4 - Những Quản Gia

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 5 tháng trước

.

4

Những Quản Gia

Chúng ta đã trình bày rõ ràng những từ ngữ ân sủng và ân tứ; bây giờ chúng ta sẽ chuyển trọng tâm của chúng ta sang việc quản lý. Sau khi chúng ta hiểu được từ ngữ này, rồi chúng ta có thể kết hợp tất cả những từ ngữ này trong Kinh Thánh lại với nhau để khám phá mạng lệnh rõ ràng cho cuộc đời chúng ta.

Merriam-Webster định nghĩa sự quản gia là “sự quản lý cẩn thận và có trách nhiệm về điều được giao cho ai đó chăm sóc.” Thật khôn ngoan khi tra xem các định nghĩa trong tiếng Hy Lạp về các từ khóa, vì thường các từ được chuyển ngữ không mang ý nghĩa chính xác. Tuy nhiên, từ quản gia thì không rơi vào trong trường hợp này; ý nghĩa trong tiếng Hy Lạp và tiếng Anh rất tương đồng. Từ Hy Lạp nói về quản gia trong câu ở trên là oikonomos. Nó được định nghĩa là “người có thẩm quyền và trách nhiệm với điều gì đó – người đảm nhiệm, người có trách nhiệm, người quản trị, quản lý.”

Có ba khía cạnh rõ ràng của việc quản gia được rút ra từ cả hai định nghĩa trên:

● Giám hộ điều thuộc về người khác.

● Thực thi thẩm quyền để quản lý điều đã được tín thác.

● Chịu trách nhiệm: người đó sẽ giải trình với chủ.

Đức Chúa Trời tạo dựng và sở hữu mọi thứ! Thi Thiên 24:1 tuyên bố, “Quả đất và mọi vật trên đất, thế giới và những người sống trên nó, đều thuộc về CHÚA.” Việc này khiến chúng ta là những quản gia đối với mọi thứ trên quả đất này – trong đó có tất cả đất đai, nước, không khí, tài nguyên, thú vật, chim trời và cá biển. Chúng ta có trách nhiệm chăm lo cho lợi ích của con người về thuộc linh, cảm xúc, trí tuệ và thể chất. Điều này bao gồm mọi tri thức, khôn ngoan và hiểu biết tin kính và hữu ích. Thực ra tôi có thể nói thêm rằng chúng ta chịu trách nhiệm đối với mọi thứ trên quả đất, cả những vật hữu hình lẫn vô hình.

Nhưng chúng ta hãy đào sâu về cách dùng chính xác từ quản gia trong câu nói của Phao-lô. Ông viết về việc “làm người cai quản các sự huyền nhiệm của Đức Chúa Trời.” Kinh Thánh nói chúng ta “đã được giao trách nhiệm giải thích các sự huyền nhiệm của Đức Chúa Trời.” Một trong các ơn (charisma) có trên cuộc đời của Phao-lô là sự khải thị; truyền đạt những sự huyền nhiệm – các lẽ thật kín giấu mà chưa được mặc khải. Vì thế, quản gia chính xác mà ông nói đến không phải là quản lý tiền bạc, thời gian, nguồn tài nguyên (tất cả đều là chức vụ cai quản hợp lệ), mà là quản lý ơn (charisma) trên đời sống của ông. Điều này có áp dụng cho chúng ta nữa không?

Phi-e-rơ viết: “Mỗi một người nên dùng ân tứ đã nhận lãnh để phục vụ người khác, như một người quản trị giỏi, khéo quản trị ân sủng khác nhau của Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 4:10). Tất cả những từ chúng ta nhấn mạnh được tìm thấy trong một câu này (ơn: charisma; quản gia: oikonomos, và ân sủng: charis). Phi-e-rơ cho chúng ta biết, không khác với Phao-lô, về công tác quản trị ơn đã được tín thác. Có nhiều bài học được bày tỏ trong câu nói này, chúng ta cũng nên xem xét nó cách kỹ càng.

Hãy để lý Phi-e-rơ viết “mỗi người” đã nhận một ơn. Điều quan trọng là ngay từ đầu cần chỉ ra rằng ông không nói, “mỗi mục sư,” “mỗi mục vụ,” “mỗi người hướng dẫn thờ phượng,” hay bất kỳ ân tứ chức vụ giảng dạy nào, mà ông nói “mỗi người.” Nếu bạn được tái sinh, bạn có ít ra một ơn hay nhiều ơn đã được chuyển giao và tín thác cho bạn. Đây là giải đáp từ Kinh Thánh cho câu hỏi của chúng ta trong hai chương trước. Bạn có một ơn hay nhiều ơn, và để nói lại, các ơn này là những sự ban cho cụ thể của ân sủng – nó thêm sức cho bạn qua các khả năng đặc biệt.

Để cho thấy tầm quan trọng của các ơn của bạn, chúng ta hãy dùng thái độ của Phao-lô làm khuôn mẫu. Ông coi trọng chức quản gia của mình rất nghiêm túc. Không lâu sau đó, trong lá thư gửi cho người Cô-rinh-tô, ông viết:

Nếu tôi truyền giảng Phúc Âm, tôi không có gì để khoe khoang vì tôi buộc phải giảng. Nhưng khốn nạn cho tôi nếu tôi không truyền giảng Phúc Âm. Vì nếu tôi tình nguyện làm việc này, tôi sẽ được thưởng. Nếu tôi không muốn làm, trách nhiệm vẫn giao cho tôi. (1 Cô-rinh-tô 9:16-17).

