12 - CHIẾN THẮNG TRONG ĐỒNG VẮNG

Chúa ơi, Ngài Ở Đâu ?!

Đăng vào: 12 tháng trước

.

 

12

CHIẾN THẮNG TRONG ĐỒNG VẮNG

Những nỗi buồn của chúng ta, giống như chính chúng ta, cũng không sống mãi. Không có những nỗi buồn bất tử cho những tâm hồn bất tử. Tạ ơn Chúa, nó đến rồi nó cũng đi. Như chim có thể bay trên đầu chúng ta, nhưng đừng để chúng xây tổ trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta chịu khổ hôm nay nhưng ngày mai chúng ta sẽ vui mừng.

– Charles H. Spurgeon

Ở đâu không có khải tượng, dân chúng phóng túng; Nhưng phước cho người tuân giữ Kinh Luật.

– Châm Ngôn 29:18

Đồng vắng là nơi chúng ta ghé thăm, không phải điểm đến cuối cùng của chúng ta! Nếu xử lý đúng, bạn sẽ kinh nghiệm chiến thắng trong đồng vắng và sẽ ra khỏi đó!

Tôi đã ở trong đồng vắng mà đã làm cạn kiệt lòng nhiệt thành của tôi khi còn là một mục sư thanh niên, chức vụ đó dường như quá lâu đối với tôi. Tôi suy nghĩ liệu có sự thay đổi nào xảy ra với sự tranh chiến của tôi hay không. Rồi một ngày, không lâu trước khi nan đề bắt đầu với ông sếp trực tiếp của tôi là người tìm cách hạ bệ và sa thải tôi, Thánh Linh đã chỉ cho tôi thấy sự thay đổi đang đến. Đó là khi Chúa khải thị rằng tôi “sẽ được sai đến các hội thánh và thành phố từ bờ Đông tới bờ Tây của nước Mỹ; từ biên giới Canada tới biên giới Mê- xi-cô; tới Alaska và Hawaii…”

Nhưng, như tôi đã đề cập trước đó, chuyện này đã không xảy ra vào ngày hôm sau hay thậm chí là tuần sau đó! Thật ra, sáu tháng trôi qua mà không có thêm bất kỳ thông tin nào. Rồi một ngày kia vị mục sư quản nhiệm của tôi bước vào cuộc họp và nói Chúa đã cho ông thấy rằng một trong các mục sư của ông (trong nhân sự chúng tôi có mười một người) sẽ có chức vụ giảng lưu động trọn thời gian sớm và sẽ không còn phục vụ trong nhân sự của hội thánh. “John Bevere, người đó là cậu,” ông nói.

Rồi một khoảng thời gian trôi qua (chính xác thì thêm sáu tháng)-thêm thời gian đi qua sa mạc. Sau đó trong khoảng thời gian chỉ ba tuần, tôi đã nhận bảy lời mời giảng – một lời mời ở địa điểm cách biên giới Canada một giờ, một ở bờ đông của Florida, một lời mời ở địa điểm cách Thái Bình Dương một giờ lái xe, và một ở biên giới Mê-xi-cô! Tôi đi vào văn phòng mục sư để hỏi ông phải làm gì về chuyện đó, ông cười và nói, “John, tôi đã nói với cậu Chúa đã tỏ điều này cho tôi. Có vẻ như thời điểm của cậu tới rồi đấy.”

Không lâu sau (tháng Một, 1990) trong một buổi nhóm dâng mình, mục sư đã đặt tay lên Lisa và tôi, và từ đó chúng tôi đã đi lại hầu việc Chúa trọn thời gian! Thật không ngoa khi nói chúng tôi đã nhìn thấy nhiều (tôi không nói quá đâu khi nói “nhiều”) kết quả hơn trong cuộc đời chúng tôi vì chúng tôi đã chờ đợi thời điểm của Chúa, hơn là tự dấy lên khi tôi nghĩ mình đã sẵn sàng.

Tôi khao khát nhìn thấy các kết quả tương tự cho bạn trong ơn gọi của bạn. Đây là lý do, với tư cách là một người đã sáu mươi tuổi đời rồi và là người rất yêu quý con dân Chúa, tôi chia sẻ rất chân thành và cởi mở hết rồi đó. Tôi muốn bạn thành công trong ơn gọi của mình! Vì thế, hãy để tôi cung cấp thêm vài ý quan trọng cuối cùng.

Mục Đích Và Đích Đến Đúng

Chúng ta phải tập trung vào mục đích của Chúa, chứ không nhìn vào những sự kháng cự mà chúng ta đối diện, là thứ kiềm hãm chúng ta. Chúng ta phải có khải tượng đúng trước khi chúng ta muốn kết thúc đúng! Thật là một điều kinh khủng nếu chạy đua nhưng về đích sai! Thật là một thảm họa nếu nhắm khẩu súng vào sai mục tiêu rồi bắn đại!

Những người Pha-ri-si rất nóng cháy và sốt sắng, nhưng mục đích của họ là tìm tư lợi. Họ đã không có khải tượng đúng; vì thế, họ đã trật mục tiêu.

Đích đến và mục đích của Chúa dành cho chúng ta là con dân Ngài là gì? Ngài nói trong Ê-phê-sô 1:11 rằng chúng ta đã được “…chọn thừa hưởng cơ nghiệp, được tiền định theo chương trình của Đức Chúa Trời, Đấng thực hiện mọi sự theo mục đích Ngài muốn.”

