CHƯƠNG MƯỜI HAI: NGÔN NGỮ THÂN MẬT

Gần Gũi Chúa

Đăng vào: 3 tuần trước

.

CHƯƠNG MƯỜI HAI

NGÔN NGỮ THÂN MẬT

Sự khôn ngoan hay lời khuyên của Đức Chúa Trời là suối nước sâu và thường là điều bí ẩn đối với tâm trí tự nhiên.

Tôi đã viết đi viết lại điều này, nhưng để chắc chắn rằng nó trở thành sự thật trong chính con người bạn, tôi sẽ tiếp tục lặp lại điều đó: Đức Chúa Trời tha thiết khao khát sự thân mật với bạn. Ngài khao khát để thông công với bạn. Ngài không chỉ mong muốn tương giao với bạn, mà còn muốn sự tương giao đó trở nên tiến triển và phong phú.

GIAO TIẾP VỚI CHÚA Ở CẤP ĐỘ CỦA NGÀI

Để việc thông công phong phú này trở thành hiện thực, Ngài đã mở đường cho chúng ta thông công với Ngài ở cấp độ của Ngài! Cho phép tôi giải thích. Kinh Thánh cho chúng ta biết:

Vì kẻ nói tiếng lạ không nói với loài người mà nói với Đức Chúa Trời. (1Cô 14:2)

Chúng ta biết rằng Phao-lô không đề cập đến một trong hai loại tiếng nói công khai, vì cả hai đều là người này nói Lời Chúa với người khác bằng những ngôn ngữ không quen thuộc với người phát ra ngôn ngữ đó. Trong đoạn Kinh Thánh này, Phao-lô đang đề cập đến khi chúng ta cầu nguyện hoặc tương giao với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta cầu nguyện bằng tiếng lạ, chúng ta nói chuyện trực tiếp với Chúa, không phải với con người. Phao-lô cũng viết, “Đức Thánh Linh giúp đỡ chúng ta trong lúc khốn khó. Vì chúng ta thậm chí không biết mình nên cầu nguyện điều gì và cầu nguyện như thế nào” (Rô-ma 8:26 NLT). Một lần nữa, có hai trở ngại rõ rệt đối với việc thông công với Chúa: chúng ta thường không biết phải cầu nguyện điều gì; hoặc thứ hai, làm thế nào để làm điều đó.

Điều này được minh họa tốt nhất như sau. Nếu tôi bước vào văn phòng của tổng thống Hoa Kỳ, liệu tôi có thể giao tiếp với ông ấy ở cấp độ của ông ấy không? Câu trả lời rõ ràng là không; ông ấy sẽ phải hạ xuống mức độ hiểu biết của tôi. Ông ấy biết nhiều hơn tôi biết về các vấn đề quốc gia, bao gồm tất cả các vấn đề an ninh không được tiết lộ cho công chúng. Ông biết về nhiều kế hoạch và dự án của quốc gia cùng với các điều khoản và quy tắc phải được giữ bí mật; bởi nếu rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể đe dọa đến an ninh quốc gia.

Song song với điều này, khi tôi bước vào văn phòng của Vua vũ trụ— Ngai của Ngài—nếu tôi chỉ cầu nguyện theo sự hiểu biết của mình, thì khả năng giao tiếp của tôi bị hạn chế! Tôi không thể thưa chuyện với Chúa trên bình diện của Ngài vì Ngài biết nhiều hơn tôi. Cách duy nhất Ngài có thể giao tiếp với tôi là hạ xuống mức độ hiểu biết của tôi. Như trong ví dụ ở trên, Ngài biết nhiều hơn tôi về các vấn đề của vũ trụ bao gồm những điều bí ẩn, được giữ bí mật vì nhiều lý do, một lý do là để đảm bảo những điều bí ẩn không rơi vào tay kẻ xấu. Điều này được thấy rõ trong lời khuyên của Phao-lô:

Nhưng chúng tôi truyền giảng sự khôn ngoan huyền bí của Đức Chúa Trời, là điều đã được giấu kín và điều Ngài định từ trước các thời đại cho chúng ta được vinh quang. Đó là điều mà không một nhà lãnh đạo nào của đời này biết; vì nếu họ biết, họ đã không đóng đinh Chúa vinh quang trên thập tự giá. (1Cô 2:7-8)

Mặc dù điều này đặc biệt nói lên sự khôn ngoan của việc đóng đinh và sự phục sinh của Chúa Giê-su và những vinh quang theo sau, đó chỉ là một ví dụ về việc Đức Chúa Trời đảm bảo rằng sự khôn ngoan của Ngài không rơi vào tay kẻ xấu. Nhưng cũng có những khía cạnh khác nữa. (Xem Ma-thi-ơ 7:6.) Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chúng ta đang ở trong một cuộc chiến, và những kẻ thù mà chúng ta chiến đấu là các chủ quyền, thế lực, kẻ cai trị của tối tăm và các thế lực thuộc linh của ma quỷ (Êph 6:12). Trong một cuộc chiến tự nhiên, phải có một liên lạc bí mật giữa những người chiến đấu với nhau. Điều này cũng đúng đối với Tổng Tư Lệnh các đạo quân của Chúa và các chiến binh thuộc Vương quốc của Ngài. Chúa đã ban cho con cái Ngài một liên kết liên lạc bí mật tuyệt vời biết bao vì lợi ích của Vương quốc và vì sự bảo vệ của chúng ta. Kẻ thù không biết chúng ta cầu xin Cha điều gì khi chúng ta nói tiếng lạ. Các thế lực ma quỷ có thể đang lên kế hoạch tấn công chúng ta hoặc những người thân yêu của chúng ta, nhưng khi chúng ta cầu nguyện bằng tiếng lạ, thình lình một loạt sự trợ giúp của thiên sứ xuất hiện trước sự ngạc nhiên của ma quỷ. Kết quả là lũ quỷ chạy trốn trong kinh hoàng trước khi các cuộc tấn công của chúng có thể thành công.

MỤC ĐÍCH CHÍNH

Ngôn ngữ cầu nguyện bằng tiếng lạ của chúng ta không chỉ để giữ cho tri thức quan trọng không rơi vào tay kẻ xấu. Mục đích chính của nó là sự thân mật. Vợ tôi và tôi đã ở bên nhau rất lâu và trở nên thân thiết đến mức chúng tôi đã phát triển khả năng giao tiếp độc nhất của chúng tôi. Cô ấy có thể nói những điều với tôi giữa một căn phòng đầy người mà không ai khác có thể hiểu được. Chúng tôi đã phát triển một ngôn ngữ thân mật. Điều này không chỉ xảy ra với những người chồng và người vợ, mà còn với tất cả những người có mối quan hệ thân thiết. Nó có thể là giữa những người bạn suốt đời, những người đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm, những người đã cùng nhau tham chiến, v.v. Tóm lại, có một ngôn ngữ của tình bạn được hình thành dành riêng cho họ.

Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một cách để tương giao mật thiết và thông công với Ngài ở mức độ sâu sắc; một cấp độ mà tâm trí tự nhiên chưa được cứu chuộc không bao giờ có thể đạt được. Tác giả Thi Thiên đã thấy trước điều đó và viết: “Vực gọi vực theo tiếng thác nước Ngài” (Thi 42:7). Sự tương giao này được so sánh với thác nước sự sống. Chúa Giê-su nói rằng từ trong lòng chúng ta “‘. . . sẽ tuôn ra những dòng sông nước sống.’ Nhưng Ngài phán điều này về Thánh Linh mà những ai tin Ngài sẽ nhận được” (Giăng 7:38-39). Sự thông công mật thiết của chúng ta với Chúa được ví như những dòng nước hằng sống tuôn chảy. Ôi, những gì Chúa Thánh Linh đã ban cho chúng tan thật tuyệt vời! Khả năng mà Ngài đã ban cho chúng ta! Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ về điều đó.

Chúng ta hãy khám phá thêm khi lẽ thật trở nên rõ hơn nữa.

Phao-lô tiếp tục nói về một tín hữu cầu nguyện bằng tiếng lạ, . . . Vì không ai hiểu người đó; vì trong tâm linh, người đó nói những điều mầu nhiệm. (1Cô 14:2)

Phao-lô muốn nói gì về những điều mầu nhiệm? Từ Hy Lạp là musterion. W.E.Vine, một chuyên gia về các từ Hy Lạp trong Tân Ước, viết về từ này: “Trong Tân Ước, từ này không có nghĩa là điều bí ẩn (như với từ tiếng Anh), mà là điều nằm ngoài phạm vi hiểu biết tự nhiên, không cách nào hiểu được . . . chỉ có thể được biết đến bởi sự mặc khải thiêng liêng, và được biết đến . . . cho những ai chỉ được Thánh Linh của Ngài soi sáng. Theo nghĩa thông thường, một “sự mầu nhiệm” ám chỉ tri thức được giữ lại; ý nghĩa Kinh Thánh của nó chính là chân lý được tiết lộ.”

