5. THÀNH CÔNG TRONG NƠI LÀM VIỆC

Nghệ Thuật Sống Quân Bình

Đăng vào: 5 tháng trước

.

5. THÀNH CÔNG TRONG NƠI LÀM VIỆC

Tại Intel, thỉnh thoảng có lúc hai người cùng làm chung một việc; chúng tôi gọi đó là mối quan hệ “hai trong một chiếc hộp”. Đôi khi chúng tôi kết hợp hai nhóm lại và điều này giúp bôi trơn bước chuyển tiếp. Có khi chỉ vì công việc quá nhiều nên một người làm không xuể. Cũng có khi, đó là phương cách hữu ích để người có thâm niên giúp phát triển người trẻ hơn hầu cho cuối cùng người trẻ có thể tự mình quán xuyến toàn bộ công việc.

Khi mới vào nghề, tôi được xếp làm chung với một giám đốc dày dạn kinh nghiệm tên là Mike. Tôi xông xáo và mau mắn còn Mike đầy kinh nghiệm và là một trong những giám đốc lập trình tài giỏi nhất mà tôi từng biết.

Một lần nọ, cả hai chúng tôi đều nhận được bức thư điện tử hỏi về phương hướng chi tiết cho một vấn đề mà tôi thấy không mấy quan trọng. Bức thư đề xuất một phương hướng hành động. Vì có quá nhiều công việc phải làm, tôi lập tức trả lời mà không cần đắn đo suy nghĩ: “Được.”

Ngày sau đó, tôi nhận được thư của Mike. Anh nói: “Không được chút nào và cậu biết điều đó. Chỉ có cậu là thấy nó không quan trọng và cậu đang làm sai trách nhiệm khi để nó qua đi như thế.”

Ồ, tôi đang bị khiển trách! Tôi đáng bị như thế. Mike nói rất đúng. Tôi đã lười nhác và vội vã tống khứ vấn đề đó ra khỏi hộp thư của mình. Hôm đó, tôi học được bài học cả đời không thể nào quên: tôi phải quán xuyến mọi thứ mà tôi chịu trách nhiệm bằng cách vận dụng mọi khả năng tốt nhất, thậm chí khi đó không phải là ưu tiên cao nhất của tôi.

Như đã nói từ đầu đến giờ, trước hết, hãy thảo kế hoạch cho cuộc đời bạn. Thứ hai, dành ưu tiên cho mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời. Thứ ba, dành ưu tiên thời gian cho gia đình. Sau khi thiết lập rõ ràng những ưu tiên theo Kinh thánh cho đời sống mình, bạn nên chuẩn bị giải quyết ưu tiên kế tiếp: sự nghiệp hoặc công việc của bạn.

Tôi tin quyết rằng Cơ đốc nhân phải là những nhân viên hoàn hảo nhất. Chúng ta phải là người dám nhìn vào hoạt động công việc của mình và phải tuyên bố với sự tự tin trước Cha Thiên Thượng cũng như trước mặt người chủ trên đất rằng: “Tôi đã cống hiến điều tốt hơn hết mà tôi có.” Tôi xin nhấn mạnh đây không phải là cái cớ cho thói tham công tiếc việc. Tuy nhiên, trong bất cứ giờ nào bạn chú tâm vào công việc – thường là một phần ba hoặc hơn trong tổng số giờ mà bạn thức – thông điệp dành cho bạn rất đơn giản: Hãy làm hết sức mình.

Thánh kinh liên tục và rõ ràng ủng hộ quan điểm này.

“Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa” (Co 323-24).

Chúng ta thấy chủ đề này được nói đến ở đây và trong thư Eph 4:28ITe 4:115:12-13IITe 3:10ICo 4:129:615:58. Tôi không phải là nhà thần học, tôi biết nguyên tắc đơn giản “để Kinh thánh giải nghĩa Kinh thánh” là một trong những nguyên lý căn bản để nghiên cứu Kinh thánh. Nói cách khác, nếu Kinh thánh không ngừng lặp lại và giải thích một đề tài hay chủ đề nào đó, thì hãy lắng nghe.

Có thể tôi là người lý tưởng hóa, nhưng tôi thích tin rằng mỗi Cơ đốc nhân là một nhân viên tuyệt vời. Không phải vì người tin Chúa cao trọng hơn người chưa tin. Kinh thánh dạy chúng ta phải “khiêm nhường xem người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi 2:3).

