11 - Hãy Bắt Chước Tôi

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 5 tháng trước

.

 

11

Hãy Bắt Chước Tôi

Trước khi chúng ta đi tiếp để thảo luận điều gì ngăn trở sự nhân cấp và điều gì thúc đẩy việc này, chúng ta có thêm một lĩnh vực quan trọng để bàn đến. Làm cách nào để chúng ta nhân cấp khi chúng ta được thuê mướn hay đang phục vụ người khác? Phần lớn trong chúng ta đều ở trong hoàn cảnh này thường xuyên.

Để thảo luận điều này, tôi sẽ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể của chức vụ, nhưng các nguyên tắc này áp dụng cho bất cứ vị trí nào bạn nắm giữ trong thế giới thương mại như thương trường, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, công quyền, truyền thông, thể thao, nghệ thuật và bất cứ vị trí nào khác trong thế giới ngày nay.

Phao-lô nói, “Hơn thế nữa, điều cần yếu nơi người quản trị là trung tín.” (1 Cô-rinh-tô 4:2). Như chúng ta đã thiết lập từ Kinh Thánh, một trong những đặc trưng chính của sự trung tín là nhân cấp. Một vài câu sau đó trong lá thứ của ông, Phao-lô đặt ra một thành phần chủ chốt cho sự nhân cấp số nhiều.

Dầu anh chị em có hàng vạn thầy kèm trẻ trong Chúa Cứu Thế, nhưng anh chị em không có nhiều cha. Vì nhờ Phúc Âm tôi đã sanh anh chị em trong Chúa Cứu Thế Giê-su. (1Cô-rinh-tô 4:15)

Phao-lô là cha của hội thánh Cô-rinh-tô. Như đã nói trong câu này, một người cha chắc chắn là một người dẫn dắt người khác đến với đức tin. Tuy nhiên, một người cha có thể được định nghĩa trong những cách khác. Trong Kinh Thánh, một người cha thường được định nghĩa là người không liên quan đến việc cải đạo.

Cũng Phao-lô khi nói với hội thánh Ga-la-ti, “Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi vượt xa hơn nhiều người đồng bào đồng tuổi với tôi. Tôi hết sức nhiệt thành giữ các truyền thống của tổ tiên.” (Ga-la-ti 1:14). Phao-lô không nói đến bất cứ người nào khi dùng từ tổ tiên. Điều này cũng xác chứng câu nói của ông, “anh chị em không có nhiều cha.” Chữ nhiều được định nghĩa trong tiếng Hy Lạp là “nhiều về con số.” Điều này cho thấy chúng ta có thể có hơn một “cha” trong đời sống chúng ta.

Phao-lô thường nói về Ti-mô-thê như “con trai” của ông. Tuy nhiên, ông không dẫn Ti-mô-thê đến với sự cứu rỗi, vì chúng ta đọc rằng Phao-lô đã tới, “Lít-tra, tại đây có một môn đệ tên Ti-mô-thê, con trai một nữ tín hữu Do Thái và một người Hy Lạp, được các anh em ở Lít-tra và Y-cô-ni làm chứng tốt.” (Công Vụ 16:1-2). Rõ ràng, Ti-mô-thê đã là một tín hữu vững vàng khi Phao-lô mới gặp ông.

Nếu chúng ta xem Cựu Ước, Đa-vít nói về vị lãnh đạo vô cùng hà khắc của ông như “cha tôi” (xem 2Sa-mu-ên 24:11), và Ê-li-sê nói về lãnh đạo của mình như “cha tôi” (2 Các Vua 2:12). Ê-li nói ông không tốt hơn các “tổ phụ” của mình (xem 1 Các Vua 19:4), danh sách dài còn tiếp tục.

Xét theo đề tài của sách này, ý định của tôi không phải là trình bày rõ người cha là gì, mà chỉ cho thấy một người cha có thể đại diện cho ai. Một người cha là người đem sự lãnh đạo, sự nuôi dưỡng và tạo ra một văn hóa đến cho một cá nhân hay tổ chức. Vì mục đích đang bàn đến ở đây, nên một người cha có thể giữ nhiều vị trí: chủ doanh nghiệp mà bạn làm việc, lãnh đạo ban ngành của bạn, mục sư của bạn, lãnh đạo nhóm nhỏ của bạn, người giám sát hoạt động của bạn, giáo viên của bạn, huấn luyện viên của bạn, bác sĩ bạn phục vụ – đó chỉ là một danh sách ngắn. Tất nhiên, chắc chắn bạn kết luận rằng một người “cha” trong các tình huống này có thể là nữ giới. Vì thế, khi nói đến những người cha tôi cũng đưa vào những người nữ đứng trong vai trò này.

CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC NHAU

Phao-lô, với tư cách cha của hội thánh Cô-rinh-tô, dạy trong câu tiếp theo: “Thế thì, tôi khuyên anh chị em hãy trở nên như tôi.” (1Cô-rinh-tô 4:16).

Phao-lô không nói, “Hãy bắt chước tôi, như tôi cũng bắt chước Đấng Christ vậy.” (Ông có nói điều này trong chương 11). Tuy nhiên, sự dạy dỗ đơn giản là hãy “bắt chước tôi.” Có một lý do chính đáng cho điều này và nó được tiết lộ trong câu tiếp theo:

Vì vậy, tôi đã sai Ti-mô-thê đến với anh chị em. Người là con yêu dấu và trung tín của tôi ở trong Chúa. Người sẽ nhắc nhở anh chị em đường lối của tôi trong Chúa Cứu Thế Giê-su như tôi vẫn dạy tất cả các Hội Thánh khắp nơi. (1Cô-rinh-tô 4:17)

Những lời trước đó của ông, “Vì lý do này” rất quan trọng. Phao-lô vừa bảo các độc giả hãy bắt chước ông. Và để bảo đảm không có sự gián đoạn trong khải tượng, trong cách thức, trong văn hóa và trong những lời thuyết phục nên ông phải sai phái người con trung tín của mình. Dấu chỉ của một người con trung tín là gì? Một người con trai hay con gái trung tín sẽ nhân cấp cách sống của cha mẹ mình! Lát nữa tôi sẽ nói về điều này chi tiết hơn, nhưng trước hết hãy xem xét ý này: Phao-lô không viết cho hội thánh Cô-rinh-tô nói rằng Ti-mô-thê “sẽ nhắc anh chị em về các đường lối của sứ đồ Phi-e-rơ trong Đấng Christ.” Phi-e-rơ có phải là một lãnh đạo chân thật trong hội thánh không? Chắc chắn. Ông có phải một lãnh đạo tin kính và được xức dầu không? Vâng, có. Ông có viết hai sách trong Kinh Thánh! Có phải Phi-e-rơ có thời gian làm sứ đồ lâu hơn Phao-lô không? Có.

