11 - Được Chọn Bởi Một Đức Chúa Trời Thánh Khiết Và Nhiệt Thành

Hôn Cô Gái Rồi Bỏ Họ Khóc

Đăng vào: 5 tháng trước

.

11 Được Chọn Bởi Một Đức Chúa Trời Thánh Khiết Và Nhiệt Thành

Bạn có nhận biết Đức Chúa Trời thánh khiết và nhiệt thành đang đeo đuổi bạn không? Ngài đang chờ đợi và quan sát để bạn liếc nhìn đường lối của Ngài. Ngài mong mỏi bạn đọc những lá thư tình tứ mà Ngài đã viết cho bạn. Ngài nguyện cầu bạn sẽ trở lại với những lời tán tỉnh của Ngài. Ngài muốn đem bạn ra khỏi thế giới đen tối mà bước vào thế giới sáng lạng vinh quang của Ngài. Ngài mong ước giật lấy bạn khỏi những bàn tay của những tình nhân thất tín để đem bạn vào vòng tay thành tín, đời đời của Ngài. Ngài giải cứu bạn khỏi những ông chủ chứa tàn bạo và khỏi những cái ách nô lệ khủng khiếp của Ai-cập và thay vào đó chỉ cho bạn sự yêu thương trìu mến và lòng xót thương của Ngài.

Ngài không giải cứu chúng ta khỏi Ai-cập chỉ để đem chúng ta vào xứ hứa, mà Ngài còn muốn đem chúng ta đến với chính Ngài. Những lời hứa trong Cựu ước chỉ là hình bóng dưới đất của những sự tương lai. Rất thường, chúng ta nghĩ như dân Y-sơ-ra-ên nghĩ. Chúng ta quá thoải mái khi được cứu và thoát khỏi sự phán xét, mà chúng ta quên mất mục đích tối hậu trong sự cứu rỗi đó là phục hồi lại với chính Ngài. Hỡi độc giả yêu dấu, sự cứu chuộc còn hơn là sự bảo hiểm hỏa hoạn hay bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên, tôi hiểu tại sao bạn nhìn sự cứu chuộc theo cách này. Bao nhiêu người trong chúng ta đã nghe câu hỏi, “Nếu bạn chết tối nay, làm sao bạn biết chắc bạn sẽ đi về đâu?” Mục đích của câu hỏi là để giúp thính giả tự hỏi, “Mình có biết chắc rằng mình có lên thiên đàng không?” Nếu họ không chắc, họ có cơ hội để cầu nguyện và đảm bảo vị trí đời đời của họ. Nhưng sự cứu rỗi không chỉ là đích đến sau khi chết mà nó là một đời sống và đời sống sung mãn. Hãy nghe khát khao sâu thẳm và mục đích của Chúa khi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai-cập:

Các ngươi đã thấy những điều Ta làm cho dân Ai-cập, và thể nào Ta đã mang các ngươi trên cánh đại bàng đem các ngươi đến với Ta. (Xuất 19:4)

Tôi thích cái đẹp và sức mạnh của câu Kinh Thánh này. Vua quyền năng của thiên đàng phải sà thấp xuống dưới đất để giải cứu con cái Ngài sau 400 năm nô lệ. Trong quá trình đó, Ngài giáng tai họa cho Ai-cập, một quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới lúc đó và biến nó thành một đống tro tàn. Những người nô lệ Y-sơ-ra-ên đã tước đoạt hết vàng bạc của người Ai-cập.

Ai trong vòng chúng ta không mong muốn thoát khỏi sự nô lệ tàn bạo của thế gian và được mang đến núi thánh của Chúa, nơi có sự an toàn và thông công mật thiết mà không thể nào sánh được? Tôi e rằng nhiều người không thật sự có ước mong đó trong lòng họ. Dù nhiều người đón nhận sự giải thoát khỏi cảnh nô lệ và hình phạt, nhưng họ thật sự không liên hệ được điểm này : tất cả là để trở nên thuộc về Ngài. Nếu chúng ta không còn thuộc về đời này thì chúng ta thuộc về ai?

