1. TỪ ĐỒNG QUÊ ĐẾN THUNG LŨNG SILICON

Nghệ Thuật Sống Quân Bình

Đăng vào: 5 tháng trước

.

1. TỪ ĐỒNG QUÊ ĐẾN THUNG LŨNG SILICON

Robesonia là một thị trấn nhỏ bình dị nằm ở trung tâm vùng Pennsylvania Dutch. Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên, cũng là nơi tôi học ý nghĩa của việc chăm chỉ làm lụng. Gia đình nội ngoại hai bên của tôi đều là nông dân chăn nuôi gia súc và trồng hoa màu. Gia đình mẹ tôi có mười một anh chị em, trong đó nhiều người đã chết khi còn ẵm ngửa. Cha tôi sinh ra trong gia đình có chín anh chị em. Cha tôi là con sinh đôi và là người thứ bảy trong gia đình. Cả cha và mẹ tôi đều được giáo dục theo kiểu của “người Đức nhập cư” tại vùng Pennsylvania Dutch. Cả hai đều lớn lên trên ruộng đồng và học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai của mình. Dù ở cách xa nhau hơn 90 cây số, cả hai đều phải cuốc bộ đến ngôi trường làng gần nhất – với chỉ một phòng học – để học từ lớp một đến lớp tám. Đại gia đình của cha và mẹ tôi chiếm đa số trong tổng số học sinh của ngôi trường với một phòng bé nhỏ – là nơi cung cấp toàn bộ nền tảng giáo dục chính quy cho họ. Cả hai đều không có cơ hội học quá lớp tám.

Khi các anh chị em của cha tôi đến tuổi trưởng thành và tạo lập gia đình, họ chuyển ra làm nông với một ít sự hỗ trợ tài chánh từ ông nội tôi. Ông nội tôi lần lượt giúp con trai thứ nhất, con trai thứ hai, rồi đến con gái thứ nhất và cứ tiếp tục. Tuy nhiên khi đến lượt cha tôi, ông nói: “Con phải tự lực cánh sinh thôi, con trai ạ. Bấy nhiêu ruộng đồng đã quá đủ cho nhà ta rồi.” Thế là cha tôi bắt đầu sự nghiệp làm nông của mình bằng cách làm việc cho các anh trai mình.

Luôn có thừa công việc để làm ở nông trại. Vì vậy, cha tôi rất được hoan nghênh khi giúp việc các bác của tôi. Mọi việc diễn tiến tốt đẹp được vài năm. Sau đó, khi các bác tôi lập gia đình riêng, rồi đến lúc các con họ trưởng thành và tiếp quản công việc gia đình, thì cha tôi không còn giữ vị trí quan trọng trong sự vận hành các nông trại của họ. Có đôi lần cha tôi nghĩ đến chuyện mua hẳn một nông trại, nhưng ông không thể trả giá cao hơn người khác, cũng không biết vay mượn ai, và ông nội tôi cũng không thể hỗ trợ cha đủ tiền để tiến hành chuyện mua bán. Bởi vậy cha tôi chưa bao giờ mua được một nông trại nào.

Tôi yêu thích công việc nặng nhọc ở các nông trại của các bác tôi. Hơn nữa, tôi luôn thích được làm việc cùng cha mình. Nếu như cha tôi mua được một nông trại, thì chắc chắn giờ này tôi đang ở đó cùng làm việc với cha trên mảnh đất của gia đình. Biết đâu chừng tôi đang nghiên cứu chíp điều khiển những con bò thay vì làm chuyên gia về chíp điều khiển máy tính như hiện nay!

Tôi học được nhiều điều từ cha và các bác, các cô cùng các anh chị em họ nông dân của tôi. Thật khó làm người có mối liên hệ mật thiết với ruộng đồng mà lại không phát triển một đạo đức nghề nghiệp sâu sắc và mạnh mẽ. Họ phải thức dậy từ sớm tinh sương, làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt và chỉ đi ngủ khi đã hoàn toàn mệt nhoài sau một ngày làm lụng vất vả.

Dù vẫn tiếp tục làm việc ở nông trại của các bác, cha tôi nhận thêm một việc làm trọn thời gian tại một nhà máy cán thép địa phương. Như thế vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu cũng như khiến cha tôi bận rộn, ông kiêm luôn chức ủy viên thành phố chuyên giám sát việc xây dựng và sửa chữa đường xá. Hầu như suốt những năm tháng ấu thơ của mình, tôi đều thấy ông làm cả ba công việc này cùng một lúc. Ông làm việc chăm chỉ để đem lại cho gia đình một cuộc sống tốt hơn những gì ông từng được hưởng. Cho đến hôm nay, tôi thấy mình có phần lười nhác so với ông. Ông là một trong những anh hùng của cuộc đời tôi.

Chúng tôi đều đi nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật. Gia đình tôi cũng như nhiều họ hàng gần của tôi nhóm tại nhà thờ United Church of Christ (UCC) ở thị trấn Wernersville kế cận. Tôi nhận phép báp-têm lúc sáu ngày tuổi và chỉ bỏ lỡ buổi thờ phượng Chúa nhật vào những lúc đau ốm. Chúng tôi đánh bóng đôi giày của mình vào tối thứ Bảy, thức dậy vào sáng Chúa nhật, diện áo vest, đeo cà-vạt, rồi đến nhà thờ. Cha tôi rất ghét đi nhà thờ trễ, vì thế chúng tôi hiếm khi nào đến trễ. Sự việc cứ thế diễn ra và tôi không có ý định phá hỏng lề thói gia đình.

Tôi chính thức xác nhận niềm tin của mình vào năm mười hai tuổi. Đây là bước để một người trở thành thành viên chính thức của hội chúng. Vì chúng tôi đã được báp têm khi còn sơ sinh, đây là thời điểm để công khai tuyên bố mình là thành viên chính thức của hội chúng. Tôi trở thành trưởng ban thiếu niên năm mười bốn tuổi. Bề ngoài tôi là một hình mẫu thiếu niên Cơ đốc sáng giá. Tôi có mặt ở nhà thờ mỗi Chúa nhật, thuộc lòng những bài Thánh ca, luân phiên thi hành trách nhiệm lễ sinh, trở thành tín hữu chính thức và làm trưởng ban thiếu niên. Bạn còn còn mong đợi gì nữa từ một cậu thiếu niên? Nhiều năm sau đó, khi Linda – vợ tương lai của tôi – hỏi rằng tôi có phải là Cơ đốc nhân hay không, tôi lập tức đáp lời không chút do dự: “Đúng vậy !” Tiếp đến tôi viện dẫn đủ điều để chứng minh cho điều đó. Giống như nhiều người ngày nay, tôi từng cho rằng công việc và thành tựu của tôi khiến tôi đủ tiêu chuẩn có được một vị trí nào đó trong mắt Đức Chúa Trời. Tôi thật ngây thơ và sai lầm làm sao!

Thế nhưng, trên thực tế cuộc đời tôi lại khác hẳn. Dù bề ngoài tôi là một hình mẫu thiếu niên Cơ đốc hoàn hảo vào mỗi Chúa nhật, nhưng sáu ngày còn lại trong tuần lại là chuyện khác. Cho đến năm mười bảy tuổi, tôi đã từng trải nhiều cám dỗ của lứa tuổi bồng bột đó. Đám bạn mà tôi giao du chắc chắn không phải là loại người mà bạn muốn cho con mình kết bạn.

Việc sống với sự dối trá thì thật hào hứng, táo bạo và đầy thách thức. Tôi thích làm cậu bé hoàn hảo trong mắt mọi người vào những ngày Chúa Nhật. Những người mẹ, người bà thường khen ngợi tôi và nhiều người ước ao phải chi tôi là con cháu ruột của họ. Đương nhiên là việc có được những người bà, người mẹ đứng về phe mình là rất có lợi để củng cố vị thế của mình trước những quý cô mà lúc đó tôi đang để ý.

Nhìn lại, tôi thấy cuộc đời mình lúc đó như những lon tiền xu nằm trước cửa các quán ăn và nhà hàng. Từ trên cao, bạn thả một đồng xu, nó rơi xuống từ từ theo hình xoắn ốc. Trong khi đồng xu có thể “nghĩ” rằng chuyến đi thật tuyệt vời, ly kỳ và thú vị, thì đích đến của nó hoàn toàn là một sự chấm hết. Luật vạn vật hấp dẫn đảm bảo nó sẽ đáp xuống một nơi thấp hèn đến tận đáy. Với những ai đang ở trong lối sống như tôi từng có, đích đến đồng nghĩa với sự chấm hết – một cái hố ở cuối cuộc đời mà người ta gọi là địa ngục. Đó là con đường mà tôi đã đi, và tôi đang sung sướng tận hưởng nó.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã ban cho tôi tâm thần bén nhạy và Ngài bắt đầu dùng nó để lèo lái tôi sang hướng khác. Bởi vì cha tôi không có nông trại để tôi thừa kế, nên tôi phải theo đuổi con đường sự nghiệp khác. Tôi cân nhắc vô số lựa chọn và quyết định thử sức trong ngành điện tử. Trong năm lớp Mười và Mười Một, phần vì muốn thoát khỏi sự nhàm chán của chương trình phổ thông, phần vì tôi giỏi toán và đam mê ngành điện tử, tôi ghi danh học tại trường Kỹ thuật Dạy Nghề Berks vào các buổi chiều. Thầy giáo Howard Buck đã khích lệ tôi rất nhiều. Nhiều lần thầy đặt vấn đề về lối sống của tôi và khi nhìn thấy mấy anh chàng mà tôi đang kết bạn, cũng như khi chứng kiến lối sống buông thả của tôi, thầy càng tỏ ra lo lắng hơn. Thầy nhìn thấy tài năng to lớn trong tôi và rất lo ngại nó bị lãng phí. Có lần thầy còn gặp riêng tôi để khuyến khích tôi chọn con đường khác kết quả hơn. Dù nay thầy không còn, nhưng tôi luôn biết ơn thầy vì đã sẵn lòng giúp đỡ tôi.

Chính trong thời gian này, tôi tình cờ dự thi giành học bổng ngành kỹ thuật điện tử ở trường Kỹ thuật Lincoln. Bài thi dành cho học sinh lớp Mười Hai, nhưng không hiểu thế nào tôi, một học sinh lớp Mười Một lại tham dự kỳ sát hạch ấy. Thật kinh ngạc, tôi còn giành được học bổng và được miễn học phí hai năm. Vì gia đình tôi xếp vào hàng trung bình về tài chánh, một học bổng toàn phần trở nên vô cùng hấp dẫn. Bây giờ, tôi thấy đây rõ ràng là sự can thiệp thiên thượng trong cuộc đời tôi.

Việc giành được học bổng lại đưa đến một số khó khăn: tôi vẫn chưa lên lớp Mười Hai và sẽ chỉ tốt nghiệp Trung học trong vòng một năm rưỡi nữa. Tuy nhiên, học bổng chỉ dành cho năm học kế tiếp. Như vậy, một chương mới của cuộc đời tôi bắt đầu mở ra theo cách mà tôi không thể nào đoán trước được.

