6. PHÁT TRIỂN MỐI LIÊN HỆ VỚI CỐ VẤN

Nghệ Thuật Sống Quân Bình

Đăng vào: 5 tháng trước

.

6. PHÁT TRIỂN MỐI LIÊN HỆ VỚI CỐ VẤN

Vào giai đoạn cuối của thiết kế 80386, tôi đã thực hiện buổi tường trình với ban lãnh đạo cấp cao tại Intel. Từ vị trí kỹ thuật viên tôi đã tập tành trở thành một kỹ sư. Tôi làm tốt công việc được giao và được thăng cấp đều đặn mỗi năm. Tôi quản lý vài kỹ thuật viên dưới quyền và dành được uy tín cũng như được giao nhiều trách nhiệm hơn trong đội thiết kế. Tuy nhiên, tôi vẫn còn là cấp dưới và gần như vô danh tiểu tốt đối với hầu hết các lãnh đạo cấp cao tại Intel. Dù đã qua thời làm anh tân binh nhưng tôi cũng chưa tiến xa mấy trong sự nghiệp của mình. Đúng lúc này, tôi có cơ hội được trực tiếp theo dõi quá trình hoàn thiện của thiết kế 80386. Nhiều năm ròng, từng thành viên trong đội đã nghiên cứu riêng lẻ từng bộ phận của con chíp. Như có nói trước đây, giai đoạn hoàn thiện là khâu kết hợp từng phần nhỏ của thiết kế đó vào một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, sau đó gởi nó đến bộ phận chế tạo để có được những con chíp đầu tiên.

Điểm mấu chốt mà tôi muốn trình bày đó là chúng tôi đang đối diện với thảm họa chắc chắn ngay trước mắt do những sự cố nghiêm trọng và liên tục của hệ thống máy tính. Có thể chúng tôi sẽ chẳng thể nào hoàn tất con chíp được. Điều này đưa đến nhiều tranh cãi nhưng từ những dữ liệu thu thập được và lập trường của mình, tôi nhất quyết cho rằng chúng tôi sẽ phải nhanh chóng liên hệ với nhà cung cấp máy chủ để giải quyết vấn đề khẩn cấp này.

Khoảng một tuần sau cuộc họp đó, vào một ngày như thường lệ, tôi thoải mái làm việc trong văn phòng của mình, chăm chú với việc thiết kế một bộ phận của con chíp. Nếu tôi thu mình trong thế giới nhỏ bé của mình với những sự cố, ý tưởng và thiết kế, thì chỉ có tiếng súng thần công mới có thể đem tôi về với thực tại. Nhưng lần này lại là tiếng chuông điện thoại reo lớn trên bàn của tôi.

Tôi hoàn toàn không muốn bị quấy rầy và gián đoạn dòng tư tưởng bởi cú điện thoại này. Sau vài hồi chuông – nó chẳng chịu dừng dù tôi không nhấc máy – tôi nhấc máy lên để chấm dứt tiếng reo khó chịu đó. Với giọng điệu khó chịu, bực dọc và mỉa mai nhất, tôi nói như ra lệnh: “Ai gọi đấy?”

Đầu dây bên kia là một giọng nam trầm: “Andy đây.”

Nghe vậy, nhằm tăng thêm vẻ mỉa mai, tôi hạ giọng: “Andy nào?”

Lập tức có câu trả lời: “Andy Grove.”

Tôi chết lặng người. Tôi cảm thấy xấu hổ và bối rối hơn bao giờ hết. Đó chính là Andy Grove. Người sáng lập công ty. Người mà chẳng bao lâu sau được tạp chí Time bình chọn là Người Đàn ông của Năm. Ông là chủ tịch tập đoàn và chẳng mấy chốc trở thành Giám đốc Điều hành (CEO) của công ty. Không nản lòng, Andy mô tả ấn tượng của ông về phần tường trình của tôi vào hôm nọ. Ông muốn biết kế hoạch sự nghiệp ở công ty của tôi như thế nào.

Tôi đáp lời một cách yếu ớt, khó nhọc lắm mới nói được một câu mạch lạc chứ đừng nói gì đến việc trả lời tốt câu hỏi. Không nản lòng, ông bắt đầu nã pháo vào tôi bằng những câu hỏi tới tấp: Mục tiêu của cậu là gì? Cậu đọc những gì? Cậu đang học cái gì? Cậu muốn công việc sắp tới của mình là gì? Vì bị bối rối ngay từ đầu, tôi khó lòng mà trả lời một cách tường tận.

