Chương 9: BẮT ĐẦU THẾ NÀO VÀ BẮT ĐẦU Ở ĐÂU?

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 9: BẮT ĐẦU THẾ NÀO VÀ BẮT ĐẦU Ở ĐÂU?

Nếu các con không đổi mới, thành như em bé,

các con sẽ chẳng được vào Nước Trời.

Mat Mt 18:3

ĐẾN đây chúng ta nhận thấy rằng có một nguyên tắc thiên nhiên kéo mình xuống bình diện thú vật, làm cho lý trí mờ mịt, lương tâm chai lì và ý chí tê liệt. Chính những hành động của chúng ta kết tội chúng ta.

Thượng Đế là Đấng Chí Thánh và Công Nghĩa, Ngài không thể dung thứ tội lỗi. Tội lỗi chia cách con người với Thượng Đế, đem sự thạnh nộ của Thượng Đế giáng trên linh hồn con người. Vì mất Thượng Đế con người mất ý thức về Ngài trên phương diện đạo đức, trí tuệ và tâm linh. Con người không gặp được Thượng Đế cho đến khi tìm ra con đường về với Ngài.

Con đường quay về với Thượng Đế không phải là con đường trí tuệ, cũng không phải là con đường đạo đức. Bạn không thể nhờ tư tưởng tìm được Thượng Đế, vì đời sống tư tưởng và tâm trí xác thịt bạn vẫn chống nghịch Ngài. Bạn không thể biến con đường trở về với Thượng Đế thành sự thờ phượng, vì con người là kẻ bội nghịch trước mặt Thượng Đế. Bạn không thể đạo đức hóa con đường trở về với Thượng Đế, vì bản tính con người bị tội lỗi làm hư hoại.

Con đường quay về với Thượng Đế.

Câu hỏi tự nhiên đến với bạn sẽ là – Tôi phải làm gì? Tôi phải bắt đầu từ đâu? Tôi khởi sự chỗ nào? Đâu là con đường dẫn tôi trở về với Thượng Đế? Chỉ có ‘một con đường’ trở về với Ngài. Chúa Giê-xu phán: “Nếu các con không đổi mới, thành như em bé, các con sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mat Mt 18:3). Điều có nghĩa Chúa Giê-xu không bảo trẻ con hãy trở thành môn đệ Ngài, mà dạy rằng các môn đệ Ngài hãy trở nên như trẻ con. Bằng đức tin như trẻ con, mọi người đều có hy vọng, đi từ tâm hồn ngây thơ đến thông tuệ trí thức. Như vậy, Chúa Giê-xu đòi hỏi sự biến cải. Đó là cách phải bắt đầu! Đó là khởi điểm! Bạn phải biến cải.

Có nhiều người lầm lẫn sự biến cải với sự tuân hành luật pháp. Kinh Thánh dùng những danh từ đặc biệt để nêu rõ luật pháp của Mai-sen, và mục đích của luật pháp đã được minh thị. Luật pháp không bao giờ được xem như là một phương thuốc trị bá chứng đối với những ác tật của thế gian. Trái lại, luật pháp được xem là phương pháp chẩn đoán ác tật của thế gian, trình bày nguyên nhân của các vấn đề. Luật pháp không phải là phương cứu chữa. Kinh Thánh chép: “Chúng ta biết mọi điều luật pháp đòi hỏi đều áp dụng cho những người sống dưới luật pháp, nên chẳng ai có thể chạy tội, và cả nhân loại sẽ bị Thượng Đế xét xử “ (RoRm 3:19). Luật pháp bày tỏ con người là bất nghĩa, và Kinh Thánh chép: “Chiếu theo luật pháp, chẳng ai được kể là công chính, vô tội trước mặt Thượng Đế” (3:20). Không thể nào được biến cải nhờ tuân giữ luật pháp. Kinh Thánh chép: “Vì luật pháp chỉ giúp con người biết mình có tội”. Luật pháp là tấm gương đạo đức, chỉ kết tội mà không biến cải, chỉ thách thức mà không thay đổi, chỉ lên án mà không thương xót. Không có sự sống trong luật pháp. Chỉ có sự chết, vì luật pháp tuyên án: “Ngươi sẽ chết”. Đây là “thước đo sự ngay thẳng” mà khi đặt bên cạnh nó sự bất chính của bản tánh con người sẽ nổi bật hẳn lên hết sức rõ ràng.