Lập tức từ ngữ “khốn nạn cho tôi” thu hút sự chú ý của tôi. Đây là những lời rất mạnh mẽ mà phần lớn trong chúng ta hiểu được. Từ Hy Lạp nói về khốn nạn ouai. Nó được định nghĩa là “thảm họa, kinh khủng.” Một từ điển khác liệt kê ý nghĩa của nó thế này, “Nỗi đau buồn bộc phát hay cơn căm phẫn.” Mỗi khi từ này xuất hiện trong Tân Ước đều ngụ ý một sự phán xét rất nghiêm trọng và khủng khiếp chờ đợi những ai bị đổ tội. Khi Phao-lô nói, “khốn nạn cho tôi,” câu nói hơi giống việc tự rủa sả chính ông. Điều này nên thu hút ngay sự chú ý của chúng ta. Bỏ bê các ơn Chúa ban là một vấn đề nghiêm trọng.

Phao-lô biết rằng Chúa đã tín thác điều gì đó có giá trị to lớn cho ông. Đây là lẽ thật nghiêm túc : Nếu ông không quản trị nó cách đúng đắn, thì những người khác sẽ không kinh nghiệm lợi ích, và thậm chí đánh mất những gì mà Chúa định cho họ nhận lãnh. Phao-lô biết ân tứ được ban cho không phải là vì ông mà là vì những người khác thông qua ông. Nói cách khác, ông gánh vác những gì Chúa muốn những người khác có – vì thế, lý do cho việc nghiêm trọng đằng sau lời tuyên bố “khốn nạn” cho ông vì bỏ bê chức quản gia của mình.

Chúng ta hãy chuyển sang bạn và tôi. Có hai điểm lý thú cần nhấn mạnh. Trước tiên, ơn của Phao-lô là một ơn “dễ nhận thấy.” Hãy nhớ, Chúa đã chọn các ơn không rõ ràng để chúng được tôn trọng nhiều hơn các ơn rõ ràng. Nếu Phao-lô đối xử với ơn dễ nhận thấy này cách nghiêm túc, thì chúng ta không nên hạ thấp ơn Chúa đã đặt trên chúng ta, đặc biệt nếu ơn đó không dễ nhận thấy.

Bài học thứ hai quan trọng hơn; các ơn của Chúa trên đời sống bạn không phải vì bạn; mà nó được ban cho vì những người khác để họ được lợi ích thông qua bạn. Ơn viết lách không phải là dành cho tôi mà là dành cho bạn. Ơn giảng dạy không phải là dành cho tôi mà là dành cho những người mà tôi rao giảng. Ơn lãnh đạo không phải dành cho tôi mà cho những người tôi lãnh đạo, và vân vân.

CHÚNG TA CHỌN CÁCH DÙNG ÂN TỨ

Chúng ta có thể dùng ơn trên đời sống chúng ta cách tốt đẹp hay lạm dụng nó – sự lựa chọn là thuộc chúng ta. Ơn vẫn sẽ vận hành dù nó không được dùng theo ý định nguyên thủy của Chúa để xây dựng Vương quốc. Adolf Hitler là một lãnh đạo có ơn và đã có thể lãnh đạo đất nước của ông theo cách làm lợi cho hàng triệu người Đức, người Do Thái, người Nga, người Pháp, người Anh và vân vân. Ông có dùng ơn này vì vinh quang của Chúa hoặc là vì lợi ích cho bản thân và cho những người ông yêu quý? Hay ông dùng ơn của mình để gây ra thiệt hại? Có phải những người Do Thái và nhiều người khác có bị cưỡng đoạt, bị đánh đập, bị tra tấn và bị tử hình vì nguyên do tội lỗi không? Ông có dùng lạm dụng ơn lãnh đạo trên cuộc đời của ông không? Câu trả lời cho những câu hỏi này không cần phải bàn – nó quá rõ ràng.

Chức quản gia của Adolf Hitler là rõ ràng, nhưng để tôi nói về hai nhân vật nổi tiếng khác mà có thể không thấy rõ lắm. Trước tiên là Whitney Houston, một nghệ sĩ có chất giọng hay nhất tôi từng nghe trong cuộc đời của mình. Sự đụng chạm của Chúa là rõ ràng trên đời sống cô. Khi Whitney ca hát, tất cả những người nghe đều được cảm động cách sâu sắc. Cô rất lịch thiệp như thiên thần và có sức thuyết phục.

Ví dụ thứ hai là Freddie Mercury, ca sĩ trưởng của nhóm nhạc rock Queen. Anh ta có khả năng khuấy động toàn bộ các sân vận động bằng ơn viết nhạc và ca hát của mình. Ơn của anh ta là phi thường và một số người còn cho rằng nó siêu nhiên. Anh ta có thể khuấy động đám đông đi theo sự hướng dẫn của anh trong bất kỳ thính giả nào. Nhiều năm sau cái chết của anh, các bài hát của anh vẫn được hát cách rộng rãi.

