10 - NƯỚC TRONG ĐỒNG VẮNG

Chúa ơi, Ngài Ở Đâu ?!

Đăng vào: 5 tháng trước

.

10

NƯỚC TRONG ĐỒNG VẮNG

Nếu chúng ta không thể tin Chúa khi hoàn cảnh ng- hịch với chúng ta thì chúng ta không tin Ngài gì hết.

– Charles H. Spurgeon

Ai uống nước nầy rồi cũng khát lại, nhưng uống nước Ta ban cho sẽ chẳng bao giờ khát nữa. Nước Ta ban cho sẽ biến thành giếng nước trong người, tuôn tràn sự sống vĩnh phúc.

– Giăng 4:13-14

Mưa rất hiếm trong sa mạc. Ở đó không dễ để tìm được nước, và nếu có tìm thấy được đi chăng nữa thì phải được múc từ giếng hay suối nước. Đồng vắng là một vùng đất khô cằn và nắng cháy (Thi Thiên 63:1). Vì thế, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta bằng những lời này:

“Người nào khát, hãy đến cùng Ta mà uống! Người nào tin Ta thì sông nước trường sinh sẽ tuôn tràn từ cõi lòng mình, đúng như Kinh Thánh đã dạy. Đức Giê-su nói điều này để chỉ về Thánh Linh. . .”

(Giăng 7:37-39)

Tôi nhớ lại vài trường hợp trong những thời kỳ khô hạn tôi đã cố cầu nguyện và thấy thật khó để nhận được nước hằng sống tươi mới. Có một lần, trong khi tìm kiếm Chúa, tôi đã đem lều tới công viên công cộng và ở đó vào buổi tối và sáng hôm sau. Đêm đó tôi đã cầu nguyện, rồi tôi đọc sách, rồi tôi bắt đầu hát thánh ca. Tôi để dành gần ba tiếng đồng hồ làm những điều này, nhưng dường như tôi chẳng đi tới đâu cả. Dường như không có gì tươi mới – tôi vẫn khô hạn như hiện tại. Trong tâm trạng rất thất vọng, cuối cùng tôi chui vào túi ngủ và cố đi ngủ.

Suốt đêm đó, dường như tất cả các con quỷ đã ăn mừng – tôi không thể ngủ ngon. Tôi trở qua trở lại, thắc mắc tại sao Chúa không bày tỏ chính Ngài cho tôi. Sáng hôm sau tôi ra ngoài và bắt đầu đi bộ trong công viên công cộng, cầu nguyện trong Thánh Linh, nhưng vẫn cảm thấy rất khô hạn. Việc này tiếp tục trong một tiếng rưỡi nữa. Cuối cùng tôi nhìn lên và nói, “Chúa ơi, con đoán là con ở trong đồng vắng.” Tôi suy nghĩ, Có lẽ mình sẽ về nhà và thôi không tìm kiếm Chúa; Chúa đã đem mình vào nơi khô hạn này, và mọi thứ sẽ không thay đổi cho tới khi Ngài đem mình ra.

Đó là một suy nghĩ vô cùng sai trật! Chúa không đem chúng ta vào những thời điểm này để làm cho chúng ta thất vọng và khiến chúng ta muốn bỏ cuộc cho tới khi Ngài tể trị thay đổi hoàn cảnh của chúng ta! Đồng vắng không dự định là một nơi thất bại, mà là một nơi chiến thắng! Bất chợt, tôi nghe một tiếng phán êm dịu nhỏ nhẹ trong tôi nói, “Hãy chiến đấu!” Một lời khích lệ đó chính là đóm lửa và sự sống mà tôi cần. Lập tức tôi nói, “Hãy nhen lại ân tứ của Chúa trong con! Hỡi dòng sông nước sống hãy tuôn ra! Hãy dâng trào trong tâm hồn ta.” Tôi nhớ lại điều đã xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên khi họ ở trong đồng vắng:

Từ đó, họ tiếp tục đi đến Bê-e, và nơi đây CHÚA phán bảo Môi-se: “Tập họp nhân dân lại, Ta sẽ cho họ nước uống.” Và người Y-sơ-ra-ên ca lên như sau: “Trào nước lên, hỡi giếng cho ta lên tiếng, hát ca.”

