2. THẢO KẾ HOẠCH CHI TIẾT CHO CUỘC ĐỜI

Nghệ Thuật Sống Quân Bình

Đăng vào: 5 tháng trước

.

2. THẢO KẾ HOẠCH CHI TIẾT CHO CUỘC ĐỜI

Hãy thử hình dung vào sáng ngày mai, không hề báo trước, bạn lớn tiếng tuyên bố với gia đình: “Hôm nay chúng ta sẽ đi nghỉ. Hãy sẵn sàng lên đường ngay lập tức!”

Dĩ nhiên là vì không được báo trước, vợ con bạn sẽ nhìn nhau bối rối và bắt đầu đặt ra những câu hỏi đại loại như: “Chúng ta sẽ đi đâu?”

Với câu hỏi này, bạn trả lời: “Anh không biết.”

“Chúng ta sẽ làm gì?” Bạn trả lời: “Anh chưa xác định.”

“Chúng ta đến đó bằng phương tiện gì? ” Bạn đáp: “Anh không chắc nhưng chúng ta sẽ khởi hành và quyết định phần còn lại sau đó.” Sau vài cái nhìn bối rối, bạn giục : “Gói ghém hành lý đi, chúng ta sẽ khởi hành trong vòng mười lăm phút nữa.”

Lúc này, sự việc càng trở nên khó hiểu, các con bạn bèn đáp: “Chúng con gói ghém hành lý như thế nào đây? Chúng con đâu có biết mình sắp đi đâu? Chúng con nên đem theo những gì? Chúng con đâu có biết mình sắp làm gì. Chúng ta sẽ đi xa trong bao lâu vậy ba!”

Lần này, bạn lại đáp: “Ba không chắc về mấy chuyện đó, nhưng cứ gói ghém bất kỳ thứ gì các con muốn đem theo cho kỳ nghỉ và lên đường. Mười bốn phút nữa chúng ta sẽ khởi hành!”

Dĩ nhiên, đây chỉ là một cảnh tượng ngớ ngẩn. Bạn không thể chỉ đơn giản đi nghỉ mà không hề lên kế hoạch gì. Ít nhất bạn phải có một kế hoạch nào đó trong đầu cho dù bạn muốn linh động và để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Bạn sẽ đi bằng phương tiện gì, xe hay máy bay? Bạn sẽ đi cắm trại hay đi tắm biển? Bạn sẽ đi trong một ngày, hai ngày hay một tuần lễ, nửa tháng?

Tôi có một anh bạn thân. Hình như anh chỉ sống cho các kỳ nghỉ. Mỗi lần chúng tôi trò chuyện với nhau là y như rằng anh đều kể cho tôi nghe về chuyến du hành bằng bè, chuyến đi săn, đi trượt tuyết mà anh đã lên kế hoạch cả năm hoặc thậm chí cho hai, ba năm nữa. Những kế hoạch đi nghỉ đã ngốn hết phần lớn thời gian cần thiết của anh.

Tất cả chúng ta sẽ dành thời gian và năng lực đáng kể để lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ. Chúng ta sẽ phác họa lộ trình, mua vé và đặt chỗ nghỉ. Tương tự, với những cuộc mua bán quan trọng như mua xe, mua nhà, hoặc với những quyết định như chọn trường Đại học cho con cái, chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và tranh thủ sự trợ giúp và lời khuyên của người khác. Đôi khi chúng ta còn tìm sự hỗ trợ chuyên môn của kiến trúc sư, đại lý du lịch hoặc tư vấn học đường. Trong công việc, nếu được sếp giao một công tác quan trọng, chúng ta sẽ hoạch định chi tiết từng khía cạnh của công tác đó. Chúng ta sẽ phác thảo về lịch trình, ngân sách và lên kế hoạch về nguồn lực cho đến khi nắm bắt được từngchi tiết của dự án.

Như vậy vấn đề ở đây là gì? Trong khi hầu hết chúng ta dành sức lực đáng kể để hoạch định trong các lĩnh vực khác, thì ít ai trong chúng ta nghiêm túc cân nhắc và hoạch định cho những tài sản quan trọng nhất và nguồn lực giới hạn nhất của chúng ta: những năng khiếu và thời gian. Bạn có nghĩ đến một đích đến nào cho cuộc đời mình không? Bạn có chiến lược nào để đạt được nó không? Làm thế nào bạn nhận biết được mình đã đạt đến một cột mốc quan trọng hoặc biết mình lạc hướng? Bạn muốn đạt được những gì với phần đời còn lại của mình?

Khi bước vào tuổi ba mươi hai, tôi bắt đầu có cảm giác bối rối, đánh mất mục tiêu. Năm 1979, sau khi chuyển đến sống ở California để khởi nghiệp tại Intel, tôi mau chóng phác thảo những mục tiêu mà tôi muốn đạt được. Mục tiêu của tôi khá rõ ràng dù rằng tôi không thảo ra chi tiết trên giấy. Vấn đề nằm ở chỗ ở tuổi ba mươi hai, tôi đã đạt được gần hết những gì mình đã đề ra:

•Tôi muốn trở thành kỹ sư và tôi đạt được mục tiêu đó bằng lần thăng chức kỹ sư sau khi tham gia nhóm thiết kế con chíp 80386 vào năm 1982.

•Sau khi kết hôn – cùng với tình trạng bệnh lý của Linda – chúng tôi đặt mục tiêu tạo lập một gia đình. Linda ao ước có hai con; tôi thì tham lam hơn, tôi muốn có tám đứa. Chúng tôi thỏa thuận dừng lại ở bốn con.

•Tôi muốn hoàn tất việc học của mình. Tôi lấy bằng cử nhân ở trường Santa Clara năm 1983, hoàn tất bằng thạc sĩ ở trường Stanford năm 1985 và quyết định tranh đấu cưỡng lại mong muốn lấy bằng tiến sĩ.

•Tôi luôn muốn làm một nhà phát minh. Tôi nhận bằng sáng chế đầu tiên của mình vào ngày 12 tháng 4 năm 1988 với kỹ thuật “Mạch cộng tiền tải có khả năng tái tạo và được ngăn cách tối ưu” – Optimally Partitioned Regenerative Carry Lookahead Adder. (Nghe thật tuyệt vời phải không?)

