9 - RÈN LUYỆN SỨC MẠNH

Chúa ơi, Ngài Ở Đâu ?!

Đăng vào: 5 tháng trước

.

9

RÈN LUYỆN SỨC MẠNH

Đức Chúa Trời hay chọn các tinh binh của Ngài từ những cao nguyên hoạn nạn.

– Charles H. Spurgeon

Con trẻ lớn lên, tâm linh càng mạnh mẽ, sống trong đồng hoang cho đến ngày xuất hiện trước dân Y-sơ-ra-ên.

– Lu-ca 1:80

Cách đây vài năm, tôi gánh chịu một kiểu thử thách khác minh hoạ cho cách chúng ta là những người theo Chúa cần phải chịu trong thời gian chuẩn bị để kéo giãn chúng ta và củng cố đức tin của chúng ta. Tin hay không, thử thách này đã không xảy ra trong đồng vắng khô cằn, mà ngay tại phòng tập gym và tại câu lạc bộ thể hình.

Khi tôi ba mươi lăm tuổi, sau khi giảng hết lòng tại một hội thánh tại Atlanta, Georgia, tôi gần như kiệt sức ngay trên bục giảng. Tôi nhận ra mình không khỏe về thể chất và tôi cần phải khỏe mạnh nếu tôi muốn phục vụ cách trung tín trong chức vụ.

Từ Georgia tôi trở về nhà và kể cho Lisa chuyện đã xảy ra.

Rồi tôi tuyên bố, “Anh sẽ đi tập gym.”

Tôi ngạc nhiên, cô trả lời, “Cảm tạ Chúa, em đã cầu nguyện để anh đi tập gym!” Thật tuyệt vời khi có người vợ biết cầu nguyện cho chồng!

Lúc đó chúng tôi đang sống tại Florida, cách nhà chúng tôi hai căn có một tên đô vật WWF có tên Kip. Gia đình chúng tôi đã trở nên gần gũi, con cái chúng tôi xấp xỉ tuổi nhau. Anh đã nhiều lần đề nghị dẫn tôi tới tập gym và huấn luyện tôi, nhưng tôi luôn nói, “Không được rồi, tôi bận quá, tôi không có thời gian.” Tôi bận rộn nhưng tôi cũng hơi nhát gừng – bạn có muốn tập với một đô vật chuyên nghiệp không?

Anh Kip rất đô con, cao 1m9, nặng 120kg, chất béo trong cơ thể chỉ chiếm 6%. Ngực anh ta là hình chữ V hoàn hảo và có tám múi. Thường thì anh, con cái chúng tôi, và tôi chơi bóng rổ ngoài sân hay chơi khúc côn cầu ở phố. Nếu tôi đụng anh ta, anh thậm chí chẳng nhúc nhích, tôi thì bị bật ngược tầm hai thước rưỡi.

Sau chuyến đi Atlanta đó, tôi đi bộ xuống nhà anh ta và nói, “Kip, tôi cần đi tập gym. Anh đã nói là sẽ huấn luyện tôi – anh còn muốn thế không?”

Anh nhanh nhảu trả lời, “Chắc chắn rồi, tôi sẽ đưa anh đi tập gym.” Đáng lý để ý lời anh ta nói hơn là nụ cười toe toét của anh ta. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi đây!

Sáng hôm sau, cả hai chúng tôi đi tới phòng hơi của phòng gym. Lập tức, tôi biết chỉ những người nghiêm túc mới được huấn luyện tại chỗ này. Bầu không khí sặc mùi testosterone và mùi cơ thể. Một trong những điều tôi học tại phòng gym vào ngày đầu tiên đó là bạn không thể phát triển cơ bằng cách đặt quả tạ nhẹ lên thanh tạ và đẩy lên hai mươi hay ba mươi lần. Mà bạn đặt các quả tạ nặng lên thanh tạ để bạn chỉ có thể đẩy lên ba bốn lần.

Chính trong lần lặp lại thứ ba hoặc thứ tư thì sự dẻo dai mới lộ ra cho cơ bắp của bạn. Đây là lúc mọi thứ ở trong bạn nói rằng, “Mình không thể nâng nó nữa!” Nhưng tất cả mọi người xung quanh ghế tập của bạn la lên, “Đẩy đi, đẩy đi, cười phá lên!” thì có cái gì đó bên trong khiến bạn dồn hết sức nâng tạ lên lần thứ tư hoặc thứ năm. Nói một cách nôm na và dễ hiểu là đó là lúc cơ bắp bạn mới được phát triển.