Vì vậy, đây là một trong nhiều lợi ích của việc cầu nguyện bằng tiếng lạ. Đức Thánh Linh, biết tâm trí của Chúa Giê-su và Đức Chúa Cha vì Ba Ngôi đều là Một. Ngài cũng biết chúng ta thiếu thốn điều gì vì Ngài là Bạn đồng hành liên tục của chúng ta. Vì vậy, Ngài làm trung gian bằng cách ban cho chúng ta những lời bằng ngôn ngữ thiên thượng để cầu xin, tìm kiếm hoặc tương giao một cách hoàn hảo. Ôi, thật tuyệt vời làm sao! Có thể bạn đang nghĩ: nhưng tôi không hiểu mình đang nói gì khi cầu nguyện bằng tiếng lạ. Vâng, và vì lý do này, Phao-lô nói,

Vì vậy, kẻ nói tiếng lạ hãy cầu nguyện để được thông giải. Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ, tâm trí tôi cầu nguyện, nhưng sự hiểu biết của tôi không kết quả. (1Cô 14:13-14)

Vì vậy, cho dù đó là một lời cầu xin, cầu thay hay chỉ đơn giản là tương giao với Chúa; nếu tôi cầu xin Đức Thánh Linh soi sáng để tôi hiểu điều Ngài đang ban cho tâm linh tôi để cầu nguyện, thì Ngài sẽ làm điều đó! Giờ đây, không chỉ tâm linh tôi vui hưởng sự thông công, mà cả linh hồn tôi nữa.

QUẢN LÝ NHỮNG ĐIỀU MẦU NHIỆM ĐƯỢC TIẾT LỘ

Nhiều lần, trong sự thông công này, những điều mặc khải của Chúa đến từ Kinh Thánh đột nhiên trở nên sống động, và đây là những lẽ thật mà tôi đã viết ra và giảng dạy trong nhiều năm phục vụ. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều nữa mà tôi chưa giảng hết.

Bạn có thể thắc mắc tại sao tôi không giảng dạy nó. Lý do là chưa đúng lúc, hoặc Chúa muốn nói và nhấn mạnh điều gì khác cho dân Ngài. Khi chúng ta rao giảng với tư cách là đại sứ của Vương quốc, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta rao truyền như lời sấm truyền của Đức Chúa Trời, và có những điều Ngài muốn được nói ra, và những điều khác không được nói ra vào thời điểm cụ thể đó.

Tôi sẽ không bao giờ quên khi tôi học được điều này một cách khó khăn. Tôi có một cuộc gặp với một người của Đức Chúa Trời, người rất nổi tiếng trên thế giới. Tôi đã nghe nói về chức vụ của ông ấy và ngưỡng mộ ông và mong được gặp ông ấy.

Một mục sư khác sắp xếp cho chúng tôi gặp nhau. Tôi đã rất hào hứng. Vì vậy, một đêm nọ, chúng tôi gặp nhau trong bữa tối – mục sư, người của Đức Chúa Trời, và vợ của chúng tôi. Tại bữa tối, tôi chia sẻ những điều mặc khải sâu sắc nhất mà Đức Chúa Trời đã ban cho tôi mà tôi có thể nghĩ ra, và tôi đã làm điều đó để gây ấn tượng với người của Đức Chúa Trời. (Lúc đó tôi không ý thức được điều này, nhưng khi nhìn lại, tôi biết đó là động cơ của mình—thật non nớt.)

Chúng tôi được mục sư chở về khách sạn vào đêm hôm đó. Tôi và vợ tôi đã kiệt sức; Thật là một ngày dài. Tuy nhiên, vừa mệt mỏi, tôi vừa có cảm giác rất khó chịu trong tâm linh. Tôi biết Chúa muốn tôi cầu nguyện nên tôi bảo vợ tôi đi ngủ mà không có tôi. Cô ấy đã đi, và tôi đi ra ban công của phòng khách sạn của chúng tôi. Ngay khi chân tôi bước qua ngưỡng cửa, tôi đã nghe thấy Đức Thánh Linh nghiêm khắc phán trong lòng mình: “Vậy, tối nay nhà vua đã cho xem tất cả các kho báu trong nhà mình!”

Lòng tôi chùng xuống. Tôi hoàn toàn bị sốc cũng như xấu hổ. Tôi biết Đức Thánh Linh đang ám chỉ đến sai lầm của vua Ê-xê-chia. Có những người đến thăm vua mà vua muốn gây ấn tượng và chúng ta đọc:

Vua Ê-xê-chia chào mừng các sứ giả và cho họ xem kho báu, bạc, vàng, hương liệu, dầu quý, tất cả kho võ khí và tất cả mọi vật trong kho. Không có vật gì trong cung điện hay trong cả vương quốc của mình mà vua Ê-xê-chia không chỉ cho các sứ thần xem. (Ê-sai 39:2)

Sau khi cho họ thấy tất cả kho báu của mình, tiên tri Ê-sai đã loan báo cho vua Ê-xê-chia một lời quở trách từ Chúa. Tôi cũng cảm thấy thế. Tôi biết đêm đó tôi đã nói ra những lẽ thật hay những kho báu mà Chúa đã bày tỏ cho tôi để gây ấn tượng với người đàn ông này.

Sau đó, Chúa nghiêm khắc nói với tôi: “Con trai, Ta không tiết lộ những lẽ thật quý giá của Ta để con đi loanh quanh và nói ra bất cứ khi nào có vẻ tốt cho con. Nó không được ban cho để gây ấn tượng! Con là người quản lý những gì Ta tiết lộ cho con và con không được nói điều đó trừ khi Ta nhắc con.”

Tôi nhanh chóng ăn năn và cầu xin sự tha thứ và gánh nặng được trút bỏ và tôi ngay lập tức đi ngủ với sự bình an. Lòng thương xót của Ngài thật tuyệt vời!

Nếu khôn ngoan, chúng ta chọn nhóm bạn thân của mình là những người sẽ không bất cẩn kể những điều thân thiết giữa chúng ta với bất kỳ ai. Những người bạn thân rất khôn ngoan trong cách họ xử lý những gì họ biết về nhau. Nếu một người bạn liên tục vi phạm điều này thì chúng ta phải rút lại những gì chúng ta chia sẻ với họ, biết rằng chuyện này không còn được coi là quý giá nữa. Điều đó cũng giống như những bí mật của Chúa. Nếu chúng ta mong muốn Ngài chia sẻ tấm lòng của Ngài, thì chúng ta phải nhạy bén với điều gì và khi nào Ngài muốn chúng ta chia sẻ.

MÚC LẤY MƯU ĐỊNH CỦA CHÚA

Khi tôi cầu nguyện hoặc tương giao với Chúa bằng tiếng lạ, tôi thấy rằng những ý tưởng, sự mặc khải, sự khôn ngoan hoặc sự dạy dỗ chỉ đơn giản đến với tâm trí tôi. Cách tốt nhất mà tôi biết để mô tả nó là chúng chỉ sủi bọt lên giống như không khí bị mắc kẹt thoát ra từ đáy biển sâu và nổi lên. Những ý tưởng nổi lên từ sâu con người bên trong của tôi và nổi lên trong tâm trí hoặc sự hiểu biết của tôi. Kinh Thánh cho chúng ta biết:

Tâm linh trong con người là ngọn đèn của CHÚA, nó xem xét mọi nơi sâu kín nhất trong lòng. (Châm ngôn 20:27)

Chúng ta phải ghi nhớ rằng Đức Thánh Linh không nói với đầu óc chúng ta, mà với tâm linh của chúng ta. Đó là phần của con người chúng ta mà Ngài soi sáng. Khi chúng ta cầu nguyện trong Thánh Linh và xin được thông giải, thì sự khôn ngoan hoặc lời khuyên dạy của Đức Chúa Trời tuôn trào từ tấm lòng của chúng ta đến lĩnh vực hiểu biết hoặc tâm trí của chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết,

Mưu định trong lòng người ta như nước sâu, người thông sáng sẽ múc lấy. (Châm ngôn 20:5)

Mưu định là gì? Đó là sự khôn ngoan được áp dụng cho một tình huống cụ thể. Tại sao người ta tìm đến mưu định? Để có được sự khôn ngoan – vốn là điều bí ẩn đối với họ – họ cần nó cho một hoàn cảnh nào đó.