Hãy nói với toàn thể hội chúng I-sơ-ra-ên và bảo họ rằng: Các ngươi phải nên thánh vì Ta, CHÚA Ðức Chúa Trời của các ngươi, là thánh. (Lêv 19:2)

Sự thánh khiết không phải là bản mô tả công việc cho các mục sư hay cho các tân tín hữu, mà là một mạng lệnh dành cho tất cả những ai nhóm hiệp trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết. Chúng ta phải nên thánh, vì Ngài là thánh. Chúng ta không chỉ được bảo phải ăn ở thánh khiết hay làm ra vẻ thánh khiết; chúng ta được mời hãy trở nên thánh. Trở nên điều gì đó nghĩa là trở thành một phần trong bản chất hay lối sống của chúng ta. Tâm linh chúng ta điều khiển cách chúng ta sống, nên chúng ta phải được đầy dẫy Thánh Linh và được dẫn dắt bởi Thánh Linh.

Điều này bao gồm những cuộc nói chuyện riêng của chúng ta cũng như lối cư xử công khai của chúng ta, nhưng tôi muốn tập trung vào lĩnh vực riêng tư và không ai thấy. Trở thành điều gì đó xác định sự hiện hữu của chúng ta. Chúng ta có thể hành xử thánh nhưng không trở nên thánh; chúng ta có thể trông vẻ thánh nhưng không nên thánh. Đây không chỉ là mạng lệnh của thời Cựu ước cũ xưa. Chúng ta được khuyên bảo trong giao ước ân sủng của Tân ước đó là hãy nên thánh.

Nhưng như Ðấng đã gọi anh chị em là thánh, anh chị em cũng phải nên thánh trong mọi cách ăn nết ở của mình, vì có lời chép, “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh.” (1 Phi 1:15-16)

Nếu bạn xem kỹ phần Kinh Thánh Tân ước này với lời khuyên trong sách Lê-vê-ký thì thấy nó cụ thể hơn, dạy bảo chúng ta hãy nên thánh trong mọi việc chúng ta làm, vì Đức Chúa Trời là thánh khiết trong mọi sự thuộc về Ngài.

Vậy nên thánh nghĩa là gì? Câu Kinh Thánh kế tiếp đưa ra cho chúng ta vài ánh sáng:

Các ngươi phải nên thánh cho Ta, vì Ta, CHÚA, là thánh. Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta. (Lêv 20:26)

Chúa bảo dân Y-sơ-ra-ên hãy nên thánh vì họ đã được biệt riêng khỏi các nước khác để thuộc về Ngài. Thật ra, Chúa phán với họ, “Hãy biệt riêng cho Ta, vì Ta đã chọn con thuộc về Ta. Hãy chọn Ta, vì Ta đã chọn con rồi.” Dân Y-sơ-ra-ên đã được Chúa chọn từ giữa các nước để trở thành tuyển dân của Ngài. Các dân ngoại sẽ khớp với vị trí nào? Khi nào chúng ta được chọn?

Do lòng yêu thương của Ngài, Ngài đã chọn chúng ta trong Ðấng Christ trước khi dựng nên vũ trụ, để chúng ta được thánh hóa và trọn vẹn trước mặt Ngài. (Êph 1:4)

Trước khi Ngài ngắm nghía đến chúng ta, chúng ta đã được chọn trong Ngài. Trong Đấng Christ chúng ta đã được chọn, không phải từ các nước mà trước buổi sáng thế. Dường như là chúng ta đã nằm trong suy nghĩ của Ngài khi Ngài tạo dựng quả đất. Chúng ta được Đức Chúa Trời chọn trong Đấng Christ, Chiên Con đã chịu giết từ trước buổi sáng thế. Chúng ta được định trở nên thánh và không trách được trong Đấng Christ.

Vậy trở nên thánh trước mặt Ngài nghĩa là gì? Trong Đấng Christ, chúng ta được làm cho thánh hay được biệt riêng cho Ngài, cho ý muốn, cho mục đích và cho vinh hiển của Ngài. Trước đây chúng ta xa lạ với những lời hứa, vì những ai bên ngoài dân Y-sơ-ra-ên không thể nên thánh hay biệt riêng. Dân ngoại phải giữ mọi luật lệ và giới luật để bước vào giao ước.

