7 - XA LỘ CỦA CHÚA

Chúa ơi, Ngài Ở Đâu ?!

Đăng vào: 12 tháng trước

.

7

XA LỘ CỦA CHÚA

Hoạn nạn không chỉ đơn thuần là một công cụ. Nó là công cụ hữu hiệu nhất của Chúa để thúc đẩy đời sống thuộc linh của chúng ta. Những nghịch cảnh và các biến cố mà chúng ta tưởng như thất bại lại thường là những điều đưa chúng ta vào thời kỳ tăng trưởng thuộc linh cách nhanh chóng. Một khi chúng ta bắt đầu hiểu điều này và chấp nhận nó như là một thực tế của đời sống thuộc linh thì những hoạn nạn, khó khăn sẽ trở nên dễ dàng hơn.

– Charles Stanley

Có tiếng kêu rằng: “Hãy chuẩn bị trong đồng hoang một con đường cho CHÚA. Hãy làm ngay thẳng đường cái trong sa mạc cho Đức Chúa Trời chúng ta!”

– Ê-sai 40:3

Dù có vẻ ngạc nhiên, nhưng sa mạc là nơi Chúa đặt xa lộ! Đây chính là nơi con đường của Ngài được chuẩn bị, là con đường dẫn đến nơi cao hơn hay một đời sống được tôn cao, tức là một đời sống mà qua đó Chúa sống và suy nghĩ.

Trong suốt lịch sử, rất ít người đi trên xa lộ này. Cho đến ngày nay, Chúa vẫn đang trang bị nhiều người để bước đi trên con đường này. Chúng ta có thể tìm thấy trong Ê-sai 35:6,8:

Bấy giờ, người què sẽ nhảy như nai, lưỡi kẻ câm sẽ ca hát vui vẻ. Vì nước sẽ tuôn tràn trong sa mạc và các dòng suối nơi đồng hoang… Tại đó sẽ có một đại lộ, một con đường gọi là đường thánh.

Đại lộ của Chúa trong nơi sa mạc không có một con số biểu trưng như I-95 hay Đường 66. Nó được gọi là đường thánh.

Một trong những định nghĩa của sự thánh khiết là “tình trạng thánh sạch.” Chúa Giê-su phán, “Phước cho người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:8). Chúa Giê-su sẽ không quay trở lại tiếp rước một hội thánh không tinh sạch; Ngài đến vì một hội thánh không tì vít.

Một vài thập niên trước đây, khi tôi còn là một chàng trai trẻ chỉ vừa mới bước vào chức vụ, một ngày nọ đang khi cầu nguyện Chúa bày tỏ cho tôi thấy rằng Ngài sẽ bắt đầu thánh hóa cuộc đời của tôi. Tôi rất hào hứng, tôi nói với Lisa, “Chúa sẽ gạt bỏ những điều không thánh sạch ở trong anh,” và tôi cứ tiếp tục nói với cô rằng Chúa sẽ dẹp bỏ hết tất cả những điều đáng chê trách của tôi. (Cô ấy thậm chí còn có thể bổ sung thêm một vài điều mà tôi đã loại khỏi danh sách!)

Ba tháng sau đó, chẳng có điều gì xảy ra. Trên thực tế, có nhiều điều tệ hại xảy ra trên đời sống tôi, và tôi nhận thấy bản thân cần phải được thánh hóa hơn nữa. Tôi đến với Chúa và hỏi Ngài, “Tại sao những thói quen xấu của con dần trở nên tệ hại hơn chứ không tốt hơn chút nào?”

“Con trai,” Ngài đáp lời. “Ta đã nói rằng Ta sẽ thánh hóa con. Nhưng con lại đang cố gắng làm điều đó bằng sức riêng của mình. Từ bây giờ, Ta sẽ làm theo cách của Ta.” Tôi không hề biết rằng tôi chuẩn bị bước vào hành trình sa mạc kéo dài suốt 18 tháng.

Đường Lối Của Ngài, Không Phải Đường Lối Của Chúng Ta

Trong những ngày đầu tin Chúa, tôi quen biết chức vụ của T.L. Osborn. Tiến sĩ Osborn là một tôi tớ Chúa đầy ơn và là một tác giả tuyệt vời, ông cùng với vợ của mình, Daisy, có một chức vụ truyền giảng tin lành đầy quyền năng và có chức vụ chữa lành kỳ diệu trải qua nhiều thập niên khắp nơi trên thế giới. Hàng chục triệu người tiếp nhận ơn cứu rỗi qua chức vụ của họ.

Vậy nên bạn có thể tưởng tượng được tôi đã phấn khích như thế nào khi được gặp tiến sĩ Osborn khi ông đến Dallas để giảng tại Hội Thánh của chúng tôi. Trên hết, công việc của tôi với tư cách chủ nhà là tiếp đãi những diễn giả khách mời, vì vậy nên tôi phải tiếp xúc với ông cách cá nhân. T.L. Osborn là một người tuyệt vời. Khi tôi ở cùng với ông, tôi có cảm giác như mình đang ngồi cùng với Chúa Giê-su.

