Chương 15: NHỮNG QUY LUẬT CỦA ĐỜI SỐNG

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 5 tháng trước

.

 

Chương 15: NHỮNG QUY LUẬT CỦA ĐỜI SỐNG

Hãy làm cho người khác điều các con muốn người ta làm cho mình!

LuLc 6:31

DÙ là chơi trò chơi, lái xe, hay làm bánh, nếu muốn thành công, bạn phải tuân theo một số luật lệ nào đó. Tôi nhớ rất rõ việc đã xảy ra mấy năm trước đây gần nhà tôi ở Montreat, Bắc Carolina. Con đường giữa Black Mountain và Asheville được mở rộng từ hai đường thành bốn đường cho xe lưu thông. Suốt mấy tuần lễ thi công không có vạch sơn phân đường. Đêm nọ, một tai nạn xe thảm khốc làm năm người chết bởi vì “luật đi đường” đã không được đánh dấu rõ ràng.

Kinh Thánh dạy rằng đời sống Cơ Đốc là một đời sống tăng trưởng liên tục. Khi đã được tái sanh, bạn được sanh vào thế giới thuộc linh. Bạn trở nên một hài nhi trong gia đình Thượng Đế. Mục đích của Ngài là làm sao bạn có được tầm vóc trọn vẹn và trưởng thành trong Chúa Cứu Thế. Nếu bạn cứ ở trong trạng thái ấu trĩ, trở thành một chú lùn về phần thiêng liêng thì điều này trái với quy luật của Thượng Đế và thiên nhiên. Trong IPhi 1Pr 3:18, Kinh Thánh dạy chúng ta phải lớn lên. Điều này hàm ý bạn cần có sự phát triển đều đặn, liên tục và càng ngày càng gia tăng.

Đọc Kinh Thánh hằng ngày.

Muốn lớn lên một cách đúng đắn, cần phải tuân giữ một số luật lệ để sức khỏe thuộc linh được dồi dào. Trước hết: hằng ngày bạn phải đọc Kinh Thánh. Đó là một trong những đặc ân lớn của bạn đấy. Đời sống thiêng liêng của bạn cần thức ăn. Loại thức ăn nào? Thức ăn thuộc linh. Bạn tìm thấy thức ăn thuộc linh này ở đâu? Trong Kinh Thánh là Lời của Thượng Đế. Kinh Thánh bày tỏ Chúa Cứu Thế, là Bánh Sự Sống cho linh hồn đang đói và là Nước Sự Sống cho tấm lòng đang khát của bạn. Nếu không nhận lấy phần bồi bổ thuộc linh hằng ngày, bạn sẽ chết đói và mất sinh lực thiêng liêng. Kinh Thánh phán: “Anh em đã nếm biết… vậy hãy khát khao Lời Chúa như trẻ em khát sữa, nhờ đó anh em ngày càng tăng trưởng trong sự cứu rỗi” (2:2, 3). Bạn hãy đọc Kinh Thánh, nghiên cứu suy nghiệm và nhớ lấy. Có thể nói chín mươi lăm phần trăm những khó khăn mà bạn từng trải trong đời sống Cơ Đốc là do việc thiếu đọc và nghiên cứu Kinh Thánh.

Giả sử có một nhà khảo cổ học tìm được quyển nhật ký do chính Thành Cát Tư Hãn hay A-lịch-sơn đại đế viết, hay nguyên bản các bức thư tình của Cơ-lê-ô-pát, hoặc nếu một trong các phi hành gia tìm được bản thảo của một quyển sách nào đó khi ông ta lên mặt trăng, thì sẽ có chuyện gì xảy ra? Hãy tưởng tượng cảnh thiên hạ sẽ ùn ùn kéo đến các hiệu sách để giành mua cho được các bản dịch của một tác phẩm như thế! Thế nhưng, chúng ta đang có một Quyển Sách mà chính Thượng Đế đã viết cho nhân loại – vậy mà nhiều người vẫn được cho là văn minh, lại chẳng thèm quan tâm chú ý gì đến nó, hoặc còn cố công ra sức bài bác, chống đối nó nữa!

