CHƯƠNG MỘT: LỜI MỜI GỌI CAO CẢ NHẤT MỌI THỜI ĐẠI

Gần Gũi Chúa

Đăng vào: 3 tuần trước

.

CHƯƠNG MỘT

LỜI MỜI GỌI CAO CẢ NHẤT MỌI THỜI ĐẠI

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em.”

Giacơ 4:8

Có lời kêu gọi, không chỉ thế, lời kêu gào từ tấm lòng Chúa và mỗi ngày trôi qua thì lời này càng tha thiết hơn: “Sao con thấy thỏa mãn mà không có sự hiện diện của Ta; sao con mãi sống xa cách Ta khi mà con có thể sống gần gũi Ta?”

Tất cả chúng ta đều có những người bạn hay người thân mà chúng ta ngưỡng mộ và muốn gần gũi họ. Họ chiếm giữ một nơi đặc biệt trong lòng chúng ta, và việc để thì giờ với họ là một vinh dự, đặc biệt khi được họ mời. Lời đề nghị để gặp gỡ họ sẽ làm cho chúng ta tràn ngập lòng mong đợi, niềm vui sướng và sự phấn khởi. Chúng ta vui vẻ làm bất cứ điều gì cần thiết để lên lịch và đồng ý lời đề nghị của họ.

Trong sách Gia-cơ chúng ta thấy lời mời gọi cao cả thiêng liêng nhất đã từng đưa ra, “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em” (4:8). Hãy dừng lại một lát và suy gẫm điều này: Đấng Tạo Hóa vũ trụ, quả đất và tất cả cư dân trên đất, đề nghị sự có mặt của bạn. Không chỉ sự có mặt của bạn mà Ngài còn ước ao gần gũi bạn, vì chúng ta được bảo, “Ngài là Đức Chúa Trời rất tha thiết về mối quan hệ với bạn.” (Xuất 34:12).

Đây là ước ao cháy bỏng của Ngài. Ngài là Đấng đã đưa ra lời mời gọi, vì Ngài khát khao bày tỏ cho con cái Ngài. Kể từ khi con người sa ngã thì phải mất đến hàng ngàn năm, lên kế hoạch chuẩn bị và trả một cái giá rất đắt để dọn đường cho một mối quan hệ gần gũi như thế. Giăng, một trong những người thân cận của Chúa Giê-su, đã trình bày,

Chưa ai trông thấy Đức Chúa Trời bao giờ, chỉ Con Một Đức Chúa Trời ở tận trong lòng Cha mới giải bày được Đức Chúa Trời cho chúng ta. (Giăng 1:18)

A-đam biết Chúa một cách thoải mái; nhưng do tội lỗi hay do không vâng lời nên ông bị phân cách khỏi sự hiện diện vinh hiển của Chúa, và số phận của ông đã ảnh hưởng đến cả nhân loại. Con người, cả nam lẫn nữ, đều không thể thấy hay biết Chúa như A-đam đã từng biết. Tuy vậy, Chúa Cha rất tha thiết ước ao và đầy lòng thương xót để cứu chuộc mối thông công của chúng ta khỏi sự phân cách kinh khiếp như thế. Để đáp lời điều đó Ngài đã sai Chúa Giê-su, Đấng đã từng ở với Cha ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời hiện thân trong xác thịt, để trả giá nhằm giải thoát chúng ta khỏi bóng tối và làm hòa chúng ta với Đức Chúa Trời, nếu chúng ta tiếp nhận Ngài làm Chúa chúng ta.

Tuy nhiên, sự tái hợp này giữa Đức Chúa Trời và con người đã không được giảng dạy hoặc chưa được kinh nghiệm ở mức đầy trọn nhất. Chúng ta có nhấn mạnh đến sự tự do khỏi tội lỗi và sự chết, nhưng lại bỏ qua không công bố mối thông công thân mật đang chờ đợi tất cả những ai đã được Chúa giải thoát. Sự bỏ lơ này phải trả giá và thậm chí gây tai hại, vì rất nhiều người đánh mất vẻ đẹp của việc biết Chúa cách thân mật. Nét tương tự về thảm kịch này được thấy rõ trong Cựu ước liên hệ đến con cháu của Áp-ra-ham.