Hãy lưu ý rằng người duy nhất có thể rút ra mưu định của Đức Chúa Trời, được ví như nước sống từ giếng sâu, là người hiểu biết, hay người biết đường lối của “Đấng Cố vấn”. Đức Thánh Linh biết tất cả những điều mầu nhiệm (lời khuyên, tri thức và sự khôn ngoan chưa được tiết lộ) của Vương quốc. Một lần nữa khi xem lại những gì Chúa Giê-su đã kêu lên:

“Kẻ nào tin Ta, như Kinh Thánh đã nói, từ lòng người ấy sẽ tuôn ra những dòng sống nước hằng sống.” Nhưng Ngài nói điều này chỉ về Thánh Linh mà những ai tin Ngài sẽ nhận lãnh. (Giăng 7:38-39)

Theo Châm Ngôn, nước chảy ra từ tấm lòng chúng ta là lời khuyên hay những điều bí ẩn của Đức Chúa Trời, và Chúa Giê-su nói rõ ràng rằng nguồn của nó là Thánh Linh. Ngài là nguồn nước sống (xem Giê 2:13). Bây giờ hãy đọc kỹ những gì Phao-lô nói, Nhưng chúng tôi rao giảng sự khôn ngoan, mầu nhiệm và kín giấu của Đức Chúa Trời. . . mà là Thánh Linh từ Đức Chúa Trời, để có thể hiểu được những ân tứ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng tôi truyền đạt điều nầy, không nhờ những ngôn từ học hỏi được nơi sự khôn ngoan của loài người, nhưng nhờ sự chỉ dạy của Thánh Linh, dùng lời lẽ thuộc linh giãi bày những chân lý thuộc linh. (1Cô 2:7, 12-13)

Vì vậy, sự khôn ngoan hay lời khuyên dạy của Chúa là vùng nước sâu và thường là điều bí ẩn đối với tâm trí tự nhiên. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng nước hằng sống này sẽ đến bởi Chúa Thánh Linh. Thế nào? Phao-lô nói rõ với chúng ta:

Vì kẻ nói tiếng lạ không nói với loài người mà nói với Đức Chúa Trời, vì không ai hiểu được người ấy; tuy nhiên, trong tâm linh, người đó nói những điều mầu nhiệm. (1Cô 14:2)

Vấn đề là thế này! Đó là cách một người có sự hiểu biết rút ra mưu định của Chúa. Đã bao nhiêu lần tôi đọc đến những chỗ trong Kinh Thánh mà tôi thấy khó hiểu. Tôi có những câu hỏi chưa được trả lời nảy ra trong tâm trí tôi. Sự hiểu biết là một bí ẩn đối với tôi. Hầu như lúc nào tôi cũng chỉ nói: “Lạy Chúa Thánh Linh, con không hiểu điều này, xin Ngài chỉ cho con . . .” Sau đó, tôi chỉ đơn giản là cầu nguyện bằng tiếng lạ và vào thời điểm đó hoặc một thời gian sau, sau khi tôi ngừng cầu nguyện bằng tiếng lạ và rời khỏi phòng cầu nguyện, sự mặc khải về lẽ thật ẩn giấu hiện lên trong tâm trí hoặc sự hiểu biết của tôi. Ôi, thật tuyệt vời làm sao!

Nhiều lần tôi đang viết một cuốn sách và đi vào ngõ cụt. Hướng tôi đi tiếp là một bí ẩn đối với tôi. Sau đó, tôi đứng dậy khỏi ghế và bắt đầu cầu nguyện bằng tiếng lạ và chỉ trong chốc lát, thường là vài phút sau, sự khôn ngoan xuất hiện giống như một con đập vỡ ra, và tôi gõ thêm vài giờ nữa.

Khi tôi còn là một người nam độc thân, việc tôi nên kết hôn với ai là một điều bí ẩn. Trong nhiều năm là một cơ đốc nhân độc thân, có ba cô gái mà tôi rất thích, nhưng sau khi dành thời gian cầu nguyện trong Thánh Linh, tôi biết Chúa đang nói “không” một cách dứt khoát. Sau đó, tôi gặp Lisa và trong một tháng, tôi cầu nguyện tiếng lạ mỗi ngày trong ba mươi phút về mối quan hệ của chúng tôi. Chúa đã cho tôi một bước đi rất mạnh mẽ trước trong những lần cầu nguyện đó, và sau đó là nhiều sự xác chứng. Nhưng tôi phải nói rằng, tôi đã biết chắc chắn trước khi có những xác chứng rằng cô ấy là ý trung nhân vì sự rõ ràng, kèm theo sự bình an, đến khi cầu nguyện bằng tiếng lạ.

Đã có lúc tôi không hiểu được điều gì đã xảy ra trong cuộc đời mình hoặc cuộc đời của một người thân thiết với tôi. Đó là một bí ẩn đối với tôi. Tôi chỉ cầu xin Đức Thánh Linh vui lòng bày tỏ cho tôi sự khôn ngoan hoặc quan điểm của Ngài về hoàn cảnh. Chắc chắn sau một thời gian cầu nguyện bằng tiếng lạ, nếu đó là thông tin mà Ngài muốn tôi có, nó sẽ đến.

Tôi đã gặp những tình huống mà một thành viên nào đó trong gia đình tôi cần cầu nguyện và điều đó đã bị giấu kín đối với sự hiểu biết của tôi, nhưng Thánh Linh đến với tôi để cầu nguyện cho thành viên gia đình này bằng tiếng lạ, và sau đó tôi phát hiện ra sự trợ giúp siêu nhiên hoặc sự ngăn ngừa khỏi nguy hiểm đã được ban cho.

Mầu nhiệm là những điều bị che giấu đối với tâm trí tự nhiên của chúng ta. Đó có thể là nơi tôi sẽ đi nhóm nhà thờ nào, tôi sẽ tham gia mục vụ nào, mua căn nhà nào, cầu nguyện cách nào hiệu quả cho tổng thống hoặc các nhà lãnh đạo khác, hoặc cách cầu nguyện hiệu quả cho mục sư của tôi. Như bạn đã biết, danh sách này là vô tận.

BÌNH AN KHI BIẾT SỰ HƯỚNG DẪN CỦA CHÚA

Lĩnh vực mầu nhiệm dường như đè nặng lên hầu hết các tín đồ là phương hướng. Đó là lý do chính khiến mọi người tìm đến những nhà tư vấn. Nhưng tôi có tin tuyệt vời cho bạn! Bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc phải làm gì nữa. Đức Chúa Trời hứa: “Ví bằng trong anh em có kẻ thiếu khôn ngoan [phải làm gì], hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi” (Gia 1:5). Chúng ta có thể cầu xin mà không chút do dự! Thế nào? Bằng cách cầu nguyện tiếng lạ về hoàn cảnh của chúng ta. Trước đây, tôi đã từng gặp khó khăn khi không biết phải làm gì, và sau đó đã cầu nguyện bằng tiếng lạ, và mỗi khi một ý tưởng được khải thị lại được thôi thúc trong lòng tôi và đó là sự khôn ngoan mà tôi cần cho tình huống đó.

Đây là cách chúng tôi đã thi hành chức vụ trong những năm qua. Khi tôi không biết phải làm gì, tôi đã cầu nguyện tiếng lạ trong một khoảng thời gian và đột nhiên những ý tưởng được Chúa soi dẫn bắt đầu tuôn trào. Vợ chồng tôi bắt đầu chức vụ cách đây nhiều năm; mọi quyết định quan trọng mà chúng tôi đưa ra đều đến từ sự cầu nguyện trong Thánh Linh. Ngày nay chúng tôi có hơn 30 nhân viên có văn phòng ở ba châu lục. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng tôi đặc ân được chạm đến hàng triệu cuộc đời bằng Lời Chúa và sự hiện diện của Ngài. Chúng tôi đã không phải vay mượn bất kỳ khoản tiền nào trong mười bốn năm và giờ đây có tài sản vật chất và nhân sự đáng kể để giúp chúng tôi phục vụ dân sự của Chúa một cách hữu hiệu. Lý do cho tất cả đó là vì Chúa nói,

CHÚA, Đấng Cứu Chuộc ngươi, Đấng Thánh của Y-sơ- ra-ên phán như vầy: “Ta là CHÚA, Đức Chúa Trời ngươi, Đấng dạy dỗ để ngươi được lợi ích, Đấng dẫn đường để ngươi đi theo. Ôi, ước gì ngươi đã chú ý đến các điều răn của Ta thì sự thái bình ngươi sẽ như sông, sự công chính ngươi như sóng biển. (Ê-sai 48:17-18)