Thêm nữa, Phao-lô không viết rằng Ti-mô-thê “sẽ nhắc anh chị em về các đường lối của sứ đồ Gia-cơ trong Đấng Christ.” Giống như Phi-e-rơ, Gia-cơ cũng là một người cha chân thật trong hội thánh, đã làm sứ đồ lâu hơn Phao-lô, và là một lãnh đạo đáng tin cậy. Ông cũng có viết một sách trong Kinh Thánh và đóng vai trò như một người giám mục của hội thánh tại Giê-ru-sa-lem.

Cả Phi-e-rơ và Gia-cơ có hoạt động khác với Phao-lô không? Có. Vậy các thư tín và đường lối của Phao-lô có làm cho thư tín và đường lối của Phi-e-rơ và Gia-cơ vô hiệu không? Tuyệt đối không! Tuy nhiên, các đường lối của họ không phù hợp cho hội thánh Cô-rinh-tô, nơi Phao-lô là người cha thuộc linh.

Phao-lô đang ở trong quá trình thiết lập văn hóa của ông trong hội thánh Cô-rinh-tô. Các phương pháp của ông là khác biệt với các “tổ phụ” khác, nhưng nó đều đúng với niềm tin căn bản và sự dạy dỗ của Đấng Christ. Thế nhưng, mỗi người trong họ có những phương pháp, những cách thức và những sự thuyết phục khác nhau mà họ đeo đuổi để hoàn tất nhiệm vụ môn đồ hóa muôn dân muôn nước.

Điều này nhấn mạnh một lẽ thật mà nhiều tín hữu chưa hề biết – việc thiếu đi sự nhận thức rằng đây thường là nguyên do của những sự chia rẽ gây tổn hại giữa vòng hội thánh Chúa. Đây là lẽ thật: Có những hoạt động khác nhau trong hội thánh. Nói cách khác, có nhiều cách khác nhau để hoàn thành mục tiêu chung là mở rộng Nước Chúa.

Phao-lô dạy hội thánh Cô-rinh-tô:

Có nhiều công việc khác nhau nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng làm mọi sự trong mọi người. (1Cô-rinh-tô 12:6)

Khi đi lại trong chức vụ trọn thời gian suốt ba mươi năm, tôi đã trực tiếp chứng kiến nhiều nét văn hóa, nhiều phương pháp và nhiều nếp sống đạo trong hội thánh toàn cầu. Thế nhưng, tôi có thể cảm nhận sự hiện diện của Chúa Giê-su trong mỗi bầu không khí này.

Phao-lô thường xuyên dùng các thuật ngữ quân đội để dạy hội thánh. Đó không chỉ là lối nói tượng hình; chúng ta thật sự là các thành viên của quân đội của Chúa trên đất. Tôi sẽ dùng cách của Phao lô để minh họa các hoạt động khác nhau của các chức vụ. Quân đội Mỹ gồm các quân chủng khác nhau. Chúng tôi có quân đội, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến, hải cảnh và lực lượng vũ trụ. Các quân chủng này có các thủ tục và phương pháp khác nhau để hoàn thành các mục tiêu và trách nhiệm của họ. Tuy nhiên, các quân chủng này ở cùng một phía khi bảo vệ và phục vụ đất nước chúng tôi.

Một học viên không quân sẽ được đào tạo cụ thể với tư cách một thành viên đang làm nhiệm vụ của không quân Mỹ. Sự nhấn mạnh trong huấn luyện đa phần sẽ liên hệ tới các hoạt động chiến thuật trên không, vì quân chủng này hoạt động chủ yếu trên bầu trời. Nếu học viên này được tái phân công sang hải quân, thì đòi hỏi sự huấn luyện khác. Tất nhiên, có rất nhiều các kỹ thuật nền tảng trùng khớp giữa hai quân chủng. Tuy nhiên, vì hải quân hoạt động chủ yếu trên biển, nên cựu thành viên không quân này sẽ phải học nhiều các cuộc diễn tập hoạt động mới và các chiến lược quân đội mới.

Tương tự trong Nước Chúa cũng vậy. Đây là một minh họa có tính giả thiết. Ví dụ tên các mục sư lãnh đạo của bạn là Joe và Terri Anderson. Họ và các nhân sự của họ, bởi ơn của Chúa, đã phát triển hội thánh lên mười tám ngàn thành viên, và khi làm vậy họ đã thiết lập các đường lối – các phương pháp và nét văn hóa – độc nhất với phong cách lãnh đạo của họ. Sự trung tín của hội thánh bạn đã ảnh hưởng đến cộng đồng của bạn một cách lạ lùng. Đây mới chỉ là ảnh hưởng thuộc địa phương, nhưng việc này còn tiến xa hơn nữa.

Nào, ở một địa phương khác, giả dụ có một hội thánh rất nổi tiếng có hàng chục ngàn thành viên và nổi tiếng khắp thế giới. Tên các mục sư lãnh đạo của họ là Kevin và Marisa Smith. Họ đang thiết lập các xu hướng và phong cách lãnh đạo với các chiến thuật tươi mới của chức vụ mà đang ảnh hưởng nhiều người hơn mục sư của bạn. Bạn sẽ đi theo các đường lối của ai, của gia đình Smith hay của mục sư của bạn hay của gia đình Anderson?

