CHƯƠNG MƯỜI: THÂN MẬT VỚI THÁNH LINH

Gần Gũi Chúa

Đăng vào: 3 tuần trước

.

CHƯƠNG MƯỜI

THÂN MẬT VỚI THÁNH LINH

Tôi tin rằng Đức Thánh Linh là một trong những Thân Vị bị bỏ qua nhiều nhất trong hội thánh.

Bây giờ chúng ta đến phần của cuốn sách mà tôi đã muốn thảo luận từ lâu; cách Chúa thực sự đến gần chúng ta. Trước hết, hãy để tôi nhắc lại, Ngài khao khát bạn mãnh liệt hơn bạn mong đợi Ngài. Hãy nhớ lại lời của Môi-se, “Vì Ngài là Đức Chúa Trời say mê mối quan hệ của Ngài với các ngươi” (Xuất 34:14 NLT).

Gần đây trong khi đang cầu nguyện sâu nhiệm, trước khi hoàn toàn nhận ra những gì tôi đã nói – tôi kêu lên: “Chúa ơi, nếu con không thể tương giao mật thiết với Ngài ở đây trên trái đất này thì xin hãy đưa con về Thiên Đàng với Ngài!” Đầu gối tôi hơi run lên khi những lời tôi thốt ra từ tấm lòng mình. Tôi biết ý tôi muốn nói gì khi tôi cầu nguyện thế, nhưng gần như ngay lập tức tâm trí tôi hét lên,

“Mình vừa cầu xin gì vậy?” Khả năng suy luận của tôi đặt câu hỏi liệu tôi có nên cầu xin những điều như vậy không.

Vài giờ sau, tôi đáp máy bay đến Phoenix, Arizona, ngồi vào chỗ của mình, lấy cuốn Kinh Thánh ra khỏi cặp và mở nó ra. Câu đầu tiên mà mắt tôi nhìn thấy được đọc như sau,

Lạy CHÚA, tôi kêu cầu Ngài, hỡi vầng đá của tôi, xin chớ bịt tai cùng tôi. Nếu Ngài im lặng với tôi, thì tôi sẽ giống như người đi xuống huyệt mả. (Thi. 28:1)

Tôi gần như nhảy ra khỏi chỗ ngồi của mình. Cơ hội để mắt tôi tình cờ đọc được câu Kinh Thánh này là bao nhiêu? Nó trả lời chính xác những gì tôi đã đặt câu hỏi chỉ vài giờ trước đó. Tôi biết đó là Lời của Chúa khi tim tôi đập nhiều.

Đa-vít nói rằng chúng ta chẳng hơn gì một tội nhân đang đi xuống địa ngục nếu Đức Chúa Trời không phán với chúng ta. Tôi mang theo New Living Translation nên tôi đã tra cứu nó, và lời này khớp với những gì tôi đã cầu nguyện sáng hôm đó. Bản này dịch, “Vì nếu Ngài im lặng, con có thể sẽ bỏ cuộc và chết mất.” Đây chính xác là những gì tôi đã kêu cầu. Tôi đã đọc câu này nhiều lần, nhưng trước đây tôi chưa bao giờ thấy nó dưới ánh sáng này.

Ngay lập tức tôi biết mình đã không cầu nguyện trái với ý muốn của Chúa, mà là bởi Đức Thánh Linh. Điều này một lần nữa khẳng định với tôi rằng Đức Chúa Trời không muốn im lặng với chúng ta; đúng hơn là Ngài tha thiết muốn tương giao với chúng ta. Một trong những câu Kinh Thánh yêu thích của tôi có chứa những lời này do Đa-vít viết:

Khi Chúa phán: “Các con hãy tìm kiếm mặt Ta” thì lòng con thưa với Chúa rằng: “Đức Giê-hô-va ôi! Con sẽ tìm kiếm mặt Ngài.” (Thi thiên 27:8)

Bạn có nghe thấy sự khao khát của tấm lòng Chúa không? Ngài đang mời gọi mỗi người chúng ta bằng cách nói: “Hãy đến gần, Ta muốn tương giao với các ngươi, để chia sẻ tấm lòng của Ta và cho các ngươi thấy những điều vĩ đại và quyền năng mà các ngươi không biết!”

Điều này sẽ mô tả đời sống của mọi tín đồ, “Hãy đến gần Đức Chúa Trời” và nếu chúng ta làm thế, Ngài đảm bảo, “Ngài sẽ đến gần anh em.” Chúng ta xác định mức độ thân mật của chúng ta, chứ không phải Ngài. Ngài đã mở cánh cửa dẫn đến các phòng riêng của Ngài; Ngài đang đợi, mời gọi chúng ta đến. Việc đáp ứng là tùy thuộc vào chúng ta, và chúng ta càng đến gần thì Ngài càng bày tỏ chính Ngài và những ước muốn của Ngài. Tuy nhiên, hãy xem lại những lời của Gia-cơ ngay trước lời mời tuyệt vời này:

Hay anh em cho là vô nghĩa khi Kinh Thánh nói: Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta thương mến chúng ta đến nỗi ghen tuông?” (Gia-cơ 4:5)

Ngài khao khát chúng ta, nhưng ghen tị. Trong các chương trước, chúng ta đã thấy rằng Ngài sẽ không tham dự với chúng ta những ham muốn hay thèm muốn của thế gian này. Vì lý do này, Gia-cơ nói: “Anh em không biết rằng làm bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Vì vậy, ai muốn làm bạn với thế gian thì tự coi mình là kẻ thù của Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 4:4). Điều này không khác gì một người vợ nói với người chồng không chung thủy của mình: “Anh không thể vừa có em vừa có nhân tình của anh; vì vậy hãy chọn! Nếu anh chọn cô ấy, anh đã từ chối em và em sẽ đi khỏi.” Đức Chúa Trời cũng không khác; Ngài sẽ không chia sẻ thế gian cùng với chúng ta. Ngài phải là đam mê của tấm lòng chúng ta, nếu không Ngài sẽ không bày tỏ chính Ngài cho chúng ta.

THÁNH LINH NGỰ TRONG CHÚNG TA HAM MẾN

Trước đó, chúng ta đã bàn đến rất nhiều về lòng khao khát của Ngài đối với chúng ta; nhưng bây giờ chúng ta cần tập trung vào Thánh Linh. Điều quan trọng nhất là Kinh Thánh ghi lại: “Thánh Linh ngự trong chúng ta khao khát . . .” Hãy lưu ý rằng Kinh Thánh không nói: “Chúa Giê-su, Đấng ngự trong chúng ta khao khát . . .” Chúa Giê-su không ở đây trên đất này, Ngài hiện ngồi bên hữu Đấng Chí Cao, và Ngài đã ở đó gần hai ngàn năm. Vào ngày Chúa Giê-su thăng thiên, các thiên sứ nói với các môn đồ Ngài rằng: “Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng đây nhìn lên trời? Cũng chính Chúa Giê-su này, Đấng đã được cất lên trời khỏi các ngươi, sẽ trở lại giống như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời” (Công vụ 1:11). Ngài về phương diện thể xác đã được cất lên trong một đám mây khuất khỏi tầm nhìn của họ, và chúng ta được hứa rằng Ngài sẽ trở lại như vậy.

