Chương 8: LÝ DO CHÚA GIÊ-XU ĐẾN

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 8: LÝ DO CHÚA GIÊ-XU ĐẾN

Ta đến trần gian để tìm và cứu những người lầm lạc.

LuLc 19:10

CHÚNG ta đã thấy tội lỗi là một sự kiện tàn phá ghê gớm nhất của vũ trụ. Nguyên nhân của tất cả mọi rắc rối, gốc rễ của mọi buồn rầu và kinh hãi của loài người đều nằm vỏn vẹn trong hai chữ – tội lỗi. Tội lỗi làm đảo lộn bản thể con người. Tội lỗi phá hoại sự hòa hợp nội tại của đời sống con người. Tội lỗi cướp đi tính cách cao trọng của con người. Tội lỗi khiến cho con người phải sa vào cạm bẫy của ma quỉ.

Tất cả mọi rối loạn thần kinh, mọi bệnh hoạn, mọi hủy diệt, chiến tranh đều bắt nguồn từ tội lỗi. Tội lỗi làm trí óc điên cuồng và đầu độc tâm tư. Kinh Thánh mô tả tội lỗi như một bệnh tật ghê sợ gây suy nhược cần được chữa trị tận gốc. Tội lỗi là trận cuồng phong đang hoành hành, là hỏa diệm sơn đang phun lửa man dại, là một người điên trốn thoát khỏi dưỡng trí viện. Tội lỗi là tên cướp đang rình mò, là con sư tử gầm thét lúc đang săn mồi, là một lằn sét chớp xẹt xuống đất. Tội lỗi là cái máy chém, là một chứng ung thư chết người đang gặm nhấm linh hồn nhân loại, là một dòng thác lũ cuồn cuộn cuốn phăng mọi vật trên đường đi của nó.

Nhưng, như có người đã nói: “Tội lỗi có thể cầm chân không cho bạn đến với Kinh Thánh – hoặc ngược lại, Kinh Thánh có thể cầm giữ bạn để bạn khỏi phạm tội.”

Qua nhiều thời đại con người vì căn bệnh tội lỗi bị lạc lõng mù lòa trong bóng tối thuộc linh, mò mẫm, tìm tòi, dò xét tìm kiếm một lối thoát. Con người cần một người giúp đỡ để thoát khỏi sự bối rối tinh thần và mê hồn trận đạo lý, một người có thể cứu chuộc mình ra khỏi ngục tù ma quỉ, một người có thể mở khóa nhà giam. Con người với tâm thần đói khát và tâm linh tan vỡ đang tìm tòi và nghe ngóng một cách tuyệt vọng. Trong khi đó thì ma quỉ hài lòng về chiến thắng oai hùng của nó ở vườn Ê-đen.

Từ những bộ lạc dã man trong rừng già đến những nền văn minh của Ai-cập, Hy-lạp và La-mã, con người đều ngơ ngác tự hỏi câu hỏi giống nhau: “Làm sao tôi thoát khỏi tình trạng này? Làm sao tôi có thể khá hơn? Tôi làm gì bây giờ? Tôi nên theo lối nào đây? Làm sao tôi trừ khử được chứng bệnh ghê gớm này? Làm sao tôi chận đứng được dòng nước lũ đang cuồn cuộn? Làm sao tôi có thể thoát ra khỏi màng lưới bao bọc tôi? Nếu có một đường lối nào, làm sao tôi tìm ra?”

Lời đáp của Kinh Thánh.

Chúng ta đã thấy Kinh Thánh chép rằng Thượng Đế là Thượng Đế của tình yêu. Ngài muốn làm cho con người một điều gì đó. Ngài muốn cứu rỗi con người, Ngài muốn giải thoát con người ra khỏi sự rủa sả của tội lỗi. Ngài đã làm điều đó bằng cách nào? Thượng Đế là Đấng công bình. Ngài công nghĩa và thánh thiện. Từ buổi ban đầu Ngài đã cảnh cáo con người nếu nghe theo lời ma quỉ và không vâng phục Ngài chắc sẽ bị chết mất cả về thể xác lẫn linh hồn. Con người đã tự ý trái lời Thượng Đế. Hoặc con người phải chết, hoặc Thượng Đế là Đấng dối trá, vì Thượng Đế không thể sai lời. Bản chất của Ngài không cho phép Ngài dối trá. Lời Ngài phải được tôn trọng. Do đó, khi con người bất phục tùng Ngài, con người đã bị xóa bỏ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế. Con người đã tự chọn con đường của ma quỉ.

Vì con người đã tuyệt vọng trong sự hư mất rồi, do đó cần có đường lối khác. Bản chất thật của con người đã bị đảo lộn. Con người đã chống đối Thượng Đế. Nhiều người còn phủ nhận sự hiện hữu của Ngài vì mù quáng bởi bệnh tật họ mắc phải.

Ngay cả trong vườn Địa đàng, Thượng Đế đã có ý nói rằng Ngài sẽ tìm cách giải quyết vấn đề đó. Ngài đã cảnh cáo ma quỉ và hứa cùng con người: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau, người sẽ giày đạp đầu mày, còn mày sẽ cắn gót chân người” (SaSt 3:15). “Mầy sẽ cắn gót chân người” – Đó là một tia sáng từ trời. Đó là một lời hứa. Đó là điều con người có thể tin cậy. Thượng Đế đã hứa rằng một ngày kia Đấng Cứu Chuộc sẽ xuất hiện, một Đấng Giải Thoát sẽ đến. Thượng Đế đã ban cho con người một niềm hy vọng. Trải qua bao thế kỷ, con người đã bám lấy chút hy vọng đó.

Nhưng không phải chỉ có thế. Còn có nhiều cơ hội khác trải qua mấy ngàn năm lịch sử, có nhiều tia sáng khác đến từ trời. Qua toàn bộ Cựu Ước, Thượng Đế hứa sẽ cứu chuộc con người nếu con người tin rằng Đấng Cứu Chuộc sẽ hiện đến. Vì vậy, Ngài đã dạy dỗ dân sự Ngài rằng con người chỉ có thể được cứu bằng sự thay thế mà thôi. Một nhân vật khác sẽ trả giá để cứu chuộc con người.

Trở lại vườn Ê-đen.

Đến đây, bằng tưởng tượng mời bạn cùng tôi trở lại vườn Ê-đen một lúc. Thượng Đế phán: “Một mai ngươi ăn chắc sẽ chết”. Con người đã ăn và đã chết.

