8 - XÂY DỰNG VỮNG BỀN

Chúa ơi, Ngài Ở Đâu ?!

Đăng vào: 5 tháng trước

.

8

XÂY DỰNG VỮNG BỀN

Không có ngôi sao nào tỏa sáng lấp lánh như những ngôi sao ở vùng cực Bắc. Không có nguồn nước nào ngọt ngào hơn là những dòng suối ở trong nơi sa mạc. Và không có đức tin nào quý giá hơn là sống động và chiến thắng trong những nghịch cảnh. Đức tin được thử rèn đem đến những kinh nghiệm. Bạn sẽ không bao giờ tin được rằng mình cũng có những điểm yếu nếu bạn không phải trải qua những thử thách. Và bạn sẽ không bao giờ biết sức mạnh của Chúa nếu sức mạnh của Ngài chưa từng đem bạn vượt qua mọi thử thách.

– Charles H.Spurgeon

Những kẻ sống theo xác thịt thì chú tâm về những điều của xác thịt, còn những người sống theo Thánh Linh thì chú tâm về những điều của Thánh Linh.

– Rô-ma 8:5

Chính phẩm hạnh làm nên những người nam, người nữ của Chúa, chứ không phải ơn xức dầu. Và chính ở trong đồng vắng, khi những áp lực đến, khi những sự thất vọng chồng chất như núi, khi những ước mơ tưởng chừng không thể đạt được, thì quá trình thử luyện – mài dũa tâm tính – sẽ bắt đầu.

Tôi nhớ đến một khoảng thời gian khi tôi phải vật lộn tranh đấu để vượt qua sự giận dữ. Tôi đã chia sẻ về điều này trong chương thứ nhất. Vì vậy, tôi hỏi Chúa, “Tại sao con nổi giận với tất cả mọi người? Điều gì con cần phải trói buộc hay đuổi ra khỏi đời sống mình?”

Ngài trả lời, “Con trai, con không thể trói buộc hay đuổi bản tánh xác thịt, con phải đóng đinh nó.”

Bây giờ tôi thậm chí còn thất vọng hơn, tôi hỏi, “Vậy thưa Chúa, những sự giận dữ này đến từ đâu? Ngay cả trước khi được cứu con cũng chưa từng kinh nghiệm điều này!”

“Nó đã ở trong con rất nhiều năm rồi”, Ngài trả lời, “nhưng nó vô hình, cũng giống như những cáu cặn trong chiếc nhẫn vàng của con – trước khi được nấu chảy ra trong lò nung thì nó cũng vô hình. Nhưng khi con đặt nó vào lò nung, những cáu cặn sẽ nổi lên bề mặt. Bây giờ, qua lò xung đột, Ta khiến cho những sự giận dữ của con bày tỏ ra trong con.”

Tôi không chắc lắm về tất cả những lời Chúa nói với tôi. Vì vậy, Ngài nói thêm một cách chi tiết: “Con đổ lỗi cho vợ, đổ lỗi cho các bạn đồng nghiệp, đổ lỗi cho bạn bè, đổ lỗi cho những áp lực vì có thêm một đứa con, đổ lỗi cho hoàn cảnh của con. Nếu con làm như vậy, sự giận dữ sẽ cứ ở trong con và khi cơn nóng giận nguôi đi, thì nó sẽ lại ngay lập tức đổ lên con, và tiến trình này cứ phải bắt đầu lại từ đầu. Hoặc con có thể ăn năn bằng lời cầu nguyện, “Chúa ơi, con xin lỗi, xin hãy cất sự giận dữ này ra khỏi con.” Nếu con làm như vậy, thì Ta sẽ dùng cái thìa lớn của Ta và múc nó ra khỏi con.”

Và đó là điều tôi đã làm. Khi áp lực của cơn nóng trong đồng vắng làm bùng nổ cơn giận của tôi, tôi xưng tội, ăn năn và cầu xin Chúa cất nó đi.

Đây là một trong những lý do mà đồng vắng, dù vô cùng khó khăn, nhưng lại vô cùng giá trị và cần thiết là kinh nghiệm dẫn đến niềm vui lớn lao:

Hãy vui mừng về việc này, mặc dù hiện nay anh chị em phải đau buồn vì bị thử thách nhiều bề trong ít lâu. Mục đích là để chứng tỏ đức tin anh chị em quý hơn vàng, là vật có thể bị hủy diệt được thử trong lửa, để nhờ đó anh chị em được ngợi khen, vinh quang và tôn trọng khi Chúa Cứu Thế Giê-su hiện đến.”

(I Phi-e-rơ 1:6-7)

Đồng vắng chính là nơi chúng ta được tôi luyện và tâm tính được phát triển từ bên trong. Chính trong lò luyện của sự xung đột và sự bắt bớ mà tạo nên một người kính sợ Chúa. Rô-ma 5:3-4 nói, “Không chỉ có thế thôi, nhưng chúng ta cũng hân hoan trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn làm cho chúng ta kiên nhẫn, kiên nhẫn làm cho chúng ta được tôi luyện, tôi luyện làm cho hy vọng.”

