Chương 14: KẺ THÙ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN

Bình An Trong Thượng Đế

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 14: KẺ THÙ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN

Vì chúng ta không chiến đấu với người trần gian nhưng với quyền lực vô hình đang thống trị thế giới tối tăm này và với các tà linh trên trời.

Eph Ep 6:12

ĐẾN đây bạn đã quyết định rồi – bạn đã được sanh lại – đã được biến cải – đã được xưng công nghĩa – đã là con cái của Thượng Đế – Việc gì sẽ tiếp diễn? Tất cả chỉ có bấy nhiêu thôi sao? Chỉ cần một phút quyết định là xong ư? Bạn tự hỏi: “Tôi còn có những trách nhiệm nào nữa không?”

Phải, bạn chỉ mới bắt đầu đời sống Cơ Đốc. Bạn vừa mới được sanh vào một thế giới mới – thế giới thiêng liêng. Mọi việc đều mới mẻ. Thực ra, bạn là một hài nhi về phương diện thuộc linh. Bạn cần có sự âu yếm, yêu thương chăm sóc và nuôi nấng. Bạn cần được bồi dưỡng. Bạn cần sự bảo vệ. Đó là một trong những lý do khiến Chúa Cứu Thế thiết lập Hội thánh. Bạn không thể nào sống đời sống Cơ Đốc đơn độc được. Bạn cần được giúp đỡ và có sự thông công.

Người mới được sanh lại trong Chúa Cứu Thế giống như em bé sơ sinh rất cần được yêu thương. Trong lúc làm công việc xét duyệt lại quyển sách này, tôi và nhà tôi đang nghỉ hè trên một hòn đảo, cùng với con gái lớn nhất của chúng tôi, con rể tôi và cháu trai thứ bảy của chúng mới được ba tháng tuổi – cũng là đứa cháu thứ mười sáu của chúng tôi. Suốt tuần lễ sống với nhau, cậu bé chỉ khóc có hai lần. Tại sao vậy? Bởi vì cậu bé được tất cả mọi người vuốt ve, yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng. Tất cả những gì cậu bé làm, chỉ là ăn, ngủ, và cười vui. Về mặt lý tưởng mà nói, ngay từ lúc bắt đầu từng trải thuộc linh của mình, các “em bé” Cơ Đốc nhân rất cần cách nuôi dưỡng như vậy, nhưng rủi thay, thế giới chúng ta hiện sống đây đã không áp dụng nổi cách bắt đầu đó cho đời sống các Cơ Đốc nhân. Theo kế hoạch và chủ đích của Thượng Đế, Hội thánh là nơi tiến hành phần bắt đầu đó.

Có thể bạn nhận thấy mình có những kẻ thù. Đó là những kẻ thù nguy hiểm, xấu xa sẽ dùng bất cứ phương cách nào làm cho đời sống Cơ Đốc của bạn bị thất bại. Chỉ vài phút sau khi quyết định tin Chúa là bạn thấy chúng bắt đầu hành động: hoặc bạn bị cám dỗ để phạm tội; hoặc bạn có một lúc thất vọng và chán nản. Đúng ra, ngay sau khi bạn vừa quyết định tin theo Chúa Cứu Thế mọi sự rất hào hứng và hân hoan. Nhưng dĩ nhiên cũng có những nghi ngờ, những thắc mắc, những nan đề, những cám dỗ, những chán nản và cả những khó khăn nữa.

Kinh Thánh dạy rằng bạn có ba kẻ thù sẽ khai chiến với bạn trọn đời. Bạn phải chuẩn bị. Chúng phải bị đẩy lui.

Trước hết, ta hãy xem những kẻ thù mình phải đối phó. Chúng ta sẽ lật mặt nạ chúng để xem chúng thể nào, là ai và chúng hành động ra sao.

Ma quỉ.

Thứ nhất – ma quỉ. Chúng ta từng biết ma quỉ là một kẻ hùng mạnh chống nghịch Thượng Đế và đã cám dỗ con cái Ngài. Chúng ta từng thấy là mặc dù bị Chúa Cứu Thế đánh bại trên cây thập tự, nó vẫn còn sức để quyến dụ con người vào đường ác. Kinh Thánh gọi nó là “Sa-tan” (Mat Mt 13:19), “quỉ” (LuLc 4:33), “quỉ vương” (GiGa 8:44), “Kẻ nói dối và cha mọi người nói dối” (8:44). “Tên đại tử thù của anh em” (IPhi 1Pr 5:8), “con rắn ngày xưa” và “kẻ buộc tội anh em chúng ta” (KhKh 12:9-10).

