6 - Siêng Năng Và Nhân Cấp

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 5 tháng trước

.

6

Siêng Năng Và Nhân Cấp

Theo lời của Chúa Giê-su, nếu chúng ta sống liêm khiết, kiên định, uy tín, chân thành, siêng năng và nhân cấp những gì chúng ta hiện đang quản lý thì chúng ta

sẽ được giao cho những trách nhiệm lớn hơn. Nói đơn giản, khi chúng ta nhân cấp với động cơ thánh sạch, Chúa sẽ giao thêm trách nhiệm cho chúng ta. Ngài thăng tiến chúng ta. Đó là một quy luật của Vương quốc Chúa.

Hãy thực hiện việc kiểm tra cá nhân. Có phải bạn có một cái nhìn nhân cấp không? Hay bạn vẫn còn mang lối suy nghĩ an phận? Bạn có lao dốc khi bạn đạt đến mức độ thành công mà bạn xem là đỉnh cao nhất, giỏi hơn cha mẹ bạn hay bạn nghĩ là đủ để bạn sống thoải mái rồi?

Hãy thành thật trong việc đánh giá của bạn. Nếu bạn là người an phận hơn là người nhân cấp thì đây là tin tức tuyệt vời: Bạn vẫn sống trên đất này và có thời gian để thay đổi, để nhân cấp và cuối cùng được giao thêm trách nhiệm!

HAI KẾT QUẢ KHÁC NHAU

Ngay cả lúc tôi còn trẻ, thật không khó để tôi nhận ra những động cơ trái ngược của hạng người sống an phận và hạng người nhân cấp, vì ông nội và ông ngoại của tôi là ví dụ điển hình cho những sự khác biệt này ngay trước mắt tôi. Một ông thì nghỉ hưu ở tuổi sáu mươi lăm và bước vào lối sống an nhàn. Ông tới thăm gia đình chúng tôi hai tuần trong một năm, và tôi quan sát ông hết ngày này qua ngày nọ, chẳng hề làm việc gì cả. Ông ngồi dưới cây sồi lớn ở sân sau và hút điếu thuốc xì-gà của ông. Khi chúng tôi tới thăm ông ở nhà của ông cũng không khác biệt nhiều. Thật buồn, trong những năm cuối đời, có vẻ ông an phận với việc sống cho qua ngày hơn là sống ý nghĩa.

Còn một ông khác nghỉ hưu ở tuổi sáu mươi hai và đã bắt đầu sống cuộc đời thứ hai của ông. Trong những năm ông sáu mươi tuổi, ông học đại học Rutgers và học nông nghiệp. Trong hơn hai thập kỷ tiếp theo, ông đã viết hai cuốn sách, xây dựng và phát triển một khu vườn lớn, nuôi động vật, giúp giới thiệu xây những căn hộ ở các bãi biển Florida nhằm tạo ra những danh lam thắng cảnh cho người cao tuổi. Ông tham gia tích cực trong nhiều dự án chung và cộng đồng. Ông luôn hướng ra để giúp đỡ bất cứ ai có nhu cầu.

Khi ông tới thăm chúng tôi hoặc chúng tôi tới thăm ông, đó là sự kiện rất được mong đợi. Ông lên kế hoạch các chuyến đi câu cá, những chuyến thăm các công viên giải trí và các chuyến đi tới thành phố New York. Ông chơi trò chơi với chúng tôi, dẫn chúng tôi đi gặp hàng xóm, giúp đỡ các thương nhân địa phương làm các công việc ở các cửa hàng của họ, và mỗi tối ông nấu cho chúng tôi một bữa ăn ngon. Còn ông kia thậm chí chẳng giúp gì chúng tôi chuyện bếp núc cả.

Một ông qua đời ở tuổi bảy mươi lăm và ông kia qua đời ở tuổi chín mươi mốt. Bạn có thể đoán ai sống thọ hơn không? Vâng, người có khải tượng, người đã nhân cấp. Đây quả là điều lý thú: Ông cụ đã không tin Chúa cho tới năm ông tám mươi chín tuổi. Dẫu vậy, trước đó ông vẫn sống theo các nguyên tắc của Chúa – các quy luật của Vương quốc – và đã được ban phước dư dật.

Trước khi tôi có đặc ân dẫn ông đến với Chúa Giê-su, ông của tôi đã bắt bớ tôi rất nhiều về niềm tin của tôi! Ông chế nhạo đức tin của tôi hầu như mỗi lần chúng tôi gặp nhau. Sau nhiều lần cố gắng chia sẻ Phúc Âm với ông, tôi thiếu điều ngã lăn đùng ra khi rốt cuộc ông nói, “Ông muốn tiếp nhận Giê-su làm Chúa.” Đó là một ngày tuyệt vời!