•Sau khi hoàn tất việc học và ít ra với chút thời gian tự do, tôi bắt đầu cộng tác viết sách với nhà thiết kế chíp 80386 – John Crawford. Hoàn tất quyển sách là một mục tiêu khác và quyển Lập trình chíp 80386 (Programming the 80386) được Sybex xuất bản năm 1987. Như vậy tôi đã trở thành một tác giả!

•Tôi muốn chuyển nhà đến một nơi thích hợp cho cuộc sống gia đình để nuôi dạy bọn trẻ. Oregon tỏ ra hợp túi tiền và vào năm 1990, chúng tôi tái định cư tại Beaverton, Oregon.

•Tôi muốn hoàn tất vài dự án quan trọng tại Intel mà mãi sau này, khi nhìn lại, tôi vẫn có thể xem đó là thành quả của mình. Là người giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hai dự án chíp quan trọng nhất trong ngành công nghiệp máy tính – bộ vi xử lý 80386 và 80486 – mục tiêu đó của tôi cũng đã hoàn tất.

•Tôi cũng muốn tăng cường vai trò và ảnh hưởng của mình tại Intel. Tôi trở thành Phó Chủ Tịch (VP) trẻ nhất trong lịch sử công ty ở tuổi ba mươi hai.

Thình lình, tôi thấy mình đang vật lộn với câu hỏi: tôi muốn làm gì với phần đời còn lại của mình? Tôi còn muốn đạt được điều nào khác nữa? Tôi thấy như thể con tàu cuộc đời mình đã lạc mất bánh lái, giờ tôi đang tha thẩn vô định, chẳng biết nơi nào mình muốn đến trong phần đời còn lại.

PHÁT TRIỂN TUYÊN NGÔN SỨ MẠNG CÁ NHÂN

Nhờ đọc sách, tôi bắt gặp ý tưởng viết ra một tuyên ngôn sứ mạng cá nhân. Nghe thì thấy dễ lắm, nhưng đối với tôi và cũng như đối với hầu hết những người tôi từng nói chuyện qua thì công việc đó chẳng dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi sự cầu nguyện và xem xét cẩn thận chính mình. Bạn cần phải suy nghĩ thấu đáo mình là ai, mình muốn là một người như thế nào và đâu là điều mình muốn đạt được trong cuộc đời. Nó không phải là điều mà bạn chỉ cần viết vài chữ nghuệnh ngoạc trên khăn giấy trong giờ ăn trưa. Tôi đã vật lộn hơn một năm để có được tuyên ngôn sứ mạng cá nhân của mình. Tôi viết nhiều bản nháp, rồi ném chúng đi. Tôi viết lại, rồi cất vào một nơi. Sau vài tháng, tôi lại đem ra sửa lại và cứ như vậy hết lần này đến lần khác. Sau một năm suy gẫm và sửa đi sửa lại, tôi đã có một bản tuyên ngôn mà tôi rất lấy làm thích thú và từ đó đến nay nó tỏ ra đã trụ được với thời gian.

Bạn sẽ hỏi: Điều này có phù hợp với lời giáo huấn quen thuộc trong thư Gia 4:13-15 hay không? Phân đoạn Kinh thánh đó nói như vầy:

“Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn bán và phát tài, song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết: Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia.”

Thoạt nhìn thì hai điều này dường như trái ngược nhau, nhưng tôi cho rằng thực chất không phải vậy. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những tài năng và kỹ năng. Thi 139:14 nói rằng mỗi người chúng ta “được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng” hay nói cách khác chúng ta “được tạo dựng một cách kỳ diệu.” Ro 12:6 chép: “Vì chúng ta có sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin.”

Đức Chúa Trời sáng tạo từng cá thể một cách đặc biệt. Và Ngài cũng khen ngợi việc chúng ta biết sử dụng những tài năng của mình để làm những việc lớn lao cho Nước Trời:

“Chủ rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành kia, được lắm; vì ngươi trung tín trong sự nhỏ mọn, ngươi sẽ được cai trị mười thành.” (Lu 19:17)

Ngài còn quở phạt những ai lãng phí những điều mình được ban cho.

“Chủ lại nói cùng các người đứng đó rằng: Hãy lấy nén bạc nó đi, cho người có mười nén.” (Lu 19:24)

Ngài khen ngợi những ai kết quả cho Nước Trời:

“Này, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ ta vậy.” (Gi 15:8)

Chúa khuyến khích những kẻ theo Ngài phát triển chính mình và tìm kiếm vị trí lãnh đạo trong Hội Thánh. Ngài khen ngợi những người thợ khéo. Ngài cũng xem việc học hỏi và kiến thức là một sự ban tặng đáng được sử dụng một cách cẩn trọng. Ngài khen ngợi người nữ trong Ch 31:1-31 về sự khôn ngoan và tài vén khéo của nàng. Như vậy, chúng ta tìm thấy nhiều chỗ trong Kinh thánh ủng hộ ý tưởng phát triển một tuyên ngôn sứ mạng cá nhân.

Như vậy, theo Gia 4:1-17, chúng ta phải làm gì? Thay vì ngăn chúng ta hoạch định cuộc đời mình, tôi tin rằng phân đoạn này muốn nhắc nhở những ai đang phớt lờ sự trở lại sau cùng và chắc chắn của Chúa Cứu Thế Giê-xu – những người đó sống như thể Chúa Giê-xu không tồn tại và họ bất chấp sự tái lâm chắc chắn của Ngài.

Vì vậy, tôi tin rằng việc viết ra tuyên ngôn sứ mạng cá nhân sẽ là một công tác hữu ích. Tôi thấy rõ điều này không chỉ trong cuộc đời tôi mà còn trong cuộc đời của những người tôi từng giúp viết tuyên ngôn sứ mạng cá nhân trong những năm qua. Với suy nghĩ đó, tôi trích dẫn dưới đây một phần tuyên ngôn sứ mạng của mình để làm ví dụ hỗ trợ bạn khi viết ra tuyên ngôn sứ mạng của mình. Xin được nói rõ: Đây là tuyên ngôn sứ mạng của tôi. Đây là lời tuyên bố về mẫu người mà tôi đang gắng sức trở thành và những gì tôi muốn đạt được. Tôi vẫn chưa đạt được mẫu người mà mình khao khát. Vẫn còn nhiều công tác chưa được hoàn tất. Đây không phải là lời tuyên bố những gì tôi đã làm, nhưng là những gì tôi khao khát trở thành. Đây không phải là bức tranh mô tả tôi là ai, nhưng là mẫu người mà tôi tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng tôi để trở nên như vậy.

