CHƯƠNG BỐN: KHAO KHÁT SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA

Gần Gũi Chúa

Đăng vào: 9 tháng trước

.

CHƯƠNG BỐN

KHAO KHÁT SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA

Chúng ta sẽ nghe được Lời Chúa phán khi chúng ta ở trong sự hiện diện của Ngài.

Trên hai mươi năm trong chức vụ tôi đã đi lại tất cả châu lục, ngoại trừ Bắc cực, giảng dạy Lời Chúa trong các hội thánh lẫn trong các hội nghị. Tôi có đặc ân phục vụ trong ban nhân sự hội thánh tổng cộng bảy năm trước khi đi lại hầu việc Chúa trọn thời gian. Suốt thời gian này tôi phát hiện ra hai nhóm chính trong hội thánh, và quan điểm khác biệt của họ rất sâu khi ngày Chúa tái lâm đến gần. Nhóm thứ nhất là những người tìm kiếm Chúa về những gì Ngài có thể làm; trong khi đó nhóm thứ hai tìm kiếm Ngài vì Ngài là ai.

ĐỘNG CƠ CỐT LÕI CỦA Y-SƠ-RA-ÊN

Sự tương phản này được thấy nơi Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta hãy khám phá chân lý này sâu hơn. Dân Y-sơ-ra-ên tha thiết ước ao thoát khỏi sự áp bức và kêu cầu Chúa, nhận biết Ngài là Đấng giải cứu của họ. Con cháu của Áp-ra-ham có thể được sánh với nhóm người mà tìm kiếm Ngài về những gì Ngài có thể làm. Có những người trong hội thánh không muốn sự nô lệ đi kèm với hệ thống thế gian,’ tuy nhiên họ vẫn không biết mình bị nô lệ. Họ xưng nhận Chúa Giê-su là Chúa và ngửa trông sự giải cứu và sự cung ứng của Ngài. Nhưng, cũng giống như dân Y-sơ-ra-ên, tấm lòng họ được phơi bày qua những ước ao, hành động và tinh thần thế gian của họ.

Suốt hàng trăm năm dân Y-sơ-ra-ên đã khóc xin Chúa giải cứu. Sau đó Chúa hiện ra với Môi-se và bảo ông này là thời điểm và phán bảo ông hãy thực thi. Trước khi gặp vua Pha-ra-ôn, Môi-se gặp các trưởng lão của dân Y-sơ-ra-ên và công bố lời hứa giải thoát của Đức Chúa Trời. Khi nghe tin tức tốt lành này, “Dân chúng tin.” Khi nghe rằng Đức Giê-hô-va đã thăm viếng dân Y-sơ-ra-ên cũng như đã thấy cảnh khổ đau của họ, thì họ cúi đầu thờ lạy. (Xuất 4:31).

Hãy tưởng tượng cảm xúc của việc nhóm hiệp này! Suốt cả đời họ những lãnh đạo này đã nghe về người giải cứu Chúa sai đến trong tương lai. Hy vọng về một xứ tự do, xứ đầy sữa và mật đã được tổ phụ của họ truyền lại. Họ quan sát khi các trưởng lão của họ sống và chết nhưng chưa hề thấy điều đó. Những lãnh đạo này đã vật lộn với cùng một câu hỏi: Liệu chúng ta sẽ chứng kiến điều này trong quãng đời chúng ta hay sẽ chết trước khi thấy lời hứa này ứng nghiệm? Bây giờ họ đang gặp một vị hoàng tử trước đây của Ai-cập, một lãnh đạo được đào tạo, một người có sự xác chứng lạ lùng về cánh tay của Chúa trên người này. Chính con người mà đáng lý sẽ cai trị họ bây giờ là người giải cứu họ. Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm một việc lạ lùng như thế! Lòng họ tràn ngập lòng tôn kính và niềm vui. Họ không làm gì hết ngoại trừ ngợi khen Chúa trong sự thờ phượng và tạ ơn.

