Chương 11: ĐỨC TIN LÀ GÌ ?

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Chương 11: ĐỨC TIN LÀ GÌ ?

Vậy anh em được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế.

Sự cứu rỗi là tặng phẩm của Thượng Đế, chớ không do anh em tự tạo.

Không phải là kết quả của công đức anh em, nên chẳng ai có thể khoe khoang.

Eph Ep 2:8, 9

CHÚNG ta đã sẵn sàng đi bước kế tiếp trong việc tìm kiếm bình an trong Chúa. Bạn sẵn sàng từ bỏ quá khứ và tội lỗi của mình. Bạn đã quyết định phải có sự thay đổi trong đời sống mình. Bạn không còn xa cách Thượng Đế nữa, nhưng tiến tới để hưởng tình yêu mến, sự thương xót cùng sự che chở của Ngài. Bạn đã quyết định, đã lựa lối đi, đã ăn năn, đã chọn con đường chánh đáng, mặc dầu con đường này có vẻ khó khăn. Bạn đã chọn lấy con đường mà Mai-sen đi cách đây gần ba ngàn năm, khi ông từ bỏ quyền kế vị vua nước Ai-cập và quyết định theo Thượng Đế!

Mai-sen được bốn mươi tuổi khi ông thực hiện quyết định lớn lao đó, khi ông kết luận rằng đức tin và chân lý kèm theo thống khổ và gian nan là tốt đẹp hơn sự giàu có, danh vọng mà thiếu tình yêu của Thượng Đế. Trong lịch sử, ít có người được kêu gọi để thực hiện một quyết định khó khăn hơn trường hợp của ông.

Một con người của đức tin.

Mai-sen là người học thức, giàu sang, được tôn trọng. Là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, ông quen hưởng mọi danh dự, xa hoa, đặc quyền. Ngai vàng xứ Ai-cập giàu nhất, mạnh nhất và huy hoàng kỳ diệu nhất thời bấy giờ, ở trong tầm tay ông.

Nhưng, Kinh Thánh chép rằng: “Bởi đức tin, khi đã khôn lớn, Mai-sen từ bỏ địa vị hoàng tử Ai-cập, tình nguyện cùng chịu áp bức với dân Chúa hơn là hưởng thụ cảnh giàu sang tội lỗi. Mai-sen xem sự sỉ nhục vì Chúa Cứu Thế cao quý hơn châu ngọc Ai-cập, vì ông trông đợi Chúa ban thưởng. Bởi đức tin, Mai-sen bỏ nước Ai-cập ra đi, không sợ nhà vua thù hận, vì ông đứng vững như thấy Chúa vô hình” (HeDt 11:24-27). Khúc sách này nói về Mai-sen sau bốn mươi năm ông sống trong đồng vắng với Thượng Đế – chớ không phải là chàng thanh niên hung hăng đã giết người rồi chạy trốn Pha-ra-ôn vì lo sợ cho mạng sống mình.

Xin chú ý, Kinh Thánh chép rằng Mai-sen đã “từ bỏ“ và “bỏ”. Những từ ngữ này chứng tỏ một sự ăn năn thật. Kinh Thánh lại chép, ông làm như thế “bởi đức tin!”. Đó là bước tiếp theo. Mai-sen đã quyết định điều đó không phải trong một trường hợp cảm xúc hiển nhiên mà một số nhà tâm lý học cho là cần thiết trong từng trải tôn giáo. Ông không bị sự bất mãn thúc đẩy. Không phải ông hoàn toàn không xứng đáng với địa vị của mình, hoặc không được thỏa mãn dục vọng. Ông không chọn lấy con đường của Thượng Đế để bù đắp vào những hạnh phước vì cho rằng mình đã bị thu hồi và cướp đoạt, ông cũng không vì buồn chán và hận đời mà xây qua đời sống tôn giáo. Ông không thiếu những trò hào hứng, giải trí và thú vui.

Một trường hợp tự chọn.

