8. HIỆP NHẤT ĐỨC TIN, GIA ĐÌNH, CÔNG VIỆC

Nghệ Thuật Sống Quân Bình

Đăng vào: 5 tháng trước

.

8. HIỆP NHẤT ĐỨC TIN, GIA ĐÌNH, CÔNG VIỆC

Vài năm trước, tôi phải điều trần với Phòng Nhân sự Intel về vô số lời phàn nàn nổi lên xung quanh đức tin của tôi trong nơi làm việc. Người ta có thể nhìn thấy rõ tôi là một thành viên ban quản trị của Intel có ảnh hưởng to lớn về mặt tổ chức và chiến lược. Có một số lời phàn nàn liên hệ đến một số bài báo mới xuất bản gần đây, trong đó bao gồm những buổi phỏng vấn về đức tin của tôi. Mạng lưới ICBN của Intel có một đường truyền dẫn đến lời tuyên bố về sứ mạng trong trang web cá nhân của tôi (www.patgelsinger.com). Một số lời than phiền cho rằng nội dung lời tuyên bố này ngụ ý rằng tôi thiên vị người Cơ đốc, và vì thế sẽ có thành kiến với người không tin Chúa. Tôi lại đang làm một số việc để hỗ trợ cho buổi ra mắt ấn bản đầu tiên bằng tiếng Hoa của quyển sách này ở đại lục Trung Quốc. Trên trang bìa của ấn bản đầu tiên này có dòng chữ “Từ CTO – Giám Đốc Kỹ thuật của Tập đoàn Intel.” Trong chừng mực nào đấy, điều này gây ấn tượng Intel tán thành cho nội dung của quyển sách. Kết quả là Intel yêu cầu tôi phải rút lui khỏi một số vai trò công khai mà tôi đảm nhận với danh nghĩa Cơ đốc nhân và cá nhân tôi không được tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho buổi giới thiệu quyển sách của mình ở Trung Quốc. Tôi làm theo yêu cầu của Intel một cách miễn cưỡng và khó chịu. Tôi đang dự kỳ thi trong lĩnh vực làm thế nào để kết hợp hoàn hảo đức tin với công việc, và tôi bị đánh trượt. Khi thi, tôi phạm phải một số sai sót trong phán đoán cũng như chưa chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi cùng với những thách thức có thể gặp phải.

Từ chuyện xuất bản sách, nhiều người hỏi tôi về những lĩnh vực khác nhau liên quan đến vấn đề hiệp nhất đức tin với công việc, đến nỗi tôi thường đùa rằng nếu có cơ hội viết một quyển sách khác, tôi sẽ chọn nó làm đề tài trọng tâm và duy nhất. Với ấn bản thứ hai này, tôi cho rằng ít ra tôi cũng có cơ hội dành cả một chương cho vấn đề này.

Trước khi kết thúc chương sách, hy vọng tôi đã thách thức được quý độc giả hãy trở thành một người nhất quán dù là trong gia đình, trong thương trường, trong sở thích, với bạn bè và trong nơi làm việc – là người vừa kết hợp đức tin vào mọi khía cạnh của đời sống vừa thể hiện óc phán đoán và tính hiệu quả khi làm điều đó.

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

Tôi được ơn làm việc cho một công ty luôn hoạt động hết sức mình để gầy dựng và duy trì danh tiếng tốt là công ty có đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, không mấy ai được may mắn như tôi. Hơn nữa, chỉ cần một vài nhân viên cấp cao thiếu đạo đức có thể kéo theo hàng trăm hoặc hàng ngàn nhân viên và gia đình của họ phải chịu ảnh hưởng. Trong những sự kiện thời sự gần đây, chúng ta nghe nói về một trong những bi kịch trong lịch sử kinh doanh.

“Sau một loạt khám phá liên quan đến quá trình kiểm toán không đúng quy cách – gần như là gian lận – được thực hiện trong suốt những năm 1990 liên hệ đến Enron và công ty kiểm toán của Enron là Arthur Andersen, vào trung tuần tháng 11 năm 2001, Enron đứng trên bờ vực phá sản lớn nhất trong lịch sử. Tháng 8 năm 2001, Daniel Scotto, một nhà phân tích tài chính uy tín, tuyên bố Enron gần như tan nát và khuyên nên bán hết tài sản thế chấp của Enron, kể cả cổ phiếu của công ty này. Ông cũng là người đầu tiên công khai tiết lộ tính chất nghiêm trọng của sức bật tài chánh và thiếu đạo đức đoàn thể của Enron, cũng như đặt ra nghi vấn về độ tin cậy của thông số lời lãi được công bố của Enron, dầu chúng đã qua sự kiểm toán của Arthur Andersen.”

Năm 2000, Enron nổi lên mau chóng với những thỏa thuận kinh doanh năng động bằng cách sử dụng tài sản của mình để tạo nên sức bật giúp đạt đến tổng doanh thu được cho là 111 tỉ đôla trong năm 2000. Enron được tạp chí Fortune đặt tên là công ty sáng tạo nhất từ năm 1996 đến 2001. Tuy nhiên, sự năng nổ của Enron lại biến thành tham vọng khi công ty phải sử dụng đến những kỹ thuật năng động hơn nhằm duy trì mức độ tăng trưởng thần tốc của mình. Trong quá trình đó, những kỹ thuật này đã đi từ năng động sang phạm pháp.

Giống như sự suy sụp của Ma Bell, hay Standard Oil hoặc sự kiện thị trường sụp đổ vào năm 1992, sự sụp đổ của Enron là một dấu hiệu to lớn định hình một kỷ nguyên mới trong kinh doanh. Enron đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong nhận thức về đạo đức kinh doanh, mà những tác động của nó tiếp tục ảnh hưởng đến những tổ chức đoàn thể và các mô hình quản trị công ty cho đến tận ngày nay. Ngay sau Enron là Global Crossing, WorldCom và nhiều công ty khác nhìn nhận quyền mua bán cổ phiếu của họ chỉ có giá trị trong quá khứ. Gọp chung lại, những sự kiện này giống như hàng loạt phát súng liên tiếp nhắm vào thế giới kinh doanh. Việc trả lương cho giám đốc điều hành bị xem là có hại và mất kiểm soát. Những thành viên ban quản trị từng được xem là những nhà lãnh đạo được ngưỡng mộ, giờ bị gièm pha là những kẻ cắp vô đạo đức. Còn đâu những tướng lãnh của ngành công nghiệp đã làm việc tích cực và chu đáo đáng được noi theo và kính trọng! Đạo luật Sarbanes – Oxley giờ đây trở thành danh thiếp cho những người điều hành đoàn thể với những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt có khả năng nảy sinh trong tương lai. Ngày nay, các tập đoàn xuyên thế giới cần gia cố then cài trong đạo đức lãnh đạo của mình. Là Cơ đốc nhân, chúng ta có cơ hội to lớn được dự phần vào việc giải quyết nhu cầu cấp bách này.

