14 - Khám Phá Và Phát Triển Ân Tứ Của Bạn

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 11 tháng trước

.

14

Khám Phá Và Phát Triển Ân Tứ Của Bạn

Bây giờ chúng ta chuyển sang chủ đề khám phá và phát triển các ân tứ Chúa ban. Như đã nói, tôi không có ý định thảo luận việc phát triển các tài năng và khả năng tự nhiên. Nếu luyện tập đủ thì hầu hết mọi người đều có thể thành thạo về bất cứ việc gì.

Gia đình tôi có thể tranh luận ý này khi nói về ca hát và có thể họ đúng. Để tôi đưa ra một ví dụ thực tế: Nếu tôi luyện tập chơi một nhạc cụ trong mười ngàn tiếng, tôi có thể từ một nhạc sĩ cực dở cũng thành một người chơi mức trung bình. Thời gian và nổ lực mà tôi bỏ ra sẽ khiến cho việc chơi đàn piano hay chơi guitar trở thành thú vị, nhưng dù có tập trung luyện lập cao độ nhưng việc này cũng không phải là một ân tứ hổ trợ sự kêu gọi của tôi để xây dựng Nước Chúa.

SỰ CAN THIỆP CỦA CHÚA

Trong phần đầu của chương này, chúng ta sẽ tập trung vào các lời của Phao-lô để “cẩn thận khám phá bạn là ai và công việc bạn đã được giao.” Không có công thức nào để khám phá sự kêu gọi và ân tứ kèm theo của bạn. Dù có nhiều sách vở khác nhau có thể giúp bạn khám phá những sở trường của bạn. Nhưng liên quan đến việc tạo ra ảnh hưởng đời đời, chúng ta cần sự giúp đỡ của Đấng Tạo Hóa để khám phá sự kêu gọi và ân tứ của bạn.

Đôi khi, sự can dự trực tiếp của Chúa rất dễ nhận thấy trong việc khám phá các ân tứ, chẳng hạn khi Ngài phán bảo tôi viết sách. Tôi sẽ không bao giờ nỗ lực viết sách nếu tôi không nhận được lời (từ Chúa) trong sự cầu nguyện vào buổi sáng mùa hè năm 1991. Không có cuốn sách nào hay khóa học nào có thể thuyết phục tôi viết sách và chắc chắn tôi sẽ không hề mon men làm chuyện này. Một ví dụ khác, vua Đa-vít sẽ không bao giờ biết ông là một chiến binh nếu ông không bảo vệ chiên của mình khỏi gấu và sư tử. Sau khi làm chuyện này, có một nhu cầu đó là cần một người để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi người Phi-li-tin. Đối với Đa-vít, những con thú hung dữ mà ông phải đối diện trước đây chỉ là những bước đệm để chiến đấu với Gô-li-át vì hết thảy dân Y-sơ-ra-ên đều lẩn trốn. Chúa cho phép Đa-vít khám phá ân tứ của ông do có những nhu cầu cấp bách bên cạnh ông.

Nếu bạn xem Ghi-đê-ôn, ông ấy giống tôi hơn. Đức Chúa Trời cần phải thuyết phục ông qua tấm lông cừu rằng ông được kêu gọi trở thành một chiến binh.

Chúng ta hãy bắt đầu ngay chỗ này. Quan trọng là hãy tìm kiếm và tin rằng Chúa sẽ can thiệp trong việc khám phá ân tứ của bạn. Kinh Thánh nói Chúa ban thưởng cho người nào hết lòng tìm kiếm Ngài bởi đức tin. Kinh Thánh không nói Chúa ban thưởng cho người nào thất thường tìm kiếm Ngài trong tâm trạng thắc mắc và nghi ngờ (diễn ý của tác giả về Hê-bơ- rơ 1:6). Cùng vấn đề này, Chúa Giê-su bảo chúng ta:

Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con. Vì ai xin thì được, ai tìm thì gặp và ai gõ, cửa sẽ mở. (Ma-thi-ơ 7:7-8)

Chúng ta phải có một khao khát cháy bỏng để biết ân tứ của chúng ta. Hy vọng, sách này sẽ tiếp sức và khơi dậy lòng khao khát cháy bỏng trong bạn để khám phá và sử dụng các ân tứ của bạn. Sự khao khát này sẽ khiến bạn không cầu xin, tìm kiếm hay gõ cửa một cách hờ hững, nhưng bạn sẽ kiên trì như Chúa Giê-su mô tả ở trên. Không phải là Đức Chúa Trời từ chối bạn mà Ngài muốn thấy một lòng sốt sắng được phát triển trong bạn đối với những gì bạn cầu xin.

Ở trường trung học, tôi muốn có một kính viễn vọng lớn vì tôi rất thích thiên văn học và muốn nghiên cứu về bầu trời vào ban đêm. Một kính viễn vọng tốt hoàn toàn ở ngoài tầm giá của tôi, nhưng tôi cứ đọc các sách và tạp chí về thiên văn học. Tôi đăng ký mượn sách thư viện bốn hay năm lần, đọc qua các sách này lúc rảnh – và đôi khi đọc liên tục, rồi sau đó tôi đem trả lại và đăng ký mượn lâu hơn. Việc đọc sách đã gia tăng lòng khao khát muốn có được cái kính viễn vọng.