Tôi có thể thành thật nói rằng bình an của chúng tôi đã tuôn chảy như một dòng sông. Chúng tôi đã từng có những thời điểm tưởng chừng như hoàn toàn hoảng loạn khi đánh giá hoàn cảnh xung quanh mình. Tuy nhiên, khi chúng tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ và giao phó công việc của mình cho Ngài, thì sự bình an đã tràn ngập trong đời sống của chúng tôi. Liên quan đến việc cầu nguyện bằng tiếng lạ chúng ta đọc,

Thật vậy, Ngài sẽ dùng môi miệng lắp bắp và ngôn ngữ xa lạ nói với dân này. Ngài phán với họ: Đây là nơi yên nghỉ, hãy để cho kẻ mệt mỏi yên nghỉ; Đây là nơi yên tĩnh” (Ê-sai 28:11-12)

Những người không có bình an không có sự yên nghỉ. Sự yên nghỉ mà Ngài nói đến trong câu này là kết quả của sự bình an tuôn chảy như một dòng sông. Tôi có thể đưa ra vô số câu chuyện trong nhiều năm để minh họa điểm này, nhưng tôi có một tình huống cụ thể. Tôi rất dễ mất bình an khi vì không còn biết phải làm gì nữa. Tình huống này xảy ra khi tôi đến Mexico để giảng một buổi truyền giảng. Tôi bay đến thành phố Monterey để tiếp cận cộng đồng trong một đêm. Nó sẽ được tổ chức trong một khán phòng ở khu vực trung tâm thành phố. Tôi đã cầu nguyện tiếng lạ cả ngày và nhìn thấy trong tâm linh mình một khải tượng về một luồng ánh sáng rực rỡ từ bầu trời chiếu xuống trên khán phòng nơi chúng tôi sẽ nhóm nhau vào đêm hôm đó. Chúa phán với lòng tôi rằng: “Đây là vinh quang của Ta sẽ biểu lộ tối nay.”

Tối hôm đó, mục sư điều phối buổi nhóm và tôi lái xe đến hội trường với tâm trạng phấn khích. Nhà thờ của ông đã làm nhiều việc để chuẩn bị cho việc tiếp cận cộng đồng. Khi chúng tôi đến nơi mười lăm phút trước khi buổi nhóm bắt đầu, tôi để ý thấy một người đàn ông trông có vẻ giận dữ, đi cùng với hai lính canh có vũ trang, tiến đến chỗ mục sư. Anh ấy nói chuyện với vị mục sư bằng tiếng Tây Ban Nha, và tôi có thể nói đó không phải là một giọng điệu hay. Sau đó, mục sư đến gặp tôi và nói: “John, anh sẽ không thể giảng tối nay.”

Tôi nói, “Tại sao không?”

Mục sư đó nói: “Người đàn ông đó là một quan chức chính phủ cấp cao, và có luật quy định rằng bạn không thể rao giảng phúc âm ở Mexico trừ khi bạn là công dân Mexico. Đó là một luật hiếm khi được thực thi, nhưng người này cứ khăng khăng thực tế là chúng tôi phải tuân theo nó. Nếu không, anh có thể gặp một số rắc rối nghiêm trọng. Trên thực tế, anh ấy muốn nói chuyện với anh ngay lập tức. Tôi nghĩ ngay đến Phi-e-rơ và Giăng, những người được các nhà lãnh đạo bảo không được rao giảng Tin Lành, nhưng họ không vâng lời vì điều đó trái với Lời Đức Chúa Trời. Vì vậy, tôi nói với mục sư: “Không đời nào người này có thể ngăn cản những gì Chúa cho tôi thấy sẽ xảy ra chiều nay trong buổi cầu nguyện! Điều này sẽ ảnh hưởng đến hội thánh của anh? Bởi vì nếu không thì tôi sẽ tiếp tục rao giảng khi anh ấy rời đi. Tôi không đến tận đây để ngồi và không làm gì cả! Nhưng nếu điều này sẽ có tác dụng không hay đối với anh, thì tôi sẽ không giảng.”

Vị mục sư nói, “John, người này có thể gây ra nhiều rắc rối cho hội thánh của chúng tôi, vì vậy tôi nghĩ tốt nhất là chúng ta làm theo những gì anh ấy nói.” Tôi chấp nhận lời khuyên của mục sư và chúng tôi bước đến gặp viên chức chính phủ.

Điều đầu tiên mà người này làm là nhìn tôi rồi cộc cằn hỏi: “Anh có nói được tiếng Tây Ban Nha không?”

“Không thưa ngài,” tôi đáp.

Sau đó anh ấy nói, “Tôi có một điều muốn nói với anh. Anh sẽ chỉ nói chuyện với những người này về các hoạt động liên quan đến du lịch.” Sau đó, anh ta quay lại và tiếp tục nói một cách nghiêm khắc với mục sư bằng tiếng Tây Ban Nha; trong khi đó những người cận vệ có súng đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi với vẻ mặt rất đáng sợ. Sau khi viên chức chính phủ này cảnh cáo mục sư, họ rời đi.

Mục sư có vẻ rất run và xin lỗi tôi vì không thể giảng được, và đi vào thính phòng để chuẩn bị lần cuối cho buổi nhóm.

Lúc này, tôi rất bức xúc. Tôi biết tôi cần mưu định của Chúa; nên làm gì đây là một mầu nhiệm đối với tôi. Vì vậy, tôi bước ra khỏi giảng đường và để ý đến một nơi riêng tư một tí để tôi có thể cầu nguyện. (Tôi ở khu vực trung tâm thành phố nên không có chỗ nào hoàn toàn riêng tư.) Tôi biết cách để múc lấy mưu định của Chúa là cầu nguyện trong Thánh Linh. Vì vậy, tôi bắt đầu mạnh dạn nói tiếng lạ. Một vài người đi ngang qua, nhưng tôi đoán họ có thể nghĩ tôi là một người nước ngoài đi loanh quanh nói chuyện một mình.

Trong vài phút nói tiếng lạ, sự bình an của Chúa bắt đầu tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi tiếp tục trong mười lăm phút hoặc lâu hơn và đột nhiên ý tưởng nảy ra từ tấm lòng tôi; Tôi nghe nói, “Hãy cất đi Kinh Thánh và nói chuyện với những người này về Vị Du Khách vĩ đại nhất đã từng đến thăm Mexico.”

Tôi nhảy bật người lên vì phấn khích và kêu to: “Đúng là đây, đúng là điều này; viên cảnh sát bảo tôi điều duy nhất tôi có thể nói là các hoạt động liên quan đến du lịch! Tôi sẽ kể cho họ nghe về Chúa Giê-su, Vị Khách du lịch vĩ đại nhất từng đến thăm Mexico.”

Tôi vội vã trở lại giảng đường. Tuy nhiên, buổi lễ đã bắt đầu và mục sư đang ở phía trước chào khán giả. Vợ anh ở phía sau khán phòng nói: “John, Mục sư muốn anh lên phía trước.”

Tôi đi lên và anh ấy nhìn tôi và thì thầm nói: “Chúa bảo tôi hãy nói anh làm bất cứ điều gì Ngài đã chỉ bảo anh làm.”

Sau đó tôi nói: “Thưa quí vị, tôi được một quan chức chính phủ nói rằng tôi chỉ có thể nói chuyện với các quí vị về các hoạt động liên quan đến du lịch. Vì vậy, tôi ở đây để kể cho bạn nghe về Vị Khách du lịch vĩ đại nhất đã từng đến thăm Mexico, đó là Chúa Giê-su.”

Các tín đồ trong đám đông reo hò phấn khích. Sau đó tôi giảng Lời Chúa trong sáu mươi phút tiếp theo. Khi tôi nói xong, tôi gọi tất cả những người sẵn sàng từ bỏ đời sống mình và cam kết phục vụ quyền tể trị của Chúa Giê-su.

Khi nhiều người tiến lên, tôi chợt nhận thấy một sĩ quan cảnh sát đang đi vào phía sau khán phòng và tiến thẳng đến bục giảng. Tôi tự nghĩ, Mình phải cứu những người này trước khi bị bắt. Tôi nhớ lại Phi-e-rơ và Giăng rao giảng tại cửa đẹp và bị bắt trước khi họ có thể nói cho dân chúng biết cách tiếp nhận Chúa Giê-su. Vì vậy, tôi nhanh chóng cầu nguyện với những người tiến lên để được cứu. Sau khi cầu nguyện với họ, tôi để ý thấy viên cảnh sát đi ngang qua tôi ở một bên sân khấu và đi qua tấm rèm phía sau trên bục. Ngay lập tức tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì bây giờ tôi có thể cầu nguyện cho mọi người.

