4 - MỐI QUAN HỆ

Chúa ơi, Ngài Ở Đâu ?!

Đăng vào: 5 tháng trước

.

4

MỐI QUAN HỆ

Thật là ngạc nhiên là có nhiều khó khăn sẽ được giải quyết mà không cần bất kỳ nỗ lực nào khi đời sống bề trong của chúng ta được sửa sai.

– A.W. Tozer

Nếu các con yêu kính Ta, các con sẽ giữ các điều răn Ta.

– Giăng 14:15

Đức Chúa Trời đang tìm kiếm điều gì cho chính Ngài khi Ngài sắp đặt đưa chúng ta vào đồng vắng?

Chúng ta đã nói đến một số lợi ích và sẽ tiếp tục khám phá thêm – nhưng trong việc bước vào đồng vắng đó cũng có điều gì đó để cho Chúa làm hay không? Vâng, có. Ngài mong muốn củng cố mức độ quan hệ của chúng ta. Ngài khao khát chúng ta thân mật với Ngài. Buồn thay, nhiều người trong chúng ta thiên về việc lợi dụng mối quan hệ của chúng ta với Chúa – để cho các ham muốn của chúng ta trở nên lấn át.

Khi tôi đính hôn với Lisa, tôi yêu nàng như điếu đổ. Tôi liên tục nghĩ về cô ấy. Tôi làm bất cứ thứ gì cần thiết để dành thời gian với nàng càng nhiều càng tốt. Nếu cô ấy cần cái gì đó, thì dù tôi đang làm việc gì đi nữa, tôi sẽ phóng lên xe hơi và đi lấy nó cho cô ta ngay.

Tôi nhớ có một lần tôi và cô ấy để gần năm tiếng cùng nhau tại nhà cha mẹ cô. Tôi bất đắc dĩ phải đi. Gần như vừa về tới nhà là điện thoại đổ chuông. Đó là Lisa với giọng nói ngọt ngào và đầy lôi cuốn, cô nói, “Anh yêu, anh về nhà mà để quên cái áo khoác ở nhà em rồi.”

Lời ấy nghe như tiếng nhạc nơi tai tôi. Không chút lưỡng lự, tôi hào hứng trả lời, “Ồ vậy thì, chắc anh sẽ phải quay lại lấy rồi.”

Tôi đã đi lấy và chúng tôi ở cùng nhau ba bốn tiếng. Đó là một ngày tuyệt vời.

Trong những ngày đó, nếu cô có gọi tôi giữa khuya và nói, “Anh yêu, em muốn ăn kem que,” tôi sẽ vui vẻ trả lời, “Mười phút nữa anh tới liền! Mà em thích hương gì?” Tôi luôn tìm thời gian và kiếm cớ để ở gần cô ta. Vì tôi yêu cô vô cùng, nên làm bất cứ điều gì cô mong ước là một niềm vui đối với tôi. Tôi không làm những điều này để chứng minh tôi yêu cô; tôi làm vì tôi đã yêu cô.

Tôi không bị ép buộc để nói cho mọi người về cô ấy…hễ ai chịu nghe là tôi ngâm nga ca ngợi cô. Nếu trong cuộc nói chuyện với ai đó mà có không ai nói, tôi sẽ hướng cuộc nói chuyện để nói về Lisa và cuộc hôn nhân sắp tới của chúng tôi mà không bị thúc ép gì. Tôi đang yêu!

Dù mới cưới được vài năm ngắn ngủi, tôi đã chuyển sự chú ý sang những chuyện khác như thể thao, việc chơi bời với bạn bè và đặc biệt là công tác hầu việc Chúa. Bấy giờ việc dành nhiều thời gian hay làm gì đó cho cô ta thì thật khó chịu cho tôi. Tôi không nghĩ về Lisa nhiều như trước nữa. Cô chỉ nhận được quà vào các dịp Giáng Sinh, dịp kỷ niệm ngày cưới, dịp sinh nhật, ngay cả những việc đó cũng có chút phiền toái cho tôi. Thật ra thì vào ngày lễ Tình Nhân tôi đã quên mua quà cho cô. Cô ấy rất đau lòng. Tôi không có lý do gì ngoài việc xin lỗi. Thực tế đau buồn nhất là tôi đã không trưởng thành để nhìn thấy các dấu hiệu trong thời kỳ hôn nhân của chúng tôi. Sự hiệp thông của chúng tôi chẳng qua là câu nệ; tình yêu ban đầu của tôi đang chết dần!