Sự chấp thuận của Chúa đối với đời sống của Đa-vít vì ông là người có tấm lòng của Chúa, không phải vì con người mà vì vương quốc. Vua Sau-lơ chưa bao giờ trải qua đồng vắng thanh tẩy; vì thế, ông không được tôi luyện và ông sống bất an. Tuy nhiên, Đa-vít được thanh tẩy trong đồng vắng và Chúa dùng Sau-lơ để đưa Đa-vít tới đó!

Có thể đường lối của Chúa thật huyền nhiệm nhưng các kế hoạch của Ngài thì luôn là tốt lành.

Giấc Mơ Bị Trễ?

Sự tôi luyện có thể đau đớn. Tôi không muốn bạn hiểu sai – đồng vắng không phải là chuyến đi tới khu vui chơi Disneyland. Chịu khổ là chịu khổ – và đôi khi nó ập đến chúng ta trong những cách thật đau đớn.

Có thể Chúa đã tỏ cho bạn các giấc mơ và khải tượng về điều mà Ngài kêu gọi bạn làm. Có thể Ngài đã nói với bạn về các kế hoạch Ngài dành cho bạn. Tuy nhiên, trong đồng vắng thì có vẻ như khi bạn càng tìm kiếm Chúa và vâng lời Ngài thì bạn càng xa cách giấc mơ Ngài đã đặt trong lòng bạn.

Hãy xem Giô-sép: Ông được ban giấc mơ làm lãnh đạo-cả các anh và gia đình sẽ ở dưới thẩm quyền của ông. Chuyện gì đến tiếp theo? Ông bị quăng xuống vực bởi những người đáng lẽ phải bảo vệ ông – các anh của ông – và không lâu sau đó ông bị bán làm nô lệ ở xứ ngoại quốc. Bạn có tưởng tượng được cú sốc, nỗi thất vọng và sự đau đớn đó không?

Chắc chắn ông tưởng tượng Chúa sẽ can thiệp một cách kỳ diệu để giải phóng ông nhanh chóng. Những hy vọng này cuối cùng đã phai nhạt vì ông phải làm nô lệ không chỉ vài tháng hay vài năm, nhưng hơn mười năm. Đó là một quãng thời gian dài! Trong khi đó, ông biết những người đã chủ mưu gây đau đớn cho ông đang sống trong tự do và vui hưởng sự giàu sang của người cha rất giàu có của họ.

Giô-sép đã làm gì? Ông đã phản ứng thế nào trong thời kỳ đồng vắng của mình? Ông đã giữ đức tin, đã phục vụ và không quên lời hứa của Chúa. Ông là người trung tín, khôn ngoan, siêng năng và kết quả là ông đã kinh nghiệm một đời sống thành công và phước hạnh.

Tuy nhiên, các hoàn cảnh của ông lại đột ngột thay đổi và trở nên tồi tệ hơn. Vợ của ông chủ liếc mắt đưa tình với Giô-sép. Bà tìm cách quyến dụ ông phạm tội ngoại tình, không chỉ một lần mà là hai lần nhưng trong nhiều dịp khác nhau. Cũng vậy, mỗi lần như vậy Giô-sép đã vâng lời Chúa và chạy trốn khỏi sự dâm dục. Cuối cùng, bà ta trở nên hung hăng vì Giô-sép đã chạy trốn khỏi sự níu kéo của bà. Vì bị coi khinh, bà ta đã vu cáo ông điều mà ông đã không làm. Ông bị “buộc tội” sai và bị ném vào ngục. (Điển hình thì một nô lệ ngoại quốc cố cưỡng hiếp vợ quan chức của vua sẽ không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa.)

Một người ở trong tù có nhiều thời gian để suy nghĩ. Bạn có tưởng tượng được các suy nghĩ mà Giô-sép đã phải chống trả không? Suốt cuộc đời mình đã trung tín hầu việc Chúa, rồi mình được cái quái gì hê? Hóa ra giờ là mình ở trong ngục tù mà chẳng phải do lỗi của mình. Cuộc đời mình thế là xong! Các ông anh gian ác kia lại sống tự do và vui hưởng cuộc sống sung túc. Mình đã làm gì sai? Mình chỉ chia sẻ ước mơ của Chúa với các anh mình thôi mà, nhưng hãy xem điều mà mình nhận được! Vậy mình hầu việc Chúa có ích gì không? Có vẻ như càng vâng lời Ngài, thì cuộc đời lại càng làm cho mình tồi tệ hơn.

Ai có thể chê trách Giô-sép vì có những suy nghĩ này? Nó nghe có vẻ hợp lý phải không nào?