CUỘC VẬT LỘN VỚI NHIỀU CÔNG VIỆC BẮT ĐẦU

Với học bổng cùng những thách thức, cơ hội và tự do lớn hơn trước mắt, tôi bỏ qua năm cuối phổ thông và bắt đầu lấy bằng đại cương tại trường Kỹ thuật Lincoln ở tuổi mười bảy. Sau vài tháng đi đi về về và nhất là sau một tai nạn xe hơi, cha mẹ và tôi quyết định rằng tôi phải chuyển vào ở trong một căn hộ ngay cạnh trường học. Dù bạn cùng phòng của tôi nói chung là tử tế, nhưng họ còn thế tục hơn cả tôi – họ uống rượu, hút thuốc và mê nhạc rock ’n’ roll.

Dù tôi không có ý cổ vũ những ai sớm vào đời như tôi, nhưng rõ ràng Chúa đang hướng những lựa chọn nghèo nàn của tôi trở nên sự kêu gọi cao hơn cho cuộc đời tôi. Ngài sắp thực hiện công việc quyền năng và lạ lùng trên tôi.

Không những bắt đầu học lấy bằng đại cương ở tuổi mười bảy, tôi còn hoàn tất khóa học tại trường Kỹ thuật Lincoln trước thời hạn. Thay vì phải học sáu học phần (mỗi học phần kéo dài mười một tuần lễ), tôi lấy thêm lớp và hoàn tất chương trình học trong năm học phần. Thêm vào đó, dù được phép bỏ một năm ở trung học, tôi cần phải kiếm thêm vài tín chỉ nữa để hoàn tất những yêu cầu của chương trình trung học. Vì vậy, tôi cũng học thêm vài lớp ban đêm môn Toán, Anh văn và Lịch sử ở trường Cao đẳng Cộng đồng Lehigh Valley. Như bạn sẽ thấy, đây là khởi đầu cho thời gian biểu dày đặt đã trở nên quen thuộc của tôi. Tôi làm việc cao độ và kỷ luật. Xuất thân từ gia đình làm nông, tôi thấy thoải mái khi làm việc quần quật và chỉ ngủ 5 tiếng mỗi ngày. (Thật ra tôi tiếp tục duy trì lịch làm việc cao độ này đến tận hôm nay.)

Trong khoảng thời gian này, tôi cũng bắt đầu đi làm thêm. Tuy học phí của tôi được chi trả bởi quỹ học bổng, tôi cần phải trả tiền thuê nhà, khí đốt và sách vở. Đài phát thanh truyền hình địa phương WFMZ thuê tôi chủ yếu để bảo trì và sữa chữa trang thiết bị của đài nhưng tôi cũng xoay sở để làm thêm vài ca đêm vào cuối tuần với công việc là đưa nhạc lên sóng, đọc tin thời tiết, phát chương trình truyền hình và quảng cáo trên sóng. Sau khi học thêm môn, học lớp tối, và làm việc vào buổi tối và cuối tuần, kỹ năng đảm đương nhiều công tác một lúc của tôi đã dần dần thành hình.

Tại trường Kỹ thuật Lincoln, tôi được tiếp xúc với máy tính lần đầu tiên. Ngay khi bắt đầu sử dụng nó, tôi như cá bị mắc câu. Tôi biết mình muốn làm gì với sự nghiệp của mình. Tôi bắt đầu nghịch chiếc Radio Shack TRS 80, rồi đến máy tính RSA 1802 đầu tiên của tôi và những máy tính đơn giản khác dành cho huấn luyện được trang bị tại trường Kỹ thuật Lincoln. Trong khi tôi có hứng thú với ngành điện nói chung, thì máy tính trở thành niềm đam mê của tôi. Tôi dành hết tâm lực cho nó.

Trong học phần cuối cùng tại trường Lincoln, tôi bắt đầu dự phỏng vấn cho vị trí kỹ thuật viên điện tử trong nhiều công ty khác nhau ở bờ Đông như IBM và Western Electric. Dù thật sự không thích rời bờ Đông nhưng tôi cũng quyết định dự phỏng vấn với một công ty ở bờ Tây đang tuyển dụng kỹ thuật viên có tên Intel. Nói chung, Intel không tuyển dụng ở bờ Đông, nhưng họ phát triển quá mau chóng trong lúc ngành công nghiệp khắp nơi đang thiếu hụt lực lượng kỹ thuật viên. Tôi là người cuối cùng được phỏng vấn trong một ngày dài làm việc của Ron J.Smith – một giám đốc kỹ thuật của Intel lúc bấy giờ. Hôm đó ông đã phỏng vấn mười hai ứng viên. Nếu từng phỏng vấn người khác, bạn sẽ biết rằng sau năm hoặc sáu ứng viên thì bạn sẽ khó mà nhớ nổi ai là ai. Sau chín hoặc mười ứng viên thì bạn chẳng thể nhớ nổi họ là nam hay nữ… và tôi là ứng viên thứ mười hai trong lịch phỏng vấn của ông ấy! Phản ứng của ông được thể hiện qua câu tóm tắt ngắn gọn về tôi: “Thông minh, rất năng nổ và hơi ngạo mạn – anh ta rất thích hợp.”

Từ buổi phỏng vấn này, tôi nhận được lời mời đến thăm Intel. Lúc đó tôi mười tám tuổi và chưa lần nào được đi máy bay. Ngoại trừ đôi ba chuyến đi đến vài tiểu bang lân cận và một lần đến thác Niagara ở Canada, gia đình chúng tôi chưa từng đi đâu xa và chắc chắn chưa bao giờ có chuyến đi “xuyên Mỹ” nào! Sau gần hai phần tỉ giây cân nhắc cẩn thận và thấu đáo, tôi nhận lời mời đáp chuyến bay đầu tiên trong đời đến Thung Lũng Silion đang phát triển và vốn đã nổi tiếng ở California.

Trong lúc tôi vắng nhà đến California, mẹ tôi đã trải qua một ca phẫu thuật quan trọng. Ngày trở về, tôi vào bệnh viện thăm mẹ. Ngay khi thấy tôi, mẹ biết ngay là tôi sắp sửa đi qua miền Tây. Trong số những sự trùng hợp thiên thượng diệu kỳ trên cuộc đời tôi là việc Intel đến tuyển dụng lần đầu và cũng là lần duy nhất tại trường Kỹ thuật Lincoln vào năm nó. Nếu như tôi không “tình cờ” tham dự thi giành học bổng vào trường Lincoln, tôi hẳn đã không có cơ hội tham dự phỏng vấn xin việc với Intel.

Như vậy, tôi đã tốt nghiệp Trung học vào tháng Sáu năm đó, hoàn tất bằng đại cương ở trường Kỹ thuật Lincoln với kết quả đứng đầu lớp vào tháng Tám và chuyển đến California vào tháng Mười để bắt đầu làm việc tại Intel. Có thể nói năm 1979 là một năm lạ lùng nhất đối với tôi.

ĐẾN CALIFORNIA

Mặc cho những phản đối của họ hàng, tôi gói ghém mớ hành lý ít ỏi của mình và bắt đầu hành trình gian nan đến California. Tôi không quen biết ai ở đó ngoại trừ hai anh bạn học chung trường Kỹ thuật Lincoln cũng nhận công việc tại Intel cùng lúc với tôi. Vì vậy, gợi ý góp tiền thuê nhà chung với họ dễ dàng được tôi chấp nhận. Dù khoản tiền lương là cả một gia tài đối với một cậu bé nông dân bờ Đông như tôi, nhưng tôi mau chóng nhận ra rằng cuộc sống ở California đắt đỏ hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi thậm chí không nghĩ đến việc mua một căn hộ riêng. Hơn nữa, có ai đó quen biết ở gần sẽ giúp cậu bé mười tám tuổi xa nhà như tôi cảm thấy được an ủi.

Jack là một tay chơi guitar, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, chơi xe cải tiến và mê nhạc rock ’n’ roll. Bob là một anh chàng Đức quốc xã kiểu mới. Anh ta sưu tầm súng, lựu đạn và nguyên liệu chế tạo bom. Như bạn có thể dự đoán, vấn đề thuộc linh không phải là thế mạnh trong ngôi nhà của ba anh chàng độc thân chúng tôi. Jack và Bob – Cần Sa và Bom Mìn – quả là những bạn đồng trang lứa và bạn cùng phòng đáng nể!

Trong vài tuần lễ đầu đến California, tôi không có phương tiện nào để đi lại bởi vì anh bạn Jack cùng phòng thuyết phục tôi sơn lại chiếc xe “xấu đến nhức mắt” của tôi. Intel cách chỗ tôi chỉ vài tòa nhà và tôi dễ dàng đi bộ đến đó làm việc. Tuy nhiên, không có xe nghĩa là tôi phải đi bộ đến nhà thờ nào gần nhất thay vì đi tìm một nhà thờ UCC hoặc Lutheran – là giáo phái Tin lành gần giống giáo phái mà gia đình tôi theo. Giữ thói quen có mặt ở nhà thờ mỗi sáng Chúa nhật kể từ khi còn nhỏ, tôi thong dong tản bộ đến nhà thờ Cơ đốc Santa Clara cách chỗ tôi ở vài dãy nhà.

Cuối buổi thờ phượng đầu tiên của tôi tại đó, hai thiếu nữ là Karen và Linda đến chào mừng vị khách trẻ là tôi. Họ hay cười khúc khích nhưng thân thiện. Khi tôi cho biết mình vừa mới chuyển đến California để bắt đầu làm việc cho Intel, Linda lập tức hỏi tôi: “Anh có dùng bữa trong quán ăn tự phục vụ không?” Tôi thấy hỏi như thế thật kỳ cục đặc biệt là khi chào mừng khách đến dự nhóm. Tôi đáp lại cô ta bằng cái nhìn bối rối. Biểu hiện này của tôi khiến hai cô gái đó thôi cười khúc khích.

Hai cô gái ngớ ngẩn đó hoàn toàn là con số KHÔNG đối với tôi. Sau này tôi mới biết hóa ra Linda đang làm việc cho một công ty cung cấp thực phẩm đang điều hành hệ thống quán ăn tự phục vụ tại Intel, vì vậy câu hỏi có vẻ kỳ quặc của cô ấy thật ra không ngớ ngẩn như tôi nghĩ, nhưng rõ ràng nó đã đẩy chúng tôi xa khỏi nhau.

Linda cũng chẳng đánh giá tôi cao hơn những gì thoạt đầu tôi nhìn thấy ở cô ấy. Cô ấy thấy tôi chẳng hơn gì một cậu nhóc ngông nghênh, hỉ mũi chưa sạch. Trong khi đó, Linda lớn hơn tôi ba tuổi, đã sống tự lập hai năm và chắc chắn là chững chạc hơn tôi nhiều. Trong cái nhìn đầu tiên, mối quan hệ của chúng tôi chẳng thể nào tiến xa hơn được.

