CÂU TRẢ LỜI CỦA PAT

Nghệ Thuật Sống Quân Bình

Đăng vào: 4 tháng trước

.

CÂU TRẢ LỜI CỦA PAT

Chương 1

1.Nhiều người cho rằng Internet là tội lỗi. Bạn nghĩ gì về Internet và những công nghệ khác đang được sử dụng một cách đáng ngờ?

Tôi cho rằng giống như mọi vật trên thế giới này, Internet có thể được sử dụng cho những mục đích tốt đẹp cũng cho cho những mục đích xấu xa. Cá nhân tôi hết sức phấn khởi bởi tiềm năng mục vụ to lớn mà Internet đem lại. Ví dụ chúng ta có thể sử dụng nó để đem đến sự huấn luyện và dạy dỗ tốt nhất cho các lãnh đạo Hội thánh non trẻ ở mọi nơi trên địa cầu. Có thể công cụ này sẽ giữ vai trò thiết yếu nhằm giúp mọi nhóm người biết đến Chúa Cứu Thế.

2.Chester Carlson, người sáng lập ra hãng Xerox, cho rằng bản văn Hindu giáo Bhagavad Gita là nguồn nâng đỡ ông trong những lúc khó khăn. Bất kể bạn là một Cơ đốc nhân, một tín đồ Hindu giáo, hay Hồi giáo, bạn có cho rằng tâm linh là điều quan trọng hay không?

Mỗi tôn giáo đều có những giá trị to lớn. Dù không nghiên cứu sâu từng tôn giáo, nhưng tôi biết có rất nhiều điểm chung trong luân lý và đạo đức mà mỗi tôn giáo dạy dỗ. Tôi hy vọng những ai đang nghiên cứu và tin theo bất kỳ tôn giáo nào sẽ có đời sống sung mãn hơn và kết quả là sự nghiệp cá nhân và chuyên môn tạo được nhiều ảnh hưởng. Vì đã gặp gỡ, làm quen hay thậm chí có mối thâm tình với những người thuộc nhiều tôn giáo khác, tôi có thể đưa ra những bằng chứng trực tiếp cho điều này.

Đồng thời, tôi không xin lỗi về đức tin cá nhân của tôi nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu và việc chỉ tin cậy một mình Ngài mà thôi. Tôi tin Cơ đốc Giáo là độc nhất. Tôi tin Chúa Cứu Thế là con đường duy nhất dẫn đến thiên đàng (Cong 4:12) và chính bởi sự chết của Ngài trên thập giá mà nhân loại được ban cho con đường đến thiên đàng. Chúng ta thảy đều là tội nhân (Ro 3:23). Chúng ta thảy đều đáng bị chết mất đời đời (Ro 6:23). Chúng ta được cứu một cách đặc biệt bởi ơn điển (Ro 3:24) thông qua huyết Chúa Cứu Thế (Eph 2:13IPhi 1:18-199). Nếu chúng ta đặt đức tin nơi Ngài (Ro 10:13), ăn năn tội mình và chịu báp-têm trong Ngài (Cong 2:38), chúng ta sẽ nhận lãnh Thánh Linh Ngài (Cong 2:38) và được sự sống đời đời (Ro 6:23).

Dù nhận tôn trọng những độc giả là tín đồ Hindu giáo, Hồi giáo, hoặc thuộc những tín ngưỡng khác, tôi chỉ có thể cầu nguyện để bạn sẽ cân nhắc thấu đáo lời tuyên bố đặc biệt của Chúa Cứu Thế Giê-xu rằng Ngài là Đấng Cứu Thế và là Chúa. Bạn không thể xem Ngài chỉ là một tiên tri, một giáo sư vĩ đại mà phớt lờ những gì Ngài phán. Chúa Giê-xu tuyên bố rằng Ngài là con Đức Chúa Trời.

3.Trong lúc thưa chuyện với Đức Chúa Trời, bạn có cầu xin Ngài giúp đỡ bạn trong công việc hay nghề nghiệp của mình không? Đức Chúa Trời có ban cho bạn ý tưởng, phát minh hay sự giúp đỡ đặc biệt nào trong công việc không? Bạn có cách nào để biết được mình nên tiến bước như thế nào, ví dụ như bạn sẽ đi hướng nào trong công việc của mình?

Vâng, chúng ta nên giữ tương giao với Chúa trong mọi lĩnh vực của đời sống (Phi 4:6). Tôi nhớ lại một lần, tôi có đề nghị nhóm học Kinh thánh cầu nguyện cho tôi khi sắp đối diện với một kỳ thi đầy khó khăn. Nghe vậy, một anh trong nhóm nầy quở trách tôi. Anh ta thấy không xứng hợp khi đem mấy chuyện lặt vặt như thế ra thưa trình với Chúa, đặc biệt là khi tôi đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi. Lúc đó tôi không đồng ý với anh ta, và bây giờ lại càng kịch liệt phản đối. Chúng ta nên trình dâng mọi lo lắng, nhu cầu của cuộc sống thường nhật của mình lên cho Chúa. Trên hai mươi năm qua, tôi hằng trình dâng mỗi một con chíp, dự án, tổ chức, công việc, hay mỗi một công nghệ quan trọng mà tôi đang đảm nhận tại Intel lên trước ngôi Đức Chúa Trời. Tôi hy vọng bạn cũng làm như vậy với công việc của mình

4.Có thể bạn cảm thấy mình đang làm việc chăm chỉ hết mức để theo kịp người khác; bạn không phải là loại người đạt toàn điểm A và bạn thường cần phải ngủ nhiều hơn Pat. Dầu cho rằng mình là một người “bình thường”, làm thế nào bạn có thể đạt được sự quân bình trong cuộc sống?

Tất cả nguyên tắc Kinh thánh áp dụng được cho mọi người – bất kể sự khôn ngoan, đẳng cấp, chủng tộc, giới tính, kỹ năng hay vai trò của họ như thế nào. Không phải những người giỏi giang ít bị đòi hỏi hơn. Thật ra, ngược lại thì đúng hơn – càng được ban cho nhiều tài năng, bạn càng có nhiều cơ hội sử dụng những tài năng đó. Trong lời dạy của mình trong Mat 25:1-46, Chúa Giê-xu khẳng định quan điểm này, và một lần nữa trong Lu 12:48: “Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.”

Là một người được ban cho nhiều tài năng, bạn càng bị áp lực phải sống kết quả. Cũng vậy, hình ảnh trong ví dụ về người chủ và các ta-lâng cho thấy khi bạn thành công với những tài năng bạn có, Chúa sẽ ban cho bạn những cơ hội lớn hơn nữa.