Bây giờ đừng hiểu sai ý tôi, Chúa Giê-su, Đấng Cứu Rỗi tuyệt vời của chúng ta, khao khát chúng ta, nhưng Đấng đã ở giữa chúng ta ngay sau khi Ngài thăng thiên không bao lâu là Đức Thánh Linh, và Ngài là Thân vị của Đức Chúa Trời được xác định trong câu này. Tuy nhiên, theo nhiều cách, Ngài bị bỏ qua bởi những người kêu cầu danh Chúa Giê-su. Trên thực tế, tôi tin rằng Chúa Thánh Linh là một trong những Thân vị bị bỏ qua nhiều nhất trong hội thánh. Hãy nghĩ về chuyện này; bao nhiêu lần bạn lái xe hai mươi phút với ai đó trong xe của bạn và không nói một lời nào với họ trong suốt chuyến đi, nhưng chúng ta làm điều này với Ngài thường xuyên như thế nào. Chúng ta suy ngẫm về ngày của mình, hoặc nghe nhạc cơ đốc hoặc đài phát thanh trong khi lái xe và vì vậy thường thậm chí không nhìn nhận sự đồng hành của Ngài. Chúng ta không nhận ra sự đồng hành của Ngài tại nhà, tại văn phòng và vô số những nơi khác chiếm hết thời gian của chúng ta; tuy nhiên, nếu được đặt câu hỏi, chắc chắn chúng ta sẽ thừa nhận sự tồn tại của Ngài và việc Ngài ngự trong lòng chúng ta.

HÌNH ẢNH CỦA CHÚNG TA VỀ THÁNH LINH

Một trong những lý do khiến chúng ta không nhận ra sự hiện diện và sự đồng hành của Ngài là hình ảnh của chúng ta về Chúa Thánh Linh; nó rất thần bí vì cách chúng ta đã viết và rao giảng về Ngài. Trên thực tế, nếu tôi có một đô la cho mỗi lần tôi nghe Thánh Linh của Chúa gọi là “nó,” thì tôi sẽ giàu có về tài chính. Thật không may, nhiều người coi Ngài là một “thực thể thánh thiện” hơn là Đấng Chí Thánh, và Ngài mong muốn trở thành người bạn thân nhất của bạn. Nếu chỉ suy gẫm Kinh Thánh, chúng ta sẽ biết rằng Ngài có tâm trí (Rô 8:27), cũng như ý chí (1Cô 12:11) và những cảm xúc được mô tả bởi tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta (Rô 15:30). Ngài nói (Hê 3:7); trên thực tế, Ngài làm điều đó một cách rõ ràng (1Ti 4:1). Ngài dạy dỗ (1Cô 2:13), có thể đau buồn (Êph 4:30), bị xúc phạm (Hê 10:29), và bị lừa dối, giống như bất kỳ con người nào.

Ấn tượng đầu tiên của chúng ta về Ngài thường là hình ảnh một con chim bồ câu. Nhưng tại sao Ngài lại được hình dung như một con chim bồ câu? Ngài chưa bao giờ xuất hiện một lần như một con chim bồ câu! Cả bốn sách Phúc Âm đều ghi lại rằng Giăng Báp-tít đã nhìn thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống trên Chúa Giê-su, “như chim bồ câu” (Mat 3:16; Mác 1:10; Lu-ca 3:22; Gi 1:32). Điều đó không làm cho Ngài trở thành một con chim bồ câu. Tôi đã nghe những câu nói về đàn ông và phụ nữ chẳng hạn như “Cô ấy chạy như gió,” hay “Anh ta khỏe như trâu.” Điều đó không khiến người phụ nữ đó trở thành gió, hay người đàn ông trở thành trâu bò. Họ chỉ là con người.

Một số người khác có thể nói: “Đúng, nhưng sứ đồ Giăng đã thấy Thánh Linh như đám lửa khi ông nhìn thấy ngai Đức Chúa Trời.” Đúng vậy, điều đó đúng vì ông đã viết, “Từ nơi ngai phát ra chớp nhoáng, tiếng ầm ầm và tiếng sấm. Bảy ngọn đèn cháy rực thắp trước ngai, đó là bảy thần linh của Đức Chúa Trời.” (Khải huyền 4:5); nhưng chính ông Giăng này cũng đã viết: “Tôi lại thấy Chiên Con đứng giữa Ngai và bốn sinh vật, ngay giữa các trưởng lão, Chiên Con như đã bị giết, có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần linh mà Đức Chúa Trời sai đi khắp mặt đất. . . Khi Ngài lấy sách, bốn sinh vật và hai mươi bốn trưởng lão quỳ xuống trước Chiên Con, . . .Vì Ngài đã chịu chết và dùng huyết mình mua chuộc cho Đức Chúa Trời những người trong tất cả các sắc tộc, ngôn ngữ, dân tộc, quốc gia (xem Khải huyền 5:6-9). Rõ ràng là ông đang nói về Chúa Giê-su, nhưng nhận thức của chúng ta về Ngài không phải là một con vật! Chắc chắn chúng ta biết Chúa Giê-su là một Thân vị theo hình ảnh mà Ngài tạo dựng chúng ta; chúng ta không được tạo dựng theo hình ảnh của một con vật!

Đức Thánh Linh là một Thân vị, và chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Ồ vâng, hình ảnh của Ngài! Chúng ta đọc trong Sáng Thế, “Đức Chúa Trời phán: ‘Chúng ta hãy làm nên loài người theo hình ảnh Chúng ta, giống như Chúng ta’” (Sáng thế ký 1:26). Kinh Thánh không nói, “Ta sẽ tạo ra con người theo hình ảnh của Ta.” Không, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh đồng thời tạo dựng con người. Chúng ta ý thức rất rõ về vai trò của Chúa Cha và Chúa Con trong Sự Sáng Tạo, nhưng Kinh Thánh cũng nói rõ ràng, “Thần của Đức Chúa Trời đã tạo nên tôi” (Gióp 33:4), và một lần nữa, “Chúa sai Thần của Chúa ra, chúng được dựng nên” (Thi 104:30). Vì vậy, khi Đức Chúa Trời phán: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh của Chúng ta,” thì chắc chắn có sự hiện diện của Đức Thánh Linh. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Ngài là một Thân vị, ngôi thứ Ba của Đức Chúa Trời, không phải là một ngọn gió thần bí hay một con chim đang bay.

Làm sao bà Ma-ri có thể được Đức Thánh Linh mặc lấy quyền năng nếu chúng ta không được dựng nên theo hình ảnh của Ngài? Tuy nhiên, Kinh Thánh ghi lại, “Nhưng khi nàng vẫn còn là một trinh nữ, nàng đã mang thai bởi Đức Thánh Linh” (Mat 1:18). Sau đó, thiên sứ của Chúa nói với Giô-sép, “Điều mà nàng đã hoài thai đến từ Đức Thánh Linh” (Mat 1:20). Nếu Chúa Thánh Linh là một “điều gì đó” hay một “vật nào đó” thì làm sao một người nam có thể được hình thành trong bà Ma-ri? Bà đã được thấm nhuần bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Phải mất hai sinh vật có hình ảnh giống nhau để tạo ra con cái bình thường.

Tôi hy vọng bạn đang thấy rằng Chúa Thánh Linh là một Thân vị, thực tế là một Thân vị tuyệt vời nhất. Vì lý do này, Phao-lô nói với các tín hữu:

Nguyện xin ân sủng của Chúa Cứu Thế Giê-su, tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự thông công của Đức Thánh Linh ở cùng tất cả anh chị em! (2Cô 13:14)

Hãy lưu ý rằng ông nói, “Sự thông công của Đức Thánh Linh ở cùng anh em.” Trong nhiều năm, tôi đã nghiên cứu từ thông công này bởi vì việc biết Chúa một cách mật thiết là niềm đam mê của tôi. Tôi đã tra nó trong gần như mọi cuốn từ điển tiếng Hy Lạp mà tôi có được. Sau đây là một số từ định nghĩa chính:

  • Sự thông công
  • Cùng nhau chia sẻ hoặc giao tiếp xã hội
  • Hợp tác hoặc cùng tham gia
  • Liên kết chặt chẽ với nhau
  • Thân mật

Có những từ khác được dùng để định nghĩa sự thông công nhưng nó cũng gần giống với ít nhất một trong những định nghĩa được liệt kê ở trên, vì vậy tôi đã chọn những từ này. Hãy xem xét từng ý một cách riêng biệt và suy gẫm về những ý này.