Đó lại là một trùng hợp thiên thượng khác nữa. Nếu chiếc xe của tôi được sơn xong trước vài tuần thì chắc chắn tôi sẽ không chọn nhà thờ đó để dự nhóm. Thay vào đó, tôi sẽ tìm một nhà thờ nào đó gần với truyền thống gia đình hơn. Tuy nhiên, ban thanh niên ở đó mau chóng mời gọi tôi tham dự nhiều hoạt động khác nhau của họ. Và cô gái trẻ có tên Linda luôn ở đó. Vì thế, chúng tôi bắt đầu làm quen với nhau mặc dầu ấn tượng ban đầu về nhau không mấy tốt đẹp.

Dù những người độc thân chúng tôi không quen với chuyện bếp núc, tôi và hai anh bạn cùng phòng cũng quyết định tổ chức bữa tiệc Tạ ơn cùng với vài người trong khu vực. Tôi mời Linda tham dự cùng chúng tôi. Khi ăn uống và dọn dẹp xong, chúng tôi đi tản bộ loanh quanh và thảo luận rất nhiều về đề tài thuộc linh lẫn cá nhân. Dù chẳng có chút lãng mạn nào nhưng đó là buổi chuyện trò tuyệt vời khi Linda nói rõ về những hoài bão và tiêu chuẩn của cô.

Đi dạo về, chúng tôi vào nhà. Chúng tôi đi ngang qua phòng khách, ở đó Jack, Bob và vài người khách đang tụ tập xung quanh một thiết bị kỳ lạ ở giữa phòng đang tỏa ra một mùi là lạ. Linda và tôi bước sang một phòng khác. Đang khi trò chuyện và xem hình, Linda hỏi tôi rằng mọi người đang làm gì ngoài kia. Tôi hờ hững đáp: “Họ đang hút cần sa.”

Thất kinh, Linda không bao giờ quay trở lại nhà tôi một lần nào nữa và cô ấy bắt đầu mạnh mẽ thúc giục tôi tìm những bạn cùng phòng mới. Cô ấy cũng bắt đầu khẩn thiết trình dâng tôi trước Chúa cũng như thuyết phục nhiều chiến sĩ cầu nguyện khác tại Hội thánh Santa Clara cùng cầu nguyện cho tôi sớm thoát khỏi hầm hố tội lỗi đó!

Khi tôi bắt đầu dự nhóm thường xuyên tại Hội thánh Santa Clara và tham gia ban thanh niên, tôi càng lúc càng bị cáo trách về lối sống trong sáu ngày còn lại trong tuần của mình. Thật đáng buồn khi Hội thánh UCC nơi tôi lớn lên, cũng như nhiều giáo phái Tin lành chính thống ngày nay, đang dần trở thành một nơi quá dễ chịu. Những bài giảng ở đó khiến tôi thấy dễ chịu và nói chung là khuyến khích tôi sống một đời sống tốt hơn. Họ tổ chức những sự kiện xã hội rất tốt. Dầu có nhiều Cơ đốc nhân tốt ở những Hội thánh như vậy nhưng cũng rất dễ để các thành viên rơi vào thói quen đi nhà thờ mỗi tuần mà chẳng bao giờ thật sự hiểu đúng ý nghĩa của Phúc âm và có sự biến đổi thật sự trong đời sống mình. Đây rõ ràng là trường hợp của Hội thánh ở quê tôi ngày xưa. Hội thánh ở đó không nhấn mạnh việc dạy Phúc âm. Tôi không được nhắc nhở về nhu cầu phát triển mối liên hệ cá nhân với Chúa Cứu Thế, về những hậu quả của tội lỗi hay công tác cáo trách của ĐứcThánh Linh. Dù được nghe một ít sứ điệp Phúc âm, tôi không được thúc giục để sống lối sống của Tân Ước.

Dù tin rằng mình là Cơ đốc nhân như đã từng tuyên bố với Linda và nhiều người khác nhưng giờ đây trong ánh sáng của Phúc âm, tôi bắt đầu nhận ra được lối sống sai trật của mình, tôi không có mối liên hệ cá nhân và chút đức tin nào nơi Chúa Giê-xu Christ.

Vào tháng Hai năm 1980, Mục sư Gary Fraley ở Hội Thánh Santa Clara lúc bấy giờ đã rao ra sứ điệp lấy nền tảng từ Kh 3:15-16:

“Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay! Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta.”

Trong giờ giảng hôm đó, tôi cảm thấy như thể Mục sư Gary đang nói với một người duy nhất dưới hàng ghế là tôi. Tôi bị thúc giục và cáo trách. Tôi có thể thấy rõ rằng lối sống trong sáu ngày còn lại trong tuần của mình đã khiến tôi bị xếp vào hàng hâm hẩm. Như những gì Kinh thánh sách Khải huyền đã chép, Chúa sắp sửa nhả tôi ra khỏi miệng Ngài.

Với sự cáo trách trong lòng, tôi bước thêm một bước của đức tin là xưng nhận Chúa Giê-xu làm Chúa và làm Đấng Cứu Rỗi của mình, nhận biết và ăn năn tội lỗi mình, quay sang một hướng đi mới cho cuộc đời tôi và cuối cùng là nhận phép báp-têm bằng nước – là hình bóng cho sự chết, chịu chôn và sống lại của Chúa Giê-xu. Tôi trở nên một tạo vật mới trong Ngài. Vào tháng Hai năm 1980, tôi được tái sanh. Từ đó, một đời sống và lối sống mới mở ra đầy uy quyền trước mắt tôi.

Chừng một tuần sau, khi đang đi ở hành lang lầu 4 của tòa nhà Intel tại Santa Clara để đến quán ăn tự phục vụ thì có một người tiến đến gần tôi. Anh ta nhỏ người nhưng cân đối, cạo râu sạch sẽ, có mái tóc đen, đeo kính và chừng ba mươi tuổi. Trước đây tôi chưa từng gặp anh ta và cũng không nghĩ rằng anh ta quen biết tôi. Khi anh ta tiến đến gần hơn, tôi thấy anh ta đang muốn tôi chú ý và rõ ràng đang muốn trò chuyện riêng với tôi. “Xin chào, tôi là Bob Matthews,” anh ta tự giới thiệu với giọng rõ ràng. Chúng tôi bắt tay chào nhau, tôi bị ấn tượng bởi vẻ lịch lãm của anh và trông chờ được thảo luận một đề tài nào đó có liên quan đến công việc. Thế nhưng lúc đó anh ta mau chóng cho tôi biết Chúa phán với anh rằng tôi sẽ là bạn cùng phòng với anh.

Tôi bị sốc. Chúa phán với anh ta về tôi ư? Thật khó tin! Là một Cơ đốc nhân non trẻ, tôi vẫn chưa được chuẩn bị cho tình huống này. Dù lạ lẫm và bối rối, tôi cũng biết rõ rằng hai anh bạn cùng phòng – một mê nhạc rock ’n’ roll, một là Đức quốc xã kiểu mới – không đóng góp được gì vào môi trường thuộc linh mà tôi cần. Bob là một Cơ đốc nhân trưởng thành, một người yên lặng và hay giúp đỡ, anh đúng là bạn cùng phòng hoàn hảo cho tôi lúc đó. Sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời trong trường hợp này là một ví dụ cho sự hướng dẫn cá nhân của Ngài cho cuộc đời tôi. Khi tôi bận rộn làm việc, học tập và dành từng phút giây rảnh rỗi cho việc nghiên cứu, Đức Chúa Trời đã đem đến cho tôi một người bạn cùng phòng hoàn hảo trong một sự trùng hợp thiên thượng nữa.

Lời cầu nguyện của Linda và những chiến sĩ cầu nguyện khác của Hội thánh Cơ đốc Santa Clara đã được nhậm. Đức Chúa Trời dự bị một bạn cùng phòng mới và một môi trường đem đến sự khích lệ thuộc linh cho tôi. Với đức tin mới mẻ nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, sự thay đổi vĩ đại đầu tiên trong cuộc đời tôi tại California đã diễn ra tốt đẹp.

TRƯỜNG HỌC

“Sếp” đầu tiên của tôi tại Intel là giám đốc David A.Brown. David bảo bọc tôi và tôi bắt đầu làm chân kỹ thuật viên cho anh trong nhóm An Toàn và Chất Lượng (Q & A) thuộc bộ phận bộ vi xử lý.

Ngày đầu tiên đi làm, Dave giải thích cho tôi mọi thứ tôi cần làm. Anh đang tiến hành những thử nghiệm khác nhau về chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Anh cần tôi nạp chíp vào lò, thực hiện những thao tác kiểm tra trên chúng trong những khoảng thời gian nhất định, kiểm tra hoạt động của bo mạch thử nghiệm và những chíp mà nó được nạp, sau đó lại nạp chíp vào lò với nhiều sức ép hơn và nhiều thử nghiệm hơn. Dù không phải là toàn bộ nhưng đó là phần lớn trách nhiệm trong công tác bước đầu của tôi.

Ngay trong ngày đầu tiên đi làm, đang khi tôi ngồi lắng nghe anh ấy, mục tiêu sự nghiệp duy nhất của tôi mau chóng được xác lập trong trí – tôi muốn ngồi vào vị trí bên kia chiếc bàn. Tôi muốn làm người quyết định những thử nghiệm cần làm, giải mã thông tin và đưa ra phương hướng. Tôi muốn làm kỹ sư là người quyết định điều gì nên làm, chứ không phải là kỹ thuật viên là người được sai đâu đánh đó.

Từ khởi đầu khiêm tốn này, hạt giống sự nghiệp của tôi được ươm mầm. Tôi dành tất cả thì giờ rảnh rỗi để làm việc. Tôi thích làm việc. So với chuyện đồng áng, công việc này quả thật là tuyệt vời – được ở trong môi trường sạch sẽ, có máy điều hòa nhiệt độ so với cả ngày nóng nực, bụi bặm trên đám cỏ khô. Không có con vật nào lăm le đá tôi hay cắn tôi nữa. Tôi còn được trả lương ngoài giờ nữa chứ!

Khi không phải bận học, tôi dễ dàng làm việc tám mươi hoặc chín mươi giờ một tuần, thường là vượt mức chi trả ngoài giờ dành cho bộ phận của tôi. Một đôi lần, số giờ làm thêm của tôi quá nhiều đến nỗi bên bộ phận chi trả lương phải phàn nàn. Tôi nói họ cứ trả cho tôi khoản tiền vừa đủ để không khiến họ gặp rắc rối.

Một trong những lý do chính khiến tôi đồng ý làm việc cho Intel là để tiếp tục học. Giờ đây tôi mau chóng hiểu rõ rằng mình muốn trở thành kỹ sư và tiếp tục học cao hơn. Trong số những công ty đã mời tôi làm việc, Intel dành cho tôi lịch làm việc linh động nhất. Hơn nữa, Intel có chính sách hoàn trả học phí: bất kỳ nhân viên trọn thời gian nào (những ai làm việc từ ba mươi tiếng trở lên một tuần) tham gia học những khóa học có liên quan đến công việc và nếu đạt điểm B trở lên sẽ được công ty hoàn trả toàn bộ học phí.