Mỗi người chúng ta cần tìm kiếm những phương thức và những vai trò mà những tài năng đặc biệt của chúng ta có thể được Chúa sử dụng. Càng tìm kiếm điều đó, chúng ta càng gặp thách thức với vấn đề quân bình thời gian. Vì vậy, những nguyên tắc và chỉ dẫn trong sách này có thể áp dụng cho tất cả những ai đang gặp thách thức với sự quân bình trong công việc.

5.Làm thế cách nào bạn biết được mình đã chọn đúng ngành nghề? Liệu sự tranh chiến để sống quân bình có thể xảy ra bởi vì bạn chọn nhầm công việc không?

Biết được ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời mình là một thách thức đầy khó khăn cho bất kỳ ai. Tôi xin trích dẫn Ro 12:2:

Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

Bước theo Chúa Cứu Thế một cách tỏ tường và kiên định sẽ khai mở cho bạn hiểu biết về ơn tứ của mình và cách Ngài có thể sử dụng bạn. Có khi một thay đổi trong công việc hoặc sự nghiệp có thể sẽ cần thiết. Thông thường, chỉ cần học cách để Ngài làm Chủ và làm việc cho Ngài – như thảo luận trong chương 5 – sẽ khiến cho vai trò hiện tại của bạn được thành tựu và thỏa mãn hơn nhiều. Ngay sau khi trở thành Cơ đốc nhân, tôi được thúc giục rời ngành kỹ thuật để bước vào mục vụ. Tôi đã vật lộn với suy nghĩ này trong nhiều tháng. Cuối cùng, tôi bắt chước Ghi-đê-ôn trong Các Quan Xét đoạn 6 – “đặt một lốt chiên trước mặt Chúa” – để tìm kiếm phương hướng từ Đức Chúa Trời. Lốt chiên của tôi vẫn còn khô ráo cho đến ngày nay, và tôi xem đó là lời đáp tỏ tường từ Đức Chúa Trời rằng mục vụ của tôi không phải là bước ra khỏi công việc và nghề nghiệp mà tôi đang làm. Từ đó, tôi càng lớn lên, thấy được thể nào Chúa sử dụng nghề nghiệp và vai trò hiện tại của tôi một cách uy quyền cho vương quốc Ngài. Nhờ đó, tôi tự tin biết mình đang ở đúng nơi Chúa muốn tôi ở – ít nhất là cho đến hôm nay.

Chương 2

1.Vì sao bạn thật sự cần soạn một bản tuyên ngôn sứ mạng cá nhân với những giá trị và mục tiêu cụ thể?

Nếu bạn vẫn chưa soạn một bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân, thì hãy làm ngay. Nếu bạn đã kiên nhẫn đọc đến chừng này quyển sách, thì bạn càng phải thực hiện. Như những gì đã học trong chương 2, một tuyên ngôn sứ mệnh là điểm khởi đầu để đặt ra phương hướng lâu dài cho cuộc đời. Bạn muốn làm gì với quà tặng thời gian còn lại mà Chúa đã ban cho bạn? Bạn sẽ để lại di sản gì trên đất? Một tuyên ngôn sứ mệnh giống như chiếc la bàn định hướng những quyết định mỗi ngày của chúng ta.

2.Bạn đang sử dụng những loại công cụ quản lý thời gian nào?

Bạn có thể tìm thấy nhiều công cụ và hệ thống quản lý thời gian khác nhau. Một số dựa vào máy tính, còn một số thử kết hợp ưu tiên, mục tiêu với việc quản lý thời gian. Nhiều năm qua, tôi sử dụng nhiều công cụ khác nhau với những thành công khác nhau. Ở những thời điểm khác nhau trong sự nghiệp chuyên môn của mình, những công cụ khác nhau sẽ ít nhiều mang đến lợi ích.

Nói chung, công cụ bạn đang sử dụng và cách bạn sử dụng chúng như thế nào không thành vấn đề, quan trọng là bạn có một tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân, thường xuyên đánh giá thời gian của mình và có cách giữ mình sống một cách nhất quán với mục tiêu đã đặt ra. Sau khi soạn được một tuyên ngôn sứ mệnh thích hợp với những ưu tiên của mình, bạn có thể áp dụng chúng vào bất kỳ công cụ quản lý thời gian nào bạn hiện có.

3.Làm cách nào bạn có thể đặt ra mục tiêu hay tuyên ngôn sứ mạng khi mà thế giới quanh ta thay đổi đến chóng mặt?

Lẽ dĩ nhiên, tuyên ngôn sứ mệnh của bạn sẽ thay đổi theo thời gian và thỉnh thoảng nên được cập nhật và sửa đổi. Tuy nhiên, khi cố gắng soạn bản tuyên ngôn sứ mệnh của mình, hãy đặt ra những mục tiêu lâu dài hơn và không quá chuyên biệt cho một công tác hay vai trò nào đó. Tôi đã hoàn tất bản tuyên ngôn của mình bảy năm trước. Từ đó đến nay, tôi chỉ cần sửa đổi chút ít mà thôi.

4.Bạn nên chuẩn bị lập di chúc và lên kế hoạch tài chánh chi tiết cho gia đình mình như thế nào?

Người ta thường làm những điều này khi họ xem xét cách nghiêm túc cuộc đời và kế hoạch của mình. Không có gì là không lành mạnh khi xem xét những chuyện xảy đến sau khi bạn qua đời; biết hoạch định cho gia đình mình là khôn ngoan. Tùy theo độ phức tạp của tài sản và tình hình tài chánh của bạn, bạn có thể viết tay hoặc sử dụng những phần mềm máy tính có sẵn trên thị thường. Nếu tình hình của bạn phức tạp hơn, bạn có thể cần đến giới chuyên môn như luật sư hoặc người hoạch định tài chánh. Bạn cũng cần cập nhật chúng khoảng năm đến mười năm một lần để theo kịp những đổi thay trong hoàn cảnh của bạn. Linda và tôi vừa mới cập nhật di chúc mà chúng tôi đã soạn ra gần bảy năm qua.

5.Nếu bạn chưa viết bản tuyên ngôn sứ mạng cá nhân, hãy bắt đầu viết ngay hôm nay. Hãy sử dụng ví dụ ba phần trong chương này để làm mẫu. Hãy chia sẻ kết quả với người bạn đời, cố vấn hoặc người bạn thân của bạn.

Như đã thảo luận trong chương này, đây là một việc khó thực hiện và bạn nên dành ra thời gian chất lượng để suy ngẫm về những mục tiêu lâu dài cho cuộc đời mình. Cuối cùng, tôi sẽ luôn cầu nguyện cho bạn khi bạn bắt đầu thực hiện kế hoạch này cho cuộc đời mình!

Chương 3

1.Làm thế nào để giữ Đức Chúa Trời ở vị trí ưu tiên cao nhất trong đời sống bạn?

