3. ƯU TIÊN CHO ĐỨC CHÚA TRỜI

Nghệ Thuật Sống Quân Bình

Đăng vào: 5 tháng trước

.

3. ƯU TIÊN CHO ĐỨC CHÚA TRỜI

Trong suốt một tuần đặc biệt đầy thử thách tại Intel, tôi phải tham dự nhiều buổi gặp gỡ khách hàng và trình bày nhiều bài thuyết trình. Tôi đặc biệt lo lắng về bài thuyết trình Thảo luận Chiến lược Hợp tác (Corporate Strategic Discussion – CSD) mà tôi sẽ trình bày trong tuần đó. Đây là một đề tài gây tranh cãi, nói đến rủi ro đáng kể trong kinh doanh đối với công ty; tất cả lãnh đạo cấp cao sẽ có mặt trong buổi thuyết trình này, bao gồm giám đốc điều hành (CEO) – Gordon Moore và chủ tịch tập đoàn – Andy Grove.

Cách duy nhất để chuẩn bị hướng dẫn một buổi thảo luận như vậy là phải đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực. Điều đó có nghĩa là tôi và cả đội sẽ phải làm việc đến tận khuya trong nhiều ngày, đó là chưa kể đến khối lượng công việc nặng nhọc thường ngày của tôi.

Kết quả là thì giờ tĩnh nguyện cá nhân của tôi trong tuần đó hoàn toàn biến mất. Tôi không nuôi dưỡng tâm linh, cũng không cầu nguyện trình dâng gánh nặng của mình cho Đức Chúa Trời. Vào thời điểm buổi thuyết trình quan trọng diễn ra, tôi trở nên kiệt sức, bồn chồn và mất cân bằng về mặt thuộc thể, cảm xúc lẫn tâm linh.

Không có gì ngạc nhiên, buổi thuyết trình không được tốt đẹp cho lắm. Mặc dù tôi được đội hỗ trợ nhiệt tình và được một số đồng nghiệp chỉ dẫn để giúp tôi hoàn thành bài thuyết trình, chiến lược mà chúng tôi đề xuất bị Andy cho là kém cỏi và bị bác bỏ. Ngoài việc thất bại trong buổi thuyết trình đó, tôi còn thấy mệt mỏi và không đủ sức thực hiện những công việc còn lại. Cuối tuần đó, tôi tự trách mình vì biết mình phải học lại bài học lẽ ra không bao giờ được quên: Phải có thời gian đến với Chúa mỗi ngày. Tôi nghe có người nói: “Trưởng thành là học những bài học mà bạn tưởng mình đã biết. ”

Thời gian mỗi ngày với Chúa phải là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Đã bao lần tôi sa lầy vào một ngày dài đáng sợ, vật lộn hết nan đề này đến nan đề khác, cảm thấy mọi thứ đều hỏng bét và chẳng thấy gì ngoại trừ những đám mây mỗi lúc một dày đặc báo hiệu điềm chẳng lành ở phía chân trời. Đâu đó trong đám hỗn độn, đen tối, vội vã và mù mịt của các hoạt động thường nhật, tôi có bị cáo trách thuộc linh và tự hỏi chính mình rằng ngày hôm đó tôi đã sống trong lời Chúa chưa? Tôi đã dành thì giờ tĩnh nguyện mỗi ngày chưa? Tôi đã trình dâng những nan đề và lo lắng trước ngôi Cha Thiên Thượng hay chưa? Tôi có tìm kiếm sự giúp đỡ và dẫn dắt của Ngài suốt cả ngày hôm đó chưa? Hiện tôi có đang sống với Chúa Thánh Linh như là Đấng Dẫn dắt và An ủi của tôi không?

Hết lần này đến lần khác, câu trả lời vẫn là không, tôi vẫn chưa sống trong lời Chúa hay trong sự cầu nguyện. Có những lúc vì quá bận rộn hoặc cho mình là tài giỏi, tôi đã hành động như thể Đức Chúa Trời không thể mang lấy hay giải quyết những gánh nặng này. Tôi thấy mình có thể tự xoay xở tốt hơn. Có những lúc nhìn lại một một tuần lễ đáng sợ tại Intel giống như đã kể ở trên, tôi cảm thấy lời than thở của sứ đồ Phao-lô là rất thích hợp với tôi:

“Vì tôi không hiểu điều mình làm. Tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét. Song nếu tôi làm điều mình chẳng muốn, thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành. Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi. Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn” (Ro 7:15-18).

Thật tươi mới dường nào khi đến trước ngai của Đức Chúa Trời và được hiệp nhất với Ngài trong sự cầu nguyện và học Lời Ngài. Tôi không ngồi xuống và ghi chép những ngày tốt lành so với những ngày tồi tệ, nhưng tôi có thể tự tin khẳng định rằng tôi có thể xử lý những ngày và những tình huống khó khăn ấy tốt hơn rất nhiều nếu như tôi đã sống trong Lời Chúa và chuẩn bị chính mình cho ngày đó với với Đức Chúa Cha. Nét mặt tôi sẽ khác hẳn nếu ngày đó tôi có đến trước ngôi Đức Chúa Trời. Thái độ của tôi sẽ dễ chịu hơn, tính kiên trì, nhẫn nại tăng thêm, lời nói cẩn trọng hơn và nhận thức tốt hơn. Điều này đặc biệt chính xác khi tôi nhận thức người chủ đích thực của tôi không phải là Intel, mà là Cha Thiên Thượng và là Chúa tôi.

Vì tôi phải chiến đấu với thách thức này trong nhiều năm, tôi cố gắng hình thành một số thói quen nhỏ nhằm giúp tôi nhớ đến giờ tĩnh nguyện hằng ngày của mình.

Trong thời gian tôi còn đi học cũng như khi mới khởi nghiệp tại Intel, nếu như việc gì không liên hệ đến kỹ thuật hoặc không trực tiếp áp dụng cho học tập hay công việc thì tôi sẽ không bận tâm đến. Trên thực tế, có một lần, tôi quá tập trung đến nỗi thậm chí tôi không hay biết thế giới đang “nổ tung”. Sau khi núi lửa Saint Helens phun trào vào thứ Ba ngày 18 tháng 5 năm 1980, tôi và Linda vẫn hẹn hò vào tối thứ Sáu như thường lệ. Khi cô ấy nói điều gì đó về việc núi lửa phun trào, tôi hỏi lại cô ấy đang nói chuyện gì. Đó là một trong những vụ núi lửa phun trào lớn nhất trong lịch sử đương đại. Cả miền Tây Bắc trông như một chiến trường, bầu trời cả nước hầu như đầy tro núi lửa, hàng triệu héc-ta rừng xanh bạt ngàn bốc hơi chỉ trong vài phút, thậm chí sau ba ngày tôi vẫn không biết gì về chuyện này.

Vào những ngày đầu ở Intel, Andy Grove khuyến khích tôi đọc tờ Wall Street Journal mỗi ngày. Tôi tập thành thói quen và hơn hai mươi năm qua, tôi đã đọc hơn 75% các số của nhật báo này. Tuy nhiên, tôi bắt đầu nhận thấy thỉnh thoảng tôi dành thời gian đọc Wall Street Journal mà không có thời gian đọc Kinh thánh. Từ đó, tôi cam kết sẽ không bao giờ đọc nhật báo trước khi hoàn tất giờ tĩnh nguyện hằng ngày của mình; tôi sẽ đọc Kinh thánh của Đức Chúa Trời trước khi đọc đến “kinh thánh” của giới doanh nhân. Điều này tạo nên sự nhắc nhở tự nhiên cho tôi.