Thay vào đó, như thư Cô-lô-se cho biết, chúng ta có một “cơ nghiệp từ Chúa,” chúng ta có thể nhìn lại hoạt động hằng ngày, những lần tranh luận, công kích cá nhân hay bất kỳ điều nào khác để thấy rằng phần thưởng cao trọng nhất của chúng ta không phải là lương bổng, thăng tiến, danh tiếng cá nhân, quyền đầu tư chứng khoán hay bất kỳ hình thức công nhận về tài chánh và thế tục nào khác. Phần thưởng của chúng ta là một phần thưởng lớn nhưng đơn giản, ấy là lời khen “Được lắm, hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín” từ Cha Thiên Thượng khi chúng ta nhận được cơ nghiệp là sự sống đời đời nơi Ngài.

Dĩ nhiên, một số người sẽ cho rằng điều đó có nghĩa là Cơ đốc nhân phải nhận lấy vị trí đầy tớ thấp hèn nhất. Nhưng suy nghĩ đó chẳng đúng chút nào. Dù thái độ hằng ngày của chúng ta phải như đầy tớ, nhưng Cơ đốc nhân không nên bối rối hay ngần ngại mong muốn trở nên vĩ đại hơn và có vai trò quan trọng hơn. Dù chúng ta phải thỏa lòng khi ở trong bất kỳ vị trí hay vai trò nào, nhưng chúng ta cũng nên vui mừng tìm kiếm vai trò ảnh hưởng và sử dụng chúng cho vương quốc Đức Chúa Trời. Hãy nghĩ về những con người vĩ đại trong Kinh thánh: Giô-sép, chỉ dưới quyền Pha-ra-ôn – vị vua vĩ đại nhất thế giới thời bấy giờ; Môi-se, con trai Pha-ra-ôn, lãnh đạo của dân Hê-bơ-rơ; Đa-ni-ên, quyền hạn đứng thứ hai dưới ba triều vua khác nhau thống trị thế giới đương thời; Nê-hê-mi, cố vấn tin cậy cho vua mình; rồi Đa-vít và Sa-lô-môn, những lãnh đạo của quốc gia vĩ đại nhất thế giới thời bấy giờ. Hết lần này đến lần khác, chúng ta thấy người của Đức Chúa Trời ở trong địa vị vĩ đại và có nhiều ảnh hưởng. Nhiều trường hợp, tôi thấy do thiếu người lãnh đạo Cơ đốc trong những lĩnh vực khác nhau như truyền thông hoặc chính trị nên dẫn đến tình trạng xa rời khỏi những nguyên tắc Cơ đốc và đạo đức. Là một công dân nước Mỹ, chúng tôi có thể tự hào nhìn vào thực tế rằng hầu hết cha ông chúng tôi – những người lập quốc – cũng là những Cơ đốc nhân vững vàng và đi nhà thờ thường xuyên. Tư tưởng tách rời thế quyền ra khỏi giáo quyền nổi lên là để giáo hội không bị biến thành quốc giáo như trường hợp của Anh Giáo. Một tư tưởng như thế không khi nào có nghĩa là chúng ta phải tách rời đức tin với đất nước hoặc với quan điểm chính trị của chúng ta (xin nhớ dòng chữ “Chúng tôi tin cậy Đức Chúa Trời – In God We Trust ). Nguyện hôm nay Đức Chúa Trời Toàn năng nhìn thấy chúng tôi là một dân tộc lựa chọn việc tôn cao Ngài. Nguyện chúng tôi là một đất nước được Đức Chúa Trời ban phước.

Chúng ta đọc trong lời cầu nguyện nổi tiếng của Gia-bê:

“Gia-bê khấn nguyện với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên rằng: Chớ chi Chúa ban phước cho tôi, mở bờ cõi tôi rộng lớn; nguyện tay Chúa phù giúp tôi, giữ tôi được khỏi sự dữ, hầu cho tôi chẳng buồn rầu! Đức Chúa Trời bèn ban cho y như sự người cầu nguyện” (ISu 4:10).

