CHƯƠNG BA: BẢO VỆ CƠN ĐÓI CỦA BẠN

Gần Gũi Chúa

Đăng vào: 3 tuần trước

.

CHƯƠNG BA

BẢO VỆ CƠN ĐÓI CỦA BẠN

Chúng ta sẽ ăn thứ mà chúng ta đói

Trước khi một người không tin có thể đến gần Đức Chúa Trời hằng sống, chính Chúa trước hết phải đến gần người đó. A.W. Tozer có viết, “Trước khi một người tội lỗi có thể nghĩ đúng đắn về Đức Chúa Trời, phải có công việc soi sáng được thực hiện trong người đó” (The Pursuit of God). Chính Chúa Giê-su cho biết, “Không ai đến cùng Ta trừ khi Cha Đấng đã sai Ta kéo người đó đến” (Gi 6:44). Đây là lý do sự cầu thay cho những người khác không có mối quan hệ với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su là điều rất quan trọng. Dù Đức Chúa Trời “muốn mọi người được cứu và hiểu biết lẽ thật” (1Ti 2:4) và đã đeo đuổi mục đích này xuyên suốt dòng lịch sử, Ngài vẫn muốn con cái Ngài nắm bắt khát vọng của Ngài đối với người hư mất và kêu cầu Ngài thay cho họ. Vì lý do này Chúa Giê- su phán, “Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin Chúa mùa gặt sai thêm thợ gặt vào đồng lúa của Ngài.” (Mat 9:37-38).

Một khi chúng ta đã được cứu qua khải thị về Chúa Giê-su, chúng ta có lời mời gọi công khai đến với Đức Chúa Trời. Ngài nói với con cái Ngài, “Hãy đến gần Ta.” Đức Chúa Trời đã đi một bước đầu tiên qua lời mời gọi muôn thuở này rồi. Bụi gai đang cháy . . . Ngài gọi tên chúng ta . . . Ngài chỉ ở ngoài thuyền! Chờ đợi phản ứng của chúng ta!

Mới đây một tín đồ nọ chia sẻ, “Ông John à, tôi càng sống và phục vụ Chúa, tôi càng nhận ra rằng việc chúng ta đến gần Ngài tùy thuộc vào việc Ngài đến gần chúng ta.”

Tôi phản đối, “Không phải, điều này không chính xác.”

Rồi anh ta trích những lời của Chúa Giê-su rằng không ai đến cùng Ngài trừ khi Cha trước hết kéo người đó đến.

Tôi trả lời, “Vâng, điều này đúng cho những người chưa tin. Nhưng Chúa nói bạn là con cái Ngài và bảo bạn hãy, “đến gần Ta thì Ta sẽ đến gần con.’ Ngài nói rõ chúng ta có thể chủ động làm bước này bất cứ lúc nào.’

Vâng, có những lúc khi Ngài muốn gặp chúng ta và Ngài chủ động. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể chủ động trước một bước để đến gần Ngài. Chúng ta đang ở trong mối quan hệ với Ngài và cũng giống như bất kỳ mối quan hệ thông thường nào giữa cha và con, có những lúc người con chủ động tiếp xúc và có những lúc người cha chủ động.

TẠI SAO KHÔNG ĐÁP ỨNG VỚI LỜI MỜI CỦA NGÀI?

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao có quá nhiều tín hữu có mối quan hệ cạn cợt với Chúa? Tại sao họ không bước vào mối quan hệ sâu sắc, bền vững hơn với Ngài? Điều gì giữ họ lại? Điều gì sẽ khơi dậy và khiến họ đáp ứng với lời mời hãy gần gũi Ngài? Câu trả lời không phức tạp đâu: chính là lòng khao khát của chúng ta muốn biết Ngài. Đa-vít kêu lên, Linh hồn tôi khao khát Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống.

Khi nào tôi mới được đến trình diện trước mặt Đức Chúa Trời?

Khi người ta còn hỏi Đức Chúa Trời ngươi đâu? Thì suốt ngày đêm nước mắt làm đồ ăn cho tôi. Tôi nhớ lại những điều này và linh hồn tôi tan vỡ. (Thi 42:2-4)

Trước khi đi tiếp, hãy đọc lại chậm rãi các câu này và tiêu hóa từng lời một. Để ý Đa-vít nói, “Khi tôi nhớ lại những điều này và linh hồn tôi tan vỡ.” Từ Hebrew nhớ là zakar. Theo Từ Điển Vines cho biết từ này tiếng Hy lạp, cũng như từ tương đương trong tiếng Anh có nghĩa không chỉ là “nhớ lại’ mà nó còn có nghĩa “duy trì trong suy nghĩ.” Điều này chắc chắn áp dụng ở đây. Đa-vít quả đã nói, “Khi tôi duy trì lòng khát khao Chúa trong suy nghĩ của tôi, nó khiến tôi đổ linh hồn tôi ra.” Điều này tạo ra cơn đói khát đối với Ngài! Cơn đói khát mời gọi chúng ta hãy đến gần cho dù chúng ta đang đối diện trở ngại nào – dù là về phương diện thuộc linh, thuộc thể hay tinh thần. Vì thế điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ, cũng như gia tăng, cơn đói khát của chúng ta đối với Ngài!