Ví thử Thượng Đế chỉ phán: “A-đam, ngươi đã phạm lỗi, nhưng đó là một sai lầm nhỏ của ngươi thôi. Ngươi được tha thứ nhưng đừng tái phạm”. Nếu vậy, Ngài là Đấng dối trá. Ngài không phải là Đấng thánh khiết hay công bình. Chính bản chất Ngài buộc Ngài phải giữ lời. Ở đây sự công bằng của Thượng Đế bị thử thách. Con người phải chết về phần thể xác lẫn phần thuộc linh. Những sự bất nghĩa chia cách con người với Thượng Đế. Do đó họ phải bị đau khổ. Con người phải trả giá cho chính tội lỗi mình. Như chúng ta đã thấy, A-đam là thủy tổ loài người. Khi A-đam phạm tội, thì tất cả chúng ta đều phạm tội. “Vì A-đam, tội lỗi đã xâm nhập thế gian, đem theo sự chết. Do đó, mọi người đều phải chết, vì mọi người đều phạm tội” (RoRm 5:12).

Vấn đề nóng bỏng sẽ là: “Làm sao Thượng Đế vừa công bình vừa xưng công nghĩa cho kẻ phạm tội được?”. Ta nên nhớ là xưng công nghĩa tức là “tẩy cho linh hồn sạch tội”. Sự xưng công nghĩa vượt xa sự tha thứ. Tội lỗi phải được gạt bỏ và làm cho trở thành như chưa bao giờ có. Con người phải được phục hồi để không còn dấu vết nhơ bẩn nào. Nói một cách khác, con người phải trở về địa vị của mình trước khi bị mất ơn.

Từ nhiều thế kỷ nay, trong sự mù quáng của mình, con người tìm cách trở lại vườn Ê-đen – nhưng chưa hề đạt được mục đích. Con người đã thử nhiều cách, nhưng tất cả đều thất bại.

Giáo dục là điều cần thiết nhưng không đem người ta trở lại cùng Thượng Đế. Những tôn giáo giả dối là một thứ ma túy giúp con người tránh khỏi sự khốn khổ hiện tại trong khi họ hướng về vinh quang tương lai, nhưng các tôn giáo đó sẽ không khi nào giúp con người đạt đến mục đích. Liên Hiệp Quốc có thể là một nhu cầu thực tiễn cho một thế giới con người đầy chiến tranh và chúng ta tri ân những điều mà tổ chức này có thể thực hiện trong lãnh vực bang giao quốc tế để dàn xếp những sự tranh chấp khỏi dùng bạo lực; nhưng nếu Liên Hiệp Quốc có thể đem lại một nền hòa bình lâu dài, thì con người có thể nói với Thượng Đế rằng: “Chúng tôi không còn cần Ngài nữa. Chúng tôi đã đem lại hòa bình cho trái đất này và đã tổ chức nhân loại trong sự công nghĩa”. Tất cả những toan tính này là phương thuốc tạm thời mà thế giới cần có trong khi chờ đợi vị Đại Danh Y. Quay trở về lịch sử, chúng ta thấy rằng cố gắng đầu tiên của những người biết đoàn kết đã chấm dứt bằng sự xáo trộn ngôn ngữ ở tháp Ba-bên. (do con cháu Nô-ê xây cất tại Si-nê-a sau cơn Đại hồng thủy vì kiêu ngạo muốn lên đến trời. Thượng Đế làm cho tháp đó ngã xuống và khiến cho tiếng nói khác nhau kể từ đó) Con người đã thất bại khi cố làm việc không cần Thượng Đế và họ phải gánh hậu quả.

Câu hỏi vẫn còn: “Thượng Đế làm thế nào vừa công bình – nghĩa là chân thật đối với chính Ngài trong bản chất và trong sự thánh thiện vừa xưng công nghĩa được cho người tội lỗi?” Vì mỗi một người đều phải gánh lấy tội lỗi của chính mình, nên tất cả nhân loại không ai giúp ai được cả. Mọi người đều bị nhiễm cùng một chứng bịnh.

Giải pháp duy nhất là phải có một người vô tội tình nguyện chịu chết thay cho con người trước mặt Thượng Đế. Người vô tội này phải gánh lấy sự xử đoán, sự hình phạt và sự chết cho con người. Nhưng tìm đâu ra được một người như vậy? Chắc chắn ở trên mặt đất này không có ai, vì Kinh Thánh phán: “Mọi người đều phạm tội” (RoRm 3:23). Chỉ còn một cách là Con Một của Thượng Đế, nhân vật duy nhất trong vũ trụ có khả năng mang trên chính mình Ngài tội lỗi của thế gian. Dĩ nhiên thiên sứ Gáp-ri-ên hoặc Mi-ca-ên có thể đến và chết thay cho một người, nhưng chỉ có Con Thượng Đế là Đấng vô cùng và như thế mới có khả năng chết thay cho tất cả mọi người.

Thượng Đế Ba Ngôi.

Kinh Thánh dạy rằng Thượng Đế thật sự có Ba Ngôi. Đây là điều mầu nhiệm chúng ta không bao giờ hiểu thấu. Kinh Thánh không dạy là có ba Thượng Đế nhưng chỉ có một. Tuy nhiên Thượng Đế được biểu thị trong Ba Ngôi vị. Đó là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.

Ngôi thứ nhì của Tam-Vị-Nhất-Thể đó là Đức Chúa Con tức là Chúa Giê-xu. Ngài đồng đẳng với Đức Chúa Cha. Ngài không là một con của Thượng Đế mà là Con Một của Ngài. Ngài là Con đời đời của Thượng Đế – Ngôi vị thứ hai trong Tam Vị Nhất Thể thánh khiết, tức là Thượng Đế biểu hiện bằng xương thịt, là Chúa Cứu Thế hằng sống.

Kinh Thánh dạy rằng Chúa Cứu Thế hằng có đời đời. Ngài không phải là tạo vật (GiGa 1:1-3). Kinh Thánh dạy rằng các từng trời do Ngài sáng tạo. Tất cả các vì tinh tú và mặt trời bừng cháy đều do Ngài dựng nên. Quả đất đã được tạo thành từ ngón tay bốc lửa của Ngài. Sự ra đời của Chúa Giê-xu chúng ta kỷ niệm không phải là khởi thủy của Ngài. Nguyên lai của Ngài được bao phủ trong sự huyền nhiệm, khi hỏi về gốc tích của Thượng Đế chúng ta đều rối trí. Kinh Thánh chỉ cho chúng ta biết “Ban đầu có Chúa Cứu Thế. Chúa Cứu Thế ở với Thượng Đế từ nguyên thủy vì Ngài là Thượng Đế ngôi hai” (1:1).