Sau những câu hỏi rành mạch và sự đáp lời hết sức lời yếu ớt của tôi, Andy nói: “Những câu trả lời của cậu dở tệ. Hãy gặp tôi ở văn phòng trong vòng hai tuần nữa với những câu trả lời hay hơn!”

Andy nói đúng. Tôi bị hốt hoảng bởi cú điện thoại của ông và hoàn toàn bất ngờ trước loạt câu hỏi đó. Bên cạnh đó, ngoài việc mong muốn “trở thành kỹ sư,” tôi vẫn chưa cân nhắc những gì mình muốn đạt được. Mục tiêu duy nhất của tôi là trở thành kỹ sư để chỉ bảo kỹ thuật viên làm việc này việc nọ. Giờ đây tôi đang đối mặt với một tình huống nan giải! Tôi hoặc là xuất hiện ở văn phòng ngài chủ tịch hoặc là biến mất khỏi nước Mỹ! May mắn là tôi vượt qua được sự bối rối khôn cùng đó, chuẩn bị tinh thần và hồi hộp đến văn phòng của Andy để thảo luận về sự nghiệp và mục tiêu phát triển của mình. Sự kiện này đã khởi đầu mối liên hệ cố vấn đặc biệt kéo dài nhiều năm qua. Những khi Andy nhìn thấy nhược điểm và vấn đề trong cá tính của tôi, hoặc khi tôi phải vật lộn với những lĩnh vực hay vấn đề nào đó, tôi sẽ gặp ông và ông sẽ cho tâm hồn tham vọng và non dại của tôi sự giàu có trong kinh nghiệm, tài năng và tinh thông của ông. Ngoài ra, như đã đề cập trước đây, ông huấn luyện tôi đọc rộng hơn, ví dụ như đọc tờ Wall Street Journal, và mài giũa mục tiêu sự nghiệp của tôi.

Tôi vẫn nhớ về kinh nghiệm này và không khỏi thốt lên “Thật tuyệt vời!” Andy đã hạ cố đến những tầng lớp thấp hơn trong tổ chức công ty và chạm đến tôi. Là chủ tịch công ty, đương nhiên ông bận rộn khôn cùng. Hơn nữa xung quanh ông có luôn có biết bao người có khả năng và tham vọng. Tuy hèn mọn nhưng tôi lại được thúc đẩy lạ lùng bởi lòng quan tâm của ông tới sự nghiệp của tôi. Tôi chăm chỉ lắng nghe lời hướng dẫn của ông. Tôi có thể yêu cầu ông giải thích thêm, lật ngược vấn đề nhằm hiểu rõ hơn, nhưng không bao giờ phớt lờ những gì ông nói.

Nhiều năm qua, khi tôi học theo cách Andy đã làm, tôi thấy không gì khiến tôi thất vọng cho bằng một người mà tôi cố vấn lại không làm theo lời khuyên của tôi. Không phải chúng ta nên nhận lấy lời khuyên của cố vấn và áp dụng nó một cách mù quáng. Nhưng lời khuyên đó phải được tiếp nhận, suy gẫm thấu đáo và thực hiện với kế hoạch hoạt động cụ thể. Để được cố vấn, bạn phải là người có tinh thần chịu dạy dỗ. Gần đây tôi có gặp một người. Anh ta dành gần hết thời gian gặp gỡ tôi để thanh minh cho hoạt động và giá trị của mình. Sau khi nói thẳng với anh ta, tôi bỏ đi vì cho rằng việc dành thêm thời gian để cố vấn sẽ chẳng ích lợi gì cho cả anh ta lẫn tôi.

“Đường lối kẻ ngu muội vốn ngay thẳng theo mắt nó; Còn người khôn ngoan nghe lời khuyên dạy” (Ch 12:15).

Tôi nhớ trong một lần cố vấn, Andy đưa ra một số vấn đề rất khó khăn cho tôi. Tôi chăm chỉ lắng nghe, đáp lại một cách mạch lạc và mô tả những suy nghĩ ban đầu của tôi về cách tôi sẽ khảo sát những vấn đề đó. Andy rất ấn tượng về cách tôi tiếp nhận ý kiến của ông dù đó là những vấn đề rất khó khăn cho tôi. Qua Andy, Đức Chúa Trời dần dần phát triển trong tôi một tinh thần chịu dạy dỗ hơn nữa.