SỰ THÔNG CÔNG

Từ thông công (fellowship) đầu tiên được định nghĩa trong từ điển của Webster là bạn đồng hành hoặc bạn thiết hữu. Nó cũng được định nghĩa là phẩm chất hoặc trạng thái của tình đồng chí. Bạn sẽ không bao giờ mong đợi tìm được những người bạn đồng hành không tương tác với nhau; cả hai đều thông báo cho nhau về những gì họ hiện đang làm hoặc dự định làm. Họ đang đồng chí hướng và có sự liên lạc liên tục giữa họ. Mối quan hệ này giữa Thánh Linh và các tôi tớ của Ngài được minh họa nhiều lần trong sách Công vụ. Sau đây chỉ là một ví dụ từ một trong những lời tuyên bố của Phao-lô,

Kìa nay được Đức Thánh Linh ràng buộc, tôi đi về Giê- ru-sa-lem, chẳng biết sẽ gặp những gì tại đó. Tôi chỉ biết một điều: trong mỗi thành phố, Thánh Linh đều bảo tôi rằng ngục tù và hoạn nạn đang chờ đón tôi. (Công vụ 20:22–23)

Bạn có thể thấy từ chính những lời của ông sự tương giao giữa Phao-lô và Đức Thánh Linh. Cả hai là đồng bạn của nhau trong cuộc sống, trong sự đi lại và trong chức vụ.

Điều này cũng đúng với mọi đầy tớ của Chúa trong Tân Ước. Bất kể họ đi đâu, Ngài vẫn ở với họ và tương giao với họ khi họ hướng về Ngài. Ngài là bạn đồng hành của họ. Phi-líp, một môn đồ khác, đã bỏ buổi nhóm thành phố và đi vào sa mạc, nhưng ông không đơn độc hay không biết phải làm gì, vì “Thánh Linh phán cùng Phi-líp rằng: Hãy lại gần và đuổi kịp xe này” (Công vụ 8:29).

Phi-e-rơ đang lúc cố gắng tìm ra một khải tượng khó hiểu đã không cần phải dựa vào sự hiểu biết của mình về Kinh Thánh vì ông đã nghe thấy tiếng nói của Thánh Linh phán: “Điều gì Đức Chúa Trời đã tẩy sạch, ngươi không được gọi là ô uế.” Sau đó, để chỉ dẫn thêm, “. . . Thánh Linh nói với ông, ‘Kìa, có ba người đang tìm ngươi. Vậy hãy trỗi dậy, đi xuống và đi với họ, đừng nghi ngờ gì cả; vì Ta đã sai họ đến’” (Công Vụ 10:19-20).

Bạn thấy sự đồng hành của Đức Thánh Linh với toàn thể đội nhóm của Phao-lô vì Lu-ca ghi lại, “Phái đoàn đi suốt vùng Phi-ri-gi và Ga-la-ti, vì Thánh Linh ngăn họ truyền giảng Đạo Chúa tại Tiểu Á. Đến ngang My-si, họ cố gắng vào xứ Bi-thi-ni nhưng Thánh Linh của Đức Giê-su cũng không cho phép. Vậy họ vượt qua My-si, xuống thành Trô-ách.” (Công Vụ 16:6-7).

Tôi có thể trích dẫn thêm một số ví dụ. Tuy nhiên, điểm tôi muốn nói là các đầy tớ thời Tân Ước rất ý thức về sự đồng hành liên tục của Thánh Linh với họ; tương giao với Ngài không bao giờ là một điều kì bí hay bất thường. Họ mong đợi sự tham gia của Ngài vào cuộc sống của họ giống như chúng ta mong đợi sự tham gia của bất kỳ người nào khác vào cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta sống với họ 24/7.

Nhiều người hỏi tôi có cảm thấy mệt mỏi ở các khách sạn trong tất cả các chuyến đi lại hầu việc Chúa của tôi không. Tôi trả lời: “Thành thật mà nói, tôi không bao giờ chán gì cả.” Trên thực tế, tôi đã đến một số thành phố đẹp nhất trên thế giới và không muốn đi tham quan vì tôi rất thích sự đồng hành của Ngài nên tôi không muốn lãng phí thời gian đó. Trước đây, trước khi thực sự hiểu biết và cảm nghiệm được sự đồng hành của Thánh Linh, tôi cảm thấy bất hạnh nhất khi ở một mình. Tôi cần những người xung quanh tôi liên tục. Giờ đây, tôi thấy mình khao khát một nơi vắng vẻ để dễ dàng lắng nghe và nói chuyện với Ngài.

Đây là niềm đam mê của Ngài, để tương giao với bạn! Hãy dành một chút thời gian, nhắm mắt lại và nghĩ về việc Chúa Thánh Linh là người bạn đồng hành hoặc người đồng lao của bạn. Vì Lời Chúa tuyên bố, nguyện “sự thông công của Đức Thánh Linh ở cùng anh em.” Hoặc suy gầm về điều này: “Nguyện xin sự đồng công của Thánh Linh ở cùng anh em.” Hoặc một lần nữa, “Xin Chúa Thánh Linh đồng hành với anh em.” Hãy để những lời này mở rộng trong tấm lòng bạn để mở ra cánh cửa thân mật giữa bạn và Đấng Tạo Hóa của bạn.

CHIA SẺ CÙNG NHAU

Định nghĩa thứ hai, chia sẻ cùng nhau hoặc giao tiếp xã hội, mô tả sự trao đổi suy nghĩ hoặc cảm xúc. Khoảng thời gian phong phú nhất mà tôi có với những người bạn thân của mình là khi chúng tôi trò chuyện và chia sẻ với nhau những điều sâu kín nhất hoặc thầm kín nhất trong lòng mình. Trong những lúc đó, chúng ta trở nên dễ bị tổn thương và chia sẻ những điều mà những người không thực sự biết chúng ta có thể hiểu lầm hoặc chế nhạo. Tuy nhiên, chúng tôi biết đây không phải là trường hợp của những người bạn thân nhất của chúng tôi; họ sẽ không làm như vậy, vì họ biết tấm lòng của chúng tôi và sẽ không hiểu sai những gì chúng tôi đang chia sẻ. Phao-lô minh họa mối quan hệ tương tự này với Đức Thánh Linh khi ông viết: “Trước mặt Đấng Christ, tôi nói hết sức chân thật—tôi không nói dối—lương tâm của tôi và Đức Thánh Linh xác nhận rằng những gì tôi nói là đúng” (Rô. 9:1 NLT). Đức Thánh Linh biết rõ tấm lòng của Phao-lô, cũng như Phao-lô biết tấm lòng của Ngài. Có một sự gần gũi phát triển từ việc họ cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc sâu sa của mình.

Một lần nữa, đây là lý do tại sao sự kính sợ Chúa lại quan trọng đến vậy. Chúa sẽ không chia sẻ những suy nghĩ thầm kín nhất của Ngài với những người không trân trọng nó, cũng như chúng ta sẽ không ném những viên ngọc trai của mình trước những kẻ làm hư hỏng nó. Nói đơn giản, chúng ta sẽ không bao giờ chia sẻ những điều sâu kín của cuộc đời mình với những người không hiểu tấm lòng của mình; Chúa cũng không khác.

Một thánh đồ Cựu Ước kêu lên: “Anh có thể nào tìm kiếm những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời không?” (Gióp 11:7). Tuy nhiên, vì cánh cửa mật thiết với Chúa Thánh Linh mà giao ước mới mang lại, Phaolô hào hứng nói: “Nhưng Thiên Chúa đã mặc khải những điều đó cho chúng ta nhờ Thánh Linh của Ngài. Vì Thánh Linh dò xét mọi sự, vâng, cả những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời” (1Cô 2:10). Hãy lưu ý đó là nhờ Thánh Linh của Ngài. Ngài là Thân vị trong Ba Ngôi chia sẻ với chúng ta những điều thầm kín hay sâu kín của Đức Chúa Trời! Ôi, điều đó không làm bạn phấn khích sao?