Có thể bạn bị cám dỗ để đi theo cách của các lãnh đạo nổi tiếng thế giới và cố gây ảnh hưởng lên lãnh đạo của bạn để chấp nhận phương cách của họ. Nếu bạn chìu theo sự cám dỗ này, tôi xin thưa bạn sẽ không phải là một đầy tớ trung thành của Chúa, trái lại bạn đang gieo rắc sự bất hòa, sự chia rẽ và thậm chí là sự bất đồng. Bạn, giống những người Cô-rinh-tô, nên tìm biết và đi theo các phương pháp và nét văn hóa của lãnh đạo của bạn vì cớ sự hiệp một. Thực tế là gia đình Smith không phải là lãnh đạo của bạn mà là gia đình Anderson.

Suốt những năm đi giảng dạy khắp thế giới và quan sát hội thánh Chúa từ một cái nhìn bao quát, tôi chứng kiến các bi kịch thường xuyên xảy ra – hậu quả từ việc không nhận biết lẽ thật nền tảng này. Tôi quan sát những người đi học các trường lãnh đạo hay các trường huấn luyện Kinh Thánh mà có nét văn hóa khác với hội thánh mà bạn đã lớn lên. Thường các trường thần học này kết nối với một hội thánh lớn mà đã tạo ra nét văn hóa đó. Các sinh viên trải qua những hoạt động của hội thánh đó cả ở trường thần học lẫn trong những kinh nghiệm thờ phượng vào cuối tuần.

Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên trở về nhà với lòng đầy nhiệt huyết và bắt đầu nỗ lực nhằm thay đổi nét văn hóa và phương cách của hội thánh nhà. Dù có thể họ đúng đắn khi tin rằng các phương cách họ học được rất thích hợp và rất hiệu quả, và nếu họ cứ khăng khăng như vậy, các sinh viên này có thể dễ trở thành một sự ngăn trở cho sự hiệp một chung của sứ mạng của hội thánh nhà.

Nếu các phương pháp được đề xuất của các cựu sinh viên bị từ chối bởi một tổ chức nào đó, tốt nhất là tất cả những người liên hệ để cho các sinh viên cầu nguyện và cầu hỏi Chúa có nên chuyển tới một hội thánh khác, còn không thì hãy đầu phục nét văn hóa và phương cách của lãnh đạo mình.

Nếu họ ra đi thì họ nên làm theo cách đó để không làm hại hội thánh cũ. Thật ra, thường thì tốt là họ nên đi xa khỏi khu vực đó. Chúa luôn có thể đem đến một người lãnh đạo khác tới khu vực đó, là người có thể bắt đầu làm việc cách tươi mới và tránh việc kéo chiên của hội thánh cũ do đã có mối quan hệ trước đây.

NGƯỜI CON TRUNG TÍN

Bây giờ chúng ta hãy nói về thực tế sứ đồ Phao-lô gọi Ti-mô-thê là “người con trung tín.” Như đã nói, một người con trung tín sẽ tìm cách nhân cấp các đường lối của cha mình.

Chắc chắn bạn có các ân tứ mà lãnh đạo của bạn không có; câu hỏi sẽ là: Bạn có đang nhân cấp các ân tứ của bạn trong sự khế hiệp với tấm lòng của mục sư mình không? Động cơ tiềm ẩn của sự nhân cấp của bạn có hợp với những sự dạy dỗ và nét văn hóa của lãnh đạo mình không, hay bạn tranh đấu để thiết lập cách thức riêng của mình mà trái ngược và đối lập với tấm lòng của lãnh đạo mình?

Thực tế thì việc này diễn ra như thế nào? Trong hai cách – trước tiên, tìm cách dùng các ân tứ của bạn để gia tăng kết quả của lãnh đạo của bạn nếu ông ở trong vị trí của bạn cùng với các ân tứ độc đáo của bạn. Điều này không có nghĩa bạn nên thỏa hiệp nhiệm vụ của bạn bằng cách trở thành một bản sao của lãnh đạo. Đây là ý của tôi: Giả sử bạn là mục sư thanh niên. Bạn sẽ không vươn tới người trẻ trong cộng đồng của bạn bằng cách sao chép y chang buổi nhóm sáng Chúa Nhật của mục sư bạn.

Khôn ngoan là chấn chỉnh buổi nhóm của bạn theo cách mà nhắm tới giới trẻ, nhưng cùng lúc bạn làm việc đó với tấm lòng của lãnh đạo mình. Điều này chỉ có thể thực hiện qua sự nói chuyện với ông. Nên có sự thảo luận cởi mở về các chiến lược và phương pháp của bạn. Khi lắng nghe các hồi đáp của ông, bạn nên nghe rõ những hồi đáp của ông và xem thử tấm lòng của ông có ăn khớp với tốc độ làm việc của bạn không.

Để làm điều này hiệu quả, cần có cuộc nói chuyện cởi mở và chân thành. Nếu bạn đang triển khai điều gì đó và bạn “hy vọng ông không để ý hay biết tới,” bạn biết bạn đang đến con đường hủy diệt. Nếu bạn có những nghi ngờ, hãy đến gặp ông; hãy nói cụ thể để ông có thể nghe chính xác những nỗi lo của bạn. Có lẽ sẽ khôn ngoan hơn là mời ông ngồi xuống trong một buổi nhóm. Nếu ông khó chịu với các phương pháp của bạn, hãy nói cho ông biết “lý do đằng sau”. Nếu ông vẫn chưa thoải mái thì hãy lập tức tìm một kế hoạch làm vừa lòng ông.

Cách thứ hai việc này diễn ra là bằng cách nhân cấp bản thân bạn. Giả sử bạn điều hành nhóm thanh niên lớn nhất trong thành phố. Điều đó thật tuyệt vời; Chúa đang ban phước cho các phương pháp của bạn, và ân tứ của Ngài trên đời sống bạn đang thu hút người ta. Nhưng bạn có tìm kiếm những người khác có các ân tứ tương tự và chia sẻ cho họ sự khôn ngoan và cách thức bạn đã học không? Bạn có dấy lên các mục sư thanh niên tiềm năng không? Bằng cách làm vậy, nếu “cha” của bạn tuyên bố hội thánh bây giờ sẽ bắt đầu một cơ sở mới ở một khu vực khác trong thị trấn, bạn đã có những con người được đào tạo và sẵn sàng để đến đó. Tôi tin một trong những lý do nhiều hội thánh không thể bắt đầu các cơ sở mới trong các khu vực khác của thành phố hay không thể mở các hội thánh mới ở khu vực khác là vì những nhân sự dưới quyền đã không tự nhân cấp bản thân mình.