T.L. Osborn đến hội Thánh của chúng tôi một vài lần và vì vậy chúng tôi trở nên rất thân thiết. Ông đưa cho tôi cuốn sách mà ông đã học khi còn là một người trẻ tuổi chuẩn bị cho chức vụ. Ông cũng cho tôi rất nhiều quần áo (chúng tôi đồng một cỡ với nhau) vào hai dịp khác nhau. Lúc đó, Lisa và tôi không có nhiều chi phí để trả cho việc mua sắm quần áo, vì vậy nên tôi đã dùng rất nhiều đồ trong số hai tủ quần áo đó. Sau những lần thăm viếng này, đối với tôi và Lisa thì ông và Daisy giống như cha mẹ vậy.

Những năm trước đó, khi tôi còn làm việc trong một công ty Mỹ, trong một buổi nhóm nọ khi T.L. Osborn đang giảng, Đức Thánh Linh thì thầm với tôi, một ngày nào đó con sẽ phục vụ người này. Con sẽ làm việc cho tiến sĩ Osborn. Vì vậy, trong đầu tôi nghĩ rằng điều này xác chứng rằng tôi sẽ về cùng đội làm việc với ông, và trong tương lai tôi cũng sẽ bắt đầu chức vụ truyền giảng tin lành tương tự như vậy.

Nhưng trong khi chờ đợi, thì chẳng có điều gì xảy ra, tôi vẫn cứ ở trong sa mạc. Chức vụ của gia đình Osborn có trụ sở chính đặt tại Tulsa nhưng họ thì sống ở Orlando. Thời gian trôi đi, tôi cảm thấy áp lực bên trong rằng phải xúc tiến chức vụ của mình nên tôi quyết định rằng mình phải chuyển đến Orlando để gần với gia đình Osborn hơn. Tôi có hai tư tưởng trong đầu của mình. Tư tưởng đầu tiên là T.L. Osborn sẽ nhận thấy một cách rõ ràng rằng tôi không còn phục vụ trong Hội Thánh nữa. Ông là một người rất chính trực. Tôi biết rất rõ là ông sẽ không bao giờ xúi tôi bỏ hội thánh rồi thuê tôi làm việc cho ông. Điều thứ hai đó là khi Lisa và tôi chuyển đến Orlando thì chúng tôi có thể dễ dàng tham gia vào chức vụ của họ. Một khi chuyển đến Florida, thật dễ dàng để ông có thể tiếp cận tôi.

Tôi biết rõ rằng những điều này có hơi thái quá. Nhưng tôi đã quá hăng hái để “giúp” Chúa hướng tôi đến sự kêu gọi thực sự của tôi.

Vì vậy, tôi hẹn mục sư của mình ở Dallas để cho ông biết rằng tôi sẽ thôi việc và chuyển đến Orlando. Sau đó, buổi tối trước đêm hẹn, ba vị mục sư ở ba thành phố khác nhau gọi điện cho tôi. Từng người, sau khi nghe về dự định của tôi vào ngày mai đều chỉ đặt một câu hỏi duy nhất, “Lisa có hoàn toàn đồng ý với anh không?”

Cô ấy không hoàn toàn đồng ý. Có một vài lần cô nói với tôi, “John, em vẫn sẽ thuận phục theo sự dẫn dắt của anh, nhưng trong lòng em không thể nói rằng đây là điều đúng đắn để làm.” Tôi bỏ qua ý kiến của cô ấy. Tôi nghĩ, Lisa không nhìn thấy điều đó, và vì tôi là trụ cột của gia đình nên cô ấy phải làm theo tôi. Ôi suy nghĩ của tôi lúc đó thật ngây thơ và ngu ngốc biết bao.

Tối hôm đó, khi tôi nhận cuộc gọi từ vị mục sư thứ ba, và ông cũng hỏi tôi câu tương tự như hai vị mục sư vừa rồi, một điều gì đó tan vỡ trong tôi. Mắt tôi được mở ra, và tôi thấy được rằng tôi đang cố gắng để giúp Chúa hoàn thành kế hoạch của Ngài thay vì để cho Ngài thực hiện nó.

Ngày kế tiếp, Lisa và tôi gặp vị mục sư và vợ của ông. Tôi kể cho họ lý do của buổi hẹn nhưng sau ba cuộc gọi đêm hôm trước, tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình. Họ đều rất nhã nhặn cho Lisa và tôi biết rằng họ vẫn muốn chúng tôi tiếp tục ở lại. Vị trí và chức vụ của tôi vẫn như cũ.

Tôi cảm giác như gánh nặng được trút khỏi đôi vai của mình, và bây giờ tôi đã sẵn sàng để thấy Chúa hành động thay tôi. Tôi không hề biết rằng quá trình thanh tẩy của tôi vẫn chưa kết thúc. Một áp lực khác lại đến, và nó bắt đầu cũng ngay chính ngày hôm đó.

Chỉ sáu tiếng sau cuộc hẹn với vị mục sư và vợ của ông, tôi đang ở nhà thay đồ để chuẩn bị chơi bóng rổ với một vài anh em cùng hầu việc trong Hội Thánh thì điện thoại kêu. Đó là nhà truyền giáo T.L.Osborn! Có thể nói tôi hoàn toàn bất ngờ.