Trong sự nghiệp của mình, tôi được ban phước cách lạ lùng khi có được những người thầy và những người cố vấn tuyệt vời. Tôi làm việc với những người ưu tú bậc nhất trong ngành công nghiệp máy tính. Tôi được tư vấn bởi Gordon Moore – chuyên gia hàng đầu về công nghệ bán dẫn, bởi Andy Grove – nhà chiến lược vĩ đại nhất, bởi Craig Barrett – một trong những giám đốc điều hành vĩ đại nhất. Tôi đã gặp gỡ và làm việc với những tên tuổi quen thuộc như Bill Gates, Larry Ellison, Michael Dell, và Steve Jobs. Là người lãnh đạo trong lĩnh vực của mình, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân vật sáng giá nhất và vĩ đại nhất trong ngành công nghiệp kỹ thuật cao.

Qua kinh nghiệm với Andy, tôi bắt đầu hiểu ra ý nghĩa của “người cố vấn” một cách sâu sắc và thâm thúy. Chúng ta có thể thấy điều này trong Kinh Thánh.

“Hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình. Nếu người này sa ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa ngã, không có ai đỡ mình lên! Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn một mình thì làm sao ấm được? Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thể chống cực nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt” (Tr 4:9-12).

Tôi rất thích dòng cuối cùng: một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt. Đôi khi, có những sự kiện và khó khăn xảy đến mà chúng ta hoàn toàn không có khả năng để giải quyết khi sử dụng sự khôn ngoan, khả năng hay sức riêng của mình. Nhưng qua những mối liên hệ của chúng ta, đặc biệt là với những cố vấn, chúng ta sẽ giải quyết được. Chúa Giê-xu làm gương cho chúng ta trong mối liên hệ với mười hai môn đồ và thậm chí còn gần gũi hơn với ba môn đệ thân tín. Chúng ta đọc thấy những ví dụ khác trong Kinh Thánh: Phao-lô gặp riêng và quở trách đại sứ đồ Phi-e-rơ (Ga 2:11); mối liên hệ giữa Phao-lô với nhóm môn đồ trẻ tuổi là Ti-mô-thê, Tít, và nhiều người khác; Phao-lô cùng làm việc Ba-na-ba; Phao-lô cố vấn cho nhiều người, hướng dẫn họ trong sự yêu thương và trìu mến qua các thư tín trong Tân Ước.

NHIỀU CỐ VẤN

Trong đời sống chúng ta, việc có nhiều cố vấn thường là rất hữu ích. Cố vấn thuộc linh của chúng ta có thể không phải là cố vấn trong sự nghiệp hay chuyên môn mà chúng ta cần. Trong một số lĩnh vực nào đó chúng ta có thể cần người cố vấn – là người có khả năng nổi trội trong lĩnh vực đó.

Có thể bạn đang tranh đấu để trở thành người chồng hoặc người vợ tốt hơn; bạn phải tìm đến một cố vấn đặc biệt mạnh mẽ trong lĩnh vực đó. Hãy chọn người nào có mối liên hệ với con cái, với chồng hoặc vợ mà bạn muốn học tập cho gia đình của mình.

Có thể bạn cần rèn luyện một kỹ năng nào đó trong công việc, như quản lý thời gian chẳng hạn. Bạn phải một cố vấn thể hiện được khả năng hoạch định và quản lý cuộc sống của họ một cách trật tự và kỷ luật.

Xin được phép khuyến khích bạn nên có ít nhất ba cấp độ trong mối liên hệ cố vấn: cố vấn, đồng sự và người được cố vấn. Bạn có thể so sánh điều này với việc làm một Phao-lô, một Ba-na-ba và cuối cùng là một Ti-mô-thê trong đời sống bạn. Tôi muốn ví sánh ba cấp độ liên hệ trên với “sợi dây bện ba” trong Tr 4:12

Trước tiên, bạn cần có người cố vấn cho mình, giống như Phao-lô cố vấn cho Ti-mô-thê và Tít. Đây phải là người bạn ngưỡng mộ và kính trọng, là người có những khả năng và kinh nghiệm mà bạn vẫn chưa quán triệt, là người thành đạt và thành thục trong những lĩnh vực mà bạn ao ước tăng trưởng, cũng là người sẵn lòng và cam kết đầu tư vào cuộc đời bạn. Cuối cùng, người đó sẽ phải hết sức phấn khởi khi thấy bạn tăng trưởng và thành công. Nhiều năm qua, đây là vai trò mà Andy Grove đã thực hiện trong sự nghiệp chuyên môn của tôi.