***

Có lần trong một chuyến đi đến Ấn Độ, tôi được mời nói chuyện trước vài trăm người. Trong giờ giải đáp thắc mắc sau khi bài nói chuyện, tôi bị hỏi tới tấp về những thông tin liên quan đến đề tài gia đình và kinh doanh. Quả là một buổi tối khó tin, cử tọa đầy ắp hứng thú và thắc mắc. Tuy nhiên, hầu hết các câu hỏi đều xoáy vào chủ đề chính là đạo đức kinh doanh. Nhiều câu hỏi đi vào chi tiết và cụ thể như làm sao để kiểm soát vấn đề này giữa vòng đồng nghiệp với nhau, với sự kính trọng đối với sếp, với công việc kinh doanh của công ty và những điều tương tự. Nhiều công ty ở Ấn Độ – trong đó có chi nhánh của Intel – đang vật lộn với những nan đề như thế khi nền kinh tế qua mạng Internet tăng vọt, những công ty liên doanh với nước ngoài mọc lên như nấm, sự cạnh tranh về nguồn lao động lành nghề càng cao, lương bổng tăng lên mau chóng, rồi những luật đánh thuế phức tạp nhưng khó hiểu cùng với những hoạt động kinh doanh truyền thống khó theo kịp những đổi thay của thời đại và những thay đổi gây ra vô số trường hợp ngộ nhận, lầm lỗi và tham vọng.

Bất kể những điều đó, vấn đề đạo đức kinh doanh càng không thể bị xem nhẹ hoặc cho là không quan trọng.

Như đã nhấn mạnh xuyên suốt quyển sách, bạn phải làm một nhân viên giỏi. Dựa trên danh tiếng đó, bạn sẽ thiết lập độ tin cậy mà bạn cần có để vận dụng trọn vẹn vị trí của mình trong nơi làm việc. Tuy nhiên, nếu đã khởi sự, bạn sẽ đi được bao xa? Khi nhìn thấy những điều không hài lòng, bạn sẽ làm gì? Có phải công việc của bạn là làm cảnh sát đạo đức ở sở làm? Bạn sẽ được xem là người thổi còi đạo đức hay là chỗ nhức nhối trong lãnh vực quản trị của công ty bạn? Là Cơ đốc nhân, có phải bổn phận của bạn là đảm bảo đạo đức phải được thực hiện nơi làm việc hay không?

Sau đây là một số hướng dẫn có thể có ích cho bạn:

1.Hãy đi từ một khởi đầu đơn giản. Hãy đảm bảo cá nhân bạn phải thật sự vĩ đại trong lĩnh vực đạo đức kinh doanh. Hãy sống vượt lên trên sự chỉ trích (ITi 3:2). Hãy đảm bảo bạn biết rõ quy trình kinh doanh và tham gia vào những chương trình huấn luyện đạo đức do công ty tổ chức.

2.Tiếp đến, phải nhận thức mình được thuê đi làm chứ không phải để chạy lăng xăng trong công ty làm một giám đốc đạo đức tự phong. Trừ khi bạn là thành viên ban kiểm toán cho công ty, thì việc đảm bảo đạo đức kinh doanh có được thực thi hay không đơn giản không phải là công việc hay trách nhiệm của bạn. Trong bất kỳ công ty nào, đặc biệt là những công ty lớn, luôn luôn có những tin đồn. Công việc của bạn không phải là xua tan hay thổi tung chúng. Hãy quay về với công việc và phớt lờ những tin đồn hay những chuyện phiếm đó đi.

Tuy nhiên, có thể bạn rơi vào tình huống là trong quá trình làm việc, bạn phải đối mặt với một điều có vẻ như là hành động kinh doanh đáng ngờ. Bạn không dòm ngó đến những việc làm này, nhưng thật kỳ lạ, bạn phải đối mặt với chúng. Lúc đó, trách nhiệm vừa là một nhân viên, vừa là Cơ đốc nhân của bạn trở nên to tát. Bấy giờ, dầu không cảm thấy thoải mái bạn cần phải tiến hành những bước nhằm đảm bảo những việc làm đó của bạn phải được cân nhắc đúng đắn. Muốn làm điều này, dựa vào cơ cấu tổ chức của công ty, bạn có thể đem tình hình nói với cấp trên, hoặc người kiểm soát tài chánh, hoặc đại diện ban kiểm toán. Dĩ nhiên là phải được huấn luyện kỹ lưỡng về vấn đề đó, bạn mới có thể trình bày rõ ràng những sai phạm làm bạn bận tâm. Hơn nữa, bạn nên có tài liệu, chứng cứ rõ ràng và vững chắc chứng minh vấn đề đó là gì. Cuối cùng, hãy chuẩn bị lời diễn giải thật cẩn thận, chu đáo trước khi trình bày trong buổi họp với người có thẩm quyền. Đây không phải chuyện cảm xúc, nhưng là những vấn đề có thật với tình huống cụ thể mà bạn cảm thấy đang chống lại chính sách kinh doanh của công ty và có thể chống lại chính sách của cơ quan thẩm quyền nhà nước. Tuy nhiên, một khi bạn tiến hành bước khó khăn này, điều quan trọng là bạn phải nhường lại cho những cá nhân có thẩm quyền kiểm soát cuộc điều tra và phần công việc còn lại. Sau khi xong việc, hãy quay về với công việc chính của mình.

Thật tuyệt vời khi được may mắn làm việc cho một công ty xem đạo đức kinh doanh là điều thiết yếu. Dù không may là tôi từng can dự vào những cuộc điều tra và kiện tụng, nhưng sự vận hành của Intel luôn tích cực và dành nhiều quan tâm cho ngành công nghiệp toàn cầu.

Tuy nhiên, có thể bạn không được may mắn như tôi. Có thể bạn đang làm việc trong một công ty theo đuổi con đường gần giống như con đường mà Enron đã đi – một công ty luôn đang đứng trên bờ vực phạm pháp, và rồi trước sau gì cũng vượt qua lằn ranh mong manh đó. Nếu vậy, bạn cần phải tìm một chỗ làm khác. Phải làm việc trong hoàn cảnh mà lương tâm bạn không ngừng bị cắn rứt và bị thách thức bởi những hành động kinh doanh xảy ra chung quanh bạn thì thật quá sức chịu đựng.

Trải qua nhiều năm, tôi từng tư vấn cho một vài người làm theo cách này khi sự việc càng lúc càng trở nên khó khăn. Tôi hơi sửng sốt bởi một người nọ đã dẫn ra hết vấn đề này, đến vấn đề khác trong chỗ làm của mình. Dù có vẻ anh ấy đã chuẩn bị tài liệu chứng minh khá đầy đủ và trình chúng lên cấp trên của mình, nhưng tình huống lại khó lòng chấn chỉnh. Một chỗ làm mới là con đường tốt nhất cho anh ta.

NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA TRỌN THỜI GIAN?