Với chính sách này và sự đồng ý của sếp cho phép tôi linh động trong giờ làm việc, tôi bắt đầu việc học của mình tại Đại học Santa Clara vào tháng Ba năm 1980. Tôi tiếp tục làm việc chăm chỉ trong ba năm để hoàn thành chương trình cử nhân ngành kỹ thuật điện tử. Sau đó, tôi lập tức ghi danh vào Đại học Stanford và lấy bằng thạc sĩ vào tháng Sáu năm 1985. Tiếp đến, tôi dành một năm để chuẩn bị cho chương trình tiến sĩ tại Stanford. Dựa trên chính sách hoàn trả học phí của Intel, tôi được đi học với chi phí rẻ chưa từng có. (Dù đã thôi học hơn hai mươi năm qua, tôi tin rằng mình vẫn là người giữ kỷ lục về khoản hoàn trả học phí mà Intel cấp cho nhân viên của mình.)

Đến từ một trường kỹ thuật nhỏ bé ở bờ Đông, tôi có phần lo sợ trong học phần đầu tiên của mình tại Đại học Santa Clara. Mọi người ở đó rất thông minh. Tôi hoang mang vì biết rằng nếu tôi không đạt điểm B trở lên, Intel sẽ không hoàn trả học phí cho tôi. Tôi đến California với tài sản vỏn vẹn vài đô-la và không kiếm đủ tiền để chi tiêu trong vài tháng đầu tại Intel. Vì vậy tôi không thể kham thêm khoản học phí.

Điều này thúc đẩy tôi phải học hành chăm chỉ để đạt điểm cao, học mọi phút rảnh rỗi vào ban đêm và vào những ngày cuối tuần. Sau học phần đầu tiên, tôi đạt toàn điểm A và tôi nhận ra rằng nếu chăm chỉ học tập, tôi có thể đỗ đầu lớp. Dù phải tập trung cao độ và siêng năng hơn nữa, tôi đã quyết tâm trở thành sinh viên ưu tú đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp.

Với việc học và sự nghiệp tại Intel đang tiến triển, thay đổi lớn lao thứ hai trong cuộc đời tôi tại California đang diễn ra. Tôi sắp sửa trở thành một kỹ sư!

LINDA

Vì mới chuyển đến California vào tháng Mười năm 1979, tôi không có tiền cũng chẳng có thời gian nghỉ lễ để về nhà trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đến lễ Giáng sinh. Trong mùa Giáng sinh đó, cha của Linda đột xuất vắng nhà. Vì vậy, một khoảng trống to lớn hiện diện trong kế hoạch đón Giáng sinh thường lệ của Linda và gia đình cô. Họ quyết định dành tình thương đó cho tôi – một chàng trai cô đơn nghèo nàn đến từ Pennsylvania xa xôi.

Tôi được mời đến dùng bữa tối Giáng sinh với Linda, bà Shirley – mẹ cô – và bà ngoại cô. Một chàng trai độc thân xa nhà như tôi hiếm khi nào biết cách từ chối lời mời dùng bữa miễn phí, đặc biệt khi cả ba thế hệ đầu bếp giỏi giang đang cùng chuẩn bị bữa tiệc Giáng Sinh thịnh soạn! Dầu rằng trong thời điểm đó tôi không mấy quan tâm đến cô gái trẻ Linda Sue, nhưng vì quá cô đơn nên tôi đã nhận lời mời tham dự bữa ăn thịnh soạn đó.

Buổi tối đó vượt trên sự mong đợi của mọi người. Chúng tôi thưởng thức bữa tối ngon lành, trò chuyện vui vẻ và cùng nhau chơi nhiều trò chơi. Tôi cực kỳ ăn ý với bà ngoại của Linda. Khi chơi cờ, dường như chúng tôi có thần giao cách cảm với nhau. Không khí thật vui vẻ, nhưng cuối cùng tôi cũng lịch sự cáo về.

Khi bà ngoại của Linda khép cửa lại, bà lập tức quay sang nhìn vào mắt Linda. Với sự khôn ngoan Chúa ban trải nhiều thế hệ, bà dõng dạc tuyên bố với Linda và bà Shirley: “Chính là anh ta!”

Linda không những không đồng ý mà còn kinh ngạc trước ý kiến đó. “Bà ơi, anh ta mới có mười tám tuổi thôi,” cô ấy quả quyết. “Con không thân với anh ta mấy và anh ta chỉ là một người bạn, thế thôi!” Tiếp đến, cô ấy mô tả vô số thiếu sót của tôi với một nỗ lực vô vọng nhằm thuyết phục bà ngoại rằng lời tuyên bố của bà thật hết sức nhầm lẫn! Mặc cho những phản kháng của Linda, bà ngoại Christensen vẫn giữ vững lập trường. Linda rất kính trọng người bà tin kính của mình, và cô ấy sợ rằng bà đã nhìn thấy điều mà tự cô chưa thể nhận ra.

Khi Linda và tôi bắt đầu gặp gỡ nhau (một cách tình cờ nhưng thường xuyên hơn), mẹ của Linda khiến cô càng thêm lo lắng khi củng cố cho ý kiến của Bà Ngoại: “Phải, chính là anh ta!” Với cả bà và mẹ đang vun vén và cổ vũ cho tôi, bạn sẽ cho rằng tôi đương nhiên giành được tình cảm của Linda. Tuy nhiên phải mất hơn hai năm Linda mới bị thuyết phục!

Khi chúng tôi bắt đầu hẹn hò với nhau sau vài tháng kể từ bữa tiệc Giáng Sinh đó, Linda nhanh chóng nhận biết cuộc đời tôi được tổ chức và sắp xếp thứ tự ưu tiên ra như thế nào. Dù bạn rộn với công tác tại Intel và việc học, tôi vẫn sắp xếp được để hẹn hò với cô ấy mỗi tối thứ Sáu. Tôi cần nghỉ ngơi sau khi học tập và làm việc và tối thứ Sáu chính là ngày thư giãn của tôi. Hơn nữa, hầu như tối thứ Sáu nào cô ấy cũng nấu một bữa tối ngon lành cho tôi tại căn hộ của cô ấy. Nếu cô ấy có hỏi: “Sao chúng ta không đi ăn ở ngoài ?” Tôi sẽ đáp: “Nhưng anh thích dùng bữa cơm nhà do em nấu hơn!” Cô ấy chẳng thể nào biết được tôi đang thành thực về tài nấu ăn của cô ấy, hay chỉ vì ăn ở nhà đỡ phải tốn tiền hơn là đi ăn ngoài tiệm. Nhưng thật ra, cả hai lý do trên đều đúng cả.

Thêm vào những buổi hẹn tối thứ Sáu, chúng tôi cũng gặp nhau mỗi Chúa nhật ở nhà thờ. Sau khi đi nhà thờ về, cô ấy thường chuẩn bị bữa ăn cho cả hai. Cơm nước xong, tôi vùi đầu vào sách vở để nghiên cứu suốt mấy giờ đồng hồ trong khi Linda cuộn mình tận hưởng liệu pháp phục hồi sức khỏe mà cô trông chờ suốt cả tuần lễ – một giấc ngủ trưa ngày Chúa nhật. Rồi chúng tôi đi nhóm thờ phượng tối Chúa nhật trước khi chào tạm biệt nhau và hẹn gặp lại vào cuối tuần sau.

Dù không hề gặp nhau vào những ngày khác trong tuần, tôi thường gọi điện cho cô ấy hầu như mỗi ngày để trò chuyện. Thường thì những cuộc gọi không gì khác hơn “không có thời gian nhưng muốn gọi để em biết anh đang nghĩ về em.” Nhiều năm sau đó, chúng tôi thường đùa về khoảng thời gian này rằng: “Đáng lý chỉ cần hẹn hò trong một năm, chúng ta phải mất những ba năm.”

Một lần nọ, Linda gọi cho tôi vào ngày thứ Năm để hỏi rằng chúng tôi có thể gặp nhau hay không. Cô ấy gặp chuyện bất đồng và cần có người để trao đổi. Là một chàng trai linh hoạt và tốt bụng, tôi nói rằng tất nhiên là được – không có bài kiểm tra nào vào ngày mai, không có bài tập nào tới hạn nộp, cũng không có công việc nào đến hạn phải hoàn tất. Tối hôm đó, tôi dành một lượng thời gian đáng kể để thảo luận với cô ấy về tình huống mà cô ấy gặp phải. Sau một lúc ở cùng nhau, cô ấy cảm thấy dễ chịu hơn.

Tối đó, khi tôi rời căn hộ của cô ấy, Linda hỏi tôi với sự mong đợi cao độ rằng chúng tôi sẽ làm gì vào tối thứ Sáu ngày mai, ngày hẹn thường lệ của chúng tôi. Tôi lập tức trả lời: “Anh xin lỗi, hôm nay em đã có buổi hẹn của mình. Ngày mai anh còn phải học.” Cô ấy bị sốc, tức giận và thất vọng kinh khủng về tôi. Tất cả những bạn gái của cô đều gặp bạn trai bốn, năm, hoặc sáu ngày một tuần, còn bây giờ tôi đang tước đi đêm hẹn hò duy nhất trong tuần mà tôi bảo là dành cho nàng. Không có đêm hẹn nào nữa! Sao tôi có thể độc ác và nhẫn tâm như vậy? Điều này khiến khiến Linda tự hỏi liệu cô ấy có thể kết hôn với một gã như tôi hay không. Liệu tôi có bao giờ thay đổi hay không? Hay là tôi sẽ luôn bận bịu đến đỗi không còn thời gian dành cho cô ấy trong cuộc sống vốn đã đầy ắp công việc của mình? Linda sẽ phải đắn đo suy nghĩ trước khi đề nghị tôi dành thời gian cho cô ấy vào một ngày nào đó không phải ngày hẹn trong tuần! Ngày nay, hai chúng tôi thường nhớ lại tình huống này mà cười mãi. Bây giờ tôi thấy rõ rằng những ưu tiên của mình ngày đó khá khập khiễng và lẽ ra tôi đã có thể vui hưởng lần hẹn tối thứ Sáu ấy! Dần dần, Linda đã giúp đỡ tôi, và Đức Chúa Trời làm cho tấm lòng tôi trở nên mềm mại để có thể hiểu được tầm quan trọng của những mối quan hệ trong cuộc sống. Khi trưởng thành theo năm tháng, tôi nhận ra rằng những mối quan hệ còn quan trọng hơn những mục tiêu hay thời hạn mà tôi tự đặt ra rất nhiều. May mắn sao, Linda đủ kiên nhẫn đồng hành cùng tôi trải qua những đeo đuổi nhiệt thành của thời trai trẻ.

