5 - Trung Tín

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 5 tháng trước

.

5

Trung Tín

Sứ đồ Phao-lô xem A-pô-lô và bản thân ông là các đầy tớ của Chúa Giê-su và là những người quản trị các ơn được tín thác cho họ. Ở chương trước, chúng ta biết rằng danh tính này không chỉ áp dụng cho hai thánh đồ vĩ đại này hay chỉ cho một lãnh đạo hội thánh hiện tại, nhưng cho mỗi tín hữu. Bạn và tôi cũng là các đầy tớ của Chúa Giê-su Christ, và cách chúng ta hoàn tất vai trò này chính là trở thành những quản gia tốt, khéo quản trị các ơn được giao cho chúng ta.

Bây giờ chúng ta sẽ quay sang để ý đến điều mà đòi hỏi nơi người quản gia, và chỉ có một thuộc tính được liệt kê: sự trung tín. Trước khi đi sâu hơn, chúng ta hãy suy ngẫm sự thật là nét đặc trưng được liệt kê không phải một, hai, ba hay nhiều hơn. Phao-lô có thể nói rằng người quản gia thì đòi hỏi phải biểu lộ sự vui mừng, sự mạnh mẽ hay phải là học giả Kinh Thánh, hay phải có sự nhiệt huyết hay bất kỳ đặc điểm tin kính nào. Tôi không phản đối tầm quan trọng của tất cả những thuộc tính này. Tuy nhiên, tôi muốn chỉ ra rằng chỉ có một đặc điểm được liệt kê và đây là điều bắt buộc. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta tập trung tâm trí vào đức hạnh này nếu chúng ta muốn trở thành những quản gia tốt và rồi một ngày kia sẽ nghe Chủ nói với chúng ta, “Được lắm.”

ĐỊNH NGHĨA SỰ TRUNG TÍN

Tôi có đặc ân chia sẻ cho các lãnh đạo khắp thế giới – không chỉ cho những người trong chức vụ, dù phần lớn là cho các chức vụ – nhưng cả cho những lãnh đạo ở công ty, chính phủ, thương trường, giáo dục và thể thao. Tôi đã vài lần bảo những người tham dự đưa ra định nghĩa về từ trung tín. Là các lãnh đạo, họ hào hứng phát biểu. Sau khi nghe những câu trả lời tương tự trong hầu hết các buổi hội thảo, tôi quyết định lập ra một danh sách những câu trả lời phổ biến nhất:

● Vững vàng

● Kiên định

● Đáng tin cậy

● Đáng tin

● Trung thành

● Chân chính

● Tận hiến

● Đáng tin tưởng

● Cương quyết

● Vâng lời

Cũng có những câu trả lời khác, nhưng đây là những câu trả lời phổ biến nhất. Quan trọng hơn là tất cả những câu trả lời này phù hợp với các định nghĩa của từ điển.

Dù vậy thì có một định nghĩa rất quan trọng mà tôi không nghe nói đến dù chỉ một lần trong bất kỳ ngữ cảnh nào : “sự nhân cấp.”

Có thể bạn nghĩ ngay, Sự nhân cấp ư? Đó không phải là một định nghĩa về trung tín! Có thể bạn cũng thắc mắc về kỹ năng thuyết trình như các giáo viên tiếng Anh cũ của tôi. Tuy nhiên, tôi bảo đảm với bạn rằng đọc tới cuối chương này, bạn sẽ không chỉ đồng ý, mà còn xem đây là một trong những định nghĩa quan trọng nhất về sự trung tín.

DỤ NGÔN VỀ CÁC TA-LÂNG

Để nói về sự nhân cấp, chúng ta hãy đọc dụ ngôn của Chúa Giê-su về các ta-lâng. Xin hãy đọc kỹ, dẫu bạn đã đọc nó nhiều lần trước đây.

Nước Thiên Đàng cũng ví như một người kia sắp đi xa nên gọi tôi tớ lại để giao tài sản mình cho họ. (Ma-thi-ơ 25:14).

Trước tiên, đây là một dụ ngôn; vì thế, nó là biểu tượng chứ không phải hiểu theo nghĩa đen. Vì vậy, chúng ta cần giải nghĩa nó trong ánh sáng của sự hiểu biết theo Kinh Thánh – toàn bộ mưu luận của Lời Đức Chúa Trời. Người thái tử đi phương xa đại diện cho Chúa Giê-su. Công tác quản lý được giao cho mỗi đầy tớ của ông – họ tiêu biểu cho bạn và tôi.

Tiếp theo, hãy để ý là chuyến đi xa của chủ củng cố cho hai sự thật. Trước tiên, gần hai ngàn năm từ khi Chúa Giê-su giao cho chúng ta đảm trách vương quốc – vì vương quốc đó mà Ngài chịu chết. Rõ ràng, Ngài chưa trở lại, nhưng ngay tại thời điểm này trong lịch sử thì thời gian đã rất lâu rồi.

Thứ ba, dụ ngôn này một lần nữa cho thấy chức quản gia không được quản lý ở cấp dưới. Người chủ trong dụ ngôn sẽ không đi xa và rồi trở lại mỗi tháng để kiểm tra xem tiến độ của các quản gia. Theo dụ ngôn thì chủ không kiểm tra công việc tiểu tiết của họ cho tới khi ông trở lại.

Chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện:

Ông giao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người nọ một nén, mỗi người tùy theo khả năng, rồi lên đường. (Ma-thi-ơ 25:15).