(Dân Số 21:16-17)

Khi tôi tiếp tục lặp lại những lời này trong Kinh Thánh, lời cầu nguyện càng trở nên tha thiết hơn cho tới khi tôi đi qua đi lại con đường đó, cầu nguyện và công bố Lời Chúa với cả sức mạnh và đầy nhiệt thành. Mọi thứ đã trở nên tươi mới và tôi như một người khác! Sự hiện diện của Ngài ở với tôi rất mạnh mẽ. Chỉ vài phút trước tôi cảm thấy nặng nề và yếu đuối, nhưng bây giờ tôi đã sẵn sàng cho trận chiến, sẵn sàng đối diện với bất kỳ kẻ thù nào bằng Lời Chúa.

Việc này kéo dài khoảng hai mươi lăm phút, mà cứ ngỡ như chỉ có năm phút. Bây giờ tôi được tươi mới và sẵn sàng đối diện với mọi thử thách.

Chúa Giê-su nói các dòng sông nước sống sẽ tuôn chảy từ trong lòng của người nào đến với Ngài và uống. Đây không phải là sự tuôn đổ (mưa) của Thánh Linh mà chúng ta kinh nghiệm trong đồng vắng. Trong nơi khô hạn này, nước tươi mát này (giếng hay suối của Chúa) phải được múc từ trong lòng chúng ta.

Chúa Giê-su đã chỉ ra rằng (Giăng 7:39) nguồn nước giếng mà Ngài nói là Thánh Linh của Chúa, và những dòng sông (số nhiều), không phải một dòng sông (số ít), sẽ tuôn đổ từ lòng của một tín hữu.

Làm thế nào để Thánh Linh của Chúa tuôn đổ từ lòng chúng ta như một dòng sông? Tiên tri Ê-sai đã giải thích bản chất của các công việc của Thánh Linh: “Thần của CHÚA sẽ ngự trên Ngài, là thần khôn ngoan và hiểu biết, Thần mưu lược và quyền năng, Thần tri thức và kính sợ CHÚA.” (Ê-sai 11:2).

Đức Thánh Linh được gọi là Thần khôn ngoan, Thần hiểu biết, Thần mưu luận, Thần mạnh sức, Thần tri thức và Thần kính sợ Chúa. Vì Chúa Giê-su nói Thánh Linh sẽ như những dòng sông, điều đó có nghĩa là có những dòng sông khôn ngoan, dòng sông hiểu biết, dòng sông mưu luận, dòng sông mạnh sức, dòng sông tri thức và dòng sông kính sợ Chúa. Không lạ gì lòng tôi được nóng cháy khi đi trên con đường tới nơi đóng trại đó!

Đây là một số lẽ thật để bổ sung ý này:

  • Châm Ngôn 18:4 nói, “Lời nói từ miệng một người như vực nước sâu; Nguồn khôn ngoan như dòng suối tuôn chảy.”
  • Châm Ngôn 16:22 nói, “Người nào có sự hiểu biết là có nguồn sự sống; Ngu xuẩn là hình phạt cho những kẻ ngu dại.”
  • Châm Ngôn 20:5 nói, “Ý định trong lòng người như nước sâu, nhưng người sáng suốt sẽ múc lấy.”

Những cái giếng này ở trong lòng của một tín hữu, vì đây là nơi Thánh Linh ngự. Tuy nhiên, chỉ có người hiểu các đường lối của Chúa mới múc nước từ các giếng mà thôi. Từ chìa khoá là “múc.” Một lần nữa, điều quan trọng cần nhớ: các dòng nước tươi mát trong đồng vắng không đến từ con mưa của Thánh Linh mà phải được múc từ trong tấm lòng của chúng ta.

  • Châm Ngôn 10:11 nói, “Miệng người công chính là nguồn sự sống, nhưng miệng kẻ gian ác che giấu điều hung bạo.”
  • Châm Ngôn 15:23 nói, “Miệng đối đáp giỏi là niềm vui cho một người và lời nói hợp lúc tốt đẹp biết bao.”