Nhưng ngày nay, bức màn đã bị xé làm hai. Các mạng lệnh chống lại chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá của Đấng Christ và chúng ta không còn phân cách khỏi Đức Chúa Trời nữa (Cô 2:14). Sự thánh khiết không phải là việc Chúa yêu cầu chúng ta phải “tốt đẹp”; nó là lời mời gọi để thuộc về Ngài. Tôi không cưới John để thoát ế và để bồng bế … (sinh con), tôi lấy chồng để tôi có thể thuộc về chồng. Qua mối quan hệ giao ước, chúng tôi chia sẻ nhiều điều với nhau. Chúng tôi chia sẻ về những điều thầm kín, về con cái, về tiền bạc, về xe cộ, về nhà cửa, về đồ đạc … Nhưng có những nơi trong đời sống tôi chồng tôi không thể đụng đến được vì nó chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời, cũng như có những chỗ và những nhu cầu mà tôi không bao giờ đáp ứng trong đời sống chồng tôi vì nó chỉ dành cho một mình Đức Chúa Trời. Mỗi người nữ được định thuộc về Hoàng tử của mình và có những chỗ trong đời sống nàng chỉ dành cho Ngài mà thôi.

Nên thánh nghìa là biệt riêng ra cho Ngài trong tâm linh, hồn và thể xác. Chúng ta biệt mình ra bằng cách trước hết đáp ứng với tiếng gọi của Ngài, sau đó qua việc đầu phục ý chí của chúng ta cho Lời Ngài khi mời Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng ta.

Nhưng anh chị em là dòng giống được tuyển chọn, là dòng tư tế hoàng gia, là dân tộc thánh, là dân thuộc riêng về Ðức Chúa Trời, để anh chị em có thể rao truyền những việc tuyệt vời của Ngài, Ðấng đã gọi anh chị em ra khỏi nơi tối tăm để vào ánh sáng diệu kỳ của Ngài. (1Phi 2:9-10)

Chúng ta được chọn như là thầy tế lễ hoàng gia, là dân thánh của Ngài. Chúng ta thuộc về Chúa và vì thế chúng ta công bố sự ngợi khen của Ngài cho thế giới xuất phát từ lòng yêu mến và biết ơn đối với sự chết mà Ngài đã chết để giải cứu chúng ta khỏi thế giới tối tăm và đem chúng ta vào ánh sáng vinh quang của Ngài. Tôi nhớ lúc học đại học, sau khi vừa mới vào ký túc xá nữ, các nữ sinh viên đều phấn khởi vì gia nhập hội sinh viên nữ gồm nhiều cô gái và chúng tôi ca ngợi về ký túc xá của chúng tôi cho cả trường nghe. Nếu chúng ta vui mừng vì được gia nhập hội đời này thì chúng ta nên ngợi khen Chúa càng hơn, Đấng đã mời chúng ta vào Nước Ngài? 1Phi-e-rơ cho chúng ta biết vị trí của chúng ta trong Chúa là : Chúng ta được chọn, thuộc về hoàng gia, là thầy tế lễ thánh.

Trong Cựu ước, các thầy tế lễ được giao trách nhiệm dâng của lễ và các thầy tế lễ hoàng gia thì đem tế lễ trước măt Vua hoàng tộc của họ. Là thầy tế lễ, của lễ của chúng ta là gì? Đó là một đời sống ca ngợi Ngài qua lời nói, việc làm và cách ăn mặc. Để hiểu thêm ý này, ta hãy xem A-rôn:

Họ làm một thẻ bằng vàng ròng để làm biểu tượng cho sự thánh khiết, rồi khắc trên đó một hàng chữ như cách khắc con dấu rằng, “THÁNH CHO CHÚA.” Rồi họ dùng một sợi dây làm bằng chỉ xanh dương buộc thẻ đó trên mũ tế, như CHÚA đã truyền cho Môi-se. Như vậy mọi công việc xây dựng Ðền Tạm, tức Lều Hội Kiến, đã hoàn tất. (Xuất 39:30-32)

