12 - Những Cản Trở Sự Nhân Cấp I

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 5 tháng trước

.

12

Những Cản Trở Sự Nhân Cấp I

Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu vào động cơ và ý nghĩ của tên đầy tớ lười biếng trong dụ ngôn của Chúa Giê-su. Tại sao hai người đầy tớ kia nhân cấp còn anh vẫn còn ý như vậy? Tại sao người đầy tớ thứ nhất và thứ hai được coi là “tốt lành và trung tín,” trong khi anh ta được mô tả là “gian ác và lười biếng?”

Trước khi tiếp tục, đầu tiên chúng ta hãy để thời gian xác định một lẽ thật: Khi ai đó đứng trong sự hiện diện của Chúa Giê-su thì không thể nói dối. Tại sao tôi đề cập điều này ở đây? Hãy để tôi giải thích bằng một minh họa thông thường. Bạn đã bao giờ xem một bộ phim gián điệp và trong lúc điều tra, “huyết thanh sự thật” (tiêm thuốc kích thích thần kinh vào đối tượng bị thẩm vấn để thu thập thông tin mật) được sử dụng để phơi bày các sự thật bị giấu kín? Gián điệp hay người khai mang sau đó tiết lộ điều anh ta thề giữ bí mật; sự thật được hé lộ.

Chúng ta hãy chuyển sang tình huống đời thực. Trong những năm đầu hôn nhân, tôi không trưởng thành và đầy bất an. Có những việc trong đó tôi đã hành xử không thể chấp nhận được vào thời điểm đó, cho tới khi Li-sa đối chất tôi. Trong những sự bàn bạc của chúng tôi, tôi mạnh mẽ bảo vệ các hành động và động cơ của mình. Thường trong những sự bàn bạc đó, tôi cứ bảo vệ sự chính xác trong câu nói của mình! Sau đó, trong lúc cầu nguyện và trong sự hiện diện của Chúa, tôi nhận ra cô ấy đúng. Tôi quay trở lại với Li-sa trong sự khiêm nhường và thừa nhận sai lầm.

Vấn đề ở đây : Sự lừa dối, sự không thành thật, sự bịp bợm, sự hai mặt và những hành vi tương tự không thể cùng tồn tại trong sự hiện diện long trọng của Chúa. Chúa Giê-su nói:

Không điều gì che đậy mà sẽ khỏi bị tỏ bày; không điều gì giấu kín mà sẽ khỏi bị phát hiện. Vì thế, những lời các con nói trong tối sẽ được nghe ngoài sáng; những tiếng rỉ tai trong phòng riêng sẽ được công bố trên sân thượng. (Lu-ca 12:2-3)

Chúa Giê-su đang nói cụ thể về sự phán xét vì lúc đó không thể nào nghĩ hay nói dối trá được, vì sự thật sẽ tràn ngập bầu không khí nơi đó và sẽ không cho phép bất kỳ lời dối trá hay lường gạt nào được nói ra. Chính sự kiện rằng dụ ngôn về quản gia tượng trưng cho sự phán xét có nghĩa rằng là chúng ta có thể chắc chắn rằng câu trả lời của tên đầy tớ lười biếng là chính xác. Anh ta tự phơi bày chính mình dù điều đó cáo buộc chính anh ta.

Có hai nhân tố chính phía sau lý do anh ta không nhân cấp đời đời:

● Anh ta không biết bản tính của chủ mình.

● Anh ta sợ hãi.

Hai lý do này được đưa ra theo trật tự. Lý do thứ hai thường, không phải luôn luôn, là sự kết tinh của lý do đầu tiên, vì sự thiếu hiểu biết về bản tính của Chúa rất dễ nuôi dưỡng nỗi sợ hãi. Điều này sẽ được sáng tỏ khi chúng ta tiếp tục phơi bày hai sai lầm này.

