2 - Các Khả Năng Được Phú Ban

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 5 tháng trước

.

2

Các Khả Năng Được Phú Ban

Tôi có một người bạn là Jim, anh đã huấn luyện một đội bóng rổ nữ của trường trung học trong mười tám năm. Trong suốt thời gian đó, đội không thể vô địch tiểu bang.

Năm này tới năm khác, đội bóng thua trong các trận chung kết khu vực hoặc nếu họ vào được vòng đấu tiểu bang thì bị loại từ vòng đầu tiên.

Jim đã chia sẻ với tôi, “Tôi thất vọng và sẵn sàng bỏ cuộc, nhưng khoảng thời gian đó, tôi đã khám phá quyền năng của ân điển Chúa.”

Jim đã có một quyết định dứt khoát. Anh sẽ không còn huấn luyện bởi sức riêng của mình, như anh đã làm trong mười tám năm, nhưng anh sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào ân điển Chúa. Anh hỏi Chúa phải làm gì, và Chúa trả lời, “Hãy sắp xếp lại các bài tập của con. Thay vì chín mươi phút trên sân, hãy để bốn mươi lăm phút trong phòng thay đồ đọc Kinh Thánh, chia sẻ và cầu nguyện và bốn mươi lăm phút cuối ở trên sân.”

Jim nói với tôi, “John, điều này dường như tác dụng ngược. Chúng tôi cần tập các kỹ năng và chạy cách chơi bóng; tôi cần mỗi giây phút trong thời gian chín mươi phút đó để luyện tập. Nhưng tôi biết mình đã nghe từ Chúa.”

Tiếp tục câu chuyện của anh, “Sau đó tôi đưa ra các nữ cầu thủ chiến lược mới. Họ nghĩ việc này mang tính tôn giáo và có vẻ là một ý tưởng ngớ ngẩn. Một số người thậm chí thất vọng khi họ mới nghe, nhưng sau khi chia sẻ thêm lòng mình thì họ đã tham gia.”

Với nụ cười trên mặt, anh nói, “Năm đó, chúng tôi đã vô địch giải bóng rổ của tiểu bang lần đầu tiên. Nếu điều đó không đủ thì năm sau đó chúng tôi lại chiến thắng.”

Anh nói thêm về chức vô địch tiểu bang lần thứ hai, “Nó thật kinh ngạc, vì mỗi cú úp rổ trong trận chung kết chúng tôi đều trượt. Đáng lẽ chúng tôi không bao giờ chiến thắng khi ném trượt tất cả những pha bóng đó! Tuy nhiên, sau khi xem thống kê, chúng tôi đã lập một kỷ lục trong trận đấu đó cho các cú ném ba điểm. Các cú ném ba điểm đã cân bằng tất cả những cú úp rổ trượt và chúng tôi có được số điểm cần thiết để chiến thắng.”

ĐƯỢC MẶC LẤY QUYỀN NĂNG

Jim đã kết nối vào sự khôn ngoan thiên thượng; đúng thế, đó cũng là sự hiểu biết mà sứ đồ Phao-lô đã khám phá – sự hiểu biết mà theo thống kê chín mươi phần trăm hội thánh thế kỷ 21 không hề biết đến. Sự hiểu biết đó là thế này: ân điển của Kinh Thánh không chỉ là món quà cứu rỗi của Chúa, mà còn là sự thêm sức của Ngài cho cuộc đời của chúng ta. Hãy xem xét các lời của Phao-lô, nhưng hãy ghi nhớ rằng các lời này là trích dẫn y nguyên từ chính miệng của Đức Chúa Trời: “ Ân sủng Ta đủ cho con rồi, vì quyền năng của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2Cô-rinh-tô 12:9).

Không có gì thắc mắc hay không rõ ràng ở đây. Đức Chúa Trời nói thẳng ân sủng của Ngài là sự thêm sức của Ngài. Từ yếu đuối trong câu trên nghĩa là “không có khả năng.” Chúa tuyên bố với Phao-lô, và cả với bạn và tôi nữa, “Sự thêm sức (ân sủng) của Ta được tối ưu hóa trong các hoàn cảnh vượt quá khả năng tự nhiên của con.”

Mười tám năm làm việc mệt nhọc của Jim, cố gắng bằng tất cả những gì anh có để dẫn dắt các nữ cầu thủ đến một chức vô địch và kết quả của việc đó là gì? Không có gì ngoài những năm hụt chức vô địch. Nhưng thật xứng đáng đó là nhờ thất vọng và đau đớn mà Jim cuối cùng đã khám phá được sự khôn ngoan này : Ân sủng của Chúa thêm sức cho chúng ta để tiến xa hơn khả năng tự nhiên của chúng ta.

