Chương 4: TỘI LỖI

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 4: TỘI LỖI

Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế.

RoRm 3:23

NẾU Thượng Đế là Đấng công nghĩa và yêu thương tại sao lại có quá nhiều tội ác, đau khổ và sầu thảm như vậy? Tại sao lại có thù oán? Tại sao chúng ta lại tạo nên những hình tượng giả dối? Tại sao chúng ta lại tôn thờ chiến tranh, tham lam và ích kỷ? Tại sao nhân loại do Thượng Đế dựng nên theo hình ảnh Ngài lại đắm chìm trong bại hoại đến nỗi Ngài phải ban Mười Điều Răn (căn bản luật pháp mà Thượng Đế đã ban cho dân Do-thái khi họ ra khỏi Ai-cập để trở về quê hương mình) và buộc họ phải vâng giữ? Tại sao Thượng Đế ban chính Con Một của Ngài để cứu chuộc chúng ta? Tại sao các vật thọ tạo của Thượng Đế lại đầy dẫy tham dục và tội ác?

Muốn hiểu điều này, muốn thấy rõ tại sao nước này chống nghịch nước kia, tại sao nhiều gia đình phân ly, tại sao báo chí tràn ngập những bài tường thuật các hành động dã man, điên cuồng, tàn bạo và căm thù, chúng ta phải trở lại từ lúc ban đầu. Chúng ta phải trở lại truyện tích A-đam trong vườn Ê-đen, trở lại chương đầu của sách Sáng-Thế Ký.

Có người cho rằng truyện tích quen thuộc về sự sáng tạo chỉ là một huyền thoại. Họ nói rằng đó chỉ là một cách đơn giản để giải thích cho trẻ con một vấn đề không sao giải đáp được. Nhưng không phải thế. Kinh Thánh cho chúng ta biết tường tận những việc đã xảy ra lúc khai thiên lập địa và tại sao từ đó đến nay con người vẫn cứ liên tục đi trên con đường tự tiêu diệt?

Thượng Đế đã sáng tạo thế giới này như một toàn thể trọn vẹn. Con người đã dẹp bỏ thế giới đẹp đẽ, hòa hợp Ngài đã sáng tạo – thế giới trọn vẹn mà chúng ta đang khao khát tìm gặp lại, thế giới mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm.

Trong thế giới trọn vẹn đó, Thượng Đế đã đặt một người trọn vẹn. A-đam vốn là trọn vẹn vì chẳng có việc gì Thượng Đế làm lại không trọn vẹn, và Ngài đã ban cho người trọn vẹn ấy một ân tứ quý báu hơn hết, là sự tự do. Thượng Đế ban cho con người quyền tự do lựa chọn.

Một bạn thân của chúng tôi, tiến sĩ M. L. Scott, nhà truyền đạo lừng danh người da đen, kể lại câu chuyện về người bạn của ông. Cậu con trai của ông này đã vào Đại học, nhân dịp về thăm nhà, đầy phấn khởi về số kiến thức vừa mới thâu thập được. Một chiều nọ, cậu ta trịnh trọng nói: “Ba à, bây giờ con đã vào đại học rồi, nên không còn tin chắc là con có thể đồng ý với loại đức tin đơn sơ, ấu trĩ của ba vào Kinh Thánh nữa”.

Bạn tôi sững người, nhìn con mình không chớp mắt. Cuối cùng, ông ta nói: “Con ơi, đó là quyền tự do của con – quyền tự do khủng khiếp của con”. Đó chính là điều mà Thượng Đế đã ban cho A-đam – quyền tự do cho ông lựa chọn. Quyền tự do khủng khiếp của ông.

Con người đầu tiên không phải là kẻ sống trong hang cốc, trong rừng rú, gầm gừ, hục hặc, gào thét, cố khắc phục những hiểm nghèo nơi sơn lâm và ác thú trong đồng nội. Lúc mới được dựng nên, A-đam đã trưởng thành, với tất cả mọi khả năng của trí óc và thân thể phát triển đầy đủ. Ông đồng đi với Thượng Đế và được tương giao với Ngài. Theo ý chỉ của Thượng Đế, ông đã được dự trù sẽ làm vua trên mặt đất và trị vì .

Đó mới là địa vị đích thực của A-đam khi sống trong vườn Ê-đen; một người trọn vẹn đầu tiên, một loài thọ tạo duy nhất trên mặt đất được Thượng Đế ban cho ân tứ vô giá, tức là quyền tự do. A-đam được tự do hoàn toàn – tự do lựa chọn hay chối bỏ, tự do vâng theo hoặc chống trả mạng lịnh của Thượng Đế, tự do làm cho chính mình sung sướng hay khốn cùng. Không phải có tự do là đời sống được thỏa mãn, nhưng chính hành động sử dụng sự tự do mới xác định là chúng ta sẽ có bình an trong lòng và bình an với Thượng Đế hay không?

Trọng tâm của vấn đề.

Đây chính là trọng tâm của vấn đề, vì khi được tự do, con người đứng trước hai ngả đường. Nếu chỉ có một con đường để theo thì quyền tự do trở nên vô nghĩa. Tự do hàm ý một sự lựa chọn, một quyền quyết định đường lối hành động cá nhân.

