7 - Sự Nhân Cấp Lớn Lao

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 5 tháng trước

.

7

Sự Nhân Cấp Lớn Lao

Thường thì Chúa sẽ dùng sự thất vọng hay sự không thỏa lòng như một chất xúc tác để khuấy động đức tin của chúng ta cho sự nhân cấp khởi đầu hay cấp độ nhân cấp tiếp theo. Áp-ram (Áp-ra-ham) là một ví dụ về điều này. Chúa đã hiện ra với ông khi ông bảy mươi lăm tuổi và phán trong một khải tượng:

Sau các việc đó, CHÚA phán bảo Áp-ram trong khải tượng: “Áp-ram, con đừng sợ, Ta sẽ là cái khiên bảo vệ con, phần thưởng cho con rất lớn. (Sáng Thế 15:1)

Chúng ta hãy lên kịch bản thế này. Đức Chúa Trời Toàn Năng là Đấng đã tạo dựng và sở hữu quả đất, gồm các tài nguyên bao la trong đó. Ngài luôn hiện hữu và không hề kết thúc. Không hữu thể nào khác tiếp cận được sự vĩ đại của Ngài. Ngài không sở hữu sự sống mà chính Ngài là sự sống. Tất cả tri thức, khôn ngoan, của cải và sự thỏa lòng lâu dài đều ở trong Ngài. Ngoài Ngài không có gì giá trị cả.

Biết được như thế, Đấng Tạo Hóa kỳ diệu này tuyên bố Ngài sẽ bảo vệ Áp-ram và ban một phần thưởng rất lớn cho ông. Chúng ta hãy nói về sự bảo vệ và phần thưởng to lớn.

Trước tiên là sự bảo vệ. Hãy tưởng tượng nếu tổng thống Mỹ chỉ định tất cả các lực lượng quân đội bảo vệ bạn. Tất cả các vị tướng thông tin cho các sĩ quan cấp dưới rằng bạn là ưu tiên hàng đầu và bất cứ điều gì bắt buộc cho sự an toàn của bạn phải được triển khai. Nếu cần, họ sẽ điều mỗi người lính, với hàng loạt vũ khí tân tiến, sẽ đến gần bạn. Chuyện này hầu như là không tưởng, nhưng nếu chuyện này diễn ra, tôi chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất an toàn và an ninh. Nhưng điều này sẽ mờ nhạt khi so sánh với những gì Đức Chúa Trời Toàn Năng phán, “Ta sẽ bảo vệ con.”

Còn phần thưởng lớn thì sao? Nếu một người bạn của bạn nói, “Tôi sẽ cho bạn một phần thưởng lớn,” điều đó thật tử tế và hào phóng, hãy đồng ý là anh này không có nhiều thứ để cho bạn. Nhưng nếu người giàu nhất ở Mỹ nói câu tương tự, bạn sẽ phấn khích hơn. Nhưng cả hai đều không cân xứng với trường hợp ở đây. Đấng sở hữu mọi thứ trên hành tinh và vũ trụ này đề nghị sẽ ban cho phần thưởng! Ngài tuyên bố với Áp-ram, “Phần thưởng Ta dành cho con là ‘lớn.’” Thành thật thì, sự rộng lớn của lời hứa này khó mà hiểu hết được. Và chúng ta chưa hết vở kịch.

Một thực tế kinh ngạc khác là Đấng Tạo Hóa không sai đến một sứ giả – Ngài đến trong một thân vị. Đức Chúa Trời Toàn Năng đã làm cho những lời hứa to lớn thành kinh ng-hiệm mặt đối mặt. Bạn có thể tưởng tượng được mức độ to lớn không? Bạn sẽ phản ứng như thế nào? Lời lẽ nào sẽ nói nên sự phấn khởi, niềm vui, hạnh phúc và sự kinh ngạc mà bất cứ ai trong chúng ta cảm nhận đây? Nhưng phản ứng của Áp-ram không giống như những cảm xúc trên. Thật ra ông chẳng phấn khởi gì mà là thất vọng!

Nhưng Áp-ram nói: “Lạy Chúa, CHÚA sẽ cho con điều gì? Con vẫn không có con và Ê-li-ê-se, người Đa-mách sẽ thừa hưởng sản nghiệp của con. (Sáng Thế 15:2)

Bạn có phát hiện thấy có sự không thỏa lòng trong phản ứng của ông không? Hết sức ngạc nhiên! Nhưng có phải việc Áp-ram không nhiệt thành lắm là một điều tốt không? Giả sử Áp-ram nói, “Ồ, điều này thật tuyệt vời! Chúng ta hãy bắt đầu bữa tiệc này thôi!” Liệu kết quả rốt cuộc sẽ thay đổi không? Thật ra, câu hỏi tốt hơn là, Chúa có hiện ra với Áp-ram nếu ông phản ứng như thế này không? Tôi không tin như vậy – hãy để tôi giải thích.

