1 “NGÀI Ở ĐÂU?”

Chúa ơi, Ngài Ở Đâu ?!

Đăng vào: 5 tháng trước

.

1

“NGÀI Ở ĐÂU?”

Khi chúng ta trải qua sự khô hạn và cô độc một cách bình thản, chúng ta chứng tỏ là chúng ta yêu Chúa; và khi Ngài thăm viếng chúng ta bằng sự hiện diện ngọt ngào của Ngài, Chúa làm chứng minh cho chúng ta rằng Ngài yêu chúng ta.

– Madame Guyon.

“Kìa, tôi đi tới trước, nhưng Ngài không có ở đó, tôi đi lui về phía sau, cũng chẳng thấy Ngài. Ngài làm việc bên tả, tôi cũng không gặp Ngài. Ngài quay sang bên hữu, tôi cũng chẳng thấy được Ngài.”

– Gióp 23:8-9

Tôi giận dỗi mọi người. Nhưng hoàn toàn không biết tại sao.

Dường như chẳng có gì trôi chảy cả.

Addison, con trai đầu của chúng tôi, được mười tám tháng tuổi – tôi mất kiên nhẫn với nó.

Tôi la hét vợ tôi Lisa.

Tôi thất vọng với mục sư của mình.

Tôi buồn bực với những người tôi cùng làm việc.

Nếu phải thành thật về việc đó thì tôi cũng thất vọng với Chúa và vấp phạm Ngài nữa. Tôi than van, “Chúa đang làm cái gì vậy?”

“Tại sao Chúa không hành động trong cuộc đời con?” “Sự ứng nghiệm các lời hứa Ngài với con đâu cả rồi?” “Tại sao mọi sự cứ hỏng hết trơn?”

“Tại sao Ngài không thèm nói chuyện với con chứ?”

Hết lần này tới lần khác tôi lẩm bẩm sự than phiền nhàm chán này, “Ngài đâu rồi?”

Bạn đã từng có lúc mà dường như Chúa rất gần và bạn chỉ cần thì thầm Danh Ngài và Ngài có mặt ngay và trả lời ngay lúc đó chưa?

Nhưng rồi cũng có lúc bạn gửi cho Ngài một tin nhắn hết lần này tới lần khác nhưng chẳng có hồi âm. Dường như Ngài đã hoàn toàn biến mất khỏi đời sống bạn. Có thể hiện tại bạn đang ở chỗ đó và câu hỏi bạn muốn la lên trong thinh lặng, cũng là câu tôi đã hỏi, là “Chúa ơi, Ngài ở đâu?”

Tôi đã rơi vào tình trạng đồng vắng, nhưng tôi không biết điều đó. Lúc đó tôi sống tại Dallas, Texas, và nghĩ mình là một môn đồ sốt sắng của Chúa Giê-su. Vì là một cơ đốc nhân non trẻ, tôi nghĩ đó là kinh nghiệm rơi vào tình trạng đồng vắng thực sự đầu tiên của tôi.

Trước khi chuyện này xảy ra, điều duy nhất tôi chỉ biết là kêu lên và Chúa lập tức đáp lại. Tôi nhớ Ngài đã nhanh chóng đáp lời những lời cầu xin bình thường nhất của tôi. Sự hiện diện của Ngài rất gần, tỏ tường và mạnh mẽ. Còn bây giờ, tôi không thể biết chuyện gì đang xảy ra. Hết ngày này sang ngày khác, tôi quỳ gối kêu cầu lớn tiếng, “Chúa ơi, chuyện gì đang xảy ra vậy? Cứ như Ngài đang cách con cả triệu dặm vậy!”

Tôi tra xét lại đời sống mình và hỏi, “Con đã phạm tội lỗi kinh khủng nào vậy?”

Tất nhiên, sự thật là, giống như mọi người trên hành tinh, tôi cũng có phạm tội, nhưng tôi ăn năn ngay và cầu xin Chúa tha thứ. Theo tôi biết thì trong đời sống tôi lúc đó thì tôi không cố ý phạm tội hay cố tình phạm tội liên tục.

