CHƯƠNG 9: Cứ Bước Tới

Thắp Sáng Hy Vọng

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG 9

Cứ Bước Tới

Chúng ta cũng vui trong cảnh khốn khổ, vì cảnh khổ dạy chúng ta nhẫn nhục. Nhẫn nhục rèn luyện cá tính, cá tính đưa tới hy vọng.

Rô-ma 5:3-4

Hiển hách lớn nhất trong đời không nằm ở chỗ không bao giờ vấp ngã mà ở chỗ đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.

–Nelson Mandela

Các động vật khác nhau có các bản năng khác nhau khi chúng bị đe dọa hay sợ hãi. Gấu tấn công, sóc trèo lên cây, con sơn dương bỏ chạy, chuột chũi thì đào đất. Tất cả những phản ứng theo bản năng này đều là chủ động. Nhưng có một loài động vật có phản ứng hoàn toàn khác biệt: Con Possum (một loài động vật sống trên cây tại Úc). Possum là một động vật không có tấn công, leo trèo, chạy trốn hay đào đất. Con Possum chỉ cuộn tròn lại (giả chết). Thay vì chủ động, thì nó lại thụ động. Nó giả chết – từ đó mà chúng ta có trò “Playing possum” (giả chết) – và nó hy vọng nằm im cũng có hiệu quả.

Tôi để ý nhiều lúc người ta bị tổn thương hay bị đe dọa, thì họ “co rút” về thuộc linh. Thay vì chủ động họ lại bị động. Khi gặp lúc khó khăn, khi họ phải xử lí đau đớn hay thất vọng, thì họ co cụm lại. Họ không chịu bước tới.

Điều này nghe quen quá phải không? Bạn có bao giờ thấy mình cũng rơi vào lối hành xử đó do những thử thách bất ngờ hay những thất vọng ê chề không? Bạn có bao giờ rơi vào hoàn cảnh mà bạn không biết nên làm gì, nên bạn không làm gì cả không?

Nếu bạn đang xử lí sự thương tổn đã làm bạn bị tê liệt, tôi không xem nhẹ nỗi đau của bạn. Hãy tin tôi; tôi đã trải qua nhiều lần bị thử thách đến độ bị tổn thương rất lớn nên tôi cảm thấy tôi bất lực. Nên tôi hiểu điều bạn đang trải qua, vì tôi cũng đã từng cảm thấy bị tê liệt bởi những khó khăn đó. Nhưng tôi muốn khích lệ bạn giữa những lúc đau đớn rằng đôi khi điều hay nhất bạn có thể làm là cứ bước đi.

Có lẽ bạn chưa có hết câu trả lời. Có lẽ bạn vẫn còn bị sốc bởi hoàn cảnh. Có lẽ bạn cảm thấy thế giới xung quanh đang sụp đổ. Nhưng ngay giữa những khó khăn này, nếu bạn cứ bước đi, nó sẽ giúp bạn không thất vọng. Có lẽ bây giờ bạn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, nhưng nếu bạn trao lo lắng cho Chúa và tin Ngài ở với bạn trong những khó khăn này, thì bạn sẽ khám phá sự chữa lành khi bạn bước đi với Ngài. Cuối cùng, bạn không chỉ tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, nhưng ánh sáng cũng xua tan mọi bóng tối trong đời bạn.

Tôi hiểu rằng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hoàn cảnh mà bạn đang đối diện, có những ngày bạn không cảm thấy muốn làm gì. Cùng với mất mác nghiêm trọng thì lẽ tự nhiên kéo theo khoảng thời gian đau buồn ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng khi bạn trải qua tiến trình chữa lành, hãy biết rằng câu trả mấu chốt không phải là tách biệt bản thân bạn và sống cả đời bị tê liệt bởi nỗi đau đó. Chúa muốn bạn cứ đi những bước đức tin, tin rằng Ngài sẽ giúp bạn vượt qua tổn thương mà bước vào điều tốt đẹp hơn.

Vì Chúa trông chừng bước đi của người làm vừa lòng Thượng Đế. Dù người vấp cũng không té ngã vì Chúa nắm tay người.