Sau cuộc gọi 90 phút, ông đề xuất cho Lisa và tôi một vị trí trong mục vụ của ông. Chúng tôi sẽ giúp đỡ Daisy và ông đi khắp nơi trên thế giới cùng với họ. Chúng tôi cũng sẽ tiên phong mở hội thánh ở Tulsa làm kiểu mẫu cho việc mở mang các hội thánh khác. Mục tiêu sau đó sẽ là xây dựng những hội thánh tương tự tại những nơi tổ chức truyền giáo lớn ở khắp nơi trên thế giới.

Suốt cuộc gọi, tâm trí tôi cứ lặp đi lặp lại suy nghĩ này, Ôi chao, Cha ơi, con biết rằng Ngài sẽ hành động, nhưng con hết sức ngạc nhiên vì nó quá nhanh chóng! Thật khó để gắn kết cả hai cảm xúc ngạc nhiên và thích thú mà tôi đã cùng một lúc kinh nghiệm trong khi nói chuyện điện thoại với T.L. Osborn.

Tôi chắc chắn rằng đây chính là lối thoát ra khỏi đồng vắng mà bấy lâu nay tôi chờ đợi. Tôi rất vui sướng và cảm giác như mình có thể nhảy tưng lên mái nhà. Sau khi gác máy, tôi bước ra ngoài để cảm tạ Chúa, nhưng tôi cảm thấy có điều ngập ngừng trong tâm linh của mình. Tôi cảm thấy mình không thoải mái, cảm giác này cứ dây dứt ở tận sâu trong lòng.

Tôi tự nhủ, Không, Chúa ơi, không, không, không, Ngài không thể làm như thế được! Đây là điều Ngài đã hứa với con từ rất lâu rồi, là một ngày nào đó con sẽ làm việc cho T.L.Osborn! Ngài không thể nói không với việc này được!

Cảm giác ngăn trở đó không vơi đi. Tôi đã cố hết sức cầu nguyện để làm cho nó biến mất, cố gắng rũ bỏ cái cảm giác khó chịu đó ra khỏi mình. “Chúa ơi, xin cho con sự vui mừng trong việc này!” Tôi kêu cầu. Lisa cũng cảm thấy sự khó chịu day dứt nữa, mặc dù cô ấy cũng rất muốn làm việc cùng với gia đình Osborn.

Cuối cùng, tôi lựa chọn hoàn toàn không tin rằng cảm giác ngập ngừng, day dứt này là đến từ Chúa (lại một bước đi thiếu chín chắn và thậm chí là rất nguy hiểm). Vì vậy, Lisa và tôi bay đến Oklahoma để nhận phỏng vấn, và dường như mọi thứ đến trùng khớp với nhau. T.L. và Daisy Orborn chính thức cho chúng tôi một vị trí và giới thiệu chúng tôi với các thành viên còn lại của đội làm việc trong bữa tiệc Giáng Sinh.

Chúng tôi quay trở lại Dallas và tôi nghỉ việc tại Hội Thánh. Nhưng cảm giác day dứt vẫn không đi khỏi. Tôi đã giành hàng giờ trong sự cầu nguyện nhưng nó vẫn không dễ dàng chút nào. Tôi cứ tiếp tục cầu nguyện lâu hơn để xua đuổi những cảm giác khó chịu này biến đi. Nhưng chẳng có điều gì thay đổi.

Cuối cùng, tôi nói với Lisa, “Anh không biết điều gì đang xảy ra, nhưng có điều gì đó không ổn.” Cô đồng ý, “Em cũng cảm thấy điều gì đó không đúng.”

Tôi gọi cho T.L. Osborn và nói cho ông biết cảm giác của mình. Ông nói, “Vậy tất cả chúng ta hãy cùng ngồi lại với nhau và nói về việc này.” Vì vậy chúng tôi bay đến Tulsa và sau cuộc gặp dài hai giờ đồng hồ, T.L. Osborn nói, “Chúng tôi giành cho các bạn vị trí này vì chúng tôi rất yêu quý các bạn và chúng tôi cũng biết rằng các bạn yêu quý chúng tôi. Nhưng chúng ta bắt đầu nghĩ rằng điều này có lẽ không đến từ nơi Chúa.”

“Tôi cũng không hiểu,” tôi nói, “nhưng tôi nghĩ ông đúng.” Tôi thấy khó để tin những điều vừa nói ra khỏi miệng tôi. Tôi đã lấy hết mọi dũng khí để nói ra điều đó. Đó là ước mơ của tôi, được làm việc cho T.L.Osborn.