“ĐIỀU TÔI TIN”

Khi chúng ta phơi bày sai lầm đầu tiên, hãy để tôi kể một câu chuyện. Tôi vừa mới bay tám tiếng tới Hawaii để dự một hội nghị. Trên người vẫn mặc bộ đồ đi đường, chờ phòng khách sạn sẵn sàng, tôi tìm thấy một chỗ để nghỉ ngơi ngay dưới cái dù cạnh hồ bơi. Tình cờ một nữ thương gia cũng chờ đợi – cô tham dự một hội nghị khác. Chúng tôi nói chuyện và khi cô biết tôi là một tác giả và mục sư Tin Lành, cô bắt đầu kể tỉ mỉ về mối quan hệ của cô với Chúa.

Mất không tới một hai phút để nhận ra cô không biết gì về Chúa. Cô cứ tự tin nói những gì cô tin và rất ít phù hợp với điều Kinh Thánh bày tỏ. Trong khi cô vẫn trình bày chi tiết hơn về niềm tin của cô, tôi xin Thánh Linh ban sự khôn ngoan và Ngài chỉ cho tôi điều phải nói.

Khi cô nói xong, tôi hỏi, “Cô có thấy người đàn ông đang ngồi bên kia bể bơi không?

Cô đáp, “Có, tại sao?”

Tôi nói, “Cho phép tôi kể cho cô về anh ta. Anh ta là người ăn chay nghiêm ngặt – anh ta không ăn bất cứ thứ gì từ động vật, thậm chí là mật ong. Ước mơ của anh ta là ở trong đội bơi lội của Mỹ. Anh ta tập luyện ba tiếng một ngày. Anh ta có sở thích môn quần vợt, nhảy dù và hội họa. Anh ta cưới người phụ nữ đằng kia, bên cạnh bồn tắm nước nóng và cô ta trẻ hơn anh ta mười tuổi.”

Được kích thích sự tò mò, nhưng cũng hơi bối rối tại sao tôi lại thay đổi chủ đề đột ngột như vậy. Cô vừa mới chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc của cô về Chúa và đến lượt mình thì tôi đột ngột mô tả người đàn ông bên kia bể bơi. Sự tò mò hút hết cả sự chú ý của cô, cô hỏi, “Anh ta ở đây để dự hội nghị với anh sao?”

“Không phải thưa cô.”

Cô hỏi, thậm chí còn tò mò hơn, “Ồ, vậy sao anh biết anh ta?”

“Tôi chưa bao giờ biết anh ta.”

Bây giờ trông cô bị bối rối và lo lắng, cô hỏi tại sao tôi biết quá nhiều về anh ta. Tôi không biết ý tưởng này đúng hay không, nhưng qua nét mặt cô, tôi đoán cô nghĩ tôi là một đặc vụ Cục Tình Báo Trung Ương, một nhân viên Cục Điều Tra Liên Bang, một thám tử hay thậm chí là một người theo lén. Tính tò mò của cô càng được kích thích.

Yên lặng một hồi, sau đó tôi nói với cô, “Đó là những gì tôi tin về anh ta.”

Cô ta không nói nên lời.

Tôi nói tiếp, “Cô rất tự tin nói về niềm tin của mình về Đức Chúa Trời là ai. Nhưng hầu như mọi thứ cô vừa mới nói về Ngài là không đúng. Tôi biết điều này vì tôi biết Ngài.”

Sau đó tôi quay lại, nhìn thẳng vào mắt cô và nói, “Điều tôi mới mô tả về người đàn ông mà tôi chưa bao giờ gặp trước đây không khác gì điều cô mới làm với Đức Chúa Trời. Tôi đã nói cho cô điều tôi tin về người đàn ông bên kia bể bơi và nghe rất thuyết phục. Nhưng khả năng là phần lớn điều tôi đã nói không đúng, và lý do là tôi chưa bao giờ để thì giờ để tìm hiểu anh ta.”

Người phụ nữ lắng nghe nhưng có vẻ khá run.

Tôi bình tĩnh nói, “Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Lời Ngài, được ghi lại trong những trang sách Kinh Thánh, nó tiết lộ Ngài là ai. Ngài cũng sai Thánh Linh của Ngài để bày tỏ Chúa Giê-su cho chúng ta, Ngài chỉ cho chúng ta Đức Chúa Trời Toàn Năng vì Ngài là Đức Chúa Trời được bày tỏ trong xác thịt.”