Trong câu chuyện này, họ được giao cho tiền. Phần lớn các bản dịch Kinh Thánh dùng từ ta-lâng, và từ này thực sự là chính xác nhất vì từ Hy Lạp là talanton. Một ta-lâng là trọng lượng để cân nặng và phần lớn dùng để cân vàng và bạc. Một ta-lâng khoảng 17kg. Phần lớn các chuyên gia ước tính một ta-lâng bạc giá trị khoảng 18,000 Mỹ kim (những người khác ước tính khác, nhưng không quan trọng). Điều mà tất cả các chuyên gia đồng ý là Tân Ước trình bày một ta-lâng là một số tiền lớn. Mười bảy ký bạc không phải là số tiền ít.

Dựa trên cách tính của tôi, thì cá nhân tôi không nghĩ số lượng chính xác là quan trọng cho sự giải nghĩa dụ ngôn này. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể tự tin kết luận là một ta-lâng tiêu biểu cho một trách nhiệm quan trọng.

Tôi tin Chúa Giê-su không nói về tiền bạc, dù nguyên tắc của nó thì có thể áp dụng. Trong dụ ngôn Chúa Giê-su hiếm khi dùng sự trình bày chính xác về điều đang nói đến. Ngài dùng lúa mì để nói về người tin kính, cỏ lùng nói về kẻ ác, hạt giống để nói về Lời Chúa, gai gốc để nói về những lo lắng của cuộc sống, mùa gặt để nói về tận thế, con gặt để nói về thiên sứ và nhiều nữa. Theo như mục đích chung của Tân Ước, chắc chắn các ta-lâng này đại diện cho ơn charisma, các ơn được tín thác cho chúng ta.

Một ý quan trọng của câu chuyện này là mỗi đầy tới không được cho cùng một số lượng. Chúng ta sẽ nói về sự thật này sâu hơn sau này, nhưng đây là lý do, tôi đã nói những sự tín thác của chúng ta là “những ân tứ.” Một số người thì có một, số khác thì có hai và số khác nữa có nhiều hơn.

Số lượng khác nhau cũng đại diện cho tầm quan trọng của các ơn của chúng ta. Chúng ta hãy thẳng thắn mà nói rằng có một số người có những ơn tuyệt vời hơn những người khác. Có nhiều người có ơn ca hát, họ truyền cảm hứng cho tất cả những ai nghe họ. Nhưng tất cả những người ca hát không có cùng tài năng như Celine Dion hay Andrea Bocelli có. Vì thế, nếu bạn buộc tôi phải nói thì tôi sẽ nói rằng mỗi ta-lâng tượng trưng một ơn nhất định, hay nói rõ ràng hơn, có thể tượng trưng cho tầm quan trọng của một ân tứ nào đó. Chúng ta hãy đọc tiếp:

Người đầy tớ đã nhận năm nén bạc lập tức đi kinh doanh và làm lợi được năm nén bạc nữa. Người nhận hai nén bạc cũng thế, làm lợi thêm hai nén nữa. Nhưng người nhận một nén bạc, đi đào đất chôn giấu nén bạc của chủ. (Ma-thi-ơ 25:16-18).

Hãy để tôi nhân cách hóa câu chuyện này bằng cách đặt tên cho các đầy tớ. Chúng ta gọi đầy tớ đầu tiên là Allison, người thứ hai là Bob và người thứ ba là Larry. Allison bắt đầu với năm và đã nhân cấp số đã được cho cô và kết quả cô có mười. Bob đã nhân cấp hai ta-lâng của mình và kết quả có bốn. Tuy nhiên, Larry đã không nhân cấp ơn được tín thác cho anh ta nhưng lại giữ nó. Chúng ta hãy đọc lần lượt như thế này:

Allison: 5 x 2 = 10

Bob: 2 x 2 = 4

Larry 1 = 1

Từ điểm này trở đi, tôi sẽ nhân cách hóa câu Kinh Thánh này theo các tên gọi chúng ta đặt cho mỗi đầy tớ.

SỰ PHÁN XÉT

Điều quan trọng là cần chỉ ra rằng trong dụ ngôn này Chúa Giê-su nhấn mạnh từ xa. Câu chuyện này bắt đầu với phần mô tả về một chuyến đi xa (lâu ngày), và một lần nữa, Ngài nói, “Sau đó khá lâu, chủ của các đầy tớ ấy trở về và tính sổ với họ.” (Ma-thi-ơ 25:19). Sự kê khai mà chủ đòi hỏi từ mỗi quản gia tượng trưng sự phán xét mỗi chúng ta sẽ đối diện về cách chúng ta đã dùng các ơn được giao cho chúng ta. Chúng ta hãy xem Allison trước:

Allison đã nhận năm nén bạc, đã làm thêm năm nén khác đến trình: ‘Thưa chủ, năm nén bạc chủ giao, tôi đã làm lợi thêm được năm nén nữa đây.’

Hãy lắng nghe sự phân xử từ chủ của cô:

“Chủ bảo rằng: ‘Giỏi lắm, cô là đầy tớ tốt và trung tín! Cô đã trung tín trong các việc nhỏ, ta sẽ đặt cô cai quản những công việc lớn hơn, hãy vào chung vui với chủ cô.’ (Ma-thi-ơ 25:20-21).”

