3 - Thành Thật Đánh Giá Bản Thân

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 11 tháng trước

.

3

Thành Thật Đánh Giá Bản Thân

Đến đây thì tôi đã chia sẻ về sự tranh chiến khi xác định lẫn bước đi trong ơn charisma trong đời sống tôi, giờ tôi muốn chia sẻ ngắn gọn về điều tôi không được ơn.

Không thể nào liệt kê ra hết ở đây được – đơn giản là quá nhiều. Đầu tiên trong danh sách là việc ca hát và chơi nhạc cụ. Bất cứ lúc nào tôi hát ở nhà, vợ con tôi rất lịch sự nhưng rất kiên quyết khuyên tôi chỉ hát để tôi nghe mà thôi.

Trong thời gian làm vận động viên ở trường trung học, lúc ở trong phòng tắm tại phòng thay đồ chỗ tập thể hình, tôi chỉ hát một lần. Một số người phản ứng rất mạnh, cùng la lớn bảo tôi hãy im đi, có một anh chàng, anh ta chỉ đùa thôi, ném chai dầu gội vào chỗ tôi.

Cha mẹ tôi đều cho tất cả chúng tôi là con cái nhà Bevere học đàn piano. Giáo viên của tôi là một người chơi piano chuyên nghiệp, khá nổi tiếng tại quê của chúng tôi. Nghề của cô là dạy piano và cô giỏi việc đó. Nhưng sau bốn năm tôi học tập khổ cực, cô tới gặp cha mẹ tôi và nài xin họ cho phép tôi bỏ học. Tôi tệ lắm luôn!

Thời gian trôi qua, tôi nghĩ mình chỉ dở piano, thế nên vài năm sau tôi đã thử một nhạc cụ khác. Sau khi chúng tôi mua cây guitar cổ điển, chúng tôi đã tìm một giáo viên nổi tiếng. Anh ta kiên nhẫn và làm việc với tôi rất tỉ mỉ; tôi cũng nỗ lực hết mình, siêng năng tập luyện, nhưng vẫn gặp khó khăn. Học thêm một năm rưỡi nữa trước khi tôi thừa nhận là mình không có khả năng âm nhạc.

Kết quả sau đó là gì? Có thể nói là không có gì xảy ra suốt những năm tháng đó. Đây là một câu chuyện hoàn toàn khác với việc viết lách của tôi. Khả năng âm nhạc không một lần thể hiện trong đời sống tôi.

TỰ LƯỢNG GIÁ

Tôi có thể tiếp tục liệt kê những việc tôi không được ơn, nhưng bạn đã hiểu ý rồi. Thật an tâm khi nói tất cả chúng ta đều có xu hướng muốn biết điều mình không làm giỏi. Đôi lúc tôi ước ao việc xác định mình có các ân tứ nào cũng dễ dàng như việc xác định mình không được các ân tứ nào.

Biết được điều này, chúng ta hãy xem tiếp những lời dạy của Phao-lô:

Vì nhờ ân sủng Chúa ban cho tôi, tôi xin nói với mỗi người trong anh chị em: Đừng nghĩ về mình cao quá, nhưng hãy bình tâm suy nghĩ, đúng theo lượng đức tin Đức Chúa Trời đã ban phát cho mình. Vì như trong một thân thể, ta có nhiều phần, nhưng tất cả các phần không có cùng một chức năng, cũng thế, dù chúng ta đông người, nhưng chỉ có một thân thể trong Chúa Cứu Thế và mỗi người là các phần của nhau. Ta được ân tứ khác nhau theo ân sủng Chúa; ai được ơn nói tiên tri, hãy nói theo lượng đức tin. (Rô-ma 12:3-6).

Phao-lô bắt đầu bằng cách sắp xếp những gì ông sắp viết như một lời cảnh báo. Để tôi tách ra và nhấn mạnh sự cảnh báo của ông: “Đừng nghĩ mình tốt hơn con người thật của mình. Hãy thành thật trong việc tự lượng giá.” Ở đây chúng ta được bảo tự lượng giá bản thân mình? Về điều gì? Về các ơn mà Chúa đã đặt trong cuộc đời chúng ta trong thực tế.

