4. ƯU TIÊN GIỜ GIA ĐÌNH

Nghệ Thuật Sống Quân Bình

Đăng vào: 5 tháng trước

.

4. ƯU TIÊN GIỜ GIA ĐÌNH

Lee và Anne Marie, là những thuộc viên của Hội Thánh và là những bạn thân của gia đình chúng tôi, quyết định để Đức Chúa Trời hướng dẫn trong việc đưa gia đình họ bước vào cánh đồng truyền giáo. Sau hơn một năm chuẩn bị, vào tháng 1 năm 1998, họ ra đi để bắt đầu những kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên của mình. Mùa hè năm đó, vừa lo lắng vừa muốn khích lệ các bạn mình, chúng tôi cùng với hai con lớn – Elizabeth và Josiah – vượt một chặng đường dài đến Kenya thăm họ. Lúc đó chúng tôi để Micah và Nathan ở lại vì chúng chưa đủ lớn để đi cùng. Vào một tối nọ không lâu sau khi chúng tôi đã trở về sau chuyến đi, sau khi cầu nguyện, Micah không ngủ mà bước ra khỏi phòng. Khi các con chúng tôi còn nhỏ, Linda tỏ ra nghiêm khắc với chúng: Khi đến giờ ngủ chúng phải lên giường ngủ và phải ở đó trừ khi có chuyện cấp bách. Vì thế, đêm đó, khi Micah bước ra khỏi phòng, Linda lập tức rầy thằng bé và buộc nó trở lại giường. Nhưng khi đứa con tám tuổi của chúng tôi dõng dạc tuyên bố: “Chúa muốn con làm giáo sĩ ở Kenya!” chúng tôi vừa kinh ngạc vừa ngờ vực. Linda và tôi cho rằng chuyện đó cũng giống như một đứa trẻ nói rằng: “Con muốn làm lính cứu hỏa,” hay “Con muốn trở thành tổng thống,” hoặc “Con sẽ làm cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp” và rồi mau chóng quên đi. Vì vậy, chúng tôi mỉm cười tán thành nhưng lòng thì hoài nghi. Tuy nhiên, vào năm 2001, trong kỳ nghỉ năm sa-bát lần thứ ba của tôi khi làm tại Intel, gia đình chúng tôi tổ chức chuyến đi Kennya trong ba tuần. Lần này có cả Micah cùng đi. Chúng tôi đến thăm Lee và Anne Marie, cũng như những người bạn giáo sĩ Keith và Kathy đang hầu việc Chúa với bộ tộc Turkana ở một vùng khô cằn, hoang vắng thuộc phía bắc đất nước Kenya, ngay bên dưới sa mạc Sahara.

Cuối chuyến đi, Micah nói: “Cảm ơn ba mẹ đã đưa chúng con đến đây. Con thích chuyến đi này lắm! Và con vẫn muốn trở thành giáo sĩ ở Kenya!”

Kinh nghiệm đó minh chứng cho giá trị của hai điều: việc đầu tư thời gian giúp các con của bạn thêm lòng yêu mến Chúa và việc dành thì giờ cho những kỳ nghỉ gia đình. Trong chương này, bạn sẽ thấy rằng không phải lúc nào tôi cũng làm tốt hai điều như thế.

Phu 6:5-9 chép:

“Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi, khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi trỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà và trên cửa ngươi.”

Tôi đã đọc và suy gẫm phân đoạn Kinh thánh này nhiều năm qua. Càng đọc tôi càng được khích lệ và càng thêm yêu thích nó. Hãy đọc lại lần nữa và để những lời Môi-se truyền tràn ngập trong tâm trí cũng như tấm lòng của bạn. Cứ để nước mắt bạn tuôn trào khi bạn hiểu ra rằng Đức Chúa Trời thật nhiệt thành với Lời Ngài – Ngài mong mỏi lời đó được các bậc làm cha mẹ xác quyết và ghi khắc vào đời sống con cái họ.

Trải qua nhiều thế hệ, phân đoạn Kinh thánh này dẫn đến việc sử dụng chiếc hộp nhỏ đựng thánh điển (phylactery) được truyền lại cho những người Do Thái Chính thống cho đến ngày nay như một biểu tượng của Lời Đức Chúa Trời trong đời sống họ. Họ cũng buộc những hộp nhỏ có chứa những câu Kinh thánh này trên tay và trước trán để làm bằng chứng thuộc thể rõ ràng về lòng yêu mến Lời Đức Chúa Trời của họ. Ồ, ý định của tác giả là chúng ta cũng có được lòng yêu mến và say mê Lời Đức Chúa Trời. Thật sống động làm sao khi tác giả nhận thấy lòng say mê đó phải được truyền từ cha mẹ cho con cái! Bạn có thể nào đọc Thi 119:1-176 – “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi” mà lại chưa từng được thúc giục để thêm lên lòng yêu mến Lời Đức Chúa Trời không?

Có thể hầu hết độc giả đang đọc quyển sách này không phải là hậu duệ người Do Thái, nhưng tôi thách thức bạn hãy xem xét phân đoạn Kinh thánh này với lòng yêu mến như Môi-se mong muốn. Tín ngưỡng và tập tục của gia đình bạn là gì? Làm thế nào bạn truyền chúng lại cho thế hệ kế tiếp? Tiêu chuẩn luân lý và đạo đức của bạn là gì? Làm thế nào gia đình bạn biết cách gìn giữ những điều chân thật và hệ trọng này cho cuộc đời mình?

Trong thế giới thông tin liên lạc kết nối mau chóng này, chúng ta bị tấn công dồn dập bởi những muôn vàn những lựa chọn khác nhau: Người ta có thể chọn lựa tùy ý từ một cái hồ hầu như bất tận của nhiều lối sống và nhiều hệ thống tôn giáo và triết học. Khi con cái chúng ta đương đầu với hàng hàng lớp lớp những lựa chọn đến chóng mặt này, công việc của chúng ta không chỉ đơn giản là đưa ra một danh sách chi tiết đầy ắp những lựa chọn giữa cái này với cái kia. Không, là cha mẹ chúng ta cần giúp chúng phát triển một cách vững chắc và giúp chúng hiểu về niềm tin và truyền thống của chúng ta, cùng làm việc với chúng để giúp chúng phát triển niềm tin cá nhân là điều sẽ chi phối phần còn lại của cuộc đời chúng. Hơn nữa, để làm gương cho con cái, chúng ta cần sống với những giá trị và sự tin quyết đó trong một môi trường giáo huấn tốt nhất – ấy là đời sống hằng ngày của chúng ta.

Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá vài công cụ nhằm giúp bạn dành thời gian để tạo ảnh hưởng trên đời sống con cái mình.

BỮA SÁNG CHO HAI NGƯỜI

Gần hai mươi năm trước, khi con gái Elizabeth của chúng tôi được 5 tuổi, tôi bắt đầu dẫn con gái đi ăn sáng mỗi tháng một lần. Khi các con trai tôi lần lượt chào đời, tôi bắt đầu dẫn hai, ba rồi đến bốn đứa đi ăn sáng hàng tháng. Tôi dùng bữa sáng luân phiên mỗi tuần với các con. Đây là cách rẻ tiền để tôi có thời gian riêng với từng đứa. Chúng tôi thường dùng chung một phần ăn sáng mà chính bọn trẻ sẽ tùy thích chọn, điều đó càng làm cho bữa ăn thêm hấp dẫn. Tuy nhiên, khi bọn trẻ lớn lên chúng không muốn san sẻ phần ăn của chúng với tôi nữa. Thay vì vậy, chúng gọi phần ăn riêng – đặc biệt là những đứa con trai – và còn ăn hết một phần ăn của tôi nữa chứ!

Trải qua nhiều năm, các con tôi ngày càng trông đợi thì giờ đặc biệt đó: giờ đặc biệt của từng người với bố. Khi hai chúng tôi về nhà sau bữa sáng, những đứa khác luôn hỏi: “Anh đã đi đâu?”, “Chị đã ăn món gì?”… “Em sướng thật vì hôm nay là đến lượt em.” Đôi khi, trên đường đi làm tôi đưa con đến trường, điều này càng khiến buổi hẹn thêm đặc biệt.

Dĩ nhiên là với lịch công tác bận rộn của mình, tôi không tài nào sắp xếp những bữa ăn sáng với các con đều đặn mỗi tuần được. Nhưng tôi có yêu cầu thư ký của mình xếp lịch và dành ưu tiên giờ dùng bữa sáng với các con tôi. Đôi khi tôi cũng kẹt một chút vì lịch tập thể dục, nhưng thường thì chúng tôi cũng thu xếp được để theo đúng lịch. Khi bắt đầu làm điều này, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng: nếu tôi bắt đầu trò chuyện với chúng khi chúng còn bé, thói quen đó sẽ có ích khi chúng bước vào tuổi niên thiếu đầy khó khăn và ít ra chúng tôi vẫn có thể gặp gỡ để trò chuyện.

Chương trình nghị sự vào bữa sáng của chúng tôi khá đơn giản. Tôi yêu cầu con tôi đưa cho tôi một lịch trình viết tay, đúng quy cách, kèm theo những biên bản, những thông tin cập nhật về những việc làm đã nhất trí trong lần ăn sáng trước đó và một danh sách những đề xuất mới cho lần hẹn này.

Tôi chỉ đùa thôi. Tôi chẳng có chương trình nghị sự nào cả. Chương trình nghị sự thật sự là bất cứ điều gì các con tôi muốn nói. Tôi thường nghĩ ra nhất một đề tài trong trí nhằm hướng việc trò chuyện đến một chỗ nào đó. Có thể đó là chuyện gia đình, một điều gì đó mà tôi nặng lòng, một câu Kinh thánh hoặc một đề tài thuộc linh nào đó. Chúng tôi luôn thảo luận về việc học ở trường như thế nào, đời sống thuộc linh chúng hiện giờ ra sao và về bất cứ điều gì khiến chúng lo nghĩ.

Khi bọn trẻ dần lớn lên, chúng bắt đầu có những câu hỏi và những vấn đề mà chúng muốn thảo luận. Đôi khi đó là một mớ câu hỏi liên quan đến bài tập ở nhà. Đôi khi chúng bày đầy các bài kiểm tra và sách vở ngay trên lên bàn ăn của nhà hàng. Có khi chúng muốn thảo luận những vấn đề liên quan đến đời sống thuộc linh của chúng. Một lần, con gái tôi gặp phải mấy đoạn Kinh thánh khó hiểu. Tôi có cảm tưởng như mình đang dự thi đố Kinh thánh vậy; những phần Kinh thánh đó thật là hóc búa. Tôi rất tự hào thấy chúng trông chờ và lên kế hoạch để làm sao tận dụng thì giờ này.

Sau nhiều năm làm điều này, các con tôi hiếm khi nào từ chối lượt ăn sáng của mình. Thỉnh thoảng cũng có đứa lè nhè: “Con mệt quá, ba à!” Nếu vậy, tôi sẽ rủ đứa kế tiếp đi; với những bốn đứa con, thật là không bình thường nếu tôi không dỗ ngọt được đứa nào cùng ăn sáng với “người cha già đáng thương” này.

Với ba đứa con giờ đã tự lập, chuyện luân phiên dùng bữa sáng với nhau càng không thể dự tính trước. Nhưng bất cứ khi nào chúng về nhà hoặc khi có thể thì chúng tôi sẽ cố gắng ra ngoài dùng bữa để lại có giờ cho hai người như ngày xưa. Thường thì chúng tôi ăn ở khu Starbucks hoặc những chỗ tương tự. Một lần, dù rất bận Elizabeth vẫn muốn ăn sáng với tôi. Tôi rất kinh ngạc khi con bé đồng ý gặp tôi lúc 5 giờ sáng trước khi tôi chuẩn bị ra phi trường. Bạn sẽ không tưởng tượng nổi có người cha nào tự hào hơn tôi đâu.

