CHƯƠNG BẢY: ĐIỀU GÌ CẢN TRỞ SỰ GẦN GŨI CHÚA ĐÍCH THỰC ?

Gần Gũi Chúa

Đăng vào: 3 tuần trước

.

CHƯƠNG BẢY

ĐIỀU GÌ CẢN TRỞ SỰ GẦN GŨI CHÚA ĐÍCH THỰC ?

Những kẻ bị lừa dối được an ủi khi biết về một Đức Chúa Trời mà họ đơn giản là không thật sự hiểu.

Lòng kính sợ Chúa là nền tảng của sự thân mật với Chúa. Điều này được nói rõ trong phần đầu của sách Châm ngôn.

Chúng ta đọc: “Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu [nền tảng] của tri thức” (Châm ngôn 1:7). Loại tri thức nào? Tác giả nói với chúng ta mấy câu sau đó:

Hỡi con ta, nếu con tiếp nhận những lời ta Và trân trọng giữ gìn các điều răn ta trong lòng. Nếu tai con lắng nghe sự khôn ngoan;

Và lòng con hướng về sự hiểu biết; Phải, nếu con kêu nài sự sáng suốt; Nếu con cất tiếng xin sự hiểu biết; Nếu con tìm nó như tìm bạc,

Và kiếm nó như kiếm châu báu ẩn giấu; Bấy giờ con sẽ hiểu sự kính sợ CHÚA Và tìm thấy sự hiểu biết Đức Chúa Trời. (Châm ngôn 2:1-5)

Từ hiểu biết được Từ điển Ngôn ngữ Kinh Thánh định nghĩa là “thông tin về một người, với hàm ý mạnh mẽ về mối quan hệ với người đó.” Vines Expository Dictionary cho chúng ta biết từ hiểu biết này ngụ ý, “có một sự hiểu biết sâu sắc qua kinh nghiệm về Ngài (Đức Chúa Trời).” Sau đó, tác giả nói tiếp: “Việc ‘biết’ Đức Chúa Trời một cách tích cực cũng đồng nghĩa với việc kính sợ Ngài.”

Bạn có thể thấy trong đoạn Kinh Thánh trước đó rằng sự kính sợ Chúa là coi trọng các mệnh lệnh của Ngài. Coi trọng mệnh lệnh của Ngài là lắng tai nghe lời Ngài với tất cả sự sẵn sàng tuân theo bất kể hoàn cảnh nào. Ngược lại, sự xa cách đang chờ đón những người thiếu đi sự kính sợ Chúa vì Gia-cơ nói rằng chúng ta “tự lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22) khi chúng ta biết ý muốn của Ngài, nhưng lại không tuân theo ý muốn đó. Lừa dối là một điều đáng sợ, vì những người bị lừa dối tin rằng họ đúng, trong khi thực tế thì không phải vậy. Kẻ bị lừa dối được an ủi khi biết về Đức Chúa Trời mà họ không thật sự biết.

HÌNH ẢNH MÉO MÓ VỀ CHÚA

Không kính sợ Chúa, chúng ta thực sự không biết Chúa. Một hình ảnh không chính xác được phát triển, định hình và nhào nặn trong tâm hồn hoặc trí tưởng tượng của chính chúng ta. Mặc dù chúng ta cho mình có mối quan hệ với Ngài và tôn vinh Ngài bằng môi miệng, nhưng tấm lòng của chúng ta không gần Ngài và cuộc sống của chúng ta không đồng bộ với những ước muốn của Ngài. Điều này thấy rõ nơi dân Y-sơ-ra-ên.

Như đã nói trong các chương trước, Môi-se đưa họ đến gặp Đức Chúa Trời tại Si-nai, tuy nhiên, “Dân sự đứng đằng xa, nhưng Môi- se lại gần” (Xuất 20:21). Đau lòng biết bao khi họ không thể đến gần hành trình khởi đầu vinh quang đang chờ đợi này. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra? Họ đã có cơ hội nghe những lời của Ngài được phát ra bằng chính giọng nói của Ngài! Tuy nhiên, như đã thảo luận, họ không thể chịu nỗi sự hiện diện của Ngài vì họ không có tấm lòng kính sợ Ngài và do đó không thể tuân giữ các điều răn của Ngài (Phục truyền 5:29).

Thất vọng, Chúa thiết lập một người trung gian giữa Ngài và con người. Ngài nói với Môi-se: “Hãy lên đây, ngươi và A-rôn cùng với ngươi” (Xuất 19:24). Đức Chúa Trời gọi Môi-se và A-rôn đến với Ngài như những người trung gian. Họ sẽ nghe Lời của Ngài thay cho dân chúng, và đem lời của họ đến với Ngài. Nó khác xa với sự thân mật ban đầu mà Ngài đã lên kế hoạch.

Tuy nhiên, khi tiếp tục đọc Xuất Hành, chúng ta thấy Môi-se ở trên núi còn A-rôn trở về trại quân. Có vẻ như ông đã bắt đầu đi lên nhưng cuối cùng lại quay trở lại với dân chúng. Tại sao? Ông cảm thấy thoải mái trước sự hiện diện của mọi người hơn là trước sự hiện diện của Chúa. Ông thiếu sự kính sợ Chúa. A-rôn sợ con người hơn sợ Đức Chúa Trời, và do đó, ông đã chìu theo họ; cuối cùng ông cung cấp cho mọi người những gì họ muốn, và như chúng ta sẽ thấy ngay thôi.

Bây giờ Môi-se ở trên núi gần bốn mươi ngày và chúng ta đọc:

Khi thấy đã quá lâu mà Môi-se chưa xuống núi, dân Y-sơ-ra-ên họp quanh A-rôn và nói: “Xin ông làm ra một vị thần để hướng dẫn chúng ta, vì không biết có gì đã xảy ra cho Môi-se, người đã đem chúng ta ra khỏi Ai-cập.” (Xuất 32:1-2)

A-rôn có năng khiếu lãnh đạo kèm theo một số phẩm chất nhất định, một trong số đó là thu hút mọi người như nam châm. Phẩm chất này sẽ thu hút những người khác cho dù người lãnh đạo tài năng đó có ở riêng với Chúa hay không. Điều này giải thích làm thế nào bạn có thể có một hội thánh hàng ngàn người không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời, nơi những ước muốn của Ngài bị xuyên tạc. Người lãnh đạo thiếu lòng kính sợ Chúa thường dùng những ân tứ Chúa ban cho mình để thực hiện ý muốn của mọi người, chứ không phải ý muốn của Chúa.

Dân chúng thúc giục A-rôn, “Hãy làm cho chúng tôi những vị thần sẽ đi trước chúng tôi; vì về phần ông Môi-se này . . . chúng tôi không biết điều gì xảy ra cho ông.” Lưu ý rằng họ không nói: “Còn về Đức Chúa Trời, chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra cho Ngài.” Họ không phủ nhận Chúa, họ chỉ hạ thấp tư cách của Môi-se.

THẦN HAY CHÚA?

Khi nghiên cứu các văn bản gốc, tôi phải tự hỏi liệu các dịch giả có rút lại những gì thực sự được nói ở đây hay không. Họ đã sử dụng từ tiếng Anh các vị thần. Tuy nhiên, từ tiếng Hebrew cho các vị thần là elohiym. Từ này được tìm thấy 2.606 lần trong Cựu Ước; khoảng 2.350 lần nó xuất hiện (hơn 90 phần trăm) đề cập đến Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng mà chúng ta phục vụ. Nó xảy ra 32 lần chỉ trong chương đầu tiên của Sáng thế, và mỗi lần đều ám chỉ Chúa. Chẳng hạn, câu đầu tiên của Kinh Thánh viết: “Ban đầu Đức Chúa Trời [elohiym] dựng nên trời và đất” (Sáng thế 1:1). Ở đây elohiym được dịch là “Đức Chúa Trời.”

Khoảng 250 lần trong Cựu Ước, từ này được dùng để mô tả một vị thần giả. Vì vậy, chúng ta luôn phải đọc nó trong ngữ cảnh để phân biệt cách đọc đúng.

A-rôn nói với dân chúng: “Hãy tháo đôi bông tai bằng vàng đang đeo trên tai vợ, con trai và con gái các ngươi, và đem chúng đến cho ta” (Xuất. 32:2). Dân chúng làm theo: “Ông nhận vàng từ tay họ, dùng công cụ chạm trổ mà chạm trổ, và đúc một con bò vàng” (32:4).