Rất khó để giữ Đức Chúa Trời ở vị trí ưu tiên cao nhất trong đời sống chúng ta khi đối mặt với vô số hoạt động, nhu cầu và những ưu tiên khác. Đây là một số bước để đi đúng hướng: dành thì giờ tĩnh nguyện mỗi ngày, chủ động dự phần trong Hội thánh địa phương và giữ mối liên hệ với những cố vấn của mình.

2.Có bao giờ bạn thấy hoạt động tôn giáo của mình chẳng khác nào một thủ tục phải thực hiện hằng ngày? Làm cách nào để có thể tập trung hơn cho giờ tĩnh nguyện cá nhân của mình?

Vâng, có chứ. Giờ tĩnh nguyện hằng ngày có thể trở thành một thủ tục nhàm chán. Tuy nhiên, có những nguồn tài liệu rất tốt có thể giúp ích cho bạn. Quyển Sự cần thiết phải cầu nguyện (The Necessity of Prayer) của E.M.Bounds có thể là tài liệu liên hệ rất tốt về đề tài này. Dưới đây là vài ý tưởng khác mà tôi thấy hữu dụng:

•Vị trí rất quan trọng. Tôi không thể ngồi quá lâu để cầu nguyện; làm như vậy, tôi dễ nghĩ vẩn vơ hoặc ngủ gục. Tôi có thể đứng hoặc quỳ gối cầu nguyện.

•Tôi thấy cầu nguyện lớn tiếng có hiệu quả hơn cầu nguyện thầm. Khi cầu nguyện thầm, đầu óc tôi dễ tha thẩn đâu đâu. Còn cầu nguyện lớn tiếng, tôi sẽ tập trung hơn và lời cầu nguyện cũng mang tính thân mật hơn. Tôi thường cầu nguyện khi lái xe và tôi thấy cầu nguyện lớn tiếng khiến thì giờ tương giao với Chúa đặc biệt hiệu quả.

•Tôi cầu nguyện theo thứ tự ACTS: ngợi khen (ngợi khen, cảm tạ Đức Chúa Trời), xưng tội (cẩn thận và chi tiết), cảm tạ (Chúa Cứu Thế, Gia đình, sự quan phòng của Ngài…) và cuối cùng là nài xin (trình dâng những đòi hỏi, nhu cần và những lĩnh vực cần Ngài can thiệp).

Trong khi cầu nguyện, tôi thấy ngân nga hoặc hát những bài ngợi khen là rất có ích, đặc biệt là trong phần ngợi khen. Việc hát giúp tôi bước vào và ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Hãy cầu nguyện một chút, hát một bài, cầu nguyện tiếp, tiếp tục hát, cầu nguyện lần nữa. Cầu nguyện trực tiếp bằng Kinh thánh cũng là một cách cầu nguyện uy quyền.

Hãy thường xuyên cầu nguyện. Phần đại cương ở trên là thời gian tĩnh nguyện chính mỗi ngày một lần của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng thường thấy những lời cầu nguyện tuyệt vời nhất là khi tôi được thúc giục để cầu nguyện trong giây lát. Hãy cầu nguyện khi bạn bước vào phòng họp, khi lái xe đi làm, khi bạn nhìn thấy nhu cần và khi bạn không biết phải nói gì trong một tình huống đặc biệt (Phi 4:6).

3.Liệu có khôn ngoan không khi một người phải đi lại nhiều và phải thức khuya để làm việc lại cam kết hướng dẫn lớp nghiên cứu Kinh thánh hàng tuần? Làm thế nào để sắp xếp học Kinh thánh ở nhà khi thời gian biểu của bạn đã lắm bận rộn?

Ưu tiên cho hoạt động của Hội thánh phải là một phần trong cam kết của bạn với Chúa. Lịch làm việc của bạn có thế đòi hỏi bạn phải để những hoạt động này vào ngày cuối tuần. Tuy nhiên, căn cứ theo yêu cầu công việc của bạn, việc tổ chức buổi học Kinh thánh tại nhà có thể là một quyết định sáng suốt hoặc không. Có thể hướng dẫn một lớp vào Chúa nhật hoặc vào cuối tuần hoặc vào giờ ăn trưa ở chỗ làm sẽ thích hợp hơn trong trường hợp của bạn.

Với tôi, tôi cố gắng ở nhà mỗi tối thứ Tư. Tuy nhiên, vì phải đi công tác và những hoạt động khác, tôi không thể có mặt đều đặn. Ed, bạn tôi, đồng hướng dẫn lớp nghiên cứu với tôi sẽ sẵn sàng thay tôi hướng dẫn lớp bất cứ lúc nào.

4.Làm thế nào để việc sử dụng và quản lý tài chánh phản ảnh rằng Đức Chúa Trời đang ở vị trí ưu tiên cao nhất trong đời sống bạn?

Xuyên suốt Tân Cựu Ước là lời kêu gọi sống một đời sống biết dâng hiến cho công việc Chúa. Điều này hiện diện trong hầu hết luật lệ của Cựu ước và được thay thế bằng những lý tưởng và nguyên tắc cao quý hơn trong Tân ước. Kinh thánh nói rất nhiều về tài chánh nên chúng ta không thể bỏ qua. Hướng đến một đời sống hy sinh, ơn phước, di sảnnhất trí là một hành trình lâu dài của chức vụ quản lý tài chánh mà có thể sẽ có lắm thách thức nhưng cũng hứa hẹn nhiều phần thưởng cho hiện tại lẫn trong cõi đời đời.

5.Bạn đối phó với công việc được giao vào ngày Chúa nhật như thế nào?

Có hai lối suy nghĩ:

— Về điểm này, có thể một số người sẽ không nhất trí với tôi, nhưng tôi tin chúng ta hoàn toàn ở dưới giao ước mới. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta không bị buộc phải tuân theo luật Sa-bát. Xuyên suốt Tân ước, chúng ta thấy Chúa Giê-xu xung đột với người phe Pha-ri-si ở chính điểm này. Tuy nhiên, Tân ước cũng kêu gọi tín hữu hiệp lại thờ phượng thường xuyên. Vì vậy, tôi không quá bận tâm đến chuyện có hay không đi làm vào Chúa nhật miễn là bạn còn duy trì giờ thờ phượng Chúa hàng tuần là được. Ví dụ như, vì lý do này mà nhiều Hội thánh có buổi nhóm thờ phượng tối thứ Bảy. Tuy nhiên, có thể “sự tự do” này làm bạn không được thoải mái, vậy bạn cứ tiếp tục đi nhà thờ mỗi Chúa nhật. Trong trường hợp đó, hãy lắng nghe lương tâm mình và làm sao cho phải.