Sau đó, tôi nói với mọi người rằng họ có thể đi cùng với các nhân sự, những người sẽ giúp chăm sóc họ nhiều hơn. Khi họ bước ra khỏi bục giảng, tôi để ý thấy một người đàn ông bị què. Sau đó tôi nghe Đức Thánh Linh phán với lòng tôi: “Anh ấy là người đầu tiên Ta muốn chữa lành. Hãy dừng anh ta lại và cầu nguyện cho anh ta ngay lập tức.”

Tôi đã làm đúng những gì Ngài bảo tôi và sau khi cầu nguyện cho anh ấy, tôi nói: “Bây giờ, thưa anh, xin hãy bỏ nạng xuống.”

Anh ấy nhìn tôi như muốn nói, Tôi không thể làm điều đó, nhưng khi tôi thôi thúc anh thêm, anh ấy đã làm. Sau đó, tôi nắm lấy tay anh ấy và chúng tôi bắt đầu đi dạo cùng nhau. Anh ấy bắt đầu đi chậm, nhưng càng lúc càng nhanh hơn cho đến khi cuối cùng chúng tôi chạy cùng nhau.

Nơi đó bầu không khí trở nên vô cùng phấn khích. Mọi người bắt đầu đi xuống từ khắp nơi và có hàng trăm người trong số họ lên bục giảng. Nhiều người đã được chữa lành nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh. Tôi sẽ đề cập đến một số. Chúng tôi cầu nguyện cho một phụ nữ bị điếc và Chúa đã mở tai cho cô. Cô ấy khóc rất nhiều đến nỗi áo sơ mi màu xanh nhạt của cô ấy trở thành màu xanh đậm vì những giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt cô ấy. Chúa đã chữa lành đôi mắt của một người phụ nữ khác và chứng bệnh ung thư cho một người khác nữa.

Sau đó chúng tôi cầu nguyện cho một cậu bé năm tuổi và cậu bé đã được chữa lành. Chúng tôi đã cầu nguyện cho mọi người trong hơn một giờ đồng hồ; thật tuyệt vời và nhiều người đã khóc vì quá sung sướng. Tại một thời điểm, tôi nhận thấy có những người ở đó cầm máy ảnh chụp, nhưng không chú ý nhiều đến họ.

Tôi rời đất nước này vào sáng hôm sau và trở về Hoa Kỳ. Một tuần sau, mục sư bay sang Mỹ để gặp tôi. Anh ấy nói: “John, tôi phải đích thân đến và chia sẻ điều này với anh.” Anh ấy bắt đầu nói với tôi rằng tối hôm đó quan chức chính phủ đã cử hai đặc vụ bí mật đến buổi nhóm và chỉ thị của họ là bắt giữ tôi nếu tôi giảng.

Họ đến khi tôi đang cầu nguyện cho người đàn ông tàn tật. Khi họ nhìn thấy anh ta bước đi, người này nói với người kia, “Bạn có nghĩ điều này là có thật không?”

Cộng sự của anh ấy trả lời: “Tôi không biết, nhưng hãy đến gần hơn và kiểm tra xem.” Mục sư biết về cuộc trò chuyện của họ vì một trong những người chỉ chỗ của ông đã nghe lỏm được họ và đến gần nghe.

Hai sĩ quan tiến lên và chứng kiến những điều kỳ diệu. Khi tai của người phụ nữ đó nghe được, một người nói, “Tôi nghĩ điều này là có thật.”

Sau đó, họ nhìn thấy cậu bé năm tuổi được quyền năng của Chúa chữa lành và họ nhìn nhau và nói: “Điều này có thật!”

Sau đó, mục sư nói với tôi: “John, những người đàn ông đến bắt anh sau đó đã tiến tới và xin anh cầu nguyện, và cả hai đều được cứu vào đêm đó!”

Khỏi phải nói mục sư và tôi vui mừng như thế nào trong văn phòng của tôi; nhưng đó không phải là tất cả. Sau đó, anh ấy giơ tờ báo của thành phố lên và cho tôi xem một bài báo được phát hành vào ngày hôm sau buổi nhóm của chúng tôi. Bài báo nêu rõ các quan chức tuyên bố tôi là một kẻ lừa đảo và lấy tiền bất hợp pháp ra khỏi đất nước, nhưng họ báo cáo rằng họ đã nhìn thấy những người được chữa lành và không chứng kiến việc thu lấy tiền. Điều thú vị là, trong lòng tôi cảm thấy không muốn nhận bất kỳ của dâng nào, và chức vụ của chúng tôi đã trả tiền vé máy bay cho tôi. Chúng tôi đã không lấy một xu ra khỏi đất nước đó từ các buổi nhóm này.

Thánh Linh kỳ diệu biết bao. Làm sao một người có thể sống qua những thời điểm này nếu không có sự hướng dẫn của Ngài? Nếu tôi không thể cầu nguyện tiếng lạ vào ngày hôm đó trong phòng của mình và đêm hôm đó xung quanh cột cờ, tôi sẽ rời Mexico với sự thất vọng vì không hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Mục sư không cho phép tôi rao giảng vì bị quan chức chính phủ đe dọa. Tuy nhiên, nhờ cầu nguyện bằng tiếng lạ, ý muốn và sự khôn ngoan của Chúa, vốn là một điều mầu nhiệm đối với chúng ta, đã được bày tỏ. Tôi đã có thể cầu thay cho mục sư theo ý muốn của Đức Chúa Trời, điều này khiến ông nghe được tiếng Chúa, và Chúa đã ban cho tôi sự khôn ngoan về cách vượt qua sự chống đối. Mọi vinh hiển thuộc về Ngài!

Ôi, kẻ thù đã chiến đấu với điều này trong hội thánh. Nó sợ điều đó, vì đây là đường dây liên lạc trực tiếp của Đức Chúa Trời với các thánh đồ của Ngài và ma quỷ không biết điều gì đang xảy ra. Có những lúc chúng ta có những tình huống hoặc ước muốn trong lòng mà chúng ta có thể nói ra theo sự hiểu biết của mình, nhưng còn hơn thế nữa, có những lúc khác chúng ta có những tình huống mà chúng ta không thể nói rõ theo sự hiểu biết của mình và cần sự giúp đỡ qua những lời của Thánh Linh. Vì lý do này, Phao-lô nói: “Vậy kết quả là gì? Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm linh, và tôi cũng sẽ cầu nguyện bằng trí hiểu” (1Cô 14:15).

GÂY DỰNG CON NGƯỜI BỀ TRONG

Trong thời gian gần đây, lòng tôi kêu gọi dân sự Chúa bước vào sự mật thiết hơn với Đức Thánh Linh vì những lý do như các ví dụ trên. Sự đáp ứng của chúng ta đối với tiếng kêu cầu về sự gần gũi của Ngài sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn. Theo thời gian, sẽ không đủ nếu chỉ có sự hiểu biết về Kinh Thánh, điều mà ngay cả người Pha-ri- si cũng có. Chúng ta phải phát triển sự nhạy bén với những gì Thánh Linh đang nói, thay vì chỉ với những gì Ngài đã phán. Chúa Giê-su đã sống theo cách này. Ngài phán, “Ta không thể tự mình làm việc gì. Ta phán xét [đưa ra quyết định] theo điều Ta nghe biết và sự phán xét của Ta thật công minh vì Ta không theo ý Ta nhưng theo ý Đấng đã sai Ta” (Gi 5:30). Bản Kinh Thánh The Amplified đưa ra điều này rõ ràng hơn nhiều khi dịch:

Ta không thể tự mình làm bất cứ điều gì [một cách độc lập, theo ý muốn của riêng Ta—nhưng chỉ khi Ta được Đức Chúa Trời dạy dỗ và khi Ta nhận mệnh lệnh của Ngài] . . . [Ta đã quyết định khi Ta được mời để quyết định. Như tiếng phán đến với Ta, thì Ta đưa ra quyết định]. (Giăng 5:30 AMP)

Chúa Giê-su đã sống rất nhạy bén với sự hướng dẫn và tiếng phán của Thánh Linh đến nỗi Ngài đã nhiều lần thừa nhận sự phụ thuộc của Ngài. Ngài phán: “Con không tự mình làm việc gì được, nhưng làm điều Con thấy Cha làm” (Gi 5:19). Một lần nữa Ngài phán: “Những lời Ta nói với các ngươi, Ta không tự mình nói ra” (Gi 14:10). Là những người theo Ngài, chúng ta được bảo đảm một cách chắc chắn rằng: “Ai nói mình ở trong Ngài thì phải bước đi như Ngài đã bước đi” (1Gi 2:6).