Tại sao tôi dùng từ thực tế? Đơn giản thôi. Hãy nghĩ đến ví dụ Kinh Thánh đã nêu trước đó. Sự đánh giá thành thật của Sau-lơ trước khi ông gặp Sa-mu-ên ắt hẳn là, “Tôi không thể nói tiên tri. Điều này ắt hẳn đúng và chính xác cho thời điểm đó”. Tuy nhiên, sau khi ông gặp Sa-mu-ên và ơn của Chúa đến trên đời sống của ông, thì sự đánh giá thành thật của ông ắt hẳn đã thay đổi thành, “Tôi có thể nói tiên tri.”

Ồi, ước gì tôi đọc câu Kinh Thánh này kỹ hơn lúc mà tôi cố gắng sinh ra chức vụ Ích-ma-ên của mình. Nếu tôi thành thật, lúc đó tôi đã nhận ra được rằng tôi không có yếu tố ăn nói trước công chúng. Tuy nhiên, tôi được ơn để phục vụ mục sư của mình. Dẫu vậy trong khả năng tự nhiên tôi cố sinh ra điều mà Chúa đã nói rõ ràng với tôi, đã được bày tỏ trong sự cầu nguyện và được nói tiên tri bởi các lãnh đạo về những gì sẽ xảy ra. Nhưng lúc đó chưa phải thời gian thực nghiệm, và chuyện này quá rõ ràng nếu tôi chú ý mạng lệnh này trong Kinh Thánh và thành thật đánh giá rằng tôi chưa sẵn sàng thì tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực. Tôi cũng sẽ hiệu quả hơn trong những việc tôi được ơn để làm trong khoảng thời gian đó.

Liên quan tới các ơn khác nhau, những lời của Phao-lô rất rõ ràng : “Vì như trong một thân thể, ta có nhiều phần, nhưng tất cả các phần không có cùng một chức năng” (Rô-ma 12:4). Điều này thật đơn giản nhưng đúng là khải thị khi bạn xem xét chính cơ thể của mình. Hãy suy nghĩ về ý này; các ngón tay của bạn có thể làm những điều mà mũi không thể làm. Mũi có thể làm những điều mà lỗ tai không thể làm. Lỗ tai có thể làm những điều dạ dày không thể làm. Dạ dày có thể làm những điều mà gan không thể làm và danh sách còn dài. Vì thế, đây là ý chính:

Hạnh phúc thay và phước hạnh thay là người biết được ơn tứ của mình và vận hành trong các ơn đó. Bất hạnh thay và khốn khổ thay cho ai cố vận hành trong các ơn tứ của người khác.

Thật là lạ nếu một sáng nọ bạn thức dậy và ngón tay cái của bạn nói, “Ê đủ rồi cái miệng kia, nhiều năm tháng qua mày cứ nói suốt, hôm nay tao sẽ nói” phải không? Điều đó thật nực cười; ngón tay cái không có khả năng để tạo ra âm thanh như cách cái miệng có thể làm được. Tuy nhiên, ngón tay cái có những khả năng độc nhất mà miệng không có. Giả sử cái miệng nói, “Hôm nay tao muốn đánh máy tính!” Cũng thật là nực cười.

Câu hỏi quan trọng tiếp theo là: Tại sao chúng ta lại quá coi trọng “những ân tứ đứng trên bục giảng”? Tại sao chúng ta xem các mục sư giảng dạy và những người hướng dẫn ngợi khen cho hội chúng là người có những ân tứ nổi bật? Những lời của Phao-lô gửi cho hội thánh Cô-rinh-tô về chủ đề này nói, “Nhưng trái lại, những chi thể xem có vẻ yếu đuối trong thân thể lại là cần thiết.” (1Cô-rinh-tô 12:22).

Để tôi đưa ra một ví dụ thực tiễn. Bạn có bao giờ để ý người ta để ý hai cái chân không? Người ta nói những câu chẳng hạn như, “Cặp giò của cô ta đẹp quá,” hay “Ôi, đôi chân anh ta có cơ bắp chưa kìa!”

Tôi nhớ lại cha tôi – người rất bảo thủ, kỷ luật và trầm tính – đã làm một điều nằm ngoài tính cách của ông khi tôi còn niên thiếu. Thực tế là ông không bao giờ thu hút sự chú ý về mình. Nhưng một ngày nọ ông thốt lên, “Con trai, con có cặp giò đẹp đấy.”

Bị sốc, tôi chỉ nhìn ông chằm chằm mà không trả lời. Tôi cười với sự hiếu kỳ, thắc mắc ông sẽ đi tới đâu với việc này. Ông nói tiếp, “Con có muốn biết tại sao không? Ấy là vì cha có cặp giò đẹp; con đã thừa hưởng nó từ cha đó.”

