11 - DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Chúa ơi, Ngài Ở Đâu ?!

Đăng vào: 5 tháng trước

.

11

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Nghịch cảnh luôn đến bất chợt và không được chào đón. Nó là khách không mời mà đến và là một tên trộm, nhưng trong tay Chúa, nghịch cảnh trở nên phương tiện qua đó quyền năng siêu nhiên của Ngài được bày tỏ.

– Charles Stanley

“Thật vậy, Ta bảo các người: Con chẳng tự mình làm gì, trừ những việc Con thấy nơi Cha, vì điều nào Cha làm thì Con mới làm!”

– Giăng 5:19

Sa mạc hay đồng vắng là nơi con đường của Chúa được chuẩn bị, là nơi mọi núi đồi sẽ được hạ xuống và mọi thung lũng được lấp đầy. Ê-sai mô tả điều này một cách rất dễ nhớ trong phân đoạn nổi tiếng này: Có tiếng kêu rằng:

“Hãy chuẩn bị trong đồng hoang một con đường cho CHÚA. Hãy làm ngay thẳng đường cái trong sa mạc cho Đức Chúa Trời chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi núi đồi sẽ bị hạ thấp. Những nơi gồ ghề sẽ thành bằng phẳng, những chỗ lồi lõm sẽ trở nên đồng bằng. Bấy giờ vinh quang của CHÚA sẽ được khải thị và mọi người đều sẽ thấy vì miệng CHÚA đã phán như thế.” Có tiếng nói: “Hãy kêu lên.” Tôi hỏi: “Tôi sẽ kêu gì đây?” Tất cả mọi người chỉ là cỏ, mọi sự đẹp đẽ của họ như hoa ngoài đồng. Cỏ khô, hoa rụng khi hơi thở CHÚA thổi qua chúng. Thật vậy, loài người chỉ là cỏ. Cỏ khô, hoa rụng nhưng Lời Đức Chúa Trời chúng ta đứng vững đời đời.”

(Ê-sai 40:3-8)

Chính xác thì điều này có nghĩa gì với chúng ta là những người hiện ở trong thời kỳ đồng vắng?

Trong hội thánh Chúa, chúng ta thảy đều có những trách nhiệm khác nhau mà Chúa giao cho chúng ta. Nhưng trước khi Chúa có thể khai phóng chúng ta để hoàn thành nó, chúng ta cần trải qua một thử luyện và đào tạo trong đồng vắng, là nơi mà xác thịt của chúng ta sẽ bị đóng đinh. Tại đó, chúng ta cũng học chờ đợi Chúa, học để yên lặng cho tới khi chúng ta nghe tiếng phán của Ngài và hiểu những gì Ngài đang làm, để chúng ta có thể hoàn thành ý muốn của Ngài trong sự vâng lời.

Tôi muốn chia sẻ thêm câu chuyện cá nhân của tôi để minh họa hành trình qua đồng vắng mà liên hệ đến thay vì đi đường thẳng từ đầu đến cuối thì tôi lại đi đường tắt và đôi khi dừng chân tại chỗ mà không có trong lịch trình.

Năm 1979, lúc đó là một sinh viên tại Đại học Purdue, tôi được tái sinh trong nhà hội nam sinh đại học. Bốn tháng sau, tôi được đầy dẫy Thánh LInh, và Chúa bắt đầu thôi thúc tôi về chức vụ. Hãy tin tôi, chức vụ hầu việc Chúa chẳng hề có trong suy nghĩ của tôi – tôi chẳng muốn liên quan gì tới chức vụ. Tất cả các mục sư mà tôi gặp khi lớn lên không phải là những con người mà tôi ước ao muốn giống. Tôi biết nói thế là xét đoán, nhưng tôi xem họ kiểu như người “mất phương hướng,” có những đứa con kỳ quặc và sống trong những căn nhà rách nát. Tất nhiên sau đó tôi học biết rằng ấn tượng của tôi về họ đã bị méo mó – thật ra thì có nhiều mục sư xuất sắc, có những đứa con tuyệt vời và sống trong những căn nhà tử tế! Nhưng vì là một tân tín hữu, tôi nghĩ để trở thành một mục sư có nghĩa là phải chấp nhận một cuộc sống kỳ quặc hay phải ở Châu Phi và sống trong một lều trại và đi chân đất.