Sau khi ông dùng công cụ của mình để tạo hình con bò bằng vàng này, tất cả dân chúng nói: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, đây là thần của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập! (Xuất 32:4)

Từ ngữ tiếng Hebrew nói về thần một lần nữa là elohiym. Dân chúng thật sự nói: “Hỡi Israel, đây là thần linh của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập!” Bạn bắt đầu thấy những gì đang xảy ra? Hãy tiếp tục đọc để biết chắc chắn những gì những người này đang nói.

Vì vậy, khi A-rôn nhìn thấy nó, ông lập một bàn thờ trước nó. A-rôn tuyên bố rằng: Ngày mai là lễ kính Đức Giê-hô-va. (Xuất 32:5)

Từ Chúa trong tiếng Hebrew trong câu này là từ Giê-hô-va hoặc Yahweh. Yahweh là từ thiêng liêng nhất trong Cựu Ước. Đó là tên riêng của một Đức Chúa Trời có thật. Nó không bao giờ được sử dụng trong Cựu Ước để mô tả hoặc đặt tên cho một vị thần giả. Từ này thiêng liêng đến nỗi những người ghi chép tiếng Hebrew thậm chí không viết ra hết. Họ sẽ loại bỏ các nguyên âm và chỉ viết YHWY. Các kinh sư Do Thái gọi nó là tetragrammaton thiêng liêng, bốn chữ cái không thể diễn tả được. Đây là cái tên không dám nhắc đến, tên thánh được bảo vệ khỏi sự báng bổ trong đời sống của Y-sơ-ra-ên.

Vì vậy, về bản chất, điều mà A-rôn và dân Y-sơ-ra-ên đã làm là nặn một con bò, chỉ vào nó và nói: “Kìa, Giê-hô-va, Đức Chúa Trời có thật, là Đấng đã đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập!” Họ không nói: “Kìa Baal, là Đấng đã đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập.” Họ cũng không gán sự giải cứu của họ cho một vị thần giả khác. Họ đặt tên cho con bò này là Chúa.

THỜ PHƯỢNG THEO SAU BỞI SỰ MÊ MUỘI

Họ không phủ nhận Đức Chúa Trời một cách trắng trợn, mà đúng hơn là họ hạ thấp sự vinh hiển của Ngài xuống mức của hình tượng con bò đúc này. Họ đã bị lừa dối trong hiểu biết của họ về Ngài. Họ vẫn thừa nhận Yahweh là Đấng cứu độ và Đấng giải thoát khỏi Ai Cập. Họ không phủ nhận quyền năng chữa lành của Ngài; họ chỉ thay đổi hình ảnh về thân vị của Ngài! Chúng ta sẽ phát hiện tiếp:

Ngày hôm sau, họ dậy sớm, dâng của lễ thiêu và của lễ thù ân; dân chúng ngồi ăn uống, rồi đứng dậy vui chơi. (Xuất 32:6)

Lưu ý rằng họ đã mang lễ vật của họ. Vì sao mang lễ vật? Để tôn vinh Đấng mà họ tuyên bố là sẽ phục vụ, tức là Đức Giê-hô-va! Sau khi dâng lễ vật hoặc thờ phượng, họ ăn chơi và buông thả trong những thú vui xác thịt. Bản NIV nói họ “đứng dậy để tận hưởng sự vui chơi.”

Điều này có thể xảy ra ngày nay? Có những người đã được giải thoát khỏi thế gian nhờ ân điển cứu rỗi của Ngài, lại là những người thiếu sự kính sợ Chúa và kêu cầu Chúa Giê-xu mà họ đã hình thành trong trí tưởng tượng của họ? Trong khi đó họ bám chặt vào kinh nghiệm được tái sinh, tiếp nhận và xưng nhận Ngài là Chúa khi họ đến nhà thờ, hát những bài thánh ca nói về sự giải cứu và tự do, nghe các bài giảng, dâng tiền, nhưng lại ra ngoài đời và nói dối để bán được hàng, trong khi đó họ luôn làm chứng Chúa ban phước cho công việc kinh doanh của họ. Có lẽ họ ngồi nói xấu về mục sư của họ và những người khác, biện minh cho việc đó bằng cách: “Ồ, đó là sự thật, và những người khác biết điều đó”; rồi họ phạm tội gian dâm hoặc có các hành vi dâm dục khác, và sau đó bào chữa tất cả bằng sự thật rằng dù Chúa đã cứu họ, nhưng họ vẫn còn sống trong xác thịt này và vẫn còn những nhu cầu! Danh sách gần như vô tận.

Họ có biết Chúa Giê-su không? Hỏi họ; họ sẽ trả lời dứt khoát, Có! Họ có bị lừa không? Họ có xưng nhận Đấng hiện đang ngự bên hữu Đấng Oai Nghi trên Trời, hay một Chúa Giê-su mà họ đã tạo ra theo hình ảnh của chính họ, Đấng sẽ ban cho họ những gì họ muốn? Quan trọng hơn tất cả những điều này: Chúng ta có thấy mình trong bất kỳ điều gì trong số này không?

Bạn sẽ phát hiện ra rằng khi người ta thiếu kính sợ Chúa, họ có thể kêu cầu Ngài nhưng họ bị hấp dẫn bởi những ham muốn xác thịt và xác thịt là kẻ thù nghịch với Chúa, vì nó không tuân theo ý muốn của Chúa (xem Rô-ma 8:5-7). Họ không tuân theo những ước muốn của Ngài mặc dù họ kêu cầu danh Ngài, tuyên bố biết Ngài và tin rằng Ngài chấp nhận hành vi của họ. Sự thiếu vâng lời của họ bắt nguồn từ một tấm lòng thiếu kính sợ Chúa; căn nguyên của mọi sự bất tuân, và sự mất đi mối liên hệ đã được núp dưới vỏ bọc lừa dối là đã “biết Chúa.”

KHÔNG GÌ CHE GIẤU

Điều này được thấy xuyên suốt Kinh Thánh. Nó không mất nhiều thời gian để xuất hiện sau sự sa ngã và bắt đầu với Ca-in, con trai của A-đam. Khi cha mẹ của Ca-in phạm tội trong vườn, vì thiếu hiểu biết nên họ đã che thân bằng lá vả—hoa quả của đất. Đức Chúa Trời đã cho họ thấy ý muốn của Ngài đó là dâng một con vật. Ngài mặc cho họ những chiếc áo bằng da thú, mà tôi tin là con chiên con.

Ca-in, tuy nhiên, không phải là không biết gì; anh biết từ cha mẹ mình rằng Đức Chúa Trời muốn của lễ của một con vật chứ không phải hoa quả của đất. Tuy nhiên, chúng ta đọc: “Ca-in đem thổ sản dâng lên Đức Giê-hô-va” (Sáng thế 4:3). Rõ ràng là ông đang cố gắng phục vụ Chúa, vì điều này không nói rằng ông đã dâng của lễ cho một thần giả. Ông siêng năng làm việc để dâng cho Chúa lễ vật của mình; nhưng rõ ràng là không vâng lời.

Căn nguyên của sự bất tuân của ông là gì? Không gì khác hơn là thiếu lòng kính sợ Chúa. Điều này được thấy rõ ràng khi Chúa hỏi ông về tung tích của người anh em đã bị giết; câu trả lời của ông là một sự thách thức, “Tôi không biết. Tôi có phải là người giữ em tôi sao? (Sáng thế 4:9). Bạn thấy một lần nữa, giống như với dân Y-sơ- ra-ên và con bò vàng, rằng trong sự thiếu kính sợ Chúa này, hình ảnh của Đức Chúa Trời bị giảm sút và những cách hầu việc được Ngài chấp nhận đã thay đổi. Bị lừa dối, giờ đây Ca-in thậm chí còn nghĩ rằng ông có thể giấu Chúa điều gì đó, như ông đã làm với người khác. Hình ảnh của Đức Chúa Trời trong mắt Ca-in đã bị giảm xuống mức độ của con người. Phao lô nghiêm túc cảnh báo chúng ta rằng trong những ngày cùng, chúng ta cũng sẽ thấy khuôn mẫu này: “Mặc dù họ biết Đức Chúa Trời, nhưng họ không tôn vinh Ngài là Đức Chúa Trời . . . và đổi vinh quang của Đức Chúa Trời không thể hư nát thành hình tượng giống như loài người hay hư nát” (Rô-ma 1:21-23). Cũng giống như trường hợp của Cain, việc thiếu kính sợ Chúa khiến họ bị lừa dối và họ tin rằng Đức Chúa Trời không nhận thấy những cách làm trái ngược của họ.

