Chương 12: CŨ VÀ MỚI

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 12: CŨ VÀ MỚI

Nếu không tái sinh, không ai thấy được Nước Chúa.

GiGa 3:3

GIÁ như tôi đến nhà bạn nói chuyện tâm tình, chắc bạn sẽ quay sang tôi và thú nhận rằng: “Tôi đang bối rối, xao xuyến, không biết nghĩ sao. Tôi đã vi phạm luật pháp Thượng Đế, đã sống trái với điều răn của Ngài, đã tưởng rằng mình chẳng cần Ngài giúp đỡ. Tôi cố gắng sống theo luật lệ riêng của mình nhưng thất bại. Những bài học đắng cay mà tôi lãnh hội đều đến từ những từng trải đau khổ và bi thảm. Ước gì tôi được sanh lại! Ước gì tôi có thể quay trở về và bắt đầu mọi sự – Nếu được, tôi sẽ đi con đường khác hơn biết bao!”

Nếu những lời này đánh trúng tâm tư bạn, nếu nó là dư âm của tư tưởng đang diễn biến trong tâm trí bạn, thì tôi xin báo cho bạn biết một tin tức tốt lành. Chúa Giê-xu phán rằng bạn có thể được sanh lại mới. Bạn có thể bắt đầu tốt đẹp hơn, theo như mình đã cầu xin. Bạn có thể từ bỏ cái tôi đáng khinh ghét và tội lỗi, và bước đi như một người mới, trong sạch, bình an vì đã được tẩy sạch hết tội lỗi.

Một lối thoát.

Quá khứ của bạn dù dơ bẩn đến đâu đi nữa, vẫn có một lối thoát. Một lối thoát chắc chắn, an toàn, vĩnh cửu – nhưng chỉ có một mà thôi! Bạn chỉ có thể lựa chọn một điều, chỉ có đi một lối, khác hẳn con đường đau đớn, vô phước bạn đang đi.

Hoặc bạn có thể sống khốn khổ, bất mãn, sợ hãi, bất hạnh, ghê tởm con người của mình và cả đời mình; hoặc bạn có thể quyết định ngay bây giờ rằng mình muốn được sanh lại. Ngay bây giờ bạn có thể quyết định xóa bỏ quá khứ đầy tội lỗi và khởi sự một cách mới mẻ, vui tươi, chánh đáng. Ngay bây giờ, bạn có thể quyết định trở nên người như Chúa Giê-xu đã hứa.

Làm sao để tôi được điều đó?

Câu hỏi hợp lý kế tiếp mà bạn có thể đặt ra là: “Làm thế nào để tôi bắt đầu trở lại?”.

Đó là câu hỏi mà Ni-cô-đem (một trong những lãnh tụ Do-thái giáo, người đã diện kiến Chúa Giê-xu để học đạo>đã nêu lên với Chúa Giê-xu trong một đêm cách đây gần hai ngàn năm. Tuy nhiên, sanh lại có ý nghĩa quan trọng hơn là bắt đầu lại mới, hay lật qua một “trang” mới, hoặc cải cách. Như chúng ta đã thấy, Kinh Thánh dạy rằng khi bạn sanh ra lần thứ nhất trong thế giới vật chất, thì bản chất thuộc linh bạn sanh ra trong tội lỗi. Kinh Thánh tuyên bố rằng bạn “đã chết vì tội lỗi gian ác” (Eph Ep 2:1).

Kinh Thánh dạy rằng bản chất hay chết và tội lỗi của bạn không sinh ra sự sống được. Vì bị chết trong tội lỗi, bạn không thể nào tạo được một đời sống công nghĩa. Nhiều người cố xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, thánh khiết và công nghĩa, mặc dầu họ chưa được sanh lại, nhưng họ chỉ thất bại chứ không thể làm được gì cả. Một xác chết không thể tạo nên sự sống. Kinh Thánh dạy rằng: “Tội lỗi phát triển đem lại cái chết” (Gia Gc 1:15). Tất cả chúng ta đều chết về phần thuộc linh.

Bản chất cũ của bạn không thể hầu việc Thượng Đế. Kinh Thánh chép: “Người không có Thánh Linh không nhận lãnh được những ân tứ của Thượng Đế, chỉ coi như chuyện khờ dại” (ICo1Cr 2:14). Trong trạng thái tự nhiên, chúng ta thực sự thù nghịch với Thượng Đế. Theo RoRm 8:7, chúng ta không tùng phục luật pháp của Ngài, và cũng không thể phục tùng được.