Tôi ngượng ngùng khi nói ngày đầu tiên tôi chỉ có thể nằm tựa lưng đẩy bốn mươi cân. Tôi chắc chắn lúc đó anh Kip biết người hàng xóm của mình cần phải đi một quãng đường dài nữa! Sau vài tuần tập gym, tôi đã nâng được gần năm mươi cân. Thêm nhiều tuần trôi qua tôi đã nâng hơn năm mươi cân. Rồi sau đó tôi nâng được gần sáu mươi cân. Cuối cùng tôi đạt tới sáu mươi cân, lúc đó tôi rất tự hào vì có thể đặt quả tạ -tiêu chuẩn nặng hai mươi cân – ở mỗi bên thanh tạ. Tôi không còn xấu hổ khi nâng tạ nữa.

Câu chuyện này còn nhiều điều, nhưng tôi sẽ kể sau trong chương này, và quá trình tôi từ từ có sức mạnh thể chất là một sự tương đồng tuyệt vời với những gì xảy ra khi Chúa đem chúng ta tới phòng “gym” của Ngài trong đồng vắng và giúp chúng ta có cơ bắp thuộc linh.

Tâm linh chúng ta trở nên mạnh mẽ trong chính đồng vắng, vì đó là một nơi – không chỉ khô hạn và cầu nguyện, “Chúa ơi, Ngài đâu rồi?!” Nhưng đó cũng là nơi hết sức thử thách và đầy cám dỗ. Tin mừng là dù đồng vắng có đầy khó khăn và thách thức, chúng ta phải nhớ ai đang kéo để chúng ta nâng tạ trong lúc rèn luyện sức mạnh thuộc linh:

Nếu Đức Chúa Trời đứng với chúng ta thì còn ai chống nghịch được chúng ta?

(Rô-ma 8:31).

Ngài không chỉ ở với chúng ta và kéo thay cho chúng ta mà Ngài còn hứa chắc chắn:

Chẳng có cơn cám dỗ nào đã chinh phục anh chị em mà vượt quá sức loài người.

(1Cô-rinh-tô 10:13).

Vì thế, dù bạn đang đối diện thử thách nào đi nữa, chốn lạnh lẽo hay nơi khô cằn nào mà bạn đang trải qua, Chúa hứa rằng chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào cám dỗ mà chúng ta không có sức mạnh để vượt qua hết. Thật là kỳ diệu khi bạn suy nghĩ về điều đó.

Khi bạn đối diện các thử thách, đừng bao giờ quên bạn là ai. Là con cái yêu dấu của Chúa, Chúa Giê-su phán, “Này, Ta ban cho các con quyền uy để đạp trên rắn độc, bò cạp, và trên mọi quyền năng của kẻ thù nghịch, không gì làm hại các con được.” (Lu-ca 10:19).

Vì thế, chúng ta nhận thấy rằng dù kẻ thù có ném thứ gì vào chúng ta, chúng ta có thể chiến thắng nó. Nếu không, Chúa sẽ không cho phép nó.

Tuy nhiên, đây cũng là chỗ phát sinh vấn đề. Nhiều người không tăng trưởng trong khả năng xử lý những thử thách lớn hơn. Họ né tránh phòng tập gym, có thể nói vậy, họ hay rên rỉ và than phiền khi đến đó. Thế nhưng Phao-lô minh họa cho chúng ta một thái độ khác hoàn toàn. Ông viết:

Vì Ðức Chúa Trời không những đã ban cho anh chị em đặc ân tin Ðấng Christ, nhưng cũng chịu khổ vì Ngài nữa.

(Phi-líp 1:29)

Bạn có lắc đầu khi bạn đọc thấy sự chịu khổ đã được “ban cho” bạn không? Ý này thực sự có nghĩa gì? Khi ai đó nói với tôi, “Cái này được ban,” thì nghe như là phước hạnh đang đến với tôi. Tôi suy nghĩ và mong đợi – mình sẽ nhận cái gì đây?