Đây là một ý rất quan trọng chúng ta không được bỏ qua: Chủ nói, “Ngươi đã trung tín.” Bạn có thể diễn giải câu trả lời của chủ cách nào bạn muốn, nhưng không có sự giải nghĩa nào khác; Chúa Giê-su quy sự trung tín cho sự nhân cấp. Hãy đọc lại kỹ những lời khen của chủ; không có điều gì khác Allison đã làm được nhấn mạnh! Ngài không nói là cô đã vững vàng, đáng tin cậy, trung thành, tận hiến, chân thật hay bất cứ định nghĩa nào về trung tín. Đừng hiểu sai – tất cả những thuộc tính đáng ngưỡng mộ này mô tả sự trung tín, nhưng nó không được đề cập hay nhấn mạnh ở đây. Ngài cũng không chỉ ra bất kỳ đức hạnh nào, hành động nào khác hay kết quả nào của công việc quản gia của cô, mà chỉ nói cô đã nhân cấp lên. Vì thế, Ngài kết nối sự trung tín với sự nhân cấp một cách trực tiếp!

Bob cũng đúng như vậy. Hãy đọc kỹ câu chuyện của anh ta:

Bob đã nhận hai nén bạc cũng đến trình: ‘Thưa chủ, hai nén bạc chủ giao, tôi đã làm lợi được hai nén khác đây.’

Cũng vậy, hãy nghe sự phán xử từ chủ của anh:

Chủ bảo rằng: ‘Giỏi lắm, anh là đầy tớ tốt và trung tín. Anh đã trung tín trong các việc nhỏ, ta sẽ đặt anh cai quản những công việc lớn hơn, hãy vào chung vui với chủ anh!’ (Ma-thi-ơ 25:22-23).

Một lần nữa, Chúa Giê-su đồng hóa trực tiếp sự trung tín với sự nhân cấp. Không có điều gì khác – hành động, đức hạnh, kết quả – được nhấn mạnh! Chúa Giê-su không muốn sự nhấn mạnh của chủ bị phai nhạt; chỉ có một bài học. Người này đã nhân cấp điều được giao cho anh ta và rõ ràng việc này được ví ngang hàng với việc trung tín.

Lời khen Bob nhận cũng chính xác từng lời từng chữ một như điều chủ đã nói với Allison. Điều này tiết lộ rằng vào ngày phán xét, “điểm” sự nhân cấp của chúng ta sẽ căn cứ vào sức lao động của chúng ta. Chúa Giê-su sẽ hài lòng với chúng ta giống nhau, bất kể chúng ta có bao nhiêu ân tứ hay ân tứ đó quan trọng thế nào. Điều duy nhất quan trọng là chúng ta có nhân cấp lên không?

Một bà mẹ nội trợ là một ví dụ, bà đã nhân cấp hiệu năng của mình. Bà sẽ được khen ngợi như nhà doanh nghiệp mà đã nhân cấp công việc kinh doanh và sự dâng hiến của anh ta cho Nước Chúa.

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sự chú ý sang Larry:

Larry đã nhận một nén bạc cũng đến trình: ‘Thưa chủ, chủ là người nghiêm nhặt, gặt chỗ mình không gieo và thu chỗ mình không rải. Tôi sợ nên đi chôn giấu nén bạc của chủ dưới đất, tôi xin trả nén bạc lại chủ.’ (Ma-thi-ơ 25:24-25).

Trước khi đến sự phân xử của Larry, chúng ta hãy chỉ ra một số sự thật quan trọng. Trước tiên, Larry đã không nhân cấp; anh ta giữ điều được giao cho mình. Chúng ta cũng hãy để ý lý do tại sao anh không nhân cấp; trước tiên, anh ta không biết bản tính của chủ mình, vì thế anh ta có cái nhìn sai rằng chủ hà khắc. Qua nhiều năm giảng dạy cho các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới và giúp đỡ nhiều cuộc đời khác nhau, tôi thấy một trong những chướng ngại chính đối với sự trung tín là không biết bản chất của Chúa. (Tôi sẽ nói sâu hơn điểm này ở chương sau.)

Khi chúng ta có cái nhìn sai về Ngài, chuyện này thường tạo điều kiện cho vấn đề núp sau việc không nhân cấp – sợ hãi. Larry đã sợ hãi! Sợ hãi, nhút nhát hay nhát sợ sẽ làm tắt nghẽn các ân tứ chân chính trên cuộc đời chúng ta. Điều này rất quan trọng và không thể nào nhấn mạnh đủ. Cá nhân tôi đã nếm biết điều này khi tôi trải qua nó nhiều năm. (Tôi cũng sẽ bàn sâu vấn đề này ở chương sau.)

Bây giờ chúng ta hãy xem sự phân xử của Larry:

Chủ trả lời: ‘Anh là đầy tớ gian ác và lười biếng! Anh biết ta gặt chỗ ta không gieo và thu chỗ ta không rải. (Ma-thi-ơ 25:26).

Ôi! Chúng ta hãy dừng lại và xem câu này trước khi đi tiếp. Hãy nhớ cả ba người, không chỉ Allison và Bob, nhưng cả Larry cũng là đầy tớ, không phải người ngoài cuộc. Chủ của họ là người đánh giá sức lao động của họ. Larry không nghe những lời, “Làm tốt lắm, hỡi người đầy tớ ngay lành và trung tín,” giống như hai người kia. Ngược lại, anh ta nghe, “Hỡi người đầy tớ gian ác và lười biếng!” Điều này chắc chắn thu hút sự chú ý! Chúa Giê-su không nói về sự cứu rỗi, nhưng nói về sự phán xét về cách chúng ta dùng các ơn của mình – hoặc là được thưởng cho sức lao động của chúng ta hoặc là bị mất hết phần thưởng.