Tôi không biết phải cười ngặt nghẽo hay thừa nhận câu nói của ông, vì hơi bất ngờ với hành vi đùa cợt của ông. Tôi chỉ cười và nói, “Cảm ơn cha vì cho con cặp giò đẹp.”

Đúng vậy – hai cái chân được chú ý. Nhưng bạn đã cân nhắc sự thật là không có chân người ta vẫn có thể sống không? Tôi biết một người đàn ông bị mất một cái chân trong một tai nạn xe hơi, nhưng anh ta vẫn sống và hoạt động bình thường.

Nhưng lá gan là một câu chuyện khác. Không ai có thể sống mà không có lá gan. Nó cực kỳ quan trọng, quan trọng hơn nhiều cái chân. Tuy nhiên, bạn có bao giờ nghe ai đó nói, “Ồ, bạn có một lá gan thật phi thường, nó đẹp quá”? Điều này sẽ không xảy ra!

Vì thế, chúng ta hãy nghe lại lời của Phao-lô: “Nhưng trái lại, những chi thể xem có vẻ yếu đuối trong thân thể lại là cần thiết.”

Tôi lại hỏi, tại sao chúng ta lại quá coi trọng những “ân tứ đứng trên bục giảng? Các ân tứ này là những chi thể “thấy được” và rất cần thiết, nhưng theo Lời Chúa, nó không phải là quan trọng nhất.

Bạn tôi là Stan (ở chương đầu) có ơn vươn tới những con người trong thế giới kinh doanh, cũng như có ơn kiếm tiền và dâng tiền. Ân tứ của anh dường như bị xem là ít giá trị hơn ân tứ giảng trên bục giảng, và do cái văn hóa ăn sâu vào tín đồ truyền thống như thế, nên chúng ta mặc định ân tứ giảng dạy là quan trọng nhất. Thông điệp ăn sâu trong các hội thánh truyền thống là gì? “Những người đứng trên bục giảng là những người được chọn và mới thật sự có ơn kêu gọi trên đời sống họ.”

Hãy suy nghĩ về điều này. Nếu ai đó nói, “Người đó có sự kêu gọi của Chúa trên đời sống của mình,” mọi người lập tức cho rằng đó là sự kêu gọi làm một mục sư, làm người hướng dẫn thờ phượng, làm trưởng ban thanh niên, làm tác giả Cơ Đốc, làm giáo sĩ và vân vân. Khi nghe câu này, rất ít người nghĩ, “Anh ta được kêu gọi vào lĩnh vực y tế và đang khám phá những phương cách mới để điều trị ung thư.” Hay, “Cô ấy làm việc trong chính phủ, ủy ban lập pháp để mở mang Nước Chúa.” Hay, “Anh ta trong lĩnh vực giáo dục và đang gieo trồng kiến thức và sự khôn ngoan của Chúa cho thế hệ trẻ.” Hay “Cô ấy được kêu gọi ơn thương trường để hướng tới những người hư mất ở đó và để tài trợ việc xây dựng Nước Chúa.”

Hậu quả của lối tư duy về các ân tứ của Chúa đã quá rõ ràng: anh bạn tôi Stan đã tin Chúa nhiều năm ở nhà thờ mà không nhận biết rằng anh ta cũng được “kêu gọi” giống như tôi là người giảng dạy. Có phải những khả năng Chúa ban cho, dù nó là thật đấy, nhưng coi bộ không quan trọng cho bằng các ân tứ thuộc linh do niềm tin đã ăn sâu trong hội thánh rằng nó không quan trọng lắm không? Điều này cần thay đổi! Tất cả chúng ta được kêu gọi và có các ơn độc nhất cần thiết để hoàn tất nhiệm vụ của Nước Chúa.