Cũng giống như Ngài, chúng ta cũng nên đáp lại Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Trên thực tế, cá nhân tôi tin rằng mong muốn của Đức Chúa Trời là để chúng ta nhận thức rõ hơn về lĩnh vực của Ngài hơn là những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta trong thế giới tự nhiên. Cầu nguyện bằng tiếng lạ gây dựng con người bề trong của chúng ta để chúng ta có thể nhạy bén với Đức Thánh Linh. Một lần nữa, chúng ta được biết,

Kẻ nói tiếng lạ gây dựng chính mình. (1Cô 14:4)

Từ Hy Lạp cho gây dựng là oikodomeo. Định nghĩa thuần túy của nó là “xây dựng một ngôi nhà”. Điều thú vị là thân thể chúng ta là đền thờ của Thánh Linh. Phao-lô đặc biệt nói với chúng ta rằng “anh em là nhà của Đức Chúa Trời” (1Cô 3:9). Chúng ta là nhà của Ngài. Vì vậy, khi chúng ta cầu nguyện bằng tiếng lạ, chúng ta đang mở rộng nơi ở của mình cho Đức Thánh Linh. Chúng ta đang cho Ngài nhiều chỗ hơn để ở lại. Tất nhiên, đây không phải là theo nghĩa vật lý, mà theo nghĩa bóng; vì Từ Điển W. E. Vine cho chúng ta biết từ này, “có nghĩa là ‘xây dựng,’ dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng.”

Vì vậy, khi chúng ta cầu nguyện bằng tiếng lạ, chúng ta mở rộng khả năng bao gồm sự hiện diện và quyền năng của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đang củng cố con người bề trong của mình để chúng ta dễ dàng được Thánh Linh dẫn dắt hơn là tâm trí tự nhiên của chúng ta.

Ông Vine cũng cho chúng ta biết từ này được sử dụng một cách ẩn dụ theo nghĩa “thúc đẩy sự tăng trưởng thuộc linh và phát triển nhân cách của các tín đồ.” Theo nghĩa tương tự, sứ đồ Giu-đê nói với chúng ta trong thư tín của ông:

Nhưng anh chị em yêu dấu, hãy gây dựng lẫn nhau trong đức tin rất thánh. Hãy cầu nguyện trong Đức Thánh Linh. (Giu-đê 20)

Từ Hy Lạp cho từ gây dựng trong câu này là epoikodomeo. Định nghĩa của từ này là “xây trên.” Điều này một lần nữa chỉ hành động liên tục xây dựng tâm linh của chúng ta. Phao-lô nói với các tín hữu rằng họ là tòa nhà của Đức Chúa Trời, và nhờ ân điển của Chúa, ông đã đặt móng để đem họ đến với Đức Chúa Trời, nhưng sau đó nói rõ ràng: “Mọi người hãy để ý xem mình xây dựng như thế nào” (1Cô 3:10).

Ngày nay, tâm linh của rất nhiều tín đồ yếu đuối vì họ chưa gây dựng con người bề trong của mình. Họ nhanh chóng nhìn mọi thứ bằng con mắt tự nhiên hơn là bằng con mắt lòng của họ. Họ dễ dàng tin những gì họ nghe bằng lỗ tai tự nhiên của mình hơn là những gì mà Thánh Linh đang nói với tấm lòng của họ. Con người bề ngoài của họ thống trị cuộc sống của họ. Người người bên trong của họ có thể được so sánh với một người ngồi cả ngày trên ghế, xem TV và ăn khoai tây chiên. Ồ, họ có thể siêng năng làm việc trong cuộc sống và chức vụ, nhưng con người bề trong của họ lại bị bỏ bê. Những tín hữu này thường nói với tôi: “Tại sao như tôi chưa bao giờ nghe được tiếng Chúa?” Lý do rất đơn giản. Một lần nữa, Đức Chúa Trời tương giao với tâm linh của chúng ta, không phải đầu óc của chúng ta. “Tâm linh con người là ngọn đèn của Đức Giê-hô-va” (Châm Ngôn 20:27). Nếu con người bên trong chúng ta không được gây dựng thì chúng ta không thể nghe rõ được.

Phao-lô nói với tín đồ người Hê-bơ-rơ rằng ông còn rất nhiều điều muốn nói nhưng không thể nói được vì họ đã trở nên chậm nghe (Hê 5:11). Những người này không cần máy trợ thính; đúng hơn là con người bề trong của họ đã sa sút đến độ vô cảm với những điều thuộc linh. Vì vậy, về bản chất, nhóm người này đang làm điều ngược lại với việc gây dựng; họ trở nên chai đá trong lòng khi nghe Lời Chúa. Chính nguyên tắc này được áp dụng cho những ai bỏ lơ trong việc gây dựng con người bên trong của họ. Không có con người bề trong mạnh mẽ, chúng ta bị cản trở trong mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời! Vì lý do này, Phao-lô dạn dĩ tuyên bố: “Tôi nói tiếng lạ nhiều hơn tất cả anh em” (1Cô 14:18). Ông nói tiếp với người Hê-bơ-rơ:

Nhưng thức ăn đặc dành cho người trưởng thành [thuộc linh] là người nhờ thực hành mà luyện tập [thực hành] được khả năng phân biệt thiện, ác. (Hê 5:14)

Lưu ý tác giả đề cập đến các giác quan của họ; đây không phải là những giác quan bên ngoài mà là những giác quan bên trong. Cũng lưu ý rằng tác giả nói với chúng ta rằng bằng cách sử dụng, như nguyên bản cho biết, thông qua thực hành, chúng ta củng cố các giác quan bên trong của mình để phân biệt đâu là của Chúa và đâu là của ma quỷ.

Giống như chúng ta có năm giác quan tự nhiên, chúng ta cũng có năm giác quan thuộc linh. Kinh Thánh cho chúng ta một khuôn mẫu. Khi bạn đọc từng điều sau đây, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thể làm bất kỳ điều gì được đề cập bằng các giác quan tự nhiên của mình không. Điều này sẽ giúp bạn kết luận rằng các tác giả đang nói về các giác quan tâm linh chứ không phải các giác quan tự nhiên:

NẾM THẤY –

Ồ, hãy nếm thử và thấy rằng CHÚA tốt lành. (Thi 34:8)

Lời Chúa ngọt ngào cho khẩu vị tôi biết bao, ngọt hơn mật ong trong miệng. (Thi 119:103)

Con tìm gặp và ăn nuốt lời Ngài. Lời Ngài mang đến cho lòng con niềm vui mừng rộn rã, vì con mang danh Ngài. (Giê 15:16)

SỜ THẤY –

Chúa phán: Hãy ra khỏi giữa chúng và phân rẽ. Đừng đụng đến những gì ô uế, và Ta sẽ tiếp nhận ngươi. (2Cô 6:17)

Hãy đi ra, hãy đi ra, hãy ra khỏi chỗ đó, đừng đụng đến đồ ô uế. Hỡi những người mang vật dụng của CHÚA, hãy ra khỏi nó và trong sạch. (Ê-sai 52:11)

NGỬI THẤY –

Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài luôn luôn dẫn đầu chúng tôi trong cuộc diễn hành chiến thắng trong Chúa Cứu Thế và dùng chúng tôi để tỏa hương thơm, tức là sự hiểu biết về Ngài ra khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Chúa Cứu Thế trước mặt Đức Chúa Trời giữa những người được cứu rỗi; còn giữa những người hư mất, đối với họ chúng tôi là tử khí đưa đến sự chết; đối với những người kia chúng tôi là sinh khí đưa đến sự sống. Nếu thế, ai là người xứng đáng cho những việc này? (2Cô 2:14–16)

Hãy sống trong tình yêu thương như Chúa Cứu Thế đã yêu thương anh chị em và hiến thân Ngài làm tế lễ và sinh tế có mùi thơm cho Đức Chúa Trời. (Êph 5:2)

Giờ đây tôi có đầy đủ và còn dư dật nữa. Tôi đã nhận đầy đủ tặng phẩm của anh chị em do Ê-ba-phô-đi trao như hương thơm, như lễ vật Đức Chúa Trời chấp nhận và đẹp lòng. Và Đức Chúa Trời của tôi sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho anh chị em theo như sự giàu có vinh quang của Ngài trong Chúa Cứu Thế Giê-su. (Phi-líp 4:18-19)

