Chương 10: ĂN NĂN LÀ GÌ?

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Chương 10: ĂN NĂN LÀ GÌ?

Thiên đàng sẽ vui mừng vì một tội nhân ăn năn quay về Thượng Đế,

hơn chín mươi chín người công chính không cần phải ăn năn.

LuLc 15:7

CHÚNG ta thấy Chúa Giê-xu đòi hỏi người ta phải biến cải; và biết rằng ba yếu tố của biến cải là ăn năn, tin nhận và tái sanh. Vấn đề có thể tranh luận là ba yếu tố này xảy ra theo thứ tự nào, nhưng nói chung người ta đồng ý rằng có lẽ cả ba xảy ra cùng một lúc. Dù ý thức hay không ý thức, ba yếu tố này cũng xảy ra đồng thời chính lúc ta biến cải.

Nếu có thể dùng một từ ngữ để mô tả sự ăn năn, tôi sẽ dùng chữ từ bỏ. Bạn sẽ hỏi: “Từ bỏ gì?” Câu trả lời có thể gồm trong một danh từ – “tội lỗi”. Như đã thấy, Kinh Thánh dạy rằng tội lỗi là sự vi phạm luật pháp. Tội lỗi là không phục tùng quyền hành của Thượng Đế và chối bỏ tất cả bổn phận đối với Ngài. Tội lỗi là nguyên tắc xấu xa đã xâm phạm vườn Ê-đen lúc A-đam cùng Ê-va bị cám dỗ và sa ngã. Từ lúc xảy ra tai họa trong vườn Ê-đen, nọc độc của ác tật đã ảnh hưởng trên cả nhân loại, đến nỗi “mọi người đều phạm tội” và “chẳng có một người nào công chính dù chỉ một người thôi”. Tội lỗi đã hủy diệt mối tương giao giữa chúng ta với Thượng Đế; do đó, làm rối loạn sự tương giao giữa chúng ta với nhau và cả với chính mình nữa.

Chúng ta không thể sống bình an với Thượng Đế, hoặc bình an giữa chúng ta với nhau trên đời, hoặc bình an trong lòng, cho đến khi đã giải quyết xong tội lỗi là “điều gớm ghiếc mà Thượng Đế ghét bỏ”. Chẳng những chúng ta phải từ bỏ tội lỗi, nhưng còn phải từ bỏ’ ‘các tội lỗi nữa. Chúng ta phải từ bỏ thế gian, xác thịt và ma quỉ. Không thể nào chấp nhận sự thương thuyết, điều đình, thỏa hiệp, hay do dự. Chúa Cứu Thế đòi hỏi sự từ bỏ tuyệt đối.

Ăn năn và Đức tin.

Đến đây, yếu tố tình yêu lại liên hệ vào vấn đề, vì khi hoàn toàn và tuyệt đối kính mến Chúa Giê-xu, bạn chẳng bao giờ muốn làm những điều Ngài khinh ghét. Một khi đầu phục Chúa Giê-xu bằng đức tin, tự nhiên bạn sẽ từ bỏ tất cả những tội lỗi của đời sống mình. Do đó, ăn năn và tin nhận đi đôi với nhau. Bạn không thể nào ăn năn thực sự mà không có đức tin cứu rỗi và không thể có đức tin cứu rỗi nếu không thật ăn năn.

Danh từ ăn năn ngày nay đã vắng bóng cách đáng buồn trên các tòa giảng. Đó là một danh từ không phổ thông một chút nào. Bài giảng đầu tiên của Chúa Giê-xu là: “Hãy ăn năn tội lỗi, quay về Thượng Đế, vì Nước Trời gần đến” (Mat Mt 4:17). Đó là điều Thượng Đế phán qua Con Ngài. Chúa Giê-xu đã đến với tấm lòng tràn đầy tình yêu và sự thương xót, nhưng việc đầu tiên là Ngài cảnh cáo mạnh mẽ về sự vấp phạm và tội lỗi con người. Ngài kêu gọi con người nhận thức tội lỗi của mình và từ bỏ thái độ bất kính. Ngài phán rằng phải ăn năn trước khi tiếp nhận tình yêu, ân điển và sự thương xót của Ngài. Chúa Giê-xu không chịu bào chữa cho tội ác. Ngài nhấn mạnh rằng người ta phải tự xét mình, dứt khoát quay lại và phải có một thái độ mới mẻ trước khi Ngài bày tỏ tình yêu của Thượng Đế.