Chúng ta hãy xem kỹ những lời nghiêm khắc của chủ. Chúng ta sẽ bắt đầu với những quở nhẹ nhàng trước. Từ Hy Lạp nói về sự lười biếng okneros. Từ này được định nghĩa là, “chùn lại hay lưỡng lự tham gia vào công việc quan trọng, ngụ ý thiếu đi tham vọng.”

Bạn tôi là Rick Renner, một chuyên gia ngôn ngữ Hy Lạp, nói về okneros, “Nó mang ý niệm về một người vô công rỗi nghề, thờ ơ, hờ hững, lãnh đạm, thái độ hời hợt với cuộc sống.” Từ ba nguồn này, chúng ta thấy định nghĩa trong tiếng Hy Lạp mở rộng sự hiểu biết sâu sắc hơn.

Nếu bạn sợ hãi, bạn sẽ lưỡng lự hay không tham gia một hoạt động mà đáng lý nên tham gia. Nếu bạn lạnh nhạt, bạn thiếu đi động lực để hoàn tất những gì cần phải hoàn tất. Nếu bạn thờ ơ, bạn sẽ không quan tâm đủ để cân nhắc ra tay hành động. Tất cả viễn cảnh đều áp dụng cho từ Hy Lạp này, nhưng người đầy tớ thú nhận, “Tôi sợ hãi.” Ắt hẳn cũng có những khía cạnh khác của việc lười biếng xuất hiện nơi người đầy tớ này, nhưng rốt lại thì sự lưỡng lự do sợ hãi là nhân tố quan trọng hơn cả.

Bạn đã bao giờ cảm thấy được thôi thúc làm điều gì đó – bạn không thể rũ bỏ nó, đặc biệt khi trong sự cầu nguyện – nhưng bạn đã ngập ngừng quá lâu vì bạn sợ thất bại? Rồi sau đó bạn thấy người khác làm việc đó? Rồi bạn nghĩ, Mình đã có ý tưởng đó và đáng lẽ nên hành động. Đây là ý của Chúa Giê-su nói liên quan tới người đầy tớ này. Anh ta đã lưỡng lự và do dự, không chỉ một hay hai lần, mà là lưỡng lự suốt cả thời gian anh làm quản gia. Nếu một hay hai lần thì chấp nhận được, vì chúng ta thường tăng trưởng từ những hoàn cảnh như vậy. Nhưng nếu chúng ta đùa giỡn với sự lưỡng lự quá lâu, nó có thể trở thành một đồn lũy mà cuối cùng dẫn tới sự né tránh hoàn toàn và chức quản gia sẽ không kết quả.

Khi Chúa mới bảo tôi viết sách, tôi đã lưỡng lự mười tháng. Tôi sợ viết lách. Tôi đã trượt ở trong trường hết lần này tới lần khác. Có một bạn cùng lớp ở đại học đã phê bình bài viết của tôi trước mặt mọi người! Một phần của bài tập là phải đọc bài viết của nhau, và phần thảo luận lớp, bạn cùng lớp của tôi đã đề nghị giáo sư rằng anh ta không chấp thuận bài của tôi. Tôi là sinh viên duy nhất nhận sự phê bình từ bạn cùng lớp.

Nỗi sợ viết lách của tôi có cơ sở rõ ràng; điểm SAT và ACT của tôi rất tệ hại, có nhiều lời phê bình tiêu cực từ các giáo viên, từ việc điểm kém, từ bạn cùng lớp, nên lịch sử không đứng về phía tôi. Tất cả những điều này chỉ củng cố cho sự lưỡng lự của tôi. Để viết một cuốn sách sẽ cần một khối lượng thời gian nhiều và thời gian rất là quan trọng. Việc này khiến tôi bị chi phối, không dồn nỗ lực để phát triển chức vụ non trẻ của chúng tôi lúc đó. Tôi phải gác qua những nỗi sợ và những lo lắng này để vâng theo sự hướng dẫn của Ngài.

Nếu tôi lưỡng lự quá lâu và không vâng lời Chúa thì sao? Hậu quả ắt hẳn sẽ chính xác như Chúa phán qua hai người phụ nữ mà tôi đã đề cập. Ắt Ngài đã ban ta-lâng đó cho người khác, ví dụ một “Allison,” người ắt đã hoàn tất sứ mạng. Chắc chắn cô đã nhận nhiệm vụ của tôi rồi. Vậy ngày nay tôi sẽ đang ở vị trí nào đây? Kết cuộc tôi có bị gọi là kẻ “lười biếng” trước ngai phán xét không?

Tôi đã không nhận ra định mệnh của tôi có cả việc viết lách! Nếu bạn nói với tôi lúc tôi hai mươi tuổi, “John, Chúa sẽ sai anh đi đến các nước trên thế giới qua các sách vở của anh,” chắc tôi vừa bật cười vừa đuổi bạn ra khỏi phòng và nói, “Anh điên rồi! Bài viết ba trang tôi còn không viết được đây này.” Nhưng bây giờ các sách của tôi bán chạy trong nước và quốc tế, dịch ra hơn một trăm ngôn ngữ và phát hành hàng chục triệu bản. Nếu tôi đã không vâng lời thì sao? Nếu tôi cho phép sợ hãi kiềm hãm tôi thì sao? Tôi rùng mình khi nghĩ về biết bao nhiêu cơ hội mà tôi đã đánh mất!