Nhiều người vấp phải khi họ nghe “được tiền định” hay “sự tiền định.” Để hiểu khái niệm này, chúng ta phải chia từ này ra và xem từ gốc và tiền tố của nó. Tiền tố “trước = pre” đơn giản có nghĩa là “trước khi” hay “trước sự khởi đầu.” Gốc từ “định = destination” có nghĩa “nơi bạn sẽ kết thúc” hay “vạch đích.” Ghép hai từ này lại thì nó có nghĩa, “sắp đặt vạch đích trước khi bắt đầu.” Ê-phê-sô 1:11 cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã sắp đặt một đích đến cho con người -trước khi tạo dựng chúng ta – để làm thành mục đích của Ngài.

Rô-ma 8:28-29 nói:

Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những người yêu kính Đức Chúa Trời, tức là những người được kêu gọi theo mục đích của Ngài. Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định trước cho họ nên giống như hình ảnh Con của Ngài để Con này trở thành con cả giữa nhiều anh chị em.

Đích đến của chúng ta, là điều mà Chúa đã lên kế hoạch trước khi thời gian bắt đầu, dành cho chúng ta là những người yêu mến Chúa, những người được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa Giê-su. Mọi thứ được thực hiện trong cuộc sống hay chức vụ phải hướng tới mục tiêu hay kết thúc này! Mục đích số một của Chúa khi tạo dựng bạn không chỉ để bạn tham gia vào đội ngũ chức vụ thành công, dâng hàng triệu đô-la cho vương quốc Chúa, trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng hay có một nghề nghiệp thành đạt nào đó. Mục đích của Ngài dành cho bạn cũng không phải là để chữa lành những người bệnh, theo đuổi các nỗ lực cứu tế nhân đạo hay đi ra giải cứu các nạn nhân bị buôn bán tình dục, cứu thoát người ta khỏi cơn nghiện ngập hay đi ra chinh phục những người hư mất về cho Chúa Giê-su. Những sự theo đuổi này là cao quý và thánh thiện, nhưng chúng ta phải nhận ra rằng có nhiều người đã làm những công việc này nhưng vẫn không đạt tới đích của Chúa. Lý do là họ không tới đích tốt đẹp là vì họ chỉ tập trung vào chức vụ hầu việc Chúa mà không tập trung vào mục tiêu hay tấm lòng của Chúa đằng sau cái chức vụ đó!

Bây giờ câu hỏi phải được trả lời : “Mục đích của Chúa là gì khi tiền định chúng ta được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa Giê-su?” Câu trả lời đơn giản – vì Ngài yêu thương chúng ta và mong muốn thông công với chúng ta để “qua lòng nhân từ đối với chúng ta trong Chúa Cứu Thế Giê-su, bày tỏ cho các thời đại tương lai biết sự phong phú vô hạn của ân sủng Ngài.” (Ê-phê-sô 2:7).

Lisa và tôi có một con chó tên Lexi. Nó vui vẻ, thích đùa và rất vui nhộn. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể nói chuyện với nó ở một cấp độ giới hạn. Đôi khi tôi cũng bực vì tôi không thể trò chuyện nhiều hơn với nó. Mặt khác, với các con trai chúng tôi thì đó hoàn toàn là một viễn cảnh khác. Khi chúng trưởng thành, chúng tôi vui hưởng sự trò chuyện tuyệt vời các con tôi. Chúng đã bổ sung nhiều điều vào đời sống chúng tôi. Đó là lý do Chúa tạo dựng con người chúng ta. Ngài không muốn có mối quan hệ cấp thấp như tôi phải chịu đựng với con chó Lexi của tôi. Ngài muốn các con trai, con gái trò chuyện ở cấp độ tấm lòng.

Đó là mục đích của Ngài ngay từ đầu. Khi Ngài tạo dựng con người và đặt họ trong khu Vườn, Chúa bước đi và thông công với A-đam vì Ngài yêu thương ông. Một trong các hậu duệ của A-đam đã nắm được mục đích của Chúa và Kinh Thánh chép về ông thế này, “Ê-nót đồng đi với Đức Chúa Trời rồi biệt tăm vì Đức Chúa Trời đã đem ông đi.” (Sáng 5:24). Tác giả Hê-bơ-rơ nói, “…Ông đã được chứng nhận là người đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 11:5). Ông Ê-nót đã làm đẹp lòng Chúa thế nào? Có phải vì ông có chức vụ lớn lao nào đó không? Không, bởi vì ông đã đồng đi với Chúa và có sự thông công gần gũi với Ngài.

Mọi thứ Chúa đã làm trong quá khứ, đang làm ở hiện tại, và sẽ làm trong tương lai sẽ vì lý do đó. Vì thế, mục đích của đồng vắng là chỉ chúng ta đi đến việc được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa Giê-su.

Nếu chúng ta không còn thấy mục đích của Chúa dành cho chúng ta, chúng ta sẽ không còn sự tiết độ và sẽ sa sút về thuộc linh. Là hội thánh, khi chúng ta không còn thấy mục đích của Chúa, chúng ta sẽ khô hạn, co rúm vào thành một tổ chức giáo hội và bị những sự thuộc thế gian này lôi kéo. Rồi chúng ta chú trọng vào kết quả – số lượng tín đồ đông và ngôi nhà thờ lớn – hơn là môn đồ hoá tín đồ sống theo ảnh tượng của Chúa (Ma-thi-ơ 28:19).

Chúng ta hãy xem lại Châm Ngôn 29:18, “Ở đâu không có khải tượng, dân chúng phóng túng [không có sự kiềm chế -theo bản Kinh Thánh tiếng Anh].”

Sự kiềm chế mà Chúa nói sẽ ngăn cản chúng ta không an phận với ơn gọi thấp kém, tức là bất cứ thứ gì chưa đạt tới việc được biến đổi theo ảnh tượng của Ngài. Đó là sự kiềm chế ngăn chúng ta không thỏa mãn cho tới khi chúng ta được biến đổi theo ảnh tượng của Ngài và ngắm xem Ngài mặt đối mặt cũng như nhìn thấy vinh quang của Ngài được bày tỏ. Đó là sự kiềm chế ngăn chúng ta không chấp nhận bất cứ điều gì không đạt tới ý muốn trọn vẹn của Ngài. Sự kiềm chế này ngăn chúng ta không ở an nhàn và làm việc theo cách thế gian làm hay làm việc theo cách của xác thịt.

