Chương 5: MA QUỈ

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 5: MA QUỈ

Vì chúng ta không chiến đấu với người trần gian nhưng với quyền lực vô hình đang thống trị thế giới tối tăm và với các tà linh trên trời.

Eph Ep 6:12

TRONG mọi biến cố ngày nay, ta thấy ẩn tàng một nguyên tắc của ma quỉ. Kinh Thánh chép: “Con rắn xưa, có tên là Quỉ vương hay Sa-tan, là Kẻ lừa dối cả thế giới” (KhKh 12:9). Chúng ta biết rằng ma quỉ đang âm mưu gây xáo trộn cho mọi người, mọi quốc gia. Đâu đâu ta cũng thấy công trình xảo quyệt của nó.

Trong khi hy vọng rằng nền hòa bình thế giới đã gần kề, hầu như chúng ta đang sống trên bờ vực của trận chiến Ha-ma- ghê-đôn. Từ năm 1945 đến 1979 có hàng trăm cuộc chiến lớn nhỏ là nguyên nhân của 12, 13 triệu cái chết. Chính vì Sa-tan nhất quyết muốn cho dòng dõi tối tăm sầu thảm của nhân loại cứ tiếp tục trên con đường xao động của mình cho đến lúc tận cùng thời gian. Thắng được A-đam trong vườn Địa đàng, Sa-tan tin chắc có thể giành giựt được linh hồn con cháu của người.

Trong thế giới hiện đại, không có người nào biết suy nghĩ mà không từng thắc mắc về sự hiện hữu của ma quỉ. Ma quỉ có thật, không thể chối cãi. Chúng ta thấy quyền lực và ảnh hưởng của nó khắp mọi nơi. Vấn đề không phải có ma quỉ hay không nhưng là vì sao ma quỉ thành hình và thành hình như thế nào.

Qua truyện tích A-đam và Ê-va chúng ta biết rằng ma quỉ đã có mặt trên địa cầu trước khi Thượng Đế dựng nên con người đầu tiên. Lúc ấy đã có điều ác rồi; nếu không, Thượng Đế đã không dựng nên một cây biết điều thiện và điều ác, và nếu con người không cần được bảo vệ đối với điều ác thì không cần và không thể có cây ấy.

Phải chăng Thượng Đế tạo ra điều ác?

Ở đây chúng ta đối diện với một sự mầu nhiệm lớn lao nhất, ý nghĩa nhất trong tất cả các sự mầu nhiệm, một câu hỏi khó trả lời nhất trong tất cả các câu hỏi. Tại sao Thượng Đế là Đấng toàn năng, toàn khiết và toàn ái lại sáng tạo nên điều ác hay cho phép Sa-tan tạo nên điều ác? Tại sao A-đam phải bị cám dỗ? Tại sao Thượng Đế lại không giết chết ma quỉ khi nó nhập vào thân thể con rắn để truyền những ác tưởng cho Ê-va?

Kinh Thánh đã cho chúng ta vài gợi ý về câu trả lời. Nhưng Kinh Thánh cũng nói rõ rằng con người không nhất thiết phải biết lời giải đáp trọn vẹn cho đến khi Thượng Đế cho phép ma quỉ và tất cả những phương lược của nó hoàn thành kế hoạch lớn lao của chính Ngài.

Trước khi A-đam bị sa ngã, và rất lâu trước khi A-đam có mặt trên thế gian, hình như vũ trụ của Thượng Đế được chia ra làm nhiều vùng ảnh hưởng, mỗi vùng ở dưới sự trông nom và kiểm soát của một thiên sứ hay một hoàng tử của thiên đàng, tất cả đều chịu trách nhiệm trực tiếp với Thượng Đế. Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta biết về “ngôi vua hay chủ tịch nhà nước, chính quyền hay các nhà lãnh đạo” thuộc thế giới hữu hình lẫn vô hình (CoCl 1:16; Eph Ep 1:21). Kinh Thánh thường đề cập đến thiên sứ và thiên sứ trưởng, chứng minh rằng giữa họ có một trật tự đã được thiết lập, một số thiên sứ này có quyền lực hơn các thiên sứ kia.