Dù ngày càng yêu mến Linda hơn nhưng tôi cũng cho cô ấy biết rõ ý định của mình. Tôi chưa muốn lập gia đình sớm. Tôi quyết tâm lấy được cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và thậm chí có thể là một ít công trình sau học vị tiến sĩ rồi mới dừng lại để lo chuyện hôn nhân và gia đình. Dù Linda có thể không thích những mục tiêu này của tôi mấy, nhưng cô ấy không đặt nặng vấn đề đó với tôi. Cô ấy tôn trọng hoài bão của tôi và chưa sẵn sàng để bày tỏ những ước muốn của cô ấy. Thế nhưng, lúc đó Đức Chúa Trời lại bắt đầu hành động.

Trong nhiều năm qua, Linda phải vật lộn với căn bệnh lạc nội mạc tử cung (endometriosis) – là căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan sinh sản của cô ấy. Sau khi chúng tôi hẹn hò được một năm rưỡi, cô ấy phải đi phẫu phuật chữa bệnh. Nhiều u nang phát triển trong buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung của cô ấy. Bác sĩ phải cắt bỏ hoàn toàn một buồng trứng. Một phần của buồng trứng còn lại cũng bị cắt bỏ. Sau cuộc phẫu thuật, bác sĩ phụ khoa hỏi Linda rằng cô ấy có đang tính chuyện hôn nhân…đính hôn…hay có bạn trai không và nói rõ rằng nếu cô ấy muốn có con thì phải thật sớm – rất sớm. Mặc cho sự trì hoãn của Linda, bác sĩ khăng khăng rằng cô cần phải thảo luận tình trạng bệnh lý của mình với bạn trai.

Vì vậy, vào tháng Sáu năm 1981, Linda mời tôi đến nhà với vẻ khác thường. Cô ấy báo trước rằng cô ấy có vài điều cần thảo luận với tôi. Từ giọng điệu của cô ấy, tôi hiểu rằng vấn đề rất đáng lo ngại và cô ấy hết sức khó khăn khi đề cập đến nó. Khi cô ấy bước ra với một chồng sách y học, tôi biết mình đang gặp rắc rối nghiêm trọng. Khi cô ấy giở đến phần cơ quan sinh sản, tôi có một linh cảm chẳng lành. Tôi biết chắc rằng mình chưa sẵn sàng nghe những gì cô ấy sắp trình bày.

Cô ấy bắt đầu giải thích với tôi những gì ca phẫu thuật đã làm và mọi điều bác sĩ nói với cô ấy. Tôi cảm thấy vô cùng bối rối và quá sức chịu đựng của mình. Việc học của tôi đang tiến triển tốt. Tôi đang dần trưởng thành trong đức tin Cơ đốc non trẻ của mình. Công việc thì thật tuyệt vời. Tôi tận hưởng những cuộc hệ hẹn hò với Linda. Nhưng, giờ đây…

Đầu óc tôi quay cuồng với từng lời cô ấy nói khi cô ấy chỉ vào từng bức hình khác nhau. Cô ấy cố hết sức giữ bình tĩnh khi giải thích một cách hệ thống cho tôi hiểu những gì bác sĩ nói và những gì cô ấy nghiên cứu được về bệnh trạng của mình. Lúc cô ấy đưa ra quan điểm có con hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ, nó khiến tôi nhức buốt giống như vừa chạm phải tia nước lạnh như băng đang khi tắm nước nóng vậy.

Khi cô ấy dứt lời, tôi không những thấy bối rối mà còn có cảm giác mình đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ở thời điểm đó, tôi đã đem lòng yêu cô ấy. Sao tôi có thể tước mất hy vọng được làm mẹ một cách tự nhiên như bao người mẹ khác của cô ấy được? Tôi có nên đơn giản cắt đứt quan hệ và chúc cô ấy sớm tìm được người nào không có những mục tiêu rõ ràng và chắc chắn như tôi – một ai đó không bị buộc phải “đua xe đạp chậm” trong hôn nhân như tôi? Tôi cần phải suy nghĩ, cầu nguyện và cân nhắc những gì chúng tôi đã thảo luận.

Phần vì sợ hãi và muốn thoát khỏi cuộc chuyện trò đường đột ấy, tôi nói với Linda rằng tôi sẽ có câu trả lời cho cô ấy trước khi năm học mới bắt đầu vào mùa thu. Với câu trả lời ấy, cuộc trò chuyện được khép lại và tôi hết sức lo lắng khi rời khỏi đó. Hôn nhân ư? Thai nghén ư? Con cái ư? Tôi muốn có một đại gia đình, có thể là tám hay mười hai con – nhưng chắc chắn không phải là bây giờ. Ngài đang muốn phán bảo với con điều gì đây, thưa Chúa?

Với thời hạn đã đề ra, tôi tranh đấu rất nhiều trước vấn đề này suốt cả mùa hè năm đó. Chúng tôi tiếp tục hẹn hò nhưng cô ấy biết chắc chắn rằng tôi đang rất hoang mang. Những lúc chúng tôi ở bên nhau thường là rất khổ sở. Chúng tôi dành một ngày cuối tuần để đi cắm trại với vài người bạn thân, Joe và Kathy. Vì lịch học và làm việc của tôi quá bận rộn, đây là lúc thích hợp để suy nghĩ và cân nhắc về mối quan hệ của chúng tôi. Tuy nhiên nó trở nên một ngày cuối tuần khốn khổ vì Linda luôn sống trong nỗi sợ hãi rằng tôi có thể tuyên bố chấm dứt mối quan hệ với cô ấy bất cứ lúc nào.

Sau nhiều tháng đắn đo và cầu nguyện, tôi đã có quyết định. Ngày cuối tuần cuối cùng trước khi bước vào năm học mới, tôi dẫn cô ấy đi ăn tiệm (mà hôm đó thậm chí chẳng phải một tối thứ Sáu nữa!) Bởi tôi vốn là một anh chàng hà tiện nên chuyện dẫn cô ấy đi ăn ở nhà hàng mà cô ấy yêu thích lại thành ra chuyện lớn.

Tôi giục cô ấy chọn bất cứ món nào cô ấy thích. Việc tôi từ một gã keo kiệt trở nên một quý ông hào phóng khiến Linda biết có gì đó sắp xảy ra. Lúc ấy, cổ họng cô ấy nghẹn đắng, không thể nuốt nổi tí thức ăn nào. Vì là một chàng trai độc thân tiết kiệm lại vô tư, tôi đã ăn hết phần của mình và hầu hết phần thức ăn của cô ấy.

Khi cả hai về đến căn hộ của tôi sau bữa ăn, tôi đã chuẩn bị sẵn mười hai bông hồng đỏ thắm dành cho cô ấy. Cuối cùng, sau khi lắng nghe sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, tôi đã ngỏ lời cầu hôn cô ấy. Với đôi mắt ngấn lệ, cô ấy cố lấy hết sức đáp thật rõ ràng và mạnh mẽ: Vâng, em đồng ý.

Đối với nhiều người trong chúng ta, sự tranh chiến của tôi suốt mùa hè năm đó không lấy gì làm lạ: Phải chọn giữa kế hoạch và ước muốn của chúng ta hay của Đức Chúa Trời? Chúng ta có sẵn lòng đem những kế hoạch của chúng ta phục dưới ý chỉ tỏ tường của Ngài cho đời sống chúng ta hay không? Đối với tôi, đó là một cuộc khủng hoảng niềm tin và phương hướng. Chúng ta đọc thấy những tình huống tương tự được lặp đi lặp lại xuyên suốt Kinh Thánh: Môi-se có kế hoạch giải cứu dân sự mình tại Ai Cập, nhưng Đức Chúa Trời lại có kế hoạch khác hơn. Kế hoạch để cất nhắc Giô-sép lên hàng lãnh đạo của Đức Chúa Trời khác xa với con đường mà Giô-sép mường tượng. Qua Kinh thánh, hết lần này đến lần khác chúng ta nhận thấy kế hoạch của Đức Chúa Trời khác hẳn so với kế hoạch của chúng ta. Đường lối Ngài không phải đường lối chúng ta.

Dù đôi lúc tôi không tài nào biết trước được Linda sẽ là sự bổ sung tuyệt vời cho tôi nhưng cô ấy đã và vẫn là sự lựa chọn hoàn hảo của Đức Chúa Trời dành cho tôi. Năm tháng trôi qua, tôi không ngừng xúc động khi thấy cô ấy khoe sắc như một nụ hồng đang nở ra trước mắt tôi, mỗi một cánh hoa là một phẩm cách mà trước đây tôi chưa nhìn thấy được.

Trong khi tôi là người cực kỳ logic, thì cô ấy lại đầy cảm xúc. Tôi có thể nhìn thấy nhu cầu vật lý của hoàn cảnh, cô ấy thì nhạy cảm trước những nhu cầu cảm xúc. Tôi có khuynh hướng năng động thái quá, luôn cố làm thêm công việc trong mỗi tuần, mỗi ngày, mỗi giờ rảnh rỗi. Cô ấy biết cách nghỉ ngơi, thư giãn và là phanh hãm cho tôi, ngăn tôi khỏi sự quay cuồng mất kiểm soát. Khi nào tôi có khuynh hướng phản ứng mau mắn và đôi khi bốc đồng, cô ấy lại tỏ ra có phương pháp và thiết thực. Trong khi tôi chấp nhận để cho một số vấn đề ở trong tình trạng nhập nhằng, tranh tối tranh sáng, thì cô ấy muốn chúng được giải quyết thấu đáo, trắng đen tường tận; cô ấy luôn đòi hỏi mọi thứ phải rõ ràng và trọn vẹn nhất. Đúng giờ đối với tôi có nghĩa là sớm hoặc muộn hơn mười, mười lăm phút. Còn đối với Linda, bất kỳ cái gì không sớm hơn năm phút là trễ. Trong khi tôi có thể lơ là trước những gì bọn trẻ xem và làm, thì cô ấy rất kỹ lưỡng, đảm bảo các con phải được nuôi dưỡng trong môi trường đạo đức Cơ đốc mọi lúc mọi nơi.

Trong khi bác sĩ khuyên cô ấy nên lập gia đình và có con càng sớm càng tốt, chúng tôi quyết định chờ đến mùa hè năm sau mới tổ chức lễ cưới. Chúng tôi sẽ chuẩn bị thật chu đáo, mời bà con thân tộc và hoàn tất lớp tư vấn tiền hôn nhân ở nhà thờ. Trong khi chúng tôi chuẩn bị làm đám cưới và bắt đầu đời sống gia đình, chúng tôi tin rằng nếu Chúa có ý định ban con cái cho chúng tôi, thì Ngài sẽ làm thế khi chúng tôi tin cậy Ngài.