Rồi một ngày kia, khi ở trong tù, Giô-sép đã đối diện bài thử đồng vắng lớn nhất. Chúa đem hai người đến với ông, một vị quan dâng bánh và vị quan dâng rượu, mỗi người có một chiêm bao, khiến cho họ bối rối và muốn tìm sự giải nghĩa. Nếu Giô-sép đã mất đức tin nơi Chúa và những lời hứa của Ngài, thì rất dễ để chỉ tập trung vào bản thân và bất mãn sự đời. Đáng lẽ ông có thể nói, “Đêm qua hai ông nằm mộng hả? Tôi trước đây cũng từng có giấc mộng. Tôi cũng đã nghĩ giấc mộng tôi đến từ Chúa. Sự thật đây hai ông-các giấc mộng không xảy ra đâu. Các giấc mộng là vô nghĩa, là trống không và tầm bậy. Vậy xin hai ông để cho tôi yên?!”

Nếu Giô-sép đã làm điều này, thì chắc là ông vẫn ở trong đồng vắng thêm nhiều năm nữa, và có lẽ là cả cuộc đời của ông. Chắc ông sẽ đánh mất tấm vé đến với sự tự do (vị quan dâng rượu sau đó đã kể cho vua về khả năng giải mộng của Giô-sép, điều này dẫn tới việc Giô-sép được thả ra và được cất nhắc.) Nếu ông có thái độ tự thương hại, Giô-sép chắc cuối cùng đã chết trong ngục như một người cay đắng, bị oan và vô vọng – bày tỏ thái độ đại khái như vầy, “Chúa không thành tín; Ngài không giữ các lời hứa của Ngài!”

Nhưng đây không phải là điều Giô-sép đã làm. Ông chống lại các tư tưởng và cái lô-gic trái ngược với lời hứa mà cá nhân ông nhận từ Chúa và ông đã chọn phục vụ quan dâng rượu và quan dâng bánh. Ông kiên định trong sự vâng lời Chúa. Và kết quả? Cuối cùng ông được tự do và ngày kia ông được thăng chức trở thành vị tổng tư lệnh kế sau vua Pha-ra- ôn!

Chín năm sau khi Giô-sép được thăng chức làm lãnh đạo thì những hoàn cảnh của nạn đói kinh khiếp đã đưa các anh của Giô-sép xuống Ai-cập và đứng trước ông. Hành động của Giô-sép không phải là báo thù như phần lớn chúng ta sẽ làm. Bây giờ ông đã có nhân cách của một người lãnh đạo chân chính của cả một vương quốc. Ông làm lành với những kẻ đã làm ác với ông. Ông không phải là một người cay đắng, mà là người của đức tin, tình yêu và đầy tha thứ dành cho những người đã phản bội ông. Tác giả Thi Thiên viết về Giô-sép:

Ngài sai một người đi trước họ, là Giô-sép bị bán làm nô lệ. Chân người bị cùm đau đớn; Cổ người phải đeo xiềng sắt, cho đến khi lời tiên đoán của người được ứng nghiệm. Lời của CHÚA chứng nghiệm người là đúng.

(Thi Thiên 105:17-19)

Chỉ có Chúa mới biết thời điểm xác định để lời hứa của Ngài dành cho Giô-sép được ứng nghiệm (hơn hai mươi năm sau giấc mộng). Đồng vắng đã rèn luyện ông về nhân cách, mà sẽ xây dựng đời sống, gia đình và vị trí lãnh đạo của ông. Chìa khóa cho tất cả thành công của ông là sự kính sợ Chúa. Dù những hoàn cảnh của ông thế nào đi nữa, Giô-sép đều nói năng, hành xử và vâng theo Lời Chúa.

Bây giờ còn bạn thì sao? Như đã nói trước đó, có thể Chúa đã tỏ cho bạn các chiêm bao và khải tượng về điều Ngài đã kêu gọi bạn làm. Có thể Ngài đã nói với bạn về các kế hoạch của Ngài dành cho bạn. Nhưng như Giô-sép, bạn ở trong đồng vắng và có vẻ như bạn càng tìm kiếm Chúa và vâng lời Ngài thì bạn càng xa cách giấc mơ mà Ngài đã đặt trong lòng bạn.

Có thể bạn quan sát những người khác, thậm chí là những đối thủ của mình, được cất nhắc trong chức vụ (hoặc trong các lĩnh vực khác) trong khi đó bạn dường như đi hướng ngược lại với giấc mơ Chúa ban. Bạn có thể làm mọi thứ bạn biết nên làm, nhưng khải tượng vẫn không thành hiện thực.