Trong trường hợp của Mai-sen, không có lý do nào như trên hay những lý do nào khác mà người ta thường nêu ra để chứng minh sự tìm kiếm Thượng Đế được xem là có giá trị. Ông không bị buộc phải chạy trốn bản tánh xác thịt và ma quỉ. Ông đã tự ý làm như thế. Mai-sen chắc chắn chẳng phải là một người có tinh thần hay ý chí yếu đuối. Ông không phải là một đứa bé bám lấy sự an toàn của một trật tự có sẵn. Ông không phải là một kẻ vô danh tiểu tốt muốn tìm danh vọng và uy tín. Ông không phải là người mà kẻ nhạo báng tôn giáo nói rằng phải là hạng người ấy thì mới cảm thấy cần sự cứu rỗi. Mai-sen có rất nhiều điều những người đó không có; nhưng do trí phán đoán chín chắn của tuổi thanh xuân, ông xây bỏ cảnh giàu có, địa vị và sự quí chuộng để chọn lấy đức tin nơi Thượng Đế.

Mỗi lần nghe nói chỉ những người vô vọng, bất tài, không hòa mình được với cuộc đời mới cần được tôn giáo an ủi, tôi lại nghĩ đến Mai-sen.

Tôi đã được vinh hạnh nói chuyện với hàng trăm ngàn người về những vấn đề liên quan đến đời sống thiêng liêng của họ. Tôi nhận thấy sở dĩ những người ấy lý luận đủ để cách từ chối Chúa Cứu Thế làm Chúa và Chủ của mình, không phải vì họ thấy giáo lý Cơ Đốc giáo đáng ghét trên phương diện tri thức, song vì muốn tránh những trách nhiệm và bổn phận mà đời sống Cơ Đốc đòi hỏi nơi họ. Chính tấm lòng yếu đuối của họ chớ không phải trí năng thông sáng đã ngăn cách họ với Chúa Cứu Thế. Họ không chịu đầu phục Chúa Cứu Thế và phó dâng mọi sự cho Ngài.

Điều lý thú đáng ghi nhận là hai nhân vật đã được Thượng Đế đại dụng hơn hết trong Kinh Thánh (một vị trong Cựu Ước và một vị trong Tân Ước) đều có trình độ học vấn uyên bác, đó là Mai-sen và Phao-lô. Mai-sen đã rất thận trọng nhận định những đòi hỏi và bổn phận tôn giáo. Ông nhận thức rằng muốn nắm lấy Thượng Đế, phải hy sinh những gì mà người ta thường coi là quí báu nhất. Ông không xem xét vội vàng. Ông không có những kết luận nửa vời vì bị thúc đẩy đột ngột hay phản ứng của xúc cảm. Ông biết mình đang gặp khó khăn đến mức nào, và ông đi tới quyết định sau khi vận dụng đầy đủ năng lực tối ưu của tinh thần đã được huấn luyện hẳn hòi. Sự lựa chọn cuối cùng của ông không mang tính chất một cuộc thử nghiệm tạm thời. Ông không lấy đức tin làm biện pháp thử nghiệm. Sự lựa chọn của ông là một thái độ xác tín nghiêm túc với mục đích không đổi dời, một sự xác tín không bị những biến cố hay thử thách lâu dài lay chuyển. Ông đã cẩn thận thiêu đốt những chiếc cầu và đánh đắm những con thuyền có thể giúp ông rút lui. Tám mươi tuổi, đến bước ngoặc quan trọng, Mai-sen đã phó mình trọn vẹn cho Thượng Đế, phục tùng các mạng lệnh Ngài bất cứ lúc nào và bất cứ cảnh ngộ nào.

Quyết định của Mai-sen khác hẳn của sử gia trứ danh Gamaliel Bradford, lúc gần qua đời, đã nói: “Tôi không dám đọc Tân Ước vì sợ khêu gợi lên một cơn bão tố lo phiền, nghi ngờ và sợ hãi, vì đã đi sai đường, đã phản bội Thượng Đế hiển nhiên”.

Mai-sen không sợ hãi như vậy. Bạn cũng thế, sẽ chẳng phải lo sợ gì nếu bạn thật lòng bởi đức tin quay về với Chúa Cứu Thế, ngay bây giờ và mãi mãi. Đừng quay về với Ngài và nói: “Tôi sẽ thử theo Cơ Đốc giáo ít lâu. Nếu có kết quả tốt, tôi sẽ tiếp tục, bằng không, tôi vẫn còn thì giờ để chọn một lối sống khác”. Khi đến với Chúa Cứu Thế, bạn phải đốt hết mọi chiếc cầu phía sau và không bao giờ nghĩ là sẽ quay trở lại.

‘Lên thuyền để quay trở lại.’