Kinh Thánh cũng dạy rằng bản tánh cũ của chúng ta hoàn toàn hư hoại. “Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng có chỗ nào lành: rặt những vết thương, vít sưng cùng lằn mới, chưa rịt, chưa quấn, cũng chưa bôi dầu cho êm” (EsIs 1:6). Lòng của con người dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa.

Kinh Thánh cũng dạy rằng bản chất cũ của chúng ta chính là bản ngã. Không thể nào canh tân bản ngã được, nó đã hư hoại. Kinh Thánh dạy rằng khi chúng ta được sanh lại, chúng ta cởi bỏ người cũ chớ không chắp vá lại. Bản ngã phải bị đóng đinh vào cây thập tự, chứ không được vun trồng. Chúa Giê-xu phán rằng nếu chỉ rửa bên ngoài chén dĩa, thì bên trong vẫn còn dơ bẩn như trước.

Các ngươi phải sanh lại.

Kinh Thánh cũng dạy rằng nếu chúng ta không từng trải sự tái sinh này, thì không thể vào được Nước Thiên đàng. Chúa Giê-xu còn nhấn mạnh hơn thế nữa: “Con người phải tái sinh!”. Vấn đề này không có gì mơ hồ. Người nào muốn vào nước của Thượng Đế phải sinh lại.

Sự cứu rỗi không phải là việc tiến hành sửa chữa cái bản ngã cố hữu, nhưng là được Thượng Đế sáng tạo một bản ngã mới trong sự công nghĩa và thánh khiết thật sự. Sự tái sinh cũng chẳng phải là sự thay đổi bản chất hay tâm hồn. Sinh lại không phải là một sự thay đổi – đó là một sự sinh ra mới mẻ. Đó là “lần sinh thứ nhì”. “Con người phải tái sinh”.

Thượng Đế không chấp nhận điều gì của bản chất cũ. Nó không có gì tốt lành. Bản chất cũ quá yếu đuối, không thể nào theo Chúa Cứu Thế. Phao-lô nói rằng: “Anh em không thể làm điều mình muốn” (GaGl 5:17). Những người nào sống trong xác thịt không thể hầu việc Thượng Đế. Gia-cơ đã từng hỏi: “Một ngọn suối có thể vừa chảy nước ngọt vừa tuôn nước đắng không? Cây ổi có thể sinh trái cam hay cây quít sinh trái ổi không? (Gia Gc 3:11-12).

Thơ La-mã diễn tả con người cũ như sau: “Họng họ hôi hám thô tục; như cửa mộ bốc mùi hôi thối; lưỡi họ chuyên lừa dối, môi chứa nọc rắn hổ. Miệng phun lời nguyền rủa cay độc. Họ nhanh chân đi giết người, đến đâu cũng để lại vết điêu tàn, khốn khổ. Họ chẳng biết con đường hạnh phúc, an vui, cũng chẳng nể nang, kính sợ Thượng Đế” (RoRm 3:12-18).

Vậy bạn làm thế nào mà cải thiện, chắp vá hay thay đổi họng, lưỡi, môi, chân, mắt như thế? Đó là một việc bất năng. Chúa Giê-xu biết rằng không thể nào thay đổi, chắp vá hoặc cải biến con người cũ, nên dạy rằng bạn phải hoàn toàn sanh lại. Ngài phán: “Thể xác chỉ sanh ra thể xác… con người phải tái sinh” (GiGa 3:6). Trong một chỗ khác, Kinh Thánh dạy rằng: “Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng?” (Gie Gr 13:23). Trong La-mã, Kinh Thánh lại chép: “Người sống theo xác thịt không thể nào làm Thượng Đế vui lòng” (RoRm 8:8). Sứ đồ Phao-lô cũng nói: “Tôi biết chẳng có điều gì tốt trong tôi cả – tôi muốn nói về bản tính cũ của tôi” (7:18). Kinh Thánh lại chép: “Nếu không thánh hóa không ai được thấy Thượng Đế” (HeDt 12:14).