“Nhưng anh em đã biết sự trung tín từng trải của người; và biết người là trung thành với tôi về việc Tin Lành, như con ở với cha vậy” (Phi 2:22).

Thứ hai, bạn cần một đồng sự, là người có thể làm bạn tâm giao, thân tình. Phao-lô và Ba-na-ba có mối liên hệ như vậy. Bạn cần một người không bị quá ấn tượng về bạn, sẵn sàng nói thật lòng với bạn, là người quan sát bạn đủ tận tường để thấy được những thành công lẫn những khiếm khuyết của bạn và không ngần ngại nói ra cho bạn biết. Ít nhất thì có một lần, Phao-lô đã thực hiện vai trò này với Phi-e-rơ. Hãy mường tượng ra mối tương tác này qua sự mô tả của sứ đồ Phao-lô:

“Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì” (Ga 2:11-12).

Sự kiện này tương tự một cuộc họp của tôi tại công ty Intel – dù không có ý gây chia rẽ, nhưng tôi rất thẳng thắn và bực dọc trước những chuyện không mấy đúng đắn. Bạn cũng có thể hồi tưởng vài ba trường hợp tương tự ở sở làm của mình.

Với tính cách mạnh mẽ, tìm được một đồng sự quả là rất khó nhọc cho tôi trong nhiều năm qua. Tôi là kiểu người không ít bày tỏ cảm xúc của mình, và tôi cũng chẳng thấy có mấy ai khiến tôi tâm phục khẩu phục hay tin cậy và kính nể. Tôi càng buồn hơn khi một đồng sự của tôi chuyển đến sống ở Kenya để làm giáo sĩ ở đấy. Phải mất rất lâu tôi mới tìm được một đồng sự, vậy mà bây giờ tôi phải đi đi cả nửa vòng trái đất mới gặp được anh ta.

Thứ ba, bạn cần có người để truyền kinh nghiệm sống của mình cho họ (như Ti-mô-thê), là người bạn có thể dạy dỗ, kèm cặp và khích lệ họ, là người mà sự trưởng thành của họ khiến bạn vui mừng.

Trong nhiều năm làm giám đốc, tôi đã chọn cố vấn vài người mà tôi thấy có tiềm năng và cho rằng những gì tôi học được có thể ích lợi cho họ. Tôi rất vui khi thấy nhiều người trong số họ được thăng tiến lên chức vụ quản lý, phó chủ tịch hoặc là đồng nghiệp với tôi. Thật thỏa vui được nhìn thấy những người mà bạn từng đầu tư và giúp đỡ nay đạt đến địa vị thành công và có tầm ảnh hưởng nhất định.

TÌM NGƯỜI CỐ VẤN

Nhiều năm qua, khi nói chuyện về đề tài này, nhiều lần tôi nhận được câu hỏi: Làm thế nào anh tìm được người cố vấn hoặc làm sao để họ tìm thấy anh? Tôi rất tiếc phải nói rằng tôi không có một công thức ngắn gọn nào. Đa phần đó chỉ là việc “tương hợp về mặt hóa học” giữa hai người. Vì không phải là nhà tâm lý học, tôi không thể diễn tả tại sao một số mối quan hệ diễn ra rất tốt, còn số khác lại không. Tuy nhiên, tôi có thể xác định vài đặc tính cốt lõi của một người cố vấn tốt. Tôi cho rằng có ba đặc tính:

1.Tin cậy và đáng kính – Bạn cần một người mà bạn kính trọng thật sự; bạn sẽ tự động trân trọng ý kiến của người đó cũng như những gì người đó nói. Bạn cần một người mà bạn có thể tin cậy – người mà bạn thấy thoải mái khi nói về những suy nghĩ, những tội lỗi, những thất bại và những cảm xúc kín giấu nhất của bạn. Tương tự, đó cũng là điều mà người mà bạn cố vấn cần ở bạn.

2.Cá tính và khả năng – Cố vấn của bạn phải có những khả năng mà bạn muốn học hỏi. Nếu một khóa học được quảng cáo là giáo viên từng thật sự làm những gì anh ta sẽ dạy, nhưng anh ta đã đọc cẩn thận về chúng, liệu bạn có tham dự khóa học đó không? Dĩ nhiên là không. Bạn muốn học hỏi từ một bậc thầy. Cũng vậy, bạn cần một cố vấn có kỹ năng và kinh nghiệm trong những lĩnh vực mà bạn mong muốn cải thiện trong đời sống mình.

