Chương 19: SỰ BÌNH AN

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 19: SỰ BÌNH AN

Ngài sẽ lau hết nước mắt cho họ. Sẽ không còn ai chết nữa.

Cũng chẳng còn tang chế, khóc than, đau khổ, vì mọi thứ ấy đã qua rồi.

KhKh 21:4

ĐẾN đây bạn đã biết ý nghĩa của sự bình an trong Thượng Đế là thể nào rồi. Bạn đã biết trở thành một người Cơ Đốc có nghĩa gì. Bạn đã biết giá phải trả để đạt lấy điều hão huyền được mệnh danh là hòa bình và hạnh phúc. Tôi biết có nhiều người sẵn sàng ký một chi phiếu 1 triệu mỹ kim nếu họ có thể tìm được sự bình an. Hằng triệu người đang đi tìm nó. Mỗi lần họ gần tìm được sự bình an mà bạn tìm thấy trong Chúa Cứu Thế, thì Sa-tan lái họ ra xa, bịt mắt họ lại. Nó tung hỏa mù. Nó lừa bịp họ. Và họ đánh mất sự bình an đó! Nhưng bạn đã tìm được sự bình an! Giờ đây sự bình an ở với bạn đời đời. Bạn đã tìm thấy bí quyết của cuộc đời.

Trong hậu bán thế kỷ 20 này, bốn mươi năm hoặc bốn mươi lăm năm sau này, từ ngữ “hòa bình” rất thường được sử dụng. Chúng ta nói về hòa bình, có nhiều hội nghị về hòa bình; thế nhưng hiện nay, dường như thế giới đang hướng về một cái gì khác hơn là hòa bình.

Phao-lô từng nói về nhân loại: “Họ chẳng biết con đường hạnh phúc, an vui” (RoRm 3:17). Nhìn quanh mình, chúng ta chẳng thấy được chút hòa bình cá nhân, gia đình, xã hội, kinh tế hoặc chính trị đâu cả. Tại sao vậy? Vì trong tất cả chúng ta đều có mầm mống của nghi ngờ và hung dữ, thù hằn và hủy diệt.

Chúa Giê-xu phán: “Phúc cho người hòa giải” (Mat Mt 5:9). Chúng ta phải nỗ lực tìm cầu hòa bình. Điều này không có nghĩa là cầu an. Chúng ta phải làm việc vì hòa bình. Nhưng Chúa Giê-xu cũng tiên báo: “Các con sẽ nghe chiến tranh bùng nổ, và những tin tức khủng khiếp về chiến tranh. Đừng bối rối, vì các biến cố ấy phải xảy ra, nhưng chưa đến ngày tận thế. Dân tộc này sẽ tiến đánh dân tộc khác, nước nọ tuyên chiến với nước kia. Nhiều xứ sẽ gặp động đất và nạn đói” (24:6, 7).

Người ta chỉ hưởng được hòa bình khi đã được Thượng Đế tha tội – khi chúng ta đã làm hòa với Thượng Đế, và có được một đời sống hài hòa với đồng bào đồng loại, và nhất là, với Thượng Đế. Thượng Đế đã phán: “Những kẻ gian ác chẳng hưởng sự bình an” (EsIs 57:21). Nhưng nhờ huyết tại thập tự giá, Chúa Cứu Thế đã vì chúng ta làm hòa với Thượng Đế để chính Ngài trở thành sự bình an (hòa bình) của chúng ta. Nếu chúng ta lấy đức tin tiếp nhận Ngài, chúng ta được Thượng Đế kể là công chính, và có thể từng trải sự thanh thản nội tâm, vốn chẳng có thể đến với con người bằng bất luận một con đường nào khác. Một khi Chúa Cứu Thế đã ngự trị tấm lòng, chúng ta được giải thoát khỏi mọi ý thức, mọi mặc cảm tội lỗi vẫn ám ảnh mình. Một khi đã được thanh tẩy khỏi mọi cảm thức về việc bị tiêm nhiễm tội lỗi và trở thành không xứng đáng, chúng ta sẽ có thể ngẩng đầu một cách an toàn, vì biết rằng mình có thể tin cậy nhìn thẳng vào mặt đồng bào đồng loại: “khi tánh hạnh của người nào đẹp lòng Thượng Đế, thì Ngài cũng khiến các thù nghịch người ở hòa thuận với người” (ChCn 16:7). Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta biết mình sẽ ứng hầu trước mặt Thượng Đế khi phải qua đời với cùng một cảm thức an bình như vậy.