Khi gần đến ngày cưới của chúng tôi vào tháng Tám năm 1982 bác sĩ phát hiện rằng Linda vẫn chưa tiêm ngừa bệnh sởi. Sau khi chích thuốc ngừa ngay trước đám cưới, cô ấy không được mang thai trong vòng ba tháng sau đó. Đúng ba tháng sau, buồng trứng còn lại và cơ quan sinh sản không được lành lặn của cô ấy đã tượng hình đứa con đầu lòng của chúng tôi. Khi cô ấy đến gặp bác sĩ, cả hai bật khóc. Bác sĩ nói: “Tôi không thể tin nổi vì tôi là người biết rõ tình trạng của chị hơn ai hết !” Nhớ đến tử cung hiếm muộn của Ê-li-sa-bét, vợ Xa-cha-ri, mẹ của Giăng Báp-tít, chúng tôi đặt tên con gái đầu lòng của mình là Ê-li-sa-bét. Như Chúa đã ban cho Ê-li-sa-bét và Xa-cha-ri sự thụ thai kỳ diệu thể nào, Ngài cũng ban cho chúng tôi điều mà ngay cả bác sĩ của Linda cũng cho là một phép lạ.

Tháng Tám năm 1982 là mùa hè trước khi tôi bước vào năm học cuối tại Đại học Santa Clara. Tôi còn một năm nữa mới tốt nghiệp và sau đó học tiếp cao học. Vẫn còn tập trung vào mục tiêu đỗ đầu lớp, tôi hoặc là miệt mài trên bàn học mỗi tối, hoặc là làm việc khuya tại Intel, hoặc là ngồi trong lớp học. Tôi cũng học cả trong những ngày cuối tuần. Trong khi vài người cho rằng tình cảnh đó thật kinh khủng, Linda lại thấy nó thật tuyệt vời. Thay vì chỉ được gặp tôi mỗi tối thứ Sáu và mỗi Chúa nhật ở nhà thờ, mỗi sớm tối cô ấy đều được nhìn thấy tôi! Dù cô ấy chỉ nghe tôi nói vài lời ít ỏi và quan sát tôi tựa người vào bàn, chúi mũi vào chồng sách kỹ thuật thì ít ra ngày nào chúng tôi cũng được ở bên nhau.

Nhiều năm qua, tôi có tư vấn cho những người vừa học vừa làm như tôi ngày xưa. Nỗ lực vừa học vừa làm có thể nói là một nhiệm vụ đầy thách thức. Nhớ lại, tôi thấy mình thật ngông cuồng. Lẽ ra tôi đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho Linda. Việc tập trung nhiều hơn cho mối quan hệ của tôi và cô ấy sẽ có ích lợi cho cả hai. Bây giờ, đó là lời khuyên của tôi dành cho mọi người.

***

Hãy tưởng tượng hình ảnh một người tung hứng đang giữ cho ba cái đĩa nhỏ xoay tròn. Cái đĩa thứ nhất tượng trưng cho mối quan hệ với Đức Chúa Trời, cái thứ hai cho gia đình và cái thứ ba cho công việc. Cuộc sống của tôi là như vậy. Tôi không ngừng ra sức giữ cho cả ba cái đĩa này chuyển động. Không có cơ hội nào cho tôi tạm ngưng, ngơi nghỉ, hay dừng tay được. Chỉ cần tôi mệt mỏi trong tích tắc thì một cái hay nhiều cái đĩa sẽ rơi xuống và vỡ tan tành.

Phải chăng đó cũng là bức tranh tả thực về cuộc đời bạn? Bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh người tung hứng đó hay không? Nếu có, hãy tiếp tục đọc nhé.

Trong khi phải chịu đau đớn và vật lộn với bệnh tật trong nhiều năm kế tiếp, cơ thể bệnh tật của Linda lại thụ thai lần thứ hai, thứ ba, và rồi là thứ tư. Elizabeth giờ đã hai mươi bốn tuổi, đã hoàn tất bằng cử nhân sư phạm và đi dạy bậc tiểu học được hai năm. Con bé đang học tại Đại học George Fox ở bang Oregon để lấy bằng thạc sĩ giáo dục. Elizabeth giờ đã là một quý cô thanh lịch, trưởng thành và tận trung trong đức tin. Mùa thu này con bé sẽ nhận một công việc ở Thượng Hải. Tôi tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ sử dụng Elizabeth cách lạ lùng trong vai trò giáo viên trong những năm tháng sắp đến.

Sau Elizabeth là Josiah, con trai lớn của chúng tôi. Khi nhận ra mình có con trai, tôi reo to “Là con trai!” khiến cho mọi người gần đó đều nghe thấy. Thật hứng khởi khi tôi có một cậu nhóc để chơi đùa, vật lộn và cùng làm những chuyện của cánh đàn ông với nhau! Thằng bé thông minh và nhạy bén. Nó thích chơi bóng đá và từ khi lên bốn, hằng năm nó đều chơi trong đội bóng. Tôi thích quan sát các con mình khi chúng còn nhỏ để cố đoán xem chúng sẽ như thế nào: chúng giỏi môn học nào, thích môn thể thao nào, thích chơi loại nhạc cụ nào. Josiah là đứa khó đoán nhất, nó trầm tĩnh và hướng nội hơn. Bây giờ, khi lên hai mươi mốt tuổi, thằng bé làm tôi kinh ngạc khi bảo rằng nó muốn trở thành mục sư đặc trách mục vụ thanh thiếu niên. Năm nay, Josiah đã tốt nghiệp Đại học William Jessup và ra hầu việc Chúa với mục vụ thanh niên tại một Hội thánh ở California.

Tiếp đến là một cậu nhóc khác, Nathan, bây giờ tròn mười chín tuổi. Thằng bé với sức lực căng tràn, đầy nhiệt huyết, tươi vui và yêu đời. Nó lớn lên thật nhanh giống như chỉ mất đôi ba bữa. Ở Nathan chỉ có hai trạng thái: hoặc là náo động, ồn ào và mãnh liệt; hoặc là…ngủ! Thằng bé thích nghe và chơi ghi-ta. Hồi chừng mười bốn, mười lăm tuổi, Nathan quả quyết nó cảm nhận Đức Chúa Trời kêu gọi mình vào công tác hầu việc Chúa. Nathan vừa mới học hết năm thứ hai Đại học Wiliam Jessup về mục vụ thanh niên, mục vụ âm nhạc và thờ phượng. Chúng tôi nóng lòng muốn thấy Chúa sử dụng Nathan như thế nào trong chức vụ tương lai.

Cuối cùng, Linda hạ sinh đứa con thứ tư, Micah, đứa con trai thứ ba của chúng tôi. Micah cũng giống như bao đứa con út khác. Thằng bé khó bảo và rất kiên quyết. Micah sẵn sàng tranh luận bất cứ điều gì với bạn, khăng khăng rằng nó đúng hoặc hiểu biết tình huống hơn bạn. Dù trước đây thằng bé có nói về công tác truyền giáo, có thể là đến Châu Phi, nhưng bây giờ Micah vẫn chưa xác định được con đường đời nào mình sẽ chọn. Đây cũng là điều thường thấy ở con cái khi chúng đang ở bước quá độ từ năm cuối Trung học học lên bậc Đại học. Thằng bé có lòng quyết tâm và sự khéo léo mà chúng tôi tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ sử dụng nó một cách năng quyền nhất.

Như Thi 127:3,5 chép: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Chúa Trời mà ra; … Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình !” Gùi của tôi đã đầy ắp, và ơn phước Đức Chúa Trời theo đó tuôn đổ trên đời sống tôi. Đức Chúa Trời Toàn năng chắn chắn sẽ làm những điều tuyệt diệu khi chúng ta tin cậy Ngài và để Ngài hành động trong cuộc đời mình. Sự thay đổi đổi lớn lao thứ ba trong cuộc đời tôi sau khi chuyển đến California chính là gia đình ngày càng lớn mạnh của tôi.

Trở về với hình ảnh của người tung hứng: Bây giờ, gia đình tôi có thêm bốn thành viên, tôi có thể ném đi chiếc đĩa nhỏ đại diện cho gia đình và thay bằng chiếc đĩa khác lớn hơn – loại đĩa thường dùng đựng món rau trộn. Những chiếc đĩa kích cỡ lớn hơn đại diện cho những nhu cầu gia tăng. Tung hứng những vật có kích cỡ khác nhau như vậy rõ ràng là thách thức hơn nhiều.

INTEL

Trong khi mối quan hệ với Linda và việc học tập đang tiến triển tốt đẹp, thì sự nghiệp của tôi tại Intel còn vượt ngoài sức tưởng tượng.

Trong vị trí kỹ thuật viên bộ phận an toàn và chất lượng (Q+A), tôi có cơ hội lập trình chút ít. Những lúc rảnh rỗi, sếp bắt đầu dạy tôi lập trình với ngôn ngữ lập trình C. Anh thường giao cho tôi vài bài tập thực hành đơn giản để nâng cao kỹ năng lập trình của tôi. Nhờ sự kềm cặp của sếp, đăng ký học các lớp lập trình ở trường và tự mày mò học hỏi, tôi mau chóng nắm bắt kỹ năng mới mẻ này. Tôi cũng bắt đầu điều khiển hệ thống máy tính sử dụng hệ điệu hành UNIX của bộ phận Q+A.

Tại Intel, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về phương pháp kiểm tra ở đầu cuối về chất lượng và độ bền sản phẩm tại Intel. Tôi nghĩ thay vì cố kiểm tra chất lượng sau khi con chíp đã được thiết kế, trước đó chúng ta có thể thiết kế chức năng tự kiểm nghiệm ngay trong con chíp. Dựa trên ý tưởng này và sự hỗ trợ cũng như khích lệ từ sếp của mình, tôi bắt đầu tự mày mò để thiết kế và xây dựng những chức năng kiểm thử cũng như hệ thống mạch tự kiểm nghiệm được gắn trực tiếp vào con chíp. Hướng đi này nghe có vẻ hợp lý, và cũng có một vài công trình nghiên cứu về lĩnh vực này, nhưng hầu hết chúng đều mang tính lý thuyết và chỉ có vài ứng dụng đơn giản cho việc phát triển chíp mang tính thương mại. Tôi bắt đầu liên lạc với nhóm thiết kế chíp 80286. Tôi hy vọng vài ý tưởng của mình có thể được áp dụng trong thiết kế của chip 80386 – là thiết kế đã được tiến hành ngay sau khi mẫu thiết kết của chíp 80286 bước vào giai đoạn hoàn tất.

Intel phát minh bộ vi xử lý vào năm 1974. Những tập đoàn khác như Motorola và National cũng nhảy vào lĩnh vực sản phẩm mới mẻ thú và vị này với những thiết kế của mình, tuy vậy Intel vẫn là công ty đi đầu. Đôi khi do làm tốt, đôi khi do may mắn, Intel đã giành được hợp đồng IBM PC quan trọng bậc nhất với con chíp 8088/6. IBM PC mau chóng chứng tỏ mình là “thiết kế” sẽ định nghĩa lại toàn bộ ngành công nghiệp ngày. Dù IBM PC bước vào thị trường sau những thiết kế khác nhưng nó không những là thiết kế hữu ích mà còn “thân thiện” nữa – những chi tiết kỹ thuật bên trong của nó được công bố rộng rãi khiến những người khác có thể cải tiến và nâng cấp nó. Thiết kế này trở thành sự kiện bước ngoặt cho thế giới máy tính và nó mau chóng dẫn đường trong lĩnh vực máy tính cá nhân như chúng ta đã biết và yêu thích nó ngày nay.