Cuối cùng đam mê của tôi đã thúc đẩy tôi nghĩ ra một ý tưởng lạ đời là gây quỹ cho kính viễn vọng mơ ước của mình. Tôi là giáo viên dạy quần vợt cho câu lạc bộ bơi lội và dạy quần vợt nghiệp dư và chỉ dạy các bài trong kỳ nghỉ hè. Tôi đã làm một điều mà chưa bao giờ được thực hiện tại câu lạc bộ của chúng tôi. Với sự cho phép của ủy ban câu lạc bộ, tôi nảy ra một kế hoạch cung cấp các bài học cá nhân sau giờ học ở trường vào mùa thu. Nếu điều này hiệu quả, tôi sẽ có đủ tiền để mua kính viễn vọng. Quả thật chuyện này mang lại kết quả! Hãy tin tôi; tôi không bao giờ coi thường cái kính viễn vọng đó. Nếu ai đó tặng nó cho tôi trước khi ước mong của tôi trở nên cháy bỏng thì có lẽ tôi đã bỏ lơ nó sau khi sự phấn khích tàn rụi.

Đức Chúa Trời không phải bị “nặng tai” đâu. Ngài không úp mở. Chúa ước ao bạn không xem nhẹ các ân tứ Ngài ban cho bạn để xây dựng dân sự Ngài. Đam mê của bạn cần phải mạnh mẽ hơn nghịch cảnh bạn đối diện trong lúc bạn đang tiến đến những ước mơ của mình. Vì thế hãy để niềm khao khát đó tăng trưởng và chính sự tự phát sẽ giữ bạn sốt sắng tìm kiếm để biết các ân tứ thuộc linh và các tài năng tự nhiên của bạn.

Tiếp theo, chúng ta phải nhận ra rằng Đức Chúa Trời không đáp lời chúng ta theo cách rập khuôn; mỗi người mỗi khác. Đôi khi tôi bối rối vì chúng ta liên tục nói về việc có “mối quan hệ cá nhân” với Chúa Giê-su, nhưng khi nói về việc nghe tiếng Chúa, trong trường hợp này là việc hiểu ân tứ hay tài năng của chúng ta, chúng ta lại cần một công thức. Đức Chúa Trời muốn giữ nó cách riêng tư. Ngài muốn giữ nó cách đặc biệt giữa bạn và Ngài. Ngài không đáp lời cầu nguyện của mỗi con cái yêu dấu của Ngài một cách giống hệt nhau. Đây là lý do Chúa Giê-su dạy chúng ta cứ cầu xin, cứ tìm kiếm và cứ gõ cửa. Có một “sự tìm kiếm” ý muốn của Ngài sẽ ích lợi cho chúng ta trong thực tế.

Trong lúc đeo đuổi câu trả lời, chúng ta nên tự hỏi bản thân và người khác những câu hỏi này. Đây là tất cả những yếu tố nằm trong quá trình tìm kiếm. Chúng ta không tìm kiếm sự khôn ngoan của con người, nhưng để nghe tiếng Chúa giữa nhiều tiếng nói của những người mà chúng ta nói chuyện.

Quan trọng là chúng ta biết người nào để nói chuyện. Chúng ta phải tìm những người nào khích lệ nhưng cũng không ngại để nói ra sự thật. Tôi muốn nói rằng những con người như thế thì rất nhiều, nhưng họ rất khó phát hiện. Tôi biết những người nào tôi có thể đến gặp mà lúc nào cũng nói cho tôi điều tôi muốn nghe. Rồi cũng có những người rất bi quan, hay chỉ trích và thường tiêu cực về mọi vấn đề – họ thiếu đi tầm nhìn. Hãy tránh cả hai hạng người này. Hãy tìm người nào có đức tin, có sự trưởng thành và sự khôn ngoan. Hãy tìm một người cha hay người mẹ trong đức tin, hoặc là một người khôn ngoan đã bước đi với Chúa lâu hơn bạn và cũng đã phạm rất nhiều sai lầm và rồi học hỏi từ họ.

Quan trọng là những người bạn tin tưởng và tránh đi chuyện ngờ vực, vì những thái độ khinh khi sẽ được nuôi dưỡng trong những người chất chứa sự vấp phạm. Hãy tìm người nào nhanh tha thứ, người nào không quá bám víu trong những thói quen tôn giáo mà trái lại luôn tăng trưởng theo thời gian và mở ra với sự vận hành tươi mới của Thánh Linh. Quan trọng nhất, người đó phải là người nhìn sự việc theo cái nhìn đời đời. Khi bạn tìm được người này, hãy làm hết sức để có thể duy trì và trân trọng mối quan hệ.

Có rất nhiều người khôn đối với thế gian nhưng thiếu cái nhìn đời đời. Bạn chỉ có thể tin lời khuyên của họ đến một mức độ nhất định. Hãy cẩn trọng khi lắng nghe họ, và luôn luôn sàng lọc lời khuyên của họ qua Lời Chúa và sự cầu nguyện.

Cha mẹ, người phối ngẫu và mục sư đều quan tâm tới lợi ích tốt nhất của bạn và họ thường đưa ra lời khuyên khôn ngoan, dù cũng có những ngoại lệ.

Lúc còn thanh niên, tôi chia sẻ những ước mơ của mình với cha tôi về việc phục vụ Chúa. Thế hệ của ông là thế hệ “ăn chắc mặc bền” (điều này chính là điểm yếu khi liên hệ đến đời sống đức tin). Cha tôi nói, “Con trai, trong con đường này không có sự an ninh.” Ông đề nghị nghề kỹ sư vì tôi giỏi toán và khoa học, ông cũng là một kỹ sư trong bốn mươi năm. Đó là một lựa chọn nghề nghiệp an toàn. Tôi không nhận thức rằng tôi đã đăng ký sáu năm học khổ sở ở đại học. Dù tôi giỏi về các môn học này nhưng tôi khổ sở vì đó không phải là ơn gọi của Chúa trên cuộc đời tôi.

Công việc đầu tiên của tôi với tư cách kỹ sư là làm việc cho IBM. Một ngày nọ sếp kéo tôi vào văn phòng của ông và nói, “Bevere, anh đang làm gì trong nghề kỹ sư vậy? Anh là mẫu người quan tâm tới con người; anh nên làm trong lĩnh vực nào có sự tương tác với con người.” Các mục sư nổi tiếng cũng kéo tôi riêng ra trong các buổi nhóm và nói, “Cậu thanh niên à, tôi nhìn thấy ơn gọi của Chúa trên cậu con để giảng phúc âm.”