HAI ĐỘNG CƠ HOÀN TOÀN KHÁC NHAU

Tôi luôn ngạc nhiên bởi sự trái ngược về thái độ và lối hành xử của Môi-se và dân sự của ông, tức dân Y-sơ-ra-ên. Sách Xuất Hành bắt đầu với con cháu Áp-ra-ham chịu cảnh nô lệ hà khắc. Họ đã ở Ai-cập gần 400 năm. Lúc đầu họ được hưởng hồng ân, nhưng chẳng mấy chốc họ bị bắt làm nô lệ và bị đối xử tàn bạo. Trong lúc khốn khổ họ bắt đầu kêu cầu Chúa giải cứu họ.

Chúa cảm động bởi lời cầu nguyện của họ và sai một người giải cứu có tên Môi-se. Dù sinh ra là một Do Thái, ông trốn thoát khỏi ách nô lệ và được trưởng dưỡng làm cháu trai của vua Pha-ra-ôn ngay trong gia đình hoàng gia. Là một hoàng tử Ai-cập, ông cảm động bởi cảnh anh em ông chịu cảnh áp bức nhưng ông phải chạy trốn để cứu mạng ông để sống trong sa mạc rồi nhiều năm sau đó ông trở về giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ bởi Lời Chúa và quyền năng của Chúa.

Sự giải cứu của Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ Ai-cập tương đương với sự giải cứu của chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ai-cập tượng trưng cho hệ thống thế gian cũng như Y-sơ-ra-ên là hình bóng về hội thánh. Khi chúng ta được tái sanh, chúng ta được tự do khỏi hệ thống tàn bạo và áp bức của thế gian.

Thật không khó để tưởng tượng thể nào dân Y-sơ-ra-ên đã bị dân Ai-cập lạm dụng tàn bạo. Những ngọn roi của các đốc công của vua Pha-ra-ôn găm sâu trên lưng họ; nhà của họ là những khu ổ chuột và họ ăn những thức ăn thừa thải. Họ không có hy vọng nào về một cơ ngơi khi họ bị bắt làm nô lệ để xây dựng sự phồn thịnh cho các đốc công Ai-cập. Họ than khóc khi hàng ngàn đứa trẻ bị giết chết bởi lệnh truyền của vua Pha-ra-ôn.

Dù họ chịu tất cả sự tàn khốc này nhưng họ cũng quên rất nhanh. Vì sau khi họ được giải thoát khỏi Ai-cập, mỗi khi sự việc tồi tệ xảy ra họ lại hối tiếc vì ra khỏi Ai-cập và chế nhạo lời kêu xin để được giải cứu với những lời than van như “chúng tôi thà quay về Ai-cập.” Thậm chí họ cả gan đề nghị, “Nào ta hãy chọn một người lãnh đạo rồi trở lại Ai-cập” (Dân 14:4).

Nhưng Môi-se thì không phải vậy; ông là người duy nhất được hưởng những điều kiện tốt đẹp hơn ở Ai-cập; thật ra, không ai ở đời này so với ông được lúc đó. Ông được nuôi dạy bởi những người giàu có nhất trên đất, sống trong điều kiện tốt nhất, ăn những thức ăn ngon nhất, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, và được đào tạo bởi những nền giáo dục xuất chúng nhất. Các đầy tớ chăm lo mọi nhu cầu của ông và được hứa hẹn về một gia tài kết xù. Ông đã sẵn sàng bỏ mọi thứ phía sau và không giống như dân Y-sơ-ra-ên, ông không bao giờ nhìn lại hay mong chờ những gì đã bỏ lại sau.