Làm sao mà “sự chịu khổ” với “ban cho” lại có thể nằm chung một câu? Điều này giống như nói với ai đó, “Vào sinh nhật của bạn bạn được tặng một suất đi gặp nha sĩ để loại bỏ tuỷ răng và thay thế bằng một chất xơ!” Thật sao? Cảm ơn nhé, nhưng thôi không nhận đâu. Thứ này không có nghĩa lý gì, vì cuộc sống mà chúng ta ước ao trong một đất nước hiện đại như nước Mỹ là cuộc sống thoải mái và hết sức an nhàn. Vì thế việc được ban “sự chịu khổ” có thể làm đầu óc bạn rối bời. Phần lớn người ta, khi họ đối diện nghịch cảnh, đều nói đại loại như,

“Không thể tin nổi là chuyện này xảy ra với tôi.” “Tại sao lại là tôi.”

“Tại sao tôi phải trải qua điều này?” “Tôi ghét điều này.”

“Ai có thể hiểu những gì tôi đang trải qua đâu!”

“Tại sao tôi không thể có cuộc sống bình thường?” “Chúa ơi, xin hãy cất điều này đi!”

“Phiền làm gì? Bỏ cuộc sẽ dễ dàng hơn…”

Tôi đoan chắc rằng tất cả chúng ta đều đã nghĩ hoặc tỏ thái độ như thế này khi đối diện với nghịch cảnh. Buồn thay, chúng ta thường không hiểu mục đích của các sự thử thách và sự chịu khổ (đồng vắng).

Nhưng Chúa luôn biết những gì chúng ta cần – và sức mạnh nào chúng ta cần để xây dựng và để chúng ta hiệu quả lớn lao hơn cho các nỗ lực của vương quốc Ngài. Vì thế, đây là lý do Phao-lô cho chúng ta biết về lời hứa của Chúa rằng một số sự chịu khổ mang tính chiến lược mà nhằm gia tăng cơ bắp thuộc linh của chúng ta sẽ “được tặng” cho chúng ta.

Vai Trò Của Cám Dỗ

Như tôi đã đề cập trước đây, một phần trong sự rèn luyện sức mạnh trong đồng vắng bao gồm sự tăng trưởng về khả năng để nhận thấy và chống cự sự cám dỗ. Chúa Giê-su đã kinh nghiệm điều này lúc khởi đầu chức vụ khi Cha Ngài cho phép ma quỷ cám dỗ Ngài trong đồng vắng: “Đức Giê-su đầy dẫy Thánh Linh, từ sông Giô-đanh trở về và được Đức Thánh Linh đưa vào đồng hoang, để chịu quỷ vương cám dỗ trong bốn mươi ngày. Trong những ngày đó, Ngài không ăn gì cả, nên đến cuối thời gian này, Ngài đói.” (Lu-ca 4:1-2).

Tôi đã cẩn thận chọn từ “được cho phép,” bởi vì Chúa không bao giờ là tác giả của sự cám dỗ: “Người đang bị cám dỗ đừng nên nói: Sự cám dỗ này đến từ Chúa” vì Đức Chúa Trời không cám dỗ ai cũng không bị điều ác nào cám dỗ.” (Gia-cơ 1:13).

Điều thực sự xảy ra với chúng ta khi chúng ta bị cám dỗ là gì? Chúng ta biết ý định của satan là khiến chúng ta rơi vào tội lỗi và hậu quả là đẩy chúng ta ra khỏi sự vâng lời và mối quan hệ với Chúa. Vì thế, nếu satan muốn cám dỗ của hắn có kết quả, thì Chúa tìm kiếm điều gì khi cho phép chúng ta bị cám dỗ? Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra một cái nhìn sâu sắc: “Vậy, vì Chúa Cứu Thế chịu khổ trong thân thể, hãy trang bị chính mình anh chị em bằng thái độ như thế, người nào đã chịu khổ trong thân thể được dứt khỏi tội lỗi.” (1 Phi-e-rơ 4:1).

Nói cách khác, sự thử thách đến qua sự cám dỗ và sự chiến thắng tội lỗi và các vấn đề khác trong kinh nghiệm đồng vắng là để giúp chúng ta xây dựng cơ bắp thuộc linh và càng ngày được tăng trưởng. Trong câu này, những từ chìa khóa là “hãy trang bị chính mình.”