Nhiều người nói rằng tôn giáo của họ là Bài Giảng Trên Núi, nhưng chưa hề có một người nào trên thế gian này sống được một đời sống xứng đáng với Bài Giảng Trên Núi. Kinh Thánh chép: “Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế”.

Hãy xem xét lại những động cơ thúc đẩy chính bạn trước khi bạn quả quyết và tiếp tục sống một cuộc đời không cần biến cải. Hãy can đảm và thành thật nhìn vào chính lòng mình trước khi nói rằng việc biến cải là cần thiết đối với một số người, còn với bạn thì chắc chắn không được ích lợi gì.

Vấn đề phổ quát.

Khi tôi giảng đạo ở Hollywood, một số người trong giới điện ảnh đã yêu cầu tôi nói cho họ nghe về những kinh nghiệm tôn giáo. Sau bài giảng của tôi là giờ thảo luận, câu hỏi đầu tiên nêu lên là: “Sự biến cải là gì?” (conversion: ăn năn quy đạo).

Cách ít lâu sau, tôi được hân hạnh giảng cho một số lãnh tụ chính trị tại Washington. Đến lúc bắt đầu thảo luận, câu hỏi đầu tiên nêu lên vẫn là: “Sự biến cải là gì?” Trong quyển ‘Làm thế nào để được tái sinh’, tôi đã mô tả tiến trình ấy như sau:

Sự tái sinh xảy ra nhiều cách. Dường như có thể xảy ra suốt một thời gian dài, hoặc chỉ trong khoảnh khắc. Nẻo đường người ta phải đi qua để đến điểm đó có thể thật suông sẻ hoặc hết sức vòng vèo. Cho dầu nẻo đường ấy có thể nào đi nữa, chúng ta luôn luôn thấy có Chúa Giê-xu ở đoạn cuối để đón chúng ta. Và cuộc gặp gỡ với Chúa Cứu Thế, sự tái sinh là khởi điểm cho cả một con đường mới sống dưới sự hướng dẫn, kiểm soát của Ngài. Nhiều cuộc đời được biến đổi quan trọng, nhiều cuộc hôn nhân được cải thiện tạo phấn khởi, nhiều xã hội chịu ảnh hưởng để tốt đẹp hơn – tất cả chỉ nhờ sự thay đổi đơn giản, đột ngột, có tính cách như vết dầu loang của những cá nhân biết rõ tái sinh là thế nào.

Trong nền kinh tế hiện nay, chúng ta được nghe nói về các loại xe “tân trang”, các “mốt mới”, loại nhựa “tái sinh”, nhưng tôi không đề cập những điều đó ở đây. Có lẽ cách đơn giản nhất để vạch rõ “được tái sinh” có nghĩa gì, là nói rằng đó là việc một người được sinh ra trong gia đình Thượng Đế.

Trong hầu hết các trường đại học mà tôi có dịp hướng dẫn thảo luận, sinh viên vẫn luôn hỏi: “Sự biến cải có nghĩa gì?”.

Có lẽ câu hỏi này có nhiều cách trả lời hơn bất cứ câu hỏi nào khác liên hệ đến tôn giáo. Biến cải là gì? Nó liên hệ đến những gì? Nó xảy ra như thế nào? Hiệu quả của sự biến cải ra sao? Tại sao bạn phải biến cải mới được vào thiên đàng?