Chúng ta hãy tạm dừng câu chuyện của Áp-ram để làm sáng tỏ. Nhiều năm sau, khi dân Y-sơ-ra-ên đi lang thang trong đồng vắng, sự bất mãn của họ xuất phát từ sự bất mãn cá nhân, và buồn thay việc đó đã khiến họ phải trả giá đó là đánh mất định mệnh của họ. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô phản chiếu thái độ tin kính của ông trong câu nói:

Tôi nói thế không phải vì thiếu thốn, vì tôi đã tập thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Tôi biết thế nào là nghèo túng, thế nào là sung túc. Trong mỗi nơi và mọi hoàn cảnh tôi đã học được bí quyết để sống no đủ hay đói khát, sung túc hay thiếu thốn. (Phi-líp 4:11-12).

Ở cả nơi Phao-lô và Áp-ram, Chúa đã tìm thấy một người sẵn lòng để chấp nhận khó khăn và nhìn xa hơn bản thân mình. Sự bất mãn của họ không phải là cá nhân, mà là tập trung vào những người khác.

Đây là một quy luật chung: Nếu sự bất mãn đến từ những gì mà cá nhân tôi thiếu thì chuyện này không đẹp lòng Chúa. Mặt khác, nếu sự bất mãn tập trung vào những nhu cầu của người khác và xây dựng Nước Chúa thì điều đó làm đẹp lòng Chúa. Đây là sự thất vọng của Áp-ram, sự thất vọng đó sinh ra điều gì? Chúa đã mở rộng tầm nhìn của ông bằng cách bảo ông hãy nhìn sao trời và cát biển, rồi hứa phần thưởng của ông sẽ vượt quá điều ông có thể đếm. Làm thế đã khiến Chúa đi đến chỗ tuyên bố, “Ta sẽ củng cố giao ước giữa Ta với con và sẽ làm cho dòng dõi con gia tăng bội phần.” (Sáng Thế 17:2).

Nếu Áp-ram thỏa lòng với đời sống phước hạnh của ông thì sẽ ra thế nào? Liệu ông, ở tuổi bảy mươi lăm, có lý do để tin rằng ông có thể làm cha một đứa con không? Sự bất mãn của ông trở thành chất xúc tác để nhân cấp.

Tôi học được rằng sự bất mãn này không nên bỏ qua mà nó là một động lực dẫn tới hiệu năng gia tăng. Đó là điều hội thánh tại thành Lao-đi-xê thiếu. Chúa Giê-su nghiêm trị thái độ “Tôi…không cần gì cả” của hội thánh (Khải Huyền 3:17). Họ đã không cảm thấy thất vọng khi họ không thấy người khác được ảnh hưởng, vì họ tập chú vào bản thân và sống thoải mái trong lối sống của họ. Hậu quả là họ đã không muốn nhân cấp.

Điều này mô tả sự cám dỗ mà Stan đã tranh chiến. Đôi khi tôi cũng tranh chiến với điều này và phải chiến đấu để đuổi nó đi. Thật ra, phần lớn trong chúng ta đều đã trải qua.

Tôi càng phục vụ Chúa lâu, tôi càng nhận ra rằng một trong những bông trái thật của một tín hữu là lòng nhiệt thành sâu xa muốn ảnh hưởng người khác cho Vương quốc. Ngay lúc tiếp nhận sự cứu rỗi, chúng ta được thay đổi thành một người hoàn toàn khác biệt. Chúng ta được sinh lại với một niềm say mê mãnh liệt để phục vụ. Chúa Giê-su nói:

Hãy thắt lưng và thắp đèn lên. (Lu-ca 12:35)

Mạng lệnh này từ Chúa của chúng ta nhấn mạnh thái độ mà tất cả tín hữu phải duy trì: phục vụ và đam mê để phục vụ. Tôi chọn từ duy trì, bởi vì đó là một phần của bản chất mới của chúng ta. Điều này thường bị xem nhẹ vì chúng ta sợ nhảy sang chuyện làm “công đức” để được cứu, như thế thì trái với việc sự cứu rỗi là một món quà miễn phí. Tuy nhiên, sự việc không phải như vậy; phục vụ là khao khát sâu xa của tâm linh chúng ta. Tại sao chúng ta né tránh thảo luận hay đơn giản hóa khía cạnh to lớn này của đời sống mới? Phải chăng chúng ta mong muốn làm cho Cơ Đốc giáo trở thành một kinh nghiệm đức tin dựa vào tiêu thụ nhiều hơn chăng? Có phải chúng ta kêu gọi sự lười biếng thuộc linh, là điều thuộc về bản chất sa ngã của con người?