Nhiều nơi trên thế giới các Cơ Đốc nhân vẫn chưa được tự do đọc Kinh Thánh và nghiên cứu học hỏi Sách ấy với các bạn bè của mình. Thật ra nhiều nơi trên thế giới hiện đang có một nạn đói thật sự đối với Lời Thượng Đế. Tôi nhớ lại câu chuyện một nhạc sĩ Trung Hoa trong nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ông này đã ăn năn quy đạo và tâm linh được củng cố nhờ được đọc từng trang Kinh Thánh, do một người bạn ông không biết tên xé ra, thỉnh thoảng lén trao cho ông. Cũng có nhiều chuyện kể lại về các tù nhân sống sót sau hai hoặc ba mươi năm lao động khổ sai, lắm khi bị tra tấn đánh đập tàn ác nữa, nhưng họ đã ra tù với tâm trí yên lành, hoàn toàn không chút hận thù cay đắng gì với những kẻ từng giam cầm mình.

Có một câu chuyện khác nữa về quyền phép của Kinh Thánh tại một bệnh viện tâm thần. Một thanh niên nọ, vốn là bệnh nhân bị giữ trong một bệnh viện tâm thần, đã viết thư đến chúng tôi xin một quyển Kinh Thánh. Ngày anh ta được ghi nhận là tỉnh trí và sau đó được hoàn toàn bình phục đã đúng vào ngày mà anh nhận được quyển Kinh Thánh và đọc nó. Hiện nay, anh ta đã lập gia đình và tự lo liệu được cho đời sống.

Đừng bằng lòng đọc lướt qua một đoạn Kinh Thánh cốt để xoa dịu lương tâm. Hãy giấu kín Lời Chúa trong lòng bạn. Một khúc ngắn được tiêu hóa kỹ có giá trị thiêng liêng lớn lao cho linh hồn bạn hơn một đoạn dài đọc cách vội vã. Nếu chưa hiểu thấu đáo tất cả bạn đừng ngã lòng. Nếu bạn không chịu đọc thì quyển sách nào cũng khó hiểu cả! Hãy đọc những khúc Kinh Thánh dễ trước. Không bao giờ bạn cho em bé sơ sinh ăn thịt bò nhưng cho em uống sữa trước.

Tôi xin đề nghị bạn bắt đầu bằng cách đọc sách Phúc Âm Giăng. Khi đọc, Đức Thánh Linh sẽ soi sáng những đoạn sách cho bạn. Đức Thánh Linh sẽ làm rõ nghĩa chữ khó và làm sáng tỏ những ẩn ý. Dù không thể nhớ hết, hay hiểu thấu tất cả những gì bạn đã đọc, xin cứ tiếp tục. Chính việc đọc như thế đó sẽ có hiệu năng thanh lọc lòng trí bạn. Đừng để việc gì thay thế công việc này trong đời sống hằng ngày của bạn.

Việc học thuộc lòng Kinh Thánh sẽ giúp bạn những khi không có Kinh Thánh trong tầm tay – những đêm mất ngủ, lúc lái xe, khi đi du lịch, hoặc khi cần tức khắc đưa ra một quyết định quan trọng. Nó sẽ an ủi, hướng dẫn, sửa sai, khích lệ, nghĩa là có tất cả những gì bạn rất cần. Hãy học thuộc lòng Kinh Thánh, càng nhiều càng tốt.

Học tập cầu nguyện.

Thứ nhì: hãy học hỏi bí quyết của sự cầu nguyện. Mới đầu những lời cầu nguyện của bạn có thể lúng túng ấp úng. Bạn có thể sợ sệt và không nói nên lời. Nhưng Đức Thánh Linh sống trong bạn sẽ giúp đỡ và dạy dỗ bạn. Mỗi lời bạn cầu nguyện đều được đáp ứng. Đôi khi câu trả lời có thể là “Được”, đôi khi là “Không được” và có khi là “Hãy chờ”, nhưng dù sao cũng được trả lời.

Cầu nguyện là cảm thông. Trẻ con đáp ứng lại trước tiên là với cha mẹ nó. Nó chẳng xin xỏ, đòi hỏi gì cả. Nó chỉ cười khi cha mẹ cười với nó, ậm ừ trong cổ họng khi cha mẹ trò chuyện với nó. Thế nhưng, những đáp ứng đầu tiên đó đã làm rung động tấm lòng của mọi người trong gia đình! Cũng vậy, bạn không thể nào tưởng tượng được nỗi vui mừng của Thượng Đế, khi lần đầu tiên, bạn biết đáp lại tiếng gọi và tình yêu thương mà Ngài đã dành cho bạn!