Bây giờ, chúng ta hãy tập trung vào từ khó hơn mà chủ nói với đầy tớ thứ ba. Từ gian ác coi bộ quá mạnh, nhưng Chúa Giê-su không bao giờ dùng từ cách bất cẩn. Từ Hy Lạp nói về gian ác poneros. Nó được định nghĩa là “có một lỗi nghiêm trọng và hậu quả là ra vô dụng.”

Liên quan tới cách Larry sử dụng ơn được giao cho anh ta thì định nghĩa này phù hợp. Nó không khác biệt với kết luận “khốn nạn cho tôi” của Phao-lô nếu ông không trung tín với ơn của Chúa trên đời sống của ông. Cái nhìn sai lầm của Larry về bản tính của chủ là một lỗi lầm nghiêm trọng, “đổ thêm dầu” vào nỗi sợ của anh ta. Anh ta đâm ra vô dụng với sự vận hành ân tứ đã được giao cho anh ta. Đây là những lời rất mạnh; Tuy nhiên, nếu bạn so sánh những lời của Phao-lô về nguy cơ không dùng tới ơn của ông với hành vi của Larry thì nghe có vẻ đúng.

Để tôi tóm lại như thế này : những điều trên không liên quan gì đến sự cứu rỗi của chúng ta, nhưng nó liên quan tới cách chúng ta dùng các ơn được giao cho chúng ta. Quan điểm của Đức Chúa Trời là:

Người nào nhân cấp ơn là người ngay lành và trung tín. Người nào chỉ giữ lại ơn thì mắc lỗi lầm nghiêm trọng, sẽ vô dụng và thành ra lười biếng.

Có thể nào quan điểm của chúng ta về sự trung tín vẫn chưa đầy đủ không? Hãy xem ví dụ này: Có một doanh nhân sống trong một khu vực có kinh tế vững chắc và phát triển. Công việc kinh doanh của một cửa hiệu nhỏ mà người chủ đã thừa kế từ cha mình, có sinh lợi nhưng không phát triển lắm. Anh ta có rất nhiều cơ hội để mở các chi nhánh mới từ cửa hàng đó tại những khu vực khác trong thành phố, nhưng dù là có triển vọng kinh doanh như thế, nhưng anh ta thỏa mãn, không muốn phát triển gì thêm.

Bây giờ, để tôi giải thích thêm ngoài lề một tí. Theo ánh sáng về sự phân xử Larry trong dụ ngôn, chúng ta hãy đặt hai câu hỏi quan trọng. Doanh nhân này có nên dùng ơn của anh ta để mở các cửa hàng mới và mạo hiểm bước vào các thị trường khác vì mục đích xây dựng Nước Chúa không? Ước ao “chọn cách an toàn” của anh ta có giống với ý định “giấu ta-lâng” của người đầy tớ không trung tín không?

Chúng ta có dùng tiêu chí tương tự để đánh giá sự trung tín như Chúa Giê-su đã dùng không? Dù người doanh nhân này đang sống một cuộc đời thoải mái, nhưng câu hỏi đặt ra là: Anh ta đang nhân cấp hay đang giấu các ơn của mình đây? Chúng ta hãy thành thật trong đánh giá của mình. Chúng ta có đo lường sự trung tín chỉ qua việc sự đáng tin cậy mà không kể đến sự kết quả không? Ổn định nhưng không có sự mở rộng? Sự nhất quán nhưng không để ý đến sự nhân cấp? Có phải chúng ta đã bỏ qua phạm vi rộng lớn về ý nghĩa của sự trung tín – đó là nhân cấp những ân tứ nào Chúa ban cho?

Mạng lệnh đầu tiên của Chúa dành cho loài người khi Ngài đặt người nam và người nữ trên mặt đất là, “Hãy kết quả và nhân cấp” (Sáng Thế 1:28). Tất nhiên, Ngài đang truyền bảo chúng ta hãy sinh sản và làm cho đầy dẫy quả đất. Nhưng cũng còn có rất nhiều điều khác, mạng lệnh là thế này: Bất cứ điều gì Ngài giao cho chúng ta chăm sóc, chúng ta phải nhân cấp lại cho Ngài. Chúng ta phải sinh sản qua sự nhân cấp. Trong dụ ngôn về các ta-lâng, Chúa Giê-su áp dụng mạng lệnh ban đầu này trong Sáng Thế về các ơn được giao cho chúng ta.

KHÔNG PHẢI KHẢ NĂNG RIÊNG

Bạn có cảm thấy khó chịu? Chắc là có, nhưng hãy nhớ, ân sủng của Chúa là tất cả những gì bạn cần. Bạn không được bảo phải làm điều này bởi sức riêng của bạn, nhưng bởi ơn charis charisma của Chúa. Mục đích của sứ điệp này không phải để khiến bạn nản lòng, nhưng để đem đến cho bạn nhận thức về tiềm năng Chúa đã ban cho bạn và để mở rộng đức tin của bạn trong ân sủng của Chúa và các ơn của Ngài trên cuộc đời bạn. Tôi không có ý định đặt gánh nặng lên bạn. Phao-lô đã kêu cầu với Chúa ba lần khác nhau để giảm bớt gánh nặng của ông, nhưng hãy xem cách trả lời:

Ân sủng Ta đủ cho con rồi, vì quyền năng của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vì vậy tôi rất vui mừng, tự hào trong sự yếu đuối của tôi, để quyền năng của Chúa Cứu Thế có thể ở luôn trong tôi. Cho nên vì Chúa Cứu Thế, tôi cam chịu yếu đuối, sỉ nhục, gian khổ, bắt bớ, hoạn nạn. Vì khi tôi yếu đuối, ấy chính là lúc tôi mạnh mẽ. (2Cô-rinh-tô 12:9-10)

Một trong những định nghĩa của từ Hy Lạp nói về yếu đuối là “những giới hạn.” Bạn và tôi không phải là những người duy nhất đôi khi cảm thấy quá tải. Tất cả chúng ta đều có những giới hạn, ngay cả sứ đồ Phao-lô cũng vậy. Trong bối cảnh cụ thể của câu này, ông nói đến sự kháng cự, sự chống đối và thậm chí là những sự bắt bớ mà ông đối diện ở mỗi thành (xem chương 11) nhưng lẽ thật này cũng áp dụng cho những sự hạn chế hay sự bất lực mà chúng ta đối diện – khi làm một nhiệm vụ bất khả nào đó. Dù chắc chắn chuyện này không dễ dàng gì, nhưng nó sẽ khiến chúng ta gia tăng quyết tâm, nương cậy nơi sức mạnh của Ngài. Thay vì lắng nghe những sự giới hạn la hét trong tâm trí bạn, hãy công bố những lời hứa của Chúa. Có phải chúng ta đã nghe bản thân mình quá nhiều trong khi đó đáng lẽ chúng ta nên nói với chính mình chăng?

Phao-lô đã xin Chúa can thiệp ba lần, và mỗi lần Chúa nhắc ông về ơn charis. Tới lần thứ ba Phao-lô đã hiểu; ông nhận ra rằng những sự giới hạn nhằm kéo ông đến việc tin nơi ân sủng và ân tứ của Chúa cho cuộc đời ông. Đây là lý do giọng điệu của ông đã thay đổi, từ chỗ, “Chúa ơi, xin hãy cất điều này đi!” đến chỗ, “Con vui lòng trong những giới hạn của con.” Có phải ông thật sự nói “vui lòng” không? Có đó! Bây giờ ông nhận ra rằng thử thách càng khó khăn thì quyền năng của Chúa càng bày tỏ lớn lao hơn trong ông và trên đời sống ông – nếu ông tin!

Đây là một lẽ thật quan trọng: Ân sủng chúng ta cần để nhân cấp chỉ có thể tiếp cận được nhờ tin cậy! Phao-lô viết, “Cũng nhờ Ngài chúng ta được vào trong ân sủng này, là ân sủng mà chúng ta hiện đang đứng vững và hân hoan về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 5:2). Hãy tưởng tượng ý này như sau : Đức tin là ống dẫn chảy vào lòng chúng ta ân sủng cần có để nhân cấp. Khi chúng ta nghe sứ điệp này, đức tin hay ống dẫn của chúng ta trở nên rộng hơn, chứ không phải thu nhỏ lại. Nhưng đó là lựa chọn của bạn. Chúng ta được dạy:

Vì chúng ta cũng được nghe truyền giảng Phúc Âm như họ được nghe ngày trước, nhưng sứ điệp họ nghe chẳng có lợi ích gì vì họ đã không kết hợp với đức tin khi nghe. Còn chúng ta đã tin cậy nên được vào sự an nghỉ, đúng như Ngài đã phán: “Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: ‘Chúng sẽ chẳng được vào sự an nghỉ Ta.’ (Hê-bơ-rơ 4:2-3).

Đừng cho rằng những gì bạn đang đọc là không ích lợi gì, thay vào đó hãy kết hợp với đức tin. Cũng chính Lời Chúa đã thực hiện hai việc khác nhau cho dân Y-sơ-ra-ên. Nó ích lợi cho Môi-se, Giô-suê và Ca-lép; họ được thêm sức qua việc nhìn nó theo ánh sáng tích cực. Nhưng cũng Lời đó lại không ích lợi cho một số người trong dân Y-sơ-ra-ên vì họ xem nó một cách tiêu cực. Đây là sự khác biệt giữa đức tin và vô tín.

Hãy tin rằng Chúa trang bị cho bạn tiến xa hơn khả năng của bạn. Ngài không ban cho bạn lựa chọn nào khác để bạn có sức mạnh và năng lực ngoại trừ là phụ thuộc vào ân sủng của Ngài. Khi bạn làm điều này, bạn sẽ bước vào sự yên nghỉ thật – chấm dứt tất cả các nỗ lực của bạn, không còn cố gắng sản sinh ra kết quả. Sự yên nghỉ này là gì? Đó là hợp tác với khả năng của Chúa để hoàn tất sứ mạng của bạn. Khi bạn bước vào sự yên nghỉ, Chúa sẽ dẫn bạn tới sự nhân cấp!

Đây là lý do tại sao Đa-vít được gọi là “người có tấm lòng của Chúa.” Ông phụ thuộc vào sức mạnh của Chúa, chứ không phải sức của ông. Ông liên tục công bố, “Chúa là sức mạnh của đời sống con” (Thi Thiên 27:1). Trong mọi việc ông đã hoàn tất, có một mẫu số chung: Ông đã phụ thuộc vào khả năng của Chúa trong ông và qua ông. Đây là lý do Phao-lô nói với Ti-mô-thê, người con trai thuộc linh của ông, người đã tranh chiến với sợ hãi và nhút nhát, “Vậy, hỡi con ta, hãy nhờ ân sủng của Chúa Cứu Thế Giê-su làm cho mình mạnh mẽ. ” (2 Ti-mô-thê 2:1).