3.Thời gian và cam kết – Dầu có thể không đòi hỏi quá nhiều thời gian, nhưng công việc cố vấn đòi hỏi một sự cam kết. Nó có thể chỉ đòi hỏi một hoặc hai giờ đồng hồ mỗi tháng. Hoặc có thể bạn đang rơi vào giai đoạn rất cần được tư vấn và bạn có nhu cầu gặp gỡ cố vấn của mình thường xuyên hơn – có thể là mỗi tuần một lần.

Tìm được một cố vấn có thể là một thách thức. Đôi khi – như trường hợp của tôi và Andy Grove – người cố vấn sẽ tìm thấy bạn. Xin Chúa cho bạn được sự may mắn như vậy!

Tuy nhiên, tôi xin gợi ý: bạn không cần phải đợi có người đến đề nghị cố vấn cho bạn. Hãy đề cập vấn đề với người mà bạn muốn họ làm cố vấn cho bạn. Hãy nói điều đại loại như: “Khi tôi lớn lên và học biết, tôi nhận thấy giá trị của người cố vấn trên đời sống tôi. Tôi rất ấn tượng bởi những gì anh đã làm trong đời sống mình và anh có những kỹ năng và kiến thức mà tôi có thể thật sự nhận được ích lợi từ đó. Tôi có thể thảo luận với anh về khả năng trở thành người cố vấn cho tôi được không?”

Tôi nhớ lại một mùa hè cách đây nhiều năm, một cậu sinh viên đại học đang thực tập tại Intel đã đến gặp tôi trong cung cách như vậy. Không những tôi cảm thấy hãnh diện mà còn ngay lập tức có cảm tình với chàng trai trẻ đó. Cậu ta mong muốn cải thiện bản thân và hăm hở tìm những người có thể giúp đỡ mình. Cậu ta có tìm hiểu đôi điều về tôi, về sự nghiệp và đức tin của tôi. Cậu ta cũng chuẩn bị kỹ lưỡng một danh sách câu hỏi mà cậu muốn thảo luận với tôi. Tôi mau chóng bị thuyết phục rằng bất cứ chút thời gian nào mà tôi dành cho cậu ta đều là sự đầu tư xứng đáng phần sức lực của tôi.

Tìm cho mình một Ti-mô-thê lại là chuyện khác. Hãy tưởng tượng một chàng trai trẻ xốc vác nhận được cú điện thoại từ bạn rằng: “Tôi đã quan sát anh và thấy anh có tài. Tôi thích thú khi nhìn anh tăng trưởng và phát triển. Tôi muốn đầu tư vào cuộc đời anh một số kinh nghiệm và sự khôn ngoan từ cuộc đời của tôi. Chúng ta có thể gặp nhau một chút để nói chuyện được không?” Tôi chưa từng nghe nói một cú điện thoại với nội dung như vậy lại bị khước từ, thậm chí khi cả hai cuối cùng nhận ra mình và người kia không hợp nhau.

Cuối cùng, làm thế nào bạn tìm được một Ba-na-ba? Bạn có thể nói như vầy: “Tôi thật sự cần một người để kết thân và tự tin chia sẻ những sự bận tâm và những nhược điểm của mình. Tôi thích một đồng sự đáng tin cậy, sẵn sàng cam kết gặp gỡ và thường xuyên cầu nguyện với tôi. Tôi không biết liệu anh có thời gian hoặc mong muốn làm điều đó hay không, nhưng nếu có dịp chúng ta có thể cùng nhau thảo luận về khả năng này thì tôi thật sự rất cảm kích.”

Như có nói, đôi khi bạn cần một cố vấn trong một lĩnh vực đặc biệt nào đó của đời sống bạn. Bạn có thể cố vấn cho người đó trong một số phương diện, còn anh ta sẽ cố vấn cho bạn trong những phương diện khác.