Bạn có thể là kỹ sư âm thanh, biên tập video, nhân sự thiếu nhi, người hướng dẫn thờ phượng, tay guitar, người truyền thông, người chỉ chỗ hay là một trong số nhiều vị trí nhân sự khác, nhưng nội điều này thôi thì không định nghĩa được thành công thật của Nước Chúa. Tầm quan trọng thật sự nằm trong việc tự nhân cấp chính bạn. Hãy hỏi bản thân, mình có đang cầu nguyện và tìm kiếm những người có các ân tứ giống mình không? Một khi bạn đã xác định họ, bạn có dạy dỗ, huấn luyện và khai thác các ân tứ của họ trong lúc chia sẻ tấm lòng cha của bạn cho họ không?

Đây là hai cách để trung tín khi chúng ta phục vụ khải tượng của một người khác. Chúng ta phải nhớ Chúa Giê-su nói dứt khoát, “Nếu các con không trung tín về của cải của người khác, thì ai dám giao cho các con của cải thuộc phần các con?” (Lu-ca 16:12).

Chúng ta hãy lặp lại lời của Chúa Giê-su bằng cách dùng chính định nghĩa của Ngài về sự trung tín: “Nếu các con không nhân cấp về của cải của người khác, thì ai dám giao cho các con của cải thuộc phần các con?” Hay, “Nếu các con không nhân cấp các đường lối của lãnh đạo, thì ai dám giao cho các con của cải thuộc phần các con?” Hay nói theo một cách khác nữa, “Nếu các con không để toàn bộ sức lực, trí thông minh, năng lượng và tấm lòng để mở rộng lĩnh vực trách nhiệm của bạn, thì ai dám giao cho các con chức vụ riêng của các con?” Khi nói những khía cạnh này theo những cách này, chúng ta thấy nó rất quan trọng.

Trong các chuyến đi phục vụ Chúa của tôi, những người thành công mà tôi gặp thường là những người ngay từ đâu đã trung tín với những ơn thuộc về người khác. Tôi thường hỏi họ đã bắt đầu như thế nào. Tôi chưa bao giờ tìm thấy bất cứ một ai – kinh nghiệm thành công thật ngay bây giờ, mà lại trước hết không trung tín với những ơn thuộc về người cha hay người lãnh đạo của họ.

TRANH CHIẾN LỚN NHẤT CỦA TÔI

Khi tôi non trẻ trong chức vụ, tranh chiến lớn nhất của tôi là nỗi bất an kín giấu, lôi kéo tôi muốn trở nên nổi tiếng và thành người quan trọng.Tôi phải chứng tỏ cho những người khác và cho bản thân tôi rằng tôi là một người lãnh đạo có những ý tưởng ngay từ đầu. Từ đó tôi biết nhiều lãnh đạo tiềm năng tranh chiến với nỗi bất an này, và nếu không xử lý từ cấp độ tấm lòng, thì sau đó nó có thể dẫn tới sự sa sút của họ.

Tôi từng là một mục sư thanh niên tại một thành phố lớn cho một hội thánh lớn, tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ, và đội ngũ của chúng tôi nghĩ đến cách để hướng tới mỗi học sinh trung học trong thành phố. Đó là một kế hoạch độc đáo và rất hay. Tương lai của nhóm thanh niên của chúng tôi sẽ hoàn toàn xoay quanh sáng kiến này, các trợ lý và tôi đã để tám tháng phát triển một chiến lược. Tôi đã chia sẻ khải tượng với nhóm thanh niên và họ đã nắm bắt nó.

Nhưng gần tới lúc khởi chạy kế hoạch, tôi phát hiện việc này trái ngược với tấm lòng của mục sư. Ông bảo chúng tôi không thực hiện chương trình. Tôi tranh cãi với ông gần hai mươi phút, nhưng ông không thay đổi gì. Tôi không thể nghĩ bất cứ điều gì khác để nói, vì thế cuối cùng tôi ngậm miệng – nhưng tôi rất giận dữ. Tám tháng làm việc công cốc, một kế hoạch tuyệt vời bị bỏ đi, nhưng tệ hơn hết toàn bộ khải tượng của chúng tôi được xây dựng quanh chương trình này. Chúng tôi phải hoàn toàn bắt đầu lại. Tôi sẽ ăn nói thế nào với hai mươi bốn nhân sự và toàn bộ nhóm thanh niên đây? Họ đã làm việc rất siêng năng.

Quá thất vọng, tôi tìm tới Lisa để được yên ủi. Sau khi thuật lại những sự thất vọng của tôi, cô đáp lại ngọt ngào, “John, có vẻ như Chúa đang muốn dạy anh điều gì đó.” Bây giờ tôi giận mục sư và giận luôn cả vợ!

Tôi rời khỏi chỗ Li-sa vì trong mắt tôi cô ấy không có ủng hộ. Tôi nghĩ đây là kế hoạch tuyệt vời nhất từ trước giờ nhằm hướng tới nhiều học sinh trung học đang chết mất. Mục sư và vợ mình chắc chắn bị che mắt rồi; ít nhất, đó là điều tôi đã nghĩ! Tôi cảm thấy cô đơn, thất vọng và hoàn toàn khó chịu. Có lúc, tôi còn nghĩ đây chỉ là một cơn ác mộng và tôi sẽ sớm thức dậy và mọi thứ sẽ bình thường trở lại. Điều này có thể thật sự xảy ra không?

Trong lúc đó, Chúa phán rõ ràng với lòng tôi. Ngài nói, “Con trai, khi Ta xét đoán con về khoảng thời gian con làm mục sư thanh niên, trước tiên Ta sẽ không xét đoán việc con đã chinh phục được bao nhiêu thanh niên cho Ta. Nhưng trước hết Ta sẽ xét đoán con về sự trung tín của con với người Ta đặt ở trên con.”