Đây là toàn bộ những gì Phao-lô nói với hội thánh Cô-rinh-tô:

Nhưng Đức Chúa Trời đã xếp đặt mọi chi thể trong thân thể, mỗi bộ phận tùy theo ý Ngài. Nếu tất cả chỉ là một bộ phận thì thân thể ở đâu? Tuy có nhiều chi thể nhưng chỉ có một thân thể. Mắt không thể nói với tay: Tôi không cần anh; đầu cũng không thể nói với chân: Tôi không cần anh. Nhưng trái lại, những chi thể xem có vẻ yếu đuối trong thân thể lại là cần thiết. Những chi thể xem có vẻ kém quan trọng trong thân thể thì ta phải tôn trọng nhiều hơn; và những chi thể ít được chú ý chúng ta phải chú trọng nhiều hơn. Còn những chi thể nào đã được tôn trọng rồi thì không cần chú ý nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã xếp đặt thân thể để cho chi thể nào kém cỏi thì được tôn trọng hơn. Như thế để không có sự chia rẽ trong thân thể, nhưng các chi thể đồng chăm sóc cho nhau. (1 Cô-rinh-tô 12:18-25).

Có lẽ lý do chúng ta tôn trọng các ơn liên quan tới nhà thờ hơn các ơn khác là vì chúng ta giới hạn lời dạy của Phao-lô chỉ dành cho bối cảnh của nhà thờ hay cho các buổi nhóm bồi linh. Rõ ràng là các ơn giảng luận hay dạy dỗ cần thiết trong bầu không khí thuộc linh như thế. Nhưng công việc Nước Chúa xảy ra khắp nơi, vì thế đây là một mô hình mới mà cần phải thay đổi triệt để. Từ ngữ Hy Lạp nói về hội thánh là ekklesias, nghĩa là “được gọi ra.” Định nghĩa trong từ điển Hy Lạp thêm, “Những người được gọi ra hay những người được gọi ra khỏi hay được nhóm lại cho những vấn đề của cộng đồng hay của địa phương, các công dân được kêu gọi tụ tập lại.”

Phải chăng chúng ta là hội thánh chỉ khi chúng ta nhóm lại bên trong một tòa nhà? Phải chăng chúng ta là hội thánh chỉ khi chúng ta tập trung để cầu nguyện, thờ phượng, rao giảng hay đặt tay cầu nguyện? Kiểu mẫu này khiến dân sự Chúa thờ phượng Chúa một đàng và sống ngoài xã hội một nẻo. Chúng ta là hội thánh và được trang bị các ân tứ để xây dựng Nước Chúa, bất kể chúng ta ở đâu suốt 24 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm.

Gần đây, tôi đã gặp một siêu tỉ phú. Anh đã thực hiện điều mà anh gọi là “God tour.” Anh cùng đội ngũ của mình đã bay tới nhiều thành phố khác nhau, tham dự các hội thánh và hội nghị để gặp gỡ các mục sư. Mục tiêu của anh: Anh muốn năm chức vụ thuộc linh này uốn nén và trang bị thêm cho anh để làm công việc của anh. Việc tôi gặp anh là do sự sắp đặt trước của một người bạn tốt. Nó diễn ra trong một hội nghị tôi giảng tại Dallas. Kết quả là chúng tôi đã có một bữa trưa ba tiếng thật tuyệt vời, khi rời đi tôi cảm thấy tôi nhận được nhiều hơn từ bữa trưa đó hơn anh ta.

Anh chia sẻ rằng anh đã trồi lên trụt xuống trong thế giới kinh doanh khi mới vào nghề, nhưng rồi cái ngày mà anh được mở mắt đã đến. Sự soi sáng bắt đầu khi anh thắc mắc tại sao các hoạt động của Nước Chúa chỉ xảy ra trong khuôn khổ nhà thờ hay trong các hội đồng bồi linh – tại sao lại không ở khắp mọi nơi? Anh biết mình được kêu gọi ở thương trường, nhưng tại sao anh làm ăn ở thương trường chẳng khác gì những người không tin? Không có gì khác biệt giữa anh và thế gian.

Anh quyết tâm anh sẽ “bước đi với Chúa” trong thương trường và sẽ lắng nghe tiếng phán của Thánh Linh, cũng không khác gì với người mục sư đứng trên bục giảng. Thực ra, anh đối diện trực tiếp với thắc mắc về ơn gọi và quyết định rằng anh cũng được Chúa kêu gọi như bất kỳ người mục sư nào khác. Anh lắng nghe tiếng Chúa trong những thì giờ yên tĩnh, cũng như trong các buổi họp kinh doanh. Khỏi phải nói, Chúa ban cho anh những lời nói tri thức và khôn ngoan trong các vấn đề kinh doanh.