Tôi rất biết ơn vì cuối cùng Chúa khiến tôi chú ý và Ngài xoay chuyển lòng tôi. Ngài đã cho tôi thấy tôi đã thành người ích kỷ như thế nào. Ngài dịu dàng thắp lại ngọn lửa yêu thương của chúng tôi và chữa lành hôn nhân của chúng tôi.

Điều tương tự như thế này có thể xảy ra trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Nhiều người theo Chúa khi tới một vị trí thoải mái hay ổn định thì họ rơi vào tình trạng duy trì thay vì đeo đuổi. Họ không còn đeo đuổi Chúa. Họ đưa ra các tiêu chuẩn thuộc linh cá nhân bằng cách so sánh chính mình với những người khác hay bằng những gì họ cảm thấy là đủ. Tới mức này, họ không còn tìm biết Chúa cách sâu nhiệm nữa.

Những nhiệm vụ công việc hàng ngày, những đeo đuổi thành công, những lo lắng về đời này đã trở thành trọng tâm. Bây giờ tín đồ chỉ tìm Chúa để được các phúc lành thay vì để biết Ngài. Họ bắt đầu lầm lạc trong lòng, xoay lòng khỏi Chúa mà hướng về cái tôi. Có thể họ vẫn tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa các cơ đốc nhân và tìm cách có được một địa vị nào đó trong giáo hội, nhưng họ không còn khao khát Đấng ban sự sống cho họ.

Khi chúng ta để thời gian tìm kiếm các lợi ích và phước hạnh của Chúa hơn là khao khát mối quan hệ thân mật với Ngài, chúng ta dễ dàng bị dẫn dụ sai lạc. Chúng ta hãy thành thật, chúng ta tự khen chính mình vì đã để thời gian cầu nguyện, nhưng nếu chúng ta có thể nhìn theo quan điểm của Chúa, chúng ta sẽ nhận ra chúng ta đang lợi dụng Ngài. Ngài bị hạ thấp thành một “ông thần hộ mạng” lúc chúng ta khốn khổ. Nhưng vì quá yêu thương chúng ta nên Ngài sẽ không để chúng ta bị lừa dối. Ngài sẽ làm cho chúng ta điều Ngài đã làm cho đám đông đang tìm kiếm Chúa Giê-su:

“Khi đoàn dân không thấy Đức Giê-su và các môn đệ Ngài ở đó thì lên thuyền đến Ca-pha-na-um tìm Đức Giê-su. Khi gặp được Ngài bên kia bờ biển, họ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy đến đây lúc nào vậy?” Đức Giê-su đáp: “Thật vậy, Ta bảo các người: Các người tìm Ta chẳng phải vì đã chứng kiến các dấu lạ nhưng chỉ vì được bánh ăn no nê!”

(Giăng 6:22-26).

Chúa Giê-su biết động cơ thật phía sau các hành động của chúng ta. Khi đoàn dân đông đến tìm kiếm Ngài, Ngài phân biệt được rằng họ quan tâm tới một phước hạnh khác (bữa ăn miễn phí) hơn là nhìn thấy và hiểu biết các dấu lạ. Dấu lạ là dấu chỉ đường hay đưa ra thông tin – chứ không chỉ về chính nó. Chúa Giê-su biết đám đông thật sự không đi theo Ngài vì cớ các dấu lạ dùng để khải thị Ngài là ai, mà vì được ăn no mà thôi.

Bạn có biết ai đó chỉ liên lạc với bạn khi họ cần hay muốn điều gì đó từ bạn không? Hay tệ hơn, bạn đã bao giờ gặp ai đó tỏ vẻ muốn trở thành bạn của bạn, nhưng rốt cuộc sau đó phát hiện ra họ chỉ muốn nhận một điều gì đó từ bạn – như ảnh hưởng, tiền bạc, của cải vật chất? Chẳng hề có sự quan tâm hay tình yêu chân thành dành cho bạn, nhưng trước đó bạn đã giúp họ đạt được mục đích của họ. Bị lợi dụng thế này thì thật là đau đớn!