Ý niệm về sự biến cải hoàn toàn không xa lạ gì ở xã hội chúng ta. Người có tài bán hàng phải biến cải được ý kiến kẻ khác đối với món hàng đặc biệt hoặc theo lối suy tư của mình. Phần chính yếu của việc quảng cáo là chuyển đổi ý thích khách hàng từ hãng này sang hãng khác. Chúng ta nghe nói đến những lãnh tụ chính trị chuyển đổi triết thuyết chính trị căn bản của họ để thừa nhận một triết thuyết chính trị khác. Trong thế chiến vừa qua, nhiều mặt hàng kỹ nghệ thời bình đã chuyển sản xuất, sang hàng phục vụ cho chiến tranh, và trong các gia đình hầu hết các bếp lò đun bằng dầu đã được cải tiến để nấu bằng than, rồi gần đây, lại được cải tiến lần nữa để dùng khí đốt. Chúng ta cũng đổi tiền của chúng ta ra tiền ngoại quốc.

Thật ra, từ ngữ biến cải có nghĩa là “quay lại”, “đổi ý”, “quay về” hay “trở về”. Trong phạm vi tôn giáo, từ ngữ này được giải thích nhiều cách khác nhau, là “ăn năn”, “tái sanh”, “tiếp nhận ân phúc”, “từng trải tôn giáo”, hoặc “được vững lòng”.

Tôi còn nhớ trong một buổi nhóm khai mạc chiến dịch truyền giảng, có một người nghiện rượu nặng đến nói với tôi: “Thưa ông Graham, tôi không tin chắc mọi lời ông nói có đúng sự thật hay không, nhưng tôi sẽ thử Chúa Cứu Thế của ông, nếu Ngài tác động trong tôi đôi chút đúng như ông đã nói, tôi sẽ trở lại để ký tên tin theo Ngài trọn đời!”

Nhiều tuần sau, ông ta thuật cho tôi hay rằng ông hoàn toàn không hiểu vì sao cứ mỗi lần ông bắt đầu uống rượu thì hình như có cái gì đó ngăn cản ông. Chúa Cứu Thế đã giúp ông ta thắng thói quen xấu xa. Ông trở về với gia đình. Nói cách khác, ông đã quay lại, đổi hướng, đổi lối suy tư – ông đã biến cải!

Bản tính của sự biến cải.

Sự biến cải có nhiều hình thức khác nhau. Phần lớn việc thực hiện tùy thuộc ở cá nhân: sự quân bình tình cảm, môi trường chung quanh và những điều kiện, cùng nếp sống từ trước của người đó. Sự biến cải có thể theo sau một cuộc khủng hoảng lớn lao trong đời sống một người; hoặc xảy ra khi tất cả những giá trị vốn có đã bị quét sạch, khi đã bị thất vọng sâu xa, khi không tìm thấy được năng lực tinh thần mặc dù có của cải vật chất đầy đủ, hay bị mất đi đối tượcng tình cảm. Những người chỉ chú trọng vào tài chánh, công việc làm ăn, hoặc uy tín xã hội, hoặc hết lòng yêu mến một người, ắt sẽ cảm thấy mất mát ghê gớm khi điều từng làm cho đời sống mình có ý nghĩa bị phủ nhận.

Trong những giờ phút bi thảm đó, khi bị mất hết năng lực trần thế, hoặc khi người yêu dấu đã ra đi không bao giờ trở lại, người ấy nhận thấy mình cô đơn khủng khiếp! Ngay lúc đó, Đức Thánh Linh có thể làm cho tấm khăn bịt mắt rơi xuống, và lần đầu tiên, người ấy thấy căn cơ rõ ràng. Người ấy nhận thấy chỉ có Thượng Đế là nguồn quyền năng duy nhất và là căn nguyên bền bỉ duy nhất của tình yêu thương và thân hữu.

Hoặc nữa, sự biến cải có thể xảy ra lúc bạn lên đến tuyệt đỉnh quyền thế hay thịnh vượng, khi tất cả mọi việc đẹp đẽ và mọi ơn phước tốt lành thương xót của Thượng Đế đầy dẫy trên bạn. Lòng nhân ái của Thượng Đế có thể khiến bạn nhận biết rằng nhờ Ngài mà mình có mọi sự; như vậy, chính tấm lòng từ ái của Thượng Đế dẫn dắt bạn đến sự ăn năn. “Hay anh em coi thường lòng nhân từ, khoan dung, nhẫn nại vô biên của Chúa, đến nỗi không nhận thấy Ngài nhân từ vì chờ đợi anh em hối cải?” (RoRm 2:4).