Sự sống phát xuất từ sự tái sinh không do sự phát triển tự nhiên và tự cố gắng mà có. Do bản chất, con người không có được sự thánh khiết Thượng Đế đòi hỏi cho vương quốc Ngài. Sự sống thánh khiết chỉ có thể bắt đầu trong sự sanh lại mới mà thôi. Muốn sống đời sống của Thượng Đế, chúng ta phải có bản thể của Ngài.

Việc Thượng Đế làm.

Tiếp nhận sự sống mới ví như đồng tiền. Đồng tiền có hai mặt. Tiếp nhận sự sống mới có một phương diện thiên thượng và một phương diện con người. Trong chương luận về sự biến cải, chúng ta đã thấy phương diện con người, và đã thấy mình phải làm gì. Bây giờ chúng ta hãy xem Thượng Đế làm gì.

Sự sanh lại hoàn toàn là công việc của Thánh Linh. Bạn không thể làm gì để được sự tái sinh này. Kinh Thánh chép rằng: “Tất cả những người tiếp nhận Chúa đều được quyền làm con cái Thượng Đế – tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin nơi Chúa. Những người ấy được chính Thượng Đế sinh thành, chứ không sinh ra theo huyết thống, hay theo tình ý loài người” (GiGa 1:12-13). Nói cách khác, bạn không thể được tái sinh bởi khí huyết, nghĩa là không thể kế thừa sự tái sinh. Thượng Đế không có cháu.

Bạn không thể thừa hưởng đức tin Cơ Đốc của cha mẹ. Bạn có thể có cha mẹ tin theo Chúa Giê-xu, nhưng không vì đó mà sinh ra đã là tín đồ của Ngài. Bạn có thể sinh ra trong một nhà để xe, nhưng không vì đó mà hóa ra một chiếc xe.

Kinh Thánh dạy rằng bạn không thể được sanh lại do ý muốn của xác thịt. Nói cách khác, bạn không thể làm được gì hết trong vấn đề này. Bạn đã chết về phần thuộc linh. Một người đã chết thì không có sự sống để làm điều gì được.

Bạn cũng không thể tái sinh do ý muốn của con người. Phương thức hay kế hoạch của loài người nghĩ rằng mình đương nhiên được tái sinh khi gia nhập Hội thánh hay theo vài nghi thức tôn giáo, hoặc có một vài quyết định lúc bước qua năm mới, hoặc quyên số tiền lớn cho một cơ quan từ thiện nổi tiếng. Tất cả những việc làm này đều tốt và đúng, nhưng không tạo nên sự sanh lại mới.

Công việc ca Ba Ngôi

Chúa Giê-xu phán rằng chúng ta phải được sinh lại. Chữ được hàm ý một trạng thái thụ động. Điều đó chứng tỏ rằng phải có một nhân vật khác chủ động. Không ai có thể “tự sinh” mình ra. Ai nấy đều phải được sinh ra. Sự tái sinh mới hoàn toàn không tùy thuộc ý muốn chúng ta. Nói một cách khác, sanh lại mới là công trình thiên thượng – Chúng ta được sinh ra bởi Thượng Đế.

Ni-cô-đem không biết phải làm thế nào cho được sanh ra lần thứ hai. Ông bối rối hỏi đi hỏi lại hai lần: “Làm cách nào?”

Dù rằng sự sanh lại có vẻ nhiệm mầu, song chẳng vì đó mà không có thật. Chúng ta có thể không hiểu điện lực là thế nào, nhưng chúng ta biết rằng nó cung cấp ánh sáng, làm chạy máy vô tuyến truyền hình và truyền thanh. Chúng ta không hiểu trâu, bò, gà, vịt mọc lông ra sao, nhưng chúng ta biết rằng điều đó có thật. Có nhiều sự nhiệm mầu chúng ta không hiểu nổi, nhưng chúng ta chấp nhận bởi đức tin rằng chính lúc ăn năn tội lỗi và quay về tin cậy Chúa Giê-xu thì chúng ta được sanh lại.

Sanh lại là truyền đạt sự sống thiên thượng vào linh hồn con người. Đó là phẩm chất thiên thượng được “cấy vào, rót vào” linh hồn con người, nhờ đó mà chúng ta trở thành con cái Thượng Đế. Chúng ta tiếp nhận sinh khí của Ngài. Chúa Cứu Thế bởi Thánh Linh ngự trị trong lòng chúng ta. Chúng ta được gắn bó vào Thượng Đế vĩnh cửu. Điều này có nghĩa là nếu bạn đã được sanh lại, thì Thượng Đế sống chừng nào, bạn sẽ sống chừng ấy, vì hiện nay bạn chung hưởng chính sự sống của Ngài. Mối tương giao giữa con người với Thượng Đế đã bị cắt đứt tại vườn Ê-đen đã được nối lại.