Một ngày kia, có người đến với Chúa Giê-xu và thuật cho Ngài hay rằng một số người Ga-li-lê (miền đất phía Bắc nước Do-thái> nổi loạn, bị quân La-mã đàn áp và Phi-lát đã lấy huyết của họđem trộn với của lễ. Họ cũng thuật việc một cái tháp ở Si-lô-ê (vùng đất trũng trong thành Giê-ru-sa-lem, gần cung điện của vua xứ Do-thái) bị sụp đổ đè chết nhiều người. Để trả lời, Chúa Giê-xu tuyên bố: “Anh em tưởng mấy người đó bị giết vì phạm tội nặng hơn những người Ga-li-lê khác sao? Không đâu! chính anh em cũng bị hư vong nếu không ăn năn tội lỗi, quay về Thượng Đế” (LuLc 13:3). Nói cách khác, Chúa Giê-xu phán rằng dù con người có chết bởi bạo lực, tai nạn hay tự nhiên, thì số phận của họ cũng như nhau, trừ phi họ ăn năn và quay về với Thượng Đế. Nếu chẳng ăn năn, tuyệt nhiên không thể nào tin nhận được. Sự ăn năn không giới hạn nhưng mở đường cho ân điển của Thượng Đế

Ăn năn và Ân sủng của Thượng Đế.

Chúng ta biết rằng sự cứu rỗi căn cứ hoàn toàn trên ân điển của Thượng Đế. Chúng ta thấy rằng những của lễ, các nghi thức và việc làm theo luật pháp không hề cứu rỗi được một linh hồn nào cả. Kinh Thánh chép rằng không có ai nhờ luật pháp mà được xưng công bình trước mặt Thượng Đế. Kinh Thánh chép: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin” (RoRm 1:17). Sự cứu rỗi, tha thứ và xưng công bình hoàn toàn dựa trên công trình cứu chuộc của Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, muốn cho sự hy sinh của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá có công hiệu đối với mọi cá nhân không phân biệt lứa tuổi, cá nhân ấy phải ăn năn tội lỗi và tiếp nhận Chúa Cứu Thế bằng đức tin.

Giô-na đã rao giảng về sự ăn năn tại thành Ni-ni-ve, cho đến khi dân thành này hối cải. Ê-xê-chi-ên (vừa là thầy tế lễ, vừa là nhà tiên tri, ông có kiến thức và đức độ hơn người rao giảng về sự ăn năn khi ông nói: “Vậy nếu Thượng Đế nói rằng: Hỡi nhà Do-thái, ta sẽ đoán xét các ngươi mỗi người theo việc làm của nó. Hãy trở lại và xây bỏ mọi sự phạm pháp của các ngươi, vậy thì sự gian ác sẽ không trở nên cớ hư nát cho các ngươi” (Exe Ed 18:30).

Khi Giăng Báp-tít (người rao giảng về sự ăn năn để sửa soạn cho chức vụ của Chúa Giê-xu. Ông còn là người làm báp-tem cho Chúa Giê-xu theo lời yêu cầu của Ngài) giảng: “Phải ăn năn tội lỗi, trở về với Thượng Đế, vì Nước Trời gần đến” (Mat Mt 3:2), thì sứ điệp của ông cũng là ăn năn.