Các điều cầu xin của bạn nên luôn luôn đặt trong điều kiện “Ý Cha được nên”. “Cũng hãy khoái lạc nơi Thượng Đế, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước” (Thi Tv 37:4). Nhưng sự vui thỏa của chúng ta trong Ngài phải đi trước việc thực hiện các ước muốn của chúng ta. Thượng Đế luôn luôn làm những gì tốt đẹp nhất cho con cái Ngài.

Hãy nhớ rằng bạn có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và ở đâu. Bạn có thể cầu nguyện lúc rửa chén, đào mương, làm việc tại văn phòng, trong hiệu buôn, trên sân tập thể dục, cả trong nhà tù, Thượng Đế vẫn nghe bạn! Có một bạn hiện lãnh án tử hình, mỗi sáng khoảng bốn đến sáu giờ, vẫn cầu nguyện cho chúng tôi. Điều này đã khích lệ và làm nức lòng chúng tôi.

Nên có một phương pháp cầu nguyện theo hệ thống. Sự cầu nguyện phối hợp với sự nghiên cứu Kinh Thánh tạo thành một đời sống Cơ Đốc trọn vẹn và vinh hiển. Kinh Thánh phán: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (ITe1Tx 5:17). Nếu trong ngày, bạn có những lúc biệt riêng cầu nguyện, đời sống vô thức của bạn sẽ được tràn đầy sự khẩn cầu giữa hai thì giờ biệt riêng cầu nguyện đó. Nếu sáng dậy ra khỏi giường, bạn chỉ quỳ gối xuống nói vài câu ăn năn tội lỗi, thì không đủ. Phải có những thì giờ đặc biệt để bạn trò chuyện riêng tư với Thượng Đế. Với một bà mẹ bận rộn hay một người sống dưới áp lực lớn lao của công việc thì điều đó khó có thể thực hiện được. Nhưng đây chính là lúc thực hiện sự “cầu nguyện không thôi”. Chúng ta cầu nguyện trong khi làm việc. Như đã nói, chúng ta cầu nguyện khắp nơi, vào bất cứ lúc nào.

Ma quỉ sẽ tấn công bạn trên mỗi bước đường. Nó sẽ khiến trẻ con khóc, điện thoại reo, một người gõ cửa – sẽ có nhiều lúc gián đoạn, nhưng hãy vững chí! Đừng để bị ngã lòng. Rồi bạn sẽ sớm thấy rằng những giờ phút cầu nguyện này là lúc vui sướng nhất trong đời sống bạn. Bạn sẽ mong chờ những giờ phút này với lòng náo nức hơn bất cứ việc gì khác. Không có sự cầu nguyện liên tục, hằng ngày, có hệ thống, đời sống bạn sẽ khô khan, chán nản và không kết quả. Không có sự cầu nguyện liên tục, bạn không bao giờ có thể biết được sự bình an nội tại mà Thượng Đế muốn ban cho bạn.

Trông cậy vào Đức Thánh Linh.

Thứ ba: hãy bền lòng tin cậy vào Đức Thánh Linh. Hãy nhớ rằng Chúa Cứu Thế ngự trong bạn qua Đức Thánh Linh. Thân thể bạn bây giờ là nơi cư ngụ của Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi. Đừng sai khiến Ngài giúp bạn như sai khiến người giúp việc. Hãy cầu xin Ngài ngự đến và làm hết mọi sự. Hãy cầu xin Ngài chiếm hữu đời sống bạn. Hãy thưa với Ngài về tình trạng yếu kém, bất năng, bấp bênh và không tin cậy được của bạn. Hãy đứng tránh một bên để Ngài thay thế bạn trong tất cả mọi chọn lựa và quyết định của đời sống bạn. Chúng ta biết rằng Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta và bổ khuyết các nhược điểm của chúng ta (RoRm 8:1-39).

Bạn không thể nào đứng vững trong đời sống Cơ Đốc của mình – nhưng Ngài có thể nắm vững bạn. Thật khó cho Ngài để nắm vững bạn nếu bạn cứ chống đối, chiến đấu và cố sức. Hãy cứ nghỉ ngơi thoải mái trong Chúa. Hãy buông thả tất cả những sự căng thẳng và mặc cảm nội tâm. Hãy hoàn toàn nương cậy nơi Ngài. Đừng sợ hãi lo âu về những quyết định quan trọng – hãy giao cho Ngài quyết định của bạn. Đừng bận tâm đến ngày mai – Ngài là Thượng Đế của ngày mai, từ khởi điểm Ngài trông thấy chung điểm. Đừng lo lắng về những nhu cần của đời sống – Ngài sẵn sàng cung cấp. Một Cơ đốc nhân thật sự đắc thắng là người bất chấp những lo âu, những xung đột nội tâm và căng thẳng, vẫn luôn tin quyết rằng Thượng Đế đang cầm quyền kiểm soát mọi sự và cuối cùng sẽ chiến thắng. Hoàn toàn trông cậy vào Thánh Linh, bạn sẽ thấy nhiều bệnh trạng vật chất và tinh thần biến mất. Dầu chúng ta có những khó khăn gì, dầu chúng ta gặp hoàn cảnh nào, chúng ta phải nhớ, như Corrie ten Boom thường nói: “Chúa Giê-xu luôn chiến thắng!”