CHÚA ƠI, HÃY GIA TĂNG LÒNG KHAO KHÁT CỦA CON

Nhiều người cầu nguyện, “Chúa ơi, hãy gia tăng lòng khao khát của con đối với Ngài.” Tuy nhiên điều này không chính xác. Chúng ta là người quyết định lòng khao khát của chúng ta, không phải Ngài. Tại Mỹ, chúng ta có vô số tài sản, thú vui giải trí, trò vui chơi và nhiều tiện nghi. Cách duy nhất chúng ta có thể tạo ra và duy trì lòng khao khát Chúa là hãy bảo vệ linh hồn chúng ta bằng cách chúng ta chọn lấp đầy thứ gì vào đó. Châm ngôn 27:7 có nói rằng, “Ðối với người đang no, mật ong chẳng có gì hấp dẫn.” Nói đơn giản, nếu linh hồn bạn đầy những lo âu, khoái lạc, sự ham mến của cải hay lòng tham của thế gian này, bạn sẽ no nê và sẽ đâm ra khinh lờn mật ngọt của mối thông công của Chúa.

Hãy nghĩ đến Ngày Lễ Tạ Ơn. Phần lớn người Mỹ đoàn tụ với gia đình và bạn bè vào ngày lễ này. Nhiều người bỏ qua buổi ăn sáng để dành bụng đó cho bữa ăn chiều. Bữa tiệc bắt đầu; một con gà tây khổng lồ, nhân nhồi, khoai lang, rau, nước sốt nam việt quất, bánh nướng, v.v. được mang ra. Chúng tôi tiêu thụ một lượng lớn thức ăn vì chúng tôi đã để bụng rất đói. Sau bữa tiệc chúng tôi nặng bụng quá vì chúng tôi ăn quá nhiều. Chúng tôi quá no! Vài giờ sau đó chúng tôi đến nhà của người bà con khác. Thức ăn lại bày ra đầy mâm nhưng lần này nhiều món hơn, nhưng thay vì chúng tôi thèm những món ăn ngon này thì chúng tôi lại chán ngán và không muốn ăn thêm gì cả. Chúng tôi vẫn còn no từ bữa ăn mới đó. Chúng tôi chỉ ngồi đó nhìn và biết rằng bụng mình đã no quá rồi. Vấn đề không phải món ăn đó có thơm ngon cỡ nào, chúng tôi thật sự đã ngán ăn rồi. Đây là điều Châm Ngôn muốn chuyển tải.

Áp dụng lẽ thật này xa hơn, chúng ta phải nhận biết nó tỉ lệ thuận. Nếu linh hồn bạn bị đè nặng bởi những ham muốn về đời này, bạn có thể không chê thức ăn, nhưng bạn sẽ không xem trọng. Nếu bạn không quá no, nhưng chỉ như một bữa ăn bình thường trước đó hai giờ thì dù bạn có mặt ở bửa tiệc, bạn sẽ không ngán ăn mà bạn chỉ muốn bỏ qua. Thường thì tôi được mời ăn những món ăn ngon tại nhà hàng khi tôi đến thăm một thành phố, nhưng tôi không đói vì tôi mới ăn vài giờ trước đó nên tôi lịch sự từ chối lời mời. Ý tưởng về chuyện ăn uống không lôi cuốn tôi như đã mô tả vào dịp Lễ Tạ Ơn ở trên, lần này chỉ có điều là tôi đã ăn rồi. Nhưng nếu cùng lời mời này được mời cho ai đó đã không ăn gì suốt một hai ngày thì phản ứng lại hoàn toàn khác hẳn. Nên sự thật thì, bạn no đầy bởi những thứ của đời này tới mức nào sẽ quyết định đáp ứng của Ngài với lời kêu gọi của Ngài.

Rất thường nhiều tín đồ trong các hội thánh thờ ơ vì họ không khao khát về những việc của Chúa. Phần lớn họ không khinh khi sự hiện diện của Ngài, nhưng so với người đói họ rất thờ ơ với bữa tiệc đã dọn ra trước mắt họ. Nói cho cùng, họ ăn từ bàn tiệc của thế gian cách đó vài giờ và đã no nê. Tôi quan sát khi những tín đồ này nói họ cần Chúa, nhưng hành động của họ được phơi bày qua những gì họ nói. Bạn đang đọc cuốn sách này vì tôi tin bạn khao khát Ngài hơn nữa, nhưng linh hồn bạn có đói khát Ngài không? Bạn có giống như một người không ăn trong nhiều ngày, hay giống tên nghiện rượu không được uống hay tên nghiện cần thuốc thiếu thuốc không? Đây là cơn thèm khát mà chúng ta cần phát huy để tiến tới.

MỘT HỘI THÁNH THỜ Ơ

Nghiên cứu kỹ những lời Chúa Giê-su phán với hội thánh cuối cùng trong sách Khải Huyền, bạn sẽ khám phá ra một sự thật kinh ngạc. Trước hết, hãy hiểu rằng Chúa Giê-su gởi các lá thư cho bảy hội thánh châu Á, nhưng những sứ điệp này không chỉ dành cho những hội thánh lịch sử, mà cho tất cả chúng ta, còn không chúng ta không thấy ghi chép trong Kinh Thánh. Chính sự thật nó xuất hiện trong Kinh Thánh có nghĩa là nó có sự ứng dụng tiên tri, còn không thì nó vẫn còn phán với chúng ta ngày nay.