Cũng có những người khác quanh bạn sống xác thịt và không tìm kiếm Chúa gì cả, nhưng họ lại được thăng tiến và có vẻ như là họ được thành công. Họ là những người nhận “các phước hạnh” về tài chính và xã hội. Cũng có những người thăng tiến nhờ nịnh bợ hay thao túng. Cũng có những người làm nhiều chuyện không chân chính, đạt thành công nhờ nói dối và lừa gạt, nhưng trông có vẻ là họ “được phước,” trong khi đó bạn giống Giô-sép, đang bị giam cùm trong ngục tù của “vua ác ôn.”

Vậy bạn sẽ làm gì về chuyện này? Bạn sẽ than phiền chăng? Hãy xem điều Chúa nói:

“CHÚA phán: Các ngươi đã nói những lời gay gắt nghịch cùng Ta. Nhưng các ngươi lại nói: ‘Chúng tôi nói gì nghịch cùng Ngài?’ Các ngươi nói: ‘Phục vụ Đức Chúa Trời là vô ích. Chúng ta được lợi gì khi tuân giữ các lệnh truyền của Ngài và bước đi buồn bã trước mặt CHÚA Vạn Quân?’ Ngày nay, chúng ta coi những kẻ kiêu căng là có phước; những kẻ ác thì thịnh vượng, và ngay cả những kẻ thách thức Đức Chúa Trời cũng thoát nạn.”

(Ma-la-chi 3:13-15)

Những người than phiền ở trên nói gì? Họ nói, “Chúng ta vâng lời Chúa thì được ích lợi gì, vì chúng ta chẳng đi đến đâu cả. Chính những kẻ gian ác – kẻ sống xác thịt, kẻ mạo danh – không phải chúng ta, lại được thăng quan tiến chức, được chúc phước và giàu có” (đây là bản diễn ý của Bevere). Chúa gọi đây là lời nói kinh khiếp hay gay gắt, và Ngài coi lời nói đó là nhắm vào Ngài. Nói rõ hơn thì đó là sự lằm bằm và than phiền.

Sự than phiền đã khiến cho dân Y-sơ-ra-ên không vào Xứ Hứa. Tại sao sự than phiền lại là sự sỉ nhục Chúa, và tại sao nó phải nhận sự hình phạt nghiêm khắc? Chẳng khác nào nói gián tiếp với Chúa, “Con không thích điều Ngài làm trong đời sống con, nếu con mà là Ngài thì con sẽ làm khác.” Như thế là hoàn toàn thiếu sự tôn kính Ngài.

Chúa sẽ phát hiện ra ai là người đeo đuổi Ngài và ai là người đeo đuổi các lợi ích. Người đầu kiên quyết trong sự đeo đuổi; còn người sau sẽ than phiền khi mọi việc ngang trái trước mắt họ. Cái mà một số người gọi là phước hạnh và cái mà phước hạnh thật là hai điều khác biệt. Một số phước hạnh có thể không kéo dài nếu thái độ (tấm lòng) của bạn không ngay thẳng. Đối với những người có động cơ ích kỷ hay than phiền, thì hãy xem Chúa nói Ngài sẽ làm gì với họ cũng như với các phúc lành của họ:

“CHÚA Vạn Quân phán: “Đây là mạng lệnh cho các ngươi, những thầy tế lễ. Nếu các ngươi không nghe và không để tâm tôn vinh danh Ta, Ta sẽ giáng sự rủa sả trên các ngươi, và Ta sẽ rủa sả những phước lành của các ngươi. Thật vậy, Ta đã rủa sả rồi vì các ngươi không để tâm tôn trọng Ta.”

(Ma-la-chi 2:1-2).

Phần thưởng hay cơ nghiệp của chúng ta không phải là bao gồm những của cải vật chất hay địa vị. Cơ nghiệp của chúng ta là Đức Chúa Trời!

Ê-xê-chi-ên 44:28 nói, “Đây là phần cơ nghiệp của họ, chính Ta là cơ nghiệp của chúng nó . . .; chính Ta là sản nghiệp của họ.”

Nhiều cơ đốc nhân ngày nay đã không còn nhìn vào cơ nghiệp của họ mà chỉ tập trung vào của cải vật chất hay địa vị xã hội – thậm chí cả những điều tốt đẹp mà Chúa ban. Nhưng cũng giống như một người con chỉ quan tâm đến quà người cha cho hơn là mối quan hệ của người cha với con. Tôi có bốn người con trai, và tôi thích cho chúng quà. Tuy nhiên, lòng tôi sẽ tan nát nếu lý do duy nhất chúng để ý đến tôi là để nhận từ tôi những gì chúng muốn. Hãy xem điều Ma-la-chi nói tiếp:

Bấy giờ những người kính sợ CHÚA nói với nhau: CHÚA lắng tai và nghe. Một cuốn sách ghi nhớ được ghi chép trước sự hiện diện của Chúa về những người kính sợ Ngài và nghĩ đến danh Ngài.

(Ma-la-chi 3:16).

