều đến nỗi cần có một khu vực mới để tạo thuận lợi cho số lượng người đông. Tổ chức YMCA gần đó có một khu đất trống rộng lớn, nhưng các mối liên hệ giữa những người trong tổ chức YMCA và Cứu Thế Quân căng thẳng. Nhu cầu đã thúc đẩy hai tổ chức đối diện với những khác biệt của họ. Họ đã hòa giải và từ đó cùng làm việc với dự án của Riley, cũng như các nỗ lực cộng đồng khác.

Mỗi năm Riley và Dave lập một mục tiêu là sự phân phát phải vượt hơn năm trước. Họ quyết tâm rằng không một người nào trong toàn bộ khu vực của họ không có một bữa ăn Tạ Ơn đàng hoàng. Khi con số tăng lên, việc phân phát càng trở nên phức tạp và khó khăn, đặc biệt với giá cả gia tăng và một số ân nhân rút tên hay dời chỗ ở. Cặp vợ chồng này có đức tin rất mạnh mẽ về vấn đề tài chính và không muốn tiến trình bị ngưng lại tại thời điểm này, vì thế họ quyết định cứ mỗi đô-la người ta quyên góp thì họ sẽ dâng vào hai đô-la (ngoài lề, không lạ gì sức mạnh tài chính của họ đã gia tăng trong sáu năm đó. Chúa đã nhân cấp sự dâng hiến của họ để họ có thể hiệu quả hơn.)

Theo lời của Riley, “Bằng cách nào đó, Chúa luôn tiếp trợ tiền bạc từ các nguồn khác nhau, khiến cho các con số cứ tăng lên cao.” Điều làm cho câu chuyện càng kì diệu là cặp vợ chồng này đã quyết định từ đầu rằng họ sẽ không nhận một xu từ các chương trình của chính phủ hay tập đoàn nào cả.

Tất cả số tiền phải đến từ gia đình, bạn bè và những người thân quen của họ.

Khi các con số tăng lên, những thử thách mới xuất hiện. Không thể phân phát hết số gà tây trong một ngày khi số lượng người quá lớn. Riley và Dave buộc phải thêm một ngày phân phát, nhưng điều này tạo ra một trở ngại đáng kể; Họ sẽ trữ gà tây qua đêm ở đây cho việc phân phát vào ngày thứ hai? Riley kiên định tìm phương cách. Lúc nửa đêm, một chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn, nơi họ đã mua toàn bộ số gà tây xuất hiện và đóng góp để họ dùng xe tải đông lạnh. Bây giờ số tiền đó có thể chi tiêu cho thực phẩm hơn là chi cho việc trữ thức ăn.

Có rất nhiều rào cản và tranh chiến phải vượt qua, danh sách còn quá nhiều, không thể nói ra đây. Đức tin của cặp vợ chồng này rất mạnh mẽ và họ có một quyết tâm kiên định. Khi đối diện nghịch cảnh, họ liên tục cầu nguyện, kêu cầu Chúa, nảy ra những ý tưởng chiến lược được Chúa cảm động và được ơn trước những người có thể giúp họ.

Họ đã chạm mốc hai mươi sáu năm phục vụ và khi tôi biết điều này, riêng năm nay thôi họ đã nuôi 10,500 gia đình (nếu trung bình một gia đình gồm 4 khẩu phần thì con số là 42,000 người). Thực sự họ đã nuôi mỗi người nghèo trong toàn bộ địa hạt của họ, và một số lượng lớn những người có nhu cầu ở hai địa hạt bên cạnh (hãy nhớ khu vực này bao gồm một trong những thành phố lớn nhất ở Mỹ). Khi làm vậy, họ chất đầy gà tây trong ba xe tải và năm xe rau củ cùng đồ đạc (mỗi xe dài 8 mét). Hơn hai trăm tình nguyện viên được huy động, nhiều người trong số họ làm việc không mệt mỏi trong thời gian nhiều ngày. Nhiều người trong số họ đã ở với Riley từ đầu. Đây là điều kỳ diệu: Phần lớn các tình nguyện viên vẫn không biết danh tính của “quý cô gà tây” này!