Tôi dừng lại và sau đó nhẹ nhàng hỏi, “Cô có nghĩ là cô đã dựng lên một Đức Chúa Trời tưởng tượng trong tâm trí của mình, đấng thực tế chẳng tồn tại?”

Đáng buồn, hoặc cô ta không sẵn sàng để đối đầu việc thiếu hiểu biết về Chúa hoặc cô ta sợ hãi để đối diện thực tế được gặp Ngài. Chúng tôi nói chuyện thêm vài phút và không lâu sau thì đường ai nấy đi.

Có thể bạn cười khi đọc câu chuyện này, khi bạn nghĩ, Tôi biết Đức Chúa Trời. Tôi đi nhà thờ và đọc Kinh Thánh. Tuy nhiên, trước khi bất cứ ai trong chúng ta an chắc trong lối suy nghĩ đó, chúng ta phải nhớ trường hợp của những người Pha-ri-si. Họ đi nhà thờ, cầu nguyện và kiêng ăn đều đặn, hoàn hảo và có thể nói thuộc lòng năm sách đầu tiên của Kinh Thánh. (Chắc chắn tôi không có được một kỷ lục tốt như thế.) Thế nhưng, họ không thể nhận ra Đức Chúa Trời bày tỏ trong xác thịt – Chúa Giê-su, đang đứng trước mắt họ.

BIẾT ĐỨC CHÚA TRỜI

Ai có được đặc ân biết Đức Chúa Trời? Tất cả đều được mời, nhưng có những phạm vi đã được thiết lập. Cánh cửa mở ra cho mối quan hệ thật khi chúng ta từ tậm tấm lòng quyết định dâng trọn cuộc đời mình cho Ngài, không phải chỉ qua loa, mà phải kèm theo những hành động tương ứng. Chúa Giê-su nói, “Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai vì Ta mà mất mạng sống thì sẽ tìm lại được.” (Ma-thi-ơ 16:25). Ý của Ngài là gì khi nói, “sẽ tìm lại được?” Rất đơn giản, sự sống thật chỉ được tìm thấy trong việc biết Ngài.

Chúng ta không biết Đức Chúa Trời nhờ đi nhà thờ, chơi chung với mấy người bạn tin lành, nhờ đọc sách, nghe nhạc thánh ca, hay lặp lại lời cầu nguyện “tin Chúa,” hay thậm chí là bởi làm các việc từ thiện. Trong Kinh Thánh Chúa Giê-su thường được mô tả là Chàng Rể và chúng ta được mô tả là Nàng Dâu. Khi một chàng rể và nàng dâu hiệp nhất, hai người trở nên một. Phao-lô viết, “Huyền nhiệm này thật vĩ đại, tôi nói đến Chúa Cứu Thế và Hội Thánh.” (Ê-phê-sô 5:32). Để cho thấy thế nào là biết Ngài, Đức Chúa Trời đã cho chúng ta một bài giảng được minh họa, một bài giảng phổ biến nhất giữa vòng loài người. Mỗi ngày chúng ta có thể quan sát một sự trình bày rõ ràng về mối quan hệ với Ngài: Hôn nhân, đời sống thánh của vợ chồng.

Khi một người nữ đi giữa hai hàng ghế nhà thờ trong bộ váy trắng đến hành khúc đám cưới, cô đang tuyên bố một câu rất mạnh mẽ. Cô đang nói lời giã từ với khoảng 3,930,000,000 người nam khác trên thế giới! Cô sẽ dâng trọn tấm lòng, tâm hồn, thân thể và đời sống của cô cho người nam đang chờ đợi cô ở bục giảng. Thật lý thú là quyết định của cô tượng trưng cho sự “ăn năn” thật. Cô ấy đang từ bỏ tất cả những cơ hội để thiết lập sự hiệp nhất trong hôn nhân với tất cả những người nam còn lại trên quả đất. Cô và người chồng được chọn của cô bước vào một giao ước: Anh ta hoàn toàn là của cô và cô hoàn toàn là của anh ta. Cả hai bắt đầu một hành trình mới, hành trình đó mang theo tiềm năng làm cho mối quan hệ thêm sâu lắng, biết về nhau nhiều hơn họ có thể biết về bất cứ người nào khác.