Nếu tôi chọn đi ra khỏi nơi cắm trại đó, cho rằng, “Mình sẽ về nhà và thôi không tìm kiếm Chúa; Ngài đưa mình vào nơi khô hạn này và mọi thứ sẽ không thay đổi gì cho tới khi Ngài đem mình ra,” thì chắc chắn tôi ra về mang theo mình lòng nặng nề. Nhưng vì tôi đã công bố điều Chúa đặt trong lòng tôi, nên điều này giúp tôi có điều tôi cần để múc nước từ các giếng sâu. Tôi đã tháp vào cái ao cứu rỗi dưới lòng đất và tôi đang múc nước tươi mát. Việc này quả giống như uống nước mát từ một con suối ở giữa sa mạc.

Nhiều người bỏ cuộc trong các thời kỳ khô hạn này, nhưng Chúa nói, “Hãy tấn tới phía trước, đừng dừng lại!” Chúng ta phải có một sự thúc đẩy kiên định và liên tục bên trong; như thế sẽ giúp chúng ta không bỏ cuộc cho tới khi ý muốn của Ngài được hoàn thành.

Nhiều người ngừng cầu nguyện khi họ cảm thấy khô hạn; họ ngừng vì không có nước ra từ các giếng nước, và dường như quá khó để có nước. Họ trở nên yếu đuối và Chúa muốn sức mạnh của họ được xây đắp cho các trận chiến mà họ sẽ đối diện trong tương lai.

Chúng ta lấy sức mạnh từ đâu để múc? Ê-sai 12:3 nói, “Hãy lấy vui mừng mà múc giếng của sự cứu rỗi.” Ấy là vì “sự vui mừng của Chúa là sức mạnh của các ngươi.” (Nê-hê-mi 8:10). Sự vui mừng là một sức mạnh tăng cường cho chúng ta.

Sự vui mừng của Chúa là gì? Trong nhiều năm tôi đã nghĩ sự vui mừng của Chúa là có được niềm vui như Chúa có. Tôi thấy rất khó để liên hệ đến ý này. Tuy nhiên, đó không phải là điều Ngài nói. Bạn đã bao giờ nghe ai đó nói thế này, “Niềm vui của việc nấu nướng” chưa? Tự thân việc nấu nướng không có niềm vui. Ý mà người ta nói là những gì bạn kinh nghiệm trong việc nấu nướng. “Niềm vui của Chúa” là niềm vui mà chúng ta kinh nghiệm từ mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Ngài đem lại niềm vui cho chúng ta!

Chỉ vì chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của Ngài trong phòng cầu nguyện riêng không có nghĩa Ngài khước từ chúng ta. Vì thế, sự vui mừng của chúng ta không căn cứ trên cảm giác của chúng ta, mà nó căn cứ trên việc Ngài là Chúa và đặc quyền mà chúng ta có khi được liên hệ với Ngài. Vì thế, chúng ta nhìn xuyên qua những lời dối trá – đó là bị Chúa khước từ – mà nhận thấy Ngài kéo chúng ta…đến các giếng nước sâu!

Khai Thông Giếng Nước

Người con trai phép lạ của Áp-ra-ham, là Y-sác, thấy mình rơi vào thời kỳ khô hạn:

Ngoài nạn đói thời trước trong đời Áp-ra-ham, xứ lại bị nạn đói nữa. . . CHÚA hiện ra gặp Y-sác mà bảo: “Con đừng xuống Ai-cập, con cứ ở lại xứ mà Ta sẽ chỉ bảo con. Hãy tạm trú trong xứ này, thì Ta sẽ ở với con, ban phước cho con. Ta sẽ ban cho con và dòng dõi con tất cả các xứ này và Ta sẽ giữ vững lời Ta đã thề với Áp-ra-ham, thân phụ con. ”

(Sáng Thế 26:1-3).

Chúa bảo Y-sác đừng xuống Ai Cập là nơi thoải mái, nhưng ở lại nơi mà Chúa đặt để ông. Nhiều lần khi chúng ta thấy mình rơi vào nơi khô hạn, điều đầu tiên chúng ta nghĩ là, “Mình sẽ ra khỏi đây!” Nếu trong thời gian cầu nguyện buổi sáng, chúng ta không cảm nhận sự hiện diện của Chúa, tâm trí chúng ta sẽ bắt đầu nghĩ lung tung khi chúng ta nghĩ về tất cả những việc chúng ta cần làm trong những ngày sắp tới. Chúng ta sẽ vội vàng kết thúc giờ cầu nguyện và bắt đầu xử lý danh sách những việc cần làm.