Vì vậy, hãy tạm dừng một lần nữa, nhắm mắt lại và suy ngẫm về sự thật rằng Chúa Thánh Linh mong muốn sự thân mật này với bạn. Ngài khao khát được bày tỏ cho bạn những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc nhất của Ngài cũng như lắng nghe những suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Vì Lời Chúa nói rằng, “Nguyện xin sự chia sẻ tâm tư và tình cảm của Đức Thánh Linh ở cùng anh em.”

QUAN HỆ ĐỐI TÁC

Định nghĩa thứ ba, hợp tác hoặc cùng tham gia, được minh họa một cách tuyệt vời bởi lời chứng của những người lãnh đạo của hội thánh đầu tiên. Họ đã viết trong thư của họ,

Vì điều đó có vẻ tốt cho Đức Thánh Linh và cho chúng ta. (Công vụ 15:28)

Họ đã thể hiện rõ ràng quan điểm của Đức Thánh Linh cũng như quan điểm của chính họ. Đó là một sự tham gia chung trong quyết định; họ là những người cộng tác trong công việc Vương quốc. Điều này có thể được phản ánh trong Cựu Ước khi Đức Chúa Trời đến với Áp-ra-ham để thảo luận về kế hoạch của Ngài cho thành Sô-đôm. Áp-ra-ham được phép xen vào quan điểm của ông và Đức Chúa Trời đã hoàn tất quyết định của Ngài sau khi nghe lời khuyên của Áp-ra- ham.

Điều này cũng được thấy một vài lần với Môi-se. Trong cơn giận dữ, Chúa đã sẵn sàng tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên và lẽ ra đã làm như vậy nếu không có lời khuyên của Môi-se. Ông phải nhắc Chúa về những lời hứa và danh tiếng của chính Ngài; là kết quả của việc Môi- se khuyên mà chúng ta đọc được trong một câu chuyện, “Vì vậy, Đức Giê-hô-va đổi ý về sự tai hại mà Ngài đã phán sẽ làm cho dân Ngài” (Xuất hành 32:14). Môi-se và Áp-ra-ham đều là cộng sự của Đức Chúa Trời, nhưng họ không có sự thông công liên tục mà chúng ta được ban cho ngày nay theo các điều khoản của giao ước mới; thật đáng kinh ngạc khi bạn nghĩ về ích lợi này.

Chúng ta thấy bằng chứng rõ ràng về vai trò của Đức Thánh Linh với tư cách là đối tác cấp cao của chúng ta khi nghe những lời của Phao-lô nói với các nhà lãnh đạo của Ê-phê-sô:

Vậy anh em hãy giữ lấy mình và cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. (Công vụ 20:28)

Trong câu này, chúng ta có thể thấy rõ ràng những ngôi vị khác nhau của Đức Chúa Trời, nhưng có sự đồng nhất hoàn hảo của Ba Ngôi. Đức Thánh Linh là Ngôi vị đầu tiên được nói đến, và Ngài là Đấng đặt họ làm người giám mục. Sau đó, Chúa Cha được nhắc đến trong cụm từ hội thánh của Đức Chúa Trời, và cuối cùng chúng ta thấy vai trò của Chúa Con vì chính huyết của Ngài đã mua chúng ta; Ba Thân vị khác nhau, nhưng một Đức Chúa Trời. Điều này thật khó hiểu, nhưng chúng ta có một ví dụ tự nhiên minh họa chi tiết điều này. Chúng ta biết nước có ba dạng khác nhau—nước đá, chất lỏng và hơi nước—nhưng tất cả đều có một cấu trúc phân tử. Vì vậy, Ba Ngôi là ba Thân vị khác nhau, nhưng hoàn toàn là một.

Một lần nữa, thật thú vị khi lưu ý rằng Đức Thánh Linh là Đấng của Đức Chúa Trời đã đặt những nhà lãnh đạo này vào vị trí của họ. Điều này cũng được làm rõ khi các trưởng lão của một hội thánh khác, An-ti-ốt, tìm kiếm Chúa. Khi họ làm như vậy, “Đức Thánh Linh phán: ‘Bây giờ hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ cho Ta để làm công việc mà Ta đã gọi họ làm.’” Sau đó, họ cầu nguyện và đặt tay trên hai người này và chúng ta đọc, “Vậy, họ được Đức Thánh Linh sai đi” (Công Vụ 13:2-4). Ngài là Thân vị của Ba Ngôi làm việc với những người này để tôn vinh Chúa Giê-su.

Từ một vài ví dụ này, chúng ta thấy một sự hợp tác nhất định trong đó Chúa Thánh Linh là người lãnh đạo hoặc đối tác cấp cao. Tôi phải nhấn mạnh điều này một lần nữa: Ngài mong muốn bạn và tôi là những người cộng tác với Ngài, vâng, những cộng sự! Chúng ta đọc rõ điều này trong lá thư của Phao-lô gửi cho người Cô-rinh-tô khi ông viết: “Vì chúng ta là bạn đồng công với Đức Chúa Trời” (1Cô 3:9). Đồng công có nghĩa là đồng chí hoặc cộng sự. Bản King James trình bày điều đó rõ ràng hơn bằng cách nói: “Vì chúng tôi là những người cùng làm việc với Đức Chúa Trời.” Chà, tôi hỏi lại, bạn có biết bạn đồng công nào không tương tác và làm việc cùng nhau không?

Hãy dành một vài phút nữa và suy ngẫm về mong muốn của Chúa Thánh Linh là trở thành đối tác cấp cao của bạn. Vì Lời Chúa nói: “Nguyện Đức Thánh Linh đồng hành với anh em,” hoặc một lần nữa, “Nguyện Đức Thánh Linh cùng tham gia với bạn trong mọi việc.”

SỰ LIÊN KẾT CHẶT CHẼ LẪN NHAU

Định nghĩa tiếp theo là sự liên kết chặt chẽ lẫn nhau. Điều này được mô tả rõ nhất bằng cách đưa ra những kinh nghiệm mà tôi đã có trong nhiều năm với những người nam và người nữ tuyệt vời của Chúa. Tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi gặp Tiến sĩ David Cho, mục sư của một trong những hội thánh lớn nhất thế giới ở Seoul, Hàn Quốc. Đó là chuyến thăm đầu tiên của ông ấy đến nhà thờ của tôi. Vào thời điểm đó, tôi là một trong những mục sư phụ tá, và tôi có trách nhiệm đưa đón ông ấy trong chuyến viếng thăm của ông ấy. Tôi đã làm công việc này trong nhiều năm, vì vậy trước đây tôi đã thu hút được gần một trăm mục sư, vì nhiều người đã đến nhà thờ của chúng tôi. Tuy nhiên, điều này sẽ khác, vì khi ông ấy bước vào xe của tôi lần đầu tiên, sự hiện diện của Chúa đã bước vào trong xe của tôi. Gần như ngay lập tức tôi bắt đầu khóc, nước mắt chảy dài trên mặt. Tôi đã rất im lặng vì tôi không muốn làm phiền ông ấy trước khi giảng, nhưng cuối cùng tôi cảm thấy bắt buộc phải nói. Tôi nói một cách tỉnh táo và nhẹ nhàng, “Thưa tiến sỹ Cho, Chúa đang ở đây, trong xe của chúng ta.” Ông mỉm cười và gật đầu.