Những sứ điệp tiên tri có thể có nhiều sự ứng dụng, nhiều ý nghĩa hay nhiều sự ứng nghiệm. Mỗi lá thư cho mỗi hội thánh không chỉ mang một sứ điệp cho chúng ta ngày nay, nhưng sứ điệp này có thể xuất hiện sau cùng vì nó nói đến hội thánh trước khi Ngài tái lâm. Điều này rất hợp lý, vì khi hoàn tất lá thư này, Giăng đã nói, “Sau đó, tôi nhìn xem, kìa có một cái cửa đã mở ra trên trời. Và tiếng nói như tiếng kèn tôi đã nghe lần trước bảo tôi: Con hãy lên đây!” (Khải 4:1). Để ý từ “tiếng kèn.” Chúng ta biết trong những ngày sau cùng chính Chúa sẽ đến với những người thuộc về Ngài bằng cách giáng xuống “từ trời với tiếng kêu, với tiếng thiên sứ trưởng và với tiếng kèn của Đức Chúa Trời.” (1Tê 4:16-17). Tôi tin có sự nhấn mạnh đặc biệt về sứ điệp của hội thánh này cho thời đại chúng ta đang sống.

Chúa Giê-su tuyên bố hội thánh này ở trong tình trạng hâm hẩm; hay nói theo cách hiện đại, họ thiếu đi lòng đam mê và xem thường những gì là quan trọng đối với Ngài. Họ hiếm khi hết lòng để sống làm đẹp lòng Ngài. Chuyện gì gây ra cách ăn ở này? Hãy nhớ đây không phải hội thánh tự xưng mà Chúa Giê-su không thừa nhận – chính Chúa Giê-su nhận ra họ. Câu trả lời được tìm thấy qua cái nhìn của họ về cuộc sống. Chúa Giê-su phán, “Vì ngươi nói ‘Ta giàu, ta đã làm nên giàu có, không cần chi nữa’ (Khải 3:17). Những lời này phơi bày việc thiếu đi lòng yêu mến Chúa – vì linh hồn họ đã no nê; nhưng buồn thay là không phải no nê trong Ngài -mà là trong những thứ đời này.

SỰ CHẨN ĐOÁN SƠ SÀI

Một số người cho rằng nan đề của hội thánh cuối cùng này là vấn đề họ có quá nhiều tiền bạc hay có nhiều của cải vật chất. Đây là lời khẳng định rất nông cạn về những gì Chúa đã phán. Nếu bạn nhìn Đa-vít, ông là người có vô số tôi tớ và của cải. Thật ra ông đã giao cho Salômôn “ba ngàn bốn trăm năm chục tấn vàng, ba mươi bốn ngàn năm trăm tấn bạc, đồng và sắt thì không thể cân được (1Sử 22:14). Nhưng khi ông nói về chính ông, “Lạy CHÚA, xin hãy lắng tai nghe và đáp lời tôi; Vì tôi khốn cùng và thiếu thốn.” (Thi 86:1). Ông gọi mình khốn cùng và thiếu thốn! Giờ chúng ta biết ông nói không đúng về phương diện con người vì bạn không thể nói dối khi bạn được thần cảm. Ông thật sự nhìn thấy mình nghèo thiếu và khốn cùng, ngay cả ông có đầy bạc vàng! Nhu cầu của ông là chính Đức Chúa Trời; và nó được phát huy bởi lòng đói khát Chúa. Hãy nghe lời kêu xin của ông lần nữa, “Xin hãy nghiêng tai nghe con, Chúa ơi . . .” Ông tha thiết muốn biết sự trả lời của Ngài. Ông đói khát sự gần gũi Chúa! Đây là lý do mới có lòng yêu mến như thế: “Khi người ta còn hỏi Đức Chúa Trời ngươi đâu? Thì suốt ngày đêm nước mắt làm đồ ăn cho tôi.” (Thi 42:3).

Vấn đề của hội thánh Lao-đi-xê không phải là của cải vật chất, nhưng trái lại họ đã cho phép những điều vật chất làm thỏa linh hồn của họ. Đa-vít không bao giờ để điều này xảy ra. Ông không cho phép tài sản nhiều lấp đầy sự thèm khát của linh hồn ông. Nhưng các tín hữu của hội thánh này không giống như Đa-vít, họ đã lấp đầy bằng những gì họ sở hữu và cảm thấy thỏa mãn. Điều này ngăn trở lòng khao khát sự hiện diện và sự thông công của Chúa bên trong họ.

SỰ TƯƠNG PHẢN RÕ RÀNG

Tôi đã chứng kiến việc này thường xuyên suốt hai mươi năm qua. Tôi nhớ lần nọ đến thăm những người dân Cree ở vùng phía bắc Canada. Họ là những bộ lạc người Mỹ da đỏ định cư ở đó. Thật ra, trên thực tế, chỉ hai mươi năm trước, những người quý tộc này đã sống trong lều khi họ di chuyển dọc theo những con đường mòn của nai sừng tấm. Họ là những người đơn giản, sở hữu ít. Chỉ mười năm gần đây họ mới sắm sửa truyền hình cho gia đình họ.

Ước tính một ngàn người nhóm lại trong các buổi nhóm. Tôi có mặt ở đó vài ngày và để ý có một điều gì đó hơi lạ. Hầu như không có ngoại lệ, tất cả những người trên hai mươi tuổi đều rất đói khát những việc Chúa làm. Họ yêu mến Chúa hơn những người ở Bắc Mỹ. Họ tha thiết muốn biết Chúa. Tuy nhiên, những người dưới hai mươi thì rất thờ ơ và thiếu đi lòng đói khát Chúa.

Trong một buổi nhóm sự xức dầu rất mạnh mẽ để giảng dạy. Nhiều người trong lều trại lớn đó rất đón nhận. Có lúc tôi để ý bên ngoài trại và phía sau những thanh niên trẻ trông rất ngán ngẩm và thờ ơ. Tôi biết khi nghe giảng có thể rất ngán, nhưng trường hợp này không phải vậy; có một sự tuôn đổ quyền năng của Thánh Linh để công bố Lời Ngài. Thình lình trước khi tôi nhận ra điều tôi đang làm, tôi thấy mình chạy quanh khán đài, truyền cơn đói khát cho giới trẻ nhóm trong lều trại. Tôi kêu nài họ hãy đến và lắng nghe. Họ nhìn tôi như thể tôi là người kì quặc và không biết gì về cuộc sống.