A-rôn được mặc chiếc áo thầy tế lễ rất đẹp. Mỗi mảnh vải trang điểm cho ông đều có ý nghĩa cụ thể, nhưng để ý dòng cuối cùng ghi trên mũ bằng vàng ròng có những chữ THÁNH CHO CHÚA. Ông thật sự được đội sự thánh khiết. Tất cả áo thầy tế lễ và vinh hiển đẹp đẽ của nó đều tuyên bố A-rôn là thuộc về Chúa. Để ý thẻ được chạm như chiếc nhẫn; đây là điểm quan trọng. Những chiếc nhẫn đều khắc chạm bên trong lẫn bên ngoài và có khả năng tạo hình lên cái gì đó. Khi một chiếu chỉ hay sắc lệnh được ban ra, người ta dùng chiếc nhẫn để đóng ấn, hình bóng là ai thật sự phía sau luật lệ đó.

Ta hãy xem một ví dụ đời thường về việc này. Trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế và quốc nội, những ai chiến thắng sẽ được vương miện và cây cờ cho biết nước mà họ đại diện. Chuyện gì xảy ra nếu giữa lúc cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ diễn ra, cô hoa hậu người Mỹ quyết định cô muốn đại diện cho nước Nhật thì sao? Người ta có để cho cô ta làm không? Dĩ nhiện là không rồi! Cô ta đã được chọn làm đại sứ cho nước Mỹ, không phải cho nước Nhật; cô ta đại diện cho văn hóa Mỹ và người dân Mỹ. Là thầy tế lễ, chúng ta không khác gì mấy. Chúng ta phải để lại ấn tượng lên tất cả những ai chúng ta gặp để cho họ biết chúng ta là ai và chúng ta đại diện cho vương quốc nào. Phi-e-rơ tiếp tục lời giải thích của ông về cách chúng ta làm việc này:

Ngày trước anh chị em không phải là một dân, nhưng ngày nay anh chị em là dân của Ðức Chúa Trời; Ngày trước anh chị em không nhận được ơn thương xót, nhưng ngày nay anh chị em đã nhận được ơn thương xót. Thưa anh chị em yêu dấu, tôi khuyên anh chị em là những kiều dân và những người sống tha hương: hãy kiêng cữ những dục vọng của xác thịt, là những điều đang chiến đấu chống lại linh hồn. Hãy ăn ở ngay lành giữa các dân ngoại, để nếu họ vu khống anh chị em là những kẻ làm điều xấu, thì khi thấy những việc tốt đẹp của anh chị em, họ có thể tôn vinh Ðức Chúa Trời trong ngày Ngài thăm viếng. (1 Phi 2:10-12)

Trước đây chúng ta không thuộc về Chúa, nhưng bây giờ chúng ta thuộc về Ngài. Trước đây chúng ta chịu sự phán xét của Chúa nhưng bây giờ chúng ta kinh nghiệm sự thương xót của Ngài. Nói cách khác, trước đây chúng ta ở thế gian này gánh chịu hình phạt phán xét nhưng bây giờ chúng ta không thuộc về thế gian này, chúng ta thuộc về Nước Chúa. Điều này làm cho chúng ta thành những lữ khách và xa lạ trên đất này nơi mà trước đây chúng ta là công dân. Là thầy tế lễ, chúng ta là những đại diện của Chúa và là sứ giả trên đất này.

Chúng ta đem những của lễ xứng đáng với lòng thương xót của vua; lời ngợi khen và đời sống của chúng ta.

Sự thánh khiết nói về quyền sở hữu; chúng ta không còn là chủ cuộc đời mình nữa mà là Chúa; bạn có thể nói, “Tôi không thích ý niệm ai đó là chủ của tôi!” Dù bạn có ý thức điều này hay không, bạn trước đây không bao giờ thật sự được tự do. Bạn sanh ra là đã ở dưới quyền thống trị của nước tối tăm và sống thù nghịch với Đức Chúa Trời và là con cái bị định cho cơn thịnh nộ. Nhưng một Hoàng tử yêu thương đã cứu chuộc bạn. Bạn được mua bằng một giá cao, và lời ngợi khen của bạn phải tuyên bố sự vinh hiển của Ngài, cùng với các thánh đồ trên trời đang ca hát bài ca Chiên Con.