Khi ở riêng với Chúa trong sự cầu nguyện, Chúa liên tục hướng lòng tôi đến với chức vụ, dù tôi chẳng muốn liên quan gì tới nó cả. Tất cả những mục sư tôi đã gặp có vẻ kỳ lạ. Nhưng lòng tôi vẫn nhạy bén với Đấng Tạo Hóa. Trước khi tôi được cứu, tôi đã đi tới chủng viện Công Giáo suốt một tuần và có cảm nhận như thể tôi được kêu gọi vào sự phục vụ Chúa. Nhưng nghĩ đến chuyện đó làm cho tôi hoảng sợ, vì làm cha Công Giáo, tôi sẽ không bao giờ được lấy vợ.

Nhưng hết lần này tới lần khác tôi tiếp tục nhận sự xác chứng, rốt cuộc tôi phải gạt lời khuyên của cha tôi. Tôi rất tôn trọng ông, điều đó đẹp lòng Chúa, nhưng tôi biết có điều gì đó thật khủng khiếp khi tôi học đại học và rồi sau đó làm kỹ sư. Vì tôi đã liên tục cầu xin và tìm kiếm sự chỉ dẫn của Chúa, nên Ngài sẽ không cho phép tôi bị dẫn đi sai lạc (thậm chí bởi chính người cha có ý tốt cho tôi) và Ngài làm sáng tỏ ý muốn của Ngài bằng nhiều cách.

Khi vấn đề này đã được giải quyết, bây giờ tôi có một đam mê cháy bỏng do kết quả của hơn một năm rưỡi tìm kiếm. Tôi cũng đã đi qua ba phần tư chặng đường để có bằng kỹ sư.

Tôi quyết định hoàn tất và theo đuổi chức vụ một khi tôi tốt nghiệp. Đó là một quyết định tốt, vì tôi đã học các chiến lược mà trường Kinh Thánh sẽ không dạy tôi. Đức Chúa Trời sẽ dùng tất cả các từng trải để huấn luyện chúng ta!

Một yếu tố rất quan trọng khác để khám phá ân tứ của bạn là được trồng trong một hội thánh địa phương lành mạnh. Kinh Thánh nói, “Họ được trồng trong nhà CHÚA, lớn mạnh trong sân của Đức Chúa Trời chúng ta.” (Thi Thiên 92:13). Nếu bạn trồng hạt bông, cây bí sẽ không mọc lên từ đất. Đất là hội thánh địa phương lành mạnh, và khi bạn kết ước, các ân tứ Chúa ban cho bạn sẽ thể hiện ở đó. Không quan trọng là bạn được kêu gọi trong thương trường, trong giáo dục, trong chốn công quyền, trong thể thao hay trong bất kỳ lĩnh vực nào khác – bạn sẽ phát triển. Đó là kế hoạch của Đức Chúa Trời.

CÁC CÂU HỎI ĐỂ TỰ HỎI BẢN THÂN VÀ HỎI BẠN BÈ KHÔN NGOAN

Chúng ta hãy chuyển sự chú ý của chúng ta sang việc đặt các câu hỏi, cho cả bản thân và cho những người bạn khôn ngoan. Câu hỏi đúng được hỏi bởi đúng người sẽ đánh thức bạn để nhận ra điều bạn được ơn để làm. Đây là vài ví dụ.

Về tự nhiên bạn giỏi điều gì?

Đây là chỗ tốt để bắt đầu. Có lẽ ơn của bạn là hiểu các con số, ăn nói hùng biện, xây cất nhà cửa, tạo ra các video, thiết kế thời trang hay tổ chức sự kiện. Có thể bạn có những khả năng thể thao tự nhiên, có cái mũi rất nhạy mùi vị, hay con mắt quan sát chi tiết. Dù khả năng nào đi nữa, hãy xác định thế mạnh của bạn.

Nếu bạn có thể giữ giọng tốt và ước ao hướng dẫn dân sự Chúa bước vào sự hiện diện của Chúa, đây có thể là một dấu chỉ tốt rằng bạn được kêu gọi để thờ phượng hay tham gia vào loại hình mục vụ âm nhạc khác. Điều tương tự cũng đúng nếu bạn quan tâm tới cơ thể con người và bạn hứng thú với thuốc men. Bạn thật sự nên hỏi Chúa xem bạn có được kêu gọi vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe không. Danh sách là vô tận.

Nhưng các manh mối này không phải là yếu tố quyết định. Tôi là người chơi quần vợt rất giỏi, bắt đầu chơi trong một đội tại Hiệp Hội Thể Thao Trường Đại Học Quốc Gia Sư Đoàn I và chơi vòng thi đấu giải quần vợt Mỹ mở rộng và giải Junior Davis Cup. Như đã nói, tôi dạy quần vợt chuyên nghiệp trong ba năm và cũng đã chơi giải đấu quần vợt ở trường trung học tại tiểu bang West Virginia. Nhưng trong sự cầu nguyện, tôi biết quần vợt chuyên nghiệp không phải là sự kêu gọi của tôi.

Mặt khác, tôi có một người bạn là Aaron Baddeley, một tay gôn nổi bật và đang tham dự giải PGA. Nhưng năm 2004 – năm thứ hai anh tham gia giải – anh đã tranh chiến. (Anh chỉ vừa đủ tiêu chuẩn để trở lại vào năm 2005 vì anh kết thúc ở vị trí 124 trong danh sách). Gần cuối cái năm khó khăn đó, trong lúc chơi một giải đấu, anh đến nhà chúng tôi chơi và thật buồn là anh đã lỡ pha cắt bóng. Chúng tôi cùng lên máy bay tới Las Vegas, tôi được sắp xếp lịch để chia sẻ trong một hội nghị. Trong buổi nhóm đó, Chúa đã phán với lòng của anh bốn lần: “Ta không kêu gọi con vào chức vụ; Ta kêu gọi con chơi gôn.”