Không thể nào liệt kê hết các phép lạ, các câu chuyện và các lời chứng của những cuộc đời được thay đổi qua sự nhân cấp của họ. Rất nhiều người đã biết Chúa Giê-su, bao gồm chồng của Riley, Dave, và nhiều người đã quay về với Chúa. Nhiều gia đình đã được hòa giải, và nhiều người đã được truyền cảm hứng – bao gồm các nhân viên chính phủ, các nhân viên trong cửa hàng tạp hóa, hội Cứu Thế Quân và các nhân viên YMCA, các tình nguyện viên và cả một cộng đồng.

Cho phép tôi chia sẻ vài câu chuyện ngắn. Một trong những người bạn của Riley là thủ quỹ của một câu lạc bộ xe mô-tô địa phương. Mỗi năm, anh ta bảo họ quyên góp cho quý cô gà tây. Thực tế họ thách thức nhau để xem ai có thể dâng nhiều nhất. Năm vừa rồi cô nhận được tin nhắn sau Lễ Tạ Ơn rằng các tay chơi mô-tô đã gia tăng sự quyên góp lên đến 3000 đô-la cho Lễ Tạ Ơn tiếp theo.

Một năm, đội cô gái gà tây đã quyết định quyên tặng số tiền dư cho một hội thánh địa phương. Việc này đã truyền cảm hứng cho hội thánh dùng tấm gương của Riley để bắt đầu chương trình riêng của họ nhằm giúp đỡ những người nghèo vào dịp Lễ Tạ Ơn và những thời điểm khác của năm.

Các thành viên đội Cứu Thế Quân mà đã chuyển tới các tiểu bang khác hào hứng bắt đầu các chương trình theo khuôn mẫu của Riley. Những người khác đã chuyển tới khu vực của cô và nóng lòng để học biết về chức vụ này, khi họ nghe câu chuyện của Riley từ các nơi xa xôi qua các nhân viên của hội Cứu Thế Quân.

Riley không phải một mục sư, cô không làm việc cho một hội thánh và cô không phải là một doanh nhân hay làm việc trong tập đoàn. Cô là một người vợ, người mẹ và tín hữu tận hiến trung tín đi nhóm. Cô biết rõ sự thật là cô phục vụ Chúa Toàn Năng, Đấng vui thích sự nhân cấp của cô. Tôi vinh dự làm bạn của cặp vợ chồng này.

VÍ DỤ SỐ MỘT VỀ SỰ NHÂN CẤP ĐỜI ĐỜI

Sự phục vụ được thúc đẩy bởi tình yêu thương là chất xúc tác cho sự nhân cấp. Hãy xem xét vài trong số những câu chuyện tuyệt vời của sự nhân cấp trong Kinh Thánh. Tất nhiên, Đấng trỗi vượt hơn hết là Chúa Giê-su. Ngài nói:

Nhưng giữa các con thì không phải vậy. Trái lại, ai muốn làm lớn trong các con thì phải làm đầy tớ, còn ai muốn đứng đầu trong các con thì phải làm nô lệ cho mọi người. Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:43-45)

Chúa Giê-su nói rõ con đường đi tới sự vĩ đại thật – tìm cách phục vụ, không phải được phục vụ. Không ngạc nhiên Ngài đồng hóa hành động phục vụ tối thượng của Ngài với những lời này: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hạt thôi; nhưng nếu chết đi, nó được kết quả nhiều.” (Giăng 12:24). Một lần nữa, chúng ta nghe nói đến việc gieo trồng (hay đầu tư) và thu hoạch. Như một người đầu tư hạt lúa mì sản sinh ra nhiều hạt lúa mì, sự vâng lời của Chúa Giê-su để phục vụ đã sản sinh rất nhiều con trai và con gái của Chúa. Một ví dụ tuyệt vời! Ngài đã mở đường và thiết lập tiêu chuẩn cho chúng ta thấy cách nhân cấp một cách hiệu quả. Chúa Giê-su nói với chúng ta:

Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa. Các con nói rất đúng, vì Ta thật như vậy. Nhưng nếu Ta là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Ta đã làm gương cho các con, để các con cũng làm như Ta đã làm cho các con. (Giăng 13:13-15)

Với tư cách là một nhà lãnh đạo và là tác giả, tôi biết tầm quan trọng của tiếng nói cuối cùng. Đây là câu tuyên ngôn hay thông điệp bạn để lại cho độc giả, thính giả, sinh viên, các thành viên trong nhóm, các nhân viên, hay cho con cái hay bất cứ ai khác. Đây là ý tưởng chủ đạo bạn muốn những thính giả của bạn nghe rõ khi họ tiến hành làm.

Trong thời gian Chúa còn ở trên đất, lời cuối cùng của Chúa Giê-su là gì? Thật lý thú, đó là một bài giảng được minh họa trước sự đóng đinh của Ngài – rửa chân cho các môn đồ.

Tôi sẽ nói thật với bạn; lúc còn là một tín hữu non trẻ, tôi cực kỳ không thích bất cứ lúc nào ai đó đề xuất trong một nhóm nhỏ, “Chúng ta hãy rửa chân cho nhau.” Tôi lập tức nghĩ tới một lý do tầm thường để đột ngột chuồn ra ngoài, vì tôi không thích những người nam chạm vào chân tôi!

Nhiều năm sau, tôi nhẹ nhõm khi biết việc rửa chân thiên về một truyền thống mà những người bạn của tôi tin. Một ví dụ tương ứng là khi Môi-se treo con rắn lên cây sào (xem Dân Số 21:8-9) và tất cả những ai nhìn lên con rắn thì được chữa lành. Điều đó thật phi thường và đầy quyền năng. Tuy nhiên, nhiều thế hệ sau, dân Y-sơ-ra-ên đã làm một tượng thờ từ chính con rắn này (xem 2 Các Vua 18:4). Họ đề cao vật thể thay vì hiểu rằng nhiều năm trước đó trọng tâm ban đầu đó là vâng theo lời chỉ dẫn của Chúa.

Vào thập niên 1980, chúng tôi đã rơi vào vết xe đổ ngay trong nhóm học Kinh Thánh của tôi. Chúng tôi đã đem “việc rửa chân” rơi vào cực đoan. Chúng tôi đã tập trung nhiều hơn vào hành động rửa chân thay vì hình ảnh biểu tượng của nó. Trở lại thế kỷ đầu tiên, các con đường không được lát đá, động vật là hình thức giao thông duy nhất ngoài đi bộ, và thời đó không có giày Adidas hay giày Nike. Người dân đi bằng dép hay trong nhiều trường hợp chẳng có giày dép gì cả, vì thế chân họ tiếp xúc với rất nhiều bụi đất, với phân động vật và nhiều thứ bụi bẩn khác. Có thể nói chắc chắn rằng trong môi trường đó, đôi chân hôi thối và rất bẩn thỉu đến độ mà nhiều người ở các nước Tây Phương không hề biết chuyện này.

Khi người ta đi vào nhà của một người giàu có, các đầy tớ hay nô lệ được yêu cầu lau sạch chân của chủ, các thành viên gia đình và các vị khách khác. Trong một gia đình thượng lưu điển hình, có nhiều trách nhiệm khác nhau; quản lý chuồng ngựa, chuẩn bị thức ăn, lau dọn phòng, cùng nhiều công việc khác. Nhiệm vụ rửa chân được dành cho người đầy tớ thấp hèn nhất. Trong một số cộng đồng, thứ bậc còn xa hơn thế; nhiệm vụ bẩn thỉu này được dành riêng cho các đầy tớ nữ thấp hèn nhất, vì họ bị coi là những người duy nhất đủ “xứng đáng” để làm điều ghê tởm đó.