Nếu trong hội thánh chúng ta đi nhóm mà có vẻ khô hạn đối với chúng ta, chúng ta không hỏi Chúa mà quyết định luôn, Mình sẽ đi đến hội thánh nào có sự sôi động và giảng dạy hay!

Hay nếu đời sống thực tế hay công việc kinh doanh của chúng ta có vẻ khô hạn, chúng ta cân nhắc tới việc rút lui và tìm đến một thành phố nào đang bùng nổ về kinh tế. Chúng ta nghĩ, Nếu mình ở lại đây, mình sẽ khô hạn và không bao giờ thấy kế hoạch của Chúa ứng nghiệm trong đời sống mình.

Có quá nhiều cơ đốc nhân nghĩ như thế. Họ tham gia hết diễn đàn này đến diễn đàn nọ, tham gia hết hoạt động này tới hoạt động khác, nhóm từ nhà thờ cho tới tư gia, di chuyển từ thành phố này tới thành phố khác, cố gắng tìm một nơi nào không có sự khô hạn. Thay vì đào các giếng nước và để Chúa dùng họ để đem nước tươi mát cho chính nơi khô hạn mà họ đang ở, thì họ lại tới “Ai Cập,” có thể nói như vậy, tìm kiếm sự cứu giúp và sự dễ chịu. Điều họ không hiểu là trong những thời điểm khô hạn này là Chúa có ý định bày tỏ khải tượng Ngài đã ban cho họ. Tôi biết kinh nghiệm này không phải lúc nào cũng như vậy, vì có những lúc Chúa chuẩn bị chúng ta cho một nơi chốn mới và Ngài cho phép chỗ cũ khô hạn đi. Chìa khoá là được dẫn dắt bởi Thánh Linh của Chúa! Nếu Ngài không nói gì cả, thì hãy ở lại và chiến đấu tới cùng!

Hãy xem những gì xảy ra cho Y-sác do kết quả của việc vâng lời Chúa và ở lại cái xứ đang đói kém đó:

Y-sác gieo trồng trong xứ đó, năm ấy gặt hái được hơn trăm lần vì CHÚA ban phước cho ông. Y-sác thành ra giàu có, của cải ngày càng gia tăng đến mức trở nên cực thịnh. Ông có nhiều bầy chiên, bầy bò và nhiều tôi tớ nên bị dân Phi-li-tin ganh tị. Họ lấp tất cả các giếng mà tôi tớ của cha ông là Áp-ra-ham đã đào lúc người còn sống. Y-sác khơi lại các giếng đã đào trong thời cha mình là Áp-ra- ham còn sống nhưng đã bị dân Phi-li-tin lấp lại khi cụ qua đời. Ông gọi các giếng ấy theo tên cha mình đã đặt.”

(Sáng Thế 26:12-15, 18).

Nguồn nước mà Y-sác cần để tưới cho ruộng lúa của ông được lấy từ việc đào lại các giếng nước của tổ phụ – các giếng này đã bị người Phi-li-tin lấp đi. Giống như Y-sác, nước mà chúng ta cực kỳ cần cho sự tăng trưởng tức là để hạt giống không hư nát của Chúa trong lòng chúng ta tăng trưởng phải được múc từ các giếng nước đã được khai thông. Dân Phi-li-tin là thuộc về thế gian này và thuộc về hệ thống thế gian. Thường thì khi chúng ta sống gần với các lề thói thế gian, chúng ta vô tình lấp các giếng nước của mình. Điều vô cùng quan trọng là khai thông các giếng nước của chúng ta để chúng ta nhận nước cần cho linh hồn chúng ta.

Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng

#10 Bí Mật Về Liều Thuốc Vui Mừng

Khi bạn ở trong thời kỳ đồng vắng thì rất dễ để nhìn vào các hoàn cảnh của bạn. Tôi muốn nói cho bạn một bí mật nhỏ – nghiêm túc mà nói thì nó đã giúp tôi sống sót và tiến triển trong các thời kỳ ở đồng vắng. Tôi gọi đó là Bí Mật Về Liều Thuốc Vui Mừng của tôi.