Tôi ước mình có thể thuật lại sự thành công hoàn hảo từ khi tôi đặt chế độ này vào đúng chỗ. Nhưng thực tế là đôi khi tôi ngủ quên, có lúc tôi quá dễ dàng bị công việc đang làm ám ảnh, và những lần khác tôi phải trải qua một tuần đầy bận rộn hay khó khăn.

Dù mỗi người chúng ta khác nhau, nhưng tôi khích lệ bạn hãy tìm một thói quen hoặc một sự kiện có thể khuyến khích bạn dành thì giờ tĩnh nguyện cá nhân mỗi ngày. Có thể bạn kết ước rằng mình sẽ dành thời gian để học Lời Chúa và cầu nguyện trước khi uống cà phê hay ăn sáng. Những ai thích nhấm nháp từng ngụm cà phê phin mỗi sáng thì sẽ ít khi bỏ qua giờ tĩnh nguyện hằng ngày. Có thể bạn sẽ quyết định thưa chuyện với Chúa trước khi bạn thực hiện cuộc điện thoại đầu tiên trong ngày. Hoặc có lẽ bạn nghĩ mỗi ngày bạn sẽ nuôi dưỡng tâm linh trước khi nuôi dưỡng thuộc thể. Có thể bạn sẽ rèn tập cơ bắp thuộc linh trước khi tập luyện cơ bắp thân thể tại phòng tập. Nếu bạn là người làm việc về đêm, bạn có thể chọn đặt đời sống mình trước Cha Thiên Thượng trước khi đặt thân thể lên giường nghỉ ngơi.

Cách sau đây không có tác dụng với tôi. Cố gắng tĩnh nguyện trên giường sau một ngày dài hầu như chắc chắn khiến tôi rơi vào trạng thái “cầu nguyện sâu” hay còn gọi là ngủ gật! Bất cứ điều gì hiệu quả với bạn thì hãy làm – tuy nhiên bạn cần phải mua chuộc, khuyến khích, hà khắc hay thưởng chính mình. Hãy tìm điều nào có thể kích thích ý thức và nhắc nhở tâm trí bạn để giờ tĩnh nguyện hằng ngày trở thành một thói quen.

Khi đi công tác, tôi thường cầu nguyện trên đường ra sân bay, thông thường vào sáng sớm và khoảng bốn mươi phút lái xe. Sau khi mua một ly cà phê sữa tại quầy cà phê yêu thích, tôi sẽ hát vài bài thánh ca hoặc biệt thánh ca để bắt đầu giờ tĩnh nguyện. Sau đó, tôi cầu nguyện theo trình tự ACTS (một hình thức cầu nguyện phổ biến) khi tôi lái xe đến sân bay nằm ở phía bên kia thành phố:

A. Acknowledgment (Ngợi khen): Ngợi khen Đức Chúa Trời về việc Ngài là ai, Ngài như thế nào và những điều tuyệt diệu mà Ngài làm trong đời sống tôi. Nhớ lại cụ thể những lĩnh vực hay phương cách tôi t hấy Ngài hành động và biết ơn vì Ngài là Đức Chúa Trời, là Cha, là Đấng Sáng Tạo và là Đấng Cứu Chuộc tôi.

C. Confession (Xưng tội): Khai trình cụ thể tội lỗi tôi trước ngôi Chúa. Một lần nữa cầu xin thịt và huyết của Đấng Cứu Chuộc tẩy sạch tôi khỏi mọi điều bất chính. Cầu nguyện xin sức mạnh và khôn ngoan để chiến đấu chống lại tội lỗi, cám dỗ hay những thách thức trong đời sống.

T. Thanksgiving (Cảm tạ): Cảm tạ Chúa vì vô số ơn lành Ngài ban cho tôi. Nhớ lại cụ thể những thành viên trong gia đình và các sự kiện trong ngày hoặc trong tuần mà tôi đặc biệt biết ơn Chúa.

S. Supplication (Nài xin): Trình dâng những điều cầu xin cụ thể của tôi lên Cha Thiên Thượng. Tôi luôn cầu nguyện cụ thể cho những nhu cần hàng ngày của vợ và các con tôi. Tôi cầu nguyện cho từng đứa con của mình được nên thánh và trong sạch trước mặt Chúa; cho chúng được hữu dụng cho Ngài trong nghề nghiệp của mình; cho người bạn đời tương lai của chúng được biệt riêng trong sự thánh khiết và tinh sạch; cho cha mẹ chồng/ vợ tương lai của chúng cũng cầu thay cho con cái mình như tôi. Vào thời điểm các con tôi lập gia đình, hàng ngàn lời cầu nguyện của tôi cho chúng và cho người bạn đời tương lai của chúng đã được trình dâng lên Cha Thiên Thượng. Tôi cũng cầu nguyện cho Hội thánh, mục sư, các giáo sĩ, trưởng lão và cuối cùng là cho nhóm học Kinh thánh của tôi cũng như những nhu cần cụ thể khác mà tôi được biết. Tôi giữ một tấm thẻ nhỏ trong quyển Kinh thánh của mình, trong đó liệt kê những người tôi hứa sẽ cầu nguyện thường xuyên cho họ.

Thường thì đến lúc đỗ xe vào chỗ làm hoặc vào sân bay là tôi sắp sửa hoàn tất giờ cầu nguyện. Khi tôi an tọa trên máy bay hoặc vào đến bãi đỗ xe trong công ty, tôi sẽ lấy Kinh thánh ra thật nhanh và đọc một hoặc hai phân đoạn Tân ước, một hoặc hai phân đoạn Cựu ước và sau đó đọc những câu Kinh thánh tôi đang học thuộc lòng. Nếu tôi đi máy bay, vào lúc có thông báo máy bay đạt đến độ cao ba ngàn thước hoặc bay được mười phút, tôi sẽ mở máy tính xách tay ra và làm việc trong suốt chuyến bay.

Tôi cũng đề nghị thiết lập thói quen thường xuyên cam kết học thuộc lòng Kinh thánh. Nếu bạn có bất cứ nghi ngờ nào về quan điểm Thánh kinh đối với việc học thuộc lòng, xin đọc Thi 119:1-176, đặc biệt là Thi 119:11: “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi để tôi không phạm tội cùng Chúa.”

Dĩ nhiên, có vô số lời bào chữa cũ rích cho việc không học thuộc lòng Kinh thánh: Tôi không thể học thuộc được. Tôi không có thời gian. Tôi có học và sau đó quên hết tất cả.. Tôi già quá rồi. Dĩ nhiên, mặc dù việc học thuộc lòng dễ hơn đối với một số người, nhưng tất cả chúng ta đều biết chúng ta vẫn có thể thuộc được nếu chúng ta thật sự muốn. Chúng ta biết số nhà, số điện thoại, tên người thân và bạn bè (ở đây mới chỉ kể tên một vài thứ). Chỉ cần vài phút mỗi ngày, bạn có thể bắt đầu thiết lập một quỹ câu gốc mà bạn có thể tận dụng cho cả hành trình Cơ đốc của mình.

Cơ bản tôi dành khoảng năm phút cuối của giờ tĩnh nguyện để học thuộc lòng. Tôi thường học hai đến ba câu một lần. Tôi đọc qua nhiều lần, rồi cố đọc thuộc một vài cụm từ. Kế đến, tôi cố đọc thuộc cả câu và cứ tiếp tục như vậy. Thường thì tôi cố tìm những gợi ý nhỏ trong phân đoạn đó, như là sử dụng những ký tự đầu tiên của câu gốc để nhắc tôi nhớ phần học thuộc lòng của mình khi tôi học qua phân đoạn đó. Ngày hôm sau, tôi sẽ quay lại và học những câu này một lần nữa. Tôi sẽ tiếp tục học chúng cho đến khi thuộc nhuần nhuyễn. Thông thường, trong một hay hai tuần, tôi sẽ thuộc làu như đinh đóng cột được vài câu gốc mới.