Trong bữa ăn cuối cùng, mười hai sứ đồ đã ở trong một căn nhà đủ lớn để tiếp đón toàn bộ đội ngũ của Chúa Giê-su trong một căn phòng biệt lập. Có thể là gia đình giàu có nhất trong thành phố. Nhiều giờ trước đó, mỗi một người trong số mười hai môn đồ đã được người đầy tớ thấp hèn nhất rửa chân. Nhưng điều gây sốc là cùng buổi chiều hôm đó, Chúa Giê-su không chỉ lấy chậu và bình nước, Ngài cũng cởi áo dài ra – cởi bỏ biểu tượng của địa vị của Ngài với tư cách Người Thầy và bắt đầu rửa chân của họ. Họ biết chính xác chuyện gì đang xảy ra và nó tượng trưng cho điều gì. Ngược lại, ở trường đại học, tôi bị lẫn lộn và thậm chí ghê tởm sự thực hành này vì chân tôi sạch; tôi vừa mới tắm trước khi học Kinh Thánh. Nó cũng làm cho tôi bối rối. Tại sao người mà tôi hầu như không biết lại muốn rửa chân cho tôi?

Nếu bạn đọc lại những lời của Chúa Giê-su, nó mang một ý nghĩa lớn lao hơn. Ngài đang tạo ra một ấn tượng cuối cùng; ấn tượng sẽ ở lại với các môn đồ này cho cả phần đời còn lại của họ. Một lời cuối cùng.

Tóm lại, để trở nên vĩ đại, chúng ta phải tình nguyện mang lấy vị trí của người đầy tớ thấp kém nhất. Phải chăng đây là lý do Chúa Giê-su nói, “Ta có lòng nhu mì và dịu dàng” (Ma-thi-ơ 11:29).

Cần thời gian mới hiểu được chân lý này. Trong những ngày đầu tiên với tư cách một tín hữu, dường như nhiều người trong chúng tôi đã xem chức vụ theo hướng ngược lại. Niềm tin ngấm ngầm của chúng tôi là, “Cuộc đời sẽ không ý nghĩa cho tới khi bạn giảng hay làm lãnh đạo cho số đông người.” Còn việc phục vụ chỉ dành cho những người có vị trí thấp nhất trong hội thánh chúng tôi. Nếu bạn làm việc siêng năng đủ, cuối cùng bạn sẽ là một người quan trọng. Ôi, nhận thức của chúng tôi thật méo mó biết bao!

Tôi rất biết ơn vì sự kiên nhẫn của Thánh Linh trong quá trình dẫn tới sự trưởng thành! Ngài đã biến đổi suy nghĩ của tôi, nhưng nó cần thời gian. Như đã nói trước, bốn năm đầu tiên chức vụ của tôi phần lớn gồm việc chăm lo các nhu cầu cá nhân của mục sư.

Một ngày kia trong lúc tôi làm việc vặt, Thánh Linh Chúa thì thầm, “Con trai, nếu Ta cất nhắc con, đó sẽ là vị trí phục vụ lớn hơn. Nếu con xao lãng bây giờ thì con sẽ không làm hại ai. Còn trong chức vụ công chúng, chuyện này sẽ không lấy gì thay thế, mà trái lại, con sẽ làm tổn hại đến những cuộc đời mà Ta yêu mến.” Những lời của Ngài đã thu hút tôi. Ngài không chỉ phán rằng các vị trí cao hơn sẽ bao gồm các trách nhiệm phục vụ cao hơn, nhưng Ngài cũng phán về tầm quan trọng của việc luôn trung tín trong những việc nhỏ. Mức độ phục vụ của tôi sẽ không thay đổi với của cải thật: con người.

Rê-bê-ca

Một ví dụ hấp dẫn về sự nhân cấp từ việc phục vụ không ích kỷ trong Cựu Ước được tìm thấy nơi cô Rê-bê-ca. Chúng ta hãy ôn lại câu chuyện một cách vắn tắt.

Áp-ra-ham đã sai người đầy tớ đáng tin cậy nhất của ông trở lại đất nước nơi ông từng ra đi để tìm một người vợ cho Y-sác, người kế tự của ông. Người đầy tớ lập tức đi, đem theo mười con lạc đà cho hành trình dài.