Môi-se rời khỏi họ và gặp vua Pha-ra-ôn. Nhưng lãnh đạo của Ai-cập không thấy được cảm động với những lời phóng thích của Chúa. Vua chế nhạo Môise và con cháu Áp-ra-ham và gia tăng hà khắc bằng những gánh nặng khó mang. Bây giờ mọi thứ bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Cùng những lãnh đạo phản đối và hà khắc với Môi-se. Quên mất trước đó họ đã thờ phượng Chúa; giờ họ đâm ra quá nản lòng và thất vọng với Môi-se nên họ xin Chúa xét xử Môi-se (xem Xuất 5:21)

Nhưng một thời gian sau đó Đức Chúa Trời bởi lòng thương xót vẫn giải cứu họ bằng những dấu lạ và phép lạ. Khi vua Pha-ra-ôn cuối cùng ra sắc lệnh, lại có một sự thay đổi ngoạn mục trong thái độ. Họ tràn đầy niềm vui và ra đi với vinh quang và phước lành lớn lao. Hãy tưởng tượng bầu không khí được phóng thích khi họ nhảy múa đi ra khỏi Ai-cập vì lòng tốt và thành tín của Đức Chúa Trời. Họ không chỉ được tự do, mà còn vô số của cải vàng bạc đổ trên họ, cũng như họ nhận được sức khỏe và năng lực khi họ ăn Lễ Vượt Qua. Những người nô lệ trước đây không chỉ biết ơn Chúa mà lòng tin tưởng của họ nơi Môi-se dâng lên tột đỉnh.

Một khi ra khỏi Ai-cập, Chúa chỉ dẫn Môi-se dẫn dắt họ đến bên bờ biển Đỏ; họ nhìn lại và nhận ra Pha-ra-ôn đang đuổi theo họ. Lại có một sự thay đổi lớn về thái độ. Họ than phiền cách cay đắng và trách móc Môi-se, “Ở Ai Cập không đủ mồ chôn hay sao mà ông đem chúng tôi vào chết trong hoang mạc nầy? Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì chứ? Chẳng phải chúng tôi đã nói với ông tại Ai Cập rằng: ‘Mặc kệ chúng tôi, cứ để chúng tôi phục dịch dân Ai Cập’ đó sao? Vì thà phục dịch họ còn hơn phải chết trong hoang mạc!” (Xuất 14:11-12). Tại Ai-cập khi hoàn cảnh không thuận lợi họ than phiền với Môi-se, hãy để họ yên; bây giờ họ lại bất bình với người lãnh đạo bất lực và lặp lại lời than phiền. Họ nghĩ họ than phiền Môi-se và A-rôn, nhưng Môi-se bảo họ, “Các ngươi không phải than phiền chúng tôi mà than phiền với Chúa” (Xuất 16:8). Lòng ham muốn của họ về những gì có lợi cho họ đã lấn át sự ước ao làm thành ý muốn của Chúa. Để ý những lời thà tốt hơn cho chúng tôi. Họ thiếu đi lòng khát khao cháy bỏng về tấm lòng của Chúa, nhưng bị thôi thúc bởi sự ham mến chính sự sống của họ.

Một lần nữa Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót khi Ngài rẽ biển Đỏ và đem họ đi qua như trên đất khô. Sau đó chỉ một lần nhấn chìm, Chúa chôn vùi một đạo quân hùng mạnh nhất trên đất và là kẻ áp bức dân Y-sơ-ra-ên trên bốn trăm năm. Giờ thì họ vô cùng phấn khởi! Họ vui mừng và nhảy múa trước mặt Chúa. Chúng ta đọc, “Bấy giờ, nữ tiên tri-Mi-ri-am, chị của A-rôn, tay cầm trống cơm, và tất cả phụ nữ đi theo bà đều cầm trống cơm nhảy múa” (Xuất 15:20). Bạn có thể tưởng tượng khoảng tầm tám trăm ngàn đến một triệu phụ nữ nhảy múa và đánh trống không? Chà, thật là một buổi ngợi khen tuyệt vời! Họ chưa hề nếm biết một niềm vui như thế. Nhưng việc này không có lâu khi nước uống khan hiếm ba ngày sau đó. Một lần nữa họ lại than phiền và Chúa lại cung ứng cho họ.

Vài ngày trôi qua và bây giờ vấn đề là thức ăn. Họ than van, “Ước gì chúng tôi chết bởi tay Đức Giê-hô-va trong đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh no nê! Nhưng hai ông lại dẫn chúng tôi vào trong hoang mạc nầy để cả đoàn dân phải chết đói.” (Xuất 16:3).

Bạn có thấy hành vi lặp lại của họ không? Họ sung sướng và biết ơn bao lâu Chúa làm điều họ muốn khi họ muốn có nó và không vui khi nào mà Chúa không làm điều họ muốn khi họ muốn nó. Động cơ sâu sa của họ được thấy rõ qua hành vi và những lời họ nói khi bị áp lực; tất cả chỉ chú tâm vào họ. Họ đặt những ham muốn của họ trên tấm lòng hay sự hiện diện của Ngài.