Khi nói về khải tượng, Chúa Giê-su nói, “Mắt là đèn của thân thể. Vì thế, nếu mắt con tốt, thì cả thân thể sẽ sáng láng. Nếu mắt con xấu, cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy nếu ánh sáng ở trong con chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm ấy còn lớn là dường nào!” (Ma-thi-ơ 6:22-23). Ngài không nói về con mắt thuộc thể của chúng ta, mà là con mắt lòng hay cách mà chúng ta nhận thức.

Cách bạn nhận thức vấn đề trong tấm lòng là cách mà bạn sẽ trở thành: “Vì như hắn suy nghĩ trong lòng thể nào, thì hắn quả như vậy;” (Châm Ngôn 23:7).

Cách bạn nhìn các hoàn cảnh bạn đang sống sẽ quyết định cách bạn vượt qua chúng. Mười hai thám tử đi ra để thu thập tin tức về Xứ Hứa đều thấy cùng một quang cảnh – cùng nhìn thấy các thành kiên cố, các người khổng lồ và các kẻ thù của xứ Canaan. Tuy nhiên, hai người trong họ-Giô-suê và Ca-lép – nhìn một cách hoàn toàn khác biệt so với mười người kia. Hai người đã nhìn theo cách Chúa nhìn, và mười người kia nhìn Xứ Hứa qua con mắt kinh nghiệm bản thân hay khả năng và sức mạnh của bản thân. Vì mắt họ xấu, nên toàn bộ hành vi còn lại của họ cũng xấu (theo như Chúa Giê-su nói thì cả thân thể đều xấu). Miệng họ nói và hành động phản ứng của họ trái ngược với ý muốn của Chúa, và Ngài nói lời báo cáo của họ là “xấu xa và gian ác”:

“Con bảo họ rằng: ‘CHÚA phán: Thật như Ta hằng sống, Ta sẽ làm cho các ngươi y như những lời Ta nghe các ngươi kêu ca. Thân xác các ngươi sẽ ngã xuống trong sa mạc này; tất cả các ngươi là những người có tên trong cuộc kiểm tra dân số từ hai mươi tuổi trở lên đều sẽ chết hết vì các ngươi oán trách Ta. Không một ai trong các ngươi sẽ được vào đất hứa, trừ Ca-lép con Giê-phu-nê và Giô-suê con Nun.”

(Dân Số 14:28-30).

Điều gì khiến mười thám tử đưa ra một báo cáo sẽ khiến họ không bao giờ nhìn thấy điều Chúa đã hứa với họ? Đó là cách họ nhận thức những gì thấy ở trước mắt họ – đó không phải là khải tượng tiên tri; đó là tầm nhìn xác thịt. Họ nhìn thấy điều gì là báo cáo điều đó.

Để vượt qua đồng vắng cách chiến thắng, chúng ta phải nhìn mọi thứ theo cách Chúa nhìn. Dân Y-sơ-ra-ên đã than phiền hơn một năm trước khi Chúa sai các thám tử vào Xứ Hứa. Tầm nhìn của họ vốn đã xấu sẵn, và tất cả những sự kiềm chế đã bị gạt bỏ. Vì thế, tới lúc Chúa cho phép họ nhìn thấy xứ đượm sữa và mật, họ đã khước từ những điều tốt đẹp họ đã thấy. Mà họ chỉ tập trung vào các tên khổng lồ trong xứ.

Những người chỉ nhìn thấy đồng vắng (và những sự khó khăn cặp theo) sẽ chết trong đồng vắng của họ. Ai chăm xem Đấng đã hứa và khải tượng mà Ngài đã đặt trước mặt họ sẽ vượt qua đồng vắng như các chiến binh đã được thánh hóa, sẵn sàng để chiếm hữu và sống trong Xứ Hứa mà Chúa được đặt trước mặt họ vì vinh quang của Ngài.

Cho nên chúng tôi không nản lòng . . . Vì hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng tôi đem lại cho chúng tôi vinh quang vô hạn đời đời không gì sánh được. Vì chúng tôi không chú tâm vào những sự vật hữu hình, nhưng vào những sự vật vô hình vì sự vật hữu hình chỉ là tạm thời, còn sự vật vô hình mới là vĩnh cửu.

(2Cô-rinh-tô 4:16-18)

Quãng thời gian và những sự chịu khổ lâu dài phải chịu trong đồng vắng – khi so với những gì có được – được xem là những thử thách nhẹ và tạm. Tất nhiên, khi bạn đang ở trong đồng vắng, thì việc xem kinh nghiệm đồng vắng là chuyện nhỏ thì rất khó khăn, trừ khi bạn có khải tượng về kết quả sau khi bạn ra khỏi đồng vắng đó.

Khi tôi ở trong những thời điểm khô hạn trước đây, chắc chắn nó chẳng có vẻ gì là “tạm thời” cả. Đôi khi tôi nghĩ, Chuyện này có kết thúc không? Điều Chúa hứa có ứng nghiệm không? Đó là lúc tôi phải nhanh chóng đạp đổ các suy nghĩ đó và tự khích lệ mình trong Chúa. Tôi nhớ lại các lời tiên tri được nói liên quan tới tôi trước đó và nhờ đó mà chiến trận mạnh mẽ (xem 1 Tim 1:18). Các lời tiên tri là khải tượng của Chúa cho cuộc đời của tôi, như Ngài đã bày tỏ cho tôi bởi Thánh Linh và qua Lời Ngài.