Bây giờ tôi muốn nói điều này mà thoạt nghe có vẻ gây tranh cãi, nhưng hãy nghe tôi nói hết! Cá nhân tôi tin rằng một trong những trở ngại lớn nhất mà chúng ta đã tạo ra đối với việc biết Chúa là giới thiệu “lời cầu nguyện tin Chúa.” Đặc thù truyền thống của chúng ta trông như thế này: Chúng ta bán một mối quan hệ với Chúa gần như thể chúng ta đang tiếp thị một sản phẩm cho người tiêu dùng. Sau một sứ điệp hay cuộc làm chứng, chúng ta nói, “Bạn có muốn biết Đức Chúa Trời không? Bạn có muốn một mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa của bạn không? Vậy thì hãy cầu nguyện lời này: ‘Lạy Chúa Giê-su, xin hãy bước vào cuộc đời con. Con ăn năn các tội lỗi mình. Con tiếp nhận Ngài làm Đấng Cứu Thế của con. Cảm ơn Ngài tha thứ cho con và để con làm con của Đức Chúa Trời.”

Tiếp theo, chúng ta thông báo tin vui cho tất cả những người có mặt, chúc mừng vì những người mới cải đạo mãi mãi được an ninh với Chúa và mời họ thông công với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta đã không nói gì ngoài sự ăn năn – họ cần từ bỏ vĩnh viễn lối sống ích kỷ và phó sự sống mình cho Ngài. Thế nhưng, hãy lắng nghe câu nói đầy đủ của Chúa Giê-su:

Kế đó, Đức Giê-su phán với các môn đệ: Nếu người nào muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình và theo Ta. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai vì Ta mà mất mạng sống thì sẽ tìm lại được. (Ma-thi-ơ 16:24-25).

Chúng ta chỉ có thể thật sự biết Đức Chúa Trời bằng cách bước vào mối quan hệ thật với Ngài, điều Chúa Giê-su đã tóm lược trong các câu này. Biết Đức Chúa Trời không phải là một sự kiện một lần mà là một quyết định vững vàng nhằm đầu phục các đường lối của Ngài hơn là những gì mà bạn nghĩ là tốt nhất cho bạn. Đây là một quyết định được đưa ra mỗi ngày, mỗi giây phút. Nếu một vấn đề được bày tỏ rõ ràng trong Lời Ngài thì không có sự tranh cãi hay không cần phải vâng lời. Đi theo Chúa Giê-su nghĩa là bạn đã có một quyết định trong lòng để từ bỏ những điều làm cho Ngài bực mình và để phục vụ Ngài liên tục.

Sứ đồ Gia-cơ viết, “Hãy thực hành Lời Chúa, đừng tưởng chỉ nghe là đủ mà tự lừa dối mình.” (Gia-cơ 1:22). Người mà nghe Lời Chúa, nhưng không đáp ứng trong suy nghĩ, lời nói và hành động thì đã tự lừa dối chính mình. Kinh Thánh nói đây là sự lừa dối bản thân mình, tôi nghĩ điều này mô tả chính xác tên đầy tớ thứ ba, người Pha-ri-si, người phụ nữ ở hồ bơi tại Hawaii và nhiều người khác mà tôi đã gặp, những người thật sự tin rằng họ có mối quan hệ với Chúa vì họ đi nhà thờ và trích Kinh Thánh nhưng thường xuyên ăn nói và sống trái ngược với Lời Ngài. Đáng buồn là họ đã bị dẫn dụ sai lạc. Đó là tự lừa dối.

Để tôi nói nhanh một ý quan trọng. Li-sa sẽ nói cho bạn biết rằng cô đã phạm nhiều sai lầm trong hôn nhân của chúng tôi (tôi phạm nhiều hơn, nhưng ở đây tôi tập trung nhiều hơn vào nàng dâu!) nhưng cô không bao giờ có chủ đích tìm kiếm ước muốn cá nhân và đánh đổi giao ước hôn nhân của chúng tôi. Hành vi của cô không hoàn hảo, nhưng lòng cô chưa bao giờ xa rời sự chung thủy bền vững với tôi.