Khi thuyết trình, tôi thường hỏi cử tọa: “Nếu quý vị là người hầu việc Chúa trọn thời gian, xin vui lòng giơ tay lên.” Thường thì tôi chỉ thấy một số ít cánh tay giơ lên. Chỉ có một vài người hầu việc Chúa trọn thời gian giữa vòng cử tọa cảm thấy tự hào khi giơ tay. Tôi sẽ đặc biệt mời họ bước lên và xin cử tọa một tràng pháo tay cổ vũ. Giống như tiên tri Ê-sai sẵn lòng lắng nghe lời kêu gọi, họ cũng sẵn lòng dành trọn thời gian trong cam kết cho chức vụ Cơ đốc.

“Đoạn, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Es 6:8).

Chúng ta nên trân trọng những người hầu việc Chúa toàn thời gian. Họ là người sẵn lòng tiến lên phía trước; sẵn lòng tận hiến cuộc đời và sự nghiệp trọn thời gian cho sự trình bày Phúc âm.

Thường thì một vài người cảm nhận được tôi sẽ dẫn họ đến đâu với câu hỏi về “Người hầu việc Chúa trọn thời gian.” Tôi sẽ đọc phần Kinh Thánh Co 3:23-24 và lặp lại câu hỏi. Nhiều cánh tay giơ lên hơn. Tôi lại đọc thêm lần nữa và cổ vũ họ rằng nếu là Cơ đốc nhân, họ đã cam kết làm một “Cơ đốc trọn thời gian” trong mọi điều họ làm. Họ không thể phân chia đức tin của mình thành từng phần riêng biệt như ở sở làm, tôi là Joe – thành viên ban quản trị – ở nhà, tôi là Joe – chồng hoặc cha; và ở nhà thờ, tôi mới làm Joe – Cơ đốc nhân.

Không phải như vậy. Thật ra chúng ta thấy Chúa Giê-xu thực thi phần lớn chức vụ của Ngài đang khi dong ruổi trên đường, ngoài chợ, tại bãi đánh bắt cá, tại đám cưới, trên sườn đồi, đang khi trong nhà, hay bên giếng nước. Chúng ta chắc chắn cũng thấy Ngài phục vụ trong nhà hội và tại đền thờ. Việc xuất hiện ở nhà hội hay đền thờ là kết quả tự nhiên của chức vụ trọn thời gian của Ngài. Những địa điểm này không chỉ đơn thuần là một nơi Ngài phải đến để phục vụ. Chúng ta cũng thấy sứ đồ Phao-lô sử dụng nhà hội để thi hành chức vụ khi đi từ nơi này đến nơi khác. Nhưng lúc đó nhà hội là khởi điểm tốt để ông bắt đầu một công đồng mới vì ông biết nơi đó sẽ có sự hội họp của những người quan quan tâm đến vấn đề thuộc linh (xem Cong 17:2). Hôm nay, bạn có thể đến những nào để bắt đầu chức vụ của bạn? Nhà thờ là nơi những người đã tin Chúa nhóm lại. Không còn những nhà hội nơi những người chưa tin Chúa Giê-xu tập họp và chờ bạn đến trình bày Phúc âm.

Khi nhìn vào Đại Mạng lệnh, chúng ta gặp ngay phân đoạn nổi tiếng khuyên chúng ta “hãy đi”. Nhiều giáo sĩ đã dùng câu Kinh Thánh này như câu gốc để lý giải tại sao họ chọn bước vào cánh đồng truyền giáo xa xôi.

Đức Chúa Giê-xu đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: “Hết cả quyền phép trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân hãy nhân danh Đức Cha – Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến ngày tận thế. (Mat 28:18-20).

Tuy nhiên, nhiều học giả giờ đây xem và diễn giải rằng phân đoạn này không hẳn là huấn thị “hãy đi” mà là “khi các ngươi đi.” Nói cách khác, đang khi đi, hãy môn đệ hóa muôn dân, làm báp-têm cho họ và dạy dỗ họ.

Như vậy, tất cả chúng ta đều là những người hầu việc Chúa trọn thời gian. Ngày nay có một ít phong trào hầu việc Chúa trọn thời gian nơi công sở đang hoạt động. Nhiều người, nhiều tác giả viết về đề tài này. Tôi coi mình là một thành viên, là người tham dự vào phong trào đó. Vài người bạn của tôi đã bắt đầu gầy dựng cơ sở kinh doanh ở nước ngoài với mục tiêu rõ ràng là sử dụng công việc kinh doanh làm môi trường để phục vụ và bày tỏ Phúc âm cho lực lượng lao động của họ. Những tác giả như Os Hilman, Bob Buford, Dennis Bakke, John Beckett, Michael Novak, Ves Cantrell, Rich Marshall, và David Miller gần đây đã cho xuất bản những tác phẩm viết về nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề đức tin nơi công sở. Qua việc quen biết nhiều người trong số họ và đọc những tác phẩm của họ, tôi khích lệ bạn hãy đọc chúng khi bạn tiếp tục cuộc hành trình của mình trong lĩnh vực này.

Nếu bạn gọi mình là Cơ đốc nhân và tuyên xưng danh Giê-xu làm Chúa của bạn, thì bạn đã là hầu việc Chúa trọn thời gian. Bạn cần phải thuộc về Ngài một trăm phần trăm trong mọi tình huống và mọi hoàn cảnh. Chẳng phải là điều kỳ diệu hay sao khi Intel, Nike, Boeing, GE, TI, IBM, hoặc người chủ bất kỳ nào trả lương cho bạn, dành phúc lợi cho bạn khi bạn dong ruổi thi hành chức vụ hầu việc Chúa trọn thời gian mỗi ngày? Nhưng như tôi đã nhiều lần nhắc nhở, trong sở làm, đầu tiên và trước hết, bạn phải làm một nhân viên giỏi. Làm một nhân viên giỏi, bạn sẽ có vô số cơ hội giới thiệu về Chúa Cứu Thế cho người khác. Giữa những nhiệm vụ chính thức và cơ hội bất thường, bạn sẽ tìm thấy vô số dịp tiện xen lẫn trong đấy.

Như đã thảo luận trong chương 7, bạn phải làm một chứng nhân tỏ tường và công khai. Bạn được kêu gọi để làm người hầu việc trọn thời gian cho Chúa Cứu Thế. Bây giờ, vấn đề là phải làm điều đó như thế nào: Bạn nên chia sẻ niềm tin ở sở làm trong những hoàn cảnh nào và nên tiết chế hơn trong những tình huống nào?

Sau đây là hai nguyên tắc đơn giản mà tôi từng sử dụng nhiều năm qua và rất có ích lợi cho tôi :

Nguyên Tắc 1: Đừng Ngần Ngại

Hãy làm một Cơ đốc nhân hòa hợp, toàn tâm toàn lực và trọn vẹn một trăm phần trăm trong mọi lúc và đừng ngại chiếu ra ánh sáng Cơ đốc khi bạn ở sở làm hoặc trên thương trường.