Whitney hay Freddie có quản lý tốt ơn của mình không? Không nghi ngờ, có rất nhiều người tranh cãi rằng họ đã quản lý tốt. Nhưng chúng ta hãy xem câu hỏi này qua các lời của Chúa Giê-su:

Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng việc làm. (Ma-thi-ơ 11:19)

Nhưng sự khôn ngoan được tất cả con cái mình biện minh. (Lu-ca 7:35)

Chúng ta hãy xem xét kết quả của hai con người trong giới giải trí này – trong kết quả ngắn hạn lẫn dài hạn của sự quản trị của họ. Whitney có dùng ơn của mình để dẫn người ta vào sự hiện diện của Chúa không? Sau khi nghe cô ca hát, các khán giả có được cảm động sống tin kính không? Những bài hát của cô có củng cố giao ước hôn nhân hay là khuyến khích sự bất mãn khi nói đến những mong đợi lãng mạn phi thực tế? Freddie có dùng ơn của mình để khuấy động khán giả hướng về sự công chính không? Anh ta có hướng người ta tôn trọng Đấng Tạo Hóa của họ không? Whitney và Freddie đã lìa khỏi đời này thế nào? Di sản của họ còn mãi mãi hay chỉ thoáng chốc? Nó còn đến đời đời hay nó sẽ hư mất với thế gian này?

Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta tra xem kết quả – tôi sẽ để cho bạn quyết định xem các kết quả của việc quản gia của Whitney và Freddie. Tuy nhiên, sự xem xét cuối cùng sẽ đến trong sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa chúng ta. Mỗi người sẽ giải trình khi chịu phán xét.

Tôi nhận thấy nếu bạn là người hâm mộ của Whitney hay Freddie, có thể bạn không thoải mái với phần bàn luận này. Nhưng chúng ta hãy đặt một câu hỏi khai mở thêm cách quản trị của họ được đánh giá khi chịu phán xét. Chúng ta hãy xem các di sản của họ từ cái nhìn mười triệu năm sau. Whitney và Freddie sẽ nhìn lại cách họ quản lý ơn Chúa ban cho họ như thế nào? Việc xem xét cái nhìn đời đời có thể thay đổi cái nhìn trước đây của bạn.

Cuộc đời chủ yếu là cái nhìn. Nếu chúng ta xem nó qua lăng kính tám mươi năm, chúng ta sẽ xem các vấn đề một chiều. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem nó qua lăng kính của cái nhìn đời đời, thì mọi sự trông khác biệt.

Hãy xem cảnh này: Bạn được mời ăn tối tại một quán tự phục vụ. Bạn chỉ trả một lần và có thể ăn tất cả những món bạn muốn. Có một cái bàn lớn có toàn những món tráng miệng ngon. Nếu bạn nhìn cái bàn này với cái nhìn một ngày, bạn sẽ làm gì? Chắc chắn, bạn sẽ ăn mỗi món tráng miệng trên bàn. Nếu bạn cũng nhìn cái bàn đó với cái nhìn một năm thì sao? Chắc bạn chỉ ăn một món hay không ăn món nào cả? Tại sao? Bạn không muốn một cái bụng khó chịu vào sáng mai, nửa ký chất béo được đưa vào cơ thể của bạn tính tới tuần sau và sẽ làm hại sức khỏe về lâu dài!

Khi chúng ta xem bông trái của Whitney và Freddie từ cái nhìn đời đời, thì sự khôn ngoan của sự quản trị của họ trở nên rõ ràng hơn.

Nói về Adolf Hitler, hay thậm chí Freddie và Whitney không phải để hù dọa. Nhưng có một thực tế nghiêm trọng: Bạn và tôi cũng sẽ phải giải trình về các ơn được tín thác cho chúng ta khi chúng ta đứng trước Quan Án. Các ơn của chúng ta sẽ được nhìn qua cái nhìn đời đời, không phải tám mươi năm. Các ơn của chúng sẽ được xem xét trong ánh sáng Lời đời đời của Đức Chúa Trời truyền bảo chúng ta hãy xây dựng Nước Ngài. Di sản của chúng ta sẽ còn lại hay sẽ qua đi cùng với hệ thống của thế gian này?

NHÌN KỸ VỀ ĐỘNG CƠ

Để tôi nhắc lại điều chúng ta đã bàn ở chương đầu. Bạn có thể quản trị ơn của mình tại bất cứ thời điểm nào theo một trong ba cách:

● Bạn có thể dùng nó để xây dựng Nước Chúa.

● Bạn có thể dùng nó để làm lợi cho bản thân.

● Bạn có thể bỏ bê bằng cách không sử dụng nó.

Quan trọng là cần mở rộng ý thứ hai, nếu không sẽ dễ bị hiểu lầm. Có nhiều người nghĩ họ đang gây dựng những người khác, thậm chí vì cớ Nước Chúa, thế nhưng họ làm với động cơ tư lợi.

Tôi đã vô tình rơi vào điều này. Nhiều năm trước, trong những ngày đầu chức vụ, tôi liên tục nói những lời tử tế và hài lòng với mọi người trong đội ngũ, trong hội thánh của chúng tôi và bất cứ ai trong vòng ảnh hưởng của tôi. Tôi nói những câu vui vẻ và dễ chịu này dù nhiều khi nó không có đúng. Đáp lại người ta nói tôi thật tử tế và yêu thương. Những lời khen này khuyến khích cho hành vi của tôi.

Một ngày nọ trong sự cầu nguyện, Chúa nói với tôi, “Người ta nói con là người biết yêu thương, chăm lo và tử tế phải không?”

Tôi thường xem những lời phán của Ngài như là một sự xác chứng, nhưng cách mà Thánh Linh lần này thì có vẻ sự việc không đi theo hướng đó. Vì thế tôi cẩn thận đáp, “Vâng, họ có nói.”

Ngài lập tức trả lời, “Con có biết tại sao con chỉ nói những điều tốt đẹp với người ta không?”

Càng cẩn thận hơn, tôi đáp, “Tại sao ạ?”