Khi các con còn sống chung với gia đình, tôi cố gắng có thời gian cho hai người vào cuối tuần với từng đứa một. Có thể là tôi để con ngồi vào lòng cùng đọc sách khi chúng còn bé, chơi bóng rổ, chơi cờ, giúp việc nhà, cùng tập thể dục, cùng làm vài việc vặt, chơi cầu lông hoặc tennis, tập lái xe, chơi golf chín hoặc mười tám lỗ, hay chỉ là ngồi trò chuyện về trường lớp hoặc thể thao. Chiều hoặc tối Chúa nhật, trước khi những ngày cuối tuần kết thúc và một tuần lễ làm việc quay cuồng khác sắp bắt đầu, tôi điểm lại và tự hỏi: Tôi có dành thời gian cho từng đứa con của mình hay chưa? Tôi có tiếp xúc cá nhân với cả bốn đứa chưa? Nếu chưa, tôi sẽ mau chóng sửa sai và hỏi chúng thích làm những gì.

Hiện tại, khi các con đi học xa hoặc ra ở riêng, tôi vẫn đang cố gắng trò chuyện với chúng ít ra là mỗi tuần một lần. Rất dễ lơ là với chúng khi tôi không thấy chúng thường xuyên trong nhà.

Một người bạn thân gần đây cho tôi biết anh đang thực hiện “giờ cho hai người” với các con của anh. Mỗi cuối tuần anh có những hoạt động riêng với từng đứa. Một người khác cho tôi hay sau khi nghe qua phương pháp của tôi, anh bắt đầu thực hiện dùng bữa ăn sáng với từng đứa con, và giống như gia đình tôi, thì giờ đó trở thành thì giờ hạnh phúc cho cả nhà.

Mục tiêu của tôi là biết rõ các con của mình qua những thì giờ dành riêng cho chúng. Tính cách độc đáo của chúng là gì? Chúng yêu thích và say mê những gì? Chúng còn những lĩnh vực yếu kém nào cần tôi cầu thay? Chúng được Chúa ban cho ơn tứ đặc biệt nào? Như Ch 22:6 dạy rằng:

Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”

Xin chú ý ở đây nói “con đường nó phải theo,” chứ không phải con đường bạn quyết định chúng phải đi. Điều này nói đến năng khiếu hoặc xu hướng tự nhiên độc đáo của từng đứa trẻ. Có thể bạn thích chơi bóng đá còn con trai bạn yêu âm nhạc. Bạn có nên buộc con đi theo xu hướng của bạn và ép con chơi bóng, hay là bạn sẽ học cách trân trọng và khuyến khích niềm đam mê âm nhạc ở chúng và trông chờ ngày dự buổi hòa nhạc hoặc màn biểu diễn độc tấu của con? Bạn sẽ buộc con chọn sự nghiệp của bạn hoặc công việc kinh doanh của gia đình làm sự nghiệp của nó, hay bạn nên tìm hiểu khuynh hướng của con để giúp con chọn ngành nghề thích hợp với những tài năng mà Đức Chúa Trời ban? Đây là điều khó khăn hơn hết cho chúng ta là những người cha người mẹ. Hiện tại, dường như các con tôi chẳng đứa nào theo ngành công nghệ hay kỹ thuật và tôi khó có thể chấp nhận điều này. Tôi là một kỹ sư và tôi rất yêu nghề. Các con tôi có buộc phải làm kỹ sư như tôi không?

Trước khi bước vào năm học đầu tiên ở đại học, Nathan đến gặp tôi trò chuyện. Thằng bé có vẻ rất lo lắng. Như đã nói, Nathan đang học mục vụ âm nhạc và thanh niên, với mong muốn được bổ nhiệm trong chức vụ trọn thời gian. Thằng bé sợ rằng nó đang chọn một nghề không sinh lợi như nghề của tôi. Nó cũng lo rằng khi không bước theo dấu chân của tôi, nó sẽ không thành công trong mắt của tôi. Tôi hết sức kinh ngạc. Tôi không ngờ mình là nguồn khích lệ mạnh mẽ cho thằng bé trong thời điểm quyết định lựa chọn nghề nghiệp này. Tuy nhiên, thằng bé đã khóc và reo to khi tôi tán thành. Đơn giản thằng bé cần sự chúc phước của tôi. Nó muốn biết chắc tôi, là cha nó, có tán thành con đường sự nghiệp mà nó đang chọn hay không.

Tôi cho Nathan biết dĩ nhiên là tôi tán thành. Khi chúng ta vào thiên đàng, loại tiền tệ duy nhất có ý nghĩa ấy là những cuộc đời mà chúng ta đã ảnh hưởng tích cực cho vương quốc Đấng Christ. Tiền tài danh vọng chóng qua, nhưng việc ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời của người khác đem lại kết quả đời đời. Thật ra, với tài năng và ân tứ của mình, Nathan có thể thành công hơn cả tôi. Thằng bé sẽ tác động đến nhiều cuộc đời cho cõi đời đời hơn tôi. Thật vậy, tôi tin quyết rằng trong cõi đời đời, Nathan sẽ được thành công hơn tôi.

Dựa vào tính cách từng đứa, tôi thích đoán thử các con mình thích môn thể thao hoặc nhạc cụ nào. Tôi cũng thích thử dự đoán nghề nghiệp tiềm năng của các con dựa trên những tài năng của chúng. Tôi đặc biệt cầu nguyện để biết cách dưỡng dục và khích lệ chúng.

Tôi nhớ lại kỳ trại gia đình cuối tuần gần đây với diễn giả là Michael Smalley. Là nhà tâm lý học Cơ đốc, ông cho chúng tôi làm bài khảo sát tính cách, rồi sau đó khuyến khích chúng tôi cho các con làm điều tương tự. Tôi cho là mình hiểu các con khá rõ, nhưng trong khi tôi có thể dự đoán chính xác tính cách của 3 đứa, duy có Josiah là tôi không tài nào lần ra mặt mạnh của nó. Khi nhìn vào kết quả dự đoán, tôi rất sửng sốt. Thật bất ngờ, tôi hiểu ra tính cách yên lặng tự nhiên của thằng bé ẩn giấu những cá tính lãnh đạo mạnh mẽ. Hơn nữa, điều này lý giải nhiều lĩnh vực mà tôi phải vật lộn với thằng bé mà không hiểu nổi tại sao hai cha con chúng tôi phải xung đột như vậy. Thật hứng khởi khi nhận ra nguyên nhân của sự xung đột và đột nhiên có sự hiểu biết mới mẻ để cải thiện mối quan hệ của chúng tôi.

