Đăng vào: 11 tháng trước
7. SỐNG NHƯ MỘT CHỨNG NHÂN ĐÍCH THỰC
Một dạo không lâu sau khi tôi được thăng chức làm phó chủ tịch tại Intel, tôi phải đi công tác xa đến tận bờ bên kia đất nước. Trên máy bay, tôi ngồi cạnh một phụ nữ hoàn toàn xa lạ và chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau. Cô ấy hỏi về công việc của tôi và tôi mô tả vai trò, trách nhiệm của mình tại Intel và một số thành công gần đây của tôi, cô ấy có vẻ bị thu hút.
Đáp lại, tôi hỏi về công việc của cô ta. Cô giải thích mình đang làm tổng biên tập cho công ty mẹ của tờ báo địa phương Portland, chỗ chúng tôi ở, và cho tôi biết một vài chi tiết liên quan đến công việc này. Một lúc sau, cô ấy vào đề và hỏi tôi nghĩ gì về tờ báo Portland.
Tôi giải thích rằng tờ báo địa phương đó có tiếng là thành kiến với Cơ đốc nhân, mô tả Cơ đốc nhân là những người yếu đuối và ngu dốt. Nhiều bài báo gần đây tỏ ra chống báng mạnh mẽ, gây xôn xao trong cộng đồng Cơ đốc. Tôi nhân cơ hội đó lịch sự nói rằng tôi nhận thấy thành kiến này không những xúc phạm cá nhân tôi trong tư cách một Cơ đốc nhân mà còn thể hiện sự kém cỏi trong nghề làm báo và sự kém hiệu quả trong phương thức kinh doanh.
Người phụ nữ đó ngạc nhiên – nếu không nói là bị sốc – bởi câu trả lời thẳng thắn của tôi. Vì uy tín của mình, cô ấy tiếp nhận những trăn trở của tôi một cách nghiêm túc. Vì đã thiết lập uy tín của mình với cô ấy khi nói chuyện lúc đầu, lời phê bình của tôi được ghi nhận. Sau đó, qua trao đổi thư từ, cô nói rằng cô có ý định không những điều tra mà còn giải quyết những trăn trở của tôi.
Nếu bạn đã tiến xa đến mức này và bắt đầu thực hành năm nguyên tắc đầu tiên mà tôi gợi ý, thì bạn nên sẵn sàng cho bước tiếp theo trong hành trình của mình: trở nên một chứng nhân tỏ tường. Nếu bạn khởi sự thực hiện những thay đổi quan trọng trong gia đình, công việc và trong những ưu tiên cá nhân của mình, người khác sẽ để ý thấy và nói những điều như: “Nè, sao dạo này anh đi làm về sớm vậy?” hay “Sao mấy Chúa nhật nay anh không chơi golf với bọn tôi nữa vậy?” hay là “Hôm nọ tôi để ý thấy anh đọc cái gì đó.”
Khi những câu hỏi này nhắm vào bạn, bạn sẽ trả lời thế nào? Bạn sẽ ngại ngùng đánh lạc hướng mối quan tâm của họ: “Có gì đâu, chỉ thử cải thiện bản thân một chút thôi mà”? Hay bạn sẽ nghiêm trang và thành thật công bố mối liên hệ của mình với Đức Chúa Trời và ước muốn sống một đời sống quân bình hơn bằng cách áp dụng những nguyên tắc của Ngài?
“Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha Ta ở trên trời; còn ai chối Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta ở trên trời” (Mat 10:32-33).
Phân đoạn Kinh thánh này cho thấy rằng những câu trả lời cho những câu hỏi dường như không mấy quan trọng đó có thể có những hàm ý sâu xa. Chúng ta có sử dụng chúng như những bàn đạp để chia sẻ sự sống và đức tin của mình cho người khác hay không?