Hồn là bãi chiến trường trong đồng vắng. Hồn gồm tâm trí, cảm xúc và ý chí của chúng ta. Ý chí là phần thuộc hồn, nó quyết định hoặc là bạn chọn cách của Chúa hay cách của xác thịt – nếu bạn nhìn mọi việc như Chúa nhìn hoặc nếu bạn chú ý tới hoạn nạn trong đồng vắng. Phi-e-rơ viết, “Anh chị em yêu dấu, tôi xin anh chị em, là khách tha hương và kẻ lưu lạc trong trần gian, chớ để cho dục vọng xác thịt lôi cuốn vì nó chống nghịch với linh hồn anh chị em.” (1 Phi-e-rơ 2:11).

Tất cả đều quy về một vấn đề đó là trung tâm điểm của bạn là ai – Chúa hay bạn? Các ước muốn của xác thịt sẽ tranh chiến trong tâm trí và cảm xúc của bạn, khiến bạn tập trung vào sự ích kỷ. Những thứ này sẽ kéo bạn ra khỏi khải tượng của Chúa, vì cách của Chúa không phải là cách của bản ngã, mà là cách tự bỏ mình đi.

Cái tin lành được rao giảng và được nhiều người đón nhận ngày nay là một tin lành dễ chịu với xác thịt. Nhiều sứ điệp ngày nay không khích lệ tín đồ đóng đinh xác thịt, mà chỉ an ủi và làm thỏa mãn các ham muốn của nó, điều này thật ra chống lại mục tiêu cuối cùng là được biến đổi giống Chúa Giê- su. Sứ điệp thời nay thường tập trung vào việc “Chúa có thể làm gì cho tôi?” hơn là “Ngài mong muốn điều gì ở nơi tôi?” Tin lành dễ chịu không nhấn mạnh thực tế, nghĩa là đeo đuổi Chúa, trong đó có sự chịu khổ. Điều này đã khiến nhiều người an phận với lối sống tự mãn. Tin lành như thế thì không trang bị các tín hữu trở thành những người lính của Chúa.

Sứ đồ Phao-lô bàn tới đề tài này khi viết cho môn đồ của ông là Ti-mô-thê:

Hãy cùng ta chịu gian khổ như một người lính giỏi của Chúa Cứu Thế Giê-su. Ai vào quân đội rồi không được vương vấn đời sống dân sự nữa; có vậy mới đẹp lòng người tuyển mộ mình.

(2Tim 2:3-4)

Do nghe hoài “tin lành dễ chịu” này, nên một khi cơ đốc nhân chịu sự chống cự hay gặp sự khó khăn thì họ tìm ngay lối thoát, thay vì đối diện khó khăn và cố gắng vượt qua nó. Tầm nhìn sinh ra qua sự giảng dạy tin lành dễ chịu không phải là “khải tượng từ trời hay mang tính tiên tri,” mà là “tầm nhìn ích kỷ.”

Phao-lô cũng viết:

“Muôn tâu, vì thế, tôi không dám bất phục khải tượng từ trời. Nhưng tôi kêu gọi mọi người, trước hết ở Đa-mách, rồi sau tại Giê-ru-sa-lem, khắp cả vùng Giu-đê và các dân ngoại phải ăn năn, quay về Đức Chúa Trời và làm công việc xứng hợp với sự ăn năn. Vì lý do đó, người Do Thái đã bắt tôi trong Đền Thờ và toan giết tôi.”

(Công Vụ 26:19-21)

Trên thế giới có nhiều khải tượng nhưng chỉ có một “khải tượng từ thiên đàng,” đó là ý muốn của Cha! Hãy để ý điều Phao-lô nói, “người Do Thái đã bắt tôi trong Đền Thờ và toan giết tôi.” Ông đang theo đuổi khải tượng từ trời và trải nghiệm sự chống cự. Nếu ông tin một tin lành dễ chịu như nhiều người ngày nay rao giảng và tin tưởng, thì ông sẽ không bao giờ thấy khải tượng ứng nghiệm. Ông đã không thể gặp vua Ạc-ríp-pa, vì trước đó rất lâu ông đã có thể tìm thấy cách thoát khỏi sự chống cự mà ông gánh chịu.

Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng

#12 Ghi Chép Cẩn Thận

Khi tôi viết điều này, tôi đang ở tuổi năm mươi chín – chuyện này xảy ra sao đây? Nhìn lại, bây giờ tôi nhận ra các thời kỳ đồng vắng của tôi là những khoảng thời gian tăng trưởng nhiều nhất trong cuộc đời tôi, dù lúc đó tôi cảm thấy như thể mình đang sa sút, chứ không tiến bộ. Đó là lý do người bạn xưa của chúng ta là ông Gióp đã nói, “Nhưng Chúa biết con đường tôi đi, khi Ngài rèn luyện tôi, tôi sẽ ra như vàng.” (Gióp 23:10).

Thành thật thì tôi ước lượng chín mươi chín phần trăm những gì tôi viết trong hai mươi cuốn sách mà tôi học được, không phải trong những thời điểm có dư dật mọi thứ, mà trong những thời điểm khô hạn ở đồng vắng. Vì thế lời khuyên của tôi cho bạn – hãy ghi chép hết lại khi bạn ở trong đồng vắng! Điều bạn học trong những thời kỳ này sẽ trở thành sức mạnh lớn lao cho những người khác (cả cho bạn lúc về già). Và ai biết được…có thể các kinh nghiệm của bạn sẽ thành một cuốn sách vào một ngày nào đó!