Ở đâu đó trong hành trình thuộc linh, nhiều người trong chúng ta đã từng học thuộc lòng Kinh thánh và giờ đã quên bẵng từ lâu. Đâu đó trên hành trình thuộc linh của mình chúng ta đã có cơ hội học thuộc lòng một số phần Kinh thánh kinh điển như Bài Cầu Nguyện Chung hoặc Thi 23:1-6. Phép màu để thiết lập ngân hàng câu gốc thuộc linh là thường xuyên ôn lại và học lại. Sau khi thuộc một phần Kinh thánh mới, tôi sẽ dành nhiều tuần kế tiếp để ôn lại tất cả những phần Kinh thánh đã học.

Hãy xem qua toàn bộ danh mục câu gốc của bạn, dành thời gian ôn lại tất cả. Ôn lại những chỗ nào còn vấp và giữ những câu Kinh thánh này luôn sống động trong tâm trí bạn. Sau khi đã thực hiện các bước trên, hãy tiếp tục làm như vậy với những câu Kinh thánh mới. Tiếp tục học phân đoạn Kinh thánh mới đó trong một khoảng thời gian, tùy thuộc vào việc nó dài bao nhiêu và bạn học thuộc lòng nhanh như thế nào. Tuy nhiên, một lần nữa, ôn tập là bước quan trọng nhất; vì thế bạn cũng cần phải tìm ra những phương cách sáng tạo để thực hiện điều này. Bạn có thể viết câu gốc vào giấy bìa cứng và ôn lại mỗi khi dừng xe lúc đèn đỏ. Hoặc bạn có thể in chúng ra khổ chữ lớn và ôn tập trong khi tập thể dục trên máy. Bạn có thể dán chúng trên cửa kính phòng tắm. Hãy tận dụng đôi ba phút rảnh rỗi đây đó để ôn tập và nhắc trí nhớ của bạn, rồi bạn sẽ sớm có một bộ sưu tập gồm hai mươi, ba mươi, năm mươi hay nhiều hơn những câu gốc mà bạn đã ghi nhớ.

Tôi thấy vòng xoay ôn tập lặp đi lặp lại này thật cần thiết cho việc xây dựng quỹ câu gốc và phá vỡ thói quen học thuộc và quên nhanh. Dĩ nhiên, còn một câu hỏi là nên học những câu Kinh thánh nào. Tất cả đều là Lời Đức Chúa Trời, vì vậy chẳng có câu nào là xấu cả. Nói chung, hãy chọn những câu Kinh thánh nào phán một cách mạnh mẽ với bạn. Hãy chọn những phân đoạn Kinh thánh nào có thể có ích trong những lĩnh vực mà bạn muốn tập trung tăng trưởng thuộc linh. Cuối cùng, hãy chọn những câu có thể giúp bạn chiến đấu với những tội lỗi cụ thể. Khởi đầu, bạn có thể bắt đầu với những câu Kinh thánh vốn quen thuộc với bạn. Tôi cũng khuyến khích bạn chọn một bản dịch và bám theo bản dịch đó.

Ở đây có liệt kê quỹ câu gốc hiện tại của tôi. Có thể bạn sẽ tìm thấy vài câu mà bạn muốn thêm vào quỹ câu gốc của riêng bạn: Giop 31:1Thi 23:1-6Ma 6:6-8Mat 5:1-16Gi 1:1-18Ro 3:21-2412:1-2Phi 4:6-9Co 3:23-2413:1-3ICo 13:1-13IPhi 1:1-9IIPhi 1:5-11Kh 3:15-1621:1-7.

***

Cách đây vài năm, tôi chuẩn bị đi thuyết trình tại một hội nghị “ngoài giờ”. Tuy nhiên, chuyến bay từ Phần Lan của tôi bị chậm lại vì cớ mây mù tại Francisco. Chúng tôi phải bay vòng quanh nửa giờ đồng hồ do giao thông hàng không bị tắc nghẽn và chỉ có một đường băng được sử dụng. Vào lúc máy bay được phép hạ cánh, mặc dầu cố gắng lao thật nhanh từ bên này sân bay sang bên kia, tôi vẫn bị lỡ mất chuyến xe trung chuyển đến chuyến bay quốc nội đi Monterey.

Tôi quyết định thuê xe và lái gần ba giờ đồng hồ từ San Francisco xuống Monterey, khởi hành khoảng 11:30 tối. Tôi biết mình dễ ngủ gật trong khi lái xe, vì vậy tôi chuẩn bị cho mình một tách cà-phê to và bắt đầu hát thật lớn và thật lâu ngay khi ngồi lên xe. Tôi hát gần như tất cả những bài thánh ca và bài ngợi khen mà tôi có thể nhớ. Sau đó tôi cầu nguyện lớn tiếng. Rồi tôi lại hát thêm vài bài nữa. Vì nguyên do nào đó, tôi cứ nghĩ đến bài “Thánh Chúa thành tín” và đêm đó chắc tôi đã hát bài này ba mươi lần.

Sau khi lái xe gần hai giờ đồng hồ, tôi rẽ ra từ xa lộ 101 vào xa lộ nối tiếp, và để chuyến đi này trở nên thêm phần ngoạn mục, tôi đụng phải công trường trên đường – vào lúc 1:30 sáng. Tôi có dịp đỗ xe và nhìn những chiếc xe làm đường đi qua đi lại mười lăm phút. Tôi bắt đầu hỏi Chúa khá kiên quyết rằng Ngài đang cố dạy tôi điều gì nữa trong buổi tối dài lê thê đó. Dù tôi thường phản ứng với vẻ thất vọng trước những tình huống như vậy, nhưng buổi tối đó lại trở thành một trong những lần cầu nguyện và ngợi khen tuyệt vời nhất tôi từng có. Bài học rút ra được là trong thời gian biểu bận rộn của mình, chúng ta có thể tận dụng những việc xảy đến ngoài mong đợi cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thay vì là ký ức đau thương, chúng có thể là cơ hội kéo chúng ta đến gần Cha Thiên Thượng hơn. Sáng hôm sau, dầu mệt mỏi về thể xác, tôi đã được nạp đầy năng lượng thuộc linh như thể tôi chưa được nạp sau nhiều tuần.

Cuối cùng, tôi cũng khuyến khích gia đình tôi làm như vậy. Tôi thường hỏi các con tôi rằng chúng đang làm gì và đọc gì trong giờ tĩnh nguyện. Tôi hỏi chúng học được gì qua thì giờ riêng tư trong Lời Chúa và chúng có thắc mắc nào cần tôi giúp giải đáp hay không. Tôi cũng cho chúng biết tôi đang đọc và học gì. Tôi khích lệ chúng hỏi về giờ tĩnh nguyện của tôi. Ý tưởng giải trình lẫn nhau – giữa bạn và con cái – có thể tác động mạnh trên đời sống bạn và con cái bạn.

Gần đây, trong một lần từ đại học về thăm nhà, Nathan – con trai thứ hai của tôi – đã làm tôi khá kinh ngạc khi đến gặp tôi. Khi chúng tôi có thời gian gặp riêng và nói chuyện, tôi giật mình vì Nathan chất vấn tôi về một số chuyện liên quan đến em trai Micah của nó. Cụ thể, Nathan cảm thấy tôi chưa dành đủ thời gian cho Micah vì cớ lịch làm việc quá bận rộn của tôi. Vì Nathan phải đi học xa nhà, nó biết mình không có thời gian ở cạnh Micah, và nó thấy tôi cũng vậy. Tôi hơi giật mình nhưng cảm kích trước sự nhắc nhở đó. Ý tưởng giải trình cho nhau, thậm chí với con của bạn, thật có tác động rất mạnh mẽ. Nếu bạn sẵn sàng mở lòng, gần gũi với gia đình, bạn có thể sẽ kinh ngạc trước những mối quan hệ ngày càng sâu sắc mà bạn sẽ có.