Chúng ta dường như dễ e sợ hoặc bối rối không dám nói sự thật. Chúng ta né tránh câu hỏi hoặc tỏ ra lúng túng hoặc nói dối chút xíu. Nhưng tôi thách thức bạn đưa ra câu trả lời thẳng thắn và trong những tình huống đó, hãy tỏ mình là người thuộc về Đức Chúa Trời. Khi có ai hỏi: “Sao Chúa nhật anh không đi chơi golf?”, hãy đáp lời một cách kính cẩn và thành thật: “Tôi quyết định ưu tiên mối liên hệ giữa tôi với Đức Chúa Trời và tôi cam kết đến nhà thời mỗi Chúa Nhật. Hơn nữa, tôi muốn các con tôi thấy tôi là người lãnh đạo thuộc linh trong gia đình. Tôi muốn dẫn đầu và muốn chúng học theo gương tôi.”
Khi bạn trở thành một chứng nhân tỏ tường, hai điều vĩ đại sẽ xảy ra. Thứ nhất, bạn công khai xưng nhận mình là Cơ đốc nhân. Không bối rối, không thanh minh và không còn là Cơ đốc bí mật nữa, bạn tuyên bố mình là môn đồ Đấng Christ. Bạn nhận danh Ngài làm tên gọi của mình.
Thứ hai, bạn khiến mình trở nên có trách nhiệm đối với những người mà bạn đã bày tỏ mình là Cơ đốc nhân. Mỗi khi có mặt họ, bạn sẽ phải sống đúng với chuẩn mực Cơ đốc. Bạn đã tạo ra nơi người khác những kỳ vọng về bạn và những điều này sẽ nhắc nhở bạn ở bất cứ nơi nào bạn đi. Khi bạn trở thành một chứng nhân tỏ tường cho hai, ba, mười, hai mươi hoặc nhiều người hơn – là những người bạn gặp ở sở làm, ở nhà, nơi giải trí – thì bạn vừa phát triển được cả một mạng lưới những người mà bạn phải có trách nhiệm tỏ bày đời sống Cơ đốc. Họ đang dõi theo bạn và bạn biết điều đó.
Không bao lâu sau, bạn sẽ thấy mình không còn tình huống để có thể chểnh mảng trong nếp sống của mình. Điều này trở thành công cụ hùng mạnh để giúp bạn đi đúng hướng. Ví dụ, một khi bạn tỏ rõ mình không được có những lời lẽ bất xứng vì cớ vị trí của bạn trong Chúa Cứu Thế, thì trong tương lai, bạn không thể nào bất cẩn về điều đó bởi vì người khác sẵn sàng phản ứng lại. Hiện giờ tôi nổi tiếng là không uống rượu. Tôi có cả một mạng lưới nhân viên trong xưởng, trong ngành và trong vòng các khách hàng của chúng tôi biết về lập trường của tôi. Trong nhiều trường hợp, danh tiếng của tôi đi trước tôi và tôi biết mình phải sống đúng với những kỳ vọng và chuẩn mực mà tôi đã đặt ra.
BƯỚC RA TRONG ĐỨC TIN
Nhiều năm trước, khi tôi đang họp với Andy Grove, thì ông tuôn ra một tràng những lời báng bổ tỏ ý không hài lòng về một điều gì đó. Cách ông sử dụng danh Chúa của tôi một cách vô cớ như vậy khiến tôi khó chịu và tôi cảm nhận Chúa Thánh Linh thúc giục tôi hành động. Hơn nữa, Andy là một người vĩ đại trong nhiều phương diện và tôi cảm thấy hình tượng của ông bị giảm sút khi tuôn ra những lời như thế. Tôi thật sự không muốn đối chất với ông về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi không thể nào bỏ qua sự thôi thúc của Chúa Thánh Linh. Dù miễn cưỡng nhưng tôi cũng quyết định nói chuyện với Andy.
Sau khi cầu nguyện và chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi đến gặp riêng Andy và với cung cách kính trọng nhất, tôi nói: “Andy, tôi rất lấy làm cảm kích nếu như ông có thể tránh nói những lời báng bổ như thế. Tôi thấy bị đụng chạm và xin đề nghị ông cân nhắc trong việc cố gắng không xưng danh Chúa của tôi ra một cách vô cớ như thế.” Tôi đang làm chuyện điên rồ gì đây khi đề nghị một điều như vậy? Ông là “sếp” lớn, là nhà sáng lập, là chủ tịch, là thành viên ban quản trị. Ông có thể làm mọi điều ông muốn, kể cả việc sa thải tôi!