Rõ ràng là Gia-bê không cậy mình trong việc tìm kiếm ơn phước Chúa trên cuộc đời và tài sản của mình nhưng ông nhờ cậy cánh tay Đức Chúa Trời phò giúp, dẫn dắt ông từng bước một. Tôi thường cầu nguyện như vầy: Lạy Chúa, xin mở rộng bờ cõi con để con có thể làm chứng nhân uy quyền hơn cho vương quốc Ngài. Lạy Chúa, xin khiến tài sản con thêm nhiều lên hầu cho con có thể dâng hiến nhiều hơn cho công việc của vương quốc Ngài trên đất. Lạy Chúa, xin sử dụng địa vị con ở sở làm, ở nhà và trong cộng đồng để dắt dẫn nhiều người đến với Ngài qua đời sống và lời làm chứng của con.

QUÂN BÌNH GIỮA CÔNG VIỆC VÀ SỰ NGHỈ NGƠI

Như đã mô tả trong chương 1, trong sự nghiệp của mình, tôi phải trải qua những giai đoạn làm việc vất vả. Ví dụ như khi chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn tất mẫu thiết kế chíp 80486, cuộc sống của chúng tôi có thể nói là gói gọn trong 18 – 20 tiếng đồng hồ ở sở làm, rồi về nhà, ngủ một ít và tắm rửa trong vòng sáu đến tám tiếng rồi sau đó trở lại công ty, tiếp tục làm việc 18-20 tiếng đồng hồ nữa. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi quay cuồng theo chiếc kim đồng hồ mà làm việc. Chúng tôi đang chạy đua với ngành công nghiệp, với lịch trình của mình và dĩ nhiên là với những thách thức mà chúng tôi tạo ra cho mình.

Chúng tôi cam kết với cấp trên là sẽ hoàn tất trước Giáng Sinh 1988. Ngày 25 tháng 12 năm đó đến và đi; dù chúng tôi làm việc với tiến độ chóng mặt, con chíp vẫn chưa hoàn tất. Tết Dương Lịch cũng đến và đi. Chúng tôi dốc sức hết tháng Một, qua đến tháng Hai. Ngày và giờ không ngừng chất chồng thêm căng thẳng và áp lực. Đang trong giai đoạn làm việc căng thẳng để hoàn tất mẫu thiết kế, một ngày nọ, một thành viên trong đội loạng choạng bước vào văn phòng của tôi, anh ta vừa đi vừa lẩm bẩm điều gì đó không thành câu, thành chữ về sự cố xảy ra với con chíp. Rõ ràng anh ta sắp sửa nổ tung và cần được nghỉ ngơi ngay lập tức.

Cuối cùng thì cao điểm của giai đoạn hoàn thiện thiết kế cũng hoàn tất. Trong khi chờ những mẫu đầu tiên được gởi về từ bộ phận chế tạo, chúng tôi bắt tay ngay vào hành động. Ngoại trừ một đội làm khung ở lại, chúng tôi buộc tất cả phải rời công ty và phải nghỉ ngơi thư giãn thật xứng đáng! Nếu không phải là thành viên của đội làm khung, thì tùy theo tình hình lúc đó, không ai được phép có mặt ở công ty hoặc trong vòng ba tuần lễ, hoặc cho đến khi mẫu silicon thử nghiệm đầu tiên được gởi về.

Chúng ta có thể gọi đây là “căng thẳng có kiểm soát.” Chúng ta cần cân bằng giữa giai đoạn làm việc tập trung cao độ – là lúc chúng ta dốc sức, dốc thì giờ vào sự nghiệp mình – và thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, dành cho gia đình và các kỳ nghỉ.

Như tôi có nói, vừa làm việc chăm chỉ mà vẫn ưu tiên cho Chúa và gia đình cũng giống như hành động tung hứng. Công việc, hội thánh và thời gian riêng tư đòi hỏi sự chú ý của chúng ta và hãy xem đây là sự thách thức cũng như là cơ hội để bắt tay sắp xếp thứ tự ưu tiên cho mình. Trong đời sống hôn nhân của mình, vợ chồng tôi thảo luận về lịch trình, việc phân chia và sử dụng thời gian của tôi nhiều hơn bất kỳ đề tài nào khác. Cũng có khi những lần thảo luận này trở thành những cuộc tranh luận gay gắt.