Sau nhiều năm làm Cơ đốc nhân, có một số biệt ngữ mà tôi không ngại sử dụng chúng trong khi trò chuyện hằng ngày. Nếu bạn có thói quen nói “Ngợi khen Chúa” hay những câu tương tự khi một điều tuyệt vời nào đó xảy ra, đừng ngại sử dụng chúng nơi công sở.

Cũng đừng ngần ngại tỏ mình là Cơ đốc nhân. Intel có một chiếc máy bay phản lực sử dụng nội bộ. Hãy hình dung rằng đây không còn là chiếc máy bay sang trọng nữa, mà là một chiếc xe buýt biết bay trên đó có thể có những công nhân thử việc chen vào ngồi cạnh giám đốc điều hành công ty. Trên máy bay, tôi luôn ngồi ở hàng ghế gần lối đi và vẫn có giờ tĩnh nguyện như thường. Tôi lấy Kinh thánh ra đọc khi máy bay cất cánh. Tôi không ngần ngại khi làm điều đó trước mặt mọi người. Đọc Kinh thánh là một phần cuộc đời tôi và tĩnh nguyện buổi sáng cũng như vậy. Gần đây, có một người tên là John nhận ra điều này và sử dụng cơ hội đó để làm quen với tôi. Anh hiện đang cùng gia đình dự nhóm ở nhà thờ chúng tôi. Đừng che giấu niềm tin của mình, nhưng hãy tự hào về nó.

Nguyên Tắc 2—Nếu ai đó bước vào lãnh vực cá nhân, bạn cũng hãy làm như vậy!

Tôi thường cảm nhận rằng nhiều người cần biết Chúa Cứu Thế và nghe đến Phúc âm. Thật tuyệt vời nếu bạn nhận thấy sự thôi thúc đó trong những tình huống khác nhau; ấy là bạn đang cảm nhận tiếng gọi của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, khi nào thích hợp để đáp ứng, khi nào thì không?

Nguyên tắc đơn giản này giúp ích rất nhiều cho tôi trong suốt những năm qua. Nếu một ai đó nói chuyện về gia đình, con cái, bệnh tình của người thân hoặc cha mẹ họ, hay những hoạt động cá nhân như thể thao, sở thích, thì họ đang mở ra cánh cửa cho cuộc trò chuyện mang tính cá nhân với bạn. Họ đang chuyển từ lãnh vực chuyên môn sang cá nhân. Điều quan trọng cần chú ý là người kia làm điều đó, chứ không phải bạn. Nếu bạn là người khởi xướng, điều đó không đáng quan tâm; nhưng phải là người kia – là người đang mở ra cánh cửa để đi từ bối cảnh làm việc sang những vấn đề riêng tư. Một khi cánh cửa bước vào đời sống của họ rộng mở, hãy xem đó là cơ hội để chia sẻ riêng tư về cuộc đời và niềm tin của bạn.

Tôi có một trợ lý điều hành làm việc cho tôi nhiều năm và biết rõ về niềm tin của tôi. Cô ấy kiểm soát những cuộc gọi đến cho tôi, xếp lịch cho công việc và hoạt động của tôi. Tuy nhiên, cô ấy luôn tách bạch giữa những vấn đề cá nhân và chuyên môn, cũng không bao giờ khơi chuyện hay nghi vấn về niềm tin của tôi. Với cô, việc làm chứng nơi sở làm của tôi chỉ đơn thuần là bày tỏ Đấng Christ qua bất cứ điều gì cô nhìn thấy trong lối sống của tôi.

Ngược lại, gần đây, Matthew, một đồng nghiệp của tôi tại Intel đến gặp tôi hỏi về mối quan hệ cố vấn. Cố vấn nơi công sở luôn được Intel khuyến khích, vì thế nhiều người thường hỏi tôi về vấn đề này. Hơn nữa, với quyển sách của mình và nhiều cuộc nói chuyện về đề tài này, tôi thường nhận được những câu hỏi về vấn đề cá nhân như vậy. Với nhiều câu hỏi như thế, tôi có xu hướng lựa chọn cẩn thận và thường có buổi phỏng vấn không chính thức với người đó để phán đoán mức độ nghiêm túc của họ và khả năng tôi có thể đem đến cho họ những hỗ trợ gì trước khi đồng ý tiến hành bất kỳ hình thức liên hệ tư vấn nào với họ.

Matthew và tôi sắp xếp dùng chung bữa tối khi cả hai chúng tôi tình cờ cùng đến một nơi nọ. Anh làm việc trong nhóm của tôi nhưng tôi lại không biết nhiều về anh. Anh khá nhanh nhạy, có tiếng tốt, và đang lo lắng khi ngày càng thành công và có ảnh hưởng nhiều hơn trong công ty. Mới trò chuyện, tôi nhận thấy ngay là Matthew có đọc ấn bản đầu của quyển sách này. Hơn nữa, anh cởi mở và khao khát có mối liên hệ không chỉ ở mức độ chuyên môn mà còn cá nhân nữa. Với cánh cửa rộng mở, có thể nói như vậy, tôi tự do bước vào và chia sẻ về công việc, gia đình và niềm tin của mình. Không bao lâu sau, Matthew cùng vợ và các con đến thăm Hội thánh của chúng tôi. Tôi có thể chia sẻ nhiều điều về niềm tin của tôi. Linda và tôi có thể giải đáp những nghi vấn và bận tâm của vợ chồng anh. Chúng tôi bắt đầu gặp gỡ các con anh và hai gia đình qua lại nhiều hơn. Ít tháng sau, vào một Chúa nhật Phục sinh, Matthew đã nhận phép báp-têm để bước vào mối liên hệ với Chúa Cứu Thế. Hiện nay, gia đình Cơ đốc của anh ngày một lớn mạnh, chúng tôi thường ngồi cạnh nhau ở nhà thờ cũng như trong những dịp lễ khác.

Khi hồi tưởng lại lần trò chuyện đầu tiên của chúng tôi, Matthew hóm hỉnh bảo anh thì hé cửa, còn tôi phá hỏng cả bản lề. Khi người khác mở cửa, hãy tự do bước vào và chia sẻ cuộc đời và lòng nhiệt tâm của bạn. Nếu người đó thấy không được thoải mái, bạn sẽ nhận ra ngay. Nếu họ có vẻ khó chịu, bạn cần lập tức tôn trọng sự lo lắng của họ và lùi lại ngay. Tuy nhiên, nếu đó là cơ duyên thiên định, thì bạn không thể nào lờ đi sự kêu gọi của Đức Thánh Linh để không tận dụng mọi cơ hội mình có và sử dụng nó cho Chúa Cứu Thế. Hãy tiến lên, bạn nhé !