Sự biến cải trong giờ phút đó có thể bất thần và cảm động giống như sự biến cải của Phao-lô trên con đường đi Đa-mách.

Không phải tất cả những sự biến cải đều xảy đến đột ngột như một khải tượng chớp nhoáng của linh hồn, mà chúng ta gọi là sự biến cải trong cơn khủng hoảng. Có nhiều người chỉ được biến cải sau khi tranh chấp gay go, lâu dài với những động cơ nội tại của con người. Với một số người thì, sự biến cải xảy ra như cực điểm của một thời gian dài tiệm tiến trong niềm xác tín về nhu cầu của những người đó và trong sự khải thị kế hoạch cứu rỗi. Phương thức tiệm tiến này đưa đến việc tiếp nhận Chúa Cứu Thế làm Cứu Chúa một cách có ý thức và việc hiến dâng đời sống mình cho Ngài.

Trong phần tự thuật tiểu sử thuộc linh của mình, C. S. Lewis mô tả từng trải ăn năn quy đạo của ông như sau:

Bạn phải hình dung ra cảnh tôi sống cô đơn trong căn phòng tại Magdalen, đêm này sang đêm khác, cứ mỗi lần để tâm trí mình rời khỏi công việc dầu chỉ trong một giây là cảm thấy ngay Đấng mà tôi chẳng hề muốn gặp, tiến tới gần mình càng rõ ràng hơn. Điều mà tôi rất sợ, cuối cùng cũng đã đến với tôi. Trong niên khóa 1929 tại Trường cao đẳng Trinity tôi đã nhượng bộ, nhận rằng Thượng Đế là Thượng Đế và quỳ gối cầu nguyện: đêm đó, trong cả nước Anh có lẽ tôi là kẻ ăn năn quy đạo chán chường, miễn cưỡng nhất. Lúc đó tôi vẫn chưa thấy được điều bây giờ đã trở thành sáng chói, hiển nhiên nhất: thái độ khiêm hạ của một Thượng Đế khi chịu chấp nhận một kẻ ăn năn quy đạo trong những điều kiện như thế. Cuối cùng thì đứa con hoang đàng đã tự nguyện quay bước trở về nhà. Nhưng ai là người có thể tôn thờ đúng mức phần tình thương sẵn sàng mở rộng các khung cửa lớn cho một đứa con hoang đàng bị đẩy vào đó, mà còn vùng vằng, chống cự lại, lòng đầy oán hận, với đôi mắt đảo quanh đủ mọi hướng để tìm một cơ hội thoát thân như vậy? Mấy chữ “ép họ vào” đã bị những kẻ ác lạm dụng khiến chúng ta rùng mình khi nghe đến chúng; nhưng nếu được hiêểu đúng, thì chúng đã dò được chiều sâu lòng khoan dung của Thượng Đế. Sự khó chịu của Thượng Đế vốn dễ chịu hơn cái nhẹ nhàng êm dịu của loài người, và sự thúc đẩy của Ngài là sự giải phóng cho chúng ta.

Như thế, có thể nói rằng sự biến cải là một biến cố tức thì, một cơn khủng hoảng mà người biến cải nhận được sự khải thị rõ ràng về tình yêu thương của Thượng Đế; hay có thể là sự bày tỏ tiệm tiến và tiếp sau đó là giây phút đỉnh điểm, vượt lằn ranh từ tối qua sáng, từ sự chết qua sự sống vĩnh cửu.