Trong những năm đó, thói quen của tôi là dậy sớm vào mỗi buổi sáng và dành ra một tiếng rưỡi đến hai tiếng để cầu nguyện. Nhưng sau nỗi thất vọng liên quan đến người hùng của tôi là tiến sĩ Osborn, trong ít nhất hai tuần tôi rất hiếm khi cầu nguyện mỗi khi đi ra ngoài vào buổi sáng sớm. Tôi dường như chỉ có thể khóc mà thôi. Tất cả những điều tôi có thể làm đó là cố vượt qua sự vô tín đã xảy ra trong vài tháng vừa qua. Nỗi buồn thật không thể diễn tả được. Nó giống như thể tôi khóc thương cho một người thân vừa qua đời vậy. Sau hai tuần như vậy, tôi ra ngoài nhà, tìm nơi nào mà không ai có thể nghe tiếng la thét của tôi, “Tại sao?! Tại sao Ngài phải khiến con từ bỏ điều này? Sáu năm trước, Ngài phán với con và nói rằng con sẽ làm việc cho ông ấy. Tại sao?!”

Tôi sẽ không bao giờ quên được điều Chúa đã nói với tôi: “Bởi vì Ta muốn con nhìn thấy là con đang hầu việc Ta hay hầu việc ước mơ đó.”

Tôi sững sờ.

Rồi Ngài lại phán, “Đó là lý do Ta muốn Áp-ra-ham đặt Y-sác làm của lễ thiêu trên bàn thờ, bởi vì Ta muốn thử xem tình yêu của Áp-ra-ham dành cho Ta có nhỏ hơn lời hứa mà Ta đã ban hay không. Điều đó chứng minh rằng, Áp-ra-ham đang hầu việc ước mơ, dùng Ta để đạt được ước mơ đó hay là hầu việc Ta và tin cậy sự chính trực của Ta trong việc làm thành ước mơ đó.”

Điều Ngài phán dường như là câu trả lời cho những câu hỏi mà tôi đã vật lộn trong suốt vài tuần vừa qua. Và lần đầu tiên trong suốt mười tám tháng, niềm vui sướng nổ bùng trong tâm linh tôi. Vào thời điểm đó, sự thể giống như là cuộc đời tôi được hồi xuân và tôi nhận thức được tôi được phước là dường nào. Tôi nhận ra rằng tôi đã cưới một người vợ tuyệt vời. Tôi nhận ra rằng chúng tôi có một em bé thật xinh xắn. Tình yêu của tôi đối với vợ và con trai một lần nữa trở nên tươi mới. Tôi nhận ra rằng chúng tôi đang ở trong một căn hộ mới chỉ cách 30 bước chân để đến một hồ bơi tuyệt đẹp, và chúng tôi trải qua những tháng ngày nắng ấm. Tôi đã không nhìn thấy những điều đó trước đây bởi vì tôi đã quá chú tâm vào việc bước vào chức vụ – là điều tôi nghĩ mình phải làm để Chúa vui lòng.

Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra khi Chúa nói rằng tôi sẽ làm việc cho T.L.Osborn, thật ra tôi đã có vinh dự để phục vụ ông rất nhiều lần mỗi khi ông đến với hội thánh của chúng tôi ở Dallas.

Nhưng bây giờ tôi không có công việc. Tôi quay lại hội thánh, hy vọng có cơ hội để có lại công việc cũ. Tôi nhớ nhìn người bạn của tôi, là một trong số những mục sư phụ tá và nói, “Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé khi nghĩ rằng tôi có thể bước qua cánh cửa đó”- đó chính xác là những điều tôi đã nói. Tôi đã nói với tất cả mọi người rằng tôi sẽ làm việc cho T.L. và Daisy Osborn. Mục sư của chúng tôi thậm chí đã thông báo trên bục giảng – mà bây giờ chẳng có điều gì xảy ra.

Rốt cuộc hội thánh trao cho tôi một công việc bán thời gian. Tôi phục vụ ở đó trong hơn tám tháng nữa. Sau đó, điều mà Chúa đã chuẩn bị tôi – cho giai đoạn kế tiếp của sự kêu gọi của Ngài – đã xảy ra. Tôi được mời trở thành một thành viên của một trong những hội thánh tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Tôi sẽ là mục sư thanh niên của họ. Điều này xảy ra như một phép màu. Lisa và tôi đều biết rằng đó là cánh cửa của Chúa. Bây giờ tôi đã có đời sống mới và một khải tượng tươi mới bởi vì tôi là một chiếc bầu da cũ có thể đựng được rượu mới vì được chuẩn bị cho vị trí mới này.

Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng

#7 Chọn Bạn Cẩn Thận

Có thể chúng ta không ngạc nhiên lắm về này, nhưng đa phần những chỉ trích và phản đối gây tổn thương thường đến từ những người mà chúng ta nghĩ họ cùng phe với mình! Sự bắt bớ thường đến từ những người bạn nghĩ rằng đó là bạn hữu của mình.

