5 - RƯỢU MỚI

Chúa ơi, Ngài Ở Đâu ?!

Đăng vào: 5 tháng trước

.

5

RƯỢU MỚI

Nguyện chúng ta là những cái bình chứa Rượu Mới của Ngài để làm mới mọi sự.

– Ephrem the Syrian

Đừng nhớ đến những việc trước kia, cũng không nên suy nghĩ đến những điều xưa cũ. Này, Ta đang làm một điều mới. Bây giờ nó đang xuất hiện, các ngươi không nhận thấy sao? Phải, Ta sẽ làm một con đường trong sa mạc, tạo các sông nơi đồng hoang.

– Ê-sai 43:18-19

Để biết Chúa cách thân mật hơn, chúng ta phải chào đón sự thay đổi. Để kinh nghiệm sự thay đổi đó thì không có địa điểm nào tốt hơn là đồng vắng. Tại đây, trong cái tưởng chừng là nơi khô hạn nhất, bị bỏ hoang nhất, chúng ta sẽ chứng kiến một sự vận hành tươi mới của Đức Thánh Linh.

Câu hỏi mà nhiều người tranh chiến là: Để đem đến sự thay đổi tại sao phải cần những lúc khó khăn hay khô hạn cơ chứ? Sự thảo luận của chúng ta trong chương này sẽ đưa ra một hiểu biết mới.

Cách đây một thời gian, sau khi tôi trải qua hành trình đồng vắng tám tháng khó khăn, tôi được chọn để lãnh đạo một chức vụ thanh niên (vâng, đó là vài năm trước!) Lúc đó, hội thánh này tại Florida là một trong các hội thánh tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, nên tôi hơi choáng vì trước đó tôi không có kinh nghiệm làm mục sư thanh niên. Nhưng tôi biết Chúa sai tôi, và nếu tôi sốt sắng tìm kiếm Ngài thì mọi việc sẽ tốt.

Mục vụ thanh niên này được xây dựng trên kiểu mẫu truyền thống là cung cấp cho các thanh niên rất nhiều hoạt động hay. Buồn thay, nhiều trong số các bạn thiếu niên không tăng trưởng thuộc linh. Nhiều em có lối sống buông thả. Vì thế, khi tôi đảm trách, tôi cảm nhận Thánh Linh nói với tôi, “Sứ điệp của con phải nói về sự ăn năn, thánh khiết, sự vâng lời và sự cai trị của Ta.” Vì thế đó là điều mà tôi giảng dạy, và cuối cùng tâm tính của nhóm đã thay đổi đáng kể.

Những kết quả thật kỳ diệu. Số thanh niên tăng lên gấp ba chỉ trong vài tháng. Các thành viên băng đảng, các thành viên theo tà giáo và các thanh niên xa cách Chúa đều đến tin nhận Chúa Giê-su với một tốc độ nhanh chóng. Rất nhiều bạn thanh niên sa ngã của nhóm trước đó đã được nóng cháy. Tất cả chúng tôi yêu thích sự hiện diện của Chúa và tăng trưởng nhiều hơn trong tình yêu với Ngài. Chúa đã ban phước cho chúng tôi và các nỗ lực của chúng tôi nhiều vô cùng.

Tôi cho rằng tôi đã qua các thời kỳ đồng vắng vì tôi vừa mới ra khỏi kinh nghiệm đồng vắng đầu tiên của tôi tại Dallas. Bấy giờ, tôi đang ở trong sự kêu gọi của mình để giảng tin lành. Tôi suy nghĩ như thế vì Chúa Giê-su chỉ trải qua một đồng vắng, thì với tôi cũng sẽ như vậy. Tôi đã lầm to. Về sự thánh hoá và thêm sức thì vẫn còn có nhiều điều dành cho tôi, và còn nhiều điều cần học về thời kỳ đồng vắng. Và đồng vắng tiếp theo mà tôi sẽ trải qua sẽ khiến cho mười tám tháng trước đó giống như “cưỡi ngựa xem hoa” vậy.

Thánh Linh ban cho nhóm lãnh đạo thanh niên của chúng tôi rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Đây là điều xảy ra khi rượu mới từ thiên đàng được ban cho, khi chúng ta được “Đức Chúa Trời sai đi” sau thời kỳ chuẩn bị trong đồng vắng. Ngài chỉ cho chúng ta cách để trở nên hiệu quả như Môi-se, Đa-vít, Giô-sép và nhiều người khác.