Sự khác biệt là gì? Câu trả lời là Môi-se đã gặp gỡ Chúa. Ông thấy ngọn lửa và đến gần. Ông gặp gỡ Đức Chúa Trời hằng sống tại bụi gai cháy ở Si-nai; nhưng dân Y-sơ-ra-ên thì không! Khi Chúa gọi ông thì ông đến gần. Sau này khi dân Y-sơ-ra-ên được nghe lời mời gọi tuyệt vời hơn, nhưng họ khướt từ (xem Xuất hành 20:18-21).

Tôi thường hỏi hội chúng, “Môi-se đem dân Y-sơ-ra-ên đến đâu khi họ rời Ai-cập? Phản ứng thông thường là “xứ hứa.” Nhưng điều đó chưa đúng. Ông tiến về núi Hô-rết hay Si-nai. Hãy nhớ Lời Chúa nói với Pha-ra-ôn, qua Môi-se, “Hãy để cho dân Ta đi, để họ thờ phượng Ta tại sa mạc” (Xuất 7:16). Không phải “Hãy để cho dân Ta đi để họ thừa hưởng xứ hứa.” Tại sao Môi-se đem họ đến xứ hứa trước khi giới thiệu họ cho Đấng ban lời hứa – ước ao của mọi thời đại? Nếu ông trước hết đem họ đến xứ hứa họ kết cuộc sẽ yêu thích những lời hứa hơn là Đấng ban lời hứa, chính là Đức Chúa Trời. Môi-se không thể chờ lâu đến chính nơi mà ông đã gặp gỡ Chúa.

Xét ở mức độ rộng lớn hơn, chúng ta đã làm việc này trong các hội thánh chúng ta; chúng ta đã giảng về những gì Chúa Giê-su sẽ làm cho chúng ta hơn là Ngài thật sự là Ai. Kết quả là chúng ta đào tạo ra những người phục vụ Chúa chủ yếu để nhận phước hơn là đáp ứng vui vẻ với việc Ngài là ai. Chuyện này được ví sánh với chuyện một phụ nữ lấy một người đàn ông vì tiền; động cơ của cô ta không phải là biết chồng mình vì anh ta là ai, mà vì những gì anh ta làm cho cô ta. Cô ta có thể yêu anh ta chút chút, nhưng hoàn toàn là vì những lý do sai trật.

Những người nhấn mạnh các phước lành của Chúa mà bỏ qua mối quan hệ với Ngài sẽ đào tạo ra các môn đồ chỉ đến với Chúa để nhận thứ gì đó, thay vì thành những người đáp ứng lại với Đấng vì Ngài là ai. Ngài không giống ai khác và không ai sánh với kỳ quan của Ngài. Một khi gặp gỡ Chúa, như Môise kinh nghiệm, các lời hứa sẽ trở về đúng vị trí của nó. Ngài tuyệt vời hơn bất cứ thứ gì khác – kể cả các phúc lành của Ngài.

Mục đích chính của Chúa khi giải cứu Y-sơ-ra-ên để họ có thể biết và yêu mến Ngài. Ngài ước ao tỏ bày chính Ngài cho họ. Ngài phán, “Ta mang các ngươi trên cánh đại bàng và đem các ngươi đến với chính Ta” (Xuất 19:4). Nhưng họ đánh mất định mệnh của họ.

Lòng mong ước của Chúa muốn gần gũi với dân sự Ngài không hề giảm thiểu hay thay đổi, vì chính ước ao này được bày tỏ liên tục trong Lời Ngài, và được phản chiếu trong lời cầu nguyện tha thiết của Phao-lô,

Vì tôi luôn cầu nguyện với Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-su, Cha vinh hiển, nguyện Ngài ban cho anh em linh khôn ngoan và khải thị [cái nhìn về những sự mầu nhiệm và những bí mật] trong sự hiểu biết [sâu nhiệm và gần gũi] về Ngài. (Êph 1:17- theo bản dịch AMP)

Ngài đã bày tỏ lòng mong muốn của Ngài. Chúa ước ao con cái thật của Ngài biết Ngài cách sâu nhiệm và thân mật! Ôi, điều này có làm bạn phấn khích không? Nếu không, hãy suy nghĩ một lát và cho phép sự suy gẫm đó làm bạn tràn ngập niềm hân hoan.