Bạn có thể tưởng tượng một đơn vị quân đội đi chiến trận mà không được vũ trang không? Không có trực thăng chiến đấu, không có xe thiết giáp, không có súng ống, không có đạn dượt-chẳng có vũ trang gì cả? Đó là sẽ một thảm hoạ. Tương tự, đây là thảm họa mà các môn đồ của Chúa đối diện khi họ không được trang bị để chịu khổ, khi họ không được trang bị đối diện các thử thách.

Các phi công lái máy bay thương mại là một ví dụ rất hay về những người được trang bị cho bài thi ứng viên phù hợp. Mỗi sáu tháng, hãng hàng không đưa họ đi huấn luyện lại. Các phi công này phải đi vào một máy mô phỏng và phản ứng hiệu quả với mỗi viễn cảnh tồi tệ nhất có thể tưởng tượng. Mục đích là củng cố năng lực của mỗi phi công để biết cách xử lý một tình huống khẩn cấp. Điển hình trong một khủng hoảng hàng không, các hành khách, những người chắc chắn không được trang bị – sẽ phản ứng khác, trong khi đó phi công thì hành động khác. Tại sao? Vì phi công đã được trang bị.

Đó là điều mà kinh nghiệm đồng vắng sẽ tác động tới một cơ đốc nhân biết vâng lời. Nó khiến chúng ta đối đầu với nghịch cảnh, vốn có mục đích trang bị chúng ta cho những cuộc chiến trong tương lai. Chúng ta phải nhận ra rằng nghịch cảnh – đồng vắng – sẽ xảy ra với chúng ta. Chúa Giê-su nói ở trong thế gian này chúng ta sẽ đối diện với những nan đề và hoạn nạn, nhưng Ngài sẽ giúp chúng ta chiến thắng. Và trong tiến trình này, chúng ta sẽ được thêm sức.

Cơ Hội Lớn

Thái độ của chúng ta về đồng vắng phải thế này : nhìn nó như một cơ hội lớn để xây dựng cơ bắp thuộc linh, để trở nên mạnh mẽ hơn cho điều Chúa muốn ban cho chúng ta tiếp theo. Đây là điều sứ đồ Gia-cơ nói:

“Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng.”

(Gia-cơ 1:2).

Là những người Mỹ mà hiểu cơ hội là gì thì chúng ta nên ca ngợi các nhà khởi nghiệp. Ví dụ, một cơ hội trong kinh doanh là một cơ hội để phát triển, để thành công và để thịnh vượng. Đó là cơ hội để mở rộng chân trời của chúng ta. Và đó chính là cách chúng ta phải nhìn các nan đề, vì Gia-cơ nói tiếp, “Vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì.” (Gia-cơ 1:3-4).

Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng

#9 Đừng Sản Sinh Ra “Ích-ma-ên”

Khi chúng ta thấy mình trong đồng vắng và nghĩ mình đã cắm trại ở đó quá lâu, thì sự cám dỗ sẽ đến là “chỉ cần làm điều gì đó” để hiện thực giấc mơ. Tôi gọi đây là việc sản sinh “Ích-ma-ên,” tức là lúc chúng ta cố gắng thực hiện qua các nỗ lực riêng điều mà Chúa đã hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ làm. Ích-ma-ên thường được sinh ra từ một nhu cầu hợp lý nhưng nó sinh ra bởi xác thịt.

Tất nhiên, ý tưởng này xuất phát từ câu chuyện của Áp-ra-ham và Sa-ra mà Chúa đã hứa với họ một người con trai. Họ đã chờ mười một năm và, hỡi ôi, Áp-ra-ham đã 86 tuổi và Sa-ra đã quá già để sinh con. Vì thế họ đã nghĩ ra kế hoạch B, Sa-ra đề nghị Áp-ra-ham lấy A-ga và có con theo lời hứa qua bà ta. Đây là một ý tưởng vô cùng tồi tệ. Và mỗi phương pháp Ích-ma-ên – dù nhìn có vẻ tốt đẹp – cũng là một ý tưởng tồi. Hãy luôn nhớ, những những gì bạn sản sinh bởi sức mạnh của xác thịt thì bạn sẽ phải duy trì nó bởi sức mạnh của xác thịt!