Sự tăng trưởng mà chúng tôi đã kinh nghiệm với thanh niên của mình quả thực là siêu nhiên. Nhưng trong lúc thành công như thế, tôi cảm nhận một gánh nặng, không chỉ cho nhóm thanh niên của chúng tôi. Tôi cảm thấy chúng tôi phải hướng đến tất cả các thanh niên ở trung tâm Florida. Vì thế, trong sự cầu nguyện ý tưởng này đã xuất hiện, Nếu lên sóng buổi nhóm thanh niên trên truyền hình thì sao nhỉ? Thời đó – giữa những năm 1980 – đó là cách tốt nhất để hướng đến nhiều người. Thời điểm đó không có internet, mạng xã hội, YouTube, hay điện thoại thông minh – chẳng có mấy thứ này. Tôi phát hiện có một đài truyền hình địa phương có ảnh hưởng lớn, có bốn triệu khán giả theo dõi tiềm năng. Thật kỳ diệu, trạm này có suất 10 giờ tối mở vào tối thứ bảy. Tôi biết đây sẽ là thời điểm tốt để thu hút các bạn thiếu niên.

Tôi trình bày ý tưởng với mục sư quản nhiệm của chúng tôi và ông nói chúng tôi không có ngân sách cho việc này. Vì thế tôi hỏi ông liệu tôi có thể thách thức các bạn trẻ của mình quyên tiền để tài trợ chương trình TV hay không. Ông cho phép chúng tôi làm, nên tôi đã trình bày khải tượng cho các thanh niên về cách chúng tôi có thể hướng đến các bạn trẻ khắp khu vực trung tâm Florida, những con người đang nghiện ma tuý, say xỉn hay gặp những nan đề khác. Các em trong nhóm thanh niên đã nắm bắt khải tượng, và với thu nhập của các em từ việc bán báo, giao đồ ăn nhanh, việc bán lẻ và làm nhiều nghề bán thời gian khác, chúng tôi đã gây đủ quỹ để tiếp tục phát trên trạm truyền hình đó mỗi tối thứ Bảy.

Mục sư quản nhiệm của chúng tôi kinh ngạc và nhận thấy Chúa đang làm việc. Đây là kết quả của rượu mới – có ai đã từng nghe về nhóm thanh niên hội thánh lên sóng ti vi 10 giờ mỗi tối thứ Bảy chưa? Nhưng chuyện này có thật đó! Chúng tôi nhìn thấy ngay một mùa gặt bội thu về các linh hồn, những người này có thể đã không nghe được tin lành nếu chúng tôi không chấp nhận “rượu mới.” Nhiều năm sau khi tôi rời khỏi vị trí mục sư thanh niên, tôi nghe những lời làm chứng về những cuộc đời được thay đổi từ chương trình truyền hình mà chúng tôi gọi là Youth Aflame.

Thay Đổi Là Tốt

Chúng ta hãy trở lại nhóm thanh niên một chút. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy xác định xem rượu mới là gì và tại sao nó quan trọng.

Sự thay đổi mà Chúa đẩy chúng ta hướng tới thường là không dễ dàng, nhưng nó vẫn luôn tốt lành và mang lại kết quả. Thường thì chúng ta kháng cự lại sự thay đổi bởi vì nó ảnh hưởng đến lối sống an nhàn của chúng ta. Chắc chắn chúng ta là những sinh vật có thói quen. Một khi các thói quen này được hình thành, thì việc điều chỉnh nó sẽ gây khó chịu. Nhưng để hiệu quả hơn trong việc xây dựng vương quốc Chúa, chúng ta phải mở ra với sự thay đổi.

Nếu chúng ta được nuôi dưỡng trong một gia đình tin kính, thì những sự thực hành đức tin, những phương pháp và những truyền thống của chúng ta được hình thành từ ban đầu và ăn sâu trong chúng ta. Không phải tất cả truyền thống đều là sai, nhưng khi người ta chỉ đáp ứng từ truyền thống, chứ không phải từ tấm lòng thì những sự bày tỏ đức tin trở thành những thủ tục tôn giáo, không có sự sống.

Thật ra, những thông lệ như thế có thể trở thành một đồn lũy tôn giáo. Một người có vẻ sùng đạo nhưng cũng có thể là người chỉ có hình thức tin kính bề ngoài, cố nắm chặt những gì Chúa đã làm ở quá khứ nhưng đồng thời chống lại những gì Chúa đang làm ở hiện tại.

Những người Pha-ri-si và các lãnh đạo tôn giáo khác trong thời Chúa Giê-su đã bày tỏ hành vi kiểu này. Họ khoe khoang mình là con cái của Áp-ra-ham, con cái của giao ước và là môn đồ của Môi-se. Họ giữ chặt những gì Chúa đã làm, nhưng chống cự lại Con của Đức Chúa Trời, Đấng đang ngự giữa vòng họ. Họ sốt sắng về những truyền thống thờ phượng của họ, nên họ phản đối khi Chúa Giê-su đến, thách thức tất cả lĩnh vực nào mà họ cảm thấy an nhàn và ổn định. Chúa Giê-su nói rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ không vừa với cái khuôn của họ…mà họ đã giam Ngài trong đó. Họ đã chống lại sự thay đổi và cố bám giữ những truyền thống của họ.