CHÍNH TRỰC TRONG MỌI SỰ

Từ khi sa ngã con người chúng ta luôn phạm sai lầm. Nó được gọi là tội lỗi. Hầu hết những nhà lãnh đạo trong Kinh Thánh được ghi lại không những với những thành công, mà còn có những thất bại của họ nữa. Từ Áp-ra-ham đến Đa-vít, Phi-e-rơ đến Phao-lô – mọi giống dân trải mọi thế hệ – bạn đều thấy lỗi lầm của những lãnh đạo vĩ đại trong Kinh thánh được ghi chép trong cõi đời đời. Đây là một trong những điều minh chứng cho tôi biết rằng Kinh thánh là lời có giá trị của Đức Chúa Trời – với sự thành thực táo bạo và đôi khi có vẻ thô cứng và vô cảm. Nếu phải viết sách định nghĩa một tôn giáo mà hàng triệu người tin theo, tôi có viết về thất bại của tất cả những lãnh đạo vĩ đại của tôi rõ ràng đến từng chi tiết như vậy không? Thật tôi sẽ không làm như thế.

Khi trải nghiệm cuộc sống nhằm quân bình những yêu cầu của công việc, gia đình và niềm tin, một trong những thành phần quan trọng nhất là danh tiếng và nhân cách của bạn. Bạn có đang sống một đời sống thánh khiết không chỗ trách được (Phi 4:8)? Bạn có đang sống vượt lên trên sự chỉ trích. Bạn có gìn giữ con mắt, tấm lòng và tâm trí mình trước sự cám dỗ của thế gian?

Tôi đi đây đó rất nhiều và phải qua đêm một mình ở khách sạn. Sau một ngày dài mệt mỏi, người ta dễ dàng bật TV lên và dạo một lượt qua các kênh truyền hình. Không phải mọi thứ bạn xem trên các kênh truyền hình ở khách sạn đều thích hợp cho người Cơ đốc. Linda và tôi thỏa thuận không xem những loại phim cấm, nhưng khi ở cách xa nhà hàng ngàn dặm, nào ai biết được nếu bạn đang xem bộ phim cám dỗ bạn vi phạm những chuẩn mực mà bạn đã đề ra cho bản thân và gia đình? Tôi có một thỏa thuận cá nhân là không bật TV khi đi xa. Máy tính xách tay của tôi chứa đầy những file nhạc MP3 Cơ đốc. Tôi sẽ mở chúng lên sử dụng thời gian này một cách khôn ngoan – tôi luôn có thể tận dụng vài tiếng đồng hồ nghe nhạc thư giãn này để bắt kịp công việc!

Tôi cũng tạo điều kiện tốt nhất cho Linda dễ dàng tìm thấy tôi khi cần. Điện thoại cầm tay là công cụ tuyệt vời. Cô ấy có thể gọi cho tôi bất kỳ lúc nào và cô ấy biết chắc mình có quyền biết tôi đang làm gì, ngày cũng như đêm. Dĩ nhiên là đôi khi cũng xảy ra những tình huống buồn cười lúc tôi quên tắt điện thoại di động đang khi thuyết trình. Tôi sẽ bắt máy và nói: “Chào, em yêu, có hàng trăm người đang quan sát anh nói chuyện với em đây.” Với những thay đổi múi giờ, cô ấy lè nhè đáp: “Ôi, em biết rồi anh…” Dĩ nhiên, tùy vào hoàn cảnh họp hành hay thuyết trình, đôi khi ngay lúc đó tôi không thể nhận cuộc gọi đến của cô ấy. Tôi luôn cố gắng tìm cách gọi lại cho cô ấy ngay khi có thể. Khả năng tiếp cận mọi lúc mọi nơi này tạo cơ hội nâng đỡ lòng tin tưởng của Linda và giúp tôi thêm đáng tin cậy để có một đời sống chính trực.

Trong những chuyến đi quốc tế, tôi thường gặp nhiều người biết tôi mà tôi không biết họ. Với vị trí nổi bật ở Intel, nhiều người rất có hứng thú gặp gỡ tôi và nói chung, tôi luôn cố gắng tỏ ra thân thiện nhất. Một lần nọ, có một phụ nữ tỏ vẻ muốn tôi chú ý, vì thế tôi đã chào cô. Tiếng Anh của cô ta rất tệ. Qua cuộc trao đổi không được suôn sẻ và tâm trí không được thoải mái, tôi nhận thấy đây không phải là tình huống thích hợp. Tôi mau chóng rút lui. Dù không rõ cô ấy muốn gì, nhưng tôi lại biết rõ không nên tìm hiểu là tốt nhất.

Internet khiến thông tin – cả tốt lẫn xấu – dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cú nhấp chuột, bạn có thể rời khỏi những trang web lành mạnh. Cũng chỉ một cú nhấp chuột đơn giản, bạn đã đưa mình thoát khỏi những trang web dơ bẩn và khiêu dâm. Gần đây, có một người nọ ở Intel đề nghị tôi hiển thị trên màn hình kỹ thuật của Intel những trang web mà anh từng vào để giúp anh giữ mình hơn. Tôi ngưỡng mộ lòng sốt sắng về sự tinh sạch của anh. Tương tự, dù tôi thích sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo MySpace của mình để kiểm tra những trang MySpace của các con tôi, nhưng đôi khi “những yêu cầu từ bè bạn” trên đó lại từ những nguồn không mấy đúng đắn. Bạn không cần phải nhấp chuột vào đó mới biết nó sẽ dẫn bạn đến đâu. Chỉ cần nhìn vào nguồn đường dẫn là bạn hầu như có thể biết ngay nó sẽ dẫn bạn đến một trang web mà không việc gì bạn phải xem chúng.

Tại Intel, thành viên ban Quản trị cơ bản sẽ có một trợ lý kỹ thuật. Dạo nọ, trợ lý kỹ thuật cùng đi công tác với tôi là một phụ nữ. Cô ấy gặp chút rắc rối với máy tính, vì là một chuyên viên, tôi đương nhiên có thể giúp cô một tay. Tôi vào phòng khách sạn của cô để giúp sửa chữa cho mạng kết nối hoàn hảo. Sau khi cửa phòng cô ấy đóng lại, tôi nhận ra tôi đang khiến mình lâm vào một tình huống vô cùng ngu ngốc. Ngay sau đó, tôi đã xin Linda tha thứ cho sự bất cẩn của mình.

Khi các con chúng tôi tự lập, tôi dễ dàng thu xếp dẫn Linda theo trong những chuyến đi công tác hơn. Làm điều đó thật tuyệt! Tôi mong nó sẽ giúp tôi quân bình bằng cách xen lẫn vài ngày thư giãn vào một chuyến đi công tác mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, điều này làm mờ đi giới hạn giữa chuyện công và chuyện tư. (Tôi có thật sự cần chuyến đi đó hay không?). Nó cũng dễ làm nhập nhằng giữa chuyện chi phí chuyến đi là cho Intel hay cho cá nhân tôi.