ĐỘNG CƠ SÂU XA CỦA MÔI-SE

Vòng lẩn quẩn này được lặp đi lặp lại cho đến khi Đức Chúa Trời chán ngán. Ngài bảo Môi-se:

Con và dân chúng mà con đã dẫn ra khỏi đất Ai Cập hãy rời khỏi nơi nầy và đi lên đất mà Ta đã thề với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, rằng: ‘Ta sẽ ban đất nầy cho dòng dõi con.’ Ta sẽ sai một thiên sứ đi trước con, và sẽ đuổi dân Ca-na-an, dân A-mô-rít, dân Hê-tít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít và dân Giê-bu-sít, để đưa các con vào một vùng đất đượm sữa và mật; nhưng Ta sẽ không cùng lên với các con đâu, vì các con là một dân tộc cứng cổ, e rằng Ta sẽ tiêu diệt các con dọc đường chăng. (Xuất hành 33:1-3)

Chúa bảo Môi-se rằng ông có thể dẫn dân này vào xứ hứa, mà họ đã chờ đợi rất lâu, và Ngài sai một thiên sứ đặc biệt ở với họ để đánh đuổi kẻ thù để đảm bảo xứ thuộc về họ; tuy nhiên, Ngài (sự hiện diện của Ngài) sẽ không đi với họ!

Thật tốt là Chúa nói điều này cho Môi-se, vì nếu Ngài hứa ban điều này cho dân Y-sơ-ra-ên họ chắc có lẽ vui vẻ chấp nhận, rồi ăn tiệc, khăn gói và ra đi! Tại sao tôi nói vậy? Hãy suy nghĩ về điều đó – nếu họ sẵn sàng trở lại Ai-cập mà không có thiên sứ hay Đức Chúa Trời đi cùng, mà chỉ để trốn thoát những bất tiện của sa mạc, tôi đoan chắc họ sẽ nhận xứ hứa có thiên sứ. Nhưng hãy nghe câu trả lời của Môi-se đối với lời trao ban của Chúa:

Nếu chính Ngài không cùng đi, xin đừng đem chúng con lên khỏi đây. (Xuất hành 33:15)

Chúng ta phải tự nhắc mình “khỏi đây” là khỏi nơi nào. Nó là sa mạc; một nơi khó khăn; một xứ không tiện nghi hay nhàn hạ! Không có dư dã, chỉ đủ ăn đủ mặc mà thôi, và thậm chí việc này được thực hiện cách siêu nhiên. Không có vườn cây, không có sông suối hay an toàn trong xứ này. Không nhà cửa, không sông rạch, không vườn nho, không đồng ruộng hay cây ăn trái. Không có mua sắm, không chỗ nghỉ ngơi hay không có nơi giải trí. (Trừ khi bạn thích xem người thân của mình bị rắn cắn.) Bạn bị vây quanh bởi sự khô cằn và trần trụi. Không có gì đẹp đẽ tại nơi này, nhưng Môi-se tuyên bố, “Con thà có sự hiện diện của Ngài trong một nơi khó khăn và bất tiện hơn là trong một xứ dư dật và đẹp đẽ mà thiếu vắng sự hiện diện của Ngài!”

Lời kêu xin tận đáy lòng của ông là gì? Sự hiện diện của Chúa! Ông ước ao chính Chúa hơn là các phúc lành Ngài hứa. Ông coi trọng sự gần gũi Chúa trên bất kỳ của cải nào Chúa cung ứng. Điều này khiến Môi-se khác với dân Y-sơ-ra-ên. Họ tìm kiếm Chúa về những gì Ngài đã làm trong khi Môi-se tìm kiếm Chúa vì Ngài là ai! Động cơ thúc đẩy này tách biệt các tín đồ thành hai nhóm ngày nay. Sự phân chia này vượt qua lằn ranh giáo phái. Có những người không biết rằng họ có thể tìm kiếm Chúa nhiều hơn là sự bảo vệ, sự cung ứng và sự đề bạt của Ngài; họ sẽ ôm ấp Ngài vì Ngài là ai và biết Ngài cách thân mật. Chuyện này khác với việc một phụ nữ lấy chồng vì tiền? Cô ta không cưới chồng vì anh ta là ai, mà trái lại vì những gì anh ta có thể làm cho cô ta. Trong sự kết hợp này cả hai đều trật mục đích, vì sự thân mật không được nuôi dưỡng trong mãnh đất với động cơ như thế.