Trong một số lần tôi kinh nghiệm đồng vắng, tôi đã thử kế hoạch B. Tôi biết Chúa đã hứa với tôi rằng một ngày nào đó tôi sẽ có chức vụ giảng dạy toàn cầu. Nhưng nó không xảy ra – và tôi “bị mắc kẹt” trong chức vụ hội thánh địa phương. Vì thế, tôi đã vài lần thử gượng ép bản thân và chạy thoát khỏi đồng vắng. Các nỗ lực của tôi đã phải chịu một cái giá rất cao và chẳng có kết quả tốt đẹp gì. Khi tôi tan vỡ, rốt cuộc Chúa hành động và thay đổi hoàn cảnh đó hoàn toàn.

Tôi khuyên bạn – đừng tự làm cho mình đau đầu nhức óc và đừng sản sinh ra một Ích-ma-ên nào hết. Hãy để Chúa làm thành những gì Ngài đã hứa với bạn.

Trong đồng vắng chúng ta được trao cơ hội để phát triển sự bền bỉ. Chúng ta dùng từ “bền bỉ” trong thế giới ngày nay thường xuyên nhất như thế nào? Tôi nghe nó thường liên hệ tới sự huấn luyện bền bĩ, nó được định nghĩa là bài thực hành có chủ đích gia tăng sức chịu đựng của chúng ta. Nói đơn giản, rèn luyện sự bền bỉ mở rộng khả năng của chúng ta để xử lý các thử thách tương lai.

Tình huống là thế này: Trong bất cứ thử thách nào chúng ta đối diện, Chúa cho phép những khó khăn này vì một mục đích, và mục đích đó là sản sinh ra khả năng chịu đựng. Chúa sẽ cho phép và một lần nữa tôi nhấn mạnh từ “cho phép,” sự khó khăn hôm nay sẽ kích thích (nhớ lại sự mô phỏng bay của phi công) các cấp độ áp lực mà Ngài biết chúng ta sẽ đối diện ngày mai. Đó là lý do chúng ta cảm nhận thử thách luôn lớn hơn mức độ trách nhiệm hiện tại của chúng ta. Vì thế, vấn đề là Chúa đang dùng các thử thách hiện tại để thêm sức cho chúng ta để có những chiến thắng vẻ vang lớn trong tương lai.

Giờ chúng ta trở lại phần thử thách đẩy tạ của tôi. Như tôi đã chia sẻ, anh Kip đã huấn luyện tôi tới độ tôi có thể nâng tạ 60 cân. Dù đối với tôi đó là một thành tựu lớn, tôi thắc mắc không biết mình có thể nâng thêm không? Khi so sánh việc huấn luyện nâng tạ với sự sẵn sàng và sức mạnh thuộc linh của tôi, nếu Chúa có một nhiệm vụ đang chờ tôi và nó đòi hỏi sức mạnh nhiều hơn sức nâng 60 cân thì sao?

Vì thế, tôi cứ tiếp tục đi tập gym. Cuối cùng tôi đã nâng tạ 80 cân nhưng kẹt ở mức cân đó trong vài năm. Tôi có giảng trong một hội nghị tại California và một số người ở đó nói với tôi, “John, anh chưa bao giờ nâng 90 cân phải không?”

“Không, tôi đã cố gắng hơn năm năm,” tôi nói với một chút thất vọng.

“Chúng tôi sẽ giúp anh đột phá,” anh ta nói. Và quả thật ngày hôm đó tôi nâng được 90 cân, tôi vô cùng phấn khích.

Sau chuyện này, có một thành viên mới gia nhập chức vụ Messenger International của chúng tôi. Tôi biết anh ta từng đi thi đấu nâng tạ, vì thế anh ta và tôi tập luyện cùng nhau. Với sự giúp đỡ của anh ta, tôi có thể nâng gần 100 cân, và có một lần tôi đẩy được gần 105 cân. Nhưng tôi có thể nâng thêm không?

Một năm sau, tôi giảng tại một hội thánh ở Detroit. Sau buổi nhóm Chúa Nhật, vị mục sư nói, “John, tôi có một huấn luyện viên, anh ta nhóm hội thánh chúng tôi và là một huấn luyện viên cử tạ nổi tiếng trong nước. Tôi hẹn anh vào sáng hôm sau. Anh có muốn đi cùng không?”

“Có chứ!” Tôi nói với tâm trạng rất phấn khích.

Hôm sau chúng tôi đi. Huấn luyện viên túm lấy tôi và hỏi: “Vậy là tối đa anh nâng được 105 cân đúng không?”

“Đúng, nhưng chỉ có một lần thôi.”