Chính lúc đó tôi để ý những chiếc áo họ mặc và những cái nón họ đội; nó được viết chữ rất rõ và dễ thấy. Họ có nhiều phù hiệu đội bóng rổ và bóng đá chuyên nghiệp khác nhau. Thánh Linh tỏ cho tôi rằng họ đã say xưa và lấp đầy những gì được xem trên truyền hình. Buồn thay họ đã lấp đầy cơn đói linh hồn họ bởi những thứ mà không ích lợi cho họ! Tôi nhận ra những người lớn tuổi đã không lớn lên bởi những gì họ xem trên truyền hình. Điều này trả lời cho thắc mắc của tôi về sự khác biệt giữa những người trên hai mươi và dưới hai mươi.

Xin hãy hiểu cho điều tôi đang nói. Truyền hình không phải lúc nào cũng ngăn cản sự tăng trưởng và đói khát của chúng ta, nhưng chính là cách chúng ta kiểm soát. Gia đình tôi bây giờ cũng có tivi, dù khi chúng tôi mới lấy nhau chúng tôi không có tivi suốt nhiều năm. Tôi cũng đã được truyền cảm hứng và học hỏi qua nhiều chương trình. Tôi cập nhật thời sự thế giới qua việc xem truyền hình. Tuy nhiên, đó không phải là thứ nuôi tôi hay làm thỏa mãn tôi. Đó không phải là niềm đam mê của tôi. Tôi có thể xem nó mà vẫn mong chờ những việc của Chúa và duy trì sự thông công với Thánh Linh. Dù nghèo, nhưng những thanh niên này đã lấp đầy cơn đói khát của họ bằng những thứ vô bổ.

Ngay sau chuyến đi đó tôi đến thăm phía đông bắc nước Mỹ. Tôi được mời để giảng vào tối thứ Sáu. Buổi nhóm mở ra cho cả hội thánh, nhưng tôi ngạc nhiên khi để ý hơn năm trăm trong số bảy trăm người tham dự là thanh thiếu niên. Khi buổi nhóm tan, tôi thấy mình bị vây quanh bởi một số thanh thiếu niên hỏi những câu hỏi về những việc thuộc linh. Tôi nhìn đồng hồ và giờ đã điểm gần tới nửa đêm. Chúng tôi đã nói chuyện về những việc của Chúa rất lâu sau khi buổi nhóm kết thúc. Cuối cùng tôi phải thốt lên, “Tôi thích điều này Tất cả các bạn rất khao khát Chúa!”

Họ hỏi tôi họ có thể mời tôi ăn trưa ngày hôm sau trước khi tôi đi. Tôi không thể từ chối lời mời của họ nên họ chuẩn bị sẵn một phòng ở trên lầu và cuộc thảo luận tiếp tục. Điều này thật lạ lùng và tươi mới! Có sự tương phản đáng buồn ở hai đám người trẻ, những người trẻ ở vùng đông Bắc thì rất khao khát cho dù họ khá giả hơn những người trẻ da đỏ.

Ở hội thánh tại đông Bắc, những người trên hai mươi tuổi không đói khát cho bằng những thanh thiếu niên. Tại sao họ không phải là những người vây quanh tôi? Tại sao những thanh thiếu niên này đông hơn tất cả các độ tuổi cộng lại trong buổi nhóm? Tôi tin linh hồn của những người lớn bị nặng trĩu bởi những âu lo và thú vui đời này. Họ biết về những việc Chúa làm nhưng họ không còn yêu mến Chúa nữa, dù họ vẫn tuyên bố mình là tín đồ “đạo dòng.”

Sau khi gặp cả mục sư quản nhiệm lẫn mục sư thanh niên của hội thánh này thì rõ ràng là mục sư quản nhiệm đã nhân cấp bản thân nơi dân sự của ông, và mục sư thanh niên đã làm điều tương tự. Ô-sê 4:9 đã trở nên rõ ràng đối với tôi, “Thầy tế lễ thể nào thì dân sự thể ấy” vì thầy tế lễ gian ác, nên dân chúng cũng gian ác. Điều này cũng có thể đọc, ‘Chăn thể nào thì chiên thể ấy’ nếu mục sư thiếu đi lòng yêu mến Chúa thì tín đồ cũng sẽ thờ ơ như vậy. Chúa cảm động vị mục sư trẻ này, là người đầy khải tượng và lòng sốt sắng, và ngày nay anh ta đang chạm đến một thành phố khác một cách đầy quyền năng.

PHƯƠNG CỨU CHỮA CHO MỘT HỘI THÁNH HÂM HẨM

Sự lạnh nhạt này, là điều thấy quá rõ trong hội thánh, chính là điều mà Chúa Giê-su nói đến trong sứ điệp của Ngài gởi cho hội thánh tại Châu Á. Hãy nghe những lời của Ngài:

“Này, Ta đứng bên cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào với người ấy; Ta sẽ ăn tối với người, và người với Ta.” (Khải 3:20)

Điều làm tôi ngạc nhiên đó là các mục sư thường dùng câu Kinh Thánh này kêu gọi người chưa tin, nhưng đó không phải là điều Chúa Giê-su đang nói đến. Ngài đang nói với hội thánh; Ngài đang nói với tất cả tín đồ nào hâm hẩm. Để ý Ngài phán, “Nếu ai nghe . . .” Điều gì khiến chúng ta không nghe? Một linh hồn mà đã thỏa mãn hết rồi thì đó chính là điều khiến chúng ta không nghe được tiếng Ngài. Chúa sai Môi-se quay trở lại sa mạc, xa khỏi những sự phiền nhiễu của Ai- cập để khiến ông chú ý. Trong một lần gặp gỡ, Chúa đảm bảo quyền lợi của Môi-se và ông không bao giờ bị chi phối nữa, cho dù ông ở đâu – ngay cả khi ông quay về Ai-cập!