Những người này là những người trải qua những hoàn cảnh đồng vắng tương tự như “những người than phiền,” nhưng ưu tiên của nhóm người này không phải là địa vị, sự công nhận hay của cải vật chất. Họ tìm kiếm tấm lòng của Chúa. Khao khát muốn biết Chúa nung nóng trong họ. Bạn có thể nói với họ về những chuyện thời sự hay chuyện làm ăn, nhưng lòng họ nung đốt khi bạn nói với họ về Chúa hay những gì Ngài phán.

Những người này là những người mà Lu-ca nói, “Khi nãy đi đường, Thầy đã nói chuyện với chúng ta và giải thích Kinh Thánh, lòng chúng ta đã chẳng như thiêu như đốt sao?” (Lu- ca 24:32). Khao khát của họ đặt trên những điều thuộc về Thánh Linh. Họ nói, “Tôi chỉ muốn biết Chúa; Tôi muốn làm đẹp lòng Ngài; Tôi đói khát Lời Chúa; Tôi muốn Ngài vui mừng nơi tôi vì Ngài là nguồn vui mừng của tôi.” Đó là điều quan trọng nhất. Tình yêu ban đầu của họ là Chúa Giê-su, không phải chức tước, địa vị hay của cải.

Hành vi của họ không thay đổi dù họ đang giữa đồng vắng hay đang giảng cho hàng triệu người.

Vì chúng tôi là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, anh chị em là đồng ruộng của Đức Chúa Trời, là nhà của Đức Chúa Trời. Nhờ ân sủng Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, như một chuyên gia xây cất giỏi, tôi đã đặt nền móng, còn người khác xây dựng lên. Nhưng mỗi người phải cẩn thận về công trình xây cất của mình.

(1Cô-rinh-tô 3:9-10).

Chúng ta cần để ý kỹ cách chúng ta xây dựng đời sống của mình! Trong Kinh Thánh, việc xây nhà biểu tượng cho việc xây dựng đời sống chúng ta và việc phục vụ vương quốc Chúa. Chúng ta thuộc về Chúa, vì chúng ta là nhà của Ngài.

“. . . Đức Giê-su là sứ giả và vị thượng tế mà chúng ta xưng nhận. Ngài trung tín với Đấng đã lập Ngài lên cũng như Môi-se trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời. Đức Giê-su được vinh quang hơn Môi-se cũng như người xây nhà được vinh dự hơn cái nhà. Nhà nào cũng có người xây cất, còn Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên vạn vật.”

(Hê-bơ-rơ 3:1-4).

Hãy xem người xây nhà – chính Chúa. Đó không phải là sức mạnh xác thịt của chúng ta. Bất kỳ thứ gì Chúa xây đều còn lại; cái gì chúng ta xây sẽ không còn. “Nếu CHÚA không xây cất nhà, thì người ta có lao khổ để xây cất cũng vô ích. Nếu CHÚA không giữ thành, thì người lính canh có thức canh cũng vô ích.” (Thi Thiên 127:1). Cái con người xây mà không có Chúa – dù đó là đời sống, gia đình hay thậm chí chức vụ – sẽ không lâu bền.

Trong Sáng Thế 11:4 chúng ta thấy ví dụ về điều này: “Nào, chúng ta hãy xây một thành và một ngôi tháp ngọn cao tận trời chúng ta hãy lưu danh mình kẻo bị tản lạc khắp mặt đất!”

Động cơ của những người xây tháp Ba-bên là gì? Họ muốn đạt các giấc mơ ích kỷ, xây kiến trúc vì vinh quang riêng của họ. Họ muốn bằng Chúa, nhưng hoàn toàn độc lập khỏi Ngài. Sự đeo đuổi đó làm thỏa các tham muốn của họ và ý chí của họ, chứ không phải ước muốn và ý chỉ của Chúa. Việc xây dựng mà không có Chúa sẽ không bao giờ hiệu quả, dù ý định của chúng ta có cao quý đến đâu đi nữa, nếu không có Chúa thì đó là sự không công. Đó là lý do chúng ta được cảnh báo.

Nhờ ân sủng Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, như một chuyên gia xây cất giỏi, tôi đã đặt nền móng, còn người khác xây dựng lên. Nhưng mỗi người phải cẩn thận về công trình xây cất của mình. Vì không ai có thể đặt một nền móng nào khác ngoài nền đã lập tức là Chúa Cứu Thế Giê-su. Hễ ai dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô hay rơm rạ để xây nhà trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ được phơi bày rõ ràng. Ngày phán xét sẽ phô bày công trình đó ra vì ngày ấy sẽ xuất hiện trong lửa và lửa sẽ thử nghiệm công việc của mỗi người.”

(1 Cô-rinh-tô 3:10-13).

Vàng, bạc, và đá quý đại diện cho việc xây dựng theo cách của Chúa. Gỗ, cỏ khô, rơm rạ đại diện cho các phương pháp xây dựng của chúng ta theo thiết kế của thế gian. Có phải những câu này chỉ nói về sự phán xét ở thiên đàng? Không!