IBM đã dựa vào hai bộ phận then chốt từ công nghệ của các công ty khác để mau chóng đưa máy tính cá nhân vào thị trường, đó là bộ vi xử lý của Intel và hệ điều hành DOS của Microsoft. Intel bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của thiết kế đó và công ty bắt đầu chen chân vào vị trí chiến lược này. Kết quả là những người giỏi nhất, sáng giá nhất trong công ty sẽ được tham gia đội thiết kế bộ vi xử lý.

Hãy cùng tôi hình dung: một anh chàng hai mươi tuổi, chẳng biết tí gì về thiết kế chíp, đang học nửa chừng chương trình cử nhân ngành kỹ sư điện tử, giờ đang tiếp cận nhóm thiết kế bộ vi xử lý của Intel. Không hẳn là “thánh địa”, nhưng đội thiết kế lúc đó là nơi rất gần với đích đến của bạn trong ngành công nghiệp máy tính. Họ nghiên cứu hầu hết những dự án quan trọng cho công ty và – như thực tế chứng minh – cho toàn bộ ngành công nghiệp máy tính nữa. Mọi điều họ làm đều được tường thuật trên mặt báo. Dù cũng có đôi chút lo sợ nhưng tôi không ngần ngại tiếp cận đội thiết kế với vài ý tưởng điên rồ về chức năng tự thử nghiệm chất lượng được gắn sẵn trong chíp.

Lẽ tự nhiên đội thiết kế sẽ đáp với giọng mỉa mai: “Đương nhiên rồi, chúng tôi sẽ lập tức thực hiện ý tưởng của anh. Thật xấu hổ vì chúng tôi đã không tự nghĩ ra được như thế!”

Dù ý tưởng của tôi không bị phản đối ngay, nhưng chúng được đón nhận một cách bỡn cợt. Tuy nhiên, dù nghi ngờ những ý tưởng đặc biệt mà tôi trình bày, đội thiết kế cũng thấy một cậu bé năng nổ như tôi có thể có ích cho đội vì tôi biết sử dụng hệ điều hành UNIX.

Hóa ra UNIX là chiếc vé cho tôi gia nhập đội thiết kế chíp. Đội thiết kế chíp 80386 đặc biệt thích kỹ năng này ở tôi và họ muốn tôi tham gia vào đội. Họ có ý định thoát khỏi môi trường hệ điều hành hợp trợ CMS để chuyển sang hoạt động trong môi trường linh hoạt và hữu dụng hơn của hệ điều hành UNIX. Vì vậy, trong khi bộ phận Q+A gởi tôi sang nhóm thiết kế để xây dựng khả năng tự thử nghiệm trong chíp, thì đội thiết kế lại thấy tôi là cơ hội để gia thêm sức mạnh cho bước tiến vào môi trường UNIX đầy táo bạo của họ. Đội thiết kế mau chóng lôi tôi vào cuộc và tôi không bao giờ phải quay trở lại bộ phận Q+A nữa.

Sau khi tham gia đội thiết kế, tôi được tham gia vài công tác để hoàn tất thiết kế chíp 80286. Và rồi tôi trở thành kỹ sư đứng hàng thứ tư trong nhóm thiết kế 80386! Tôi xúc động được góp phần vào sự phát triển bộ vi xử lý cho Intel. Hồi mới đi làm, tôi không dám mơ có được vị trí tuyệt vời này. Ban ngày tôi học còn ban đêm tôi làm việc. Mỗi ngày, tôi tham gia nhiều lớp học về những khía cạnh khác nhau trong ngành kỹ thuật điện tử và khoa học máy tính, đầu tiên là tại Đại học Santa Clara để lấy bằng cử nhân, sau là tại Đại học Stanford để lấy bằng thạc sĩ. Ban đêm tôi mới thật sự ngồi lại để thiết kế những con chíp cho bộ vi xử lý quan trọng bậc nhất trong ngành công nghiệp máy tính.

Tôi mau chóng thăng tiến trong vị trí thiết kế và nhận lấy những trách nhiệm lớn hơn trong dự án thiết kế chíp. Một năm sau khi tham gia đội thiết kế 80386, tôi bắt đầu hướng dẫn một số kỹ thuật viên khác làm công việc nhập lược đồ. Tôi từng mong muốn trở thành kỹ sư để có thể sai bảo các kỹ thuật viên làm việc này việc nọ và tôi rất hứng khởi với thách thức mới này. Tôi hoàn tất một khối trong con chíp – đơn vị giải mã chỉ thị – sớm hơn lịch trình. Tôi được giao thiết kế tiếp đơn vị thứ hai – đường dẫn dữ liệu chính. Hoàn tất đơn vị này, tôi chuyển đến giải quyết đơn vị thứ ba – tính lô-gic trong việc bảo vệ và kiểm nghiệm. Cuối cùng, tôi đảm nhận luôn khâu lắp ráp cuối cùng và hoàn chỉnh sản phẩm.

Nếu bạn so sánh việc thiết kết chíp với việc thiết kế máy bay, thì khâu này cũng giống như khâu lắp ráp cuối cùng của chiếc máy bay đầu tiên. Cánh, động cơ, thân máy bay, thiết bị hạ cánh và những hệ thống điều khiển được thiết kế độc lập bởi nhiều đội nhỏ khác nhau. Sau đó, chúng ta cần kết hợp từng hệ thống con này vào một sản phẩm hoàn chỉnh. Khâu hoàn thiện thiết kế chip cũng như vậy, lần đầu tiên tất cả các đơn vị được ráp lại trong một thiết kế hoàn chỉnh.

Sau khi hoàn thiện, mẫu thiết kế được gởi đến bộ phận chế tạo silicon. Sau ba đến bốn tuần, con chíp bằng silicon đầu tiên được giao lại cho đội thiết kế để kiểm tra lỗi. Kiểm tra lỗi phần nào giống như việc khởi động các động cơ của máy bay, thử xem hệ thống điều khiển chuyến bay có thật sự hoạt động, kiểm tra cánh và bánh lái có hoạt động hoàn hảo hay không. Sau đó là chuyến bay thử đầu tiên. Cỗ máy đó có thật sự bay được hay không? Nếu như có vấn đề, thì vấn đề đó là gì? Lỗi và những vấn đề nào mà phép mô phỏng đã không nhận ra? Chúng tôi đã mắc phải sai sót nào khi ráp từng bộ phận lại với nhau? Những thay đổi nào cần có để con chíp hoạt động hoàn hảo và sẵn sàng cho việc tung ra thành phẩm?

Khâu hoàn thiện và quá trình kiểm tra lỗi được công ty đặc biệt chú ý. Sau bốn năm lao động vất vả và âm thầm của chúng tôi, giờ đây thế giới muốn nhìn thấy thành quả. Cả đội thiết kế, toàn thể công ty và hàng trăm người tại những công ty như IBM và Compaq đều vô cùng nôn nóng muốn biết thông tin mới nhất về tình hình của con chíp, chẳng khác nào những ông bố, bà mẹ, ông bà và họ hàng đang chờ đợi đứa bé đầu lòng sắp chào đời. Không phải bàn thêm, đối với một người ở tuổi tôi, với kinh nghiệm ít ỏi như tôi thì đây quả là một trách nhiệm to lớn.

Giai đoạn này hết sức bận rộn, căng thẳng nhưng hồ hởi lạ lùng khi những con chíp đầu tiên “hoạt động” dù mắc phải một số lỗi. Chúng tôi mau chóng sửa lỗi để có thể tiếp tục khám phá con chíp và cho chạy thêm vài thử nghiệm và phần mềm trên nó. Rồi chúng tôi lại phát hiện thêm một số lỗi nữa và mau chóng sửa lỗi. Chu kỳ này cứ nối tiếp nhau đến chóng mặt trong nhiều tháng. Sau giai đoạn chỉ lo làm sao cho nó hoạt động đúng, chúng tôi dần chuyển sang tập trung vào việc làm cho nó có thể được sản xuất dễ dàng. Tại sao một số con chíp hoạt động tốt, số khác lại không? Điểm yếu trong thiết kế đó là gì và làm thế nào để sửa chữa chúng?

Khi chúng tôi hoàn tất khâu hoàn thiện và phần kiểm tra lỗi của chíp 80386 và dần biến nó thành sản phẩm hoàn chỉnh, tôi được yêu cầu xúc tiến việc thiết kế chip 80486 với vai trò nhà sáng chế gốc. Ôi chao, tôi chính là nhân viên số một trong đội thiết kế thế hệ tiếp theo của gia đình bộ vi xử lý quan trọng nhất hành tinh! Tôi dốc sức vào công việc này trong một năm cũng như vào một số công tác phát triển khác và vài công việc cuối cùng của chíp 80386.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất bằng thạc sĩ tại Đại học Stanford và với nhiều sự khích lệ từ cha mẹ, tôi quyết định hoàn tất nốt bằng Tiến sĩ. Vì vậy, Intel bất ngờ nhận lá đơn từ chức của tôi khi tôi lên kế hoạch dành trọn thời gian cho việc học. Dẫu vậy, Andy Grove nhất quyết không để tôi ra đi và ông thách thức tôi: “Cậu muốn học lái máy bay mô hình hay bay trên một máy bay thực thụ?” Ông đề bạt tôi vào vị trí giám đốc thiết kế 80486! Hãy thử tưởng tượng: vương miện của Intel – dự án chíp quan trọng nhất trong ngành công nghiệp máy tính – và tôi – vừa tốt nghiệp bằng thạc sĩ, một gã hai mươi lăm tuổi không biết ngượng, ít kinh nghiệm hơn nhiều người dưới quyền mình – lại được đề bạt một cơ hội vận hành toàn bộ dự án. Tôi không những thích thú mà còn có phần bị choáng ngợp bởi sự thách thức và trách nhiệm lớn lao ấy. Không cần phải nói gì thêm, tôi đã bỏ giấc mộng tiến sĩ và chọn “bay chiếc máy bay thực thụ.” Tôi được thách để thức miệt mài làm việc và cũng vui thỏa tột cùng.

Sau dự án 80386 và 80486 và những năm tiếp theo, sự nghiệp của tôi tiếp tục phát triển mau chóng. Mười lăm năm qua, mỗi năm tôi được thăng cấp một lần. Tôi đi từ vị trí giám đốc thiết kế dự án 80486, 486DX2 rồi đến Pentium Pro. Tất cả những con chíp này đã đem công ty và cả ngành công nghiệp máy tính bước vào giai đoạn nổi bật và đi đầu. Tôi trở thành tổng giám đốc bộ phận chuyên về sản phẩm cho Internet, hội thoại trực tuyến (video-conferencing) và thông tin liên lạc. Bộ phận này đã khởi xướng nhiều công nghệ then chốt giúp Internet lan rộng, thay thế cho hệ thống điện thoại chuyển mạch tiếng nói truyền thống.