Một tháng sau khi ông tin Chúa, tôi lại tới thăm ông. Lúc đó, nơi ông sống chỉ cách nhà chúng tôi một tiếng. Ông đã chuyển từ căn hộ của mình tại Daytona Beach tới trung tâm trợ giúp người lớn tuổi tại Ormond Beach. Trong chuyến thăm đó, ông nói, “John ơi, cháu có muốn biết nhiệm vụ của ông không? Ông có mặt trên đất này để làm gì?”

Tôi kinh ngạc vì một người mới được cứu ở độ tuổi của ông lại nghĩ như thế này. Nhưng thay vì hỏi tiếp, tôi đơn giản đáp lại, “Vâng, ông ơi, nhiệm vụ của ông là gì ạ?”

Nở nụ cười, ông nói, “Thánh Linh nói với ông rằng ông ở đây để nói cho tất cả những người này về Chúa Giê-su Christ.” (Có mấy trăm người cao tuổi trong khu liên hợp này.)

Hai năm sau, mẹ tôi và anh trai của bà đưa ông tới Oklahoma để gần gũi đứa con trai duy nhất của ông. Tuần đầu tiên ở đó, ông đã thức cả đêm kể cho cô y tá mới về câu chuyện cuộc đời ông. Lúc rạng sáng, ngay trước khi mặt trời mọc, ông đã nói với cô, “Đến giờ về nhà rồi. Hãy nói cho con trai của tôi hãy vui mừng về tôi.” Nói xong, ông qua đời và gia nhập gia đình của Chúa ở thiên đàng.

Mẹ tôi lo là họ đã đặt quá nhiều áp lực lên ông khi chuyển từ Florida tới Oklahoma. Khi bà nói điều này, tôi nhanh chóng quả quyết với bà rằng họ không có làm việc đó: “Mẹ ơi, khi ông ngoại tám mươi chín tuổi, ông đã kể cho con Chúa đã cho ông thấy rằng ông còn hai năm trên đất để hoàn thành nhiệm vụ của ông tại Ormond Beach. Đây là tuần đầu tiên của ông tại Oklahoma; nhiệm vụ của ông đã xong.”

Mẹ tôi được an ủi và kinh ngạc.

Dù ông ngoại tôi trước đó là người chưa được cứu, nhưng các nguyên tắc của Chúa về sự siêng năng trung tín được thể hiện trong đời sống ông. Khi chứng kiến các lựa chọn khác nhau của ông nội và ông ngoại, ngay cả trước khi tôi là một tín hữu, tôi quyết định rằng cuộc đời tôi sẽ đi theo con đường của ông ngoại, một người đã nhân cấp và sống có mục đích cho tới hơi thở cuối cùng.

Hãy để tôi nói thành thật nhé. Rất nhiều lần tôi bị cám dỗ để đi theo hướng khác – chọn một đời sống dễ dãi. Cần một hướng đi dứt khoát trong suy nghĩ chúng ta để không ngã qụy dưới lối sống “an phận” bởi vì nó dễ chịu hơn rất nhiều.

Sự nhân cấp sẽ không thể hiện từ một lối sống lười biếng, lưỡng lự, bất cẩn hay lãnh đạm. Sứ đồ Phao-lô bảo chúng ta, “Hãy nhiệt thành, chớ rụt rè. Phải có lòng sốt sắng, phải phục vụ Chúa.” (Rô-ma 12:11).

Trước tiên, phải biết rằng đây là một mạng lệnh, không phải lời đề nghị. Hãy xem lời của ông, “Hãy làm việc chăm chỉ.” Để nhân cấp, đây là một trong những đặc điểm đầu tiên bạn phải thể hiện. Chúng ta không chỉ làm việc chăm chỉ, mà chúng ta cũng phải làm việc nhiệt thành. Đừng hiểu lầm tôi – đức tin, khải tượng và sự kiên trì là những nhân tố rất quan trọng để nhân cấp. Nhưng nó sẽ vô dụng nếu không có tác phong làm việc hiệu quả, siêng năng.

Li-sa và tôi đã làm việc siêng năng từ ngày chúng tôi trở thành tín hữu. Nó được lập trình trong chúng tôi, và Chúa cũng làm điều tương tự cho mỗi tín hữu. Sự hăng hái của chúng tôi không được thúc đẩy bởi những hoàn cảnh bên ngoài, mà bởi lòng đam mê cháy bỏng xuất phát từ hai điều; tình yêu bền đỗ dành cho Chúa Giê-su và cho dân sự của Ngài. Lòng nhiệt thành này căn cứ trên một quyết định chắc chắn của tấm lòng, không phải cảm xúc, và nó tiếp nhiên liệu cho lòng khao khát cháy bỏng để xây dựng Nước Chúa. Điều này rất quan trọng, vì cảm xúc phấn khởi không phải lúc nào cũng có. Đúng vậy, có những giai đoạn chẳng có cảm xúc gì cả.