Lẽ đương nhiên, đã là tuyên ngôn sứ mạng cá nhân thì nó phải thật riêng tư, thật cá nhân! Những tài năng và những nhiệt huyết mà Đức Chúa Trời ban cho tôi khác với điều mà Ngài ban cho bạn. Mỗi người có năng khiếu khác nhau. Bạn có thể sử dụng tuyên ngôn sứ mạng của tôi như một biểu mẫu để giúp bạn vạch ra tuyên ngôn sứ mạng của mình.

Giống như tôi đã làm, tôi khuyên bạn nên có giai đoạn tra xét tâm linh của mình trước khi soạn thảo tuyên ngôn sứ mạng. Đây là công việc khó khăn, bạn chẳng thể nào hoàn tất nó chỉ trong một ngày hoặc một tuần được. Bạn có thể mau chóng viết nó ra giấy, nhưng rồi những mục tiêu kiểu như vậy hoặc sẽ không tồn tại được trước sự thử nghiệm của thời gian, hoặc bạn sẽ không còn hứng thú thực hiện chúng nữa. Đây là bài tập tra xét tâm linh sâu sắc; hãy dành thời gian cho nó và khi hoàn tất, bạn sẽ nhận được sự ích lợi trong nhiều năm tiếp đến.

Tuyên ngôn của bạn phải tồn tại được trong mười hoặc hai mươi năm và sau khoảng thời gian đó, nó vẫn còn thôi thúc bạn gắng sức cho được tiến bộ hơn. Bản tuyên ngôn của tôi tồn tại gần mười lăm năm qua và tôi vẫn chưa làm xong nhiều điều mà mình đã đề ra.

Sau khi hoàn tất bản tuyên ngôn của mình, hai ba năm sau, tôi có quay lại chỉnh sửa nó qua một vòng và rồi sau đó theo định kỳ tôi chỉ cần thực hiện một vài sửa đổi rất nhỏ. Tôi có trau chuốt lại từ ngữ của mình rất nhiều so với bản thảo đầu tiên và đặc biệt là tôi có thêm vào phần trích dẫn Kinh thánh nhằm định hướng cho những tuyên bố về giá trị trong tuyên ngôn của mình.

Khi con út của chúng tôi chuẩn bị sống tự lập, tôi thấy mình sắp phải tiến hành sửa đổi bản tuyên ngôn trên diện rộng vì tôi và Linda đang bước vào một giai đoạn mới, một chương mới hay một thời kỳ mới của cuộc đời. Khi bạn trải qua từng giai đoạn của cuộc đời – từ lúc trưởng thành, lập gia đình, nuôi dạy con cái, đến lúc tổ ấm trống vắng và bạn chuẩn bị lên chức ông/bà và cuối cùng là nghỉ hưu, thời kỳ hậu chiến sau khi đánh đông dẹp bắc – mỗi bước chuyển tiếp đó có lẽ là thời điểm thích hợp để bạn suy nghĩ lại một cách cẩn thận về tuyên ngôn sứ mạng cá nhân của mình. Lúc mới lập gia đình, bạn khó xác định rõ ràng và chính xác những gì bạn muốn làm lúc tổ ấm trống vắng, lúc các con bạn đã xây dựng gia đình riêng của chúng. Tương tự, khi con cái bạn sắp khôn lớn, bạn khó lòng nhận thức hết những gì bạn sẽ cho là mục tiêu hay đích đến khi bạn không còn đi làm, hoặc bạn sẽ sử dụng thời gian và những nguồn lực của mình như thế nào trong những năm cuối đời.

Dưới đây là vài lời khuyên cho bạn khi bạn cân nhắc viết tuyên ngôn sứ mạng cá nhân cho mình: Sau khi hoàn thành bản nháp, hãy nhờ người bạn đời của bạn đọc nó. Hãy hỏi xem đó có phải là mẫu người mà anh ấy/cô ấy nghĩ mình đã kết hôn và hy vọng bạn sẽ trở thành hay không. Dù đây là những mục tiêu cá nhân nhưng bạn cần biết liệu nơi bạn muốn đến phải chăng cũng là đích đến mà người bạn đời của bạn muốn bạn đạt được. Nếu không phải, cách làm này sẽ giúp bạn xác định những lĩnh vực xung đột dai dẳng giữa hai người mà trước giờ bạn chưa nhận ra. Còn nếu phải, đây là cơ hội để bạn tranh thủ sự hỗ trợ và khích lệ từ người bạn đời của mình cho sứ mạng lâu dài và có mục đích mà bạn đang dấn bước.

Bạn cũng nên nhờ vài người bạn thân tín, hoặc cố vấn (được đề cập trong chương 6) đọc bản tuyên ngôn của bạn. Hãy hỏi xem theo cách nhìn của họ thì những mục tiêu đó có nhất quán với tính cách và nhân phẩm của bạn hay không. Những đánh giá độc lập của họ về bạn có thể quý giá và sáng suốt hơn bạn tưởng rất nhiều. Những góp ý từ bạn bè thân thuộc sẽ giúp bạn có cái nhìn khác hơn về bản thân. Có thể một số mục tiêu mà bạn cho rằng mình muốn đeo đuổi thật ra không phù hợp với tính cách mà người khác nhìn thấy nơi bạn.

TUYÊN NGÔN SỨ MẠNG CỦA TÔI

Sứ mạng: Tôi sẽ là người chồng, người cha và doanh nhân Cơ đốc. Tôi sẽ tận dụng mọi nguồn lực Chúa ban để thực hiện công tác của Ngài trên đất như những gì liệt kê dưới đây.

Giá trị: Những điều tôi sẽ đấu tranh để đạt được và những giá trị người khác sẽ thấy nơi tôi. Tôi sẽ:

1.Chăm chỉ trong mọi việc mình làm (Co 3:23).