Sự biến cải không phải lúc nào cũng xảy ra đúng theo lối đó. Vợ tôi chẳng hạn, nàng không nhớ đúng ngày giờ nào nàng đã trở thành Cơ Đốc nhân, nhưng nàng biết chắc trong đời mình đã có một giờ phút như vậy, giờ phút mà nàng thật sự vượt qua lằn mức. Nhiều người trẻ tuổi, lớn lên trong gia đình Cơ Đốc và được hưởng nền giáo dục trong đạo Chúa Cứu Thế, không ý thức được mình đã phó thác đời sống cho Ngài lúc nào. Nhiều người khác nhớ rất rõ thời gian họ công khai xưng nhận đức tin mình. Những lời tường thuật trong Tân Ước về sự biến cải cho thấy đa số trường hợp thuộc loại linh động, nhanh chóng.

Biến cải theo cách nhìn của tâm lý học.

Đã nhiều năm rồi, khoa tâm lý học không đá động tới sự biến cải và từng trải tôn giáo, nhưng trong khoảng hai mươi lăm năm gần đây, nhiều nhà tâm lý học đã nghiên cứu vấn đề biến cải. Họ trình bày rằng sự biến cải không chỉ là một từng trải của tín đồ Cơ Đốc mà cũng là điều tìm thấy ở các tôn giáo khác, và điều này không nhất thiết là một hiện tượng tôn giáo, song cũng xảy ra trong các địa hạt phi tôn giáo. Các sinh viên tâm lý học đã đồng ý rằng sự biến cải có giai đoạn: Thứ nhất, cảm thấy bối rối, khó chịu; thứ nhì, tuyệt điểm và chuyển hướng; và thứ ba, sự thanh thản yên nghỉ, vui mừng.

Trong một bài báo “Tại sao cảm thấy khó chịu lại là tốt”, tờ ‘Nữu-ước thời báo’ (29 tháng 11 năm 1983) vạch rõ: “Ý thức phạm tội, cảm giác âu lo rằng mình bị hụt hẫng, không đạt được các tiêu chuẩn chính mình đặt ra, là người bảo vệ cho sự tốt lành thánh thiện của chúng ta. Nó cần thiết cho sự phát triển lương tâm của trẻ con, và ngăn ngừa cách ăn nết ở chống lại xã hội”. Bài báo giải thích tiếp: “Trong tuổi ấu thơ, phần lớn cách ăn nết ở tốt là do các bậc làm cha mẹ cưỡng ép đưa vào bằng nỗi sợ hãi phạm tội, sợ bị trừng phạt hay vi phạm cách ăn ở cư xử. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên, phần ûn ngã lý tưởng“ – hình thức của gương mặt uy quyền người cha – được tiếp thu như một khuôn mẫu của cách ăn ở cư xử đúng đắn… và khi trưởng thành, người ta tìm cách tự trừng phạt khi phản bội lại khuôn mẫu ấy. Bác sĩ Gaylin nhận thấy rằng một trong những nguyên nhân gây nên cách xử sự thiếu suy nghĩ và đầy tội lỗi càng ngày càng tăng giữa vòng thanh thiếu niên ngày nay là việc thiếu mất khuôn mẫu hay uy quyền của người cha”. Chính ý thức phạm tội đó đã tạo ra lòng khao khát một cái gì tốt hơn – mà chúng ta chỉ tìm thấy trong mối liên hệ phải lẽ với Chúa Cứu Thế mà thôi.

Các nhà tâm lý nói rằng có hai loại biến cải. Một loại có kèm theo sự cảm biết mãnh liệt về tội lỗi, và một loại kèm theo sự cảm biết mình bất toàn, cố tranh đấu cho đời sống được khoáng đạt hơn và một lòng ước ao được khải thị về phần thuộc linh. Giá trị của những cuộc nghiên cứu biến cải về mặt tâm lý đã bị đánh giá quá thấp. Chúng ta không thể gạt bỏ qua một bên và không thèm biết đến chúng. Chúng soi sáng rất nhiều, nhưng ít có cuộc nghiên cứu nào chấp nhận sự hoán cải theo Kinh Thánh là một kinh nghiệm siêu nhiên.

