Đăng vào: 11 tháng trước
Chương 3: THƯỢNG ĐẾ
Nếu dò xét, có thể tìm thấy Thượng Đế không?
Giop G 11:7
THƯỢNG ĐẾ là ai? Ngài như thế nào? Làm thế nào chúng ta biết chắc có Thượng Đế? Ngài có từ bao giờ? Chúng ta có thể biết được Ngài không?
Ai ai cũng hỏi những câu trên đây – hỏi người khác, hoặc tự hỏi mình, vì khi chiêm ngưỡng thế giới quanh ta, chúng ta không thể không ngạc nhiên về sự sáng tạo. Hằng ngày chúng ta trông thấy phép lạ của sự sống và huyền nhiệm của sự chết, vẻ đẹp của cây cối trổ hoa và sự huy hoàng của khung trời đầy ánh sao, nét hùng vĩ của núi non và sự mênh mông của biển cả. Ai đã dựng nên những điều ấy? Ai đã nghĩ ra định luật về trọng lực để ràng buộc mọi vật vào vị trí thích đáng của chúng? Ai đã truyền lịnh cho ngày và đêm vận chuyển đều đặn theo thời tiết?
Chỉ có thể có một câu trả lời duy nhất là tất cả những việc này và những việc khác là công trình của Đấng Tạo Hóa Chí Cao. Phải có một người vẽ kiểu đồng hồ như thế nào thì cũng phải có một Đấng Tối Cao phác họa vũ trụ chính xác thể ấy. Chúng ta gọi Đấng đó là Thượng Đế. Toàn thể nhân loại đã quen thuộc với danh hiệu này. Từ lúc thơ ấu, chúng ta đã gọi tên Thượng Đế. Kinh Thánh tuyên bố rằng Thượng Đế mà chúng ta nói đến, Thượng Đế mà chúng ta ca ngợi, Thượng Đế nguồn ban ân phước, chính là Thượng Đế tạo dựng nên thế giới này và đặt chúng ta vào đó.
Một người vốn rất khôn ngoan là Benjamin Franklin đã nói: “Tôi sống đã khá lâu, càng sống lâu, tôi càng thấy thêm nhiều bằng chứng mạnh mẽ rằng Thượng Đế điều khiển các công việc của loài người”. Blaise Pascal, một người khôn ngoan viết: “Nếu con người không được tạo ra vì Thượng Đế, thì tại sao chỉ khi được ở trong Thượng Đế con người mới tìm thấy hạnh phúc? Nếu con người đã được tạo ra vì Thượng Đế, tại sao con người chống lại Thượng Đế?” Đây là nan đề của chúng ta.
Nhưng bạn hỏi “Ngài là ai? Ngài ở đâu?” Tất cả chúng ta đều biết danh Ngài. Chúng ta kêu cầu Ngài trong những giờ khó khăn, thử thách nghiêm trọng nhất. Lắm người trong chúng ta luôn luôn suy tư đến Ngài trong những giờ phút chúng ta thức tỉnh. Kẻ khác nói rằng họ không tin Ngài và Ngài không thực hữu. Có kẻ lại nói rằng “Hãy giải thích cho tôi biết Thượng Đế, may ra tôi sẽ tiếp nhận Ngài”.
Đối với những ai đã quan tâm đến ý nghĩa của lịch sử thế giới mà còn thắc mắc: “Thượng Đế như thế nào?” thì câu trả lời rất giản dị là: Thượng Đế chính là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúa Giê-xu đã đến cho nhân loại được thấy Thượng Đế và trở thành Đấng Cứu Chuộc chúng ta thế nào, thì cũng vậy, khi Ngài đã trở về trời rồi, Ngài cũng sai Đức Thánh Linh đến ngự trong lòng kẻ tin Ngài, giúp họ sống sao cho thế gian vô tín cũng được nhìn thấy Chúa Cứu Thế.
Nếu đó là điều bạn cảm thấy, nếu trọn đời bạn đã nghe về Ngài và nói đến Ngài nhưng vẫn còn chờ đợi người nào giải thích về Ngài cho mình rõ, rồi bạn mới có thể đặt lòng tin nơi Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi, thì chúng ta hãy tìm xem Kinh Thánh đã trình bày cụ thể về Ngài như thế nào.
Thượng Đế như thế nào?