Trong một lá thư khác, Phao-lô nói một câu khá dạn dĩ: “Tôi đã làm việc siêng năng hơn bất cứ sứ đồ nào khác.” Ồ, có thật sự ông đã viết điều này không? Hãy suy nghĩ về những nhân vật có trong danh sách này: Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, Ba-na-ba, A-pô-lô và nhiều những nhân vật vĩ đại khác. Nghe hơi kiêu ngạo, nhưng nếu bạn đọc phần còn lại của câu nói của Phao-lô thì thấy là không phải thế:

Tôi đã làm việc khó nhọc hơn tất cả những người khác. Thật ra không phải chính tôi mà là ân sủng Đức Chúa Trời đã hành động trong tôi. (1Cô-rinh-tô 15:10).

Phao-lô đang khoe về sự thêm sức của Chúa, không phải khả năng của bản thân ông; vì thế trong đó không có sự khoe khoang cá nhân. Ông đã phụ thuộc vào ân sủng để hoàn tất sứ mạng thiên thượng của mình. Sau nhiều năm thất vọng và cuối cùng có sự soi sáng thì Jim, với tư cách một huấn luyện viên, bây giờ phụ thuộc vào sự thêm sức (ân sủng) của Chúa để tiến xa hơn khả năng bản thân. Anh đã áp dụng sự khôn ngoan này vào trong mọi khía cạnh của đời sống anh; rìu của anh đã được mài bén!

Biết được điều này, chúng ta hãy trở lại sứ mạng của cá nhân chúng ta. Lời Chúa tuyên bố, “Vì chúng ta là tác phẩm của Đức Chúa Trời, được tạo nên trong Chúa Cứu Thế Jêsus để làm những việc thiện lành, là việc Đức Chúa Trời đã chuẩn bị trước cho chúng ta để theo đó mà tiến hành.” (Ê-phê-sô 2:10). Chính Đức Chúa Trời đã sắm sẵn nhiệm vụ cho bạn trước khi bạn sinh ra. Sự kêu gọi đã được thiết kế sẵn này là điều sẽ đem đến cho bạn sự thỏa nguyện; không công việc hay thú vui nào khác có thể làm được! Đó là mục đích của bạn vì nó có tầm ảnh hưởng rất lớn. Thật ra, xét về việc hoàn tất mục đích đó, có một lẽ thật quan trọng cần biết.

Định mệnh của bạn, là điều Chúa sắm sẵn cho bạn luôn vượt quá khả năng tự nhiên của bạn!

Để tôi nói điều này thật rõ ràng. Hoàn tất nhiệm vụ thiên thượng theo khả năng riêng của chúng ta là điều không thể. Làm sao tôi biết điều này đúng? Vì Đức Chúa Trời tuyên bố chắc chắn rằng Ngài sẽ không chia sẻ vinh quang của Ngài với một ai cả (xem Ê-sai 48:11). Nếu bất cứ ai trong chúng ta muốn hoàn tất thiên mệnh của mình theo khả năng của bản thân, thì Chúa sẽ phải chia sẻ vinh quang của Ngài với chúng ta, và Ngài sẽ không làm điều này! Chúa chủ ý làm cho sự kêu gọi của bạn vượt quá khả năng tự nhiên của bạn để bạn sẽ phải phụ thuộc vào ân sủng của Ngài để hoàn tất nó!

CÁC KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT

Tiếp theo, chúng ta nên hỏi liệu có những thêm sức cụ thể nào của ân sủng không. Nói cách khác, tương tự như cách ân sủng thêm sức cho chúng ta để sống vượt khả năng tự nhiên của chúng ta; có những khả năng độc nhất chúng ta nhận từ Chúa để trang bị chúng ta hoàn tất sứ mạng của chúng ta hay không?

Cho phép tôi giải đáp qua vài ví dụ. Roger Federer đã không bao giờ trở thành một trong những vận động viên quần vợt vĩ đại nhất thế giới nếu anh ta không có vợt và những trái banh. Các thợ thủ công mỹ nghệ giỏi nhất trong thành phố sẽ không bao giờ được phát hiện nếu anh ta không có các công cụ. Bạn sẽ không bao giờ biết Michelangelo là ai nếu ông không bao giờ có cái đục, bàn chải hay sơn dầu. Điều tương tự có đúng cho sự kêu gọi thiên thượng của chúng ta không?

Hai câu chuyện ngắn sau sẽ giúp làm sáng tỏ. Khi tôi mới bắt đầu trong chức vụ, tôi gặp một người hướng dẫn ngợi khen và thờ phượng hiếm có. Quý ông này hướng dẫn thờ phượng cho một nhà truyền giảng nổi tiếng thế giới giữa những năm 1900. Nhà truyền giảng đó qua đời trong những năm 1970, và người hướng dẫn thờ phượng này đã mở rộng chức vụ riêng.