Tân Ước chép bảy mươi lần về sự ăn năn. Chúa Giê-xu phán: “Anh em cũng sẽ bị hư vong nếu không chịu ăn năn”. Bài giảng của Phê-rơ trong ngày lễ Ngũ-tuần là: “Anh em phải hối cải, mỗi người phải nhơn danh Chúa Giê-xu chịu báp-tem để được tha tội” (Cong Cv 2:38). Phao-lô đã rao giảng về sự ăn năn khi nói rằng: “Tôi kêu gọi cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp ăn năn quay về Thượng Đế và tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa chúng ta” (20:21). Kinh Thánh chép rằng Thượng Đế truyền lệnh cho loài người phải ăn năn: “Nhưng bây giờ Chúa truyền cho mọi người khắp thế giới phải ăn năn thờ phượng Ngài” (17:30). Đó là một mạng lệnh, cần phải tuân phục. Ngài phán “Hãy ăn năn, bằng không, sẽ bị hư mất!” Bạn đã ăn năn chưa? Bạn có biết chắc mình đã ăn năn chăng?

Trong Kinh Thánh, có nhiều thí dụ về ăn năn giả. Chẳng hạn như Pha-ra-ôn từng bảo với dân Y-sơ-ra-ên, khi họ đang tìm cách rời bỏ xứ Ai-cập để vào đất hứa, rằng: “Trẫm đã phạm tội… ” (XuXh 9:27). Rõ ràng, đây chỉ là một cách nói tỏ lòng hối tiếc vì bị lương tâm cắn rứt, chớ không nói lên sự ăn năn thật. Sau-lơ cũng làm như vậy trong ISa1Sm 15:24, 30 và 26:21. Nhưng khi vua Đa-vít nói với nhà tiên tri Na-than: “Ta đã phạm tội… ” trong IISa 2Sm 12:13 và 20:10, 17, thì ông đã thật lòng ăn năn (Thi Tv 51:1-19).

Chúa Giê-xu định nghĩa sự ăn năn.

Chúa Giê-xu dùng danh từ ăn năn với ý nghĩa gì? Tại sao danh từ ăn năn được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt Kinh Thánh? Nếu tra tự điển, bạn sẽ thấy ăn năn nghĩa là “cảm thấy buồn rầu, hay hối tiếc”. Nhưng theo nguyên văn Hy-lạp và cổ Do-thái mà Chúa Giê-xu đã dùng, thì ăn năn có nghĩa là “thay đổi hoặc quay lại”. Đó là một danh từ về quyền năng và hành động, hàm ý một cuộc cách mạng toàn diện diễn ra trong con người. Khi Kinh Thánh kêu gọi chúng ta ăn năn tội lỗi, điều đó nghĩa là chúng ta phải xây bỏ tội lỗi, phải quay lưng lại đi ngược chiều với tội lỗi và tất cả những gì tội lỗi hàm chứa.

Chúa Giê-xu kể chuyện về người con trai hoang đàng để linh động hóa điều Ngài muốn bày tỏ qua chữ ăn năn. Khi người con trai hoang đàng đã ăn năn, chàng ta không chỉ ngồi yên và hối hận về tất cả tội lỗi mình. Chàng ta không phải là một phần tử thụ động mềm yếu. Chàng không ở nguyên chỗ cũ với đàn lợn xung quanh. Chàng đã đứng dậy ra đi, quay gót về phía khác. Chàng tìm về với cha, hạ mình xuống trước mặt cha, rồi nhận lấy phần thưởng của cha ban.

Ngày nay có rất nhiều Cơ Đốc nhân không nhìn thấy ý nghĩa của Kinh Thánh dành cho danh từ ăn năn. Họ nghĩ rằng sự ăn năn chẳng qua là lắc đầu trước tội lỗi mình đã phạm và nói: “Chà! Tôi rất lấy làm tiếc đã hành động như vậy!”. Rồi cứ tiếp tục sống y như trước.

Sự ăn năn thật có nghĩa là “thay đổi, quay lại, đi theo hướng mới”. Trong quá trình ăn năn, hối tiếc chưa đủ. Giu-đa (một môn đồ của Chúa Giê-xu, người đã phản Chúa>đã tỏ ra hối hận và buồn rầu nhưng không bao giờ ăn năn. Ngay cả sự sửa đổi, cải thiện cũng không đủ. Dù bạn có áp dụng cực hình nào cho cơ thể hay thử thách nào cho trí óc, điều đó cũng không thể làm cho Thượng Đế toàn năng vui lòng. Trên thập tự giá, Chúa Cứu Thế đã chuộc tội cho chúng ta. Tại đó, Ngài đã gánh lấy hình phạt của tội lỗi. Không một đau khổ nào mà chúng ta chịu đựng có thể dẫn chúng ta đến sự ăn năn.