Trong giai đoạn quyết định này của lịch sử thế giới, mọi người đều phải tìm cách giải đáp câu hỏi này: “Thượng Đế là ai?” Ai ai cũng nêu câu hỏi ấy và tìm cách xác định câu trả lời. Mọi người phải biết chắc, không chút nghi ngờ rằng Thượng Đế là ai. Và Ngài có khả năng thực hiện những gì? Kinh Thánh chép: “Vì sự thật về Thượng Đế đã được giãi bày cho họ, chính Thượng Đế đã tỏ cho họ biết” (RoRm 1:19).
Căn nguyên của mọi vấn đề làm chúng ta lo âu chính là vì thiếu hiểu biết về Thượng Đế và không chịu vâng lời Ngài. Chính vì con người không biết rõ kế hoạch của Thượng Đế nên thế giới bị xáo trộn. Chính vì con người không bằng lòng học biết và vâng giữ luật pháp của Thượng Đế mà linh hồn chúng ta đầy gánh nặng. Vì vậy chúng ta hãy học hỏi về Ngài càng nhiều càng tốt.
Chúng ta sẽ tìm đâu được sự hiểu biết này? Trong chúng ta ai có thể tỏ cho biết chân lý? Tất cả chúng ta chẳng phải là những tạo vật hữu hạn sao? Thượng Đế liệu có chỉ định người nào trên đất này với thẩm quyền tối hậu để nói về Ngài không? Không có ai cả! Người duy nhất có thể làm điều đó, đã sống cách đây hai ngàn năm, và đã bị chúng ta đóng đinh trên cây thập tự! Vậy làm thế nào chúng ta học hỏi được?
Chúng ta hỏi những học giả uyên bác, họ có thể cho chúng ta biết Thượng Đế là hiện thân của mọi vật trong cõi thiên nhiên và đời sống; tất cả mọi sinh vật đồng nhất với Thượng Đế; chính sự sống là biểu tượng của hữu thể thiên thượng của Ngài. Họ sẽ nói bạn có thể nhìn thấy Thượng Đế trong giọt nước vô cùng li ti cũng như trong khung trời bao la rộng lớn.
Hỏi một triết gia thì ông ta sẽ bảo Thượng Đế là năng lực nguyên thủy và bất di dịch đằng sau mọi tạo vật; Ngài là động cơ chính yếu làm cho thế giới chuyển vận; Ngài là quyền năng vô thủy vô chung. Ông ta sẽ nói sự sống và vẻ đẹp chúng ta thấy là biểu tượng của quyền năng lưu ra từ động cơ đó theo một mạch kín.
Nếu hỏi nữa, bạn sẽ được biết Thượng Đế là Đấng Tuyệt Đối, là mọi sự trong mọi sự, và không ai có thể hiểu biết nhiều hơn về Ngài. Có nhiều định nghĩa khác nhau về Thượng Đế. Tiến sĩ Akbar Haqq bảo rằng thoạt tiên trong ý niệm về Thượng Đế tất cả mọi người đều theo độc thần chủ nghĩa. Mỗi quốc gia, mỗi chủng tộc, mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều cố giải thích Đấng Cao Cả ở đằng sau vũ trụ. Trải mọi thời đại nhân loại đã cố gắng tìm kiếm Đấng Tạo Hóa mà họ không biết, chỉ thấy công trình của Ngài. Trong những lời giải thích trên đây, lời giải thích nào là đúng? Chúng ta phải chấp nhận lý thuyết nào trong những lý thuyết vừa kể? Trong số những vị tự nhận là có thẩm quyền này, chúng ta phải tin theo vị nào?
Như chúng ta đã thấy trong chương trước, Thượng Đế đã tự bày tỏ về chính mình Ngài trong quyển sách chúng ta gọi là Kinh Thánh. Nếu chúng ta tin Kinh Thánh có sự mặc khải về Thượng Đế, thì tâm trí chúng ta có thể được thỏa mãn hoàn toàn và tâm hồn chúng ta đã tìm được lời giải đáp chính xác, chúng ta đang trên đường hiểu biết và nhận thức bản chất chân thật của Thượng Đế.
Trong Kinh Thánh, Thượng Đế tự bày tỏ về chính mình Ngài hằng trăm cách; nếu chúng ta đọc Kinh Thánh chăm chú và đều đặn như đọc nhật báo, chúng ta sẽ quen biết và thành thạo về Thượng Đế như chúng ta biết rành rẽ về các nhân vật trong giới kịch trường.