Kinh Thánh dạy chúng ta: “Chúa Cứu Thế là hiện thân của Thượng Đế vô hình, Ngài có trước mọi vật trong vũ trụ. Chính Chúa Cứu Thế sáng tạo vạn vật, vật trên trời hay dưới đất, hữu hình hay vô hình, ngôi vua hay chủ tịch nhà nước, chính quyền hay các cấp lãnh đạo, tất cả đều do Chúa Cứu Thế tạo lập và đều đầu phục Ngài. Chúa Cứu Thế có trước vạn vật, Ngài an bài và chi phối vạn vật.” (CoCl 1:15-17).

Câu sau cùng chứng tỏ rằng Ngài là Đấng kết hợp mọi vật với nhau. Nói cách khác, toàn thể vũ trụ sẽ bị tan vỡ thành hàng tỉ nguyên tử nếu không có quyền năng của Chúa Cứu Thế Giê-xu gắn chặt chúng lại với nhau. Kinh Thánh lại phán: “Ban đầu Chúa sáng tạo địa cầu này, các từng trời cũng do tay Chúa dựng nên. Trời đất sẽ tiêu tan nhưng Chúa hằng còn, vạn vật sẽ rách nát như áo cũ. Chúa sẽ cuốn chúng lại như áo dài, như chiếc áo tồi tàn, cũ mục. Nhưng Chúa vẫn còn nguyên, tuổi tác Chúa không hề cùng” (HeDt 1:10-12).

Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng Cứu Chuộc.

Chúa Giê-xu cũng đã tự nói về Ngài: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, (hai chữ đầu và cuối trong mẫu tự Hy-lạp, có nghĩa là đầu tiên và cuối cùng) là đầu tiên và cuối cùng”. Ngài và chỉ một mình Ngài mới có quyền lực và khả năng đem con người trở về với Thượng Đế. Nhưng liệu Ngài có làm điều đó không? Nếu thế, Ngài phải đến thế gian. Ngài phải mặc lấy hình thể tôi tớ. Ngài phải trở nên giống như con người. Ngài phải hạ mình và vâng phục cho đến chết. Ngài phải tranh đấu với tội lỗi. Ngài phải đối địch và chiến thắng Sa-tan là kẻ thù của linh hồn con người. Ngài phải mua chuộc tội nhân giữa chợ nô lệ tội lỗi. Ngài phải tháo gỡ các gông xiềng và phóng thích tù nhân bằng cách trả giá – và giá đó là huyết của chính Ngài. Ngài phải là kẻ bị loài người khinh khi và ghét bỏ, phải là một người buồn rầu và quen chịu đau đớn. Ngài phải chịu Thượng Đế đánh đập và bị phân cách với Thượng Đế. Ngài phải bị thương tích vì những sự quá phạm của loài người và bị đòn vọt vì những điều bất nghĩa của họ. Ngài phải hòa giải con người với Thượng Đế. Ngài phải là Đấng Trung Gian vĩ đại của lịch sử. Ngài phải là một Đấng thay thế. Ngài phải chịu chết thay cho con người tội lỗi. Tất cả những việc này, Ngài đều làm một cách tự nguyện.

Tạ ơn Thượng Đế – điều đó thực sự đã xảy ra! Từ các từng trời cao xa, Ngài nhìn xuống hành tinh này xoay vần trong không gian đang bị lên án, áp bức và trên đường đi đến Địa ngục. Ngài thấy bạn và tôi vật lộn dưới gánh nặng tội lỗi và bị trói buộc trong xiềng xích của nó. Chính Thượng Đế sẽ quyết định cho hồi chung cuộc. Các thiên sứ sẽ cúi đầu khiêm cung và sợ hãi khi Vua của các vua và Chúa của các chúa, Đấng có thể bởi lời phán dựng nên các thế giới trong không gian, lên xe nạm kim hoàn, đi qua các cổng ngọc, xuyên qua các từng trời thẳng đứng, và vào một đêm tối tăm xứ Giu-đê, trong khi các vì sao đồng ca và những thiên sứ tháp tùng vang lời chúc tụng, Ngài bước xuống xe, cởi bỏ hoàng bào, trở thành con người!

Điều này cũng ví như tôi, trong khi đang đi đường, giẫm lên một ổ kiến. Tôi có thể nhìn xuống và nói với bầy kiến: “Tôi hết sức ân hận vì đã đạp lên ổ của các bạn. Tôi đã làm sập nhà các bạn. Mọi thứ đều bị xáo trộn. Ước gì tôi có thể nói với các bạn là tôi thương yêu các bạn, tôi không cố ý làm như vậy, tôi muốn giúp đỡ các bạn”.

Nhưng bạn nói: “Điều đó vô lý, không thể như vậy được, kiến không sao hiểu được ngôn ngữ của người!”. Đúng thế! Nếu tôi có thể hóa thành kiến trong giây lát và dùng ngôn ngữ của kiến cho chúng biết tôi yêu thương chúng thì kỳ diệu biết bao!

Đúng thế, đó là điều Chúa Cứu Thế đã thực hiện. Ngài đã đến để bày tỏ Thượng Đế cho con người, là Đấng cho chúng ta biết Thượng Đế yêu chúng ta và lưu tâm đến đời sống chúng ta. Chính Ngài là Đấng bày tỏ cho chúng ta về lòng thương xót, sự đau khổ lâu dài và ân điển của Thượng Đế. Ngài là Đấng hứa ban sự sống đời đời.

Nhưng hơn thế nữa, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã dự phần trong thịt và huyết để có thể chịu chết (HeDt 2:14). Ngài đã hiện ra để cất tội lỗi thế gian đi (IGi1Ga 3:5). Chúa Cứu Thế đã đến thế gian “để phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mat Mt 20:28). Khi đến thế gian mục đích chính của Chúa Cứu Thế là để hiến dâng đời sống Ngài làm của sinh tế vì cớ tội lỗi con người. Ngài đến để chịu chết. Bóng sự chết của Ngài, như một tấm màn tang chế phủ trên suốt cuộc sống ba mươi năm của Ngài.

Đêm Chúa Giê-xu ra đời, Sa-tan run sợ. Nó tìm cách hạ sát trước khi Ngài giáng trần, và cố giết Ngài ngay lúc Ngài ra đời. Khi vua Hê-rốt ra lệnh giết tất cả trẻ con, mục đích duy nhất của ông là xác định Chúa Giê-xu đã chết.

Đức Chúa Con vô tội.

Trong suốt cuộc đời của Chúa Giê-xu trên thế gian, Ngài không hề phạm tội lấy một lần. Ngài là người duy nhất đã sống vô tội. Ngài đã có thể đứng trước mặt loài người và phán: “Anh em đã cố gắng bới lông tìm vết nhưng có ai tìm thấy một lỗi lầm nào trong đời tôi không?” (GiGa 8:46). Kẻ thù ngày đêm rình rập Ngài, nhưng chúng chẳng bao giờ tìm thấy được một tội lỗi nào nơi Ngài. Ngài không mang một vết nhơ bẩn hay có điều đáng trách nào cả.