Lúc bạn quyết định theo Chúa Cứu Thế là lúc nó bị thất bại nặng nề. Bây giờ nó lồng lộn lên. Và bắt đầu từ đấy nó sẽ cám dỗ bạn, cố dẫn dụ bạn vào đường tội lỗi. Xin bạn chớ hoảng sợ. Nó không thể cướp đoạt được sự cứu chuộc của bạn và nó không cần phải cướp đoạt lòng vững tin và chiến thắng của bạn. Nó sẽ vận dụng hết khả năng gieo giống hoài nghi trong tâm trí để bạn không thể phân biệt sự biến cải của mình có phải là một thực tại hay không. Bạn không thể lý luận với nó vì nó là kẻ hùng biện bậc nhất của tất cả mọi thời đại.

Giờ phút thử thách đến với sự cám dỗ đầu tiên. Bạn đừng lệ thuộc vào cảm xúc của mình; vì chúng sẽ thay đổi như chong chóng trong cơn gió lốc. Có lẽ phương cách kế tiếp của ma quỉ là khiến bạn cảm thấy kiêu hãnh và quan trọng – làm cho bạn tin vào những tham vọng, ham muốn và mục đích của riêng bạn. Khi có cơ hội, ma quỉ sẽ đem sự ghen ghét vào lòng bạn. Nó sẽ cám dỗ để bạn nói lên những điều không đẹp và hẹp hòi về người khác. Nó sẽ đặt sự ganh ghét, bất bình và gian manh vào lòng bạn. Vào một dịp khác, nó sẽ cám dỗ bạn nói dối, và bạn có thể nhận thấy một cách dễ dàng chính mình là một tên đạo đức giả. Nói dối là một trong những tội lỗi xấu xa nhất và người ta có thể phạm tội này bằng một ý nghĩ, một lời nói hay hành động. Bất cứ điều gì có dụng tâm gạt gẫm người khác là sự dối trá. Ma quỉ sẽ tìm cách khiến bạn trở thành kẻ dối trá. Nó cũng sẽ cố làm cho bạn phải phục vụ nó bằng cách cám dỗ những người khác phạm tội – dẫn dắt các tín hữu Cơ Đốc khác đi lầm đường lạc lối. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ thấy chính mình là kẻ đang phục vụ cho ma quỉ. Ma quỉ có quyền lực, khéo léo, xảo quyệt, mưu mô và tinh quái. Nóđược gọi là “Thần của đời này” (IICo 2Cr 4:4), “Kẻ thống trị thế gian” (GiGa 12:31), “bạo chúa của đế quốc không gian” (Eph Ep 2:2).

Ma quỉ sẽ cố gắng làm bạn chán nãn, khiến bạn buông trôi; nó sẽ tìm cách pha loãng lời làm chứng của bạn; nó sẽ nỗ lực mọi cách để phá hủy mối tương giao giữa bạn với Chúa Cứu Thế và ảnh hưởng của bạn trên tha nhân.

Bạn sẽ hỏi: “Làm sao tôi thắng được nó? Tôi phải làm thế nào? Xoay trở lối nào? Có đường nào thoát không?”

“Anh em không phải đương đầu với một cám dỗ nào quá sức chịu đựng của con người. Thượng Đế luôn luôn thành tín. Ngài không để anh em bị cám dỗ quá sức đâu, nhưng trong cơn cám dỗ Ngài cũng mở lối thoát để anh em đủ sức chịu đựng” (ICo1Cr 10:13).

Mấy năm trước đây, tôi nghe bạn tôi là J. Edwin Orr ví sánh việc Cơ Đốc nhân bị Sa-tan tấn công với việc một con chuột bị bà nội trợ cầm chổi rượt. Con chuột đã không nhìn bà nội trợ hay cây chổi, nhưng nó tìm cái lỗ, một lối thoát. Cũng vậy, là Cơ Đốc nhân, khi bị ma quỉ tấn công, chúng ta cũng phải tìm một “lối thoát”.

Trong câu trên, Thượng Đế phán rằng Ngài đã mở một lối thoát. Bạn hãy nhớ, sự cám dỗ của ma quỉ không phải là một dấu hiệu chứng tỏ đời sống bạn không đẹp ý Thượng Đế. Đúng ra đó là dấu hiệu bày tỏ bạn sống đẹp ý Ngài. Sự cám dỗ không phải là tội lỗi. Xin bạn nhớ rằng Thượng Đế không bao giờ cám dỗ con cái Ngài – Ngài không bao giờ làm cho con cái Ngài hoài nghi. Mọi sự nghi ngờ và cám dỗ đều từ ma quỉ mà đến. Xin cũng hãy nhớ rằng Sa-tan chỉ có thể cám dỗ mà thôi. Nó không thể bắt buộc bạn chìu theo cám dỗ của nó. Và bạn cũng cần nhớ rằng Sa-tan đã bị Chúa Cứu Thế khuất phục. Quyền lực của nó đã bị vô hiệu hóa trong đời sống của một Cơ Đốc nhân có lòng trông cậy hoàn toàn vâng phục Thượng Đế trọn vẹn.