Cách đây nhiều năm, khi ngọn cờ phượng hoàng hùng dũng của quân đội La-mã rủ bóng đe dọa toàn thế giới, hoàng đế La-mã đã kéo những binh đoàn chiến sĩ gan lì lên đường chinh phục Anh quốc. Khi thấy chiến thuyền địch xuất hiện ở chân trời, hằng ngàn dân Anh đã can đảm tập trung tại các đồi cao để bảo vệ quê hương. Họ hoàn toàn ngơ ngác vì khi đổ bộ, việc đầu tiên quân La-mã làm là đốt hết chiến thuyền. Khi các chiến thuyền đã bị thiêu hủy thì phương tiện duy nhất để các chiến sĩ anh dũng đó rút lui đã bị cắt đứt. Với tinh thần cương quyết ấy, làm sao quân La-mã có thể thất bại trong công cuộc chinh phục được! Thảo nào ngôi làng nhỏ bé trên bờ sông Tibre đã làm bá chủ cả thế giới!

Cũng một thể ấy, Chúa Cứu Thế đòi hỏi sự đầu phục và phó dâng tuyệt đối. “Chúa Giê-xu phán rằng: ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với Nước của Thượng Đế” (LuLc 9:62).

Đứng trước ngã rẽ cuộc đời, Mai-sen đã thực hiện một quyết định rúng động linh hồn. Trí phán đoán minh mẫn của ông đã cân nhắc mọi sự kiện ảnh hưởng đến quyết định của mình. Ông đã nhìn cẩn thận và sâu xa đến tận cuối mỗi con đường. Ông xem xét tất cả lợi hại rồi mới quyết định đặt lòng trông cậy và đức tin nơi Thượng Đế.

Mai-sen đốt hết những chiếc cầu.

Trước hết, ông nhìn con đường rộng rãi và sáng láng đầy thế lực và xa hoa, vui thỏa và rượu chè, dồi dào những điều thế gian cho là khoái lạc. Đó là con đường quen thuộc mà ông biết rất rõ. Ông từng đi con đường ấy suốt bốn mươi năm và biết rằng cuối cùng, nó sẽ đưa tới hủy diệt và dẫn đến địa ngục mà thôi.

Rồi Mai-sen lại nhìn xem con đường kia, con đường hẹp hòi, khó khăn hơn. Ông thấy đau khổ, buồn phiền, tủi nhục và thất vọng. Ông thấy những khó khăn và thử thách, những buồn rầu và đau đớn, nhưng bởi đức tin ông cũng thấy những chiến thắng và phần thưởng của sự sống vĩnh cửu.

Một người kém suy xét và ít kinh nghiệm hơn Mai-sen, có thể bị cám dỗ đi vào con đường thứ nhất. Ai-cập lúc bấy giờ là một đại cường quốc vào bậc nhất thế giới. Quốc gia này kiểm soát lưu vực sông Nile phì nhiêu, là vựa lúa của thế giới. Quân đội Ai-cập bách chiến bách thắng, các trường kỹ thuật và đại học đang đặt những nền móng cho những thế kỷ sau noi theo.

Ít người trong chúng ta bị đòi hỏi phải từ bỏ nhiều điều vì cớ Thượng Đế như Mai-sen. Ít người trong chúng ta từng gặp nhiều cám dỗ dưới những hình thức khác nhau như vậy. Ít người trong chúng ta có những lạc thú trần gian như vậy bày ra trước mặt mình, và Kinh Thánh cũng nhìn nhận rằng trong tội lỗi có sự vui sướng, dầu chỉ là tạm bợ. Thú vui qua mau và khi tỉnh dậy, ta chẳng thư thái chút nào.

Chọn lựa Thượng Đế, Mai-sen đã hy sinh rất nhiều, nhưng ông cũng đã hưởng được một phần thưởng vĩ đại. Đương thời Mai-sen, ít có người đại phú và thật ít người có cơ hội như ông để trở thành kẻ giàu nhất thế giới.

Của cải trần gian.