Ma quỉ chắc phải là hoàng tử của Thiên Đàng có quyền lực như đã nói ở trên và có lẽ địa cầu được giao cho nó phụ trách đặc biệt như một tỉnh vậy. Mang tên là Lu-xi-phe có nghĩa là “người cầm đuốc” chắc nó phải gần gũi với Thượng Đế – gần đến nỗi sự tham muốn nhập vào lòng và nó nhất định không chịu làm hoàng tử thân yêu của Ngài, nhưng muốn được đặt ngang hàng với chính Ngài! Lu-xi-phe không phải là đối thủ của Thượng Đế, nhưng là đối thủ của Mi-ca-ên hay Gáp-ri-ên; nó không phải là một vị thần bị sa ngã mà là một thiên sứ đã sa ngã. Chính bấy giờ sự rạn nứt mới xảy ra trong vũ trụ. Chính lúc ấy vũ trụ vốn hoàn hảo và điều hòa theo ý Thượng Đế – đã bị phân rẽ, và một phần của vũ trụ chống nghịch lại Thượng Đế. Ma quỉ đã làm nhục Thượng Đế và cố thiết lập quyền uy của nó. Nó từ bỏ địa vị của mình trong chính quyền của Thượng Đế và hạ xuống những tầng trời thấp hơn, tự xưng mình sẽ giống như Đấng Tối Cao tức là Thượng Đế. Nó đã được Thượng Đế đặt vào ngôi vị hoàng tử của thế gian này; và Thượng Đế chưa truất phế nó ra khỏi địa vị đó, mặc dù căn bản công nghĩa của sự truất phế đó đã được xây dựng bằng sự chết của Chúa Cứu Thế. Và từ ấy đến nay, ma quỉ vẫn tiếp tục tranh chấp với Thượng Đế trên mặt đất.

Vương quốc của ma quỉ.

Là một hoàng thân quyền uy với vạn thiên sứ dưới tay, ma quỉ đã thiết lập một vương quốc trên thế gian. Chính quyền lực và địa vị của nó tại nơi này là những lý do đích thực để Kinh Thánh được viết ra. Nếu Sa-tan không làm nhục Thượng Đế và tìm cách thách thức năng lực và quyền uy của Ngài thì câu chuyện A-đam trong vườn Địa đàng đã khác hẳn. Nếu Sa-tan không đứng ra chống đối Thượng Đế thì Ngài đã không cần ban Mười Điều Răn cho loài người, cũng không cần sai Con Ngài lên thập tự giá.

Chúa Giê-xu và các sứ đồ Ngài đều biết rõ về ma quỉ. Mã-thi ghi chép cuộc đàm thoại thực sự giữa Chúa Giê-xu và ma quỉ (Mat Mt 4:1-10). Ma quỉ là một sự kiện có thật đối với các thầy Biệt-lập (những người giữ đạo Do-thái một cách nghiêm nhặt về hình thức, họ thường bắt bớ các Cơ Đốc nhân), đến nỗi họ đã thực sự lên án Chúa Giê-xu là ma quỉ! (Mat Mt 12:24). Chúa Giê-xu không nghi ngờ gì về sự hiện hữu của ma quỉ và quyền năng hành động của nó trên mặt đất.

Sức mạnh của ma quỉ được mô tả trong sách Giu-đe câu 9: “Đến như Mi-ca-ên, là một trong những vị thiên sứ lớn nhất, khi tranh luận với quỉ vương về thi hài Mai-sen, cũng chẳng nặng lời tố cáo mà chỉ nói: “Cầu Thượng Đế khiển trách ngươi.”

Ngày nay vị cách của ma quỉ bị lẫn lộn mơ hồ, phần lớn là hậu quả của những bức hí họa rất quen thuộc thời trung cổ về ma quỉ. Muốn bớt sợ ma quỉ, người ta tìm cách chế nhạo nó, mô tả nó như nhân vật ngu ngốc, thô lỗ, có sừng và đuôi dài, tay cầm cái đinh ba, với cái nhìn đầy tham muốn đần độn, rồi họ tự nhủ: “Ai lại đi sợ một khuôn mặt kỳ dị như thế này?”