Nhưng, tôi thật kinh ngạc lẫn vui sướng khi nghe ông đáp với sự tiếp nhận tích cực: “Cậu nói phải lắm. Eva (vợ Andy) hay nhắc chừng tôi về chuyện này. Tôi sẽ lưu ý sửa chữa.” Ồ, bạn khó mà hình dung được tôi đã thở phào nhẹ nhõm ra sao khi nghe câu trả lời tích cực của Andy!
Vài tuần sau đó, tôi có mặt ở buổi tiệc chiêu đãi của Intel mà Eva cũng tham dự. Bà chủ ý tìm tôi giữa đám đông. Sau khi chào hỏi xong, bà nói ngay: “Cảm ơn, cảm ơn anh nhiều lắm!” Thật bối rối… Có chuyện gì mà phu nhân ngài chủ tịch lại cảm ơn tôi? Bà nói tiếp: “Nhiều năm qua tôi cứ nhắc nhở ông ấy luôn về mấy lời phạm thượng của ông ấy. Cảm ơn vì lời nhắc nhở của cậu!” Nhiều năm sau đó, nếu trong buổi họp, Andy có lỡ buông lời khó nghe, ông lập tức nhìn tôi ra hiệu rằng ông đã nhận biết mình lỡ lời và tái khẳng định trách nhiệm của ông đối với tôi trong khía cạnh này.
Bạn sẽ nhận thấy nhiều người nói chuyện kiểu đó sẽ không có cách đáp ứng tích cực, đáng trân trọng và nghiêm túc như Andy. Nhưng nhiều năm qua, tôi từng nói như vậy với cả trăm người khác, ít ra thì họ đã trả lời tôi một cách tôn trọng. Tôi không công kích tính cách hay thói quen của họ; tôi chỉ trình bày đề nghị của mình một cách nhã nhặn nhất. “Tôi rất lấy làm cảm kích nếu anh đừng đem danh Chúa của tôi ra nói một cách vô ý như vậy.” Tôi không đòi hỏi họ phải xem Ngài là Chúa. Tôi không lên án hành vi của họ. Tôi chỉ tha thiết yêu cầu họ lưu ý trong việc sử dụng danh Ngài khi có mặt tôi.
***
Nhiều năm về trước tại Intel, một chính sách được ban hành về việc lập những nhóm hỗ trợ nhân viên. Nhóm đầu tiên hình thành là Globe, nhóm hỗ trợ những người đồng tính nam và đồng tính nữ. Trong khi nhiều người thất vọng bởi sự tồn tại của một thực thể như thế, vài người khác lại nhận thấy đấy là cơ hội để hưởng lợi từ chính sách đó và tìm cách sử dụng nó làm sáng danh Đức Chúa Trời. Không bao lâu sau, Mạng lưới Cơ đốc nhân và Kinh Thánh của Intel, IBCN (Intel Bible Christian Network) được thành lập. Chính sách của công ty cho phép bất kỳ nhóm hỗ trợ nhân viên nào được hội họp miễn là nó đáp ứng được một số hướng dẫn chung.
Khi chuẩn bị ra mắt IBCN, những người thành lập nhóm muốn có một sự kiện ra mắt công khai và tôi được mời phát biểu. Tôi lo rằng việc làm này quá lộ liễu đối với một thành viên ban quản trị của công ty. Tôi cũng nhận thấy rằng nếu tôi đồng ý thuyết trình, tôi phải tường thuật trọn vẹn và chính xác về đức tin Cơ đốc của tôi. Sau khi suy nghĩ, cầu nguyện và tham khảo ý kiến từ vài người khác, tôi đã nhận lời. Trước vài trăm khán giả, tôi đã có bài phát biểu đầu tiên với đề tài “Quân bình giữa Đức Chúa Trời, gia đình và công việc.”
Bài phát biểu được đón nhận nồng nhiệt và kéo theo hai, ba, rồi bốn buổi nữa về đề tài “Quân bình” trong những sự kiện ra mắt khác của IBCN. Khi làm việc này, tôi đang bày tỏ niềm tin Cơ đốc của mình trước hàng trăm người trong công ty.