Câu trả lời của Ca-in cho thấy ông đã quên rằng không có điều gì giấu được Đức Chúa Trời. Chúa không phải là người; Ngài nhìn thấy và biết tất cả. Khi chúng ta đánh mất sự kính sợ Chúa, chúng ta làm giảm đi ý thức thuộc linh của mình, vì ngay cả một tội nhân trắng trợn cũng biết Chúa biết rõ sự phản loạn của anh ta. Những người có hiểu biết về Chúa mà không có sự kính sợ Chúa sẽ tự an ủi mình rằng: “Chúa không nhìn thấy điều đó!” (Êxê 9:9), hoặc nếu Ngài thấy chắc chắn Ngài hiểu. Ngay cả các nhà lãnh đạo cũng không được miễn trừ khỏi điều này. Đức Chúa Trời phán: “Hỡi con người, ngươi có thấy những gì các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên đang làm không . . . họ nói, ‘CHÚA không thấy chúng ta’” (Êxê 8:12).

Phải chăng chúng ta đã quên những lời khẩn thiết của Chúa Giê- su kêu gọi chúng ta phải kính sợ Đức Chúa Trời? Vì Ngài phán với chúng ta: “Không có điều gì che đậy mà không bị lộ ra, chẳng có điều gì bí ẩn mà người ta không biết” (Lu-ca 12:2). Tuy nhiên, khi chúng ta mất đi sự kính sợ Chúa, chúng ta hạ thấp Ngài xuống ngang hàng với chúng ta, và trong tiềm thức chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể giấu Ngài nhiều điều. Nếu được hỏi về sự toàn tại của Đức Chúa Trời và sự toàn tri của Ngài, họ hoàn toàn đồng ý mà không do dự. Nhưng sâu xa bên trong con người của họ, họ đã đánh mất nhận thức về sự vĩ đại của Ngài; vì nếu họ vẫn còn có lòng kính sợ Chúa, họ sẽ không tìm cách giấu diếm điều gì. Họ giấu nhiều điều với con cái Chúa khác và thường là thành công, nhưng họ quên rằng “Con mắt của Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, canh chừng kẻ ác và người thiện” (Châm ngôn 15:3).

TIN LÀ BẠN CÓ VÂNG LỜI TRONG KHI BẠN KHÔNG VÂNG LỜI

Tuy nhiên, đây không phải chỗ kết thúc câu chuyện. Bước tiếp theo của sự lừa dối dẫn đến niềm tin rằng bạn đang vâng lời trong khi thực tế thì không phải vậy. Điều này được miêu tả với một trong những hậu duệ của Đa-vít, một vị vua tên là Ô-xia. Khi ông mười sáu tuổi, cha ông là A-ma-xia qua đời và Ô-xia được phong làm vua Giu-đa thay thế ông. Khi bạn mười sáu tuổi và được phong làm vua, nếu bạn thông minh, bạn sẽ tìm kiếm Chúa, và Ô-xia đã làm như vậy. Kết quả là ông đã thịnh vượng. Trong nhiều năm, ông đã tận hưởng sự giàu có và thành công. Sau đó, chúng ta đọc: “Danh tiếng của ông đồn ra rất xa, vì ông đã được Chúa giúp đỡ một cách lạ lùng cho đến khi ông trở nên hùng mạnh” (2 Sử ký 26:15).

Nhưng khi Ô-xia hùng mạnh, lòng ông kiêu ngạo. Kiêu ngạo và kính sợ Chúa đối kháng nhau. Khi một tấm lòng thiếu sự kính sợ Chúa, nó nuôi dưỡng sự kiêu ngạo. Đọc kỹ những gì đã xảy ra:

Nhưng khi cường thịnh, vua trở nên kiêu ngạo đến nỗi làm điều bại hoại. Vua xúc phạm đến CHÚA, Đức Chúa Trời mình vì vua vào đền thờ CHÚA, dâng hương trên bàn thờ dâng hương. Thầy tế lễ A-xa-ria và tám mươi thầy tế lễ can đảm của CHÚA theo sau vua. Họ đối diện vua Ô-xia và nói: “Vua không được phép dâng hương cho CHÚA vì chỉ có những thầy tế lễ dòng dõi A-rôn, là những người được thánh hiến để dâng hương; xin vua hãy rời khỏi thánh điện vì vua đã vi phạm, vua sẽ không được vinh dự gì từ CHÚA, là Đức Chúa Trời đâu.” Vua Ô-xia, tay cầm lư hương sẵn sàng để dâng hương, trở nên tức giận. Đang khi vua nổi giận cùng các thầy tế lễ, phung xuất hiện trên trán vua ngay trước mặt các thầy tế lễ, bên cạnh bàn thờ dâng hương trong đền thờ CHÚA. (2Sử 26:16-19)

Bây giờ câu hỏi chúng ta phải đặt ra là: Khi lòng Ô-xia kiêu ngạo, ông trở nên kém thiêng liêng hơn hay thêm thiêng liêng hơn? Khi hỏi câu hỏi này cho các tín đồ, hầu hết trả lời rằng ông trở nên kém thiêng liêng hơn. Tuy nhiên, điều này không đúng với việc ông vào đền thờ để thờ phượng. Ông ấy thực sự trở nên thuộc linh (mộ đạo) hơn qua các hành động của mình. Rất thường xuyên, bạn sẽ thấy hành vi siêu thuộc linh và niềm kiêu hãnh song hành cùng nhau; cái này bao trùm cái kia. Tính kiêu ngạo khiến một người không thừa nhận mình chỉ giữ đạo, và việc giữ đạo che đậy tính kiêu ngạo bằng các hoạt động thuộc linh. Cả hai đều thiếu kính sợ Chúa và thiếu khiêm nhường thật!

Lưu ý Ô-xia trở nên giận dữ khi đối mặt với sự thật. Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Ca-in, khi đối mặt với sự thật. Kinh Thánh cho chúng ta biết, “Ca-in rất giận, và sầm mặt lại” (Sáng thế 4:5). Ca-in đã nổi giận với Chúa! Bất cứ khi nào bạn dùng sự thật để đối đầu với một người đang sống bất tuân, thiếu kính sợ Chúa, họ sẽ trở nên tức giận. Tại sao? Họ thực sự tin rằng họ đúng! Họ bị lừa dối, và bị lừa dối tức là tin rằng bạn đúng khi bạn đã sai.

Nếu không thì tại sao Ô-xia lại nổi giận với các thầy tế lễ nếu ông không tin rằng mình đúng? Ông vào đền thờ để thờ phượng, nhưng giống như các con trai của A-rôn, ông đã không còn tôn trọng các luật lệ của Chúa và hạ thấp hình ảnh của Ngài. Ông ta sống mâu thuẫn khi không vâng lời Chúa; khi tìm kiếm sự gần gũi Chúa, và chắc chắn là dường như ông có làm vậy, nhưng trên thực tế, ông càng xa cách Đấng mà ông tìm cách thờ phượng.

Điều này có giải đáp được lý do tại sao có rất nhiều người trong hội thánh tuyên bố có mối quan hệ mật thiết với Chúa nhưng lại sống trái ngược với ý muốn của Ngài không? Nếu không hiểu những nguyên tắc mà chúng ta đã thảo luận, bạn có thể bối rối khi quan sát những người chia sẻ điều Đức Chúa Trời đã mặc khải cho họ rất mâu thuẫn với lẽ thật của Kinh Thánh. Làm sao họ có thể vừa mới để thì giờ cầu nguyện xong lại chỉ trích những người lãnh đạo, những người mà Chúa bảo họ phải tôn trọng? Nếu bạn mạo hiểm lặp lại những gì Kinh Thánh nói, họ sẽ tức giận. Họ nghĩ rằng bạn lạc điệu và không thuộc linh, trong khi thực tế, họ mới là những người chống lại đường lối của Ngài.