Thực ra sự biến cải theo Kinh Thánh gồm ba giai đoạn – hai giai đoạn tích cực và một giai đoạn tiêu cực. Trong sự biến cải tích cực có sự ăn năn đức tin. Sự ăn năn là sự biến cải nhìn từ khởi điểm, sự quay lưng lại đối với lối sống cũ. Đức tin cho thấy đối tượng của sự biến cải, sự quay về với Thượng Đế. Giai đoạn thứ ba, tiêu cực, chúng ta có thể gọi là sự tái sinh, hoặc sinh lại, nghĩa đen là được sinh ra trong gia đình của Thượng Đế.

Để được vào thiên đàng, Chúa Giê-xu phán rằng bạn phải biến cải. Không phải tôi nói – nhưng chính Chúa Giê-xu đã phán điều đó! Đây không phải ý kiến của con người, nhưng là ý kiến của Thượng Đế! Chúa Giê-xu phán: “Nếu các con không đổi mới, thành như em bé, các con sẽ chẳng vào được Nước Trời” (Mat Mt 18:3).

Sự biến cải thực gồm toàn thể trí tuệ, toàn thể tình cảm, và toàn thể ý chí. Có nhiều người đã trở lại với Chúa Cứu Thế trên phương diện trí thức. Họ tin toàn bộ Kinh Thánh. Họ tin mọi điều liên quan đến Chúa Giê-xu, nhưng họ chưa bao giờ thật sự được biến cải và quay về với Ngài. Kinh Thánh nói: “chính các quỉ cũng tin như vậy và run sợ” (Gia Gc 2:19).

Chỗ khác nhau giữa tin bằng trí khôn với biến cải.

Chương thứ hai, sách Phúc Âm Giăng, có đoạn mô tả việc hằng trăm người theo Chúa Giê-xu khi Ngài mới bắt đầu thi hành chức vụ. Đoạn này chép rằng “nhiều người tin Chúa vì thấy các phép lạ Ngài làm. Nhưng Chúa không tin cậy họ vì Ngài biết rõ mọi người” (GiGa 2:23, 24). Tại sao Chúa Giê-xu không tin cậy họ? Vì Ngài biết rằng họ tin bằng trí óc chứ không phải bằng tấm lòng.

Có sự khác biệt rất lớn lao giữa sự biến cải bằng trí tuệ và sự biến cải toàn diện để cứu được linh hồn. Thật vậy, phải có sự biến cải trong cách suy nghĩ và trong sự tiếp nhận Chúa Cứu Thế bằng trí tuệ của bạn.

Hằng ngàn hằng vạn người có một từng trải tình cảm theo một trạng thái nào đó mà họ cho là sự biến cải; nhưng họ không bao giờ thật sự biến cải và quay về với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài đòi hỏi nơi bạn một sự thay đổi trong lối sống – và nếu đời sống bạn không phù hợp với từng trải, thì bạn có đủ lý do để nghi ngờ từng trải của mình! Khi đến với Chúa chắc chắn những yếu tố hình thành tình cảm trong bạn sẽ thay đổi tạo nên tình cảm; sẽ có vấn đề yêu và ghét, vì bạn sẽ bắt đầu ghét tội lỗi và yêu mến sự công nghĩa. Các tình cảm mến thương của bạn sẽ trải qua một cuộc cách mạng. Sự cung kính của bạn đối với Chúa sẽ không còn giới hạn nữa. Lòng yêu mến của bạn đối với Ngài sẽ không sao tả xiết.

Nhưng dù bạn tiếp nhận Chúa Cứu Thế bằng trí tuệ và được từng trải trong phần tình cảm, cũng vẫn chưa đủ. Phải có sự biến cải của ý chí! Phải có sự quyết định vâng phục và tuân theo Chúa Cứu Thế. Ý chí bạn phải uốn nắn theo ý muốn của Thượng Đế. Bản ngã bạn phải bị đóng đinh vào cây thập tự. Bạn chỉ còn ao ước một điều là làm đẹp lòng Ngài. Nhiều người trong chúng ta có thể đồng thanh với người phụ nữ đã viết thư cho chúng tôi liên hệ với các vấn đề ấy rằng “nhưng tôi đã không làm được việc đó một cách dễ dàng”. Vâng, không hề ai trong chúng ta lại làm được việc ấy một cách dễ dàng. Ước ao tha thiết nhất của chúng ta phải là làm đẹp lòng Ngài. Đó là một sự dấn thân trọn vẹn.