Tại sao Chúa Giê-su nói, “Phải thắt lưng (để phục vụ)”? Tại sao Ngài kết hợp việc mặc quần áo với sự phục vụ? Sách Khải Huyền cho chúng ta manh mối:

“Chúng ta hãy hân hoan mừng rỡ và tôn vinh Ngài! Vì lễ cưới Chiên Con đã đến và cô dâu Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng. Nàng được cấp áo vải gai mịn rực rỡ và trong sạch để mặc vào!” (Khải Huyền 19:7-8)

Trước tiên, chúng ta thấy nàng dâu, không phải Đức Chúa Trời, đã chuẩn bị chính mình. Thứ hai là cách nàng chuẩn bị chính mình. Mỗi nàng dâu dành rất nhiều thời gian để lựa chọn đồ cưới. Đó là một trong những mục quan trọng nhất trong danh sách những việc phải làm vào ngày trọng thể của cô. Trong văn hóa Tây Phương, cô dâu dành thời gian khá nhiều để mua sắm quần áo. Trong Nước Chúa, là nàng dâu của Đấng Christ, chúng ta dành khá nhiều thời gian để chuẩn bị quần áo. Bộ áo của chúng ta được làm từ vải gai mịn, theo câu Kinh Thánh trước thì đó là sự phục vụ của chúng ta trong việc xây dựng Nước Chúa. Vì vậy, phục vụ là gen thuộc linh của chúng ta. Chúa Giê-su nói, “Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (xem Mác 10:45), và mạng lệnh của chúng ta cũng y như vậy. Ngài cũng cho chúng ta lý do đằng sau tầm quan trọng của sự phục vụ: “Thức ăn của Ta là tuân theo ý muốn của Đấng đã sai Ta và hoàn thành công việc Ngài.” (Giăng 4:34).

Cơ thể chúng ta không thể tồn tại lâu nếu không có thức ăn hay không ăn uống gì. Tương tự, một tín hữu phục vụ để xây dựng vương quốc sẽ không tồn tại lâu nếu không có sự nuôi dưỡng và cuối cùng sẽ sa ngã. Đây là viễn cảnh Chúa Giê-su mô tả khi Ngài nói tiếp trong Lu-ca 12. Vì lý do này, các thế lực của hệ thống thế gian sa ngã sẽ làm việc cật lực để đem chúng ta đến một cái nhìn về sự thoải mái và tự mãn, thay vì nắm bắt sự bất mãn đó là cơ hội dẫn tới sự nhân cấp.

Vì vậy, thưa độc giả yêu quý, đừng khinh thường sự bất mãn đối với mức độ ảnh hưởng của bạn! Đó thường là cách Chúa khuấy động đức tin của bạn để tin cậy sự nhân cấp của Ngài.

SỰ BẤT MÃN CỦA TÔI

Một khi sách Mồi Satan đã bán chạy, không chỉ ở Mỹ mà ở các nước khác, bạn sẽ nghĩ tôi sẽ thỏa mãn lắm rồi. Tôi không thỏa mãn chút nào. Tôi bắt đầu tranh chiến với sự bất mãn ở cấp độ khác.

Lúc này tôi giảng cho các hội thánh và hội nghị lớn hơn nhiều nhưng sự bất mãn của tôi xuất phát từ việc không thể nào truyền đạt đầy đủ sứ điệp trong một buổi nhóm. Tôi cần khoảng bốn trăm giờ để viết một cuốn sách, và rất nhiều điều được mặc khải bởi Thánh Linh trong thời gian viết cuốn sách này. Những lẽ thật này được mặc khải cho những người mà Chúa yêu vì mục đích củng cố, giải cứu hay kéo họ đến gần với Ngài hơn.

Thời gian cho phép cho một sứ điệp trong hầu hết các hội thánh hay hội nghị là ba mươi lăm đến bốn mươi lăm phút. Vì thế, khi giảng về Mồi satan, tôi có thể trình bày một chương, giỏi nhất là một chương rưỡi. Điều này có nghĩa chín mươi phần trăm sứ điệp không đến được với dân sự Chúa nếu họ không mua sách đọc. Con số này khoảng một phần năm số người tham dự.