PHẦN THƯỞNG

Tôi đã đến thăm một số nơi tuyệt vời trên thế giới và đã thấy những ngôi nhà và tòa nhà lộng lẫy mà không nghĩa lý gì đối với tôi vì nó thiếu vắng sự hiện diện của Chúa. Tôi cũng đã tới những nơi tồi tàn như các nhà tù, các nước nghèo và tới căn nhà mà không có giá trị gì, nhưng lại đầy dẫy sự hiện diện của Chúa. Tôi nói thật rằng tôi thà ở những nơi khó chịu nơi mà Thánh Linh ngự hơn là ở trong những lâu đài đầy của báu mà thiếu vắng sự hiện diện của Ngài.

Tôi đã vinh dự được chơi quần vợt NCAA, vòng đua USTA, các trận đấu Davis Cup dành cho lứa tuổi thiếu niên và giành được danh hiệu cấp bang. Tôi đã đạt được các giải thưởng học thuật, địa vị xã hội và sự tôn trọng của đồng nghiệp, các nhà lãnh đạo và giám đốc điều hành doanh nghiệp. Tôi đã hẹn hò với các cô gái đẹp và nổi tiếng. Tất cả những điều này tiêu biểu cho những gì mà phần lớn nhiều người không chỉ ước ao mà còn đeo đuổi cả đời. Sự thật thì vinh quang và thú vui của tất cả thứ này không thể chạm đến ba mươi giây trong sự hiện diện của Ngài. Sự so sánh thì không thể được! Hãy nghe Kinh Thánh mô tả Môi-se:

Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, từ bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, thà cùng con dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là hưởng thụ lạc thú chóng qua của tội lỗi. Ông coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quý hơn châu báu Ai Cập, vì ông trông mong sự ban thưởng. Bởi đức tin, ông lìa Ai Cập không sợ vua giận; vì ông kiên trì như thể thấy Đấng không thấy được. (Hê 11:24-27)

Để ý ông chọn chịu khổ. Ông ở trong vị thế khác với dân Y-sơ- ra-ên; họ không có chọn lựa nào. Nhưng họ than phiền còn ông thì không. Bởi tự nguyện ông bỏ lại phía sau những điều quí báu mà thế gian ban tặng, cũng như địa vị cao cả mà một người có được. Tại sao? Ông tìm kiếm một phần thưởng khác. Phần thưởng của ông không phải là xứ hứa, mà chính là lời hứa về sự hiện diện của Chúa. Sau một lần gặp gỡ tại bụi gai, từ đó trở đi điều duy nhất ông muốn là biết Chúa cách thân mật.

Tôi đã giảng cho hàng ngàn người tại các hội nghị và hội thánh; giúp cho hàng triệu người qua truyền hình và sách vở. Chúa đã ban phước cho chúng tôi vượt qua mọi suy tưởng của tôi. Nhưng nếu tôi phải chọn, không chút do dự tôi thà đánh đổi sự thành công mà Ngài đã ban cho để lấy sự hiện diện tỏ bày của Ngài. Không có gì sánh bằng. Để cảm nhận sự gần gũi của Ngài và nghe tiếng Ngài thì thầm về những điều mà lòng tôi chưa hề biết thật lớn lao hơn việc giảng cho vô số người và hơn số sách bán ra hàng triệu. Vinh quang về sự hiện diện của Ngài lớn lao hơn bất cứ thứ gì.

Tim tôi tan nát khi tôi quan sát những mục sư đeo đuổi sự thành công, tin rằng đó là chỗ họ tìm thấy sự thỏa mãn. Để được người khác công nhận và coi trọng là mục tiêu sâu xa của họ. Tôi quan sát những người tìm kiếm ý nghĩa và sự thỏa mãn qua sự thành đạt trong chức vụ đều rơi vào thất vọng và cuối cùng mắc bẫy bóng tối. Họ xây dựng những chức vụ lớn và rồi kết thúc trong đời sống vô luân hay bị mắc bẫy trong sự tham lam trước khi họ nhận ra tất cả đều trống không.

Tôi đã chứng kiến con số lớn hơn chưa hề trải qua sự thành công như người khác nhưng cũng rơi vào kết cuộc bi kịch. Họ bị nản lòng vì họ chưa bao giờ xây dựng được hội thánh trên hai trăm, năm trăm, một ngàn, năm ngàn hay đạt đến mục tiêu mà lòng họ đề ra. Con số sách bán ra của họ không đạt mục tiêu đề ra và họ không được mời giảng cho các hội nghị lớn nơi mà họ muốn giảng. Họ tìm sự thỏa mãn tại nơi mà không được tìm thấy. Việc này chẳng khác gì những người đeo đuổi địa vị và thành đạt ở đời này. Những tín hữu này đánh mất điều mà họ thật sự được tạo dựng cho.