Người mà chỉ sùng đạo thôi sẽ nuôi dưỡng thái độ trịch thượng- “Chúa sẽ chỉ vận hành qua giáo hội chúng tôi và chỉ trong khuôn khổ của chúng tôi mà thôi” – hậu quả là nó dẫn tới sự thành kiến, và cuối cùng là sự thù ghét và sự phản bội nếu không ăn năn. Đây chính là điều đã xảy ra vào thời của Chúa Giê-su và cũng đã xảy ra suốt dòng lịch sử của hội thánh.

Để thay đổi và chuyển dịch từ cấp độ đức tin và vinh hiển này đến cấp độ tiếp theo, chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ chỗ an nhàn và đeo đuổi con đường mà Thánh Linh dẫn dắt chúng ta. Con đường này thường sẽ dẫn chúng ta qua kinh nghiệm đồng vắng, tại đó Chúa sẽ khiến cho sự sống mới tuôn tràn.

Cách thức này thấy rõ trong cuộc đời của Giăng Báp-tít. Cha ông là thầy tế lễ – xưa kia là thầy thượng tế. Con đường nghề nghiệp của Giăng là sẽ trở thành thầy tế lễ như cha ông. Ông phải đi học tại Giê-ru-sa-lem và học để trở thành một thầy tế lễ dưới sự dạy dỗ của một giáo sư nổi tiếng là Ga-ma-li-ên. Nhưng một ngày kia Thánh Linh của Chúa bắt đầu gọi Giăng vào đồng vắng. Giăng càng cầu nguyện, thì sự thôi thúc trong ông để đi tới đồng vắng càng mạnh. Tôi chắc chắn một sự xung đột dấy lên trong ông và có thể ông đã có những suy nghĩ như thế này:

Tất cả những người bạn mà mình cùng lớn lên đều đi học “Trường Kinh Thánh.” Họ sẽ có bằng cấp và được công nhận là các nhà lãnh đạo.

Họ sẽ được thụ phong và có khả năng được giảng dạy trong mỗi nhà hội trong nước. Họ sẽ nghĩ gì về mình đây ta? Mình sẽ làm thành ơn gọi của mình thế nào nếu mình không đi học “Trường Kinh Thánh” đây?

Mình biết là mình có sự kêu gọi trong cuộc đời mình. Cha mình bảo là có một thiên sứ loan báo về việc mình sinh ra và bảo ông rằng mình sẽ là một người hầu việc Chúa. Nhưng nếu mình đi vào đồng vắng, thì sẽ không ai biết tên tuổi mình là ai. Mình sẽ không bao giờ được mời để giảng dạy.

Tuy nhiên, với tiếng gọi cháy bỏng để bước vào đồng vắng, Giăng đã gạt những câu hỏi đang tấn công tâm trí của ông qua một bên và quyết định đi theo Thánh Linh bước vào đồng vắng. Chúng ta đọc về ông, “Con trẻ lớn lên, tâm linh càng mạnh mẽ, sống trong đồng hoang cho đến ngày xuất hiện trước dân Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 1:80). Thật lý thú khi thấy Giăng bắt đầu sự huấn luyện trong sa mạc từ lúc nhỏ và để nhiều năm chuẩn bị cho chức vụ chỉ kéo dài sáu tháng. Nhưng Chúa Giê-su đã nói ông là tiên tri vĩ đại nhất mà một người nữ từng sinh ra.

Kinh Thánh không nói về quãng thời gian, số lần ông vào đồng vắng và hoàn cảnh nào làm cho ông kiệt sức. Lu-ca 3:2 chỉ nói, “An-ne và Cai-pha, làm trưởng tế, có lời Đức Chúa Trời phán bảo Giăng, con trai Xa-cha-ri, trong đồng hoang.” Thật lý thú khi thấy trong lúc An-ne và Cai-phe đang phục vụ trong một hệ thống tôn giáo lộn xộn, thì một cái bình mới đang được hình thành ngay tại nơi hoang mạc và khô cằn. Đây là nơi rượu mới sẽ được khải thị.

Chúa đã chuẩn bị Giăng Báp-tít trong đồng vắng, không phải trong “Trường Kinh Thánh” lẫy lừng tên tuổi nào đó vào thời của ông! Nhiều đám đông rất lớn từ khắp miền Giu-đe cho tới Giê-ru-sa-em đã tới để nghe Giăng giảng về Lời Chúa trong đồng vắng. Một sự vận hành tươi mới của Thánh Linh sắp sửa phát nổ – rượu mới đang được khai phóng, nhưng ở đồng vắng, chứ không phải trong các ngôi giáo đường. Những người nào chán ngán với thái độ giả hình và với các truyền thống tôn giáo đã tìm đến chỗ Giăng Báp-tít ở với tấm lòng sẵn sàng để được thay đổi nhằm chuẩn bị cho sự hiện ra của Con Đức Chúa Trời.