Vì là một nhà lãnh đạo, nhiều lần tôi đã có cơ hội nói chuyện với những người đã chia sẻ những gì họ tin rằng Chúa đã mặc khải và tâm linh tôi rất bối rối. Mặc dù họ tin chắc rằng họ đã nghe từ Chúa nhưng họ tránh xa bất kỳ lời nào tôi có thể chia sẻ từ Kinh Thánh. Họ không làm điều này với một mình tôi—họ làm điều này với tất cả những người cố gắng giúp đỡ họ. Họ sử dụng các câu Kinh Thánh khác ngoài ngữ cảnh để biện minh cho những gì họ nói và không sẵn sàng thảo luận thêm. Sau đó, họ tránh mặt tôi và tách mình với tất cả những người cố gắng giúp đỡ họ, vì chúng tôi không còn là thuộc linh trong mắt họ nữa. Theo thời gian, kết quả là cách của họ được minh chứng là trái ngược với ý muốn của Chúa, hoặc những gì họ dự đoán sẽ không xảy ra. Có thể nào họ nghe thấy tiếng nói trong trí tưởng tượng của chính họ chứ không phải Chúa Giê-su? Có phải họ tìm kiếm sự gần gũi chỉ để phát hiện ra mình bị lừa dối?

ĐẾN GẦN CHÚA MÀ LÒNG VẪN CÒN HÌNH TƯỢNG

Có một cách để giữ khỏi sự lừa dối khủng khiếp này, và nó lại được tìm thấy trong sự kính sợ Chúa. Khi kính sợ Chúa, chúng ta nên đến với Ngài với tấm lòng trung lập, sẵn sàng nghe những lời chỉ dẫn hay sửa trị của Ngài. Chúng ta không dựa vào sự hiểu biết của riêng mình hay những ham muốn ích kỷ, nhưng khao khát ý muốn của Ngài một cách nhiệt thành.

Đến gần Chúa với những ước muốn mạnh mẽ không phù hợp với ý muốn của Ngài, khi Ngài đã cho chúng ta biết điều đó, có thể là một điều hết sức nguy hiểm và thiếu khôn ngoan; vì điều này có thể dẫn chúng ta đến mức độ lừa dối tiếp theo, mức độ lừa dối nghiêm trọng nhất. Mức độ lừa dối này là khi chính Đức Chúa Trời rốt cuộc sẽ ban cho hoặc cho phép chúng ta có được điều chúng ta muốn:

Và có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: “Hỡi con người, những người này đã đặt thần tượng của họ trong lòng, và đặt trước mặt họ những thứ khiến họ phạm tội. Ta có nên để họ hỏi Ta không?” (Êxê 14:2-3)

Chúa đau buồn vì dân của Ngài đến trước mặt Ngài để xin sự hướng dẫn, lời khuyên hoặc sự khôn ngoan, với những thần tượng ẩn giấu trong lòng họ. Không rõ liệu họ có nhận thức đầy đủ về điều này hay không; tuy nhiên, dường như lẽ thật đã bị che khuất khỏi mắt họ. Những thần tượng này đã khiến họ sa vào tội ác. Từ Hebrew này chỉ sự gian ác là awon và nó có nghĩa là một sự xúc phạm, dù cố ý hay không, chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời.

Lưu ý rằng Đức Chúa Trời không nói rằng họ sẽ đặt các thần tượng trong sân, phòng khách hoặc phòng ngủ của họ. Sự thờ hình tượng này ở trong lòng họ. Hãy nhớ rằng, việc thờ hình tượng không chỉ giới hạn ở việc kêu cầu tên của một vị thần ngoại bang. Như đã nói trước đây, một hình thức thờ thần tượng là hạ thấp Đức Chúa Trời xuống một hình ảnh thấp hơn; một Đấng sẽ cho chúng ta những gì chúng ta tha thiết mong muốn. Bạn sẽ thấy căn nguyên của mọi sự thờ hình tượng là lòng tham. Tân Ước khẳng định điều này:

Vậy, hãy giết chết những dục vọng thuộc về trần tục như gian dâm, ô uế, dục vọng ích kỷ, dục vọng xấu xa, tham lam, tham lam là thờ thần tượng. (Cô-lô-se 3:5-6)

Trong Ê-phê-sô 5:5, Phao-lô một lần nữa nói kẻ tham lam là kẻ thờ thần tượng. Rõ ràng là thờ hình tượng được định nghĩa là tham lam; vậy hãy định nghĩa sự tham lam. Định nghĩa của Webster’s nó có nghĩa là “mong muốn mãnh liệt đạt được và sở hữu một số thứ được cho là tốt.” Trong lời cầu nguyện, tôi đã xin Chúa định nghĩa của Ngài. Câu trả lời của Ngài là: “Tham lam là mong muốn đạt được.”

Điều này không giới hạn sự tham lam trong việc ham muốn tiền bạc. Điều này bao gồm của cải, địa vị, tiện nghi, sự chấp nhận, lạc thú, quyền lực, ham muốn tình dục, v.v. Tham lam là trạng thái mà chúng ta gặp phải khi không hài lòng. Chúng ta phấn đấu vì chúng ta thiếu bình an hoặc thiếu thỏa lòng với những gì Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta cố ý hoặc vô tình chống lại kế hoạch hoặc tiến trình của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Vì lý do này, chúng ta được bảo: “Hãy sống không tham lam; bằng lòng với những thứ như anh em có. Vì chính Ngài đã phán: ‘Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng hề bỏ con đâu’” (Hê 13:5). Khi chúng ta sống trong sự đảm bảo: “Trước mặt Ngài [Chúa] có trọn niềm vui; bên hữu Ngài có sự vui sướng vô cùng” (Thi 16:11), chúng ta sẽ không tìm kiếm sự thỏa mãn bên ngoài sự hiện diện hoặc kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta.

Tham lam ngự trị giữa tình trạng bất ổn và được thúc đẩy bởi ham muốn không ngừng. Điều này mô tả một cách hoàn hảo dân Y-sơ- ra-ên khi họ ra khỏi Ai Cập. Họ liên tục nắm giữ những gì họ nghĩ là tốt nhất cho họ, ngay cả khi Chúa bày tỏ ý muốn của Ngài. Họ không thích quá trình mà Chúa đã chọn để chuẩn bị cho họ chiếm đất hứa, và phàn nàn về điều kiện, nước, thức ăn, v.v. Họ thiếu sự kính sợ Chúa, và lòng họ đã ấp ủ nuôi dưỡng lòng tham. Khi Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài, họ tìm cách che đậy sự thật rằng ước muốn thầm kín của họ về khoái lạc và lợi lộc đã lấn át ước muốn của họ về chính Đức Chúa Trời.

Sau khi Chúa và Môi-se cùng rút lui, dân sự có thể tạo ra một Đức Chúa Trời thành hình ảnh của một người sẽ mang đến cho họ những ham muốn tham lam. Điều thú vị là tất cả đều xoay quanh vàng. Sự tham tiền bạc này được chứng minh bằng việc họ thiếu đi sự thỏa lòng tin kính đối với ý muốn của Ngài. Bây giờ họ đang sống trong sự lừa dối dày đặc.

(Xin lưu ý thêm, tính tham lam cũng là căn nguyên của các hình thức thờ hình tượng khác. Tất cả nhân loại được tạo ra với ước muốn bẩm sinh là thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nhiều người không muốn phục tùng Đấng Tạo Hóa thật. Vì vậy, họ dựng nên một thần giả, nhưng căn nguyên của thần giả này là ai? Câu trả lời là người đã tạo ra nó—con người. Bây giờ con người tôn thờ thần giả này, người cuối cùng đã cho họ những gì họ mong muốn. Một lần nữa, căn nguyên là sự tham lam.)

Tóm lại, bất kể nó ở dạng nào, tất cả các thần tượng đều có một nguồn. Nó chiếm lấy vị trí mà chỉ Đức Chúa Trời mới xứng đáng. Thần tượng có thể đóng vai trò là nguồn hạnh phúc, an ủi, bình an, chu cấp, v.v. của bạn. Đức Chúa Trời phán: “Các ngươi không được làm thần tượng cho mình” (Lê-vi Ký 26:1). Chúng ta là những người biến nó thành thần tượng. Thần tượng là bất cứ điều gì chúng ta đặt trước Chúa trong cuộc sống của mình. Đó là những gì chúng ta yêu thích, ham mến, tin tưởng, mong muốn hoặc chú ý đến hơn là Chúa. Một thần tượng là những gì bạn hút lấy sức mạnh cho bạn hoặc bạn trao cho sức mạnh cho nó. Một tín đồ bị lôi cuốn vào việc thờ hình tượng khi người ấy để cho lòng mình bị khuấy động bởi sự bất mãn và tìm kiếm sự thỏa mãn ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời cho đời sống mình. Một lần nữa điểm mấu chốt là sự tham lam.