Họ cùng nhau hát một bài thánh ca mới rằng: “Ngài thật xứng đáng để lấy cuộn sách và mở các ấn nó ra, vì Ngài đã bị giết và đã dùng huyết mình mua chuộc cho Ðức Chúa Trời những người từ mọi bộ lạc, mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc, và mọi quốc gia. Ngài đã làm cho họ thành một vương quốc và những tư tế phụng sự Ðức Chúa Trời chúng ta, và họ sẽ trị vì trên đất.” (Khải 5:9-10)

Để ý Kinh Thánh nói huyết Ngài mua chuộc chúng ta cho Đức Chúa Trời, không phải cho thiên đàng. Chàng Rể này đã chuộc Nàng Dâu của Ngài bằng chính mạng sống của Ngài. Nhưng để hiểu chiều sâu của chuyện tình lãng mạn này, chúng ta phải quay lại thời kì rất lâu trước đây và di chuyển đến vùng đất nơi mà có những tập tục xa lạ đối với chúng ta. Hãy cùng tôi quay lại Y-sơ-ra-ên cổ đại và quan sát những tập tục và nghi thức cưới hỏi. Lúc đó, không có hẹn hò; chỉ có cô dâu và chú rể. Cặp đôi này không sống thử tạm rồi sau đó chia tay. Phải có sự cam kết và hứa hẹn rất nhiều trước khi phần cuối của việc cưới hỏi mới bắt đầu.

Khi người con trai đến tuổi lấy vợ, anh ta hỏi cha mình sắp đặt một cô dâu cho cậu. Người con có thể nghĩ đến ai đó trong đầu nhưng thường thì chính người cha mới là người tìm trước khi người con trai nghĩ đến chuyện hôn nhân. Cả hai bàn thảo nhau về những điểm tốt của người con gái nhưng chính người cha mới là người chọn gia đình và người con gái mà họ tính gặp để chọn làm cô dâu cho con trai mình.

Nếu lời cầu hôn ban đầu của họ ổn thỏa, người thanh niên đó đi tới nhà cô ta và gặp cha cô ta và những người anh của cô ta để bàn thảo chi tiết và những thủ tục khác. Chính người con gái không liên hệ gì đến qúa trình thương lượng này. Tôi đoan chắc cô ta chờ bên cửa sổ, cố để nhìn xem và nghe ngóng chuyện gì xảy ở căn phòng bên kia. Có lẽ có những tiếng thì thầm phấn khích khi cuộc nói chuyện diễn ra. “Anh ta sẵn sàng cho mình cái này!”

Nhưng cha cô ta đã định cái giá trong đầu rồi. Các cô gái hầu như được đổi chác để lấy tiền vì họ được xem là của hồi môn cho gia đình, họ không làm việc ngoài đồng như con trai và vì thế không sinh lợi cho gia đình. Nếu cái giá đính hôn của người cha không được đáp ứng thì lời cầu hôn đó không được tiến hành và cuộc thương lượng đó sẽ chấm dứt. Dù chuyện này nghe có vẻ đổi chác đối với chúng ta ngày nay, nhưng thật ra nó là một hình thức bảo vệ người con gái. Người cha muốn có một sự đảm bảo cái giá của ông phải được đáp ứng, nhưng cũng muốn biết rằng con gái của ông phải được chăm sóc. Vào thời đó các cô gái không được cha họ cho không mà họ phải được chuộc trước hết rồi mới bắt họ đi. Những cuộc thương lượng cứ tiếp diễn nhiều giờ như đưa ra các thắc mắc, phải có lời cam kết thật sự, phải hứa rõ ràng và có những tranh cãi nữa.