Trước đó Aaron đã kìm nén lại, không hoàn toàn nỗ lực trong môn gôn, vì anh muốn làm điều tôi làm. Anh muốn đi ra rao giảng trong các hội nghị và trong các hội thánh bán thời gian và thời gian còn lại chơi gôn. Chiều hôm đó anh quyết định trong lòng mình rằng anh sẽ dâng mình hoàn toàn cho sự kêu gọi và ân tứ của anh. Trong vòng vài năm, anh đứng vị trí thứ mười sáu trong bảng xếp hạng các tay gôn trên thế giới và cuối cùng đã giành được bốn giải trong các sự kiện giải đấu PGA và giải Australian Masters. Anh đã đi lại hơn mười lăm năm và vẫn còn sẽ đi lại. Ảnh hưởng của anh sẽ tăng lên và anh có rất nhiều cơ hội để chia sẻ tin lành với nhiều người chưa từng đến nhà thờ.

Tôi có một người bạn mục sư là AI. Nhiều năm trước trong hội thánh của anh có một người nam thích dạy Kinh Thánh và rất giỏi việc đó. Anh ta muốn trở thành một mục sư dạy dỗ. Anh ta cũng được ơn độc đáo là sửa xe hơi. Người ta hứa cho anh vị trí mục vụ dạy dỗ trong một hội thánh lớn tại một khu vực khác của thành phố. Anh dẫn mục sư AI đi ăn trưa và thông báo cho anh về điều này. AI khôn ngoan và anh đã chia sẻ với cậu ta, “Trong lúc cầu nguyện cho anh, tôi không cảm nhận anh được kêu gọi để dạy Kinh Thánh trọn thời gian. Anh được ơn đặc biệt là sửa xe.”

Anh ta không lắng nghe sự cố vấn của mục sư và đã đi tới hội thánh khác.

Một năm sau, anh ta thật khổ sở. Vị trí dạy dỗ vẫn chưa được trao cho anh ta một cách chính thức, hôn nhân của anh xuống dốc và anh ta vật lộn về tài chính. Một ngày nọ trong hội thánh, Chúa đã phán với anh: “Ta không bao giờ kêu gọi con làm một mục sư, nhưng là một thợ máy, dạy Kinh Thánh trong hội thánh địa phương của con.”

Anh ta trở về với mục sư AI, ăn năn vì đã không nghe lời khuyên của mục sư, và quay lại hội thánh nhà của mình. Anh ta tập trung trở lại vào công việc sửa xe ô tô.

Vào chiều nọ, Chúa ban cho anh ta một giấc mơ. Anh kết nối một chiếc máy tính vào một chiếc ô tô để chẩn đoán các vấn đề của động cơ. Anh có một người bạn am hiểu máy tính, hai người họ đã xây dựng một thiết bị phân tích chẩn đoán hoàn toàn sử dụng máy tính. Kết quả là thiết bị phân tích này có thể xác định các vấn đề của xe hơi chỉ mất một phần tư thời gian theo các phương pháp thông thường. Đúng lúc, anh ta mở các tiệm sửa chữa khắp North Carolina với phát minh độc đáo của anh. Sau đó, anh ta tới chỗ mục sư AI, nở nụ cười và nói, “Tôi được kêu gọi để sửa xe ô tô!”

Điều gì tiếp sức cho bạn?

Một ngày nọ trợ lý của tôi bảo tôi lưu hồ sơ về “các mức năng lượng” cho thói quen làm việc thông thường hàng tuần. Cô lập ra thang đánh giá: Những công việc làm tiêu hao năng lượng của tôi sẽ nhận điểm a -2; những việc làm tiêu hao ít phút năng lượng được điểm a -1; những việc thêm vào chút năng lượng được điểm a +1 và cuối cùng những việc thêm năng lượng mạnh mẽ cho tôi được điểm a +2.

Có vài công việc chẳng hạn những các buổi họp phòng ban, đi lại, công việc giấy tờ, sắp xếp đồ đạc cho các chuyến đi và vân vân bị điểm -2 và -1s. Vài công việc được điểm +1s, nhưng hai điều duy nhất mà thành thật tôi được điểm a +2 là rao giảng và viết sách. Tôi ngạc nhiên về các kết quả này.

Khi ngẫm nghĩ về những phát hiện này, tôi nhận ra rằng thường khi tôi đang viết, tôi hoàn toàn không để ý thời gian. Có những lúc tôi bắt đầu viết vào sáng sớm và không nhận ra trời đã sang chiều. Thông thường tâm trí tôi mệt mỏi sau khi viết nhiều, nhưng tôi cũng được thêm năng lượng.

Điều tương tự xảy ra khi giảng luận. Trở lại những ngày khi chúng tôi giảng mà không bị gò bó thời gian, tôi thường giảng hơn hai tiếng. Với tôi có vẻ như ba mươi phút, nhưng tôi không biết các khán giả của tôi nghĩ gì!

Tôi quan sát Alec, cậu con trai rất sáng tạo của chúng tôi, làm việc trong các dự án đổi mới trong nhiều giờ và hoàn toàn không để ý thời gian. Cậu tối ưu trong phòng ban sáng tạo của chúng tôi. Tôi quan sát Li-sa tương tác với các chị em phụ nữ nhiều giờ sau các buổi nhóm phụ nữ và cô hoàn toàn mất hết khái niệm thời gian. Cô được thêm năng lượng qua việc bổ sung thêm cho các cuộc nói chuyện!