Các kết quả của sự sanh lại.

Khi bạn đã được sanh lại, thì sẽ có nhiều kết quả theo sau: Trước hết, nhãn quan và sự hiểu biết của bạn mở rộng. Kinh Thánh chép: “Thượng Đế đã truyền bảo ùnh sáng phải soi chiếu trong cõi tối tăm“, nên Ngài soi sáng lòng chúng tôi, giúp chúng tôi hiểu được vinh quang Thượng Đế hằng sáng rực trên khuôn mặt Chúa Cứu Thế” (IICo 2Cr 4:6). Lại rằng: “Cũng xin Thượng Đế cho tâm trí anh em được sáng suốt để hiểu biết hy vọng của người được Chúa lựa chọn và cơ nghiệp vinh quang phong phú Ngài dành cho con cái Ngài” (Eph Ep 1:18). Những điều trước kia bạn thường chế nhạo cho là điên rồ, thì bây giờ lại tiếp nhận bởi đức tin. Toàn thể tiến trình lý trí của bạn thay đổi. Thượng Đế trở thành trung tâm tư tưởng của trí tuệ bạn. Ngài đã trở thành trọng tâm. Bản ngã đã bị hạ bệ.

Thứ nhì, tấm lòng bạn được cách mạng. Kinh Thánh chép: “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt” (Exe Ed 36:26).

Tình cảm của bạn đã được thay đổi triệt để. Bản chất mới của bạn yêu mến Thượng Đế và những gì thuộc về Ngài. Bạn yêu mến những gì đẹp đẽ nhất và cao cả nhất trong đời sống. Bạn chối bỏ những gì thấp kém và hèn hạ. Bạn lập tức có một nhận định mới đối với những vấn đề xã hội chung quanh mình. Tim bạn rung động với niềm xót thương cho những người ít may mắn hơn mình.

Thứ ba, ý chí của bạn trải qua một cuộc biến đổi lớn lao. Những quyết định của bạn cũng khác hẳn. Những lý do hành động của bạn thay đổi. Kinh Thánh chép: “Cầu xin Thượng Đế Hòa bình – Đấng đã cho Chúa Giê-xu sống lại – trang bị cho anh em mọi điều cần thiết để thi hành ý chỉ của Ngài. Cầu xin Đấng Chăn Chiên lớn chăm sóc anh em, đúng theo Giao Ước đời đời ấn chứng bằng Huyết Ngài. Cầu xin Thượng Đế thực hiện trong anh em những việc đẹp ý Ngài do quyền năng của Chúa Cứu Thế! Vinh quang muôn đời đều quy về Ngài! Thành tâm sở nguyện” (HeDt 13:20-21).

Bản chất mới mà bạn tiếp nhận từ Thượng Đế được uốn nắn theo ý chỉ Ngài. Bạn chỉ muốn thực hiện theo ý Thượng Đế. Bạn trung thành với Ngài cách hoàn toàn và trọn vẹn. Sẽ có những quyết định, khuynh hướng, tác phong, nguyên tắc, sinh hoạt và lựa chọn mới mẻ. Bạn tìm cách làm sáng danh Thượng Đế. Bạn tìm cách tương giao với những tín hữu trong Hội Thánh. Bạn yêu mến Kinh Thánh. Bạn ưa thích để thì giờ cầu nguyện với Thượng Đế. Tác phong bạn hoàn toàn thay đổi. Cuộc sống của bạn trước kia là những vô tín, là nguồn gốc và nền tảng của mọi tội lỗi, và nghi ngờ Thượng Đế, giờ đây tin tưởng nơi Ngài, bạn tuyệt đối đặt lòng tin cậy và đức tin nơi Thượng Đế và Lời Ngài.

Có lẽ đã có một thời gian tánh kiêu căng là trung tâm của đời sống của bạn. Tư tưởng bạn đầy tham vọng cho chính mình, về quyền lực, ham muốn và mục đích của mình; nhưng giờ đây mọi sự bắt đầu thay đổi. Có thể có một thời gian sự ghen ghét tràn đầy đời sống bạn. Tư tưởng bạn đầy dẫy ganh tị, bất mãn, và gian manh với kẻ khác. Những điều đó cũng thay đổi nữa.