Có một nhà thơ đã viết:

Quỉ vương run sợ khi nhìn thấy Người tín đồ yếu đuối nhất cầu xin

Bảo rằng Sa-tan sẽ bị đánh bại khi chúng ta đọc hay trích dẫn Kinh điển, sẽ bỏ chạy như một con chó bị tạt nước sôi khi chúng ta chống cự nó, là quá đơn giản hóa sự việc. Nhưng chúng ta có thể trông cậy vào huyết Chúa Cứu Thế khi bị tấn công. Lắm lúc chúng ta chỉ cần ẩn mình đằng sau Con Người Chúa Cứu Thế và xin Ngài giải quyết các vấn đề cho chúng ta. Giu-đe nói: Đến như Mi-ca-ên, là một trong những vị thiên sứ lớn nhất, khi tranh luận với ma quỉ về thi hài Mai-sen, cũng chẳng dám nặng lời tố cáo mà chỉ nói: “Cầu Thượng Đế khiển trách ngươi” (câu 9). Đó là việc chúng ta cần làm – kêu cầu với Thượng Đế.

Kinh Thánh chép chúng ta “hãy chống lại ma quỉ, nó sẽ lánh xa” chúng ta (Gia Gc 4:7). Nhưng trước đó, Chúa phán: “Hãy phục tùng… Thượng Đế”. Nếu bạn hoàn toàn vâng phục, phó mình và quy thuận Chúa Cứu Thế một trăm phần trăm thì bạn có thể “chống lại ma quỉ” và Kinh Thánh hứa là nó sẽ lánh xa bạn. Ma quỉ sẽ run sợ khi bạn cầu nguyện. Nó bị đánh bại khi bạn trích hay đọc một đoạn Kinh Thánh cho nó nghe, và nó sẽ chạy như con chó bị phỏng nước sôi khi bạn chống lại nó. Nhờ quyền lực của Chúa Cứu Thế, bạn có thể làm cho ma quỉ luôn luôn chạy trốn.

Thế gian.

Kẻ thù thứ nhì là thế gian. Thế gian có nghĩa là vũ trụ, là hệ thống của thế giới này. Thế gian có xu hướng dẫn dụ chúng ta vào tội lỗi – những bạn bè xấu, khoái lạc, thời trang, dư luận và mục đích trần tục.

Trong từng trải sanh lại của bạn, bạn thấy các thú vui của bạn được nâng lên một bình diện hoàn toàn mới mẻ và vinh quang. Nhiều người không tin Chúa đã tố cáo rằng đời sống Cơ Đốc là một bộ luật lệ, những điều cấm kỵ, phủ nhận và ngăn cản. Đây là một trò dối gạt khác của ma quỉ. Sự thật đó không phải là một chuỗi những “điều không nên làm” mà là một loạt những “điều nên làm”. Bạn sẽ bận bịu với công việc của Chúa Cứu Thế nên không có thì giờ dành cho công việc của thế gian.

Giả sử có người nào mời tôi dùng một đĩa bánh mì vụn sau khi tôi đã dùng một đĩa thịt ngon lành, tôi sẽ nói: “Dạ, cám ơn ông, tôi đã no rồi ạ!”.

Hỡi các bạn thanh niên Cơ Đốc, đó chính là bí quyết. Vì được đầy dẫy mọi điều của Chúa Cứu Thế, yêu mến nhiều điều của Thượng Đế, nên bạn không còn thì giờ dành cho những thú vui tội lỗi của thế gian này. Kinh Thánh chép: “Kẻ no nê giày đạp tàng mật dưới chân mình, song điều gì đắng cũng lấy làm ngọt cho kẻ đói khát” (ChCn 27:7).

Tuy nhiên, nếp sống theo thế gian đã bị hàng ngàn tín đồ Cơ Đốc hiểu lầm. Cần làm sáng tỏ điều này thêm một chút. Có lẽ đây là một trong những khó khăn lớn lao nhất mà một Cơ Đốc nhân mới mẻ và chưa kinh nghiệm thường gặp phải.