— Khái niệm ngày Sa-bát – là lời kêu gọi dành thì giờ nghỉ ngơi và tập trung vào Đức Chúa Trời – vẫn còn quan trọng và giá trị. Duy trì và tận hưởng thì giờ này là cách quân bình lành mạnh trong đời sống mỗi người.

Nếu bạn không thể kiên định trong việc duy trì quân bình và thờ phượng Chúa mỗi tuần, bạn nên cân nhắc cách nào khác để thực hiện điều này.

Chương 4

1.Làm thế nào bạn có thể đặt sự ưu tiên cho người bạn đời trên con cái và sự nghiệp?

Cả bạn và người bạn đời mình cần thảo luận vấn đề này một cách thấu đáo. Hãy khám phá đâu là nơi bạn đã để cho những nhu cầu của con cái hoặc công việc của bạn đẩy vợ hoặc chồng bạn ra khỏi vị trí đáng phải có trong đời sống vợ chồng. Bạn có thể làm gì để chuyển tải thông điệp một cách rõ ràng rằng sau mối liên hệ giữa bạn với Đức Chúa Trời, mối quan hệ với người bạn đời là mối quan lệ quan trọng thứ hai mà bạn có được trên đời này. Cũng có nhiều nguồn tài liệu quý báu cho bạn về đề tài này trong tủ sách Cơ đốc ở Hội Thánh địa phương.

2.Có cần thiết phải hẹn hò thường xuyên với người bạn đời hay không? Tại sao?

Đây là bước then chốt để thiết lập những ưu tiên của bạn. Qua những cuộc hẹn hò, những ngày cuối tuần đi chơi xa và trò chuyện cùng nhau, bạn có thể xây dựng một mối quan hệ liên tục tiến triển, sâu sắc chưa từng có với người bạn đời của mình. Khi con cái bạn ra riêng, bạn và người bạn đời mình sẽ vẫn ở lại trong ngôi nhà cũ. Lúc đó bạn có còn biết rõ nhau nữa hay không? Ngày đứa con út bạn tự lập, liệu hai bạn có yêu nhau sâu đậm hơn thuở hai người mới cưới hay không?

3.Làm thế cách nào để ưu tiên thì giờ cho gia đình giữa những hoạt động thường xuyên trong tuần của bạn?

Một số công cụ mà tôi gợi ý, như giờ cho-hai-người trong tuần với từng đứa con, hoặc một danh sách hoạt động vào những ngày cuối tuần sẽ có thể có ích cho bạn. Hãy khám phá nhiều cách, như đi nghỉ mát với gia đình, để tạo ra những kỷ niệm mà từng thành viên trong gia đình bạn sẽ mãi vui mừng khi nhớ lại trong những năm tháng sắp tới. Hãy đầu tư thời gian vào “những buổi tối sum họp gia đình” – là lúc không ai làm việc gì thêm nữa. Gia đình ăn tối cùng nhau, dành cả buổi tối chơi đùa và ở bên nhau.

4.Người bạn đời của bạn xoay xở với con cái như thế nào khi bạn đi xa?

Linda là người mẹ tuyệt vời, là người giúp đỡ vĩ đại. Rõ ràng Đức Chúa Trời đã ban phước cho cô ấy trong vai trò của mình. Dầu vậy, tôi cũng cần thường xuyên khích lệ, bày tỏ sự cảm kích, lòng biết ơn của tôi dành cho cô ấy. Có thể là bằng cách hẹn hò, tặng quà, tặng thiệp, viết thư và vô vàn cách để bày tỏ tình yêu lẫn lòng biết ơn một cách sống động. Tôi cũng cầu nguyện cho cô ấy mỗi ngày nữa

5.Bạn sẽ đối xử như thế nào đối người bạn đời cực kỳ bận rộn, đi công tác thường xuyên, không tham gia Hội Thánh, ít gần gũi với gia đình và phớt lờ những gợi ý thay đổi thứ tự ưu tiên mà bạn đưa ra?

Dù trong trường hợp nào hãy khởi sự bằng cách trình dâng hoàn cảnh mình lên Đức Chúa Trời. Trong vai trò người chồng hoặc người vợ, bạn phải hoàn toàn hỗ trợ người bạn đời của mình trong mọi hoàn cảnh, bất kể là tốn bao nhiêu thời gian đi nữa (Eph 5:22-24Co 3:19IPhi 3:1-6Eph 5:25-28Co 3:20-22IPhi 3:7). Bạn có thể nhẹ nhàng khuyến khích người bạn đời của mình xem xét những phân đoạn Kinh thánh trên, hay đọc qua quyển sách này. Dĩ nhiên nếu người bạn đời của bạn không phải Cơ đốc nhân, mục tiêu chính của bạn là dịu dàng giúp chồng hoặc vợ mình thấy được Đấng Christ qua đời sống bạn và lời làm chứng của bạn (IPhi 3:1).

6.Bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình nếu người bạn đời của bạn là một người tham công tiếc việc hoặc đơn giản không muốn điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong đời sống mình?

Những tình huống khó khăn như vầy không thể có những đáp án đơn giản được.

Lẽ đương nhiên, hãy tiếp tục cầu nguyện cho người bạn đời mình sẵn sàng chịu thay đổi. Với thái độ khiêm nhường và chân thành, hãy tiếp tục gợi ý cho người bạn đời mình thay đổi. Trong những năm qua, tôi không ngừng có những điều chỉnh để giữ quân bình cho đời sống và công việc của tôi, sự thúc đẩy trực tiếp của Linda – không phải là qua những lời phàn nàn bất chợt hay việc tỏ vẻ thất vọng – đã thường xuyên thôi thúc tôi thay đổi. Vì tôi vẫn chưa hoàn hảo, tôi chắc cô ấy sẽ còn tiếp tục khích lệ tôi tăng trưởng và cải thiện kỹ năng sống quân bình của tôi.

Bạn cũng có thể tìm cách thảo luận tình huống với những người mà người bạn đời của bạn tôn trọng và chịu lắng nghe. Bạn cũng có thể cân nhắc khả năng tìm sự trợ giúp từ công tác tư vấn.

Như gợi ý trong phần trả lời cho câu hỏi 5, bạn phải luôn hỗ trợ cho người bạn đời của mình, ngay cả trong những tình huống như vầy. Đây là chuyện dễ nói nhưng khó làm nhất khi người bạn đời của bạn phạm phải lỗi lầm rõ ràng và nặng nề, làm tổn hại đến mối quan hệ với bạn và với gia đình. Tuy nhiên, đó chính là những gì Kinh thánh kêu gọi bạn làm.