Trong Kinh Thánh, Chúa Giê-xu cho chúng ta biết rằng chiến tranh sẽ cứ tiếp tục cho đến cuối cùng (the end of the age). Ngài vốn biết rõ bản tính con người sẽ chẳng thay đổi gì nếu chưa được tái sanh thuộc linh. Ngài vốn biết rõ phần đông nhân loại sẽ chẳng bao giờ chịu biến cải để quay lại tin nhận Ngài. Đa số nhân loại trên thế giới hiện nay vẫn chưa được “sanh lại”. Cho nên bạo lực vẫn có tiềm năng bùng nổ ngay trong gia đình, trong cộng đồng, và trên thế giới.

Kinh Thánh mô tả ba loại hòa bình:

Hòa bình với Thượng Đế.

Trước hết, là hòa bình với Thượng Đế “Vậy nhờ đức tin chúng ta được kể là người công chính, và giải hòa với Thượng Đế qua trung gian của Chúa Cứu Thế Giê-xu” (RoRm 5:1). “Huyết Chúa Cứu Thế đổ ra trên cây thập tự đã tái lập hòa bình giữa Thượng Đế và nhân loại” (CoCl 1:20). Bạn có thể có được một tâm trạng bình an tức khắc – là được hòa bình (hòa thuận) với Thượng Đế.

Cuộc chiến tranh quan trọng nhất hiện xảy ra trên thế giới là cuộc chiến tranh giữa loài người với Thượng Đế. Thiên hạ không ngờ mình đang đánh nhau với Thượng Đế. Nhưng nếu ai chưa biết Giê-xu là Chúa Cứu Thế, chưa đầu phục Ngài, tôn Ngài làm Chúa mình, thì Thượng Đế kể người ấy đang tranh chiến với Ngài. Sự ngăn cách đó vốn do tội lỗi tạo ra. Kinh Thánh chép rằng: “Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế” (RoRm 3:23). Có người nói: “Ồ, tôi đã gia nhập Hội thánh. Tôi đã chịu phép báp-tem rồi”. Nhưng vấn đề là Chúa Giê-xu đã đến để sống trong lòng người ấy hay chưa? Không phải chỉ với tư cách là Chúa Cứu Thế nhưng còn với cương vị là Chúa tể ngự trị đời sống người ấy, hay chưa?

Sẽ là điều thảm hại nhất cho bạn nếu tôi không nói với bạn rằng bạn đang bị chết mất, đang bị diệt vong trừ phi bạn đã ăn năn tội lỗi và tin nhận Chúa Cứu Thế làm Cứu Chúa mình.

“Vì Thượng Đế yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai (“là chính bạn đấy) tin Con ấy, không bị hư mất, mà được sự sống đời đời” (GiGa 3:16). Đây không phải chỉ là tin bằng trí óc, nhưng còn là tin bằng cả tấm lòng nữa. Đó là sự tin cậy trọn vẹn, phó thác trọn vẹn, dấn thân hoàn toàn. Chúng ta đem mọi sự đến với thập tự giá nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chịu chết vì tội chúng ta. Bởi sự chết trên thập tự giá, Ngài đã hòa giải với Thượng Đế. Nếu chúng ta quay lưng với Ngài, không dâng cuộc đời cho Ngài, chúng ta sẽ chẳng có chút hy vọng nào cho tương lai.

Thượng Đế đã phải trả giá là chính Con Ngài, để một người được hòa thuận lại với Ngài. Phê-rơ nói: “Bằng huyết quý báu của Chúa Cứu Thế, Chiên Con vô tội không tì vết của Thượng Đế” (IPhi 1Pr 1:19). Nếu tôi là người duy nhất sống trên thế gian này, Chúa Giê-xu chắc cũng vui lòng chịu chết vì tôi, bởi vì Ngài yêu thương tôi. Mà Ngài cũng yêu thương chính bạn nữa! Tình yêu thương của Ngài đã được tuôn đổ ra trên thập tự giá.