Tấn sĩ Griffith Thomas đã nói: “Có vài yếu tố của đời sống hằng ngày chính nó chẳng phải là tội lỗi, nhưng có xu hướng đưa đến tội lỗi nếu các yếu tố ấy bị lạm dụng. Nghĩa đen của sự lạm dụng là dùng quá độ, và trong nhiều trường hợp, việc sử dụng quá độ những điều đúng phép trở thành tội lỗi. Hưởng thụ lạc thú là điều hợp pháp, nhưng lạm dụng sẽ trở thành bất hợp pháp. Hoài bão là một phần thiết yếu của bản tính, nhưng phải được xây dựng trên những đối tượng hợp pháp và sử dụng theo một mức độ thích đáng. Công việc hằng ngày của chúng ta, đọc sách, ăn mặc, giao du với bạn bè và những phương diện khác tương tự, tất cả đều chính đáng và cần thiết trong cuộc sống, nhưng có thể trở nên không chính đáng, không cần thiết và có hại. Lo cho những nhu cầu của sự sống là tuyệt đối thiết yếu, nhưng nó có thể dễ dàng biến thành nỗi ưu tư, và trong một ví dụ Chúa Cứu Thế đã nhắc nhở chúng ta rằng những lo nghĩ về đời sống này làm nghẹt ngòi hạt giống thiêng liêng trong lòng. Kiếm tiền là điều cần thiết cho sự sinh sống hằng ngày nhưng nó có thể trở thành sự ham mê tiền bạc, sau đó tính gian tham lừa đảo của sự giàu có sẽ xâm nhập và phá hoại đời sống thiêng liêng của chúng ta. Như vậy lối sống thế gian không “khoanh vùng” trong một giới nào, một cấp nào hay một hoàn cảnh nào nên chúng ta không thể phân biệt tầng lớp này với tầng lớp kia và cho rằng giới này sống theo thế gian còn giới nọ sống ngoài thế gian… , một đằng thì thuộc linh và một đằng thì không thuộc linh. Sống theo thế gian là một trạng thái tinh thần, một ảnh hưởng thấm nhuần toàn thể đời sống và xã hội loài người, và chúng ta cần tích cực đề phòng”.

Kinh Thánh chép: “Đừng yêu thế gian và những gì thuộc về thế gian” (IGi1Ga 2:15). Kinh Thánh cũng cảnh giác rằng “thế gian đang suy vong và tham dục nó cũng bị tiêu diệt, nhưng ai làm theo ý muốn Thượng Đế sẽ còn lại đời đời” (2:17).

Tuy nhiên, trong vài trường hợp, những điều này có thể trở thành những vấn đề gây hoang mang trong đời sống hiện đại của chúng ta. Nhiều bạn trẻ đã hỏi tôi: “Thế này có sai không?”, hoặc “Thế kia là quấy chứ?”. “Điều này có tội không?”, hoặc “Điều kia có lỗi chứ?” Một câu hỏi nếu được nêu lên một cách giản dị, thành khẩn và thiết tha sẽ giải quyết độ chín mươi phần trăm những vấn đề của bạn theo tinh thần vừa trình bày. Mỗi lần bạn chỉ cần tự hỏi: “Chúa Cứu Thế muốn ta làm gì?” Hoặc bạn có thể hỏi một câu khác: “Tôi có cần Ngài ban ơn trên chính điều đặc biệt này không? Chúa Cứu Thế sẽ nghĩ gì về những thú vui, những cuộc giải trí, những sách vở, bạn bè và chương trình của tôi?” Chúng ta không thể thỏa hiệp hay mặc cả. Chúng ta phải có lập trường dứt khoát cho Chúa Cứu Thế.

Điều này không có nghĩa chúng ta phải sống như những người hợm hĩnh hay có mặc cảm tự tôn trong xã hội, e rằng chúng ta sẽ mắc phải nguy cơ của sự kiêu hãnh thuộc linh – và tình trạng này còn xấu xa hơn bất cứ lối sống nào khác theo thế gian, Ngày nay có quá nhiều người xưng danh là Cơ Đốc nhân nhưng lại bắt tay với thế gian khiến bạn không thể phân biệt được một Cơ Đốc nhân và một kẻ tội lỗi này ta chớ bao giờ nên vấp phải.

Người Cơ Đốc nên nổi bật lên như viên kim cương lóng lánh trên một bối cảnh xấu xí. Người Cơ đốc phải trọn lành hơn tất cả mọi người. Người Cơ Đốc phải minh mẫn, có học thức, nhã nhặn, khả ái nhưng cương nghị trong những việc mình làm. Người Cơ Đốc phải tươi cười vui vẻ nhưng không cho phép thế gian dìm mình xuống mức độ của nó.

Kinh Thánh chép: “Mọi việc, nếu không tin là đúng mà vẫn làm là có tội” (RoRm 14:23). Nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ làm những gì chúng ta không hoàn toàn biết chắc và thiếu minh bạch. Nếu về một điều nào đó khiến bạn nghi ngờ, thắc mắc không rõ điều đó có “thuộc về thế gian” hay không, chính sách hay nhất là “đừng làm điều đó”.

Xác thịt.