Đã có lúc bạn nói dối cách dễ dàng. Tư tưởng, lời nói, hành động của bạn có nhiều ý lừa đảo và gian dối. Bây giờ mọi sự đó hoàn toàn thay đổi. Có lúc bạn đã đắm mình trong dục tình của xác thịt. Điều đó bây giờ cũng thay đổi. Bạn đã được sinh lại. Bạn có thể sa vào cạm bẫy của ma quỉ giăng bắt mình, nhưng lập tức, bạn sẽ buồn rầu, xưng nhận tội lỗi mình và cầu xin Chúa tha thứ; vì bạn đã được sinh lại. Bản chất thật của bạn đã thay đổi.

Con lợn và con chiên.

Có một câu chuyện xưa về con lợn và con chiên. Một nông gia đem con lợn về nhà, tắm rửa cho nó, đánh móng chân, xức dầu thơm, buộc vào cổ nó một dây băng và để trong phòng khách. Con lợn trông được lắm. Nó có vẻ được xã hội chấp nhận và trong con mắt của bạn bè chủ nhà đến chơi, lợn trông thật mát mẻ và sạch sẽ. Lợn trở thành một con vật nuôi rất tốt, và đáng quí chuộng trong vài phút. Nhưng khi cửa phòng khách vừa mở, lợn ta chạy ngay ra, nhảy vào vũng bùn đầu tiên mà nó bắt gặp. Tại sao vậy? Vì nó vốn là lợn. Bản chất nó không thay đổi. Nó chỉ thay đổi bề ngoài, mà không thay đổi bên trong.

Mặt khác, hãy bắt một con chiên, đặt nó vào phòng khách, rồi thả nó ra sân. Kìa, nó vẫn cố tránh mọi vũng bùn! Tại sao? Vì bản chất nó là bản chất của con chiên.

Bạn có thể chọn một người, cho ăn mặc tử tế, bảo ngồi ở hàng ghế đầu trong nhà thờ. Trông anh ta gần giống như một thánh đồ. Thậm chí anh ta có thể lừa dối bạn bè thân thiết nhất trong giây lát; nhưng ngày hôm sau, cho anh ta trở về văn phòng, hoặc để anh ta về nhà riêng, hoặc hẹn anh đến câu lạc bộ vào tối thứ bảy, bạn sẽ thấy bản chất thật của anh hiện ra. Tại sao anh ta hành động như vậy? Vì bản chất anh chưa biến đổi. Anh ta chưa được sanh lại mới.

Ý nghĩa của sự xưng công nghĩa.

Ngay lúc được sinh lại, bạn được Thượng Đế san sẻ cho một sự sống mới, một bản tính mới, bạn được Thượng Đế xưng là công nghĩa, công chính. Được xưng công nghĩa có nghĩa là “được kể như chưa hề phạm tội” vậy. Xưng công nghĩa là hành động qua đó Thượng Đế tuyên bố rằng một kẻ vô đạo là một con người trọn lành trong khi bản thân người ấy vẫn còn là kẻ vô đạo. Thượng Đế đặt bạn trước mặt Ngài, và xem như bạn chưa hề phạm một tội nào.

Như Phao-lô nói: “Ai dám kiện cáo chúng ta là người Thượng Đế lựa chọn? Vì Thượng Đế đã tha tội chúng ta” (RoRm 8:33). Tội lỗi bạn đã được tha. Thượng Đế đã chôn vùi tất cả tội lỗi bạn trong các vực sâu dưới biển, và đặt chúng ra sau lưng Ngài để chẳng bao giờ còn nhớ đến chúng nữa. Tất cả mọi tội lỗi đều hoàn toàn bị xóa sạch. Bạn đã bị cáo là kẻ mắc nợ Thượng Đế, nhưng Ngài đã miễn tố bạn, và bạn đã được làm hòa lại với Ngài. Trước đây, quả thật bạn đã là kẻ thù với Thượng Đế. Nhưng Kinh Thánh chép: “Tất cả cuộc đổi mới đều do Thượng Đế thực hiện. Ngài cho chúng ta phục hòa với Ngài, nhờ công lao của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài ủy cho chúng tôi thi hành chức vụ hòa giải” (IICo 2Cr 5:18)