Thái độ ích kỷ đã lan tràn khắp xã hội cũng như trong hội thánh Chúa. Nhiều người trong hội thánh đâm ra bất mãn; tình yêu họ dành cho Chúa đã phai tàn. Họ phục vụ Chúa vì lợi ích cá nhân, chứ không phát xuất từ tình yêu cháy bỏng vì Ngài là Chúa. Vì thế, chừng nào Chúa còn cung cấp cho họ những gì họ muốn, thì họ vui vẻ và phấn khích về Ngài. Nhưng khi nan đề tới và cuộc sống trở nên khó khăn, thì động cơ của lòng họ bị lộ ra.

Bất cứ khi nào mà cái tôi làm trọng tâm, thì than phiền là điều không tránh khỏi. Tại sao? Vì nan đề hay khó khăn cuối cùng sẽ đến. Một khi nó đến thì sự than phiền xuất hiện, cộng với sự ích kỷ như đổ dầu vào lửa. Khi hoàn ảnh khó khăn cứ tiếp diễn, thì sự than phiền cũng tiếp diễn. Lề thói này một lần nữa được minh họa qua dân Y-sơ-ra-ên. Khi Chúa giải cứu họ khỏi những sự kinh khiếp của cuộc sống tại Ai Cập dưới sự cai trị của vua Pha-ra-ôn, dân chúng hân hoan:

“Nữ tiên tri Mi-ri-am, chị của A-rôn, và các phụ nữ đều cầm trống cơm nhảy múa. Mi-ri-am cất tiếng ca: “Hãy hát lên ca ngợi CHÚA, vì Ngài cao cả tuyệt vời. CHÚA ném xuống biển sâu, bao nhiêu chiến mã cùng đoàn kỵ binh.”

(Xuất hành 15:20-21).

Dân chúng không thể nào hạnh phúc hơn. Họ choáng ngợp bởi sự vĩ đại, quyền năng phi thường và sự tốt lành của Chúa khi giải cứu họ khỏi những kẻ áp bức họ. Thế mà chỉ ba ngày sau, khi họ gặp nước đắng ở sa mạc Su-rơ, họ bắt đầu than phiền : “Chúng tôi lấy gì uống đây?” Họ đã hỏi Môi-se (Xuất 15:24). Chuyện này phi lí quá? Có thể nào cùng một Đức Chúa Trời Đấng vừa mới rẽ Biển Đỏ lại không thể cung cấp nước uống an toàn được sao? Có phải Môi-se cũng là vị lãnh đạo anh hùng như ba ngày trước đó không?

Chúa đã biến nước đắng thành nước ngọt. Nhưng ký ức về phép lạ đó đã nhanh chóng tàn phai. Vài ngày sau, dân sự đã tiếp tục than phiền-lần này là về thức ăn. Họ lằm bằm, “Trước khi Chúa giải cứu chúng ta, chúng ta vẫn còn khấm khá hơn.” Thật vậy sao? Vừa làm gạch vừa bị các đốc công dùng roi đánh vào lưng mà khấm khá hơn sao?

“Khi ở trong sa mạc toàn dân Y-sơ-ra-ên phiền trách Môi-se và A-rôn. Họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết vì bàn tay của CHÚA trong xứ Ai-cập khi ngồi quanh nồi thịt và muốn chi có nấy còn hơn là để hai ông đem vào sa mạc để chết đói cả đám!”

(Xuất Hành 16:2-3).

Trong những lúc khó khăn và khô hạn thì thường người ta nhắm đến mục sư, người thân trong gia đình, bạn bè, đối thủ
– kể cả chính phủ mà than phiền, trách móc. Phần lớn chúng ta (xuất phát từ sợ hãi) sẽ không bao giờ kể Đức Chúa Trời là căn nguyên của mọi nan đề của chúng ta. Tương tự như thế, dân Y-sơ-ra-ên đã than phiền về Môi-se và A-rôn, nhưng không lạ gì, suy nghĩ của họ là, Chính Chúa đã làm chúng ta thất vọng! Môi-se đã hiểu vấn đề và ông nổi giận với họ: “…Không phải anh chị em phiền trách chúng tôi đâu, nhưng chính anh chị em phiền trách CHÚA đó.” (Xuất 16:8).

Đồng vắng sẽ phơi bày những động cơ của tấm lòng chúng ta –ích kỷ hay không ích kỷ. Hãy xin Đức Thánh Linh chỉ cho bạn thấy điều gì đang diễn tiến trong lòng bạn; điều gì thúc đẩy bạn? Thái độ hay hành vi nào khiến bạn làm nô lệ trong cái “Ai-cập” của bạn hay làm cho bạn than phiền trong đồng vắng của mình? Điều quan trọng để có một tương lai tươi sáng thì chúng ta phải thành thật và cởi mở đối với sự sửa trị yêu thương của Ngài.