Kẻ thù thứ ba mà bạn phải đối diện là sự ham muốn xác thịt. Xác thịt là xu hướng xấu xa của bản ngã nội tại của bạn. Ngay cả khi bạn ăn năn tin Chúa rồi, có lúc những thèm khát cũ và tội lỗi sẽ trở lại. Bạn sẽ giật mình lấy làm lạ không biết chúng từ đâu đến. Kinh Thánh dạy rằng bản tính cũ với tất cả những hư hoại của nó vẫn còn đó và chính những cám dỗ xấu xa từ đó mà ra chứ không từ đâu khác. Nói cách khác đó là một kẻ nội phản. Khuynh hướng tội lỗi xấu xa luôn luôn hiện diện để kéo ghì bạn xuống. Chiến tranh đã khởi diễn! Giờ đây bạn có hai bản thể đối chọi nhau và bên nào cũng nỗ lực tối đa để chiến thắng.

Kinh Thánh dạy rằng bản tính cũ thích làm những điều nghịch với Thánh Linh trong khi Thánh Linh muốn bạn làm những việc trái với bản tính cũ (GaGl 5:17). Đó là nội chiến của đời sống trong Chúa Cứu Thế. Bản tính cũ không thể làm đẹp lòng Thượng Đế, không thể biến cải hay vá víu. Cám ơn Thượng Đế, khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu chết, Ngài đã đem bạn đi với Ngài, làm cho bản chất cũ trở nên bất lực và bạn “phải kể mình thật chết về tội lỗi” (RoRm 6:11). Điều này được thực hiện bởi đức tin.

Tuy nhiên, một lần nữa, bạn cần phân biệt thật cẩn thận giữa sự sử dụng với sự lạm dụng – sự hợp pháp với sự bất pháp. Một số những điều đó nếu bành trướng sẽ trở thành thèm muốn tội lỗi hay cũng có thể là không phải.

Tấn sĩ Thomas nói: “Ý nghĩa nguyên thủy của từ thèm muốn là øng ham thích mãnh liệt” và không nhất thiết phải là một sự ham muốn tội lỗi vì có những loại ham muốn thể chất của chúng ta như đói, khát – là điều chúng ta, cũng như loài vật đều có, và chúng có tính chất tự nhiên chứ không phải tội lỗi. Chỉ có sự lạm dụng các ham thích đó mới xấu xa – Đói là một ham muốn tự nhiên, nhưng tham ăn là một ham muốn tội lỗi. Khát là một ham muốn tự nhiên, nhưng vô độ là một ham muốn tội lỗi. Hôn nhân là điều hợp ý Thượng Đế và những định luật của bản tính, thể chất, tinh thần và xã hội của loài người. Ngoại tình là một tội lỗi và nghịch ý Thượng Đế cũng như tất cả những gì thanh khiết trong thể xác, và tâm trí. Nhưng còn có những ham muốn khác của xác thịt vốn là tội lỗi trên phương diện tư dục và bản chất. Chẳng hạn như lòng muốn báo thù hay rửa hờn của chúng ta bằng bất cứ giá nào. Vậy chúng ta phải phân biệt cẩn thận lòng ham muốn hay là một ước vọng mạnh mẽ, với dục vọng cũng là sự ham muốn nhưng mang tính chất tội lỗi. Trên một vài phương diện, tội lỗi xác thịt thật đáng ghê tởm hơn hết vì chúng biểu lộ những khao khát của bản tính muốn làm điều xấu. Không phải ma quỉ hay thế gian hoặc cả đến chính tấm lòng xấu xa của chúng ta có thể bắt buộc chúng ta phạm tội. Phải có sự biểu đồng tình và ý chí của chúng ta và chính tại điểm này, bản chất xấu xa của chúng ta mới xuất hiện với cả quyền lực đáng sợ và khả năng làm quấy của nó”.

Phao-lô nói rằng ông không tin cậy vào xác thịt. Tại một chỗ khác, ông nói: “Đừng chìu theo các ham muốn của xác thịt” (RoRm 13:14). Tại một nơi khác nữa, ông nói: “Tôi đối xử nghiêm khắc với bản thân” (ICo1Cr 9:27). Vì thế chính chúng ta phải hoàn toàn vâng theo và tuân phục Thượng Đế, chúng ta có thể nhờ đức tin mà bảo đảm rằng bản chất cũ quả thật đã chết rồi.

Chống lại các kẻ thù.