Tôi lớn lên trong một thị trấn nhỏ 3000 người. Những người phụng sự Chúa duy nhất mà tôi biết ở đó là các cha Công Giáo (đó không phải là lựa chọn cho tôi, vì họ không thể cưới vợ), và một mục sư khác của một hội thánh nhỏ. Ông ta có hai đứa con cùng tuổi tôi, chúng rất kỳ quặc, khi tôi tới nhà họ thì có cái gì đó bốc mùi kinh khủng! Một lần tôi tới đó và nghe mùi thật khủng khiếp, tôi nín thở càng nhiều càng tốt cho tới khi tôi xin phép rời đi! Vì thế bạn có thể hiểu tại sao tôi không quan tâm tới chức vụ. Tôi không muốn thành cha đạo mà cũng muốn có những đứa con kỳ quặc và sống trong một căn nhà bốc mùi. Tôi cũng không muốn tới Châu Phi làm giáo sỹ và ở trong túp lều.

Các kế hoạch của tôi lúc đó là hoàn tất việc học kỹ sư về kỹ thuật tại đại học Purdue và sau đó lấy bằng MBA từ Harvard. Rồi tôi sẽ vào làm trong công ty Mỹ và leo lên nấc thang điều hành, kiếm thật nhiều tiền và dâng hiến cho hội thánh của tôi để hỗ trợ chức vụ. Đây là các kế hoạch của tôi, và tôi đã né tránh những lời thì thầm của Chúa nói với tôi liên quan tới chức vụ. (Không có gì sai với kế hoạch này, nhưng đây không phải là kế hoạch của Chúa dành cho cuộc đời tôi.)

Bốn tháng sau vào một sáng Chúa Nhật, tôi ở trong hội thánh lắng nghe bài giảng của một mục sư thì Thánh Linh Chúa phán một sứ điệp nghiêm khắc hơn với tôi: “Ta đã kêu gọi con giảng! Con sẽ làm gì về chuyện đó?”

Lần này tôi nghe rõ ràng và đáp lại, “Chúa ơi, ngay cả nếu con có ở Châu Phi, đi chân đất và ở túp lều tranh, con sẽ giảng, con sẽ vâng lời Ngài!” (Chúa có cách khiến chúng ta chú ý. Tôi đã đếm cái giá trả trong những tháng trước đó trong những lần Ngài nhẹ nhàng thúc đẩy.) Bấy giờ tôi nhận thức rõ về điều mà tôi nói “vâng” là tôi chuẩn bị tôi để làm đẹp lòng Ngài bất kể phải trả giá nào!

Chúa bắt đầu chuẩn bị tôi. Ngọn lửa trong tôi bắt đầu cháy lên; tôi bắt đầu nói với các anh em trong hội nam sinh về Chúa Giê-su và nhiều người được cứu. Khoảng một năm rưỡi sau, tôi mở buổi học Kinh Thánh trong nhóm sinh viên, các sinh viên đến từ khắp cả khuôn viên trường. Mỗi tuần những tân tín hữu dâng cuộc đời của họ cho Chúa, được chữa lành và tìm thấy tự do.

Tôi hoàn toàn làm xáo trộn các ưu tiên của mình! Khao khát rao giảng của tôi quá mạnh mẽ đến nỗi tôi muốn bỏ học chuyên ngành kỹ sư kỹ thuật tại đại học Purdue và theo học trường Kinh Thánh. Lý luận của tôi? Sao phải học tích phân và vật lý học khi mà tôi được kêu gọi để giảng tin lành, và người ta thì đang chết mất và đùa đến hỏa ngục? Chúa Giê-su có thể trở lại sớm, vì thế tôi phải ra đi đến cánh đồng truyền giáo càng sớm càng tốt.

Một đêm nọ, khi tôi đang làm bài tập về nhà, thứ mà tôi đã chán ngấy, tôi nhìn đống sách học kỹ sư sang cuốn Kinh Thánh trên kệ. Hiểu rồi! Tôi quăng sách giáo khoa nhiệt động học vào tường. Tôi đã quyết định – tôi sẽ không chờ đợi nữa! Tôi sẽ bỏ học và đi học trường cao đẳng Kinh Thánh.

Tôi gọi điện cho một người đang giám sát tôi -anh là một nhà nghiên cứu tại Purdue và là một người bạn rất thân. Tôi dạn dĩ nói, “Don, tôi sẽ bỏ đại học và đi học trường Kinh Thánh!”

Anh trả lời khôn ngoan, “Tối nay chúng ta đi dạo và cầu nguyện về việc đó nha?” Chúng tôi làm thế và Chúa phán với tôi, “Con sẽ hầu việc Ta vào thời điểm Ta chỉ định…hãy hoàn tất việc học kỹ sư đi.”

Một thời gian sau đó, khi tôi thật sự tranh chiến không biết làm sao Chúa có thể sai phái một cậu bé từ một thị trấn nhỏ tới các nước trên thế giới, tôi nghe Chúa nói, “Ai đã thiết kế và tấn phong chức vụ mà con được kêu gọi, con hay Ta?”

“Ngài ạ,” Tôi nói.