Cuối cùng, dù không thể thay đổi người bạn đời của mình, nhưng bạn có thể thay đổi bản thân. Hãy chắc chắn bạn đang có thứ tự ưu tiên đúng đắn cho cuộc đời bạn và trong mối quan hệ với chồng hoặc vợ mình ngay cả khi người đó chưa làm như vậy.

Chương 5

1.Làm thế nào bạn kiểm soát được những cam kết cho công việc trong khi chúng xung đột với cam kết dành cho gia đình bạn?

Dù chỉ đưa ra vài ví dụ, nhưng tôi thường đặt những cam kết cho gia đình lên trên yêu cầu công việc. Tôi chắc chắn rằng những xung đột này sẽ còn tiếp tục nổi lên và tôi cam đoan mình sẽ lại ưu tiên cho gia đình nhiều lần nữa. Tôi muốn nhắc bạn đừng nên quá cứng nhắc trong bất kỳ phương hướng nào. Đôi khi có trường hợp, một công tác cần được ưu tiên hơn trong khi cam kết gia đình lại không đặc biệt quan trọng. Lúc đó hãy chọn ưu tiên cho công tác đó và làm cho thật tốt. Một lần khác với một công tác không quá quan trọng, hãy chọn tôn trọng cam kết với gia đình. Dĩ nhiên tình huống nan giải xảy ra là khi cả cam kết công việc và cam kết gia đình đều cần được ưu tiên. Trong trường hợp như vậy, hãy tôn trọng cam kết gia đình và sẵn sàng đón nhận hậu quả xảy đến cho công việc. Hy vọng rằng là một nhân viên giỏi, bạn sẽ thiết lập được sự quân bình mạnh mẽ trong tài khoản giá trị ảo của mình và bạn có thể xoa dịu những tình huống như thế.

2.Bạn sẽ xoay xở thế nào khi những dự án trở nên căng thẳng và thời hạn hoàn tất đã được ấn định – khi mà khó vừa làm hài lòng gia đình và bạn bè vừa làm một nhân viên hiệu quả?

Thách thức của thời hạn ngắn để hoàn tất một mục tiêu nào đó đôi khi khiến chúng ta phải chọn cách vắng mặt trong giờ gia đình một thời gian. Trong thời đại Internet và truyền thông di động, bảy ngày trong tuần, 24 giờ mỗi ngày, lúc nào cũng có những đòi hỏi. Nhiều ngành công nghiệp toàn cầu của chúng ta đã khiến lối nói 24/7 trở thành một thực tế. Vì thế, những giai đoạn căng thẳng là điều không ngoài sự mong đợi và thường phải xảy ra. Hãy sẵn sàng trả giá và tiếp tục làm một nhân viên giỏi. Tuy nhiên, theo sau những lúc làm việc căng thẳng này phải là thì giờ quân bình ở cùng gia đình và bè bạn.

Cũng vậy, có một số công việc chẳng khác nào một chuỗi giai đoạn căng thẳng liên hoàn, không ngừng nghỉ. Nếu những giai đoạn này không được quân bình bằng thì giờ cho gia đình và Đức Chúa Trời, bạn cần cân nhắc thực hiện những điều chỉnh quan trọng hơn cho công việc và lịch trình của bạn, thậm chí có khả năng bạn phải xem xét thay đổi một vị trí công việc khác thích hợp hơn trong công ty.

3.Bạn làm thế nào để giữ mình trong một môi trường mà sự suy đồi đạo đức là cách để đạt được mục tiêu?

Không có chỗ cho sự suy đồi đạo đức trong đời sống Cơ đốc nhân. Là Cơ đốc nhân, chúng ta không ngừng được Kinh thánh khuyên giục sống một đời sống thánh khiết (IIPhi 3:11) Tuy nhiên, có một giới hạn rạch ròi giữa việc làm công việc được giao, nhận thức rằng có sự suy đồi chung quanh mình với việc trực tiếp can dự vào sự suy đồi đó. Công việc hay vai trò của bạn không phải là tìm ra những chỗ suy đồi hay vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, khi bạn đứng trước sự vi phạm hay suy đồi đạo đức, là Cơ đốc nhân, bạn phải có những bước hành động thích hợp. Làm một ánh sáng dẫn đường giữa thế giới tội lỗi là những gì Cơ đốc nhân chúng ta được kêu gọi trở thành (Mat 5:13-16). Việc vừa làm nhân viên giỏi, làm việc chăm chỉ mà vẫn sống một đời sống đạo đức, thánh khiết sẽ là cơ hội để một doanh nhân Cơ đốc có thể làm chứng nhân hữu hiệu nhất.

4.Nếu nhìn thấy cách hành xử thiếu đạo đức trong công ty, bạn có tiếp tục làm việc chăm chỉ hay không?

Đương nhiên là có. Hãy nhớ rằng trước tiên và trên hết, bạn đang làm việc cho Đức Chúa Trời (Co 3:23) Cũng hãy xem trong IPhi 2:17, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên giục Cơ đốc nhân hãy “tôn trọng vua.” Trong thời sứ đồ Phierơ, “vua” ở đây không ai khác hơn là những Sê-sa La Mã gian ác – kẻ bách hại Cơ đốc nhân và ngăn cấm Cơ đốc Giáo. Mặc cho sự suy đồi cùng cực của thời đó, Phi-e-rơ khuyên giục hãy tôn trọng vua, là người đang cai trị bởi mạng lệnh tối thượng của Đức Chúa Trời. Thật ra, dựa vào thời điểm thư tín này được viết, “vua” lúc bấy giờ chắc chắn là Nê-rô bạo chúa, kẻ biến Cơ đốc nhân thành những ngọn đuốc sống để thắp sáng cung điện của hắn.

Như vậy, nguyên tắc mạnh mẽ là: làm việc chăm chỉ như làm cho Chúa, bất kể hoàn cảnh xung quanh như thế nào.

5.Một nền kinh tế yếu kém tạo nhiều áp lực trên đời sống công việc chúng ta. Đâu là giới hạn giữa những cam kết và trách nhiệm?

Khi đối diện với những áp lực thì những ưu tiên và sự quân bình trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta sẽ học được nhiều điều từ những lúc khó khăn hoặc thất bại hơn là khi chúng ta được thành công hay dễ chịu.

6.Làm thế nào để bạn đạt được sự quân bình giữa làm việc để đổ đầy túi tiền của người khác và mưu sinh cho chính bạn?