Như vậy những điều vừa nói là ba kẻ thù của chúng ta: Ma quỉ, thế gian và xác thịt. Với tư cách Cơ đốc nhân, thái độ của chúng ta đối với chúng có thể được tóm lược trong một từ ngữ là chối bỏ. Không mặc cả, không thỏa hiệp hay do dự gì hết. Như GiGa 15:1-27 dạy, ở trong Chúa Cứu Thế là cách sống duy nhất để Cơ đốc nhân có thể sống “trong” thế gian mà không “thuộc về” thế gian. Có người bảo rằng Phao-lô đã giải quyết nan đề ấy khi ông viết cho người Ê-phê-sô: “Phao-lô… sứ đồ của Chúa Cứu Thế Giê-xu gởi cho các thánh đồ ở thành Ê-phê-sô, cho những kẻ trung tín ở trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” (Eph Ep 1:1). Thành Ê-phê-sô là địa chỉ làm ăn kinh doanh của họ, còn “trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” là địa chỉ nhà riêng của họ! Với ma quỉ, chúng ta chỉ chống cự lại được khi nào chính chúng ta vâng phục Thượng Đế. Với thế gian, Kinh Thánh chép: “Mỗi con cái Thượng Đế đều có thể nhờ đức tin mà chiến thắng tội lỗi, tham dục của thế gian” (IGi1Ga 5:4). Đối với xác thịt, Kinh Thánh viết: “Tôi khuyên anh em đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, để thoát khỏi dục vọng của bản tính cũ” (GaGl 5:16).

Đây là những tin tức vinh quang cho các bạn là những người đã từng tranh đấu trong những trận chiến cám dỗ. Các bạn không chiến đấu một mình. Kinh Thánh chép rằng: “nhờ Thánh Linh giết chết những hành vi xấu của thể xác” (RoRm 8:13). Bạn nên nhớ, Chúa Giê-xu đã hứa Ngài sẽ không bao giờ xa lìa hay từ bỏ chúng ta. Hãy nhớ Chúa đã hứa với chúng ta khi lìa thế gian, rằng Ngài sẽ sai một Đấng khác đến – Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi – tức là Thánh Linh, được gọi là Đấng An-ủi (thật nghĩa là “Đấng theo để giúp đỡ“) để Ngài có thể ở với chúng ta mãi mãi (GiGa 14:16). Chúa Giê-xu phán: “Ta không để các con bơ vơ như trẻ mồ côi, ta sẽ đến với các con trong Thân vị của Chúa Thánh Linh.” Ngài đã dạy rằng Ngài là gốc nho, còn các tín hữu là nhánh (xem GiGa 15:1-27).’

Thánh Linh là một hữu thể có quyền năng hơn hết trong thế giới ngày nay. Thời kỳ Cựu Ước là thời đại của Đức Chúa Cha. Thời gian Chúa Giê-xu sống trên thế gian là thời đại của Đức Chúa Con. Từ khi Thánh Linh giáng lâm đến bây giờ, chúng ta đang sống trong thời đại của Thánh Linh. Kinh Thánh chép: “Hãy đầy dẫy Thánh Linh” (Eph Ep 5:18) theo đúng nghĩa: “Hãy cứ thường xuyên được đổ đầy Thánh Linh”. Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ. Như Chúa Cứu Thế đã đến để cho nhân loại được nhìn thấy Thượng Đế và cứu chuộc họ thế nào, thì cũng vậy, Thánh Linh đã đến để khiến mọi người nhìn thấy Chúa Cứu Thế trong đời sống người tin nhận Ngài, và giúp mỗi Cơ Đốc nhân có thể đem sự cứu chuộc đến cho thế gian đang chết mất.

Kinh Thánh phán rằng lúc bạn tiếp nhận Chúa Cứu Thế làm Cứu Chúa, Thánh Linh ngự trị lòng bạn. Giờ đây thân thể bạn là “đền thờ Thánh Linh và Ngài đang sống trong anh em” (ICo1Cr 6:19). Phao-lô còn cảnh giác rằng nếu người nào không có Thánh Linh của Chúa Cứu Thế, người đó không thuộc về Ngài.

Bạn nói: “Nhưng tôi không thấy nhọc lòng gì. Tôi không cảm thấy Thánh Linh của Thượng Đế trong tôi”.

Đức tin là một sự kiện.

Hãy loại bỏ cảm giác. Bạn không được cứu nhờ cảm giác và bạn có thể cảm biết hay không cảm biết Đức Thánh Linh. Hãy nhờ đức tin tiếp nhận Ngài như một sự kiện. Ngài sẽ sống trong bạn ngay bây giờ để giúp bạn sống đời sống Cơ Đốc. Ngài sống trong bạn để suy tôn, làm vinh hiển và ca ngợi Chúa Cứu Thế trong bạn hầu cho bạn có thể sống một đời sống hạnh phúc, thắng lợi và hoan hỉ, tôn vinh Chúa Cứu Thế.