Bryce Jesusup – bạn thân của tôi – là người đã làm lễ hôn phối cho tôi và Linda hai mươi lăm năm về trước. Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn giữ liên lạc gần gũi với nhau. Bryce rất được kính trọng trong lĩnh vực hôn nhân gia đình. Trải qua từng ấy năm, Bryce đã không ngừng cố vấn cho tôi trong lĩnh vực này; đồng thời, Bryce cũng thấy tôi xứng đáng làm cố vấn “khải tượng” cho anh ta. Là hiệu trưởng trường Đại Học William Jessup (trước đây là trường Đại học Cơ Đốc San Jose), Bryce cần đặt ra phương hướng và vẽ nên khải tượng cho toàn thể ban giáo sư, các mạnh thường quân, ban điều hành và toàn thể sinh viên của trường. Tôi có dịp thách thức anh suy nghĩ rộng hơn, để nhìn thấy một Đức Chúa Trời vĩ đại hơn và tìm kiếm những lĩnh vực tiềm năng mà Ngài có thể mở rộng cho công tác của anh. Với kinh nghiệm trong kinh doanh của mình, tôi cũng giúp anh học cách liên hệ với giới doanh nhân và kêu gọi họ dự phần vào công tác và khải tượng của anh. Như vậy, chúng tôi làm cố vấn cho nhau trong những lĩnh vực khác nhau.

Tôi nhớ lại lần cách đây vài năm khi tôi đang phục vụ trong vai trò thành viên ban quản trị của trường Đại Học William Jessup. Vì phải đi từ xa đến để dự họp nên Bryce mời tôi nghỉ đêm tại nhà anh. Với chút bối rối, anh hỏi liệu anh có thể chia sẻ với tôi khải tượng của mình cho trường hay không. Tôi đáp: “Ồ, chắc chắn rồi. Anh nói ngay đi.” Bryce vào đề ngay và nói liên tục hơn năm phút. Anh mô tả những ý tưởng của mình cho tài sản vật chất của trường, những chương trình mới cho sinh viên và sự tăng trưởng cho toàn thể sinh viên. Anh cũng thảo luận những ý tưởng rộng hơn, xa hơn của mình. Khi dứt lời, anh hăm hở hỏi tôi suy nghĩ thế nào.

Ngập ngừng một chút, tôi đáp cụt ngủn: “Nghèo nàn!” Tôi được thôi thúc mạnh mẽ phải thách thức Bryce hướng đến một khải tượng to lớn hơn, táo bạo hơn cho trường. Đức Chúa Trời của tôi vĩ đại hơn Đức Chúa Trời trong bức tranh mà Bryce đang vẽ ra và tôi tin chắc rằng Ngài sẽ và có thể sử dụng ngôi trường một cách uy quyền hơn nhiều.

Bryce lập tức bị đè bẹp và ngã gục trước lời chỉ trích nặng nề và mau mắn của tôi. Tuy nhiên, lời nhận xét này của tôi cuối cùng dẫn Bryce đến một kế hoạch với nhiều tham vọng hơn cho trường. Từ đó đến nay, có lẽ Bryce đã thuật đi thuật lại câu chuyện này đến hàng trăm lần. Dù tôi đã phá vỡ những ảo tưởng của anh, nhưng cuộc nói chuyện đó như một sự sắp đặt thiên thượng. Đức Chúa Trời có những kế hoạch lớn lao hơn nhiều dành cho Bryce và ngôi trường và tôi đã được Chúa sử dụng để chuyển tải sứ điệp của Ngài. Sau đó, ngôi trường đã di dời từ một khuôn viên xuống cấp, tù túng và xấu xí ở trung tâm San Jose đến một nơi rộng rãi hơn, có cơ hội phát triển hơn ở Rocklin, California. Họ chuyển từ một nơi mà hội đồng thành phố không chút quan tâm giúp đỡ đến một nơi đón tiếp cách nồng ấm và sẵn sàng hỗ trợ họ. Họ đổi tên trường từ Cao Đẳng Cơ Đốc San Jose thành Đại Học William Jessup (www.jessup.edu). Số lượng sinh viên của trường tăng mau chóng. Họ mong muốn trở thành trường Đại Học Cơ Đốc hàng đầu ở bắc California. Hiện nay, Bryce hết lòng nhiệt thành với công tác Chúa giao. Khải tượng của anh cho ngôi trường càng thêm mạnh mẽ. Anh tự tin hơn bao giờ hết về sự dẫn dắt và phương hướng của Đức Chúa Trời cho chức vụ của anh. Mặc dù Bryce đã đến độ tuổi mà nhiều người sẽ cân nhắc chuyện về hưu, nhưng đây có lẽ là giai đoạn gặt hái nhiều thành công nhất của anh trong suốt chức vụ lâu dài và hiệu quả của mình. Đây là điều mà những cố vấn sẽ làm cho nhau: thách thức và khích lệ nhau làm những việc lớn lao hơn và trở nên những cá nhân vĩ đại hơn cho công tác của Đức Chúa Trời. Họ yêu mến con người thật của nhau và cũng rất hứng khởi khi thấy người kia tiến bộ và thành đạt trong sự nghiệp chuyên môn cũng như về mặt thuộc linh.