Tôi được vinh dự cất nhắc lên chức vụ Phó Chủ Tịch (Vice President – VP) ở tuổi ba mươi hai, một VP trẻ tuổi nhất trong lịch sử công ty. Tôi nhận nhiệm vụ to lớn làm tổng giám đốc bộ phận sản phẩm máy tính để bàn – đơn vị kinh hoanh lớn nhất của công ty – với doanh thu hàng chục tỉ USD. Ở tuổi ba mươi lăm, tôi trở thành viên chức cấp cao của công ty và tham dự ban quản trị – thể chế điều hành cao nhất tại Intel.

Mùa thu năm 2001, tôi được cất nhắc làm Giám Đốc Kỹ Thuật (Chief Techonology Officer – CTO) đầu tiên cho tập đoàn Intel khi gần bốn mươi tuổi. Bạn hãy tưởng tượng niềm vinh dự lớn lao được trở thành CTO cho một trong những công ty kỹ thuật nổi bật nhất trong năm mươi năm trở lại đây. Hãy tưởng tượng mình làm CTO của một công ty với những lãnh đạo một thời làm mưa làm gió như Gordon Moore, Andy Grove và Robert Noyce – những huyền thoại trong ngành công nghiệp máy tính. Dù họ là những người lèo lái kỹ thuật chủ chốt của công ty trong nhiều năm, nhưng tôi là người đầu tiên nhận được chức vị CTO. Tôi nhớ tôi đã gọi điện cho mẹ tôi chỉ để thông báo rằng tuần tới sẽ có thông báo chính thức về việc tôi được thăng chức làm CTO đầu tiên của Intel. Nghe vậy, mẹ tôi đáp: “Tuyệt lắm, con yêu! Nhưng CTO là gì vậy?”

Kể từ đó, tôi cũng được cất nhắc làm phó chủ tịch cấp cao của Nhóm Doanh nghiệp Kỹ thuật Số. Hiện tại tôi đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo kỹ thuật và kinh doanh cho nhóm kinh doanh lớn nhất tại Intel. Tôi được ơn nhiều đến mức choáng ngợp.

Lẽ dĩ nhiên, dù chính bởi tay Đức Chúa Trời thi hành năng quyền trên tôi,nhưng tôi cũng phải dừng lại để tỏ lòng biết ơn lớn lao dành cho Intel – công ty đã thuê tôi làm việc. Có mấy công ty dựa vào năng lực thật sự khi quyết định cất nhắc và giao trách nhiệm cho nhân viên của mình? Có mấy ai làm chủ lại chấp nhận liều lĩnh cho một gã hai mươi lăm tuổi đảm nhận vương miện tương lai của cả một tập đoàn? Hết lần này đến lần khác, Intel đã trao cho tôi những cơ hội, thách thức và những phần thưởng hết sức to lớn.

Đến đây, chúng ta hãy trở về với hình ảnh người tung hứng với những chiếc đĩa xoay tròn. Một chiếc đĩa nhỏ tượng trưng cho công việc, một chiếc khác cho mối liên hệ với Đức Chúa Trời và chúng ta vừa mới thay chiếc đĩa nhỏ của gia đình bằng một chiếc đĩa lớn hơn – cỡ đĩa đựng món rau trộn. Đến đây, hãy quẳng đi chiếc đĩa nhỏ tượng trưng cho công việc và thay vào đó là một chiếc đĩa lớn hơn – cỡ đĩa đựng phần cơm tối.

HỘI THÁNH

Dầu gia đình, việc học tập và công việc lấy đi gần hết thời gian của tôi, Linda và tôi luôn năng nổ hoạt động trong Hội thánh địa phương của mình. Chúng tôi tổ chức lớp học Kinh thánh tại nhà. Ngoại trừ năm chúng tôi chuyển nhà từ California đến Oregon, chúng tôi đã duy trì nề nếp này gần hai mươi năm qua. Chúng tôi nhận thấy đây là ơn phước lớn lao, là cơ hội chia sẻ niềm tin với người khác và xây dựng nhiều mối quan hệ lâu bền. Khi các con chúng tôi tự lập, tôi chỉ hy vọng chúng sẽ nhớ lại gương mẫu này để tham gia hoặc tổ chức những nhóm thông công và học Kinh thánh. Rất tiếc là lịch công tác của tôi bây giờ buộc tôi phải bận rộn vào nhiều buổi tối trong tuần, vì thế trong những năm gần đây, chúng tôi không còn hướng dẫn lớp học Kinh thánh nữa mà thay vào đó, chúng tôi tham dự vào một nhóm nhỏ vào cuối tuần.

Khi đọc tiếp, bạn sẽ thấy trong tuyên ngôn sứ mạng cá nhân của tôi có mục tiêu “trở thành trưởng lão trong hội thánh địa phương.” Khi viết điều đó, tôi nghĩ mình sẽ đạt được mục tiêu lúc già hơn và thông thái hơn… có lẽ là lúc năm mươi hay sáu mươi tuổi. Tuy nhiên, viết một điều như thế có thể hơi nguy hiểm. Khi mục sư của chúng tôi rao ra sứ điệp về chức vụ trưởng lão được Kinh thánh đề cập, cùng với đòi hỏi rằng những người nam phải giữ vai trò lãnh đạo trong gia đình và trong Hội thánh, lời đó đã thấu vào lòng tôi. Dù giữ yên lặng nhưng tôi lại biết rõ những gì sẽ xảy đến. Tôi viết ra những mục tiêu này nhiều năm về trước, và giờ đây tôi cảm nhận Chúa đang hành động trong tấm lòng tôi. Vài tháng sau, tôi được kêu gọi trở thành trưởng lão. Tôi đã làm trưởng lão được tám năm ở Hội thánh Cơ đốc Singing Hills ở Hillsboro, tiểu bang Oregon và đặc biệt góp sức cho Hội thánh trong những giai đoạn chuyển tiếp đầy thách thức của vai trò lãnh đạo.

Trong phần thảo luận sau này về việc dâng một phần mười, Linda và tôi tin rằng ngoài tiền bạc, chúng tôi còn phải dâng thời gian và khả năng của mình để phục vụ. Vì vậy, tôi hiện là Chủ tịch Sáng lập trường Đại học William Jessup và là cố vấn năng động trong nhiều mục vụ khác.

***

Bạn có thể nhận thấy rằng tôi là một người bận rộn. Tôi thích sống tích cực và bận rộn để hoàn tất việc này việc nọ. Những bận rộn và thách thức làm cho lượng adrenaline của tôi tăng lên. Khi chết, tôi muốn mình đã được vắt kiệt sức cho Đức Chúa Trời, đã dâng mọi điều tốt nhất tôi có thể, đã làm hết sức mình cho vương quốc Ngài. Tôi không bao giờ muốn nghỉ hưu. Thật ra, tôi thường thách đố bất kỳ ai trưng dẫn những phần Kinh Thánh nói Chúa gợi ý người ta nên nghỉ hưu. Những phân đoạn Kinh Thánh như Phi 3:14ICo 9:24-26Ga 2:2 vẽ nên hình ảnh một vận động viên đang chạy đường trường và cố sức chạy đến đích là nước thiên đàng ở cuối cuộc đời trên đất của mình. Như vậy, tôi chỉ muốn đi từ loại công việc này đến loại công việc khác theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Ở một vài nơi nào đó trong hành trình, tôi có thể ngưng một công tác thế tục nào đó để dành toàn bộ tâm sức cho công tác phục vụ.

Trước khi kết lại chương 1, tôi muốn chúng ta trở lại lần cuối với bức tranh của người tung hứng những chiếc đĩa: chiếc đĩa đựng rau trộn tượng trưng cho gia đình, chiếc đĩa đựng phần cơm tối tượng trưng cho công việc và chiếc đĩa nhỏ tượng trưng cho Đức Chúa Trời. Đến đây, các con tôi đã bước vào tuổi thiếu niên, vì vậy hãy quăng đi chiếc đĩa đựng món rau trộn tượng trưng cho gia đình. Thiếu niên ngày nay có phần hơi kỳ dị – rất khó đoán và thường đòi hỏi nhiều thời gian và lưu tâm – tốt hơn chúng nên được đại diện bằng hình ảnh một chiếc khay đựng cơm công sở. Vậy, ta hãy bắt đầu tung hứng với:

•Một chiếc đĩa nhỏ tượng trưng cho mối liên hệ với Đức Chúa Trời.

•Một khay đựng cơm công sở tượng trưng cho gia đình.

•Và một đĩa đựng phần cơm tối cho công việc.

Tung hứng trong điều kiện thuận lợi nhất đã khó, nhưng nếu bạn tung hứng những vật dụng hình thù kỳ lạ hoặc có kích cỡ khác nhau thì sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Bạn có thể liên tưởng đến loại kinh nghiệm và hình ảnh này không? Nếu có, bảy chương kế tiếp với những lời khuyên thực tiễn và có cơ sở sẽ giúp bạn xoay sở với tình huống đó tốt hơn.

Câu hỏi chương 1

Ghi chú: Câu trả lời gợi ý của tôi được in ở cuối sách.

1.Nhiều người cho rằng Internet là tội lỗi. Bạn nghĩ gì về Internet và những công nghệ khác đang được sử dụng một cách đáng ngờ?

2.Chester Carlson, người sáng lập ra hãng Xerox, cho rằng bản văn Hindu giáo Bhagavad Gita là nguồn nâng đỡ ông trong những lúc khó khăn. Bất kể bạn là một Cơ đốc nhân, một tín đồ Hindu giáo, hay Hồi giáo, bạn có cho rằng tâm linh là điều quan trọng hay không?

3.Trong lúc thưa chuyện với Đức Chúa Trời, bạn có cầu xin Ngài giúp đỡ bạn trong công việc hay nghề nghiệp của mình không? Đức Chúa Trời có ban cho bạn ý tưởng, phát minh hay sự giúp đỡ đặc biệt nào trong công việc không? Bạn có cách nào để biết được mình nên tiến bước như thế nào, ví dụ như bạn sẽ đi hướng nào trong công việc của mình?

4.Có thể bạn cảm thấy mình đang làm việc chăm chỉ hết mức để theo kịp người khác; bạn không phải là loại người đạt toàn điểm A và bạn thường cần phải ngủ nhiều hơn Pat. Dầu cho rằng mình là một người “bình thường”, làm thế nào bạn có thể đạt được sự quân bình trong cuộc sống?

5.Làm thế cách nào bạn biết được mình đã chọn đúng ngành nghề? Liệu sự tranh chiến để sống quân bình có thể xảy ra bởi vì bạn chọn nhầm công việc không?