Chúa Giê-xu đã sống một đời sống khiêm nhường. Ngài không tìm cách gây tăm tiếng. Ngài không nhận vinh dự nào của loài người. Ngài ra đời trong một chuồng chiên, được trưởng dưỡng trong một làng nhỏ là Na-xa-rét. (quê hương của Chúa Giê-xu, trong miền Ga-li-lê nước Do-thái) Ngài là một thợ mộc. Qui tụ quanh Ngài là một nhóm ngư phủ khiêm nhường làm đệ tử. Ngài sống giữa loài người như một con người. Cách Ngài hạ mình không ai có thể hạ mình như vậy được.

Chúa Giê-xu dạy dỗ cách có thẩm quyền đến nỗi dân chúng đương thời phải nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nghe ai giảng dạy tuyệt diệu như ông ấy!” (7:46). Mỗi một lời Ngài thốt ra là một chân lý đứng về phương diện lịch sử, khoa học và đạo đức. Không có chỗ sơ hở nào trong các quan niệm đạo đức và những lời tuyên bố của Chúa Giê-xu. Quan niệm đạo đức của Ngài hoàn toàn đúng, đúng trong thời đại Ngài sống và đúng cho mọi thời đại kế tiếp.

Lời nói của Đấng phước hạnh này cũng nghiệm đúng về phương diện tiên tri nữa. Chúa Cứu Thế đã nói trước nhiều điều thuộc về tương lai. Bằng những câu hỏi có tính cách thử thách các luật gia cố bắt bẻ Ngài, nhưng không làm Ngài bối rối được. Những lời Ngài đối đáp với kẻ chống đối rất rõ ràng và dứt khoát. Những lời của Ngài là chắc chắn, ý nghĩa không mơ hồ, ngôn ngữ không ngập ngừng. Ngài biết điều Ngài muốn nói, nên Lời Ngài phán ra có uy lực. Ngài phán một cách giản dị làm cho người dân thường vui thỏa khi nghe Lời Ngài. Lời Ngài sâu sắc nhưng thẳng thắn, dễ hiểu và hàm súc. Lời Ngài sáng chói và bình dị khiến kẻ kích bác Ngài phải lúng túng bàng hoàng. Cách Ngài thảo luận những vấn đề trọng đại đương thời làm cho người theo dõi Lời Ngài không một chút khó khăn.

Chúa Giê-xu chữa lành người bệnh, người què, người bại và người mù – Ngài đã chữa trị người cùi và khiến người chết sống lại. Ngài đuổi quỉ, khiến thời tiết yên lặng. Ngài đã làm ngưng bão tố, mang lại sự bình an, vui mừng và hy vọng cho hằng ngàn người Ngài dạy dỗ.

Ngài không hề tỏ ra sợ hãi. Ngài không bao giờ vội vàng. Ngài không gặp tai nạn bất ngờ. Ngài sinh hoạt với sự phối trí và chính xác hoàn toàn. Ngài có một thái độ vững vàng tuyệt đối. Ngài không do dự hay lo lắng về công việc của Ngài. Tuy Ngài đã không chữa lành tất cả những người bệnh, không gọi tất cả những kẻ chết sống lại, không mở mắt cho tất cả những kẻ mù hay hóa bánh nuôi tất cả những kẻ đói, nhưng đến cuối đời mình Ngài đã có thể nói rằng: “Con đã làm xong công việc Cha giao cho Con.”

Ngài đã đứng trước Phi-lát (quan tổng đốc cai trị xứ Giu-đê (Do-thái) trong thời Chúa Giê-xu) và bình tĩnh phán: “Nếu Thượng Đế không cho, ông chẳng có quyền gì trên tôi” (19:11). Ngài bảo cùng đoàn dân chúng đang kinh hãi rằng dưới quyền Ngài có nhiều đạo binh thiên sứ.

Ngài tiến lên thập giá với một niềm trang trọng và thản nhiên, với sự tự tin và một mục đích khẳng định để thể hiện lời tiên tri viết về Ngài tám trăm năm trước: “Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng” (EsIs 53:7).

Đánh bại ma quỉ.

Ngài sống cách cao thượng, vinh hiển và với sự tiên liệu đầy đủ về sứ mạng Ngài phải thi hành. Ngài đến để cứu con người tội lỗi, để làm nguôi cơn thạnh nộ của Thượng Đế. Ngài đến để mua con người từ nơi chợ nô lệ của ma quỉ. Ngài đến để đánh bại ma quỉ vĩnh viễn. Ngài đến để chinh phục địa ngục và mộ phần. Chỉ có một phương cách để Ngài thực hiện điều đó. Chỉ một đường lối bày ra trước mặt Ngài.

Sự chết của Ngài đã được tiên báo hằng ngàn năm trước. Thoạt tiên, như chúng ta thấy là trong vườn Ê-đen, và sau đó, sự chết của Chúa Cứu Thế được đề cập đến trong bài giảng, truyện tích và lời tiên tri trong nhiều thế kỷ trước đó. Áp-ra-ham (tổ phụ của dân Do-thái, tên này có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”) đã thấy trước sự chết của Ngài như chiên con bị giết. Con cháu Y-sơ-ra-ên đã biểu hiện sự chết của Ngài bằng con sinh tế. Mỗi lần huyết đổ trên một bàn thờ Do-thái, điều đó tượng trưng cho Chiên Con Thượng Đế một ngày kia phải đến để cất tội lỗi đi. Đa-vít đã báo trước về sự chết của Ngài với chi tiết qua nhiều Thi-thiên. Tiên tri Ê-sa đã dành cả những chương sách để tiên báo đầy đủ về cái chết của Chúa.

Chúa Giê-xu phán rằng Ngài có quyền tận hiến sự sống mình khi nói: “Ta là người chăn từ ái. Người chăn từ ái sẵn lòng hy sinh tính mạng vì đàn chiên” (GiGa 10:11). Ngài phán tiếp: “Tôi cũng phải bị treo lên, để bất cứ người nào tin tôi đều được sự sống vĩnh viễn” (3:14-15). Chúa Giê-xu từng đối diện với thập tự giá từ xưa trong thời gian vô hạn. Trải qua bao thời đại trước khi Ngài giáng sanh, Chúa biết rằng ngày Ngài hiến mình đang vội vàng đến. Khi Ngài được một trinh nữ sinh ra, thì sự sinh ra của Ngài bị thập tự giá làm u ám. Ngài đã mang hình hài con người để có thể chết. Từ lúc sinh ra đến khi lên thập tự, mục đích của Ngài là chịu chết.