Một trong những từ gốc nói về sự hăng hái là từ entheos trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “có Chúa ở bên trong.” Sự siêng năng của chúng ta phải được thúc đẩy qua sự tuôn đổ của sự hiện diện nội trú của Ngài, không phải là cảm xúc hay hoàn cảnh bên ngoài.

NHÂN CẤP THỨ THUỘC VỀ NGƯỜI KHÁC

Sau khi chúng tôi lập gia đình, hội thánh đầu tiên tôi và Li-sa đi nhóm là tại Dallas, Texas. Đó là một trong những hội thánh được nhìn nhận đông nhất tại đất nước chúng tôi với hàng trăm nhân sự. Là các tình nguyện viên, chúng tôi liên tục đăng ký để làm bất cứ việc gì cần thiết. Tôi trở thành người chỉ chỗ ngồi, làm tình nguyện cho chức vụ nhà tù, hầu việc Chúa trong các trại tạm giam, đi thăm các nhà dưỡng lão, giúp đỡ trong các hội nghị, trợ giúp các nhân sự hội thánh và thậm chí dạy quần vợt cho con của mục sư. Tôi không bao giờ nói “không” với bất kỳ hình thức phục vụ nào, bất kể đó là gì, và tất cả những điều này diễn ra trong lúc tôi đi làm bốn mươi tiếng một tuần, làm kỹ sư tại Rockwell International.

Cuối cùng khi nhìn thấy đam mê phục vụ của tôi, vợ mục sư quản nhiệm (người quản lý trưởng của hội thánh) hỏi tôi có sẵn lòng tham gia nhân sự trọn thời gian của hội thánh không. Trong cuộc phỏng vấn chính thức, bà nói, “John, tôi không nghĩ là chúng tôi có khả năng trả lương cho anh.”

Tôi trả lời, “Vâng, hai vị có thể không trả nổi.” Tôi không quan tâm họ trả cho tôi điều gì. Tôi sẵn sàng nhận bất kỳ vị trí nào với bất kỳ mức lương nào. Sau phỏng vấn, bà cho tôi vị trí phụ tá đội ngũ điều hành. Li-sa và tôi không cần phải cầu nguyện chăm chỉ về việc đó vì chúng tôi biết đó là ý muốn của Chúa. Tôi chấp nhận đề nghị đó với mức lương 18000 đô-la một năm, một mức giảm rất lớn, nhưng chúng tôi cảm nhận đó là một sự thăng tiến. Li-sa và tôi biết chúng tôi cần phép lạ tiếp trợ để sống nhờ vào đồng lương mới này, nhưng chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi tham gia làm việc, một việc mà chúng tôi tin tưởng với cả tấm lòng đó là sự kêu gọi trên cuộc đời chúng tôi.

Vị trí trách nhiệm này là hỗ trợ các mục sư của tôi, gia đình và quan khách của họ. Tôi làm việc với ba động cơ nổi bật. Trước tiên, phục vụ họ như thể tôi đang phục vụ Chúa Giê-su. Thứ hai, luôn nhìn phía trước, đoán các nhu cầu của họ và đáp ứng trước khi được yêu cầu. Cuối cùng, nếu được bảo làm điều gì đó thì không có quay lại và nói, “Chuyện đó không thể làm được?” Tôi luôn tìm cách để thực hiện nó qua sự cầu nguyện, sự sáng tạo và qua sự chăm chỉ làm việc. Nếu (rất hiếm) có điều gì đó không thể làm được, tôi luôn trở lại với giải pháp thay thế tốt nhất. Thường đó là cách tốt hơn để hoàn thành công việc hơn là cách đã được yêu cầu lúc đầu.

Li-sa và tôi không có con trong thời gian giữ vị trí này. Một tuần làm việc thường năm mươi đến bảy mươi tiếng trong sáu ngày. Hai vợ chồng chúng tôi đều cảm thấy việc gánh vác những áp lực đến với các mục sư là một việc quan trọng. Chúng tôi muốn họ toàn tâm ý với việc lãnh đạo hội thánh.

Tôi có thể chia sẻ nhiều câu chuyện minh họa các động cơ của chúng tôi nhưng sẽ chỉ kể một câu chuyện mà thôi. Mục sư của tôi có một vị khách làm nhân sự cho một chức vụ của một nhà truyền giảng nổi tiếng thế giới mà hiện đã qua đời. Mục sư của tôi muốn biết thêm về nhà truyền giảng quá cố đó, thế là hai người nói chuyện mãi đến tối khuya. Điện thoại của tôi đổ chuông lúc 1:00 sáng. Mục sư bảo tôi tới nhà của ông (hai mươi lăm phút lái xe từ căn hộ của chúng tôi) và đưa khách của ông trở lại khách sạn.

Tôi nói không chút lưỡng lự, “Tôi sẽ tới liền.”