Ngài nói, “Vì con sợ sự khước từ của họ, vì vậy ai là trọng tâm trong tình yêu thương của con, con hay họ?

Biết được những động cơ của tôi đã bị phơi bày hết, tôi thừa nhận Ngài nói đúng.

Sau đó Chúa nói, “Nếu con thật sự yêu thương họ, con sẽ nói cho họ lẽ thật – dù có nguy cơ là bị khước từ.”

Sự sửa trị này đã xử lý cách tôi đối xử với người khác. Nhưng liên quan tới phần bàn luận của chúng ta ở đây, tôi cần hỏi: Chúng ta có thể dùng sai ơn của Chúa trên cuộc đời chúng ta một cách tương tự không? Nói cách khác, có vẻ đối với những người khác ơn của chúng ta được dùng để xây dựng Nước Chúa, nhưng trong thực tế nó được dùng cho các động cơ tư lợi? Câu trả lời chắc chắn là có, và một lần nữa tôi sẽ dùng bản thân làm ví dụ và sau đó hỗ trợ nó bằng các ví dụ trong Kinh Thánh.

Thông thường, tôi không nhận một lời trực tiếp từ Chúa về nội dung cần giảng trong hội nghị hay buổi nhóm hội thánh, nhưng tôi luôn lắng nghe lòng mình để nhận sự dẫn dắt của Thánh Linh. Dù nói vậy, nhưng có một trường hợp tôi nhận được một lời từ Chúa trước khi tôi giảng.

Tôi có lịch giảng tại một hội nghị ở miền Trung Tây. Khi tôi thức dậy trong phòng khách sạn trong ngày lên lịch để giảng, tôi nghe Thánh Linh nói rõ ràng, “Ta muốn con chia sẻ về Mồi của Satan trong hội nghị tối nay.” (Đây là cuốn sách tôi viết năm 1994 về việc chiến thắng những vấp phạm và tha thứ rộng lượng cho những người đã làm tổn thương chúng ta.)

Cả ngày tôi đã vật lộn với những sự chỉ dẫn của Ngài. Mồi Satan đã được xuất bản vài năm rồi. Đó là một cuốn sách bán chạy, tôi đã giảng sứ điệp của sách đó khắp cả nước Mỹ trong một thời gian dài, và nhiều người đã nghe. Điều làm cho lời chỉ bảo này từ Thánh Linh càng khó khăn hơn là tôi đang soạn một bản thảo mới. Khi bạn đã viết nhiều tháng và đang trong giai đoạn viết tiếp, thì những lẽ thật đó rất được thôi thúc và mới mẻ trong lòng bạn. Nói tóm lại là tôi thật sự không muốn giảng lại sứ điệp cũ. Nhưng tôi đã nhận một lời trực tiếp từ Thánh Linh.

Khi tới khán phòng vào tối hôm đó, tôi được những người điều phối hội nghị cho biết người ta đã đi quãng đường xa để nghe tôi. Tôi rùng mình, nghĩ rằng họ sẽ nghe một sứ điệp lặp lại hay chắc chắn họ đã đọc sách Mồi Satan.

Khi đi bộ vào khán phòng, tôi nhận thấy bầu không khí thuộc linh rất mạnh mẽ. Lòng mong đợi của tín hữu thể hiện thấy rõ. Điều đó khiến cho việc làm theo những sự hướng dẫn tôi đã nhận buổi sáng hôm đó càng khó khăn hơn. Tôi cũng không muốn làm những tín hữu này thất vọng. Tôi chìu theo áp lực và quyết định giảng sứ điệp “tươi mới”, và tôi vui sướng vì mọi sự diễn ra tốt đẹp. Sự giảng dạy thật mạnh mẽ và dân sự hào hứng đáp ứng lại. Một số người còn đứng dậy, xác nhận những ý nào tôi nhấn mạnh. Có vẻ như tôi đã giảng không theo sự chỉ bảo của Chúa mà vẫn ổn. Hay có lẽ tôi nghe lộn tiếng Chúa buổi sáng hôm đó. Dù sao đi nữa thì tôi cũng vui vẻ. Sau đó, lúc ở tại căn phòng nghỉ giải lao, mọi người tìm hỏi và cảm ơn tôi vì một sứ điệp tuyệt vời.

Tôi rời thành phố với cảm giác thỏa mãn và vui mừng; như thể Chúa cười trong lòng của tôi vậy. Nhưng sáng hôm sau sự việc không như thế. Tôi thức dậy và thấy lòng rất nặng nề, thiếu đi năng lượng và tranh chiến với sự nản lòng. Lập tức tôi biết tại sao – tôi đã không vâng lời Chúa. Điều đầu tiên tôi làm buổi sáng hôm đó là quỳ gối xuống ăn năn và xin sự tha thứ. Tôi cầu xin huyết Chúa Giê-su thanh tẩy tôi.

Tuy nhiên, không thấy nhẹ nhõm gì cả. Tôi vẫn còn nặng nề và buồn rầu suốt cả ngày – suốt thời gian còn ở tại khách sạn, lúc đi chuyến tới sân bay, lúc chờ tại sân bay vì chuyến bay bị hoãn, và lúc bay về Bờ Tây. Sự buồn rầu, sự nặng nề và sự thất vọng hầu như quá sức chịu đựng. Cuối cùng, khi chúng tôi đi vòng thành phố San Diego, mọi gánh nặng đều biến mất khỏi tôi.