Khi mọi thứ đã được thỏa thuận giữa cha cô dâu và chàng rể thì họ ghi lại trong một cuộn giấy hay hợp đồng hôn nhân, trong đó ghi giá trả cô dâu, những cam kết và lời hứa của chú rể và quyền lợi của cô dâu. Đây là giấy tờ hứa hôn và khi đã ghi chép xong, người ta đổ một ly rượu và người con gái, cô dâu tương lai, sẽ được dẫn ra.

Tất cả những giờ thương lượng và mọi chi tiết dài dòng nếu cô dâu không đồng ý thì cũng như không. Cô sẽ được báo cho biết của lễ sẽ đặt trên bàn. Trước mặt cô ta, một cốc rượu sẽ chờ đó, đại diện cho giao ước hôn nhân. Cô ta có hai chọn lựa. Cô có thể từ chối rượu đổ ra trước mặt cô ta, và bỏ đi khỏi phòng. Nếu cô ta làm vậy, cuộc hôn nhân sẽ không xảy ra dù các điều kiện của cha cô ta đã được đồng ý. Hoặc giả cô ta có thể nói, “Con đồng ý.” Nếu vậy thì cái cốc sẽ được trao cho chàng rể sẽ uống nó, rồi trao cho cô dâu. Khi cô dâu uống cái cốc giao ước, hôn ước được đóng ấn.

Chàng rể trao cho cô dâu một món đồ giá trị tiêu biểu cho sự chân thành của chàng đối với cô dâu và với giao ước của họ. Anh ta cứ ở lại đó với cô dâu một thời gian ngắn để hai người hiểu nhau hơn, nhưng luôn luôn dưới sự giám sát của gia đình cô dâu. Trong văn hóa của chúng ta ngày nay, món quà này được hình bóng bằng chiếc nhẫn đính hôn. Cả hai đã được hứa gả theo pháp luật hay đã bị ràng buộc trong hôn nhân, dù họ chưa ăn ở với nhau.

Sau đó cô dâu phải chịu phép rửa bằng nước. Đây là nghi thức nhận chìm và thanh tẩy. Nó ám chỉ một sự phân rẽ hay sự lìa khỏi lối sống cũ của cô ta và tẩy sạch để chuẩn bị cô cho đời sống mới với chồng. Nó được xem như là hình bóng về sự tái sinh thuộc linh dành cho cô ta. Cô ta không còn một mình nữa mà cô thuộc về chàng rể.

Sau một thời gian, chàng rể sẽ lên đường trở về nhà cha mình. Tại đó chàng sẽ dọn dẹp nhà mình để chuẩn bị cho đám cưới. Chàng sẽ để lại cho cô dâu lời nhắn nhủ, “Anh sẽ đi chuẩn bị một chổ cho em; nếu anh đi, anh sẽ trở lại với em.” Đây là những lời của Chúa Giê-su từ Giăng 14. Dù rất khó mà chia tay, nhưng cả hai đều hiểu họ không bao giờ thật sự có nhau trừ khi trước hết chàng rể phải đi chuẩn bị một chổ.

Nàng dâu được để lại tờ giao ước, cốc giao ước và giá đã được trả đủ và món quà đảm bảo rằng chàng rể sẽ trở lại với cô. Cô cứ ở tại nhà cha mình và chuẩn bị sẵn sàng. Khi cô ra ngoài, cô phải đeo khăn che để chỉ dấu rằng cô đã được hứa gả cho người khác rồi. Những phụ nữ đeo khăn che được gọi là người được biệt riêng ra, được thánh hóa, được tận hiến hay được mua bằng một giá. (Nghe quen thuộc quá phải không). Cuộc đời cô ta được cột chặt bởi giao ước với nhau. Vẻ đẹp cô ta được gìn giữ cho chàng rể. Cô ta mong mỏi chàng rể trở lại và để thời gian chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống bên nhau. Cô ta nghĩ về chàng thường xuyên khi cô gom hết các vật kỷ niệm, đặt biệt thời gian trôi qua và cô ta biết mỗi ngày sẽ kéo chàng rể đến gần hơn. Cô ta không muốn nhỡ mất sự trở lại của chàng rể; cô ta muốn phải sẵn sàng.