Khi mà nhìn bề ngoài tôi không có nhiều điều để cảm thấy phấn khích, khi mà dường như chẳng có gì xảy ra, có thể tôi đã và đang cầu nguyện nhưng không thấy bất cứ kết quả nào. Tôi quay sang nghĩ về những gì Chúa Giê-su đã làm. Tôi nhớ Ngài đã cứu tôi khỏi hỏa ngục, theo nghĩa đen, nơi lửa không hề tắt và mùi lưu huỳnh luôn bốc lên.

Sự thống khổ tại đó không bao giờ kết thúc. Địa ngục đó không được tạo ra cho tôi, nhưng cho ma quỷ. Nhưng ma quỷ đã lừa con người và đem con người vào đó với nó. Nhưng Chúa Giê-su đã ban sự sống của Ngài – Đấng Tạo Hoá của tôi đã phó sự sống của Ngài để cứu tôi khỏi điều đó.

Khi tôi làm điều này, khi tôi chăm xem Ngài, khi tôi bước vào cái nhìn dựa trên lòng biết ơn này, khi tôi nhìn cuộc đời với cái nhìn đời đời, thì bất chợt hoàn cảnh của tôi dường như không quá quan trọng. Đó là bí quyết của tôi – Liều thuốc vui mừng – ôn lại tất cả những điều mà tôi phải cảm tạ Chúa và nhìn xem Chúa Giê-su.

Tôi tin rằng việc nhiều lề thói và giá trị của thế gian tội lỗi này xâm nhập vào hội thánh Chúa ngày nay đã “che lấp” nhiều giếng nước thuộc linh. Phải chăng hội thánh, vốn được định trở thành nguồn nước thuộc linh tuôn chảy, đã trở thành một nơi khô hạn vì hội thánh đã cho phép ma quỷ quyến dụ – lấp hết các giếng nước thuộc linh?

Câu hỏi mà chúng ta cần hỏi là Chúa có thể phục hồi hội thánh của Ngài bằng dòng nước tươi mát hay không? Câu trả lời tất nhiên là được! Đây là hình ảnh mà Ê-sai đã bày tỏ rất hay:

CHÚA sẽ luôn luôn hướng dẫn ngươi; Đáp ứng yêu cầu ngươi trong nơi đất khô hạn; Ngài sẽ làm xương cốt ngươi mạnh mẽ; Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới nước, như ngọn suối không bao giờ khô. Những người ra từ ngươi sẽ xây dựng lại những nơi cổ xưa đổ nát; Sẽ lập lại các nền móng của nhiều đời trước. Ngươi sẽ được gọi là người sửa chữa tường thành đổ vỡ, tu bổ đường phố cho dân cư ngụ.”

(Ê-sai 58:11-12).

Như Y-sác không tìm kiếm con đường riêng hay khoái lạc riêng bằng cách tìm đến xứ sở dễ chịu, thì chúng ta cũng (bằng cách không làm theo ý riêng, không tìm khoái lạc riêng, không sống đời sống riêng mà trái lại muốn tôn trọng Chúa) sẽ giống như vườn năng tưới và như suối nước sống không hề cạn! Nếu chúng ta làm việc theo cách của Ngài, qua chúng ta Chúa sẽ đem nước hằng sống của Ngài cho những người khô hạn và khao khát, Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta đào lại các giếng nước mà thế gian đã lấp. Điều đó cần sự kiên định và có thể kéo dài đến vài giờ, vài ngày, vài tuần, vài tháng hay thậm chí vài năm.

Mất Lòng Nhiệt Huyết

Tôi tin trong sách này tôi đã nói rõ rằng đồng vắng là một hình bóng về vô số các hoàn cảnh. Mẫu số chung đó là chúng ta thấy mình ở trong những hoàn cảnh trải qua kinh nghiệm thiếu thốn hay khô hạn. Thường thì dấu hiệu của kinh nghiệm đồng vắng là sự xuống dốc thuộc linh hay mất đi hoàn toàn lòng nhiệt huyết theo Chúa hoặc thậm chí mất đi mối quan hệ với Chúa.