Đồng vắng có thể có những sự bắt bớ xen vào, và chúng ta cũng cần phải biết rằng đó là điều sẽ xảy ra khi chúng ta đi theo Chúa. Sứ đồ Phao-lô nói, “Thật vậy, tất cả những ai muốn sống cuộc đời tin kính trong Chúa Cứu Thế Giê-su đều phải chịu bắt bớ” (2Tim 3:12). Sự bắt bớ là một phần trong quá trình thử luyện. Vậy ai sẽ là người bắt bớ? Ví dụ, những kẻ lừa gạt – là kẻ trà trộn vào làm con cái Chúa, giả danh là tín đồ trong khi không hề có tấm lòng thật sự cho Chúa. Đó là lý do Phao-lô nhắc đến việc Gian-nết và Giam-bê chống đối Môi-se. Đó là những người ở trong hội chúng của Chúa chứ không phải người ngoài. Phao-lô mô tả những sự bắt bớ và nguy hiểm mà ông đối mặt, ông nói cho chúng ta rằng một vài trong số những xung đột xảy đến cho ông là vì “các anh em giả” (2Cô-rinh-tô 11:26).

Trong đồng vắng, kinh nghiệm đó sẽ giúp chúng ta có được những con người yêu thương và quan tâm đến chúng ta; những người sẽ nói về ý muốn của Chúa cho cuộc đời của bạn. Bạn không cần những người hay phê phán hay những người khuyến khích bạn không vâng lời Chúa, cũng giống như vợ của Gióp và những người bạn của ông đã làm. Và bạn cũng không cần những tiên tri giả là những người nói lời tâng bốc, nịnh hót bạn trong khi bạn cần phải nghe sự chỉ dẫn từ Chúa. Bạn cần những người yêu thương bạn và nói ra sự khôn ngoan từ Chúa cho bạn.

Nhưng cần tỉnh táo, nếu có ai bắt đầu chỉ trích và thậm chí đổ lỗi bạn chính là nguyên do khiến bạn rơi vào đồng vắng, thì người đó có thể không phải là một người bạn thật sự. Đức Thánh Linh sẽ cáo trách chúng ta về những tội lỗi, thông thường Ngài dùng một người nào khác để giúp chúng ta nhìn thấy những sai lầm của mình và ăn năn. Nhưng kẻ thù nghịch của chúng ta là ma quỷ cứ thúc đẩy việc tiếp tục định tội để chúng ta không có bất kỳ hy vọng nào. Hãy cảnh giác!

Con Đường Thanh Tẩy

Thực tế qua hàng thế kỷ, kể từ khi Chúa Giê-su lìa thế gian này, những người theo Chúa đã cố gắng dùng sức mình để được nên thánh. Thực tế, cả một giáo phái được khai sinh do kết quả của việc cố gắng hoài công để được thánh khiết. Tất cả những điều mà họ đạt được chỉ là làm nô lệ cho sự trói buộc của tư tưởng luật pháp, bởi vì sự thánh khiết là công tác của ân điển của Chúa chứ không phải là những kiềm chế bên ngoài của xác thịt.

Chúa ban ơn cho người khiêm nhường chứ không phải cho kẻ kiêu ngạo. Một người kiêu ngạo nghĩ rằng họ có thể đạt được sự thánh khiết mà không cần sự giúp đỡ của Chúa qua việc họ làm theo những văn tự của luật pháp, điều răn, quy định. Người khiêm nhường biết rằng điều đó là vô ích và phải nương dựa vào ân điển (sức lực) của Chúa. Một mối quan hệ gần gũi với Chúa là thánh sạch bởi vì bất kỳ ai có mối quan hệ như vậy mới có thể được trao cho quyền phép để giữ lấy những luật lệ đã được viết ở trong lòng.

Rất nhiều người trong chúng ta cố gắng đạt sự thánh khiết bằng việc vâng giữ theo những văn tự trong Tân Ước hay những niềm tin không đúng Kinh Thánh, và họ đã thất bại thảm hại. Cũng giống như người Do Thái đã thất bại trong việc tiếp nhận sự cứu rỗi bằng việc tuân giữ theo những văn tự luật pháp, chúng ta cũng như vậy, không thể bước đi trong sự thánh khiết chỉ bằng việc giữ các luật lệ. Rất nhiều người kiềm chế bản thân bằng những văn tự luật pháp, như phải có thái độ này hay có hành vi kia. Tất cả những giới hạn bên ngoài được đặt ra trong một nỗ lực nhằm đạt đến sự thánh khiết bên trong.

Nhưng Chúa không nhìn vào vẻ thánh khiết bên ngoài; Ngài muốn sự thay đổi ở bên trong tấm lòng của bạn, vì một tấm lòng thánh khiết trong sạch sẽ sản sinh ra sự trong sạch. Chúa Giê-su phán trong Ma-thi-ơ 23:26, “Trước hết hãy rửa bên trong chén đĩa (tấm lòng) để bên ngoài cũng được sạch luôn.”

Nếu tấm lòng của bạn trong sạch, bạn sẽ không có ước muốn hành động một cách không tôn trọng đối với Chúa. Bạn sẽ tránh xa những trang mạng khiêu dâm hay ăn mặc những trang phục khêu gợi. Những người nam, người nữ có thể tự hào về bản thân nói rằng họ chưa bao giờ ly hôn, nhưng lại họ có sự ham muốn về một ai đó tại công sở, hay thường xuyên mở xem những trang khiêu dâm. Vậy những người như thế có sống thánh khiết không?