Tất cả chúng ta đều biết, người ta sở dĩ lương thiện không phải vì tự do chọn lựa điều đó, song vì họ chưa có dịp để làm quấy. Tiến sĩ Manfred Gutzke từng nói: “Các ông già ơi, chớ tưởng rằng các ông đã gần kề với cái chết mà các ông trở thành người khá hơn đâu”. Tất cả chúng ta đều biết có những người tự hào là mình nhân đức, nhưng thật ra do hoàn cảnh và lề lối sinh hoạt bên ngoài đã giữ họ khỏi thành ra xấu xa. Chúng ta không thể khoe khoang đã chống lại sức cám dỗ khi không phải đương đầu với một sự cám dỗ nào cả!

Thượng Đế không để cho A-đam gặp trở ngại này. Ngài ban cho A-đam quyền tự do lựa chọn và cơ hội để hành xử quyền đó. Vì Thượng Đế không làm việc gì bất toàn nên Ngài đã đặt A-đam trong một khung cảnh trọn vẹn để ông chứng tỏ mình sẽ hầu việc Thượng Đế hay không.

Khi sống trong vườn Ê-đen, A-đam không có tội lỗi, và tình trạng vô tội của ông không chỗ chê trách. Cả vũ trụ ở trước mặt ông. Cả lịch sử trinh nguyên của loài người đang trải ra dưới tay ông như một tấm giấy da vĩ đại, hết sức tinh khiết, đợi chờ ông quyết định con đường cho các thế hệ tương lai.

Thượng Đế đã hoàn tất công trình của Ngài. Ngài đã dựng nên một khu vườn trên mặt đất, đầy đủ mọi thứ cần thiết cho con người. Ngài đã dựng nên một người trọn vẹn, giống như Ngài. Ngài đã ban cho con người trí óc và linh hồn cùng quyền tự do trọn vẹn để sử dụng trí óc và linh hồn tùy thích. Sau đó, với tư cách một người Cha vô cùng khôn ngoan, Thượng Đế chờ xem con mình lựa chọn như thế nào.

Sự lựa chọn của loài người.

Đó là một sự thử nghiệm! Đó là lúc A-đam dùng ý chí tự do để lựa chọn đường ngay hay đường quấy, lựa chọn theo ý muốn của mình chứ không phải lựa chọn vì chỉ có một con đường duy nhất cho mình noi theo!

A-đam đã lựa chọn. Ông gánh chịu kết quả của sự chọn lựa đó và ấn định tiêu chuẩn cho toàn thể nhân loại phải theo. “Do tội của A-đam, mọi người bị kết án” (RoRm 5:18). Phao-lô cũng nói: “Vì A-đam, tội lỗi đã thâm nhập thế gian, đem theo sự chết. Do đó, mọi người đều phải chết, vì mọi người đều phạm tội” (RoRm 5:12).

A-đam là nguồn gốc của nhân loại. A-đam xuất hiện như dòng suối từ lòng đất vọt lên, trong trẻo như pha lê và được quyền tự do lựa chọn để trở thành một con sông chảy qua những cánh đồng đẹp xanh tươi, màu mỡ hoặc thành ngọn thác bùn lầy, luôn luôn xối vào những vầng đá, cọ xát vào vách núi sâu thẳm, không có ánh sáng mặt trời, lạnh lẽo cùng khốn, không thể làm vùng đất chung quanh được tươi vui, kết quả.

Không thể đổ lỗi cho Thượng Đế về tình trạng rối loạn bi thảm mà thế giới mắc phải bấy lâu nay. Lầm lỗi hoàn toàn do A-đam là người được Thượng Đế cho quyền lựa chọn, song đã quyết định nghe theo những lời lừa dối của ma quỉ, chứ không nghe theo chân lý của Thượng Đế! Từ ngày ấy đến nay, lịch sử nhân loại chính là câu chuyện về sự nổ lực hoài công của con người nhằm dành lại địa vị đã mất do sự sa ngã của A-đam!

Bạn có thể nói: “Thế thì thật bất công! Tại sao ngày nay chúng ta lại phải chịu khổ vì sự phạm tội từ buổi xa xưa của con người đầu tiên? Tại sao trong những năm sau đó loài người đã không hồi tỉnh? Tại sao chúng ta phải bị trừng phạt trọn đời sống chúng ta?”. Ngày nay, có một tư tưởng khá thịnh hành, cho rằng người ta có thể cải thiện con người bằng cách cải tiến môi trường sinh sống của họ. Điều đáng ngạc nhiên là phải thừa nhận rằng loài người đã phạm tội đầu tiên ngay trong môi trường sinh sống toàn hảo hồi đó.

Chúng ta hãy trở lại truyện tích của con sông – Con sông lạnh lẽo và tối tăm, chảy trong đáy thung lũng sâu thẳm và ảm đạm. Tại sao con sông này không chảy ngược lại những cánh đồng ấm áp tươi đẹp phía trên kia? Tại sao con sông không giã từ đường lối sầu muộn để trở thành dòng nước hân hoan sủi bọt như khi mới từ lòng đất vụt phun lên?