Ngày nay, nhiều người có thể tích lũy những gia tài khổng lồ. Năm 1923 (khi có nhiều người chủ trương tập trung tư bản) một nhóm các nhà tài chánh thành công nhất thế giới đã họp nhau tại khách sạn Edgewater Beach ở Chicago. Dù tuổi họ chưa đến ba mươi, cuộc hội họp đó đã phô trương sự giàu sang và thế lực quá mức. Cùng ngồi quanh bàn với nhau có Chủ Tịch Công ty Thép lớn nhất thế giới, Chủ Tịch Công Ty Tín dụng lớn nhất, Nhà Buôn lúa mì giàu nhất, Chủ Tịch Ngân Hàng Chứng Khoán Nữa Ước, Nhân viên trong Nội các của Tổng Thống Mỹ, Chủ tịch Ngân Hàng Giao Dịch Quốc Tế, người được coi là thương gia lớn nhất khu Wall Street; và một người khác nữa điều khiển một công ty độc quyền lớn mạnh nhất thế giới. Tổng cộng tài sản của những người đó nhiều hơn Ngân Khố Hoa-Kỳ! Thành tích về đời sống của họ được phổ biến rộng rãi vì rất hấp dẫn mỗi học sinh. Họ là những mẫu người mà nhiều người khác cố bắt chước. Họ là những người khổng lồ của nền tài chánh và kỹ nghệ Mỹ quốc!

Năm 1923, thành tích được phổ biến rộng rãi về đời sống họ thật rất hấp dẫn và hào hứng. Nó kích thích trí tưởng tượng, xúi giục lòng ganh ghét và gợi hứng cho những người khác để cố gắng mong được như họ! Nhưng năm 1923, tiểu sử cuộc đời của họ chỉ mới được phân nửa – những chương kết thúc chưa viết xong.

Lúc những người này ngồi trong khách sạn tại Chicago, đời sống cá nhân của họ đang ở vào địa vị mà Mai-sen đã trải qua khi đứng trước ngã ba đường. Những người này cũng thế, họ đang ở ngã ba và trước mặt mỗi người có hai con đường. Hai con đường đó có lẽ vô hình đối với họ, và họ cũng không lưu tâm tới. Chắc hẳn đó là con đường họ không chọn lựa và đến nay thì tiểu sử của họ đã viết xong. Ngày nay, chúng ta biết được những chương kết thúc. Chúng ta có thể ôn lại đời sống họ cũng như ôn lại đời sống Mai-sen, và xem thử đời sống nào có vẻ khôn ngoan nhất và tốt đẹp nhất.

Charles Schwab, Chủ Tịch Công ty Thép, trong những ngày cuối đời mình, phải vay mượn tiền bạc mà sống, và lúc chết không một xu dính túi. Arthur Cutten, nhà đầu cơ tích trữ lúa mì lớn nhất đã vỡ nợ và chết ở hải ngoại. Richard Whitney, Chủ Tịch Ngân hàng Chứng Khoán Nữu-Ước đã thọ hình tại nhà giam Sing Sing. Albert Paul, nhân viên Nội các, được phép chết tại nhà thay vì trong khám đường. Jesse Livermore, “con gấu” của khu tài phiệt Wall Street; Leon Frazer, Chủ tịch Ngân Hàng Giao Dịch Quốc Tế và Ivon Kreuger, cầm đầu tổ chức độc quyền lớn nhất thế giới, đều tự sát!

Những người này đều có tiền bạc, thế lực, danh vọng, uy tín, óc thông minh và học thức – nhưng tất cả đều thiếu một đặc tính làm cho đời sống có được ý nghĩa và mục đích chân chánh. Họ thiếu đặc tính duy nhất quan yếu của giáo điều và phẩm cách Cơ Đốc tức là đặc tính làm cho họ biến cải và thật được tái sanh. Họ đã từ chối không chịu tin! Hãy so sánh cuộc đời họ với đời sống của các giáo sĩ đã từ bỏ tất cả để noi theo Chúa Cứu Thế. Rất có thể họ chết đi trong đau đớn và không một xu dính túi, nhưng họ đã chết cho một điều gì đó!

Những người này không có đức tin, hoặc nếu có thì họ đã không hành động theo đức tin. Nếu họ chịu xem đức tin nơi Chúa Cứu Thế là một trong những kho tàng quí giá thì những chương cuối cùng của đời họ sẽ khác biết bao.

Mai-sen đã quay lưng lại với của cải trần gian.

Hãy để ý là: Bởi đức tin, Mai-sen đã từ bỏ sự giàu sang của Ai-cập. Chính đức tin đã khiến ông biết rằng dù phải chịu đau khổ vì thiếu thốn và tủi nhục trong suốt quãng đời còn lại trên thế gian, cuối cùng, ông sẽ nhận được phần ban thưởng lớn nhất – sự sống vĩnh cửu.