NHỮNG KỲ NGHỈ GIA ĐÌNH

Như đã nhìn nhận, tôi rất chịu khó làm việc và làm việc bền bỉ. Không lấy gì làm ngạc nhiên khi trong quá khứ tôi coi chuyện đi nghỉ mát hoàn toàn là do nhu cầu riêng tư. Trong 10 năm đầu làm việc tại Intel, trung bình tôi đi nghỉ dưới một tuần một năm. Quá bận rộn với nhà trường, tôi luôn thấy công việc lúc nào cũng ngổn ngang. Bên cạnh đó, tôi yêu thích những gì mình đang làm ở công ty và ở trường. Thế thì tại sao tôi phải dừng công việc lại để làm những chuyện nhàm chán như là nghỉ ngơi và thư giãn kia chứ? Tôi yêu thích công việc, vì thế… phải ráng làm thêm chút nữa!

Thế rồi một ngày nọ, Linda – người vợ đáng yêu, chịu thương chịu khó của tôi – buộc tôi ngồi lại để trình bày một quan điểm hoàn toàn khác hẳn. Dù tôi có thể không cần đến những điều mà người ta gọi là kỳ nghỉ, nhưng đang khi đi nghỉ, gia đình cần có tôi. Kỳ nghỉ nhất định phải là khoảng thời gian mà cả gia đình chúng tôi cùng nhau trải qua và xây dựng những ký ức tốt đẹp mà chúng tôi sẽ cùng nhau sẻ chia trong những năm tháng sắp đến. Nghe thật đơn giản, nhưng đáng ngạc nhiên là tôi đã không nhận ra điều này cho đến khi vợ tôi nói cho tôi biết.

Dĩ nhiên, cô ấy nói rất phải. Mỗi khi Linda lớn tiếng khẳng định, chẳng mấy khi tôi nhìn nhận cô ấy đúng, còn mình thì sai. Nhưng lần này, tôi không chút ngần ngại nói với cô ấy: “Ừ, em nói đúng. Cho anh xin lỗi.” Kể từ buổi nói chuyện đó, gia đình chúng tôi không bỏ lỡ một ngày nghỉ phép nào của tôi.

Chúng tôi cố gắng khai thác triệt để những kỳ nghỉ của mình. Cả nhà chúng tôi lên kế hoạch và bàn luận kỹ lưỡng. Chúng tôi thực hiện những chuyến đi dài lẫn những chuyến đi ngắn. Thật ra, trong kỳ nghỉ sa-bát lần thứ ba của mình khi làm ở Intel, tôi đã có thời gian tuyệt vời để viết ấn bản đầu tiên của quyển sách này. Chúng tôi đi du lịch xuyên Châu Âu, bao gồm London, Paris, Thụy Sĩ, Đức và Áo, sau đó là dành 3 tuần lễ ở Kenya.

Chúng tôi trải qua thời gian tuyệt vời đi thăm nhiều nước, nhiều thành phố và nhiều nền văn hóa cũng như thăm những người bạn giáo sĩ ở Kenya và thực hiện những chuyến đi săn trên hoang mạc Phi châu. Với thời gian dành cho gia đình chúng tôi cùng trải qua những kỳ nghỉ ở nhà nghỉ của gia đình hoặc đi cắm trại. Chúng tôi đi chơi ở khu giải trí Disney World, quần đảo Caisos ở vùng biển Caribê, và đôi khi sum họp gia đình ở bờ Đông. Bọn trẻ coi kỳ nghỉ năm đó là vui hơn bao giờ hết.

Những năm khác chúng tôi đi thăm công viên quốc gia hoặc về bờ Đông thăm ông bà nội bọn trẻ. Những dịp khác thì tôi và Linda có những chuyến đi lãng mạn chỉ có hai người đến Thái Lan, Úc và Hawaii. Cả gia đình chúng tôi có chuyến đi dài đến New Zealand và Úc. Chúng ta cũng thực hiện chuyến đi gia đình đến Banff và Jasper ở Canada.

Chúng tôi cũng cố khai thác thêm thời gian đi nghỉ từ công việc thường nhật của mình. Chúng tôi sẽ dành cả ngày cuối tuần hoặc lúc trường học cho nghỉ lễ để đi trượt tuyết hoặc tắm biển. Chúng tôi mua nhà nghỉ để làm nơi lưu giữ thêm nhiều kỳ niệm gia đình. Nhà nghỉ tạo nhiều cơ hội đi chơi xa hoặc đến đó với vài đứa bạn thân của các con tôi. Ngay sau khi nắm được lịch học của các con, tôi sẽ nhờ thư ký để riêng ba hoặc bốn ngày nghỉ cuối tuần trên lịch của tôi. Thỉnh thoảng, tôi cũng cần làm việc trong mấy ngày nghỉ ở nhà nghỉ mát, nhưng căn bản thì chỉ cần đi xa một chuyến là chúng tôi đã có được giờ gia đình thú vị.

Dù rất khó kiếm được thời giờ dành cho gia đình, nhưng chỉ cần lên kế hoạch đôi chút thì bạn sẽ kinh ngạc khi thấy mình có thể tìm được thêm nhiều thì giờ quý giá cho những cuộc sum vầy đầy ý nghĩa. Hãy nỗ lực hơn nữa để bảo vệ những giờ đặc biệt này, rồi bạn sẽ có được những kỷ niệm gia đình đáng nhớ.

Nếu bạn chưa có thói quen ưu tiên cho kỳ nghỉ gia đình, tôi khuyên bạn nên khởi sự làm điều đó.