Thi Thiên 37:23-24

Đặc ân của việc tin cậy Chúa thật là tuyệt vời. Nó cho phép chúng ta có hy vọng nơi mà dường như không có lý do gì để hy vọng. Khi tất cả dường như đã mất, bạn có thể tin cậy Chúa hướng dẫn các bước đi của bạn.

Tôi vừa mới nghe từ một người bạn đã trải qua một thử thách khủng khiếp với bệnh ưng thư. Hiện tại cô đang ở cuối giai đoạn điều trị và chuẩn bị để tái hòa nhập cuộc sống. Cô nói, “Tôi thấy khó để biết nên làm gì sắp tới vì cuộc đời tôi sẽ không giống như trước đây nữa.” Bạn có thể liên hệ đến trường hợp này. Có lẽ một người thân đã qua đời và bạn không thể tưởng tượng cuộc đời sẽ thế nào khi không có người đó. Có lẽ bạn mất việc làm mà bạn đã làm suốt nhiều năm và tự nhủ là bạn rút lui. Giờ thì sao? Hãy an tâm rằng dù bạn không biết, nhưng Chúa biết. Ngài sẽ hướng dẫn từng bước đi của bạn.

Sức Mạnh Của Việc Bước Tới

Tôi nhớ có nhận tin thất thiệt ngay trước khi tôi bắt đầu hội nghị ba ngày. Rất là khó để tiếp tục, nhưng tôi biết tôi phải tiếp tục. Tôi cảm nhận Thánh Linh nói, “Đừng dừng bước, hãy cứ bước tới!”

Việc tiếp tục bước tới không xua tan mọi nỗi đau và thất vọng mà tôi cảm nhận, nhưng nó giữ tôi không ngập chìm trong hố sâu thất vọng, và trong vòng vài tuần, hoàn cảnh đã được giải quyết. Một trong những biểu hiện của sự trưởng thành thuộc linh là kỷ luật giữ đúng cam kết của mình, ngay cả khi bạn trải qua những lúc rất khó khăn. Lúc đó tôi đang bị tổn thương, nhưng tôi cần tiếp tục giúp đỡ những người đang bị thương tổn, và khi tôi làm thế, Chúa chữa lành tôi và giải quyết nan đề của tôi.

Nhớ lại lúc chúng ta bị tổn thương thật khó khăn dường nào, sự việc xảy ra và rồi kết thúc. Đông qua đi rồi xuân lại đến. Sau cơn mưa trời lại sáng. Hôm qua trời âm u cả ngày, nên rốt cuộc có sấm chớp và mưa lớn, nhưng hôm nay bầu trời trong xanh và mặt trời chiếu sáng. Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy ngay cả những chu kì thời tiết và mùa màng thiên nhiên thay đổi, cái xấu luôn nhường chỗ cho cái tốt. Nếu có mây đen và giông bão trong cuộc đời bạn hôm nay, hãy mong mặt trời chiếu sáng vào ngày mai hay ngày mốt hay ngày tới nữa. Không có giông bão mãi mãi đâu.

Kinh Thánh nêu ra một tấm gương về một phụ nữ bị bệnh (người đàn bà bị mất huyết), bà đã chen qua đám đông để đến gần Chúa Giê-su (xem Mác 5:25-34, Luca 8:43-48). Dù người đàn bà này đã bị bệnh 12 năm và đã hao tốn hết tài sản mình cho bác sỹ, những cũng không thể giúp bà được, bà không chịu ngồi yên, thụ động chờ đợi nỗi đau vơi đi. Bà đã chọn để hy vọng truyền cảm hứng cho bà để bước qua mọi trở ngại. Không điều gì kìm hãm bà đến với Chúa Giê-su – không để đám đông, bệnh tật, thời gian chờ đợi, nghi ngờ, nỗi đau cản trở bà. Bà cứ nói với mình Nếu mình chạm được vào trôn áo Ngài, mình biết mình sẽ được lành (xem Ma-thi-ơ 9:21). Với hy vọng và đức tin trong lòng, bà cứ tiếp tục bươn tới.