Sự thật, ma quỉ là một nhân vật cực kỳ thông minh, một thần linh mạnh mẽ có năng khiếu và rất mưu lược. Chúng ta quên rằng rất có thể ma quỉ là thiên sứ vĩ đại và cao trọng nhất trong tất cả thiên sứ của Thượng Đế. Ma quỉ vốn là một hình ảnh cao cả đã quyết định dùng những điều phú bẩm thiên thượng vào những mục đích riêng tư thay vì dùng vào mục đích của Thượng Đế. Lối biện luận của ma quỉ rất khôn khéo, các kế hoạch của nó rất thần tình, và lý luận của nó hầu như không thể bác bẻ được. Kẻ thù mạnh mẽ của Thượng Đế không phải là một nhân vật vụng về có sừng và đuôi; đó là một hoàng tử có vóc dáng kiêu kỳ oai vệ, có mánh khóe xảo quyệt, có khả năng lợi dụng mọi cơ hội xảy đến, và xoay chuyển mọi hoàn cảnh để làm lợi cho chính nó.

Ma quỉ có đủ khả năng để tạo nên một tiên tri giả mà Kinh Thánh đã báo trước. Bên trên sự phá sản của lòng vô tín và sự xao xuyến của đức tin, ma quỉ sẽ hoàn thành kiệt tác của nó, là vị vua giả. Nó sẽ thiết lập một tôn giáo không có Đấng Cứu chuộc. Nó sẽ xây dựng một giáo hội không có Chúa Cứu Thế; nó sẽ hướng dẫn thờ phượng không có Kinh Thánh.

Sứ đồ Phao-lô đã dự đoán điều này khi ông nói: “Tôi sợ anh em suy tư lầm lạc, mất lòng trong sạch chuyên nhất với Chúa Cứu Thế, như Ê-va ngày xưa bị Con Rắn dùng quỷ kế lừa gạt. Vì nếu có người đến tuyên truyền một thần linh khác với Chúa Giê-xu chúng tôi đã truyền giảng, hoặc một tinh thần khác với Thánh Linh anh em đã nhận… anh em cũng sẵn sàng hưởng ứng! Họ là sứ đồ giả hiệu, công nhân gian trá, mạo làm sứ giả của Chúa Cứu Thế” (IICo 2Cr 11:3, 4, 13).

Ma quỉ và Kẻ chống đối Chúa Cứu Thế.

Chúng ta biết rằng kẻ chống đối Chúa Cứu Thế sẽ xuất hiện và tìm cách đánh lừa tâm trí loài người. Thì giờ đã đến gần, sân khấu đã bố trí xong – nỗi rối loạn, hoảng hốt và sự sợ hãi đầy dẫy khắp nơi. Các dấu hiệu của tiên tri giả đang lan tràn khắp nơi, và nhiều người có thể là chứng nhân sống của giờ phút kinh dị, lúc màn cuối cùng của tấn bi kịch trải suốt bao thời đại chúng ta. Rất có thể điều này sẽ xảy ra trong thời đại của chúng ta vì cớ các biến cố gia tăng tốc độ biến chuyển; đâu đâu chúng ta cũng thấy con người lựa chọn một cách có ý thức hay vô ý thức – hoặc theo đường lối của ma quỉ, hoặc theo đường lối của Thượng Đế.

Đó sẽ là một trận tử chiến theo nghĩa thật của nó – một trận chiến không cho phép dung tha hay nhân nhượng. Giai đoạn nhân bản của cuộc chiến bắt đầu trong vườn Ê-đen khi ma quỉ cám dỗ loài người lánh xa Thượng Đế, lôi cuốn hằng tỉ người hiếu chiến, mỗi người hành động theo ý riêng mình. “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy, Thượng Đế đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người” (EsIs 53:6). Điều này sẽ tiếp diễn cho đến tận thế, khi một trong hai thế lực – thế lực của điều thiện và điều ác – chiến thắng, đưa Vua Thật hay vua giả lên ngôi.

Vào giờ phút này của lịch sử, có hai Tam-vị-nhất-thể mạnh mẽ đối đầu nhau. Tam-vị-nhất-thể của Thượng Đế (Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh) và Tam-vị-nhất-thể giả hiệu mà Sa-tan muốn chúng ta thờ phượng. Tam-vị-nhất-thể của tội ác (ma quỉ, kẻ chống đối Chúa Cứu Thế, và tiên tri giả) được diễn tả trong Khải thị: “Tôi thấy có ba tà linh giống như ếch nhái ra từ miệng con rồng, miệng con thú và miệng tiên tri giả” .