Chúa phán nếu ai nghe tiếng Ngài và mở cửa linh hồn họ thì Ngài bước vào và ăn bữa với họ. Ngài phục vụ “Bánh Sự Sống” cho linh hồn chúng ta – Ngài là Bánh Sự Sống. Một bản dịch đọc, “Nếu ngươi nghe Ta kêu gọi và mở cửa, Ta sẽ bước vào và chúng ta sẽ cùng nhau ăn bữa như những bạn hữu” (NLT). Tôi thích ý đó vì quay lùi lại thời đại đó, việc cùng nhau ăn bữa ám chỉ một mức độ thân mật xã hội cao hơn. Khi tôi đi lại, tôi luôn thích ăn ít ra một bửa ăn với các lãnh đạo hay mục sư hội nghị trước khi tôi chia tay, vì trong sự thông công như thế chúng tôi có cơ hội thật sự hiểu biết nhau. Những sự trao đổi nhau trong bữa ăn quan trọng hơn bất kì buổi họp mặt nào khác. Đây là lý do Phao-lô bảo chúng ta không nên ăn chung với người nào tự cho mình là tín đồ mà cứ sống trong tội lỗi (xem 1Cô 5:11). Chúng ta mở lòng và trở nên thân thiện trong bữa ăn, và nếu ai đó sống nổi loạn thật sự thì sự trao đổi sẽ không lành mạnh về mặt thuộc linh.

CHÚNG TA ĐÓI GÌ THÌ CHÚNG TA ĂN NẤY

Sự đói khát là yếu tố then chốt để chúng ta theo đuổi sự thân mật với Đức Chúa Trời hay không. Do đó, chúng ta cần ghi nhớ rằng chúng ta đang kiểm soát sự thèm ăn của mình chứ không phải Chúa. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta sẽ phát triển những ham muốn và sự thèm ăn nào? Có một nguyên tắc thuộc linh không bao giờ thay đổi:

Chúng ta đói gì thì chúng ta ăn nấy.

Tôi được tái sanh vào năm 1979 khi còn ở ký túc xá đại học. Đêm nọ tôi đang ở phòng bếp tìm thứ gì đó để ăn khi tôi nghe Chúa phán, “Thân thể con là đền thờ của Ta, hãy chăm sóc nó!”

Lúc đó tôi ăn toàn những thức ăn “tạp.” Tôi nghĩ từ “tạp” là thích hợp vì nó mô tả một người gặp thứ gì ăn thứ đó. Tôi đã ăn những thức ăn không lành mạnh vì nó hấp dẫn cái bụng tôi. Tôi thích uống nước ngọt, ăn kẹo ngọt, thức ăn nhanh, bánh donut, những món ăn chiên xào, những loại bánh mì – bạn biết danh sách đó. Tôi thèm ăn những món ăn không lành mạnh và nó hấp dẫn khẩu vị của tôi. Ý niệm của tôi lúc đó về một món ăn ngon là Big Mac, là Coca cola và đồ chiên xào.

Khi Chúa phán lời này với tôi, tôi nhận ra thân thể tôi là căn nhà tổng hợp cho Thánh Linh cũng như cho tôi. Ý tưởng đến với tôi là nếu tôi có được chiếc ô tô mới đắt tiền tôi sẽ không bao giờ đổ xăng dỏm hay dầu tái chế vào chạy. Tôi chỉ đổ xăng dầu tốt để xe chạy tốt hơn và bền hơn. Tôi lý luận nếu tôi được ban cho chỉ một thân thể vật lý mà không thể thay thế được, nhưng chiếc xe ô tô đắt tiền thì có thể thay thế. Tôi lập tức thay đổi thói quen ăn uống. Tôi bắt đầu đọc và đặt ra những câu hỏi để học biết cơ thể tôi cần hoạt động như thế nào để đạt hết công năng và để bền sức về lâu về dài. Nó là một quá trình, nhưng sau vài năm toàn bộ hành vi ăn uống của tôi đã thay đổi.

Tất cả những điều này là tốt cả, nhưng có một ích lợi khác xảy đến mà tôi không nhận ra. Khi tôi bắt đầu ăn những thức ăn lành mạnh, tôi không thích khẩu vị của nó, nhưng tôi vẫn ăn vì nó tốt cho tôi. Sau đó một thời gian khẩu vị của tôi cũng thay đổi. Thường thì nếu bạn để tôi chọn giữa khẩu phần ăn nhanh và khẩu phần rau quả kèm với cá và bánh mì, tôi sẽ chọn ngay món ăn nhanh mà không cần suy nghĩ trong khi đó tôi bỏ qua món rau quả kèm với cá. Nhưng ngày nay, nếu cùng sự lựa chọn đó được chào mời, tôi sẽ chọn món ăn lành mạnh và không nghĩ gì về món ăn nhanh kia. Thật ra, thường khi đi lại tôi không ăn nếu chỉ có bán thức ăn nhanh mà thôi. Tôi thà nhịn đói hơn là ăn thứ mà tôi trước đây thèm ăn. Tôi hoàn toàn không muốn ăn hay không thèm ăn những món đó nữa! Thậm chỉ tôi không thích nó nữa.