Sau biến cố này một thời gian ngắn, Chúa Giê-su đến để chịu Giăng làm báp-tem tại sông Giô-đanh. Dù Giăng cảm thấy không xứng đáng để làm báp-tem cho Ngài, nhưng Chúa Giê-su vẫn cương quyết. Thật cần thiết cho chức vụ của Chúa Giê-su là phải đến từ những gì Thánh Linh đang làm vào thời điểm đó trên đất. Sau đó Chúa Giê-su được đầy dẫy Thánh Linh và lập tức được dẫn vào đồng vắng.

Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng

#5 Hãy Sống Trong Lều – Đừng Xây Nhà

Đừng bao giờ quên rằng đồng vắng chỉ là tạm-bạn chỉ đi qua thôi. Vì thế trong lúc bạn đang ở trong đồng vắng, hãy sống trong lều chứ đừng xây nhà ở đó!

Dù dân Y-sơ-ra-ên lang thang trong đồng vắng nhiều thập kỷ, nhưng đó không phải là kế hoạch của Chúa. Ngài không bảo họ tìm giải pháp tốt nhất có thể để an cư ở đó – không chấp cái ý tưởng là phải xây nhà tại đó. Không, họ đã sống trong những cái lều – luôn luôn sẵn sàng để khăn gói ra đi. Đồng vắng luôn được dự tính là môi trường tạm thời, không phải là đích đến. Chúa không bao giờ phán, “Này, sa mạc này cũng đâu đến nỗi tệ quá. Ai cần Xứ Hứa cơ chứ? Nào chúng ta hãy đào móng và xây nhà cửa kiên cố cho Ta và các ngươi.” Vâng, chính Chúa cũng đã ở trong lều trong suốt toàn bộ hành trình đồng vắng của họ.

Việc cắm trại có thể vui thích trong thời gian ngắn, nhưng phần lớn chúng ta thà bỏ cái lều ngoài trời về sống trong một căn nhà đích thực. Đừng lạc hướng mà đào móng trong sa mạc. Hãy sẵn sàng mọi lúc để khăn gói ra đi, đi nữa và cuối cùng cất luôn cái lều cũ của bạn.

Kinh Thánh nói rất rõ rằng khi Chúa Giê-su được đưa vào đồng vắng, Chúa Giê-su được đầy dẫy Thánh Linh, nhưng sau bốn mươi ngày chịu thử thách và cám dỗ, Ngài từ đồng vắng trở về trong quyền năng của Thánh Linh. Bấy giờ Ngài đã được trang bị cho chức vụ mà Ngài đến trên đất để thực hiện. Chỉ sau vài tháng chức vụ của Giăng Báp-tít, một điều tươi mới khác đã tuôn ra từ đồng vắng – chức vụ của Chúa Giê-su.

Những Bầu Da Mới

Không lâu sau khi Chúa Giê-su bắt đầu chức vụ, chúng ta đọc, “Họ hỏi Ngài: Các môn đệ Giăng cũng như các môn đệ người Pha-ri-si thường kiêng ăn cầu nguyện, nhưng các môn đệ Thầy lại ăn uống như thường!” (Lu-ca 5:33). Câu hỏi đầu tiên chúng ta phải hỏi là “mấy người hỏi Chúa” này là ai? Chúng ta thấy câu trả lời trong sách Ma-thi-ơ: “Lúc ấy, các môn đệ của Giăng đến hỏi Ngài…” (Ma-thi-ơ 9:14). Suốt nhiều năm, tôi nghĩ đó là những người Pha-ri-si, nhưng cái ngày mà tôi phát hiện đó là các môn đồ của Giăng Báp-tít hỏi, thì khúc Kinh Thánh này đã mở ra một ánh sáng hoàn toàn mới! Những người này thấy phiền phức vì họ thường kiêng thức ăn và cầu nguyện nhiều giờ, nhưng các môn đồ của Chúa Giê-su không sống theo cách này. Các môn đồ của Giăng hy sinh nhiều điều, nhưng các môn đồ của Chúa Giê-su lại nhận được sự chú ý.