HẸN HÒ VỚI NGƯỜI BẠN ĐỜI

Tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy thú vị khi trò chuyện với những ai thường xuyên hẹn hò với người bạn đời của họ. Tôi cũng kinh ngạc trước số người không thể nhớ nổi lần hẹn gần nhất giữa họ với người bạn đời của họ là khi nào. Rất nhiều lần, những cặp vợ chồng cho phép mình chuyển toàn bộ sự tập trung sang con cái. Họ đầu tư hết tiền bạc, thời gian và tình cảm vào con cái. Dĩ nhiên, con cái chúng ta rất cần cả ba điều đó. Tuy vậy, hôn nhân của chúng ta phải được ưu tiên hơn cả mối liên hệ giữa chúng ta với con cái.

Chỉ với hôn nhân lành mạnh mới có gia đình lành mạnh. Hôn nhân lành mạnh là nền tảng cho gia đình, nơi dưỡng dục con cái. Thật không may, dữ liệu điều tra dân số gần đây nhất cho thấy chiều hướng giảm sút không ngừng số gia đình hiện diện đủ cha và mẹ -hiện tại dưới hai mươi lăm phần trăm trong tổng số gia đình ở Mỹ là có đủ cha mẹ. Rõ ràng là có quá nhiều người đã không ưu tiên đúng mối quan hệ giữa họ và người bạn đời của mình.

Mối quan hệ hôn nhân phải được xem là mối quan hệ quan trọng hơn hết của con người. Trong Sáng thế ký, chúng ta đọc thấy mạng lệnh:

“Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sa 2:24).

Tôi thích chọn những từ ngữ hơi khác đi để thay thế cho 3 mạng lệnh mà chúng ta thấy ở đây. Chúng tạo ra giai điệu hấp dẫn giúp bạn dễ ghi nhớ những mạng lịnh này:

1.Người nam sẽ lìa (leave) cha mẹ. Trong cuộc đời mình, đây là thời điểm người nam cắt dứt những mối dây lệ thuộc vào cha mẹ mình.

2.Người nam sẽ dính liền (cleave) cùng với vợ mình. Người namphải thay mối quan hệ phụ thuộc vào cha mẹ bằng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với vợ mình.

3.Cuối cùng, cuộc đời hai người phải kết chặt với nhau (weave) và trở nên một thịt. Cuộc đời họ phải tan chảy và hòa quyện với nhau để hai người trở thành một thực thể. Những giá trị, hoạt động và mục tiêu của họ phải kết chặt với nhau.

Tôi gợi ý bạn và người bạn đời mình nên cẩn thận cân nhắc khuôn mẫu này: Lìa, dính liền, kết chặt. Thiếu quan tâm vào mối quan hệ hôn nhân sẽ đặt toàn bộ cấu trúc gia đình trên một nền cát lún. Con cái sẽ sớm rời xa tổ ấm gia đình; rồi đột nhiên bạn có cảm giác sống với vợ hoặc chồng mình như thể sống với một người xa lạ. Bạn sẽ đánh mất luôn cả lớp vỏ bọc của một mối quan hệ gần gũi với người mà bạn gọi là bạn đời.

Có một dạo, Linda bận túi bụi với lũ trẻ. Với bốn đứa trẻ phải chăm sóc cộng với lịch trình đi công tác liên tục của tôi, điều này chẳng gì là ngạc nhiên. Sự thể phải như vậy. Có đôi lúc tôi cảm thấy khó chịu bởi cô ấy dường như dành ưu tiên cho các con trên hết mọi thứ khác, kể cả tôi. Một tối nọ, tôi hỏi cô ấy: “Linda, với em bộ anh không quan trọng hơn các con sao?” Buổi trò chuyện đó thật khó khăn nhưng quan trọng vì vợ chồng tôi nhận ra mình đang để cho các con yêu quý xen vào giữa hai chúng tôi.

Ngay lúc đó, chúng tôi quyết định không thể cho phép điều đó xảy ra và bắt đầu thực hiện một số lựa chọn ưu tiên. Chúng tôi thống nhất ôm hôn nhau trước mặt các con và không để chúng chen ngang vào. Đang khi trò chuyện, chúng tôi không để chúng ngắt lời mình, dầu rằng trẻ nhỏ luôn tưởng rằng ý muốn tức thời của chúng sẽ tạo ra những biến cố làm rung chuyển quả đất. Vợ chồng tôi cũng kiên quyết không bao giờ hy sinh những buổi hò hẹn của mình nữa.

Linda và tôi thường xuyên hẹn hò nhau. Dù những cuộc hẹn của chúng tôi thường tự phát, nhưng ít nhất mỗi tháng chúng tôi hẹn nhau một lần. Mục tiêu của chúng tôi là hẹn nhau hai lần một tháng. Khi lũ trẻ còn nhỏ, hẹn hò đòi hỏi phải sắp xếp nhiều thứ; giờ thì chúng lớn hơn, chuyện hẹn hò cũng dễ hơn nhiều.

Đôi khi, những buổi hẹn của chúng tôi cũng hơi đắt tiền, như ăn tối ở một nhà hàng có khung cảnh dễ thương chẳng hạn. Nhưng thường thì chúng tôi chỉ gặm bánh mì thịt và đến rạp xem phim. Hoặc chúng tôi mướn một đĩa phim và nằm nhà vừa xem phim vừa nhai bắp rang. Chúng tôi cũng có thể dẫn nhau đến quán Starbucks trò chuyện chốc lát. Đôi khi, chúng tôi đi tản bộ gần nhà để hít thở không khí trong lành và xua đi những căng thẳng của một ngày làm việc vất vả.

Hàng năm, Linda và tôi dành ít nhất một dịp cuối tuần để đi chơi xa. Chúng tôi gọi đây là ngày kỷ niệm hàng năm của chúng tôi và cùng nhau đến căn nhà trên bãi biển hoặc một khách sạn nào đấy. Một điều như thế rất quý báu cho hôn nhân của bạn. Hãy làm cho thì giờ này trở nên đặc biệt với bạn và người bạn đời của mình, một điều gì đó mà bạn trông đợi nhiều tuần nay và rồi xúc động nhớ lại suốt nhiều năm sau đó.