Lao động do Đức Chúa Trời mà có. Ngay khi con người sa ngã, Đức Chúa Trời đã truyền cho họ phải lao động để duy trì sự sống (Sa 3:19). Không chỉ được Đức Chúa Trời truyền dạy từ lúc ban đầu đó, lao động cũng luôn được đòi hỏi xuyên suốt Cựu ước lẫn Tân ước (IITe 3:10). Hầu hết những người vĩ đại trong Kinh thánh đều có nghề nghiệp hẳn hoi trước hoặc trong khi thi hành chức vụ. Một số làm việc độc lập (như là người chăn chiên hoặc thợ đánh cá), số khác làm thuê cho chủ (như là người thu thuế) và một số là những nô lệ (như trường hợp trong thư Phi-lê-môn). Nhưng trong mọi trường hợp, nguyên tắc về đạo đức công việc đều được khẳng định và áp dụng (Co 3:23).

Dĩ nhiên có một số nghề nghiệp không thích hợp với Cơ đốc nhân (như làm ở quầy rượu hay sòng bạc, kinh doanh sách báo khiêu dâm). Vì thế, ngoại trừ những vị trí trực tiếp bất khiết, vấn đề then chốt không phải là công việc bạn là gì,“sếp” của bạn ra làm sao nhưng là bạn có sống một đời sống thánh khiết và đạo đức hay chưa.

7.Bạn có thường xem lại biểu đồ thời gian của mình không?

Tôi thường cập nhật nó hàng tháng và lưu giữ số liệu đến nay đã được mười năm. Chúng giúp tôi thấy được phương hướng. Thường thì suốt năm tôi luôn có những giai đoạn khó khăn hoặc bận rộn. Nhìn lại một năm giúp tôi biết được tình hình tiến triển ra sao và đặc biệt cố gắng ở nhà trước cũng như sau những giai đoạn đặc biệt bận rộn này.

Chương 6

1.Làm cách nào bạn có thể tìm được một cố vấn?

Hãy cẩn thận cân nhắc những lĩnh vực nào bạn muốn cải thiện hoặc tăng trưởng. Sau đó hãy tìm người nào bạn tin cậy và tôn trọng, là người đặc biệt mạnh mẽ trong những lĩnh vực này. Cuối cùng, hãy bày tỏ ước muốn của mình và xin có một cam kết thời gian thích hợp. Cũng hãy tìm những người mà bạn có thể cố vấn cho họ. Hãy phát triển những mối liên hệ mà bạn có thể giúp người khác trưởng thành về chuyên môn lẫn thuộc linh.

2.Bạn nên làm gì trong thời gian cố vấn? Bạn nên gặp người cố vấn bao lâu một lần?

Trong sự nghiệp chuyên môn bận rộn của tôi, thật khó quy định cách bao lâu thì gặp gỡ nhau. Cố gắng gặp mỗi tuần một lần là mục tiêu tốt, và hiện tại tôi có thể trung bình giữ cuộc gặp gỡ một hoặc hai tuần một lần. Nếu không gặp nhau được ít nhất một lần mỗi tháng, thì mối liên hệ đó có thể trở nên thiếu hiệu quả. Trong lúc tư vấn, bạn có thể cùng nhau nghiên cứu Kinh thánh liên hệ đến những lĩnh vực mà bạn muốn phát triển. Hiện tại tôi đang sử dụng loạt bài Biết Chúa (Knowing God). Bạn chỉ cần gặp gỡ, hỏi thăm về cuộc sống của nhau. Tối thiểu hãy ghi nhận những lời yêu cầu cầu thay và những chủ đề đặc biệt dưới dạng nhật ký sau mỗi lần gặp gỡ.

3.Bạn nghĩ gì về việc một lúc có nhiều cố vấn? Một người nên có bao nhiêu cố vấn?

Nếu bạn muốn có Phao-lô, Ba-na-ba và Ti-mô-thê trong đời sống chuyên môn lẫn thuộc linh, thì ít nhất bạn cần đến sáu người. Nếu bạn có nhiều mối liên hệ đặc biệt thì có thể bạn cần nhiều hơn. Nói chung, tôi không thể nào một lúc duy trì mối quan hệ cố vấn với nhiều như vậy. Tôi cũng khuyên bạn không nên cố gắng làm điều đó. Tôi cố gắng có một Phao-lô – cố vấn, một Ti-mô-thê – người mà tôi cố vấn cho, và một Ba-na-ba – đồng sự đáng tin cậy.

Dĩ nhiên, đối với một số người, có một cố vấn đã là một tiến bộ vượt bậc. Nếu trước giờ bạn chưa từng có cố vấn nào, tôi khuyên bạn nên khởi đầu với một cố vấn hoặc một đồng sự mà thôi.

4.Làm thế nào bạn có thể cố vấn cho những thành viên trong tổ làm việc hoặc những nhân viên dưới quyền bạn?

Công tác tư vấn chủ yếu là quyết định của người được cố vấn chứ không phải của ngườicố vấn. Vì vậy, trong khi khuyến khích người khác tìm kiếm và thực hiện theo sự hướng dẫn, bạn không thể ép buộc hay đòi hỏi họ phải làm theo sự hướng dẫn đó. Khi tôi cố vấn cho những người trong nhóm, tôi cẩn thận không tỏ ra hay có biểu hiện thiên vị nào. Tôi cố gắng thực hiện trách nhiệm của một huấn luyện viên cho từng cá nhân trong đội. Tôi cũng khuyến khích họ tìm cho mình những cố vấn khác nữa. Chính sách cởi mở của Intel cũng có ích lợi; nếu bất kỳ nhân viên nào cảm thấy bị coi thường, họ có thể trình bày điều đó với cấp trên của tôi.

5.Bạn có thể nghĩ về ba người – là những người sẽ thực hiện tốt vai trò Phao-lô, Ti-mô-thê và Ba-na-ba – trong đời sống bạn hay không? Hãy viết ra tên của họ và cam kết gặp gỡ họ để thảo luận về mối quan hệ cố vấn – đây cũng là bước khởi đầu để gắn kết cuộc đời của bạn với cuộc đời của họ.

Hãy dành khoảng thời gian chất lượng để suy nghĩ và cầu nguyện cho từng người trong danh sách mà bạn vừa viết. Bạn sắp đề nghị họ giúp đỡ bạn và hơn nữa, bạn muốn đảm bảo mình đang có những sự lựa chọn tốt lành và thánh khiết cho những vai trò quan trọng dường ấy trong đời sống bạn.

Chương 7

1.Làm thế nào để nắm bắt cơ hội chia sẻ Lời Đức Chúa Trời ở sở làm của bạn? Bạn sẽ làm điều đó bằng cách nào? Bạn có kinh nghiệm cụ thể nào trong việc này không?

Lời chứng đầu tiên của bạn trong nơi làm việc phải là: làm một nhân viên giỏi. Nếu không như vậy, lời chứng của bạn sẽ trở nên thiếu giá trị.