Chưa có ai chịu đau đớn như Ngài, có người đã mô tả: “Một đêm không ngủ trong vườn Ghết-sê-ma-nê lập loè ánh đuốc, cái hôn của kẻ phản bội, lúc bị bắt, bị xét xử trước thầy Tế lễ tối cao, chờ đợi hằng giờ tại lâu đài của viên tổng trấn La-mã, bị giải đến lâu đài của Vua Hê-rốt, cách đối xử tàn bạo của bọn lính Hê-rốt, những cảnh kinh hoàng mà các thầy trưởng tế và dân chúng thì la ó đòi đóng đinh Chúa khi Phi-lát tìm cách cứu Ngài, nào roi vọt, từng đoàn người hò hét, con đường từ Giê-ru-sa-lem đến đồi Gô-gô-tha, đầu bị mão gai, tay chân bị đinh đóng, bị hai tên trộm cướp hai bên nhiếc mắng và phỉ báng: ươi đã cứu kẻ khác, bây giờ hãy tự cứu mình đi“.”

Đôi khi người ta hỏi tại sao Chúa Cứu Thế lại chết mau như thế, trong vòng sáu tiếng đồng hồ trên thập tự, trong khi các nạn nhân kia hấp hối trên thập tự giá đến hai ngày. Chúa Giê-xu rất yếu và mệt lả khi Ngài đến đó. Ngài đã bị đánh đập và thể xác bị kiệt quệ. Nhưng khi Chúa Cứu Thế chết, Ngài đã tự nguyện chết. Ngài đã lựa chọn đúng lúc trút hơi thở cuối cùng.

Ở đấy Ngài đã bị treo lên, trần trụi giữa không gian. Chúng đã nhổ râu Ngài cho đến khi mặt Ngài chảy máu. Ngài đã bị phỉ nhổ cho đến khi trên mặt Ngài dính đầy nước bọt của bọn người giận dữ. Ngài không thốt lời than vãn hay kêu cứu nhưng với hai chữ “Ta khát” Ngài cho chúng ta thấy được phần nào nỗi đau đớn ghê gớm Ngài phải chịu.

Có một thi sĩ ẩn danh đã viết:

‘Nhưng hơn tất cả những sự đau đớn đã dày vò Ngài Là nỗi khát vọng thiên thượng sâu xa Nỗi khát khao linh hồn người ta, Lạy Chúa yêu dấu, con là một linh hồn như thế!

Tội nhân hay người thay thế.

Thượng Đế đòi hỏi sự chết nơi kẻ phạm tội hay người thay thế. Chúa Cứu Thế là người thay thế kẻ có tội! Gáp-ri-ên và mười đạo binh thiên sứ bay trên ven bờ vũ trụ, gươm tuốt trần. Chỉ một cái liếc mắt từ khuôn mặt phúc hậu của Ngài thì các đoàn thiên binh sẽ quét sạch đám người ầm ĩ và giận dữ xuống địa ngục rồi. Đinh đóng không bao giờ giữ được Chúa, chỉ có những sợi dây tình thương trói buộc Ngài chặt hơn tất cả những cây đinh con người có thể chế ra. “Nhưng Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi” (RoRm 5:8).

Vì bạn! Vì tôi! Chúa đã mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ. Có người đã nói: “Hãy nhìn Ngài trên thập tự giá, đầu thánh gục nghiêng, và trong sự hãi hùng xa cách Thượng Đế, để gánh lấy tội lỗi của thế gian, và hãy nhìn xem bởi sự gánh chịu đó, Ngài đã sáng tạo nên một điều không cần cho chính Ngài nhưng để phân phát cho những người Ngài đã thế chỗ”. Trong khi chúng ta bàng hoàng trong nỗi đau khổ đó, trong khi cảm thấy bất lực không thể hiểu biết hay giải thích, và trong khi ý thức được quyền năng cùng sự oai nghiêm tràn ngập, chúng ta nghe những lời kế tiếp của Ngài: “Mọi việc đã được trọn”.

Nhưng nỗi đau đớn thể xác của Chúa Giê-xu chỉ là một phần nhỏ trong sự đau khổ cùng cực của Ngài. Có nhiều người trước Ngài đã chịu chết. Nhiều người đã trở thành những vị tử đạo. Sự đau khổ kinh khiếp của Chúa Giê-xu là cái chết thuộc linh. Khi Thượng Đế quay lưng lại và dấu mặt đi thì Ngài đã đạt đến hậu quả cuối cùng của tội lỗi, dò tận đáy sâu thẳm của sự đau buồn đến nỗi phải kêu lên “Thượng Đế của tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”. Chúa Cứu Thế đã thốt ra những lời ấy một mình trong giờ cùng cực của lịch sử loài người! Một tia sáng đã bừng lên để cho chúng ta thấy được điều Chúa đã phải chịu đựng, nhưng ánh sáng đó chói lói quá, theo lời G. Cambell Morgan thì “không mắt nào có thể nhìn nổi”. Tấn sĩ Morgan đã diễn tả rất đúng là những lời Chúa thốt ra “để con người biết rằng còn biết bao điều không thể hiểu được”.

Đấng vốn không biết tội lỗi đã bị kể là tội lỗi vì cớ chúng ta để trong Ngài chúng ta được xưng công nghĩa đối với Thượng Đế. (GaGl 3:13; Mac Mc 15:34; IICo 2Cr 5:21). Ngài đã trở thành kẻ có tội trên thập tự giá. Ngài là Đấng bị Thượng Đế từ bỏ. Vì Ngài không tội lỗi nên hình phạt Ngài chịu có giá trị vượt quá sự hiểu biết con người, một hình phạt không cần thiết cho chính Ngài. Nếu do sự gánh vác tội lỗi trên thân thể Ngài mà Ngài đã tạo nên một giá trị không cần thiết cho chính Ngài, thì giá trị này được tạo nên cho ai?

Trong sự sâu thẳm của bóng tối, việc này được thực hiện ra sao, con người không bao giờ biết được. Tôi chỉ biết có một điều – là Ngài gánh chịu tội lỗi của tôi trong thân thể Ngài trên cây gỗ. Ngài đã ở vào địa vị đáng lý phải là của tôi. Những nỗi đau đớn của địa ngục, phần dành cho tôi đã được chồng chất trên Ngài để tôi có thể đi vào thiên đàng và thừa hưởng, không phải của chính tôi mà là của Ngài trọn vẹn. Tất cả mọi thể thức, mọi của lễ, mọi hình bóng và biểu tượng của Cựu Ước giờ đây đã được ứng nghiệm. Các thầy trưởng tế không còn cần phải vào nơi chí thánh mỗi năm một lần nữa. Sự hy sinh chuộc tội đã hoàn tất.