HỘI THÁNH

Một trong những lĩnh vực mà chúng ta bày tỏ sự tậm tâm với Chúa là qua Hội thánh và sự dự phần tích cực của chúng ta ở đó. Trước lúc thăng thiên, Chúa Cứu Thế để lại ba thể chế chính để hướng dẫn nhân loại bước vào mối tương giao với Đức Chúa Cha: Lời Ngài (Gi 1:1), Thánh Linh Ngài (Gi 14:15-17) và Hội thánh Ngài (Mat 16:18).

Xuyên suốt những hành trình truyền giáo của Phao-lô và các sứ đồ khác được ghi lại trong sách Công vụ các sứ đồ, chúng ta thấy họ thiết lập Hội thánh địa phương làm nơi chuyên biệt cho Cơ đốc nhân hiệp lại, công bố Lời Đức Chúa Trời và phát triển những mối liên hệ nhằm hỗ trợ và coi sóc lẫn nhau:

“Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những trưởng lão trong mỗi Hội thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến” (Cong14:23).

Như chúng ta thấy trong những phần Kinh thánh có liên quan xuyên suốt Tân Ước, Hội thánh trở thành đơn vị căn bản của Cơ đốc Giáo (Mat 16:18Cong 8:1-39:3111:22).

Cuối cùng, chúng ta đọc thấy lời nhắc nhở của tác giả thư Hê-bơ-rơ rằng chúng ta đừng bao giờ bỏ qua sự nhóm lại với những người cùng niềm tin. Hội thánh là địa điểm, là thể chế cho con dân Chúa thường xuyên họp lại để khích lệ lẫn nhau.

“Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (He 10:25).

Tuy nhiên, một vấn đề thực tiễn được đặt ra: là những người bận rộn với quá nhiều ưu tiên cho việc kiếm sống, chúng ta nên làm gì cho Hội thánh? Đầu tiên, phân đoạn Kinh thánh Hê-bơ-rơ ở trên thiết lập một yêu cầu cho tất cả tín hữu là phải thường xuyên tham gia vào một Hội thánh. Tôi thấy không hề có cơ sở nào cho sự tồn tại của Cơ đốc nhân “Phục sinh & Giáng sinh”. Tôi cũng thấy không có cơ sở nào cho việc thay thế sự thờ phượng với tập thể bằng sự thờ phượng cá nhân – “ở đâu bạn cũng thấy Chúa”. Hội thánh là nơi hiệp lại để dạy dỗ, rao truyền Lời Chúa, công khai ngợi khen Đức Chúa Trời, coi sóc lẫn nhau và thờ phượng cùng nhau như là một cộng đồng.

Chúng ta không được lẻn ra sau nhà thờ khi vừa kết thúc bài thánh ca đầu tiên cũng như bỏ ra về trước lời chúc phước tất lễ. Hội thánh được thiết lập để làm trung tâm chỉ huy cho công tác của Chúa Cứu Thế trên đất. Hội thánh là nơi để ban sự dạy dỗ và hướng dẫn trong lẽ thật (Cong 2:42). Đây là nơi những nhu cần của thân thể Đấng Christ được trình dâng lên Cha Thiên Thượng (Cong 12:12); nơi tập hợp tài chánh nhằm hỗ trợ nhu cầu của tín hữu trong nước lẫn hải ngoại (IICo 8:19); nơi các giáo sĩ được biệt riêng và sai phái (Cong 13:1-52); nơi thảo luận những vấn đề tín lý (Cong 15:4-7); cũng là nơi các tân tín hữu công khai xưng nhận đức tin của mình (Cong 2:41).

Dựa trên phần Kinh thánh này cũng như nhiều phần khác xuyên suốt Kinh thánh Tân ước, tôi thấy mối liên hệ của một người với Chúa được bày tỏ qua sự dự phần tích cực trong Hội thánh địa phương. Có thể là dự phần trong công tác dạy dỗ, giảng dạy, truyền giáo, lãnh đạo, lãnh tiền dâng và phục vụ Tiệc thánh, làm chiến sĩ cầu nguyện, hỗ trợ các trưởng lão, làm chấp sự hay trưởng lão, bảo quản tài sản Hội thánh và còn nhiều công tác khác nữa.

Như có đề cập ở chương 1, tôi đã phục vụ Chúa trong chức vụ Trưởng Lão giữa vòng Hội thánh hai nhiệm kỳ, tổng cộng là tám năm. Mỗi sáng sớm Thứ Hai, chúng tôi có thì giờ cầu nguyện của các trưởng lão. Trong một hay hay giờ đồng hồ, chúng tôi dâng trình cụ thể từng lời cầu xin về công tác phục vụ trong tuần đó. Tất cả các trưởng lão sẽ thường xuyên gặp gỡ những người trong các nhóm mà họ chăm sóc. Bây giờ tôi không còn dự phần trong chức vụ này nữa nhưng trong giai đoạn làm trưởng lão, tôi thấy mình được kêu gọi cách đặc biệt. Lúc đó, chúng tôi phải tìm cách xoay xở để vượt qua trong một vài giai đoạn chuyển tiếp lãnh đạo khó khăn. Ngoài ra, trong khi phục vụ với vai trò trưởng lão, ba lần tôi nghe Chúa phán rõ ràng rằng tôi phải xử lý một số quyết định khó khăn, rắc rối về lãnh đạo. Tôi hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ tiếp tục trong chức vụ trưởng lão tại Hội thánh địa phương của mình.

Nhiều năm qua, tôi và Linda đã hướng dẫn hoặc đồng hướng dẫn một lớp học Kinh thánh tại nhà. Thông qua việc tổ chức những giờ học này, chúng tôi đã phát triển một số mối quan hệ bạn bè sâu sắc và bền vững mà giờ đây mở rộng ra nhiều tiểu bang do nhiều người thường chuyển đổi công việc và chỗ ở. Chúng tôi thấy nhiều bạn bè được tăng trưởng đức tin và nhiều người khác đến với Đấng Christ thông qua những thì giờ học Kinh thánh tại nhà này. Hiện giờ chúng tôi có cơ cấu hoạt động khác với những nhóm nhỏ luân phiên nhóm tại từng nhà khác nhau, và chúng tôi rất vui tiếp đón nhóm khi đến phiên mình. Theo định kỳ tôi cũng dạy các lớp và thỉnh thoảng chia sẻ vào sáng Chúa nhật.

Nếu bạn chưa tham dự lớp học Kinh thánh nào, hãy suy xét về việc này một cách cẩn thận. Nếu bạn đã tham gia, hãy suy nghĩ việc hướng dẫn lớp. Dĩ nhiên, nếu bạn có lịch trình công tác như tôi; chắc chắn bạn cần cẩn thận chọn một đồng sự có thể giúp bạn hướng dẫn lớp những khi bạn vắng mặt hoặc sẵn sàng nhường lớp lại khi bạn về đến nơi. Thỉnh thoảng, tôi đi công tác quá nhiều và không thể hướng dẫn trong nhiều tuần liên tiếp đến nỗi khi đến phiên tôi, tôi xứng đáng được giới thiệu là khách mời hoặc diễn giả!