Albert Einstein đã làm việc rất nhiều giờ trong một giai đoạn. Khi thể xác ông mệt mỏi, ông thường cầm một cái khay kim loại, ngồi xuống ghế, và tay cầm cái khay để ngang hai đầu gối. Ngay trước khi ông ngủ sâu thì cái khay sẽ tuột khỏi tay ông và rơi trúng sàn nhà. Âm thanh va chạm phát lớn tiếng làm cho ông thức dậy và ông trở lại làm việc.

Đây là một cách khá dễ dàng để xác định sự kêu gọi của bạn: ân tứ thật sự của bạn sẽ thêm năng lượng cho bạn, dù tâm trí và thể chất của bạn mệt mỏi trong lúc làm việc lâu. Đối với những người đã khám phá ân tứ thật sự của họ thì việc luyện tập nhiều giờ, việc phải làm gấp rút hay phải làm việc nhiều được xem như vài ba phút. Vậy hãy hỏi bản thân, “Điều gì thêm năng lượng cho tôi và thỉnh thoảng khiến tôi quên thời gian?”

Câu trả lời của bạn là một dấu chỉ tốt để biết ân tứ của bạn nằm ở chỗ nào.

Điều gì thu hút bạn?

Điều gì giành được sự quan tâm của bạn? Điều gì khiến bạn trở nên sống động? Khi bạn hát, lòng bạn có thỏa nguyện không? Bạn có hát khi không có ai hát? Tôi biết khi tôi hát, tôi biết với tôi đó là sự cực khổ và khiến tôi mệt mỏi ngay. Đó không phải ơn của tôi. Tôi không thể ngồi trong phòng và hòa âm viết nhạc với những người khác. Tôi không hứng thú làm việc này, nhưng có những người thích làm điều này.

Bạn hứng thú với các tạp chí nào? Bạn phấn khích về các video Youtube nào? Khi bạn đang xem qua Pinterest thì điều gì khiến bạn dừng lại? Các môn học yêu thích của bạn ở trường là gì? Những cuốn sách nào thu hút bạn khi bạn đi bộ qua một nhà sách?

Đây là một câu hỏi quan trọng: Bạn được thu hút để làm điều gì ngay cả khi bạn không được trả tiền để làm việc đó? Phần lớn các vận động viên sẽ chơi môn thể thao của họ ngay cả khi họ không được trả tiền. Các buổi sáng thứ bảy cha tôi bắt tôi ngồi xuống và kể cho tôi cách một động cơ hơi nước hay một số cỗ máy khác hoạt động. Tôi nhớ một buổi sáng thứ bảy, ông để hơn một giờ để vẽ và giải thích nồi hơi và cách nó hoạt động. Điều này khiến tôi chán phát khóc, và đáng lẽ tôi nên phát hiện sự kêu gọi của tôi không phải là một kỹ sư. Tôi rất yêu quý cha tôi nhiều đến nỗi tôi chưa bao giờ có dũng khí để nói cho ông biết là tôi ghét các tiết học đó. Tôi đã phạm một sai lầm lớn là theo đuổi nghề kỹ sư để tìm sự an ninh tài chính – đừng phạm sai lầm tương tự nhé.

Có bao nhiêu người khổ sở trong công việc của họ bởi họ làm việc đó vì một lý do – để có lương?

Như tôi đã nói trước đây, nhiều năm trước khi vợ mục sư của tôi nói với tôi rằng họ không thể trả tiền cho tôi, tôi trả lời, “Ồ, không sao!” Tôi sẵn lòng làm việc để nhận lương thấp hơn, vì tôi được thu hút bởi kiểu chức vụ này. Một khi đã ở trong công việc này rồi, thì bảy mươi giờ một tuần phục vụ mục sư và các vị khách của ông chẳng là gì cả. Tôi thường nói với Li-sa rằng tôi nên trả tiền cho các mục sư của mình vì họ cho phép tôi phục vụ họ thay vì họ trả tiền cho chúng tôi.

Tôi do dự để viết điều này, vì rủi đâu bạn suy nghĩ tôi khoe khoang, nhưng tôi hy vọng bạn chọn tin rằng động cơ của tôi là muốn giúp đỡ. Khi chúng tôi mới bắt đầu chức vụ, Li-sa và tôi đã quyết định tiền nhuận bút viết sách sẽ dành cho Messenger International. Bây giờ tôi đã viết hơn hai mươi cuốn sách và mỗi cuốn trung bình 400 đến 450 tiếng để viết và hiệu đính. Điều này có nghĩa tôi đã đầu tư gần chín ngàn giờ trong việc viết lách. Tính ra là ba năm viết, mỗi ngày tám tiếng, bao gồm cả các ngày cuối tuần. Cơ bản là tôi không được trả tiền trong ba năm đó. Tôi đã làm việc đó vì đó là ân tứ thúc đẩy sự kêu gọi của tôi.

Tôi có thể nói thành thật rằng nếu tôi phải chọn giữa việc làm điều này và được trả 200,000 đô-la mỗi năm với tư cách một kỹ sư, tôi sẽ lại lập tức làm điều này. Đây là lý do sứ đồ Phao-lô viết:

Vì nếu tôi tình nguyện làm việc này, tôi sẽ được thưởng. Nếu tôi không muốn làm, trách nhiệm vẫn giao cho tôi. Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Ấy là khi truyền giảng Phúc Âm, tôi giảng không công, chẳng đòi hỏi quyền lợi gì của người giảng Phúc Âm. (1 Cô-rinh-tô 9:17-18)

Ai thu hút bạn?