Dù thức hay ngủ, không giây phút nào đời sống bạn không có hai thế lực đó; không có cơ hội nào mà bạn không thể quyết định chọn lựa đi theo thế lực này hay thế lực kia. Ma quỉ luôn đứng bên này để cám dỗ, nịnh hót, đe dọa, dỗ dành bạn. Và bên kia bạn luôn có Chúa Giê-xu, Đấng toàn ái, tha thứ tất cả, chờ đợi bạn quay trở về với Ngài, yêu cầu Ngài giúp đỡ, chờ đợi để ban cho bạn quyền năng siêu nhiên chống lại ma quỉ. Bạn phải đứng về phía bên này hoặc phía bên kia. Không hề có vùng-đất-không-người ở giữa, để bạn có thể ẩn trốn.

Trong những lúc bạn lo sợ bối rối nhất, lúc bạn cảm thấy mình bất lực trước móng vuốt các biến cố bạn không sao kiểm soát được, trong khi sự chán nản và thất vọng tràn ngập lòng bạn, chính những lúc đó ma quỉ lợi dụng những nhược điểm của bạn để đẩy bạn đi xa vào con đường A-đam đã theo.

Những lúc nguy hiểm này hãy nhớ rằng Chúa Cứu Thế không bỏ rơi bạn. Ngài không để bạn trong thế vô phương chống đỡ. Ngài đã chiến thắng Sa-tan trong giờ phút bị cám dỗ và thử thách, nên Ngài hứa rằng bạn cũng thế, có thể chiến thắng kẻ cám dỗ hằng ngày. Hãy nhớ rằng “Các con đã thuộc về Thượng Đế và chiến thắng những kẻ chống nghịch Chúa Cứu Thế, vì trong các con có Đấng mạnh mẽ hơn thần linh ở trong thế gian” (IGi1Ga 4:4).

Kinh Thánh cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho chúng ta biết về tình thương của Thượng Đế. Kinh Thánh luôn luôn cảnh cáo về việc ma quỉ sẽ xen vào giữa chúng ta và Thượng Đế, tìm cơ hội dỗ dành để đưa linh hồn con người vào cạm bẫy. “Hãy cẩn thận, canh phòng đối phó cuộc tiến công của Sa-tan, tên đại tử thù của anh em. Nó lảng vảng quanh anh em như sư tử gầm thét tìm mồi, chực vồ được người nào là xé xác ngay” (IPhi 1Pr 5:8). Kinh Thánh mô tả một thứ ma quỉ có cá tính con người, kiểm soát một đạo binh gồm nhiều tà thần đang tìm cách thống trị và kiểm soát tất cả mọi sinh hoạt của nhân loại. “Bạo chúa của đế quốc không gian, hiện đang hoạt động trong lòng người chống nghịch Thượng Đế” (Eph Ep 2:2).

Đừng nghi ngờ sự hiện hữu của ma quỉ.

Đừng bao giờ nghi ngờ về sự hiện diện của ma quỉ! Ma quỉ có cá tính và rất thật. Nó rất khôn ngoan! Nếu các bạn còn thắc mắc về cá tính của ma quỉ, hãy nhìn trang nhất của tờ nhật báo hôm nay. Nếu bạn cần chứng minh cụ thể, hãy đón nghe chương trình phát thanh hoặc đón xem chương trình truyền hình. Những người đầu óc bình thường không bị móng vuốt của ác tật lại có thể hành động như thế sao? Có thể nào những tấm lòng chỉ chứa tình yêu thương và nhân hậu của Thượng Đế lại có thể quan niệm và thực hành những việc tàn bạo và gian manh mà báo chí tường thuật mỗi ngày? Có thể nào những người có giáo dục, thông minh và ý chí lương thiện ngồi quanh bàn hội nghị quốc tế lại hoàn toàn không hiểu biết nhu cầu và mục tiêu của nhau nếu sự suy tư của họ không bị mây mờ cố ý che phủ và làm hư hoại?

Mỗi lần tôi nghe một người “sáng suốt” của thời đại chúng ta phủ nhận sự hiển nhiên của một thứ ma quỉ có cá tính, được cá nhân hóa chỉ huy một đạo binh ác thần, tôi bỗng nhớ tới bài thơ sau đây của Alfred J. Hough!