Để tôi ôn lại ngắn gọn kinh nghiệm đồng vắng thứ hai của tôi khi tôi phục vụ với tư cách mục sư thanh niên.

Chín tháng đầu tiên tại hội thánh ở Florida thật là tuyệt vời – chức vụ mở rộng và nhóm tôi phát triển. Tôi phấn khích, đầy nhiệt huyết và đầy năng lượng. Nhưng sau đó, bất chợt phích cắm bị rút và tất cả lòng nhiệt huyết và động lực của tôi đều cạn dần.

Tôi dành nhiều thời gian hơn trong sự cầu nguyện trước đó, nhưng dường như tôi chẳng đi tới đâu. Không chỉ như thế, khải tượng của tôi dành cho nhóm thanh niên dường như phai mờ (rượu cũ đang được đổ ra). Tôi càng cầu nguyện, khải tượng càng phai mờ. Bên ngoài chẳng có gì thay đổi cả, nhưng bên trong điều gì đó đang thay đổi.

Trên hết, giữa lúc xảy ra tất cả những chuyện này, chúng tôi trải qua những thử thách bên ngoài mà chúng tôi chưa bao giờ trải qua trước đó. Thử thách lớn nhất ư? Người giám sát trực tiếp của tôi đã dàn dựng một trường hợp để khiến tôi bị sa thải. Con trai ông ta ở trong nhóm của chúng tôi, vào một đêm sau buổi nhóm thanh niên cậu ta đến gặp vợ tôi và nói, “Cô Lisa này, làm sao em có thể sống cuộc đời mà John đang giảng trong khi cha mẹ em ở nhà…?” (Không cần phải đề cập hành vi cụ thể, hoặc có thể nói là không tốt.)

Cô bị sốc và khôn ngoan khuyên, “Em cứ làm đúng như Lời Chúa và để Chúa lo liệu chuyện của cha mẹ nha.” Từ ngày hôm đó trở đi, ông sếp của tôi bày mưu tính kế để tiêu diệt tiếng tăm của tôi và sa thải tôi. Ông ta tấn công rất tinh vi và dồn hết lực lượng. Ông ta đã thành công khi gây bất hòa giữa mục sư trưởng và tôi. Thế là tôi không nói chuyện hay gặp được mục sư của mình suốt mười sáu tuần.

Sau nhiều tháng người đàn ông này lên mưu kế, mục sư quản nhiệm đã sa thải tôi. Ông thông báo vào buổi nhóm sáng Chúa Nhật rằng sẽ có một sự thay đổi trong nhóm thanh niên. Hai người anh em của mục sư nói với tôi rằng tôi sẽ bị sa thải vào sáng thứ Hai.

Chúa đã vận hành cách kỳ diệu, và mục sư trưởng đã thay đổi quyết định của mình. Chúa phán với ông đâu đó giữa khoảng thời gian ra thông báo vào buổi nhóm sáng Chúa Nhật và buổi nhóm mà chúng tôi đã lên lịch vào sáng thứ Hai. Khi chúng tôi gặp nhau, ông nói, “John này, Chúa đưa anh đến với chúng tôi và anh sẽ không rời đi cho tới khi Ngài nói đã đến thời điểm cho anh đi.”

Sáu tháng sau điều này, hành vi của sếp tôi bị phơi bày, và lập tức ông ta bị đuổi ra khỏi đội ngũ hội thánh. Điều mà ông ta dính đến còn trầm trọng hơn là chúng tôi tưởng.

Trong suốt thời kỳ này, tôi không chỉ xoay sở qua chuyện này cùng những trận chiến bên ngoài khác nữa, nhưng tôi cũng xử lý nhiều trận chiến bên trong mà tôi chưa bao giờ đối diện trước đó. Tôi đã thắc mắc liệu tôi có làm điều gì sai hay không, vì thế tôi bắt đầu xưng mọi tội lỗi tôi mà tôi nhớ là có thể mình đã phạm, nhưng các sự tấn công và sự khô hạn đó không giảm sút.