Cùng nguyên tắc này đúng cho linh hồn chúng ta. Linh hồn chúng ta ước ao thứ gì mà chúng ta nuôi dưỡng nó. Nếu chúng ta cứ ăn đều món “thể thao” chúng ta sẽ thèm ESPN. Nếu chúng ta ăn đều món “phim ảnh” và món đàm tếu của Hollywood, chúng ta sẽ thèm khát các kênh truyền hình, các tạp chí và các cuộc nói chuyện hấp dẫn khẩu vị này. Nếu chúng ta cứ ăn những chuyện buôn bán làm ăn và những biến cố thời sự, thì đó là điều chúng ta thèm khát. Nếu sự thỏa mãn của chúng ta nơi nhà cửa, xe cộ, quần áo và vân vân. . .thì chúng ta sẽ khơi dậy niềm đam mê khi chúng ta nói đến việc mua sắm hay xe mới, hay những ý tưởng trang trí mới và chúng ta sẽ thấy mình nói chuyện toàn là những chuyện thế gian. Chúng ta thấy khó đọc Kinh Thánh hay chờ đợi Chúa trong sự cầu nguyện riêng. Tuy nhiên, nếu chúng ta ăn đều Lời Đức Chúa Trời, thì rất dễ để dành riêng thời gian cầu nguyện, và cuộc nói chuyện về những việc thuộc linh sẽ đến dễ dàng và phát ra tự nhiên. Chúng ta thèm khát sự hiện diện của Chúa và ước ao gần gũi Ngài.

MỘT CỰC ĐOAN TỆ HẠI

Điều này có thể dẫn tới một cực đoan tệ hại. Chúng ta sống trong một thân thể vật lý. Theo định kì chúng ta cần nghỉ ngơi và thư giãn lành mạnh. Trở lại lúc tôi học trường Kinh Thánh, tôi làm một công việc bốn mươi bốn giờ trong tuần và tham gia học đủ các lớp. Một cuối tuần nọ người bạn học mời tôi đi chơi bóng chày với một nhóm bạn. Tôi khướt từ ngay để tôi có thể nghiên cứu Kinh Thánh. Ngay lúc anh ta đi là tôi lấy Kinh Thánh ra đọc và cầu nguyện, nhưng mọi thứ đều phản tác dụng. Tôi không thể nghe tiếng Chúa. Như thể là tôi đang đọc những lời vô nghĩa. Người bạn học của tôi đã đi gần một tiếng rồi và tôi kêu cầu, “Chúa ơi, sao con gặp rắc rối không nhận được gì từ Kinh Thánh hay không nghe được tiếng Ngài? Điều gì sai trật đây? Con đã làm gì không đẹp lòng hay đã phạm tội lỗi nào không?

Để đáp lại tôi nghe Ngài nói, “Hãy đi ra chơi bóng chày đi.”

Tôi giật mình rồi thắc mắc, “Gì ạ! Chơi bóng chày hả? Đó không phải là việc gây dựng đức tin, nó cũng không đem con gần gũi Ngài! Vậy sao Ngài bảo con chơi thứ này?”

Chúa đem tôi đến một câu Kinh Thánh mà thình lình nó trở nên sống động: “Sách vở viết ra nhiều, không bao giờ chấm dứt. Và nghiên cứu nhiều khiến thể xác mệt mỏi.” (Truyền đạo 12:12). Ngài nói, “Con trai, con sống trong thân thể vật lý (não bộ là một phần) và nó cần những hình thức nghỉ ngơi. Nếu con không cho thân thể nghỉ ngơi mà nó cần, con sẽ làm tắc nghẽn khả năng lắng nghe Ta và tăng trưởng.” Rồi Ngài chỉ cho tôi thể nào sau khi các môn đồ giúp đỡ cho nhiều người thì Ngài mời họ “Các con hãy lui vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút.” (Mác 6:31).

Nói đơn giản, Chúa Giê-su phán, “Hãy nghỉ ngơi còn không con sẽ không được nghỉ gì hết.”

Tôi đi chơi bóng chày hôm đó. Sau đó vào buổi chiều khi tôi ngồi đọc Kinh Thánh trở lại, Kinh Thánh được mở ra, và một lần nữa tôi cảm nhận sự sống của Chúa tuôn đổ vào người tôi khi tôi thông công với Thánh Linh qua Lời Chúa.

QUÁ BẬN

Nhưng lỗi lầm để quá nhiều giờ học hỏi, trong khi đó bỏ lơ việc nghỉ ngơi mà linh hồn và thân thể cần không phải là lỗi lầm mà nhiều người vấp phải ngày nay hay thời nay. Trái lại, kẻ thù cướp đi lòng đói khát Chúa của chúng ta đó là lối sống bận rộn của chúng ta. Nhiều tín đồ thật cũng rơi vào bẫy này và thay thế thời gian với Chúa bằng lối sống bận rộn. Việc này cũng bao gồm những công việc gian dối và liên tục trong chức vụ.

Ta hãy hỏi câu hỏi đơn giản để soi sáng chúng ta: Tại sao chúng ta nuôi dưỡng thân thể chúng ta? Câu trả lời của bạn hy vọng sẽ là: mang lại sự dinh dưỡng và sức mạnh cho thân thể chúng ta. Bạn có thể tưởng tượng không ăn gì cả mà cứ liên tục làm việc với tốc độ cao? Nếu để thử nghiệm chúng ta bỏ qua ăn uống vài ngày, nhưng cứ liên tục làm việc suốt nhiều giờ và không ngủ nghỉ gì nhiều – chuyện gì xảy ra? Hãy suy nghĩ về điều đó một lát. Chúng ta sẽ ngã quỵ ngay!