Đây là lý do tôi dành chương thứ hai và thứ ba của sách này để xác định về ơn charis charisma trước khi bàn về dụ ngôn của Chúa Giê-su về các ta-lâng. Thật là kinh khủng và thất vọng khi đảm trách chức quản gia bởi sức riêng của chúng ta.

Xin làm ơn đừng bao giờ quên : Sự kêu gọi của bạn luôn lớn hơn khả năng tự nhiên của bạn. Có thể nào đây là lý do Lời Chúa dạy chúng ta:

Anh chị em hãy xem xét lúc Chúa kêu gọi anh chị em. Giữa vòng anh chị em không có mấy người khôn ngoan theo trần tục, không mấy người có quyền thế, cũng không có nhiều người quý phái. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột trong thế gian để làm hổ thẹn những người khôn. Đức Chúa Trời đã chọn những điều yếu đuối trong thế gian để làm hổ thẹn những kẻ mạnh. Đức Chúa Trời đã chọn những gì hèn hạ, bị khinh khi trong thế gian và những điều không ra gì để hủy bỏ những điều trọng đại. Cho nên loài người không ai có thể khoe khoang trước mặt Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 1:26-29).

Tại sao lại vậy? Tại sao chỉ có một số ít kẻ khôn ngoan, kẻ mạnh và kẻ quyền thế được kêu gọi? Phải chăng người được ơn tự nhiên sẽ dễ dàng “thành công” hơn bởi sức riêng của họ chăng? Họ quả là ngu dại! Họ sánh mình với người khác, và họ đã thành công. Thay vào đó, họ nên nhìn bản thân theo ánh sáng của ơn gọi của Đấng Tạo Hóa.

Phao-lô thì khác. Dù khi so sánh bản thân với những người cùng thời thì ông là người khôn ngoan và quyền quý trước khi ông được cứu, rồi đến một thời điểm ông kể tất cả những khả năng tự nhiên này là “rơm rác” để ông có thể bước vào quyền năng của Đấng Christ trên đời sống của ông. Ông là một người trong số ít những người như thế, vì ông học biết rằng dù về tự nhiên ông khôn ngoan hơn đa số những người khác, nhưng so với sự khôn ngoan của Chúa thì ông không có khôn gì cả (xem Phi-líp 3:4-11).

CHỦ NGHĨA TẬP THỂ HAY CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN?

Nào ta hãy tiếp tục với dụ ngôn của Chúa Giê-su. Cảnh này dường như không thể xảy ra được, nhưng nó thật sự đã diễn ra và thậm chí gây sốc nữa!

Vậy, hãy lấy nén bạc của tên này đem cho người có mười nén. (Ma-thi-ơ 25:28).

Được rồi, hãy chờ một chút nhé! Chúng ta có đọc chính xác không? Chủ ra lệnh lấy túi bạc (ta-lâng) từ Larry và đưa cho Allison. Chúng ta hãy giải thích rõ ràng:

Allison: 5 x 2 = 10 + 1 (từ Larry) = 11

Larry: 1 – 1 (cho Allison) = 0

Kết cuộc Allison có mười một và Larry chỉ có số không!

Một sáng nọ khi đang cầu nguyện, tôi kinh ngạc bởi những gì tôi nghe trong lòng mình. Để tôi nói điều này. Thực tế tôi đã nghĩ dụ ngôn về các ta-lâng trong một thời gian. Sáng hôm đó tôi nghe Thánh Linh nói với tôi, “Con trai, trong suy nghĩ của Ta, Ta thiên về trách nhiệm cá nhân hơn là trách nhiệm tập thể.”

Chuyện gì đây? Tôi ngạc nhiên với những lời phán của Ngài, nhưng tôi đã đi với Chúa đủ lâu để biết khi nào thì Ngài bày tỏ cho chúng ta những điều chúng ta không biết. Thường nó nghe trái ngược với lối suy nghĩ tôn giáo hay lối suy nghĩ thông thường, và đôi khi nó nghe thật ngớ ngẩn! Lần này dường như là thật ngớ ngẩn khi nghe những lời này của Chúa. Tôi xin Chúa cho hiểu vì tôi suy nghĩ – nếu quả là vậy thì Chúa thiên về trách nhiệm tập thể hơn trong những cách mà Ngài làm việc.

Sáng hôm đó, Ngài đã dẫn tôi đến dụ ngôn này và cho tôi xem thử tư tưởng của Ngài có nghiêng về trách nhiệm tập thể hay không, nhưng dụ ngôn này lại theo một hướng khác. Câu chuyện bắt đầu như thế này: Cả ba đều nhận các ta-lâng bằng nhau:

Allison 3

Bob 3

Larry 3

Allison và Bob trung tín (nhân cấp), nhưng Larry – vì cớ lỗi của anh ta là vô dụng và lười biếng – vẫn giữ nguyên ta lâng. Kết quả sẽ là:

Allison 3 x 2 = 6

Bob 3 x 2 = 6

Larry 3 = 3

Giả dụ Chúa mà theo thuyết quy trách nhiệm tập thể thì Ngài sẽ làm như sau:

Allison 6 – 1 = 5

Bob 6 – 1 = 5

Larry 3 + 1 (từ Allison)

1 (từ Bob) = 5

Kết quả mỗi người sẽ có năm ta-lâng! Nhưng chuyện này không xảy ra như vậy. Chúa lấy túi bạc (một) từ Larry và đưa cho người có mười túi. Tại sao? Chúa Giê-su giải thích:

Vì ai đã có, sẽ được cho thêm và sẽ có dư dật; nhưng ai không có thì ngay cả cái họ có cũng sẽ bị lấy mất. (Ma-thi-ơ 25:29).