Ví dụ như có một năm, tôi đã bắt đầu làm cho những tuần lễ trước ngày hẹn trở nên hứng thú. Chắc bạn đã từng nhìn thấy những hoa giấy hình trái tim bán ở các quầy văn phòng phẩm. Trong ba tuần lễ trước đó, cứ mỗi tuần tôi lại đem hoa giấy rải khắp nơi – trong quyển Kinh thánh của cô ấy, trong sổ ghi séc, trong giày dép, túi xách, đồ trang điểm, trong xe hơi, dưới gối, trong áo khoác và trong ngăn tủ quần áo của cô ấy. Nhiều lần trong ngày, cô ấy tìm thấy chúng rơi vương vãi khắp nơi. Thậm chí cô ấy phát mệt vì phải liên tục nhặt chúng lên.

Ngày hẹn hò cuối tuần thật sự cũng đến, tôi chọn địa điểm, đặt mua hoa hồng với màu hoa cưới của chúng tôi và để sẵn một chai rượu táo trong phòng. Tôi cũng nắn nót viết những lời thi vị cho bức thư tình mà cánh đàn ông chúng tôi thường rất ghét viết ra. Tôi tặng cô ấy một máy quay phim mới để lưu giữ thêm nhiều thời khắc hạnh phúc của gia đình. Tôi rất vui vì đã làm cho ngày cuối tuần đó trở nên đặc biệt và muốn cô ấy biết rằng cô ấy quan trọng đối với tôi thể nào.

Năm vừa rồi, chúng tôi kỷ niệm hai mươi lăm năm hôn nhân hạnh phúc bên nhau. Thật khó tin lại có người chịu sống chung với tôi suốt từng ấy năm. Chúng tôi hoạch định một kỳ nghỉ tuyệt vời đến Athens vài ngày, sau đó là chuyến hải hành đến các đảo nhỏ Hy-Lạp và cuối cùng là vài ngày ở Istanbul. Đúng hôm kỷ niệm ngày cưới, ngay trước chuyến đi chừng vài tuần lễ, tôi đưa cô ấy một tấm thẻ trong đó ghi năm món cô ấy sẽ phải mua trong chuyến đi: một thứ gì đó sáng bóng, một thứ gì đó lấp lánh, một thứ gì đó làm cho cô ấy ấm áp, một thứ gì ngộ nghĩnh và cuối cùng là một món có thể nhắc chúng tôi nhớ đến kỳ nghỉ của mình. Chuyến đi thật tuyệt vời, thật nhiều niềm vui mà chúng tôi không nhất thiết phải đợi thêm hai mươi lăm năm nữa mới lặp lại điều tương tự!

Thưa quý ông – là người làm chồng – tôi thách thức bạn hãy làm điều đó. Hãy lên kế hoạch, thuê người giữ trẻ và tạo ra thì giờ đặc biệt dành cho vợ mình. Tôi chắc rằng bạn có thể sáng tạo ra những giờ đặc biệt thật phù hợp với sở thích của người bạn đời mình. Lẽ đương nhiên, là vợ, bạn không thể nào ước lượng hết niềm vui mà chồng bạn cảm nhận khi bạn là người khởi xướng việc lên kế hoạch cho bữa tối đặc biệt với chồng, dầu rằng chồng bạn miễn cưỡng công nhận điều đó.

Nhiều năm trước, một lần nọ, tôi đang trên đường đi công tác một tuần ở Châu Âu, tiếp sau đó là một tuần nữa ở Nhật Bản và Châu Á. Giữa hai tuần lễ đó là những ngày cuối tuần rảnh rỗi mà tôi nói với Linda rằng tôi sẽ về với cô ấy và gia đình. Cô ấy tưởng tôi bị lẩn thẩn. Cô ấy bảo thay vì vượt cả đoạn đường dài bay từ châu Âu về nhà, rồi lại từ nhà bay sang Nhật Bản, tôi nên đi thẳng từ châu Âu đến Nhật Bản và dành một, hai ngày để nghỉ ngơi. Thay vì vậy, thông qua thư điện tử gởi đến vài cô bạn thân của Linda, tôi đã sắp đặt một bữa tiệc sinh nhật đầy ngạc nhiên cho cô ấy vào dịp cuối tuần đó.

Tôi đáp máy bay về đến nhà vào sáng thứ Bảy, có cô ấy và các con ra đón tôi ở phi trường. Gia đình chúng tôi sum vầy vui vẻ bên nhau cả buổi chiều. Tối đó, tôi nhờ cô bạn của Linda tạt ngang trông chừng bọn trẻ, còn chúng tôi cùng nhau đến một khách sạn lãng mạn thiết kế cho tuần trăng mật dưới phố, ở đấy có sẵn những đóa hồng tươi thắm đang chờ cô ấy. Sáng hôm sau, chúng tôi đi nhà thờ, sau đó đi ăn tối ở nhà hàng. Khi chúng tôi đến nhà hàng thì – thật là ngạc nhiên! Hai mươi lăm người bạn đang chờ sẵn để chúc mừng sinh nhật cô ấy. Tiệc tàn, chúng tôi về nhà, tôi thu xếp hành lý để đi Nhật Bản và châu Á và chạy vụt đến phi trường. Dầu tôi chỉ có ba mươi tiếng đồng hồ ở nhà, nhưng đó là những giờ phút mà Linda cảm thấy thật đặc biệt.

TỪ BẤT ĐỒNG ĐẾN NHẤT TRÍ

Trong chương 3, chúng ta đã thảo luận về nhu cầu đặt tài chánh dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời và kiểm soát chúng bằng nguyên tắc của Ngài. Chúng ta đã thảo luận xong ba nguyên tắc đầu, trong chương này, chúng ta sẽ đi tiếp đến nguyên tắc thứ tư. Bây giờ chúng ta sẽ xét đến mối quan hệ vợ chồng với ý tưởng chuyển từ bất đồng sang nhất trí.

Nhiều năm qua, tôi đọc thấy nhiều nghiên cứu và bài viết khác nhau bàn về những nguyên nhân dẫn đến ly dị. Trong hầu hết trường hợp ly dị, tài chánh là một trong ba nguyên nhân hàng đầu. Để giải quyết nan đề, tôi xin gợi ý một phương thuốc đơn giản mà hữu ích: “Hãy nhất trí”. Chúng ta hãy xem xét lời Kinh thánh trong thư Ê-phê-sô:

“Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa. Ấy vậy, như Hội Thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh. Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy” (Eph 5:22,24,25,28).