2.Nỗ lực hết mình trong mọi công tác (ITe 4:1).

3.Nhạy bén trước sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh (Gi 14:26).

4.Hăng hái tiếp cận những thách thức mới (IICo 9:2).

5.Sống bằng nguyên tắc Cơ đốc. Trong mọi việc, tôi cố gắng thực thi đạo đức và luân lý của Chúa Cứu Thế (Ro 2:7-8).

6.Cởi mở, chân thành và rộng lượng (IICo 9:11).

7.Cẩn trọng trong lời nói và việc làm (Gia 1:26).

8.Thường xuyên và cẩn thận tiếp nhận sự khuyên bảo của người khác (Ch 15:22).

9.Không bao giờ bằng lòng với hiện trạng của mình. Tôi sẽ là người đại diện cho sự đổi mới (Ro 15:20).

10.Tìm cách cải thiện và phát triển những người xung quanh và dưới quyền trong công việc cũng như trong mọi lĩnh vực khác (ITe 5:14).

11.Không tìm kiếm vinh quang cá nhân nhưng tôn cao Đức Chúa Trời và hòa với mọi người chung quanh ngợi khen Ngài (Ro 15:5-6).

12.Không nghiêm trọng hóa vấn đề nhưng có thời gian tuyệt vời trong mọi việc, không ngừng tận hưởng ơn phước Chúa ban (Gia 4:13-15).

Mục tiêu: Là những gì tôi sẽ đạt được. Tôi sẽ:

1.Noi theo chuẩn mực của Kinh thánh trong đời sống hôn nhân. Tôi sẽ là chồng của một vợ và luôn tìm cách giúp vợ tiến bộ. Tôi sẽ hỗ trợ cô ấy trong công việc nhà, thường xuyên hẹn đi chơi với cô ấy và luôn làm cô ấy vui.

2.Khích lệ cả bốn đứa con của mình thực hiện cam kết đức tin cá nhân nơi Chúa Cứu Thế, công khai thể hiện đời sống mới qua thánh lễ Báp-têm. Giữ vai trò chủ động trong việc hướng dẫn chúng bước vào sự trưởng thành Cơ đốc.

3.Giúp đem 100 người về với Chúa hoặc dắt dẫn họ trưởng thành hơn trong đức tin Cơ đốc.

4.Viết sách giãi bày những điều Đức Chúa Trời đã dạy dỗ tôi trong suốt cuộc đời mình cho con, cháu và chắt của tôi.

5.Tạo ra nhiều của cải cho chủ.

6.Trở thành chủ tịch tập đoàn Intel. Tôi sẽ thực hiện mục tiêu này trong khi vẫn duy trì những giá trị và đạo đức của mình.

7.Trở thành trưởng lão trong Hội thánh địa phương.

8.Dâng hiến ngày càng nhiều hơn phần mà tôi kiếm được cho công tác thiện nguyện: nhà thờ, công tác truyền giáo và những tổ chức Cơ đốc khác.

9.Cung cấp tài chánh cho vợ, con và cháu của tôi.

10.Dành đủ thì giờ chất lượng với các con khi chúng còn nhỏ. Trung bình tôi sẽ dành mười tiếng một tuần để có thời gian riêng tư với chúng.

11.Đi thăm 50 quốc gia trở lên để phát triển một thế giới quan và tình yêu thương rộng lớn đối với tạo vật của Đức Chúa Trời.

12.Hỗ trợ những Cơ đốc nhân khác thành đạt trong chuyên môn và sự nghiệp của họ.

13.Không ngừng sống trong lời Đức Chúa Trời. Tôi sẽ sống với lời Chúa mỗi ngày. Tôi sẽ đọc toàn bộ Kinh thánh ít nhất hai lần mỗi năm.

14.Học thuộc lòng nhiều câu Kinh thánh. Tôi sẽ thêm vào quỹ Kinh thánh thuộc lòng của mình ít nhất mười câu mỗi năm.

15.Tiếp tục đọc. Tôi sẽ đọc ít nhất hai quyển sách mỗi năm.

16.Tiếp tục học. Tôi sẽ học ít nhất một đề tài, môn thể thao, lĩnh vực hay một kỹ năng mới mỗi năm.

17.Tiếp tục dạy. Tôi sẽ dạy ít nhất một lớp học mỗi năm.

18.Trở nên thông thạo ít nhất một ngôn ngữ nữa.

19.Kiêng ăn mỗi tuần một ngày vì sự khỏe mạnh thuộc linh và sự bảo vệ cho gia đình và con cái.

20.Tập thể dục thường xuyên, ít nhất ba lần một tuần.

21.Hướng dẫn học Kinh thánh hằng tuần.

Tôi thấy việc soạn thảo ra ba phần trên rất có ích lợi. Nếu đọc những tác phẩm khác nói về đề tài này, có thể bạn sẽ thấy chúng không đi theo khuôn mẫu này. Hãy sử dụng bất kỳ kiểu mẫu nào và viết trên bất cứ thứ gì mà bạn thích – giấy papayrus, đĩa hay khăn giấy cũng được! Tuy nhiên việc phân chia ba phần như thế này có ý đồ của nó:

Sứ mạng: Lời tuyên bố ngắn gọn, đơn giản. Nếu ngày mai qua đời, bạn muốn bia mộ của mình sẽ được viết những gì? Nếu bạn có thể trả lời được điều đó thì đó là một khởi điểm tốt. Nếu không, bạn nên bắt đầu tra xét bản thân mình cách nghiêm túc. Trong tuyên ngôn sứ mạng của mình, từ khóa của tôi là “mọi nguồn lực”. Đến cuối cuộc đời này, tôi muốn giống như sứ đồ Phao-lô – đã chạy xong cuộc đua (IITi 4:7), đã tận dụng hết mọi năng lực, mọi phút giây, mọi đồng tiền và mọi nguồn lực khác cho mục đích và vương quốc của Ngài.