Nhận biết ai là người thu hút bạn cũng tiết lộ rất nhiều về sự kêu gọi và ân tứ của bạn. Có những người nhất định sẽ đánh thức và mở khóa các ân tứ trong bạn. Hãy tìm “cộng đồng” của bạn – những người cùng có ơn tứ và sự kêu gọi như bạn. Họ sẽ trở thành yếu tố nòng cốt trong việc hiểu bạn là ai và cách Chúa đã ban ơn cho bạn. Cộng đồng của bạn nên là những người chấp nhận và hiểu bạn.

Tôi thích ngồi với các mục sư khác và đàm luận những sự phiêu lưu và thử thách của chức vụ và tất nhiên Lời Chúa. Tôi cũng thích ngồi với các nhà doanh nghiệp và thương gia. Đây là tất cả các lĩnh vực thế mạnh trong cuộc đời tôi.

Điều hành một tổ chức chức vụ có rất nhiều sự tương đồng với việc điều hành một công ty ngoài thương trường. Li-

sa và tôi phải trở thành các nhà doanh nghiệp. Khi chúng tôi còn trẻ, không có những chức vụ nổi tiếng giống như những gì chúng tôi muốn làm; không có chức vụ nào để chúng tôi có thể lấy làm gương. Chúng tôi phải đi tiên phong. Vì lý do này, các nhà doanh nghiệp trong thế giới kinh doanh luôn đánh thức nhiều điều trong tôi và nó rất giúp ích cho tôi để chuyên nghiệp hơn, để chúng tôi làm điều chúng tôi được kêu gọi để làm.

Nếu bạn thích thiết kế nội thất, bạn sẽ thoải mái ở gần những nhà thiết kế khác. Nếu bạn là một bác sĩ, bạn sẽ được kích thích bởi cuộc nói chuyện với các bác sĩ khác. Tôi có thể nói thêm nữa; việc tìm “cộng đồng” của bạn có thể giúp bạn xác định và thậm chí phát hiện ra ân tứ của bạn.

Điều quan trọng cần nhớ là không có câu trả lời nào cho những câu hỏi này có thể đứng một mình hay tách biệt khỏi thì giờ cá nhân bạn tìm kiếm Chúa để biết điều Ngài kêu gọi bạn làm một cách cụ thể. Nếu tôi lắng nghe phần lớn những người mục sư là những người đã nói chuyện với tôi trong những năm hình thành, thì tôi đã chọn một thành phố và bắt đầu hội thánh với tư cách một mục sư. Rất ít người có thể thấy được những sự kêu gọi và ân tứ độc đáo và khác biệt ở trên tôi và Li-sa. Mặt khác, cũng có một ít người khôn ngoan, họ đã giúp hướng dẫn chúng tôi theo hướng mà chúng tôi đã cảm nhận trong lòng mình.

PHÁT TRIỂN ÂN TỨ CỦA BẠN

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sự chú ý sang phần thứ hai của câu Kinh Thánh mở đầu: “Vì mỗi người đều phải mang gánh riêng của mình.” (Ga-la-ti 6:5). Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi chúng ta tiềm năng để xây dựng cuộc đời chúng ta, điều đó giúp xây dựng Vương quốc của Ngài. Tuy nhiên, lúc này hay lúc khác, tất cả chúng ta sẽ phải đối diện sự thật là sở hữu tiềm năng thôi thì chưa đủ – mà phải nhận ra tiềm năng đó.

Thật đáng buồn cho bạn và cho tôi khi đến cuối đời chúng ta biết rằng mình vẫn còn nhiều điều để đóng góp! Tại ngai phán xét, nỗi đau hối tiếc sẽ không thể chịu nổi khi chúng ta biết điều chúng ta có thể ảnh hưởng hay tệ hơn là nhiều cuộc đời sẽ không hề được ảnh hưởng do sự bỏ lơ, không phát triển ơn mà Chúa đã giao cho chúng ta.

Hãy quyết định ngay bây giờ – rằng bạn sẽ qua đời thanh thản, không giữ lại điều gì hết. Bạn sẽ dốc đổ hết mọi thứ trong bạn đến độ bạn không còn gì trong bạn. Thế giới cần những gì bạn có – các ân tứ mà Chúa đã ban cho bạn.

Một cái nhìn lí thú về thực tại của các ân tứ mà Chúa ban cho chúng ta được tìm thấy trong Châm Ngôn 18:16:

Tặng phẩm của một người mở đường cho họ, và đem họ đến trước mặt kẻ quyền thế. (Châm Ngôn 18:16)

Ân tứ của bạn “mở đường” cho bạn và đem bạn đến trước mặt những “con người quan trọng.” “Mở đường” nghĩa là “tạo ra không gian.” “Không gian” mà chúng ta đang nói đến là hai mặt. Trước tiên, ân tứ của bạn mở đường cho bạn để hoàn thành tiềm năng của bạn – làm cầu nối không gian giữa nơi hiện tại của bạn và nơi mà bạn sẽ đến. Thứ hai, ân tứ của bạn mở đường cho bạn để được thăng tiến lên các cấp độ mới trong thiên định của bạn. Hãy nhớ rằng mỗi sự thăng tiến đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ năng cao hơn. Sa-lô-môn viết:

Con có thấy người cần mẫn trong công việc mình không? Người ấy sẽ đứng trước mặt các vua, chứ không đứng trước mặt những người tầm thường đâu. (Châm Ngôn 22:29)

Hãy xem Đa-vít. Trong 1 Sa-mu-ên 16, chúng ta thấy câu chuyện vua Sau-lơ bị một tà linh làm cho thống khổ, vì Thần của Chúa đã rời khỏi ông. Rất cần sự khuây khỏa, Sau-lơ đã lệnh cho các đầy tớ của ông tìm đem một người nhạc sĩ lành nghề đến cho ông.