Một ngày nọ, giữa lúc cố gắng nghĩ ra chính xác tội lỗi nào mà tôi đã phạm, Chúa bảo tôi, “Con không ở trong đồng vắng này vì con phạm tội; Ta đang chuẩn bị con cho sự thay đổi hầu đến.” Đó chính là “rượu mới” mà tôi đã mô tả trong chương năm.

Sau khi tôi để gần một năm đi qua đồng vắng này, Chúa đã đánh động trong tôi là hãy kiêng ăn. Sau vài ngày kiêng ăn, một lời cầu nguyện ra từ miệng tôi và lỗ tai tôi đã nghe sau khi miệng tôi nói. Sự kêu cầu từ tấm lòng tôi vượt quá tâm trí của tôi. Tôi kêu lên vô cùng mạnh mẽ, “Chúa ơi, dù con ở giữa sa mạc, nơi chẳng có ai, hay có giảng cho một triệu người không quan trọng. Con sẽ làm một điều giống nhau ở cả hai nơi. Con sẽ đeo đuổi tấm lòng của Ngài!”

Bất chợt, những tiếng chuông vang lên trong tôi và tôi nhìn thấy điều Chúa đang làm! “Chúa ôi, đó chính là điều Ngài đang làm trong con,” tôi nói. “Ngài đã đem con tới một nơi mà con có thể nhìn thấy cơ nghiệp và tình yêu ban đầu của con, chứ không phải chức vụ hay thứ nào khác. Khi sự thay đổi đến, con sẽ không để nó thành thần tượng. Con sẽ không bỏ Ngài là tình yêu ban đầu của con và rồi yêu mến chức vụ thay vì mến yêu Ngài. Lòng con sẽ luôn ngay thẳng.”

Sau đó tôi nhớ lại điều Chúa nói về Đa-vít:

Rồi Ngài loại Sau-lơ và đặt Đa-vít lên ngôi, là người được Ngài chứng nhận: ‘Ta đã tìm thấy Đa-vít, con Gie-sê, người mà Ta hài lòng, Người sẽ thực hiện tất cả ý định của Ta.’”

(Công Vụ 13:22).

Hãy để tôi nói lại sự thật quan trọng này – vua Sau-lơ chưa bao giờ trải qua một kinh nghiệm đồng vắng. Ban đầu ông có vẻ khiêm nhường-trốn trong đống đồ khi ông được chọn làm vua. Nhưng sau vài tháng thành công, những sự bất khiết của ông bắt đầu lộ ra. Ông thắng một trận chiến lớn, nhưng ông đã làm theo ý của mình và không tuân theo các mệnh lệnh của Chúa. Nếu chừng đó là chưa đủ, sau này ông còn xây đài tưởng niệm cho bản thân. Đây chỉ là sự khởi đầu của vô số hành vi tội lỗi đang được lộ ra. Cuối cùng ông bị chính những tội lỗi chưa được xử lý đó giết chết ông.

Có hai hoàn cảnh sẽ phơi bày những gì bên trong bạn. Lửa thử luyện, như đã nói trước đây, là một hoàn cảnh. Và điều thứ hai là thành công. Tuy nhiên, thành công phơi bày những sự bất khiết cho những người xung quanh bạn xem thấy, nhưng chính bạn vẫn có thể bị che mắt. Trong giai đoạn đầu của chức vụ, nhiều mục sư không cho phép lửa thử luyện của Chúa thanh tẩy họ. Tuy nhiên, chẳng khác gì vua Sau-lơ, họ được kêu gọi và rốt cuộc cũng bước vào một địa vị trong giáo hội hay tổ chức. Nhưng tiếc thay, những người hầu việc Chúa này chưa bao giờ có sự chuẩn bị chu đáo. Vì thế, khi họ thành công thì lối sống bất khiết của họ lộ ra, và sự thành công đó cuối cùng sẽ kết liễu chính chức vụ mà họ được kêu gọi để làm.

Sau-lơ yêu “chức vụ” của ông tới mức giết hại người khác để giữ chức vụ đó. Đa-vít không phải là một người theo đuổi ngai vàng; ông là người đeo đuổi tấm lòng vàng của Chúa. Trong khi ở đồng vắng, Đa-vít đã tìm thấy nguồn vui mừng thật sự của ông mà chẳng phải ai khác ngoài chính Đức Chúa Trời. Đa-vít có hai cơ hội để giết Sau-lơ nhằm đoạt ngai vàng, và ông bị những đệ tử mình xúi làm thế. Nếu động cơ của Đa-vít giống động cơ của Sau-lơ thì chắc ông đã kết liễu luôn những gì mà Chúa đã hứa với ông qua tiên tri Sa-mu-ên.