Bây giờ thì căn bản cứu chuộc đã được đặt thành nền móng, tội nhân chỉ còn tin tưởng nơi Con là có thể tìm thấy bình an trong Thượng Đế. “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh viễn” (GiGa 3:16).

Ba điều trên thập tự giá.

Trên thập tự giá của Chúa Cứu Thế tôi thấy ba điều:

Thứ nhất, sự mô tả chiều sâu của tội lỗi con người. Đừng nên phiền trách dân chúng thời bấy giờ đã treo Chúa Cứu Thế lên thập tự giá. Bạn và tôi đều có tội lỗi như họ. Không phải dân chúng hay quân lính La-mã treo Ngài lên cây thập tự mà chính là tội lỗi của bạn và của tôi đã khiến Ngài phải tình nguyện chịu chết như vậy.

Thứ nhì, trên thập tự giá, tôi thấy tình yêu thương tràn ngập của Thượng Đế. Nếu khi nào bạn nghi ngờ về tình yêu thương của Ngài, hãy nhìn lâu và nhìn kỹ cây thập tự, vì trong đó bạn sẽ nhìn thấy sự biểu lộ tình yêu thương của Thượng Đế.

Thứ ba, trên cây thập tự có một con đường cứu rỗi duy nhất. Chúa Giê-xu phán: “Ta là Con đường, Chân lý và Nguồn sống. Nếu không nhờ ta, không ai được đến với Cha” (14:6). Không có cách nào để bạn được cứu ra khỏi tội lỗi và địa ngục, trừ khi bạn đồng hóa mình với Chúa Cứu Thế của thập tự giá. Nếu có một đường lối nào khác để cứu chuộc bạn, thì Ngài đã tìm thấy rồi. Nếu sự cải cách hay sống một đời sống đạo đức tốt đẹp có thể cứu rỗi bạn được, thì Chúa Giê-xu đã không bao giờ chịu chết. Phải có một người chịu chết thay bạn. Người ta không thích nói đến điều này. Họ không thích nghe như vậy vì sự thể sẽ làm tổn thương đến lòng kiêu hãnh của họ. Điều này gạt bỏ mọi thứ thuộc bản ngã.

Nhiều người nói: “Tôi có thể được cứu nhờ đời sống tốt đẹp không? Theo các huấn điều của Chúa Giê-xu? Sống cuộc đời đạo đức như Chúa đã dạy?”. Cho dù bạn có thể được cứu nhờ sống cuộc sống Chúa Giê-xu đã dạy, bạn vẫn còn là một tội nhân. Bạn vẫn sẽ vấp ngã vì không có người nào từ lúc ra đời cho đến khi chết có thể sống một cuộc đời như Ngài đã dạy. Bạn đã thất bại. Bạn đã phạm tội. Bạn đã bất phục tùng. Bạn đã có tội. Như vậy bạn sẽ làm gì về tội lỗi đó. Chỉ có một việc làm thôi và việc đó là đem tội mình đến thập tự giá để cầu xin sự tha thứ.

Ngày xưa, vua Charles đệ V vay một thương gia ở Antwerp một số tiền lớn. Đến kỳ trả nợ, nhà vua bị khánh kiệt không trả nổi. Nhà buôn thết tiệc lớn mời vua. Khi tất cả mọi quan khách đã an tọa, và trước khi thức ăn được dọn ra, thương gia cho đem một cái mâm lớn để lên bàn trước mặt mình, trên mâm có đốt lửa. Người thương gia rút trong túi ra tờ giấy nợ, bỏ vào lửa đốt cho đến khi cháy thành tro. Nhà vua ôm choàng lấy ân nhân mình mà khóc.

Cũng một thể ấy, tất cả chúng ta đã là những kẻ bị cầm thế cho Thượng Đế. Nợ đã đến kỳ trả, nhưng chúng ta không trả nổi. Hai ngàn năm trước đây, Thượng Đế đã mời thế gian đến dự tiệc Phúc Âm và trong giờ phút hấp hối của thập tự giá, Ngài đã nắm lấy tội lỗi của bạn và tôi cho đến khi vết tích cuối cùng của tội lỗi chúng ta được thiêu hủy.

Kinh Thánh phán: “Nếu không đổ huyết, tội lỗi chẳng bao giờ được tha thứ “ (HeDt 9:22). Nhiều người đã nói với tôi: “Ghê tởm quá! Bộ ông tin ở một tôn giáo sát sanh hay sao?”. Nhiều người khác ngạc nhiên bảo: “Tôi không hiểu tại sao Thượng Đế đòi hỏi sự đổ huyết”. Nhiều người tự hỏi: “Tôi không hiểu sao Chúa Cứu Thế phải chịu chết thay tôi”. Ngày nay ý nghĩ về sự đổ huyết của Chúa Cứu Thế đã trở thành lỗi thời và lạc hậu trong sự rao giảng nhưng sự kiện vẫn còn đó. Còn trong Kinh Thánh. Đó chính là trọng tâm của Cơ Đốc giáo. Đặc điểm khác biệt của Cơ Đốc giáo là sự đổ huyết để chuộc tội. Không có điều này chúng ta không thể được cứu. Huyết tượng trưng cho sự chết của Chúa Cứu Thế hay chỉ bóng về sinh tế trọn vẹn của Ngài.

Mới đây tại phòng nhập viện của bệnh viện Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota. Trên bàn có một hộp nhỏ đựng xấp giấy viết hàng chữ đỏ giống hình một giọt máu: “Một quà tặng bằng máu”. Lúc đầu tôi tưởng đó là truyền đạo đơn, nhưng nhìn kỹ hơn tôi thấy đó là lời kêu gọi mọi người tham gia chương trình hiến máu. Máu có nghĩa là sự khác nhau giữa sống và chết đối với một bệnh nhân. Chưa hề có ai được truyền máu mà lại không nhìn giọt máu ấy bằng thái độ biết ơn. Có lẽ có người bảo rằng lấy máu của người khác là điều bất nhẫn, nhưng máu được ban tặng là điều phước hạnh.

Máu tiêu biểu cho sự sống như LeLv 17:11 chép: “Vì sanh mạng của xác thịt ở trong huyết; ta đã ban cho các ngươi huyết… đặng làm lễ chuộc tội cho linh hồn mình” huyết của sinh tế đã chảy xuyên suốt Cựu Ước chỉ bóng hay biểu tượng cho sinh tế trọn vẹn của Chúa Cứu Thế.

Năm điều mà huyết đem đến.