Ta hãy dừng lại đây trước khi đi tiếp và xem xét cách những nghi thức hôn lễ ngày xưa phản ảnh mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giê-su, vì hôn nhân được lặp lại để minh họa cho ý này.

Đây là sự mầu nhiệm, nhưng tôi nói về Đấng Chirst và hội thánh. (Êph 5:32)

Chúa Giê-su bỏ ngai báu thiên đàng để đeo đuổi nàng dâu mà Cha Ngài đã chọn cho Ngài. Ngài thỏa mãn cái giá mua chuộc nàng dâu và biến nàng thành của Ngài. Trong trường hợp này, Ngài đã trả giá tất cả những gì Ngài có: chính mạng sống của Ngài. Ngài đóng ấn giao ước này khi Ngài uống chén tại tiệc chia ly cuối cùng và sau đó trao cho các môn đồ Ngài. Ngài đồng ý cái giá đã thỏa thuận tại Vườn Ghết-sê-ma-nê và đã trả đủ tại thập tự giá. Sau đó, Ngài dâng chính huyết Ngài như của lễ chuộc tội và tẩy sạch nàng dâu Ngài bằng nước của Lời Chúa. Đây là quá trình đổi mới tâm trí, tâm linh và linh hồn để chuyển dịch chúng ta khỏi nước tối tăm mà vào nước sự sáng.

Như Ðấng Christ đã yêu thương hội thánh và phó chính Ngài vì hội thánh, để Ngài có thể thánh hóa hội thánh, sau khi thanh tẩy hội thánh bằng nước, tức lời Ngài, hầu tạo cho chính Ngài một hội thánh đẹp lộng lẫy, không hoen ố, không vết nhăn, và không khuyết điểm, nhưng thánh khiết và vẹn toàn. (Ê ph 5:25-27)

Để ý Chúa Giê-su là Đấng làm cho chúng ta nên thánh. Ngài chuộc chúng ta để chúng ta thuộc về Ngài. Chúng ta không thể cứu chuộc mình cũng không thể tự mình làm nên thánh. Nhưng chúng ta có thể làm mình sẵn sàng trong lúc Ngài chuẩn bị một chổ cho chúng ta.

Chúng ta hãy vui mừng, hớn hở, và dâng vinh hiển lên Ngài, vì hôn lễ của Chiên Con đã đến, và cô dâu của Ngài đã chuẩn bị cho nàng sẵn sàng. (Khải 19:7)

Nàng dâu chịu trách nhiệm duy trì bầu không khí và thái độ sẵn sàng. Là nàng dâu của Chúa, chúng ta phải thu gom hết đồ đạc để chờ chàng rể đến: ‘Vải gai mịn đẹp đẽ và trong sạch được trao cho nàng để mặc vào” (Khải 19:8). Vải gai mịn tượng trưng cho hành động công chính của các thánh đồ.

Này ta hãy quay lại cặp đôi kia. Cô dâu vẫn là cô gái đang chờ, đang khi chàng rể làm việc cật lực để chuẩn bị phòng tân hôn cho cô dâu bằng cách xây thêm một phòng tại nhà cha chàng. Việc này mất nhiều thời gian và sự chuẩn bị, vì lúc đó, không có cửa hàng bán vật liệu sẵn để có thể mua về ráp. Chàng phải ký hợp đồng hay trao đổi để lấy gỗ, hay phải đi đốn cây rừng và chuẩn bị. Trong lúc đó, chàng làm việc trong sự thỏa thích, biết rằng công việc của mình sẽ đem chàng đến gần cô dâu hơn. Cha chàng sẽ quan sát kỹ quá trình làm việc của người con và khích lệ cũng như dạy bảo anh ta trong suốt quá trình đó. Người cha cũng là người kiểm tra đôn đốc chỗ ở và nói cho người con biết khi nào ông tin là nó sẵn sàng cho cô dâu. Gia đình cô dâu cũng gởi những người đại diện để đảm bảo là chàng rể quả đã giữ lời với cô dâu. Họ sẽ báo cáo lại với cô dâu, “Không còn bao lâu nữa. Hãy sẵn sàng đi!”