Ví dụ này cho phép tôi trình bày thêm một nhận định nữa. Nói chung, cố vấn là người mà bạn nghĩ phải già dặn hơn mình. Tuổi tác đến đem theo cả kinh nghiệm và sự thông thái. Kinh thánh dạy chúng ta phải kính trọng người già cả. Tuy nhiên, đừng xem tuổi tác là đòi hỏi phải có khi bạn đi tìm cho mình những Phao-lô, Ti-mô-thê và Ba-na-ba. Dầu không nói rõ Bryce lớn hơn tôi bao nhiêu tuổi nhưng tôi có được sự vui thích nhất định khi anh nhắc đến tôi như là cố vấn của anh.

***

Trong thảo luận ở trên về công tác cố vấn, tôi đã trình bày về công tác cố vấn như là một mối liên hệ đặc biệt và liên tục. Nhưng bạn sẽ nhận thấy nhiều tình huống đặc biệt xảy ra mà bạn có thể được ai đó cố vấn hoặc ngược lại. Will, một anh bạn ở Intel, thường chuyển cho tôi những mẫu ghi chú hoặc ra hiệu cho tôi những khi anh thấy tôi đi vào những đề tài khó khăn trong những cuộc họp. Cũng vậy, tôi sẽ khuyên anh khi tôi thấy những lĩnh vực trong đời sống mà anh có thể cải thiện. Một lần nọ, ngay trước buổi thuyết trình đặc biệt khó khăn, Will kéo tôi ra một bên và khích lệ tôi nên có lời cảm ơn đến những người đã góp phần chuẩn bị tài liệu cho buổi giới thiệu. Anh cũng căn dặn tôi chú ý nhấn mạnh điểm chính yếu, không để mắc kẹt vào những mục quan trọng nhưng dễ gây mất tập trung. Buổi thuyết trình hôm đó thành công một cách đặc biệt và lời khuyên đúng lúc của Will tỏ ra đáng giá.

Trong một lần khác, tôi nhận thấy Will trở nên kháng cự trong lúc cuộc họp đang hết sức căng thẳng. Phản ứng của anh rất thiếu bình tĩnh nên khiến cho người khác xem nhẹ những ý kiến đóng góp của anh. Tôi khuyên nhủ anh và giúp anh khắc phục nhược điểm này để có thể làm việc hiệu quả hơn. Nhiều năm qua, công tác cố vấn tình cờ mà đặc biệt của chúng tôi chứng tỏ có giá trị cho cả hai. Một lần, Andy Grove đặc biệt khen ngợi tôi về những cải thiện mà ông thấy nơi Will và xem đó như là kết quả trực tiếp từ sự giúp đỡ hay cố vấn của tôi.

***

Một lần, tôi đưa ra lời khuyên cho một người bạn thân về cách giải quyết nhiều vấn đề trong việc thương lượng lẫn khía cạnh pháp lý của một giao dịch bất động sản đầy khó khăn. Lần khác, tôi khích lệ người đứng đầu một tổ chức thành lập Hội thánh có tên là Stadia hãy nhìn xa hơn và đưa mục vụ này lên tầm ảnh hưởng cao hơn ở cả trong nước lẫn quốc tế. Người đó đã làm như vậy và hiện nay tổ chức này có chương trình hành động toàn quốc và cũng bắt đầu hướng đến những lĩnh vực quốc tế nữa.

Cũng vậy, trong những năm gần đây tôi được tư vấn để vượt qua một số khó khăn mà tôi gặp phải trong những mối liên hệ trong công việc. Dù đã thực hiện những bước để giải quyết những khó khăn đó, tôi vẫn nhận được những lời nhận xét cùng loại với nhau trong những lần đánh giá thành tích công việc trong suốt mười lăm năm qua. Một số công tác cố vấn đặc biệt và tập trung trong những lĩnh vực này đã đưa đến những bước đột phá mà nhiều người có thể nhận ra. Vài năm trước, có một người đã nói với tôi: “Tôi thích anh chàng Pat mới mẻ này đây.”

Dù một số công ty có đưa ra những chương trình cố vấn đặc biệt nhưng theo tôi, khía cạnh then chốt của công tác cố vấn không xuất phát từ một chương trình nào đó. Chìa khóa chính là: trước hết, tìm được người có kỹ năng và mối liên hệ cá nhân thích hợp; và thứ hai, quyết định cải thiện bản thân của bạn dựa trên lời khuyên của người này.