Tuy nhiên chúng ta rất dễ làm chuyện này về phương diện thuộc linh; có lý do chúng ta chịu đựng được chuyện này về mặt thuộc linh nhưng về thân thể thì không được. Nếu chúng ta không ăn lâu ngày thì bao tử chúng ta sẽ gào lên, không chỉ một lần. Nó sẽ liên tục gào thét lớn hơn và cơn đau quặn thắt khi thời gian trôi qua. Toàn thân sẽ kêu lên, “Tôi đói, hãy cho tôi ăn!” Nhưng tâm linh chúng ta không gào thét như thế này. Ngược lại cũng đúng; tiếng nói của người bề trong trở nên im lặng hơn khi thời gian trôi qua. Nhưng lý do ở chỗ là chúng ta không nghe nó. Tâm linh chúng ta bị yếu đuối và xác thịt chúng ta trở nên thống lĩnh.

Chúng ta đánh mất khẩu vị khi chúng ta không ăn sau một thời gian lâu. Nếu bạn không ăn trên năm ngày, sự cồn cào của cơn đói sẽ lắng dịu. Thức ăn mất đi sự hấp dẫn và món thịt bò cũng trông giống như một dĩa rau. Khẩu vị của bạn mất đi và sẽ không trở lại cho đến khi những bộ phận bên trong đảo ngược và sự thèm ăn trở lại.

Tôi để ý nếu tôi cho phép một lối sống bận rộn thay thế cho thời gian của tôi với Chúa thì điều tương tự cũng xảy ra. Trước hết sự ham thích của tôi nơi Kinh Thánh sẽ giảm sút và sau đó ước ao cầu nguyện của tôi sẽ phai nhạt. Nếu tôi cố gắng cầu nguyện hay đọc Kinh Thánh thì tôi không cảm nhận sự sống tuôn đổ trong con người tôi. Kinh Thánh không nói với tôi như trước đây lúc mà tôi liên tục ăn nuốt Lời Kinh Thánh.

Tôi đã từng không ăn thức ăn đến độ sự thèm ăn mất đi và phát hiện ra cách duy nhất để quay lại đó là bắt mình phải ăn. Điều này cũng đúng về mặt thuộc linh. Nếu tôi đánh mất khẩu vị thuộc linh, tôi mở Kinh Thánh, ăn năn sự lười biếng và rồi tìm kiếm mong chờ lắng nghe tiếng Chúa. Tôi cứ đọc cho đến khi điều gì đó nói với tôi! Thường việc này không mất thời gian lâu; khi tôi cứ làm Ngài luôn thành tín để phán dạy. Cách khác mà tôi kết nối lại đó là biệt riêng một hai ngày và chỉ đọc và cầu nguyện cho đến khi tôi được bão hòa.

NHIỆT KẾ THUỘC LINH CỦA BẠN

Đây là sự kỷ luật chúng ta thảy đều phải có. Sự sa ngã không bắt đầu khi một người thấy mình ăn nằm với một cô gái nào đó hay phát hiện ra mình thèm uống rượu hay xem nội dung khêu dâm. Chuyện này không bắt đầu khi người đó khinh thường những người mà mình yêu mến và bỏ bê con cái mình, và danh sách còn dài. Không, sự sa ngã bắt đầu khi chúng ta thấy mình thơ ơ với Kinh Thánh và với những việc của Chúa. Chuyện này xảy ra khi chúng ta thấy mình vô cùng phấn khởi về những việc đời này thay vì những việc của Đức Chúa Trời.

Sự đói khát là nhiệt kế thuộc linh. Hãy suy nghĩ về phương diện tự nhiên. Điều nào là điều trước tiên mất đi khi một người bị bệnh? Câu trả lời là sự thèm ăn. Nếu bạn bị bệnh cúm bạn sẽ nhớ . . .bạn không muốn ăn. Hãy nhìn các bệnh nhân đang ở trong giai đoạn bệnh kinh niên; họ sẽ bị giảm cân nhiều kí và người đó rất ốm yếu. Người bệnh rất ít ăn hay không muốn ăn. Bạn thường nghe nói, “Anh ta có sự thèm ăn khỏe.” Về phương diện thuộc linh cũng không khác; một dấu hiệu về sức khỏe thuộc linh đó là thèm khát Lời Chúa. Một dấu hiệu bệnh hoạn thuộc linh đó là đánh mất sự đói khát những việc của Chúa.

Tôi đã gần gũi các mục sư là những người rất phấn khởi nói về các chương trình xây dựng nhà thờ, nói về xe ô tô đời mới, về thể thao và vân vân, thay vì nói về những việc của Chúa. Họ hành xử như thể là bạn đang nói về việc mua sắm trong khi đó bạn đề cập đến những việc của Chúa hay là những gì Ngài nói với lòng bạn. Họ hồ hởi khi họ nói về nhà mới họ mới xây. Tôi quan sát họ thờ phượng; họ nhìn quanh quẩn, nói chuyện với người khác, hay đọc qua sổ ghi chú mà họ sắp giảng, thay vì đưa tay lên và tập trung vào Đấng rất yêu dấu đối với họ. Đây chỉ là triệu chứng của một vấn đề sâu sa hơn.