Con sông không làm được điều đó vì nó không thể làm. Tự nó không có năng lực để làm điều gì khác hơn từ trước đến nay. Một khi nó đã chảy theo sườn dốc xuống chỗ tối tăm thì không còn có thể tự đưa mình trở lại vùng đất sáng sủa ấm áp trên cao. Phương tiện để đi lên vốn có, đường lối mở sẵn, nhưng con sông không hiểu cách sử dụng. Điều này làm tôi nhớ lại sông Dương Tử bên Trung-hoa (nay gọi là Hoàng Giang). Sông này đưa phù sa ra biển xa đến mấy dặm, biến biển xanh thành vàng đục. Nó không thể nào làm khác hơn.

Luôn luôn có sẵn một phép lạ thần kỳ để đưa con sông nhân loại ra khỏi cảnh khốn cùng để nó nằm trong thung lũng ấm áp của sự bình an, nhưng con sông không thấy hoặc không chú tâm tới. Nhân loại cảm thấy không thể làm gì hơn là cứ tiếp tục con đường ngoằn ngoèo của mình cho đến khi biến mất trong lòng biển diệt vong.

Truyện tích của con sông chính là truyện tích của loài người từ thuở A-đam, quanh co, ngoằn ngoèo, càng ngày càng lao vào chốn tối tăm ghê rợn. Mặc dầu cất tiếng kêu la cầu cứu, chúng ta vẫn dụng tâm chọn lựa con đường quấy như A-đam đã chọn ngày xưa. Trong cơn tuyệt vọng, chúng ta trở lại chống nghịch Thượng Đế và đổ lỗi cho Ngài về hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan của chúng ta. Chúng ta hoài nghi sự khôn ngoan và phán đoán của Ngài. Chúng ta bắt bẻ tình yêu thương và lòng nhân từ của Ngài.

Chúng ta quên rằng A-đam là đầu của nhân loại, cũng như tổng thống là đầu chính phủ trong một nước. Khi tổng thống hành động, chính là dân chúng hành động qua tổng thống. Khi tổng thống quyết định, quyết định đó là của toàn dân.

A-đam ở địa vị làm đầu nhân loại. Khi A-đam thất bại, bị sa ngã trong cám dỗ, thì các thế hệ chưa ra đời cũng sa ngã theo A-đam, vì Kinh Thánh tuyên bố rằng các hậu quả do tội lỗi của A-đam sẽ giáng trên mỗi người thuộc dòng dõi ông. Tất cả chúng ta đều biết quá rõ về sự thật đắng cay trong SaSt 3:17-19, diễn tả tấn bi kịch do chính hành động của A-đam đã gây nên: “Đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi sẽ bị khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”.

Và Thượng Đế phán với Ê-va rằng: “Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn trong khi sanh con, sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi” (SaSt 3:16)

Nói cách khác, vì nguyên tội của A-đam, mặt đất trước kia chỉ sanh ra cây cối đẹp đẽ, bổ dưỡng, thì nay sanh ra cây tốt lẫn cây xấu. Trước kia người đàn ông chỉ cần đi dạo trong vườn và đưa tay hái lấy đồ ăn, không cần quần áo che thân và nơi ẩn trú, bây giờ phải làm việc cực nhọc suốt đời mình để cung ứng nhu cầu cho chính mình và gia đình. Còn người đàn bà trước kia không phải lo lắng gì cả, bây giờ mang nặng sự buồn rầu và đau khổ. Cả người nam và người nữ phải chịu án tử hình về phần tâm linh cùng thể xác. Sự chết gồm ba giai đoạn: 1) Sự chết tức khắc về mặt thuộc linh; 2) Khởi điểm của sự chết thuộc thể (ngay phút đầu tiên chúng ta được sanh ra đời, là chúng ta bắt đầu chết); 3) Sự chết đời đời tối hậu.

Tội lỗi chen vào.

Do A-đam, tội lỗi đi vào nhân loại, và từ đó đến nay, nhân loại đã hoài công cố gắng dứt bỏ tội lỗi. Kinh Thánh dạy rằng Thượng Đế đã cảnh cáo A-đam trước khi ông phạm tội, rằng nếu ông ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, chắc chắn ông phải chết. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng Thượng Đế đã chỉ thị cho A-đam và Ê-va phải sanh con cháu cho đầy dẫy mặt đất. Mặc dầu đã được tạo dựng theo hình ảnh Thượng Đế, sau khi sa ngã, A-đam và Ê-va trái lại đã sanh con theo chính hình ảnh họ. Hậu quả là Ca-in và A-bên đã mang chứng bệnh chết người là tội lỗi mà họ thừa hưởng nơi cha mẹ và từ đó lưu truyền cho những người thuộc các thế hệ kế tiếp. Chúng ta tất cả đều là kẻ có tội theo di truyền, nên dù cố gắng, chúng ta vẫn không thể tránh được căn bệnh di truyền này.