Nhưng còn hơn tất cả mọi điều đó, bạn đã được nhận làm con trong gia đình Thượng Đế. Bây giờ, bạn đã là con Thượng Đế “Do tình yêu thương, Thượng Đế đã hoạch định chương trình cho Chúa Cứu Thế Giê-xu xuống đời nhận chúng ta làm con cái Ngài, theo hảo tâm, thiện ý của Ngài” (Eph Ep 1:5). Giờ đây, bạn đã là người nhà của gia đình đế vương trên Thiên đàng. Dòng máu của bậc đế vương đang chảy trong huyết quản bạn. Bạn là con vua. Bạn bè của bạn sẽ lưu ý sự thay đổi xảy ra trong đời sống bạn. Giờ đây, bạn đã được tái sanh, được sanh lại rồi.

Cái cũ và cái mới.

Khi bạn đã được sanh lại, có nhiều thay đổi xảy ra. Trước hết, bạn có thái độ khác hẳn đối với tội lỗi. Bạn sẽ ghét tội lỗi như Thượng Đế ghét. Bạn sẽ chán ngán và gớm ghê tội lỗi.

Tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, có một người đã được sanh lại trong một buổi truyền giảng Phúc âm của chúng tôi. Người này là chủ một hiệu bán rượu mạnh. Sáng hôm sau, ông treo một tấm bảng trước cửa tiệm: “Đóng cửa, dẹp tiệm”.

Cách đây ít lâu, tôi nghe nói một người đã được sanh lại trong một buổi nhóm truyền giảng. Ông nổi danh là người nghiện rượu trong thành phố. Người ta gọi ông là “Lão Giăng”. Sáng ngày hôm sau, có người gặp ông ngoài phố và nói: “Chào Lão Giăng”.

Ông đáp: “Bạn nói với ai đó? Tên tôi không phải là Lão Giăng nữa. Tôi là Giăng trẻ”. Một cuộc cách mạng hoàn toàn đã thể hiện trong đời ông.

Thứ nhì, bạn biết rằng mình đã được sanh lại bởi vì bạn có ý muốn vâng phục Thượng Đế. “Làm sao biết chắc chúng ta thuộc về Chúa? Hãy tự kiểm thảo xem chúng ta có thật sự làm theo những điều Ngài truyền dạy không!” (IGi1Ga 2:3).

Thứ ba, bạn sẽ phân rẽ với thế gian. Kinh Thánh dạy rằng: “Đừng yêu thế gian và những gì thuộc về thế gian, vì nếu yêu thế gian, anh em chứng tỏ mình không thật lòng yêu Thượng Đế” (2:15).

Thứ tư, trong lòng bạn sẽ có một tình yêu mới đối với tha nhân. Kinh Thánh dạy: “Yêu thương anh em tín hữu chứng tỏ chúng ta thoát chết nơi hỏa ngục để hưởng sự sống vĩnh viễn. Nhưng ai không yêu thương người khác là lao mình vào cõi chết đời đời” (3:14).

Thứ năm, chúng ta sẽ không phạm tội nữa. Kinh Thánh dạy: “Những ai được Thượng Đế sinh thành không còn tiếp tục phạm tội, vì Chúa Cứu thế, Con Ngài, bảo vệ họ và Quỉ vương không thể động chạm đến họ được” (5:18). Chúng ta sẽ không mài miệt trong những hành vi tội lỗi.

Tại Texas, người ta kể rằng có một người mỗi buổi sáng thường buộc ngựa ở trước quán rượu. Một buổi sáng kia, chủ quán rượu thấy con ngựa buộc trước nhà thờ Giám lý. Ông ta gặp chủ ngựa đi bộ bèn gọi lại: “Này, sao sáng hôm nay ông buộc ngựa trước nhà thờ vậy?”.

Chủ ngựa xây lại và nói: “Anh ơi, đêm qua, tôi đã trở lại tin Chúa trong một buổi nhóm phục hưng, nên bây giờ tôi buộc ngựa ở chỗ khác đó”.

Đó là ý nghĩa của sự sanh lại. Đó là ý nghĩa của sự biến cải; nghĩa là bạn thay đổi chỗ cắm neo của bạn.