Hơn mười năm trước, chúng tôi tiến hành một hệ thống ghi điểm để theo dõi những gì tôi làm. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng nó giúp chúng tôi không còn tranh luận về những số liệu như là tôi ở nhà được bao lâu. Thay vì vậy, hệ thống này mau chóng giúp chúng tôi trao đổi tích cực về việc tôi ở nhà hoặc đi công tác bao lâu. Thường thì những thảo luận đó không liên quan đến giờ giấc nữa mà bàn đến cảm giác cô đơn của Linda khi ở nhà một mình. Đôi khi, nó liên quan đến việc thân xác tôi thì ở nhà, nhưng tâm trí hoặc tình cảm tôi lại ở tận đâu đâu. Tôi bị công việc làm cho xao lãng ngay khi đang ở nhà. Nếu như suốt buổi tối tôi ngồi trả lời thư điện tử để bắt kịp công việc, thì coi như tôi vẫn làm việc dù đang ở nhà vậy.

Hệ thống của chúng tôi hoạt động như sau: Những ngày tôi về nhà trước 5:00 chiều được cộng 2 điểm; những ngày tôi ở nhà trước 6:15 chiều được cộng 1 điểm; những ngày tôi về nhà sau 6:15 chiều hoặc không về, tôi không được điểm nào. Những ngày cuối tuần tôi vắng nhà bị trừ 1 điểm. Tổng số điểm trong tháng sẽ được lấy làm tử số. Mẫu số sẽ là số ngày làm việc trong tháng. Cuối tháng, chúng tôi sẽ so sánh tổng số điểm với số ngày làm việc trong tháng. Dưới đây là ghi chú của tôi cho mười hai tháng. Những kỳ nghỉ và ngày lễ không được tính điểm (dĩ nhiên là trừ khi tôi đi công tác trong mấy ngày này, nếu vậy tôi sẽ bị trừ đi 1 điểm).

2005
THÁNG 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Về nhà trước 5:00

(2 điểm)

3 2 2 1 3 3 2 2 3 1 1 4
Về nhà trước 6:15

(1 điểm)

6 8 4 4 5 9 1 3 5 4 3 10
Về nhà sau 6:15

(0 điểm)

8 7 10 15 9 7 5 16 12 15 17 5
Những ngày cuối tuần

(-1 điểm)

1 2 2 2 3
Tổng số ngày trong tháng 17 17 16 20 17 19 8 21 20 20 21 19
Tổng số điểm trong tháng 11 12 8 4 11 15 5 5 11 4 2 18
Phần trăm của tháng 65% 71% 50% 20% 65% 79% 63% 24% 55% 20% 10% 95%
Trung bình 12 tháng 64% 64% 67% 60% 57% 58% 57% 50% 50% 52% 50% 51%

Hệ thống này giúp loại bỏ cảm xúc ra khỏi cuộc thảo luận về thời gian của tôi. Trước khi thiết lập hệ thống này, chúng tôi thường có những trao đổi kém hiệu quả và dễ nản lòng như thế này:

Linda: “Gần đây anh đi xa quá nhiều đấy !”

Pat: “Không phải, thật ra tháng này anh ở nhà còn nhiều hơn cả tháng trước nữa.”

Linda: “Không đâu, tháng này tệ hơn tháng trước nhiều.”

Pat: “Đâu phải đâu. Em nhớ lại đi, tuần rồi năm ngày thì anh đã ở nhà hết bốn.”

Linda: “Nhưng tuần trước đó thì anh đi hết bốn ngày, và lại còn mấy buổi họp gì đó vào cuối tuần nữa.”

Pat: “Không phải, đó là chuyện của tháng trước.”

Linda: “Không phải tháng trước.”

Pat: “Phải mà, đó là trước ngày Lễ Mẫu thân.”

Linda: “Không phải mà…”

Dù hệ thống này chưa thể gọi là hoàn hảo, nhưng nó thể hiện các dữ liệu trước mặt chúng tôi và cho phép chúng tôi tập trung vào những vấn đề có thật. Là một kỹ sư được đào tạo trường lớp hẳn hoi, cuộc đời tôi bị chi phối bởi những dữ liệu. Nhưng nếu dữ liệu nói một đường mà Linda cảm nhận một nẻo, thì chúng tôi cần thảo luận một vấn đề khác hơn, chứ không phải đơn thuần là vấn đề “thời gian”. Có thể tôi ở nhà nhiều hơn nhưng lại không giúp ích nhiều trong công việc nhà hoặc là không dẫn các con đi chơi đây đó để Linda có đủ thời gian yên tĩnh cho thỏa lòng. Lúc đó, có lẽ tôi sẽ điều chỉnh vài điều. Tôi đón đứa này đi thực hành bóng rổ về, dẫn đứa nọ đi chơi khúc côn cầu và cho Linda thảnh thơi cả buổi tối mà không cần phải lái xe đi đâu cả. Những lần khác, dữ liệu cho thấy đơn giản tôi đã không xem kỹ lịch trình nên có vài buổi họp và những công việc khác choán hết thời gian.