Tương tự, vì trợ lý điều hành của tôi kiểm soát hầu hết lịch làm việc của tôi, nên rất dễ khiến tôi quên mất giới hạn mà nhờ cô ấy làm giúp tôi vài việc không thuộc chuyện công. Thậm chí rất dễ hợp lý hóa bằng lý lẽ: “Nếu tôi phải bỏ thời gian để làm điều này, thì đúng là tôi đang rút bớt thời gian tôi dành cho công việc kinh doanh của Intel. Nếu vậy, nhờ cô ấy làm giúp mấy chuyện riêng đó âu cũng là giúp tôi làm việc hiệu quả hơn.” Dĩ nhiên, đó là những tình huống mà Cơ đốc nhân chúng ta cần giữ vai trò mẫu mực, hoàn toàn trong sạch từng ly từng tí và tránh những biểu hiện hành xử đáng nghi ngại.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG CHÍNH TRỰC TUYỆT ĐỐI

1. Tránh những tình huống thỏa hiệp

Đơn giản hãy đánh giá tình huống. Đừng đặt mình vào những tình huống thỏa hiệp như trong ví dụ giữa tôi và cô trợ lý kỹ thuật. Nếu bạn cảm thấy day dứt, hãy xem đó là tiếng chuông cảnh báo và mau chóng rời khỏi tình huống đó.

Hồi tôi lên mười, vào một Chúa nhật nọ, đang khi rời nhà thờ, mục sư của gia đình chúng tôi hỏi tôi có khỏe không. Tôi nói mình không khỏe lắm vì hồi tối bị ngã từ trên giường xuống đất. Ông mục sư hỏi tại sao tôi lại ngã, tôi mau mắn đáp: “Chắc tại con nằm gần chỗ dễ té!” Chúa nhật tuần kế tiếp, câu nói đó trở thành đề tài bài giảng của ông mục sư: Cơ đốc nhân cần tránh xa những chỗ dễ vấp ngã trong đức tin. Thay vì ở quá gần những lĩnh vực cám dỗ hoặc thách thức hoặc khơi dậy sự tò mò, chúng ta cần tuyệt đối tránh đi. Đây là khía cạnh tuyệt vời nhưng đôi khi cũng đầy thách thức ở Linda: Cô ấy không nhìn thế giới bằng màu xám mà bằng trắng đen rõ rệt. Trong khi tôi có thể hợp lý hóa một vấn đề, cô ấy có thể mau chóng xác định ranh giới và tuyên bố điều đó là tốt hay xấu.

2. Đáng tin cậy

Hãy chia sẻ một cách cởi mở những lĩnh vực yếu đuối của bạn với cố vấn hoặc người thân tín hay người bạn đời của bạn. Hãy đề nghị họ chất vấn bạn trong những lĩnh vực này và ngược lại, hãy cam kết luôn thành thật và không giấu giếm điều gì với họ. Hãy đề nghị người khác dùng lời cầu nguyện che chắn cho bạn trong những lĩnh vực này, giống như dựng một hàng rào bảo vệ vậy (Giop 1:10). Khi đi công tác, hãy làm sao để người bạn đời mình có thể tìm gặp bạn 24/7 (tức 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần), mọi lúc mọi nơi. Hãy cam kết với họ rằng họ có thể gặp bạn bất cứ lúc nào và tự do yêu cầu được biết bạn đang làm gì.

3. Khi nghi ngờ thì đừng làm

Nếu không chắc chắn tốt hơn hết là bạn đừng đến gần. Một vài đồng đôla bạn tiết kiệm hoặc chút lợi lộc bạn kiếm được không đáng cho bạn phải liều lĩnh đem sự chính trực của mình ra thoả hiệp. Rất dễ thêm vài mục vào báo cáo chi tiêu mà cho rằng hoàn toàn không có vấn đề gì. Chà, trong chuyến hải trình với Linda, tôi cần lên mạng để phục vụ cho việc viết sách. Dĩ nhiên khi lên mạng, tôi cũng sẵn tiện kiểm tra thư điện tử của mình, như vậy khoản này sẽ tính vào công tác phí của tôi, đúng quá còn gì? Tất cả những điều này là dịp tiện để vượt qua lằn ranh nhập nhằng tốt xấu. Đừng làm điều đó.

4. Dầm thấm trong lời Đức Chúa Trời và áp dụng lời Ngài

Lẽ đương nhiên, cách tốt nhất để sống một đời sống hoàn toàn chính trực là áp dụng Lời Đức Chúa Trời trực tiếp và cụ thể vào từng tình huống xảy đến cho bạn. Hãy tìm kiếm phẩm hạnh thánh như được xác định trong Ga 5:22-23. Hãy bước lên nấc thang cao hơn trong sự trưởng thành Cơ đốc như IIPhi 1:5-11 đề cập. Nếu phải tranh đấu với nhục dục, bạn hãy ghi nhớ phân đoạn Kinh thánh như Giop 31:1 và đọc nhẩm câu này bất cứ khi nào bạn bị cám dỗ. Nếu tranh đấu với thói ngồi lê đôi mách bạn hãy đọc Eph 4:255:19. Nếu bạn có những suy nghĩ không tốt về đồng nghiệp của mình, hãy nghiền ngẫm Mat 5:22. Đây chỉ là vài ví dụ có thể hữu ích cho bạn. Chìa khóa là dù cá nhân bạn gặp thách thức trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy chọn và học thuộc lòng một, hai phần Kinh Thánh và thường xuyên công bố lớn tiếng Lời Chúa để giúp bạn đấu tranh với những lĩnh vực khó khăn đó.

ĐIỀU BẠN LÀM TRONG TƯƠNG QUAN VỚI ĐIỀU BẠN TIN

Tôi yêu thích công việc của tôi. Lần đầu tiên chạm đến chiếc máy tính, tôi biết ngay mình muốn làm gì với phần đời còn lại của mình. Dù chắc chắn tôi cũng có những ngày tồi tệ và vài nhiệm vụ đặc biệt mà tôi không hề hứng thú, nhưng nhìn chung, tôi rất phấn khởi với công việc của mình. Nếu đã từng nghe tôi thuyết trình về đề tài kỹ thuật bạn sẽ thấy ngay lòng nhiệt tình và đam mê của tôi dành cho nó.

Khi thuyết trình trong nội bộ Intel, tôi thường khích lệ mọi người hãy tìm công việc mình yêu thích. Đôi khi, tôi còn thách thức họ rằng nếu như không yêu thích công việc hiện tại, tốt hơn hết họ nên chuyển sang công việc khác, nhường lại vị trí đó cho người khác yêu nghề hơn.

Khi thuyết trình với danh nghĩa Intel, tôi thường miêu tả khải tượng của mình: công nghệ Intel sẽ chạm đến từng con người một trên hành tinh này, trong mọi khía cạnh của đời sống họ – làm việc, học hành, vui chơi – từng ngày, từng giờ, từng phút một.