Tin mừng cho mỗi chúng ta là không gì ngăn cản chúng ta không ăn năn và thay đổi tình trạng của tấm lòng chúng ta! Chúng ta có thể chấm dứt lằm bằm ngay và bắt đầu tìm kiếm tương giao với Chúa, thay vì chỉ lợi dụng Ngài như “ông thần tài.”

Lúc đó, xuất phát từ tình yêu thương, Chúa có thể đưa chúng ta vào đồng vắng.

Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng

#4: Xác Định Rõ Dự Tính Của Bạn

Suốt một trong những kinh nghiệm đồng vắng đầu tiên của tôi, tôi đã tranh chiến để giữ thái độ tích cực vì có vẻ như chẳng có gì thay đổi cả. Thật ra, không chỉ có sự chờ đợi khiến tôi phiền hà-mà là sự đau đớn tôi trải qua trong lúc chờ đợi. Tôi mệt mỏi về những hoàn cảnh gây phiền phức mà dường như ngăn cản ước mơ của tôi muốn bước vào chức vụ giảng dạy lưu động mà Chúa kêu gọi. Trước đó, Chúa đã nói với tôi rằng Ngài dùng đồng vắng này để tôi luyện tôi. Nhưng ngày nọ, khi tôi van nài Chúa tỏ cụ thể cho biết tại sao “thời gian đồng vắng này lại quá lâu,” Chúa nhắc tôi, “Ta muốn xem thử liệu con sẽ phụng sự Ta hay tôn thờ giấc mơ đó.”

Ôi chao! Lời đó khiến tôi chú ý! Tôi phải suy nghĩ kỹ càng hơn và cầu nguyện để xác định xem liệu dự tính thật sự của tôi có phải là ước mơ nhằm truyền giảng tin lành khắp thế giới – hay là mục tiêu tốt đẹp hơn đó là tin cậy và vâng lời Chúa và chờ đợi Ngài phán dạy và hành động. Chỉ khi đó tôi mới hòa hợp với ước ao của Ngài.

Vì thế, lời khuyên của tôi là: Đừng để giấc mơ tuyệt vời mà Chúa ban cho chiếm ưu thế hơn việc sống trong sự hiện diện của Chúa và chỉ làm những gì Cha Thiên Thượng ước ao.

Chúa Còn Hơn Là Một Công Thức

Chính Chúa không phải là sự đeo đuổi của dân Y-sơ-ra-ên, nên họ không tài nào biết đường lối Ngài. Họ đã phấn khích về các công việc quyền năng của Ngài, nhưng bất cứ khi nào quyền năng siêu nhiên của Chúa không được bày tỏ là họ lại lạc lối. Nếu ông Môi-se còn ở trên núi thì họ phân tâm và rồi chơi bời. Họ thỏa mãn chỉ với các lợi ích của sự cứu rỗi. Họ không khao khát Chúa nhiều hơn và không muốn biết Ngài cách thân mật hơn.

Ngày nọ trong đồng vắng, Chúa bảo Môi-se đi xuống và bảo dân sự hãy biệt riêng, vì Ngài sẽ ngự xuống núi Si-nai để phán với họ, như Ngài đã phán với Môi-se trước đó. Tuy nhiên, khi ngày đó đến và Chúa hiện ra trong cảnh huy hoàng rực rỡ và bày tỏ sự vĩ đại của Ngài, thì dân sự không chịu nổi:

“Khi nghe thấy sấm chớp, tiếng kèn và núi bốc khói, dân chúng run rẩy sợ sệt. Họ đứng tận đằng xa và nói với Môi-se rằng: Xin chính ông nói với chúng tôi và chúng tôi sẽ nghe lời. Xin đừng để Đức Chúa Trời phán với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất!”

(Xuất 20:18-19).

Họ van nài với ông Môi-se: “Xin chính ông nói với chúng tôi và chúng tôi sẽ làm theo,” một lần nữa cho thấy ước muốn ích kỷ của họ là về các lợi ích của Chúa mà không cần có mối quan hệ với Ngài. Có thể họ đã có ý định tốt – họ muốn giữ Lời Chúa, nhưng không có mối quan hệ thân mật với Ngài họ không thể tuân giữ được.