Thưa độc giả, tôi muốn nói tiên tri cho bạn ngay bây giờ! Hãy để ý kỹ điều tôi nói: Trong thời điểm của Chúa, Ngài sẽ làm điều gì đó phi thường trong đời sống bạn và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của những người khác, tức là nếu bạn để Ngài hoàn thành mục đích của Ngài cho thời kỳ đồng vắng của bạn. Nhiều người sẽ được ảnh hưởng, và bạn sẽ vui mừng suốt cả cõi đời đời khi bạn thấy kết quả của sự vâng lời của bạn. Thưa độc giả, bạn sẽ trở thành vàng thật : chịu thử luyện, trở nên mạnh mẽ và tinh ròng.

Giê-rê-mi là một nhân vật khác của Kinh Thánh, là người theo đuổi khải tượng từ trời và kết quả của sự vâng lời của ông là ông trải qua nhiều sự bắt bớ cả bằng những lời xúc phạm lẫn những đòn tấn công vào tâm trí. Ngày nọ ông đâm ra mệt mỏi vì chịu bắt bớ và bắt đầu than phiền một chút. Ông nói, “Lạy CHÚA, nếu con biện luận với Ngài, Ngài sẽ thắng. Tuy nhiên, con vẫn xin trình bày lời biện luận. Tại sao người gian ác hưng thịnh? Tại sao người phản phúc lại sống ung dung?” (Giê-rê-mi 12:1).

Chúa không trả lời cách cảm thông, “Nếu con chạy đua với người chạy bộ mà còn mỏi mệt vì họ, thì làm sao đua nổi với ngựa? Nếu con chỉ vững tin trong đất nước trù phú, thì con sẽ ra sao trong rừng rậm sông Giô-đanh?”(Giê-rê-mi 12:5). Nói cách khác, “Giê-rê-mi ơi, nếu con đâm ra mệt mỏi với lính bộ của ma quỷ, thì con sẽ làm gì khi đối diện kỵ binh của quỷ ma?”

Cuộc Chiến Có Nhiều Trận Chiến

Chúng ta phải nhớ rằng nếu không có các trận đánh lớn thì không có các chiến thắng lớn. Thực tế đã trở nên khó khăn hơn cho Giê-rê-mi. Từ chỗ chịu những lời phỉ báng tới chỗ bị ném vào tù, và rồi sau đó ông bị bỏ vào ngục thật và bị bỏ cho chết. Tuy nhiên, cuối cùng Chúa đã giải cứu ông khỏi tất cả các hoạn nạn và những bắt bớ.

Những cuộc chiến mà phần lớn con cái Chúa trong hội thánh ngày nay trải qua là những sự tấn công về tâm trí, không phải sự bắt bớ bỏ tù như Phao-lô trải qua. Chúng ta sẽ làm gì nếu sự kháng cự thay đổi? Những hoạn nạn chúng ta chịu đựng hiện tại sẽ thêm sức cho chúng ta để chúng ta xử lý các trận chiến lớn hơn trong tương lai.

Đồng vắng là một trại huấn luyện cho các cuộc chiến tương lai. Người ta thường đưa các lính tới trại huấn luyện để chuẩn bị họ cho chiến tranh thế nào, thì Chúa cũng đưa những người lính được tuyển mộ vào đồng vắng để chuẩn bị họ cho điều họ được kêu gọi để thực hiện trong việc xây dựng vương quốc của Ngài thể ấy. Những trở ngại lớn nhất mà các người lính phải vượt qua trong trại huấn luyện là những nỗi sợ, những điểm yếu và những sự nản lòng của họ. Tương tự, các trận chiến lớn nhất chúng ta trải nghiệm trong đồng vắng đều nằm trong lĩnh vực hồn.

Một trong những trận chiến lớn nhất chúng ta đối diện là sự nản lòng. Ngày nọ, trong lúc tôi cầu nguyện, Chúa hỏi tôi rằng trái với sự can đảm là điều gì.

Tôi trả lời, “Dạ tất nhiên là sợ hãi.”

Ngài thì thầm, “Đó là sự nản lòng.” Trước đó tôi chưa bao giờ xem “sự nản lòng” theo ánh sáng này! Lời này lập tức cho tôi thấy lý do “tại sao” đằng sau những gì mà Giô-suê được truyền bảo đến tám lần và được Kinh Thánh ghi lại là “hãy mạnh mẽ và can đảm” (Dân 13:20; Phục 31:6, 7, 23; Giô-suê 1:6, 7, 9, 18). Chúa biết đây sẽ là một trong các thử thách lớn nhất. Sự nản lòng xuất hiện trong những kinh nghiệm đồng vắng hay trong những trận chiến chuyển sự tập trung vào bản thân thay vì vào Chúa và sứ mạng của chúng ta.

Mục đích của kẻ thù là khiến bạn tập trung vào bản thân, là việc hắn đã cố làm với Chúa Giê-su trong đồng vắng. Chúa Giê-su đói vì đã không ăn bốn mươi ngày, và ma quỷ đến nói, “Nếu ông là Con Đức Chúa Trời hãy truyền bảo đá này biến thành bánh đi!” (Ma-thi-ơ 4:1-11). Sự cám dỗ là dùng quyền năng của Đức Chúa Trời không theo cách của Đức Chúa Trời để cung cấp cái mà xác thịt của Ngài muốn. Chúng ta phải nhớ rằng khi Chúa ban một ân tứ, thì kèm theo đó là một trách nhiệm nghiêm túc, tức là không sử dụng sai, mà phải dùng như Ngài mong muốn. Đức Chúa Trời đảm bảo rằng các nhu cầu của Chúa Giê-su sẽ được đáp ứng, nhưng phải được thực hiện theo cách của Ngài. Khi ma quỷ rời đi, các thiên sứ tới và phụng sự Chúa Giê-su.

Lần nữa, chúng ta hãy xem điều Chúa Giê-su nói lên quan tới chức vụ của Ngài:

“Vì thế, Đức Giê-su nói: Thật vậy, Ta bảo các người: Con chẳng tự mình làm gì, trừ những việc Con thấy nơi Cha, vì điều nào Cha làm thì Con mới làm!”