Chúng ta phục vụ một Đức Chúa Trời hằng sống, là Cha Thiên Thượng có một tấm lòng đau xót đối với con cái Ngài. Ngài là một Đấng Truyền Thông, Đấng ước ao sự tương tác. Phao-lô chỉ ra ngay điều này cho các tín hữu đang vật vả trong hội thánh: “Anh chị em biết rằng khi anh chị em còn là người ngoại đạo, thế nào anh chị em đã bị lôi cuốn vào việc thờ cúng các thần tượng câm.” (1Cô 12:2-3). Từ lời khích lệ của Phao-lô chúng ta thấy một trong những đặc điểm khiến Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, khác biệt với các thần giả và hình tượng câm – Ngài phán thật!

‘’TẤP VÀO LỀ”

Mới đây đang khi chạy xe, Thánh Linh phán với lòng tôi, “Ta có điều này để nói với con. Hãy tấp vào lề.”

Tôi đã học khi Chúa bảo tôi làm điều gì đó, tôi liền vâng theo, dù lúc đó chuyện đó có vẻ nhỏ nhặt hay bất tiện. Há chẳng phải Môi-se đang chăn bầy chiên của ông gia khi Chúa lôi cuốn sự chú ý của ông (có nhiều cách khác mà Chúa lôi cuốn sự chú ý của chúng ta)? Chúa hiện đến bụi gai và khiến nó cháy mà không tàn.

Chúng ta đọc cách Môi-se tự nhủ, “Giờ mình hãy quay lại xem thử” (Xuất 3:3). Từ ngữ quay lại đến từ một từ Hê-bơ-rơ cuwr. James Strong, một chuyên gia về ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh, định nghĩa những từ này là “quay khỏi.” Môi-se chủ ý bỏ những việc ông đang làm để đáp ứng với Đấng Thánh đang vẫy gọi ông.

Một khi ông đáp ứng, chúng ta đọc, “Khi Chúa thấy ông quay sang . . . Chúa kêu gọi ông từ giữa bụi gai và phán, ‘Hỡi Môi-se, Môi-se!’”

Chờ cho tới khi Môi-se quay sang thì Ngài đuổi theo ông bằng cách gọi tên ông. Tôi tin Chúa chắc sẽ không đi xa hơn nếu Môi-se không đáp ứng gì. Chúa không gọi ông khi ông đang chăn bầy cho ông Giê-trô; lúc đó chưa phải là thời điểm thích hợp. Chuyện gì xảy ra nếu Môi-se tự nhủ, Nếu mình xao lãng không chăn bầy chiên thì chúng sẽ tản lạc khắp nơi và sẽ mất nhiều giờ, thậm chí cả ngày, để gom chúng lại. Mình sẽ kiểm tra hiện tượng này sau khi mình cho chiên vô ràn và như thế sẽ làm không làm gián đoạn cả một ngày của mình. Liệu kết quả sẽ giống như chúng ta đọc không?

Một số người lý luận Chúa đáng lý làm điều gì đó ngoạn mục hơn, nhưng điều này có hợp với bản chất của Ngài không? Hãy xem Sa-mu-ên, khi còn là một thanh niên cậu phục vụ thầy thượng tế Hê- li và các con của ông (xem 1Sam 3). Một tối nọ cậu nằm xuống và nghe tiếng nói mời gọi, “Hỡi Sa-mu-ên, Sa-mu-ên!”

Sa-mu-ên chạy đến Hê-li và nói, “Có con đây, vì ông gọi con.”

Hê-li trả lời, “Ta không gọi con, hãy về ngủ đi.”

Sa-mu-ên một lần nữa nghe tên mình gọi hai lần và chạy đến thầy tế lễ cũng chỉ nhận cùng một câu trả lời. Chuyện này xảy ra ba lần và cuối cùng thầy tế lễ hiểu vấn đề và bảo cậu bé cách trả lời. Lần thứ tư cậu nghe, “Sa-mu-ên ơi, Sa-mu-ên ơi!” Cậu biết cách trả lời, “Xin hãy nói, vì tôi tớ Ngài đang nghe.” Sau đó Chúa phán và tỏ cho cậu ý muốn và sự mầu nhiệm sẽ được tỏ bày.