Kết quả từ sự không thỏa mãn này, bốn năm năm sau khi sách được xuất bản, một ý tưởng đã đến với tôi: Tại sao không tạo loạt bài học từ cuốn sách nhỉ? Tôi có thể dạy mười hai bài học video, mỗi bài 30 phút và nói đầy đủ các lẽ thật quan trọng trong mỗi chương. Bây giờ thì dân sự Chúa, trong các nhóm nhỏ hay cá nhân, có thể có nghe toàn bộ sứ điệp, không chỉ đọc mà cũng xem và nghe nữa. Điều này cũng sẽ mở rộng hiệu năng của sứ điệp. Chúng tôi có thể soạn ra những câu hỏi thảo luận cho nhóm nhỏ hay cho cá nhân để Thánh Linh có cơ hội đào sâu hơn và làm cho sứ điệp dễ ứng dụng cho mỗi người.

Tôi bàn việc này với đội của chúng tôi. Một thành viên đề nghị tìm một công ty giáo dục để tạo ra một cuốn sách bài tập dưỡng linh cho học viên, cùng với một cuốn cẩm nang cho lãnh đạo để bổ sung cho mười hai bài học video. Giáo trình học này có thể được dùng trong nhiều trường hợp khác nhau.

Chúng tôi tìm một nhà sản xuất đã làm tốt công việc này cho hơn hai nghìn năm trăm khách hàng, kể cả một số tập đoàn lớn tại Mỹ. Chúng tôi yêu cầu thẳng thắn là phải “Không cắt xén, chất lượng tốt và có tính sáng tạo cao. Phong cách và công nghệ phải nhắm mục đích đi tiên phong.” Nói ngoài lề một tí, tôi có đặc ân triển khai học Kinh Thánh cho một nhân viên của tổng thống Mỹ lúc đó. Khi bước vào thăm Nhà Trắng, tôi không thể không để ý tới cách làm việc tối ưu của họ. Ngày hôm đó suy nghĩ này đến với tôi, Điều này đại diện tổng thống Mỹ; chúng tôi tại Messenger đại diện cho Vua của vũ trụ. Dù chúng tôi đã nhấn mạnh sự tối ưu ngay từ đầu, sau trải nghiệm này, chúng tôi càng quyết tâm không hy sinh chất lượng hay cắt bỏ phần nào.

Một khi giáo trình học đã sẵn sàng để thực hiện, hai thành viên trong đội được phân công để làm nhân viên tổng đài trọn thời gian (đó vẫn là cách tốt nhất để truyền thông với các lãnh đạo đầu những năm 2000). Họ được chỉ dẫn liên lạc mỗi hội thánh mà chúng tôi đã tới thăm trong hơn mười năm qua và thông tin cho các lãnh đạo về giáo trình học. Lòng của chúng tôi là đồng hành cùng các mục sư và giúp cho việc môn đồ hóa dân sự của họ, cuối cùng là củng cố hội thánh địa phương. Vào thời đó, không có sẵn nhiều giáo trình học như vậy, ý tưởng đó chưa được mọi người ưa thích lắm.

Chúng tôi rất vui khi ý tưởng đó gây tiếng vang với các lãnh đạo – sự đáp ứng thật kinh ngạc! Sau một thời gian ngắn, các hội thánh bắt đầu báo cáo cho chúng tôi rằng việc tham dự nhóm tăng nhanh chóng, cả trong các nhóm nhỏ và trong các buổi nhóm chính của hội thánh họ. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng chỉ có các hội thánh ít hơn ba trăm người mới dùng giáo trình cho các buổi nhóm của họ. Tuy nhiên, có một số hội thánh có số người tham dự cả ngàn người cũng dùng các video học Kinh Thánh trong các buổi nhóm Chúa Nhật. Họ cũng tăng trưởng. Các lãnh đạo báo cáo rằng dân sự của họ yêu cầu họ không chiếu bài học tiếp theo trong kỳ nghỉ cuối tuần sắp tới vì họ sẽ đi xa. Chúng tôi nghe báo cáo về các hội thánh có số người tham dự tăng gấp hai, thậm chí gấp ba.

Các mục sư đã chia sẻ với những mục sư bạn khác về những gì đang xảy ở các hội thánh và nhóm nhỏ của họ. Bây giờ, các mục sư gọi điện cho chúng tôi muốn có giáo trình học đó. Trong vòng vài năm, hàng ngàn hội thánh đã tham gia – hơn hai mươi ngàn hội thánh tại Mỹ và hơn một ngàn hội thánh tại Úc. Phòng quan hệ của chức vụ chúng tôi đã tăng lên bảy thành viên trọn thời gian. Các lời chứng tiếp tục đổ về văn phòng của chúng tôi về việc những cuộc đời, gia đình và hội thánh được thay đổi.