Khi tới nơi, người đầy tớ của Áp-ra-ham nhận ra đó là thời điểm trong ngày mà các thiếu nữ tới giếng nước cộng đồng để lấy nước. Ông cầu nguyện, “Khi con xin cô nào cho con uống nước, mà cô ấy đáp: ‘Ông cứ uống đi, tôi sẽ cho bầy lạc đà của ông uống nữa’, thì cô ấy đúng là người Chúa chọn cho Y-sác, tôi tớ Chúa. Do đó, con biết rõ Chúa đã tỏ lòng nhân từ với chủ con!” (Sáng Thế 24:14).

Ông chưa cầu nguyện xong, Rê-bê-ca vác bình nước tới chỗ ông, thế là ông xin nước uống. Điều xảy ra tiếp theo thật là phi thường:

Cô đáp: “Thưa vâng, mời ông uống nước!” Vừa nói, cô vội vã đỡ bình nước xuống, mời đầy tớ uống. Đầy tớ uống xong, cô sốt sắng nói: “Để tôi múc thêm nước cho lạc đà ông uống cho đã khát!” Cô nhanh nhẹn trút bình nước vào máng nước, rồi chạy xuống giếng múc thêm nước cho cả đàn lạc đà uống.” (Sáng Thế 24:18-20)

Người đầy tớ yên lặng quan sát cô cho tới khi cô cho đủ nước cho cả mười con lạc đà. Trong vài câu ít ỏi này chúng ta thấy những đặc điểm nổi bật trong sự phục vụ của Rê-bê-ca. Tôi sẽ liệt kê từng điểm một:

Nhiệt thành: Cô không do dự. Cô đã làm mọi việc nhanh chóng, chạy tới lui chỗ giếng nước. Phục vụ chậm chạp hay phục vụ khi thuận tiện không phải là phục vụ thật. Bạn có bao giờ để ý nhiều người cũng phục vụ, nhưng làm cách thờ ơ với một thái độ “Tôi mệt mỏi với tất cả công việc này”? Đó không phải là Rê-bê-ca hay bất cứ đầy tớ thật nào làm. Các đầy tớ thật có thái độ sẵn lòng và đầy sức sống, điều này được thấy rõ qua các hành động của họ.

● Làm vượt yêu cầu. Thật là những đầy tớ tối ưu. Rê-bê-ca đã vượt xa những gì được yêu cầu. Vì phần lớn chúng ta không có lạc đà hay sống trong sa mạc ở Trung Đông, chúng ta sẽ không hiểu được nhân tố này, nhân tố làm cho sự phục vụ của Rê-bê-ca càng ấn tượng sâu sắc. Sau một chuyến đi dài, một con lạc đà khát nước có thể uống 120 đến 200 lít nước. Đầy tớ của Áp-ra-ham có mười lạc đà! Chúng ta hãy làm phép tính: Nếu mỗi con lạc đà chỉ uống 120 lít nước, có nghĩa Rê-bê-ca phải vác 1200 lít nước từ giếng nước! Nếu một cái bình chứa 20 lít (20kg), cô phải đi tới lui chỗ giếng nước 60 chuyến.

Nhưng câu chuyện lại càng kinh ngạc. Vào thời đó có hai loại giếng nước. Một loại giếng có thể dùng dây thừng cột vào thùng và thả xuống mực nước ở dưới đáy giếng. Loại giếng thứ hai đòi hỏi đi bộ xuống hai mươi đến ba mươi bước để tới mực nước. Chúng ta có biết loại giếng mà Rê-bê-ca dùng không? Chắc chắn chúng ta biết – loại thứ hai, vì sau đó khi người đầy tớ kể lại các hành động của Rê-bê-ca cho gia đình thì ông đã nói, “vai vác vò nước, đi xuống giếng múc nước.” (câu 45). Cô không chỉ đi sáu mươi chuyến, vác theo 20 lít nước trên vai của mình, cô làm việc đó trong lúc đi hết các bước đó trong mỗi lần múc nước. Hãy nhớ – cô tình nguyện làm việc này mà không được yêu cầu! Điều đó đem chúng ta đến điểm tiếp theo.