Ở một phạm vi khác, công tác trong Hội thánh có thể chẳng hơn gì một loạt những hoạt động quá sức và liên tục khác. Công tác trong Hội thánh có thể chẳng khác biệt gì với công việc bên ngoài. Chúng ta có thể dễ dàng đánh mất mối liên hệ với Cha Thiên Thượng khi chúng ta quá sốt sắng theo đuổi những công tác trong Hội thánh, giống như trường hợp của những lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giê-xu. Sự thiếu tập trung này dẫn đến lời quở trách nặng nề từ Chúa Cứu Thế:

“Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy, mang cái thẻ bài da cho rộng, xủ cái tua áo cho dài” (Mat 23:5).

Thật vậy, công tác trong Hội thánh có thể tiêu tốn hết thời gian chúng ta dành cho Đức Chúa Trời. Giống như những gì Ma-thê làm khi ở với Chúa Giê-xu, chúng ta có thể không còn nhìn thấy Đấng Cứu Thế (Lu 10:38-42). Hoạt động Hội thánh không thể thay thế cho mối liên hệ với Chúa Cứu Thế, nhưng nó có thể chiếm chỗ.

Ví dụ, là trưởng lão của Hội thánh, tôi có trách nhiệm duy trì mối liên hệ và cầu nguyện cho khoảng 25 gia đình. Với nhiều yêu cầu công việc khác nữa, tôi thấy điều này quá sức và không thể thực hiện được. Công tác phục vụ trong Hội thánh trở thành nguồn gốc của sự lo lắng và cảm giác tội lỗi. Những trưởng lão khác cũng cảm nhận điều tương tự. Tôi rất vui cho các bạn biết cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra giải pháp đó là tuyển dụng, huấn luyện và giao quyền cho một số nhân sự. Điều tôi vừa trình bày là một trường hợp kiểu Ma-thê – một lúc nào đấy, phục vụ Đức Chúa Trời trở thành gánh nặng hủy phá mọi niềm vui và cảm giác làm trọn công việc mà tôi có được khi là trưởng lão.

Vì là chủ đề lặp đi lặp lại xuyên suốt sách này, chúng ta cần có ưu tiên đúng đắn và sau đó là sự quân bình thích hợp đối với những ưu tiên này. Đặt Đức Chúa Trời lên trên hết chính là cốt lõi và cũng đi kèm với cam kết chắc chắn trong việc dự phần tích cực vào công tác với Hội thánh địa phương.

TÀI CHÍNH

Xuyên suốt các sách Phúc âm, chúng ta thấy Chúa Giê-xu thường nói về tiền bạc. Chúng ta đọc thấy rằng đối với Chúa Cứu Thế, cách chúng ta kiểm soát tài chính có tầm quan trọng then chốt (Lu 16:15). Ngài nhấn mạnh thể nào tài chánh có thể khiến chúng ta xao lãng hoặc thay thế cho mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời (Mat 6:24). Ngài nói đến cách chúng ta kiếm tiền (Lu 13:14). Ngài dạy về sự mắc nợ (Lu 7:42-43). Cách chúng ta dâng hiến cho công việc Chúa cũng hết sức quan trọng (Mac 12:41-44). Chúa nói về những vấn đề nhạy cảm như tiền thuế (Mat 17:24-27). Ngài cũng dạy về cách chúng ta sử dụng và đầu tư tiền bạc của mình (Mac 14:5Mat 25:15Lu 19:13). Không thể có chuyện một người hoàn tất việc đọc các sách Phúc âm và phần còn lại của Tân ước một cách sâu sắc mà lại không nhận ra rằng đối với Đấng Christ và Hội thánh, cách chúng ta kiểm soát tiền bạc là một phần trong mối liên hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng. Nếu chúng ta đặt Đức Chúa Trời là ưu tiên số một, chúng ta sẽ kiểm soát của cải của chúng ta một cách phù hợp với chân lý Thánh kinh.

Tôi xin gợi ý một số nguyên tắc có thể hướng dẫn chúng ta cách kiểm soát tài chánh. Ở đây chúng ta sẽ học ba nguyên tắc đầu, còn nguyên tắc thứ tư sẽ học trong chương 4.

Chúng ta sẽ đi từ:

1.Một phần mười đến của tế lễ

2.Nợ nần đến của thừa kế

3.Ban cho đến ban phước

4.Mâu thuẫn đến nhất trí

TỪ PHẦN MƯỜI ĐẾN CỦA TẾ LỄ

Tôi luôn cảm kích cuộc đời và sự giảng dạy của John Wesley, nhà truyền giáo người Anh vĩ đại – người đã soạn và sau đó rao ra vô số bài giảng khi đi từ làng này đến làng khác. Yên ngựa của ông được trang bị một kệ sách để ông có thể nghiên cứu khi cưỡi ngựa, đó là bằng chứng cho thấy sự tận hiến của ông. Ông có trình bày ba điểm thú vị, nếu không nói là đáng kinh ngạc, liên quan đến tài chánh: Làm tất cả những gì có thể, để dành tất cả những gì có thể và cuối cùng là ban cho tất cả những gì có thể.

Làm tất cả những gì có thể. Hãy làm việc chăm chỉ và cố gắng là một nhân viên thành công, tuyệt vời, là người sẽ được tưởng thưởng xứng đáng (Chương 5). Chúng ta không nên xấu hổ khi nhận ơn phước của Đức Chúa Trời ban cho đời sống chúng ta.

Để dành tất cả những gì có thể.Hãy tiết kiệm. Phải cẩn thận hoạch định tài chánh và ngân sách (Lu 14:28); hãy làm một công việc tuyệt vời với việc đầu tư, ơn tứ và tài năng của bạn (Mat 25:14-30). Linda và tôi bắt đầu hoạch định ngân sách ngay từ khi mới cưới. Lúc đó, chúng tôi thật sự cần hoạch định ngân sách bởi vì chúng tôi có khá ít tiền và nhu cầu của một gia đình đang phát triển ở Vùng California đắt đỏ là tương đối lớn. Trải qua nhiều năm, chúng tôi đi từ việc lập ngân sách để có đủ tiền sinh sống sang việc hoạch định cẩn thận kế hoạch đầu tư và tạo ra của thừa kế cho con cháu chúng tôi. Tôi tin rằng một số ơn phước tài chánh hiện tại của chúng tôi là kết quả trực tiếp của việc dâng phần mười và những thói quen tài chính đã bắt đầu khi chúng tôi vừa mới có thể kiếm tiền đủ sống.

Cuối cùng là ban cho tất cả những gì có thể. Mục đích của việc kiếm tiền lẫn để dành tiền là nhằm dâng hiến cách rời rộng cho công tác của Đức Chúa Trời. Thật nản lòng khi xem các con số thống kê cho thấy phần trăm thu nhập của tín đồ thuộc tất cả các tôn giáo quyên vào công tác từ thiện chỉ nhỉn hơn rất ít so với của những người tuyên bố mình không thuộc tôn giáo nào (2,5 phần trăm so với 2,2 phần trăm). Hơn nữa, những người từ các nước công nghiệp giàu có chỉ làm từ thiện nhiều hơn những người ở các nước đang phát triển một cách khiêm tốn. Mức độ ban cho thấp đến đáng kinh ngạc.

Nếu chúng ta sử dụng một phần mười của Cựu ước làm khởi điểm dâng hiến, chúng ta sẽ thấy mình thật kém thiếu. Hơn nữa, chúng ta nhận thấy Tân ước lấy Cựu ước làm kim chỉ nam và biến chúng thành những nguyên tắc mạnh mẽ hơn cho đời sống Cơ đốc nhân (ITi 6:18Cong 2:42-47IICo 9:11). Như vậy, việc Cơ đốc nhân chúng ta dâng hiến trong thời Tân ước nhiều hơn thời Cựu ước là phù hợp. Tuy nhiên, thay vào đó, sự tự do khỏi luật pháp Cựu ước của chúng ta hóa ra trở thành lời bào chữa cho thói ích kỷ và tôn thờ chủ nghĩa vật chất.