Những người như Cutten và Schwab có lẽ đã cho Mai-sen là khờ dại. Có lẽ họ đã nói: “Một con chim nắm trong tay có giá trị hơn hai con chim trong bụi”. Có lẽ họ đã lên tiếng: “Này, ông thừa biết mình có những gì tại Ai-cập. Một người có đầu óc như ông thừa biết mình có thể làm gì để vận dụng sản nghiệp và quyền lực đó. Cứ đánh ván bài là Ai-cập sẽ kiểm soát thế giới. Ông có thể loại tất cả những nước kém hơn. Ông có thể tiêu diệt tất cả những kẻ cạnh tranh và điều hành mọi việc theo đường lối mình”. Đó là điều họ có thể nói, vì đó là đường lối suy nghĩ, hoạt động, và là cách mà nhiều người trong bọn họ đã tích lũy sản nghiệp mình. Họ sẽ cười người nào nói rằng mình tin Thượng Đế hoặc mình có đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Họ có thể nói: “Đức tin không phải là một dịch vụ tốt, chẳng phải là khôn ngoan”.

Kinh Thánh dạy rằng đức tin là con đường duy nhất để đến gần Thượng Đế. “Vì người đến gần Thượng Đế, phải tin Ngài có thật, và Ngài luôn tưởng thưởng xứng đáng cho người tìm cầu Ngài” (HeDt 11:6b). Kinh Thánh cũng dạy rằng đức tin làm đẹp ý Thượng Đế hơn bất cứ điều gì khác. “Người không có đức tin không thể nào hài lòng Thượng Đế” (HeDt 11:6a).

Khắp thế giới, người ta tự hành hạ thân xác, mặc quần áo kỳ lạ, làm cho thân thể biến dạng, tự chối bỏ những nhu cầu của đời sống, dành nhiều thì giờ vào sự cầu nguyện và hy sinh, nỗ lực làm cho Thượng Đế nhìn thấy và chấp nhận họ. Tất cả những điều đó có thể rất tốt đẹp, nhưng điều lớn lao nhất chúng ta có thể làm để đẹp lòng Thượng Đế chính là tin Ngài.

Tôi có thể đến nhà một người bạn và khen ngợi người đó, nhưng nếu sau mọi lời hoa mỹ, tôi lại bảo rằng tôi không tin tưởng anh ấy, thì mọi lời nói trước sẽ vô hiệu. Tôi chỉ đưa bạn tôi lên cao rồi hất xuống.

Điều thiết yếu là tin

Phương pháp cao đẹp nhất chúng ta có thể làm đẹp ý Thượng Đế chính là tin Lời Ngài. Lúc Chúa Cứu Thế phán: “Các con phải tin ta ở trong Cha và Cha ở trong ta. Nếu không, các con hãy tin công việc ta” (GiGa 14:11), Ngài như có vẻ nài nỉ những người nghe Ngài giảng dạy phải có đức tin.

Kinh Thánh tuyên bố rằng đức tin là điều tuyệt đối quan trọng. Bạn sẽ hỏi: “Nếu đức tin quan trọng như vậy, thì đức tin là gì? Đức tin có nghĩa gì? Định nghĩa đức tin ra sao? Làm sao có thể biết được là tôi có đức tin đúng đắn? Tôi phải tin đến mức nào?”

Xin chờ một phút – xin đừng hỏi nhiều câu cùng một lúc! Tôi sẽ cố trả lời những câu hỏi trên cách tuần tự.

Kinh Thánh nhiều lần dạy rằng chúng ta được cứu rỗi chỉ nhờ đức tin mà thôi:

“Tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì ông và cả nhà ông sẽ được cứu” (Cong Cv 16:31).

“Tất cả những người tiếp nhận Chúa đều được quyền làm con cái Thượng Đế – tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin nơi Chúa” (GiGa 1:12).

“Ai tin Chúa Cứu Thế đều được tha thứ tất cả tội lỗi và được Chúa thừa nhận là người công chính” (Cong Cv 13:39).

“Còn người không làm việc, nhưng tin Thượng Đế có quyền tha tội cho mình, người ấy hưởng ân huệ và được kể là công chính nhờ đức tin” (RoRm 4:5).

“Vậy, nhờ đức tin chúng ta được kể là công chính, qua trung gian Chúa Cứu Thế Giê-xu” (5:1).

“Nhưng ta chẳng bao giờ rút lui, bỏ cuộc, để rồi bị hủy diệt. Trái lại, ta giữ vững đức tin để linh hồn được cứu rỗi” (HeDt 10:39).