Ngược lại, tôi cũng gặp những người nam, người nữ có chức vụ lớn, đã kinh nghiệm sự thành công, nhưng lòng họ khao khát Chúa hơn nữa. Họ chia sẻ họ vui vẻ dâng tất cả và phục vụ các chức vụ khác hay làm việc gì khác nếu đó là điều Chúa muốn. Phần lớn đều không hề tìm kiếm địa vị mà hiện họ đang nắm giữ rất nhẹ nhàng. Họ nhìn nhận họ biết Chúa đặt họ ở đó và điều duy nhất họ muốn là làm đẹp lòng Ngài. Tôi đã nghe lời kêu cầu thống thiết của họ khi nói chuyện và quan sát hành động của họ; họ giống như Đa-vít đã kinh nghiệm sự thành công lớn lao nhưng gọi mình là người nghèo khổ và thiếu thốn.

Tôi cũng gặp những người có chức vụ nhỏ khi so sánh, nhưng họ sống trong bình an và phước hạnh vì họ biết họ đã làm điều họ được kêu gọi làm. Đam mê của họ không ở con số hay thành công bên ngoài, mà là để biết Chúa càng thân mật hơn và bước đi trong sự hiện diện tỏ bày của Ngài. Điều này phải đúng cho mọi người. Chúng ta thảy đều được tạo dựng cho Chúa và không ai trong chúng ta tìm thấy sự thỏa mãn thật bên ngoài việc biết Ngài và bước đi trong sự hiện diện của Ngài. Đây là chỗ có bình an và sự thỏa mãn thật.

HAI SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA

Tại điểm này chúng ta phải định nghĩa hai sự hiện diện của Chúa được trình bày trong Kinh Thánh; trước hết, có sự toàn tại của Ngài. Đa-vít nói đến điều này khi ông viết, “Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi sự hiện diện của Ngài?” (Thi 139:7). Sự toàn tại mô tả bản thể của Ngài trong mọi nơi. Đa-vít nói tiếp, “Nếu con lên trời, Chúa ở tại đó, nếu con nằm dưới âm phủ, kìa Chúa cũng có ở đó. Nếu con nói: Bóng tối chắc sẽ che khuất con, và ánh sáng chung quanh con trở nên đêm tối,” thì bóng tối ấy cũng không thể che nổi Chúa, ban đêm sẽ sáng như ban ngày, và bóng tối cũng thành ánh sáng đối với Chúa.” (Thi c.8,11-12). Điều này nói đến lời hứa của Chúa không hề lìa hay bỏ chúng ta (Hê 13:5). Dù chúng ta không thể cảm nhận sự hiện diện này, điều đó không phủ nhận bản thể của Ngài ở đó. Chúng ta chỉ không ý thức về điều đó thôi.

Sự hiện diện thứ hai mà Kinh Thánh định nghĩa như là sự hiện diện tỏ bày của Ngài. Từ tỏ bày nghĩa là đem từ cái chưa thấy, chưa nghe đến hay chưa biết đến cái thấy được, nghe được hay biết được. Sự hiện diện tỏ bày của Chúa là điều Môi-se tha thiết ước ao. Đây là khi Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài không chỉ cho tâm linh chúng ta mà đó là khi tâm trí và giác quan chúng ta trở nên ý thức về sự gần gũi của Ngài. Ấy là khi tri thức của Ngài được bày tỏ cho tâm trí chúng ta. Đây là sự hiện diện mà Chúa Giê-su nói đến khi Ngài phán,

“Ta sẽ yêu mến người và bày tỏ chính Ngài cho người.” (Giăng 14:21)

Tác giả Thi thiên đề cập đến điều đó qua việc tuyên bố, “Phước cho dân tộc nào biết được tiếng reo hò trong lễ hội ca ngợi Ngài; Lạy CHÚA, họ sẽ bước đi trong ánh sáng của sự hiện diện Ngài.” (Thi 89:15). Phi-e-rơ khích lệ những kẻ tìm kiếm khao khát vào ngày Lễ Ngũ Tuần, “Vậy anh em hãy ăn năn, quay về Đức Chúa Trời, ngõ hầu tội lỗi của anh em được tẩy sạch, để thời kỳ tươi mới được đến từ Chúa” (Công vụ 3:19).