Một trong những cách Thánh Linh vận hành trong thời của Giăng là qua sự kiêng ăn nhiều ngày. Tuy nhiên, các môn đồ này của Giăng chưa bắt kịp hay chưa thay đổi từ lề lối hầu việc Chúa của Giăng sang điều mà Thánh Linh đang làm lúc bấy giờ. Họ tin rằng cách thức thi hành chức vụ và thờ phượng của họ là những phương cách đã mang lại kết quả. Họ đã trả một cái giá rất lớn để đi theo Giăng Báp-tít, bỏ gia đình phía sau để sống trong sa mạc và ăn côn trùng, thế mà bây giờ vị lãnh đạo của họ bị bỏ tù. Còn vị Thiên Sai mới này cùng với các môn đồ của Ngài lại không chơi theo các luật của họ. Đội ngũ của Giăng đã bị vấp phạm và có nguy cơ phát sinh một linh tôn giáo khác.

Hãy nhớ, linh tôn giáo lúc nào cũng muốn giữ chặt những gì Chúa đã làm ở quá khứ, trong khi đó chống cự những gì Ngài hiện đang làm ở hiện tại. Có thể các môn đồ của Giăng đã quan tâm tới sự trung thành của họ với lãnh đạo của mình và cách họ phải cư xử nhiều hơn là quan tâm tới những gì Chúa đang phán dạy và thực hiện vào thời điểm đó. Họ không còn tập trung vào tấm lòng của Chúa. Cách phục vụ Chúa trước đây có thể dẫn họ đến gần tấm lòng của Chúa bây giờ đã trở thành trung tâm điểm trong đời sống tôn giáo của họ.

Sự kiêu ngạo và sự vấp phạm bắt đầu ngự trị. Những người theo Giăng đã đầu tư thời gian, có thể cả tiền bạc vào trong chức vụ đó. Bây giờ tất cả những gì họ làm, những gì họ đại diện và những gì họ đạt được đang bị đe dọa. Vì thế họ phản đối và chống lại sự thay đổi, dù lãnh đạo của họ có loan báo về Chúa Giê-su, “Ngài phải được tôn cao, còn ta phải hạ xuống.” (Giăng 3:30).

Hãy xem Chúa Giê-su trả lời họ: “Các người có thể bắt các chàng phụ rể kiêng ăn khi chàng rể còn ở với họ không?” (Lu-ca 5:34). Ngài phơi bày những cách thức tôn giáo của họ khi phán, “Tại sao họ phải kiêng ăn khi mà Con Đức Chúa Trời đang ở giữa vòng họ? Tất cả những gì họ cần làm nếu họ cần điều gì nơi Đức Chúa Trời thì hãy đến với Ta” (Diễn ý)! Lối suy nghĩ tôn giáo khiến họ tin rằng họ phải kiếm chác ân huệ của Chúa qua sự kiêng ăn và các công tác tôn giáo khác. Họ xem sự kiêng ăn là phương tiện để đến gần Chúa, qua đó họ cảm thấy mình thiêng liêng hơn những người không kiêng ăn hay dùng cách thức khác. Vì thế, sự kiêu ngạo đã chế ngự lòng họ. Thế là phương pháp đã trở thành quan trọng hơn là kết quả trước đây của nó.

Dù việc kiêng ăn có ích lợi, nhưng nó không phải là cách để thao túng Chúa, trái lại mục đích là để đem bạn đến chỗ nghe rõ hơn điều Ngài đang nói. Vậy thì tại sao các môn đồ cần phải kiêng ăn để nghe tiếng Chúa khi Ngài ở ngay đó với họ? Chúng ta hãy xem lại Lu-ca 5:34-35: “Đức Giê-su đáp: Các người có thể bắt các chàng phụ rể kiêng ăn khi chàng rể còn ở với họ không? Khi nào chàng rể bị đem đi khỏi, lúc bấy giờ họ mới kiêng ăn.”

Ngài không nói rằng họ có thể kiêng ăn vào lúc đó mà nói họ sẽ kiêng ăn. Những người này chỉ nói đến việc kiêng cữ thức ăn, nhưng Chúa Giê-su lại nói với họ về một sự kiêng khác. Hãy để ý là sự kiêng ăn này sẽ xảy ra vào những thời điểm mà Chàng Rể bị đem đi khỏi. Ngài đang nói về sự kiêng ăn để kinh nghiệm sự hiện diện bày tỏ của Ngài, chứ không chỉ là kiêng cữ không ăn. Chúng ta biết điều này bởi vì Ngài giải thích tiếp trong dụ ngôn mà Ngài sắp kể cho họ. Hãy nhớ một trong các định nghĩa về đồng vắng là không có sự hiện diện sờ sờ của Chúa.

Bây giờ hãy xem dụ ngôn Ngài kể để giải thích những gì Ngài phán:

“Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Như thế, rượu mới sẽ làm nứt bầu cũ, rượu chảy hết mà bầu cũ cũng hư luôn.”