“Con có nghĩ Ta quan tâm tới chức vụ sắp tới hơn con quan tâm không?” Câu đó khiến tôi chú ý.

Vì thế, tôi bình tĩnh lại và học cho xong bằng kỹ sư. Khi tốt nghiệp, tôi được Rockwell International thuê làm kỹ sư kỹ thuật trong một dự án của Hải Quân Mỹ. Tôi ổn định trong công việc mới và tìm thấy một hội thánh tuyệt vời. Một năm sau, tôi và Lisa cưới nhau.

Tôi tham gia hội thánh đó khi còn độc thân và phục vụ trong bất cứ khả năng nào cần đến. Việc này tiếp tục sau khi chúng tôi cưới. Tôi hướng dẫn tín hữu tìm chỗ ngồi, tham gia giảng tin lành trong nhà tù, dạy quần vợt cho các con mục sư và giúp đỡ trong nhiều lĩnh vực khác. Hội thánh cũng có một trường Kinh Thánh và tôi đã tham gia các tiết buổi tối.

Hai năm sau, hội thánh thuê tôi hỗ trợ mục sư quản nhiệm và gia đình của ông. Tôi nói với mục sư và các lãnh đạo khác rằng tôi chỉ có thể kết ước một năm vì tôi được kêu gọi để rao giảng. Công việc của tôi là rửa xe và đổ xăng, đánh bóng giày của mục sư, làm các công việc vặt, đón con cái ông đi học về, dạy bơi cho hai đứa con của ông trước khi đến tuổi đến trường, chăm sóc các mục sư khách mời và làm nhiều công việc khác. Cuối cùng tôi ở lại bốn năm rưỡi, chứ không chỉ một năm.

Bây giờ bảy năm đã trôi qua từ lúc tôi nói “vâng” với sự kêu gọi của Chúa. Ở đại học, khi làm chứng cho các sinh viên tin Chúa, cầu nguyện chữa lành và giải cứu họ, tôi nghĩ chức vụ trọn thời gian chỉ cách có vài ngày. Tôi không hề biết về quá trình mà Chúa sẽ cho tôi trải qua.

Trong suốt thời gian này khi tôi phục vụ hội thánh, tôi đã ba lần cố gắng bước vào chức vụ giảng dạy trọn thời gian nhưng không thành công. Khi từ Châu Á bay về Dallas (sau lần thử thứ ba để xem tôi có ở nơi Chúa muốn hay không), tôi đọc sách tin lành Giăng và rồi có một câu Kinh Thánh hiện lên: “Đức Chúa Trời đã sai phái một người là Giăng Báp-tít” (Giăng 1:6). Tôi nghe Chúa nói với tôi, “Con muốn được John Bevere sai đi hay muốn Ta sai con đi đây?”

“Con muốn được Ngài sai đi.”

Và Chúa nói, “Tốt, vì nếu con được John Bevere sai đi, con sẽ đi trong thẩm quyền của John, nhưng nếu con được Ta sai đi, con sẽ đi trong thẩm quyền của Ta!”

Sau điều này, tôi chậm lại và tập trung vào nơi mà Chúa đã đặt để tôi. Tuy nhiên, sau một thời gian, sự băn khoăn đã trở lại. Sự huấn luyện đồng vắng chưa hoàn tất cho thời kỳ đó mà tôi vẫn đang ở trong quá trình này.

Phải chăng Chúa đã đặt tôi lên kệ trong bảy năm đó cho tới khi vị trí mở ra? Không! Cả ngàn lần không! Tôi được đem tới đồng vắng đó để phát triển phẩm chất tin kính…để dọn đường cho Ngài. Phẩm cách của tôi cần trưởng thành để tôi hầu việc Chúa tốt trong vị trí chức vụ mà tôi được kêu gọi. Cuối cùng, tôi học được rằng, cứ mỗi lần có sự thăng tiến thuộc linh là trước tiên phải có sự chuẩn bị cho cấp độ đó.

Hãy Quên Chuyện Phục Vụ Bởi Sức Riêng

Dù ý định của chúng ta có tốt đẹp thế nào đi nữa, nếu không có sự tham gia của Chúa, chúng ta không thể làm bất cứ việc gì có giá trị đời đời-ngay cả mang Danh Chúa trong đó! Chính Chúa nói, “Thật vậy, Ta bảo các người: Con chẳng tự mình làm gì, trừ những việc Con thấy nơi Cha, vì điều nào Cha làm thì Con mới làm!” (Giăng 5:19). Thật là một lời phán tuyệt vời! Chúa Giê-su nhập thể, Con Đức Chúa Trời, đã nói Ngài không thể tự mình làm bất cứ việc gì có giá trị tối thượng. Tôi sẽ chia sẻ một vài ví dụ về những gì tôi muốn nói:

Chúa Giê-su yêu thương La-xa-rơ và hai chị gái của người là Ma-thê và Mary, họ sống tại Bê-tha-ni. La-xa-rơ lâm bệnh nặng. Chuyện xảy ra tiếp theo thế này:

Hai chị em liền sai người đến trình: “Thưa Chúa, người Chúa yêu mến đang đau.” Nhưng khi nghe tin, Đức Giê-su lại bảo: “Bệnh này không đến nỗi phải chết, nhưng việc xảy ra để Đức Chúa Trời được hiển vinh và Con của Ngài cũng nhờ đó được hiển vinh!” Đức Giê-su yêu quý các chị em Ma-thê, em nàng và La-xa-rơ. Nhưng khi nghe tin La-xa-rơ đau, Ngài nán lại nơi đang ở thêm hai ngày nữa!”

(Giăng 11:3-6)

Mặc dù Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, Ngài vẫn có những người bạn thân. Ngài yêu thương La-xa-rơ và thích thú khoảng thời gian ở với gia đình của anh ta. Tuy nhiên, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã không làm gì trong hai ngày sau khi nghe tin bạn mình bệnh. Tại sao Ngài không lập tức tới Bê-tha-ni? Lý do là Ngài chưa nhận lệnh từ Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su vâng lời chờ đợi cho tới khi Thánh Linh ra lệnh đi. Sau đó Chúa Giê-su đã đi.

Có một lần Chúa khải thị cho tôi rằng nếu La-xa-rơ là một trong những người bạn của tôi, tôi sẽ lập tức lái xe tới nhà của anh ta và đặt tay lên anh ta mà không suy nghĩ đến việc cầu xin sự hướng dẫn của Thánh Linh. Không may, nhiều người trong chúng ta có suy nghĩ này. Chúng ta cho rằng vì Chúa luôn ở với chúng ta, nên chúng ta không cần xin sự hướng dẫn trong những tình huống như thế này. Nhưng chúng ta nên dừng lại và nhạy bén với Thánh Linh. Đức Chúa Trời biết điều Ngài muốn, và nếu chúng ta chờ đợi để nhận sự hướng dẫn hay tấm lòng của Ngài về một vấn đề, Ngài sẽ bảo chúng ta phải làm gì.

Có thể chúng ta nghĩ rằng dù không có sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, nếu chúng ta đặt tay lên người bệnh thì Chúa buộc phải chữa lành họ ngay lúc đó. Nếu điều này đúng, thì chẳng phải chúng ta nên tới tất cả các bệnh viện và làm cho nó sạch hết bệnh hay sao?

Trong một số trường hợp, Kinh Thánh tường thuật rằng Chúa Giê-su “đã chữa lành tất cả,” nhưng không phải luôn như vậy. Ví dụ, tại sao Chúa Giê-su không chữa lành cho tất cả người bệnh, mù, què và tàn tật tại ao Bê-tết-đa khi Ngài chỉ chữa lành một người đã bị què ba mươi tám năm (Giăng 5)? Phải chăng Thánh Linh đã không dẫn dắt Ngài để chữa lành cho những người khác?

Trong một trường hợp khác có một người đàn ông bị què từ trong lòng mẹ, người ta để ông ở cổng đền thờ hàng ngày. Chắc chắn Chúa Giê-su đã đi ngang qua ông mỗi lần Ngài vào đền thờ. Tại sao Chúa Giê-su không chữa lành cho ông? Vì Cha Ngài không bảo Ngài làm thế.

Sau đó, sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, Phi-e-rơ và Giăng trên đường tới đền thờ-bởi sự dẫn dắt của Thánh Linh – đã chữa lành cho người đàn ông này và thế là phấn hưng bùng nổ (Công Vụ 3).

Khi Chúa Giê-su thi hành chức vụ, không có một công thức mặc định nào cả. Có người Chúa chỉ nhổ nước bọt lên, có người Chúa đặt tay, có người Chúa chỉ phán mà thôi. Có người Chúa lấy bùn xức mắt của họ. Có người Chúa bảo đi đến gặp các thầy tế lễ – danh sách còn nữa. Có một sự đa dạng kinh ngạc vì Chúa Giê-su chỉ làm điều Ngài đã thấy Cha Ngài làm! Đức Chúa Trời biết thời điểm và cách thức toàn hảo để mỗi cá nhân nhận sự chữa lành.