Kết quả thật rõ ràng; anh không còn loạng choạng nữa. Anh chia sẻ về một số lời mà anh nhận nơi Chúa, và dường như những lời này không thuộc linh lắm. Tuy nhiên, anh quyết tâm vâng lời, ngay cả khi những lời Chúa phán đi ngược với kiến thức kinh doanh phổ thông và cũng không dễ gì để làm theo. Anh kể lại những sự chất vấn, những sự khó chịu, những bận tâm và thậm chí những sự kháng cự mà anh gặp phải, cả với các khách hàng và với các nhân viên của công ty anh. Nhưng kết quả của sự vâng lời kiên định về những gì Chúa phán với anh đã chứng tỏ là đáng giá hàng tỉ đô-la. Tôi bị mê hoặc bởi những câu chuyện phép lạ anh đã chia sẻ.

MÔN ĐỒ CÁC NƯỚC

Nếu chúng ta có thể thay đổi lối tư duy văn hóa về ân tứ trong hội thánh ngày nay thì kết quả sẽ là gì? Nếu chúng ta giảng dạy hiệu quả cho mọi người lắng nghe sứ điệp của chúng ta rằng mỗi tín hữu đều được kêu gọi, đều được ban ơn và đều có giá trị trong việc xây dựng Nước Chúa, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Dễ thôi; mọi người sẽ làm việc với mục đích và lòng nhiệt huyết như Billy Graham, Oral Roberts, Mẹ Teresa và sứ đồ Phao-lô. Tôi đã chứng kiến mục đích và lòng nhiệt huyết này nơi người tỷ phú trong cuộc gặp của chúng tôi. Anh ta biết sứ mạng của mình và tầm quan trọng của các ơn Chúa ban để hoàn tất.

Đây là khuôn mẫu mà chúng ta phải nắm bắt để các nước được môn đồ hóa. Nhưng chúng ta hãy đào sâu hơn điểm này. Chúa Giê-su không nói, “Môn đồ hóa những người đi nhóm hội thánh.” Ngài truyền lệnh chúng ta phải, “Môn đồ hóa các nước” (xem Ma-thi-ơ 28:19). Từ Hy Lạp nói về “các nước” là ethnos, được định nghĩa là “một nhóm những người được kết hiệp bởi quan hệ họ hàng, văn hóa và truyền thống chung.” Chắc chắn điều này bao gồm các nước, chi phái, lãnh thổ và các nhóm sắc dân. Tuy nhiên, nó cũng bao gồm những người có một sự tương đồng, chẳng hạn như các vận động viên xe đạp, các diễn viên, các bác sĩ, các chủ doanh nghiệp, các phi công, các luật sư, các bà nội trợ, các nhân viên công quyền, các vận động viên và nhiều nữa – danh sách này còn dài lắm. Chúng ta phải môn đồ hóa những người nam và người nữ ở trong tất cả những thành phần khác nhau.

Nhưng chúng ta hãy xem xét một bước này nữa. Chúa Giê-su không nói, “Môn đồ hóa dân chúng trong các nước.” Ngài nói, “Môn đồ hóa các nước.” Điều quan trọng cần hiểu rõ sự khác biệt này; chúng ta phải thay đổi cách thức hoạt động trong các giới khác nhau qua Lời Chúa. Tất nhiên, trước hết việc này xảy ra bằng cách hướng tới những con người thuộc các giới khác nhau. Nhưng việc này còn nhiều điều hơn thế. Chúng ta phải làm báp-tem (nhận chìm) không chỉ con người mà cả các phương thức hoạt động của họ – theo đường lối của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Ví dụ nêu trên sẽ giúp làm biến đổi lối tư duy của những tín hữu làm ăn ở thương trường, như ví dụ về người tỷ phú mà tôi gặp. Đây chỉ là bề mặt của tảng băng chìm.

Hãy xem Xa-chê. Ông ta là quan thâu thuế trưởng; rõ ràng là một trong những người giỏi nhất trong khu vực. Về bản chất, ông là lãnh đạo băng đảng trong khu vực. Chắc chắn ông bị dân chúng ghét vì ông đã làm những gì mà phần lớn các tên thu thuế làm – dùng địa vị để kiếm tư lợi. Chắc chắn ông đã từng ăn trộm, gian lận, lừa đảo, đe dọa và bắt nạt dân chúng. Ông là một nhân vật có tiếng xấu nhưng lại có ảnh hưởng, vì thế gương của ông chắc chắn đã ảnh hưởng đến những người cấp dưới.