Dân Y-sơ-ra-ên muốn có câu trả lời cho các nan đề của họ thay vì muốn có một mối quan hệ, vậy hãy đoán thử xem – Chúa đã ban cho họ Mười Điều Răn! Nhưng điều đó không giải quyết vấn đề. Cứ mỗi thế hệ tiếp theo, dân sự chứng tỏ cho thấy họ không thể giữ các điều răn này.

Còn thế hệ chúng ta ngày nay thì sao? Bao nhiêu người trong chúng ta có ý định tốt, cố gắng để giữ đường lối của Chúa? Chúng ta thề hứa nhưng không giữ lời cho tới khi chúng ta bị áp lực đè nặng đến nỗi không thể cất tiếng cầu nguyện. Có thể rốt cuộc chúng ta nhờ vả mục sư, vợ/chồng, bạn bè hay một blogger nào đó, mong rằng bằng cách nào đó chúng ta có thể có được cái kinh nghiệm tìm kiếm Chúa của họ thế cho mình và cải thiện mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Giống như dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta cố gắng giữ Lời Chúa – các điều răn của Ngài – mà không duy trì mối quan hệ cá nhân và sống động với Ngài. Chúa Giê-su phán trong Giăng 14:21: “Người nào yêu kính Ta thì tiếp nhận và tuân giữ các điều răn Ta. Cha Ta sẽ yêu quý người nào yêu kính Ta. Ta cũng yêu quý người và sẽ tỏ bày chính Ta cho người.”

Tôi thường đọc câu đó và nghĩ Chúa muốn nói, “John, nếu con giữ các điều răn Ta, con sẽ chứng tỏ rằng con yêu Ta.” Rồi một ngày nọ Chúa bảo tôi đọc lại câu đó. Khi tôi đọc lại, Ngài phán, “Con vẫn chưa hiểu điều Ta đang nói đúng không nào- đọc lại đi!” Dạ được, Chúa! Việc này diễn ra cho tới khi tôi đọc câu đó chín mười lần.

Cuối cùng, tôi kêu lớn, “Chúa ơi, xin tha thứ cho sự thiếu hiểu biết của con; xin chỉ cho con thấy điều Ngài phán!”

“John, Ta không nói nếu con giữ các điều răn Ta, thì con chứng tỏ với Ta là con yêu Ta,” Chúa nói. “Ta đã biết là con yêu Ta hay không rồi! Cái Ta đang nói là nếu ai đó yêu mến Ta nhiệt thành thì người sẽ là người được ban cho năng lực để giữ các điều răn Ta!”

Tôi hiểu! Đó là một mối quan hệ, không phải luật pháp. Trước đó tôi xem đây là một mạng lệnh mang tính luật pháp. Điều Ngài khải thị là tầm quan trọng của một mối quan hệ.

  • Không thể biết Đức Chúa Trời qua các luật lệ và quy tắc.
  • Không thể tìm thấy Đức Chúa Trời trong các phương pháp.
  • Đấng Toàn Năng, Thánh Khiết không thể bị hạ xuống thành một công thức!

Thế nhưng, đây lại là nhận thức của nhiều người trong chúng ta về Chúa. Chúng ta thế “luật pháp và công thức” cho mối quan hệ với Chúa, như bảy bước để có đời sống hạnh phúc, kế hoạch sự cứu rỗi gồm bốn điểm, năm khía cạnh của một mối quan hệ thành công, các phương pháp đã được thử nghiệm để có sự đáp lời cầu nguyện. Chúng ta tưởng tượng Chúa sẽ được nén lại trong cái hộp các lời hứa, mỗi lần lấy ra một lời để dùng khi cần thiết. Nếu đến với Chúa kiểu đó, thì thử hỏi tại sao chúng ta thấy khó xử lý tội lỗi?

Chúa không phải là một công thức tự giúp bản thân mới phát hiện. Ngài là Đức Chúa Trời Hằng Sống, cư ngụ trong con cái Ngài – bạn và tôi. Ngài muốn biết chúng ta và muốn can dự vào mọi việc chúng ta làm! Vấn đề ở đây là mối quan hệ chân tình. Theo xu thế là chúng ta có xu hướng để cho tình yêu của chúng ta bị giảm sút, nên bạn có thể hiểu tại sao Chúa Giê-su nói:

“Nhưng, Ta có điều trách con vì con đã mất tình yêu ban đầu. Vậy, con hãy nhớ lại con đã vấp ngã từ đâu, hãy ăn năn và làm lại công việc ban đầu. Nếu không, Ta sẽ đến và dời giá đèn của con ra khỏi chỗ của nó, trừ khi con ăn năn. Nhưng con có điều này khá là con ghét các việc làm của bọn Ni-cô-la mà Ta cũng ghét nữa.”