Những lời này khiến tôi co lại, nhưng không bằng câu nói tiếp theo của Ngài. Ngài nói chắc nịch trong lòng tôi, “Con có thể chinh phục mỗi học sinh trung học trong toàn bộ thành phố cho Ta nhưng mất tất cả công lao và phần thưởng của công khó của con vì con không trung tín với mục sư của con.”

Tôi bắt đầu run rẩy với lòng kính sợ thánh. Tôi lập tức ăn năn và xin sự tha thứ và gọi điện cho mục sư và làm điều tương tự với ông. Sau khi cúp máy và suy nghĩ những gì vừa mới xảy ra, Chúa bất chợt cho tôi một khải tượng. Tôi thấy bản thân mình ủ rũ bước vào buổi họp với hai mươi bốn lãnh đạo. Tôi nặng nề và buồn rầu, với giọng nói chán nản, tôi thông báo, “Mọi người biết tôi đã làm chương trình này nhiều tháng; đó là khải tượng của nhóm thanh niên, nhưng mục sư quản nhiệm của chúng ta bác bỏ nó. Mọi thứ chúng ta đã làm việc để hướng đến giờ không còn nữa.”

Tôi thấy họ gục đầu xuống cay cú, mắt và miệng họ hả hốc ra vì không tin nổi. Tất cả đều bị sốc và buồn bực. Trong khải tượng này tôi biết rằng họ đều giận mục sư lãnh đạo của chúng tôi và nhận thấy tất cả chúng tôi là nạn nhân của sự thiếu sáng tạo của ông.

Chúa hỏi tôi có phải đó là điều tôi định làm không. Tôi trả lời, “Dạ không, thưa Chúa!” Tôi biết Ngài đang xử lý thái độ và tấm lòng của tôi. Khải tượng mà Chúa đã cho tôi cho thấy tôi vẫn chưa có tấm lòng của người cha thuộc linh của mình. Tôi lập tức ăn năn một cách sâu xa.

Tôi nhớ vài ngày sau đó tôi đi bộ vào buổi họp với các lãnh đạo. Bây giờ tôi có sự kính sợ Chúa nung đốt trong lòng, tôi rảo bước, mắt lấp lánh, giọng nói rất chua chát. Tôi nói vô cùng nhiệt huyết, “Mọi người ơi, tôi có tin tuyệt vời đây! Mục sư lãnh đạo đã ngăn chúng ta sinh ra một Ích-ma-ên. Ông ấy tuyên bố những gì chúng ta làm không phải là hướng đi ông muốn hội thánh này đi, vì thế chúng ta sẽ bỏ chương trình này!”

Họ đều lập tức đáp ứng với sự vui mừng. Một số người thì cười lên, số khác thì vỗ tay mừng rỡ với nhau và phần còn lại thì la lớn ủng hộ. Mỗi người đều hiểu được tấm lòng của tôi, bởi vì cuối cùng tôi đã hiểu được tấm lòng của mục sư tôi.

Một năm sau, tôi bị thử thách một lần nữa với một dự án quan trọng khác mà chúng tôi đã làm vài tháng. Lần này mục sư của tôi biết việc đó và đã đồng ý với hướng đi của chúng tôi. Tuy nhiên, ông đã đổi ý sau khi thực hiện dự án ba tháng. Lần nữa, đó là một sự thay đổi hướng đi rất nhanh và ông xin lỗi. Tôi xử lý với thái độ hoàn toàn khác trước đó. Tôi đã hủy kế hoạch, không cãi cự, không tranh đấu hay thể hiện sự bất đồng. Tôi nhớ rõ sự khác biệt mà tôi đã cảm nhận; tôi thấy nhẹ nhàng khi đồng ý ngay. Thực tế thì tôi có thể bám lấy kế hoạch ban đầu nếu tôi chọn vậy.

Một lần nữa, tôi trình bày với các lãnh đạo việc hủy bỏ dự án của chúng tôi như thể đó là ý tưởng riêng của tôi. Chúa đã chúc phước nhóm thanh niên của chúng tôi. Nhóm đã nhân cấp số lượng ba lần trong hai năm tôi giữ vị trí đó.

Tôi được thuyết phục rằng tôi sẽ không ở nơi hiện tại nếu tôi thất bại các bài thử thách đó. Tôi có thể nói với bạn điều gì có thể xảy ra, vì Thánh Linh đã tỏ cho tôi. Cuối cùng tôi đã hủy bỏ chương trình vì tôi không có lựa chọn nào cả. Tôi có thể làm thế với thái độ tiêu cực lây lan sang tới các nhân sự của tôi và rồi đầu độc họ. Cuối cùng tôi sẽ bỏ hội thánh và vì cớ ân tứ trong cuộc đời tôi, tôi sẽ ảnh hưởng đến một số ít người. Nhưng tôi sẽ không bao giờ có chức vụ như chúng tôi có bây giờ, rao giảng và viết sách cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Tại sao? Vì tôi đã không trung tín với của cải của người khác, và tôi sẽ không được Chúa giao sứ mạng riêng cho tôi.

Không dễ để học bài học này. Vì tôi là một lãnh đạo có cá tính A, khuynh hướng của tôi là hiếu chiến cho những gì tôi nghĩ là tốt nhất. Nhưng tôi học biết rằng Chúa quan tâm tới nhân cách của tôi hơn là các kết quả. Ngài muốn thiết lập một nền tảng chắc chắn trước khi Ngài giao phó cho Lisa và tôi sứ mạng riêng của chúng tôi.

Thưa độc giả, bạn cũng là một lãnh đạo. Nếu chúng ta bước đi trong đường lối của Ngài, Chúa hứa ban những cơ hội lãnh đạo cho tất cả con cái của Ngài. Chúng ta là “đầu chứ không phải là đuôi,” chúng ta “chỉ ở trên cao không ở dưới thấp” (xem Phục Truyền 28:13). Xin đừng “đập đầu vào tường” như tôi đã làm. Hãy học từ tôi để bạn cũng có thể thăng tiến trong trách nhiệm của Nước Chúa.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ HIỆP MỘT

Một tổ chức phải được hiệp một để nhân cấp. Một trong những phần Kinh Thánh mở mắt của chúng ta nhiều nhất là trong sách Sáng Thế. Một nhóm người bất kính định làm điều gì đó mà hầu như bất năng đối với dân chúng thời đó – xây dựng một tòa tháp chọc trời. Thế nhưng, hãy lắng nghe điều Chúa Toàn Năng nói:

Kìa, toàn thể loài người chỉ có một dân tộc, một ngôn ngữ. Kìa chúng đang khởi công làm việc này, nay không còn gì ngăn cản chúng làm mọi điều chúng hoạch định nữa. (Sáng Thế 11:6)

Hãy nhớ ai đang nói ở đây; chính Đức Chúa Trời. Hãy lắng nghe lời Ngài, “Không còn gì ngăn cản chúng làm mọi điều chúng hoạch định nữa.” Tại sao Chúa lại nói như thế? Vì họ là “một” và có “một” ngôn ngữ. Họ hiệp một. Họ bước đi trong sự đồng thuận.