Tôi tới nhà và chờ trong lúc họ nói tạm biệt và lái xe đưa khách về khách sạn. Tôi đi ngủ sau hai giờ sáng.

Mục sư của tôi không biết là tôi phải đi tới sân bay để đón một vị khách khác, người sẽ giảng trong hội thánh chúng tôi vào tối hôm sau. Ông bay cùng buổi sáng hôm đó trong một chuyến bay đêm từ Hawaii, máy bay đáp lúc 5h40 sáng. Tôi phải thức dậy lúc 4h30 để đón ông. Tôi không bao giờ nói với mục sư về việc đêm đó được ngủ chưa tới ba tiếng. Tôi quyết tâm đáp ứng bất cứ nhu cầu nào họ cần, và tôi liên tục nhắc bản thân mình rằng phục vụ là một đặc ân.

Sau khi phục vụ ông bà mục sư với tư cách phụ tá của họ trong bốn năm, một ngày nọ khi ở riêng với họ, tôi chia sẻ, “Tôi cầu nguyện và cầu xin Chúa để có người thay thế vị trí của tôi và sẽ làm tốt hơn gấp đôi công việc tôi đã làm.” Tôi muốn rời khỏi vị trí đó cách tốt đẹp và nhìn thấy vị trí của mình được thực hiện còn mạnh mẽ hơn.

Họ trả lời, “Chuyện này không thể được, anh đã làm một công việc tuyệt vời.”

Đó là một sự xác nhận đầy khích lệ. Câu nói của họ khiến cho tất cả những công việc khó nhọc của tôi trở nên dễ dàng, nhưng tôi muốn tiến triển. Cuối cùng, họ thế hai người vào vị trí đó. Mục sư chúc phước cho chúng tôi đi để phục vụ một hội thánh nổi tiếng khác tại Florida – vị trí mục sư thanh niên tôi đã đề cập ở chương hai.

Khi tôi nhận vị trí tại Florida, tôi thất vọng vì chúng tôi không vươn tới nhiều các bạn thiếu niên nhiều hơn. Đó là thời điểm giữa những năm 1980, phương tiện truyền đạt duy nhất của chúng tôi là phát sóng trên truyền hình. Lúc đó không có máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Phát trực tiếp chưa được phát minh. Nói đơn giản, phát sóng truyền hình hàng ngày là phương tiện tốt nhất để hướng tới mọi người.

Sau khi tìm hiểu, tôi khám phá một trong những trạm phát sóng truyền hình mạnh nhất tại trung tâm Florida có khung giờ trống 10h tối. Tôi hỏi giá của khung giờ 30 phút đó. Vô cùng đắt đỏ.

Tôi đến gặp mục sư quản nhiệm và hỏi liệu có thể mua nó cho chương trình truyền giáo của thanh niên hay không. Ông nói, “John, điều đó không nằm trong ngân sách của hội thánh.”

Tôi hỏi ông, “Ông có phiền nếu chúng ta cho phép các bạn thiếu niên cơ hội dâng hiến hàng tháng để trả cho chương trình đó không?”

Ông đáp, “Chắc chắn rồi, nếu các em có thể chi trả được.” Tôi không nghĩ ông tin người trẻ có thể làm chuyện đó.

Tôi đứng trước các bạn thanh niên và chia sẻ khải tượng hướng tới người hư mất. Vào thời đó, nhiều thanh niên xem truyền hình vào khuya tối thứ bảy. Trong chương trình này, trước tiên chúng tôi giảng Lời Chúa và sau đó mời gọi người xem đi nhóm hội thánh và nhóm thanh niên. Tôi kêu gọi các bạn thanh niên trong nhóm dâng hiến từ tiền trợ cấp, từ việc kiếm việc làm sau giờ học hay làm các việc vặt. Khi tính toán những sự hứa dâng, mục sư thanh niên phụ tá và tôi kinh ngạc – đủ chi phí cho khung giờ phát sóng truyền hình.

Mục sư quản nhiệm càng ngạc nhiên hơn. Ông cho phép và chúng tôi bắt đầu chương trình Thanh Niên Cháy Lên. Chúng tôi đáp ứng được ngân sách mỗi tháng, phần lý thú là nhiều bạn thanh niên không đi nhà thờ bắt đầu đi nhóm thanh niên và đến với Chúa Giê-su. Hơn hai mươi năm sau, có người đến với tôi và chia sẻ với tôi rằng vào cuối những năm 1980 họ đã xem chương trình Thanh Niên Cháy Lên và nó đã ảnh hưởng cuộc đời của họ nhiều thế nào. Khi tôi rời vị trí mục sư thanh niên, chúng tôi đã chia nhóm thanh niên thành ba tổ khác nhau. Ba người lãnh đạo bây giờ làm điều mà chúng tôi đã làm với một nhóm ban đầu. Một lần nữa, ân sủng của Chúa, sự vâng lời và sự siêng năng làm việc đã tạo điều kiện cho sự nhân cấp.