Trong các hội thánh này tôi để ý đó là thiếu đi sự hiện diện của Chúa. Khi tôi đưa ra lời kêu gọi ăn năn và mời gọi người ta đến gần Chúa, Thánh Linh đến và họ kinh ngạc. Hoặc là họ nhớ mình đã sa ngã từ đâu, hoặc họ gạt nó sang một bên như một đặc ân của chức vụ. Một số người thậm chí kháng cự những gì xảy ra. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu có bất kì ước ao mờ nhạt nào trong họ, sự hiện diện của Chúa đánh thức lòng khao khát của họ lần nữa.

Ê-sai cho chúng ta biết, “Ngài không dập ngọn đèn gần tàn” (Êsai 42:3). Nhóm từ này nói đến ngọn đèn gần tàn, khi mà dầu hầu như gần hết, và ngọn lửa yếu dần, chỉ còn lại hơi khói. Ngài đồng hóa với những gì yếu hèn, nhỏ bé, ốm yếu, cô thế và mỏng manh. Ngài không dập tắt ngọn đèn sắp tàn, nhưng trái lại nhen nhúm nó thành ngọn lửa. Hãy nhớ, Ngài tiếp tục đeo đuổi chúng ta ngay cả khi chúng ta chỉ còn là hơi khói. Sẽ tốt đẹp biết bao nếu chúng ta hợp tác và đáp ứng, vì Ngài không áp đặt chính Ngài lên chúng ta!

Tôi thấy chuyện này thường. Tôi quan sát khi Chúa nhen lại thành ngọn lửa những thứ trên bờ vực sắp tàn nơi nhiều người. Trong các hội thánh và hội nghị tôi được nghe lặp đi lặp lại rằng người ta không nhận ra họ sa sút đến độ nào cho đến khi ngọn lửa được khơi dậy và lòng ước ao tìm kiếm Ngài được nung nấu. Họ nhận ra họ không canh giữ tấm lòng và đánh mất sự đói khát đi kèm với tấm lòng lành mạnh.

CANH GIỮ ĐIỀU QUÝ GIÁ NHẤT

Chúng ta được dạy “Trên hết mọi sự, hãy canh giữ tấm lòng” (Châm ngôn 4:23). Không có gì quan trọng cho bằng canh giữ, canh chừng hay bảo vệ! Khi tôi xem những từ này tôi nghĩ đến chuyện người ta lo bảo vệ những vật quí. Chúng ta đều thấy những viên ngọc quí trưng bày trên kệ của các tủ kính chống trộm. Nó được cất giữ trong môi trường ổn định, canh chừng với bất kì thay đổi nào về trọng lượng hay nhiệt độ khi mà có một chút thay đổi nào thì chuông sẽ báo động và cửa sẽ khóa lại. Có những tia điện chiếu vào nếu bị bẻ khóa thì bảo vệ có vũ trang sẽ ập tới ngay. Họ trả tiền cho bảo vệ canh chừng những vật quí này 24/7. Hàng ngàn đô la được chi cho việc canh giữ và bảo vệ – chỉ một viên đá mà thôi.

Chúa bảo chúng ta tài sản quí giá nhất trên đất này đó là tấm lòng chúng ta – không phải là những viên đá. Nhưng nhiều tín đồ lại trao tấm lòng họ cho những thứ vô bổ, chỉ làm hại chúng ta mà thôi. Chúng ta sẽ xem và đọc bất cứ thứ gì miễn là nó không chứa ảnh khỏa thân hoặc chửi thề quá mức. Chúng ta không nhận ra tinh thần thế gian là thù nghịch với Thánh Linh của Chúa. Nhưng trong chuyện này, người của thế gian rất khôn, vì họ canh giữ cẩn mật điều gì họ xem là giá trị nhất; trong khi đó các tín hữu lại bất cẩn khi họ trải qua cuộc đời mà lại không canh giữ tấm lòng khỏi những dục vọng và ham muốn làm cướp đi sự đói khát của họ đối với Đấng duy nhất làm thỏa mãn họ thật sự.

Chúa “làm thỏa mãn linh hồn khao khát, và làm no nê linh hồn đói lả bằng các thức ăn ngon.” (Thi 107:9). Ngài đang chờ đợi để làm thỏa mãn chúng ta, nhưng sự tốt lành của Ngài sẽ không làm chúng ta thỏa mãn nếu chúng ta đã no nê với những thứ trần tục khác. Ta hãy giữ cho lòng chúng ta đói khát và không nên xem nhẹ lời kêu gọi của Ngài dành cho chúng ta. Vì khi chúng ta đến gần, Ngài hứa đến gần chúng ta!

CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

  1. Châm ngôn 27:7 nói, “Một linh hồn no nê gớm ghê mật tàn ong.” Khi bạn suy gẫm câu này, có nỗi lo nào, ham muốn nào và thú vui nào mà bạn đang bám lấy không? Nó đã làm giảm đi cơn đói khát của bạn đối với “mật ngọt tàn ong” của sự thông công với Chúa không?
  2. Ở chương này, tác giả chia sẻ những quan sát của ông về những người trên hai mươi tuổi và những người dưới hai mươi tuổi ở hai buổi nhóm của hai hội thánh khác nhau liên quan đến lòng yêu mến Chúa – sự khao khát Chúa của họ. Khi bạn nhìn sự sống của hội thánh bạn, làm sao bạn phân biệt sự khao khát của gia đình thuộc linh của bạn – có thỏa mãn, có đói khát, có thờ ơ không?
  3. Theo ánh sáng của lời khuyên trong Châm ngôn 4:23 hãy “Canh giữ tấm lòng hơn hết,” bạn thực hiện các bước nào hôm nay để bảo vệ tấm lòng bạn? Có “thức ăn tạp” nào trong khẩu phần ăn của bạn cần loại bỏ hay thay thế không?