Một trong các đầy tớ trẻ trả lời, “Tôi biết ông Y-sai ở Bết-lê-hem có một người con trai, Anh này chơi đàn giỏi…” (1Sa-mu-ên 16:18). Đa-vít không chỉ là một nhạc sĩ được ơn, ông còn là một tay chuyên nghiệp. Điều gì làm cho ông thành tay chuyên nghiệp? Ân tứ của ông đã được phát triển và vì thế con đường được mở ra cho ông để thăng tiến trong ơn gọi của ông.

Có thể nhiều người không tiến bộ trong ơn gọi của họ do các ân tứ của họ chậm phát triển? Có thể nào mức độ các ân tứ của chúng ta được phát triển sẽ quyết định mức độ chúng ta có thể được thăng tiến không?

Chúng ta hãy trở lại lời của Phao-lô với Ti-mô-thê mà chúng ta đã trích ở chương trước. Nhưng lần này chúng ta sẽ tiếp tục nói về biện pháp khắc phục được đề xuất cho con trai thuộc linh của ông:

Đừng quên, cũng đừng coi thường ân tứ con đang có, là ân tứ Chúa ban cho con qua lời tiên tri, khi các trưởng lão đặt tay trên con. Hãy chú tâm, cẩn thận thực hành những điều ta dạy, để mọi người đều thấy con tiến bộ. (1Ti-mô-thê 4:14-15)

Có rất nhiều điều để học từ những lời khôn ngoan này. Chúng ta quan sát những người nam và người nữ tối ưu trong lĩnh vực của họ. Đôi khi rất dễ để đánh tráo thành công của họ bằng cách nói, “Họ sinh ra với một ân tứ đặc biệt.” Sự thật là họ giống như bạn, được sinh ra với một ân tứ bẩm sinh và họ đã chọn để phát triển nó. Nói cách khác, chỉ vì chúng ta không chứng kiến họ hoàn thiện ân tứ của họ không có nghĩa là họ đã không làm việc siêng năng để phát triển nó.

Như đã nói ở chương trước, Phao-lô bắt đầu bằng cách cảnh báo Ti-mô-thê không nên bỏ bê ân tứ Chúa đã ban cho ông. Chúng ta bỏ bê ân tứ của chúng ta qua việc thờ ơ với ân tứ đó. Ti-mô-thê được cho biết rằng sự tiến bộ của ông sẽ trở nên rõ ràng bằng cách đầu tư đầy đủ vào việc phát triển ân tứ của ông. Phao-lô nói điều đó sẽ được hoàn thành qua sự luyện tập, sự phát huy và sự suy ngẫm. Chúng ta hãy xem xét vắn tắt từng yếu tố ở đây.

Luyện tập

Luyện tập nghĩa là “thực hiện hay làm việc liên tục để trở nên thành thạo,” theo từ điển Merriam-Webster. Sự luyện tập riêng tư quyết định sự thể hiện của chúng ta nơi công chúng, vì chúng ta sẽ luôn thể hiện theo mức độ mà chúng ta đã luyện tập. Thật dễ để kinh ngạc về một sự trình diễn phi thường nơi công chúng mà không thấy được phải mất nhiều tuần, nhiều tháng và thậm chí nhiều năm luyện tập và làm việc chăm chỉ để đầu tư cho sự thể hiện ở mức độ chuyên nghiệp như thế.

Theo các chuyên gia trong ngành khoa học hành vi và sự thể hiện của con người, cần xấp xỉ mười ngàn giờ luyện tập để trở nên thành thạo hay thuần thục một kỹ năng đặc biệt. Tuy nhiên, giáo sư K. Anders của Đại Học Bang Florida thách thức các niềm tin truyền thống rằng “trăm hay không bằng tay quen.” Ông giáo sư đem vấn đề đi thêm một bước bằng cách tiết lộ rằng luyện tập mười ngàn giờ là không đủ trừ khi tập trung thực hiện với mục đích cải thiện, chứ không chỉ là đi qua các thao tác. Ông đặt tên cho kiểu luyện tập này là “luyện tập có mục đích.” Ông viết:

Ở đây chúng ta nói sơ về việc luyện tập có mục đích: Hãy ra khỏi vùng thoải mái của bạn nhưng hãy làm nó một cách tập trung, kèm với các mục tiêu rõ ràng, một kế hoạch để đạt đến mục tiêu và một phương cách để theo dõi sự tiến bộ của bạn.

Nếu chúng ta không đẩy bản thân ra vượt ra khỏi mức độ thoải mái và kỹ năng của mình, chúng ta sẽ không bao giờ phát triển. Nếu chúng ta “không có mục đích,” thì điều nguy hiểm là một khi chúng ta đạt mức độ “đủ tốt” chúng ta dễ dàng tự mãn. Chỉ là vấn đề thời gian thì sau đó chúng ta đâm ra cẩu thả trong sự luyện tập, rốt cuộc việc đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên sự thể hiện của chúng ta và ngăn trở sự nhân cấp thêm.

Việc phát triển lĩnh vực thế mạnh của bạn là không giới hạn. Nó gia tăng tiềm năng của bạn để nhân cấp. Điều này không có nghĩa chúng ta không làm việc trong các lĩnh vực chúng ta yếu hay không tiếp nhận các kỹ năng mới; mà nó có nghĩa rằng chúng ta tập trung và đầu tư trong các lĩnh vực nào sẽ sản sinh ra kết quả lớn nhất cho tiềm năng của chúng ta.

Tôi khuyên học các kỹ năng mới, nhưng đừng bao giờ bỏ bê các lĩnh vực sự kêu gọi của bạn.