Nếu điều này được nói ra từ miệng của Chúa liên quan tới những con người không được cứu, vậy Ngài nói gì với dân giao ước đây? Nói điều còn tốt hơn, vì khi dân sự của Ngài hiệp một với nhau thì “Chúa truyền ban phước lành” (Thi Thiên 133:3). Chữ truyền ban nghĩa là “ra lệnh, chỉ dẫn, chỉ định.” Không có chỗ cho sự rạn nứt; sự hiệp một thu hút phước hạnh, trong đó có sự nhân cấp.

Điều này áp dụng cho con cái Chúa thời Tân Ước càng hơn nữa! Không lạ gì chúng ta liên tục thấy những câu nói như:

Xin anh chị em hãy hiệp ý với nhau, cùng một tình yêu thương, đồng tâm, nhất trí để tôi được vui mừng trọn vẹn. (Phi-líp 2:2)

Sau cùng, thưa anh chị em, hãy vui mừng lên, hãy cải thiện cách sống, hãy khuyến khích nhau, đoàn kết và hòa thuận với nhau thì Đức Chúa Trời yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh chị em. (2 Cô-rinh-tô 13:11)

Chỉ có điều anh chị em phải sống xứng đáng với Phúc Âm của Chúa Cứu Thế để khi tôi đến thăm anh chị em, hoặc vắng mặt, nhưng nghe về anh chị em rằng anh chị em vẫn đứng vững, đồng tâm, đồng một lòng cùng tranh đấu cho đức tin của Phúc Âm. (Phi-líp 1:27)

Chúng ta nghe những kêu gọi từ người cha của các hội thánh này. Phao-lô dùng các cụm từ như “trọn lòng hiệp ý,” “một tâm trí,” “một tinh thần.” Ông muốn đặt các hội thánh này vào vị trí đón nhận các phước hạnh mà Chúa truyền ban. Ông biết chỉ khi đó họ mới thật sự nhân cấp trong mọi khía cạnh.

Đây là một ví dụ tối ưu về phước hạnh được truyền ban được giữ lại cho những người hiệp một: Các môn đồ trung tín của Chúa Giê-su đã vâng theo mạng lệnh của Ngài là cứ ở nơi phòng cao (xem Công Vụ 1:4). Trong bốn mươi ngày sau sự sống lại của Ngài, Chúa Giê-su đã hiện ra với cho ít nhất 500 người nam và người nữ (xem 1 Cô-rinh-tô 15:6); thế nhưng mười ngày sau khi Ngài thăng thiên, chỉ 120 người còn ở lại Giê-ru-sa-lem. Những người khác đâu? Tôi kết luận rằng hơn 75 phần trăm số họ đã không lắng nghe lời của Chúa Giê-su. Có thể chúng ta không biết họ ở đâu, nhưng chúng ta biết ước muốn của Ngài không phải là ưu tiên của họ.

Những người nam và người nữ trên phòng cao hiệp một dưới thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời. Câu hỏi sẽ là , “Họ sẽ đáp ứng với Phi-e-rơ, thẩm quyền được ủy thác, tổ phụ hội thánh mà Chúa Giê-su đã giao trọng trách như thế nào?

Trong các sách Phúc Âm, Phi-e-rơ thường bốc đồng và không đồng bộ với ý muốn của Chúa. Khi ông dạn dĩ nói rằng Chúa Giê-su là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống, Chúa Giê-su tuyên bố Phi-e-rơ được phước. Nhưng trong chốc lát, Chúa Giê-su “quay lại bảo Phê-rơ: Hỡi Sa-tan, hãy lui ra sau Ta. Con làm cớ vấp phạm cho Ta, vì con không nghĩ đến việc của Đức Chúa Trời, mà chỉ nghĩ đến việc của loài người.” (Ma-thi-ơ 16:23).

Trong một dịp khác, Phi-e-rơ đã đi bộ trên mặt nước trong khi các môn đồ khác chỉ quan sát. Một lần nữa ông là người tiên phong. Nhưng trong chốc lát, ông bắt đầu chìm xuống. Chúa Giê-su thất vọng mà phán rằng, “Sao ít đức tin thế! Sao con nghi ngờ?” (Ma-thi-ơ 14:31).

Trong một trường hợp khác, Phi-e-rơ cùng với Giăng và Gia-cơ được Chúa Giê-su hộ tống lên núi hóa hình. Ở đó họ chứng kiến mặt Ngài chiếu sáng như mặt trời, cả quần áo của Ngài cũng được biến đổi. Môi-se và Ê-li đã hiện ra và nói chuyện với Chúa Giê-su. Một vinh dự to lớn! Thế nhưng, trước khi Chúa Giê-su và ba môn đồ đi xuống núi, Phi-e-rơ đã thốt lên rằng họ nên xây dựng ba cái lều – hai trong số đó là dành cho Ê-li và Môi-se (xem Ma-thi-ơ 17). Một lần nữa ông không đồng bộ với các kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời.

Khi đã biết như vậy, chúng ta hãy xem xét một trong những quyết định đầu tiên của Phi-e-rơ với tư cách một người lãnh đạo của hội thánh mới thành lập. Tuy nhiên, trước khi xem xét chúng ta phải nhớ một sự thật quan trọng khác: Lúc này chỉ cách mấy ngày tính từ thời điểm Phi-e-rơ chối không biết Chúa Giê-su. Thông thường điều này khiến nhiều người sẽ không chấp nhận để ý đến sự lãnh đạo của Phi-e-rơ, đặc biệt nếu họ bất đồng với sự chỉ dẫn hay các quyết định của ông.