Suốt những năm tiếp theo, chúng tôi thực hiện một giáo trình học cho mỗi cuốn sách quan trọng mà chức vụ chúng tôi đã phát hành. Trong vòng mười hai năm, chúng tôi có hơn mười giáo trình học được sử dụng trong các hội thánh khắp nước Mỹ và Úc.

Có một khía cạnh của sự nhân cấp này mà chúng tôi đã không nhìn thấy trước nhưng sau đó đã khám phá ra. Vô số các cá nhân, những người chưa bao giờ mua được sách hay nghe tôi giảng dạy, bây giờ đã nhận được các sứ điệp này. Những cá nhân này ở các hội thánh hay nhóm nhỏ có những người lãnh đạo đã quyết định cho họ học qua những tài liệu này.

“CON ĐÃ TRUNG TÍN”

Tất nhiên, chúng tôi vô cùng biết ơn! Số lượng sách được bán tính đến hàng triệu, các giáo trình học đến hàng trăm ngàn. Nhưng tôi vẫn tranh chiến với sự thỏa mãn. Tôi biết những sứ điệp này là dành cho hội thánh Chúa và đang mang lại nhiều kết quả, nhưng vẫn còn nhiều tín hữu cần nghe lẽ thật trong các sứ điệp đó.

Tôi xin Chúa đặc ơn ban cho nhiều sách hơn là bán sách. Tôi biết có những người mục sư, lãnh đạo và tín hữu khắp thế giới không có tài chính hay khả năng để mua sách. Có vô số người trong các hội thánh thầm lặng ở các quốc gia không có bán sách Cơ Đốc. Càng nhiều người hơn nữa trong các quốc gia không khả năng nhập các sách bồi linh này về.

Làm cách nào để chúng tôi giúp họ?

Tôi biết có một nhu cầu lớn, nhưng việc kết nối với những mục sư và lãnh đạo này dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Dẫu vậy, chúng tôi phải làm điều gì đó. Chúng tôi bắt đầu bằng cách đáp ứng với bất cứ điều gì đến trước mắt chúng tôi. Chúng tôi chỉ thị cho giám đốc quốc tế rằng nếu bất kỳ nhóm lãnh đạo nào ở các nước đang phát triển hay các nước thầm lặng cần sách vở, chúng tôi sẽ gửi tất cả số sách họ cần làm quà hoặc là sắp xếp để chi trả việc in ấn sách vở ở các quốc gia đó.

Sự thất vọng tiếp tục chồng lên khi chúng tôi chỉ có thể thực hiện một phần nhỏ: mười ngàn đến hai mươi ngàn sách mỗi năm. Con số này giống như giọt nước trong thùng để đáp ứng các tài liệu môn đồ hóa cần thiết, nhưng chúng tôi tiếp tục làm hết năm này tới năm khác, nắm lấy bất kỳ cơ hội nào đến trước mắt chúng tôi.

Rồi đến Ngày Tưởng Niệm 2010 (31 tháng năm). Li-sa ở Anh hầu việc Chúa tại hội nghị dành cho phụ nữ. Tôi vừa mới chơi xong gôn một vòng. Tôi lấy Kinh Thánh và đi tới tầng hầm, cảm nhận sự thôi thúc đọc sách Đa-ni-ên. Trong lúc đọc chương thứ hai, thình lình Thánh Linh đổ đầy tầng hầm và tôi nghe những lời này trong lòng: “Con trai, con đã trung tín giảng trong thế giới nói tiếng Anh. Bây giờ Ta muốn con đem các sứ điệp đến tay của mỗi mục sư và lãnh đạo khắp trên thế giới.”

Sự hiện diện của Chúa nán lại trong vài phút. Với sự kinh ngạc, tôi đứng yên cho tới khi sự hiện diện biến đi. Ngày hôm đó tôi biết là có một sự thay đổi gì đó. Chúng tôi sẽ không còn chỉ nắm lấy những cơ hội đến trước mắt chúng tôi, nhưng bây giờ chúng tôi có một nhiệm vụ từ Chúa: Chúng tôi sẽ tìm các mục sư và lãnh đạo có nhu cầu ở bình diện quốc tế – bất kể quốc gia, ngôn ngữ và điều kiện tài chính của họ như thế nào.

Điều thu hút sự chú ý của tôi trong sự gặp gỡ với Thánh Linh này là việc Ngài dùng từ trung tín. Lúc đó, tôi không liên kết sự “trung tín” với “sự nhân cấp” – lẽ thật này chưa được mặc khải cho tôi. Nếu lúc đó người ta hỏi tôi định nghĩa theo Kinh Thánh về sự trung tín là gì, câu trả lời của tôi sẽ không hề có từ ngữ sự nhân cấp. Những lời của Thánh Linh nói với tôi ở tầng hầm là sự khởi đầu của việc tấm lòng tôi mở ra với sự hiểu biết này. Tôi biết rằng tôi đã nghe từ Chúa nhưng vẫn thắc mắc làm sao chức vụ của chúng tôi có thể thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt to lớn như thế.