Trong sự biến cải, khi đứng dưới chân thập tự giá, Đức Thánh Linh giúp bạn nhận biết mình là một tội nhân. Ngài sẽ hướng dẫn đức tin bạn đến với Chúa Giê-xu là Đấng đã chịu chết thay cho bạn. Bạn phải mở lòng ra mời Ngài ngự vào. Chính lúc đó, Đức Thánh Linh thực hiện điều kỳ diệu của sự tái sanh. Bạn thật sự trở thành một loài thọ tạo mới về phần đạo đức. Bản chất thiên thượng được truyền vào bạn. Bạn trở thành người dự phần vào chính sự sống của Thượng Đế. Nhờ Thánh Linh của Thượng Đế, Chúa Giê-xu ngự trị trong lòng bạn.

Sự biến cải rất giản dị đến nỗi một em bé cũng có thể được biến cải, nhưng cũng rất sâu nhiệm đến nỗi suốt cả lịch sử, nhiều nhà thần học đã phải cân nhắc ý sâu nhiệm của nó. Thượng Đế đã khiến cho con đường cứu rỗi rõ ràng đến nỗi “ai đi trong đường đó, dầu khờ dại, cũng không lầm lạc” (EsIs 35:8). Chẳng ai vì thiếu khả năng hiểu biết mà bị ngăn cản không được vào Nước của Thượng Đế. Người giàu và người nghèo, người thông minh tinh tế cũng như người giản dị chất phác – tất cả đều có thể biến cải.

Tóm lại, sự biến cải có ý nghĩa đơn giản là “thay đổi”. Khi một người đã biến cải, người ấy có thể tiếp tục yêu thích những vật mình từng yêu thích trước kia, nhưng các lý do yêu thích sẽ thay đổi. Một người đã biến cải có thể từ bỏ những vật mình từng yêu thích, có thể đoạn tuyệt những mối giao thiệp trần tục, không phải vì ghét bỏ bạn hữu mình, vì phần đông những người đó vẫn là những người đoan chính, khả ái, song vì cớ có nhiều điều hấp dẫn hơn đối với người ấy trong mối tương giao nơi tín hữu Cơ Đốc cùng một tâm chí.

Người được biến cải sẽ yêu những điều trước kia mình ghét, và ghét những điều trước kia mình yêu. Thậm chí lòng họ đối với Thượng Đế cũng thay đổi. Trước kia, họ không nghĩ đến Thượng Đế, luôn luôn sống trong sự sợ hãi, khủng khiếp và chống nghịch Ngài, nhưng bây giờ ở trong trạng thái hoàn toàn tôn trọng, tin cậy, phục tùng và sùng kính Ngài! Họ sẽ kính sợ Thượng Đế, luôn luôn biết ơn Ngài, tin cậy, tùy thuộc Ngài, và có lòng trung thành mới mẻ đối với Ngài. Trước khi sự biến cải xảy ra có thể họ chỉ chăm thỏa mãn xác thịt. Đeo đuổi về văn hóa và trí thức hoặc sự làm giàu đã chiếm địa vị tối ưu tiên, cao cả trong đời sống họ. Giờ đây, họ quan tâm đến điều công nghĩa, lòng thánh thiện, và đời sống Cơ Đốc hơn tất cả mọi sự, vì đối với họ, chỉ có một điều thật sự quan trọng làm đẹp lòng Chúa Cứu Thế. Nói cách khác, biến cải là sự thay đổi hoàn toàn trong đời sống một cá nhân.