“Vậy anh em được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Đây là một tặng phẩm của Thượng Đế, chớ không do anh em” (Eph Ep 2:8).

Thực chất của đức tin.

Chúng ta có thật được cứu rỗi bởi đức tin chăng? Không, chúng ta được cứu bởi ân điển, nhờ đức tin. Đức tin chỉ là môi giới, nhờ đó chúng ta nhận được ân điển của Thượng Đế ban cho. Đức tin là bàn tay giơ ra nhận lấy tặng vật của tình yêu Ngài. Trong HeDt 11:1, chúng ta đọc: “Đức tin là thực thể của những điều ta hy vọng, là bằng chứng của những việc ta chưa thấy”. Weymouth đã diễn dịch câu trên như sau cho dễ hiểu hơn: “Vả, đức tin là sự biết chắc điều mình đang hy vọng, một sự tin quyết ở thực tại của những điều chúng ta không trông thấy”. Theo nguyên văn Hy-lạp, đức tin nghĩa là: “quy hàng, đầu phục, hoặc phó thác”. Đức tin là tin cậy hoàn toàn.

Tôi chưa bao giờ đến Bắc cực, tuy nhiên tôi tin rằng có một nơi gọi là Bắc cực. Làm sao tôi biết được? Tôi biết vì có người nói với tôi. Tôi đã đọc về Bắc cực trong một sách lịch sử, đã thấy bản đồ Bắc cực trong một sách địa lý, và tôi tin những người viết sách đó. Tôi chấp nhận kiến thức đó bởi đức tin.

Kinh Thánh dạy rằng: “Người ta tin Chúa nhờ nghe giảng và họ nghe khi đạo Chúa được công bố” (RoRm 10:17). Chúng ta tin những điều Thượng Đế đã phán về sự cứu rỗi. Chúng ta tiếp nhận những điều đó không thắc mắc.

Martin Luther (nhà lãnh đạo phong trào Cải Chánh, chống lại Giáo hội Công giáo La-mã (1483-1546) đã dịch thơ Hy-bá chương 11 câu 17 như sau: “Vì người (Mai-sen) níu lấy Đấng mình không thấy, dường như đã thấy Ngài vậy”.

Đức tin không phải là một đức tính riêng biệt hay mầu nhiệm chúng ta cố đạt tới. Chúa Giê-xu phán chúng ta phải trở nên như trẻ con, và trẻ con tin cậy cha mẹ chúng thế nào thì chúng ta cũng tin cậy Thượng Đế như vậy.

Ví dụ, tôi đang lái xe hơi với tốc độ 80 cây số một giờ, và lên tới đỉnh đồi. Tôi có cần lập tức thắng xe, ngừng lại và bước ra, nhìn xem con đường có còn tiếp tục không? Không, tôi sẽ chẳng làm thế. Tôi sẽ tin tưởng vào Ty Công Chánh địa phương. Tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình với một tốc độ bình thường, vững tin vì biết rằng con đường sẽ tiếp tục mãi, mặc dù tôi không thấy trước. Tôi chấp nhận điều này bởi đức tin. Đức tin cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế cũng thế!

Ba phương diện của đức tin.

Ở đây, cũng như trong sự ăn năn, đức tin gồm ba điểm. Trước hết, phải biết những điều Thượng Đế đã phán. Đó là lý do tại sao việc đọc Kinh Thánh là điều rất quan trọng đối với bạn; tại sao sự hiểu biết về những điều Kinh Thánh dạy dỗ liên hệ đến sự cứu rỗi linh hồn là điều thiết yếu cho bạn. Biết mình là tội nhân và biết rằng Chúa Cứu Thế đã chịu chết vì mình, là đủ rồi. Biết được sách Giăng, chương 3 câu 16: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại, đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh viễn”, thì đủ rồi. Có nhiều người chưa biết tới trình độ đó cũng đã được biến cải rồi. Nhưng đối với vấn đề như vậy, bạn biết càng rõ càng tốt, và chỉ có cuốn sách duy nhất để học biết về sự cứu rỗi là Kinh Thánh!

Có nhiều người nói: “Tôi không hiểu mấy về Kinh Thánh, nên tôi không cố đọc”. Đó không phải là một thái độ khôn ngoan. Trong Kinh Thánh có nhiều điều tôi không hiểu. Trí óc hữu hạn của tôi không bao giờ hiểu được tất cả về sự vô hạn. Tôi không thấu đáo về vô tuyến truyền hình, nhưng tôi không từ khước vặn máy vô tuyến truyền hình. Tôi chấp nhận điều này bằng đức tin.