Kết quả là nhiều người chủ động tham gia vào IBCN. Nhiều người khác được khích lệ công khai niềm tin của mình hơn. Dầu vậy, kết quả ích lợi nhất là nhiều nhân viên cấp cao khác trong công ty bắt đầu tiến lên công khai xưng nhận mình là Cơ đốc nhân. Làm một chứng nhân tỏ tường không những có khả năng lan truyền sang người khác mà trong trường hợp này còn có khả năng tăng bội nữa.
VIỆC LÀM CHỨNG NHÂN TỎ TƯỜNG KHÔNG TRÁNH KHỎI RỦI RO
Nhiều năm trước, khi tôi còn là một kỹ sư cấp thấp đang nghiên cứu một bộ phận của mẫu thiết kế chíp 80386, thì có một kỹ sư khác dày dạn kinh nghiệm hơn tôi rất nhiều tên là Ed đang nghiên cứu bộ phận khác trong mẫu thiết kế đó. Anh công khai và lớn tiếng tỏ mình là người vô thần. Khi chúng tôi biết rõ về quan điểm của nhau, Ed bắt đầu đem tôi ra làm mục tiêu công kích cá nhân. Việc này cứ y như thể Ed đang cố làm sống lại những cuộc bách hại Cơ đốc nhân thời tại đấu trường La mã thời cổ đại và tôi là tiêu điểm chính. Anh ta ngày càng trở nên quá khích trong những công kích riêng tư lẫn công khai nhắm vào tôi.
Không phải là tuýp người ngồi yên nín chịu, để đáp lại từng lời công kích của anh ta, tôi bắt đầu gởi vào hộp thư điện tử của Ed những câu Kinh Thánh và bài suy gẫm hằng ngày. Nhưng những chứng cớ từ Kinh Thánh mà tôi gởi tới dường như khiến anh điên tiết hơn.
Khi tình hình ngày một leo thang và công khai hơn, thì điều lạ lùng xảy ra. Không cần phải thuyết phục hay kêu gọi, những người khác có niềm tin trong cùng bộ phận bắt đầu đứng về phía tôi. Rất bất ngờ, mọi người từ khu vệ sinh cho đến tiền sảnh đều nói với tôi rằng Ed thật quá đáng. Họ chia sẻ với tôi về niềm tin của họ và khích lệ tôi tiếp tục mạnh mẽ trước những công kích đó.
Dù kinh nghiệm này chẳng sánh vào đâu so với sự tử đạo ở thế kỷ thứ nhất, thứ hai và thứ ba, hoặc so với những gì đang xảy ra ngày nay ở một số nước bắt bớ người Cơ đốc, nhưng tôi nhận được một tầm nhìn mới mẻ về ích lợi của sự bách hại đối với cá nhân cũng như cho cộng đồng Cơ đốc. Khi được thư thả và dễ chịu, đức tin của chúng ta sẽ lên, xuống và dao động. Khi bị thách thức, chúng ta cần có quyết định dứt khoát, hoặc đáp trả hoặc lờ đi. Trong ví dụ cụ thể trên, cả hai trường hợp đó lẽ ra đã không xảy ra nếu tôi không sẵn lòng làm một chứng nhân tỏ tường. Ed cuối cùng cũng thôi công kích tôi. Anh ta cũng nể phục lòng tin quyết của tôi và chúng tôi trở nên thân thiết hơn trong chuyên môn. Tôi không biết liệu có hạt giống nào mà tôi từng gieo nẩy mầm trong cuộc đời anh và tạo nên sự biến đổi trong tình trạng thuộc linh của anh hay không. Sau vài năm, tôi mất hẳn liên lạc với anh Bây giờ, là một nhân viên cấp cao trong công ty, tôi hay được chọn đại diện cho Intel và thường cảm thấy những giá trị của mình chịu thử thách một cách đặt biệt. Intel là một công ty lớn và duy trì những chương trình huấn luyện liên tục nhằm lưu giữ đạo đức và nhất quán với những giá trị và chính sách mình đã công bố. Khi công ty tiến triển và trải qua những vấn đề khó khăn nào đó, như kinh nghiệm lỗi Pentium chẳng hạn, thì lập trường đạo đức vững chắc của chúng tôi càng trở nên rõ ràng và sắc bén hơn.