Một trường hợp biến cải.

Tôi nhớ rất rõ có một thiếu nữ tại New York đã đến Los Angeles để làm lễ thành hôn. Nàng và vị hôn phu đã gặp nhau khi cùng làm việc tại một hãng quảng cáo có nhiều uy tín ở New York, và mối tình giữa hai người được bắt đầu trong bối cảnh của những cuộc tiếp tân và tại các hộp đêm. Với tham vọng “tiến thân” chàng xin chuyển qua một chi nhánh ở tiểu bang California và hy vọng sáu tháng sau, nàng sẽ theo mình để làm lễ cưới.

Sau khi đến Los Angeles với niềm ao ước được sống cuộc đời mới mẻ vui tươi, độ một tuần lễ, nàng khám phá ra chàng đã say mê một tiểu minh tinh màn bạc, và không đủ can đảm viết thơ cho nàng biết sự việc ấy trước khi nàng rời New York!

Thế là nàng lâm vào tình trạng cô đơn giữa một thành phố không người quen biết – mọi chương trình sắp đặt tiêu tan, lòng kiêu hãnh bị chà đạp và tương lai thăm thẳm trước mặt, nhạt nhòa và trống rỗng. Gia đình nàng không theo đạo và trong giờ phút cấp thiết tột độ, nàng không biết quay về đâu để tìm sự an ủi, khuyên bảo hay chỉ dẫn.

Trong khi lê chân trên những đường phố xa lạ, cố đè nén niềm tủi hờn và xúc động, nàng tới nơi chúng tôi cắm trại để truyền giảng Phúc Âm. Nàng nói rằng không biết điều gì đã khiến nàng đặt chân đến đó; nhưng nàng đã rẽ vào và ngồi âu sầu trong suốt buổi nhóm. Đêm sau nàng lại đến, và cứ thế suốt cả tuần lễ, tới khi xuyên qua cụm mây cay đắng, sầu khổ bao bọc lấy nàng, Thượng Đế cho nàng nghe tiếng phán của Ngài và nàng đã bước lên tiếp nhận ơn cứu rỗi.

Nhờ đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, gánh nặng của sự phạm tội và chối bỏ được cất đi, nàng đã lần lần cảm thấy tình yêu của mình đã mất chỉ là nấc thang đưa tới một tình yêu lớn lao, phong phú hơn bội phần. Nàng không còn cảm thấy tủi nhục vì phải trở về New York làm công việc cũ; lúc trở về, thay cho cuộc đời tan vỡ nàng đã tìm thấy cuộc đời phong phú hơn trước. Trong Hội thánh nàng rất hoạt động, chớ chẳng còn phí đầu óc và khả năng tổ chức của mình vào những cuộc tiếp tân bất tận.

Trước kia nàng dùng sáng kiến để giải trí cho “nhân viên trong sở” giờ đây, nàng sử dụng nó để làm sống động các truyện trong Kinh Thánh cho giới trẻ. Trước kia nàng được huấn luyện để gây cơ sở tài chánh bây giờ, khả năng ấy để hầu việc Chúa một cách có lợi. Vị mục sư của nàng đã nói rằng các ý kiến nàng rất có giá trị trong việc tăng số người nhóm họp tại nhà thờ. Thay vì bị từ bỏ và ruồng rẫy, nàng luôn luôn được các hội viên Hội thánh tìm đến để nhờ cậy. Nhưng điều quan trọng hơn hết, cảm giác cô đơn đã biến mất, vì giờ đây nàng biết Chúa Cứu Thế Giê-xu luôn luôn bên cạnh, sẵn sàng an ủi, hướng dẫn và bảo vệ nàng.

Tất cả mọi điều đó là kết quả do sự biến cải của nàng – tức là xây khỏi con đường thế gian ảm đạm, trống rỗng, trần tục vô phước mà nàng đã đi bấy lâu – để quay về với Chúa Giê-xu, là Chúa và Chúa Cứu Thế của nàng! Nàng đã tìm được bình an trong Chúa.