Nhưng Thượng Đế không đòi hỏi chúng ta làm một điều quá sức mình. Về vấn đề biến cải, Ngài không đòi hỏi bạn phải nhảy vào bóng tối. Đức tin nơi Chúa Cứu Thế được dựa trên bằng chứng hiển nhiên nhất thế giới là Kinh Thánh. Dù không hiểu biết Kinh Thánh, bạn vẫn có thể tiếp nhận giá trị biểu kiến của những điều đó, vì Thượng Đế đã phán như vậy. Một trong những cuộc tấn công đầu tiên của ma quỉ đối với con người là làm cho con người nghi ngờ Lời của Thượng Đế: “Mà chi, Thượng Đế há có phán?” (SaSt 3:1). Nếu bạn bắt đầu nghi ngờ và đặt dấu hỏi về lời Kinh Thánh, thì bạn đang gặp khó khăn. Phải biết rằng bạn là kẻ có tội. Phải biết rằng Chúa Cứu Thế đã chịu chết vì tội lỗi của bạn, và Ngài đã sống lại để xưng công nghĩa cho bạn. Sự chết, sự chôn và sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu là trọng tâm của Phúc Âm. Tin và nhận thực sự ấy là điều kiện tối thiểu để được biến cải.

Thứ nhì, tình cảm cũng liên hệ trong đức tin. Kinh Thánh chép: “Sự kính sợ Thượng Đế là khởi đầu sự tri thức” (ChCn 1:7) Phao-lô nói: “Do tình yêu thương của Chúa Cứu Thế cảm thúc chúng tôi” (IICo 2Cr 5:14). Mong ước, yêu thương, kính sợ đều là tình cảm. Không thể tách rời tình cảm khỏi đời sống con người. Không có người thông minh nào dám phát biểu: “Hãy vứt bỏ hết tình cảm đi”. Gạt bỏ cá tánh khỏi tình cảm sâu xa là một điều không thể hình dung. Chúng ta không thể tưởng tượng được đời sống mà không có những nét ấm áp của tình cảm. Hãy tưởng tượng chúng ta có một gia đình, trong đó mọi người chỉ hành động với một ý thức bổn phận lạnh lùng. Hãy tưởng tượng là tôi xin kết hôn với vợ tôi sau khi tôi mở đầu giải thích rằng tôi không có cảm tình gì hết với nàng.

Tấn sĩ Sangster nói: “Hãy áp dụng cùng một nguyên tắc trên cho tôn giáo. Bạn đòi hỏi sứ giả của Thượng Đế tuyên cáo sắc chỉ của Vua là tha thứ vô điều kiện và ban phước dư dật, nhưng bạn ngăn cấm không cho phép có một sự hân hoan đi đôi với việc loan báo tin mừng đó hay sự vui vẻ tiếp nhận những tin tức ấy, thì bạn đòi hỏi một điều không thể có”.

Một cuộc tranh đấu mãnh liệt trong tâm tư sẽ xảy ra. Trong từng trải tôn giáo, tình cảm có thể thay đổi khác nhau. Dù kềm chế hay biểu lộthì tình cảm vẫn luôn luôn có đó.

Trong trận thế chiến thứ hai, khi Churchill đọc những bài diễn văn tuyệt tác cho dân chúng Anh, ông kêu gọi họ bằng lý luận, nhưng đồng thời, ông cũng làm cho thính giả cảm xúc. Tôi nhớ có lần nghe ông diễn thuyết tại Glasgow. Không những ông kích thích những tế bào của trí não tôi, nhưng tôi còn cảm thấy như mình đang đứng reo hò và phất cờ! Khi bạn yêu mến Chúa Giê-xu, tình cảm của bạn sẽ phải bị khuấy động lên.

Thứ ba, và quan trọng hơn hết, là ý chí. Vấn đề này giống như ba chàng tí hon – người thứ nhất là “Trí tuệ”, người thứ nhì là “Tình cảm” và người thứ ba là “Ý chí”. Trí tuệ nói rằng Phúc Âm hợp lý. Tình cảm tạo áp lực trên ý chí và nói “Tôi cảm thấy kính mến Chúa Cứu Thế” hoặc “Tôi cảm thấy lo sợ sự phán xét”. Rồi người môi giới là ý chí làm trọng tài. Chàng ngồi đó, tay chống cằm, trầm tư mặc tưởng, cố gắng quyết định. Sự thật chính “ý chí” mới thực hiện quyết định tối hậu và lâu dài. Có người có thể có được niềm xác tín của trí tuệ và cảm xúc của tình cảm, nhưng người ấy vẫn chưa thật biến cải trở lại cùng Chúa Cứu Thế. Đức tin có chân. “Đức tin thiếu hành động là đức tin chết” (Gia Gc 2:20).