Đây là điều mà Chúa muốn cho tất cả các đầy tớ của Ngài… đem chúng ta vào nơi mà tại đó chúng ta chỉ làm những gì chúng ta thấy Chúa Giê-su làm và dưới sự dẫn dắt của Ngài, chứ không phải những gì chúng ta nghĩ hay muốn xảy ra. Chúa Giê-su nói trong Giăng 20:21, “…Như Cha đã sai phái Ta, giờ đây Ta cũng sai phái các con!” Chúa Giê-su không làm bất cứ điều gì ngoài sự dẫn dắt của Cha Ngài. Tương tự, chúng ta phải làm theo tấm gương của Chúa Giê-su. Chúng ta phải sống giống như Ngài, được dẫn dắt bởi Thánh Linh, chỉ bước đi như Ngài dẫn dắt chúng ta. Điều này đòi hỏi xác thịt chúng ta phải đầu phục Thánh Linh của Chúa – Thánh Linh của Đấng Cứu Thế. Và trại huấn luyện tốt nhất cho đời sống được Thánh Linh dẫn dắt này chính là đồng vắng. Môi trường thách thức này là nơi dọn đường cho Chúa hành động.

Chúa phán với Môi-se sau khi huấn luyện ông trong đồng vắng bốn mươi năm:

“Vậy, con hãy đi. Ta sai con đến với Pha-ra-ôn để đem dân Ta ra khỏi Ai-cập.” Nhưng Môi-se thưa với Đức Chúa Trời: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ôn để đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập?” Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ ở với con.”

(Xuất 3:10-12)

Bây giờ chúng ta hãy so sánh điều này với những gì Chúa nói về những người tự sai phái chính họ:

“Ta không sai phái các tiên tri ấy, thế nhưng chúng vẫn chạy! Ta không phán bảo chúng, thế mà chúng vẫn nói tiên tri! CHÚA phán: “Này, Ta chống lại các tiên tri thuật chiêm bao dối gạt, dẫn dân Ta đi lạc với những lời giả dối khinh xuất, trong khi Ta chẳng sai phái, cũng chẳng truyền bảo chúng.” CHÚA phán: “Thật chúng chẳng giúp ích chi cho dân này.”

(Giê-rê-mi 23:21, 32)

Ôi! Những lời này nghe nhói thật. Không ai trong chúng ta muốn nhận thông điệp như thế từ Chúa.

Ở độ tuổi bốn mươi, Môi-se không thể giúp đỡ gì cho dân Y-sơ-ra-ên khi ông lần đầu nỗ lực giải cứu họ, vì Chúa chưa sai phái ông. Dù Môi-se lãnh hội tất cả nền giáo dục tuyệt vời, các kỹ năng lãnh đạo và hấp thu sự khôn ngoan tại Ai Cập, nhưng không có sự hỗ trợ của Chúa và chưa đến thời điểm của Chúa thì Môi-se không thể hoàn thành điều mà ông biết là Chúa kêu gọi ông làm. Nỗ lực vô ích của ông chỉ đem tới hậu quả là cái chết của một tên đốc công người Ai Cập. Dù ý định của ông là cao quý, nhưng nỗ lực đầu tiên để hoàn thành sứ mạng của ông là nguy hiểm. Sau bốn mươi năm được huấn luyện chuyên sâu trong đồng vắng, một Môi-se mới đã nổi lên, là con người không làm bất cứ việc gì ngoài điều mà Chúa bảo ông. Đến khi vào thời điểm Chúa chỉ định, dưới sự lãnh đạo của Môi-se, toàn bộ quân đội Ai-cập bị chết dưới đáy của Biển Đỏ. Đó là sự khác biệt giữa sức mạnh của chúng ta và sức mạnh của Chúa – cả một đạo quân bị tiêu diệt so sánh với việc chỉ giết một tên lính quèn.

Giăng Báp-tít đã được huấn luyện ba mươi năm để thi hành một chức vụ chỉ kéo dài sáu tháng, nhưng Chúa Giê-su nói Giăng là tiên tri vĩ đại nhất được sinh ra bởi người nữ.

Giờ thì bạn hiểu rồi đó! Chúa có thể làm nhiều việc trong sáu tháng qua một người nam/nữ được Ngài sai phái hơn là ai đó làm việc siêng năng bởi sức riêng trong suốt sáu mươi năm.

Đây là điều mà Chúa Giê-su giải thích: “Thật vậy, Ta bảo các người: Con chẳng tự mình làm gì, trừ những việc Con thấy nơi Cha, vì điều nào Cha làm thì Con mới làm!” (Giăng 5:19).