Thường xuyên đi nhà thờ.

Thứ tư: hãy đều đặn nhóm họp thờ phượng Chúa tại Hội Thánh. Cơ Đốc giáo là một tôn giáo của sự thông công. Theo Chúa Cứu Thế có nghĩa là tình yêu thương, sự công nghĩa, hầu việc, và những điều này chỉ có thể được thực hiện và bày tỏ qua những mối tương giao xã hội được tìm thấy trong Hội thánh.

Có Hội thánh hữu hình và Hội Thánh vô hình. Hội thánh vô hình gồm các tín hữu chân chính trải qua các thế kỷ và ở khắp thế giới. Hội thánh hữu hình gồm cả tín hữu Công giáo lẫn Cải chánh – Cải chánh gồm nhiều hệ phái khác nhau. Nhưng Kinh Thánh đã dạy chúng ta: “Đừng xao lãng việc nhóm họp” (HeDt 10:25). Các Cơ Đốc nhân cần thông công với nhau.

Hội thánh là tổ chức của Chúa Cứu Thế trên trái đất. Đó là nơi chúng ta thờ phượng Thượng Đế, học hỏi Lời Ngài và tương giao với những Cơ Đốc nhân khác. Kinh Thánh gọi Hội thánh là “một nước thánh”, là “tuyển dân của Thượng Đế”, là “nhà của Thượng Đế trong Thánh Linh”, là “thân thể Chúa Cứu Thế”. Tất cả những từ ngữ trên đây đều là những lời nói tượng trưng, những biểu tượng hoặc hình ảnh được dùng để chỉ tính cách thực tại thiêng liêng của Hội thánh.

Không có gì thay thế sự nhóm lại với Hội thánh. Nếu là một tín đồ chân chính của Chúa Cứu Thế, bạn sẽ miệt thị những lý do thoái thác hời hợt như là tiết trời quá nóng, hay quá lạnh, mưa gió hay tuyết rơi chỉ là những lý do không xứng đáng đối với một môn đồ chân chính của Ngài. Có nhiều người nói rằng sáng Chúa nhật họ có thể ở nhà và thờ phượng Thượng Đế trong tâm trí họ. Người nào làm như thế là đã không dâng hiến cho Thượng Đế sự thờ phượng mà Ngài có quyền hưởng, vì Thượng Đế là Đấng tạo dựng cả thân thể, tâm trí và linh hồn chúng ta; do đó cả tâm trí và cơ thể phải tham gia để báo đáp cho Thượng Đế bằng một hành động thờ phượng trọn vẹn.

Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều nước, việc nhóm lại trong các nhà thờ không được khuyến khích. Nhiều năm qua, các tín hữu bị buộc phải nhóm lại trong các tư gia, có lẽ chỉ có từng gia đình riêng rẽ hoặc vài thân hữu là Cơ Đốc nhân nhóm lại với nhau mà thôi. Chẳng hạn tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, chính phủ vừa cho mở cửa lại một số các nhà thờ vốn đã có từ lâu. Các Cơ Đốc nhân rất cần có nhau; chúng ta cần nhóm lại với nhau để cùng thờ phượng Thượng Đế, và chẳng có gì thay thế được việc đi nhóm lại tại nhà thờ.

Đồng thời, tôi nghĩ là chúng ta phải tri ân ngành truyền giảng bằng các phương tiện điện tử. Hiện có rất nhiều bệnh viện, các nhà dưỡng lão hoặc cả các khám đường nữa, ở đó, phương tiện duy nhất để người ta có thể “đi nhà thờ” là xem vô tuyến truyền hình hay nghe đài phát thanh.