“Gặp tôi trên Thiên Đàng”

Tôi có đọc một quyển sách viết về tiểu sử nữ hoàng Victoria, và được biết thỉnh thoảng nữ hoàng vẫn đến thăm các khu xóm tồi tàn của thành phố Luân-đôn. Có lần bà vào một nhà nọ, uống trà với một bà cụ, và khi cáo từ, nữ hoàng hỏi: “Thưa cụ, tôi có thể giúp gì được cho cụ không?” Bà cụ đáp: “Vâng, thưa nữ hoàng, xin nữ hoàng hãy gặp tôi trên Thiên Đàng”. Nữ hoàng quay sang bà cụ và dịu dàng nói: “Vâng, tôi sẽ có mặt ở đó, nhưng sở dĩ được như vậy, là chỉ nhờ dòng huyết đã đổ ra trên thập tự giá vì cụ và vì tôi”. Trong thời trị vì của mình, nữ hoàng Victoria là người phụ nữ có uy quyền nhất trên thế giới. Nhưng nữ hoàng vẫn phải nhờ vào huyết của Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi. Và chúng ta cũng vậy. Kinh Thánh chép rằng Thượng Đế là Chúa Bình An (ICo1Cr 14:33). Thượng Đế nhờ thập tự giá cung cấp sự cứu rỗi cho chúng ta, Ngài giải hòa bằng cách đổ huyết mình ra. Cuộc chiến tranh giữa bạn với Thượng Đế có thể kết thúc nhanh chóng, và hòa ước có thể được ký kết trong huyết Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Ngài.

Bạn đã được hòa thuận lại với Thượng Đế chưa? Bạn đã có được sự bình an trong Thượng Đế chưa? Hay tội lỗi vẫn còn trong lòng bạn để chia cách bạn với Thượng Đế?

Sự bình an của Thượng Đế.

Sự hòa bình thứ hai được Kinh Thánh đề cập là sự bình an của Thượng Đế. Hễ ai nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-xu, đều có thể giải quyết mọi vấn đề và đối diện với sự chết mà vẫn có sự bình an của Thượng Đế trong lòng. Khi người bạn đời của bạn qua đời, hay con cái của bạn đau yếu, hoặc bạn bị mất việc làm, bạn vẫn có được sự bình an mà trí bạn không thể nào hiểu thấu. Rất có thể bạn đổ lệ trước phần mộ, nhưng sự bình an, sự yên tịnh vẫn ngập tràn lòng bạn.

Trên tờ nhật báo nọ, người ta trích dẫn lời một bác sĩ tâm thần bảo rằng ông không thể thêm gì vào toa thuốc mà Phao-lô đã kê ra cho nhân loại để chữa trị bệnh âu lo. Phao-lô viết: “Đừng lo lắng chi cả, nhưng trong mọi việc hãy cầu nguyện, nài xin và cảm tạ trong khi trình bày các nhu cầu của mình cho Thượng Đế. Sự bình an của Thượng Đế mà con người không hiểu thấu sẽ bảo vệ trí óc và tâm khảm anh em, khi anh em tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-xu” (Phi Pl 4:6, 7). Chớ lo phiền chi hết. Biết bao lần bạn và tôi đã trăn trở, mong tìm được một chút bình an? Sự bình an của Thượng Đế có thể đến với bạn ngay giờ này.

CoCl 3:15 chép rằng: “Cầu xin sự bình an của Chúa Cứu Thế Giê-xu ngự trị trong lòng anh em”. Một số người trong các bạn tin rằng mình nhận biết Chúa Giê-xu là Cứu Chúa mình, nhưng thật ra, các bạn vẫn chưa tôn Ngài làm Chúa mình. Các bạn thiếu sự bình an của Thượng Đế để chiến đấu với những náo loạn, những thử thách và những áp lực trong đời sống. Sự bình an của Thượng Đế hiện có trong lòng các bạn chăng?

Chúng ta đều quen thuộc với sự biến đổi xảy ra cho Sau-lơ trên đường về thành Đa-mách, khi Chúa Cứu Thế ngự vào lòng ông và biến đổi ông từ một kẻ tử thù của Ngài thành một trong những người bênh vực Ngài mạnh mẽ nhất. Ngày nay sự kiện đó cũng đang xảy ra, và vẫn được thực hiện cùng một phương cách đã biến đổi Sau-lơ thành Phao-lô – đó là sự sanh lại trong Chúa Cứu Thế Giê-xu!