TRẢ LỜI THEO LÒNG THAM

Trở lại với những lời Chúa nói với Ê-xê-chi-ên, Ngài than thở về việc dân sự của Ngài đến xin giúp đỡ mà lòng họ đầy thần tượng. Họ muốn Chúa ban cho họ những gì họ mong muốn cách ích kỷ, thay vì tìm kiếm ý muốn của Ngài. Điều đó chẳng khác gì những thanh thiếu niên mong cha mẹ họ đồng ý với ý kiến của họ hơn là tìm kiếm sự khôn ngoan của cha mẹ, không nhận ra rằng cha mẹ họ khôn ngoan hơn và chỉ muốn điều tốt nhất cho họ.

Phản ứng của Đức Chúa Trời đối với Ê-xê-chi-ên vừa đáng báo động vừa nghiêm túc. Không có gì chắc chắn, Ngài nói với Ê-xê-chi-ên rằng khi những người thuộc về Ngài đến với Ngài với tấm lòng tham lam: “CHÚA sẽ trả lời nó xứng với nhiều thần tượng của nó.” (Ê-xê 14:4). Bản New American Standard Bible nói như sau: “Ta là Chúa sẽ hiện ra để trả lời về vấn đề này trước vô số thần tượng của họ”. Câu đó có thể được đọc theo cách này: “Ta là Chúa sẽ được hiện ra để trả lời về vấn đề này tùy theo những ước muốn tham lam của họ.”

SỰ LẠC LỐI CỦA NGƯỜI CỦA CHÚA

Điều này được thấy rõ trong cuộc đời của Ba-la-am. Ông là một nhà tiên tri vĩ đại của Đức Giê-hô-va, không phải của một vị thần giả, mà là của chính Chúa mà chúng ta phục vụ. Chức vụ tiên tri của ông mạnh mẽ đến nỗi đến tai các vị vua. Một vị vua đặc biệt là Ba-lác, vua của Mô-áp và Ma-đi-an.

Người dân Mô-áp và Ma-đi-an vô cùng khiếp sợ vì Y-sơ-ra-ên vừa san bằng một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là Ai Cập, và giờ đây họ đóng trại trên đồng bằng Mô-áp. Người dân lý luận rằng nếu Ai Cập có thể bị tiêu diệt dễ dàng như vậy, chúng nó sẽ không gặp khó khăn gì khi làm điều tương tự với họ. Nỗi sợ hãi lan tràn và lan đến tận cung điện.

Nhà vua đã có một kế hoạch. Ông hiểu rằng bất cứ ai mà nhà tiên tri vĩ đại Ba-la-am này ban phước sẽ được ban phước, và bất kỳ ai mà ông ta nguyền rủa sẽ bị nguyền rủa. Ông cử các quan chức mang theo một lễ vật khổng lồ đến Ba-la-am và cầu xin ông ta quay lại với họ để ông ta có thể đứng bên cạnh nhà vua và nguyền rủa dân Y-sơ- ra-ên từ các nơi cao của Mô-áp.

Ba-la-am tò mò: “Đêm nay hãy nghỉ ở đây, và tôi sẽ thuật lại cho ông điều Đức Giê-hô-va phán với tôi” (Dân 22:8). Câu trả lời của ông nghe giống như câu trả lời của hầu hết các tín đồ ngày nay: “Hãy để tôi cầu nguyện về vấn đề này và nghe những gì Chúa phán.”

Chúa đến với Ba-la-am và hỏi, “Những người này với ngươi là ai?” Nói cách khác, “Tại sao ngươi thậm chí cần phải cầu nguyện về điều này? Những người này không có giao ước với Ta, nhưng họ đang yêu cầu ngươi nguyền rủa dân giao ước của Ta! Tại sao ngươi thậm chí cần phải hỏi?

Có một sứ điệp cho tất cả chúng ta trong điều này: có một số điều chúng ta không cần phải cầu nguyện! Chúng ta nên biết ước muốn của Chúa trước khi chúng ta cầu xin. Tôi không hài lòng khi những đứa con trai tuổi thiếu niên của tôi đến gần tôi và yêu cầu điều gì đó mà chúng đã biết trước là tôi sẽ nói “không”. Tại sao chúng thậm chí còn hỏi? Tôi sẽ tự nhủ sau khi cho chúng câu trả lời mà chúng biết trong sâu thẳm chúng sẽ nghe thế. Chúng làm điều này bởi vì lời nói của tôi vẫn là luật hoặc là những giới hạn đối với chúng trong lĩnh vực đó, thay vì làm theo sở thích của chúng.

Trở lại với Ba-la-am, tôi hình dung phần thưởng được trao là rất lớn và vị trí danh dự sẽ rất lớn giữa người dân Mô-áp và Ma-đi-an. Có phải lòng ham muốn tiền bạc và danh dự của Ba-la-am đã che mắt ông khỏi nhận thức sự khôn ngoan lành mạnh không?

Đức Chúa Trời, Đấng đầy lòng thương xót, có lẽ đã nghĩ, Thôi được, Ba-la-am, vì ngươi không hiểu, hoặc thực sự không muốn, nên Ta sẽ làm cho ý muốn của Ta trở nên rất rõ ràng. Vì vậy, Ngài phán: “Ngươi không được đi với họ; ngươi không được nguyền rủa dân này, vì họ được chúc phúc” (c. 12). Bây giờ điều này rõ ràng? Tôi thường thấy rằng khi Đức Chúa Trời phán thì rất chính xác và rõ ràng; chúng ta là những người làm vẩn đục và phức tạp hóa nó mà thôi.

Ba-la-am vâng lời và sáng hôm tạm biệt sứ giả với lời: “‘Hãy trở về xứ sở của các ngươi, vì Đức Giê-hô-va đã từ chối cho phép tôi đi với các ngươi’” (c. 13). Mặc dù ông ta tuân theo, nhưng có thể nghe thấy sự miễn cưỡng trong cách lựa chọn từ ngữ của ông ta, đặc biệt là từ ngữ từ chối. Hãy tưởng tượng điều này: một cô con gái tuổi teen được mời đến buổi khiêu vũ bởi một chàng trai trẻ, người này thực sự nổi tiếng nhưng lại có tiếng xấu. Cô ấy rất vui mừng khi được mời bởi một người rất nổi tiếng và nhiệt tình xin phép cha cô ấy để đi. Vì yêu thương và lo lắng cho con gái, cha cô nhẹ nhàng từ chối yêu cầu của cô. Cô ấy đau lòng và nói với chàng trai trẻ, “Em không thể đi, bố mẹ em không cho.” Cô ấy thực sự đang nói: bố mẹ em nói “không”, nhưng em sẽ nói “được.” Chính bố mẹ cô ấy đã từ chối cho phép cô ấy. Cô ấy muốn đi, nhưng chỉ lời nói của cha mẹ cô ấy đã hạn chế cô ấy khỏi ham muốn của mình. Chẳng may, nếu không nhận được tấm lòng của cha mẹ, cuối cùng cô sẽ tìm cách đến với chàng trai này và nhiều khi phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Ba-la-am là một nhà tiên tri có ham muốn tiền bạc không lành mạnh. Lòng tham nung nấu trong ông. Ông ta khao khát những thứ tiện nghi hơn của cuộc sống cũng như muốn có những ảnh hưởng xã hội lớn hơn. Ông vâng lời, nhưng chỉ là miễn cưỡng. Lời Đức Chúa Trời mang đến sự hạn chế hơn là niềm vui, vì nó khiến ông không đạt được điều mình thực sự mong muốn.

BỊ LÔI KÉO BỞI HAM MUỐN RIÊNG

Các trưởng lão Mô-áp và Ma-đi-an trở về gặp vua Ba-lác và báo cáo, “Ba-la-am không chịu đi với chúng tôi.” Tuy nhiên, điều này đã không ngăn cản nhà vua; ông ta ngay lập tức gửi những người có địa vị cao hơn và danh dự với nhiều tiền hơn theo sở thích của Ba-la-am.