Giá trị: Đối với tôi, đây là những gì tôi muốn mọi người lập tức nghĩ ngay đến khi được hỏi: “Pat là người thế nào vậy? ” Vài năm trước, tôi tôi bị cáo trách về một số cách hành xử của mình tại Intel trong những năm đã qua và tôi tự hỏi liệu những người khác có nghĩ rằng chúng nhất quán với niềm tin Cơ đốc của tôi không. Tôi có xu hướng nói quá về thành quả của mình trong khi đôi lần hạ thấp công việc của những người khác. Tôi cũng muốn sở hữu và điều khiển những lĩnh vực và nguồn lực mà lẽ ra tôi chỉ nên ở trong vai trò tư vấn hoặc chỉ làm cổ đông. Thật đáng buồn nhưng tôi phải thừa nhận rằng những cách xử sự như thế không nhất quán với niềm tin và mẫu người mà tôi mong muốn trở thành. Tôi rất đau lòng và được thôi thúc để sửa chữa sai lầm của mình.

Mục tiêu: Mục tiêu phải thật cụ thể để bạn có thể thường xuyên đánh giá tiến bộ của mình. Hy vọng rằng sau nhiều năm bạn sẽ hoàn tất một số mục tiêu và có thể loại bỏ chúng ra khỏi danh sách. Một số mục tiêu có thể là những mục tiêu liên tục, như là đọc sách hoặc tập thể dục. Những mục tiêu khác sẽ đến và đi khi bạn đạt đến mộc mốc nào đó ví dụ viết xong một quyển sách hay chứng kiến đứa con út của bạn bước vào mối liên hệ cá nhân với Chúa Cứu Thế. Dưới đây là vài lời diễn giải cho một số mục tiêu của tôi:

Mục tiêu 4: Viết sách giãi bày những điều Đức Chúa Trời đã dạy dỗ tôi trong suốt cuộc đời mình cho con, cháu và chắt của tôi.

Khi nhận được lời khuyến khích viết sách từ những thính giả từng tham dự những buổi nói chuyện của mình, tôi đã đối diện với tuyên ngôn sứ mạng cá nhân. Nếu không viết rõ ràng mục tiêu này, tôi nghĩ mình sẽ không bắt tay thực hiện tác phẩm mà bạn đang đọc đây. Nhiều năm trước, khi tôi viết ra những mục tiêu này, tôi muốn truyền lại những gì mình học được cho các thế hệ con cháu tương lai của mình. Như thế, tôi đã cố gắng làm cho công việc này mang tính cá nhân hơn. Nhiều người sau khi đọc ấn bản đầu của tôi cho biết họ cảm thấy giống như có mối liên hệ cá nhân với tôi và gia đình tôi vậy. Bây giờ, trong khi viết ấn bản thứ hai, tôi hy vọng mở thêm nhiều cánh cửa để bạn có thể hiểu biết sâu hơn về tôi, gia đình tôi và tấm lòng của tôi.

Mục tiêu 7: Trở thành trưởng lão trong Hội Thánh địa phương.

Như đã nói ở trên, một khi đã khi viết điều này vào tuyên ngôn sứ mạng của mình, tôi không thể nào phớt lờ lời đề nghị phục vụ trong lĩnh vực này. Nếu không viết ra mục tiêu này nhiều năm trước, chắc chắn tôi sẽ thoái thác: “để sau này làm cũng được!” Nếu cứ nói như vậy thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm. Thay vào đó, chúng ta cần đặt ra mục tiêu và ưu tiên và rồi sống với những ưu tiên và mục tiêu đó. Dù Đức Chúa Trời không đòi hỏi chúng ta viết ra tuyên ngôn sứ mạng để giúp mình sẵn sàng cho công tác phục vụ, nhưng là con người, chúng ta luôn dễ dàng sàng gạt bỏ tiếng phán êm dịu của Ngài trong đời sống chúng ta. Viết mục tiêu xuống và công khai với mọi người sẽ giúp chúng ta sẵn lòng dừng lại để cân nhắc khi thời cơ đến.

Mục tiêu 9: Cung cấp tài chánh cho vợ, con và cháu của mình.

Mục tiêu này khiến tôi và Linda tiến hành lập di chúc và sự ủy thác cho các con cũng như cho chính mình mười lăm năm về trước. Khoảng năm năm trước, chúng tôi đã sửa đổi lại toàn bộ, chú ý nhiều hơn đến tình hình tài chánh hiện tại cũng như hướng đến thế hệ tương lai nhiều hơn. Nếu bạn chưa lập di chúc, tôi khuyến khích bạn hãy làm điều này. Đây là một trong những việc rất dễ bị trì hoãn. Ngay bây giờ, hãy dừng lại và tiến hành thực hiện nó. Hãy viết ngay vào sổ tay, gọi cho người lập kế hoạch hoặc luật sư của bạn, hoặc cam kết thực hiện điều này với người bạn đời của mình. Ở nhiều nơi, việc thiếu hoạch định tài chánh và lập di chúc sẽ có thể dẫn đến những khoản thuế phụ trội đáng kể, cũng như việc phơi bày một cách bất lợi tình hình tài chính của bạn. Việc lên kế hoạch tài chánh, ủy thác và lập di chúc một cách đúng đắn có thể giúp bảo mật việc chuyển khoản tài chính tới gia đình của bạn, những tổ chức thiện nguyện và những đối tượng mà bạn và người bạn đời mong muốn.

***

Những mục tiêu của bạn có thể hoàn toàn khác với mục tiêu của tôi. Chúng có thể là mua nhà, trả dứt nợ, bước vào công tác phục vụ, mở cơ sở kinh doanh riêng, tìm một bạn đời Cơ đốc, hoàn tất một học vị, mở hội thánh mới, đi truyền giáo ngắn hoặc dài hạn, nhận con nuôi, đạt được mục tiêu nào đó về tài chánh hoặc gia đình. Hãy để tâm trí bạn tiến xa hơn, động não hơn và khi hoàn tất, bản tuyên ngôn sứ mạng của bạn phải là thứ khiến cho bầu nhiệt huyết của bạn sôi sục.

Sau khi hoàn tất bản tuyên ngôn sứ mạng, bạn hãy quay lại đọc nó một hai lần mỗi tháng, hoặc ít nhất là một lần mỗi quý. Hãy xem xét mình đã làm được đến đâu trong những giá trị và mục tiêu đó. Hầu hết những lần đọc lại bản tuyên ngôn của mình, tôi đều nhận thấy một lĩnh vực nào đó cần được đầu tư nhiều hơn, hoặc suy nghĩ về những tình huống khi tôi không hành động theo những giá trị của mình. Tôi thường sẽ quyết định thực hiện thêm một số hành động cụ thể để đạt đến mục tiêu đó.