NHÌN THẤY –

Vì nguồn sự sống ở nơi Ngài, nhờ ánh sáng Ngài chúng tôi thấy ánh sáng. (Thi 36:9)

Con mắt hiểu biết của anh em được khai sáng; hầu cho anh em biết sự trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có vinh hiển của cơ nghiệp Ngài trong các thánh là thể nào. (Êph 1:18-19)

Khi đặt mọi vật dưới chân người, Đức Chúa Trời không chừa gì cả. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa thấy con người khắc phục vạn vật. Nhưng chúng ta lại thấy Đức Giê-su. (Hê 2:8-9)

Mắt là đèn của thân thể. Vì thế, nếu mắt con tốt, thì cả thân thể sẽ sáng láng. Nếu mắt con xấu, cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy nếu ánh sáng ở trong con chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm ấy còn lớn là dường nào! (Mat 6:22-23)

NGHE THẤY –

Rồi Ê-li nói với A-háp, “Hãy đi lên, ăn và uống; vì có tiếng mưa dồi dào.” (1Vua 18:41-42)

Ai có tai thì hãy để người ấy nghe!” (Lu-ca 14:35)

Ai có tai, hãy nghe những gì Thánh Linh nói. (Khải huyền 2:7)

Về việc con người bề trong của chúng ta đang trở nên đờ đẫn và không nhạy bén với Thánh Linh, Chúa Giê-su đã nói rõ điều này khi phán:

Vì thế, Ta dùng dụ ngôn mà nói với họ, vì họ thấy [người bên ngoài] mà không thấy [người bên trong], nghe [người bên ngoài] mà họ không nghe [người bên trong] và không hiểu. Và nơi họ ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai rằng: “Các ngươi sẽ nghe [người bề ngoài] mà không hiểu [người bề trong], xem [người bề ngoài] mà không thấy [người bề trong]; vì lòng [con người bên trong] của những người này đã trở nên chai lì. Tai họ bị lãng [con người bên trong], và họ bịt mắt [con người bên trong], kẻo họ thấy bằng mắt [con người bên trong] và nghe bằng tai [con người bên trong], kẻo họ hiểu bằng lòng mình [con người bên trong].” (Mat. 13:13-15)

Những người trưởng thành về mặt thuộc linh sẽ phát triển các giác quan bên trong của họ để phân biệt những điều thuộc linh— điều gì thuộc về Đức Chúa Trời và điều gì không. Sự phát triển này được quyết định bởi việc sử dụng hoặc rèn luyện các giác quan của tín đồ. Tất cả chúng ta đều có các giác quan tự nhiên và một số cá nhân phát triển hơn những người khác chỉ thông qua sự huấn luyện. Ví dụ, có những người đã phát triển vị giác của mình để phân biệt chất lượng của rượu vang. Thông qua thực hành, họ có thể nếm và cho biết năm sản xuất rượu, đó là vụ mùa sớm hay muộn, lượng mưa nhiều hay thiếu hụt trong năm đó, v.v.

Những người khác đã rèn luyện đôi mắt của họ để xác định giá trị của đá quý. Đối với con mắt chưa qua đào tạo, viên đá có thể trông hoàn hảo, nhưng con mắt đã qua đào tạo có thể cho biết chất lượng của đường cắt và màu sắc, số lượng các vết nứt nhỏ hoặc lớn và mức độ trong.

Có những kỹ thuật viên âm thanh, nhạc sĩ, nhạc trưởng, v.v., những người đã rèn luyện đôi tai của mình để nghe âm thanh và giai điệu. Họ có thể nói nếu một nhạc cụ trong toàn bộ dàn nhạc không đồng bộ. Họ đã trải qua nhiều năm rèn luyện thính giác của mình để nhận ra sự hài hòa. Có những người đã rèn luyện khứu giác của họ. Họ có thể cho bạn biết mùi dầu thơm và tông trầm của một loại nước hoa và gọi tên đầy đủ là hổn hợp gia vị, vị hoa và mùi thơm cam quýt trong bất kỳ loại nước hoa nào.

Những con người này đã chọn để nâng cao các giác quan tự nhiên của họ. Vấn đề không phải là rằng họ có năng khiếu hơn; mà là họ quyết tâm phát triển những gì họ có; việc này không tự nhiên xảy ra, mà họ tập trung sự chú ý vào mục đích này.

Đến đây có lẽ bạn đang nghĩ đến nhiều ví dụ khác minh họa cách chúng ta có thể rèn luyện các giác quan bên ngoài của mình. Nguyên tắc tương tự áp dụng cho tâm linh. Bạn có thể là một tín đồ trong nhiều năm và không phát triển tâm linh của bạn. Kinh Thánh cho biết rằng Giăng Báp-tít “đã lớn lên và trở nên mạnh mẽ trong tâm linh” (Lu 1:80). Phao-lô bảo Ti-mô-thê hãy hoàn toàn dâng mình cho sự phát triển thuộc linh để “hầu cho mọi người thấy rõ sự tiến bộ của con” (1Ti 4:15). Làm thế nào để chúng ta gây dựng con người bên trong của chúng ta? Kinh Thánh rất rõ ràng: qua Lời Đức Chúa Trời được viết ra (1Phi 2:2; Công vụ 20:32), qua việc vâng theo lời Ngài (Hê 5:9) và qua sự cầu nguyện bằng tiếng lạ (1Cô 14:4; Giu-đe 20).

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN TÂM LINH

Tại sao việc phát triển các giác quan bên trong của chúng ta lại quan trọng đến vậy? Chúng ta dễ tương giao với Thánh Linh hơn nếu các giác quan thuộc linh của chúng ta được phát triển. Ngài có thể nói chuyện thân mật hơn với chúng ta ở nhiều cấp độ. Để giải thích, chúng ta hãy nhìn lại tự nhiên. Nếu cả năm giác quan của bạn không hoạt động thì tôi sẽ không thể giao tiếp với bạn. Tôi có thể hét lên, nhưng bạn sẽ không nghe thấy; vỗ vào vai bạn, nhưng bạn sẽ không cảm giác; giơ một tấm biển, nhưng bạn sẽ không nhìn thấy, v.v.

Gần đây, bố tôi, ở tuổi tám mươi, cần một chiếc máy trợ thính, nhưng ông không muốn. Tất cả chúng tôi sẽ cùng nhau nói chuyện và ăn tối và tôi nhận thấy ông ấy trông như đang ở một nơi khác. Tôi cao giọng, “Bố hiểu chưa?” Ông ấy trông có vẻ bối rối như muốn nói, “Con nói gì?” Tôi nhận ra rằng ông ấy không hứng thú với bất kỳ cuộc trò chuyện nào của chúng tôi vì thính giác của ông ấy rất kém. (Tôi vui mừng thông báo rằng giờ đây ông ấy đã có máy trợ thính!) Điều này cũng đúng trong tâm linh. Nếu các giác quan của bạn đờ đẫn, bạn chỉ có được một phần của cuộc trò chuyện là tốt nhất! Tôi thường nghe người ta nói: “Dường như Đức Chúa Trời không nói chuyện với tôi một cách thân mật”. Chà, một lần nữa, rất có thể các giác quan bên trong của họ kém phát triển. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này; Đức Chúa Trời muốn phán với chúng ta nhiều hơn là chúng ta muốn nghe từ Ngài, nhưng chúng ta—giống như các tín đồ người Hê-bơ-rơ—thường trở nên “chậm nghe” (Hê-bơ-rơ 5:11).

Bạn củng cố những gì bạn sử dụng và làm suy yếu những gì bạn không sử dụng. Trong khi cầu nguyện trong Thánh Linh, con người bề trong của chúng ta cầu nguyện, và sự hiểu biết tự nhiên hay xác thịt bị từ chối. Đó là một hình thức nhịn ăn theo lý trí tự nhiên của chúng ta để bước vào sự thông công liên tục với Chúa. Tôi khuyến khích bạn không chỉ cầu nguyện trong Thánh Linh, mà còn tin vào sự thông giải của Chúa và rèn luyện bản thân để lắng nghe khi bạn cầu nguyện.