Một hạt kim cương có nhiều mặt như thế nào thì Thượng Đế cũng có vô vàn phương diện để tự khải thị chính Ngài cho chúng ta thể ấy; dù viết bao nhiêu pho sách vẫn chưa đủ. Vì vậy, với số trang có hạn, chúng ta chỉ có thể đề cập đến bốn phương diện khải thị của Thượng Đế được xem là có ý nghĩa hơn hết, chúng ta đáng phải luôn luôn khắc ghi vào tâm trí.
Thượng Đế là Thần Linh.
Thứ nhất: Kinh Thánh tuyên bố rằng Thượng Đế là Thần Linh. Chúa Giê-xu, khi trò chuyện với người đàn bà bên giếng thành Si-kha (một thành phố Sa-ma-ri, ở giữa nước Do-thái) đã tuyên bố tỏ tường rằng: “Thượng Đế là Thần Linh” (GiGa 4:24).
Bạn nghĩ gì khi nghe đến tiếng Thần? Hình ảnh nào hiện ra trong trí bạn? Có phải bạn có cảm tưởng đó là một đám hơi tỏa bềnh bồng lơ lửng ngang bầu trời? Thần có phải là nhân vật làm cho trẻ con sợ hãi không? Hay Thần là một cái gì không có, vô hình dạng? Phải chăng đó là điều Chúa Giê-xu muốn nói khi Ngài phán: “Thượng Đế là Thần Linh?”
Muốn biết “thần linh” thực sự là gì và Chúa Giê-xu định bày tỏ điều gì khi Ngài dùng chữ đặc biệt đó, chúng ta lại phải mở Kinh Thánh xem Lời Chúa Cứu Thế phán sau khi sống lại: “Hãy rờ đến ta và xem, vì thần linh đâu có thịt xương như ta” (LuLc 24:39). Do đó chúng ta có thể biết chắc rằng thần không có thân thể. Thần là phản diện của thân thể. Tuy nhiên, thần có thân vị và quyền năng. Điều này khó hiểu đối với chúng ta, vì chúng ta muốn tìm hiểu thần bằng trí óc hữu hạn, trói buộc trong thân thể.
Là con người bị tước bỏ cái nhìn vô hạn mà khởi thủy Thượng Đế đã ban cho nhân loại, chúng ta không thể hiểu được sự vinh hiển và vĩ đại của Thần Linh vốn cách xa chúng ta. Khi nghe tiếng “thần” lập tức chúng ta cố thu hẹp “thần” theo tầm vóc của chúng ta, và làm cho “thần” thích hợp với phạm vi nhỏ bé của tâm trí mình. Điều này giống như việc giải thích đại dương mênh mông hùng vĩ, đáng sợ, cho một người chưa bao giờ thấy nguồn nước nào lớn hơn một vũng bùn! Làm thế nào người đó có thể quan niệm được biển cả không bến bờ? Chỉ thấy cái ao nông cạn sình lầy như thế, làm sao người đó có thể dò thấu những vực sâu không đáy, sự sống huyền bí, năng lực đột khởi, sự lôi cuốn không ngừng và sự dữ dội kinh hoàng của bão tố đại dương hoặc vẻ đẹp tuyệt vời của biển cả yên lặng? Chỉ thấy vũng bùn thì làm sao người đó biết được những điều bạn đang nói đến? Bạn sẽ dùng lời lẽ thuyết phục nào để mô tả hùng lực của biển cả? Làm sao bạn có thể khiến người ấy tin rằng thật có một kỳ quan như vậy?
So với ví dụ trên, để hiểu điều Chúa Giê-xu bày tỏ khi Ngài phán: “Thượng Đế là Thần Linh” quả là điều vô cùng khó khăn đối với chúng ta. Chúa Giê-xu biết rõ điều đó! Trí óc Ngài không bị giới hạn như trí óc chúng ta. Mắt Ngài không chăm chú vào vũng bùn của đời sống. Ngài biết rõ phạm vi vô hạn của Thần, và Ngài ngự đến để giúp chúng ta hiểu biết phần nào về công việc kỳ diệu, sự an ủi và sự bình an của Thần.
Chúng ta biết rằng thần linh không bị giới hạn trong thân thể. Thần Linh không bị hao mòn hoặc biến đổi như thân thể. Kinh Thánh tuyên bố rõ rằng Thượng Đế chính là Thần Linh, Ngài không bị giới hạn bởi thân thể, hình dạng, địa giới. Mắt trần chỉ chăm xem vật chất, tuyệt đối không thể đo lường hay không thể nhận Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta biết Thượng Đế không bị giới hạn nên Ngài có thể đồng thời ở khắp mọi nơi, nghe mọi lời, thấy mọi vật và biết mọi điều.