Không có triết lý nhân bản nào có thể thực hiện được những thay đổi như thế hay cung ứng một sức mạnh như thế. Sức mạnh phi thường đó dành sẵn cho bạn mỗi khi bạn cầu xin bất cứ lúc nào. Thượng Đế phán: “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì Ta là Thượng Đế của ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi, phải, Ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình Ta mà nâng đỡ ngươi” (EsIs 41:10).

Dù gặp hoàn cảnh nào, dù có sự kêu gọi nào, dù mang nhiệm vụ nào, dù phải trả giá nào, dù phải hy sinh thế nào – sức mạnh của Ngài sẽ là sức mạnh của bạn trong giờ bạn cần.

Có những quyền lợi vật chất do đời sống Cơ Đốc mang lại. Tội lỗi và mặc cảm không xứng đáng của nội tâm làm phương hại đến sự an lạc vật chất và tinh thần. Ý thức bất khiết và vô luân về thể chất, ý thức căm thù đối với đồng loại, ý thức về sự bất lực, bất mãn và bất tài của chúng ta trong việc thực hiện các mục đích chúng ta mong ước – tất cả những điều đó là những nguyên do thật sự của bệnh tật về cơ thể và tinh thần. Mặc cảm vấp phạm và tội lỗi mà một người bình thường mang trong lòng khiến họ không xứng đáng thi hành những bổn phận của họ và làm cho họ bị ốm đau về tâm trí lẫn thân xác. Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-xu đã kết hợp sự chữa lành với sự rao giảng và dạy dỗ khi Ngài còn ở thế gian. Có mối tương quan thực hữu giữa đời sống thuộc linh với sức khỏe của thể xác và tâm trí.

Hòa thuận với Thượng Đế, sự bình an của Ngài trong lòng một người, và niềm vui được thông công với Chúa Cứu Thế, tự chúng vốn có tác dụng hữu ích trên thân thể và tâm trí, đưa đến việc phát triển và duy trì năng lực thể xác và tinh thần. Vì thế, Chúa Cứu Thế đem đến cho cả thân thể lẫn tâm trí cũng như phần thuộc linh những điều ích lợi nhất, thêm vào với sự bình an nội tâm là sự phát triển sinh hoạt thuộc linh, niềm vui được thông công với Chúa Cứu Thế, và một sinh lực mới đồng thời với sự sanh lại.

Có vài ân huệ đặc biệt mà chỉ có Cơ Đốc nhân thật sự mới vui hưởng. Chẳng hạn như ân huệ được có sự thông sáng và sự dẫn dắt thiên thượng cách liên tục. Kinh Thánh chép: “Nếu anh em không hiểu biết đường lối Chúa, hãy cầu xin Ngài chỉ dẫn. Vì Ngài không quở trách những người cầu xin, nhưng luôn luôn sẵn sàng ban khôn ngoan dồi dào cho họ” (Gia Gc 1:5).

Người Cơ Đốc cũng có tinh thần lạc quan thật sự, bảo đảm rằng theo sự mặc khải thiên thượng, chung cuộc mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.

Người Cơ Đốc cũng có vũ trụ quan. Vũ trụ quan này cho thấy mục đích và cứu cánh của Thượng Đế mà mọi sự đang hướng về đó. Quan điểm này bảo đảm với chúng ta rằng mặc dù có sự tranh chiến giữa con người với nhau và mặc dù có những năng lực hủy diệt của thiên nhiên hình như đang nắm giữ chúng ta trong nanh vuốt của chúng, Thượng Đế vẫn còn tại vị trên ngai và chỉ huy tất cả. Chính Sa-tan đã bị quyền năng Ngài đẩy lui và chỉ được ban cho cơ hội sử dụng ảnh hưởng xấu xa của nó tùy theo Thượng Đế thấy là thích hợp, và trong thời gian Ngài cho phép. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Thượng Đế có một kế hoạch nhất định cho mỗi giai đoạn lịch sử, cho mỗi quốc gia và cho mỗi cá nhân. Kinh Thánh tiết lộ kế hoạch của Ngài về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế khi vương quốc Ngài sẽ được thiết lập như chúng ta đã được thấy. Thế nên, đối với người Cơ đốc, đời sống có một kế hoạch và một sự bảo đảm, rằng Thượng Đế cuối cùng sẽ chiến thắng tất cả những gì bất nghĩa.