Nếu tấm lòng của bạn trong sạch, một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh không khiến cho bạn tìm kiếm những thứ tội lỗi. Công nghệ không khiến cho bạn trở nên ô uế. Chính những gì ở trong tấm lòng bạn là điều quyết định. Nếu tấm lòng bạn trong sạch, bạn sẽ chỉ ước ao những điều mà Chúa ao ước.

Đồng vắng chính là một trong những lò tôi luyện mà Chúa dùng để thánh hóa những động cơ và mục đích của chúng ta. Chúa đang trong quá trình chuẩn bị tấm lòng của chúng ta để đặt ưu tiên cho sự trở lại của Ngài để tiếp rước Hội Thánh. Chúa đang dấy lên một thế hệ của những con người sẽ bày tỏ ra vinh quang của Ngài, chứ không phải của bản thân họ – những người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài và theo tâm tánh của Ngài:

Trong một ngôi nhà lớn không phải chỉ có những đồ vật bằng vàng và bạc, nhưng cũng có đồ vật bằng gỗ, bằng sành nữa; có thứ dùng cho việc sang, cũng có thứ dùng cho việc bình thường. Nếu ai tẩy mình cho sạch những điều gian ác vừa kể ở trên thì sẽ trở nên một đồ vật dùng cho việc sang, dành riêng cho chủ sử dụng. Người đó được thánh hóa, có ích cho chủ, và được chuẩn bị sẵn sàng để làm mọi việc lành.

(2Tim 2:20-21)

Cần chú ý rằng có hai loại bình – một chiếc bình cao trọng và một chiếc bình đáng khinh. Từ Hy Lạp cho chữ đáng khinh là từ atimia, nghĩa là “đáng khinh, nhục nhã, đáng hổ thẹn, thấp hèn.” Chúa phán, “Nếu con nói lời quý giá thay vì lời thấp hèn, con sẽ trở nên giống như miệng của Ta.” (Giê-rê-mi 15:19). Lấy cái quý giá khỏi cái thấp hèn phải qua một quá trình thanh tẩy hoàn toàn hay phải qua sự phóng thích khỏi mọi điều ô uế.

Ma-la-chi là một tiên tri trong Cựu Ước, ông đã nói tiên tri về thời kỳ Tân Ước. Nhưng vấn đề ông đối diện chính là ông không có những thuật ngữ được dùng trong Tân Ước, vì vậy, ông dùng những từ như “người Lê vi” và “thầy tế lễ” để định nghĩa cho những điều ông được Đức Thánh Linh cho thấy và nói trước về những cơ đốc nhân của thời kỳ Tân Ước.

Ma-la-chi tiên đoán rằng Đức Chúa Trời sẽ đến với đền thờ của Ngài (Hội Thánh của Ngài) trước khi đến vì đền thờ của Ngài. Lý do là để thánh hóa. Ông viết:

“Ngài sẽ ngồi như thợ luyện bạc để tinh luyện bạc. Ngài sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi như tinh luyện vàng và bạc. Nhờ thế chúng sẽ dâng tế lễ cho CHÚA trong sự công chính.”

(Ma-la-chi 3:3)

Người Lê vi là hình bóng của “những vị tế lễ hoàng gia” (1Phi-e-rơ 2:9), tức là những người theo Chúa Giê-su trong Hội Thánh. Vì Chúa so sánh việc tôi luyện những vị tế lễ này với quá trình tinh luyện vàng bạc nên việc hiểu những đặc tính của vàng bạc và cách chúng được tinh luyện là vô cùng hữu ích. Vì quá trình tinh luyện hai kim loại này giống nhau nên tôi sẽ chỉ nói về vàng mà thôi.

Vàng có màu vàng tuyệt đẹp, phát ra màu ánh kim nhẹ. Nó có thể được tìm thấy trong tự nhiên nhưng chỉ với một số lượng nhỏ và rất hiếm khi ở trong trạng thái tinh ròng. Khi được tinh ròng, vàng trở nên mềm, dẻo, không bị ăn mòn và không lẫn các tạp chất khác. Nếu vàng được trộn lẫn với những kim loại khác (đồng, sắt, niken), nó trở nên cứng hơn, ít dẻo hơn và có lẫn tạp chất. Sự pha trộn này gọi là hợp kim. Tỉ lệ phần trăm của các kim loại khác càng nhiều, thì vàng càng trở nên cứng. Hay ngược lại, tỉ lệ phần trăm các kim loại khác càng thấp thì nó càng mềm và càng dẻo.

Chúng ta nhận ra điểm tương đồng ngay: một tấm lòng trong sạch cũng giống như vàng nguyên chất. Một tấm lòng tinh sạch thì mềm mại, dịu dàng và mềm dẻo: vì vậy, như Đức Thánh Linh phán:

“Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì đừng cứng lòng như tổ phụ các ngươi đã khiêu khích Đức Chúa Trời trong ngày thử thách tại đồng hoang… Nhưng cứ khuyến cáo nhau hằng ngày đang khi còn được gọi là “ngày nay” để không một ai bị tội lỗi lừa gạt mà cứng lòng…

(Hê-bơ-rơ 3:7-8, 13).