Mặt khác, nhiều người nói rằng họ có thể ở nhà và nghe một bài giảng phát thanh và cho rằng điều này thay thế cho buổi nhóm tại nhà thờ. Nghĩ như vậy là không đủ. Bạn không đi nhà thờ để nghe một bài giảng. Bạn đi nhà thờ để thờ phượng Thượng Đế và hầu việc Ngài trong sự thông công với những Cơ Đốc nhân khác. Bạn không thể là một Cơ Đốc nhân thành công và sung sướng nếu không trung tín nhóm lại với Hội Thánh. Trong Hội thánh bạn sẽ tìm thấy chỗ hầu việc của mình. Chúng ta được cứu để hầu việc. Người Cơ Đốc sung sướng là người Cơ Đốc đang phục vụ.

Làm một Cơ Đốc nhân biết làm chứng.

Thứ năm: hãy trở thành một Cơ Đốc nhân biết làm chứng. Nếu bạn trung tín thực hành bốn luật lệ vừa trình bày cách, thì luật lệ thứ năm này tự nhiên sẽ được bạn thực hành – giống như hiện tượng tất yếu của một cốc nước được liên tục rót đầy thì nó phải chảy tràn ra vậy.

Cách đây ít lâu, tôi gặp một vấn đề còn quan trọng hơn nhiều, là làm chứng về chính đời sống mình hay làm chứng Lời Chúa? Và câu trả lời là: “Trong hai cánh của chiếc máy bay, cánh bên mặt và cánh bên trái, thì cánh nào quan trọng hơn?” Cho rằng như vậy là khôn khéo lắm rồi nên một ngày nọ, lúc lái xe đưa một số giáo sĩ đi ăn trưa, tôi lập lại câu trả lời đó. Có một vị lên tiếng và bảo rằng “Đáp như vậy là khôn khéo lắm. Nhưng không đúng”. Tôi ngạc nhiên, hỏi bà giáo sĩ muốn ngụ ý gì. Bà đáp: “Qua cả Kinh Thánh, Thượng Đế chỉ hứa ban phước cho Lời Ngài, chớ không phải là cho đời sống chúng ta: ời ta đã đi ra sẽ không trở về luống-nhưng… nhưng sẽ làm trọn công việc nó… Ai có Lời ta, hãy truyền giảng Lời ta thật trung tín… Chúa phán vậy“.” Tôi nhận rằng bà nói đúng. Chúng ta phải chịu trách nhiệm với Thượng Đế về cuộc đời mình, nhưng trong Lời Ngài, Ngài đã hứa là sẽ ban phước cho Lời ấy, và điều đó giải thích tại sao có một nhạc sĩ nọ, nhờ nhặt và đọc được một tờ Kinh Thánh bị xé rời mà đã ăn năn quy đạo. Việc ấy cũng giải thích được lý do tại sao một bác sĩ giải phẫu tại Bồ-đào-nha, sau một ngày lội bùn và trở về nhà, thấy có một mẫu giấy dính vào giày mình, ông gở nó ra, đọc được một phần trong Lời của Chúa, và sau đó ông ăn năn quy đạo.

Bây giờ bạn được bổ nhiệm làm đại sứ cho Vua của các vua. Bạn phải treo cao lá cờ của quốc gia bạn trên tòa đại sứ của mình. Giả tỉ như đại sứ Việt-nam tại Ba-tư ra lệnh hạ cờ Việt xuống vì nó không được người Ba-tư biết đến – thì chính phủ Việt-nam sẽ triệu hồi ông đại sứ ngay lập tức – ông không xứng đáng đại diện cho Việt-nam.

Nếu bạn không muốn treo cờ của bạn tại nhà, trong văn phòng, trong cửa hiệu, trường đại học, thì quả là bạn không xứng đáng làm đại sứ cho Chúa Cứu Thế! Bạn phải bày tỏ lập trường mình và cho tất cả những ai ở chung quanh bạn biết rõ bạn là một Cơ Đốc nhân. Bạn phải làm chứng về Chúa Cứu Thế!

Chúng ta làm chứng bằng hai cách: bằng đời sống và bằng lời nói – chỉ một trong hai cách không đủ. Sau khi chúng ta đã biến cải, mục đích của Thượng Đế đối với bạn và tôi là chúng ta trở nên những người làm chứng về ân điển và quyền năng cứu chuộc của Ngài. Bạn phải là chiến sĩ của Chúa Cứu Thế. Bạn phải là người phút giây nào cũng sẵn sàng cho Ngài.