Ông hay lui tới hội thánh của chúng tôi vào những năm 1980, và tôi thường chăm chú lắng nghe với sự kinh ngạc – ông ta rất được ơn! Ông có thể chơi piano một cách rất thư thái mà rất ít người chơi được. Trong chốc lát, ông có thể khích lệ ba nghìn năm trăm người đứng dậy, ca hát và nhảy múa. Khi ông ca ngợi Chúa, toàn bộ bầu không khí thuộc linh thay đổi và hội thánh được phủ đầy sự hiện diện của Chúa.

Vào những dịp cuối cùng ông đến giảng, tôi có đặc ân tiếp đón ông. Chúng tôi có thời gian tuyệt vời với nhau, tôi đã đặt những câu hỏi vì tôi muốn biết về các khả năng Chúa ban của ông. Tôi biết được rằng mẹ ông, một người nữ tin kính và tận hiến, đã cầu nguyện nhiều giờ một ngày. Ông nói, “John, khi tôi ở trong tử cung của mẹ, một người đàn ông (mẹ ông tin đó là một thiên sứ) đã đến nhà vào một ngày nọ. Người đàn ông này, người mẹ tôi chưa bao giờ thấy trước đó, đã nói, “Con trai bà sẽ dẫn nhiều người vào sự hiện diện của Chúa và sẽ chơi piano điêu luyện từ lúc trẻ.”

Rồi sau đó tới phần câu chuyện mà làm cho tôi kinh ngạc và không thể nào quên được. Khi mới biết đi, một ngày nọ ông ngồi xuống cạnh đàn piano của cha mẹ ông và bắt đầu chơi một cách hoàn hảo, mà trước đó không hề học hay luyện tập. Đó không phải là bài tập ngón, nhưng là một bản nhạc phức tạp mà chỉ những học viên piano lão luyện mới có thể chơi được. Và tất nhiên, ông đã chơi mà không cần sheet nhạc.

Từ hôm đó trở đi, ông đã chơi cách tài tình, không một lần đọc nốt nhạc; ông chơi mỗi bài hát qua lỗ tai. Ông có khả năng nghe một bài hát và chỉ trong chốc lát ông có thể chơi được ngay.

Chức vụ của ông bắt đầu khi còn là một cậu thiếu niên chơi nhạc trong các buổi nhóm chính của hội thánh quê nhà. Cuối cùng, ân tứ của ông đã mở cửa cho ông để chơi cho nhà truyền giảng nổi tiếng.

Rõ ràng ông có một ơn – một khả năng thiên thượng. Một người được ơn nổi tiếng khác là Akiane Kramarik.

Không học bất cứ lớp nghệ thuật nào, cô đã bắt đầu vẽ rất đẹp ở độ tuổi lên bốn. Năm sáu tuổi, cô tiến lên vẽ các vật thể phức tạp cũng như các khải tượng độc nhất của cô. Năm tám tuổi, cô đã vẽ bức tranh Vua Bình An hiện đang nổi tiếng, một bức chân dung treo phía sau bàn làm việc của tôi.

Rõ ràng, cô có ơn – khả năng tự nhiên.

Tại sao chỉ một số người có ơn như thế? Hay có phải chuyện này đúng như vậy không?

Câu hỏi chúng ta nên hỏi là: Một số hay nhiều người hay thậm chí tất cả con cái Chúa đều nhận các ân tứ? Chúng ta hãy xem lại câu Kinh Thánh mở đầu của chương này:

Ta được ân tứ khác nhau theo ân sủng Chúa… (Rô-ma 12:6)

Chúng ta thấy hai từ rất quan trọng nhưng tách biệt trong một câu Kinh Thánh này. Từ đầu tiên mà chúng ta đã bàn – ân sủng là từ charis trong tiếng Hy Lạp. Chúng ta hãy thêm ma vào từ charis, chúng ta có một từ Hy Lạp khác là charisma; đây là từ nói về ân tứ trong câu Kinh Thánh nói trước đó và sẽ là trọng tâm của chúng ta.

Trong những năm nghiên cứu các từ điển tiếng Hy Lạp và tra xem bối cảnh từ charisma được sử dụng trong Tân Ước, tôi có được một định nghĩa:

Charisma: một sự ban cho ân sủng mà tăng cường sức mạnh cho một cá nhân bằng một khả năng đặc biệt.

Thực tế khả năng này là một năng lực thiên thượng mà Chúa đã tín thác cho một cá nhân, và nó luôn luôn trỗi vượt tài năng tự nhiên. Một số ân tứ đó rõ ràng là siêu nhiên. Mặt khác, những ân tứ khác dường như giống như các tài năng tự nhiên của con người, nhưng trong thực tế cũng rất phi thường. Một số ơn là bẩm sinh, và có những ơn được ban cho vào một thời điểm cụ thể nào đó qua Lời phán của Chúa.

ƠN VIẾT SÁCH

Hãy để tôi bắt đầu phần khai thác về ân tứ charisma qua việc dùng cuộc đời tôi làm thí dụ. (Tôi đã viết ngắn gọn về các câu chuyện cá nhân này trong cuốn sách trước, Hướng Về Cõi Đời Đời).