Con người bây giờ không tin ở ma quỉ như cha ông họ; Họ đã mở toang cửa của giáo điều rộng rãi nhất để cho vua của họ đi qua. Vì thế giới cho rằng ngày hôm nay người ta không còn tìm thấy được trên mặt đất hay trong không gian một dấu chân nào hay một tên lửa nào từ chân mày của ma quỉ phát ra. Ai rình rập bước chân của vị thánh đồ cực nhọc và đào hố cho người sụp chân? Ai gieo cỏ dại trong đồng khi Thượng Đế gieo lúa mì? Người ta cho rằng ma quỉ không làm việc ấy, và dĩ nhiên, điều đó có thật; Nhưng ai đang thực hiện công việc mà chỉ có ma quỉ mới có thể làm? Người ta nói rằng ma quỉ ngày nay không đi đây đi đó như một con sư tử gầm thét. Nhưng chúng ta sẽ qui trách nhiệm cho ai về những xáo trộn triền miên trong gia đình, trong quốc gia, và cả đến những nơi hẻo lánh nhất của địa cầu. Nếu người ta đồng thanh cho rằng không biết ma quỉ chốn nào mà tìm? Có ai chịu tiến lên trước, cúi chào và cho biết tại sao những sự bịp bợm và bạo hành lại xảy ra hằng ngày. Chúng tôi rất muốn biết! Người ta đã chấp nhận khá chắc chắn rằng ma quỉ không có mặt và dĩ nhiên ma quỉ đã đi rồi; Nhưng những người dân thường muốn biết ai đang tiếp tục điều hành công việc ấy?

Quả thật, ai là người chịu trách nhiệm về sự đê hèn, kinh khiếp và thống khổ xảy ra chung quanh chúng ta? Nếu tội ác không phải là một năng lực mạnh mẽ thì làm thế nào chúng ta xác định được những sự đau khổ mà tất cả chúng ta đều từng trải? Nếu vì những phát minh được cho là khoa học mà chúng ta không tin vào quyền năng siêu phàm của Sa-tan thì nền giáo dục mới đã thực sự ngăn trở đầu óc ta.

George Galloway đã tóm lược các kết quả đáng nghi ngờ của nền giáo dục hiện nay như sau: “Nói chung trí thức tân tiến ngày nay loại bỏ lý thuyết cho rằng trong vũ trụ có một năng lực hay nguyên lý, hữu ngã hay vô ngã vĩnh viễn chống đối Thượng Đế”.

Khối óc tân tiến có thể loại bỏ nó thật, nhưng điều này không làm cho chính nguyên lý tội ác biến thể. Tâm trí hiện đại có thể gạt bỏ nó, nhưng việc ấy không khiến cho nguyên lý của điều ác tự nhiên biến mất. Có lần Martin Luther được hỏi làm thế nào để thắng hơn Sa-tan, ông đáp: “À, khi nó tới, gõ cửa lòng tôi và hỏi: ở trong đó?“thì Chúa Giê-xu yêu dấu của tôi sẽ ra cửa và nói: “Đây là chỗ thường trú của Martin Luther nhưng hắn đã dọn nhà đi rồi. Bây giờ thì ta ở đây“. Khi ma quỉ thấy dấu đinh trên đôi bàn tay Ngài, thấy bên sườn bị đâm, nó bèn lập tức bỏ chạy”.

Tội lỗi là điều chắc chắn.

Tội lỗi quả là một sự kiện ghê tởm! Nó là một lực quá lớn thách thức tất cả những điều thiện con người có thể cố gắng thực hiện. Nó như một bóng tối luôn sẵn sàng bao phủ bất cứ ánh sáng nào từ trên cao muốn đến với ta. Tất cả chúng ta đều rõ và thấy điều này. Ai cũng ý thức điều đó trong mỗi một hành động của mình. Muốn gọi nó là gì thì gọi, chúng ta đều biết về sự thực hữu hiển nhiên của nó “Vì chúng ta không chiến đấu với người trần gian nhưng với quyền lực vô hình đang thống trị thế giới tối tăm này và với các tà linh trên trời” (Eph Ep 6:12).