Có lẽ hôm nay bạn cũng gặp phải một đám đông mà bạn phải vượt qua. Đám đông đó có thể là những suy nghĩ tiêu cực, những đau đớn và tổn thương của quá khứ, những con người gây nản lòng cho bạn, những áp lực tài chính, những cơn đau trong thể xác. Nhưng nếu bạn chen qua tất cả những điều đó và không chịu để những thất vọng của đời làm bạn bị mắc kẹt trong tuyệt vọng và đau khổ, thì yếu tố đột phá sẽ đến.

Phi-líp 3:13-14 nói:

Thưa anh chị em, tôi không xem mình đã đạt được mục đích nhưng tôi quyết chí làm một điều: Quên đi quá khứ mà ráng tiến đến mục tiêu trước mặt. Tôi nhắm mục tiêu để giựt giải thưởng cao quí mà Thượng Đế đã gọi chúng ta trong Chúa Cứu Thế.

Tôi thích đoạn Kinh Thánh này. Phao-lô nói ông sẽ quên những sự đằng sau – những lỗi lầm và nỗi đau quá khứ của ông – và ông sẽ tấn tới định mệnh của mình. Bạn có thể làm điều tương tự. Bạn có thể chen qua tất cả những thứ cố kìm hãm bạn. Hôm nay bạn không chấp nhận thái độ thất bại. Hôm nay bạn có thể từ chối “giả chết.” Bạn có thể chọn tiếp tục bước đi – bạn có thể chọn tiến tới.

Chúa Đang Hành Động

Có lẽ bạn đọc điều này và tự nhủ Bà Joyce ơi, tôi không biết liệu có thể tiếp tục hay không. Tôi đang trải qua chuyện khó khăn thật sự, và tôi cảm thấy không muốn đi thêm bước nào nữa. Nếu hôm nay bạn là người như thế, thì tôi khích lệ bạn đừng chịu thua những cảm giác đó. Nếu chúng ta muốn theo Chúa, chúng ta phải tiếp tục bước đi bởi đức tin. Khi tôi nghiên cứu Lời Chúa, tôi luôn nhận thấy một điều là Chúa luôn hành động. Không những thế, Ngài luôn kêu gọi dân sự của Ngài hành động…ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Khi dân Y-sơ-ra-ên rời Ai Cập, và quân đội Ai Cập đuổi theo họ, muốn nhận chìm họ giữa biển Đỏ … Chúa bảo họ cứ tiếp tục di chuyển.

Sau 40 năm ở sa mạc, khi dân Y-sơ-ra-ên đến sông Giô-đanh, không biết chắc họ có vượt qua mà vào xứ Canaan hay không…Chúa bảo họ tiếp tục di chuyển.

Khi quân đội Y-sơ-ra-ên chống lại thành Giê-ri-cô kiên cố và không biết làm sao để giành chiến thắng trong cuộc chiến, thì họ được chỉ dạy là hãy diễu hành quanh thành. Nói cách khác…Chúa bảo họ tiếp tục di chuyển.

Khi dân sự Chúa bước vào xứ Canaan, thấy những người khổng lồ cư ngụ trong xứ, Chúa bảo họ hãy chiếm xứ…Chúa bảo họ cứ tiếp tục di chuyển.

Trong tất cả những hoàn cảnh này, dân sự bị cám dỗ “giả chết.” Những sự khó khăn họ đối diện khiến họ muốn lẩn trốn và chờ thời thay vì đứng lên và di chuyển. Nhưng trong mỗi trường hợp đó, Chúa bảo họ hãy cứ tiến lên phía trước và tin Ngài sẽ dẫn họ ra khỏi rắc rối và bước vào chiến thắng. Nếu họ ngồi chờ trong sợ hãi và dao động, thì họ sẽ không bao giờ kinh nghiệm sự dư dật Chúa dành cho họ. Cho dù có khó khăn lúc đó, nhưng họ vẫn chọn đứng lên và tiếp tục di chuyển. Và cuối cùng, họ đã được đền đáp xứng đáng.