Ăn năn không phải chỉ là xúc động.

Khi đề cập sự ăn năn, tôi không nói đến hạng người than khóc (những người khóc mướn) ngày xưa. Nhiều người dạy rằng muốn ăn năn bạn phải than khóc trong một thời gian nhất định mới nhận được ơn cứu rỗi. Một vị kia kể cho tôi nghe về đêm ông ta gặp Chúa Cứu Thế cách đây vài năm, trong một buổi giảng Phúc Âm nơi lều trại dựng theo lối cổ, ông đã tiến lên phía trước. Trong lúc quì gối trước bàn thờ để tìm kiếm Thượng Đế, có một nữ tín hữu đến nói: “Ông ơi hãy bền chí! Nếu ông muốn gặp Chúa hãy nắm chặt lấy Ngài!” Vài phút sau, một viên chấp sự đến vỗ vai ông và nói “Anh ơi, đừng gắng sức!”. Mấy phút sau, một nữ tín hữu khác đến nói: “Cái đêm tôi ăn năn tin Chúa, có một luồng ánh sáng chói lòa chiếu thẳng vào mặt tôi làm tôi lạnh người”. Rồi ông ta kể tiếp: “Tôi vừa cố buông tha, vừa nắm chặt, vừa tìm kiếm ánh sáng nhưng trong cơn hoang mang ấy, tôi hầu như không bao giờ đạt tới mục đích”.

Một nhà lãnh đạo Cơ Đốc rất thông thái, có lần nói với tôi rằng lúc ông biến cải, thì vị mục sư và hội chúng chờ đợi ông biểu lộ xúc động; và chính sự chờ đợi đó hầu như ngăn trở ông đến cùng Thượng Đế.

Trong một vài cuộc nhóm phục hưng, xúc cảm giả tạo đã ngăn trở nhiều linh hồn thành thật tìm kiếm Chúa. Nhưng loại ăn năn mà tôi đề cập đến đây là sự ăn năn thật theo Kinh Thánh dạy, liên hệ đến ba yếu tố: trí tuệ, tình cảm và ý chí.

Ba phương diện của sự ăn năn.

Trước hết, phải có một ý thức về tội lỗi. Kinh Thánh phán: “Vì mọi người đều đã phạm tội, không phản chiếu vinh quang Thượng Đế” (RoRm 3:23). Khi tiên tri Ê-sa nhận biết tội mình, ông nói: “Khốn nạn cho tôi!… Vì tôi là người có môi dơ dáy” (EsIs 6:5). Khi Gióp biết chắc mình là một người tội lỗi, ông nói: “Tôi lấy làm gớm ghê tôi” (Giop G 42:6). Khi Phê-rơ nhìn nhận tội lỗi, ông nói: “Con là người có tội lỗi” (LuLc 5:8). Khi Phao-lô biết mình có tội, ông tự xưng mình là “nặng tội nhất” (ITi1Tm 1:15).

Chính Thánh Linh làm cho người ta nhìn nhận tội lỗi. Đúng hơn, sự ăn năn không thể xảy ra trừ phi trước hết có sự tác động của Thánh Linh vào lòng và trí. Thánh Linh có thể dùng những lời cầu nguyện của một bà mẹ, bài giảng của mục sư, chương trình phát thanh Cơ Đốc, hình ảnh tháp chuông nhà thờ, hoặc sự qua đời của người yêu dấu, để đem lại sự nhìn nhận tội lỗi cần thiết đó. Tuy nhiên, trong vài buổi truyền giảng Phúc Âm, tôi đã thấy nhiều người đứng run rẩy vì nhận biết tội lỗi, song vẫn không ăn năn tội lỗi. Có thể nhìn nhận tội lỗi, biết mình là tội nhân, thậm chí khóc lóc về tội lỗi mình nữa, nhưng vẫn không ăn năn.