Một lần nữa, đây là những lời của tiên tri Ê-sai:

Có tiếng kêu rằng: “Hãy chuẩn bị trong đồng hoang một con đường cho CHÚA. Hãy làm ngay thẳng đường cái trong sa mạc cho Đức Chúa Trời chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi núi đồi sẽ bị hạ thấp. Những nơi gồ ghề sẽ thành bằng phẳng, những chỗ lồi lõm sẽ trở nên đồng bằng. Bấy giờ vinh quang của CHÚA sẽ được khải thị và mọi người đều sẽ thấy vì miệng CHÚA đã phán như thế.” Có tiếng nói: “Hãy kêu lên.” Tôi hỏi: “Tôi sẽ kêu gì đây?” Tất cả mọi người chỉ là cỏ, mọi sự đẹp đẽ của họ như hoa ngoài đồng. Cỏ khô, hoa rụng khi hơi thở CHÚA thổi qua chúng. Thật vậy, loài người chỉ là cỏ. Cỏ khô, hoa rụng nhưng Lời Đức Chúa Trời chúng ta đứng vững đời đời.

(Ê-sai 40:3-8)

Chúa nói rằng đồng vắng là nơi con đường của Chúa được chuẩn bị. Con đường của Chúa không phải là sức mạnh của con người. Ngài nói sự kiêu ngạo của xác thịt sẽ bị hạ xuống, những người khiêm nhường (chờ đợi Chúa) sẽ được tôn cao, những nơi gồ ghề (dối gạt, cong quẹo, không ngay thật) sẽ được ban bằng và những chỗ lồi lõm sẽ được làm cho thẳng.

Lúc còn là một sinh viên đại học, mới theo Chúa Giê-su, tôi đã nhận nhiều phước hạnh và thấy mình rất “thành công” khi chia sẻ Lời Chúa cho người khác, nhưng trong cuộc đời tôi có những ngọn núi cần được hạ xuống và có những nơi gồ ghề và lỗi lẫm cần được làm cho thẳng. Chúa biết tôi cần thời gian trong đồng vắng để Ngài mài dũa các thiếu sót này.

Trong bất kỳ giai đoạn đồng vắng nào, điều quan trọng là phải để Chúa làm theo ý muốn của Ngài cho chúng ta. Trong lúc tôi ở trong vị trí phục vụ mục sư của tôi tại Dallas, Chúa phán với tôi một ngày nọ và nói, “John, đừng bỏ qua điều Ta muốn làm trong con hôm nay, khi con chỉ trông mong một chức vụ giảng dạy trong tương lai.” Thành thật thì tôi rất muốn giảng đến nỗi tôi coi giai đoạn này trong cuộc đời tôi là một sự lãng phí thời gian.

Bạn không cần phải rơi vào cái bẫy này! Hãy nhận ra rằng Chúa không lãng phí thời gian! Ngài là Đấng chuộc lại thời gian! Hãy nhận ra rằng vị trí hiện tại của bạn là một phần quan trọng cho vị trí mà bạn đang đi tới. Đó là đấu trường huấn luyện của bạn. Đó là quá trình đi từ lời hứa đến sự cất nhắc – đó là sự ứng nghiệm. Hãy để Ngài đảm trách chuyện làm mọi việc kết hợp lại với nhau . .. bạn chỉ cần hòa nhịp với Ngài! Ngài là Đức Chúa Trời, là Tác Giả và Đấng Kết Thúc. Tất cả những gì chúng ta phải làm là tin cậy Ngài và vâng theo điều Ngài chỉ cho chúng ta hôm nay!

Mỗi lần tôi nghĩ tôi đã tìm ra được cách Ngài đưa tôi vào chức vụ giảng dạy, Chúa nhân từ nói, “John, con vừa mới nghĩ ra thêm một cách nữa nhưng nó sẽ không xảy ra!” Đúng thế – Ngài đem chức vụ đến với tôi một cách hoàn toàn bất ngờ. Chúa đem chúng ta tới một nơi thỏa lòng (không phải thỏa mãn) để chúng ta sống đầy trọn cho hiện tại.

Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng

#11 Đừng Mở Túi Hành Lý Ra

Dù tôi không hề khuyến nghị điều đó, nhưng khi thời gian ở trong đồng vắng của bạn kéo dài tưởng chừng như mãi mãi, có thể bạn quyết định mở hành lý ra và định cư ở đó. Hãy tin tôi -khi Chúa quyết định di chuyển, Chúa có thể làm tức tốc. Hãy xem ông Giô-sép, có vẻ như ông ở tù cả đời, nhưng thật bất ngờ chỉ trong một ngày ông được cất nhắc tới ước mơ mà Chúa đã ban! Vâng! đúng vậy – chỉ một ngày thôi!

Tôi đã ở trong đồng vắng và cảm giác giống như ở trong quá trình lưu trú tại đó bốn mươi năm. Rồi bất chợt Chúa bảo tôi rằng tôi sẽ rời vị trí hiện tại và bắt đầu chức vụ giảng dạy lưu động. Sự thay đổi không xảy ra tức thì, nhưng khi nó xảy ra thì nó đến rất nhanh. Và tôi sẵn sàng để bước vào thời kỳ tiếp theo trong sự kêu gọi của mình. Hành lý của tôi đã chuẩn bị sẵn.