(Khải Huyền 2:4-5).

Trái ngược với dân Y-sơ-ra-ên, Môi-se không thỏa lòng với việc thờ phượng Chúa từ xa. Khi ông nhìn thấy sự hiện diện của Chúa hiện ra, ông đã không lùi lại. Ông tấn tới. Xuất hành 20:21 nói, “Trong khi Môi-se đến gần đám mây dày đặc là nơi Đức Chúa Trời ngự thì dân chúng cứ đứng ở đằng xa.” Dù Môi-se là người có ảnh hưởng và quyền lực, lãnh đạo của một quốc gia ba triệu người, một người từng làm các dấu lạ và phép lạ kinh ngạc nhất trong Cựu Ước, ông biết chỉ thấy phép lạ thôi sẽ không bao giờ làm ông thỏa mãn. Hãy xem lời cầu nguyện của ông sau khi ông kinh nghiệm các dấu kỳ và phép lạ kỳ diệu ấy:

“Nếu con làm Chúa vui lòng, xin dạy con đường lối Chúa để con biết Chúa và tiếp tục nhận được đặc ân của Chúa…“Nếu chính Chúa không đi với chúng con, xin đừng sai chúng con đi lên khỏi đây…“Xin cho con được nhìn xem vinh quang Chúa.”

(Xuất 33:13-18).

Chúa đã đưa ra một đề nghị tuyệt vời với Môi-se. Giữa đồng vắng khắc nghiệt, Chúa bảo ông đi nhóm dân sự và đem họ vào Xứ Hứa. Ngài thậm chí đề nghị sai phái một thiên sứ để bảo đảm họ tới đó an toàn. Ngài nhắc Môi-se rằng xứ đó vô cùng tốt tươi – đượm sữa và mật, nhiều cảnh đẹp, nhiều khu rừng và vườn cây ăn trái. Nhưng Chúa phán rằng cá nhân Ngài sẽ không đi với họ. Khi Môi-se nghe điều này, ông đã từ chối lời đề nghị tử tế của Chúa. Thực chất ông tuyên bố, “Con thà có sự hiện diện của Ngài mà không có các lời hứa của Ngài hơn là có lời hứa nhưng không có sự hiện diện của Ngài.” Tôi chắc chắn Chúa vui vẻ khi chúng ta khao khát Ngài như thế.

Môi-se khao khát Chúa nhiều hơn, vì thế ông đã dạn dĩ cầu khẩn, “Xin dạy con đường lối Chúa để con biết Chúa và tiếp tục nhận được đặc ân của Chúa”(Xuất 33:13). Để biết Chúa, chúng ta phải biết các đường lối Ngài! Ngài khải thị các đường lối Ngài cho người nào tìm kiếm tấm lòng của Ngài, chứ không chỉ tìm quyền năng hay sự tiếp trợ của Ngài: Nhưng những ai biết tấm lòng của Ngài sẽ bước đi trong năng quyền của Ngài: “…Còn những ai biết Đức Chúa Trời mình sẽ trở nên mạnh mẽ và lập những thành tích.” (Đa-ni-ên 11:32).

Khi tôi mới bước vào chức vụ, gần như mỗi buổi sáng tôi để một hai tiếng trong sự cầu nguyện. Những lời cầu nguyện của tôi như thế này: “Chúa ơi, xin hãy dùng con để cứu các linh hồn, xin dùng con chữa lành người bệnh, xin dùng con để đuổi quỷ.” Tôi cứ liên tục cầu nguyện – cùng một ý nhưng với các lời lẽ khác nhau. Tôi cảm thấy mình không ích kỷ khi tôi kêu cầu với Chúa ban cho một chức vụ lớn lao.

Rồi một ngày nọ, Chúa phán với tôi, “Con trai, những lời cầu nguyện của con quá ích kỷ và trật mục tiêu rồi.” Tôi sửng sốt bởi những gì Ngài nói.