Chúa Giê-su nói:

Nếu các con không trung tín về của cải của người khác, thì ai dám giao cho các con của cải thuộc phần các con? (Lu-ca 16:12).

Chúng ta hãy diễn giải lại những lời của Chúa theo dụ ngôn về các ta-lâng:

Nếu bạn không nhân cấp tài sản của người khác thì ai sẽ cho bạn những gì thuộc riêng của bạn để nhân cấp?

Chính vị mục sư quản nhiệm này đã tuyên bố kế hoạch của Chúa cho Li-sa và tôi để ra mắt Messenger International. Ông là người đầu tiên nói về chức vụ này, không phải chúng tôi. Khi bắt đầu giữ nhiệm vụ mục sư thanh niên, tôi có nói, “Mục sư ơi, tôi sẽ ở đây cho tới khi Chúa Giê-su trở lại tiếp rước tôi nếu Chúa không bày tỏ cho mục sư và tôi rằng chúng tôi phải đi tiếp.” Nếu Chúa không thôi thúc ông trong sự cầu nguyện về vị trí chức vụ tiếp theo của chúng tôi, tôi không chắc chúng tôi có cảm thấy tự do để rời hội thánh hay không. Cho đến ngày nay tôi tin rằng đây là lý do Chúa đã tỏ cho ông trước tiên.

KHAI SINH MESSENGER INTERNATIONAL

Không lâu sau khi rời hội thánh tại Florida, chúng tôi hầu việc Chúa tại Columbia, Nam Carolina. Vào lúc sáng sớm tôi tìm thấy một nơi biệt lập để cầu nguyện. Chúa đã phán với tôi: “Con trai, con sẽ gặt một mùa gặt lớn lao từ các hạt giống trung tín con đã gieo trong bảy năm phục vụ chức vụ của người khác. Nó sẽ bắt đầu ngay tức thì và tiếp tục trong nhiều năm tới.”

Bây giờ khi nhìn lại, tôi kinh ngạc về mùa gặt đó.

Sau khi được hội thánh phát động để khai sinh Messenger International, thì sự siêng năng một lần nữa là nhân tố chìa khóa trong sự nhân cấp của chúng tôi. Li-sa và tôi dành nhiều buổi tối làm các việc, chẳng hạn như sao chép băng đĩa, làm nhãn mác và tập hợp các loạt bài giảng. Bạn bè thường xuyên tới để dán nhãn và xử lý bản tin của chúng tôi hay giúp đỡ trong các lĩnh vực khác. Li-sa và tôi đánh máy những lá thứ, ký gửi các tấm séc, lưu giữ hồ sơ tài chính và thực hiện tất cả công việc giấy tờ cần thiết. Chúng tôi nhập dữ liệu vào máy tính, chạy lui tới bưu điện – đó chỉ là một danh sách ngắn. Chúng tôi bắt đầu làm việc sau khi cầu nguyện vào buổi sáng và thường làm việc tới 9h tối hay tới khuya.

Chúng tôi làm với sự vui mừng và xem đó là một đặc ân. Động cơ của chúng tôi đến từ tấm lòng và kiên trì chịu đựng dù trải qua vô số những thất vọng và quãng thời gian không thấy kết quả gì. Tôi tin sức mạnh để không ngã lòng đến từ thời gian chúng tôi dành để cầu nguyện mỗi sáng.

Chúng tôi chạy xuống, chạy lên đường cao tốc chính ở Bờ Đông, bằng chiếc ô tô Honda Civic với hai đứa nhỏ ngồi ở ghế sau dành cho trẻ em và giảng cho các hội thánh nhỏ có tám mươi đến một trăm người. Thật ra buổi nhóm đầu tiên của chúng tôi là trong nhà tang lễ – một khởi đầu quyến rũ!

Chúng tôi bán các băng bài giảng và dùng tiền thu được để mở rộng chức vụ. Chúng tôi cam kết rằng chúng tôi sẽ không lấy lương từ các quỹ này; thật quan trọng để phát triển và nhân cấp chức vụ Messenger. Có những lần số tiền chúng tôi cần cho cá nhân đã đến chính xác vào cái ngày chúng tôi cần. Chúng tôi có gởi tiền vào tài khoản “doanh thu từ việc bán băng bài giảng,” nhưng chúng tôi cam kết không đụng tới khoảng này.