Trong suốt thời gian này, chúng tôi có một người bạn lâu năm là Rob Birkbeck, anh làm việc cho chức vụ quốc tế lớn của một nhà truyền giảng nổi tiếng. Rob là giám đốc cấp cao trong chức vụ đó và một trong những trách nhiệm của anh là in ấn và phát hành các sách của nhà truyền giảng đó, vì thế Rob có một kết nối tốt với các nhà xuất bản và các mạng lưới mục sư ở hầu hết mỗi quốc gia trên thế giới. Rob vừa thôi vị trí của mình vì nhà truyền giảng nghỉ hưu. Li-sa và tôi đã mời Rob và vợ của anh là Vanessa, tham gia đội của chúng tôi vì chúng tôi vừa mới mất một giám đốc quốc tế của mình. Không ai trong chúng tôi nhận ra sự tác động của sự cộng tác này thúc đẩy.

Đó là tháng một năm 2011, Rob và Vanessa, cùng với các lãnh đạo đứng đầu trong chức vụ của chúng tôi họp trong phòng hội nghị. Trong lúc họp tôi hỏi, “Năm ngoái chúng ta đã tặng sách cho bao nhiêu mục sư và lãnh đạo trong các nước hải ngoại?”

Một thành viên trong đội xem qua bảng tóm lược cuối năm và trả lời, “Ba mươi ba ngàn sách.” Anh ta nghĩ anh sẽ nghe câu trả lời thiện cảm, nhưng ngược lại. Sự thất vọng của tôi lên tiếng: “Thật thảm bại!” Rồi tôi thốt lên, “Năm nay chúng ta sẽ dâng 250,000 sách cho các mục sư và lãnh đạo ở các nước đang phát triển và gặp khó khăn về đức tin.”

Toàn bộ căn phòng im lặng. Sau đó Li-sa nói với tôi rằng lúc đó cô muốn trốn đi! (Cô có khiếu hài hước khó tin).

Cuối cùng, người điều hành trưởng của chúng tôi, là con trai cả của chúng tôi, lên tiếng đầu tiên. Addison nói, “Bố ơi, bố có chắc muốn làm nhiều thế không?”

Với cả tấm lòng tôi trả lời, “Có, chúng ta sẽ làm.”

Cậu chuyển sang thách thức tôi trong hai mươi phút tiếp theo. Chúng tôi cứ nói qua lại trước mặt của mọi người, họ thì vẫn yên lặng. Cậu rất tôn trọng nhưng cậu không chịu thua vì cho rằng chỉ thị của tôi là quá cao. Cuối cùng trong sự thất vọng cậu thốt lên, “Con không muốn cho đội hình của chúng con một mục tiêu phi thực tế!”

Tới lúc này, tôi đã chịu đủ rồi. Tôi nắm tay đập bàn và lạnh lùng tuyên bố, “Cha đã nói chúng ta sẽ tặng 250,000 cuốn sách trong năm nay.” Căn phòng cảm nhận sự yên lặng. Không lâu sau đó cuộc họp được hoãn lại, tất cả chúng tôi đều cảm thấy không thoải mái.

Sáng hôm sau, khi chúng tôi ở riêng, con trai tôi đã nói, “Con hơi khó chịu với cách cha nói chuyện với con.”

Bây giờ cả hai chúng tôi đều bình tĩnh và muốn làm hòa. Tôi trả lời, “Con trai, con biết cha thích sự đóng góp của đội ngũ của chúng ta. Cha thường cân đếm các đề nghị và suy nghĩ của mỗi người trước khi đưa ra một quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, hôm qua là khác biệt. Cha đã không hỏi mọi người, ‘Bạn có suy nghĩ là chúng ta nên tặng 250,000 cuốn sách không?’ hay ‘Các bạn có nghĩ trong năm tới chúng ta nên tặng bao nhiêu cuốn sách?’ Cha đã nói là chúng ta sẽ làm việc này! Nhưng con đã tranh cãi với cha trong hai mươi phút.”

Cậu thừa nhận và đồng ý, nhưng bình thản đưa ra yêu cầu cuối cùng: “Cha ơi, cha có thể cầu nguyện về chuyện này thêm một ngày nữa không? Nếu sau đó cha vẫn tin chúng ta nên làm thì đội của chúng con sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện điều này.”