Thứ nhì, trong sự ăn năn có tình cảm, cũng như trong mọi từng trải chân thật khác. Phao-lô nói rằng sự buồn rầu theo ý Thượng Đế sanh ra sự hối cải. Có người đã nói: “Nhiều người không thích những sự xúc động và vài nhà phê bình hoài nghi sự thành thật của những trường hợp trở lại đạo không có vẻ bình thản. Xúc cảm sai lạc rất nguy hiểm, không hiệu quả gì, song chẳng vì cớ đó mà loại bỏ tình cảm chân thành và xúc động sâu xa”.

Tấn sĩ W. E. Sangster, một nhà truyền đạo danh tiếng thuộc Hội thánh Giám lý nước Anh, đã viết trong tác phẩm ‘Tôi Xin Giao Phó’(Let Me Commend) như sau: “Người nào hò hét trong trận túc cầu hay dã cầu, mà lại thất vọng khi nghe một người tội lỗi khóc trước thập tự giá và phàn nàn về những sự nguy hiểm của xúc cảm, thì chẳng đáng được kính trọng bao nhiêu”.

Có lần Horace Walpole tố cáo John Wesley, vì ông đã tỏ ra cảm động cách không đẹp mắt lắm trong khi truyền giảng, thế nhưng Wesley đã đưa hàng ngàn người trở lại với Thượng Đế.

Thứ ba, sự ăn năn liên hệ đến ý chí.

Chỉ khi nào luận đến ý chí, thì chúng ta mới đạt đến tâm điểm của sự ăn năn. Phải có quyết định từ bỏ tội lỗi – thay đổi thái độ đối với bản ngã, đối với tội lỗi, và đối với Thượng Đế; thay đổi cảm nghĩ, ý chí, khuynh hướng và mục đích của mình.

Chỉ Thánh Linh của Thượng Đế mới có thể ban cho bạn quyết định cần thiết để ăn năn thật. Ăn năn không phải như lời cô bé kia cầu nguyện: “Xin Chúa khiến cho con trở nên ngoan ngoãn, nhưng ngoan ngoãn đủ để khỏi bị đòn”.

Có hằng trăm hằng ngàn người ghi tên mình trong danh sách thuộc viên Hội Thánh. Họ chỉ đến nhà thờ khi thuận tiện. Họ dâng tiền cho Hội thánh và yểm trợ mọi hoạt động của Hội thánh. Họ bắt tay vị mục sư sau giờ thờ phượng và khen ngợi bài giảng của ông. Họ có thể sử dụng ngôn ngữ của người Cơ đốc và nhiều người còn thuộc lòng khá nhiều câu Kinh Thánh, nhưng thật ra họ chưa bao giờ từng trải sự ăn năn thật. Đối với đạo, họ có một thái độ “hờ hững”. Khi gặp khó khăn họ tìm đến với Thượng Đế và cầu nguyện; song những lúc khác, họ chẳng quan tâm đến Ngài bao nhiêu. Kinh Thánh dạy rằng khi một người đến với Chúa Cứu Thế, thì có một sự biến đổi xảy ra và sự biến đổi ấy phản ánh trong đời sống, trong mọi việc người làm.

Ăn năn đòi hỏi đầu phục.

Trong Kinh Thánh không có một câu nào dạy rằng bạn có thể trở thành một Cơ Đốc nhân và sống theo bất cứ lối sống nào bạn muốn. Khi Chúa Cứu Thế ngự vào lòng người nào, Ngài đòi hỏi phải tôn Ngài làm Chúa và làm Chủ. Ngài đòi hỏi sự vâng phục trọn vẹn. Ngài đòi kiểm soát mọi hành động trí tuệ của bạn. Ngài đòi hỏi thân thể bạn thuận phục Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi. Ngài đòi hỏi những tài ba và khả năng của bạn. Ngài đòi hỏi bạn phải nhân danh Ngài trong mọi việc.