“Chúa ơi, tại sao Ngài không nói chuyện với con nữa?” Tôi hỏi Chúa trong những tháng ngày khô hạn như thế.

Chắc chắn tôi không thiêng liêng như ông Gióp, một con người vĩ đại của Kinh Thánh, nhưng tôi cũng có một số phản ứng giống ông. Những lời nói của ông Gióp trước đây vốn xa lạ thì bấy giờ trở nên có ý nghĩa với tôi. Một số câu nói này đã diễn tả rất hay những cảm giác bị bỏ rơi trong đồng vắng:

“Kìa, tôi đi tới trước, nhưng Ngài không ở đó, tôi đi lui về phía sau, cũng chẳng thấy Ngài. Ngài làm việc bên tả, tôi cũng không gặp Ngài, Ngài quay sang bên hữu, tôi cũng chẳng thấy được Ngài.”

– Gióp 23:8-9

Tôi tiếp tục cầu nguyện, nhưng thiên đàng dường như không phản ứng gì.

Rồi Chúa đã chỉ cho tôi thấy đời sống cơ đốc nhân có một số nét giống như sự phát triển của một đứa trẻ. Lúc đó tôi là em bé thuộc linh, nhưng bấy giờ tôi đang di chuyển sang một giai đoạn mới. Lúc đó, tôi có một hình ảnh sờ sờ tuyệt vời ngay trước mắt tôi. Con trai tôi là Addison lúc đó khoảng mười tám tháng tuổi. Lisa là một người mẹ tuyệt vời, khi Addison khóc òa thì vợ tôi lập tức có mặt để lo cho nó. Tức thì, nó được mẹ nó bồng lên, được mẹ nó ôm ấp và vỗ về và rồi cho nó bú.

Nhưng sau đó Addison, như mọi đứa trẻ, cần phải lớn lên thành người lớn. Tất cả bốn con trai của chúng tôi-bốn đứa- đều đến giai đoạn chúng nó tự ăn được. Ôi, thật là một sự bừa bộn – chắc bạn cũng đã biết rồi! Mấy đứa trẻ này có ăn thật, nhưng chúng làm thức ăn văng tứ tung và khắp sàn nhà.

Những đứa trẻ rất bực bội khi bạn không cho chúng ăn như trước đây, nhưng bây giờ việc bạn cần làm là trở thành một người cha, người mẹ có trách nhiệm. Khi các con chúng tôi làm vãi thức ăn khắp nhà, chúng tôi muốn đút cho chúng ăn, nhưng chúng tôi biết làm thế chúng sẽ không lớn được. Chúng tôi để cho các con chúng tôi học trưởng thành. Chắc chắn chúng tôi không muốn phải đút cho chúng ăn cho đến khi chúng đến độ tuổi mười tám.

Khi con cái lớn lên thì việc cha mẹ hỗ trợ con cái phải thay đổi để khuyến khích con cái mình tăng trưởng và phát triển. Chúa cũng làm điều tương tự với chúng ta để chúng ta có thể phát triển và trưởng thành về mặt thuộc linh. Khi chúng ta mới được sinh lại và được đầy dẫy Thánh Linh Ngài, Ngài bày tỏ chính Ngài mỗi lần chúng ta kêu cầu. Nhưng rồi khi thời gian trôi qua – và hy vọng chúng ta đi qua giai đoạn dứt sữa (Hê-bơ-rơ 5:12) – nên để giúp chúng ta lớn lên và trưởng thành, Ngài cho phép chúng ta trải qua những thời điểm mà Ngài không trả lời ngay mỗi khi chúng ta kêu cầu.