(Lu-ca 5:37)

Trong Kinh Thánh, rượu là một biểu tượng về sự hiện diện của Chúa. Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 5:18, “Đừng say rượu, vì rượu đưa đến trụy lạc, nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh.”

Chúng ta phải được đầy dẫy rượu, tức sự hiện diện của Chúa! Rượu mới là sự vận hành tươi mới của Thánh Linh.

Hãy để tôi tóm tắt câu hỏi quan trọng này. Bạn có nhớ khi bạn mới đầy dẫy Thánh Linh thì cảm giác tuyệt vời như thế nào không? Sự hiện diện của Chúa vừa ngọt ngào vừa mạnh mẽ. Mỗi lần bạn cầu nguyện, sự hiện diện của Ngài lập tức tự bày tỏ, và bạn cảm nhận Ngài gần gũi cả ngày. Đôi khi trong hội thánh bạn chỉ ngồi đó và khóc vì Ngài rất gần bạn.

Rồi một hồi lâu sau đó, bạn thấy mình không dễ cảm nhận sự hiện diện của Ngài. Bạn vẫn cầu nguyện như trước đây, nhưng bây giờ bạn bắt đầu thắc mắc, Chúa ơi, Ngài ở đâu rồi?! Bạn đã tới đồng vắng rồi đó!

Có lý do cho đồng vắng hay cho sự thiếu vắng sự hiện diện của Chúa. Chúa đang chuẩn bị bạn để trở thành cái bầu da mới. Bạn không thể đổ rượu mới vào, tức sự vận hành tươi mới của Thánh Linh, vào bầu da cũ.

Các bầu da được dùng trong thời của Chúa Giê-su là những cái bình làm từ da cừu. Khi rượu được đổ vào, thì da mềm dẻo. Nó giãn ra dễ dàng khi cho thêm rượu vào. Tuy nhiên, khi nhiều năm trôi qua, không khí ở Trung Đông sẽ làm cho bầu da bị khô giòn và cứng đi. Bây giờ nếu đổ rượu cũ ra và đổ rượu mới vào, thì bầu da đó không thể chịu được sức nặng của rượu mới hay chịu được sự lên men vì nó đã trở nên cứng giòn và rất dễ nứt ra. Để giải quyết vấn đề này, bầu da cũ sẽ được nhúng trong nước trong vài ngày và sau đó dùng dầu ô-liu để chà lên. Như thế là phục hồi lại độ mềm dẻo của bầu da.

Đây là hình bóng về những gì xảy ra cho chúng ta, vì chúng ta là bầu da mới chứa rượu thuộc linh. Chúng ta được kêu gọi để trở thành những người mang sự hiện diện của Chúa. Bầu không khí mà chúng ta cư ngụ có thể làm mất đi sự dẻo dai của chúng ta đối với đường lối của Chúa. Chúng ta chưa ở thiên đàng; chúng ta đang sống trong một môi trường băng hoại là thế gian. Vì thế tâm trí chúng ta cần được đổi mới. Để giữ bầu da của chúng ta mềm dẻo – luôn sẵn sàng với rượu mới – chúng ta phải thấm nhuần trong Lời Chúa. Phao-lô viết trong Ê-phê-sô 5:26, “Để thánh hóa Hội Thánh sau khi đã thanh tẩy bằng nước và đạo.” Đối với chúng ta, việc dùng dầu ô-liu chà lên bầu da giống như để thời gian tìm kiếm Chúa. Khi chúng ta để thời gian với Chúa trong Lời Chúa và trong sự cầu nguyện, tâm trí chúng ta được đổi mới và chúng ta không còn cứng nhắc giữ chặt các đường lối và phương cách cổ hũ của mình.

Nhưng để khôi phục bầu da cũ, trước tiên bạn phải đổ rượu cũ ra! Có nghĩa là không có rượu trong bình – không có sự hiện diện sờ sờ của Chúa! Có nghĩa là bạn phải kiêng khỏi sự hiện diện sờ sờ của của Chúa, hay như cách chúng ta đã nói nãy giờ, điều này có nghĩa là chúng ta rơi vào giai đoạn khô hạn thuộc linh! Trong thời kỳ như thế bạn đang chuẩn bị cho một sự thay đổi!

Tại sao Chúa cất sự hiện diện sờ sờ của Ngài? Để khiến bạn thất vọng chăng? Không, cho dù sẽ có sự thất vọng! Có phải vì Ngài muốn đặt bạn lên kệ cho tới khi Ngài cần bạn không? Không! Lý do Ngài rút sự hiện diện của Ngài là để khiến bạn tìm kiếm Ngài sốt sắng hơn. Sự tìm kiếm khiến bạn linh hoạt và mềm dẻo trở lại. Những người mà trở nên cứng nhắc và không linh hoạt là những người đã ngừng tìm kiếm Chúa. Họ bị khóa chặt vào trong những phương pháp của họ. Họ giam mình vào cái công thức mà chính họ đã nghĩ ra từ các kinh nghiệm thuộc linh ở quá khứ.