Chúng ta đã vận dụng hết mọi cách để tái lập địa vị ban đầu mà A-đam đã đánh mất. Chúng ta đã cố gắng trong lãnh vực giáo dục, triết lý, tôn giáo, chánh quyền để vứt bỏ cái ách sa đọa và tội lỗi. Với trí óc bị tội lỗi giới hạn, chúng ta tìm cách thực hiện những điều Thượng Đế đã định cho con người làm với một khải tượng sáng suốt chỉ có thể từ trên cao mà đến. Các động lực thúc đẩy chúng ta thật đáng ca ngợi, nhưng tất cả những cố gắng đó đều còn rất xa mới đạt tới tiêu chuẩn. Tất cả những kiến thức và phát minh của chúng ta, tất cả những sự phát triển và kế hoạch đầy tham vọng của chúng ta chỉ giúp chúng ta tiến lên một chút, rồi lại lùi xuống khởi điểm. Vì chúng ta đang phạm cùng một tội mà A-đam đã phạm, cố gắng tự đưa mình lên bằng chính quyền hạn và năng lực của mình, thay vì vâng giữ luật pháp của Thượng Đế.

Trước khi cho rằng Thượng Đế bất công và vô lý vì đã để mặc tội lỗi bao trùm thế gian, chúng ta hãy xem xét tình hình một cách kỹ lưỡng hơn. Thượng Đế trong tình thương xót vô hạn đã sai Con Ngài xuống đời bày tỏ cho chúng ta biết con đường để thoát khỏi những khó khăn. Ngài đã sai Con Ngài ngự đến, để từng trải những cám dỗ mà A-đam đã gặp và để chiến thắng những cám dỗ đó. Sa-tan đã cám dỗ Chúa Giê-xu như đã cám dỗ A-đam. Sa-tan đã hứa ban cho Chúa Giê-xu quyền lực và vinh quang nếu Ngài chịu chối bỏ Thượng Đế, như đã hứa với A-đam qua Ê-va.

Sự chọn lựa của Chúa Giê-xu.

Khác biệt lớn lao là Chúa Giê-xu đã chống lại sự cám dỗ! Khi ma quỉ chỉ cho Ngài thấy tất cả những ngôi vương bá của thế gian và hứa cho Ngài mọi vinh quang đó nếu Ngài chịu theo nó thay vì theo Thượng Đế, thì Chúa Giê-xu yêu dấu của chúng ta phán: “Lui đi Sa-tan! Vì Thánh Kinh dạy: Ngươi chỉ thờ lạy Chúa là Thượng Đế ngươi, và chỉ phục vụ Ngài mà thôi” (Mat Mt 4:10). Ngài hoàn toàn chiến thắng ma quỉ cám dỗ, để tỏ cho các dân tộc thuộc các thế hệ kế tiếp thấy bản chất vô tội của Ngài.

Với sự hèn yếu và bản chất hư hỏng, chúng ta đã chứng minh mình là con cái thật của A-đam và đã trung thành đi theo bước chân của ông. Chúng ta có thể rủa sả A-đam nhưng chúng ta vẫn bắt chước ông!

Không có một ngày nào chúng ta không đương đầu với thử thách mà A-đam đã gặp. Không ngày nào chúng ta không có cơ hội để chọn lựa, hoặc lời hứa xảo trá của ma quỉ hoặc lời vững chắc của Thượng Đế. Mỗi ngày chúng ta đều có dịp di chuyển chính chúng ta và người khác đến gần thêm ngôi vườn sự sống đẹp đẽ mà A-đam đã đánh mất.

Chúng ta nóng lòng mong ước một ngày mai không còn thất vọng, bệnh tật, chết chóc nhưng nếu chúng ta vẫn còn là những con cháu hư hoại của A-đam, giấc mơ này không thể nào thành sự thật. Phải làm một điều gì để giải quyết tội lỗi của chúng ta. Trong những chương kế tiếp, chúng ta sẽ thấy điều Thượng Đế đã làm để đối phó với vấn đề căn bản đó của loài người.

Từ khởi nguyên đến giây phút hiện tại, sự tìm kiếm quyền lực phi nhân, và quyết định hành xử quyền tự do lựa chọn vào những mục đích cá nhân vị kỷ đã đưa con người đến bờ vực phán xét. Tàn tích của nhiều nền văn minh rải rác trên mặt địa cầu là những chứng tích im lặng về sự bất lực của con người nhằm xây dựng một thế giới bền vững bất cần Thượng Đế. Mỗi ngày mỗi có thêm những cảnh đổ nát mới, những nỗi khốn cùng mới, song con người vẫn cứ lao mình trên con đường tai hại.

Trong khi ấy, với sự hiểu biết và thương xót vô bờ bến, Thượng Đế đã chú tâm, chờ đợi với sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn mà loài người không hiểu thấu được. Ngài đợi chờ để ban sự cứu rỗi và sự bình an cho mọi người đến nhận ơn thương xót của Ngài. Hai con đường mà Thượng Đế đặt trước mặt A-đam vẫn còn ở trước mặt chúng ta. Chúng ta vẫn còn có tự do để lựa chọn. Chúng ta đang sống trong thời kỳ ân điển, và Thượng Đế còn cầm giữ sự hình phạt mà đúng ra chúng ta đáng phải chịu.