Chúa Cứu Thế phán: “Ai công khai xưng mình là môn đệ ta, ta cũng sẽ công nhận họ trước mặt Cha ta trên trời” (Mat Mt 10:32). Sách Cong Cv 28:23 trình bày cảnh trạng rất cảm động. Phao-lô, khi bị cầm tù tại La-mã, từ sáng đến tối đã thuyết phục nhiều người về Chúa Giê-xu. Đối với chúng ta, hằng ngày phải có người nói: “Trông kìa có người gieo giống đi ra đặng gieo”.

Người mang tin tức rất ít khi có sáng kiến mới lạ. Ông chỉ có mỗi một nhiệm vụ là đem thư từ hay tin tức từ sở đến người nhận. Có thể ông không thích mang tin. Tin tức mang đi có thể là chuyện buồn bực, lo rầu cho người nhận. Ông không thể dừng lại giữa đường, bóc phong bì và thay đổi nội dung trong điện tín. Phận sự của ông là mang tin.

Chúng ta là những Cơ Đốc nhân có Lời của Thượng Đế. Đấng chỉ huy vĩ đại đã phán: “Hãy đi và mang sứ điệp này đến cho một thế giới đang chết mất”. Một số người sẽ không chú trọng đến sứ điệp. Một số người sẽ xé sứ điệp và thay vào bằng một sứ điệp khác. Một số người bỏ bớt đi một đoạn của sứ điệp. Một số người nói với dân chúng rằng Thượng Đế không có ý nói như vậy. Người khác nói rằng thật ra Ngài không viết sứ điệp nhưng chính những người thường hiểu sai ý nghĩa của sứ điệp đã viết ra.

Chúng ta hãy nhớ rằng sứ đồ Phao-lô đã cổ vũ những người Cơ Đốc thời xưa chỉ nên dạy dỗ Lời Chúa. Nên nhớ rằng chúng ta đang gieo giống. Một số hạt giống có thể rơi trên đất chai cứng và một số rơi giữa gai gốc, nhưng công việc của chúng ta là cứ tiếp tục gieo giống. Chúng ta không vì cớ đất đai có vẻ không kết quả mà ngừng gieo giống.

Chúng ta đang cầm một ngọn đèn. Chúng ta phải làm cho đèn chiếu sáng. Ngọn đèn có thể chỉ là một cây nến leo lét trong một thế giới tối tăm, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là soi sáng nó ra.

Chúng ta đang thổi kèn. Trong sự ồn ào ầm ĩ của chiến trận, tiếng của chiếc kèn nhỏ có vẻ lạc lõng nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục báo động cho những người đang lâm nguy.

Chúng ta đang nhóm lửa. Trong thế giới lạnh lẽo đầy ghen ghét và ích kỷ, ngọn lửa yếu ớt của chúng ta có vẻ như vô hiệu, nhưng chúng ta phải tiếp tục làm cho lửa cháy.

Chúng ta đang đập búa. Những nhát búa có vẻ như làm trói tay chúng ta, nhưng chúng ta phải tiếp tục. Có lần Amy Carmichael ở Ấn Độ hỏi một người thợ đục đá nhát búa nào làm vở tảng đá. Người thợ đáp: “Nhát đầu và nhát chót, và tất cả những nhát ở giữa nữa.”

Chúng ta có thức ăn và thế giới đang đói. Người ta có vẻ như quá bận rộn tìm cách nuôi sống bằng những thứ khác nên sẽ không nhận lãnh Bánh Hằng Sống, nhưng chúng ta phải tiếp tục phân phát thức ăn hằng sống cho linh hồn con người.

Chúng ta có nước và người ta đang khát khô. Chúng ta phải tiếp tục gọi lớn “Hỡi ai là người khát hãy đến suối nước”. Lắm khi họ không thể đến được và chúng ta phải đem đến cho họ.

Chúng ta phải bền chí. Chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy tiếp tục dùng Lời Kinh Thánh!

Chúa Giê-xu phán rằng một số lớn hạt giống bạn gieo sẽ gặp đất tốt để mọc lên và sanh hoa kết trái. Chúng ta phải là những người trung tín làm chứng. Từng trải sâu sắc nhất đối với chúng ta là đem được một người khác về với Chúa Giê-xu. Tôi được đặc ân đưa nhiều người đến sự nhận biết Chúa Cứu Thế để được cứu. Điều này đáng giá hơn tất cả tiền bạc trên thế giới. Không có sự sung sướng nào, từng trải nào, cuộc phiêu lưu thơ mộng nào có thể so sánh được với nỗi xúc động khi chinh phục một người khác cho Chúa Cứu Thế.