Ngày nay, có nhiều người tự nhận là tín đồ Chúa Cứu Thế, nhưng sẵn sàng không đi nhà thờ dễ dàng hơn phải bỏ ý định mua một tủ lạnh mới. Nếu họ được chọn lựa hoặc trả góp mua một chiếc xe hơi mới, hoặc đóng góp tiền xây cất một Trường Chúa Nhật mới, ta có thể đoán trước được cách dễ dàng quyết định của nhiều người cách dễ dàng. Hàng ngàn người mang danh là Cơ Đốc nhân đã đặt vấn đề tiền bạc và vật chất lên trên những điều dạy dỗ của Chúa Cứu Thế. Chúng ta có thể dành thì giờ đi coi chiếu bóng, đá banh, hoặc tranh giải, nhưng không thể dành thì giờ cho Thượng Đế. Chúng ta để dành tiền mua một món đồ mới hay một máy vô tuyến truyền hình lớn hơn, nhưng cảm thấy không thể tiếp tục dâng một phần mười huê lợi cho công việc Chúa. Đó là một sự tôn thờ hình tượng.

Phải có sự thay đổi! Chúng ta lên án những người ngoại đạo và những kẻ thờ hình tượng theo lối xưa, song điều khác biệt duy nhất là những thần tượng của chúng ta lại chế bằng thép mạ kền sáng bóng có máy điều hòa nhiệt độ, chớ không có mắt nạm ngọc thạch! Thay vì làm bằng vàng, mặt các hình tượng chúng ta được bọc bằng chất men sứ xài bền cả đời dễ lau chùi; và chúng ta thờ lạy nó cùng một cách và cảm thấy không có nó thì mình chẳng sống được. Chúng ta đã đến chỗ thờ lạy các đồ vật, địa vị, danh tiếng, tiền bạc, sự an toàn. Bất cứ điều gì ngăn cách giữa chúng ta với Thượng Đế, đều là thần tượng.

Chúa Giê-xu đòi hỏi quyền làm chủ mọi vật đó. Ngài muốn bạn dâng hiến cho Ngài mọi sự, liên quan đến đời sống xã hội, đời sống gia đình và đời sống kinh doanh của bạn. Ngài phải chiếm hàng đầu trong mọi việc bạn làm, hoặc nghĩ, hoặc nói, vì khi bạn ăn năn, bạn hướng về Thượng Đế trong mọi việc.

Chúa Giê-xu cảnh cáo rằng Ngài sẽ không tiếp nhận chúng ta vào Nước Ngài cho đến khi chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi sự, cho đến khi chúng ta sẵn sàng xây bỏ tất cả tội lỗi trong đời sống mình. Chớ thử làm nửa chừng. Chớ nói: “Tôi sẽ từ bỏ tội lỗi này và giữ lại tội lỗi kia. Tôi sẽ sống một phần cho Chúa Giê-xu, một phần cho những ham muốn của mình”. Chúa Giê-xu đòi hỏi chúng ta đầu phục Ngài một trăm phần trăm, và khi thực hiện được điều đó, Ngài sẽ ban thưởng gấp ngàn lần. Nhưng đừng trông mong Chúa Giê-xu ban thưởng năm trăm phần trăm vì bạn vâng phục năm mươi phần trăm! Thượng Đế không thực hiện phép lạ của Ngài theo cách đó! Ngài đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện, một sự đầu phục trọn vẹn. Khi bạn đã quyết định từ bỏ tội lỗi, và phó dâng mọi sự cho Chúa Cứu Thế, bạn đã bước thêm bước nữa trong việc tìm bình an trong Thượng Đế.

Tên trộm cướp ăn năn trên thập tự giá đã thưa với Chúa Giê-xu: “Thưa Chúa… xin nhớ đến con” (LuLc 23:42). Người ấy dùng chữ “Chúa” hàm ý mình hoàn toàn và thật sự ăn năn quy đạo. Đó là kết quả của sự ăn năn thật.