Sau một năm rưỡi làm việc siêng năng thì lời Chúa đến với tôi và bảo tôi viết sách. Tôi rất lo là không đủ thời gian trong một ngày để viết và hoàn tất quá nhiều trách nhiệm khác. Thực hiện cam kết đó coi bộ là mạo hiểm, nhưng chúng tôi đã cam kết. Mất một thời gian dài để viết cuốn sách đầu tiên. Điều tôi không liệu trước là có một số thanh niên tình nguyện giúp đỡ chúng tôi làm những công việc phục vụ để tôi có thời gian viết sách. Họ đảm trách vai trò giống như chúng tôi đã làm cho mục sư của chúng tôi tại Dallas. Họ nhìn thấy nhu cầu trong đời sống chúng tôi và xung phong làm mà không cần chúng tôi nhờ.

Tôi đã hoàn tất bản viết tay cho cuốn sách Victory in the Wilderness sau một năm làm việc chăm chỉ và đôi khi nản chí. Tôi đã học một bài học quan trọng: Chúng ta phải tăng trưởng trong ân sủng (ơn) trên đời sống của chúng ta. Phần lớn chúng ta không có những kết quả “xuất sắc” lúc đầu. Phi-e-rơ viết: “Hãy tăng trưởng trong ân sủng…của Chúa và Đấng Cứu Thế của chúng ta là Giê-su Christ” (2 Phi-e-rơ 3:18). Khả năng viết của tôi bây giờ được kiện toàn hơn rất nhiều so với lúc viết cuốn sách đầu tiên.

Li-sa và tôi đã đưa bản viết thảo cho một nhà biên tập nổi tiếng. Tôi bị sốc nặng, bị phê bình gay gắt, cho rằng tôi còn quá trẻ và không có kinh nghiệm để chia sẻ một sứ điệp như thế cho hội thánh Chúa.

Sau cú bị từ chối đó, Li-sa và tôi lập tức tìm một nhà biên tập khác. Chúng tôi tìm được người này và ông ta đã làm hỏng toàn bộ bản thảo của tôi. Li-sa và tôi thất vọng khi nhận lại bản thảo. Ông đã thay đổi hết văn phong của tôi và làm ảnh hưởng rất nhiều đến nội dung của cuốn sách. Tệ hơn nữa, việc sửa lại này cũng không giúp ích gì nhiều! Nói đơn giản, việc này đã làm cho nguyên văn của cuốn sách bị sai lạc. Lại là một cú sốc khác – chúng tôi sẽ làm gì đây? Đã hơn một năm rồi.

Chúng tôi không bỏ cuộc. Chúng tôi tìm một nhà biên tập khác, sau khi đọc bà đồng ý bản thảo gốc đã bị sửa hỏng hết. Bà nói, “John và Li-sa này, sửa một bản thảo đã chỉnh sửa thường không phải là hành động đúng. Đã trả tiền cho người biên tập thì chịu thua thiệt thôi nên hãy bắt đầu lại. Bà khuyên Li-sa biên tập lại bản gốc và sau đó gửi nó cho bà.

Chúng tôi nhận lời khuyên của người biên tập này. Li-sa để nhiều giờ sửa bản gốc, chỉnh sửa cho sứ điệp dễ đọc. Người biên tập này nhận bản thảo đã chỉnh sửa của Li-sa và bắt đầu đọc. Bà đã làm một việc tuyệt vời, và chúng tôi cảm thấy như thể cuối cùng chúng tôi có được một bản thảo tuyệt vời.

Tôi gởi nó cho hai nhà xuất bản nổi tiếng. Sau đó chúng tôi không hề nghe tin tức gì từ một nhà xuất bản, nhưng nhà xuất bản kia đã hồi âm. Họ nói rằng cuốn sách của tôi giống “bài giảng” quá, và vì tôi không phải là mục sư nổi tiếng nên họ không xuất bản nó. Tôi đã thử gửi cho những nhà xuất bản ít tiếng tăm hơn nhưng không ai quan tâm.

Bạn có thể tưởng tượng sự thất vọng của chúng tôi không? Bây giờ, sau thời gian một năm bỏ công sức và thời gian thì dường như chúng tôi rơi vào bước đường cùng. Tôi quẫn trí nhưng không muốn bỏ cuộc.

Vào thời đó việc tự xuất bản không được biết đến. Không tác giả thành công nào trong ngành xuất bản đã làm việc đó, nhưng một người bạn đề nghị chúng tôi thử. Chúng tôi biết sẽ tiêu tốn 12000 đô-la để in vài ngàn cuốn sách, đó là chưa gồm chi phí thiết kế và dàn trang; và chúng tôi cũng đã trả tiền cho hai người biên tập kia rồi.

Đây là số tiền lớn đối với chúng tôi. Toàn bộ thu nhập của Messenger International năm 1990 là 40000 đô-la. Chúng tôi bắt đầu năm thứ ba với tư cách một chức vụ, và chúng tôi không kiếm được số tiền nhiều như ở năm đầu tiên đó. Cuối năm thứ hai, tôi nhớ mình cảm thấy bị choáng khi mua chiếc máy tính đầu tiên, chỉ có giá vài trăm đô-la – nên 12000 đô-la coi như là không tài nào có được! Chúng tôi cần một phép lạ để kiếm được số tiền đó.