Nhiều buổi sáng, tôi dành hơn một giờ chỉ để cầu nguyện tiếng lạ. Một khi tôi đã vượt qua trạng thái lang thang trong tâm trí, vốn sẽ nhanh chóng lắng dịu hơn nếu tôi hát những bài hát thờ phượng, hoặc trút đổ tấm lòng tôi cho Ngài trước, tôi thấy dễ dàng tập trung vào tâm linh. Thông thường, cảm giác về sự gần gũi của Chúa làm lu mờ bất kỳ mối bận tâm hoặc nghĩa vụ tự nhiên nào. Sau đó, tôi thấy rằng trong những khoảng thời gian này, những ý tưởng, sự mặc khải và sự khôn ngoan sẽ nảy sinh trong lý trí của tôi. Tôi đã học được điều khôn ngoan nhất nên làm là viết ra những điều này khi cầu nguyện và rồi Đức Thánh Linh sẽ chuyển sang những điều khác.

Trong những năm đầu khi cầu nguyện với Thánh Linh, tôi đã trải qua nhiều thất vọng vì đôi khi tôi nghĩ về những điều tự nhiên trong khi cầu nguyện bằng tiếng lạ. Ví dụ, khi tôi cầu nguyện, những ý tưởng sẽ đến với tên sách mới, mong muốn liên lạc với những người mà tôi đã không nói chuyện trong một thời gian, một món quà cho ai đó, cách chi tiêu tài chính cho mục vụ, v.v. Cuối cùng tôi biết được rằng điều này thường xuyên nhất là sự soi dẫn và hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Tôi nhanh chóng bắt đầu ghi chú lại những ý tưởng này và nhận thấy rằng ngay sau khi tôi ghi chú, nó sẽ rời khỏi tâm trí tôi và những ý tưởng khác sẽ xuất hiện. Sau đó tôi biến những ghi chép thành hành động và nhìn thấy phước lành của Chúa trên những việc này. Tôi nhận ra rằng trong khi cầu nguyện bằng tiếng lạ, Đức Thánh Linh không chỉ gợi nhớ về người nào đó hay nước nào đó, mà còn cho tôi hướng dẫn về những điều Ngài muốn tôi làm. Một lần nữa, đó là một cách để tương giao với Chúa ở mức độ lớn hơn nhiều.

SỐNG TRONG LĨNH VỰC THÁNH LINH

Cá nhân tôi tin rằng đây là cách Phao-lô viết một phần hay trong các thư tín của ông. Ông đưa ra những lời nhận xét như: “Mặc dù tôi vắng mặt trong thể xác, nhưng tôi ở với anh em trong tâm linh, vui mừng khi thấy anh em có trật tự tốt và đức tin vững vàng nơi Đấng Christ” (Cô 2:5). Ông đã không nhìn thấy họ bằng con mắt tự nhiên của mình, bởi vì ông đã nói rõ ràng ông không có mặt ở đó. Một lần nữa với người Cô-rinh-tô, ông tuyên bố: “Quả thật, tôi dù thân thể vắng mặt, nhưng tâm linh hiện diện, tôi đã xét xử như thể tôi có mặt” (1Cô 5:3). Làm sao Phao-lô có thể có hiện diện, và nhìn thấy những gì các tín đồ Cô-rinh-tô và Cô-lô-se đang làm và nói, nhưng lại không có mặt ở đó? Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta là những hữu thể thần linh, và không có khoảng cách hay rào cản nào trong lĩnh vực của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Những người có tâm linh được gây dựng trong Chúa trở nên ý thức hơn về những điều đang xảy ra, để họ có thể cầu nguyện hoặc giúp đỡ những người có nhu cầu một cách hiệu quả hơn. Hãy nhớ lại ở chương trước, người đứng đầu trường Kinh Thánh của người quản lý văn phòng người Úc của chúng tôi đã chọn vị mục sư người nước ngoài trong số rất nhiều thành viên hội thánh của ông ta trong bức ảnh mà ông chưa hề nhìn thấy vị này!

Phao-lô chỉ đơn giản nhìn thấy những điều đang diễn ra trong các hội thánh khác nhau trong tâm linh của ông khi ông cầu nguyện bằng tiếng lạ; sau đó giải quyết những điều này bằng thư và gửi đi. Trong những chuyến đi của tôi và trong khi cầu nguyện tiếng lạ, tôi đã chứng kiến những điều mà các thành viên trong gia đình hoặc nhân viên của tôi đang trải qua. Sau đó tôi nhấc điện thoại và nhiều lần đã biết tin trước khi tôi được thông báo. Tuy nhiên, vì tôi đã cầu nguyện trong Thánh Linh nên tôi đã chuẩn bị sẵn những gì phải nói và cách xử lý tình huống.

Khi ở Châu Phi, tôi đã gặp một người đàn ông là chiến binh bộ lạc ở Kenya. Anh đã biết Chúa Giê-su nhiều năm trước đây, và vẫn còn sống với bộ lạc của anh để chăm sóc họ. Tên cơ đốc của anh ấy là John và anh ấy định kỳ đi ra khỏi Châu Phi để hầu việc Chúa. Trong chuyến đi Mỹ gần đây nhất, anh ấy ở cùng với một cặp vợ chồng mà tôi cũng biết. Trong ba tuần ở lại, anh ấy báo cáo định kỳ về gia đình anh ấy ở Châu Phi. Hơi bối rối, cặp vợ chồng anh ở cùng hỏi làm sao anh biết nhiều chuyện xảy ra với vợ ở nhà như vậy vì họ biết nhà anh không có điện thoại; trên thực tế, không có điện thoại trong toàn bộ ngôi làng của họ ở Châu Phi. Anh ta sau đó nói điều gì đó về tác dụng này: “Đây là điều mà Phao-lô đã làm với các hội thánh ở Châu Á. Họ là gia đình của anh ấy trong Chúa vì ông ấy đã sinh ra họ về mặt thuộc linh, và khi xa nhau, khi ông ấy cầu nguyện, ông ấy ở bên họ trong tâm linh để nhìn thấy họ sống có nề nếp; ông ấy thậm chí có thể viết thư cho họ về công việc của họ. Tôi chỉ đang làm những gì Đức Chúa Trời đã ban cho mọi tín hữu khả năng để làm qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Đây là cách tôi theo kịp các hoạt động của gia đình mình và tôi làm điều này bất cứ khi nào tôi xa cách họ.”

Lý do tôi đưa ra lời chứng của anh John là nó hoàn toàn phù hợp với Lời Đức Chúa Trời. Tại sao chúng ta phải ngạc nhiên vì điều này? Phao-lô đã đề cập đến nó không chỉ một lần, mà là một vài lần trong Tân Ước. Người đàn ông châu Phi này chưa từng có ai nói với anh ta rằng Kinh Thánh không có thật, hoặc phép lạ đã qua rồi, như rất nhiều người ở Mỹ đã được dạy. Tại sao chúng ta rút lại điều mà Chúa Giê-su đã trả một giá rất đắt để chu cấp cho chúng ta? Tại sao chúng ta không gây dựng con người bề trong của mình để chúng ta có thể trở thành những đầy tớ và con cái hữu hiệu hơn của Đức Chúa Trời và Cứu Chúa Giê-su yêu dấu của chúng ta?

Giờ vẫn chưa trễ! Cho dù bạn mười tuổi hay tám mươi lăm tuổi; cho dù bạn đã được tái sinh gần đây hay nhiều thập kỷ trước; bạn có thể xây dựng con người bên trong của mình thông qua việc cầu nguyện bằng tiếng lạ, và cầu xin để được thông giải khi bạn cầu nguyện để sự hiểu biết của bạn có thể nhận được lợi ích từ sự thông công kỳ diệu của Đức Thánh Linh. Có rất nhiều điều Ngài muốn bày tỏ cho bạn; bạn cần phải làm đó là làm im con người bề ngoài của mình và đến gần Đấng biết tất cả trong lòng bạn. Thật là một lời mời gọi; đừng bỏ qua nó!

CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

  1. Bạn đã từng trải qua những tình huống mà ân tứ nói tiếng lạ đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách Đức Chúa Trời hành động trong cuộc đời bạn chưa? Bạn đã nhận được sự soi sáng, bình an hay sảng khoái nào?
  2. Tác giả viết về sự cần thiết phải quản lý đúng đắn những điều mầu nhiệm mà Đức Chúa Trời tiết lộ, chỉ ra ví dụ của vua Ê-xê-chia (Ê-sai 39:2) và tình huống của chính tác giả với một mục sư nổi tiếng. Đối với bạn, việc chờ đợi thời điểm thích hợp của Chúa để mặc khải cho những người khác điều Ngài đã mặc khải cho bạn là quan trọng biết bao? Có một mong muốn thực sự để gây ấn tượng với người khác mà cần phải được kiểm soát?