Vậy chúng ta hãy dựng lại bối cảnh. Vài ngày trôi qua kể từ lúc Chúa Giê-su thăng thiên và Phi-e-rơ tìm thấy một lời tiên tri trong sách Thi Thiên liên hệ trực tiếp tới các biến cố về việc Giu-đa phản Chúa Giê-su. Phi-e-rơ đọc cho hội chúng nhỏ ở phòng cao: “Vì Thánh Thi đã chép: ‘Nguyện chỗ ở nó phải hoang tàn và cũng không còn ai cư trú tại đó và nguyện một người khác thay thế chức vị nó!’” (Công Vụ 1:20). Một lần nữa Phi-e-rơ nhìn thấy điều mà những người khác không thấy, nhưng ông có giải nghĩa chính xác không?

Những gì bạn sắp đọc chắc chắn có thể được coi là phỏng đoán, nhưng tôi hy vọng đưa ra đủ sự hỗ trợ của Kinh Thánh để làm cho ý của tôi có căn cứ vững chắc. Một lần nữa tôi tin rằng Phi-e-rơ đã không đồng bộ với Đức Chúa Trời trong việc đưa ra quyết định, vì ông đã đề nghị tất cả những người mà đã ở với họ từ ban đầu ngồi vòng tròn để họ có thể “bốc thăm” để xem Đức Chúa Trời sẽ chọn ai thế chỗ của Giu-đa.

Trong Tân Ước bạn sẽ không tìm thấy bất cứ chỗ nào Chúa chọn một sứ đồ bằng hệ thống bốc thăm. Chúa Giê-su đã tỏ cho những người này đường lối của Chúa bằng cách để lại cho họ một tấm gương: Ngài đã cầu nguyện cả đêm và lắng nghe từ Đức Chúa Trời trước khi Ngài chọn mười hai môn đồ đầu tiên (xem Lu-ca 6:12-13). Nếu Phi-e-rơ tìm kiếm để tìm được sứ đồ kế tiếp theo cách tương tự như Chúa Giê-su thì sẽ là cách tốt nhất.

Hãy nhớ, chỉ vài năm sau đó, các tiên tri và giáo sư trong hội thánh tại An-ti-ốt đã làm theo tấm gương của Chúa Giê-su. Họ đã kiêng ăn và cầu nguyện trước khi Ba-na-ba và Sau-lơ được biệt riêng cho chức sứ đồ (xem Công Vụ 13:1-4). Đây là một sự khẳng định khác về lỗi lầm của Phi-e-rơ – quyết định vội vàng.

Có 120 người trong phòng cao đã tìm thấy hai ứng viên: Ma-thia và Giúc-tu. Ma-thia thắng việc bốc thăm và được kể vào hàng các sứ đồ (xem Công Vụ 1:23-26); Tuy nhiên, bạn không bao giờ tìm thấy tên của Ma-thia trong Tân Ước lần nào nữa. Tại sao? Vì Kinh Thánh cho thấy Phao-lô là lựa chọn của Chúa để thay thế Giu-đa, không phải Ma-thia. Đây là lý do Phao-lô viết:

Ngài cũng hiện ra cho Gia-cơ và tất cả các sứ đồ. Sau cùng, Ngài cũng hiện ra với tôi, như một hài nhi sanh non. Vì tôi vốn thấp kém nhất trong vòng các sứ đồ; không xứng đáng được gọi là sứ đồ vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Đức Chúa Trời. (1Cô-rinh-tô 15:7-9).

Phao-lô nói về bản thân ông như thể ông đã được sinh ra sai thời điểm; nói cách khác, có thể ông quá trẻ để làm một trong mười hai môn đồ đầu tiên. Trong nghiên cứu của tôi, tôi đã tìm thấy những quan điểm khác biệt về ngày tháng năm sinh của Phao-lô; các con số ước đoán từ các nguồn khác nhau có phạm vi chênh lệch mười bốn năm. Một điều chắc chắn; không ai biết năm sinh của ông. Vì thế chúng ta hãy nhìn vào trình tự thời gian của Tân Ước để có cái nhìn thoáng qua về tuổi của ông.

Theo phần lớn các ký thuật, việc tử đạo của Ê-tiên xảy ra bốn năm sau sự sống lại của Chúa Giê-su, có nghĩa Chúa Giê-su đã lựa chọn nhóm các môn đồ đầu tiên của Ngài trước đó bảy năm. Trong lúc Ê-tiên bị ném đá, Kinh Thánh mô tả Sau-lơ (Phao-lô) là một “thiếu niên” (xem Công Vụ 7:58). Từ điển Greek-English Lexicon nói từ Hy Lạp nói về “thiếu niên” nói về người mới qua dậy thì. Vì thế trừ đi bảy năm, chúng ta có thể giả định một cách an toàn là Phao-lô còn quá trẻ và không thể làm một môn đồ đầu tiên.

Tôi hoàn toàn tin rằng Phao-lô là lựa chọn của Đức Chúa Trời. Rõ ràng ông có bông trái và thẩm quyền của một sứ đồ, nhiều hơn rất nhiều so với Ma-thia. Ý chính: Tôi tin Phi-e-rơ đã thực hiện một quyết định lãnh đạo bốc đồng, không đồng bộ với kế hoạch của Chúa. Nếu ông thực hiện hành động này trong hội thánh hiện đại, chắc chắn chúng ta sẽ có một hội thánh bị chia rẽ làm ba đường: nhóm “chống lại việc chọn sứ đồ bằng hình thức bốc thăm,” nhóm kia “không cần các sứ đồ mới chi cả” và nhóm khác “chọn sứ đồ bằng hình thức bốc thăm.” Thế nhưng, hãy lắng nghe những lời tiếp theo được ghi lại trong Kinh Thánh sau vụ việc này:

Đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ Chúa tập họp (hiệp một) tại một chỗ. (Công Vụ 2:1)

Những chữ hiệp một thực tế là một từ trong tiếng Hy Lạp, homothumadon. Nó được định nghĩa là “cùng một tâm trí, đồng lòng nhất trí, thống nhất, cùng nhau.” Từ định nghĩa này, không có chỗ cho sự chia rẽ, cả trong suy nghĩ lẫn hành vi. Họ hiệp một trong mục đích, tâm trí, tấm lòng và tâm linh. Kết quả là gì? Kinh Thánh nói ba ngàn người được thêm vào cho Chúa ngày hôm đó! Nếu bạn chia con số này cho 120, kết quả nhận được là sự nhân cấp hai mươi lăm lần.