Khi tôi nói với tư cách Cơ đốc nhân, tôi miêu tả khải tượng công nghệ của Intel sẽ chạm đến từng con người một trên hành tinh này, trong mọi khía cạnh của đời sống họ – làm việc, học hành, vui chơi – từng ngày, từng giờ, từng phút một hầu cho nhiều người sẽ nghe đến Phúc âm của Chúa Cứu Thế.

Bạn có thể mau chóng nhận thấy rằng hai khải tượng này đồng điệu với nhau. Tôi có thể nhìn thấy công việc tôi làm hằng ngày tạo nhiều khả năng hơn cho người khác có được máy tính, thiết bị truyền thông, tiếp cận với Internet và cung cấp cơ sở hạ tầng cho dịch vụ này như thế nào. Tôi biết rằng dù những công nghệ này có những mục đích thiết thực lẫn tác dụng tội lỗi (như tranh ảnh khiêu dâm), nhưng công nghệ có thể được sử dụng để chinh phục thế giới cho Chúa Cứu Thế.

Kể từ thời đại Hòa bình Kiểu Rôma của Đế chế La Mã, nhân loại chưa bao giờ được kết nối nhiều như sẽ được nối kết bởi Internet trong thập niên tới và thập niên tới nữa. Không hiểu sao tôi hay nghĩ rằng sự kiện Đấng Christ giáng sinh đặc biệt được Đức Chúa Trời ấn định khi thế giới “được kết nối với mức độ cao nhất” trong lịch sử hầu cho nhân loại nghe được sứ điệp của Chúa Cứu Thế. Sâu thẳm trong tâm trí, tôi cho rằng có thể – và chỉ là có thể – sự tái lâm của Ngài sẽ đến khi thế giới một lần nữa “được kết nối cao nhất.” Do vậy, mỗi lần chúng tôi tạo ra một con chíp mới, tôi thường mang tâm tưởng là chúng tôi có thể góp phần đẩy nhanh sự tái lâm của Ngài. Với suy nghĩ đó, tôi chủ động dự phần vào vô số công tác nhằm sử dụng Internet để đem sứ điệp Phúc âm đến cho toàn thế giới. Những nỗ lực như thế làm gia tăng niềm đam mê đối với công việc mà tôi được giao thác tại Intel: Sử dụng công nghệ Intel để kết nối thế giới.

Tôi là người hết lòng tin tưởng nơi tiềm năng của công nghệ. Gordon Moore – một trong những người đồng sáng lập của Intel – nhận thấy cứ mỗi hai năm số bóng bán dẫn trong con chíp gia tăng gấp đôi. Bạn có thể tưởng tượng lúc ông bắt đầu thực hiện quan sát này, những con chíp chỉ có vài trăm bóng bán dẫn, ông không thể tưởng tượng bốn mươi năm sau, chúng tôi đã làm ra những con chip chứa trên một tỉ bóng bán dẫn. Sự quan sát này không những là cột chỉ đường cho ngành công nghiệp trong hơn bốn mươi năm, mà còn nhiều năm nữa trong tương lai. Những mạch bán dẫn mà chúng tôi làm ra sẽ còn tiếp tục tạo ra những mạch vi xử lý ngày càng mạnh hơn. Những mạch vi xử lý này sẽ cho phép chúng tôi tạo ra những máy tính nhỏ hơn và tiện dụng hơn. Chúng ta sẽ có thể giải quyết những rắc rối mà trước đây chúng ta chưa giải quyết được. Chúng ta sẽ chữa trị được những căn bịnh nan y. Chúng ta sẽ tìm ra những nguồn năng lượng mới. Kết quả là chúng ta sẽ cải thiện cuộc sống con người trải khắp hành tinh này. Bởi sự tin quyết này, tôi hăng say làm việc mỗi ngày với niềm đam mê và lạc quan. Tôi tin rằng những nỗ lực này sẽ đem lại những lợi ích vừa trên đất vừa trong cõi đời đời.

Một lần, tôi có nghe câu chuyện về anh nhân viên bảo hiểm rất yêu nghề nọ. Mục đích bán bảo hiểm nhân thọ của anh là đem đến cho những gia đình sự đảm bảo cuộc sống. Anh không bán hợp đồng bảo hiểm, mà là đeo đuổi sức khỏe tài chánh một khi sức khỏe thuộc thể không còn. Theo như câu chuyện, anh ta phát hiện mục sư Martin Luther King vẫn chưa mua bảo hiểm nhân thọ. Thế là anh cố tình tìm đến. Cuối cùng, anh ta gặp được mục sư và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được ký kết. Như bạn có thể đoán ra diễn tiến câu chuyện, gia đình của mục sư King đã hưởng lợi rất nhiều từ quan điểm yêu nghề của anh nhân viên bán bảo hiểm đó. Câu chuyện đơn giản này nhấn mạnh điều tôi tin: Chúng ta không thể coi công việc như một phần tách biệt mà chỉ có ở đó phẩm cách nghề nghiệp mới được bày tỏ. Không phải vậy. Khi học đến chương này, mỗi người chúng ta cần cố gắng trở thành một con người hợp nhất – với phẩm cách nhất quán trong đức tin, gia đình, công việc và vui chơi. Khi người ta gặp bạn trong bất kỳ lãnh vực nào, họ có thể thấy mình gặp gỡ cùng một người. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta làm chứng nhân hiệu quả và nhất quán cho Ngài trong mọi việc chúng ta làm.

Nếu bạn khinh thường công việc mình, thì lời chứng của bạn chắc chắn thiếu sức thuyết phục. Nếu bạn thấy nghề nghiệp của mình là điều buồn tẻ khổ sở mà bạn bất đắc dĩ phải làm vì nghĩa vụ hoặc vì cần tài chánh, bạn cần phải cân nhắc để thay đổi một trong hai điều: hoặc thái độ của bạn, hoặc công việc bạn đang làm. Tôi không hề có cái nhìn lạc quan thái quá về công việc. Từ khi loài người sa ngã (Sa 3:17-19), chúng ta thấy con người bị rủa sả phải làm việc đổ mồ hôi hoặc lao động cực nhọc. Trong công việc, sẽ có nhiều lúc bạn không được vui thỏa trọn vẹn và sẽ có nhiều lúc bạn làm chỉ vì nghĩa vụ và cam kết. Sẽ có những giai đoạn bạn làm việc để chờ thời. Tôi từng làm việc trên các nông trại của các bác tôi, trong trại nuôi ngựa của bác hàng xóm, trong đài truyền thanh và truyền hình, thậm chí có một thời gian làm việc ca 26 phút ở quầy thức ăn nhanh Mc Donald! Có thể một công việc trong trường đại học chẳng qua là để kiếm thêm một ít tiền trang trải học phí cho năm tới. Có thể hiện tại không có công việc nào thích hợp cho bạn. Chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải những hoàn cảnh như vậy. Tuy nhiên, như đã học trong chương 5, dù trong những hoàn cảnh như vậy, bạn vẫn cần phải làm một nhân viên giỏi. Như trong thư Co 3:23-24 chép, bạn làm việc là làm cho Chúa Cứu Thế Giê-xu!