Những câu này mô tả khi Ngài đến Đền Thờ của Ngài (Ma-la- chi 3:16-4:1 và 1 Cô-rinh-tô 3:16-17). Ngài sẽ đến như lửa, sẽ thiêu rụi gỗ, cỏ khô và rơm rạ nhưng lại tôi luyện vàng và bạc. Đó là lý do Ngài nói tiếp, “Nếu công trình của người nào đã xây dựng bị thiêu đốt, thì công trình ấy sẽ mất đi còn người đó sẽ được cứu nhưng dường như qua lửa vậy.” (câu 15).

Nếu bạn xây dựng đời sống, công việc làm ăn hay chức vụ bằng gạch tự bạn làm ra, tức sức riêng của bạn hay các chương trình hay kỹ thuật của thế gian…nếu bạn xây dựng bởi sự thao túng hay sự kiểm soát con người qua sự hăm dọa… nếu bạn nịnh nợ và hưởng lợi từ người khác để có địa vị…nếu khi xây dựng bạn phá đổ những người khác qua sự chỉ trích hay đàm tiếu…thì mọi thứ bạn đạt được bởi các phương thức trên sẽ bị thiêu đốt và mất đi.

Nhiều người tự cất nhắc mình lên, dùng các mánh khóe lừa dối, thậm chí nói dối trơ trẽn để đạt lợi thế. Thứ này cũng sẽ bị thiêu đốt! “Đừng tự lừa dối mình. Nếu có ai trong vòng anh chị em nghĩ rằng mình khôn ngoan theo đời này, hãy trở nên dại dột để được khôn ngoan thật. Đối với Đức Chúa Trời, khôn ngoan của thế gian này là ngu dại. Vì Kinh Thánh chép: Ngài bắt lấy kẻ khôn ngoan bằng chính mưu kế xảo quyệt của họ.” (1 Cô-rinh-tô 3:18-19).

Dưới mắt Chúa, bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống bạn mà động cơ là tư kỷ, đều bị coi là gỗ, cỏ khô hay rơm rạ. Bất kể là việc đó có giúp đỡ người khác hay có mang Danh Chúa hay có hy sinh bao nhiêu thời gian thì cũng không quan trọng. Tất cả sẽ bị thiêu rụi hết.

Trọng tâm của sự khôn ngoan thế gian là cái tôi. “Nhưng nếu anh chị em ganh ghét, cay đắng, tranh cạnh trong lòng thì đừng khoe khoang và nói dối trái với sự thật. Sự khôn ngoan này không phải từ thiên thượng xuống, nhưng từ trần gian, từ bản tính tự nhiên và ác quỷ” (Gia-cơ 3:14-15). Sự ganh ghét sinh ra sự tranh cạnh và nghi ngờ. Để giữ cho “cái ghế” của chúng ta được an toàn, có thể lắm chúng ta bắt đầu chơi trò chơi quyền lực, khiến chúng ta mất đi bạn bè và đời sống liêm chính của mình, hay tệ hơn nữa là huỷ hoại mối quan hệ với Chúa. Thậm chí các mục sư và các lãnh đạo giáo hội ngày nay bị lôi kéo bởi những bận tâm về địa vị, chức tước hay lương bổng đã đánh đổi để bỏ đi một lối sống gần gũi tấm lòng của Chúa.

Còn đối với những người thành thật tìm kiếm tấm lòng của Chúa, thì có vẻ như họ càng tìm kiếm Ngài, thì họ càng bị xa cách. Trong sự thất vọng, họ kêu cầu:

“Ta sẽ cho các con biết người đến cùng Ta, nghe lời Ta và thực hành thì giống như ai? Người ấy giống như kẻ xây nhà, đào xuống thật sâu, đặt móng trên nền bằng đá; khi có lụt, nước sông chảy xiết, ập vào nhà ấy, nhưng không lay chuyển nổi, vì nhà được xây cất kiên cố.”

(Lu-ca 6:47-48).

Khi gia đình chúng tôi sống tại Dallas, tôi xem các thợ xây dựng các tòa nhà chọc trời. Lúc đầu thì tiến trình chậm chạp sau khi để nhiều tháng phá đá và đào móng. Tòa nhà càng lớn thì hố càng sâu và móng tòa nhà càng rộng. Từ trên móng, dường như các thợ xây làm việc chậm chạp và chậm tiến độ. Rồi bất chợt, tòa nhà cao mọc lên rất nhanh. Tiến trình của nó xảy ra rất nhanh nếu so sánh với tiến trình chuẩn bị.

Phần tiến độ xây lên sẽ chẳng là gì nếu so sánh với phần chuẩn bị đào xuống.