Làm Việc Theo Cách Của Chúa

Khi Chúa ban thẩm quyền và quyền năng của Ngài cho một người, thẩm quyền và năng quyền được ban cho càng lớn thì sự phán xét khi không vâng lời Thánh Linh càng nghiêm hơn. Chúa không phán xét Môi-se khi ông bốn mươi tuổi và lúc ông làm theo ý riêng của ông, vì thẩm quyền và quyền năng của Chúa chưa giao cho ông. Tuy nhiên, sau đó thì sự việc không như vậy. Trong khi ở đồng vắng Sin, dân sự đã tranh đấu với Môi-se và than phiền về chỗ mà ông dẫn họ tới. Họ khát nước và muốn được nước uống. Vì thế Chúa cho Môi-se biết phải làm gì:

CHÚA phán bảo Môi-se: “Cầm lấy cây gậy, rồi con và A-rôn, anh con đi triệu tập nhân dân. Trước mặt họ, con sẽ bảo vầng đá kia, nó sẽ phun nước ra. Con sẽ cho họ và bầy gia súc của họ uống nước chảy ra từ vầng đá.”

(Dân Số 20:7-8).

Chúa bảo Môi-se hãy nói với hòn đá và nó sẽ chảy nước ra.

Nhưng hãy đọc điều Môi-se đã làm:

Nói xong, ông giơ gậy lên đập vào vầng đá hai lần. Nước bắn vọt ra. Người và thú vật đều uống. Nhưng CHÚA phán bảo Môi-se và A-rôn: “Vì các ngươi không tin Ta, không tôn thánh Ta trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, nên các ngươi sẽ không dẫn dân vào đất Ta đã hứa cho họ.”

(Dân Số 20:11-12).

Hãy để ý là Chúa cung cấp nước cho hàng triệu người đang quan sát diễn tiến. Chà! Nước chảy ra từ hòn đá – ai đã nghe về phép lạ quyền năng như thế trong thế kỷ hai mươi mốt chưa? Dù Môi-se đã không làm theo hướng dẫn của Chúa về cách lấy nước từ hòn đá, nhưng phép lạ phi thường vẫn xảy ra. Nước dành cho dân sự để đáp ứng nhu cầu của họ. Chúa không ngăn cho nước không chảy ra để dân sự không có uống để trừng phạt Môi-se. Nhưng có một hậu quả: Chúa ngăn không cho Môi-se lãnh đạo dân sự vào Xứ Hứa.

Đây là một ví dụ hoàn hảo về sự xức dầu siêu nhiên – nó đáp ứng những nhu cầu của hội chúng, chứ không phải tôn cao con người có ân tứ đó! Có thể, Môi-se đã thất vọng với dân chúng và cũng hơi thất vọng với Chúa vì phải chăn dắt một đám dân khó ưa. Môi-se đã đập hòn đá như ông đã làm trước đó tại đồng vắng Sin (Xuất 17:1-7). Hay có lẽ Môi-se thấy an tâm với tài lãnh đạo của mình; có lẽ lúc đó ông cảm thấy Chúa sẽ tôn trọng bất cứ điều gì ông cho là tốt đẹp. Một lần nữa, ông lại làm việc theo ý riêng, nhưng lần này hậu quả rõ ràng là lớn hơn. Môi-se đã bước đi trong quyền năng và sức mạnh của Chúa; tất cả sức mạnh ông có được trước đây là nhờ phụ thuộc vào Chúa. Bấy giờ, việc Môi-se hành động độc lập với Chúa trước mặt dân sự đã nhận sự phán xét ng- hiêm khắc.

Đây là lý do Gia-cơ 3:1 nói, “Thưa anh chị em, trong anh chị em không nên có nhiều người làm thầy vì biết rằng mình sẽ bị xét đoán nghiêm khắc hơn.” Trách nhiệm và tiếng khen càng lớn thì sự phán xét của Chúa càng nghiêm cho những ai đứng ở vị trí lãnh đạo.

Đồng vắng chuẩn bị chúng ta bước vào quyền năng và vinh hiển của Chúa mà không phải nhận hậu quả là sự phán xét khi không vâng lời. Trong kinh nghiệm đồng vắng khô hạn, lòng kiêu ngạo được hạ xuống và sự khiêm nhường được đề cao. Người thật sự khiêm nhường bước đi như Chúa Giê-su bước đi, họ sẽ kêu lên, “Con sẽ không làm bất cứ việc gì trừ khi con thấy Thánh Linh Ngài làm việc đó. Con sẽ không làm bất cứ việc gì bởi sức riêng và năng lực riêng của con.”