Ngày nay có nhiều tín đồ nam nữ sẵn sàng nói dối, vu khống hay nói xấu người khác để được những gì Chúa đã hứa với họ – nghĩ đến chuyện này thật mỉa mai thay! Những con người này rất giống Sau-lơ, sẵn sàng làm hầu như mọi thủ đoạn để “giữ chân,” “giữ ghế” của mình. Nhưng Chúa đang tìm kiếm những “Đa-vít” thời nay, những con người đeo đuổi tấm lòng của Chúa, chứ không tìm kiếm địa vị, tiền bạc hay sự nổi tiếng. Việc phục hồi bầu da cũ chính là hành động Chúa tô vẻ thêm phẩm cách bên trong bạn và tôi. Chính phẩm cách của Chúa mới có thể chứa đựng áp lực của rượu mới của Thánh Linh (sự xức dầu và sự hiện diện của Ngài). Nhân cách được phát triển qua sự tìm kiếm Đấng mà chúng ta khao khát bước theo.

Bạn hỏi, “Vậy, quá trình này sẽ kéo dài bao lâu?”

Đây là câu trả lời của tôi: “Đòi hỏi thời gian không thành vấn đề đối với bạn, cứ việc đào cho tới khi nước chảy ra.” Có nhiều lần bạn sẽ không thể tìm thấy câu trả lời trong một buổi cầu nguyện. Bạn sẽ phải nhắc lại vấn đề đó trong giờ cầu nguyện tiếp theo – và có lẽ là nhiều lần cầu nguyện sau đó nữa.

Khi tôi sống tại Dallas và phục vụ với người phụ tá mục sư trưởng và vợ của ông, một người bạn thân của tôi – anh ta là một mục sư phụ tá cho đội ngũ hội thánh – và chúng tôi thường cầu nguyện cùng nhau gần như mỗi buổi sáng. Chúng tôi đi vào căn phòng đó lúc 7h sáng và cầu nguyện, và thường cảm nhận sự hiện diện của Chúa và sự vận hành của Ngài giữa vòng chúng tôi. Nhưng nhiều lần khi đã tới 8h sáng (khi ngày làm việc bắt đầu) và chúng tôi phải đi làm và phải tới văn phòng. Chúng tôi hầu như cảm thấy thất vọng, vì hoàn toàn không có sự bứt phá nào cả…không có mạch nước hằng sống nào cả. Các giếng nước chưa được khai mở!

Sáng hôm sau, chúng tôi vào cầu nguyện và bắt đầu từ chỗ chúng tôi đã chưa kinh nghiệm. Việc này đôi khi diễn ra hai ngày, có những lúc ba ngày, và tôi nhớ một lần chúng tôi mất một tuần để nhận nước sống! Tuy nhiên, khi sự bứt phá đến, quyền năng và sự tươi mới thuộc về chúng tôi.

Khi tôi đi thăm các hội thánh khắp nước Mỹ, tôi gặp nhiều cơ đốc nhân đã cho phép các giếng nước của họ bị lấp lại và họ an vị trong tình trạng đó. Một sự thật gây cảnh tỉnh đó là tôi cảm nhận đa số, không phải thiểu số, cơ đốc nhân đều ở trong tình cảnh như vậy -Điều gì sẽ xảy ra nếu những người này nhen lại ân tứ của Chúa ở trong họ và để nó được khai phóng? Nhiều cuộc đời sẽ được thay đổi, nhiều các gia đình được thay đổi, nhiều hội thánh được thay đổi – thế giới sẽ thay đổi!

Ân tứ của Chúa đang bị ngủ yên trong nhiều người. Nhưng ngay cả các giếng dường như bị che lấp, Thánh Linh vẫn đang chờ đợi.

Hãy tiếp tục đào thì bạn sẽ tìm thấy nguồn nước tươi mát trong đồng vắng!