Nhìn chung, tôi thấy việc xem lại bản tuyên ngôn của mình là rất hữu ích vì ít ra là khi tôi sẽ thấy mình có tiến bộ trong vài lĩnh vực và niềm khao khát trở thành con người mà mình ao ước luôn động viên tôi tiếp tục tiến tới. Đôi khi điều này cũng có thể làm bạn nản lòng. Việc nhìn vào bức tranh mô tả những gì bạn muốn trở thành rồi nhìn vào những sự kém thiếu của mình có thể khiến bạn nhụt chí – đặc biệt là sau một ngày, một tuần hoặc một tháng tồi tệ. Tôi cũng gợi ý bạn nên nhờ người bạn đời (hoặc bạn thân) xem lại bản tuyên ngôn của mình và hỏi họ: “Đây còn là mẫu người em/anh muốn anh/em trở thành hay không?”

Mỗi năm một lần, hãy đánh giá những tiến bộ của mình đối với những mục tiêu đó. Tôi có giữ một bảng đánh giá chi tiết những tiến bộ hằng năm của mình đối với hai mươi mốt mục tiêu ở trên. Tôi đọc được bao nhiêu quyển sách – tựa đề và tác giả của nó là gì? Tôi viết xuống những điều mình thực hiện được trong năm ở từng mục tiêu. Tôi có đáp ứng được mục tiêu đọc và học thuộc lòng Kinh thánh không? Nhiều năm qua, dầu đề ra mục tiêu này, nhưng tôi vẫn chưa thực hiện nó thật tốt. Tôi lấy những mẫu khai thuế ra, tổng kết xem mình đã làm tốt bao nhiêu đối với mục đích dâng hiến và thiện nguyện, sau đó lên kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho việc dâng hiến trong năm sau. Tôi thường làm công việc “chấm điểm” này vào thời điểm khai thuế – tháng 4 hằng năm. Đó là lúc tôi có được mọi thông số tài chánh của mình và cũng là lúc tôi thất vọng đôi chút vì khoản thuế mà mình phải đóng. Vì vậy đây là dịp tốt để tôi đánh giá bản thân mình một cách nghiêm túc dựa trên những giá trị và mục tiêu mình đề ra.

Cảm tạ Chúa vì một số mục tiêu của tôi đã gần như hoàn tất – như mục tiêu 2. Tất cả các con tôi giờ đã tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Đấng Cứu Rỗi và làm chủ đời sống mình. Dầu mục tiêu này mới hoàn tất một phần nhưng tôi thích thú với việc suy nghĩ tích cực về nó và chưa muốn chỉnh sửa lại toàn bộ danh sách các mục tiêu của mình của mình. Thêm vào đó, vì phần sau của mục tiêu này nói rằng “hướng dẫn chúng bước vào sự trưởng thành Cơ đốc” nên nó thách thức tôi tiếp tục cầu nguyện cho các con, trình dâng chúng trước ngôi Đức Chúa Trời một cách thường xuyên – nếu không nói là mỗi ngày. Nó cũng thôi thúc tôi tìm cách khuyến khích các con giữ đức tin mạnh mẽ và tiếp tục sống đời sống thể hiện mình là người theo Chúa. Cách làm của tôi chẳng có gì to tát – đó chỉ là một câu hỏi ngắn khi tôi gọi điện cho chúng: “Dạo này hành trình thuộc linh của con thế nào rồi?” hay một cuộc thảo luận trong giờ ăn tối với đề tài rộng hơn về vấn đề này.

Đến đây, tôi muốn cổ vũ bạn bằng câu khẩu hiệu của hãng Nike “Hãy làm ngay” (“Just do it”). Gần đây tôi có dùng cơm trưa với anh bạn thân đang muốn sắp xếp lại những thứ tự ưu tiên trong đời sống mình. Biết tôi dạy và viết sách về đề tài này, anh hỏi xin tôi một bản thảo của quyển sách này. Nhiều tháng sau, chúng tôi lại ăn trưa cùng nhau. Nhiều lần anh đã bày tỏ mình đánh giá cao bản thảo này và cho biết nó giúp ích cho anh ra sao trong hành trình trở thành người sống quân bình hơn.

Sau khi thảo luận nhiều điểm khác nhau, tôi hỏi thẳng rằng anh đã viết tuyên ngôn cá nhân cho mình hay chưa. Anh ngượng ngùng cho biết mình vẫn chưa thực hiện điều đó. Điều này khiến tôi hơi sửng sốt. Dù đưa ra vô số nhận định tích cực về giá trị của quyển sách tôi viết, anh không hề biến những gì mình học được thành hành động cụ thể cho đời sống mình. Anh cần khởi sự viết ngay. Tôi thấy nản lòng khi anh muốn “gặp để nói chuyện” mà lại không coi trọng việc phải tra xét tâm hồn mình và biến những điều mình đã học thành hành động. Tôi nói rõ với anh rằng tôi hy vọng anh sẽ hoàn tất bản thảo tuyên ngôn sứ mạng của riêng mình trước khi chúng tôi gặp nhau lần sau. Thật vui vì trong những lần gặp gỡ sau đó, anh đến cùng với bản thảo tuyên ngôn sứ mạng của mình. Tôi có góp ý cho anh vài lần để giúp làm bản tuyên ngôn đó có thể tồn tại lâu hơn và khơi dậy sự khao khát nhiều hơn. Sau nhiều lần chỉnh sửa, bản tuyên ngôn sứ mạng của anh đã trở nên tốt hơn rất nhiều – bây giờ đến nhiệm vụ khó khăn là sống theo bản tuyên ngôn đó!

Cũng vậy, tôi ao ước bạn tận dụng bản tuyên ngôn sứ mạng của tôi để giúp bạn soạn thảo một tuyên ngôn cho riêng mình. Việc làm này sẽ giúp bạn nhận thức mạnh mẽ hơn về mục đích và phương hướng cho cuộc đời mình. Bạn không muốn ngày qua ngày sống vật vờ, thiếu chủ đích, nhưng là sống đầy ý nghĩa cho cả phần đời còn lại của mình. Một đời sống biết tập trung vào các mục tiêu sẽ có năng lực lớn. Tôi hy vọng khi hoàn tất bản tuyên ngôn của mình, bạn sẽ nhận thức rõ hơn về những mục đích và trọng tâm của mình khi bạn tiến đến một đời sống có chủ đích.