Khi Chúa giúp tôi hiểu rằng việc phát triển để trở thành người trưởng thành thuộc linh giống như quá trình mỗi người phải trải qua từ lúc thơ ấu đến khi khôn lớn, tôi bắt đầu suy gẫm và tự nghĩ, Mình đã sai ư? Phải chăng điều mình đang trải qua không phải là hình phạt của Chúa? Có thể mình được dẫn vào đồng vắng để học điều gì đó – để tăng trưởng nhằm giúp mình được trang bị tốt hơn để đi theo và phục vụ Chúa Giê-su?

Rồi tôi nhớ lại đây chính là điều đã xảy ra với Chúa Giê-su. Gần như ngay sau khi Giăng làm báp-tem cho Ngài, và Cha Ngài khen Ngài, Chúa Giê-su được Thánh Linh đưa vào đồng vắng. Không phải vì Ngài bị khiển trách gì cả, và quả hẳn là Chúa Giê-su cũng chẳng hề phạm tội.

Vì thế, trong tâm trạng tự thương hại và giận dữ như thế, ý tưởng này đến với tôi: Vậy, có thể kinh nghiệm đồng vắng này không đáng sợ như mình nghĩ?

Nhận Thức Về Đồng Vắng

Nếu chúng ta muốn giống Chúa Giê-su, thì nhân cách của chúng ta phải phát triển. Và tới một mức độ nào đó, đồng vắng là nơi Chúa chọn để điều này xảy ra. Và thường đang khi chúng ta rơi vào đó, Chúa dường như cách xa hàng ngàn dặm và các lời hứa của Ngài dường như trống rỗng. Nhưng đó chỉ là cảm nhận, không phải là thực tế. Trong lẽ thật, Ngài ở rất gần, vì Ngài đã hứa không bao giờ lìa bỏ chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:5).

Đồng vắng là giai đoạn khi bạn có vẻ như đang đi theo hướng ngược với ước mơ và lời hứa bạn đã từng chắc chắn là Chúa sắp đặt cho bạn. Trong đồng vắng bạn không cảm thấy sự tăng trưởng và phát triển thuộc linh. Thật ra, có thể bạn cảm thấy mình đang đi giật lùi. Sự hiện diện của Ngài dường như giảm sút thay vì gia tăng. Bạn thậm chí cảm thấy không được Chúa yêu và bị bỏ lơ. Nhưng không phải thế.

Quả thật, đồng vắng là một kinh nghiệm phổ biến cho các môn đồ thật của Chúa – cho dù khi bạn rơi vào đó, bạn có thể cảm thấy rất cô độc. Sự thật đó là đồng vắng là một kinh nghiệm cần thiết cho mỗi con cái Chúa. Đúng vậy, để tăng trưởng đến sự trưởng thành lành mạnh thành một môn đồ của Chúa, bạn sẽ phải trải qua những hành trình xuyên qua đồng vắng.

Tôi ước gì tôi có thể chỉ cho bạn rằng bạn có thể chọn đường đi theo Google Map, chỉ cho bạn con đường tắt hay đi đường lòng vòng qua đồng vắng khô cạn này, nhưng thực tế chẳng có con đường nào như thế cả. Và thưa độc giả, điều đó là tốt, vì chặng đường đi qua đồng vắng – chúng ta chấp nhận thời điểm hay giai đoạn này – là cần thiết nếu chúng ta muốn bước vào xứ hứa!

Vậy Đồng Vắng Là Cái Gì?

May quá, phần lớn trong chúng ta chưa ai phải sống ở đồng vắng thật sự, một cái sa mạc khan hiếm nước và không tìm thấy bóng mát. Ban ngày thì nóng, còn ban đêm thì lạnh, và chúng ta thì cô độc, vừa khát vừa đói. Tệ hơn nữa, chúng ta đã bị lạc lối và không biết cách nào thoát ra. Có thể cơ đốc nhân chưa trải qua kinh nghiệm đó, nhưng chúng ta đều đã có những cảm xúc đồng vắng. Trong sách này, tôi sẽ chia sẻ một số biến cố chính từ những kinh nghiệm đồng vắng của tôi – tôi đã trải qua một số kinh nghiệm đồng vắng, và không có một trải nghiệm nào trong đó mà giống như chuyến đi dã ngoại cả!