“Như vậy, anh em được giàu trong mọi sự, để làm đủ mọi cách bố thí, hầu cho người khác bởi chúng tôi mà tạ ơn Đức Chúa Trời” (IICo 9:11).

Câu Kinh thánh trên có thể áp dụng vào sự giàu có thuộc thể lẫn thuộc linh. Từ gốc Hy Lạp tương tự được sử dụng rõ ràng để nói về những vấn đề tài chánh lẫn thuộc linh trong Tân ước. Từ đây, tôi xin gợi ý một nguyên tắc – là kết quả từ việc chúng ta dành ưu tiên số một cho Đức Chúa Trời: Quyên góp theo tỷ lệ ngày càng tăng trong tổng số những gì chúng ta kiếm được cho công tác từ thiện và công việc Chúa.

Khi chúng ta trưởng thành trong đức tin và sung túc về tài chánh trải qua tiến trình cuộc sống và công việc, chúng ta cần phải chú trọng càng hơn vào việc áp dụng sự giàu có của chúng ta cho vương quốc và mục đích của Đức Chúa Trời. Hãy áp dụng nguyên tắc này và những điều đáng kinh ngạc có thể bắt đầu xảy ra. Hãy tưởng tượng Chúa có thể ban phước cho bạn như thế nào nếu bạn trung tín đổ tiền của mình trở lại cho công việc Chúa.

Tuy nhiên, có thể bạn không quen dâng hiến một cách thường xuyên. Thậm chí bạn đang phải vật lộn để kiếm đủ tiền sinh sống. Dâng hiến mười phần trăm thu nhập cho Đức Chúa Trời dường như không thể thực hiện trong tình cảnh tài chánh hiện tại của bạn. Trong trường hợp như vậy, tôi xin gợi ý bạn hãy khởi sự dâng chỉ với một, hai phần trăm và xem chuyện gì xảy ra. Hãy để đây là chi phiếu đầu tiên mà bạn ghi mỗi tháng. Tôi tin bạn sẽ thấy Đức Chúa Trời thành tín qua việc ban thưởng cho bước đi đức tin đó bằng cách chu cấp mọi nhu cần của bạn.

Từ đó, khi Đức Chúa Trời làm cho bạn thịnh vượng, bạn có thể cộng thêm số phần trăm dâng hiến lên mỗi năm. Khi bạn làm điều đó, như Linda và tôi từng làm, bạn sẽ thấy ơn phước Đức Chúa Trời ngày càng tuôn đổ trên đời sống bạn. Cuối cùng, bạn có thể dâng hai mươi, ba mươi phần trăm và thậm chí nhiều hơn cho công việc Ngài. Mục tiêu của gia đình tôi là đạt đến mức dâng hơn phân nửa tổng thu nhập của mình cho Chúa và công việc Ngài.

Như bạn có thể thấy trong tuyên ngôn sứ mạng cá nhân của tôi trong chương 2, Linda và tôi nhắm đến mục tiêu gia tăng số dâng hàng năm. Đặc biệt trong mục tiêu 8: Dâng với tỷ lệ tăng dần trong tất cả những gì tôi kiếm được cho mục đích thiện nguyện: nhà thờ, truyền giáo, và các tổ chức Cơ đốc khác. Theo nghĩa chính xácđiều này được viết như sau:Hàng năm chúng tôi quyên góp cho mục đích thiện nguyện với tỷ lệ phần ngày càng tăng trong tổng thu nhập của mình. Dù tuyên ngôn sứ mạng của bạn hoàn toàn là vấn đề cá nhân nhưng tôi khuyến khích bạn nên thêm vào đó những mục tiêu tương tự như vậy. Thật tuyệt vời khi mang đến cho Đức Chúa Trời – Đấng ban cho cách rộng rãi – cơ hội để Ngài tuôn đổ ơn phước dư dật trên đời sống bạn.

Thân phụ của mục sư ở Hội thánh chúng tôi trước đây là người đầu tiên dạy tôi ý tưởng dâng hiến với số phần trăm thu nhập ngày càng tăng này. Ông là một bác sĩ thành công và có một sự nghiệp vững chắc. Ông và vợ mình đã đạt đến mức dâng tám mươi phần trăm tổng thu nhập cho công việc Chúa. Tôi hết sức kinh ngạc khi nghe ông mô tả nguyên tắc này và cách ông đã sống với nguyên tắc đó.

Tuy nhiên, dâng hiến tiền bạc chỉ là khởi điểm của sự dâng hiến cách hy sinh cho công tác Đức Chúa Trời. Trước khi dâng hiến vào một mục vụ nào đó, chúng ta cần tìm hiểu kỹ mục vụ đó và tin chắc nó thực hiện đúng sứ mạng và mục đích của mình, tuân thủ nghiêm nhặt trách nhiệm tài chánh và phù hợp với mục tiêu của chúng ta. Một trong những ơn tứ thuộc linh của Linda là làm một người dâng hiến cách vui lòng. Tuy nhiên, cô ấy rất thận trọng và chỉ dâng hiến cho một mục vụ khi đã biết rõ về nó. Khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng và thấy cảm động về nó, cô ấy sẵn sàng dâng toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng!

Hơn nữa, chúng ta cần chủ động tham dự vào mục vụ mà chúng ta hỗ trợ. Linda và tôi thảo luận kỹ lưỡng, cầu nguyện, cân nhắc và cẩn thận nghiên cứu các tổ chức từ thiện trước khi dâng vào đó. Chúng tôi hiểu sứ mạng và công tác của tổ chức đó và cũng phát triển một mức độ liên hệ cá nhân với những người liên quan.

Ví dụ, chúng tôi hỗ trợ nhiều giáo sĩ tại Kenya. Trong kỳ nghỉ phép gần đây, chúng tôi đến thăm họ trong vài tuần. Đây là thời gian thăm viếng bạn bè tuyệt vời và còn là cơ hội tham gia trực tiếp vào công việc. Mùa hè rồi, Linda và Micah dành nhiều tuần ở Kenya để làm việc trong một trại trẻ mồ côi và khu ổ chuột với những người bạn giáo sĩ của mình. Khi chúng tôi nói cho người khác nghe về những mục vụ này, chúng tôi có thể kể với sự hiểu biết trực tiếp của mình.

Chúng ta cũng cần dõi theo sự dâng hiến của mình bằng suy nghĩ và lời cầu nguyện. Bạn có chủ động tham dự vào mục vụ bạn đang hỗ trợ hay không? Bạn có chắc tiền của bạn được sử dụng theo cách bạn mong đợi không? Bạn có biết nhu cầu hiện tại của mục vụ đó không? Bạn có tiếp tục ủng hộ những tổ chức từ thiện và mục vụ này qua sự cầu nguyện thường xuyên hay không?

TỪ NỢ NẦN ĐẾN CỦA THỪA KẾ

Mười lăm phần trăm những người giàu nhất trong tổng dân số thế giới tiêu thụ bảy mươi lăm phần trăm tổng hàng hóa và dịch vụ của thế giới. Một phần ba dân số thế giới sống với mức thu nhập dưới 1000 đôla Mỹ một năm. Dù nước Mỹ và các nước phát triển khác giàu có tột cùng nhưng chúng tôi cũng là những kẻ mắc nợ lớn nhất trên đất. Cơn đói khát chủ nghĩa vật chất không được thỏa mãn luôn kêu gào, đòi hỏi chúng ta càng ngày càng mắc nợ nhiều hơn.