“Động cơ của con là gì khi muốn Ta làm những điều này?” Ngài hỏi. “Tất cả những gì Ta nghe từ con là ‘xin hãy dùng con để…’; con là trọng tâm của sự cầu nguyện. Mục đích Ta tạo dựng con không phải để con chinh phục các linh hồn, để đuổi quỷ hay chữa lành người bệnh. Ta tạo dựng con cho sự thân mật – đó là mục đích của con.”

Điều này thật kinh ngạc đối với tôi. Rồi Ngài chỉ cho tôi điều mà tôi không bao giờ quên: Giu-đa đã giải cứu người ta và chữa lành người bệnh, làm tất cả trong Danh Giê-su! Vâng, khi Chúa Giê-su sai phái mười hai môn đồ, Ngài đã sai tất cả – có cả Giu-đa, là người sau này đã phản bội Ngài. Trọng tâm của tôi đã sai. Mục tiêu của Chúa dành cho chúng ta – phần thưởng Chúa ban – là được biết Chúa Giê-su (Phi-líp 3:10).

Vài năm sau đó, Lisa cũng cầu nguyện tương tự như thế khi cô chuẩn bị cho một buổi nhóm. Cô và Chúa đã trò chuyện với nhau. Ngài nói với cô, “Lisa, Ta không lợi dụng người ta, Ta xức dầu cho họ, Ta chữa lành họ, Ta biến đổi họ, Ta biến đổi họ theo ảnh tượng của Ta chứ Ta không lợi dụng họ.”

Ngài hỏi tiếp, “Lisa, con đã bao giờ bị một người bạn lợi dụng chưa?”

“Có ạ,” cô đáp.

“Con thấy sao?” Chúa hỏi. “Con cảm thấy bị phản bội!”

Chúa nói tiếp, “Nhiều mục sư đã kêu cầu Ta chỉ để Ta dùng họ. ‘Xin hãy dùng con để chữa lành người bệnh, dùng con để ảnh hưởng người khác, dùng con để cứu rỗi tội nhân.’ Ta đã đáp lời, mong rằng lòng họ ổn, nhưng họ đã trở nên quá bận bịu với chức vụ hầu việc Ta vì cớ làm những việc đó. Họ chẳng thèm học hỏi các đường lối Ta, nên họ dùng các ân tứ Ta ban cho họ để xây dựng đế chế riêng của mình. Khi hoạn nạn hay thử thách ập tới, họ kêu cầu Ta nhưng lại bị vấp phạm khi Ta không đáp lời cầu nguyện của họ theo đúng thời điểm và theo cách mà họ mong đợi. Họ cảm thấy bị lợi dụng và đâm ra nổi giận với Ta. Họ bỏ chức vụ vì họ không biết rõ Ta.”

Bạn nghĩ gì về một người phụ nữ chỉ có tham vọng duy nhất là được sinh con với chồng mình mà chẳng quan tâm tới việc hiểu biết chồng mình cách riêng tư? Cô ta quỳ dưới chân chồng và kêu lên, “Ôi chồng ơi, xin hãy dùng em để sinh con cho chồng! Làm ơn, làm ơn cho em những đứa con, không thì em sẽ chết!” Nghe thật buồn cười, thế nhưng chuyện này chẳng khác gì với chúng ta là mấy, bởi vì chúng ta hay kêu cầu Chúa, xin Ngài “dùng chúng ta để cứu tội nhân,” trong khi đó chính chúng ta không có mối quan hệ thân thiết gì với Ngài. Khi chúng ta thân mật với Chúa, những “đứa con” sẽ được sinh ra – tương tự như những gì xảy khi một người vợ gần gũi với chồng mình.

Vì thế dân Y-sơ-ra-ên đã không tìm kiếm và đeo đuổi phải lẽ. Họ đã tìm kiếm tạo vật, chứ không phải Đấng Tạo Hoá. Và chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra. Đồng vắng thay vì là một nơi chuẩn bị-mang lại sự khôn ngoan và sức mạnh cho những thử thách phía trước – nó đã trở thành một nơi vô nghĩa, và rốt cuộc làm mất đi cả một thế hệ. Thật lãng phí! Xứ Hứa quả đã ở trong tầm với.

Một bài học đắt giá cho tất cả chúng ta! Đồng vắng phải là thời điểm chúng ta cần hoan nghênh trong hành trình có được sự thân mật với Chúa.