(Giăng 5:19)

Hãy để ý từ “thấy.” Chúa Giê-su không làm bất cứ điều gì ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời.

Khi ở trong những thời điểm khô hạn, thì một trong những sự cám dỗ là làm theo cách của chúng ta, thay vì chờ đợi cách của Chúa. Việc làm này có thể là sử dụng quyền năng của Chúa để đạt được điều gì đó trước thời điểm của Ngài. Bạn có tưởng tượng được một người lính trong một trận chiến không chiến đấu theo các mệnh lệnh của cấp trên không? Hậu quả của việc này là bị thiệt hại nghiêm trọng, cả cho người lính lẫn cho những người cùng chiến đấu cùng anh ta. Trong trại huấn luyện cũng như trong tất cả các khóa tập huấn, người lính đó phải học tuân lệnh để anh ta không ngu dại mà mạo hiểm gây nguy hại cho chính anh ta và những người khác trong lúc chiến đấu.

Điều quan trọng là chúng ta đừng quên những gì thiên đàng đã bày tỏ cho chúng ta. Sẽ có những lúc chúng ta nghĩ, Giờ mình đã có câu trả lời rồi! Hay, Giờ mình phải hành động thôi; nếu không làm gì cả, mọi thứ sẽ hỏng hết! Nếu Chúa không nói bất cứ điều gì với bạn, điều đó không có nghĩa là Ngài không nói với bạn! Ý tôi là Chúa tham gia với chúng ta trong nhiều cách. Trong thí dụ này, sứ điệp Ngài đang “truyền thông” với chúng ta là, “Bây giờ con không cần làm bất cứ gì cả.” Trong những tình huống này, chúng ta phải chờ đợi Chúa và đừng thúc ép điều gì cả.

Hãy trông cậy nơi CHÚA, hãy vững lòng và can đảm lên. Phải, hãy trông cậy nơi CHÚA.

(Thi Thiên 27:14).

Nếu chúng ta tập trung vào các nhu cầu của chúng ta mà không tập trung vào Ngài, thì sự nản lòng và sự nặng nề sẽ ập đến. Chúng ta không thể để bị phân tâm và rồi tập trung vào “sự hoạn nạn nhẹ” của chúng ta. Mà chúng ta phải chăm xem vinh quang vô hạn và đời đời đang được thực hiện cho chúng ta trong hoạn nạn đó (2 Cô-rinh-tô 4:17).

Đây là sự vui mừng đã được đặt trước mặt chúng ta và phải chi phối tầm nhìn của chúng ta.

Niềm Vui Đặt Trước Chúng Ta

Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng, vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì.

(Gia-cơ 1:2-4)

Vui mừng là một sức mạnh thuộc linh, mang lại cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng các hoạn nạn và thử thách. Hãy để ý Lời Chúa nói, “Hãy xem tất cả là điều vui mừng,” chứ không nói, “Hãy xem một phần là điều vui mừng và một phần là buồn rầu.” Chúng ta không được pha trộn vui mừng và buồn rầu trong lòng chúng ta. Chúng ta nói theo cách này: Bạn có thể có một dây xích có chín mươi chín mắt xích vui mừng và chỉ một mắt xích buồn rầu. Dây xích đó chỉ có sức mạnh bằng sức mạnh của một mắt xích đó. Nó phải là một trăm phần trăm vui mừng và không có phần buồn rầu thì bạn mới có thể tìm thấy sức mạnh bạn cần cho hoàn cảnh nào đó của mình.

Bạn và tôi biết rằng thật dễ để “xem tất cả là điều vui mừng” khi mỗi lần mọi việc trôi chảy. Nhưng đó không phải là điều phân đoạn này nói. Thời điểm để “xem tất cả là điều vui mừng” là trong thời điểm thử thách- trong đồng vắng, lúc chịu bắt bớ, lúc gặp khó khăn, hoạn nạn và những nghịch cảnh khác. Chúa nói điều này vì Ngài biết rằng “…sự vui mừng của Chúa là sức mạnh của chúng ta.” (Nê-hê-mi 8:10). Sự vui mừng khi ở trong mối quan hệ gần gũi với Ngài chính là sự vui mừng thêm sức cho chúng ta.

Vợ tôi và toàn bộ gia đình – các con trai, các con dâu và các cháu tôi – đều mang lại niềm vui cho tôi! Có những lúc khi tôi xa nhà và tôi lấy tấm hình của gia đình ra xem. Việc này luôn đem lại niềm vui cho lòng tôi và nó cũng thêm sức cho tôi.

Đó là điều Nê-hê-mi nói với đồng bào của ông. Họ đang trải qua một thời điểm khó khăn, vì thế Nê-hê-mi đã kêu gọi, “Đừng buồn rầu vì cớ nghịch cảnh này – hãy nhướng mắt lên Đức Chúa Trời. Vì khi anh chị em đến gần Ngài, thì sự vui mừng sẽ đầy dẫy lòng anh chị em và nó sẽ là sức mạnh cho anh chị em” (Tôi diễn ý).

Sự ngợi khen sẽ khiến bạn chuyển sự tập trung của bạn về Đức Chúa Trời. Giữa những thử thách, thì rất dễ để chúng ta không còn nhìn thấy khả năng của Chúa do những áp lực nặng nề mà chúng ta đang đối diện. Đa-vít đã viết phần lớn các Thi Thiên của ông giữa những lúc thử thách. Qua sự ngợi khen Chúa, ông có thể mạnh mẽ trong những hoàn cảnh thật sự bất lợi.