Một ân tứ charisma trong đời sống tôi là viết sách. Nếu bạn không theo dõi chức vụ của chúng tôi trong nhiều năm, chắc bạn không biết rằng môn tiếng Anh, môn viết sáng tạo và ngoại ngữ là các môn học cực dở của tôi ở trường. Đôi lúc tôi nghĩ các giáo viên tiếng Anh của tôi cho tôi qua chỉ vì họ không chịu đựng tôi thêm một năm nữa!

Khi lớp của chúng tôi được giao bài tập viết chỉ một hay hai trang, tôi phải mất nhiều tiếng để hoàn tất một bài tập mà đáng lẽ chỉ là bài tập nhanh. Tôi viết một hay hai câu, nhìn chằm chằm vào nó trong vài phút, và với mỗi phút giây trôi qua, càng thấy chán ghét vì câu cú nghe thật thảm bại và rời rạc. Cuối cùng, tôi vò nhàu tờ giấy và bắt đầu viết lại. Tôi lặp đi lặp lại điều này, lãng phí rất nhiều giấy trắng, nhiều thời gian và trí não. Tôi nhớ có những lần tôi viết khoảng hơn một tiếng mà vẫn không xong được hai đoạn đầu tiên.

Nếu bạn nghi ngờ phần đánh giá của cá nhân tôi, thì để tôi trích điểm SAT. Chắc bạn biết, SAT là kỳ thi bắt buộc trước khi bước vào trường cao đẳng hay đại học. Thời đó tôi thi có hai môn chính là toán và thi thuyết trình. Bài thi thuyết trình, thực chất là thi tiếng Anh. Bài thi kiểm tra các khả năng đọc viết. Điểm cao nhất bạn có thể đạt được là 800. Điểm phần thi nói của tôi là 370 (vâng, bạn đọc đúng rồi đấy). Nếu bạn nhìn vào phần trăm thì đó là con số 42 phần trăm to tướng – điểm F theo cách chấm của phần lớn bảng điểm theo đường cong. Trong suốt những lần đi đây đi đó hơn ba mươi năm nay, tôi chỉ gặp một người có điểm thi nói SAT thấp hơn tôi.

Bây giờ chúng ta hãy đi nhanh đến những năm đầu tuổi ba mươi của tôi. Một buổi sáng mùa hè năm 1991, trong lúc cầu nguyện tại một nơi vắng vẻ, Chúa phán với tôi: “Con trai, Ta muốn con viết sách.”

Trong thâm tâm tôi cười, “Chúa ơi, chắc chắn Ngài có quá nhiều người trong chúng con là những con trai và con gái của Ngài trên đất nên Ngài lẫn lộn chúng con với nhau. Ngài không muốn con viết sách đâu; Ngài chỉ cần hỏi các giáo viên tiếng Anh của con ở trường trung học.”

Không có hồi đáp nào cả. Chỉ là sự yên lặng.

Tôi coi sự yên lặng của Ngài là sự đồng ý. Tôi thuyết phục bản thân không nên viết, vì Ngài không trả lời lại gì cả. Nhưng lòng tôi biết rõ hơn.

Mười tháng sau, hai người nữ khác nhau từ hai tiểu bang khác nhau đến với tôi, cách nhau hai tuần lễ và nói những lời y hệt: “John Bevere, nếu anh không viết những gì Chúa ban cho anh để viết, Ngài sẽ ban sứ điệp cho người khác, và một ngày kia anh sẽ phải giải trình về điều đó.”

Khi người phụ nữ thứ hai từ Texas nói những lời y hệt mà người nữ đầu tiên từ Florida đã nói, thì sự kính sợ đến trên tôi và tôi đã hành động. Đó là năm 1992, lúc đó không có Ipad, chỉ có bút và giấy, thế là tôi lấy một mẩu giấy và viết bằng các chữ cái in đậm HỢP ĐỒNG trên đầu trang giấy. Sau đó tôi viết tiếp:

Lạy cha, con không viết được. Vì thế để vâng lời Ngài, con cần ân sủng! Nếu con viết, thì con cầu xin mỗi từ sẽ được truyền cảm hứng bởi Thánh Linh của Ngài và được ngập tràn sự xức dầu của Ngài. Con cầu xin những lời con viết sẽ thay đổi những người nam, người nữ, những em thiếu nhi, những hội thánh, những thành phố và những quốc gia. Con tuyên thệ trước là con dâng cho Ngài mọi sự tôn trọng, ngợi khen, vinh quang và sự tạ ơn. Con đóng ấn hợp đồng (giao ước) này với Ngài trong Danh Chúa Giê-su.