Tôi hỏi, “Cha ơi, con đã ăn năn và xin sự tha thứ sáng nay. Tại sao cho đến giờ Ngài không phục hồi sự vui mừng, sự bình an và sự thỏa lòng cho con?”

Tôi nghe Chúa nói, “Ta cho phép con mang sự nặng nề do không vâng lời để con có thể hiểu được sự nghiêm trọng của nó. Tối qua có một mục sư cần nghe sứ điệp Ta đã giao cho con – Mồi của satan. Đó là thời điểm quan trọng trong cuộc đời và chức vụ của ông. Con đã không vâng lời Ta và phải gánh những hậu quả. Lòng nặng nề con cảm nhận sáng nay là lời cảnh báo để chuyện này không xảy ra nữa. Đây là một thành phố mới, bây giờ hãy vâng lời Ta.”

Khi ngẫm nghĩ về buổi tối hôm trước, tôi thấy tất cả những người tham dự, nhóm phục vụ hội nghị và người lãnh đạo hội nghị đều vui vẻ. Tôi được mời lại và sau đó còn được nghe các lời chứng về kết quả của buổi nhóm đó. Rõ ràng là ơn của Chúa đã làm việc qua tôi tối hôm đó, dù nó không được dùng theo ý định của Chúa.

Bạn có được thuyết phục rằng điều này thật sự có thể xảy ra không? Chúng ta hãy chuyển sang những trường hợp trong Kinh Thánh để minh họa việc sử dụng sai ơn của Chúa. Hãy xem Môi-se. Ông được kêu gọi dẫn Y-sơ-ra-ên vào Xứ Hứa và được ơn để làm các phép lạ phi thường để hoàn tất sứ mạng của ông.

Trong một trường hợp, Chúa bảo Môi-se hãy nói với hòn đá và nước sẽ chảy ra để cho dân sự uống. Nhưng Môi-se lại đập vào hòn đá do tức giận, trực tiếp không làm theo những chỉ dẫn của Chúa.

Tuy nhiên, nước vẫn chảy ra dư dật, đủ cho hàng triệu người uống giữa sa mạc. Thêm một phép lạ phi thường nữa cho lý lịch của Môi-se! Một lần nữa, dân chúng kinh ngạc về ơn của người lãnh đạo. Tuy nhiên, sau đó, khi “hội nghị” kết thúc, Môi-se được gọi đến giải trình vì đã không sử dụng ơn theo sự chỉ dẫn của Chúa. Ông bị từ chối cho vào Xứ Hứa vì dùng sai ơn. Khi bạn suy nghĩ điều này thì bạn sẽ thấy nó thật nghiêm trọng.

Ba-la-am là một ví dụ khác. Ông đã nói tiên tri cho dân Y-sơ-ra-ên, những lời của ông vẫn được ghi lại trong Kinh Thánh cho đến ngày nay. Ồi, một lời chứng thật là tuyệt vời khi những lời tiên tri này được ghi lại trong Lời đời đời của Đức Chúa Trời! Nhưng câu chuyện còn nhiều hơn thế; Chúa đã bảo rõ ràng là ông đừng đi – không làm những gì người khác muốn. Thế nhưng, ơn Chúa giao cho Ba-la-am cũng đã hoạt động ngay cả khi Chúa trực tiếp truyền bảo ông, “Không được đi với chúng.” (Dân Số 22:12). Một lần nữa, ơn đã hoạt động bên ngoài ý định nguyên thủy của Chúa.

Đây là kết luận của vấn đề. Đức Chúa Trời không phải là Đấng quản lý các ơn Ngài giao cho chúng ta. Nếu Ngài giám sát chúng ta theo cách này, chúng ta sẽ không được gọi là các quản gia. Vì một người quản gia được ban cho thẩm quyền để quản lý điều được tín thác cho người đó mà không có sự giám sát trực tiếp. Dụ ngôn của Chúa Giê-su về người quản gia bất chính là một ví dụ của Kinh Thánh:

“Một người giàu kia có anh quản gia bị tố cáo đã phung phí tài sản của chủ. Chủ gọi anh đến bảo: ‘Anh làm gì mà ta nghe báo cáo về anh như thế? Hãy khai trình sổ sách quản lý của anh, vì anh không còn được làm quản gia nữa!’ (Lu-ca 16:1-2).»

Vì chức quản gia rất phổ biến vào thời của Kinh Thánh hơn là ngày nay cho nên rất dễ bỏ qua điểm quan trọng ở đây. Hãy để ý là có một thời kỳ người giàu không biết về chuyện gì xảy ra cho tài sản của họ. Người chủ không theo dõi mỗi ngày các hành động của quản gia. Phải nhờ đến báo cáo từ một người khác để ông chủ chú ý tới việc quản lý sai đã diễn ra trong một thời gian dài.

Điều này lại được nhìn thấy nơi Giô-sép trong sách Sáng Thế. Tại Ai Cập ông bắt đầu như là một tên nô lệ ở nhà Phô-ti-pha, nhưng cuối cùng ông được cất nhắc và trở thành quản gia của cả nhà ông chủ. Chúng ta đọc, “Chủ giao thác cho Giô-sép coi tất cả gia sản mình, không cần gì lo đến, chỉ lưu ý đến thực phẩm mình ăn.” (Sáng Thế 39:6). Phô-ti-pha không quản lý tiểu tiết hay giám sát công việc của Giô-sép. Ông giao chức quản gia cho Giô-sép.