Liên quan đến nợ nần, Kinh thánh nói rất rõ – đừng mắc nợ. Nợ nần bị nghiêm cấm dưới luật pháp Môi-se, lấy lời hay bất kỳ hình thức cho vay nợ nào trong vòng người Y-sơ-ra-ên với nhau đều bị nghiêm cấm (Ch 28:8Exe 18:8,13,1722:12Thi 15:5). Mọi món nợ phải được hủy bỏ vào Năm Hân hỉ (Phu 15:1-11). Chúng ta thấy con nợ sẽ phải phục dịch chủ nợ bằng cách này hay cách khác, dẫn đến sự băng hoại đạo đức hoặc thuộc linh.

“Nếu con không có gì trả, cớ sao con muốn chúng đoạt lấy cái giường con đi?” (Ch 22:27).

“Ngươi chớ đòi lời lãi gì nơi anh em mình về tiền bạc, về đồ ăn hay là về món nào mặc dầu người ta cho vay, để ăn lời. Ngươi được phép lấy lợi người ngoại bang, nhưng chớ lấy lợi anh em mình, để Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban phước cho ngươi về mọi việc ngươi sẽ làm trong xứ mà ngươi sẽ vào để nhận lấy” (Phu 23:19-20).

Ngược lại, Kinh thánh khuyến khích lối sống được đánh dấu bằng sự tự do khỏi mọi kiểu nợ nần, giảm thiểu những lo lắng về nhu cầu tài chánh và chuẩn bị của thừa kế cho thế hệ con cháu.

“Vì chưng của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mat 6:21).

“Sự khôn ngoan cũng tốt bằng cơ nghiệp; nó có ích cho những người thấy mặt trời” (Tr 7:11).

“Người lành lưu truyền gia sản cho con cháu mình; Song của cải kẻ có tội dành cho người công bình.” (Ch 13:22)

Có thể nghe thì thấy dễ, nhưng chúng ta biết rằng rất khó giữ được điều này. Nếu bạn đang bị ở dưới gánh nặng nợ nần, hãy thay đổi cách sống và bắt đầu xây dựng kế hoạch đưa bạn thoát cảnh nợ nần, quá trình này có thể rất nặng nhọc và chậm chạp. Nếu thẻ tín dụng khiến bạn rơi vào khó khăn, hãy vứt bỏ chúng trước khi chúng khiến bạn khốn khổ hơn. Nếu bạn thấy khó chi tiêu theo ngân sách thì hàng tháng hãy ưu tiên để riêng món tiền cần thiết cho chi phí gia đình – thực phẩm, khoản để dành, từ thiện… Hãy xem lại ngân sách trước khi chi những khoản bất thường. Tôi cũng gợi ý bạn nên nghiên cứu và áp dụng nhiều tư liệu Cơ đốc viết rất tốt về chủ đề tài chánh, như loạt tài liệu của Ron Blue chẳng hạn.

Tôi có một anh bạn thân đã nhận thấy nhu cầu phải đơn giản hóa tình hình tài chánh của mình và tiến đến mức vợ anh không cần phải đi làm nữa. Họ bỏ bớt đồ đạc, bán đi những căn nhà đang cho thuê cũng như nhiều tài sản khác và dần dần đưa họ thoát khỏi cảnh nợ nần. Một anh bạn khác nhận thấy mình không thể dâng hiến kiên định cho công việc Chúa nên lên kế hoạch giảm thiểu món tiền mua nhà trả góp bằng cách chuyển đến một căn nhà nhỏ hơn. Tôi tán thành nỗ lực của cả hai. Họ có những quyết định khó khăn và thực thi ngay nhằm chuyển từ nợ nần đến của thừa kế. Tuy đây là những quyết định khó khăn cho họ, gia đình họ cũng vì thế chịu hy sinh ít nhiều, nhưng tôi thấy những quyết định đó đã đem lại sự tự do và sự tự tin lại cho họ và cả gia đình họ.

Một số tác giả về lĩnh vực tài chánh gợi ý – nếu không nói là khuyến khích – rằng mắc nợ trả góp thì không có vấn đề gì. Không những bạn có được của cải vật chất – căn nhà – mà bạn còn được giảm thuế thu nhập do khấu trừ khoản trả góp tiền nhà. Rõ ràng là nợ trả góp về lâu về dài có ích lợi hơn rất nhiều so với việc trả tiền thuê nhà. Hơn nữa, đối với nhiều người, đó là cách duy nhất để có thể sở hữu được một căn nhà.

Những người khác còn bàn xa hơn với lập luận rằng nợ trả góp là sự đầu tư khôn ngoan nhờ vào khoản miễn thuế mà bạn nhận được. Bạn có thể nhận thấy lợi ích của việc sử dụng nợ trả góp như một khoản đầu tư khi so sánh với những khoản đầu tư ít rủi ro khác. Tuy nhiên, tôi tin chắc nguyên tắc “không mắc nợ” của Kinh thánh phải được ưu tiên hơn chuyện tìm kiếm lợi nhuận khi gia hạn hoặc tăng thêm khoản nợ trả góp.

Vì vậy, trong khi nợ trả góp là đòi hỏi bắt buộc đối với hầu hết mọi người, nhưng tôi thách thức bạn hãy mau chóng thoát khỏi nợ nần, mọi dạng nợ nần, kể cả nợ trả góp ngay khi có thể. Để thoát khỏi nợ trả góp đương nhiên phải mất nhiều năm. Dầu vậy, hãy khởi sự làm điều đó ngay. Trong những khoản vay như thế này, chỉ cần bạn tăng số tiền chi trả hàng tháng lên chút ít thì cũng có thể giảm bớt vài năm trong khoảng thời gian trả góp. Dầu điều này nghe không mấy thích thú vì bạn phải trả thêm một khoản tiền nữa với ngân sách vốn đã eo hẹp của mình, nhưng rồi bạn sẽ mau chóng cắt bớt số năm trả góp. Chỉ cần tăng số tiền chi trả hàng tháng thêm mười phần trăm là có thể giảm bớt bảy năm hay là hai mươi ba phần trăm thời gian chi trả của khoản trả góp 30 năm. Gia tăng số tiền chi trả lên mười lăm phần trăm có thể giảm bớt mười năm hay là ba mươi phần trăm thời gian chi trả của khoản trả góp 30 năm.

Dù hiện giờ vợ chồng tôi sống khá phong lưu, nhưng ngay khi mới cưới và khi dính vào món nợ trả góp đầu tiên, chúng tôi bắt đầu hướng đến một cuộc sống không-nợ-nần với tài chánh còn hạn hẹp. Lương kỹ thuật viên ở Intel chẳng nhiều nhặn gì so với giá sinh hoạt ở California! Vài năm sau khi kết hôn, Linda và tôi bắt đầu tăng tiền chi trả cho khoản nợ trả góp 30 đầu tiên của mình. Khi nguồn tài chánh cho phép, chúng tôi tăng thêm 10, rồi 15, và 20 phần trăm. Sau đó, chúng tôi cân đối số nợ còn lại và chuyển thành khoản nợ mười lăm năm với mức lãi suất có lợi hơn. Sau khi chuyển nhà, chúng tôi lại mắc phải món nợ 15 năm khác. Chúng tôi rất phấn khởi với ý nghĩ sẽ hoàn toàn trả được hết nợ, và chúng tôi cũng mau chóng thanh toán dứt điểm khoản nợ mới này.

Xin có vài lời với quý ông , hãy tưởng tượng một cuộc trao đổi giữa bạn và vợ trong vài năm nữa như thế này: “Em yêu, chúng ta dứt hết nợ rồi. Căn nhà đã được trả xong và chúng ta để dành được một khoản tiền để có một cuộc sống giản dị nhưng thoải mái ngay cả khi một trong hai chúng ta không thể chu cấp cho gia đình. Chúng ta cũng đã để lại di sản theo như Kinh thánh dạy cho con cái, cháu chắt chúng ta rồi.”