Nhiều năm trước, tôi và Linda đã thảo luận với nhau khi tôi bắt đầu về nhà trễ nhiều lần trong tuần và đi công tác xa dài ngày nhiều lần trong tháng. Sau đó, tôi đem vấn đề này thảo luận với Bryce, cố vấn thuộc linh của tôi – tôi sẽ nói nhiều về ông ở chương sau. Cuối cùng, tôi và Linda đã ngồi lại để nói chuyện với nhau về tình trạng này.

Dù cuộc thảo luận có gay gắt, nhưng chúng tôi đã tiến hành làm một số việc nhằm làm thời gian ở nhà của tôi thêm lên. Bây giờ, từ thứ hai đến thứ năm, tôi nghiêm túc rời công ty về nhà đúng năm giờ chiều. Tôi nói rõ với nhân viên và trợ lý điều hành của tôi rằng từ nay 5:00 sẽ là giờ rời khỏi công ty của tôi, trừ những trường hợp có những buổi họp không thể hoãn lại. Tôi vẫn có thể có những cú điện thoại đang khi lái xe về nhà nhưng đúng 5:00, tôi sẽ phải chui vào xe. Hơn nữa, để sớm khởi đầu ngày cuối tuần, vào thứ Sáu, tôi sẽ rời công ty trước bốn giờ chiều. Để hệ thống này hoạt động, tôi cần phải kiên trì và nhẫn nại, vì chỉ sau vài ba giờ đồng hồ là vài hạng mục công việc dễ dàng lọt vào lịch làm việc của tôi.

Linda và các con không quan tâm đến chuyện tôi đi làm sớm thể nào vào buổi sáng; họ vẫn còn ngủ hoặc đang chuẩn bị đến trường. Nếu sáng nào không đi tập thể dục, tôi thường bắt tay vào việc lúc sáu giờ sáng hoặc sớm hơn để nắm bắt công việc. Cũng vậy, buổi tối, sau khi Linda và các con đã ngủ thì chuyện tôi thức khuya làm việc bao lâu không thành vấn đề. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ tôi ở nhà được bao lâu – mà phải ở nhà thật sự, không bị phân tâm – tức là khoảng thời gian từ năm giờ chiều đến mười giờ tối các ngày trong tuần và trọn những ngày cuối tuần (dĩ nhiên, bạn có thể đoán biết mấy cô cậu thiếu niên vẫn còn tỉnh như bưng đến tận một giờ khuya!). Đó là những giờ gia đình đặc biệt và phải được nâng niu trân trọng. Mỗi chúng ta cần ưu tiên thì giờ buổi tối này cho gia đình.

Dĩ nhiên là nhân vô thập toàn. Đôi khi tôi trốn trong gara hoặc đánh xe một vòng quanh khu nhà nhằm hoàn tất cuộc gọi quan trọng cuối cùng trong ngày. Cũng vậy, sau bữa tối, khi Linda và bọn trẻ lúi húi dọn dẹp, hoặc ngồi trên máy tính hoặc đọc sách, thì tôi lại được dịp lẻn vào phòng làm việc. Dù cố gắng cải thiện, nhưng máy tính như thể một nam châm hay lực hấp dẫn kéo tôi về trạng thái làm việc. Có thể là ngay lúc đó, một bức thư điện tử được gởi đến và cần tôi quan tâm. Thế là vài phút sau, tôi lại mê mải trong công việc.

Cũng vậy, là người chú trọng ghi điểm, bạn cần tập trung nhắm vào mục tiêu. Sử dụng hệ thống ghi điểm này, mục tiêu của tôi với Linda là đạt đến con số bảy mươi phần trăm trên cột “ở nhà”. Bạn và người bạn đời mình nên làm thử để biết bình thường bạn sử dụng thời gian như thế nào, sau đó hãy đề ra mục tiêu cho tương lai. Dù có vẻ tầm thường, nhưng mục tiêu là điều rất quan trọng – và dĩ nhiên, nhận được phần thưởng khi đạt được mục tiêu đề ra còn giúp bạn thêm hăng hái và nỗ lực hơn.