Điều này tương tự với các ơn Chúa đặt trong bạn và tôi. Sứ đồ Phi-e-rơ truyền bảo chúng ta phải trở thành những quản gia giỏi quản lý ân sủng muôn mặt của Chúa trong cuộc đời chúng ta – tức là ơn charisma.

CÁC ƠN ĐỜI ĐỜI ÍT THẤY RÕ

Chúng ta hãy đào sâu hơn. Trước tiên, chúng ta hãy ôn lại những lời của Phi-e-rơ: “Mỗi người hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín.” Là những người quản gia, chúng ta được bảo phải phục vụ hay phải dùng các ân tứ. Xin nói lại các ơn này không ban vì chúng ta mà vì những người khác. Chữ phục vụ diakoneo và được định nghĩa là “phục vụ, hầu hạ, với sự nhấn mạnh vào công việc được thực hiện.” Chúng ta phải duy trì thái độ phục vụ với các ơn của chúng ta. Các ơn này được ban cho miễn phí và chúng ta phải dùng các ơn này cách sẵn lòng nhằm mục đích gây dựng đời sống của người khác.

Chúng ta phải “dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín khéo sử dụng ân sủng của Đức Chúa Trời nhiều cách khác nhau.” Mất rất nhiều trang để liệt kê các ơn khác nhau mà Chúa ban cho dân sự Ngài. Đúng vậy, nên không thể nói ra hết một danh sách dài như thế. Một số ơn thì thấy rõ khi liên hệ đến việc xây dựng Nước Chúa. Tuy nhiên, còn nhiều ơn khác nữa rất khó nhận dạng. Đây là một ví dụ.

Gần đây tôi đã nghe một mục sư nổi tiếng nói về một cuộc trao đổi thú vị đã được ghi nhận ngay trước hội nghị hàng năm của ông. Sự kiện thường niên này rất nổi tiếng và rất nhiều người tham dự. Khi đội hình dựng khán đài, vị mục sư nhìn thấy một bác sĩ, là tín đồ của hội thánh ông, đặt các tờ rơi lên các ghế ngồi cho các đại biểu dự hội nghị.

Vị mục sư đi tới gặp bác sĩ và xin lỗi, “Bác sĩ ơi, anh không nên làm chuyện này. Chúng ta có những thực tập sinh và những tình nguyện viên có thể lo việc này.”

Vị mục sư kể rằng người bác sĩ nghiêm nghị sửa vị mục sư một cách lịch sự, “Tôi bớt thời gian hành nghề y mỗi năm vì hội nghị này. Đó là tuần lễ quý giá nhất của tôi trong năm vì tôi làm việc này để xây dựng Nước Chúa.”

Khi nghe người bạn mục sư kể câu chuyện này, tôi buồn cho người bác sĩ này. Tôi nhận ra anh đã không nối kết các chấm nét của ân tứ của anh ta trong việc xây dựng Nước Chúa. Một số ơn thì kết nối trực tiếp trong khi đó phần lớn ơn thì kết nối gián tiếp, nhưng không phải là kém quan trọng.

Vị bác sĩ này không khác gì anh bạn Stan ở chương đầu. Nếu không có các bác sĩ thì sao? Điều gì xảy ra khi những người được kêu gọi ở các lĩnh vực khác để xây dựng Nước Chúa bị ốm đau bệnh tật? Nhiều người sẽ qua đời sớm nếu không có trợ giúp y tế.

Chúng ta hãy thực hiện một cảnh phát họa để minh họa cho sự kết nối này. Một bác sĩ dùng ơn của anh ta bằng cách trợ giúp để phục hồi sức khỏe của một bà mẹ nội trợ. Kết quả là vì người phụ nữ này không bệnh nằm liệt giường và chờ chết, nên bà có thể phát triển ơn nuôi dạy con cái của mình một cách tin kính. Một đứa con được ơn trong lĩnh vực sáng tạo và mẹ của cô ta khích lệ điều đó. Sau khi con gái của bà tốt nghiệp với tấm bằng phần mềm máy tính, cô đảm nhận một vị trí làm việc cho một công ty phát triển phần mềm.

Người con gái này lớn lên, bây giờ hoạt động hết công suất trong ơn của mình, cô thiết kế phương cách truyền thông hiệu quả hơn bất cứ phương tiện nào trên thị trường. Tuy nhiên, sự đổi mới của cô sẽ không đi xa nếu không có đồng nghiệp của cô làm việc trong phòng ban quảng cáo. Anh ta dùng ơn của mình để giúp các nhà bán lẻ và khách hàng tiêu dùng biết về tiềm năng của gói phần mềm mới này.

Một trong các nhà bán lẻ, một công ty do một nữ doanh nhân được ơn kia sở hữu, đã chọn sản phẩm. Cửa hàng bán lẻ này có một đội bán hàng và một người dùng ơn của mình để bán gói phần mềm cho một chức vụ được kêu gọi để môn đồ hóa các nước trên thế giới.

Chức vụ này có một nhân viên công nghệ thông tin rất được ơn, là người đã nhận ra tiềm năng của phần mềm này và khuyên chúng tôi nên mua nó. Anh ta tích hợp phần mềm này vào hệ thống đã có sẵn.

Kết quả là chức vụ này có khả năng để ảnh hưởng đến các mục sư và các lãnh đạo trên toàn cầu một cách hiệu quả hơn. Những kết quả: Có rất nhiều những người nam, người nữ hơn tin Chúa và được môn đồ hóa qua gói phần mềm truyền thông này.