Những người phủ nhận sự hiện hữu của ma quỉ và đồng bọn nó làm sao giải thích được tốc độ bành trướng của tội ác đây? Làm sao có thể cắt nghĩa những chướng ngại không cùng, nằm trên con đường của người công nghĩa? Làm sao có thể chối cãi được rằng tàn phá và tai họa thì xảy ra rất nhanh chóng, trong khi kiến thiết và trùng tu lại tiến hành chậm chạp một cách khó nhọc?

Nếu bạn thổi vào không khí một điều gian dối, hay thốt ra một lời vu oan – bạn sẽ thấy lời nói như được phép thuật mang đi đến những chân trời góc bể xa xôi nhất. Nhưng nếu bạn nói sự thật, thực hiện một việc gì quảng đại và lương thiện – bạn sẽ thấy lập tức có những lực vô hình ra tay cố che đậy ánh sáng và niềm hy vọng nhỏ bé ấy.

Cách đây 30 năm khi quyển sách này được viết ra lần đầu không ai tính chuyện xây cất nhà thờ cho ma quỉ, hoặc lập nên các tòa giảng để truyền rao lời của nó. Thế nhưng ngày nay đã có. Lời nói của ma quỉ ở khắp mọi nơi và rất nhiều trường hợp lời nói của ma quỉ được diễn dịch thành những hành động tuyệt vọng. Nếu không có một năng lực vô hình nào đang hành động làm hư hoại tâm linh và làm méo mó tư tưởng con người, bạn làm sao giải thích được lòng hăm hở của con người muốn nghe những gì đê hèn, hạ cấp, xấu xa, và làm ngơ trước những gì đẹp đẽ, tinh sạch, thuần khiết? Người ta chỉ cần lắng nghe những lời phạm thượng đê tiện, cũng đủ biết là Sa-tan vẫn còn sống và mạnh giỏi trên thế gian này.

Trong chúng ta có người nào, dù chỉ một người thôi, lại từ chối một trái chín ngon để lựa lấy một trái thúi có sâu bọ và có mùi hôi vì hư nát, nếu chúng ta không bị một mãnh lực lớn lao và quỉ quái bắt buộc phải chọn lựa như vậy? Thế nhưng, đó chính là điều tất cả chúng ta vẫn thường làm. Chúng ta luôn luôn bỏ qua những kinh nghiệm phong phú, đẹp đẽ và cao quý để đi tìm cái hào nhoáng rẻ tiền và hạ cấp. Những điều này là công trình của ma quỉ, và chúng đầy dẫy khắp nơi!

Cuộc chiến đấu giữa thiện và ác.

Những điều chúng ta chứng kiến trên thế gian chỉ là phản ảnh những cuộc tranh đấu rộng lớn hơn giữa thiện và ác trong thế giới vô hình. Chúng ta thường cho rằng hành tinh của chúng ta là trung tâm điểm của vũ trụ và chúng ta chú trọng quá nhiều vào những biến cố của thế gian. Niềm kiêu hãnh ngông cuồng khiến chúng ta chỉ nhìn nhận và ghi nhớ những gì hiển hiện trước mắt phàm của chúng ta mà thôi. Nhưng có một cuộc tranh đấu vô cùng lớn lao đang diễn ra trong thế giới mà mắt chúng ta không thể thấy được.

Những nhà thông thái thời xưa đã biết rõ điều này. Họ hiểu rằng có nhiều điều mắt người không thể phân biệt được và tai người không nghe được. Con người ngày nay thích cho rằng họ “sáng tạo” truyền thanh truyền hình và máy điện toán, và họ có khả năng truyền qua không gian những âm thanh nghe được và những hình ảnh thấy được. Thực ra, những làn sóng đó vẫn từng có mà loài người không biết, và có những kỳ quan khác trong không gian lớn lao hơn nhiều mà con người không bao giờ biết đến mảy may. Những kỳ quan này vẫn còn đó và những đấng tiên tri ngày xưa đã biết – dẫu chỉ biết sơ sài về phạm vi của nó hay chỉ nghe âm vang hết sức yếu ớt của trận chiến dữ dội giữa các tinh cầu.