Tuy hệ thống ghi điểm này chưa thể gọi là hoàn hảo, nhưng có được một phương pháp biểu diễn dữ liệu để quản lý thời gian sẽ giúp loại bỏ khía cạnh cảm xúc ra khỏi những cuộc thảo luận của bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng đạt được vài điểm tốt sẽ thôi thúc bạn cố gắng làm việc tốt hơn và ở nhà nhiều hơn.

NHỮNG XUNG ĐỘT GIỮA GIA ĐÌNH VÀ CÔNG VIỆC

Dĩ nhiên là ý tưởng “căng thẳng có kiểm soát” này không dễ thực hiện, và trong nhiều trường hợp, khi bạn cố gắng quân bình giữa công việc và giờ gia đình, nó còn tạo ra nhiều áp lực hơn. Đôi khi áp lực xuất phát từ khao khát được thành đạt và thành công trong sự nghiệp của chính bạn. Có khi, chúng đến từ người chủ hoặc trực tiếp từ những đòi hỏi ở sở làm – là nơi bạn được mời mọc thăng tiến, làm việc muộn và đẩy những cam kết dành cho gia đình ra xa.

Vài năm trước, tôi được giao trách nhiệm triển khai một dự án tại Hội Chợ Triển Lãm Máy Tính Cá Nhân (PC Expo) diễn ra ở thành phố New York. PC Expo thường tổ chức vào giữa tháng Sáu, ngay sau khi các con tôi nghỉ hè. Không may là trước khi thời gian và địa điểm cho sự kiện này được ấn định, gia đình chúng tôi quyết định dành hai tuần đầu sau khi các con tôi nghỉ hè cho kỳ nghỉ hàng năm. Chúng tôi vẽ ra những kế hoạch nghỉ hè to tát, chẳng những chúng khó thay đổi, mà nếu chúng thay đổi sẽ khiến cả gia đình thất vọng lớn. Thình lình, sự xung đột lớn giữa gia đình và công việc xảy ra.

Tệ hơn nữa, đây là một dự án nổi bật trong công ty. Thêm vào đó, Andy Grove – chủ tịch tập đoàn Intel – tỏ ra rất quan tâm đến dự án này. Mặc cho những áp lực này và vì kiên quyết trung thành với những ưu tiên của mình, tôi quyết định giữ cam kết cho kỳ nghỉ gia đình. Tôi dốc sức chuẩn bị cho những đồng nghiệp có khả năng khác điều hành buổi ra mắt khi tôi vắng mặt.

Khi biết được kế hoạch của tôi, Andy thất vọng và bày tỏ điều này nhiều lần, riêng tư lẫn công khai. Nếu bạn đã từng gặp Andy, bạn sẽ hiểu được sự gay gắt trong cách nói của ông. Tôi đã bị thất sủng, và ai cũng biết vậy. Mặc cho những áp lực ngày một leo thang, tôi quyết định vẫn tiến hành kỳ nghỉ gia đình và nhờ một đồng nghiệp khác trong nhóm đảm nhận phần giới thiệu sảm phẩm. Tệ hơn nữa, buổi ra mắt hạng mục sản phẩm mới này diễn ra không mấy suôn sẻ. Trong quá trình thực hiện buổi ra mắt, một trong những khách hàng lớn nhất đã tỏ ra thất vọng về Intel. Thêm một lỗi lầm này nữa, thình lình văn phòng của tôi chẳng khác nào một căn nhà tồi tàn ở vùng Sibêri.

Rõ ràng là phần nào của cảm giác mùa đông băng giá này là lỗi của tôi. Việc triển khai dự án không được thuận lợi và lẽ ra tôi phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo trước khi tôi đi. Dẫu vậy, vấn đề lớn hơn đó là tôi kiên quyết đặt ưu tiên kỳ nghỉ gia đình lên trên công việc. Nhớ lại giai đoạn này, trừ việc phải chuẩn bị tốt hơn, thì tôi cũng sẽ không thay đổi quyết định.