KỶ LUẬT

Không thể hoàn tất cuộc thảo luận về sứ mạng, mục tiêu và thứ tự ưu tiên mà không ít nhiều nhắc đến kỷ luật cá nhân.

Ngày Linda và tôi mới hẹn hò, nhiều lần cô ấy tỏ ra thất vọng về lượng thời gian tôi dành cho cô ấy. Cô ấy thấy mấy cô bạn được người yêu dành nhiều thời gian hơn so với mình. Để đáp lại, như đã đề cập, tôi thảo ra một bản đánh giá chi tiết về quỹ thời gian mà tôi dành cho từng hoạt động trong tuần. Tôi vẽ ra một sơ đồ chi tiết 24-giờ-mỗi-ngày, 7-ngày-mỗi-tuần với tất cả thời gian tôi dành cho học tập, nghiên cứu, công việc, hội thánh, việc vặt, ngủ nghỉ, gặp gỡ Linda, và thư giãn cá nhân; sau hết, tôi xem lại còn mình còn chút thời gian rảnh nào không.

Rồi tôi cùng Linda xem lại sơ đồ. Cô ấy thốt lên: “Anh chẳng còn giờ rảnh nào nữa.” Thật vậy, trong khoảng thời gian đó, tôi không còn chút thời giờ rảnh rỗi nào; thời khóa biểu của tôi đầy ắp. Tôi biết rõ từng giờ từng phút của mình được dùng vào việc gì và chúng được sắp xếp phù hợp với thứ tự ưu tiên của tôi. Dù cũng rất khó khăn, Linda hiểu và có thể chấp nhận tình huống này. Thật ra, dù cô ấy ước gì tôi dành nhiều thời gian hơn cho cô ấy nhưng cô ấy luôn bị lôi cuốn bởi tính kỷ luật mà cô ấy nhìn thấy nơi cách sống của tôi. Nhìn lại, tôi ước chi mình có thể sử dụng thời gian linh động hơn và dành nhiều thì gian hơn cho cô ấy; nhưng phải mất nhiều năm ròng, tôi mới hiểu thông suốt được giá trị của những mối quan hệ là thế nào.

Tôi khuyến khích bạn hãy khảo sát một cách chi tiết quỹ thời gian của mình để biết được mình dùng thời gian vào việc gì. Hãy ước tính bạn dành bao nhiêu thời gian mỗi tuần cho những hoạt động chính yếu của đời sống: làm việc, học hành, nghỉ ngơi, vui chơi, đi lại, làm những gì mình yêu thích, dành thời gian cho bạn đời, con cái, bạn bè, nhà thờ, và cho Chúa… Trong một giai đoạn tiêu biểu của đời sống, hãy chọn ra hai tuần lễ bất kỳ để tiến hành nghiên cứu một cách chi tiết việc sử dụng thời gian của bạn. Hãy ghi nhận lại cách bạn sử dụng thời gian của mình – dùng đơn vị 15 hoặc 30 phút để ghi nhận. Sau khi tổng hợp những dữ liệu thô này, hãy phân loại chúng cẩn thận thành những nhóm chính: nghỉ ngơi, công việc/học tập, nhà thờ/Chúa, gia đình và tiêu khiển. Hãy phân những công việc nào choáng mất nhiều giờ mỗi tuần vào những mục con phù hợp, ví dụ như thời gian di chuyển giữa nhà và công sở là mục con của công việc, hoặc thời gian xem truyền hình là mục con của tiêu khiển. Cuối cùng, với bảng tóm tắt trong tay, hãy bắt đầu đánh giá một cách chặt chẽ cách sử dụng thời gian của mình. Hãy hỏi chính mình:

•Có bất ngờ nào không? Đâu là những lĩnh vực mà tôi không ngờ mình đã lãng phí hoặc dành quá nhiều thời gian cho nó?

•Tôi có muốn dành thời gian cho việc này không?

•Tôi có dành đủ thời gian cho những lĩnh vực ở vị trí ưu tiên trong trong đời sống mình không?

•Thật sự tôi dành bao nhiêu thời gian cho vợ/chồng? Con cái? Bạn bè?

•Tôi có nhận ra mình đã dành bao nhiêu thời gian cho công việc không?

•Nếu tôi muốn thêm thời gian cho việc này việc kia, thì đâu là những lĩnh vực mà tôi cần phải cắt giảm thời gian?

Khi hoàn tất bản tuyên ngôn sứ mạng của mình, có thể bạn sẽ có quá nhiều mục tiêu so với lượng thời gian mà bạn có. Bạn phải tìm thêm thời gian ở đâu? Một bảng nghiên cứu về thời gian chi tiết có thể hé mở cho bạn những viên kim cương còn ẩn giấu. Bạn có thật sự cần ngủ nhiều như vậy hay chỉ vì bạn có phần lười nhác? Nếu muốn, bạn có thể thức dậy sớm hơn vào những ngày cuối tuần để có thời gian tập thể dục hoặc chơi đùa với con cái mình hay không? Đánh vài cú golf mỗi tuần có thật sự quan trọng với bạn hay không? Những giờ ngồi xem truyền hình có thể nhường chỗ cho thời gian mà bạn thật sự dành cho người bạn đời của mình hay không? Bạn dành thời gian nào trong ngày hoặc trong tuần để duy trì giờ tĩnh nguyện của mình?