Đây là một nguyên tắc đầy uy quyền trong phân đoạn này – nguyên tắc thuận phục lẫn nhau. Nếu áp dụng ý tưởng này vào tài chánh và hôn nhân, thì thay vì đòi hỏi phải theo cách của mình, bạn và người bạn đời cần phải hoàn toàn nhất trí trong mọi khía cạnh tài chánh của gia đình.

Hãy thực hiện những thỏa thuận mua bán quan trọng trong sự cân nhắc thấu đáo, kiên quyết và có sự hiệp ý cầu nguyện giữa hai người. Trước khi mua bán, hãy hoàn toàn nhất trí về mọi mặt: giá cả, nhãn hiệu, kiểu dáng, thời gian… Nếu bạn chưa nhất trí thì đừng tiến hành mua bán gì hết.

Hai vợ chồng người bạn thân có kể cho tôi nghe câu chuyện về cô con gái mới lập gia đình của họ và người chồng mới cưới của cô. Cô gái ấy cho rằng mình cần mua xe mới. Cô tự ý đi mua một chiếc xe khá đắt so với túi tiền của hai vợ chồng. Khi chồng về, với sự hân hoan ngờ nghệch, cô báo tin mình mua xe như thể anh chồng nên khen tính chủ động và tự tin nơi cô. Chiếc xe của chàng rể đã cũ kỹ. Chộp lấy cơ hội, ngay hôm sau, anh ta đi mua cho mình một chiếc xe mới có kiểu dáng còn sành điệu hơn cả xe của cô vợ. Không cần phải bàn thêm, nếu việc chi trả cho một chiếc xe mới đã nằm ngoài ngân sách, thì với hai chiếc, chắc hẳn họ sẽ phải phá sản. Điều này trái ngược với những gì mà tôi đã nói về sự thuận phục lẫn nhau.

Nhìn từ hai khía cạnh, nam giới chúng ta gặp khó khăn hơn nữ giới trong vấn đề thuận phục lẫn nhau. Thứ nhất, có lẽ chúng ta cảm thấy vai trò người chủ gia đình của mình cho chúng ta thẩm quyền không cần phải giải trình hay thuận phục vợ. Thứ hai, như câu ngạn ngữ cổ có nói: “Sự khác biệt giữa những người đàn ông và những cậu bé con nằm ở giá trị của những món đồ chơi của họ”. Có thể chúng ta không cần đến những thứ như: súng săn mới, xe thể thao, gậy đánh golf, tàu trượt phản lực, cần câu siêu nhẹ, hay là xe vượt địa hình. Trong khi đó, nữ giới dễ bị thôi thúc mua những bộ cánh mới mà không hề dự tính trước. Đang khi đi dạo chợ với chị em bạn nữ, họ có thể mua một chục bộ, thậm chí cả trăm bộ áo mới với giá chỉ bằng vài món đồ chơi của cánh đàn ông chúng ta.

Tôi nhớ lại nhiều năm trước, có một người đến nhà tôi tiếp thị bộ bách khoa toàn thư. Tôi yêu sách và thích theo đuổi tri thức. Không những tôi muốn có bộ bách khoa toàn thư mà tôi cho là “đầu tư lớn cho con cái,” tôi còn muốn mua trọn bộ “Những quyển sách vĩ đại” – gồm nhiều tác phẩm kinh điển của hai thiên niên kỷ vừa qua. Đúng ngày hẹn người bán sách đến nhà thì Linda ngã bệnh nằm trên giường. Áp dụng nguyên tắc “nhất trí về tài chánh,” tôi liên tục đi qua đi lại từ phòng khách vào phòng ngủ, đến cạnh giường cô ấy để thảo luận khả năng mua bán. Sau nhiều bận tới lui, cuối cùng Linda cũng chịu thua. Tôi rất hăm hở, phấn khởi chờ đợi mấy quyển sách mới mua được gởi tới.

Quả là một cuộc mua bán tệ hại! Linda không còn cách nào khác, tôi đã ép cô ấy phải nhất trí với tôi. Lần mua bán duy nhất này đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm khi tôi nhận ra mình đã ép cô ấy, đặc biệt đó là lúc cô ấy không được khỏe. Đến hôm nay, bộ “Những Quyển Sách Vĩ Đại” đó chỉ để chưng trong nhà, hầu như chưa quyển nào được đụng đến hay đọc qua. Chúng là sự nhắc nhở không ngừng về sự cần thiết phải có sự nhất trí giữa hai chúng tôi. Tôi không nghĩ mình sẽ bỏ hay bán chúng đi, nhưng sẽ để chúng lại làm sự nhắc nhở không ngừng cho mình!

Cũng hãy áp dụng nguyên tắc này vào mọi hình thức đầu tư. Đừng đầu tư gì cả trừ khi cả hai đã hoàn toàn nhất trí với nhau. Tôi thấy nam giới chúng ta nói chung thích mạo hiểm hơn, có những mạo hiểm rất ngớ ngẩn hoặc chẳng đáng bỏ công chút nào. Chúng ta sẵn sàng hy sinh cả căn nhà chỉ vì một hứa hẹn sẽ thắng lớn. Thường thì các bà vợ của chúng ta có thể giúp chúng ta có cái nhìn thận trọng và quân bình hơn.

Hồi mới cưới, Linda xem chứng khoán và quyền đầu tư chứng khoán là cờ bạc nên ý nghĩ như thế là sai trật rõ mười mươi. Vì thế chúng tôi không dính dáng gì đến thị trường chứng khoán. Thật ra, do giữ khư khư nguyên tắc này, chúng tôi gần như để cho quyền đầu tư chứng khoán đầu tiên của mình hết hạn trước khi kịp khai thác chúng. Sau vô số lời giải thích khác nhau về thể nào chứng khoán cũng là một dạng cổ phần có giá trị và có thật, cuối cùng chúng tôi cũng bỏ qua ý kiến cho rằng “Đấy là cờ bạc!” Bây giờ chúng tôi là những cổ đông của một loạt các công ty – đây là một trong những lĩnh vực đầu tư mà chúng tôi nhất trí với nhau. Tuy nhiên cũng có nhiều khi sự đầu tư của chúng tôi không được suôn sẻ. Dù cô ấy đồng ý cho tôi tiến hành, nhưng lẽ ra tôi nên nhạy cảm trước thái độ ngần ngại và lời cảnh báo của cô ấy.