Vì chúng ta không thể có quyền năng đó, nên chúng ta tìm cách giới hạn Thượng Đế như chính chúng ta bị giới hạn. Chúng ta cố phủ nhận rằng Thượng Đế không có quyền năng thực hiện những điều chúng ta không thể làm được. Chúng ta tìm cách nói rằng vì chúng ta không thể ở khắp mọi nơi cùng một lúc nên Thượng Đế cũng thế! Chúng ta giống như người kia sau khi nghe nói về biển, bèn tìm đến bờ biển, lội xuống nước, lấy tay vốc nước và nói: “A, tôi đã chinh phục được biển cả rồi! Tôi đã nắm lấy được đại dương trong tay, và làm chủ đại dương!”. Đúng là người này đã sở hữu một phần của đại dương, nhưng cùng một lúc, biết bao nhiêu người trên bờ biển khác cũng đã lội xuống nước và cho rằng họ cũng làm chủ vài giọt nước biển vậy. Hàng triệu người trên thế gian có thể đi xuống biển, dùng tay hứng lấy nước biển. Họ có thể hứng bao nhiêu nước tùy thích, tùy nhu cầu, nhưng biển vẫn không thay đổi. Cảnh hùng vĩ và sức mạnh của biển vẫn thế, sự sống dưới đáy biển không sao dò được, chẳng biến cải chút nào, mặc dầu biển cả đã thỏa mãn nhu cầu của mọi người tiếp xúc với nó.
Thượng Đế cũng vậy. Ngài ở mọi nơi cùng một lúc, chú ý đến những lời cầu nguyện của mọi người nhơn danh Chúa Cứu Thế, thực hiện những điều kỳ diệu, ràng buộc các vì sao vào vị trí của chúng, khiến cây mọc vươn lên qua lòng đất và cá lội giữa biển khơi. Thượng Đế không bị giới hạn. Sự thông sáng Ngài vô tận. Sức mạnh Ngài vô biên. Lòng yêu thương Ngài không bờ bến. Sự khoan thứ Ngài vô hạn định.
Nếu bạn đang tìm cách giới hạn Thượng Đế, xin hãy dừng lại! Đừng thử hạn chế chính Ngài hoặc những công trình của Ngài vào một địa điểm hay một không gian duy nhất. Bạn sẽ không bao giờ đủ can đảm thay đổi sự vận hành của mặt trăng, chặn đứng không cho quả đất xoay quanh trục của nó. Như vậy, tìm cách giới hạn Thượng Đế là Đấng Sáng Tạo và Kiểm Soát tất cả những kỳ quan đó, quả là điên rồ cùng cực biết bao!
Tôi nhớ ơn mẹ tôi đời đời vì nhiều điều, song có một ân phước bền vững hơn hết mà mẹ tôi đã truyền vào đời sống tôi, ấy là lúc lên mười mẹ dạy rằng “Thượng Đế là Thần Linh, vô thủy, vô chung, đời đời và không thay đổi”. Định nghĩa này về Thượng Đế đã gắn liền với tôi trong suốt cuộc sống và nếu người nào nhận thức được rằng “Thượng Đế là Thần Linh, vô thủy, vô chung, đời đời, bất biến” người ấy sẽ thắng được sự cám dỗ muốn hạn chế Ngài, thắng được mọi ý tưởng hoài nghi về khả năng của Ngài làm những việc mà chính bạn không thể làm được.
Sở dĩ người ta nghi ngờ Kinh Thánh không phải chính là lời của Thượng Đế vì không chịu thừa nhận Ngài làm được bất cứ việc gì mà họ chẳng làm được. Nếu bạn chưa tin chắc Kinh Thánh do Thượng Đế soi dẫn, hãy trở về đọc Kinh Thánh. Hãy đọc Kinh Thánh giống như một người suốt đời chỉ thấy vũng bùn và bây giờ lần đầu tiên đứng đối diện với đại dương. Có lẽ bây giờ bạn mới cảm biết lần đầu tiên về quyền năng vô hạn của Thượng Đế. Có lẽ bây giờ bạn mới hiểu Ngài thật là Đấng nào. Vì nếu Thượng Đế là Thần Linh như Chúa Giê-xu đã tuyên bố thì các vấn đề thiên hựu, quyền cao cả của Thượng Đế trong công việc loài người, và sự soi dẫn những người chép Kinh Thánh không còn là những thắc mắc nữa. Một khi bạn hiểu được Thượng Đế thực sự là ai, thì mọi việc được an bài.