Trong Ê-sai 61:3, Chúa nói Ngài ban cho chúng ta, “Mão hoa thay vì tro bụi, dầu vui vẻ thay vì than khóc, áo choàng ca ngợi thay vì tinh thần sầu thảm . . .”

Tôi nhớ một thời điểm rất khô hạn khi mà câu Kinh Thánh này rất ý nghĩa đối với tôi. Tôi ở nhà một mình kèm theo sự nặng nề. Tôi lấy Kinh Thánh ra đọc nhưng không thể đọc. Vì thế, tôi bắt đầu cầu nguyện, việc đó thậm chí tệ hơn. Bên trong tôi có thể cảm nhận Thánh Linh đang nói với tôi, “Hãy mở đĩa CD ngợi khen của con ra.” Tôi đến căn phòng có hệ thống âm thanh và mở nhạc ngợi khen Chúa và hát theo. Ngoài ra, tôi còn bắt đầu thử nhảy múa trước mặt Chúa. Lòng tôi quá nặng nề đến nỗi như thể tôi đang nhảy qua nhảy lại. Không cần phải nói, tôi đã tranh chiến rất nhiều.

Khi các bài thánh ca kết thúc, tôi cảm thấy được thôi thúc để làm lại y như lần đầu. Lần thứ hai xong, tôi bắt đầu nghe những lời mà tôi hát. Bất chợt, trong lòng tôi thoáng thấy Chúa Giê-su trên Ngai và tình yêu thương vĩ đại của Ngài. Sự vui mừng bắt đầu dâng trào trong tâm hồn tôi, và tôi bắt đầu nhảy múa tự do. Tôi để ý thấy mắt tôi không còn chú về bản thân tôi nữa mà vào sự vĩ đại của Chúa Giê-su. Trong ba mươi phút tiếp theo, tôi đã hát và nhảy múa và chạy quanh căn nhà nhỏ của chúng tôi giống như một thằng khùng. Gánh nặng đã cất khỏi, sự sống và sức mạnh đã tuôn ra từ nơi tôi, chỗ mà trước đó ba mươi phút chẳng hề có sự sống và sức mạnh gì cả.

Khi tôi ca ngợi Ngài, sự tập trung của tôi hướng trở lại về Ngài. Tôi đã kinh nghiệm điều Ê-sai viết, “Các ngươi sẽ vui mừng múc nước từ giếng cứu rỗi” (Ê-sai 12:3). Và qua sự vui mừng của Chúa, tôi bắt đầu múc sức mạnh từ giếng cứu rỗi.

Sự ngợi khen giúp chúng ta chăm xem vào sự vui mừng đặt trước mặt chúng ta, hơn là vào các hoàn cảnh xung quanh chúng ta.

“Vậy nên, vì chúng ta có cả một đám mây nhân chứng rất lớn bao quanh, hãy vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương, kiên trì chạy trong cuộc đua đã dành sẵn cho mình. Hãy chú tâm, hướng về Đức Giê-su là Đấng Tác Giả và hoàn thành của đức tin. Vì niềm vui mừng đặt trước mặt, Ngài chịu đựng thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, nên được ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời. Hãy suy nghiệm về Đấng đã đương đầu với sự chống đối của những kẻ tội lỗi như thế để anh chị em khỏi mệt mỏi, ngã lòng. Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chống cự chưa đến mức đổ máu. Anh chị em đã quên lời khích lệ mình như lời khuyên con: “Con ơi, đừng xem thường sự sửa trị của Chúa, khi Ngài khiển trách, đừng ngã lòng.”

(Hê-bơ-rơ 12:1-4)

Chúa Giê-su đã chịu đựng thử thách lớn nhất mà bất cứ ai từng hay sẽ phải đối diện bằng cách chăm xem vào sự vui mừng đặt trước mặt Ngài, tức là sự sống lại sau sự đóng đinh. Đó là vinh quang theo sau sự vâng lời chịu khổ của Ngài và cuối cùng là Ngài đem nhiều con trai, con gái vào vương quốc của Ngài – trong đó có bạn và tôi!

Đối với chúng ta là người đi theo bước chân Ngài thì cũng như vậy. Sau sự tự bỏ mình đi và sự đóng đinh xác thịt là sự sống lại. Sau những sự chịu khổ của xác thịt là sự trưởng thành cần thiết để sản sinh mối quan hệ gần gũi hơn với Chúa Giê-su! Sau sự khó khăn trong sa mạc là sự vui mừng lớn lao! Phao-lô viết, “Vì tôi xác nhận rằng những sự đau đớn trong hiện tại không đáng so với sự vinh quang trong tương lai sẽ được bày tỏ cho chúng ta.” (Rô-ma 8:18).

Vinh quang của Chúa sẽ được bày tỏ trong hội thánh trước khi Ngài trở lại. Quy mô của nó sẽ vô cùng lớn lao đến nỗi nó sẽ kéo các thành phố và các nước đến với sự cứu rỗi. Trái đất này sẽ nhìn thấy một sự bày tỏ quyền năng vô cùng lớn lao chưa bao giờ thấy trước đây, nó sẽ được bày tỏ trong những môn đồ của Chúa, là những người đã để Chúa thánh hóa họ. Sự tuôn đổ này của Đức Thánh Linh sẽ dẫn tới mùa gặt lớn lao, không cần sự quảng bá nào của con người. Nó sẽ được quảng bá bởi quyền năng và vinh hiển của Đức Chúa Trời.

“Anh chị em yêu dấu, đừng ngạc nhiên vì sự thử thách đau đớn mà anh chị em phải chịu như là việc khác thường xảy ra cho anh chị em. Nhưng hãy vui mừng vì anh chị em được dự phần vào sự đau khổ của Chúa Cứu Thế, để anh chị em được hân hoan vui mừng hơn khi vinh quang Ngài được bày tỏ.”

(1 Phi-e-rơ 4:12-13).