Sau đó tôi nghĩ con người này đã viết và giảng rất nhiều về sự thông công mà ông vui hưởng với Chúa Thánh Linh. Sau đó, tôi nhớ lại những người khác mà tôi đã đón trong nhiều năm, những người cũng nhấn mạnh và sống trong mối quan hệ mật thiết với Thánh Linh. Mặc dù tôi đã đưa đón gần một trăm các tôi tớ Chúa, nhưng chỉ có một số ít tôi có thể nhớ được khi tôi gặp, tôi đã tiếp xúc ngay với Chúa Thánh Linh. Một trong số đó là một phụ nữ tên là Jeanne Wilkerson, một mục sư đã dành nhiều năm để cầu thay, và bà đã về với Chúa sau đó. Khi cô ấy lên chiếc xe của nhà thờ vào lần đầu tiên tôi gặp cô ấy, tôi chắc hẳn đã há hốc mồm kinh ngạc trong suốt hành trình. Tôi đã có một thời gian khó tập trung vào việc lái xe. Tôi nhận ra rằng mình đang đứng trước một người phụ nữ không chỉ biết về Chúa mà còn thực sự biết Ngài một cách mật thiết. Cô ấy nói nhiều về Đức Thánh Linh, và sự hiện diện của Ngài rất rõ ràng và mạnh mẽ mỗi khi tôi ở bên cô ấy.

Gần đây, tôi đã nói chuyện tại một nhà thờ có bốn nghìn thành viên ở miền Trung Tây nước Mỹ. Tôi đã giảng về Đức Thánh Linh trong buổi thờ phượng sáng Chúa nhật và tối hôm đó khi chúng tôi quay lại, tôi bước lên bục giảng khi giờ thờ phượng đã bắt đầu được bốn mươi lăm phút. Chà, tôi đã không nhận được micrô cho đến hai giờ thờ phượng vì Chúa Thánh Linh đã có những kế hoạch khác. Ngài đã đụng chạm rất nhiều người, thật tuyệt vời! Cuối cùng, trước khi tôi được mời lên bục giảng, vị mục sư, không phải là người mềm yếu hay ốm yếu (ông có thể đẩy tạ trên 500 pound), đến gặp tôi trong nước mắt và nói: “John, trong tám năm tôi đã làm mục sư hội thánh này, tôi chưa bao giờ cảm thấy sự hiện diện của Chúa mạnh mẽ đến thế!”

Tôi lập tức trả lời: “Có lý do cho điều đó; và đó là vì chúng ta đã nói về Chúa Thánh Linh sáng nay, và bất cứ khi nào bạn nói về Ngài, thì Ngài sẽ biểu lộ.”

Sự liên kết chặt chẽ lẫn nhau này có thể được nhìn thấy trong các cuộc hôn nhân. Có một số ông mục sư thường nói về vợ của họ. Họ thường đưa vợ họ vào sứ điệp của họ hoặc nói về vợ khi trò chuyện nếu vợ không có mặt. Họ thường xuyên ở bên nhau không chỉ riêng tư mà còn trong mắt công chúng. Vì vậy, khi bạn nghĩ về mục sư, bạn cũng nghĩ đến vợ của ông ấy. (Điều này cũng đúng nếu người vợ là mục sư.) Tôi thường xuyên được hỏi về Lisa khi cô ấy không ở bên tôi khi tôi giảng và viết về cô ấy thường xuyên. Tuy nhiên, có những mục sư khác mặc dù họ đã lập gia đình, hiếm khi nói về vợ của họ và bạn hiếm khi gặp họ cùng nhau. Khi nhắc đến tên các mục sư đó, bạn sẽ không nghĩ ngay đến những người vợ của họ.

Điều này cũng đúng với Chúa Thánh Linh. Có một số con cái Chúa có mối liên hệ mật thiết với Thánh Linh. Khi bạn nói về họ, bạn nghĩ đến Đức Thánh Linh, bởi vì những người nam, người nữ này phục vụ một cách có ý thức với tư cách là cộng sự cấp dưới với Ngài và liên tục thừa nhận Ngài, do đó Ngài biểu lộ trong chức vụ của họ. Kết quả là Chúa Giê-su được tôn trọng hơn, vì Thánh Linh tôn vinh Chúa Giê-su.

Đức Thánh Linh muốn kết hợp chặt chẽ với bạn. Nếu bạn tôn trọng Ngài thì Ngài sẽ hiển lộ, nhưng nếu bạn không tôn kính thì chẳng khác gì một mục sư không có sự thân mật với người vợ mà ông ta đã kết hôn trong nhiều năm. Anh ấy và vợ không chỉ xa cách mà còn xa cách trong mắt công chúng. Vì vậy, hãy suy ngẫm điều này: “Nguyện xin sự kết hợp chặt chẽ của Đức Thánh Linh ở với anh em.”

SỰ THÂN MẬT

Định nghĩa cuối cùng trong danh sách trên là từ thân mật. Từ này định nghĩa hay nhất là sự tương giao, vì nó tóm tắt bốn loại trước đây mà chúng ta đã thảo luận. Trên thực tế, một trong những định nghĩa của Webster về sự tương giao là tình bằng hữu hoặc mối quan hệ mật thiết: sự giao tiếp. Sự thân mật chỉ có thể được phát triển bằng cách giao tiếp, đó là con đường dẫn đến một tình bạn bền chặt. Một Bản dịch của Tân Ước viết: “Tình bạn mật thiết của Chúa Thánh Linh ở cùng tất cả các anh em” (The Message).

Một lần nữa, tất cả bắt nguồn từ tình bạn; đây là mục tiêu cuối cùng của sự tương giao. Thánh Linh của Chúa mong muốn được làm bạn với bạn. Ngài khao khát sự thông công của bạn. Ngài mong muốn dạy cho bạn những gì Ngài biết, và kiến thức của Ngài là vô tận! Ngài là Thần; không có gì ẩn giấu hay bí ẩn đối với Ngài. Không có kiến thức nào Ngài không sở hữu. Như Ê-sai nói,

“Ai đã hướng dẫn Thánh Linh của Chúa, hay như cố vấn của Ngài đã thông báo cho Ngài? Ngài đã hỏi ý kiến ai và ai đã ban cho Ngài sự hiểu biết? Và ai đã dạy Ngài con đường công chính, dạy Ngài kiến thức, và chỉ cho Ngài con đường hiểu biết? (Ê-sai 40:13-14 NASB).

Câu trả lời, không ai cả, vì Ngài là Đức Chúa Trời!

Tôi xin nhắc lại một lần nữa: Ngài là Đức Chúa Trời! Sự khôn ngoan, kiến thức và sự hiểu biết của Ngài là vô hạn, và Ngài khao khát dạy cho bạn những gì Ngài biết. Hãy suy nghĩ về điều đó; khi bạn biết điều gì đó có giá trị to lớn, bạn tha thiết mong muốn chia sẻ nó với những người bạn thân thiết và yêu thương. Ngài không khác. Ngài muốn chia sẻ với bạn những gì Ngài biết! Bạn có thấy những gì có sẵn cho bạn? Có phải bạn đã bỏ lỡ vì không theo đuổi Thân vị của Đức Chúa Trời cư ngụ bên trong bạn không? Bạn đã từng cố gắng phát triển mối quan hệ của mình với Chúa Giê-su mà không có Thánh Linh chưa?

Nhiều người trong hội thánh thường cố gắng đến gần Chúa Giê-su bên ngoài mối liên hệ mật thiết với Đức Thánh Linh. Gần đây, tôi đã suy ngẫm về điều này và ý nghĩ đến với tôi rằng vào thời Chúa Giê-su còn thi hành chức vụ trên đất, người Do Thái thường muốn có mối quan hệ với Đức Chúa Trời ngoài Chúa Giê-su. Họ đưa ra những tuyên bố như: “Chúng tôi không phải là con ngoài giá thú . . . Cha duy nhất mà chúng tôi có là chính Đức Chúa Trời.’” (Giăng 8:41), và “Chúng tôi là môn đồ của Môi-se. Chúng tôi biết rằng Đức Chúa Trời đã phán dạy Môi-se” (Gi 9:28-29). Họ tin tưởng vào mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời, điều mà họ thực sự không có. Sự tự tin của họ đến từ việc họ biết Lời Ngài (Kinh Thánh) được ban cho qua Môi-se. Tuy nhiên, họ có thực sự biết không? Họ từ chối đón nhận chính Ngôi Lời nhập thể đang đứng giữa họ.