Tương tự, trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, nếu chúng ta thỉnh thoảng không vâng lời, Ngài sẽ tha thứ. Không khác biệt với việc vợ chồng không phá vỡ mối quan hệ giao ước khi phạm một sai lầm. Mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa của chúng ta là sự chung thủy thật từ tấm lòng, không phải từ đầu môi chót lưỡi mà không có những hành động tương xứng.

Chúa Giê-su nói một câu đặc biệt nhất: “Người nào chịu làm theo ý Ngài sẽ biết…” (Giăng 7:17). Nó bắt đầu trong thâm tâm con người chúng ta; khi chúng ta ước ao làm theo, chứ không chỉ nghe mà thôi. Chúng ta làm bất cứ điều gì Ngài nói và sau đó chúng ta sẽ biết. Chúng ta nhận ra và biết Đức Chúa Trời và Lời Ngài. “Người nào chịu làm theo ý Ngài sẽ biết giáo lý này đến từ Đức Chúa Trời hay là chính Ta tự nói ra.” (Giăng 7:17).

Trong dụ ngôn về các ta-lâng, cả ba đầy tớ đã nghe chính xác những sự chỉ dẫn giống nhau trước khi chủ của họ đi. Hai đầy tớ đã hành động theo các chỉ dẫn của chủ và một đầy tớ chẳng làm gì cả. Không phải ngẫu nhiên mà người đầy tớ thứ ba này thật sự không biết chủ của mình, vì thế anh ta đã xem nhẹ tầm quan trọng của các sự chỉ dẫn của chủ. Tên đầy tớ này đã tự lừa dối.

SỰ KÍNH SỢ CHÚA

Một cụm từ của Kinh Thánh mô tả phần thảo luận của chúng ta cho đến bây giờ: sự kính sợ Chúa. Do có đủ các kiểu sợ hãi vây quanh, đặc biệt trong thời đại của chúng ta nên chúng ta hay tránh né câu nói này. Tuy nhiên, có hai cái sợ và chúng hoàn toàn đối lập nhau. Một là “linh sợ hãi,” và hai là “sự kính sợ Chúa.” Kinh Thánh phân biệt hai nỗi sợ này. Môi-se đã nói với dân sự Chúa ngay sau khi họ rút lui khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

“Anh chị em đừng sợ. Đức Chúa Trời đến để thử anh chị em, để anh chị em có lòng kính sợ Đức Chúa Trời và không phạm tội với Ngài.” Trong khi Môi-se đến gần đám mây dày đặc là nơi Đức Chúa Trời ngự thì dân chúng cứ đứng ở đằng xa. (Xuất Hành 20:20-21)

Thoạt nhìn, có vẻ như Môi-se tự mâu thuẫn. Để tôi diễn ý câu nói của ông để làm cho nó rõ: “Đừng sợ hãi vì Đức Chúa Trời đã đến xem liệu trong anh chị em có sự kính sợ Ngài hay không.” Tuyên bố của ông không phải là một sự mâu thuẩn, mà là sự phân biệt giữa việc “kinh hãi Chúa” và sự “kính sợ Chúa” – có một sự khác biệt. Người sợ hãi Chúa có điều gì đó để giấu. Hãy nhớ lại thể nào A-đam đã trốn sự hiện diện của Chúa sau khi phạm tội nghịch với Ngài (xem Sáng Thế 3:8). Mặt khác, người kính sợ Chúa thì chẳng có gì để giấu. Thực tế là người đó sợ xa cách Ngài.

Vì thế ngay từ đầu, cho phép tôi nêu một ý chắc chắn: Sự kính sợ Chúa không phải là sợ hãi Chúa. Làm sao chúng ta có thể có mối quan hệ thân mật với Người mà chúng ta sợ hãi? Như đã nói, sự kính sợ thánh và chân thật thì kinh hãi về việc bị xa cách Đức Chúa Trời. Bạn không muốn ở bất cứ đâu ngoài ở trong sự hiện diện, sự chăm sóc và tình yêu thương của Ngài. Bạn không dám nhúc nhích đâu, bất kể hoàn cảnh hay mọi việc trông ảm đạm thế nào đi nữa, bạn biết không có chỗ nào tốt hơn việc được gần Ngài. Điều này thể hiện rõ qua việc bạn vâng lời Ngài.