Sự vui mừng đặt trước mặt chúng ta là gì? Đó là vinh quang của Ngài được bày tỏ trong những con người giữa vòng chúng ta đã chịu khổ do vâng lời Chúa. Hãy để ý là bạn chịu khổ ở mức nào thì bạn sẽ vui mừng ở mức ấy, biết rằng sự chống đối càng lớn thì vinh hiển càng nhiều!

Bỏ Mạng Sống

Thưa độc giả, đừng thôi không đeo đuổi Chúa khi có sự chống đối! Tôi biết rằng Ngài sẽ dẫn bạn vào những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, vì trận chiến càng lớn thì vinh quang cho vương quốc và cho bạn càng lớn. Nhưng trong lúc gặp các cuộc chiến này, hãy luôn giữ sự đảm bảo này phía trước bạn:

Chẳng có cơn cám dỗ nào đã chinh phục anh chị em mà vượt quá sức loài người. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài sẽ không để anh chị em bị cám dỗ quá sức mình, nhưng trong khi bị cám dỗ sẽ mở lối thoát để anh chị em có thể chịu đựng được.

(1 Cô-rinh-tô 10:13)

Dù thử thách hiện ra lù lù như thế nào đi nữa, bạn có quyền năng để vượt qua nó và vượt qua cách thành công và vinh hiển. Còn nếu không, bạn sẽ không đối diện nó và Chúa sẽ không cho phép việc đó.

Nếu bạn yêu mạng sống mình, bạn sẽ bỏ cuộc trong những lúc khó khăn. Bạn sẽ chấm dứt sự đeo đuổi và an phận với lối sống son sẻ.

Khải Huyền 12:11 nói, “Họ đã chiến thắng nó bởi huyết Chiên Con và bởi lời chứng mình; Họ chẳng tham sống sợ chết.”

Những người chỉ quan tâm tới chính mình hơn là ý muốn của Chúa là những người yêu chính mạng sống của mình, và Chúa Giê-su nói, “Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai vì Ta mà mất mạng sống thì sẽ tìm lại được.” (Ma-thi-ơ 16:25).

Cách duy nhất để chịu được những gì phía trước trong tương lai là hãy bỏ đi sự sống của bản thân. Tôi muốn khuyên bạn hãy tiếp tục tấn tới “cho đến khi thần linh từ trên cao được đổ xuống trên chúng ta và sa mạc sẽ trở nên đồng ruộng phì nhiêu; Đồng ruộng phì nhiêu như rừng rậm.” (Ê-sai 32:15).

Đồng vắng không phải là nơi chúng ta dũ bỏ các vũ khí chiến trận của mình và rồi thôi cuộc chiến! Nó là nơi chúng ta phải mạnh mẽ, dạn dĩ và can đảm thực hiện ý muốn của Chúa. Đó là nơi chúng ta phải đầu phục Chúa và kiên cường chống cự ma quỷ.

Nếu bây giờ bạn đang ở trong đồng vắng, Chúa đã đem bạn tới chỗ này để bạn biết trong lòng bạn có gì. Nhiều lần điều mà ban đầu tôi nghĩ là những sự cám dỗ của ma quỷ hoá ra là những lĩnh vực kín giấu trong cuộc đời tôi và tôi cần phó dâng nó cho Chúa.

Khi bạn tiếp tục đeo đuổi phần thưởng từ trời, hãy nhớ lấy những lời này:

Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài luôn luôn dẫn đầu chúng tôi trong cuộc diễn hành chiến thắng trong Chúa Cứu Thế…”

(2 Cô-rinh-tô 2:14)

Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Chúa Cứu Thế? Phải chăng là hoạn nạn, cực khổ, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm hay gươm giáo? Nhưng trong tất cả những điều này chúng ta hoàn toàn chiến thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta.

(Rô-ma 8:35-37)

Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta.

(1 Cô-rinh-tô 15:57)

Đừng từ bỏ sự đeo đuổi Chúa. Đừng bỏ cuộc. Hãy giữ khải tượng Chúa ban cho bạn, dù hoàn cảnh trông thế nào đi nữa.

Có vẻ như việc ông Giô-sép bị quăng vào tù và bị đem xa ở đất khách quê người là một chuyện hoàn toàn đã di vào quên lãng. Có vẻ như cuộc đời của ông đã chấm dứt. Làm sao ông có thể có tương lai? Dù vậy, hãy nhớ “Đối với loài người thì không thể được, nhưng với Đức Chúa Trời thì khác, vì Đức Chúa Trời làm được mọi sự.” (Mác 10:27).

Với bạn cũng vậy – dù hoàn cảnh có khắc nghiệt thế nào, hãy nhớ “Mọi sự đều được cho kẻ nào tin.” (Mác 9:23).

Hãy giữ mắt nơi niềm vui đặt trước mặt bạn, tức là vinh quang sẽ được bày tỏ trong bạn. Điều này sẽ cho bạn sức mạnh để chiến thắng những thử thách mà bạn đối diện. Hãy tiếp tục tìm kiếm Ngài với cả tấm lòng và tin những gì Ngài phán với bạn qua Thánh Linh và qua Lời Ngài. Nếu bạn làm thế thì bạn sẽ kinh nghiệm sự chiến thắng ngay trong đồng vắng.

Nguyện xin Đấng có quyền gìn giữ anh chị em khỏi vấp ngã, trình anh chị em một cách hân hoan và không có gì đáng trách trước sự hiện diện vinh quang của Ngài; là Đức Chúa Trời duy nhất, Đấng cứu rỗi chúng ta qua Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta. Nguyện xin vinh quang, oai nghiêm, năng lực và uy quyền đều thuộc về Ngài từ trước mọi thời đại, hiện tại và cho đến đời đời. A-men.

(Giu-đe 24-25)