Kinh Thánh chép: “Người khôn ngoan có tài được linh hồn người ta” (ChCn 11:30). “Và những kẻ khôn sáng được rực rỡ như sự sáng trên bầu trời, và những kẻ dắt đem nhiều người về sự công nghĩa sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi” (DaDn 12:3). “Các con là muối của nhân loại” (Mat Mt 5:13). Muối làm ta khát nước. Đời sống của bạn có làm cho người khác khao khát nước sự sống không?

Hãy yêu thương.

Thứ sáu: hãy để tình yêu thương làm nguyên tắc ngự trị trên đời sống của bạn. Chúa Giê-xu phán cùng những người đi theo Ngài rằng: “Các con có yêu nhau, mọi người mới biết các con là môn đệ ta.” Kinh Thánh dạy rằng: “Anh em thân yêu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu phát xuất từ Thượng Đế. Những người biết yêu thương chứng tỏ họ là con cái Thượng Đế, và biết rõ Thượng Đế. Ai không yêu thương là chưa biết Thượng Đế, vì Thượng Đế chính là tình yêu. Thượng Đế biểu lộ tình yêu khi sai Con Ngài xuống trần chịu chết để đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh viễn. Nhìn hành động đó, chúng ta hiểu được đâu là tình yêu đích thực: không phải chúng ta yêu Thượng Đế trước, nhưng Thượng Đế đã yêu chúng ta, sai Con Ngài đến hy sinh chuộc tội chúng ta” (IGi1Ga 4:7-10).

Trong tất cả những ân tứ mà Thượng Đế ban cho con cái Ngài, tình yêu thương là điều vĩ đại hơn hết. Trong tất cả các trái Thánh Linh, tình yêu thương đứng hàng đầu.

Kinh Thánh tuyên bố rằng là môn đồ Chúa Cứu Thế chúng ta phải yêu thương nhau như Thượng Đế đã yêu thương chúng ta khi Ngài sai Con Ngài chịu chết trên cây thập tự. Kinh Thánh phán rằng vào giờ phút chúng ta đến với Chúa Cứu Thế, Ngài cho chúng ta tình yêu phi thường bởi Đức Thánh Linh, và tình yêu đó tràn trề từ nơi lòng chúng ta. Bằng cớ lớn lao nhất chứng minh chúng ta là người Cơ Đốc ấy là chúng ta thương yêu lẫn nhau. Nếu bạn sớm học được bí quyết này của Thượng Đế trong từng trải Cơ Đốc của mình, bạn đã bước được một bước dài trong đời sống Cơ Đốc trưởng thành và hạnh phúc.

Hãy là một Cơ Đốc nhân biết vâng lời.

Thứ bảy: hãy trở thành một Cơ đốc nhân vâng phục. Hãy dành cho Chúa Cứu Thế địa vị thứ nhất trong mọi lựa chọn của đời sống bạn. Hãy tôn Ngài làm Chúa và Chủ.

Hãy học hỏi đối phó với cám dỗ.

Thứ tám: học hỏi cách tránh sự cám dỗ. Như chúng ta từng biết, sự cám dỗ là điều tự nhiên. Sự cám dỗ không phải là tội lỗi. Chính sự nhượng bộ mới là tội lỗi. Thượng Đế không khi nào đem sự cám dỗ đến cho bạn. Ngài cho phép sự cám dỗ thử thách bạn. Cám dỗ là công việc của ma quỉ. Phải nhận biết điều đó. Một phương cách đối phó với cám dỗ là trích dẫn Kinh Thánh cho kẻ cám dỗ nghe, nó sẽ luôn trốn chạy vì nó không chống trả được Lời của Thượng Đế.

Khi Chúa Giê-xu bị cám dỗ trong đồng vắng, phương tiện duy nhất mà Ngài có là lời Kinh Thánh. Ngài đã phán ba lần: “Có lời chép rằng”.

Bạn nói với ma quỉ “Thượng Đế phán” và nó sẽ chạy trốn. Đồng thời hãy để Chúa Cứu Thế bởi Đức Thánh Linh chiến đấu cho bạn. Như một cô gái nhỏ kia từng nói, “Mỗi lần nghe tiếng ma quỉ gõ cửa, em nhờ Chúa Giê-xu ra mở hộ”.

Ai cũng bị cám dỗ nhưng có một số người lấy đó làm thú vị. Hình như họ thích bị cám dỗ. Đuổi một con chuột bằng một cây chổi, bạn thấy nó không nhìn cây chổi, nó tìm một cái lỗ. Hãy xây mắt bạn khỏi sự cám dỗ và hướng về Chúa Cứu Thế.