Kinh Thánh dạy “phải đầy dẫy Thánh Linh”, bạn sẽ sinh ra trái của Thánh Linh, tức là “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ” (GaGl 5:22-23). Được đầy dẫy Thánh Linh không phải là điều bạn có thể chọn hay không chọn. Đó là một mệnh lệnh phải tuân theo – một phận sự phải thi hành.

Làm sao biết mình được đầy dẫy Thánh Linh? Và làm thế nào để được điều đó? Đó có phải là một kinh nghiệm tình cảm phải trải qua không? Không – Khi bạn hoàn toàn phó mình và vâng phục Chúa Cứu Thế một cách trọn vẹn, bấy giờ bạn có thể tiếp nhận bởi đức tin rằng bạn đã được đầy dẫy Thánh Linh của Thượng Đế. Điều này có nghĩa là Ngài có thể chiếm hữu trọn vẹn đời sống bạn. Sự dâng mình thật ra là sự tuân phục trọn vẹn, tuyệt đối, vô điều kiện, một sự tuân phục không thay đổi. “Do lòng thương xót của Thượng Đế, tôi nài khuyên anh em dâng thân thể mình cho Thượng Đế như một sinh tế sống và thánh, đẹp lòng Ngài. Đó là cách thờ phượng đích thực của người theo Chúa” (RoRm 12:1).

Chỉ có người Cơ Đốc nào đã dâng mình, được đầy dẫy Thánh Linh mới có thể chiến thắng thế gian, xác thịt và ma quỉ. Chính Đức Thánh Linh sẽ chiến đấu cho bạn. “Vì chúng ta không chiến đấu với người trần gian nhưng với quyền lực vô hình đang thống trị thế giới tối tăm này và với các tà linh trên trời” (Eph Ep 6:12). Đây là một trận chiến thuộc linh; bạn không thể chống lại ba kẻ thù này với vũ khí thông thường. Chỉ khi nào chúng ta trở thành phương tiện và để cho Đức Thánh Linh chiến đấu qua chúng ta, chúng ta mới chiến thắng hoàn toàn được. Đừng giữ lại một điều gì đối với Chúa Cứu Thế. Hãy để Ngài hoàn toàn làm Chúa và Chủ đời sống bạn. Ngài phán: “Các con gọi ta bằng Thầy bằng Chúa là đúng, vì đó là sự thật” (GiGa 13:13).

Tôi tin rằng vô kỷ (unself – consciousness) là trái của Thánh Linh. Người nào bảo rằng: “Tôi được đầy dẫy Thánh Linh” thì đã tự cao tự thị. Có một sứ đồ hay môn đồ nào vỗ ngực tự xưng: “Tôi được đầy dẫy Thánh Linh” hay không? Nhưng Kinh Thánh có chép về một số đông người rằng: “Họ được đầy dẫy Thánh Linh”. Kẻ tự cho mình có tình yêu thương, tự cho mình có sự vui mừng, tự cho mình là người hòa nhã là đã thể hiện cái tôi, bản ngã rồi. Như một Cơ Đốc nhân từng nhận xét rất đúng rằng: “Bản ngã là con số không thuộc linh”.

Có một em bé nghịch một cái lọ rất quí, em cho tay vào trong lọ và không rút ra được. Cha em cố hết sức giúp em, nhưng vô hiệu. Người ta đang tính chuyện đập bể cái lọ, chợt người cha nói: “Này con, bây giờ con hãy cố gắng thử một lần nữa. Con hãy mở bàn tay ra rồi chụm ngón tay lại thẳng như cha làm đây, rồi rút tay ra”. Ai nấy đều ngạc nhiên khi cậu bé nói: “Ba ơi, không được đâu. Con không thể để mấy ngón tay như vậy vì làm thế con sẽ đánh rơi đồng bạc mất!”.

Có lẽ bạn sẽ mỉm cười nhưng có hằng ngàn người trong chúng ta giống như đứa bé ấy, bận tâm nắm giữ đồng bạc vô giá trị của thế gian nên không thể chấp nhận được sự giải thoát. Tôi xin bạn hãy bỏ đồng bạc nhỏ mọn trong lòng bạn ra. Hãy vâng phục! Hãy tiến lên và để Thượng Đế thực hiện đường lối Ngài trong đời sống của bạn.

Bây giờ, sau khi đã dâng trọn vẹn chính mình cho Chúa Cứu Thế, hãy nhớ rằng Thượng Đế tiếp nhận những gì bạn đã dâng cho Ngài. “Người nào Thượng Đế dành cho tôi sẽ đến với tôi. Người đến với tôi chẳng bao giờ bị tôi xua đuổi” (GiGa 6:37). Bạn đã đến với Ngài; Ngài đã chấp nhận bạn. Và Ngài sẽ chẳng bỏ bạn ra ngoài đâu.

Trái của Thánh Linh.