● Có trách nhiệm. Một người đầy tớ thật không chờ được yêu cầu làm khi thấy có nhu cầu; người đó hành động ngay. Trong suốt những năm kinh nghiệm của tôi, rõ ràng là khi ai đó cứ chờ được yêu cầu làm thì người đó không thể nhân cấp được. Những người nào mà lúc nào cũng là những người tiên phong hành động chính là những người sẽ gia tăng.

● Cam kết. Dù nhiệm vụ khó khăn, Rê-bê-ca siêng năng trong sự phục vụ. Qua nhiều năm tôi quan sát một khuôn mẫu: Nhiệm vụ càng khó khăn thì thái độ tuyệt vời lại càng giảm sút – đó là bản chất con người. Tuy nhiên, chúng ta có bản chất của Đấng Christ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi Ngài trải qua sự kháng cự và sự khó khăn vượt quá trí tưởng tượng. Hãy sống từ bản chất của Chúa Giê-su và được truyền cảm hứng bởi Rê-bê-ca.

● Hoàn tất. Rê-bê-ca không dừng lại cho tới khi công việc được hoàn tất. Cô không phải là một người bỏ cuộc. Thực hiện chín mươi chín phần trăm nhiệm vụ là chưa hoàn tất nhiệm vụ. Chúng ta nhớ lại Vua Sau-lơ đã làm thế nào trong cuộc chiến với dân A-ma-léc: Khi ông giết hàng chục ngàn người, nhưng tha cho một người, Chúa đã không ban thưởng cho các nỗ lực của ông (xem 1 Sa-mu-ên 15). Rê-bê-ca làm tất cả những việc cô đã làm mà không biết có một phần thưởng nào cho công khó của cô. Đây là dấu hiệu thật của tinh thần đầy tớ: Các đầy tớ không lao động vì mục đích nhận thưởng, nhưng họ xem hành động phục vụ chính là phần thưởng. Họ yêu thích sự vui mừng, cảm giác thỏa nguyện mà sự phục vụ mang lại. Nếu có một phần thưởng, đó chỉ là một phước hạnh được thêm vào, không phải động cơ. Phần thưởng dành cho Rê-bê-ca thật ấn tượng. Cô không nhận ra rằng mười con lạc đà đều mang theo các báu vật và quà tặng cho cô, và cô sẽ cưới một người nam tin kính. Nhưng cả hai điều này đều không phải là phần thưởng quan trọng. Phần thưởng còn mãi là cô đã bước vào lời hứa của Chúa dành cho Áp-ra-ham. Cô sẽ là mẹ của nhiều nước. Tất cả các nước sẽ được phước qua cô. Rê-bê- ca đã nhân cấp một cách lớn lao.

NHỮNG VÍ DỤ KHÁC

Có nhiều ví dụ Kinh Thánh khác về sự nhân cấp đời đời kết quả từ một tấm lòng phục vụ. Ở đây có thêm vài ví dụ bạn có thể học chi tiết trong thì giờ học Kinh Thánh của bạn.

Ru-tơ

Tương tự với Rê-bê-ca, Ru-tơ người Mô-áp được Na-ô- mi, mẹ cô, khích lệ ba lần để trở về quê hương của cô. Nhưng Ru-tơ từ chối, nói rằng:

Nhưng Ru-tơ đáp: “Xin mẹ đừng ép con rời xa mẹ, hay bắt con phải trở về mà không theo mẹ. Vì mẹ đi đâu, con sẽ theo đó. Mẹ ở nơi nào, con cũng sẽ ở nơi đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, Chúa của mẹ là Chúa của con. (Ru-tơ 1:16).

Ru-tơ, rất giống Rê-bê-ca, sẵn lòng làm thêm, làm việc siêng năng và có cam kết, dù việc đi lại trở nên khó khăn. Con đường của Ru-tơ chắc chắn khó khăn hơn con đường của Rê-bê-ca. Vì cô là một người Mô-áp, chắc chắn cô bị bắt bớ bởi các cư dân của thành phố vì chủng tộc và gốc gác của cô. Thế nhưng cô đã chịu đựng bất cứ khó khăn nào để trung tín phục vụ mẹ chồng.