Tại ngai phán xét, Chúa Giê-su sẽ chỉ cho vị bác sĩ, là người lúc đầu đã điều trị cho bà mẹ nội trợ, thấy rằng có vô số người mà anh ta đã hướng đến ở nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra. Vị bác sĩ sẽ hỏi, “Không, không thể là tôi được. Tôi chưa bao giờ đi tới các nước này.”

Lúc đó, Chúa Giê-su sẽ cho anh ta thấy rằng, vì anh trung tín với ơn trên đời sống của mình, nên kết quả là phản ứng dây chuyền và cuối cùng dẫn đến nhiều người được cứu và nhiều tín hữu được khích lệ trên khắp toàn cầu. Chắc chắn Chúa Giê-su sẽ nói với vị bác sĩ này, “Con đã sẵn lòng làm nghề y như thể con đang làm việc cho Chúa chứ không phải cho con người, và bông trái của con là rõ ràng. Nhiều người được ảnh hưởng nhờ sự vâng lời của con. Được lắm, hỡi người đầy tớ tốt lành và trung tín!”

Có thể bạn thắc mắc, Ý tưởng này có thật sự được Kinh Thánh hỗ trợ không? Hãy đọc điều này:

Bất luận làm gì, hãy tận tâm mà làm, như làm cho Chúa, không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh chị em sẽ nhận lãnh từ nơi Chúa cơ nghiệp làm phần thưởng; vì Chúa Cứu Thế chính là Đấng anh chị em phục vụ. (Cô-lô-se 3:23-24).

Đây chỉ là một trường hợp. Có vô số những khả năng về kiểu kết nối hay kiểu phản ứng dây chuyền như thế này.

Chúng ta hãy trở lại câu chuyện có thật của người bạn mục sư của tôi. Chuyện gì xảy ra nếu vị bác sĩ chán ngấy việc chỉ được phục vụ một tuần trong năm thì sao? (Tất nhiên, việc thiếu sự thỏa lòng là do sự thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của ơn tứ của anh ta.) Rất có khả năng là rốt cuộc anh ta sẽ bỏ lĩnh vực y tế, tìm cách để thỏa mãn trong năm mươi tuần còn lại của năm. Chúng ta giả sử anh ta nhận một vị trí trong hội thánh, dạy dỗ và phát triển giáo án cho các lớp môn đồ hóa. Điều gì sẽ xảy ra tại ngai phán xét? Anh ta có nhận phần thưởng lớn vì anh ta đã bỏ ơn được giao cho mình?

Buồn thay, tôi thường chứng kiến những người nam, người nữ tranh chiến trong các vị trí thuộc về chức vụ trọn thời gian vì không nhận biết rằng các ơn của họ sẽ phát triển ở các lĩnh vực bên ngoài môi trường hội thánh.

Cần có tri thức, sự nhạy bén thuộc linh và sự trưởng thành để nhìn thấy các vị trí ít thấy rõ trong công tác phục vụ Nước Chúa.

Đây là lẽ thật xác thực: Ơn của bạn, dù nó hoạt động tốt nhất ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực giáo dục, công quyền, thể thao, thương trường, nghệ thuật, truyền thông hay tại gia đình hay ở bất cứ đâu, đều có một sự kết nối với việc xây dựng Vương quốc. Đấng Lập Kế Hoạch Hàng Đầu đã thiết kế như vậy.

Rất có thể chúng ta không nhận ra những sự kết nối giữa sự vâng lời và sự thành công của chúng ta cho tới khi chúng ta thật sự đứng trước mặt Chúa Giê-su tại ngai phán xét. Như Phao-lô viết, “Việc lành cũng vậy, có việc được biết ngay, có việc người ta chưa biết, nhưng không thể giữ kín mãi được.” (1 Ti-mô-thê 5:25).

Vì thế, dù ơn của bạn có rõ ràng hay không, nhiệm vụ của bạn là, “Mỗi người nên sống theo sự phân định của Chúa; và nên sống theo ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời. Đây là nguyên tắc tôi giảng dạy trong tất cả các hội thánh.” (1 Cô-rinh-tô 7:17).

ĐỘNG CƠ LÀ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG

Chúng ta hãy trở lại những lời của Phao-lô mà chúng dùng làm nền tảng cho chức quản gia của chúng ta:

Nếu tôi truyền giảng Phúc Âm, tôi không có gì để khoe khoang vì tôi buộc phải giảng. Nhưng khốn nạn cho tôi nếu tôi không truyền giảng Phúc Âm. Vì nếu tôi tình nguyện làm việc này, tôi sẽ được thưởng. Nếu tôi không muốn làm, trách nhiệm vẫn giao cho tôi. (1 Cô-rinh-tô 9:16-17).

Lẽ thật tiếp theo cần nhấn mạnh là “phần thưởng” của chúng ta liên kết trực tiếp với “sự sẵn lòng” của chúng ta, hay theo nghĩa rộng hơn, chính là “thái độ” của chúng ta. Nói đơn giản, nếu thái độ của chúng ta không ích kỷ, chúng ta sẽ nhận phần thưởng; nếu thái độ của chúng ta là ích kỷ, chúng ta sẽ không nhận được phần thưởng.

Cảnh tượng khác nhau về động cơ không ích kỷ và ích kỷ thật rất khác xa, không thể kể hết ra đây. Chúng ta chỉ nhấn mạnh một vài sự so sánh. Ví dụ về thái độ không ích kỷ: Phục vụ người khác với các khả năng được tín thác cho mình thật là

một đặc ân to lớn. Động cơ ích kỷ thì như thế này: Tôi có thể được gì từ khả năng của mình? Nói trực diện hơn là thế này, thái độ đầu tiên là, Tôi có thể làm gì cho bạn? Thái độ thứ hai là, Có cái gì cho tôi trong cuộc việc đó không?