“Ồ, hôm nay chúng ta sẽ làm hơn thế.”

Cái gì? Tôi không muốn nói, nhưng tôi nghĩ, Anh bị điên rồi, không đời nào! Nhưng sau khi huấn luyện và luyện tập, thật không thể tin được tôi có thể nâng 110 cân.

Tôi cực kỳ phấn khích. Ông ta đã đưa tôi và nhân sự của tôi về lại Colorado và mỗi lần sau đó ông huấn luyện viên này tư vấn cho chúng tôi qua thư điện tử. Chúng tôi cứ siêng năng tập luyện và năm sau tôi trở lại hội thánh tại Detroit. Tới lúc này tôi đã 42 tuổi rồi.

Chúa nhật đó tôi giảng về các thuộc tính kỳ diệu của Thánh Linh. Đến ngày thứ Hai, tất cả chúng tôi đi đến phòng tập gym cũ. Huấn luyện viên nói, “John, tối qua tôi nằm mơ thấy anh đẩy hơn 120 cân.”

“Cái đó đúng là khùng!” Tôi nói. Có lẽ điều tôi nghĩ là Chúc phước cho anh, nhưng tôi thì không có giấc mơ như thế!

“John, hôm qua anh giảng về quyền năng của Thánh Linh. Ngài cho tôi giấc mơ đó tối qua. Nằm xuống ghế đẩy đi, chúng ta sẽ làm việc này!”

Thế là sau khi khởi động, các quả tạ được gắn vào thanh tạ, với tiếng lẩm bẩm đầy sức mạnh tôi đã nâng 128 cân!

Tôi quá phấn khích và đã gọi cho Lisa từ sân bay Detroit và nói, “Anh không cần máy bay để về nhà – giờ anh đang lơ lửng trên vút trời cao rồi!”

Thời điểm mà tôi nâng được 128 cân, tôi đều đặn tập nâng ở mức 90 cân. Thật ra, tôi có thể nâng mức tạ đó mười lần. Tôi nhớ lại điều tôi đã làm gì khi bắt đầu bảy năm trước. Điều gì xảy ra với tôi, nếu ở tuổi 35, anh Kip đặt 110 cân lên thanh tạ thay vì 40 cân? Chắc tôi sẽ chết mất! Thanh tạ với toàn bộ sức nặng có thể rớt xuống và đè nát tôi! Tôi đã mất nhiều năm nỗ lực bền bỉ để đạt tới sức mạnh hiện tại. Vì thế, mức tạ hàng ngày hiện nay của tôi có thể đã đè chết tôi bảy năm trước!

Đây là lý do các thử thách mà chúng ta trải qua, thường trong nhiều hoàn cảnh trong một thời gian dài, thật ra là sự rèn luyện sức mạnh thuộc linh để chuẩn bị chúng ta cho những thử thách lớn hơn trong tương lai. Khi chúng ta mạnh mẽ hơn ở trong Chúa, chúng ta có khả năng để làm nhiều hơn trong việc xây dựng vương quốc Chúa.

Một điều buồn đó là sẽ có những người đứng trước ngai phán xét và sẽ rơi những giọt nước mắt rồi Chúa Giê-su sẽ nói với họ, “Ta đã có rất nhiều điều cho con làm nhưng con không có năng lực để xử lý những thử thách kèm theo.” Điều này thật sự là một bi kịch, vì như chúng ta biết, Chúa sẽ không bao giờ ban cho chúng ta nhiều hơn cái mà Ngài biết chúng ta có thể xử lý. Đó là lời hứa của Ngài với chúng ta!

Vì thế, hãy để tôi dùng câu chuyện nâng tạ làm sự tương đồng. Nếu bạn có thể nâng thử thách thuộc linh nặng 80 cân và Chúa có một kế hoạch hay vị trí đòi hỏi khả năng nâng 100 cân của sự chống đối, sự bắt bớ, sự cám dỗ, và các thử thách thì Ngài sẽ không cho phép – bạn không đủ sức. Ngài sẽ cho phép quá trình rèn luyện bắt đầu. Ngài sẽ cho phép – Ngài không phải tác giả -có lẽ là thử thách nặng 90 cân, nó sẽ gia tăng phép thử, nhưng nó sẽ không khiến bạn chết ngộp.