Tôi trả lời, “Chắc chắn rồi, cha sẽ làm.”

Thành thật mà nói tôi đã không cầu nguyện nhiều về chuyện đó! Tôi miễn cưỡng thì thào cầu nguyện để giữ lời, nhưng tôi đã biết từ sự gặp gỡ ở tầng hầm rằng đó là điều đúng nên làm.

Có thể bạn thắc mắc, “Ông có lo lắng không?” Bạn đoán xem. Tôi mấp mé khiếp sợ. Tôi kiềm chế để không suy nghĩ tiền sẽ từ đâu đến. Nếu tôi cho phép mình đi theo con đường đó, tôi sẽ nhanh chóng đồng ý với con trai của mình và hạ số lượng xuống con số “hợp lý.” Mục tiêu cho hàng triệu cuốn sách dường như không thể làm, nhưng tôi quyết tâm bám vào sự chỉ dẫn mà tôi đã nhận. Bằng cách nào đó tôi biết rằng hoặc một chiến lược sáng tạo sẽ đến hoặc có một sự tiếp trợ siêu nhiên. Tôi không biết rằng không chỉ một mà cả hai điều này đã đến.

Ba tuần sau, tôi ở trong phòng khách sạn tại Florida, viết một cuốn sách mới. Đội của chúng tôi biết là không được gọi điện cho tôi vào buổi sáng khi tôi đang viết sách – đó là thời gian tốt nhất để tôi tập trung. Điện thoại di động của tôi đổ chuông và tôi thấy danh tính người gọi là văn phòng. Tôi trả lời điện thoại vì tôi biết chắc phải có điều gì đó cấp bách hay quan trọng. Tôi nghe bầu không khí vui vẻ của nhóm ở bên kia đầu dây. Tất cả những người đã có mặt trong buổi họp căng thẳng, đối đầu ba tuần trước đó đều có mặt trong phòng, và dường như họ đang ăn mừng và cười.

Addison nói, “Cha ơi, chúng con chưa gửi thông báo chính thức đến các đối tác tài chính về sáng kiến tặng 250,000 cuốn sách, nhưng một người trong đội đã nói chuyện với một người đàn ông mà anh ấy biết, và khi ông nghe về kế hoạch của chúng ta, ông đã kết ước dâng 300,000 đô-la cho dự án này!”

Cho tới lúc này, món quà lớn nhất mà chức vụ chúng tôi đã nhận từ một cá nhân là 50,000 đô-la. Bây giờ, tôi cùng hòa lòng vui mừng! Sau sự hoan hỉ và giây phút đầy hứng thú đó, tôi nói với mọi người, “Bây giờ mọi người hiểu tại sao tôi rất nhất quyết ở buổi nhóm ba tuần trước đây chưa?”

Con trai của tôi cười và vội nói, “Cha ơi, nếu cha bảo chúng con tặng một triệu cuốn sách, con hoàn toàn đồng ý.” Những người khác thật lòng đồng ý.

Tôi sẽ không bao giờ quên buổi sáng đó. Tôi cúp máy và không thể viết nữa. Tất cả những gì tôi có thể làm là đi tới lui trong phòng khách sạn và nói, “Cảm ơn Ngài, cảm ơn Ngài, cảm ơn Ngài!” Suốt thời gian đó, nước mắt cứ tuôn ra trên má tôi. Tất cả những gì tôi có thể thấy trong lòng là những mục sư và lãnh đạo sẽ nhận được các tài liệu môn đồ hóa mà họ rất mong chờ.

Tôi rất biết ơn vì Addison thật lòng và đã thách thức tôi. Tôi vui vì cậu đã không giữ suy nghĩ trong lòng mà đã nói ra điều mà người khác ở trong căn phòng đó cảm nhận. Chắc chắn họ nghe thấy những bận tâm của họ được trình bày rõ ràng qua lời thách thức của Addison, và cần phải đối diện với những suy nghĩ này.

Toàn bộ diễn tiến này khiến cho chúng tôi đương đầu với những nỗi sợ ngay trước mắt, nếu tôi lắng nghe nỗi sợ thì chắc chắn nó sẽ kéo chúng tôi thay đổi hướng đi và chỉ dùng tiền theo khả năng tài chánh của chúng tôi. Khải tượng của chúng tôi sẽ chết héo và chúng tôi sẽ không nhận món quà to lớn, rời rộng như thế. Có thể chúng tôi sẽ chỉ phân phát năm mươi ngàn cuốn sách hoặc có thể vẫn chưa quyết định làm gì cả.