Một tấm gương về đức tin.

Cách đây vài năm, tôi nghe nói có một người đẩy một chiếc xe cút-kít qua lại dòng thác Niagara trên một sợi dây cáp. Hằng ngàn người gào thét lên để tán thưởng ông ta. Ông ta chất một bao đất nặng gần một tạ đẩy qua rồi đẩy lại. Kế đó, quay về phía đám đông, ông ta hỏi: “Cóbao nhiêu người trong quý vị tin là tôi có thể đưa một người qua thác bằng cách này không?”

Mọi người đều hoan hô! Có một người đứng ở hàng đầu tỏ vẻ rất hăng hái tin tưởng. Ông ta chỉ vào người đó và nói: “Sau chuyến này, mời anh!”

Người đó lẩn đi ngay, không ai thấy đâu cả! Sự thực người đó không có lòng tin. Anh ta nói rằng mình tin và cũng tưởng rằng mình tin – nhưng không chịu ngồi vào chiếc xe cút-kít.

Đối với Chúa Cứu Thế cũng vậy. Có rất nhiều người nói rằng mình tin Ngài, theo Ngài, nhưng họ không bao giờ “ngồi vào chiếc xe cút-kít của Ngài”. Thật ra họ chưa hoàn toàn phó thác mình cho Chúa Cứu Thế Giê-xu và đầu phục Ngài một trăm phần trăm.

Có nhiều người hỏi: “Thế thì, cần phải có đức tin tới mức nào?” Chúa Giê-xu phán rằng chỉ cần có đức tin bằng “hạt cải”.

Kẻ khác lại hỏi: “Phải có loại đức tin nào?”. Đây chẳng phải là vấn đề loại đức tin đặc biệt nào cả. Thật sự chỉ có một thứ đức tin. Đối tượng của đức tin mới đáng kể. Đối tượng đức tin của bạn là gì? Đối tượng đức tin của bạn phải là Chúa Cứu Thế. Không phải là đức tin nơi nghi thức, nơi của lễ, nơi đạo đức, nơi chính mình mà là nơi Chúa Cứu Thế!

Đến đây Kinh Thánh dạy rằng đức tin tự biểu lộ bằng ba cách. Đức tin biểu lộ trong giáo lý – tức là điều bạn tin. Đức tin biểu lộ trong sự thờ thượng – tức là mối tương giao của bạn với Thượng Đế và với Hội thánh. Đức tin biểu lộ trong hành vi đạo đức – tức là trong lối sống và tác phong của bạn mà chúng ta sẽ thảo luận trong những chương khác.

Kinh Thánh cũng dạy rằng đức tin không chấm dứt với sự tin cậy Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi. Đức tin cứ tiếp tục. Đức tin tăng trưởng. Ban đầu đức tin có thể yếu kém, nhưng sẽ trở nên lớn mạnh khi bạn bắt đầu đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, đi nhà thờ, và từng trải sự thành tín của Thượng Đế trong đời sống Cơ Đốc của bạn. Sau khi ăn năn tội lỗi và tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu bởi đức tin, bạn phải nhờ cậy Ngài gìn giữ, nâng đỡ mình, bổ sức và ban khả năng cho mình. Càng ngày bạn sẽ càng học biết nương cậy nơi Chúa Cứu Thế để được thỏa mãn mọi nhu cầu, đối phó với mọi hoàn cảnh, mọi thử thách. Bạn sẽ học tập đồng thanh Phao-lô mà nói rằng: “Tôi đã bị đóng đinh vào cây thập tự với Chúa Cứu Thế; hiện nay tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi. Những ngày còn sống trong thể xác, tôi sống do niềm tin vào Con Thượng Đế. Ngài đã yêu thương tôi và dâng hiến mạng sống Ngài vì tôi” (GaGl 2:20).

Có đức tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu để được cứu, bạn đã bước thêm một bước trong việc tìm bình an trong Thượng Đế.