Ví dụ, có thể hôm nay có ai đó đàm tiếu về bạn và rao tin đồn thất thiệt về bạn. Thay vì phản công bằng cách bảo vệ chính mình và rao tin đồn về người đó thì bạn vì vâng lời Chúa, chọn không nói gì cả và chúc phước cho họ. Điều đó thật tuyệt vời – bạn đã nâng bài thử 90 cân. Bây giờ sẽ tiếp tục ở mức tiếp theo là 95 cân. Nếu bạn tiếp tục vâng theo Lời Ngài qua các nghịch cảnh, thì sự rèn luyện của bạn sẽ tiếp tục cho tới khi bạn đạt đến cấp 100 cân. Bây giờ bạn đã được trang bị cho kế hoạch cao hơn hay vị trí mới trong vương quốc Chúa, đó là kế hoạch của Chúa cho cuộc đời của bạn.

Nhưng nếu bạn phản ứng với sự đàm tiếu bằng cách trở nên vấp phạm và xỉ vả lại người đó – bạn đoán được rồi – Chúa khóc và nói, “Ta xin lỗi, nhưng con cần trở lại và nâng lại các thử thách 80 cân.” Bạn vẫn ở trong phòng tập gym nhưng không được lợi gì từ việc đó.

Sự rèn luyện tiếp tục nhưng ở cấp độ cũ. Tiếp theo Ngài cho phép nan đề tài chính – thêm một bài thử nặng 82 cân – ập đến với bạn. Nhưng thay vì tìm kiếm sự cung ứng của Chúa, bạn lập tức nói, “Không thành vấn đề, thẻ tín dụng của chúng ta vẫn còn hạn!” Thế là Chúa lấy ra 2 cân thêm và nói, “Tập nâng 80 cân lại đi con.”

Thời điểm cuối cùng sẽ đến khi Chúa cần bạn cho nhiệm vụ hay vị trí trong vương quốc và nhiệm vụ đó có sự chống đối nặng 100 cân. Nếu các bài thử trong đồng vắng – tập tạ – liên tục thất bại, thì Ngài không thể mời bạn bước vào vì bạn không có cơ bắp thuộc linh để nâng nghịch cảnh trong hoàn cảnh hay vị trí đó. Đây là lúc Ngài phải tìm người khác để đảm nhận nhiệm vụ hay vị trí đó.

Thẩm Quyền Và Quyền Lực Lớn Hơn

Đây là lý do tại sao đồng vắng rất quan trọng: Nó xây dựng sức mạnh của chúng ta.

Trong đồng vắng, Giăng Báp-tít đã trở nên mạnh mẽ trong tâm linh.

Trong đồng vắng, Chúa Giê-su đã trở nên mạnh mẽ trong tâm linh.

Các cơ bắp thuộc linh của họ được phát triển, không phải trong các thời điểm dễ dàng, mà trong những thời điểm có những thử thách xảy đến và khi đức tin của họ bị thử luyện.

Đây là tin mừng từ ông Gia-cơ… khi bạn vượt qua thử thách và bạn làm theo cách của Chúa, bạn sẽ rất sẵn sàng – mạnh mẽ – cho điều tiếp theo mà Chúa dành cho bạn.

Vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì.

(Gia-cơ 1:3-4).

Khi Gia-cơ nói, “sinh ra” ở đây chính là năng lực và sự bền đỗ của chúng ta. Gia-cơ cũng nói với chúng ta điều mà chúng ta có thể mong chờ nếu chúng ta chấp nhận kinh nghiệm đồng vắng: “Phước cho người chịu đựng thử thách, vì sau cơn thử luyện sẽ được lãnh mão sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Người yêu kính Ngài.” (Gia-cơ 1:12).

Chữ “mão” nói đến thẩm quyền, kèm theo thẩm quyền là quyền lực. Như Chúa Giê-su bước vào đồng vắng để chịu ma quỷ cám dỗ và qua sự vâng lời và bền bỉ của Ngài, Chúa nhận quyền năng và thẩm quyền lớn lao (xem Lu-ca 4:1, 14) thể nào thì chúng ta cũng có thể đứng lên từ những thời kỳ đồng vắng với thẩm quyền và quyền năng lớn lao hơn.

Tôi không biết bạn thì sao, nhưng tôi muốn chắc chắn là tôi có cơ bắp thuộc linh để đảm trách điều mà Chúa đã chuẩn bị cho tôi.

“Có ai muốn tập gym không?”