Chúa đáng lẽ có thể làm điều gì đó khác. Có lẽ lần thứ hai khi Ngài thấy Sa-mu-ên không để ý Ngài chắc có lẽ đã phán, “Hỡi Sa-mu-ên, đừng chạy đến Hê-li, chính Ta, là Chúa, Đức Chúa Trời của ngươi, Đấng đang gọi ngươi và Ta muốn nói với ngươi.” Nhưng có phải đây là cách của Ngài? Ngài ước ao được khao khát và được nhận biết, cũng như được gần gũi. Ngài mong mõi những ai chuyên cần trong tâm linh, là kẻ tìm kiếm và theo đuổi, ngay cả nó cũng cần sự kiên trì lớn.

Hãy xem các sách tin lành chúng ta cũng thấy mô hình tương tự. Chúa Giê-su đã nuôi hết năm ngàn người bằng năm bánh và hai cá. Ngài bảo các môn đồ hãy lên thuyền và đi trước Ngài qua bờ bên kia. Ngài lên núi để thì giờ với Cha Ngài. Ngay tối hôm đó các môn đồ vẫn còn chèo chống với gió bão từ biển cả khi chúng ta đọc,

Đến canh tư đêm ấy Ngài [Chúa Giê-su] đến với họ, đi trên mặt nước và tính đi qua khỏi họ. (Mác 6:48)

Để ý những lời: “tính đi qua khỏi họ.” Bản dịch tiếng Anh dịch, “và Ngài dự tính đi qua khỏi họ luôn.” Tuy nhiên, khi họ thấy Ngài, họ kêu lên và Ngài trả lời, “Hãy vui mừng lên! Ta đây; đừng sợ.” Ngài vào trong thuyền thì sóng gió dừng lại. Nếu họ không kêu cầu, Ngài chắc có lẽ đi tiếp. Ngài sẽ đi qua, nhưng nếu họ không kêu cầu Ngài chắc sẽ không buộc mình đi với họ.

Dường như đó là cách thức của Chúa, tức là đi một bước đến với chúng ta, và nếu chúng ta đáp ứng, Ngài đi bước nữa và đến gần hơn. Nếu chúng ta không đáp ứng, Ngài không áp đặt đường lối của Ngài hay can thiệp trực tiếp vào chúng ta. Ai biết, nếu Môi-se đã không quay sang, thì Chúa chắc cùng phải chờ như Ngài đã làm trong trường hợp của Sa-mu-ên, và như Chúa Giê-su đã làm với các môn đồ? Ngài thường chờ đợi cho đến khi chúng ta đói khát đủ để đáp ứng.

Trở lại kinh nghiệm lúc tôi lái xe, chuyện gì xảy ra nếu tôi không tấp vô lề khi Ngài phán? Liệu tôi có bỏ lỡ sự gặp gỡ Ngài? Tôi nghĩ có những lúc tôi cũng đã bỏ lỡ, nhưng khi chuyện đó xảy ra, gần bên đường xa lộ có một trạm dừng chân. Lúc tôi tấp vào lề tôi nghe Thánh Linh thì thầm với lòng tôi, “Ta há không phán với con, ‘hãy cầu nguyện không thôi?’” (1Tê 5:17).

Tôi trả lời, “Dạ phải Chúa, Ngài có phán vậy.”

Ngài hỏi thêm, “Có phải cầu nguyện là độc thoại hay đối thoại?”

Tôi trả lời, “Dạ đối thoại Chúa, cuộc nói chuyện hai chiều.”

Lời Ngài đến ngay, “Thế thì nếu Ta nói cầu nguyện không thôi thì điều đó có nghĩa là Ta muốn thông công với con liên tục!”