Kinh Thánh dạy rằng: Trước hết, huyết cứu chuộc. “Anh em đã biết rõ, Thượng Đế đã trả giá rất cao để cứu chuộc anh em khỏi nếp sống lầm lạc của tổ tiên. Không phải trả giá bằng bạc vàng dễ mất, mau hư nhưng bằng huyết báu của Chúa Cứu Thế, Chiên Con vô tội không tì vết của Thượng Đế” (IPhi 1Pr 1:18, 19). Chẳng những chúng ta được cứu chuộc khỏi tay ma quỉ, nhưng còn được cứu khỏi luật pháp nữa. Sự chết của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá đem tôi ra khỏi luật pháp. Luật pháp lên án tôi, nhưng Chúa Cứu Thế đã thỏa mãn mọi đòi hỏi. Tất cả vàng bạc và châu báu của thế gian không bao giờ có thể mua chuộc tôi. Điều gì chúng không thể làm được thì sự chết của Chúa Cứu Thế đã làm. Sự cứu chuộc nghĩa là “mua lại”. Chúng ta đã bị bán cho ma quỉ mà không thâu được lợi lộc gì cả, nhưng Chúa Cứu Thế đã cứu chuộc chúng ta và đem chúng ta trở về.

Thứ nhì, huyết đem chúng ta lại gần. “Nhưng bây giờ anh em là người của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Dù ngày trước cách xa Thượng Đế, ngày nay nhờ huyết Chúa Giê-xu dâng hiến, anh em được đến gần Thượng Đế” (Eph Ep 2:13). Khi chúng ta còn là “những kẻ ngoại bang đối với cộng đồng Y-sơ-ra-ên, và xa lạ với giao ước của lời hứa, không có hy vọng, và ở trong thế gian không có Thượng Đế” thì Chúa Giê-xu đã đem chúng ta lại gần Ngài. “Vậy, người thuộc về Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ không bị kết tội nữa”. Người phạm tội đã được cứu chuộc không bao giờ bị Thượng Đế toàn năng đoán phạt. Chúa Cứu Thế gánh chịu sự đoán phạt của người ấy rồi.

Thứ ba, huyết đem lại hòa bình. “Chúa Cha nhờ Chúa Cứu Thế đưa mọi loài dưới đất trên trời về giải hòa với Ngài; huyết Chúa Cứu Thế đổ ra trên cây thập tự đã tái lập hòa bình giữa Thượng Đế và nhân loại” (CoCl 1:20). Thế giới sẽ không bao giờ có được hòa bình cho đến lúc tìm thấy hòa bình nơi thập tự giá của Chúa Giê-xu. Bạn sẽ không bao giờ có hòa bình với Thượng Đế, an bình của lương tâm, của trí tuệ, và của linh hồn cho đến khi bạn đến đứng dưới chân thập tự giá và đồng hóa chính mình bạn với Chúa Cứu Thế bằng đức tin. Đó là bí quyết của hòa bình. Đó là sự bình an trong Thượng Đế.

Thứ tư, huyết xưng công nghĩa. “Trước là người tội lỗi, ta còn nhờ huyết Chúa được tha thứ, nay ta sạch tội rồi, hẳn Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi hình phạt khủng khiếp Thượng Đế dành cho thế gian” (RoRm 5:9). Huyết làm thay đổi địa vị của con người trước mặt Thượng Đế. Đó là sự thay đổi từ chỗ phạm pháp bị kết án sang tha thứ và xá miễn. Tội nhân được ân xá không giống như một phạm nhân mãn án ra tù bị mất quyền công dân. Tội nhân ăn năn, được tha thứ bởi huyết Chúa Giê-xu được phục hồi trọn vẹn quyền công dân. “Ai dám kiện cáo chúng ta là người Thượng Đế lựa chọn? Vì Thượng Đế đã tha tội chúng ta. Ai dám kết án chúng ta? Vì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chịu chết, sống lại và hiện nay ngồi bên hữu Thượng Đế đang cầu thay cho chúng ta” (8:33, 34).

Thứ năm, huyết rửa sạch. “Nếu chúng ta sống trong ánh sáng như Thượng Đế, chúng ta sẽ giao hảo với nhau, và huyết của Chúa Giê-xu, Con Ngài tẩy sạch tất cả tội lỗi chúng ta” (IGi1Ga 1:7). Chữ chìa khóa trong câu này là tất cả. Không phải một phần tội lỗi chúng ta mà là tất cả. Mỗi lời giả dối bạn thốt ra, mỗi việc thấp hèn ti tiện bạn đã làm, sự giả đạo đức và những ý nghĩ xấu xa của bạn – tất cả đều được sự chết của Chúa Giê-xu rửa sạch.

“Y như tôi vốn có”

Người ta thường kể lại cách đây nhiều năm, ở Luân-đôn, có một buổi tiếp tân qui tụ một số quan khách danh giá trong đó có Caesar Milan, một nhà truyền giáo nổi tiếng đương thời. Có một thiếu phụ đánh đàn và hát rất duyên dáng làm mọi người thật thích thú. Rất lịch sự, tế nhị, nhưng mạnh dạn, nhà truyền đạo đã đến bên cạnh thiếu phụ khi tiếng nhạc ngưng và nói: “Được nghe bà đàn đêm nay tôi nghĩ rằng tài năng của bà nếu đem phụng sự cho chính nghĩa của Chúa Cứu Thế thì công việc của Ngài sẽ được ích lợi biết bao. Thưa bà, bà biết rằng bà cũng là một người có tội trước mặt Thượng Đế như một kẻ say rượu nằm dưới mương hay một gái giang hồ trên đường phố màu hồng. Nhưng tôi xin vui mừng nói để bà rõ rằng huyết của Cứu Chúa Giê-xu, Con Ngài, có thể rửa sạch mọi tội lỗi”.

Người thiếu phụ thốt lời trách mắng ông về những lời quá đáng trên và ông đã đáp lại: “Thưa bà, tôi không có ý làm phật lòng bà. Tôi cầu xin Thánh Linh Thượng Đế thuyết phục bà”.

Sau buổi họp mặt mọi người ra về. Nhưng thiếu phụ đó không thể ngủ được. Khuôn mặt nhà truyền đạo xuất hiện trước mặt nàng và những lời ông nói vang trong trí. Khoảng hai giờ sáng, nàng chỗi dậy, cầm lấy giấy bút và nước mắt ràn rụa, Charlotte Elliot đã viết bài thơ nổi tiếng sau đây:

Tuyệt nhiên không cách chi bào chữa tôi, Chỉ huyết Giê-xu đã đổ thay rồi; Ngài yêu tôi lắm, hằng khuyên tôi đến, Kính thưa Giê-xu, tôi nguyện đến liền!