Kính sợ Chúa là tôn kính, sùng kính, tôn trọng Ngài hơn bất cứ ai hay điều gì khác. Kính sợ Chúa là giữ Ngài trong sự kính mến cao cả, hiểu rõ những ước ao của tấm lòng của Ngài như của báu hơn là chính bản thân. Chúng ta yêu điều Ngài yêu và ghét điều Ngài ghét. Điều quan trọng đối với Ngài trở nên quan trọng đối với chúng ta; điều không quan trọng đối với Ngài sẽ không quan trọng đối với chúng ta.

Cách nhìn này đặt chúng ta vào vị trí của những người được nghênh đón để gần gũi Ngài. Nếu bạn xem xét dân Y-sơ-ra-ên, tình yêu của họ dành cho Chúa có điều kiện. Khi hoàn cảnh thuận lợi, họ thờ phượng, vâng lời và yêu mến Ngài. Khi nó không thuận lợi thì họ than phiền. Họ đã không tin cậy Ngài tuyệt đối, mà trái lại họ lo giữ gìn bản thân mình. Bằng cách giữ mạng sống của mình, họ đã làm trái ngược điều Chúa Giê-su nói trong phúc âm; họ đã từ bỏ đặc ân lớn lao của mối quan hệ thật với Ngài. Môi-se kính sợ Chúa, còn dân chúng thì không.

Những động cơ của họ đã được phơi bày thuận theo thái độ đó – dân chúng thì đứng ở đằng xa, nhưng Môi-se lại gần sự hiện diện của Chúa. Họ sống một cuộc đời bị che mắt nên không thấy những điều tốt đẹp nhất. Ngược lại, Môi-se đã nhìn thấy rõ ràng. Môi-se biết Đức Chúa Trời – Lời Ngài, các đường lối và sự khôn ngoan của Ngài. Còn họ chỉ biết Đức Chúa Trời bởi cách Ngài trả lời những lời cầu nguyện của họ.

Chúng ta hành động thích đáng trong sự kính sợ Chúa khi chúng ta vâng lời Ngài ngay lập tức; ngay cả khi chúng ta không hiểu hết hay không thấy có lợi ích rõ ràng, và thậm chí có khí còn bị thiệt hại nữa. Chúng ta biết bản tính của Ngài, vì thế chúng ta được thuyết phục. Ngay cả khi điều gì đó có vẻ gây thiệt hại, nhưng sẽ không bao giờ bị thiệt hại khi chúng ta vâng lời Chúa.

Cuối cùng, việc bước đi trong sự kính sợ Chúa bày tỏ qua việc vâng lời Ngài cách trọn vẹn. Áp-ra-ham đã làm điều này khi Chúa bảo ông từ bỏ điều quan trọng nhất với ông – điều ông đã chờ đợi hai mươi lăm năm – để dâng người ông yêu thương hơn bất cứ ai hay tài sản nào – đứa con trai Y-sác. Ông ra đi lúc sáng sớm và đi ba ngày để làm điều Chúa bảo. Đức Chúa Trời không cho ông biết “tại sao”, và có vẻ như của lễ này sẽ làm tiêu tan hết những điều mà Áp-ra-ham sống để có được. Việc này có vẻ gây thiệt hại cho ông quá. Nhưng ông tuyệt đối tin cậy bản tính của Chúa (tương phản với hành động của tên đầy tớ lười biếng).

Một khi Áp-ra-ham đã đưa dao lên để hành quyết Y-sác, thì thiên sứ của Chúa đã ngăn ông lại và tuyên bố, ““Đừng giết đứa trẻ, cũng đừng làm gì nó cả! Vì bây giờ, ta biết ngươi kính sợ Đức Chúa Trời và không tiếc con ngươi với Ta, dù là con một của ngươi!” (Sáng Thế 22:12). Kiểu tình yêu, sự tin cậy và đức tin này là tấm lòng của người thật sự kính sợ Chúa.