Một trong những giá mà A-đam phải trả vì đã nghe lời ma quỉ là không còn khả năng nhìn thấy được những tầm vóc thuộc linh. A-đam đã khiến cho chính mình và cho cả thảy nhân loại mất đi khả năng nghe, thấy và hiểu biết những gì không có tính cách vật chất tầm thường. A-đam đã tự ngăn cách mình bên ngoài vòng những kỳ quan và sự rạng rỡ của thế giới vô hình. A-đam đã mất quyền tiên tri thật, mất khả năng nhìn về tương lai để nhờ đó có thể hiểu biết và thực hiện công việc của hiện tại. A-đam đã mất giác quan của sự liên tục, của sự hòa đồng với vũ trụ và mọi sinh vật. A-đam đã tự ngăn cách chính mình với Thượng Đế và trở thành một người xa lạ trong thế giới của Ngài. Ông đã thật sự “chết trong sự gian ác và tội lỗi mình”. Ông đã khiến mình bị “vong thân”, xa cách Thượng Đế.

G. Cambell Morgan nói: “Khoảng cách giữa chúng ta với Thượng Đế là việc chúng ta không thể biết được và lãnh hội được cái thật gần. Đó là khoảng cách của người mù với ánh hào quang của bức tranh ngay trước mặt anh ta. Đó là khoảng cách giữa người điếc với vẻ đẹp của âm thanh bản giao hưởng đang vang lên quanh anh. Đó là khoảng cách giữa người vô cảm giác với tất cả sự hoạt động của đời sống mà anh ta đang sống”.

Nhưng nếu thảm kịch hay sự đau ốm đến với chúng ta, nếu chúng ta đau khổ vì hậu quả tội lỗi của chính chúng ta thì chúng ta lại lập tức trách móc Thượng Đế về điều đó! Chúng ta tỏ ra kiên nhẫn và hiểu biết đối với máy vô tuyến truyền hình khi chúng không hoạt động như ý, nhưng chúng ta vội trách cứ Thượng Đế và vũ trụ của Ngài khi chúng ta có một hình ảnh méo mó về vũ trụ đó.

Nếu có người nào khác phát đạt trong công việc, nếu người nào đó chúng ta cho là không xứng đáng thành công trong khi chúng ta thất bại, thì chúng ta sẽ gào lên cho rằng Thượng Đế bất công. Chúng ta đòi phải giải thích tại sao Thượng Đế cho phép những điều bất công như thế xảy ra! Chúng ta đã quên sự kiện rằng Thượng Đế giống như một đài phát hình vô tuyến trung ương vĩ đại, luôn luôn phát ra hình ảnh hoàn hảo của tình thương và sự công nghĩa, và máy thu hình hỏng chính là chúng ta.

Điều ác dưới mắt chúng ta.

Chính tội ác và sự méo mó trong chúng ta đã không cho chúng ta thấy và nếm trải thế giới toàn thiện của Thượng Đế. Chính tội lỗi chúng ta đã làm mờ hình ảnh, đã khiến chúng ta thay vì làm con cái thánh khiết của Thượng Đế, lại trở thành con cái của sự độc ác. Phao-lô đã lên tiếng thay cho tất cả chúng ta khi ông phát biểu: “Tôi chẳng làm điều mình muốn, lại làm điều xấu mình không muốn” (RoRm 7:19). Phao-lô đã nhận biết kẻ thù ghê gớm, kẻ đối nghịch của tất cả nhân loại và ông đã kêu lên: “Thật bất hạnh cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát ách nô lệ của thể xác tội lỗi hư hoại này? Tạ ân Thương Đế, tôi được giải cứu nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta” (7:24, 25).

Đối với Phao-lô, có hai thế lực đối nghịch rất rõ rệt và ông đã nhận biết sâu sắc là mình đã bị giằng xé giữa hai từ lực đó. Sức mạnh của điều thiện lôi kéo tâm trí ông hướng về phía Thượng Đế, trong khi sức mạnh của tội ác cố lôi kéo thân thể ông xuống chỗ chết chóc và diệt vong.

Bạn cũng đang bị mắc vào hai mãnh lực đó: sự sống và sự chết. Hãy chọn lấy con đường của Thượng Đế vì đó là sự sống. Nếu bạn chọn con đường của Sa-tan tức là bạn chọn con đường của sự chết.