Tóm tắt về sự cao trọng của đời sống so với mọi đường lối sống khác, chúng ta không thể bỏ qua lợi điểm mà người Cơ Đốc sẽ có đời đời. Gióp đã nói: “Nếu loài người chết có được sống lại chăng?” (Giop G 14:14). Chính Gióp đã tự trả lời câu hỏi trên khi ông nói: “Còn tôi, tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống, đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất” (19:25).

Viễn ảnh tươi đẹp làm sao! Tương lai tốt lành làm sao! Hy vọng tràn trề làm sao! Đời sống hứa hẹn làm sao! Tôi sẽ không chịu đổi chỗ với người giàu nhất và có thế lực nhất trong thế gian. Tôi thà chỉ làm con của Vua, người đồng kế tự với Chúa Cứu Thế, một phần tử của Hoàng gia thiên thượng!

Tôi biết tôi từ đâu đến, tại sao tôi đang ở đây, tôi biết tôi sẽ đi về đâu – và tôi có sự bình an trong lòng mình. Sự bình an của Chúa chảy tràn tâm tư và ngập cả hồn tôi!

Bão tố đang gào thét. Đại dương đang dồn dập đập vào gành đá những lượn sóng khổng lồ. Chớp lóe lên, sấm vang động, gió thổi ào ào nhưng con chim nhỏ đang ngủ trong hốc đá, đầu bình thản ủ dưới đôi cánh, chim đang ngon giấc. Đó là sự bình an: có thể ngủ yên trong giông tố!

Trong Chúa Cứu Thế chúng ta được thoải mái và bình an giữa những xáo trộn, hỗn loạn và bối rối của đời này. Giông tố gào thét nhưng lòng ta được yên nghỉ. Cuối cùng, chúng ta tìm thấy được sự bình an!

Hòa bình trong tương lai.

Sự bình an thứ ba mà Kinh Thánh đề cập là sự hòa bình trong tương lai. Kinh Thánh hứa rằng rồi đây sẽ là thời mà cả thế giới có hòa bình. Dường như thế giới này đang hướng về trận Ha-ma-ghê-đôn. Trong KhKh 6:4, Giăng bảo: “Một con ngựa hồng đi ra, người cỡi ngựa nhận một thanh gươm lớn và được quyền gây chiến tranh khắp thế giới, khiến người ta giết hại lẫn nhau”. Chúng ta sẽ không có hòa bình – một nền hòa bình trường cửu – trước ngày Chúa Bình an đến.

Và Ngài đang đến. Có một ngày, trời sẽ mở ra, và Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ tái lâm. Ngài sẽ đặt quyền cai trị trên hành tinh này và chúng ta sắp có hòa bình cùng công bằng xã hội. Thật là một thời kỳ tuyệt vời!

Ê-sa tiên báo: “Quyền cai trị sẽ đặt trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, là Đấng Mưu Luận, là Thượng Đế Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An. Ngài cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi” (EsIs 9:5, 6) Hãy nghĩ xem: sẽ chẳng còn đánh nhau, chẳng còn chiến tranh, chẳng còn thù hận nữa. Tất cả sẽ chỉ còn là hòa bình!

Được ở với Chúa Cứu Thế.

Bạn đã nhận biết Chúa Cứu Thế chưa? Đã chắc chắn rằng Ngài đang ngự trong lòng bạn chưa? Có lẽ bạn nghĩ: “Tôi muốn chắc chắn mình đã hòa thuận với Thượng Đế. Tôi muốn chắc chắn mình đã sẵn sàng qua đời. Tôi muốn tội lỗi mình được tha. Tôi muốn mọi vi phạm của mình đều được cất đi, xóa sạch. Tôi muốn được ở với Chúa Cứu Thế khi Ngài đến thiết lập nước Ngài”.

Tất cả tùy thuộc bạn, và được dành cho bạn vô điều kiện. Bạn không cần gì phải làm việc khổ nhọc để có được những điều đó. “Anh em được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Đây là một tặng phẩm của Thượng Đế, chớ không do anh em. Không phải là kết quả của công đức anh em, nên chẳng ai có thể khoe khoang” (Eph Ep 2:8, 9).

Hãy dâng tấm lòng và đời sống của bạn cho Chúa Cứu Thế ngay bây giờ. Xin đừng trì hoãn.