Tại sao Ba-lác làm điều này? Tôi tin rằng các thế lực ma quỷ đã thôi thúc ông ta. Tại sao tôi nói điều này? Kinh Thánh giải thích: “Song mỗi người bị cám dỗ khi bị tư dục lôi cuốn và dụ dỗ” (Gia-cơ 1:14). Lưu ý hai điều. Đầu tiên, những từ tư dục. Bất kỳ ước muốn mạnh mẽ nào của chúng ta trái ngược với ý muốn của Đức Chúa Trời đều là sự tham lam, tức là sự thờ hình tượng. Thứ hai, để ý dụ dỗ; đây là phần của kẻ thù—nó lôi kéo. Nhưng hãy nghe điều này: bạn không thể bị lôi cuốn bởi thứ mà bạn không mong muốn. Nếu bạn cung cấp thuốc lắc cho hầu hết mọi người trong nhà thờ, họ sẽ không ngần ngại từ chối bạn. Tại sao? Họ không có mong muốn về điều đó. Bạn không thể bị lôi cuốn bởi thứ mà bạn không mong muốn. Tuy nhiên, bạn có thể bị cám dỗ bởi những ham muốn mà bạn không đặt dưới thập tự giá! Chúng ta bị cám dỗ bởi những thứ mà chúng ta thèm muốn; hay nói cách khác, đó là những ham muốn mãnh liệt.

Kẻ thù biết nhà tiên tri này ham tiền bạc và sự công nhận nên thúc giục vị vua vô đạo này gửi thêm cả hai. Những đại diện này có quyền cung cấp bất cứ thứ gì Ba-lác sở hữu bằng cách nói: “Tôi sẽ làm bất cứ điều gì ông nói với tôi.” Ôi, thật là một lời đề nghị! Được cho bất cứ thứ gì hàng xóm của bạn có là một chuyện, người đó có thể có nhiều hay ít tài sản, nhưng việc một vị vua cho bạn bất cứ thứ gì ông có lại là một chuyện hoàn toàn khác —đặc biệt nếu điểm yếu của bạn nằm trong lĩnh vực sức mạnh của nhà vua. Tuy nhiên, hãy lắng nghe câu trả lời của Ba-la-am:

Dù Ba-lác cho tôi đầy bạc và vàng đầy nhà, nhưng tôi không thể làm trái lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi, dù nhiều hay ít. (Dân số 22:18)

Phần lớn nhiều người sẽ được cảm động bởi sự vâng lời của Ba-la- am. Tuy nhiên, hãy nghe một lần nữa những từ ngữ ông chọn, không thể. Một lần nữa, ông ta đang bị lời của Chúa hạn chế khỏi những gì ông ta thực sự mong muốn. Ba-la-am biết điều mà hầu hết những người bước qua cánh cửa của các nhà thờ đều biết. Bạn không thể cố tình không tuân theo lời của Chúa mà vẫn được ban phước. Ông ta cũng biết điều mà có lẽ một nửa số người đi nhà thờ đều biết: sự phán xét chờ đợi kẻ cố tình không vâng lời. Tuy nhiên, đôi khi đây chỉ là thông tin đủ để dẫn bạn đến rắc rối, bởi vì nếu bạn không thể đạt được điều đó theo ý muốn của Chúa, bạn sẽ tiếp tục tìm kiếm để tìm ra cách đạt được điều mình muốn trong các thông số thuộc phạm vi “ý muốn của Đức Chúa Trời.” Để giải thích, hãy xem xét tuyên bố tiếp theo của Ba-la-am:

Vậy bây giờ, xin ông cũng ở lại đây đêm nay, để tôi biết Đức Giê-hô-va sẽ phán gì thêm với tôi. (Dân số 22:19)

Bạn có nghe điều này không? “. . . Chúa sẽ nói gì thêm.” Ông ấy có nghĩ rằng nhiều tiền hơn sẽ thay đổi ý định của Chúa không? Ông ấy có nghĩ rằng lần đầu tiên Chúa nói “Đừng đi với họ” là vì Chúa muốn ông ấy đưa ra lời đề nghị tốt hơn không?

Tại sao ông cần phải cầu nguyện về điều này một lần nữa? Bạn có thấy ông ấy vẫn đang cố tìm cách đạt được điều mình muốn không? Khát vọng đam mê của ông đang lấn át mọi lý trí. Không khác gì cô con gái tuổi teen làm phiền cha mình cho đến khi được hẹn hò với chàng trai nổi tiếng. Ba-la-am bướng bỉnh và không muốn vui vẻ đáp ứng mong muốn của Chúa vì điều đó chống lại lòng tham lam của ông. Hay tôi nên nói về tấm lòng sùng bái thần tượng? Kinh Thánh khẳng định điều này bằng lời, “Sự bướng bỉnh giống như thờ hình tượng” (1Sa 15:23). Hãy nghe Đức Chúa Trời đáp lại Ba-la-am:

Và Đức Chúa Trời đến với Ba-la-am vào ban đêm và phán với ông, “Nếu người ta đến gọi ngươi, hãy đứng dậy và đi với họ; nhưng chỉ nói lời nào Ta nói với ngươi – ngươi sẽ làm.” (Dân số 22:20)

Những quan chức này gọi cho ông vào sáng hôm sau vì họ ở lại với Ba-la-am và hy vọng ông sẽ trở lại với họ. Vì vậy, về bản chất, Đức Chúa Trời đang phán: “Khi người ta đến gọi ngươi, hãy đi theo họ, nhưng chỉ nói lời Ta phán cùng ngươi—ngươi sẽ làm theo.” Chà, có lẽ chúng tôi đã sai trong đánh giá của chúng tôi. Hãy lưu ý rằng Kinh Thánh không nói: “Bây giờ ma quỷ đến với Ba-la-am vào ban đêm và nói: ‘Hãy đứng dậy và đi với chúng,’” cũng không nói: “Bây giờ, một linh lừa dối đã đến gặp Ba-la-am vào đêm đó và nói . . .” Tôi đã nói đùa trước đó, nhưng xét về điều này, có vẻ như Chúa đã khiến ông ta không kiếm được nhiều tiền hơn, bởi vì bây giờ Ngài là Đấng nói “hãy đi.”

CÓ ĐƯỢC ĐIỀU CHÚNG TA MUỐN

Ba-la-am bây giờ có lời của Chúa để đi. Ông ta dậy sớm vào sáng hôm sau để làm những gì ông đã được Chúa chỉ dẫn vào đêm hôm trước, và xem điều gì sẽ xảy ra:

Sáng hôm sau, Ba-la-am dậy, thắng lừa và đi với các quan trưởng Mô-áp. Sau đó, cơn thịnh nộ của Chúa nổi lên vì ông ta đã đi. (Dân Số 22:21-22)

Đợi tí! Bây giờ Chúa nổi giận vì Ba-la-am chỉ đơn giản là làm theo những gì Chúa bảo ông làm vào đêm hôm trước! Chúng ta biết Chúa không bị tâm thần phân liệt, vậy chúng ta giải thích điều này như thế nào? Câu trả lời được tìm thấy trong lời Đức Chúa Trời nói với Ê-xê- chi-ên. Hãy nhớ rằng Chúa đã phán khi những người thuộc về Ngài đến với Ngài với lòng tham lam của họ: “Ta là Chúa sẽ hiện ra để trả lời cho về vấn đề này tùy theo những ước muốn tham lam của họ.”

Đây là điều mà nhiều người trong hội thánh không biết hoặc không hiểu. Nếu chúng ta thực sự muốn một cái gì đó, nếu chúng ta tiếp tục thèm muốn khi Chúa đã tiết lộ ước muốn của Ngài, rất có thể Ngài sẽ ban điều đó cho chúng ta ngay cả khi điều đó trái với ý muốn của Ngài, và ngay cả khi Ngài biết rằng sau này chúng ta sẽ bị phán xét!

Tại thời điểm này, bạn có thể bị sốc; nhưng hãy xem dân Y-sơ-ra- ên, họ muốn có một vị vua. Sa-mu-ên đến gặp Chúa với yêu cầu của họ và Chúa cho họ biết mong muốn của Ngài là họ không có vua. Ngài nói với Sa-mu-ên rằng nhà vua sẽ lấy đi những người con trai, con gái tốt nhất, đất đai, vườn nho và ruộng vườn của họ, cũng như đánh thuế họ.