HỌC TẬP TỪ THẤT BẠI

Nhiều năm trước, tôi được giao trách nhiệm khởi động một lĩnh vực kinh doanh mới cho Intel trong mảng hội thảo ghi hình. Dự án được đỡ đầu bởi không ai khác hơn là Andy Grove. Trách nhiệm đó vô cùng to lớn đối với tôi: Triển khai mảng kinh doanh mới cho Intel, khởi động hạng mục sản phẩm mới cho khách hàng chúng tôi và tạo ra cơn lốc công nghệ cho ngành công nghiệp máy tính. Nó đòi hỏi phải liên hệ sâu rộng với những công ty và công nghệ truyền thông, một lĩnh vực mà cả Intel và tôi hãy còn bỡ ngỡ. Từ nhiều phương tiện, tôi đơn thuần chưa được chuẩn bị cho một nhiệm vụ nản lòng cỡ đó. Cơ may thành công chẳng là bao, nhưng tôi vẫn quyết tâm thử sức.

Thật ra, sau một thời gian, công việc tưởng như thành công. Chúng tôi có những hợp đồng lớn với các nhà cung cấp dịch vụ và bắt đầu có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hạng mục này vẫn non yếu và sản phẩm bán ra rất chậm. Khi thất bại rõ ràng hơn, tôi đáp ứng với nó bằng cách làm việc cần cù hơn và năng nổ hơn. Cho đến thời điểm đó, tôi luôn thành công trong mọi việc tôi làm cho Intel và tôi không định để lại vết nhơ trong hồ sơ của tôi. Càng thấy nguy cơ thất bại, tôi càng ra sức làm việc. Tôi mong tiếp tục thành công trong nỗi tuyệt vọng!

Cuối cùng, ngót bốn năm nỗ lực, tôi bị sa thải khỏi nhiệm vụ đó. Thật không thể tin được. Giữa trưa, tôi về nhà – hành động chưa từng có ở tôi. Tôi bị quẫn trí và bị đánh gục.

Đây là một trong những thất bại rõ ràng và nặng nề nhất của tôi trong sự nghiệp, tôi phải rà soát lại tâm hồn mình. Dần dần, tôi lần ra những bài học then chốt từ nhiều khía cạnh. Khía cạnh kinh doanh và kỹ thuật của thất bại đó là gì? Những bài học về tổ chức là gì? Đâu là những bài học cá nhân? Trong tình huống này cũng như trong nhiều tình huống khác, thất bại chính là nơi học tập hữu ích. Khi thành công, bạn quá tự hào và hạnh phúc đến nỗi bỏ quên vô số lĩnh vực mà lẽ ra bạn còn có thể làm tốt hơn. Chỉ khi thất bại, bạn mới có động lực rà soát tâm hồn để thật sự học hỏi và tăng trưởng. Hết lần này đến lần khác, Kinh thánh cho thấy Đức Chúa Trời sử dụng thất bại của những người lãnh đạo được tuyển chọn của Ngài để dẫn họ vào bước trưởng thành kế tiếp. Hãy mường tượng tấm lòng tan vỡ của sứ đồ Phi-e-rơ sau khi chối Chúa và câu hỏi Chúa đặt ra cho Phi-e-rơ sau khi Ngài từ kẻ chết sống lại. Bạn có ngờ được Phi-e-rơ lại là người lãnh đạo lớn tiếng nhất trong Lễ Ngũ tuần, là đá của Hội thánh? Tuy nhiên, sau một thất bại đau thương, Phi-e-rơ quay đầu lại, trở nên mạnh mẽ hơn và chỉ vài ngày sau, ông rao một sứ điệp đầy ơn (Cong 2:1-47).

Là con người, khi thất bại, chúng ta mau mắn giấu chúng dưới tấm thảm hoặc nhét chúng tận đáy tủ. Thay vì làm như vậy, chúng ta nên xem đây là cơ hội lớn lao giúp chúng ta lớn lên. Như tựa đề của phần này, hãy nắm bắt thất bại, tra xét tâm hồn, khẩn nguyện và sử dụng những tình huống này làm sức bật để tăng trưởng. Thất bại chẳng có gì là lý thú, nhưng hãy nắm bắt và xem xét chúng cẩn thận. Đây là những kinh nghiệm sẽ thật sự đem bạn tiến đến chỗ kết hợp niềm tin với gia đình và công việc.

***

Chúng ta bắt đầu chương này với thách thức trở thành một người nhất quán. Khi người nào đó vốn biết bạn ở nhà thờ nhìn thấy bạn ở chỗ làm việc hoặc chỗ đánh banh hoặc phòng tập thể dục, họ có nhận ra bạn chỉ là cùng một người hay không? Các nhà tâm lý học xem những người hành xử hoàn toàn khác nhau ở những thời điểm khác nhau là những người bị xáo trộn đa nhân cách. Thường thì họ bị cho là mắc chứng tâm thần phân liệt, bất ổn về cảm xúc hoặc tách biệt với thực tế. Dĩ nhiên đây là tình trạng bất ổn tâm thần trầm trọng. Tuy nhiên, thử tưởng tượng có ai đó đang quan sát bạn trong từng bối cảnh cuộc đời khác nhau, liệu họ có thấy chúng ta là cùng một người, chứ không phải là một ai đó có biểu hiện đa nhân cách? Dĩ nhiên, có người thật sự nhìn thấy bạn suốt cả ngày và nhìn thấy trong mọi tình huống. Khi Đức Chúa Trời nhìn vào bạn, Ngài có thấy bạn là người phân liệt thuộc linh hay không? Chúa muốn sớm đến ngày tuyên bố với bạn: “Được lắm, hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín. Ta thấy ngươi trung tín trong mọi việc ngươi làm.”

Câu hỏi chương 8

1.Có tình huống đạo đức nào ở sở làm khiến bạn bận tâm hay không?

2.Bạn có coi mình là người hầu việc Chúa trọn thời gian ở sở làm không? Tại sao?

3.Trong nhiều tình huống, những nguyên tắc đơn giản nào giúp bạn quyết định sẽ chia sẻ hoặc không chia sẻ niềm tin nơi công sở?

4.Đâu là những bước thực hành để bạn có thể trở thành chứng nhân Cơ đốc nơi công sở?

5.Đâu là những lĩnh vực mà bạn thấy sự chính trực của mình gặp thách thức? Làm thế nào để tránh được những thách thức này? Kinh thánh có chỗ nào nói rõ những thách thức này không?

6.Có những gợi ý thực tiễn nào để trở thành chứng nhân qua nghề nghiệp của mình?

7.Bạn có phải là người có hành xử nhất quán trong công việc hay không? Bạn có cùng là một con người trong công việc của bạn và trong nơi thờ phượng không? Nếu không, bạn nên tiến hành những bước nào để giúp chính bản thân mình bước vào sự hài hòa?