Thượng Đế là một Thân vị.
Thứ hai: Kinh Thánh bày tỏ rằng Thượng Đế là một Thân vị. Trong suốt Kinh Thánh có những câu: “Thượng Đế yêu thương”, “Thượng Đế phán”, “Thượng Đế hành động”. Thượng Đế có mọi đặc tính mà chúng ta cho rằng một thân vị phải có. Thân vị phải có cảm giác, suy nghĩ, ước ao, mong muốn và có thể bày tỏ cá tính của mình.
Trên thế gian này, chúng ta giới hạn cá tính vào thân thể. Trí óc hữu hạn của chúng ta không thể nhìn thấy được cá tính nào không biểu lộ qua thịt và xương. Chúng ta biết rằng cá tính của mình sẽ không luôn luôn mặc lấy thân thể, vì lúc chết, cá tính mình sẽ rời bỏ thân thể để tiến về những mục đích đang đợi chờ. Chúng ta biết tất cả những điều đó – tuy rất khó cho chúng ta chấp nhận như vậy.
Giá như chúng ta đều nhận biết rằng cá tính không sao đồng nhất với vật thể, thì đó quả là một mặc khải kỳ diệu! Thượng Đế không bị hạn chế bởi một thân thể, tuy nhiên Ngài vẫn là một thân vị. Ngài cảm giác, suy nghĩ, yêu thương, tha thứ và chia xẻ những vấn đề rắc rối và nỗi lo buồn chúng ta gặp phải.
Thượng Đế Thánh Khiết và Công Chính.
Thứ ba: Kinh Thánh tuyên bố rằng Thượng Đế không những chỉ là Thần, là Thân vị, mà còn là Đấng Thánh Khiết và Công Nghĩa. Thượng Đế đã bày tỏ rằng Ngài là Thượng Đế Chí Thánh. Ngài hoàn toàn trọn lành và tuyệt đối về mọi phương diện. Ngài thánh khiết không thể dung chịu cuộc sống tội lỗi. Ngài là Thượng Đế Chí Thánh và Trọn Lành.
Giá như chúng ta có thể thấy hình ảnh chân thật về sự công nghĩa và oai nghiêm của Ngài thì cuộc sống cá nhân và quốc gia của chúng ta sẽ thay đổi biết bao! Giá như chúng ta có dịp nhận biết vực sâu bao la chia cách người không công nghĩa với sự công nghĩa hoàn hảo của Thượng Đế, thì thế giới sẽ biến cải trong đầu hôm sớm mai! Kinh Thánh tuyên bố rằng Ngài là Sự Sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm, và Ngài là Đấng Tối Cao không khuyết điểm, không tì vết.
Đây cũng là một ý niệm mà loài người bất toàn không thể hiểu được. Vì đầy dẫy tội lỗi và yếu hèn, chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi sự thánh khiết tuyệt vời của Thượng Đế – nhưng nếu muốn hiểu biết Kinh Thánh và được lợi ích nhờ Kinh Thánh thì chúng ta phải nhìn nhận sự thánh khiết của Ngài.
Từ đầu chí cuối Kinh Thánh nhấn mạnh đến vực sâu chia cách con người bất toàn với Thượng Đế Trọn Lành. Chúng ta thấy điều đó trong việc phân chia nơi đền tạm và đền thờ của dân Do-thái thành nơi thánh và nơi chí thánh. Điều đó cũng được bày tỏ trong của tế lễ mà tội nhân phải cung hiến nếu muốn đến gần Thượng Đế. Ý niệm này được nhấn mạnh trong việc thiết lập một chức tế lễ đặc biệt để làm trung gian giữa Thượng Đế và dân Do-thái, trong các luật lệ của sách Lê-Vi Ký liên quan đến sự ô uế. Chúng ta thấy điều này trong các lễ hội của dân Do-thái và trong sự cô lập của họ ở xứ này. Sự thánh khiết của Thượng Đế chi phối mọi nguyên tắc khác của Ngài.