Con trai và là đầy tớ của Ngài, John Bevere

Chúng ta hãy quay nhanh đến ngày hôm nay, gần ba mươi năm sau. Hiện tôi đã viết hơn hai mươi cuốn sách và được phát hành hàng chục triệu bản. Nhiều cuốn sách nằm trong số đó được liệt là sách bán chạy ở cả thị thường bên ngoài lẫn thị trường Cơ Đốc, cả trong nước lẫn quốc tế. Các sách này được dịch trên một trăm ngôn ngữ trên khắp thế giới, và ở một số nước nó được xuất bản cho độc giả bên ngoài lẫn cho Cơ Đốc nhân.

Trong phần lớn các sách này, hai đến ba mươi phần trăm nội dung sách được viết là những gì tôi đã không nghe trước, đọc trước hay nghĩ trước gì cả. Những lời này đã đến đến với tôi trong lúc đánh máy tính. Tôi nhớ vài lần ở văn phòng tại nhà hay ở phòng khách sạn, tôi bị choáng ngợp bởi những gì tôi viết ra. Vài lần trong số đó tôi đã nhảy và la lớn, “Ồ, hay quá!”

Có thể bạn hỏi, “Sao anh có thể nói thế? Đó là kiêu ngạo.

Tôi sẽ trả lời điều này, tôi biết nội dung đó từ đâu đến – không phải tôi. Tôi tin tưởng hết lòng rằng tên của tôi ghi trên các cuốn sách này vì tôi là người đầu tiên dưới đất này được đọc trước nội dung! Tôi biết những lời này đến từ Thánh Linh. Cũng giống như sứ đồ Phao-lô, người cũng có vẻ hơi kiêu ngạo khi ông viết những lời này, “Tôi đã làm việc siêng năng hơn bất cứ sứ đồ nào khác.” Nói thế nghe như một người có tính tình hay cạnh tranh, tự cao tự đại và ích kỷ hay sao? Tuy nhiên, từ Kinh Thánh chúng ta biết rằng Phao-lô đang khoe về ân tứ thuộc về ân sủng của Chúa hơn là khả năng riêng của ông.

Cá nhân tôi tin rằng khi Chúa phán với tôi trong sự cầu nguyện buổi sáng mùa hè đó, ơn charisma để viết đã được khai phóng cho đời sống tôi. Nhưng nó không được kích hoạt cho tới khi tôi quyết định vâng lời Chúa. Có một số người sẽ tranh luận ở điểm này, và cho phép tôi nói thẳng, tranh cãi là không quan trọng đủ. Tôi biết tôi có thể sai trong niềm tin của mình, vì thế hãy để tôi nói điều mà những người khác sẽ gặp phải.

Một số người sẽ cho rằng ơn đó được ban lúc tôi tái sanh năm 1979. Tôi không thể giải quyết phần trình này bởi kinh nghiệm vì tôi không cố gắng viết bất cứ điều gì giữa năm 1979 đến 1992 khi tôi viết hợp đồng. Một điều tôi có thể nói chắc: tôi không được sinh ra với ơn này giống người chơi piano mà tôi đã mô tả trong chương này. Tuy nhiên, điều này giải quyết ý chính – một số ơn được ban cho ngay từ lúc sinh. Ví dụ, theo Kinh Thánh chúng ta biết Giăng Báp-tít được đầy dẫy Thánh Linh của Chúa (Đấng ban các ơn) từ trong lòng mẹ, vì ông đã nhận ra Đấng Christ hằng sống trong lòng Ma-ry khi ông vẫn còn ở trong lòng của mẹ mình là Ê-li-sa-bét (Xem Lu-ca 1:41). Ba mươi năm sau, ơn này cũng ở trên Giăng – có thể nhận ra Chúa Jêsus (trước bất cứ ai) khi Ngài đến chịu báp-tem (xem Giăng 1:29).

Mặt khác, một số ơn đến sau. Sau-lơ, con trai của Kích, ban đầu không phải là người nói tiên tri. Điều này đã không xảy ra cho tới khi ông là một thanh niên và Sa-mu-ên xức dầu cho ông để trở thành vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên. Sa-mu-ên nói rằng Sau-lơ về sau sẽ thấy một nhóm những người chơi nhạc cụ và nói tiên tri. Trích thẳng lời của Sa-mu-ên, “Thần linh của CHÚA sẽ chiếm ngự con, con cũng sẽ hăng say nhảy múa và nói tiên tri cùng với họ; con sẽ trở thành một người khác.” (1 Sa-mu-ên 10:6).

Khi xem hai lời chứng khác nhau này từ Kinh Thánh, chúng ta thấy rõ một số ơn được ban cho từ lúc trong lòng mẹ và có những ơn khác được ban cho về sau.

CHARISMA RAO GIẢNG

Một ơn charisma khác trong đời sống tôi là giảng luận trước công chúng. Chia sẻ về ơn này sẽ củng cố sự hiểu biết của chúng ta.