Nhiều trường hợp khác, tôi chọn cách thảo luận qua điện thoại thay vì đáp máy bay để gặp gỡ trực tiếp. Có khi tôi nhờ những giám đốc khác dự họp giúp tôi. Có khi tôi sẽ không nán lại lâu chỉ để hoàn tất một dự án nào đấy. Dù tôi thích gọi thêm vài cú điện thoại cho công việc đang khi đang lái xe về nhà, nhưng tôi biết rằng nếu tôi vẫn còn nói chuyện điện thoại khi về đến nhà, tức là tôi đang cho Linda và các con biết rằng: Tôi vẫn đang trong trạng thái làm việc. Tôi từ chối vô số cơ hội giải trí hoặc bỏ qua những hoạt động xã hội sau giờ làm việc. Đôi lần, tôi nói “không” với những dự án thêm vào mà hẳn có thể giúp tôi tăng thêm uy tín để được thăng tiến hoặc cất nhắc. Một lần, Andy Grove tỏ ý muốn tôi làm trợ lý kỹ thuật cho ông. Đây là vị trí vô cùng ích lợi. Tôi sẽ được cả tập đoàn biết đến vì được ngồi trong văn phòng của ngài chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn. Thêm vào đó, tác phong lãnh đạo của tôi sẽ được phát triển vì hằng ngày được cùng làm việc với Andy Grove. Nhiều lãnh đạo của Intel từng sử dụng vị trí này làm chìa khóa thăng tiến trong sự nghiệp của họ. Biết rằng điều này sẽ buộc tôi thường xuyên vắng nhà từ bốn đến năm ngày trong tuần, sau khi thảo luận với Linda, tôi đã từ chối đề nghị đó.

Xung đột sẽ đến; bão tố sẽ nổi lên. Tuy nhiên, nếu bạn phát triển một danh tiếng rõ ràng của một nhân viên chăm chỉ và tuyệt vời, bạn có thể xoa dịu được bão tố. Không những vậy, cá tính bạn còn được cải thiện, danh tiếng và uy tín của bạn qua đó cũng tăng lên. Nếu bạn nghiêm túc cống hiến cho sự thành công của công ty và làm hết sức mình trong mọi hoàn cảnh – thậm chí khi bạn không mấy yêu thích công việc, bất đồng với đồng nghiệp hoặc cấp trên của mình đi nữa – thì bạn vẫn có thể sống với những nguyên tắc của mình và thành công vượt bậc.

Một mặt, bạn cần phải dấn thân và trả giá để làm tốt công việc, để bước vào những giai đoạn căng thẳng đó với cả sự tập trung và tận lực. Tuy nhiên, trong những giai đoạn như thế, bạn cần phải giữ sự quân bình bằng những khoảng thời gian thư giãn và nghỉ ngơi.

Làm việc chăm chỉ và trở thành một nhân viên giỏi giang xuyên suốt một giai đoạn căng thẳng sẽ xây dựng danh tiếng ngày càng tốt hơn cho bạn ở nơi làm việc. Hãy xem nó như là một tài khoản ngân hàng ảo nhưng có giá trị lâu bền đối với người chủ của bạn. Nếu bạn làm việc cần mẫn và tận lực cho công ty, bạn sẽ được đào luyệnđể kiểm soát những khi gió bão nổi lên. Tôi xin cam đoan bão tố chắc chắn sẽ ập đến. Thực tế mà nói thì khó khăn luôn tồn tại. Về mặt thuộc linh, Sa-tan không cho phép một ai sống theo nguyên tắc tiến lên mà không phải trải qua nhiều thử thách trước những quyết định và lựa chọn của mình.

“Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-xu Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (IITi 3:12).

Giả sử bạn là một trong những nhân viên hàng đầu trong nhiều năm, bạn nổi bật trong những chương trình trọng yếu của công ty. Bạn đã bày tỏ lòng trung thành trước sau như một và nguyên tắc xử thế nhất quán, và đã cống hiến hơn cả sự mong đợi cho những chương trình quan trọng của công ty. Kết quả là bạn sẽ tạo được một tài khoản giá trị có ích lợi lớn lao cho mình. Lúc đó, một tình huống tương tự như ví dụ PC Expo ở trên xảy ra. Dầu công ty có thể không hài lòng với những gì bạn đang làm, nhưng qua những biểu hiện của bạn từ trước đến giờ, tình huống này sẽ được cân nhắc. Như vậy, khả năng quân bình tích cực to lớn mà bạn có được trong tài khoản giá trị ảo của mình sẽ dễ dàng khỏa lấp trường hợp bất lợi này.