Kết luận vấn đề: Sự tăng trưởng không phải là tự động, nó đòi hỏi chủ đích. Nếu chúng ta không kiên định luyện tập để trở nên “lành nghề” trong các kỹ năng của mình, chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra tiềm năng đầy đủ của chúng ta. Đó là lý do chúng ta phải cứ cam kết với sự phát triển cá nhân. Phần lớn người ta muốn làm những điều vĩ đại với cuộc đời của họ, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng thực hiện công việc cần thiết để trở nên vĩ đại. Luyện tập là đang trả giá, giá này sản sinh những phần thường lớn lao.

Phát huy

Luyện tập là thực tiễn, trong khi phát huy mang tính giáo dục hơn. “Phát huy” nghĩa là “phát triển hay cải thiện qua việc học tập hay huấn luyện; đẩy mạnh sự tăng trưởng và phát triển.”

Khi bạn xem xét từ phát huy, hãy nghĩ đến “sự huấn luyện.” Sự huấn luyện rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển cá nhân của bạn, vì nó cung cấp sự phê bình xây dựng và sự hướng dẫn mà bản thân mình không thể có được. Bất cứ ai tối ưu trong ân tứ của họ đều đã có sự huấn luyện và hướng dẫn từ những người thầy theo sát họ. Yếu tố tuyệt vời của các huấn luyện viên là họ nhìn thấy tiềm năng của bạn và họ cam kết khai thác nó – ngay cả khi việc đó có cả việc họ nghiêm khắc với bạn!

Sự huấn luyện có thể qua mối quan hệ người cố vấn – học trò, cha-con, mẹ – con, thầy-trò, các mối quan hệ huấn luyện, mối quan hệ học việc, thực tập hay một cách gián tiếp từ sách vở, tài liệu huấn luyện và nhiều nguồn tài nguyên sẵn có khác.

Một cách khác để nhận sự giáo dục trong lĩnh vực ân tứ của bạn là quy tụ những người có các ân tứ tương tự. Như đã nói rồi, điều này thường được mô tả là “tìm cộng đồng của bạn.” Khi bạn tiếp xúc với những người có các tài năng và đam mê giống nhau, việc này đem lại cơ hội để cùng nhau cộng tác và phát kiến.

Vào những năm 1930 và 1940, một nhóm các tác giả sáng tạo – được biết đến như The Inklings – đã gặp mặt trong một căn phòng tại một quán rượu gần phần đất của Đại Học Oxford. Giữa những con người say mê văn học này có C.S Lewis và J. R. R Tolkien. Mục đích của những sự tụ họp này là đọc và phê bình các tác phẩm chưa hoàn thiện của các thành viên – từ đó truyền cảm hứng cho việc sáng tác tác phẩm The Lord of the Rings của Tolkien và The Chronicale of Narnia của Lewis. Đây nói về tạo ra “cộng đồng” tuyệt vời!

Suy Ngẫm

“Suy ngẫm” nghĩa là “suy nghĩ, chiêm nghiệm.” Sự tăng trưởng nhất định chỉ có thể xảy ra khi chúng ta dành thời gian dừng lại và suy nghĩ về các bài học chúng ta đang học. Khi chúng ta thành thật theo dõi sự tăng trưởng của mình và tạo cho mình một khoảng thời gian để đánh giá sự tiến bộ và sự thể hiện của bản thân, thì chúng ta sẽ đặt bản thân mình vào vị trí nhận biết các lĩnh vực cần quan tâm hay cần cải thiện.

Bạn tôi là John Maxwell thường nhắc khán giả và độc giả của ông rằng kinh nghiệm không phải là người thầy tốt nhất – là mà những kinh nghiệm được đánh giá. Khi bạn suy nghĩ về sự tiến bộ của mình, hãy ghi nhận sự phản hồi mà bạn nhận được từ các huấn luyện viên và từ những người bạn, cũng như suy nghĩ về những cách sáng tạo để cải thiện và dùng các ân tứ của bạn. Hãy tự hỏi bản thân và hỏi Chúa những câu hỏi đúng: Con cần phải thay đổi điều gì? Các lĩnh vực tăng trưởng lớn nhất của con là gì? Đâu là các lĩnh vực con cần phải để ý thêm? Để bứt phá lên một mức độ mới thì đòi hỏi điều gì nơi con?

Thời gian suy gẫm không bao giờ là thời gian lãng phí.

KHÔNG GIỮ LẠI GÌ

Cuối cùng, chúng ta hãy xem lại lời của Phao-lô nói với Ti-mô-thê:

Hãy chú tâm, cẩn thận thực hành những điều ta dạy, để mọi người đều thấy con tiến bộ. (1Ti-mô-thê 4:15)

Mọi điều mà chúng ta đã bàn đến đều phụ thuộc vào việc dâng mình hoàn toàn cho những gì Chúa kêu gọi và ban ơn cho chúng ta để thực hiện. Sự kêu gọi của bạn đòi hỏi sự cam kết hoàn toàn của bạn. Khi chúng ta dâng hết mình cho những gì Chúa đã giao phó cho chúng ta thực hiện, sự tiến bộ của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng với tất cả mọi người, và chúng ta sẽ nhân cấp tiềm năng của chúng ta.

Mỗi chúng ta có trách nhiệm quản trị các ân tứ và phát huy sự sáng tạo trong cuộc đời của chúng ta. Đến giờ, chúng ta thấy rằng các ân tứ của chúng ta được phát triển tới mức độ nào thì nó sẽ quyết định mức độ chúng ta có thể thăng tiến trong phạm vi sự kêu gọi và sự nhân cấp hiệu năng của chúng ta.

Chúng ta có một cơ hội ở đời này để chúng ta dâng trọn cho ơn gọi mọi thứ chúng ta có. Chúng ta đừng giữ lại gì hết, và hãy cống hiến tất cả, dốc đổ hết bản thân để dâng lại cho Chúa như một món quà. Đó mới là sống thật. Đó là lúc chúng ta thật sự sống và kinh nghiệm cuộc sống mãn nguyện.