Lần đầu tiên vợ tôi, Lisa, đã nghe tôi giảng Lời Chúa trong một buổi nhóm đáng nhớ. Không phóng đại, đó là một thất bại thảm thê, tôi không có phóng đại đâu. Cô ngủ gục trong vòng năm phút đầu khi tôi giảng sứ điệp, tiếp tục gục lên gục xuống suốt cả bài giảng. Đó là một sứ điệp khủng khiếp. Thật ra thì bạn thân của cô là Amy, ngồi cạnh cô, cũng đã ngủ gục tới mức tôi thấy nước miếng chảy ra. Nên thú thật là tôi đã từng là một người giảng tệ nhất cho công chúng.

Lúc đó tôi đang phục vụ trong hội thánh địa phương của tôi với tư cách phụ tá cho ông bà mục sư của tôi. (Hội thánh của chúng tôi rất ảnh hưởng ở Mỹ, có hơn bốn trăm nhân sự được trả lương.) Nhiệm vụ của tôi là chăm lo các nhu cầu của gia đình mục sư và tất cả những mục sư khách mời đến hội thánh chúng tôi. Ở đây rất rõ ràng, trách nhiệm của tôi trong Nước Chúa, không phải là ơn giảng dạy mà là phục vụ phía sau hậu trường. (Tôi sẽ nói về điều này ở chương sau).

Dẫu vậy, tôi bắt đầu chức vụ riêng của mình vì Chúa đã cho tôi thấy rằng tôi sẽ công bố Lời Ngài cho các nước trên thế giới. Lỗi lầm của tôi lúc đó: Tôi đã làm bởi sức riêng của mình. Và lúc đó tôi vẫn còn trong thời kỳ phục vụ chức vụ của người khác – trung tín với tài sản của người khác (xem Lu-ca 16:12). Tôi đã dùng tất cả thời gian rảnh và sức lực để sản xuất, giới thiệu và tiếp thị các sứ điệp của mình. (Thật tốt hơn nhiều nếu tôi tập trung vào việc làm một đầy tớ tốt hơn và một người chồng tốt hơn với vợ tôi suốt quãng thời gian đó, nhưng đôi khi chúng ta phải học những “bài học cay đắng”).

Nói ngắn gọn, tôi đã sinh ra một “chức vụ Ích-ma-ên. Tại sao tôi lại gọi thế? Có một sự tương quan trong Kinh Thánh. Chúa phán với Áp-ram (Áp-ra-ham) lúc ông bảy mươi lăm tuổi rằng ông sẽ làm cha của một đứa con theo lời hứa và cuối cùng qua đó mà ông trở thành cha của nhiều nước. Mười năm sau khi nghe lời hứa đó, vẫn không có đứa con nào, và bây giờ ông tám mươi lăm tuổi. Vì thế Áp-ra-ham cùng vợ mình là Sa-rai đã bày ra một kế hoạch để “giúp” Chúa làm ứng nghiệm điều Ngài đã hứa. Ích-ma-ên đã được sinh ra từ nỗ lực vô ích của con người. Vì vậy, tôi đồng hóa hình bóng của nỗ lực này như là chức vụ Ích-ma-ên.

Thật khó để mà tin, nhưng một số người thật sự đã dâng tiền cho tôi. Tôi có các bài giảng này trong một sứ mạng mà do tôi lập lên có tên là “Bevere Ministries.” Khẩu hiệu của chúng tôi là “Vươn Tới Thế Giới Qua Ánh Sáng Kỳ Diệu Của Ngài.” Tôi phải bật cười cho sự ngu muội và dại khờ của tôi lúc đó khi tôi viết những lời này. Loạt băng cát-xét Ích-ma-ên đầu tiên gồm sứ điệp có bốn phần đã ru ngủ vợ tôi và người bạn thân của cô ta! Không biết có bao nhiêu người khác đã bị ru ngủ và chảy nước miếng khi nghe loạt bài giảng đó? Tôi giật mình khi nghĩ về điều đó!

Dù tin hay không, câu chuyện còn bi đát hơn. Trong thời gian này anh hùng của tôi là một nhà truyền giảng vĩ đại T.L. Osborn, giờ ông ở thiên đàng. Trong quãng đời mình ông cùng vợ đã dẫn hơn năm mươi triệu người tin Chúa. Tôi muốn rập khuôn sự giảng luận của mình theo ông. Tôi lắng nghe các sứ điệp của ông liên tục nhiều giờ, học về giọng điệu của ông, cách di chuyển của ông, các lời dạy của ông, các câu nói nhấn mạnh của ông và thậm chí khiếu hài hước của ông. Tự thân tôi không chỉ là một tay giảng nhàm chán mà bây giờ còn là tên bắt chước thật khủng khiếp.