Tôi không nói Đức Chúa Trời cổ súy cho chủ nghĩa cá nhân. Không, không bao giờ! Chỉ muốn nói là quy trách nhiệm cá nhân ở đây là phù hợp với tư duy và đường lối của Ngài hơn là quy cho trách nhiệm tập thể. Nhiều người trẻ ở Mỹ và ở nhiều nơi khác trong thế kỷ hai mươi mốt này đã được dạy để suy nghĩ quy trách nhiệm tập thể. Quy trách nhiệm đại đồng thì không tin kính và không ích lợi; đúng vậy, vì nó trực tiếp trái nghịch với sự khôn ngoan của Chúa. Đó là linh đối địch với Đấng Christ, núp dưới cái mác là ích lợi chung, nhưng nó lại khuyến khích sự lười biếng, và đả phá sự thành công, sự siêng năng và sự thịnh vượng.

Đường lối của Chúa là ban thưởng cho người nhân cấp nhiều hơn, và Ngài không có vấn đề gì với việc họ có dư dật. Chúa Giê-su nói, “Họ sẽ có dư dật.” Đức Chúa Trời muốn chúng ta có dư dật chừng nào chúng ta có lòng xây dựng Nước Chúa và dùng sự dư dật đó để giúp những người khác.

Có lẽ bạn đã nghe câu nói này trước đây: Đức Chúa Trời không chống lại việc sở hữu của cải; nhưng Ngài chống lại việc của cải sở hữu chúng ta. Câu nói này rất đúng. Đối với những người có tấm lòng nóng cháy cho Chúa, sự thỏa mãn của họ không đến từ việc tích trữ nhiều của cải. Trái lại, nó đến từ việc bước đi với Chúa và dùng của cải Ngài ban để xây dựng Nước Chúa. Sự dư dật chỉ là một công cụ để họ xây dựng những người khác. Và rõ ràng, nếu chúng ta khôn ngoan, chúng ta sẽ không yêu mến những công cụ này.

Điều quan trọng là nên dừng lại một tí và nhấn mạnh một lẽ thật quan trọng: Chúng ta phải chăm lo những người nghèo – những người không có khả năng lao động hay những người cần có ít vốn liếng làm ăn. Phao-lô viết, “Hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy anh chị em sẽ chu toàn luật của Chúa Cứu Thế. Vì nếu có ai tưởng mình là quan trọng nhưng thật ra chẳng là gì cả thì chỉ tự lừa dối mình đấy thôi.” (Ga-la-ti 6:2-3).

Khi các lãnh đạo của hội thánh đầu tiên họp mặt, họ nhận ra các nhiệm vụ khác nhau của họ, thậm chí họ cũng có bất đồng về những chuyện thứ yếu. Nhưng chắc chắn họ đều đồng thuận về trách nhiệm giúp đỡ những người nghèo. Phao-lô viết:

Chỉ có điều họ muốn chúng tôi phải giúp người nghèo, điều đó tôi vẫn tích cực làm. (Ga-la-ti 2:10).

Khi nói điều này, điều quan trọng là cần xác định rõ là ai đó đang thiếu thốn hay chỉ vì họ lười biếng. Cách tiếp cận theo kiểu đại đồng là phân chia đồng đều cho những kẻ lười biếng lẫn cho những người nghèo khổ bằng nhau. Nếu chúng ta dâng cho những người thuộc hạng “lười biếng” thì chúng ta chỉ gia tăng sự phụ thuộc của họ vào chúng ta. Mục tiêu của chúng ta là luôn hướng họ đến với những ân tứ mà Chúa đã ban cho họ, để họ cũng có thể thịnh vượng và có thể xây dựng Nước Chúa.

ỨNG DỤNG THỰC TIỄN

Trong bất cứ trường hợp nào, điều quan trọng đó là sự thật rằng chúng ta đã được giao các ơn tứ và chúng ta được dạy phải dùng nó để nhân cấp. Nếu bạn yêu mến Chúa, bạn sẽ khao khát dùng các ân tứ của mình để tôn vinh Chúa. Ý định chính của tôi là đánh thức bạn để nhận ra khao khát và tiềm năng bên trong bạn. Bạn đã được tạo dựng có mục đích và phục vụ cho một mục đích. Bạn có khả năng để nhân cấp những gì Chúa đã ban cho bạn vì vinh hiển của Vua chúng ta. Đây là bài học quan trọng nhất từ chương này.

Bây giờ chúng ta đã hiểu rõ dụ ngôn về các ta-lâng và những gì ta-lâng này tiêu biểu, nào chúng ta đã bước sang những vấn đề thực tiễn. Điều này diễn ra như thế nào? Nó được chuyển dịch vào đời sống mỗi ngày như thế nào?

Hành trình của chúng ta sẽ đi theo hướng này ở chương sau.