Cuối cùng công việc chuyển sang để người cha kiểm tra, và người cha quay sang người con trai và nói, “Hãy đi rước cô dâu!” Chàng rể sẽ đi rước cô dâu. Họ lên kế hoạch việc ra đi của họ sẽ đến nhà cô dâu đúng vào lúc giữa đêm. Khi họ đến gần thành, họ thổi kèn để báo thức cô dâu rằng người yêu sắp đến gần. Dĩ nhiên, âm thanh này sẽ đánh thức mọi cô dâu nào đã hứa gả và họ thảy đều bị đánh thức, vừa run vừa phấn khởi. Họ sẽ chuẩn bị đèn dầu bằng cách châm thêm dầu vào đèn và sửa soạn tim đèn. Sau đó họ lắng nghe kỹ lời thông báo về các người bạn của chú rể. Các người bạn này dọn đường cho chàng rể đứng bên ngoài nhà cô dâu và gọi cô dâu, “Này chàng rể đến! Hãy ra gặp chàng rể!” (Mat 25:6)

Cha và các anh nàng sẽ đi ra kiểm tra và đảm bảo đây đúng là chàng trai đang gọi con gái mình. Họ không muốn thả cho cô dâu đi theo một người lạ! Sau khi xác nhận danh tính, họ quay lưng bỏ đi. Cảnh này giống như cảnh bắt cóc hay tống tiền gì đây. Cô dâu chạy đến người yêu của mình với cái đèn sáng và các cô hầu chạy theo. Chàng rể kéo cô dâu đi và hai người lập tức quay trở lại nhà cha chàng rể, nơi mà cả hai bước vào phòng tân hôn. Suốt bảy ngày, họ tận hưởng tình yêu của nhau phía sau cánh cửa đóng.

Các bạn của chàng rể ngồi bên ngoài canh cửa và chờ giây phút vui mừng khi hôn lễ chấm dứt. Khi họ nghe tiếng chàng rể, họ loan báo niềm vui của họ cho những người khác có mặt ở đó và lễ cưới được tiến hành. Khăn trải giường sẽ được đưa ra qua cửa sổ. Khăn này được đưa cho cha cô dâu để làm bằng cớ về sự trinh tiết của cô dâu đề phòng có gì thắc mắc trong tương lai. Giọt máu chảy ra từ tử cung cô dâu đại diện cho dấu ấn cuối cùng của giao ước. Sau bảy ngày ở với nhau, cô dâu lấy khăn che mặt đi, ra ngoài với chàng rể và tiệc cưới bắt đầu. Có dọn rượu và thức ăn để chúc mừng niềm vui của họ. Các phúc lành sẽ được tuyên bố cho họ và quà sẽ được trao cho họ.

Đây là sự phản chiếu vinh diệu và lãng mạn về Chúa Giê-su và Nàng dâu của Ngài. Ngài đã đi để chuẩn bị một chỗ cho chúng ta. Ngài sẽ đến nhanh chóng và phần thưởng sẽ theo Ngài. Chúng ta phải chuẩn bị chính mình cho sự trở lại của Ngài.

Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày cũng không biết giờ. (Mat 25:13)

Lạy Cha trên trời,

Qua Thánh Linh Ngài xin hãy bày tỏ lĩnh vực nào con chưa biệt riêng cho Ngài. Con muốn nên thánh, thuộc về Ngài hoàn toàn. Hãy dạy con cách thức của nàng dâu để lòng con vui mừng trong tình trạng sẵn sàng. Nguyện ngọn đèn của con luôn chuẩn bị và đầy dầu. Hãy mở mắt lòng con để con thấy thời kỳ này rõ ràng. Con muốn sống như một nàng dâu trung tín, không phải như một tôi tớ gian ác nói thầm trong lòng rằng, Chủ mình chưa đến. Con muốn sự biệt riêng và sự tân hiến của con ảnh hưởng lên người khác. Nguyên họ biết con thuộc về Ngài và Ngài thuộc về con. Hãy che đậy con bởi Thánh Linh Ngài cho đến khi con vui mừng nhìn thấy Ngài mặt đối mặt.

Yêu thương,

Con gái của Ngài