Sa-mu-ên đem lời này của Chúa đến cho dân sự; hãy đọc câu trả lời của họ: “Tuy nhiên, dân chúng từ chối tuân theo tiếng nói của Sa- mu-ên.” Lưu ý rằng Kinh Thánh không nói rằng họ đã từ chối tiếng phán của Chúa. Một lần nữa, giống như trường hợp của Môi-se, họ đã loại bỏ tư cách sứ giả bằng cách duy trì hình ảnh Chúa của riêng họ để có được điều họ muốn. Đức Chúa Trời đã an ủi Sa-mu-ên một cách riêng tư. “Họ đã không từ chối ngươi, nhưng họ đã từ chối Ta” (xem 1 Sam. 8).

Đáp lại, Đức Chúa Trời đã ban cho họ những vị vua của họ. Ngài thậm chí còn chọn các vua cho họ, với người đầu tiên là Sau-lơ. Đúng như dự đoán, các vị vua đã lấy những vùng đất tốt nhất, con trai và con gái của họ và đánh thuế họ. Sau đó, những vị vua này cuối cùng đã dẫn họ rơi vào sự phu tù của người Ba-by-lon. Đức Chúa Trời đã ban cho họ những gì họ tha thiết mong muốn!

Hãy xem dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Họ đã ăn thức ăn ngon nhất mà con người từng ăn, ma-na. Ê-li chỉ ăn hai bánh ma-na và chạy bốn mươi ngày đêm! Đó là thực phẩm tràn đầy năng lượng!

Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên ngán loại thức ăn này và đòi ăn thịt. Họ xin Chúa thịt và chúng ta đọc thấy rằng Chúa “ban cho họ điều họ cầu xin” (Thi thiên 106:15). Một lần nữa, họ đã được Chúa ban cho chính những gì họ thèm muốn. Trên thực tế, Ngài đã cung cấp điều đó cho họ một cách kỳ diệu:

Ngài tạo gió đông từ trời và bởi quyền năng mình dẫn gió nam đến. Ngài làm mưa thịt rơi trên chúng như bụi đất Và ban chim có cánh như cát bãi biển;

Ngài cho chim rơi vào giữa trại, Xung quanh lều họ ở.

(Thi 78:26-28)

Họ cầu xin, Chúa ban cho họ bằng phép lạ (“bởi quyền năng của Ngài”); Ngài đã đem đến sa mạc số chim cút đủ để nuôi ba triệu người! Chà, thật là một phép lạ đáng kinh ngạc, bởi vì chim cút không sống trong sa mạc! Không chỉ vậy, mà họ còn đâu có súng săn hay chó săn! Thật là một phép lạ vĩ đại! Tuy nhiên, hãy xem điều gì sẽ xảy ra:

Nên họ ăn thịt chim no nê

Vì Ngài đem cho họ vật họ thích. Nhưng trước khi chán chê vật họ thích; Khi thịt vẫn còn trong miệng;

Đức Chúa Trời nổi giận cùng họ;

Ngài giết những kẽ mạnh mẽ nhất của chúng; Ngài hạ sát những thanh niên của Y-sơ-ra-ên. (Thi 78:29-31)

Ngài ban cho họ điều họ thèm muốn một cách kỳ diệu, nhưng trước khi họ ăn xong, sự phán xét của Ngài giáng trên họ. Ngài đáp lời họ tùy theo những ham muốn thèm khát của lòng họ.

Hãy xem xét điều này: một chàng trai trẻ đang hẹn hò với một cô gái trẻ. Cha mẹ anh lo lắng: “Con ơi, ba mẹ không thoải mái với mối quan hệ này. Ba mẹ muốn con ngừng gặp cô ấy. Mục sư thanh niên của anh ấy khẳng định điều này, “Tôi muốn lặp lại lời của cha mẹ bạn. Khi tôi cầu nguyện về điều này, tôi rất khó chịu. Bạn thực sự nên ngừng gặp cô gái này.” Nhưng cuối cùng chàng trai phản bác lại: “Tôi đã cầu nguyện và cầu nguyện và Chúa đã nói với tôi rằng tôi có thể cưới cô ấy”. Họ kết hôn, và sau đó anh ấy tự hỏi tại sao vấn đề của họ lại quá lớn.

Hãy xem xét điều này: một người đàn ông nói với vợ rằng anh ta đang cầu xin một vị trí công việc cụ thể. Người vợ chia sẻ: “Em không thoải mái với vị trí này. Nếu anh nhận được việc đó, anh sẽ đi xa hơn hai trăm ngày một năm. Anh sẽ không thể đi nhà thờ có thể là mỗi tháng một lần, và anh sẽ bỏ lỡ những sứ điệp mà Chúa đặt trong lòng mục sư của chúng ta, chưa kể đến việc thờ phượng và bất kỳ vị trí phục vụ nào nữa. . .” Mục sư cũng chia sẻ những lo lắng tương tự, nhưng người chồng thì quyết tâm và cầu nguyện cho đến khi được thăng chức. Một năm sau, anh tự hỏi làm thế nào mà anh rốt cuộc đã có ở trong phòng khách sạn với một người phụ nữ lạ và xa cách gia đình.

Danh sách gần như vô tận. Điều chúng ta phải nhận ra là khi chúng ta thèm muốn điều gì đó trái với ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, thì Đức Chúa Trời thường ban điều đó cho chúng ta; Câu trả lời của Ngài là theo những thần tượng đang cư trú trong tấm lòng chúng ta. Cuối cùng, Ngài làm điều này để lấy lại tấm lòng của chúng ta.

Chính ta, CHÚA sẽ trả lời nó xứng với nhiều thần tượng của nó. Như vậy Ta sẽ nắm được lòng nhà Y-sơ-ra-ên, là tất cả những người đã vì các thần tượng mình lìa xa Ta.’ (Ê-xê 14:4-5)

Bản NIV nói như thế này: “Ta sẽ làm điều này để chiếm lại trái tim của người dân Y-sơ-ra-ên.” Chúa vô cùng mong muốn kéo chúng ta trở lại với tấm lòng của Ngài. Hãy nhớ rằng, chúng ta là sự theo đuổi của Ngài, Ngài khao khát chúng ta. Mặc dù mong muốn của Ngài là không ai đi lạc, nhưng Ngài sẽ không bị chế nhạo. Tấm lòng Ngài dành riêng cho những ai đã trao trọn vẹn tấm lòng của họ. Vì lý do này, Ngài tìm cách chiếm lại trái tim của chúng ta khỏi bất kỳ cạm bẫy ẩn núp nào của sự tham lam, đó là sự thờ hình tượng.

Khi người con trai hoang đàng xin người cha phần thừa kế, anh ta đến với tư cách là một người con, không phải là một người xa lạ hay tôi tớ mà là một thành viên trong gia đình của anh ta. Rõ ràng là người con trai này không có tấm lòng của cha mình, nhưng động cơ tư lợi của chính anh ta đã thúc đẩy anh ta. Người cha không từ chối yêu cầu của con dù biết con trai sẽ xử lý không đúng. Ông vẫn đưa cho anh ta số tiền rất lớn, và cuối cùng người con trai phải đau khổ rất nhiều, y như người cha đã biết anh ta sẽ phải chịu. Tin tốt là người con trai cuối cùng đã tỉnh ngộ và trở về với người cha. Trong cuộc hội ngộ này, anh đã hiểu được tấm lòng của cha mình hơn bao giờ hết.

Cuối cùng, Đức Chúa Trời hy vọng sẽ thu hút lại từng đứa con đã lạc lối vì thiếu kính sợ Chúa. Đáng buồn thay, giống như trường hợp của Ba-la-am, một số người không bao giờ điều chỉnh và đi đến chỗ biết được tấm lòng của Chúa; nếu bạn đọc phần còn lại của lời ký thuật về Ba-la-am, ông ta tiếp tục theo đuổi sự tham lam của mình và cuối cùng bị phán xét bằng gươm.