Chúng tôi gặp một quý cô làm ở vị trí thiết kế cho một nhà xuất bản nhỏ chuyên in các sách vở về thể thao. Cô nghe tôi nói về việc viết sách, cô tới gặp Li-sa để đề nghị cung cấp các dịch vụ thiết kế và biên soạn sách của chúng tôi miễn phí. Chúng tôi rất vui vì không phải trả hàng ngàn đô-la cho công việc này.

Chúa đã đem tới số tiền cần thiết đó để tự xuất bản một cách lạ lùng và chúng tôi đã in năm ngàn cuốn sách Victory in the Wilderness (sau đó cuốn sách này được đặt tựa là Chúa ơi, Ngài ở đâu? Sự phấn khởi lúc đầu của chúng tôi không kéo dài lâu khi chúng tôi nhận ra mình không có các kênh phân phối. Những nhà phân phối và nhà sách không biết chúng tôi là ai, và thời đó các công ty này chỉ mua sách từ các nhà xuất bản có tên tuổi. Không ai quan tâm tới một cuốn sách tự xuất bản.

Chúng tôi đã kèm vào cuốn sách loạt băng bài giảng để bán trọn gói nơi nào chúng tôi đến giảng dạy. Khi tôi giảng về chủ đề đồng vắng, chúng tôi đều bán hết sạch. Nhiều người thích sứ điệp đó, nhưng chỉ có thế thôi.

Trong sự cầu nguyện Chúa phán với tôi về việc viết một cuốn sách khác, vì thế tôi dành chín tháng tiếp theo viết cuốn The Voice of One Crying. Vẫn không có nhà xuất bản nào quan tâm, vì thế chúng tôi lại tự xuất bản sách vào năm 1993. Bây giờ, chúng tôi bán tới hai cuốn sách, nhưng chẳng có cuốn nào có mặt trong các đại lý bán lẻ nào.

MỘT CƠ HỘI MỞ RA

Một năm sau, một người bạn gọi điện cho tôi và mời tôi đi ăn trưa. Anh nói, “Tôi muốn anh gặp một người bạn của tôi.”

Tôi đồng ý đi. Tôi biết được đó là lãnh đạo mới của nhà xuất bản mà đã từ chối tôi hai năm trước. Bữa ăn trưa diễn ra tốt đẹp, và ông ta quan tâm tới công việc Li-sa và tôi đang làm. Ông hỏi, “Gần đây, anh giảng về sứ điệp gì?”

Tôi bắt đầu chia sẻ về chủ đề nung nóng nhất trong lòng tôi. Đó là một sứ điệp nói về tầm quan trọng của việc chiến thắng những vấp phạm và tha thứ những người làm thương tổn chúng ta. Ông tiếp tục dò hỏi, và tôi chia sẻ thêm cho ông về sứ điệp. Sau mười lăm phút, ông nói, “John này, anh biết chúng tôi không thể xuất bản sứ điệp này vì chúng tôi chỉ thực hiện hai mươi hai đến hay mươi bốn cuốn sách một năm, và những cuốn sách này được viết bởi các tác giả hay mục sư nổi tiếng.”

Tôi nhìn ông bối rối và nói, “Tôi không thuyết phục anh xuất bản sách của tôi; anh hỏi tôi giảng điều gì cho các hội thánh mà tôi tới thăm viếng mà.”

Ông hiểu ra và cười, “Ồ vâng, đúng, anh nói tiếp đi.”

Vì thế tôi tiếp tục chia sẻ. Mười lăm phút sau, ông lại ngắt lời tôi, “Anh có thể đưa cho tôi bản thảo trong ba tháng tới không?”

Tôi lúng túng đáp lại, “Tôi nghĩ anh nói anh không thể xuất bản sách của tôi.”

Ông trả lời, “Tôi đổi ý rồi, sứ điệp này cần nhiều người nghe.”

Công ty đã phát hành cuốn Mồi Satan vào tháng sáu năm 1994. Tôi rất phấn khởi. Chúa đã mở một cánh cửa mà bản thân tôi không thể mở. Tôi lạc quan rằng sách này sẽ được nhiều người biết đến ngay và sẽ bán rất chạy; tuy nhiên, chuyện này không xảy ra trong bảy tháng đầu tiên. Hết tháng này tới tháng khác, tôi nhận được những con số bán sách rất ít ỏi từ nhà xuất bản. Tôi tin trong lòng rằng sứ điệp này được dự định chạm đến nhiều người – nhiều nước trên thế giới. Tôi không chấp nhận từ bỏ hy vọng đó, nhưng tất cả những dấu chỉ này đều chỉ dấu cho thấy một nỗi thất vọng khác.