Dầu tôi như thế, Giê-xu thứ tha, Phóng thích, gội sạch, tiếp rước vô nhà; Lời Cha tuyên hứa, lòng tin quyết tiến, Kính thưa Giê-xu, tôi nguyện đến liền!

Nhưng đây không phải là chung cuộc. Chúng ta không để cho Chúa Cứu Thế treo trên thập tự với máu chảy tuôn từ đôi tay, từ hông và bàn chân Ngài. Ngài đã được hạ xuống, chôn cất cẩn thận trong một ngôi mộ. Cửa mộ được chặn bằng một phiến đá to. Người ta cắt lính canh mộ. Trọn ngày thứ bảy, các môn đồ Chúa ngồi buồn rầu trong phòng cao. Hai môn đồ đã ra đi đến làng Em-ma-út (làng nhỏ, cách Giê-ru-sa-lem chừng 12 cây số. Sau khi sống lại Chúa Giê-xu có xuất hiện cùng hai môn đồ khi họ đang trên đường đi đến làng này) sự sợ hãi đã bao trùm lấy họ. Sáng sớm ngày Phục Sinh đầu tiên, Ma-ri, Ma-ri Mặc-lan, và Sa-lô-mê đi đến mộ để ướp xác Chúa Giê-xu. Khi tới nơi, họ sững sờ vì thấy ngôi mộ bỏ trống. Như học giả Do-thái Alfred Edershiem viết: “Không có dấu hiệu của sự hấp tấp vội vàng, nhưng tất cả đều theo thứ tự, để lại cái ấn tượng về Đấng đã vui vẻ từ bỏ những gì không phù hợp với Ngài”. Một thiên sứ đang đứng nơi đầu mộ hỏi: “Các ngươi tìm ai?” và họ trả lời: “Chúng tôi tìm Chúa Giê-xu người làng Na-xa-rét”. Thiên sứ liền báo cho họ biết tin vĩ đại nhất và vinh quang nhất mà con người chưa từng nghe. “Chúa không còn ở đây. Ngài đã sống lại rồi!”.

Sự kiện Chúa Phục sinh.

Toàn bộ kế hoạch của chương trình cứu chuộc của Thượng Đế căn cứ vào sự kiện lớn lao này. Không có sự sống lại thì không thể có sự cứu rỗi. Chúa Cứu Thế đã tiên đoán nhiều lần rằng Ngài sẽ sống lại. Có lần Ngài phán: “Như Giô-na đã nằm trong bụng cá ba ngày ba đêm ta sẽ vào lòng đất ba ngày ba đêm” (Mat Mt 12:40). Đúng như lời tiên báo, Chúa đã sống lại.

Trong việc tái lập bất cứ biến cố lịch sử nào cũng có vài qui luật về sự tập trung tài liệu của những chứng nhân đương thời về biến cố nghiên cứu. Có nhiều bằng chứng về việc Chúa Giê-xu sống lại từ kẻ chết hơn cuộc đời của nhà vua Julius Caesar hay cái chết ở tuổi 33 của A-lịch-sơn Đại đế. Điều lạ lùng là nhiều sử gia chịu chấp nhận hàng ngàn sự kiện mà họ chỉ có thể xuất trình những mẫu bằng chứng nhỏ. Nhưng trước bằng chứng tỏ tường về sự phục sinh của Chúa Giê-xu, họ lại nhìn hoài nghi và có thái độ trí thức dè dặt. Vấn đề đối với họ là họ không muốn tin. Căn cứ vào Kinh Thánh nhãn quan thuộc linh của họ bị mờ ám và họ hoàn toàn có thành kiến đến nỗi họ không thể chấp nhận sự kiện vinh quang Chúa Cứu Thế đã sống.

Sự sống lại trước hết có nghĩa là Chúa Cứu Thế là Thượng Đế chân thật. Ngài chính là Đấng mà Ngài đã tự xưng. Chúa Cứu Thế là Thần hiện thân trong xác thịt.

Thứ nhì, sự sống lại có nghĩa là Thượng Đế đã chấp nhận công trình cứu chuộc trên thập tự giá của Chúa Cứu Thế, một điều cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta. “Chúa Cứu Thế chịu chết đền tội chúng ta, và sống lại để chứng nhận chúng ta là người công chính” (RoRm 4:25).

Thứ ba, sự sống lại bảo đảm cho nhân loại về một sự phán xét công bình. “A-đam không vâng lời Thượng Đế làm cho bao nhiêu người mắc tội; Chúa Cứu Thế vâng lời Thượng Đế nên vô số người sạch tội” (5:19).

Thứ tư, sự sống lại cũng bảo đảm rằng thể xác chúng ta cũng sẽ được sống lại trong ngày cuối cùng. “Nhưng Chúa Cứu Thế thật đã sống lại, Ngài đã sống lại đầu tiên trong muôn triệu người sẽ sống lại” (ICo1Cr 15:20). Kinh Thánh dạy rằng là Cơ Đốc nhân, thể xác chúng ta có nằm trong mộ địa, nhưng sẽ được cất lên vào buổi sáng phục sinh vĩ đại, và sự chết sẽ bị nuốt mất trong chiến thắng. Do việc Chúa Cứu Thế sống lại, nọc độc của sự chết đã mất đi và Chúa Cứu Thế cầm chìa khóa của sự chết. Ngài phán: “Ta là Đấng sống, Ta đã chết, nhưng nay Ta sống đời đời giữ chìa khóa cõi chết và âm phủ” (KhKh 1:18). Và Ngài hứa: “Vì ta sống thì các con cũng sẽ sống”.

Thứ năm, sự sống lại có nghĩa là sự chết bị tiêu diệt. Quyền năng của sự chết đã bị bẻ gãy và niềm sợ hãi về sự chết không còn nữa. Giờ đây chúng ta có thể nói như tác giả Thi-thiên: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào vì Chúa ở cùng tôi. Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi” (Thi Tv 23:4).

Phao-lô hướng về sự chết với niềm hy vọng lớn lao, xem đó là kết quả sự sống lại của Chúa Cứu Thế, ông nói: “Đối với tôi, hễ còn sống ngày nào là còn cơ hội hiển minh Chúa Cứu Thế” (Phi Pl 1:21). Như Velma Barfield một tử tội tại Bắc Carolina nói: “Tôi quá yêu Ngài đến nỗi khó có thể chờ đợi để được gặp Ngài”.

Không có sự sống lại của Chúa Cứu Thế, sẽ không có hy vọng gì ở tương lai. Kinh Thánh hứa rằng một ngày kia chúng ta sẽ đối diện với Chúa Cứu Thế Phục Sinh, và chúng ta sẽ có thể giống như chính Ngài.