Chẳng những bạn dạn dĩ mà thôi, bạn sẽ sinh ra trái của Thánh Linh. Xin hãy nhớ rằng những trái Thánh Linh là của Thánh Linh. Bạn không thể tự mình sinh ra những trái ấy. Đó là những trái siêu nhiên làm cho đời bạn hằng ngày mang một bản chất đặc biệt, và những trái này phải sinh ra một cách siêu phàm. Theo GaGl 5:1-26 thì trái đầu tiên là yêu thương, và từ gốc ấy, sẽ mọc lên tất cả các trái khác. Chúa Giê-xu phán: “Đây là mệnh lệnh ta: Các con hãy yêu nhau như ta đã yêu các con… khi các con vâng giữ mạng lệnh ta là các con tiếp tục sống trong tình yêu của ta, cũng như ta vâng giữ mạng lệnh Cha và sống mãi trong tình yêu của Ngài” (GiGa 15:12, 10). Chúng ta phải phân biệt các ân tứ của Thánh Linh với trái của Thánh Linh. Các ân tứ thì được ban cho – còn trái thì nhờ tăng trưởng, phát triển mà có. Muốn có sự tăng trưởng, phát triển, thì phải có mối liên hệ chặt chẽ thiết thân riêng tư nào đó, như gốc nho và nhánh nho. Chúng ta cần phải đâm rễ vững nền trong Chúa Cứu Thế.

Nhưng chúng tôi đã vạch rõ trên đây, một trong các đặc điểm của Thánh Linh là vô kỷ, không tự thị, không nghĩ về chính mình. Hễ khi nào một người tự hào là mình có trái thuộc linh thì người ấy đang thể hiện bản ngã.

Một trái khác của Thánh Linh là vui mừng. Một trong những đặc điểm của Cơ Đốc nhân là niềm vui từ bên trong, không lệ thuộc hoàn cảnh, tình hình bên ngoài. Nê-hê-mi nói: “Sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi” (NeNe 8:10). S. D. Gordon, nhà văn ngoan đạo lừng danh của thế hệ trước đã nói về sự vui mừng: “Vui mừng là một danh từ và là một điều riêng biệt của Cơ Đốc nhân. Nó là mặt trái của hạnh phúc. Hạnh phúc là kết quả của một việc tốt đẹp đã xảy ra. Vui mừng có gốc rễ ăn sâu trong nội tâm và chồi nó mọc lên thì chẳng bao giờ bị khô, bất chấp chuyện gì xảy ra chăng nữa. Chỉ một mình Chúa Giê-xu mới có thể ban cho sự vui mừng đó. Ngài có sự vui mừng, reo ca thành âm nhạc từ bên trong, ngay dưới bóng thập tự giá. Đó là một từ ngữ, một sự việc người ta không thể biết được, trừ khi có Ngài điều khiển từ bên trong”.

Sir Wilfred Grenfell, một giáo sĩ đã nói: “Sự vui mừng đích thực không do khá giả hay giàu sang mà có… cũng không phải nhờ được thiên hạ ngợi khen, nhưng là nhờ làm một việc gì đó thật xứng đáng”. Còn Alexander MacLaren thì nói: “Theo đuổi sự vui mừng là đánh mất nó. Phương pháp duy nhất để có được nó là gắn bó với con đường nhiệm vụ mà chẳng nghĩ đến sự vui mừng, cũng như con chiên, nó chắc chắn chạy đến mà không cần tìm kiếm, một khi chúng ta đã đi đúng đường thì vị thiên sứ của Thượng Đế là niềm vui sẽ chắc chắn tìm đến với chúng ta”.

Sẽ có sự bình an. Phao-lô nói: “Chúng tôi bị áp lực đủ cách, nhưng không kiệt quệ, bị hoang mang, thắc mắc nhưng không bao giờ tuyệt vọng, bị bức hại nhưng không mất nơi nương tựa, bị quật ngã nhưng không tiêu diệt” (IICo 2Cr 4:8-9). Chúng ta có thể liệt kê tất cả những gì phi thường còn lại – nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ, và sẽ thấy tất cả các trái đó kết quả như thế nào trong đời sống những người thật sự đã vâng phục và được đầy dẫy Thánh Linh.

Chiến thắng là của bạn. Hãy đòi hỏi lấy! Nó là đặc quyền chính yếu của bạn. Browning nói: “Điều tốt nhất đang ở trước mặt”. Nói như thế không có nghĩa là Cơ đốc nhân chẳng bao giờ gặp thất bại hay phải từng trải nhiều giai đoạn xứng đáng trong đời sống. Nhưng nó có nghĩa là Chúa Cứu Thế cùng đi với bạn bất chấp mọi vấn đề, mọi tình huống. Sự bình an sẽ đến giữa khi gặp vấn đề và bất chấp tất cả.