Chính sự hiện hữu của tội lỗi đã ngăn trở con người hưởng phước hạnh. Chính vì tội lỗi mà con người không bao giờ có khả năng đạt tới lý tưởng hằng mơ ước. Mỗi một kế hoạch, mỗi một nền văn minh con người xây dựng rốt cuộc đều thất bại và rơi vào lãng quên, vì những công trình của con người xây dựng trên sự bất nghĩa. Những cảnh điêu tàn quanh chúng ta ngày nay là bằng chứng hùng hồn về tội lỗi ngập tràn thế giới.

Nhân và quả.

Con người hình như không còn thấy công lệ nhân quả luôn luôn tác động trên mọi giai tầng của vũ trụ này. Hậu quả thì rõ ràng nhưng nguyên nhân sâu kín và chủ yếu lại dường như kém hiển nhiên. Có lẽ chính ảnh hưởng xấu xa của triết lý hiện đại về sự tiến bộ làm lu mờ khải tượng của con người. Có lẽ vì quá say mê với lý thuyết nhân tạo mà con người cố bám lấy niềm tin là nhân loại đang tiến bộ từ từ nhưng chắc chắn đạt đến chỗ trọn vẹn cuối cùng.

Thậm chí nhiều triết gia luận rằng tấn thảm kịch của thế giới ngày nay chỉ là một việc ngẫu nhiên trong tiến trình đi lên; họ viện dẫn những thời kỳ khác trong lịch sử nhân loại có những triển vọng dường như ảm đạm và hậu quả dường như cũng vô vọng như thế. Các triết gia tìm cách cho rằng tình trạng buồn thảm chúng ta đang trải qua chỉ là cơn đau đớn lâm bồn của một ngày tốt đẹp hơn! Rằng con người vẫn còn là những đứa trẻ mò mẫm và vấp ngã trong ấu trĩ viện của cuộc sống, và còn phải mất hàng mấy thế kỷ nữa mới trở nên trưởng thành, có ý thức.

Nhưng Kinh Thánh vạch rõ điều mà khoa tự nhiên học hình như không muốn chấp nhận – rằng thiên nhiên đồng thời khải thị về một Đấng Tạo Hóa và một kẻ phá hoại. Con người đổ lỗi cho Tạo Hóa về việc làm của kẻ phá hoại. Con người quên rằng thế giới của chúng ta không còn như lúc mới được Thượng Đế sáng tạo, nó đã bị suy đồi. Thượng Đế đã sáng tạo thế giới tốt đẹp. Tội lỗi làm hư hỏng thế giới. Thượng Đế đã dựng con người vô tội, nhưng tội lỗi đã xâm nhập, biến họ thành hư xấu. Mỗi một sự thể hiện của điều ác là hậu quả của tội lỗi căn bản. Tội lỗi đã không thay đổi từ lúc nó mới nhập vào nhân loại. Tội lỗi có thể tự biểu hiện bằng nhiều cách khác nhau, tội lỗi đã khiến một người Phi-châu dã man núp dọc theo con đường mòn trong rừng sâu, tay cầm giáo đón chờ nạn nhân của hắn, và một phi công có học thức, được huấn luyện đầy đủ lái một phản lực cơ cũng trên khu rừng rậm ấy, sẵn sàng ném bom xuống làng mạc không có gì khả nghi.

Hai người trên cách nhau hàng thế kỷ văn hóa. Có thể nói rằng người này “tiến bộ” hơn người kia bội phần, một người có tất cả lợi điểm của một nền văn minh nhân tạo, trong khi người kia ở trong “cổ sơ” – Tuy nhiên, có phải do đó mà họ thật sự khác nhau chăng? Phải chăng cả hai đều bị thúc đẩy bởi sự lo sợ và bất tín nhiệm người đồng loại? Phải chăng cả hai đều có lòng vị kỷ muốn thực hiện mục đích của mình bằng bất cứ giá nào, mặc cho kẻ đồng loại gánh chịu hậu quả? Một quả bom có kém dã man hay tàn bạo hoặc văn minh hơn một ngọn giáo trần trụi không? Liệu chúng ta có thể tìm được giải pháp cho các vấn đề nan giải của người “cổ sơ” nhất và “tiến bộ” nhất đang hăng hái muốn giết kẻ đồng loại hơn là yêu mến họ chăng?

Tất cả nỗi buồn rầu, lo lắng, hung bạo, bi thảm, đau lòng, thương tâm và hổ nhục trong lịch sử loài người đều được tóm tắt trong chữ: “Tội lỗi”! Thật vậy, tội lỗi đã được phổ biến rộng rãi và đã khiến mọi người say mê. Các chương trình T.V. trình chiếu sự đồi bại của giới giàu có. Bìa các tạp chí in những hình ảnh vô luân đồi trụy. Tội lỗi vốn ở giữa chúng ta.