Tội lỗi là chất liệu được thêm vào khiến vàng tinh ròng của chúng ta trở thành hợp kim, làm tấm lòng chúng ta đâm ra cứng cỏi. Sự cứng lòng làm chúng ta thiếu đi sự nhạy bén, đây là điều ngăn trở khả năng nghe tiếng Chúa của chúng ta.

Không may thay, thời nay là thời kỳ mà rất nhiều người có vẻ là người thánh khiết nhưng lại không có tấm lòng mềm mại nóng cháy cho Chúa Giê-su. Tình yêu nồng nhiệt và trong trắng cho Chúa bị thay thế bằng lòng yêu mến bản thân, chỉ tìm kiếm những gì làm thỏa mãn và ích lợi cho bản thân. Cho rằng sự tin kính là một phương tiện để trục lợi (1 Tim 6:5), họ chỉ tìm kiếm ích lợi của những lời hứa mà vô tình hay cố ý đã loại bỏ luôn Đấng đã ban cho những lời hứa đó. Trong tình trạng bị lừa dối đó, những tín đồ này yêu mến những điều thuộc thế gian, nhưng lại trông mong để được hưởng Thiên Đàng! Đây không phải là điều mà Chúa ao ước:

Sống Đạo trong sạch, không ô uế trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là… giữ mình khỏi bị thế gian làm hoen ố.

(Gia-cơ 1:27)

Chúa Chúa sẽ trở lại vì một Hội Thánh quang vinh, không tì ố, không vết nhăn, không có gì khiếm khuyết (Ê-phê-sô 5:27), một Thân Thể được hình thành từ những con người có tấm lòng không bị ô nhiễm theo lề thói của thế gian.

Một đặc tính khác của vàng là khả năng chống gỉ hay không bị ăn mòn. Mặc dù những kim loại khác bị xỉn màu vì điều kiện môi trường, nhưng vàng tinh khiết thì không bị tác động. Đồng thau (một hợp kim của đồng và kẽm, có màu vàng), mặc dù giống với vàng nhưng không có những đặc tính của vàng. Đồng thau rất dễ bị hoen ố xỉn màu. Nó có bề ngoài giống với vàng nhưng lại không sở hữu những đặc tính của vàng. Trong hội thánh chúng ta có những cái bình bằng đồng thau, là những con người chỉ mang vẻ ngoài giống như vàng, nhưng lại không phải là vàng. Chỉ khi qua lửa thử luyện thì mới bày tỏ ra sự khác biệt của cả hai. Ma-la-chi nói đến sau quá trình tinh luyện:

“Rồi các con sẽ trở lại và thấy sự khác biệt giữa người công chính và kẻ ác, giữa những người phục vụ Chúa và những người không phục vụ Ngài.”

(Ma-la-chi 3:18)

Nào ta hãy trở lại bàn thêm về quá trình tinh luyện vàng. Một lượng lớn những loại vật liệu ngoại lai có trong vàng không chỉ khiến nó cứng hơn mà còn khiến nó dễ bị ăn mòn và hư hỏng. Thật rất dễ bị ảnh hưởng bởi bầu không khí của thế gian nơi chúng ta đang sống.

Hiện nay, tinh thần thế gian đã lẻn vào trong nhiều hội thánh Chúa. Chúng ta bị ô nhiễm bởi lề thói của thế gian, và do đó chúng ta bị ố uế. Tại Mỹ, những giá trị của hội thánh bị tiêm nhiễm bởi tinh thần thế gian. Rất nhiều người không còn cảm giác và không còn nhận ra sự cần thiết sống cuộc đời nên thánh.

Ma-la-chi 3:3 cho thấy Chúa Giê-su sẽ tinh luyện hay làm sạch hội thánh của Ngài khỏi những ảnh hưởng của thế gian, cũng giống như một người thợ luyện vàng đã làm. Trong quá trình tinh luyện, vàng được tán nhuyễn và sau đó trộn với một vật liệu nóng chảy. Cả hai được đặt trong lò luyện và đun nóng chảy ở nhiệt độ cao. Những hợp kim hay tạp chất trồi lên cùng với vật liệu nóng chảy. Vàng (nặng hơn) sẽ chìm xuống dưới. Những tạp chất hay cặn (như đồng, sắt, kẽm kết hợp với vật liệu nóng chảy) sau đó sẽ được lấy ra.

Bây giờ hãy nhìn kỹ hơn vào cách Chúa tinh luyện:

Ta sẽ trở tay chống ngươi, Ta sẽ luyện lọc cặn bã ngươi như với nước tro. Và tinh luyện mọi tạp chất nơi ngươi. Ta sẽ phục hồi các quan án của các ngươi như thuở xưa, các cố vấn của các ngươi như lúc ban đầu. Bấy giờ, ngươi sẽ được gọi là Thành công chính,Thành trung nghĩa.

(Ê-sai 1:25-26)

Chúa dùng loại lửa nào để tinh luyện chúng ta? Câu trả lời ở trong phân đoạn kế tiếp:

Hãy vui mừng về việc này, mặc dù hiện nay anh chị em phải đau buồn vì bị thử thách nhiều bề trong ít lâu. Mục đích là để chứng tỏ đức tin anh chị em quý hơn vàng, là vật có thể bị hủy diệt được thử trong lửa, để nhờ đó anh chị em được ngợi khen, vinh quang và tôn trọng khi Chúa Cứu Thế Giê-su hiện đến.