Tin mừng là đồng vắng không nhất thiết là một giai đoạn tiêu cực nếu chúng ta khao khát vâng lời Chúa. Tôi biết điều này nghe có vẻ lạ, nhưng đồng vắng có mục đích rất tích cực: để huấn luyện, để thánh hoá, để củng cố và để chuẩn bị chúng ta cho sự vận hành tươi mới của Thánh Linh, kết quả là chúng ta trở nên kết quả hơn.

Nhưng vô tình là khi trải qua kinh nghiệm đồng vắng, nhiều tín đồ hoang mang và hành xử thiếu khôn ngoan. Do không hiểu biết, họ tìm kiếm sai mục đích và làm nhiều chuyện sai trật. Một ví dụ thực tế đó là một sự thay đổi đột ngột trong nghề nghiệp hay một sự thay đổi hội thánh – hay bất kỳ sự biến chuyển nào mà họ nghĩ sẽ mang lại hạnh phúc và trở lại cuộc sống bình thường. Đối với một người độc thân, đó có thể là bước vào một mối quan hệ mới sau khi có sự chia tay đau đớn trước đó.

Nếu bạn tìm kiếm một lối thoát trước khi hiểu tại sao Chúa đặt bạn trong một hoàn cảnh khô hạn nào đó, bạn sẽ vô tình kéo dài thời gian đồng vắng của mình. Việc này có thể gây ra thêm sự khó khăn, sự thất vọng và thậm chí là sự thất bại, vì bạn không hiểu thời kỳ hay địa điểm mà Chúa đã dẫn bạn tới.

Điều này đúng với dân Y-sơ-ra-ên trong bốn mươi năm đồng vắng của họ. Do thiếu hiểu biết về những gì đang xảy ra cho họ đã khiến cả một thế hệ không xứng đáng để hưởng Xứ Hứa. Thật là một thảm kịch! Mục đích của Chúa trong việc dẫn họ vào đồng vắng là để thử thách, huấn luyện và trang bị họ để họ trở thành các dũng sĩ mạnh mẽ có khả năng đánh thắng và chiếm hữu lời hứa của Chúa – một quê hương mới. Nhưng thay vào đó dân Y-sơ-ra-ên đã nhận thức sai lầm rằng đồng vắng là một hình phạt; vì thế họ than phiền, lằm bằm và ham muốn đủ điều.

Khi đến thời điểm để họ ra khỏi đồng vắng và chinh phục Xứ Hứa, sau khi các thám tử trở về và đưa ra lời báo cáo do thám, thì dân sự lại chú ý đến báo cáo xấu của những người hay than phiền và lằm bằm. Đứng trước việc chọn lựa giữa các lời hứa và khả năng của Chúa với quan điểm cùng sự bất lực của con người, họ đã chọn tin con người hơn là Đức Chúa Trời. Họ đã bị thuyết phục bởi những lời nói dối rằng họ sẽ chuốt lấy thất bại và không nhận xứ đượm sữa và mật. Chính việc thiếu hiểu biết về bản chất và phẩm tính của Chúa đã khiến họ hành động một cách xấu xa.

Nên Chúa đã phán rất nhiều lần, “Thôi được, cứ làm theo ý các ngươi đi.” Sự việc đáng lý chỉ là một hành trình ngắn ngủi ngang qua đồng vắng chỉ mất một năm đã trở thành một kinh nghiệm cả đời.

Thôi rồi! Bạn và tôi không muốn một quyết định như thế ghi trong lý lịch của chúng ta! Nhưng chúng ta có thể học từ các sai lầm của dân Y-sơ-ra-ên, như sứ đồ Phao-lô chỉ ra: “Những điều này đã xảy ra cho họ như là một bài học và cũng được ghi chép lại để làm gương cảnh báo chúng ta, là những người sống vào thời đại cuối cùng này.” (1 Cô-rinh-tô 10:11).