Vài tháng sau, tôi nhận một cuộc gọi từ một thành viên trong đội tiếp thị của nhà xuất bản. Cô nói, “Anh John, có một chương trình trò chuyện quốc tế muốn mời anh trong chương trình của họ vào ngày 16 tháng 1 năm 1995. Họ sẽ cho anh có hai mươi phút, nhưng chủ yếu là họ muốn nói về anh, Li-sa, bốn con trai của anh và chức vụ giảng dạy lưu động của anh. Tuy nhiên, họ sẵn lòng đề cập tới cuốn sách của anh. Đó là một khởi đầu; một cánh cửa được hé mở, có thể nói như vậy. Anh có muốn chúng tôi đồng ý cho anh không?”

“Chắc chắn là có rồi!”

Thế là tôi đi dự, một cặp vợ chồng nổi tiếng dẫn chương trình buổi tối hôm đó. Sau khi ông chào thăm tôi, điều đầu tiên người chồng làm là cầm cuốn sách Mồi satan lên và hỏi, “Mồi satan là gì? Sứ điệp này nói về chuyện gì?”

Tôi ngạc nhiên là vì chủ đề này được nói trước, chứ không phải nói về gia đình chúng tôi. Tôi nhảy vô liền để nói về sứ điệp của sách. Dường như mọi thứ trong trường quay đều dừng lại. Tôi được dặn nhìn thẳng vào người dẫn cuộc trò chuyện vì có người sẽ giơ tấm bảng cho biết thời gian còn lại trong cuộc phỏng vấn. Tôi được cho biết rõ là chỉ có hai mươi phút. Người dẫn cuộc trò chuyện đã không giơ lên tấm bảng nào cả. Những người tổ chức chương trình nghe say mê những gì tôi chia sẻ và không ngắt lời hay xen vào những gì tôi nói. Cặp vợ chồng này và tôi không để ý tới thời gian và sau đó chúng tôi phát hiện là tôi đã nói liên tục suốt bốn mươi phút.

Người dẫn chương trình được cảm động sâu sa. Anh ta tổ chức một trong những hội nghị lớn nhất trong nước. Một trong những việc đầu tiên anh ta làm là phát trực tiếp, rồi mời tôi đến giảng về chủ đề này trong hội nghị của họ.

Vài ngày sau đó, nhà xuất bản thông báo cho tôi rằng mỗi nhà sách tại Mỹ đều đã bán sạch cuốn Mồi Satan và hai mươi ngàn cuốn đã được đặt in tái bản. Anh ta nói, “John, chúng tôi chưa bao giờ thấy điều này trước đây, chương trình trò chuyện đã cho chúng tôi biết rằng người ta chưa bao giờ thấy sự đáp ứng như thế.” Tôi biết trong lòng rằng đó là sự xếp đặt của Chúa và xác chứng đây chính là sứ điệp của Chúa cần được phổ biến.

Sách Mồi Satan cuối cùng trở thành cuốn sách bán chạy quốc tế và thuộc sách bán chạy đứng đầu trong hai mươi lăm năm qua. Lúc viết những lời này, sách này đang gần tới mốc in hai triệu bản – gồm sách bìa mềm, sách điện tử và sách nói. Thật khôi hài khi nhìn lại cách cuốn sách này tiến triển. Ban đầu nhà xuất bản đã từ chối tôi không đủ tư cách làm tác giả, nhưng bây giờ Mồi Satan là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại của nhà xuất bản của họ. Chúa quả thực có khiếu hài hước!

Nếu tôi không vâng lời và không viết sách, sứ điệp ắt hẳn đã không chúc phước cho nhiều người đến thế. Nhờ viết sách mà sứ điệp được nhân cấp, vì sách vở hướng tới nhiều người hơn số người tôi có thể giảng dạy trực tiếp.

Thật ra thì ảnh hưởng sâu rộng này không bắt đầu với việc viết sách. Sự nhân cấp bắt đầu sớm hơn trước đó nhiều vì chúng tôi tiếp tục đi trên con đường này qua nhiều cú sốc mà chúng tôi đã chịu. Tôi làm việc siêng năng để gánh bớt những áp lực đè nặng lên vị mục sư đầu tiên của tôi và sau đó tôi nhân cấp công tác truyền giáo của hội thánh khi làm mục sư thanh niên. Rồi công việc tiếp tục qua chức vụ Messenger International – làm việc toàn bộ thời gian ban ngày và ban tối, sau đó vâng theo tiếng Chúa để viết sách và xuất bản sách.

Lúc đó tôi nghĩ quá trình nhân cấp cho sứ điệp Mồi satan đã được khẳng định, rằng nó sẽ tự nhiên tiếp tục tăng trưởng với lượng sách bán ra và với việc tôi chia sẻ sứ điệp tại các hội nghị và hội thánh khắp thế giới. Tôi đã sai. Chúa sắp giao thêm việc cho chúng tôi.