Chà, thật tuyệt! Thử tưởng tượng trong một dịp kỷ niệm ngày cưới của mình, bạn có thể đốt bỏ giấy nợ, kỷ niệm ngày dứt cảnh nợ nần. Dù với nhiều người, tiến trình này chậm chạp và kéo dài, nhưng một cam kết như vậy sẽ gặt hái những kết quả đáng kể trong đời này và cả đời sau.

TỪ DÂNG HIẾN ĐẾN ƠN PHƯỚC

Hầu hết chúng ta, đặc biệt là nam giới rất hào hứng với chuyện dành được phần thưởng. Có thể đó là việc chú tâm dành huy chương hay cúp trong một cuộc thi đấu điền kinh. Khi đi câu, chúng ta cũng gắng sức câu cho được con cá nặng ký nhất. Khi chơi golf, chúng ta cố đánh vài cú thắng điểm tuyệt đối để trở thành quán quân trong bộ tứ chơi golf của mình. Trong công việc, chúng ta hăm hở có được tiền thưởng, được thăng chức hoặc cất nhắc. Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta như vậy – luôn trông đợi nhận được phần thưởng hoặc những món quà. Chúng ta không phải xấu hổ khi bảo rằng mình hăm hở với phần thưởng hay giải thưởng mà chúng ta được hứa hẹn.

Cá nhân tôi là người tập trung vào mục tiêu. Tôi quyết tâm giật giải. Tôi vui mừng trông đợi ơn phước Chúa hứa ban cho đời sống biết dâng hiến cách trung tín cho công việc Ngài.

Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều… Đấng phát hột giống cho kẻ gieo giống và bánh để nuôi mình, cũng sẽ phát hột giống cho anh em và làm cho sanh hóa ra nhiều, Ngài lại sẽ thêm nhiều trái của sự công bình anh em nữa. Như vậy, anh em được giàu trong mọi sự, để làm đủ mọi cách bố thí, hầu cho người khác bởi chúng tôi mà tạ ơi Đức Chúa Trời (IICo 9:6,10-11).

Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy (Lu 6:38).

Một số người đọc những phân đoạn Kinh Thánh này và kết luận chúng hoàn toàn nói về ích lợi thuộc linh. Tôi rất đồng tình với quan điểm chúng ta sẽ được phước về mặt thuộc linh bởi một đời sống dâng hiến kiên định và ngày càng nhiều hơn cho công việc Đức Chúa Trời. Tôi được phước mỗi lần các giáo sĩ mà chúng tôi hỗ trợ tường thuật những tiến triển trong mục vụ của họ. Khi họ cho biết số người mới tin nhận Chúa, tôi hiệp với thiên sứ trên trời vui mừng hớn hở. Tôi được phước mỗi khi một Hội thánh mới được thành lập thông qua tổ chức chúng tôi hỗ trợ. Mỗi lần có người mới gia nhập Hội thánh, hoặc một tân tín hữu mới chịu báp-têm trong Chúa Cứu Thế, cá nhân tôi cũng được phước.

Tuy nhiên, khi đọc ngữ cảnh của phân đoạn này và cách dùng từ trong nguyên văn Hy lạp, tôi thấy việc diễn giải chỉ giới hạn trong khía cạnh thuộc linh là không có cơ sở. Tôi từng nghe và đọc vô số câu chuyện về những người dâng hiến bởi đức tin và được Đức Chúa Trời, Đấng ban cho cách rộng rãi, đáp ứng cách “kỳ diệu” cho những nhu cầu vật chất của họ. Khi sống như một quản gia trung tín, bạn sẽ nhận được ơn phước ngay bây giờ và trong tương lai, cả về thuộc thể lẫn thuộc linh.

Cũng vậy, Đức Chúa Trời hiểu tài chánh hoạt động ra sao, và nếu nguồn vào thuyên giảm, thì nguồn ra chẳng thể nào liên tục tăng thêm được. Một số người lấy những câu sau đây làm nguyên tắc mùa gặt:

•Bạn gặt sau khi gieo.

•Bạn gặt những gì bạn gieo.

•Bạn gặt nhiều hơn gieo.

Đầu tiên, bạn tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ cung ứng nhu cầu của bạn khi bạn ban cho. Bạn không thể trông chờ nhận được ơn phước khi giữ thói tham lam và ham mê tiền bạc (IITi 6:9-10Tit 3:14). Ơn phước là kết quả của tình yêu của chúng ta đối với Cha Thiên Thượng và sự dâng hiến rời rộng chúng ta cho vương quốc và công tác Ngài trên đất.

Thứ hai, bạn gặt thứ bạn đã gieo. Bạn gieo một cách dư dật hay ít ỏi? Bạn có gieo với tinh thần rời rộng và hy sinh như chúng ta thấy ở người đàn bà góa trong Phúc Âm Mac 12:42-44 hay không?

Cuối cùng, bạn nhận lãnh nhiều hơn những gì bạn gieo. Những khoản đầu tư của bạn vào công tác Nước Trời sẽ được tưởng thưởng bằng ơn phước tiếp tục được nhân lên. Ban cho thật sự có phước hơn nhận lãnh (Cong 20:35). Như Đức Chúa Trời thách thức chúng ta qua tiên tri Ma-la-chi:

“Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều này mà thử ta, Đức Giê-hô-va Vạn Quân phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng” (Ma 3:10).

***

Như vậy, chúng ta đã học qua 3 nguyên tắc tài chánh thiên thượng, còn nguyên tắc thứ tư sẽ học trong chương 4:

1.Từ tiền dâng phần mười đến của lễ hy sinh: Dâng với tỷ lệ phần trăm ngày càng tăng tổng số thu nhập cho công tác thiện nguyện.

2.Từ nợ nần đến của thừa kế: Ngay hôm nay, hãy kết ước chấm dứt mọi loại nợ nần và tìm kiếm di sản cho con cháu bạn.

3.Từ dâng hiến đến ơn phước: Hãy trông đợi phần thưởng cho một đời sống quản gia trung tín.

4.Từ bất đồng đến nhất trí (sẽ học đến trong chương 4).

Để sống một đời sống quân bình trong những thứ tự ưu tiên của mình, chúng ta cần đặt Đức Chúa Trời lên vị trí ưu tiên số một. Điều này sẽ được thể hiện thì giờ mỗi ngày chúng ta dành cho Chúa. Như đã thảo luận trong chương này, chúng ta sẽ áp dụng trực tiếp chân lý của Lời Đức Chúa Trời vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ dự phần thường xuyên và tích cực trong Hội thánh – là thân thể Đấng Christ. Cuối cùng, chúng ta sẽ đặt những vấn đề tài chánh quan trọng của chúng ta phục dưới ý chỉ Ngài.

Câu hỏi chương 3

1.Làm thế nào để giữ Đức Chúa Trời ở vị trí ưu tiên cao nhất trong đời sống bạn?

2.Có bao giờ bạn thấy hoạt động tôn giáo của mình chẳng khác nào một thủ tục phải thực hiện hằng ngày? Làm cách nào để có thể tập trung hơn cho giờ tĩnh nguyện cá nhân của mình?

3.Liệu có khôn ngoan không khi một người phải đi lại nhiều và phải thức khuya để làm việc lại cam kết hướng dẫn lớp nghiên cứu Kinh thánh hàng tuần? Làm thế nào để sắp xếp học Kinh thánh ở nhà khi thời gian biểu của bạn đã lắm bận rộn?

4.Làm thế nào để việc sử dụng và quản lý tài chánh phản ảnh rằng Đức Chúa Trời đang ở vị trí ưu tiên cao nhất trong đời sống bạn?

5.Bạn đối phó với công việc được giao vào ngày Chúa nhật như thế nào?