Những ví dụ Kinh Thánh không chỉ có trong Cựu Ước. Khi bạn đọc những ký thuật của Phúc Âm về cuộc đời Chúa Giê-su, bạn thấy Ngài luôn di chuyển. Ngài không dậm chân và giả chết thuộc linh mỗi khi đối diện khó khăn. Ngài cứ di chuyển từ thành này sang thành kia, gặp hết người này đến người kia, quyết định làm điều Ngài phải làm trên đất. Ngay cả khi người ta không tiếp Ngài, và khi người Pharisi cố gài bẫy Ngài, ngay cả đám đông quay lại chống Ngài, Chúa Giê-su vẫn cứ di chuyển.

Tôi tin một trong những lý do Chúa luôn muốn con cái Ngài cứ di chuyển – chống lại quân đội thù nghịch, vượt qua sông, bước vào xứ hứa – là vì khi di chuyển thì có hy vọng. Nếu bạn không bước đi, thì bạn không có hy vọng đến được nơi nào đó mới mẻ.

Nếu không có hành động tiến lên phía trước, thì không có hy vọng được thay đổi!

Bước Đi Vâng Lời

Một trong những cách bạn tiếp tục tiến bước là bằng cách vâng lời Chúa – bạn chỉ đơn giản làm những gì Ngài dẫn dắt bạn làm. Những bước Ngài yêu cầu bạn thực hiện có thể ít hay nhiều và cũng có thể là bất ngờ, nhưng bước theo Chúa là cách duy nhất để cuối cùng bạn đi đến đích đúng. Tôi cứ nghĩ về dân Y-sơ-ra-ên và cách đám mây hiện diện của Chúa hướng dẫn họ đi qua sa mạc. Đám mây che phủ đền tạm, và Kinh Thánh nói khi đám mây di chuyển, thì dân Y-sơ-ra-ên di chuyển, và khi đám mây dừng lại thì họ cũng dừng lại. Họ không hề biết khi nào đám mây di chuyển, nhưng họ phải sẵn sàng di chuyển khi Chúa di chuyển (Dân Số 9:16-23). Bạn có sẵn sàng cho kinh nghiệm như thế không? Tôi chắc đôi khi dân Y-sơ-ra-ên không muốn di chuyển khi Chúa thôi thúc họ di chuyển, nhưng nếu họ muốn vượt qua sa mạc thì họ phải tin sự hướng dẫn của Chúa.

Chúng ta cần sống trong trạng thái luôn sẵn sàng, như các chiến sĩ luôn cảnh giác. Khi có chuyện xảy ra, các chiến sĩ biết họ có thể được lệnh thi hành nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Khi các bác sỹ trực ca thì họ phải sẵn sàng mọi lúc để chăm sóc người bệnh. Dù kế hoạch họ là gì hay họ đang làm gì đi nữa không quan trọng. Khi có người gọi là họ đi. Tại một hội nghị của tôi, trong lúc thờ phượng tôi nhìn xuyên qua cuốn Kinh Thánh, và thình lình lòng tôi muốn cho cuốn Kinh Thánh của tôi cho một phụ nữ vừa mới chia sẻ lời làm chứng vài phút trước đó. Tôi cảm nhận rất rõ là tôi phải cho cô ấy cuốn Kinh Thánh khi tôi giảng xong tối đó. Bây giờ tôi phải nói cho bạn biết: Lúc đó tôi không mong đợi chuyện này, tôi thật sự thích cuốn Kinh Thánh đó, tôi đã ghi chú rất nhiều trong đó. Thật ra, trong cuốn Kinh Thánh đó tôi đã ghi chép bảy bài học hay nhất mà tôi đã học trong cuộc sống. Nhưng tôi cảm nhận rõ là Chúa bảo tôi cho cô ta. Nào tôi không biết tại sao Chúa bảo tôi làm thế. Có thể nó sẽ khích lệ người phụ nữ này, hay có thể Chúa muốn xem thử tôi có vâng lời hay không. Nhưng dù lý do gì đi nữa, tôi phải chọn lựa: hành động vâng lời hay không vâng lời. Lúc đó tôi đã quyết định đúng, nhưng có những lúc khác tôi đã không vâng lời, và kết cuộc lúc nào tôi cũng tiếc nuối.