Lời làm chứng thứ hai là lối sống và đạo đức của bạn. Bạn có kiểm soát cuộc đời mình với cấp độ đạo đức và luân lý cao nhất, hay đôi khi bạn cũng có những hành xử có vấn đề hoặc bất khiết? Bạn có dự vào những câu chuyện phiếm hoặc thô tục? Người ta có thấy bạn dành thì giờ tĩnh nguyện trong lúc nghỉ ngơi hoặc trong giờ nghỉ trưa hay không?

Thứ ba, bạn sẽ có nhiều cơ hội bày tỏ lòng quan tâm đến người khác một cách đặc biệt và thánh khiết. Nếu một đồng nghiệp gặp chuyện buồn, hoặc mất đi người thân yêu trong gia đình, bạn sẽ nói “Tôi sẽ nhớ cầu nguyện cho anh”, gởi hoa chia buồn, hay một hành động thiết thực hơn: “Tôi sẽ đến giúp anh trong lúc khó khăn này” sẽ có tác động mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng, thỉnh thoảng bạn sẽ có cơ hội làm chứng cho người khác. Điều này cũng cần được thực hiện một cách cẩn trọng, e rằng bạn sẽ chuốc tiếng xấu là sử dụng thời gian làm việc để đi cải đạo người khác. Đây cũng là lý do tại sao tôi nhấn mạnh phải làm một “nhân viên giỏi” và đem tư cách nghề nghiệp của mình vượt lên trên sự chỉ trích. Nếu là nhân viên cấp trên, bạn phải cẩn trọng hơn nữa để không tạo áp lực cho cấp dưới của mình. Bạn không nên làm chứng trong giờ làm việc, nhưng chỉ trong giờ nghỉ hoặc ngoài giờ làm việc mà thôi.

Một ví dụ cụ thể là một sự kiện gần đây: cô bạn gái của một đồng nghiệp bị bệnh và đột ngột qua đời. Với ba quan điểm ở trên, tôi có cơ hội trò chuyện với anh về đức tin nơi Chúa Cứu Thế một cách tự nhiên nhưng thật sâu sắc.

2.Tình huống nào là không phù hợp khi làm chứng trong nơi làm việc?

Như đã gợi ý trong câu trả lời vừa rồi, lúc nào bạn cũng có thể làm chứng nhân qua công việc và cá tính của mình. Hãy bày tỏ mối quan tâm khi có cơ hội và khi Chúa cho phép. Tôi xin gợi ý bạn hãy thận trọng, đừng quá vội vàng làm chứng nhân ở nơi làm việc cho đến khi bạn phát triển một sự quân bình trong tài khoản giá trị của mình. Cũng vậy, hãy cẩn thận với bất kỳ chính sách nào mà công ty bạn đề ra liên quan đến lĩnh vực này. Như đã nói, đừng bao giờ để cho ước muốn làm chứng gây xao lãng mục tiêu làm một nhân viên giỏi. Cuối cùng, hãy thận trọng với chuyện làm chứng trong giờ làm việc. Điều này liên quan đến tính liêm khiết của người Cơ đốc. Đời sống của bạn sẽ lời chứng sống động hơn khi bạn tập trung vào công việc của mình trong giờ làm việc. Cơ đốc nhân cần phải vượt lên trên sự chỉ trích trong mọi mặt.

Điều gì khiến bạn không được thoải mái khi chia sẻ niềm tin của mình? Đâu là những bước thể mà bạn có thể vạch ra nhằm giúp bạn giải quyết vấn đề này? Hãy thực hành chia sẻ niềm tin với một cố vấn hoặc một người bạn Cơ đốc của mình. Hãy vào cuộc từ những chỗ mà bạn cảm thấy thoải mái để chia sẻ những điểm đơn giản về niềm tin của mình.

Một trong những cách tốt nhất để dễ dàng chia sẻ niềm tin là thực hành làm như vậy. Chia sẻ niềm tin không cần phải quá cứng nhắc, đơn giản là nói về mối liên hệ của bạn với Chúa Giê-xu. Tình huống nào đem bạn bước vào mối liên hệ đó? Hiện tại Chúa Cứu Thế có ý nghĩa như thế nào đối với bạn? Ngài đã thay đổi đời sống bạn ra sao?

Dù mời thân hữu đến những buổi lễ lớn cũng tốt, nhưng thật tuyệt khi mời họ cùng bạn đến dự buổi nhóm thông thường ở Hội thánh và sẽ luôn tuyệt vời khi duy trì mối liên hệ bè bạn với những người không cùng niềm tin. Hãy thực hành với một người bạn, và rồi bạn sẽ thấy thoải mái với ý tưởng chia sẻ Chúa Cứu Thế cho người khác một cách đơn giản này.

Một người có thể sống quân bình không nếu người đó không phải là Cơ đốc nhân?

Bản thân tôi tin rằng chỉ có thể tìm thấy sự quân bình thật sự trong Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, hầu hết công cụ trong những chương sách này vẫn có thể đem ra áp dụng (như trường hợp của nhiều chân lý Cơ đốc). Chương 3 và chương 7 là hai chương khá đặc biệt dành cho người Cơ đốc và người có niềm tin. Dẫu vậy, hầu hết những lời khuyên thực tiễn trong những chương khác vẫn có thể hữu ích. Hãy xem xét lý lẽ trong sách này – nếu như nó hữu ích và chân thật, hãy xét đến nguồn gốc của nó.

Đâu là những tình huống thực tiễn đang diễn ra trong đời sống mà bạn cảm thấy mình nên làm một chứng nhân Cơ đốc tỏ tường nhưng lại không đủ can đảm để thực hiện?

Có thể đó là trường hợp với một người có khuynh hướng báng bổ như trường hợp Andy Grove mà tôi mô tả. Có thể đó là một đồng nghiệp nhiều năm làm việc cùng nhau mà bạn chưa bao giờ nói với họ rằng họ cần phải biết đến Chúa Cứu Thế. Đâu là những lĩnh vực mà Chúa Thánh Linh đang thúc giục bạn thôi trì hoãn nhưng phải bắt tay hành động? Hãy viết chúng xuống, nói cho người bạn đời, người cố vấn hoặc người nào thân thiết với bạn về điều đó và xin họ dõi theo việc bạn làm.

Chương 8

Có tình huống đạo đức nào ở sở làm khiến bạn bận tâm hay không?

Như đã thảo luận, hãy làm gương trong vai trò này, cẩn trọng với những sự hợp tác kinh doanh và những yêu cầu pháp lý và đừng làm một nhân viên điều tra đạo đức tự phong. Tuy nhiên, nếu trong quá trình làm việc, bạn thấy những tình huống sai trật nào, hãy chuẩn bị chứng cớ và trình chúng cho những cá nhân có thẩm quyền.