Chúng ta được bảo, “Kính sợ CHÚA là khởi đầu sự hiểu biết.” (Châm ngôn 1:7). Sự hiểu biết nào? Chúng ta tìm thấy câu trả lời không lâu sau đó, nhưng chúng ta cũng hãy xem điều gì dẫn tới câu trả lời – để Lời Ngài trên mọi sự, giống với điều Áp-ra-ham đã làm:

Hỡi con ta, nếu con tiếp nhận những lời ta và trân trọng giữ gìn các điều răn ta trong lòng. Nếu tai con lắng nghe sự khôn ngoan; Và lòng con hướng về sự hiểu biết; Phải, nếu con kêu nài sự sáng suốt; Nếu con cất tiếng xin sự hiểu biết; Nếu con tìm nó như tìm bạc, và kiếm nó như kiếm châu báu ẩn giấu; Bấy giờ con sẽ hiểu sự kính sợ CHÚA và tìm thấy sự hiểu biết Đức Chúa Trời. (Châm Ngôn 2:1-5).

Câu trả lời rất rõ ràng; sự kính sợ Chúa là khởi đầu của sự hiểu biết Chúa. Ngày nay chúng ta diễn ý câu này khác biệt một chút. Chúng ta có thể nói, “Ngươi sẽ hiểu sự kính sợ Chúa và bắt đầu biết Chúa cách thân mật.” Đến đây thì chúng ta hiểu được căn nguyên sâu xa của tên đầy tớ lười biếng kia. Anh ta thiếu sự kính sợ thánh, thể hiện rõ qua việc anh ta không hành động và câu trả lời cuối cùng của anh. Giống như Y-sơ-ra-ên, thi thoảng xem Chúa là một tên bạo chúa, tên đầy tớ này cũng đã nhìn chủ mình giống như vậy. Anh ta bị che mắt không thấy bản tính của người chủ của mình.

Sự kính sợ thánh là nơi khởi đầu của việc biết Đức Chúa Trời. Trước giả Thi Thiên khẳng định điều này bằng sự công bố: “Bí quyết của CHÚA dành cho người kính sợ Ngài. Ngài tỏ cho họ biết giao ước Ngài.” (Thi Thiên 25:14). Bạn hữu là những người chúng ta biết ở mức độ thân mật. Chúa Giê-su nói một câu đầy kinh ngạc, “Các con là bạn hữu của Ta nếu các con thi hành điều Ta truyền.” (Giăng 15:14).

Nhiều người trong chúng ta thường nói chúng ta “yêu” Chúa Giê-su như cách chúng ta nói chúng ta yêu thích một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, một vận động viên hay bất cứ nhân vật nổi tiếng trong công chúng. Đầu năm 2020, khi Kobe Bryant và con gái, Gianna của anh chết trong vụ tai nạn trực thăng, toàn bộ nước Mỹ đã thương tiếc và nhiều người khóc. Người ta để nhiều bong bóng, tấm thiệp và bó hoa gần Staples Center tại Los Angeles nơi anh từng chơi bóng rổ. Tôi cũng thương tiếc về bi kịch đó và đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này.

Nhưng phần lớn chúng ta là những người thương tiếc thì không biết Kobe như người vợ, gia đình và bạn bè thân thiết của anh. Nếu anh ta có thấy chúng ta trên đường, anh ta sẽ không biết chúng ta là ai. Tôi chưa bao giờ có thời gian nào gặp anh ta nhưng tôi đau buồn về việc anh qua đời như thế là tôi rất quen biết anh ta. Giống như việc Kobe không biết tôi khi anh còn sống, thì có rất nhiều tín đồ ngày nay tuyên bố mình biết Chúa Giê-su vì họ đi nhà thờ, hay nói về Chúa trên mạng xã hội, hay nghe nhạc thánh, làm các công tác tôn giáo và thậm chí tuyên xưng Ngài là Chúa của mình. Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su sẽ là, “Ta chưa hề biết ngươi bao giờ.” Và đây là lý do:

“Không phải hễ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều sẽ vào Nước Thiên Đàng đâu, nhưng chỉ những người làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời. Vào ngày ấy, nhiều người sẽ nói với Ta rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng con đã nhân danh Ngài nói tiên tri, nhân danh Ngài trừ quỷ, nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ.’ Nhưng Ta sẽ phán cùng họ rằng: ‘Ta không biết các người, hỡi những kẻ gian ác, hãy lui ra khỏi Ta!’” (Ma-thi-ơ 7:21-23)

Chúng ta không hề muốn Chủ nói điều này với chúng ta. Nếu bạn tra xem kỹ phân đoạn này, những người này tự tin trong mối quan hệ của họ với Chúa Giê-su, thậm chí còn thể hiện cảm xúc nữa. Kobe chắc đã nói với tôi, “Anh là ai, anh từ đâu tới, tên anh là gì?” Chúa Giê-su sẽ nói như thế này với nhiều người tuyên bố mình biết Ngài, “Ta không biết ngươi hay ngươi từ đâu đến” (Lu-ca 13:25).

DÀNH THÌ GIỜ VỚI NGÀI

Sự kính sợ Chúa là nơi khởi đầu để biết Ngài cách thân mật, nhưng tại sao cứ dậm chân tại chỗ khởi đầu này? Hãy đi sâu hơn trong mối quan hệ của bạn, vì Ngài đang kêu gọi bạn đến gần. Chúng ta được bảo, “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đến gần anh chị em.” (Gia-cơ 4:8). Thật kỳ diệu là chúng ta quyết định mức độ mối quan hệ của chúng ta với Ngài.

Tôi ngạc nhiên vì rất nhiều tín đồ hữu danh vô thực không khác biệt nhiều với người phụ nữ tôi gặp tại bể bơi ở Hawaii. Họ có “sự hiểu biết về Chúa” từ mạng xã hội, từ việc nghe nhạc thánh ca, đọc các bài viết Cơ Đốc, trò chuyện với tín hữu và mục sư của họ một tuần một lần. Nhưng họ không dành thì giờ cá nhân với Ngài.

Các thống kê mới nhất cho thấy những người từ độ tuổi mười lăm cho đến hai mươi lăm để 53.7 tiếng một tuần trước màn hình – nào là điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính và truyền hình. Tôi thắc mắc có bao nhiêu thì giờ được dành trong Lời Chúa? Và câu hỏi đó không chỉ liên quan tới giới trẻ!

Tôi đã và đang đọc Kinh Thánh hơn bốn mươi năm, và việc này vẫn là một trong những điều tôi yêu thích làm. Trước khi đọc, tôi luôn xin Thánh Linh mặc khải Chúa Giê-su cho tôi một cách tươi mới. Tôi đã để nhiều năm dậy sớm và để thì giờ đi lại trong tầng hầm hay đi ra ngoài ở một nơi xa vắng hay trong phòng khách sạn – chỉ để đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và lắng nghe Chúa. Tôi không muốn là một trong những người giảng tin lành khắp thế giới mà chỉ dựa vào ân tứ của mình mà không bao giờ biết Đấng ban cho ân tứ.

Đức Chúa Trời muốn thân mật với bạn. Tình yêu trọn vẹn của Ngài xua đi sự sợ hãi. Chúng ta thường thấy bản thân mình hành động như người đầy tớ bị che mắt không thấy sự tốt lành của chủ. Đây là lý do tôi khích lệ bạn cầu nguyện để Chúa đổ đầy sự kính sợ thánh cho bạn. Sau đó hãy dành thì giờ chất lượng với Ngài và khám phá Ngài thật sự là Ai: Tình yêu thương.

Đức Chúa Trời đã tìm kiếm, đã yêu thương và đã chết cho chúng ta từ rất lâu trước khi chúng ta biết Ngài. Ngài đã khởi xướng mối quan hệ tuyệt diệu này. Ngài ở về phía bạn. Ngài khao khát biết bạn cách thân mật. Tuy nhiên, Ngài yêu thương chúng ta sâu đậm đến nỗi Ngài không muốn ép chúng ta vào một mối quan hệ.

Vì thế bây giờ hãy lựa chọn! Hãy chọn sự sống! Hãy chọn biết Ngài…cách thân mật.