Kết quả là gì? Cô trở thành tổ phụ của nhiều người cao quý, gồm vua Đa-vít, vua Sa-lô-môn cùng tất cả các vua của Giu-đa. Quan trọng nhất là cô thuộc về dòng dõi của Chúa Giê-su. Cô cũng bước vào giao ước về sự nhân cấp đời đời được hứa cho Áp-ra-ham.

Ê-li-sê

Ê-li-sê quyết tâm ở lại và phục vụ Ê-li, dù Ê-li ba lần khích lệ ông bỏ đi. Ngay cả khi các tiên tri khác, hơn một lần chế nhạo và khinh bỉ rằng ông đang lãng phí thì giờ phục vụ Ê-li, Ê-li-sê đã ở lại. Phân tích của những người kia có vẻ hợp lý – họ sẽ trở thành các tiên tri trọn thời gian, đạt được địa vị và có kinh nghiệm. Số phận của Ê-li-sê thế nào khi Ê-li được cất đi? Ông có lãng phí các năm tháng phục vụ Ê-li mà không có bất kỳ cơ hội để xây dựng chức vụ riêng của mình? Đó là lôgic của các tiên tri kia, nhưng Ê-li-sê không lắng nghe. Thay vào đó, ông nói chắc nịch với họ hãy “im mồm đi!” (xem 2 Các Vua 2). Ông sẽ không đâm ra nản lòng khi phục vụ và hoàn tất nhiệm vụ của mình.

Cách hành xử của Ê-li-sê tương tự cách của Rê-bê-ca và Ru-tơ. Kết quả là gì? Ông làm được các phép lạ nhiều gấp đôi Ê-li và có thể làm điều Ê-li không làm được – chấm dứt vương triều của Giê-sa-bên. Ông đã nhân cấp.

Ghê-ha-xi

Ghê-ha-xi có cơ hội nhân cấp công việc của Ê-li-sê, nhưng ông không có tấm lòng của một đầy tớ. Ông ta tìm tư lợi và tham lam, vì thế đã không nhân cấp hiệu quả (xem 2 Các Vua 5).

X

Trong Tân Ước chúng ta thấy những con người phục vụ việc phân phát thức ăn. Họ nhận trách nhiệm một cách ng-hiêm túc. Các sứ đồ đặt tay lên họ để bảo đảm nhiệm vụ được thực hiện tốt. Kết quả thật ấn tượng, vì trong sách Công Vụ chúng ta đọc lời tuyên bố đầy kinh ngạc này:

Đạo của Chúa ngày càng phát triển, số tín hữu tại Giê-ru-sa-lem gia tăng nhiều lắm, cả một số đông các thầy tế lễ cũng thuận phục Đạo. (Công Vụ 6:7)

Điều gì gây kinh ngạc? Hãy nói lớn tiếng những lời này: “Gia tăng nhiều lắm.” Hãy suy nghĩ điều này! Những lời này không được dùng sau sứ điệp kinh điển của Phi-e-rơ, kết quả ba ngàn người được sinh lại vào ngày lễ Ngũ Tuần. Không có những chữ được thêm vào đã được dùng (xem Công Vụ 2:41). Khi mô tả những sự cải đạo hàng ngày, chúng ta một lần nữa thấy từ được thêm vào (xem Công Vụ 2:47). Tương tự với năm ngàn người đã dâng đời sống họ cho Chúa Giê-su vào khoảng thời gian ngắn sau đó (xem Công Vụ 4:4).

Chữ gia tăng/nhân cấp không được dùng cho tới chương Sáu của sách Công Vụ, khi cả hội thánh đều hoạt động xây dựng Nước Chúa.

Ngày nay, sự nhân cấp xảy ra khi những người như Stan, Mike, Phil, Riley và Dave bước vào nơi phục vụ của họ và dùng các ân tứ của họ. Đây là lúc chúng ta nghe nói về sự nhân cấp to lớn.