Cuối cùng là vài lời cảnh báo của tôi. Mối liên hệ cố vấn là một mối liên hệ cá nhân sâu sắc. Bạn sẽ chia sẻ những điều sâu kín về cá tính, cảm xúc, khao khát và bí mật của bạn. Sự bảo mật thông tin là điểm mấu chốt. Những kỳ vọng và cam kết với nhau phải được đề ra và thống nhất ngay từ đầu. Tôi chưa từng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng do sự bất cẩn trong mối liên hệ cố vấn, nhưng cũng có vài chuyện được xem riêng tư đối với tôi lại bị truyền đến tai người khác. Chỉ cần một sự bất cẩn nhỏ cũng có thể dẫn đến sự ngờ vực – là điều sẽ làm vô hiệu hóa mối liên hệ cố vấn.

Một mối nguy hại tiềm tàng khác nữa là sự thờ ơ. Điều này xuất phát từ việc cả hai bên không có thời gian để đầu tư cho mối liên hệ, hoặc có thể mối liên hệ đó không diễn tiến tốt đẹp nhưng người nhận thấy điều đó lại e ngại không nói ra. Thực tế thì không phải mối quan hệ nào cũng tiến triển tốt đẹp. Sự truyền đạt chân thành và sự sẵn sàng tìm kiếm lời giải đáp hoặc tiến tới là cần thiết.

Mặc cho những khó khăn tiềm ẩn đó, khi chúng ta kết thúc thảo luận về mối quan hệ cố vấn, một lần nữa tôi muốn mượn khẩu hiệu của hãng Nike “Hãy làm ngay”. Hãy bỏ qua những ngại ngần khi mở lòng mình trước người khác. Cánh đàn ông chúng tôi thường miễn cưỡng trong những mối quan hệ sâu sắc kiểu này. Nhiều năm qua, Linda, vợ tôi đã điều hành chương trình tư cố vấn cho phụ nữ ở hội thánh của chúng tôi. Quý bà quý cô rất yêu thích khía cạnh xã hội của việc gặp gỡ nhau; trong khi quý ông thường không sẵn lòng trong việc đầu tư liên tục thời gian và sức lực của mình vào những mối liên hệ như vậy. Tuy nhiên, Kinh Thánh rõ ràng khuyên giục chúng ta “hãy làm ngay”:

“Chớ trách kẻ nhạo báng, và nó ghét con; Hãy trách người khôn ngoan, thì người sẽ yêu mến con. Hãy khuyên giáo người khôn ngoan, thì người sẽ được nên khôn ngoan hơn; Khá dạy dỗ người công bình, thì người sẽ thêm tri thức nữa” (Ch 9:8-9).

Nếu cuộc đời tôi hay cuộc đời của nhiều người mà tôi từng khích lệ trong lĩnh vực này là tiêu biểu, thì bạn sẽ tìm thấy ích lợi lớn lao khi gắn kết cuộc đời mình với những Ti-mô-thê, Ba-na-ba và Phao-lô: “sợi dây bện ba” của bạn. Bạn sẽ không dễ bị “đứt” nếu bạn phát triển những mối liên hệ này nhằm hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn bạn. Hy vọng đây là sự cổ vũ và là điểm khởi đầu cho “sợi dây bện ba” của bạn. Bạn cũng có thể tìm thêm về đề tài này trong những tài liệu có giá trị khác.

Câu hỏi chương 6

1.Làm cách nào bạn có thể tìm được một cố vấn?

2.Bạn nên làm gì trong thời gian cố vấn? Bạn nên gặp người cố vấn bao lâu một lần?

3.Bạn nghĩ gì về việc một lúc có nhiều cố vấn? Một người nên có bao nhiêu cố vấn?

4.Làm thế nào bạn có thể cố vấn cho những thành viên trong tổ làm việc hoặc những nhân viên dưới quyền bạn?

5.Bạn có thể nghĩ về ba người – là những người sẽ thực hiện tốt vai trò Phao-lô, Ti-mô-thê và Ba-na-ba – trong đời sống bạn hay không? Hãy viết ra tên của họ và cam kết gặp gỡ họ để thảo luận về mối quan hệ cố vấn – đây cũng là bước khởi đầu để gắn kết cuộc đời của bạn với cuộc đời của họ.