Đó chính là tình trạng của những người đi theo Giăng Báp- tít. Họ bám vào ông vì họ nhìn thấy Chúa hành động đầy quyền năng qua ông. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục tấn tới để giựt giải thiên thượng đó là được biết Chúa cách thân mật, họ đã trở nên cứng nhắc trong niềm tin và phương pháp của họ.

Trong mỗi sự vận hành của Chúa luôn có một sự giảng dạy tươi mới xuất hiện. Sự giảng dạy và giáo lý chân chính là phương tiện đem chúng ta đến tấm lòng của Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta bị mắc kẹt khi hướng sự tập trung của mình vào sự giảng dạy hay giáo lý đó thì cuối cùng nó sẽ dẫn chúng ta vào sự trói buộc tôn giáo hay vào chủ nghĩa luật pháp hay sai lầm – hoặc là rơi vào tất cả những thứ này.

Bạn không thể biết Chúa qua phương cách thờ phượng cứng nhắc, và nhiều cơ đốc nhân đã vô tình rơi vào lối sống này. Họ đề ra những khuôn khổ, những thủ tục và những thông lệ thờ phượng nhàm chán. Sau đó, một khi họ đã có kiến thức để trở thành “anh cả” trong cộng đồng cơ đốc thì họ không còn tìm kiếm Chúa mà trái lại họ cứ tuân giữ những lề thói hay những truyền thống họ đã phát triển trước đây. Thế nhưng, không biết sao những giáo hội này lại cảm thấy trống rỗng, cho dù họ vẫn nghĩ họ đang sống theo đạo tin lành.

Giê-rê-mi 29:12-13 nói:

“Khi các ngươi kêu cầu Ta, khi các ngươi đến với Ta và nài khẩn Ta, Ta sẽ nhậm lời các ngươi. Các ngươi sẽ tìm kiếm Ta và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng.”

Cầu nguyện tự thân nó là không đủ để tìm kiếm Chúa. Có nhiều tín đồ bị trói buộc bởi những công thức tôn giáo vẫn cầu nguyện cách trung tín. Chúa nói trong sự cầu nguyện phải có sự sốt sắng tìm kiếm Ngài. Ở đây Ngài nói rõ là sẽ có sự tìm kiếm, và việc này đòi hỏi nhiều hơn là nỗ lực bình thường. Nó cần sự khao khát nóng cháy và tìm kiếm tấm lòng của Ngài. Đó là lý do Chúa nói trong Hê-bơ-rơ 11:6, “Không có đức tin thì không thể nào đẹp lòng Đức Chúa Trời vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin Ngài hiện hữu và tưởng thưởng những ai hết lòng tìm kiếm Ngài.”

Chúng ta hãy xem lại điều Chúa Giê-su nói:

“Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Như thế, rượu mới sẽ làm nứt bầu cũ, rượu chảy hết mà bầu cũ cũng hư luôn, nhưng rượu mới phải đổ vào bầu mới. Không ai đã uống rượu cũ lại đòi rượu mới [ngay], vì người nói rằng: ‘Rượu cũ ngon hơn!’”

(Lu-ca 5:37-39).

Người đã quen thuộc với rượu cũ sẽ không khao khát rượu mới ngay. Từ chìa khoá ở đây là “ngay,” vì chúng ta là con người với những thói quen và thủ tục. Chúa phải phá dỡ những nơi an nhàn đó bằng cách đổ hết rượu cũ ra và cho phép chúng ta trải qua một thời điểm chuẩn bị khô hạn không có rượu để chúng ta khát rượu mới. Khi bạn khao khát và chẳng có gì để uống, bạn sẽ không than phiền, “Tôi không muốn rượu mới, tôi chỉ muốn rượu cũ.” Nếu bạn khao khát sự hiện diện và quyền năng của Chúa, bạn sẽ mở ra với sự vận hành tươi mới của Thánh Linh trong đời sống bạn. Bạn sẽ giống như Đa-vít, ông đã thốt lên trong thời kỳ đồng vắng của mình:

“Lạy Đức Chúa Trời, chính Ngài là Đức Chúa Trời của tôi, tôi tha thiết tìm kiếm Ngài. Linh hồn tôi khát khao Chúa, thể xác tôi mong ước Ngài như mảnh đất khô khan, nứt nẻ không có nước. Như tôi đã thấy Ngài trong nơi thánh, để chiêm ngưỡng quyền năng và vinh quang Ngài.”

(Thi Thiên 63:1-2).