Tôi tin là có nhiều người trong hội thánh Chúa ở trong tiến trình chuẩn bị đào xuống – đặc biệt là giữa vòng thế hệ cơ đốc nhân trẻ. Tôi ngợi khen Chúa vì điều đó! Có thể họ có sự kêu gọi vào chức vụ hay có những ước mơ mà Chúa ban cho, nhưng hiện tại họ đang ở vị trí phục vụ. Mọi thứ dường như không dịch chuyển nhanh lắm, nhưng tôi tin họ đang ở trong sự chuẩn bị kỹ càng của Chúa trong đồng vắng. Nền tảng đang được xây; nhân cách của Chúa đang được hình thành.

Nhân cách này sẽ củng cố tất cả những ai nhiệt thành phục vụ Chúa và vương quốc của Ngài trong những năm tới.

Những người khác không ở trong đồng vắng, dường như họ phất lên rất nhanh qua thủ đoạn chính trị hay qua một số cách tự đề bạt mình bằng mánh khóe rất thiêng liêng nào đó. Những người nào còn lưu trú trong đồng vắng có thể cảm thấy họ đang dậm chân và có thể bị cám dỗ để tách mình đi sang con đường tắt và dễ chịu. Nhưng họ biết con đường như thế sẽ không sản sinh ra một người hầu việc Chúa có tư cách ổn định và nó sẽ thỏa hiệp với phẩm chất mà họ đã gây dựng bấy lâu nay. Họ cho rằng cuộc mạo hiểm như thế sẽ mất mác rất nhiều. Qua việc chờ đợi Chúa, họ để cho Chúa là Người Thợ Cả đặt nền móng chắc chắn của họ trên Vầng Đá.

Ngày nay, có nhiều mục sư sốt sắng tìm kiếm Chúa, nhưng có vẻ hầu như họ không thấy dấu lạ hay phép mầu nào xảy ra hoặc thấy rất ít. Họ đang ở trong giai đoạn đồng vắng hay khô hạn. Họ quan sát các mục sư khác tự đề bạt bản thân và quảng bá chức vụ của họ rất thành công qua việc dùng những kỹ thuật tiếp thị của đời này. Họ dùng mạng xã hội tạo ra những ảo tưởng về lối sống sung sướng và thành công khi hầu việc Chúa. Nhưng Chúa sẽ không cho phép những cơ đốc nhân đang sống trong thời kì đồng vắng xây dựng cuộc đời hay chức vụ bằng những mánh khóe như thế, vì Ngài đang chuẩn bị cho họ một nền móng vững chắc và lâu bền.

Rồi có những cơ đốc nhân mà Chúa chưa bày tỏ một vị trí hay chức vụ nào cụ thể, nhưng Ngài đã ban cho họ một giấc mơ. Họ thắc mắc giấc mơ đó sẽ ứng nghiệm thế nào và sự ứng nghiệm có vẻ như đang dần dần phai nhạt.

Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng

#8 Giô-Suê Hiểu Vấn Đề

Nếu đồng vắng được định để làm lợi cho chúng ta, thì làm cách nào để chúng ta nắm giữ điều tốt và tránh xa điều xấu?

Giô-suê là một ví dụ rất hay về người có tấm lòng chuẩn mực trong đồng vắng. Khi Môi-se đi lên núi Si-nai, Giô-suê ở dưới chân núi. Ông muốn đến gần sự hiện diện của Chúa càng nhiều càng tốt. Khi Môi-se gặp Chúa trong đền tạm, Giô-suê cũng đã ở đó, để được gần sự hiện diện của Chúa. Dù Môi-se đã xong việc, nhưng Giô- suê vẫn nán lại Liều Hội Mạc (Xuất Hành 33:11).

Trong sách Giô-suê, chúng ta thấy năm lĩnh vực tội lỗi đã gây tai họa cho tổ phụ của họ (thế hệ trước) đã tái hiện cho thế hệ thứ hai (thế hệ của Giô-suê) trong đồng vắng. Nó có xảy ra một lần với A-can. Tuy nhiên, lãnh đạo và dân sự lập tức tìm kiếm Chúa để xử lý vấn đề. Thế hệ thứ hai đã làm đúng vì họ đã chứng kiến các thất bại của thế hệ trước-thể nào cha mẹ họ đã chết hết trong đồng vắng mà không nhìn thấy Lời Hứa của Chúa được ứng nghiệm.

Giô-suê và thế hệ của ông đã tập trung vào Đấng Tạo Hoá và họ đã vào Xứ Hứa. Họ mạnh mẽ giữ Lời Chúa và thoát khỏi sự nản lòng. Họ không chấp nhận sự than phiền. Họ tin cậy Chúa ngay.