(1Phi-e-rơ 1:6-7)

Lửa mà Chúa dùng để tinh luyện chính là nghịch cảnh và thử thách, đó cũng chính là chủ đề trọng tâm của đồng vắng. Sức nóng của sa mạc sẽ phân tách những điều bất khiết khỏi bản tính của Chúa có trong đời sống chúng ta. Những tố chất này dẫn chúng ta đến sự thánh khiết ( tôi sẽ giải thích lý do của việc dùng từ “tô chất”).

Một đặc tính khác của vàng là khi ở trạng thái tinh khiết nhất nó sẽ trở nên trong suốt (có thể nhìn thấu được giống như kính). “Đường phố trong thành đều bằng vàng ròng tựa thủy tinh trong suốt” (Khải huyền 21:21). Khi bạn được tinh sạch bởi lửa của những nghịch cảnh, bạn trở nên trong suốt! Một chiếc bình trong suốt không đem vinh hiển cho chính mình, mà đem vinh hiển cho Đấng mà cái bình đó đang chứa.

Khi chúng ta đã được tinh luyện, thế gian sẽ được nhìn xem Chúa Giê-su. Nếu chúng ta trở nên trong sạch – tức là những người nói ra sự thật, giữ lời hứa, sống liêm chính, sống ngay thẳng, không che giấu gì – thì những người trong thế gian sẽ chú ý đến.

Trong Ê-sai, điều này được nhấn mạnh ở mức độ lớn hơn:

Nầy, Ta đã tinh luyện ngươi nhưng không như luyện bạc; Ta đã thử ngươi trong lò hoạn nạn. Vì cớ Ta, vì chính Ta mà Ta làm điều này. Vì sao Ta lại để cho danh Ta bị nhục? Ta sẽ không nhường vinh quang Ta cho một ai khác.

(Ê-sai 48:10-11)

Ngọn lửa hay lò luyện là sự hoạn nạn, không phải là ngọn lửa vật lý mà người ta dùng để luyện bạc vàng. Đây là lý do điều này giải thích tại sao Ngài lại nói, “Nhưng không giống như bạc.” Những thử thách của chúng ta chính là ngọn lửa hừng để phân tách cái quý ra khỏi cái hèn.

Chúa không cất bỏ những điều đó nếu chúng ta không muốn. Đó là lý do Phao-lô nói trong 2 Tim 2:21 rằng nếu ai muốn được thánh hóa thì phải “tẩy mình cho trong sạch.” Nếu bạn chỉ muốn biện minh hay tìm lý do để tiếp tục những thói xấu đang kìm hãm mình, thì Chúa cũng không ép bạn phải từ bỏ những điều đó. Quá trình chịu khổ, chịu hoạn nạn sẽ không có giá trị (đó là lý do tôi dùng từ “tố chất”). Sự thánh khiết xảy ra trên xa lộ thánh là một quá trình liên tục, kiên định và đôi khi là một quá trình đau đớn. Tuy nhiên, một khi biết được những bông trái của nó tôi liền chào đón nó.

Tác giả sách Hê-bơ-rơ nói, “Hãy đeo đuổi sự thánh hóa, vì nếu không thánh hóa, không ai được thấy Chúa. (12:14). Chúa Giê-su phán, “Phước cho người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:8). Đa-vít, người mà Ngài hài lòng, kêu cầu, “Ai nhận thức được lầm lỗi mình? Xin Ngài tha thứ tội lỗi tôi không biết” (Thi Thiên 19:12).

Nguyện đây cũng chính là lời kêu cầu của chúng ta. Nếu chúng ta cầu xin Chúa thánh hóa tấm lòng của chúng ta, Ngài sẽ gạt bỏ những điều bất khiết xa khỏi tầm mắt chúng ta. Ngài biết rõ những suy nghĩ và ý định ở tận sâu bên trong, cho dù chúng ta chưa nghĩ đến.

Tôi khuyên bạn hãy học biết để nhận diện và chào đón các thời và kỳ thuộc linh của đồng vắng. Và khi ngọn lửa của sự thử thách xảy đến, đừng đâm ra giận dữ hay đổ lỗi cho ai khác, nhưng hãy nhìn vào mục đích của nó. Hãy tra xét tấm lòng và để Chúa lấy đi những sự thấp hèn ra khỏi những điều quý giá. Ngài truyền bảo, “Các ngươi phải thánh, vì Ta là thánh.” (I Phi 1:16).

Hãy nhớ, sự tôi luyện sẽ cũng cố những gì vốn đã tốt đẹp rồi và làm sạch hay cất đi những sự yếu đuối hay những sự ô uế. Hãy chào đón sự thanh tẩy của Ngài để bạn có thể trở thành cái bình cao trọng, có thể bày tỏ vinh hiển và vẻ đẹp tuyệt vời của Ngài.