Cũng hãy áp dụng nguyên tắc này vào ngân sách giải trí và những chuyện khác. Ở sở làm, bạn chi hết bao nhiêu cho bữa trưa và các khoản tương tự, hay là bạn nên đem theo phần cơm hộp làm sẵn ở nhà để tiết kiệm được vài ba đô-la? Bạn nên chi bao nhiêu cho các hoạt động giải trí hàng tháng? Bạn sẽ đi ăn tiệm bao nhiêu lần trong tháng và sẽ chi hết bao nhiêu cho các bữa ăn đó? Hay bạn sẽ cho các con bao nhiêu tiền tiêu vặt hoặc để trả công cho vài công việc nhà chúng làm? Ngay cả những việc đơn giản như tiền cho con tiêu vặt cũng nên được cả hai vợ chồng bàn bạc. Trước khi kết thúc, bạn phải đặt những nguyên tắc dạy dỗ con cái về giá trị của tiền bạc vào đúng chỗ. Tất cả những điều này phải được bạn và người bạn đời đem ra thảo luận và nhất trí với nhau.

Tương tự, hãy áp dụng nguyên tắc này vào khoản để đóng góp cho công tác thiện nguyện của bạn. Việc đóng góp cho nơi nào và đóng góp bao nhiêu phải được hai vợ chồng quyết định trong sự thống nhất tuyệt đối. Nếu bạn muốn hỗ trợ một tổ chức từ thiện mà chồng hoặc vợ của bạn không thấy cảm động thì đừng tiến hành nữa. Có lẽ bạn bị thuyết phục bởi nguyên tắc không ngừng gia tăng số tiền làm từ thiện mà chúng ta đã thảo luận trong chương 3, nhưng nếu người bạn đời của bạn không thấy như vậy thì cũng đừng làm.

Rõ ràng là xung đột có thể xảy ra giữa những nguyên tắc vâng phục Đức Chúa Trời và nguyên tắc thuận phục lẫn nhau trong vấn đề tài chánh. Bạn sẽ giải quyết thế nào khi thấy hai nguyên tắc Thánh kinh này mâu thuẫn với nhau? Bạn sẽ chọn vâng theo nguyên tắc nào? Dù không tìm thấy trong Kinh thánh phương án giải quyết nào đơn giản hoặc rõ ràng, nhưng tôi nghĩ rằng việc làm theo ước muốn của người bạn đời về lâu về dài có lợi hơn. Hãy nói với chồng hoặc vợ mình về niềm khao khát dâng hiến cho công việc từ thiện của bạn cùng với lòng tin quyết đó là cách đúng đắn để tôn cao Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng ý của người kia, đừng vội làm gì hết. Hãy nhất trí với người bạn đời của mình trước khi dâng hiến cho công việc từ thiện. Sau đó, hãy trình dâng vấn đề lên cho Chúa, xin Ngài hoặc thay đổi tấm lòng bạn, hoặc thay đổi tấm lòng người bạn đời của bạn. Biến chuyển xảy đến theo sau đó sẽ giúp cả hai bạn được tăng trưởng thuộc linh.

Tôi có tư vấn cho một chị tín đồ nọ có chồng chưa tin Chúa. Chuyện dâng hiến trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa họ. Thay vì giúp đem chồng đến với Chúa, vấn đề đó trở thành một cái cớ để người chồng tự khép kín mình. Tôi khuyên chị ta nên thuận theo ước muốn của chồng nhưng cũng không ngừng bày tỏ ước muốn của mình cho chồng biết. Hy vọng rằng cuối cùng, người chồng sẽ quy phục Chúa bởi cách cư xử của vợ mình (IPhi 3:1).

Áp dụng nguyên tắc thuận phục lẫn nhau hay “nhất trí” này vào mọi vấn đề tài chánh sẽ có kết quả lớn lao trong mối quan hệ vợ chồng. Nếu bạn không thể nhất trí – thì đừng làm. Hãy chọn một giá trị và mục đích chung cho từng khía cạnh tài chánh của bạn. Sau một, hai năm làm điều này, chắc chắn tài chánh và hôn nhân của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều.

***

Nói tóm lại, ưu tiên chính thứ hai trong đời sống chúng ta là dành ưu tiên những mối quan hệ gia đình. Hãy dành ưu tiên cho mối dây ràng buộc với người bạn đời của mình qua những cuộc hẹn hò và đi chơi xa cùng nhau. Hãy kiểm soát tài chánh của bạn bằng sự nhất trí với nhau. Hãy dành thời gian thường xuyên cho con cái của bạn. Sống quân bình không hề đơn giản. Khi đã dành ưu tiên rõ ràng và thích hợp cho Đức Chúa Trời và gia đình, bạn sẽ cân nhắc đến ưu tiên chính thứ ba.

Câu hỏi chương 4

1. Làm thế nào bạn có thể đặt sự ưu tiên cho người bạn đời trên con cái và sự nghiệp?

2. Có cần thiết phải hẹn hò thường xuyên với người bạn đời hay không? Tại sao?

3. Làm thế cách nào để ưu tiên thì giờ cho gia đình giữa những hoạt động thường xuyên trong tuần của bạn?

4. Người bạn đời của bạn xoay sở với con cái như thế nào khi bạn đi xa?

5. Bạn sẽ đối xử như thế nào đối người bạn đời cực kỳ bận rộn, đi công tác thường xuyên, không tham gia Hội Thánh, ít gần gũi với gia đình và phớt lờ những gợi ý thay đổi thứ tự ưu tiên mà bạn đưa ra?

6. Bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình nếu người bạn đời của bạn là một người tham công tiếc việc hoặc đơn giản không muốn điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong đời sống mình?