Phải chăng lý do Chúa đã rút lại không bày tỏ vinh quang và quyền năng của Ngài cho nhiều tôi tớ Chúa trong hội thánh ngày nay là nhằm để bảo vệ họ khỏi sự phán xét nghiêm trọng hơn? Tôi tin chính tại nơi đồng vắng mà Chúa lột bỏ xác thịt của chúng ta khỏi tâm linh để khiến chúng ta kêu cầu Chúa và lắng nghe Ngài. Rồi khi vinh quang của Ngài bày tỏ, chúng ta sẽ dâng sự vinh hiển cho Danh Ngài qua việc làm theo cách thức của Ngài!

Hãy lắng nghe tiếng phán của Thánh Linh. Hãy để Ngài chỉ cho bạn cách Ngài muốn bạn thực hiện công việc Ngài dành cho bạn. Hãy nhìn xem và lắng nghe những gì Chúa đang hành động và đang phán dạy.

Tôi quyết tâm đứng chầu nơi tháp canh, giữ vững vị trí tại đồn gác, chờ xem Ngài bảo tôi điều gì, và tôi phải giải quyết thế nào về lời kêu than của tôi. CHÚA bảo tôi: “Con hãy viết xuống khải tượng, ghi khắc rõ ràng trên bảng đá, để người nào chạy ngang qua cũng đọc được. Vì còn phải chờ đúng thời điểm khải tượng mới ứng nghiệm, nó hối hả chạy đến giai đoạn cuối, nó sẽ thành hiện thực. Nếu nó dường như chậm trễ, con hãy trông chờ nó, vì khải tượng chắc chắn sẽ thực hiện, không nấn ná, chần chờ. Xem kìa, kẻ tự cao! Nó không có sự sống thật, nhưng người công chính sẽ sống bởi đức tin của mình.

(Ha-ba-cúc 2:1-4).

Vị tiên tri này nói, “Tôi chờ xem Ngài bảo tôi điều gì.” Một trong những cách Thánh Linh phán là qua khải tượng. Chúa Giê-su nói Ngài chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm. Tiên tri Ha-ba-cúc nói ông sẽ viết những gì ông đã nhìn thấy và cùng chạy với những gì ông nhìn thấy vào thời điểm đã định. Ông nói tiếp rằng linh hồn kiêu ngạo (tự cao) là không ngay thẳng (đó là người không chờ đợi Lời Chúa, nhưng muốn chạy mà không có khải tượng về điều Chúa đang phán). Nhưng người công bình sẽ sống bởi đức tin của mình, không phải bởi đức tin của người khác.

Đức tin đến bởi việc nghe điều Chúa nói và sau đó làm theo. Đó là lý do Chúa đem dân Y-sơ-ra-ên vào đồng vắng, “…để dạy cho anh chị em biết rằng người ta sống không phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời từ miệng CHÚA phán ra.” (Phục Truyền 8:3). Để ý Chúa nói hiện “phán ra” chứ không phải “đã phán ra.”

Chúng ta được khích lệ, “Anh chị em hãy cẩn thận, đừng từ khước Đấng đang phán dạy vì nếu những kẻ từ khước người cảnh cáo dưới đất còn không thoát được, thì chúng ta càng khó thoát được nếu chúng ta xây lưng lại với Đấng cảnh cáo từ trời” (Hê-bơ-rơ 12:25). Nhưng đừng bao giờ quên, những gì Ngài nói sẽ luôn phù hợp với Kinh Thánh.

Tuy nhiên, tra tìm Kinh Thánh để hỗ trợ những gì bạn nghĩ là bạn phải làm thì không phải là cách của Chúa. Đáng lẽ Chúa Giê-su có thể tự nhủ, “Ta được xức dầu để chữa lành người bệnh, vì thế Ta sẽ lập tức đặt tay lên La-xa-rơ như đã làm trước đây.” Trái lại, Ngài chờ đợi Thánh Linh vận hành, rồi Ngài mới vận hành.

Đồng vắng là nơi Chúa đem chúng ta đến để dạy chúng ta rằng bất cứ nỗ lực làm điều gì đó cho Chúa mà không có sự hướng dẫn và khả năng của Ngài thì đó là nỗ lực vô ích. Khi chúng ta học biết rằng xác thịt không thể làm bất cứ việc gì có giá trị đời đời, thì chúng ta sẵn sàng để triển khai những giấc mơ và kế hoạch mà Ngài đã giao cho chúng ta. Đồng vắng là sự chuẩn bị – đó là quá trình đi đến chỗ mà những lời hứa được ứng nghiệm. Chúng ta hãy làm theo gương của Chúa Giê-su, được dẫn dắt bởi Thánh Linh để làm việc theo cách của Đức Chúa Trời chứ theo không cách của chúng ta.