Đức Chúa Trời có thể bày tỏ sự hiện diện của Ngài trong nhiều cách khác nhau. Trong Kinh Thánh một số người thấy Ngài, số khác nghe tiếng Ngài mà không thấy Ngài, trong khi những người khác cảm nhận sự gần gũi của Ngài và lập tức biết được những điều họ chưa hề biết trước đây nhờ khải thị của Ngài. Nhưng có một điều chắc chắn, khi Ngài đến, bạn biết điều đó, bạn sẽ cảm nhận Ngài trong lòng bạn và biết Ngài ở đó.

TÌM CHÚA HAY BIỂU HIỆN CỦA CHÚA

Tôi đã thấy nhiều người, rất khao khát kinh nghiệm sự hiện diện của Ngài, bị dẫn dụ. Họ tìm kiếm sự biểu hiện thay vì thân vị của Chúa. Đức Chúa Trời đi qua Ê-li và có những biểu hiện lớn lao. Trước hết có một trận gió lốc, nhưng Chúa không có trong gió, rồi đến cơn động đất, nhưng Kinh Thánh nói rõ rằng Ngài không ở trong cơn động đất; rồi có đám lửa, nhưng lần nữa Ngài không có trong đám lửa. Sau đám lửa có một tiếng phán êm dịu; chính lúc đó Ê-li biết cá nhân ông đã gặp gỡ sự hiện diện của Chúa.

Tôi cũng quan sát người ta tìm kiếm những biểu hiện, nghĩ rằng họ tìm thấy Chúa qua sự biểu hiện, thay vì tìm kiếm Chúa trong lòng và đến lượt họ sẽ kinh nghiệm sự hiện diện tỏ bày của Ngài. Thường thì sau khi giảng một sứ điệp được Chúa hà hơi và thuyết phục, lòng tôi kêu gọi người ta tiến lên bục giảng để gặp Chúa. Có những lúc một số người cầu nguyện theo một cách gây bối rối hay làm xao lãng dòng chảy đang hành động. Những người khác cười hay lắc lư hay biểu lộ một số tư thế bên ngoài. Lý do là có lúc họ tìm Chúa và run rẩy, kêu khóc hay cười trong sự hiện diện của Ngài nên giờ họ vô tình làm chính những việc này với hy vọng Chúa sẽ được tìm thấy trong những biểu hiện này, nhưng Ngài không có trong đó. Nhiều lần tôi phải bảo mọi người im lặng và bảo họ không làm gì cả, chỉ im lặng và hướng lòng về Ngài để tìm kiếm thân vị của Chúa Giê-su. Nếu có biểu hiện nào, thì tốt! Nhưng chúng ta không tìm Ngài qua những biểu hiện. Chúng ta phải tìm kiếm chính Chúa!

Tôi nhớ có một buổi nhóm tại Châu Á nơi mà nhiều người đáp ứng lời kêu gọi ăn năn. Không có chỗ để đem họ lên phía trước, nên có nhiều người tại nhà thờ đáp ứng, nên tôi chỉ dẫn họ hãy cầu nguyện và tìm kiếm Ngài ngay tại chỗ họ đứng. Sau lời cầu nguyện tôi khích lệ họ hướng về Chúa ngay tại chỗ họ đứng. Sự hiện diện của Chúa càn quét thính phòng một cách kì diệu. Thật ngạc nhiên để quan sát khi Ngài kiểm soát và bày tỏ chính Ngài. Tôi đã kinh nghiệm điều này nhiều lần nhưng việc này không phải là thông thường. Thường thì bạn có thể cảm nhận Ngài rõ hơn những người xung quanh. Một khi sự hiện diện của Ngài đến, một số người bắt đầu cười, nhưng tôi cảm nhận một nỗi buồn và điều này được xác nhận; nhanh hơn khi Ngài bước vào thính phòng, Ngài lìa khỏi, ngay cả khi người ta tiếp tục cười và to tiếng như thể là Ngài chưa hiện diện.

Tôi phải dừng họ lại và quở họ vì biết rằng họ đang dập tắt những gì xảy ra trong sự hiện diện của Ngài trước đó vài tháng khi một nhà truyền giáo đến thăm nước họ. Chức vụ của nhà truyền giáo mang một sự biểu hiện mạnh mẽ mà nhiều người gọi là “tiếng cười thánh.” Tôi tin rằng có những lúc khi Chúa đến thì người ta bật cười. Thật ra tôi đã kinh nghiệm điều này cách cá nhân cũng như đã thấy trong chính những buổi nhóm của chúng tôi. Lần nọ khi ở tại Indonesia, Thánh Linh Chúa giáng xuống buổi nhóm ngày nọ và suốt hai giờ người thông dịch của tôi và tôi quan sát người ta cười to đến độ họ nằm lăn ra đó. Việc này bắt đầu với năm phụ nữ bắt đầu khóc và sau đó lại cười to làm lan truyền đến cả hội chúng. Họ chưa hề kinh nghiệm điều nào như thế trước đây. Họ đang tìm kiếm Chúa!