Thêm ví dụ về thái độ không ích kỷ, Tôi sẽ làm hết sức mình, bất kể tôi nhận lại điều gì hay không, trong khi đó động cơ ích kỷ thì, Tại sao tôi phải làm chu đáo một công việc trong khi đó tôi không được nhiều?

Vẫn còn động cơ không ích kỷ: Tôi cứ phải tấn tới; có rất nhiều người để ảnh hưởng. Trong khi thái độ ích kỷ là, Mình thành công rồi, giờ thì có thể thảnh thơi rồi.

Phao-lô viết về tầm quan trọng của thái độ và động cợ: “Hãy để người ta xem xét chúng tôi với tư cách đầy tớ của Đấng Christ và là người quản gia” và theo sau ngay những lời này là:

Đối với tôi, dù bị anh chị em đoán xét hay bị tòa án loài người đoán xét cũng không quan hệ gì. Tôi cũng không đoán xét chính tôi. Vì tôi thấy mình không có gì trái, nhưng không phải vì thế mà tôi được tuyên xưng là công chính. Người đoán xét tôi chính là Chúa. Thế thì, đừng đoán xét ai trước kỳ Chúa đến. Ngài sẽ làm sáng tỏ những bí mật đen tối và phô bày những mưu mô trong lòng người. Lúc ấy, chính Đức Chúa Trời là Đấng sẽ khen thưởng mỗi người tùy công việc mình. (1Cô-rinh-tô 4:3-5).

Phao-lô không bận tâm về sự đánh giá của bạn bè, về sự chỉ trích hay về bất cứ lãnh đạo nào tự lập lên – thậm chí cả đến quan điểm của ông. Những đánh giá này là vô nghĩa khi so sánh với những gì mà tất cả chúng ta cuối cùng sẽ đối diện – sự tra xét của Chúa. Điều quan trọng là cách Chúa Giê-su đánh giá chức quản gia.

Chắc chắn là những hành động vâng lời hay việc làm của chúng ta sẽ quan trọng lúc phán xét. Chúa Giê-su nói rõ, “Này, Ta sắp đến, đem giải thưởng theo với Ta để báo trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” (Khải Huyền 22:12). Đó không phải là kịch bản giả thử “hoặc cái này hoặc cái kia” mà là kịch bản “cả hai/và” – cả động cơ lẫn việc làm đều sẽ được xem xét khi phán xét.

Một số người có thể nghĩ Phao-lô đang nói đến sự phán xét người không tin – Ngai phán xét trắng và lớn – nơi người không tin sẽ giải trình các tội lỗi của họ vì đã không nhận ân sủng cứu chuộc của Chúa Giê-su Christ. Nhưng đây hoàn toàn không phải như vậy, vì tại Ngai phán xét trắng và lớn sẽ không có ai nhận “lời khen” từ Đức Chúa Trời, theo như Phao-lô nói.

Nên điều quan trọng là hãy bám theo mạch văn về chủ đề chính của ông; Phao-lô đang bàn về chức quản gia. Chúng ta không nghi ngờ điều ông nói đến. “Những bí mật thầm kín nhất” và “những động cơ cá nhân” của chúng ta khi dùng các ơn tứ sẽ được tiết lộ lúc phán xét. Điều này quả đã làm cho tôi chú ý!

Hãy để tôi nói rõ ràng bằng cách dùng câu chuyện về việc không vâng lời Chúa trước đây của tôi về những gì tôi giảng. Những người tham dự buổi nhóm đó cho đến hôm nay chắc chắn tin rằng tôi vâng lời Chúa trong việc giảng sứ điệp “tươi mới” đó. Nhưng thực tế là tôi đã không vâng lời. Rất có thể lúc phán xét, họ sẽ biết về sự không vâng lời của tôi, vì Chúa Giê-su nói:

Không điều gì che đậy mà sẽ khỏi bị tỏ bày; không điều gì giấu kín mà sẽ khỏi bị phát hiện. Vì thế, những lời các con nói trong tối sẽ được nghe ngoài sáng những tiếng rỉ tai trong phòng riêng sẽ được công bố trên sân thượng. (Lu-ca 12:2-3)

Rất có thể tại ngai phán xét tôi sẽ bị gọi lên để xin lỗi mục sư và những người đã không nhận sứ điệp Mồi satan tối hôm đó.

ĐIỀU GÌ NÊN MONG ĐỢI?

Chúng ta đã khẳng định chắc chắn về tầm quan trọng của việc hiểu biết chức quản gia. Câu hỏi quan trọng nhất bây giờ là: Điều gì được mong đợi nơi chúng ta? Nói cách khác, Chúa Giê-su tìm kiếm những kết quả nào lúc phán xét khi Ngài xem xét cách chúng ta dùng các ơn Ngài đã giao cho chúng ta? Chúng ta có thể biết được không? Chắc chắn là có, vì Chúa Giê-su tuyên bố chúng ta, “Ai khước từ Ta và không tiếp nhận lời Ta thì đã có biện pháp xét xử rồi; chính lời Ta phán dạy sẽ kết án họ trong ngày sau cùng.” (Giăng 12:48).

Chúng ta sẽ bắt đầu phần thảo luận được soi sáng và đầy khích lệ ở chương sau. Đó là trọng tâm của sách này.