Kinh Thánh tuyên bố rằng vương quyền của Thượng Đế được thiết lập trên căn bản thánh khiết của Ngài. Vì Thượng Đế là Đấng chí thánh và con người là kẻ ô uế nên có một khoảng cách rộng lớn giữa Thượng Đế và tội nhân không chịu ăn năn. Kinh Thánh cho chúng ta biết những sự bất kính của chúng ta ngăn cách chúng ta với Thượng Đế – ngăn cách hoàn toàn, đến nỗi chúng ta không thấy mặt Ngài và Ngài sẽ không nghe tiếng chúng ta kêu cầu Ngài. Tác giả Thi-Thiên nói: “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa chẳng nghe tôi” (Thi Tv 66:18). Tác giả lại nói: “Mắt Thượng Đế đoái xem người công bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu cầu của họ… Thượng Đế… làm thỏa nguyện mọi người kính sợ Ngài, cũng nghe tiếng kêu cầu của họ và giải cứu cho” (34:15; 145:18, 19).
Thượng Đế quá tinh khiết nên không thể nhìn xem tội ác mà khen chuộng được. Ngài quá thánh thiện nên không thể giao thiệp với tội lỗi. Trước khi tội lỗi xen vào trong nhân loại, Thượng Đế và con người có sự thông công với nhau. Giờ đây sự thông công ấy đã bị gián đoạn; và ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu ra không còn một sự giao thông nào giữa Thượng Đế và con người. Chỉ bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu, con người mới có thể tái lập sự thông công với Thượng Đế. Người ta nói mọi con đường đều dẫn đến Thượng Đế. Nhưng Chúa Giê-xu nói: “Ta là Con đường, Chân lý và Nguồn sống. Nếu không nhờ ta, không ai được đến với Cha” (GiGa 14:6). Ngài cũng phán: “Ta là cái cửa, ai vào cửa này sẽ được cứu rỗi, tự do đi lại và tìm gặp đồng cỏ xanh tươi” (10:9).
Con người vốn là một tội nhân, không thể thay đổi địa vị của mình, không thể dùng miệng lưỡi tội lỗi mà kêu nài đến tai thánh khiết của Thượng Đế. Nếu Thượng Đế không vì lòng thương xót vô hạn mà sai Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu xuống thế gian, để bắc cây cầu qua vực sâu này thì con người chắc phải bị hư mất đời đời.
Sự thánh khiết của Thượng Đế cho chúng ta thấy lý do khiến Chúa Cứu Thế phải chịu chết. Sự thánh khiết đòi hỏi tội lỗi phải bị trừng trị đúng mức; nhưng vì lòng yêu thương, Ngài đã sắm sẵn Chúa Cứu Thế Giê-xu để trả giá cho tội lỗi và ban sự cứu rỗi cho con người. Vì Thượng Đế chúng ta thờ phượng là Thượng Đế thánh khiết, trong sạch, công bình, nên Ngài đã sai Con Một của Ngài đến để giúp chúng ta có thể đến gần Ngài. Nhưng nếu chúng ta không quan tâm đến ơn cứu giúp của Thượng Đế đã ban cho, nếu không chịu vâng theo luật pháp Ngài đã ban hành, thì chúng ta không thể cầu xin Ngài thương xót khi án phạt xứng đáng giáng trên mình.
Thượng Đế là tình yêu.
Thứ tư: Thượng Đế là tình yêu. Cũng như các đặc tính khác của Thượng Đế, nhiều người không đọc Kinh Thánh không thể hiểu được ý nghĩa câu: “Thượng Đế chính là tình yêu” (IGi1Ga 4:8).
Chính chúng ta đã không thật biết mình muốn nói gì khi dùng hai chữ tình yêu. Trong ngôn ngữ của chúng ta, danh từ này đã bị lạm dụng nhiều hơn cả. Chúng ta dùng danh từ tình yêu để diễn tả những mối liên hệ hèn mạt cũng như cao quý hơn hết của con người. Chúng ta nói mình “yêu” nghệ thuật, “yêu” văn chương, “yêu” du lịch, “yêu” sô-cô-la, “yêu” chiếc xe mới, thậm chí chúng ta nói rằng chúng ta “yêu thương” kẻ lân cận. Nhưng phần nhiều chúng ta chỉ nói mà không làm. Thảo nào chúng ta không có một ý niệm chính xác về điều Kinh Thánh muốn nói khi chép: “Thượng Đế là tình yêu”.