Không ai thích kẻ khác bảo mình là người có tội, dù rằng cha mẹ và tổ tiên họ là những người phạm tội trước! Nhưng Kinh Thánh đã chép: “Không phân biệt một ai, vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế“ (RoRm 3:22, 23). Kinh Thánh tuyên bố rằng mỗi một người trên thế gian là một tội nhân trước mặt Thượng Đế. Mỗi khi nghe người ta tự loại mình ra khỏi lời tuyên bố mạnh mẽ đó, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện một viên chức trong Hội thánh, một ngày kia, đàm đạo với vị mục sư về tội lỗi.

Ông nói: “Thưa mục sư, tín hữu chúng tôi ước mong ông sẽ không nói quá nhiều hay quá rõ ràng về tội lỗi như vậy. Chúng tôi cảm thấy, nếu các con cái chúng tôi nghe ông giảng luận về vấn đề này nhiều quá, chúng sẽ càng trở nên kẻ phạm tội. Tại sao không gọi đó là một sự “sai lầm” hay nói rằng lớp trẻ chúng ta thường phạm tội vì “kém nhận xét”? Dầu sao, chúng tôi mong ông đừng nói đến tội lỗi quá rõ ràng như vậy”.

Mục sư bèn đi lấy một lọ thuốc độc trên cái kệ cao trao cho ông ta xem. Trên chai có ghi chữ to tướng: “Thuốc độc, chớ đụng đến!” Rồi mục sư hỏi: “Ông muốn tôi làm sao? Ông muốn tôi nên gỡ bỏ cái nhãn ghi rõ ràng thuốc độc này mà dán nhãn hiệu khác đề là “dầu bạc hà” không? Ông há chẳng thấy rằng càng làm cho nhãn hiệu dễ nghe bao nhiêu thì càng làm cho thuốc độc trở nên nguy hiểm bấy nhiêu sao?”

Tội lỗi – chính tội lỗi có từ thượng cổ, đã gây cho A-đam sa ngã – là điều mà tất cả chúng ta đang gánh chịu đau khổ ngày nay; và nếu chúng ta cố khoác cho nó một lớp nhãn lòe loẹt, hấp dẫn hơn, không những nó không tốt hơn mà lại còn làm cho chúng ta thiệt hại bội phần. Chúng ta không cần một danh từ mới cho tội lỗi. Điều chúng ta cần là tìm xem danh từ chúng ta hiện có nghĩa là gì! Vì mặc dầu tội lỗi hiển nhiên thịnh hành trong thế giới ngày nay, vẫn còn có hằng hà sa số người hoàn toàn chẳng biết gì về ý nghĩa thật của nó. Chính ý niệm sai lạc, thiển cận về tội lỗi đã ngăn cản rất nhiều người hối cải quay về cùng Thượng Đế. Chính sự hiểu biết khiếm khuyết về tội lỗi đã khiến nhiều Cơ Đốc nhân không sống đời sống thật của Chúa Cứu Thế.

Một bản Thánh ca cũ có câu: “Không phải mọi người nói về nước Thiên đàng đều được đi đến Thiên đàng”. Đối với tội lỗi cũng vậy. Không phải ai ai nói đến tội lỗi cũng đều nhận biết rõ ràng tội lỗi là gì. Điều tuyệt đối hệ trọng là chúng ta phải ý thức được quan điểm của Kinh Thánh về tội lỗi.

Chúng ta có thể có ý nghĩ xem thường tội lỗi, và cho nó là một “sự yếu đuối của con người”. Chúng ta có thể tìm cách gọi nó là điều nhỏ nhặt, nhưng Thượng Đế gọi nó là một thảm kịch. Chúng ta muốn bỏ qua và coi nó là một việc tình cờ nhưng Thượng Đế tuyên bố đó là một điều ghê tởm. Con người tìm cách tự bào chữa cho tội lỗi của mình, nhưng Thượng Đế tìm cách thuyết phục con người về tội lỗi và cứu con người thoát khỏi điều đó. Tội lỗi không là một món đồ chơi thích thú, tội lỗi là điều kinh khiếp phải lánh xa! Vậy hãy học biết điều gì cấu thành tội lỗi trước mặt Thượng Đế.

Tấn sĩ Richard Beal định nghĩa tội lỗi bằng 5 danh từ:

Thứ nhất: tội lỗi là ‘sự bất chấp luật pháp’, sự vi phạm luật pháp của Thượng Đế (IGi1Ga 3:4). Thượng Đế đã thiết lập một lằn ranh giữa điều thiện và điều ác, và mỗi khi chúng ta vượt qua ranh của bên kia biên giới, mỗi khi chúng ta xâm nhập vùng cấm địa của tội ác, thì chúng ta đã vi phạm luật pháp. Khi nào chúng ta không vâng giữ Mười Điều Răn, hoặc đi trái với nguyên tắc của Bài Giảng Trên Núi (bài giảng của Chúa Giê-xu, được ghi chép trong Kinh Thánh Mat Mt 5:1-7:29) chúng ta đã vi phạm luật pháp của Thượng Đế và có tội.’