Mặc dù vậy, ngày nay nhiều tín đồ muốn có mối quan hệ với Chúa Giê-su ngoài Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, Ngài là Đấng đứng giữa chúng ta, và không ai biết Chúa Giê-su ngoài Ngài; và vấn đề càng phức tạp hơn, Thần của Đức Chúa Trời dễ bị phớt lờ hơn Chúa Giê- su đối với người Do Thái vì Ngài không phải bằng xương bằng thịt như Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi biết Ta, thì các ngươi cũng biết Cha Ta” (Gi 14:7). Chúa Giê-su chỉ nói đơn giản: “Cha không có ở đây, Ngài ở trên trời, nhưng nếu các ngươi biết Ta thì các ngươi sẽ biết Cha Ta vì Chúng Ta là một.” Điều tương tự cũng đúng với Thánh Linh. Chúa Giê-su không còn ở đây, Ngài ở trên trời; nhưng nếu bạn biết Đức Thánh Linh, bạn sẽ biết Chúa Giê-su vì Cả Hai là một! Đó là lý do tại sao Ngài còn được gọi là “Thánh Linh của Đấng Christ” (1Phi 1:11; Rô 8:9).

MỘT ĐẤNG KHÁC GIỐNG NHƯ TA

Ngay trước khi rời khỏi các môn đệ, Chúa Giê-su đã nói với họ,

Nếu các ngươi yêu mến Ta, hãy tuân giữ các điều răn của Ta. Ta sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, đến ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy cũng chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài ở với các ngươi và ở trong các ngươi. Ta sẽ không để các ngươi mồ côi; Ta sẽ đến với các ngươi. (Gi 14:15-18)

Có rất nhiều bài học trong vài tuyên bố này. Trước hết, một lần nữa hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su nói về sự vâng lời: “Hãy giữ các điều răn của Ta,” tiếp theo là những lời: “Ta sẽ cầu xin Cha, và Ngài sẽ ban cho các ngươi . . .” sự đồng hành của Thánh Linh. Ngài liên hệ trực tiếp việc nhận lãnh Thánh Linh với việc tuân giữ Lời Ngài, tức là sự kính sợ Chúa. Phi-e-rơ khẳng định điều này bằng cách nói: “Và chúng tôi là nhân chứng của Ngài về những điều này, cũng như Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho những người vâng lời Ngài” (Công vụ 5:32). (Một lần nữa, hãy chú ý đến sự hợp tác, hai nhân chứng khác nhau đã được đề cập đến, các môn đồ và thứ hai là Đức Thánh Linh). Phi-e-rơ nói rằng Đức Chúa Trời ban Đức Thánh Linh cho những ai vâng lời Ngài. Vì vậy, một lần nữa, nền tảng của sự thân mật là sự kính sợ Chúa. Tại sao chúng ta không giảng điều này nhiều hơn trong các sứ điệp của mình?

Trở lại Giăng chương 14, Chúa Giê-su nói rằng Cha sẽ ban cho những người kính sợ Đức Chúa Trời “một Đấng Yên ủi khác”. Có hai từ tiếng Hy Lạp được dịch sang từ tiếng Anh của chúng ta, một từ khác trong Tân Ước. Nếu xem xét nó, chúng ta sẽ biết thêm về Chúa Thánh Linh. Từ Hy Lạp đầu tiên là allos, có nghĩa là “khác cùng loại”. Từ còn lại là heteros, có nghĩa là “khác mà khác loại.”

Một ví dụ minh họa sự khác biệt của những từ này như sau: Giả sử bạn xin một ít trái cây và tôi đưa cho bạn một quả đào. Sau khi ăn xong, bạn lại xin một ít trái cây khác, và tôi sẽ cho bạn một quả táo. Tôi thực sự đã cho bạn một trái cây khác loại. Tuy nhiên, nếu tôi cho bạn một quả đào khác, thì tôi đã cho bạn một quả khác cùng loại; nó giống hệt như cái tôi vừa đưa cho bạn. Điều này giải thích sự khác biệt giữa heteros và allos.

Từ Hy Lạp mà Chúa Giê-su dùng là allos—một từ khác cùng loại. Chúa Giê-su nói, “Đức Thánh Linh giống như Ta.” Trên thực tế, từ Hy Lạp cho Đấng Giúp Đỡ là parakletos. Từ này bắt nguồn từ hai từ khác nhau: para có nghĩa là “đến bên” và kaleoo có nghĩa là “triệu tập”. Do đó, từ parakletos có nghĩa là người được gọi đến bên cạnh người khác để giúp đỡ người đó. Từ này ban đầu được dùng trong tòa án công lý để biểu thị trợ lý pháp lý, luật sư bào chữa, người biện hộ; sau đó, nói chung, một người biện hộ cho vụ kiện của người khác, một người can thiệp hoặc biện hộ. Điều thú vị là từ này chỉ được dùng một lần trong các thư tín, và đó là để xác định Chúa Giê-su (1Giăng 2:1). Vì vậy, giống như Chúa Giê-su hằng sống để trở thành Đấng biện hộ hoặc Đấng cầu thay cho chúng ta, thì Đức Thánh Linh cũng là Đấng biện hộ cho chúng ta. Ngài được kêu gọi bên cạnh để hỗ trợ chúng ta.

Chúa Giê-su đang truyền đạt cho các môn đồ của Ngài, “Ta ở với các ngươi thế nào, thì Ngài sẽ ở với các ngươi thể ấy.” Tôi thường nghe người ta nói: “Ồ, giá mà tôi có thể bước đi với Chúa Giê-su, thì tôi đã hỏi rất nhiều câu hỏi rồi.” Vâng, họ sẽ bước đi như vậy được không? Chính việc họ tuyên bố như vậy chỉ cho thấy họ thiếu mật thiết với Đức Thánh Linh. Nếu họ không thông công với Thánh Linh, điều gì khiến họ nghĩ rằng họ sẽ làm khác đi với Chúa Giê-su? Trên thực tế, Chúa Giê-su đã đưa ra tuyên bố đáng kinh ngạc này:

“Tuy nhiên, Ta nói với các ngươi sự thật.” (Giăng 16:7)

Trước khi tôi viết ra hết lời phán của Ngài, hãy để tôi xen vào rằng lời mở đầu cho lời phán này của Ngài luôn làm tôi ngạc nhiên. Ngài đã đi cùng họ trong ba năm rưỡi. Ngài chưa bao giờ nói với họ một lời nói dối, hoặc suy nghĩ lừa dối. Mọi điều Ngài đã nói với họ trong những năm qua luôn đều ứng nghiệm. Tuy nhiên, những gì Ngài sắp chia sẻ với họ quá khó hiểu đến nỗi Ngài phải mở đầu bằng câu: “Này các ngươi, điều Ta sắp nói không phải là dối trá, mà là sự thật!” Vì vậy, hãy tiếp tục xem tuyên bố gây sốc này:

Ta đi là có lợi cho các ngươi; vì nếu Ta không đi, Đấng Phù Hộ sẽ không đến với các ngươi; nhưng nếu Ta ra đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các ngươi. (Giăng 16:7)

Ôi, hãy dừng lại và suy nghĩ về những từ này. Ngài nói rằng tốt hơn cho họ là Ngài ra đi. Bây giờ bạn có thể hiểu tại sao Ngài phải mở đầu câu nói này bằng câu: “Hỡi các ngươi, Ta đang nói sự thật với các ngươi.” Trong thời gian Ngài ở với họ, Ngài đã dạy họ những điều sâu xa nhất về Vương quốc mà bất cứ ai từng được nghe. Ngài chữa lành bệnh tật cho họ, làm họ sống lại, đuổi quỷ, trả tiền chi tiêu và tiền thuế cho họ, và đây mới chỉ là bước khởi đầu. Tuy nhiên, bây giờ Ngài đang nói rằng điều tốt nhất cho các ngươi là Ta đi! Tại sao? Câu trả lời của Ngài là nếu Ngài đi thì Ngài sẽ sai cho chúng ta Đấng Giúp Đỡ.