Hãy suy nghĩ điều đó – hội thánh đã tăng trưởng hai mươi lăm lần chỉ trong một buổi nhóm. Chúa đã truyền ban phước hạnh của Ngài trên sự hiệp một của họ! Đó là một quy luật thuộc linh.

Tôi chắc chắn có một số tín hữu trong phòng cao, họ đã làm những việc khác với Phi-e-rơ. Chắc chắn làm theo tấm gương của Chúa Giê-su và trước hết tìm kiếm Chúa trong một thời gian dài trước khi đưa ra quyết định là một lựa chọn tốt hơn.

Dù có cách tốt hơn để làm việc đó, những người tại phòng cao đã nhìn thấy ưu tiên lớn hơn – cứ hiệp làm một bằng cách gắn bó với chiến lược của lãnh đạo của họ. Mỗi người tiến tới phía trước như thể đó là ý tưởng của họ vậy. Chúng ta thường chia rẽ về những sự bất đồng ngớ ngẩn hay nhỏ nhặt trong các phương pháp của chúng ta ra sao? (Hãy để tôi xen vào một lẽ thật quan trọng này: Nếu lãnh đạo của bạn đưa ra một quyết định mà Kinh Thánh cho là tội lỗi, đây là lần duy nhất chúng ta được bảo không được tuân thủ. Tuy nhiên, phần lớn những chuyện bất đồng xảy ra về cách thức làm việc, không phải vì tội lỗi.

SÓNG NGẦM

Chúng ta phải nhớ rằng sự bất đồng ý kiến không chỉ giới hạn trong lời nói hay hành động; nó đi sâu hơn – trong tâm trí, tấm lòng và tâm linh. Hãy xem ba câu Kinh Thánh ở trên một lần nữa để hiểu cho rõ. Chúng ta có thể hiệp một bề ngoài nhưng bị chia rẽ trong động cơ và tư tưởng.

Mẹ tôi sống tại Vero Beach, Florida. Xấp xỉ ba mươi dặm cách nơi sinh sống của bà về phía Bắc là một nơi được gọi là Sebatian’s Inlet. Người địa phương biết đến nó vì các con sóng ngầm mạnh mẽ của nó. Sóng ngầm là một hiện tượng không thể nhìn thấy bằng mắt trần. Tất cả nước trên mặt đại dương có vẻ chảy đi một hướng, cùng chảy về phía bãi biển. Thế nhưng dưới mặt nước, nước chảy nhanh theo hướng ngược lại. Hai dòng chảy trái ngược này bắt lấy các nạn nhân và kéo họ ra biển, đôi khi lấy đi mạng sống của họ.

Có sóng ngầm trong các hội thánh, trong các công ty, các trường học, cơ quan công quyền, các đội thể thao và các câu lạc bộ, đem đến sự ngăn cản và triệt tiêu sự nhân cấp không? Chắc chắn là có. Tại sao? Vì chúng ta đang nỗ lực xây dựng vương quốc Chúa với não trạng dân chủ hơn là não trạng Nước Trời? Chúng ta là công dân của một Vương Quốc thật và thẩm quyền của Vua được ủy thác cho chúng ta không thể bị xem thường. Phước hạnh của Ngài bày tỏ khi chúng ta đầu phục các lãnh đạo của chúng ta tận đáy lòng.

Chúng ta phải hỏi bản thân mình, Chúng ta đúng hay chúng ta hiệp một? Điều nào quan trọng hơn? Bạn có thể đúng 100 phần trăm, nhưng cùng lúc sai 100 phần trăm. Nếu có sự liên kết vượt trội hơn cách lựa chọn hệ thống bốc thăm của Phi-e-rơ để thay thế nó bằng sự kiêng ăn và cầu nguyện (theo khuôn mẫu chúng ta nhìn thấy trong Kinh Thánh), thì sự liên kết đó 100 phần trăm là đúng. Tuy nhiên, vì cớ sự không hiệp một của họ, sự tuôn đổ phước hạnh của Chúa đã bị ngừng lại.

Nếu bạn nhớ lại, lần đầu tiên sự nhân cấp phi thường xảy ra trong Kinh Thánh là sau khi các tổ phụ đã đưa ra một hướng hoạt động. Sau đó chúng ta đọc, “Tất cả mọi người đều hài lòng về các lời ấy” (Công Vụ 6:5). Kết quả là gì? “Số môn đồ tại Giê-ru-sa-lem gia tăng gấp bội.” (Công Vụ 6:7). Mọi người trong tổ chức đều nắm bắt nó như thể đó là chiến lược của họ. Lần nữa, tôi chắc chắn người ta có thể phản đối, nhưng họ đã khám phá một lẽ thật: Được phước tốt hơn là đúng. Vì vậy, họ đã nắm phương pháp như thể nó là chính ý tưởng của họ.

Bây giờ chúng ta phải hỏi câu khó nhất: Bao nhiêu người trong chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa Giê-su tại ngai phán xét, sẽ bị sốc và bối rối bởi những gì Ngài tiết lộ? Liệu Ngài khóc mà chỉ cho chúng ta thấy sóng ngầm đã ngăn trở phước hạnh được truyền ban như thế nào? Liệu chúng ta sẽ thấy những cuộc đời được ảnh hưởng cho cõi đời đời và cùng khóc với Ngài khi chúng ta nhận ra cơ hội cho chúng ta nhân cấp đã bị bỏ qua? Bao nhiêu người trong chúng ta muốn quay trở lại và tìm kiếm sự hiệp nhất, dù nó trái ngược với việc chúng ta đúng? Nhưng chờ đến lúc đó e rằng quá trễ.