Có lần tôi hỏi một sĩ quan để biết ngoài mặt trận vị ấy muốn điều gì nơi binh sĩ – sự can đảm hay sự phục tùng. Viên sĩ quan này trả lời ngay “Sự phục tùng!”

Thượng Đế muốn các bạn vâng phục Ngài hơn bất cứ điều gì khác. Muốn vâng phục, bạn phải biết các điều răn của Ngài. Đó là một lý do cần phải nghiên cứu và đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh là địa bàn và là quyển sách luật pháp của bạn. Hãy vâng phục những điều Thượng Đế phán dạy bạn.

Hãy là một Cơ Đốc nhân trọn lành.

Thứ chín: hãy trở thành một Cơ đốc nhân trọn lành. Người ta có lý khi nói rằng: “Một số Cơ Đốc nhân mải nghĩ về những điều trên trời nên ở thế gian họ không tốt”.

Dĩ nhiên Kinh Thánh dạy phải tránh xa tội lỗi, nhưng không có chỗ nào Kinh Thánh phán rằng chúng ta phải sống đặc biệt và bất thường một cách không trọn lành. Bạn phải tươi vui. Bạn phải hào hiệp, nhã nhặn, sạch sẽ về phần thể xác, tinh khiết về phần tâm trí, điềm đạm và khả ái. Tán tỉnh vớ vẩn, đàm tiếu lăng nhăng, chuyện vãn mờ ám, vui đùa khêu gợi là những điều nên tránh như rắn lục. Tác phong phải gọn gàng sạch sẽ, hấp dẫn và càng đoan trang, giản dị càng tốt. Phải tránh mọi cực đoan. Hãy cố gắng trở nên người đàn ông hay đàn bà lý tưởng. Đời sống và tác phong của bạn phải đề cao Phúc âm và làm cho Phúc Âm hấp dẫn đối với người khác. Như Tấn sĩ Barnhouse đã nói rất đúng: “Người ta có thể không đọc Phúc Âm trong quyển Kinh Thánh bìa da mạ vàng hay bìa vải; nhưng người ta không thể không đọc Phúc Âm trên đời sống của người Cơ Đốc trung tín với Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Hãy vượt trên các hoàn cảnh.

Thứ mười: hãy sống vượt lên trên mọi hoàn cảnh. Thượng Đế đã tạo nên bạn với bản thể hiện tại. Ngài đã đặt bạn ở vị trí hiện tại để bạn có thể hầu việc và làm vinh hiển danh Ngài cách tốt đẹp nhất trong hoàn cảnh và địa vị hiện tại đó của bạn. Có một số người luôn luôn nhìn qua phía bên kia hàng rào vì nghĩ rằng ở đó cỏ xanh hơn. Họ đã bỏ quá nhiều thì giờ mong được đổi thay và tìm những lời bào chữa tại sao họ không được như ý, do đó họ đã bỏ qua tất cả những cơ hội tốt và dịp may mắn đối với họ ngay trong địa vị của họ.

Hãy như sứ đồ Phao-lô khi ông nói: “Nhưng tôi chẳng ngã lòng, cũng không tiếc mạng sống mình, chỉ mong dâng trọn cuộc đời cho Chúa và chu toàn nhiệm vụ Chúa Giê-xu ủy thác, để công bố Tin Mừng về ân phúc của Thượng Đế” (Cong Cv 20:24). Phao-lô đã nói ông từng trải sự giàu sang cũng như sự nghèo hèn. Ông đã học từng ly từng tí để trở thành một Cơ Đốc nhân, cả lúc ở trong tù. Đừng để cảnh ngộ đưa bạn vào chỗ sa sút. Hãy học sống thoải mái và khoáng đạt trong các hoàn cảnh đó, vì nhận biết chính Chúa luôn luôn ở với bạn.

Những qui luật và đề nghị này trông có vẻ giản dị – nhưng hãy cố tuân giữ – chúng rất hiệu nghiệm. Tôi đã thấy chúng được thử nghiệm trong đời sống hằng ngàn người. Tôi đã trắc nghiệm chúng trong chính đời sống tôi. Tuân giữ một cách thích đáng và thành tín, chúng sẽ mang lại cho bạn sự bình an linh hồn, hạnh phúc, sự bình an tâm trí và niềm vui thú, và bạn sẽ học được bí quyết sống một đời sống vui thỏa.