Khỏi phải nói tôi rất phấn khởi. Tôi nhận ra cơ hội tuyệt vời mà Chúa ban cho tôi và cơ hội này không chỉ trao chỉ cho tôi mà cho mỗi một con cái của Chúa.

Giờ bạn có thể hỏi: Ông có ý muốn nói Chúa nói không ngừng nghỉ sao? Đó không phải là điều Ngài phán với lòng tôi. Ngài nói Ngài muốn trò chuyện liên tục thôi. Lời Chúa chỉ là một trong nhiều hình thức khác nhau của sự truyền thông. Vợ tôi chỉ liếc mắt thì tôi biết cô ta muốn nói gì dù không nói một lời nào, và đôi khi mất cả ba trang giấy mới viết ra hết những gì vợ tôi muốn nói qua một cái liếc mắt đó. Tại sao? Tôi đã sống với vợ tôi hơn hai mươi năm và học biết hết các hành vi và cử chỉ mà vợ tôi muốn nói tới. Bạn có thể ở cùng một căn phòng nhưng cái nhìn đó không ý nghĩa gì đối với bạn. Tại sao? Vì bạn không biết vợ tôi như tôi biết cô ta. Thật ra, vài năm đầu chúng tôi lấy nhau tôi không thể hiểu ý vợ tôi muốn nói gì. Bây giờ sau hai mươi mốt năm sống với cô ta tôi học được một ít về cách vợ tôi nói chuyện.

LỜI KÊU GỌI HÃY GẦN GŨI

Điều quan trọng bạn cần biết là cuốn sách này không phải là cuốn cẩm nang “làm thế nào,” mà nó được ví sánh như bản đồ hay cuốn sách hướng dẫn đích đến cuối cùng của chúng ta – tấm lòng của Chúa. Nếu tôi có thể có được cái bản đồ chỉ chỗ cất kho báu ở một hòn đảo hoang nào đó thì cũng chẳng ích gì cho tới khi đích thân tôi phải đi tới hòn đảo đó và làm quen với đường xá, dốc đèo và thung lũng dẫn đến kho báu đó. Chắc hẳn tôi phải trả giá, phải đổ mồ hôi và dồn hết nỗ lực. Bản đồ chỉ cho tôi biết đường đi và giúp tôi không phí thời gian cho những nỗ lực và khai quật vô ích, cũng như bảo vệ tôi khỏi những hố sâu dọc đường. Cuốn sách này giống như cái bản đồ đó; nó là lời mời gọi để bạn cùng với tôi trên hành trình tuyệt vời và lý thú này – hành trình đến tấm lòng của Chúa. Lời Chúa trong các trang sách này sẽ giữ bạn khỏi những hố sâu, những cạm bẫy và những mối nguy mà làm cho bạn bị chệch hướng. Nó sẽ giữ bạn khỏi những rắc rối không cần thiết và khỏi tiêu hao năng lực vô ích.

Vậy nếu bạn sẵn sàng, nào ta hãy bắt đầu!

CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

    1. Biến cố hay kinh nghiệm nào trong đời sống bạn khơi dậy ước ao đọc sách này?
    2. Hãy xem những ví dụ về lời mời gọi của Chúa để gần gũi Ngài:
      • Môi-se thấy bụi gai cháy và quay sang để tìm hiểu. Khi làm vậy, Chúa kêu gọi ông.
      • Chàng trai trẻ Sa-mu-ên nghe một tiếng nói 4 lần trước khi cậu có thể trả lời, “Xin hãy phán, tôi tớ Ngài đang nghe.”
      • Khi các môn đồ thấy Chúa Giê-su đi trên mặt nước – Ngài như thể muốn đi qua họ – họ kêu lên.

Ví dụ nào trong các ví dụ này mô tả rõ nhất lời mời gọi của Chúa dành cho bạn? Bạn có đáp ứng không? Nếu có, bản chất của sự đáp ứng của bạn là gì?

  1. Khi bạn suy niệm việc cầu nguyện là cuộc đối thoại, cuộc nói chuyện hai chiều, điều gì Chúa đang nói chuyện với bạn, cả bằng lời lẫn không bằng lời?