T.L Osborn là một nhà truyền thông bậc thầy. Khi ông giảng trong hội thánh chúng tôi, mọi người chú ý lắng nghe từng lời. Một lần ông nói về sự vận hành lớn lao của Chúa tại một trong những chiến dịch lớn ở Phi Châu. Trong lúc chia sẻ với chúng tôi, ông choáng ngợp với những phép lạ phi thường đến nỗi ông phấn khởi la lên, “Ồ!” Sau đó ông dừng – chúng tôi rất phấn khởi – và ông thốt lên một lời nói đùa, “Từ kỳ diệu đó phải nói lại đó là “Ồ”. Mọi người bật cười và những lời này nói ra một cách tự nhiên.

Do quá khờ dại và ngây thơ, tôi lượm lặt hết và rồi cứ nói hoài từ “Ồ”. Tôi làm y hệt cách ông T. L Osborn đã nói theo kiểu của ông. Vấn đề duy nhất là tôi nói không ai bật cười, nhưng trớ trêu thay là lúc đó tôi lại không hiểu chuyện gì xảy ra.

Sau những lần thất bại ê chề trong nỗ lực cá nhân như thế, cuối cùng tôi suy sụp hoàn toàn. Nhưng sau đó có một sự thay đổi kỳ diệu xảy ra. Một lần nữa tôi bắt đầu thích thú vị trí phục vụ của mình. Bây giờ tôi dành thời gian rảnh cho gia đình và bạn bè của mình. Cuộc sống bây giờ đầy đủ, sung túc và thỏa lòng là sự cố gắng đã qua đi rồi. Một khi tôi tìm thấy sự thỏa lòng thật, thật dễ để nhìn thấy tất cả các nỗ lực của tôi là vô ích, rất dễ để dẹp luôn cái mục vụ “Bevere Ministries”. Tôi biết rằng một ngày kia Chúa sẽ thực hiện điều Ngài đã hứa, và nó sẽ không xảy ra bởi sự khởi xướng của tôi.

Một khi tôi đi đến chỗ bình an và thanh bình này, bạn đã đoán rồi; chỉ trong vài tháng sự cất nhắc của Chúa đến. Tôi được mời làm mục sư thanh niên của một trong những hội thánh tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ.

Tôi sẽ không bao giờ quên Chủ Nhật đầu tiên. Mục sư của hội thánh chúng tôi rất nổi tiếng thế giới. Trong thời gian này, người ta xếp hàng mỗi Chủ Nhật hơn một giờ dưới cái nóng để có một chỗ ngồi tốt trong khán phòng, mỗi buổi nhóm khán phòng đều chật ních. Luôn có những vị khách từ các tiểu bang và các nước khác đến dự buổi nhóm của chúng tôi.

Buổi nhóm chật ních người dự. Chúng tôi có thì giờ thờ phượng tuyệt vời. Một trong những điều đầu tiên mục sư của chúng tôi làm khi lên bục giảng là thông báo với hội thánh về mục sư thanh niên mới – đó là tôi. Đang lúc ngạc nhiên, vào sáng Chủ Nhật mục sư bảo tôi tiến lên và nói chuyện với đám đông vài phút.

Lúc đó tôi không biết vợ tôi đã hoảng sợ. Chắc chắn tôi cũng hoảng sợ nếu tôi có thời gian để suy nghĩ về việc đó. Bị sốc! Tôi được yêu cầu nói chuyện với hai nghìn tám trăm người. Li-sa sợ vì cô ta biết từ kinh nghiệm quá khứ, cô biết thế nào tôi cũng “cà khịa” nữa. Làm sao mà chúng tôi hoàn hồn do sự cố mới vừa xảy ra đó? Có lẽ lần đầu mà cũng là lần cuối dân sự Chúa trong cái nhà thờ này nghe tôi chia sẻ, vì chắc chắn sau bài nói chuyện này, tôi sẽ không được mời giảng cho buổi nhóm chính nữa. Tất cả những nỗi sợ này ập đến cô khi tôi tiến lên bục giảng. Sau đó cô nói với tôi rằng cô vừa cầu nguyện vừa lo để tôi không bắt chước kiểu của ông T.L Osborn, đặc biệt là cứ nói hoài cái từ “Ô” khô khan cộc lốc này.

Khi lên tới bục giảng, mục sư quản nhiệm đưa cho tôi cái mi-crô. Trong vòng sáu mươi giây, toàn bộ hội thánh đứng dậy cổ vũ, vỗ tay và la lớn trong sự phấn khởi về điều tôi sắp nói. Tôi nói bốn đến năm phút, cho hai ngàn tám trăm người đang đứng suốt khoảng thời gian đó. Sau đó tôi đưa mi-crô lại cho mục sư của tôi và trở về chỗ ngồi. Tôi run cầm cập đến năm phút liền một là do chất adrenaline hay là do sự hiện diện của Chúa, hay là do cả hai.

Vợ tôi điếng người, không tin về những gì vừa mới xảy ra. Cô nói với tôi sau buổi nhóm, “John, em mới nghĩ, Ai vừa mới “nhập” vào xác của chồng mình vậy?”