Năm 1998, chúng tôi gặp phải rắc rối với một công ty khách hàng có tên là Intergraph và tôi là một trong những người lãnh đạo của Intel chịu trách nhiệm cho lĩnh vực này. Thật không may vì tình hình ngày một xấu đi và phía Intergraph cuối cùng kiện Intel ra tòa về tội vi phạm hợp đồng, xâm phạm tài sản trí tuệ và bội tín. Tên tôi nằm trong danh sách những người của Intel bị đề cập trong vụ kiện.
Bạn có thể tưởng tượng tôi đã phải tự dằn vặt và suy xét thế nào vì cớ vụ kiện này. Biết bao lần tôi phải ôn lại diễn tiến những buổi họp giữa tôi và những thành viên phía Intergraph. Tôi đã hành động phù hợp với đạo đức chưa? Tôi đã làm mọi điều trong thẩm quyền của mình để tránh khỏi tình huống này hay chưa? Đâu là điều tôi đã có thể làm khác hơn?
Khi vụ kiện đang diễn ra thì một ngày nọ, một phóng viên tờ Wall Street Journal phỏng vấn tôi về nhiều đề tài kỹ thuật khác nhau. Đang khi phỏng vấn, anh nói: “Pat này, vì anh là Cơ đốc nhân nên tôi nghĩ lời làm chứng của anh sẽ thú vị hơn hết trong vụ kiện Intergraph này.”
Tôi đã không nghĩ phóng viên Dean biết tôi là Cơ đốc nhân nhưng chẳng biết sao anh ta lại biết được. Hơn nữa, anh ta cho rằng những nhân viên khác của Intel sẽ đưa ra những phát biểu có lợi cho công ty, nhưng anh ta chờ đợi ở tôi – là một Cơ đốc nhân – sẽ nói lên sự thật.
Thế là ngay hôm sau, niềm tin Cơ đốc của tôi được nhắc đến trong “quyển kinh thánh” của giới doanh nhân Mỹ, tờ Wall Street Journal. Một mặt, tôi hài lòng vì thấy niềm tin Cơ đốc của mình được nhắc đến công khai. Tuy nhiên, tôi thấy lo lắng khi sẽ phải khai nhận những điều mà những nhân viên không tin Chúa khác tại Intel sẽ không. Tệ hơn nữa, một số những nhận xét này đã bị những lãnh đạo cấp cao của Intel nhìn nhận một cách tiêu cực. Họ cảm thấy tôi đang tạo ấn tượng rằng những nhân viên Cơ đốc như tôi là đạo đức hơn những nhân viên không tin Chúa vậy. Ví dụ trên cho thấy làm một chứng nhân tỏ tường không phải là không có những nguy cơ của nó. Nhưng đó là điều mà chúng ta được kêu gọi thực hiện trong vai trò những người nam, người nữ có niềm tin.
ĐĂNG BẢNG CHÀO MỜI
Tôi thấy việc áp dụng những nguyên tắc trong quyển sách này sẽ tạo ra một danh tiếng giúp người khác dễ dàng tìm đến bạn khi họ cần giúp đỡ. Chồng của cô trợ lý điều hành trong bộ phận khác mắc bệnh ung thư. Dù chưa từng quen biết trước đây, cô ấy đã gặp tôi để cho tôi biết hoàn cảnh của cô và xin tôi cầu thay cho cô.
Bạn gái của một đồng nghiệp thình lình qua đời. Trong cuộc trò chuyện sau đó, anh cho tôi biết thể nào lời chứng của tôi trong những năm qua đã động viên anh trong nỗi đau mất mát của mình.
Gần đây tôi có nhận được thư của Carl, người làm chung tổ chức với tôi. Anh nhắc thể nào lời làm chứng của tôi vẫn đang thách thức anh. Thật ra anh thừa nhận mình từng tỏ ra tiêu cực, nếu không nói là phỉ báng đối với tôi. Nhiều năm qua, hình ảnh của tôi – hình ảnh một Cơ Đốc nhân – luôn đeo bám tâm trí anh. Cuối cùng, sau khi chuyển khỏi tổ chức của tôi nhiều năm, anh đã trở thành Cơ đốc nhân và nói rằng lời làm chứng của tôi là ảnh hưởng chính yếu trong đời sống anh.