Nếu chúng ta có thể học để nhận biết khi nào chúng ta bước vào kinh nghiệm đồng vắng, thay vì trách móc và than phiền, chúng ta hãy biết ơn, vì biết rằng vượt qua nơi này là đến “xứ hứa” của sự trưởng thành, của quyền năng, của các phước hạnh, của những cơ hội và lời hứa được ứng nghiệm. Như thế sẽ làm cho thời điểm khó khăn đó trở nên bớt khó khăn hơn sao? Lúc đó chúng ta sẽ đồng ý với Gia-cơ, khi ông viết:

Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng… kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì.

(Gia-cơ 1:2, 4)

Trải Nghiệm Đồng Vắng Có Phải Là Do Tôi Sai Phạm Không?

Câu hỏi hay đấy!

Khi rơi vào thời kỳ đồng vắng, việc chúng ta thắc mắc, “Mình đã làm gì sai? Mình đã làm thế nào mà Chúa không hài lòng?” là điều dễ hiểu. Đây là một hiểu lầm về mục đích của đồng vắng.

Trong Kinh Thánh và xuyên suốt lịch sử, những người nam và người nữ đã xem đồng vắng là thời điểm chuẩn bị cho ơn gọi của họ trong Chúa. Vì thế đồng vắng không phải là sự khước từ của Chúa mà là nơi mà Ngài chuẩn bị.

Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng

#1: Hiểu Biết Thời Điểm của Bạn

Phần lớn chúng ta ngạc nhiên khi đối diện đồng vắng. Chúa quá tốt lành và chúng ta rất quen với các phước hạnh, sự hiện diện và lời hứa của Ngài. Chúng ta không hề nghĩ những thời gian phước lành này sẽ ngưng. Nhưng rồi một ngày nọ, chúng ta nhận ra có điều gì đó đã thay đổi. Vì thế, thay vì hoảng loạn, điều quan trọng là dừng lại và quan sát. Bạn cần hiểu bạn đang trải qua điều gì, vì nếu bạn không hiểu giai đoạn nào bạn rơi vào và bạn hiện đang ở đâu, thì bạn sẽ phản ứng không đúng. Nó giống như việc thay đổi từ vùng khí hậu Nam Florida tới Bắc Canada. Khi mùa đông đến và nhiệt độ hạ xuống mức âm, thì điều tốt là bạn cần biết mình ở đâu, còn không bạn ra ngoài đường mà không mặc áo lạnh!

Điều tương tự áp dụng trong kinh nghiệm đồng vắng. Nếu bạn không chú ý tới các tín hiệu mình đang ở đồng vắng khô hạn, bạn sẽ trải qua thất vọng và thậm chí phạm một sai lầm đắt giá. Trong Cựu Ước chúng ta đọc thấy các con trai của chi phái Y-sa-ca, là những người “hiểu biết thời thế, biết dân Y-sơ-ra-ên phải làm gì.” (1 Sử Ký 12:32).

Khi bạn hiểu thời điểm của mình trong đồng vắng, bạn cũng cần phải biết cần làm những gì.

Tôi tin có thể là do hậu quả của những quyết định tồi tệ mà một người rơi vào cuộc sống đồng vắng. Sự thật thì dù chúng ta giống Chúa Giê-su đến mức nào đi nữa, chúng ta vẫn phải xứ lý tội lỗi và có thể phạm sai lầm. Vì thế, một quyết định tồi tệ hay một loạt những lựa chọn không hay có thể khiến chúng ta gặp khó khăn.

Nhưng đây là sự thật của vấn đề: Chúng ta có một Đức Chúa Trời hay tha thứ và một thầy Thượng Tế vĩ đại, là Đấng hiểu những yếu đuối của chúng ta. Vì thế, bước đầu tiên để thoát ra những khó khăn này, hay tìm được lối thoát ra khỏi cái đồng vắng mà mình tạo ra, là hãy đến với Cha yêu thương của chúng ta và nói, “Cha ơi, con đã phạm tội


(điền vào chỗ trống). Làm ơn hãy tha thứ cho con. Con ăn năn tội lỗi của mình và bởi ân sủng của Ngài, con sẽ sống khác đi.”