YẾU TỐ MẤU CHỐT

Bây giờ bạn có hiểu thành phần vô cùng quan trọng cho sự nhân cấp hiệu quả không? Hãy suy nghĩ lần nữa về những người bạn của chúng tôi, Riley và Dave, theo ánh sáng về những gì chúng ta đã thấy từ Kinh Thánh. Cặp vợ chồng này, triển khai các chiến lược được Chúa cảm động và phục vụ rất tốt, đã ảnh hưởng tới hàng chục ngàn người. Họ trở nên to lớn theo như lời của Chúa Giê-su. Điều tương tự cũng đúng với Stan, Mike, Phil và Dana. Tất cả họ đều mang đặc điểm của những người đầy tớ chân thật.

Tuy nhiên, xin hãy nghe những lời quan trọng này: Bạn có thể nhân cấp một cách ích kỷ, nhưng ảnh hưởng của bạn sẽ không còn đến đời đời. Có những người đang nhân cấp, nhưng một ngày nào đó sẽ thấy tất cả những nỗ lực của họ bị thiêu đốt, vì họ được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân. Điều này được minh họa trong dụ ngôn Chúa Giê-su kể về người đàn ông xây dựng các kho chứa lớn hơn. Một cách tự mãn, ông ta tự chúc mừng bản thân mình rằng, “Hãy thư thả, hãy ăn, hãy uống vì mình đã tới đích và bây giờ sở hữu tất cả những gì mình cần rồi và còn nhiều của nữa.” Nhưng câu chuyện này không kết thúc có hậu, vì tất cả những thành tựu của ông ta đã tan biến trong chốc lát.

Sứ điệp cốt lõi của sách này không có ý định cho bạn đức tin để nhân cấp vì mục đích chất đống của cải cho bản thân bạn, mà nhằm khích lệ bạn phó dâng đời sống mình phục vụ những người khác. Chúa Giê-su tuyên bố khi chúng ta làm điều này thì tất cả những gì mà người ngoại theo đuổi sẽ được thêm cho chúng ta (xem Ma-thi-ơ 6:33). Tôi biết điều này, vì tôi đã trực tiếp kinh nghiệm nó.

Chúng ta hãy trở lại câu chuyện của Lisa và tôi liên quan tới hội thánh đầu tiên của chúng tôi. Do hậu quả của việc ở trong môi trường độc hại trong sáu năm, tôi vẫn còn giữ những thái độ không lành mạnh về sự nhân cấp. Không lâu sau khi rời khỏi hội thánh đó, một trong những sự gặp gỡ siêu nhiên với Thánh Linh đã xảy ra vào một buổi sáng khi tôi đang lái xe hơi. Ngài nói, “Con trai, đừng tìm kiếm Ta vì các phước hạnh. Hãy để Ta ban phước cho con.”

Tôi lập tức nghĩ về Ma-thi-ơ 6:33: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của Ngài, và Ngài sẽ ban thêm cho các con mọi điều ấy nữa.” Những lời của Thánh Linh đã đem đến cái nhìn đúng đắn và loại bỏ những khuynh hướng ích kỷ vẫn còn trong tôi.

Quả thật, tôi rất biết ơn Ngài. Tôi biết thế nào là ích kỷ và tham lam – thể nào là sống bất hạnh, căng thẳng và xa cách sự hiện diện của Chúa. Khi học biết về đường lối và tấm lòng của Ngài – tìm kiếm việc xây dựng Nước Chúa trước hết – đã đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui, bình an và sự hiện diện của Ngài trong đời sống hàng ngày!

X

Bây giờ chúng ta đã đến chỗ mà chúng ta đã đưa ra câu hỏi: Chúng ta nhân cấp thế nào khi chúng ta không phải là người lãnh đạo của chính công việc của mình, mà chỉ phục vụ trong đội ngũ của người khác? Chúng ta hãy trả lời câu đó ở chương sau, và khi trả lời được, chúng ta sẽ thấy được những ích lợi to lớn.