Hãy hình dung một cuộc chuyện trò với một đồng nghiệp đang gặp khó khăn về sức khỏe hay một vấn đề cá nhân. Với lòng khiêm nhường và cảm thông, bạn nói: “Tôi sẽ nhớ đến anh và cầu thay cho anh.” Bất kể niềm tin là gì, người đó chắn chắn sẽ được khích lệ bởi một câu nói như vậy.
Dĩ nhiên, lý do vững chắc nhất cho việc trở thành chứng nhân tỏ tường là từ trong Kinh Thánh:
“Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được. Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Mat 5:14-16).
Cho phép tôi nhắc lại: công việc của bạn là nơi bạn thể hiện mình là một nhân viên tuyệt vời. Ao ước làm chứng nhân của bạn không thể nào đem thế chỗ cho việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Đầu tiên, hãy làm một nhân viên tốt và sau đó hãy tiếp tục như thế. Chỉ khi đó, bạn mới có thể làm một chứng nhân hiệu quả khi có những tình huống nảy sinh trong môi trường làm việc.
Một số Cơ đốc nhân dành quá nhiều thì giờ để làm chứng ở sở làm đến nỗi họ không còn là nhân viên giỏi. Điều đó là sai, và nó sẽ bào mòn vị trí và tiếng tốt của họ trong vai trò của một nhân viên. Tiếp đến, nó sẽ cản trở họ làm một chứng nhân đáng tin cậy. Đối với hầu hết những gì được đề cập trong sách này cũng như những điều hệ trọng trong cuộc sống, chìa khóa chính là một sự quân bình hợp lý.
Khi đi công tác đây đó, tôi có cơ hội thuyết trình trong nhiều tình huống khác nhau. Khi tôi ở những thành phố xa xôi, tổ chức Chiến dịch Học đường cho Đấng Christ (Campus Crusade for Christ – CCC) có thể sắp xếp những buổi nói chuyện để tôi có thể làm chứng và thuyết trình về nghệ thuật sống quân bình cho giới doanh nhân, những nhóm Cơ đốc nhân và những buổi họp mặt của nam giới. Tôi thích đề tài này, và thậm chí tôi còn luyện vài chiêu tung hứng để làm bài học trực quan. Tuy nhiên, dù tôi thích có cơ hội thuyết trình, tôi chỉ nhận lời khi lịch làm việc của tôi cho phép.
Intel không trả tiền cho tôi bay nửa vòng trái đất để làm nhà truyền giảng lưu động. Họ cho tôi đi đây đó để hoàn tất công việc và tôi luôn thách thức những nhóm Intel ở các nước mà tôi đến thăm phải làm sao để tôi luôn bận rộn. Đối với nhân viên Intel trên khắp thế giới, tôi muốn nổi tiếng là người làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình trong mọi công việc tôi làm cho công ty. Tuy nhiên, trong những chuyến đi công tác đó, vào những ngày cuối tuần hoặc buổi tối rảnh rỗi, tôi sẽ nắm lấy cơ hội này để làm một chứng nhân tỏ tường.
Trong một sự kiện của tổ chức CCC ở Ấn Độ, một nhân viên cấp cao nổi bật trong báo giới đề nghị được phỏng vấn tôi về bài nói chuyện của tôi. Tôi nhận thấy đây là cơ hội hiếm có và đã nhận lời. Tuy nhiên, khi cuộc chuyện trò trở thành buổi thảo luận về công việc kinh doanh của Intel, tôi thấy mình cần phải làm sáng tỏ hai vai trò riêng biệt này. Những gì tôi nói trong khuôn khổ này chỉ mang tính cá nhân, chứ không phải trên danh nghĩa là nhân viên của Intel. Muốn bàn về công việc kinh doanh của Intel, chúng tôi phải sử dụng những kênh báo chí thông thường của Intel và phải tuân theo những trình tự về báo chí của Intel trong cuộc phỏng vấn.