Tôi chứng kiến điều này trong một số ít quốc gia mà tôi đã thăm viếng. Lãnh đạo của các nước đó tham nhũng và ông ta yêu cầu các nhân viên đút lót cho ông ta. Hành vi này đã ảnh hưởng đến các cấp dưới.

Trở lại với Xa-chê. Chúa Giê-su đã gọi tên ông, điều lý thú là Ngài chỉ nói những lời này với ông: “Hỡi Xa-chê! Hãy mau đi xuống, hôm nay Ta sẽ làm khách trong nhà ngươi.”

Xa-chê đứng trước mặt Chủ và đáp, “Lạy Chúa, đây này, con xin phân phát một nửa tài sản của con cho người nghèo khổ, và nếu con có bóc lột ai bất cứ điều gì, con xin bồi thường gấp tư!” (Lu-ca 19:5-8).

Chuyện gì đã xảy ra trong khu vực đó liên quan tới việc thu thuế? Phương thức hoạt động của người làm gương đã thay đổi từ các mánh khóe đen tối theo kiểu thế gian sang nếp sống tin kính. Bây giờ lĩnh vực kinh doanh/điều hành này sẽ được thực hiện trên đất này gần giống với cách mà thiên đàng hoạt động. Một sự thay đổi trong xã hội đã diễn ra. Sự thay đổi này đã không diễn ra trong một buổi nhóm nhà thờ, hoặc giả Chúa Giê-su đã không giảng sứ điệp này tại một hội đồng bồi linh, thuyết phục Xa-chê trở thành môn đồ Chúa. Chuyện này xảy ra tại trung tâm thành phố. Xa-chê đã gặp gỡ Chúa Giê-su và các phương pháp hoạt động của ông đột ngột thay đổi. Điều này nên xảy ra mỗi lần người ta gặp chúng ta tại các quốc gia mà chúng ta đến (tức trong những phạm vi ảnh hưởng mà chúng ta được kêu gọi), vì cùng một Chúa Giê-su hiện sống trong chúng ta.

Hiện tôi đang huấn luyện một cựu cầu thủ bóng bầu dục Mỹ, anh ta có lượng khán giả khổng lồ trên phương tiện truyền thông xã hội là những người cùng tập thể hình. Anh ta hướng dẫn các vận động viên thể hình này theo một cách mà văn hóa Nước Chúa lan tỏa đến quốc gia nhỏ bé này, dù những người theo dõi anh ta chưa có tin Chúa thật sự. Anh ta nói chuyện với những người theo anh về cách để bày tỏ đường lối và phương pháp của Nước Chúa.

Các ân tứ của chúng ta không chỉ dành cho việc nhóm lại các thánh đồ ở nhà thờ, dù việc này là đúng đắn và quan trọng –chắc chắn là tôi không muốn giảm thiểu tầm quan trọng của sự nhóm lại. Ý tôi ở đây là mở rộng tầm nhìn của chúng ta về sự vận hành của các ân tứ của Chúa. Nếu chúng ta được kêu gọi bên ngoài hội thánh, phần lớn chúng ta là như thế, chúng ta được kêu gọi để hoạt động cách siêu nhiên qua các ân tứ trong tầm ảnh hưởng của chúng ta – trong một nhóm thiểu số nào đó của chúng ta.

Nếu bạn đã tách việc thế tục với việc thiêng liêng thì suy nghĩ đó cần thay đổi. Khi bạn đi vào một căn phòng, dù ở đâu đi nữa – dù đó phòng bệnh viện vì công việc của bạn là bác sĩ phẫu thuật hay là một y tá; hay vào phòng học vì công việc của bạn là một giáo viên trường công lập; vào nhà máy vì bạn là thợ máy và vân vân – bạn đã được ban ơn để đem điều thánh thiện vào bầu không khí đó và để bạn môn đồ hóa những người không tin trong Danh của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Nói cách khác, bạn có sự hậu thuẫn và thẩm quyền của Ba Ngôi để đem thiên đàng đến trên đất, không khác biệt gì với việc Chúa Giê-su đã làm với Xa-chê và những người khác. Bạn được kêu gọi để nhân cấp phương thức hoạt động của Vương quốc trong toàn bộ lĩnh vực mà bạn có ảnh hưởng.

Há không phải khiến cho việc đến văn phòng làm việc hay đến trường học lại càng trở nên một cuộc phiêu lưu đức tin sao?