Đa-vít khao khát quyền năng và sự hiện diện của Chúa. Kết quả khi ông bước vào công việc mà ông được kêu gọi, ông luôn mềm mại với những gì Chúa mong muốn – không giống vua Sau-lơ, người đã làm việc theo cách riêng của ông, chứ không theo cách của Chúa.

Một Kinh Nghiệm Đồng Vắng Khác

Như tôi đã kể ở đầu chương này, chức vụ dạy dỗ thực sự đầu tiên của tôi là một mục sư thanh niên. Các buổi nhóm được phát trên truyền hình là một thành công lớn. Chúng tôi cũng chạy bản tin phát thanh truyền giáo trên trạm phát hình ngoài đời, đứng thứ hai trong khu vực của chúng tôi. Mọi thứ đều rất tuyệt vời.

Rồi một ngày nọ khi tôi đang cầu nguyện, Thánh Linh Chúa bảo tôi sự thay đổi đang đến: “Con sẽ bị cho thôi chức mục sư thanh niên,” Ngài nói, “và Ta sẽ sai con đến các hội thánh và hội nghị trong các thành phố từ bờ Đông tới bờ Tây của nước Mỹ; từ biên giới Canada tới biên giới Mê-xi-cô, tới Alaska và Hawaii…”

Tôi đã kể cho Lisa điều Thánh Linh đã nói, và cả hai chúng tôi suy nghĩ tất cả điều này trong lòng, không chia sẻ với bất cứ ai khác, ngoại trừ một người bạn mục sư ở một tiểu bang khác. Chúa nói Ngài sẽ làm việc đó, và tôi biết nếu đó quả thực là Ngài phán, thì tôi không cần phải giúp Chúa làm cho nó xảy ra.

Nhưng trong hơn một năm chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Trong giai đoạn chờ đợi đó, việc bước vào sự hiện diện của Chúa trở nên càng ngày càng khó khăn đối với tôi, cho tới khi chuyện này không thể giữ được. Tôi để nhiều thời gian trong sự cầu nguyện hơn trước, nhưng dường như chẳng đi tới đâu cả. Chẳng những thế, khải tượng ban đầu của tôi dành cho nhóm thanh niên dường như phai nhạt (rượu cũ đang được đổ ra). Tôi càng cầu nguyện, thì khải tượng càng yếu dần. Bên ngoài chẳng có gì thay đổi cả, nhưng bên trong sự khao khát của tôi đang phai dần.

Tôi để nhiều giờ trong sự cầu nguyện trước giờ nhóm thanh niên, có vài lần tôi xin Chúa cho ai đó giảng thế. Tôi đi đến buổi nhóm nhưng tôi cảm thấy trống rỗng, nhưng sự hiện diện của Chúa đến trên tôi như một cái màn khi tôi giảng Lời Chúa. Khi tôi giảng xong và về nhà được nửa đường thì sự hiện diện của Ngài biến mất cho tới tuần đến!

Ngoài chuyện đó ra, trong lúc trải qua tất cả những điều này, chúng tôi cũng trải qua những thử thách cả trong lẫn ngoài mà chúng tôi chưa hề trải qua trước đó. Tôi thắc mắc liệu mình có gì sai trật không, vì thế tôi bắt đầu xưng mọi tội lỗi mà tôi có thể nhớ là mình đã phạm, nhưng sự khô hạn của tôi chẳng hề vơi.

Một ngày nọ sau khi cố nghĩ ngợi chính xác là tôi đã phạm tội nào, Chúa phán với tôi, “Con không ở trong đồng vắng vì con đã phạm tội! Ta đang chuẩn bị con cho sự thay đổi sắp tới.”

Ngài đang phát triển tâm tánh cần thiết trong tôi để đảm trách sự kêu gọi trong giai đoạn sắp tới trong chức vụ. Hãy xem Ê-sai 43:18-19:

“Đừng nhớ đến những việc trước kia, cũng không nên suy nghĩ đến những điều xưa cũ. Này, Ta đang làm một điều mới. Bây giờ nó đang xuất hiện, các ngươi không nhận thấy sao? Phải, Ta sẽ làm một con đường trong sa mạc, tạo các sông nơi đồng hoang.”

Phần sau của cuốn sách này, tôi sẽ kể cho bạn Chúa đã khải thị một cách kỳ diệu các chi tiết cụ thể về “sự thay đổi sắp tới” trong thời điểm của Ngài. Trong những lúc trải qua những tháng ngày chông gai nhất trong đồng vắng, Chúa chuẩn bị để khai sinh chức vụ của chúng tôi cho nước Mỹ và cho các nước.

Thưa độc giả, Chúa sẽ khiến cho rượu cũ của bạn khô hết để khi rượu mới đến cùng với những thử thách khác kèm theo rượu mới, bạn sẽ không muốn quay lại rượu cũ.