Để làm chứng hiệu quả ở sở làm, bạn cần học và thực hành một sự tách bạch rõ ràng giữa địa vị một nhân viên gương mẫu (chương 5) và một chứng nhân tỏ tường (chương 7). Vụ kiện Intergraph và tờ Wall Street Journal mà tôi kể ở trên là một bài học kinh nghiệm cho tôi. Dù cảm thấy yên tâm về những câu trả lời của mình trong buổi phỏng vấn nhưng việc nhìn thấy sự phản ứng và những gì được đăng tải trên mặt báo đã dẫn tôi đến thận trọng hơn trong việc tách bạch rõ ràng giữa hai vai trò này. Điều lẽ ra tôi có thể làm và nên làm là dừng cuộc phỏng vấn lại và nói rằng đây là buổi phỏng vấn về đề tài kỹ thuật, vì thế tôi không thể trả lời những câu hỏi liên quan đến niềm tin cá nhân của tôi được.
Cuối cùng, làm một chứng nhân tỏ tường đòi hỏi bạn phải luôn gìn giữ và mài giũa những kỹ năng của một anh hùng đức tin.
“Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (IITi 4:2).
Trong một chuyến công tác nọ, đồng nghiệp cùng đi với tôi là một người vô thần. Anh ta hăm hở dùng kiến thức về lĩnh vực Kinh Thánh của mình thách thức tôi, nhất là ở những khía cạnh rất khó bênh vực từ góc nhìn của khoa học. Một khi đã tranh luận kịch liệt, chúng tôi khó lòng dừng lại. Đến lúc đáp máy bay, cả khoang thương gia trên chuyến bay ngày hôm đó đều biết đến cuộc khẩu chiến của chúng tôi. Thật ra, có một vài người còn tham gia vào trận khẩu chiến. Hơn nữa, anh ta đưa ra một số điểm rất sắc bén mà tôi chưa được chuẩn bị kỹ để trả lời. Qua đó, tôi được thách thức phải nghiên cứu một số quan điểm sắc bén của anh ta để trong tương lai tôi có thể sẵn sàng bảo vệ niềm hi vọng trong Chúa Cứu Thế của mình.
Hóa ra người này từng là nhân sự trong một tổ chức vô thần địa phương. Tuy nhiên, dầu đã tranh cãi gay gắt, chúng tôi vẫn duy trì mối liên hệ đồng nghiệp thân tình trải qua nhiều năm sau đó cho đến khi anh ta về hưu. Dẫu rằng anh ta không có vẻ gì là chấp nhận niềm tin Cơ đốc, nhưng tôi biết rằng anh ta đã nghe về phúc âm ít nhất một lần.
***
Chúng ta đã đi qua những nguyên tắc căn bản trong sách này và tôi tin rằng giờ đây bạn có thể thấy được việc áp dụng chúng sẽ thiết lập danh tiếng và ảnh hưởng của bạn như thế nào ở chỗ làm, ở nhà, trong nhà thờ và trong cộng đồng. Người ta sẽ thấy bạn là một người có nghị lực và có thứ tự ưu tiên hợp lý. Chỗ đứng đó sẽ đem đến cho bạn vô số cơ hội làm chứng nhân tỏ tường và can đảm cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong chương 8, tôi sẽ thảo luận một số hướng dẫn về cách vận dụng hiệu quả niềm tin của bạn trong nơi làm việc và thương trường.
Câu hỏi chương 7
1.Làm thế nào để nắm bắt cơ hội chia sẻ Lời Đức Chúa Trời ở sở làm của bạn? Bạn sẽ làm điều đó bằng cách nào? Bạn có kinh nghiệm cụ thể nào trong việc này không?
2.Tình huống nào là không phù hợp khi làm chứng trong nơi làm việc?
3.Điều gì khiến bạn không được thoải mái khi chia sẻ niềm tin của mình? Đâu là những bước thể mà bạn có thể vạch ra nhằm giúp bạn giải quyết vấn đề này? Hãy thực hành chia sẻ niềm tin với một cố vấn hoặc một người bạn Cơ đốc của mình. Hãy vào cuộc từ những chỗ mà bạn cảm thấy thoải mái để chia sẻ những điểm đơn giản về niềm tin của mình.
4.Một người có thể sống quân bình không nếu người đó không phải là Cơ đốc nhân?
5.Đâu là những tình huống thực tiễn đang diễn ra trong đời sống mà bạn cảm thấy mình nên làm một chứng nhân Cơ đốc tỏ tường nhưng lại không đủ can đảm để thực hiện?