Trong thời điểm khô hạn hay đồng vắng này, Chúa đã tách những người chờ đợi Ngài trong sự vâng lời khỏi những người xây dựng bằng các công cụ như sự lừa dối hay mánh khóe tự cất nhắc hay sự thao túng người khác. Sự thăng tiến được Chúa tấn phong thực sự – tức việc ra khỏi kinh nghiệm đồng vắng – sẽ đến với những người nào quan sát và chờ đợi Chúa hiện đến Đền Thờ của Ngài. Ngài nói:

“Khi đến thời điểm Ta đã định, thì Ta sẽ phán xét công bình. Khi trái đất và cả dân cư trên ấy run rẩy rúng động, thì chính Ta sẽ giữ vững nền móng nó. Sê-la. Ta phán cùng kẻ kiêu ngạo rằng: Chớ kiêu ngạo, cùng kẻ ác rằng: Chớ khoe khoang sức mạnh. Chớ khoa trương sức mạnh nghịch trời cao, cũng đừng giương cổ tranh cãi. Vì không phải từ phương đông hay phương tây, cũng không phải từ sa mạc mà có sự tôn trọng. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng phán xét, Ngài hạ kẻ này xuống, nhắc kẻ kia lên.”

(Thi Thiên 75:2-7).

Xác Thịt Hư Nát

Lẽ thật về sự tranh chiến giữa xác thịt và Thánh Linh ứng dụng cho tất cả các khía cạnh đời sống, không chỉ các nỗ lực trong chức vụ. Hãy nhớ, xác thịt không bao giờ có thể sản sinh các lời hứa của Chúa. Nếu điều gì đó được sinh bởi xác thịt – thì chúc may mắn cho nó! Vì cần xác thịt mới duy trì nó. Nếu điều gì Thánh Linh sinh ra thì Đức Chúa Trời sẽ cung ứng cho nó.

Môi trường xác thịt thì thường dẫn tới môi trường người ta thao túng nhau hay kiểm soát nhau. Các lãnh đạo sẽ tận dụng quyền lực hay đánh vào tâm lí con người để có kết quả. Nếu bạn là người theo giáo hội của họ, thì bạn buộc cũng phải chịu trách nhiệm cho sự thành bại của giáo hội đó, tuỳ vào cách mà bạn hưởng ứng với chỉ thị của họ. Trong hoàn cảnh đó sẽ xuất hiện nhiều áp lực, nhiều giáo điều mang tính luật pháp, nhiều sự kiểm soát và sự thao túng người khác.

Dù là tôi đang nói chủ yếu cho các hoạt động trong giáo hội, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh đây không chỉ nói cho các chức vụ; tôi đang mô tả là bất cứ thứ gì được tạo ra do sức mạnh của xác thịt. Vì thế điều này có thể áp dụng cho sự kêu gọi của chúng ta ở thương trường, trong giáo dục, trong y tế, trong chốn công quyền, trong thể thao và trong nhiều lĩnh vực khác mà Chúa kêu gọi cơ đốc nhân phục vụ.

Trái lại, điều gì sinh bởi Thánh Linh sẽ được hiểu là nó không tự sinh ra, vì thế nó biết nó không thể duy trì hay tự phát triển bởi sức riêng. Chúa sẽ chịu trách nhiệm cung cấp cho điều mà Ngài tạo ra hay xây dựng.

Khi Y-sác sinh ra, vị trí của Ích-ma-ên đã được yên bề (Sáng 16-21). Trong kinh nghiệm của tôi, tôi thấy cơ hội cho nỗ lực Ích-ma-ên sẽ luôn luôn hiển hiện trước khi giấc mơ về Y-sác theo lời hứa được sinh ra. Bạn phải chống cự lại sự cám dỗ để dùng sức mạnh riêng để sản sinh điều Chúa hứa. Hãy ôn lại câu này: “Hãy đuổi người đầy tớ gái và con nó đi; con của nó không thể hưởng gia tài với Y-sác, con tôi đâu!” (Sáng Thế 21:10).

Những ngày sắp tới Chúa sẽ phán với dân sự Ngài, “Hãy xua đuổi các nỗ lực Ích-ma-ên, thì con cái của xác thịt sẽ không có cơ nghiệp với con cái của lời hứa.” Dù chúng có vẻ hiệu quả nhưng Chúa sẽ nói, “Hãy đuổi chúng đi!” để không xác thịt nào được vinh hiển trong sự hiện diện của Ngài!

Khi sự phán xét của Chúa sẽ được bày tỏ, bất cứ phần nào trong cuộc đời bạn được xây dựng bởi khả năng của chính bạn sẽ không tồn tại qua lửa thử luyện. Nếu bạn xây dựng đời sống mình hoàn toàn qua các nỗ lực tự vệ và tự cất nhắc thì tất cả sẽ bị thiêu đốt. Nhưng bạn sẽ “được cứu dường như qua lửa” (1Cô-rinh-tô 3:15).

Những điều duy nhất còn lại sẽ là những điều được nhận bởi lời hứa, được cưu mang và sản sinh bởi Thánh Linh và ân sủng của Chúa.