Nếu bạn xét từng điều một trong Mười Điều Răn, bạn sẽ thấy hiện nay nhân loại đang cố ý, chẳng những vi phạm, mà còn hô hào mọi người vi phạm nữa. Điều răn chớ thờ hình tượng nghĩa là chớ để bất cứ sự việc gì trước Thượng Đế, điều răn hãy nhớ giữ ngày nghỉ làm ngày thánh (các tay chơi dã cầu và túc cầu chuyên nghiệp sẽ làm gì nếu các Cơ Đốc nhân không chịu xem họ thi đấu ngày Chúa nhật?), điều răn hãy hiếu kính cha mẹ (các quyển sách ‘Mommie Dearest’ phơi trần tội lỗi của các bậc làm cha làm mẹ), điều răn chớ tham lam và chớ tà dâm – dường như mọi người đang hè nhau nỗ lực để cố ý vi phạm từng điều răn một. Và không những chỉ thế mà thôi, dường như thiên hạ còn cố ý biến chúng thành hấp dẫn khi làm như vậy nữa.

Gia-cơ (em trai của Chúa Giê-xu, tác giả sách Gia-cơ trong Kinh Thánh) nói rõ rằng chúng ta đều phạm tội, ông viết: “Chính những tư tưởng, dục vọng xấu xa trong con người thôi thúc, tạo ra sự cám dỗ. Tư tưởng xấu xa sẽ biến thành hành động tội lỗi; tội lỗi phát triển đem lại cái chết” (Gia Gc 1:14-15). Chính vì tất cả chúng ta đều vi phạm luật pháp của Thượng Đế, không vâng giữ các điều răn của Ngài, nên chúng ta hết thảy bị liệt vào hàng tội nhân.

Thứ hai: Kinh Thánh mô tả tội lỗi là ‘gian tà’. Gian tà là đi lệch ra ngoài con đường chánh, dù hành động đó có bị ngăn cấm rõ rệt hay không. Sự gian tà liên quan đến những nguyên do thúc đẩy nội tâm của chúng ta, những gì chúng ta cố che giấu loài người và Thượng Đế. Đó là những điều sai quấy bắt nguồn từ bản tính hư hoại của chính chúng ta hơn là từ những hành động xấu xa đôi khi do áp lực của hoàn cảnh khiến chúng ta vấp phạm.

Chúa Giê-xu đã diễn tả sự hư hoại nội tâm này khi Ngài phán: “Vì từ bên trong, từ tâm hồn con người, sinh ra những tư tưởng ác, như gian dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, lừa dối, phóng đãng, ganh ghét, phỉ báng, kiêu căng, dại dột. Chính những thứ xấu xa từ bên trong mới làm con người dơ bẩn” (Mac Mc 7:21-23).

Thứ ba: Kinh Thánh giải thích tội lỗi là không đạt tới mục tiêu đã đặt. Chúa Cứu Thế là mục tiêu của Thượng Đế. Đối tượng và cứu cánh của cả đời người là sống theo đời sống Chúa Cứu Thế. Ngài đã đến để chỉ cho chúng ta biết con người có thể thực hiện điều gì trên mặt đất này; nếu không noi theo gương Ngài, chúng ta sẽ không đạt tới mục tiêu và không hội đủ tiêu chuẩn thiên thượng.

Thứ tư: Tội lỗi là một hình thức ‘xâm phạm’, tức là lấy ý riêng xen vào quyền uy thiên thượng. Tội lỗi không chỉ là điều tiêu cực, không chỉ là sự thiếu tình thương yêu đối với Thượng Đế. Tội lỗi là sự lựa chọn tích cực, ưa thích bản ngã thay vì Thượng Đế, là quy tụ tình thương vào chính bản thân mình, chớ không hết lòng vươn đến Thượng Đế. Tính vị kỷ và duy ngã là những dấu hiệu của tội lỗi, cũng như trộm cắp và sát nhân vậy. Có lẽ đây là hình thức tinh vi và tai hại nhất của tội lỗi, vì với hình thức này nhãn hiệu trên lọ thuốc độc rất dễ bị coi thường. Những ai chỉ nghĩ đến mình, hoàn toàn chú trọng vào chính bản thân, những ai chỉ nhìn thấy và bảo vệ quyền lợi riêng – những người ấy là tội nhân không khác gì kẻ say rượu, đàng điếm.

Chúa Giê-xu phán: “Nếu một người chiếm được cả thế giới nhưng mất linh hồn thì có ích lợi gì?” (8:36). Tư tưởng này nếu diễn tả bằng ngôn ngữ hiện đại, có thể được trình bày như sau: “Nếu một người bị ung độc tàn phá cơ thể không hưởng thụ được cơ nghiệp rộng lớn của mình thì có ích gì chăng?”. Một nhà độc tài sẽ được lợi gì nếu ông ta chinh phục được cả bán cầu nhưng phải thường xuyên sợ hãi viên đạn kẻ thù hoặc lưỡi dao thích khách? Bậc làm cha mẹ được lợi gì khi nuôi nấng con cái bằng cách kỷ luật nghiêm khắc, để rồi về sau bị chúng ruồng bỏ, phải sống cô đơn trong tuổi già? Quả thật, tội lỗi của chính bản ngã vị kỷ là một tội lỗi chết người.