Hãy nghĩ về điều đó, nếu Chúa Giê-su còn ở trên đất và chúng ta muốn thông công hoặc đặt câu hỏi với Ngài, chúng ta sẽ phải bắt máy bay đến Tel Aviv, thuê một chiếc ô tô, lái xe đến vùng nông thôn của Ga-li-lê, rồi tìm gặp Ngài. Điều này sẽ không quá khó khăn vì sẽ có hàng ngàn người vây quanh Ngài. Tuy nhiên, bạn sẽ phải đợi tất cả hàng ngàn người ở đó trước khi bạn rời đi, trước khi bạn có thể đi đến giữa nơi Ngài đang ở. Nhưng ngay cả khi đó bạn sẽ bị trì hoãn vì Phi-e-rơ quá thẳng thắn, ông chiếm ưu thế trong tất cả các cuộc trò chuyện. Bên cạnh ông còn có Gia-cơ và Giăng, con trai của sấm sét; bản thân họ không yên lặng như vậy, và sau đó có những môn đệ khác đang chờ cơ hội để hỏi xem họ đang nghĩ gì trong lòng. Bên cạnh tất cả những điều đó, Chúa Giê-su phải ngủ từ sáu đến tám tiếng mỗi đêm, lo cho nhu cầu cá nhân của Ngài và ăn uống theo định kỳ.

Tuy nhiên, vẻ đẹp của Chúa Thánh Linh cư ngụ bên trong chúng ta là Ngài không cần phải ngủ. Bạn có thể trò chuyện với Ngài bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, và bạn không cần phải đợi người khác nói xong. Lúc nào bạn cũng có sự chú ý trọn vẹn và liên tục của Ngài. Trên thực tế, mười ngàn người có thể nói chuyện với Ngài một cách thân mật cùng một lúc! Ngài có khả năng giao tiếp cá nhân với tất cả chúng ta là những người khao khát. Nhưng việc này không dừng lại ở đó; nó thậm chí còn tốt hơn, vì Chúa Giê-su nói tiếp:

Ta còn nhiều điều muốn bày tỏ cho các con nhưng bây giờ các con chưa đủ sức nhận. Nhưng khi Thánh Linh là Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ hướng dẫn các con vào chân lý toàn vẹn, vì Ngài không tự mình nói ra nhưng chỉ nói những gì Ngài nghe và loan báo cho các con những việc đang xảy đến. Ngài sẽ tôn vinh Ta vì Ngài nhận từ Ta và truyền lại cho các con. Tất cả những gì của Cha đều thuộc về Ta, nên Ta mới nói Thánh Linh nhận từ Ta và truyền lại cho các con.” (Giăng 16:12-15)

Khi Thánh Linh nói với chúng ta, về bản chất, đó là Chúa Giê-su nói với chúng ta, Đấng thực sự là Lời của Chúa Cha nói với chúng ta. Ồ vâng, mặc dù có Ba Thân Vị khác nhau, mỗi Thân vị có tâm trí, ý chí và tình cảm riêng, nhưng Ba Ngôi hoàn toàn là một. Bạn sẽ không bao giờ thấy Ba Ngôi khác nhau, và bạn sẽ luôn thấy Ba Ngôi là một trong mục đích, kế hoạch và trong việc thực hiện ý chí. Hãy nhớ lại lời tuyên bố rõ ràng trong Kinh Thánh: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta, Giê-hô-va là một!” (Phục Truyền 6:4).

BA CẤP ĐỘ CỦA MỐI QUAN HỆ

Trong đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của Ngài rằng Ngài muốn bày tỏ cho họ biết nhiều điều nữa, nhưng họ không thể chịu nổi. Họ không thể nắm bắt những điều thân mật hơn của Đức Chúa Trời thông qua các giác quan tự nhiên của họ.

Nhớ lại sau khi Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết: Ngài hiện ra với mười môn đệ; Thô-ma không có mặt. Sau khi nghe những người khác làm chứng là đã thấy Chúa Giê-su sống lại, Thô-ma nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh nơi tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt tay tôi vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin.” (Giăng 20:25).

Chúa Giê-su sau đó đã hiện ra với tất cả trong số họ. Ngài lập tức bảo Thô-ma hãy đặt ngón tay của ông vào tay Ngài và đặt tay vào cạnh sườn của Chúa Giê-su, và hãy tin.

Sau đó, Thô-ma đã kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Đức Chúa Trời của con!” Sau đó, Chúa Giê-su nói điều gì đó với Thô-ma, điều mà tôi đã không hiểu trong một thời gian dài:

“Thô-ma, vì con đã thấy Ta nên con đã tin. Phúc cho ai không thấy mà tin.” (Giăng 20:29)

Trước đây, tôi cảm thấy Chúa Giê-su hơi khắt khe với Thô-ma, bởi vì Ngài không cho ông nhiều hy vọng sau khi ông đã ăn năn và kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Đức Chúa Trời của con!” Lý luận của tôi đã sai do sự thiếu hiểu biết và hiểu biết không chính xác. Sau đó, Thánh Linh đã soi sáng những gì Chúa Giê-su đang truyền đạt. Ngài không khắt khe với Thô-ma; thay vào đó, Ngài chỉ đưa ra một tuyên bố về sự thật. Chúa Giê-su chỉ đơn giản truyền đạt rằng những người biết Ngài qua các giác quan vật lý của họ, không bao giờ có thể biết Ngài sâu sắc như những người biết Ngài bằng tâm linh họ, do đó, những người sau này được ban phước nhiều hơn.

Hãy nhìn sứ đồ Phao-lô. Ông không bao giờ đồng đi với Chúa Giê-xu như Phi-e-rơ và những người khác; đúng hơn là ông đã biết Chúa Giê-su nhờ sự mặc khải của Thánh Linh. Ông đã viết:

Thật vậy, thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em biết rằng Phúc Âm mà tôi truyền giảng không phải đến từ loài người. Vì tôi đã nhận Phúc Âm ấy không phải từ một người nào, cũng không do ai dạy tôi, nhưng do Chúa Cứu Thế Giê-su mạc khải cho tôi. . . Nhưng khi Đức Chúa Trời là Đấng đã chọn tôi từ trong lòng mẹ và bởi ân sủng kêu gọi tôi, vui lòng mạc khải Con Ngài trong tôi để tôi truyền giảng Phúc Âm về Con Ngài giữa vòng các dân tộc ngoại quốc, thì lập tức tôi không bàn luận với người phàm, cũng không lên thành phố Giê-ru-sa-lem để gặp những vị đã làm sứ đồ trước tôi, nhưng đi qua Ả-rập rồi trở lại thành Đa-mách.. (Ga-la-ti 1:11-17)

Thời gian trôi qua, Phao-lô đã có thể đi sâu vào mối quan hệ với Chúa mà không một sứ đồ đầu tiên nào đạt được. Phi-e-rơ thậm chí đã đề cập đến điều này bằng cách viết:

Cũng như Phao-lô, anh em yêu dấu của chúng ta đã viết cho anh chị em theo sự khôn ngoan Đức Chúa Trời ban cho ông. Trong tất cả các thư tín, ông đều nói như vậy về những vấn đề nầy. Các thư của người có những điều khó hiểu. . . (2Phi 3:15-16)

Ồ! Phi-e-rơ đã bước đi với chính Chúa trong ba năm rưỡi bằng xương bằng thịt, còn Phao-lô thì chưa bao giờ làm thế, tuy nhiên Phao-lô đưa ra cái nhìn sâu sắc về bản chất của Chúa Giê-su và các cách thức để đánh giá mà ngay cả Phi-e-rơ cũng khó hiểu được. Tại sao? Bởi vì rất có thể Phi-e-rơ thường xuyên xử lý những ký ức về những gì ông đã thấy và nghe, và điều này cản trở ông đi vào sự thân mật sâu sắc hơn với Chúa Giê-su. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su nói: “Ồ, còn rất nhiều điều Ta muốn nói với con, nhưng bây giờ con không thể chịu nổi. Khi Thần Lẽ thật đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật.”