Ngược lại, thỉnh thoảng bạn cũng làm tốt công việc, nhưng những lúc khác bạn lại có những biểu hiện đáng ngại. Bạn từng tranh cãi với cấp trên của mình, có mối quan hệ tốt với vài người, nhưng với những người khác thì rất xấu. Bạn cũng bị cáo buộc là có những hành xử thiếu đúng đắn hoặc có vấn đề về đạo đức nghề nghiệp đối với cấp trên. Trong trường hợp này, vì thiếu đi tiếng tốt của một viên chức giỏi giang, những tình huống nan giải sẽ trở nên gay go đối với bạn, nếu không nói là không thể xoa dịu được. Đôi khi bạn mong muốn một cách liều lĩnh thực hiện cam kết với gia đình, nhưng tài khoản giá trị trong công việc của bạn đã bị hao hụt. Thêm một lần rút lui nữa chắc chắn sẽ đặt bạn vào tình trạng phá sản, nguy hại đến chức vụ hoặc sự nghiệp lâu dài của bạn.

Sau xung đột PC Expo, tôi phải đương đầu với hai trường hợp khác tương tự – lựa chọn giữa sự cam kết dành kỳ nghỉ cho gia đình và cam kết trong công việc. Với trường hợp đầu, kế hoạch gia đình tôi có phần linh động – trong khi trường hợp PC Expo thì không được như vậy – và kế hoạch của gia đình tôi cũng không to tát gì. Lần đó, tôi đã rút bớt một ngày khỏi kỳ nghỉ gia đình và giữ cam kết cho công việc.

Trường hợp còn lại, vì kế hoạch gia đình tôi đã được ấn định nên một lần nữa tôi quyết định giữ trọn cam kết với gia đình. Trường hợp này không tỏ tường hay quan trọng như trường hợp PC Expo, nhưng đó vẫn là một quyết định rõ ràng để sống bởi những ưu tiên của mình và đặt gia đình lên trước hết.

Tôi xin khuyên bạn đừng nên đơn thuần cứng nhắc trong một hướng nào đó. Áp dụng những nguyên tắc này vào những tình huống khác nhau mà bạn đối diện có thể còn nhiều thách thức. Có khi lựa chọn của bạn rất rõ ràng; có lúc, phán đoán xem bạn có đủ sức giữ cam kết với gia đình hay không là một chuyện rất khó, nếu không nói là không thể.

***

Như vậy, đã đến lúc chúng ta thấy rõ được thế nào là quân bình trong công việc. Chúng ta sẽ luôn đối mặt với những xung đột giữa công việc, gia đình, và Đức Chúa Trời. Danh tiếng tốt có thể giúp bạn vượt qua nhiều thử thách. Nếu đã gầy dựng được đến đây, thì bạn đã đạt được bước tiến lớn để trở thành một bậc thầy trong việc giữ quân bình. Tuy nhiên, thực hiện yêu cầu phán đoán trong lĩnh vực mang tính tranh tối tranh sáng này đòi hỏi quá trình học tập, cầu nguyện và khôn ngoan cũng như cần có vài cố vấn thông thái chung quanh bạn – là đề tài chúng ta sẽ học trong chương kế tiếp.

Câu hỏi chương 5

1.Làm thế nào bạn kiểm soát được những cam kết cho công việc trong khi chúng xung đột với cam kết dành cho gia đình bạn?

2.Bạn sẽ xoay xở thế nào khi những dự án trở nên căng thẳng và thời hạn hoàn tất đã được ấn định – khi mà khó vừa làm hài lòng gia đình và bạn bè vừa làm một nhân viên hiệu quả?

3.Bạn làm thế nào để giữ mình trong một môi trường mà sự suy đồi đạo đức là cách để đạt được mục tiêu?

4.Nếu nhìn thấy cách hành xử thiếu đạo đức trong công ty, bạn có tiếp tục làm việc chăm chỉ hay không?

5.Một nền kinh tế yếu kém tạo nhiều áp lực trên đời sống công việc chúng ta. Đâu là giới hạn giữa những cam kết và trách nhiệm?

6.Làm thế nào để bạn đạt được sự quân bình giữa làm việc để đổ đầy túi tiền của người khác và mưu sinh cho chính bạn?

7.Bạn có thường xem lại biểu đồ thời gian của mình không?