Tuy nhiên, chuyện này thì khác. Họ để mắt nơi những biểu hiện thay vì chính Chúa. Họ đi đến kết luận rằng nếu không có biểu hiện tiếng cười nghĩa là không có sự bày tỏ về sự hiện diện của Chúa. Tôi thường ở trong sự hiện diện của Chúa và cảm nhận Ngài cách mạnh mẽ, nhưng không kinh nghiệm biểu hiện nào bên ngoài. Tôi cũng đã ở trong sự hiện diện Ngài và khóc rất nhiều, nhưng tôi nhận đó chỉ là kết qủa của việc tìm kiếm Ngài và bước vào sự hiện diện của Ngài.

Để làm rõ điều này, hãy xem xét ví dụ đơn giản này về việc mặc một chiếc quần. Điều gì sẽ xảy ra nếu sau khi đeo chúng, tôi thò tay ra phía trước móc túi thẳng ra và phát hiện tờ một trăm đô la? Tôi không mặc quần để lấy tiền, nhưng phát hiện ra trong quá trình mặc quần vào, tôi tìm cách để ăn mặc chỉnh tề và khi làm vậy lại nhận được ích lợi và ngạc nhiên là có tiền trong đó. Chúng ta không tìm kiếm sự biểu hiện, nhưng tìm thân vị của Chúa; và bất cứ điều gì khác chỉ là phúc lộc.

Sau khi sửa sai hội chúng tại Châu Á, tôi bảo họ tôi hiểu họ đói khát sự hiện diện của Ngài và cảnh cáo họ không dùng kinh nghiệm đó mà thay thế chính Chúa. Sau lời nhắc nhở này, sự hiện diện của Chúa trở lại cách oai nghi. Lần này nhiều người khóc, không cười nữa, vấn đề là tất cả chúng ta là những người tìm kiếm đều được đụng chạm sâu xa bởi sự hiện diện kì diệu của Ngài, dù chúng ta có khóc hay không.

NHỮNG BIỂU HIỆN SẼ KHÔNG LÀM THOẢ MÃN

Đừng bao giờ quên mana không bao giờ làm thỏa mãn dân Y-sơ- ra-ên. Chúa ban cho họ mana trong sa mạc thực tế là để chỉ cho thấy nhu cầu cấp thiết của họ về điều gì hơn nữa – chính sự hiện diện của Ngài. Môi-se nói,

Phải nhớ rằng trong bốn mươi năm CHÚA, Đức Chúa Trời anh chị em đã dẫn anh chị em băng qua sa mạc; cho anh chị em gặp bao nhiêu gian nan để thử lòng anh chị em, . . . Ngài để cho anh chị em khổ sở vì đói rồi nuôi anh chị em bằng ma-na là thứ anh chị em và tổ tiên chưa hề biết, để dạy cho anh chị em biết rằng người ta sống không phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời từ miệng CHÚA phán ra. (Phục 8:2-3)

Hãy tra xem kỹ từ “ra từ.” Ngài không nói đã ra từ, mà ra từ; đây là thì hiện tại, không phải quá khứ. Lời nói ra được nghe khi chúng ta ở trong sự hiện diện của Ngài! Êli không được tiếp lên trong biểu hiện về việc Chúa đi qua; mà là lúc chờ đợi nghe tiếng êm dịu nhỏ nhẹ của sự hiện diện của Ngài trước khi phản ứng. Tại Châu Á người ta đã bị lôi kéo vào những biểu hiện khi Chúa đi qua trước đó, nhưng Chúa đã đi tiếp. Ngài không còn ở đó nữa. Ngài đã đi đến một điều gì đó mới mẽ, đang khi họ vẫn còn ở phía sau cố gắng tìm Ngài nơi mà Ngài trước đó hiện diện.

Giống như mana không hề làm thỏa mãn dân Y-sơ-ra-ên, nên sự biểu hiện (biểu hiện mana) được ban cho không hề làm thỏa mãn những ước ao sâu thẳm của chúng ta, tự thân nó không phải là cứu cánh. Đeo đuổi nó sẽ dẫn chúng ta xuống con đường thất vọng, cho đến khi chúng ta quay khỏi những thứ không thể làm thỏa lòng chúng ta và tìm kiếm sự gần gũi đến từ Ngài.