Một ví dụ nhỏ về điều này (xin vui lòng hiểu rằng đó không phải là lý do đầy đủ, nhưng nó sẽ giúp làm sáng tỏ) sẽ là những người yêu nhau qua Internet mà chưa từng gặp mặt trực tiếp. Điều này xảy ra thường xuyên và nó có thể dễ dàng trở thành một tình yêu mạnh mẽ hơn những người biết nhau trực tiếp.

Trên thực tế, để cho thấy điều này có thể mạnh đến mức nào, hãy để tôi cho bạn thấy nó thậm chí có thể phá hủy hôn nhân như thế nào. Tôi nhớ lại vào một buổi tối sau buổi thờ phượng, tôi đến gặp một người đàn ông có vẻ nặng trĩu trong lòng. Anh ấy đã bồng hai đứa con trong tay của mình. Lo lắng, tôi hỏi, “Mọi thứ vẫn ổn chứ?”

Anh ấy nói: “Không, gần đây vợ tôi đã bỏ tôi để chạy theo một người đàn ông mà cô ấy gặp trên Internet.”

Sau đó anh ấy tiếp tục nói với tôi rằng cô ấy không chỉ bỏ anh mà cả sáu đứa con mà họ có với nhau để theo một người đàn ông mà cô ấy chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp. Họ yêu nhau sâu sắc qua Internet và nó mạnh mẽ đến mức cô ấy đã bỏ rơi cả những đứa con của mình.

Quay trở lại với khía cạnh tích cực, theo thời gian, tôi đã quan sát thấy những người yêu nhau thông qua một mối quan hệ yêu xa đôi khi có mức độ thân mật sâu sắc hơn so với những người liên tục tán tỉnh trực tiếp. Lý do một lần nữa là họ đã có thể vượt ra ngoài yếu tố vật lý và trở nên thân thiết trong tâm hồn. Nhiều khi những người gặp mặt trực tiếp họ bị chi phối bởi các khía cạnh thể chất, vẻ đẹp hoặc phong cách bên ngoài khiến họ mù quáng trước con người thật.

Như tôi đã trình bày ở chương trước, giống như có ba cấp độ giao tiếp đó là lời nói, việc làm và trái tim; cũng có ba cấp độ của mối quan hệ hay việc hiểu biết người khác. Thấp nhất là mức độ tự nhiên hoặc thể chất. Thật không may, đây là cấp độ thúc đẩy nhiều cuộc hôn nhân, và một khi thể xác mất đi vẻ bóng bẩy thì hai người càng xa cách nhau. Anh ta thường lún sâu hơn về các môn thể thao, các thú vui hay tham gia vào chức vụ của mình, v.v., trong khi cô ta bị thu hút bởi việc mua sắm, bạn bè, chức vụ, v.v. Đó là điều đáng buồn nhất.

Tiếp theo sẽ là tâm hồn hay nhân cách của con người. Đây là cấp độ mà Đa-vít và Giô-na-than có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chúng ta đọc: “Linh hồn của Giô-na-than đã gắn liền với linh hồn của Đa-vít” (1Sa 18:1). Đa-vít khi than khóc về cái chết của ông đã kêu lên: “Anh Giô-na-than ơi! Vì anh, lòng tôi đau như cắt! Tôi quý mến anh vô cùng! Tình bạn của anh đối với tôi thật tuyệt vời, hơn hẳn tình yêu của phụ nữ.” (2Sam 1:26). Đa-vít chưa bao giờ biết Giô-na-than một cách băng hoại (đồng tính), không có sự hấp dẫn thể xác nào giữa hai người; nhưng họ được kết nối ở một mức độ sâu sắc hơn là thể xác, và điều đó được thể hiện qua tuyên bố của anh ấy về tình yêu của Giô-na-than tốt hơn tình yêu của phụ nữ. Việc họ hiểu nhau ở cấp độ cao hơn đó là tâm hồn. Việc hiểu mức độ quan hệ tâm hồn này cao hơn thể xác giải thích tại sao mọi người có thể rời bỏ gia đình để đến với những người mà họ chỉ gặp qua điện thoại, thư từ hoặc qua Internet.

Tuy nhiên, mức độ cao nhất để biết ai đó là mức độ tâm linh. Đó là lý do tại sao Phao-lô nói,

Thánh Linh dò xét mọi sự, kể cả những điều [thân mật] sâu xa của Đức Chúa Trời. Vì ai trong loài người biết được tư tưởng của con người ngoại trừ tâm linh của con người bên trong người đó? Cũng vậy, không ai biết được ý tưởng của Đức Chúa Trời ngoại trừ Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Chúng ta không nhận được tinh thần của thế gian, mà là Thánh Linh đến từ Đức Chúa Trời. (1Cô 2:11-12)

Đây là cấp độ mà Phao-lô đã biết Chúa Giê-su. Mặc dù Phi-e-rơ cũng biết Ngài ở mức độ này, nhưng rất có thể ông đã trở lại những kỷ niệm được biết Ngài ở các cấp độ khác nhau khi họ đồng hành với nhau bằng xương bằng thịt. Vì lý do này, Phao-lô đưa ra quan điểm rất rõ ràng:

Vì vậy, từ nay trở đi, chúng tôi không coi ai theo xác thịt. Dầu chúng tôi đã biết Đấng Christ theo xác thịt, nhưng bây giờ chúng tôi không còn biết Ngài như vậy nữa. (2Cô 5:16)

Nếu muốn đạt đến mức độ biết Đức Chúa Trời một cách mật thiết, chúng ta phải nhận ra rằng phước lành lớn nhất mà Ngài đã ban cho chúng ta không phải là bày tỏ chính Ngài cho chúng ta bằng xác thịt mà là bằng Thánh Linh của Ngài.

Ồ! Bạn có đang phấn khích như tôi không? Thật là một Đức Chúa Trời tuyệt vời mà chúng ta phục vụ. Ngài khao khát làm cho chúng ta biết Ngài một cách sâu sắc nhất. Ngài là Đấng đầu tiên mong muốn sự thân mật này. Có phải lòng bạn bây giờ đang kêu gào vì khao khát điều tương tự?

CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

  1. Bạn đã bao giờ cầu nguyện “làm ơn-hãy-đưa-tôi-về-thiên-đàng- để-ở-cùng-với-Ngài” chưa? Hoàn cảnh nào khi bạn làm vậy?
  2. Nhiều người trong Hội thánh cố gắng đến gần Chúa Giê-su ngoài mối quan hệ mật thiết với Đức Thánh Linh, ngay cả khi họ biết rằng không ai biết Chúa Giê-su nếu không có Đức Thánh Linh. Tại sao? Bạn có thấy điều này đúng trong đời sống của mình không?
  3. Khi bạn suy ngẫm về vai trò cộng tác của Đức Thánh Linh, sự hiện diện của Ngài ảnh hưởng thế nào đến sự tự tin của bạn trong việc nói ra lòng mình với Chúa? Thực tế có bất cứ điều gì bạn có thể giữ lại không?