Chúng ta đừng lầm lạc suy nghĩ rằng vì Thượng Đế là tình yêu nên mọi việc sẽ diễn ra êm đềm, đẹp đẽ, hạnh phúc và sẽ không bị trừng phạt về tội lỗi mình. Sự thánh khiết của Thượng Đế đòi hỏi mọi tội lỗi phải bị trừng phạt, nhưng tình yêu của Ngài sắm sẵn kế hoạch và phương pháp để cứu chuộc con người tội lỗi. Tình yêu của Thượng Đế đã chuẩn bị thập tự giá để nhờ đó con người được tha tội và thanh sạch. Chính tình yêu của Thượng Đế đã đưa Chúa Giê-xu đến thập tự giá!
Chớ bao giờ nghi ngờ tình yêu vĩ đại của Thượng Đế, vì yêu là một phần bất diệt của Ngài, cũng như sự thánh khiết của Ngài vậy. Dù tội lỗi của bạn có đen tối đến thế nào chăng nữa, Thượng Đế vẫn yêu bạn. Nếu không bởi tình yêu của Thượng Đế, chẳng một người nào trong chúng ta có cơ hội được hưởng phước cứu rỗi trong đời sau. Nhưng Thượng Đế là tình yêu, và Ngài yêu chúng ta mãi mãi. “Nhưng Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi” (RoRm 5:8).
Ngôn ngữ của loài người có thể bày tỏ đến mức nào thì các lời hứa về sự yêu thương và tha thứ của Thượng Đế cũng thiết thực, chắc chắn và tích cực chừng ấy. Nhưng điều đó chẳng khác nào diễn tả đại dương, vì nếu thật sự chưa thấy đại dương, thì không thể hiểu được vẻ đẹp toàn vẹn của đại dương được. Tình yêu thương của Thượng Đế cũng vậy. Nếu bạn chưa thật sự tiếp nhận và nếm trải tình yêu thương ấy, nếu bạn chưa thật sự được hòa hợp với Thượng Đế, không ai có thể diễn tả cho bạn rõ những điều kỳ diệu của tình yêu thương ấy.
Đây không phải là điều bạn có thể thực hiện bằng tâm trí. Trí não giới hạn của bạn không thể hiểu thấu những gì vĩ đại như tình yêu của Thượng Đế. Trí não bạn khó có thể giải thích được tại sao một con bò cái đen có thể ăn cỏ xanh và cho sữa trắng – nhưng bạn lại uống sữa và được bổ dưỡng cách dễ dàng. Trí não bạn không thể lý luận suốt cả những tiến trình tinh tế của một hạt giống nhỏ và dẹp khi đem gieo xuống đất, trở thành một đám dây sinh ra những trái dưa hấu đỏ và ngọt, nhưng bạn lại ăn và thưởng thức hương vị của chúng một cách dễ dàng! Trí não bạn không thể giải thích điện lực tạo ra ánh sáng cho bạn đọc sách ngay lúc này đây, nhưng bạn biết rằng có điện và điện đã giúp bạn đọc sách!
Bạn phải tiếp nhận Thượng Đế bằng đức tin – đức tin trong Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi điều này xảy ra, bạn không còn nghi ngờ gì nữa. Bạn khỏi cần tự vấn rằng Thượng Đế có ở trong lòng mình hay không, vì chính bạn biết được điều đó.
Khi người ta hỏi tôi làm sao biết chắc Thượng Đế thật sự là ai, tôi liên tưởng đến một cậu bé thả diều. Hôm đó trời rất đẹp, rất tiện thả diều, gió hiu hiu và trên trời những cụm mây lớn trôi nhanh. Diều lên cao, cao mãi cho đến khi bị mây che.
Một người hỏi cậu bé: “Em đang làm gì đó?”
Em trả lời: “Dạ, đang thả diều”.
Người kia nói: “Em thả diều thật à? Làm sao em biết chắc là em đang thả diều? Em đâu có trông thấy nó.”
Cậu bé đáp: “Thưa không! tuy em không trông thấy diều, nhưng lúc nào em cũng cảm thấy dây giựt, và như vậy em biết chắc rằng diều còn đang bay”.
Đừng mong ai khác chỉ cho mình thấy Thượng Đế. Hãy tự tìm kiếm Ngài, và nhờ sự rung động ấm áp trên đường tơ lòng bạn, bạn sẽ biết rằng chắc chắn Ngài hiện hữu.