Điều tôi muốn nói là dù đời sống bạn đang ở trong đồng vắng do một số lỗi lầm nào đó, hãy trở lại làm hòa với Chúa và để Ngài hoàn tất những gì Ngài muốn dạy dỗ bạn và hãy tiến tới – mong ước ra khỏi đồng vắng càng sớm càng tốt. Tất nhiên, thời điểm tùy thuộc ở Ngài; tác giả Thi Thiên viết, “Cuộc đời [thời điểm] tôi ở trong tay Ngài.” (Thi Thiên 31:15). Dù đã nói hết ở trên, thì cũng có khả năng bạn ở trong đồng vắng vì đó chính là nơi Chúa muốn bạn ở bây giờ. Bạn không phạm một sai lầm nào để khiến bạn rơi vào chỗ khó khăn này. Tôi biết ở một mức độ nào đó thì vị trí này khiến cho kinh nghiệm đó càng khó đối phó hơn. Đó là một trong những lý do chính tôi viết sách này – để giúp bạn hiểu quan điểm của Chúa về đồng vắng và Ngài muốn dùng nó để giúp chúng ta tăng trưởng và trở nên giống Chúa Giê-su càng hơn!

Một điểm nữa cần hiểu rõ là Chúa không đem bạn vào đồng vắng để bỏ mặc bạn cho các mưu kế của satan và quên bạn luôn. Trước khi dân Y-sơ-ra-ên thuộc thế hệ Xuất Ai-cập được phép vào xứ hứa, Chúa nhắc họ:

“Phải nhớ rằng trong bốn mươi năm CHÚA, Đức Chúa Trời anh chị em đã dẫn anh chị em băng qua sa mạc; cho anh chị em gặp bao nhiêu gian nan để thử lòng anh chị em, xem anh chị em có vâng giữ các điều răn của Ngài không.”

(Phục Truyền 8:2)

Dù dân Y-sơ-ra-ên đã thật sự phạm sai lầm và đã ở quá lâu trong đồng vắng do sự ngu dại, sự vô ơn và sự nổi loạn của họ – Chúa khiến tất cả những điều đó thành điều tốt đẹp! Đó là việc Chúa làm – tôi rất vui! Bạn có vui không?

Đừng bị lừa dối – Chúa không ngừng làm việc trong đời sống chúng ta chỉ vì chúng ta ở trong đồng vắng. Ngài dẫn chúng ta qua đồng vắng, nếu không có Ngài chúng ta không bao giờ có thể vượt qua kinh nghiệm này. Hơn thế nữa, đây là không phải là nơi mà chúng ta được đem cất vào kho cho tới khi Ngài muốn dùng chúng ta. Đó không phải là cách mà Chúa là Đấng đầy lòng trắc ẩn đã làm. Ngược lại, đó là nơi và là thời điểm mà Ngài làm việc cách quyền năng.

Có thể bạn quen thuộc với thành ngữ “Thấy cây mà không thấy rừng.” Ồ, đồng vắng gần như cũng như vậy – thật khó để nhìn thấy Chúa hành động khi bạn rơi vào kinh nghiệm đồng vắng.

Lẽ thật quan trọng này phải được diễn giải cách rõ ràng: đồng vắng không phải là một nơi thất bại, ít nhất là đối với những ai vâng lời Chúa. Chúa Giê-su mất sức vì đói, không có ai để bám víu hay không ai để khích lệ, không có sự an ủi nào hay sự bày tỏ siêu nhiên trong bốn mươi ngày, đã bị ma quỷ tấn công trong đồng vắng. Nhưng Chúa Giê-su đã đánh bại hắn bằng Lời Đức Chúa Trời! Đồng vắng không phải là thời điểm con cái Chúa bị đánh bại: “Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài luôn luôn dẫn đầu chúng tôi trong cuộc diễn hành chiến thắng trong Chúa Cứu Thế…” (2 Cô 2:14).