Bạn có coi mình là người hầu việc Chúa trọn thời gian ở sở làm không? Tại sao?

Dù đây là một nguyên tắc đơn giản, nhưng một số người có thể phải vật lộn với ý niệm: công sở cũng là cánh đồng truyền giáo trọn thời gian của bạn. Như đã miêu tả trong chương 5, bạn cần phải làm một nhân viên giỏi. Bạn không được kêu gọi để ngồi hàng giờ trong phòng làm việc thoáng mát mà nói về Chúa Cứu Thế. Bạn ở đó để làm sáng danh Chúa Cứu Thế Giê-xu bằng cách làm một nhân viên giỏi. Tuy nhiên, khi làm điều đó, bạn đã tạo ra chỗ đứng cho mình. Từ đó bạn có thể có những mối liên hệ mà Đức Chúa Trời muốn bạn tận dụng cho mục đích đời đời.

Trong nhiều tình huống, những nguyên tắc đơn giản nào giúp bạn quyết định sẽ chia sẻ hoặc không chia sẻ niềm tin nơi công sở?

Như đã gợi ý, tôi cho rằng có hai nguyên tắc đặc biệt hữu dụng: Hãy thật tự nhiên và khi người khác bước vào mức độ liên hệ cá nhân, bạn cũng hãy làm như thế. Còn nguyên tắc nào nữa mà bạn thấy hữu dụng trong đời sống mình không?

Đâu là những bước thực hành để bạn có thể trở thành chứng nhân Cơ đốc nơi công sở?

Hơn bất kỳ điều nào khác, thái độ của bạn ảnh hưởng đến tính hiệu quả của bạn. Nếu bạn tiếp cận người khác bằng thái độ khiêm nhường, tôn trọng và quan tâm thật lòng, thì nhìn chung, những đồng nghiệp khác sẽ tôn trọng sứ điệp của bạn hơn.

Cũng vậy, tốt nhất hãy làm chứng nhân tỏ tường trong những mối liên hệ đã có. Đầu tiên, hãy phát triển mối liên hệ, sau đó xác định và mở rộng đến những lĩnh vực khác, trong đó có đức tin.

Làm chứng nhân tỏ tường thể hiện trong đời thường qua lời nói hoặc cách chúng ta phản ứng trước một tình huống nào đó. Phản ứng một cách thánh khiết trước một tình huống khó khăn có thể là lời chứng uy quyền nhất của bạn. Ví dụ, tôi quyết định luôn có thái độ vui tươi ngay cả trong lúc khó khăn. Khi người khác hỏi tôi vui vì chuyện gì, lúc đó tôi có thể dễ dàng chia sẻ về cuộc đời và niềm tin của mình.

Đâu là những lĩnh vực mà bạn thấy sự chính trực của mình gặp thách thức? Làm thế nào để tránh được những thách thức này? Kinh thánh có chỗ nào nói rõ những thách thức này không?

Nhiều năm qua, khi ôn lại cách hành xử của mình, tôi thấy cần phải dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn trong mối liên hệ với đồng nghiệp. Tôi từng bị mang tiếng là sử dụng người khác để tiến thân. Tôi có vẻ “bao sân”, lại không chịu đầu tư nhiều vào những mối liên hệ hỗ tương. Tôi đáp lại những lời phê bình này bằng tất cả sự nhã nhặn và tránh những xung đột xuất phát từ những vấn đề liên quan đến quyền lực, là điều cũng kiểm nghiệm tính chân thực trong tôi. Tương tự, là một người bình thường với con mắt xác thịt, trước những ý nghĩ đầy dục vọng, không phải lúc nào tôi cũng hoàn toàn tôn trọng Linda. Còn đối với bạn, những lĩnh vực nào bạn đang gặp thách thức? Bạn có sẵn lòng chỉnh sửa tính cách, lối sống và trở nên trong sạch trước mọi người?

Có những gợi ý thực tiễn nào để trở thành chứng nhân qua nghề nghiệp của mình?

Lần nọ, trên một chuyến bay, tôi có cả tấn công việc để làm. Ngay sau khi máy bay đạt đến độ cao 3.000 thước, tôi bắt tay làm việc. Anh chàng ngồi cạnh tôi cứ chực muốn tán gẫu. Cuối cùng, sau nhiều cố gắng phớt lờ anh ta, tôi bỏ cuộc và tự nhủ: “Được rồi, thưa Chúa, con sẽ nói cho anh ta biết về Ngài.” Nếu anh không để yên cho tôi làm việc, anh ta sẽ phải nghe tôi nói về Phúc âm. Rất thường khi chỉ vì quá bận rộn, chúng ta không để ý thấy cơ hội Chúa bày ra cho chúng ta. Tôi cũng hay phạm phải lỗi lầm này.

Cũng vậy, hãy nắm lấy mọi cơ hội dù là nhỏ nhặt nhất. Khi có ai đó đau ốm, hãy hỏi họ: “Tôi có thể cầu nguyện cho anh được không?” Nếu có ai đang lo buồn về chuyện gia đình đổ vỡ, hãy ở cạnh họ, cầu nguyện cho họ và con cái họ, cũng như hỏi xem họ có bất kỳ nhu cầu thực tiễn nào cần bạn giúp hay không? Một đồng nghiệp của tôi gặp Chúa ngay trong lúc ly dị. Một ngày nọ, anh ta sung sướng cho tôi hay: “Nè, Pat, tôi vừa bị dìm xuống nước đấy!” Mới đầu tôi không biết anh ta đang nói chuyện gì, thì ra anh vừa nhận phép báp-têm một tuần trước đó!

Bạn có phải là người có hành xử nhất quán trong công việc hay không? Bạn có cùng là một con người trong công việc của bạn và trong nơi thờ phượng không? Nếu không, bạn nên tiến hành những bước nào để giúp chính bản thân mình bước vào sự hài hòa?

Hãy dành một ít thời gian để nghĩ về những điều bạn nói và những việc bạn làm? Bạn có phiền nếu như gia đình, mục sư hay Chúa Cứu Thế đang dõi theo bạn? Nếu có ví dụ thực tiễn nào, hãy ghi lại và dành thời gian ngẫm nghĩ về những bước thực tiễn mà bạn có thể thực hiện để thay đổi những hành vi này. Bạn có thấy nghề nghiệp của mình là vai trò mà Chúa giao cho không? Ngay hôm nay, bạn có thấy được thể nào Đức Chúa Trời hành động qua bạn cho vương quốc và sự vinh hiển tuyệt đối của Ngài không? Bạn có thể làm gì để thêm lòng say mê và nhiệt thành cho công việc? Bạn có cần cân nhắc một vai trò nào khác mà bạn có thể sử dụng tài năng của Đức Chúa Trời ban cho bạn hay không?