Thứ năm: Tội lỗi là ‘sự vô tín’. Vô tín là tội lỗi vì đó là sự phỉ báng chân lý của Thượng Đế: “Ai tin Con Thượng Đế đều biết Lời chứng của Thượng Đế là thật. Không tin Con Thượng Đế cũng như bảo Thượng Đế là nói dối, vì cho Lời Thượng Đế phán về Con Ngài không đúng sự thật” (IGi1Ga 5:10).

Sự vô tín đã đóng cửa Thiên đàng và mở cửa Địa ngục. Sự vô tín đã chối bỏ Kinh Thánh và không công nhận Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa. Sự vô tín làm con người bịt tai đối với Phúc Âm và chối bỏ những phép lạ của Chúa Cứu Thế.

Tội lỗi dẫn đến án phạt là sự chết, và không ai có khả năng tự cứu mình thoát khỏi án phạt ấy hay tẩy sạch sự hư hoại của tội lỗi ra khỏi lòng mình. Thiên sứ và con người không chuộc được tội. Chỉ trong Chúa Cứu Thế mới có phương thuốc trị tội lỗi. Chỉ có Chúa Cứu Thế mới có thể cứu tội nhân ra khỏi số phận đau thương đang chờ đợi. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (RoRm 6:23). “Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Exe Ed 18:4). “Chẳng có người nào chuộc được anh em mình, hoặc đóng giá chuộc người nơi Thượng Đế” (Thi Tv 49:7). “Hoặc vàng hoặc bạc của chúng nó đều không thể giải cứu chúng nó trong ngày thạnh nộ của Thượng Đế” (SoXp 1:18).

Phương dược duy nhất.

Phương pháp duy nhất để cứu con người ra khỏi tội lỗi đã thực hiện trên ngọn đồi hình sọ vắng vẻ hoang vu; một tên cướp bị treo trên cây thập tự, một kẻ giết người trên cây thập tự khác và ở chính giữa là một Người đội vương miện bằng gai. Máu chảy từ tay chân Người, trào ra nơi hông Người, tuôn từng giọt trên mắt Người, trong khi có những kẻ đứng trước mặt Người an nhiên cười cợt và chế nhạo. Người chịu cực hình đó là ai? Người mà những kẻ khác tìm cách sỉ nhục và giết chết đó là ai? Chính là Con của Thượng Đế, Hoàng tử của Hòa bình, Sứ giả từ trời xuống thế gian bị tội lỗi dày vò. Trước mặt Ngài, các thiên sứ cúi đầu che mặt. Vậy mà Ngài bị treo trên thập tự tàn bạo, máu huyết tuôn chảy và bị mọi người ruồng bỏ.

Điều gì đã đưa Ngài đến chỗ kinh khiếp này? Ai đã áp dụng hình phạt ghê tởm đó cho Đấng đến trần gian để dạy chúng ta về tình yêu thương? Chính bạn và tôi, vì do tội lỗi của bạn và của tôi mà Chúa Giê-xu phải bị đóng đinh trên cây thập tự. Trong phút giây bất diệt đó, nhân loại đã nếm trải mức độ đen tối nhất của tội lỗi, và đụng đến tột cùng sự ô uế nó. Thảo nào mặt trời cũng không chịu nổi, phải che mặt đi!

Như Charles Wesley nói:

Tại sao tôi lại có thể thích thú gây đau đớn cho Ngài’ ‘Làm đổ huyết Cứu Chúa, Đấng đã chịu chết thay tôi? Thật là tình yêu thương lạ lùng!

Tại sao Ngài là Thượng Đế tôi, lại chịu chết thay tôi?’

Nhưng trên thập tự giá, tội lỗi đã bị thất bại. Nhát búa đóng đinh Chúa Cứu Thế vào cây thập tự cũng là nhát búa mở toang cửa ngục cho con người được tự do. Đại tác phẩm tủi nhục và thù hằn của tội lỗi đã trở thành kiệt tác của lòng nhân từ và tha thứ. Qua sự chết của Chiên Con Thượng Đế trên thập tự giá, đối với những ai tin đến Chúa Cứu Thế thì tội lỗi đã bị đóng đinh vào đó rồi. Sự chết của Ngài là nền tảng của niềm hy vọng chúng ta, là lời hứa cho chúng ta được toàn thắng! Trên cây gỗ, Chúa Cứu Thế mang những tội lỗi đã xiềng xích chúng ta vào chính thân thể Ngài. Ngài đã chết vì cớ chúng ta và đã sống lại. Ngài chứng minh rằng tất cả những lời hứa của Thượng Đế đối với con người là thật. Nếu hôm nay bạn tiếp nhận Chúa Cứu Thế bằng đức tin thì bạn có thể phá tan xiềng xích của tội lỗi, và được an toàn, tự do vì biết rằng qua tình yêu của Chúa Cứu Thế, linh hồn bạn được tẩy sạch và được cứu khỏi án phạt.