Tôi không có quyền lên án bất kỳ hoạt động nào. Có thể việc thiết lập những mối liên hệ trên sân golf hoàn toàn nhất quán với tuyên ngôn sứ mạng của bạn. Nó có thể là một phần quan trọng trong công việc hay sự nghiệp của bạn. Có lẽ đó không chỉ là thời gian nghỉ ngơi mà còn là lúc bạn xây dựng những mối liên hệ và cố vấn cho những người khác. Đó có thể là thời gian chủ yếu hàng tuần để bạn thư giãn và phục hồi sức khỏe. Có thể bạn muốn dành một khoảng thời gian đáng kể trong lúc rỗi rải để xem thể thao trên truyền hình – thật tuyệt! Tôi chỉ thách thức bạn thực hiện những điều này sau khi đã lên kế hoạch và cân nhắc thấu đáo. Nhiều năm qua, khi tư vấn và bàn luận với nhiều người về cách sử dụng thời gian của họ, tôi nhận thấy họ sử dụng thời gian không dựa trên ưu tiên rõ ràng, mà phần lớn tùy thuộc vào sự kiện xảy ra, thói quen hay quán tính. Tôi chưa thấy ai nói rằng: “Vâng, tôi đang sử dụng thời gian rất phù hợp với tuyên ngôn sứ mạng của mình và tôi không cần phải điều chỉnh gì thêm nữa để sống có kế hoạch hơn.”

Với bộn bề công việc và luôn phải đi công tác xa – bao gồm nhiều bữa ăn ở những nhà hàng sang trọng – tôi thấy mình khó lòng tập thể dục và rất dễ tăng cân. Thế là tôi đặt ra mục tiêu giảm cân, lấy lại vóc dáng của thời mới cưới vợ. Tôi bắt đầu tập tành thói quen mang theo giày thể thao, quần short trong những chuyến đi dài ngày và đăng ký phòng ở những khách sạn có đầy đủ tiện nghi cho việc tập luyện. Nhờ tận dụng thời gian rảnh rỗi, ưu tiên thức dậy sớm để tập luyện, tôi đã có được vóc dáng thon gọn nhất tính từ hai mươi năm trở lại đây. Đối với việc tập thể dục, sẽ tốt hơn nếu bạn luyện tập chung với bạn thân của mình là người sẽ cùng bạn giữ cam kết. Tôi thường chơi quần vợt ở phòng tập thể dục mỗi sáng sớm. Thật dễ để tắt đồng hồ reo rồi ngủ tiếp nhưng vì biết có Ed hoặc Mary đang chờ mình ở phòng tập thì tôi khó mà ngủ tiếp.

Dầu vậy, đừng vội hoàn tất mọi kế hoạch sửa đổi ở đây. Hãy đợi đến khi bạn đọc xong vài chương nữa. Tôi sẽ đưa ra thêm nhiều công cụ và những thứ tự ưu tiên để bạn cân nhắc trước khi bạn soạn ra danh sách “các việc cần làm” cho mình.

Cuối cùng, tôi khích lệ bạn khảo sát việc sử dụng thời gian của mình một cách định kỳ. Lần đầu tiên tôi làm điều này là lúc tôi đang đi học. Lúc ấy, việc sử dụng thời gian của tôi rất chặt chẽ và hiệu quả. Tuy có vài chỗ khiến tôi hơi giật mình nhưng tôi đã sống rất tốt với những ưu tiên của mình trong khoảng thời gian đó.

Trong lần khảo sát thứ hai, những khám phá khiến tôi càng ngạc nhiên hơn. Tôi không còn đi học, thời gian biểu của tôi năng động hơn nhưng kém chặt chẽ hơn. Vì vậy, kết quả của lần nghiên cứu này có tác động lớn hơn nhiều.

Tôi khám phá rằng việc hoàn tất bằng thạc sĩ cũng đồng nghĩa với việc tôi có nhiều thời gian hơn cho Intel. Điều hành dự án 80486 với hơn một trăm nhân viên dưới quyền khiến tôi cảm nhận trách nhiệm quá lớn lao. Mỗi một vấn đề hay chỗ trục trặc đều trở thành sứ mạng cá nhân của tôi. Như trong bộ phim Apollo 13, người điều hành chuyến bay có nói: “Thất bại không phải là một lựa chọn.” Và tôi cho rằng cách đảm bảo nhất để ngăn chặn thất bại là dành nhiều thời gian hơn cho công tác.

Bảng nghiên cứu thời gian cho thấy thông thường tôi làm việc hơn tám mươi giờ một tuần. Giờ về nhà của tôi càng lúc càng muộn hơn. Một lần nữa tôi lại mất quân bình. Những kết quả rõ ràng như giấy trắng mực đen như vậy lẽ ra không có gì đáng ngạc nhiên – nhiều tháng qua chắc chắn Linda đã ngầm nhắc nhở tôi về điều đó – thế mà tôi lại rất kinh ngạc.

Nhiều năm trôi qua, dầu những khảo sát về thời gian đem đến ngày càng ít những sự ngạc nhiên nhưng mỗi lần như thế tôi vẫn tiếp tục được thúc giục để thực hiện những thay đổi trong đời sống mình.

***

Những điều này nghe sao mà nhiêu khê quá, nhưng thành thật mà nói thì đúng vậy. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thời gian là vốn quý giá nhất mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng ta không thể nào khiến dòng chảy thời gian dừng lại, hoặc chậm lại, hay thêm vào một giờ một khắc nào được. Thời gian chúng ta trên đất chẳng khác nào hơi nước vụt tan (Gia 4:14). Nhưng chúng ta có thể có những quyết định cụ thể và thận trọng trong cách chúng ta sử dụng nó. Vì vậy, kiểm soát thời gian có thể rất khó nhọc, nhưng đừng dại dột đánh mất nguồn vốn vô giá, không sao tìm lại được này.

Câu hỏi chương 2

1.Vì sao bạn thật sự cần soạn một bản tuyên ngôn sứ mạng cá nhân với những giá trị và mục tiêu cụ thể?

2.Bạn đang sử dụng những loại công cụ quản lý thời gian nào?

3.Làm cách nào bạn có thể đặt ra mục tiêu hay tuyên ngôn sứ mạng khi mà thế giới quanh ta thay đổi đến chóng mặt?

4.Bạn nên chuẩn bị lập di chúc và lên kế hoạch tài chánh chi tiết cho gia đình mình như thế nào?

5.Nếu bạn chưa viết bản tuyên ngôn sứ mạng cá nhân, hãy bắt đầu viết ngay hôm nay. Hãy sử dụng ví dụ ba phần trong chương này để làm mẫu. Hãy chia sẻ kết quả với người bạn đời, cố vấn hoặc người bạn thân của bạn.