DỌN CHỖ CHO MỐI QUAN HỆ THEO LÝ TRÍ

Một điều buồn khác xảy ra khi các tín hữu đề cao những biểu hiện trên việc tìm kiếm chính Chúa. Điều này khiến nhiều người chệch khỏi sự hiện diện thật của Chúa. Vỡ mộng bởi hành vi không đồng bộ và khác thường của những người tìm kiếm biểu hiện, họ sẽ được bảo vệ và ổn định bởi mối quan hệ theo lý trí với Chúa. Đây là bi kịch khi mà chúng ta được tạo dựng cho nhiều thứ hơn thế nữa. A.W. Tozer viết rằng trong những ngày sau rốt giáo lý về sự công chính bởi đức tin sẽ là:

. . . được diễn giải bởi nhiều người theo một cách mà khiến người ta không hiểu được tri thức về Đức Chúa Trời. Toàn bộ cuộc trao đổi về kinh nghiệm tôn giáo đã trở thành máy móc và không có Thánh Linh . . . người ta được cứu, nhưng người đó không khao khát Đức Chúa Trời. Thật ra, người đó được dạy hãy thỏa mãn và được khích lệ hãy chấp nhận một ít như vậy.” (The Pursuit of God)

Mối quan hệ với Chúa theo lý trí là máy móc và không có sự sống. Chúng ta được tạo dựng để ở với Ngài trong thực tại, không chỉ lý thuyết. Cho đến khi chúng ta kinh nghiệm sự đổ đầy này chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn. Chúa Giê-su chết để cất đi bức màn phân cách chúng ta khỏi chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Vì lý do này chúng ta nghe tác giả Thi thiên kêu lên:

Lạy CHÚA Vạn Quân, nơi ngự của Ngài đáng yêu quí biết bao! Linh hồn tôi tha thiết mong ước để được ở trong sân đền CHÚA; Tâm hồn lẫn thể xác tôi ca hát vui mừng cho Đức Chúa Trời hằng sống. Lạy CHÚA Vạn Quân, là Vua của tôi, là Đức Chúa Trời tôi; Ngay cả con chim sẻ cũng tìm được một nơi ở, và con én cũng tìm được một tổ cho bầy con ở gần bàn thờ Chúa. Phước cho người nào được ở trong nhà Ngài, họ sẽ ca ngợi Ngài mãi mãi. (Thi 84:1-4)

Bản dịch New King James ghi câu thứ hai, “Lòng và thân xác tôi kêu cầu Đức Chúa Trời hằng sống.” Sau đó tác giả nói tiếp chim sẻ va chim én cũng tìm thấy nơi ở, nhưng ông thừa nhận mình vô gia cư, vì ông mong mỏi nơi cư ngụ của Chúa. Ông tuyên bố lòng mong mõi của ông về một nơi cư ngụ – chính là nơi có sự hiện diện của Chúa.

Để ý ông nói, “Hạnh phúc thay, may mắn thay và đáng ghen tị thay cho những ai ngự trong sự hiện diện của Ngài.” Đây là mục tiêu của những người ai yêu mến Chúa! Họ đói khát sự hiện diện tỏ bày của Ngài. Chúng ta càng gần Ngài, sự hiện diện càng trở nên mạnh mẽ hơn và chúng ta càng được ảnh hưởng hơn.

CÂU HÕI NGHIÊN CỨU

  1. Ngay từ đầu chương này, tác giả viết, “Vào thời điểm này tôi đã khám phá ra hai nhóm người chính trong hội thánh . . . Nhóm thứ nhất là những người tìm kiếm Chúa vì những gì Ngài có thể làm, trong khi đó nhóm thứ hai tìm kiếm Ngài vì Ngài là ai.” Hãy thành thật – bạn thấy mình thuộc nhóm nào?
  2. Theo sau sự phóng thích họ khỏi sự nô lệ tại Ai-cập, dân Y-sơ- ra-ên thường ca ngợi và thờ phượng Chúa về sự cung ứng của Ngài hôm nay, nhưng hôm sau họ lại than phiền và lằm bằm vì Ngài không cung cấp điều họ muốn. Như bạn nhớ “những kinh nghiệm đồng vắng” trong chính cuộc đời bạn, bạn thấy nét tương tự nào trong thái độ khi sánh với dân Y-sơ-ra-ên?
  3. Bạn có thể đang đọc sách này vì bạn đang trải qua “kinh nghiệm đồng vắng.” Nếu vậy, bạn học được gì từ kinh nghiệm của Êli với những biểu hiện về gió, động đất và đám lửa?