Trong thời gian đầu hầu việc Chúa đó chúng tôi sống tại Texas, nhưng nhà thờ ở tận Florida. Suốt nhiều năm, cách mà vợ tôi mô tả về chuyện này cho những người dò hỏi như thế này: “John đã biến thành một con người khác lúc chúng tôi đi qua địa phận Florida.” Sau-lơ cũng đã được mô tả như thế khi ơn của Chúa đến trên đời sống của ông (xem 1 Sa-mu-ên 10:6).

Từ thời điểm đó trở đi tôi đã dạy dỗ và rao giảng trước rất nhiều khán giả và phần lớn thời gian tôi làm rất dễ dàng (Tôi sẽ giải thích gặp những lúc khó khăn ở chương sau). Giảng dạy không còn là một sự lao nhọc nữa. Nó đến mà không cần sự cố gắng mà tôi đã trải qua trong những tháng ngày Ích-ma- ên của mình. Kết quả khác biệt giữa thời điểm Ích-ma-ên và Y-sác thật quá rõ ràng.

Chúng ta hãy đi nhanh đến chín mười năm kể từ ngày Chủ Nhật đầu tiên đó ở Florida. Tới lúc này, Messenger International đã được thiết lập hoàn chỉnh. Chúng tôi dọn dẹp nhà xe của mình vào mùa xuân. Trong lúc dọn dẹp đồ đạc trong kho, chúng tôi tìm thấy các cuốn băng gốc, có cả cuốn băng giảng đã làm cho vợ tôi và người bạn thân của cô ngủ gục. Tôi liền quay sang ném nó vào thùng rác. Bất chợt, tôi nghe Thánh Linh nói với tôi: “Con trai, đừng ném bỏ cuộn băng gốc đó.”

Tôi nhanh chóng đáp lại, “Tại sao không ạ? Nó thật khủng khiếp; không ai nên nghe lại sứ điệp đó nữa đâu. Nó phải bị hủy bỏ.”

Lần nữa, tôi nghe, “Đừng làm điều đó.”

Biết rõ đã nghe từ Chúa, tôi hỏi vặn lại, “Tại sao, Chúa ơi?”

“Đó là sự bảo vệ cho con,” Chúa phán rõ trong lòng tôi. “Sự bảo vệ?”

Rồi sự khôn ngoan này đến: “Con trai, Ta muốn con biết không có Ta thì con là một người ăn nói tệ hại như thế nào.”

Mỗi năm trôi qua, tôi càng nhận ra “yếu tố bảo vệ” này càng rõ hơn. Trong ba thập kỷ qua, ơn này đã vận hành cách quyền năng, sản sinh ra vô số những bông trái. Trong nhiều trường hợp, tôi chứng kiến bầu không khí thuộc linh thay đổi, sự ca ngơi Chúa tràn ngập và những sự khải thị tuôn tràn, vô số cuộc đời được cứu rỗi, và nhiều phép lạ được bày tỏ. Nhiều người làm chứng về việc đời sống và hội thánh của họ đã được thay đổi vĩnh viễn như thế nào. Có tất cả kết quả này, thật dễ để suy nghĩ rằng tôi có công trạng gì trong đó, nhưng tôi có thể thành thật nói cùng với sứ đồ Phao-lô, “Thật ra không phải chính tôi mà là ân sủng Đức Chúa Trời đã hành động trong tôi.” (1Cô-rinh-tô 15:10). Suốt những năm tháng ấy, tôi đã không quên nếu không có ơn của Chúa, tôi là người tệ hại như thế nào.

BẠN CÓ ĐƯỢC ƠN KHÔNG?

Trong số các ơn Chúa ban thì trong đời sống tôi có hai ơn là phục vụ và gây dựng người khác. Bạn có thể liên tưởng tới những sự tranh chiến tôi đã từng trải không? Có lẽ việc này làm cho những tranh chiến của chính bạn khi xác định ơn charisma trong đời sống bạn xem như bình thường. Hay, có thể khi bạn đọc những câu chuyện này, sự thất vọng của bạn tăng lên khi bạn suy nghĩ, tôi chẳng có ơn gì cả. Tôi bảo đảm là bạn có đấy, và câu chuyện sẽ trở nên rõ ràng trong hai chương sau.

Tôi đã hứa trả lời câu hỏi: Có phải một số người, hay nhiều người hay tất cả con cái Chúa đều nhận ơn tứ? Câu trả lời ngay là có! Lát nữa tôi sẽ chứng minh điều này từ Kinh Thánh. Không chỉ câu hỏi này được giải quyết thấu đáo, nhưng trước khi đọc hết cuốn sách, bạn sẽ hiểu rõ về cách xác định ơn charisma của mình, cách phát triển và vận hành nó, theo đó mà nhân cấp hiệu năng của bạn trong việc xây dựng Nước Chúa.