Khi dân Y-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng, họ bị các nước lân bang xách nhiễu. Chúa bảo dân Y-sơ-ra-ên chiến đấu chống trả. Dân Y-sơ-ra-ên đã đánh bại dân A-mô-rít (Dân 21:21-25), dân Ma-đi-an (Dân 31:1-11) và dân Ba-san (Dân 21:33-35). Nếu mục đích của Chúa là để họ trải qua thất bại, thì Ngài đã không bảo họ hãy giữ vững vị trí của họ. Dù kinh nghiệm đó không được định là giai đoạn thất bại, nhưng phần lớn trong số họ đã chết mà không vào được Xứ Hứa. Đây không phải là cách Chúa mong muốn, nhưng đó là hậu quả của sự không vâng lời của họ.

Tôi hy vọng điều này sẽ trấn an lòng bạn rằng lý do đằng sau kinh nghiệm đồng vắng không phải là sự phản đối hay hình phạt của Chúa. Đó cũng không phải là chỗ mà Chúa bỏ rơi bạn và quên lãng bạn. Đó cũng chẳng phải nơi chúng ta buông xuôi và chấp nhận thất bại!

Chúa Đang Làm Điều Tốt Đẹp!

Đồng vắng không phải là thời điểm để tìm kiếm các dấu hiệu, các phước hạnh, tìm kiếm đời sống sung mãn hay điều gì đó lạ lùng, mà là thời điểm để tìm kiếm tấm lòng của Chúa, để qua đó sản sinh ra phẩm cách và sức mạnh trong bạn. Đó là thời gian để duy trì khải tượng. Còn nếu không có cái nhìn rõ ràng về lời hứa của Chúa trong lòng, thì thời điểm này sẽ gây ra sự nản lòng và nuôi dưỡng sự than phiền.

Nếu bạn hiểu được bạn đang ở vị trí nào trong cuộc sống, thì bạn sẽ có cái nhìn đúng về đời sống bạn. Sau đó bạn nhìn thấy cánh tay của Chúa, thậm chí bạn không cảm thấy sự đụng chạm của Ngài. Đây là lúc tình yêu của bạn dành cho Ngài sẽ đạt đến sự trưởng thành, vượt trên kinh nghiệm “Ngài sẽ làm gì để chúc phước cho tôi đây?” và tiến tới chỗ “Ngài mong gì nơi tôi?”

Từ đầu tôi đã nói đến nỗi thất vọng mà ông Gióp ngày xưa đã thể hiện, đó là cách ông không hiểu hết những gì Chúa đang làm. Dù ông xoay qua phía nào, ông cũng không tìm thấy Chúa! Nếu đó là kết cuộc của việc dò tìm của ông Gióp thì hậu quả là ông sẽ thất vọng vô cùng. Nhưng ông Gióp đã không rơi vào nỗi thất vọng mà ông lại nói ra những lời đầy đức tin và hy vọng này:

“Nhưng Chúa biết con đường tôi đi, khi Ngài rèn luyện tôi, tôi sẽ ra như vàng.”

(Gióp 23:10).

Thật là một cái nhìn bức phá! Dù chúng ta cảm thấy khó mà biết được hết Chúa sẽ đem chúng ta tới đâu, nhưng Chúa thì biết hết rồi. Chúng ta có thể tin cậy Ngài hoàn toàn, bởi vì như sứ đồ Phao-lô viết, “Tôi tin chắc điều này, Đấng đã bắt đầu làm một việc tốt lành trong anh chị em cũng sẽ hoàn thành việc đó cho đến ngày của Chúa Cứu Thế Giê-su.” (Phi-líp 1:6).

Và chúng ta biết đó là lẽ thật…ngay cả khi ở trong đồng vắng.