Chúng tôi đặt ra một mục tiêu và Thánh Linh lắng nghe điều đó và sau đó Ngài làm việc trong tấm lòng của người đàn ông kia để dâng hiến một món quà phi thường. Với tư cách một đội hình, chúng tôi đã tăng trưởng đến cấp độ đức tin mới.

Năm đó, bởi ân sủng của Chúa, chúng tôi có thể tặng 271,700 cuốn sách cho các mục sư và lãnh đạo ở bốn mươi tám quốc gia. Một số các nước đó có I-ran, Syria, Li-băng, Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Áo, Albania, Ai Cập, Việt Nam, Myanmar, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nước có nhu cầu ở châu Phi và nhiều nước khác. Trong những năm trước đó, chúng tôi đã tặng hàng chục ngàn cuốn, bây giờ số lượng đạt đến hơn một phần tư triệu. Hiệu quả vươn ra của chúng tôi đã tăng trưởng hơn tám lần. Ngợi khen Chúa – đó là sự nhân cấp lớn lao!

CÀNG KHÔNG THỎA MÃN

Còn có nhiều điều hơn nữa chăng?

Tháng một năm 2011, bốn tháng sau sự đối đầu căng thẳng trong phòng họp, Rob và tôi có mặt ở Beirut, Li-băng, hầu việc Chúa với các mục sư và lãnh đạo. Họ đến từ khắp cả vùng Trung Đông. Giữa các buổi nhóm, Rob tới chỗ tôi với một yêu cầu: “Có một mục sư ở đây từ Irbil, I-rắc, anh ấy muốn dành chút thời gian với anh. Anh có muốn gặp anh ấy không?”

“Có chứ!”

Rob đã sắp xếp cho chúng tôi gặp nhau trong sảnh khách sạn. Người mục sư kia còn trẻ, khoảng ba mươi lăm tuổi, mắt anh ta rực cháy niềm khát vọng và đam mê. Tôi biết anh ta nghiêm túc về việc xây dựng Nước Chúa. Anh ta đã thắt lưng phục vụ, ngọn đèn của anh ta cháy rực. Anh ta đã tới từ Irbil vì một lý do – để được nâng đỡ qua sự dạy dỗ ở những buổi nhóm này. Tôi biết ngay tức thì anh ta là một lãnh đạo cấp tiến và đổi mới, hiểu được tầm quan trọng của việc liên quan trực tiếp tới những người hư mất.

Cuộc gặp của chúng tôi bắt đầu một cách thoải mái với cuộc nói chuyện ấm cúng. Nhưng cuối cùng, cuộc nói chuyện nghiêm túc hơn và tới một lúc thì anh ta nói, “Mục sư Bevere, tôi xem ông như một người cha thuộc linh. Tôi đã đọc bất cứ điều gì ông viết.” (Sách trong ngôn ngữ của anh ta còn giới hạn, nhưng anh có thể đọc tiếng Anh.) “Tôi còn dùng thẻ tín dụng để tải xuống các tài liệu của ông từ trang mạng của Messenger International…)

Tới lúc đó, tôi không còn tập trung. Thành thật thì tôi không nhớ nhiều điều chúng tôi đã nói. Đầu óc tôi gào thét, Mình đang nhìn một người mục sư từ I-rắc, một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, và anh ta phải dùng thẻ tín dụng để mua các sách vở tài liệu từ trang mạng của mình sao? Tôi không thể chờ lâu hơn để ở riêng với Chúa để giải quyết nhu cầu cấp thiết này.

Sau khi nói tạm biệt, tôi đi thẳng về phòng và đóng cửa lại. Tôi rất thất vọng, tôi la lớn, “Chúa ơi, Ngài phải chỉ cho con cách để đem các sứ điệp Ngài đã giao cho chúng con đến với các mục sư và lãnh đạo trên thế giới này, những người cần nó.” Tôi thật sự không quan tâm ai ở cạnh tôi trong phòng đó. Tôi phải nghe được chiến lược của thiên đàng về cách để hoàn tất nhiệm vụ của Ngài nhằm cung cấp các sách vở cho các lãnh đạo này.

Ít ngày sau thời điểm cầu nguyện nhiệt thành này, một ý tưởng đã đến. Ý tưởng này nảy sinh một chiến lược để giúp công tác hướng ngoại của chúng tôi càng trở nên hiệu quả nhiều lần hơn; đúng vậy, hiệu quả hơn theo hàm mũ mà không làm thêm việc hay thêm chi phí.

Đó là một ý tưởng tuyệt vời…và chỉ có thể là sự khôn ngoan của Chúa. Rất đơn giản, thế nhưng chúng tôi chưa xem xét tới nó! Hãy đọc tiếp nhé!