Sự so sánh này được chuyển sang Tân Ước khi những người hiện đang thiếu sự kính sợ Chúa được phân loại cùng với dân Y-sơ-ra-ên, Ca-in và Ba-la-am (tất cả những người mà tôi đã thảo luận ở chương này). Chúng ta đọc cảnh báo này:

Mặc dầu anh chị em đã biết tất cả, tôi tưởng cũng nên nhắc lại rằng dù Ngài đã giải cứu dân Ngài ra khỏi xứ Ai- cập, sau đó Ngài lại tiêu diệt những kẻ không tin. (Giu-đe 1:5)

Sau đó, Giu-đe mô tả những tín đồ Tân Ước, những người xưng nhận ân điển của Chúa, nhưng lại sa ngã để sống một cuộc đời tham lam, dâm dục và bất tuân:

Khốn thay cho họ! Họ đã chọn theo con đường của Ca-in, vì lợi lộc, họ đã tự chuốc cho mình lỗi lầm của Ba-la-am, và phản loạn như Cô-rê, để bị hủy diệt. Họ giống như những vết nhơ trong bữa tiệc thương yêu, cùng dự tiệc mà không biết sợ, chỉ biết lo cho chính mình; họ giống như những áng mây không nước bị gió cuốn trôi đi; họ giống như những cây không trái cuối thu, bị nhổ tận rễ, chết đến hai lần. (Giu-đe 1:11-12)

Lưu ý rằng chúng là những vết nhơ trong bữa tiệc tình yêu của chúng ta, mà ngày nay có thể đề cập đến các buổi lễ nhà thờ của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa Giê-su đang đến để đón một cô dâu (Người tình thân thiết của Ngài), người đã giữ cho mình không tì vết, tránh khỏi những ham muốn của thế gian. Nhưng Giu-đe nói rằng những người tự xưng là tín đồ này “cùng dự tiệc mà không biết sợ, chỉ biết lo cho chính mình.” Họ mong muốn các phước lành, và thậm chí là gần gũi Chúa, nhưng lại thiếu sự kính sợ Chúa. Họ bị lừa dối và sự lừa dối của họ sẽ chỉ tiếp tục gia tăng nếu họ không trở về với tấm lòng của Chúa với lòng kính sợ và yêu mến Ngài.

CẢNH BÁO CŨNG NHƯ DẠY DỖ

Hãy để tôi nói lại điều này. Tác giả Hê-bơ-rơ nói: “Nhưng chúng ta không phải là những người chịu lui bước để rồi bị hư vong” (Hê 10:39). Tôi tin chắc lý do giờ đây bạn đọc cuốn sách này và sẵn sàng dò xét lòng mình, là vì bạn không chỉ mong muốn bước đi gần gũi Chúa, mà còn hết lòng mong muốn làm vui lòng Ngài trong hành động và trong sự thật, không chỉ trong ý định và lời nói mà thôi. Vì lý do này, chúng ta được dạy:

Vậy, thưa anh chị em yêu dấu của tôi, như anh chị em vẫn luôn luôn vâng phục, không những khi tôi có mặt mà thôi nhưng nhất là bây giờ, lại càng vâng phục hơn khi tôi vắng mặt. Hãy lấy lòng kính sợ và run rẩy mà hành động để hoàn thành sự cứu rỗi mình. Vì Đức Chúa Trời là Đấng đang tác động trong lòng anh chị em để anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý chỉ tốt lành của Ngài. (Phi 2:12-13)

Những người bước đi trong sự kính sợ Chúa sẽ vâng lời khi họ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa cũng như khi họ không. Họ kiên định, ngay cả khi có vẻ như Chúa đã bỏ rơi họ, điều mà Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi! Chúa được thu hút đến với những người bước đi trong sự kính sợ Chúa và ban cho họ không chỉ vừa muốn mà còn vừa làm theo ý muốn tốt đẹp của Ngài. Ngài không khuyên chúng ta thực hiện sự cứu rỗi bằng tình yêu và niềm vui, nhưng bằng sự sợ hãi và run rẩy. Một lần nữa, sự kính sợ Chúa là điều cốt yếu và tạo ra sự vâng phục vô điều kiện trong lòng cũng như trong hành động của chúng ta.

Những gì tôi viết ở chương này thật nghiêm túc, tuy nhiên Phao- lô nói với chúng ta rằng để dâng mọi tín đồ trở nên hoàn hảo trong Đấng Christ, chúng ta phải cảnh báo cũng như dạy dỗ (Cô 1:28). Thoạt nhìn, những lời cảnh báo có vẻ không tích cực, nhưng cuối cùng, những lời cảnh báo này sẽ cứu cuộc sống người ta và sinh ra kết quả một khi họ để ý làm theo. Tôi thích nghe những lời vui vẻ và lạc quan, nhưng tôi cũng nhận ra rằng nhiều người sẽ nhìn vào các mục sư vào Ngày Phán xét và kêu lên: “Tại sao các ông không cảnh báo tôi?” Những mục sư này sẽ run sợ nếu họ cứ loan truyền những sứ điệp lấy lòng tín đồ hoặc sợ làm mất lòng người nghe, để rồi họ bị bỏ lại phía sau với bàn tay vấy máu.

Tôi đã đưa ra nhận xét này một lần trong một buổi nhóm và sau đó, một mục sư giận dữ đã đến gặp tôi. Anh ta nói, “Làm sao anh dám nói máu của ai đó có thể dính trên tay chúng tôi. Đó là những thứ trong Cựu Ước, không phải thuộc ân điển.” Tôi mở cuốn Kinh Thánh ra và chỉ cho anh ta những lời của Phao-lô:

Vì thế, hôm nay tôi xin thưa rằng tôi trong sạch, không phải chịu trách nhiệm về máu của một ai. Vì tôi đã công bố cho anh em biết tất cả ý định của Đức Chúa Trời, không giữ lại điều gì. (Công Vụ 20:26-28)

Tôi sẽ không bao giờ quên vẻ mặt sửng sốt của anh ấy khi đọc những lời đó. Anh này đã ở trong chức vụ nhiều năm và đọc đi đọc lại những câu này, nhưng hôm đó anh mới thấy nó lần đầu tiên. Anh ta xin lỗi một cách nghiêm túc và chúng tôi trò chuyện thêm vài phút nữa về tầm quan trọng của việc không rơi vào cái bẫy phiến diện khi rao giảng—luôn nhấn mạnh đến những điều tích cực, hoặc ngay cả chỉ giảng tiêu cực thôi. Chúng ta phải quân bình, đó là “cảnh báo” cũng như “dạy dỗ.”

Đây là khoảng thời điểm Chúa Giê-su cảnh báo rằng nhiều người, kể cả những người được chọn, có thể bị lừa dối; Ngài nói rằng sự lừa dối sẽ tràn lan. Chúng ta phải chú ý chỗ chúng ta đứng kẻo ngã. Chúng ta phải đến gần với tấm lòng kính sợ Chúa, hơn là tấm lòng bất cẩn dễ dàng bị lừa dối. Cha yêu thương của chúng ta ở về phía chúng ta, và đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính. Ngài đã ban cho chúng ta ân điển, qua Chúa Giê-su, để sống vâng theo ý muốn của Ngài, và chỉ nhờ sự kính sợ Chúa này mà chúng ta mới có thể có được sự gần gũi thực sự!

CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

  1. Người ta khẳng định rằng “không kính sợ Chúa . . . một hình ảnh méo mó được phát triển, định hình và nhào nặn trong tâm hồn hoặc trí tưởng tượng của chính chúng ta.” Khi bạn nhìn lại đức tin của mình cho đến nay, có lúc nào hình ảnh của bạn về Đức Chúa Trời không đúng không? Nếu vậy, nó đã bị bóp méo theo cách nào?
  2. Tác giả chỉ ra rằng khi chúng ta thèm muốn điều gì đó trái với ý muốn của Chúa dành cho chúng ta, thì Đức Chúa Trời thường ban điều đó cho chúng ta. Hãy thành thật nhìn vào đời sống cầu nguyện của chính bạn, có điều gì bạn đang liên tục đến với Chúa mà có thể thực sự là một thèm muốn không? Có trường hợp nào trong đời bạn nhận được thứ mà bạn khao khát một cách say mê, để rồi sau đó lại hối tiếc không?
  3. Trong câu hỏi đầu tiên ở cuối chương đầu tiên, bạn được hỏi điều gì đã khiến bạn muốn đọc cuốn sách này. Khi bạn xem xét những gì bạn đã đạt được cho đến nay, bạn đã gặp thử thách như thế nào? Bạn đang bắt đầu thấy những thay đổi nào trong hình ảnh của mình về Đức Chúa Trời và ý nghĩa của việc làm hài lòng Ngài trong hành động và lẽ thật?