Cách duy nhất để chúng ta sống không tiếc nuối là làm điều đúng ngay bây giờ.

Chúa đặt để điều nào trong lòng bạn để bạn làm không? Ngài có bảo bạn tha thứ cho người làm tổn thương bạn không? Chúc phước cho ai đó đang gặp tranh chiến? Thay đổi một thói quen có hại? Chấm dứt mối quan hệ không đúng đắn? Khích lệ một người bạn? Đối diện một nan đề? Dù Chúa bảo bạn làm gì đi nữa, đừng có lưỡng lự một giây phút nào nữa. Hãy hành động vâng lời và quan sát cách Chúa chúc phước cho từng bước đi của bạn. Tôi thật sự tin rằng tuyệt vọng đến khi không làm gì hết, nhưng hy vọng nảy nở khi chúng ta sánh bước với Chúa.

Gần đây tôi có nghe rằng xét về thể lí, càng di chuyển, bạn càng có thể di chuyển nhiều hơn, và càng ít di chuyển, bạn càng có ít khả năng di chuyển. Nếu người ta về hưu, ngồi thụ động không làm gì hết thì sức khỏe bắt đầu giảm sút, và thế là họ càng ít có khả năng làm việc. Tương tự, tôi tin chúng ta càng được thôi thúc di chuyển với Chúa thì chúng ta càng dễ di chuyển hơnn. Nếu bạn bị tê liệt do sợ hãi một thời gian dài, thì có thể cần thêm nổ lực để di chuyển lại, nhưng điều này đáng làm.

Nếu bạn cảm thấy cần di chuyển theo hướng nào đó, nhưng không chắc Chúa bảo bạn làm và bạn cảm thấy bị kẹt cứng, hãy để tôi hỏi bạn hai câu này: 1) Điều nào là điều mới nhất bạn cảm thấy Chúa bảo bạn làm? 2) Bạn có làm không? Đôi khi Chúa chờ chúng ta làm theo sự chỉ bảo mới đây của Ngài trước khi Ngài ban cho chúng ta sự chỉ bảo mới. Đối với Chúa, bạn không thể bỏ qua các bước này – luôn luôn là mỗi lần đi từng bước một. Có thể Chúa đặt để trong lòng bạn để…

  • Trở lại trường học tiếp.
  • Thay đổi cách nói chuyện với vợ/chồng.
  • Có thái độ vui vẻ
  • Chăm sóc bản thân tốt hơn.
  • Dành thêm thời gian học Lời Chúa.
  • Bắt đầu nhóm học Kinh Thánh.
  • Tặng quà cho ai thiếu thốn.
  • Khích lệ con cái nhiều hơn.
  • Làm tình nguyện viên trong cộng đồng.
  • Phục vụ trong hội thánh.
  • Làm chứng cho bạn bè.

Chúng ta không thể bỏ qua các bước đi này chỉ vì chúng ta không thích các bước hiện tại mà Chúa bảo chúng ta làm. Chuyện gì xảy ra cho cái bánh nếu chúng ta có mọi thành phần ngoại trừ sữa? Chúng ta chỉ bỏ qua một bước thôi, nhưng cũng đủ để làm hỏng cả cái bánh rồi. Tất cả những nổ lực và thành phần khác sẽ lãng phí chỉ vì chúng ta quyết định bỏ qua một bước này khi làm bánh.

Suốt nhiều năm Chúa đã bảo tôi có thái độ đầu phục chồng tôi, nhưng tôi không sẵn sàng đi bước này. Tôi cứ nói với bản thân là tôi không thể làm điều đó được, vì tôi đã bị đàn ông lạm dụng, những con người cố kiểm soát tôi trong quá khứ. Nhưng thành thật thì đó chỉ là lời biện hộ cho sự không vâng lời. Tôi bị mắc kẹt và không có gì xảy ra trong đời sống và chức vụ của tôi bởi vì tôi đã bỏ qua một bước. Cuối cùng khi tôi làm bước đó và bước theo đám mây hiện diện của Chúa, thì những điều tốt đẹp lại bắt đầu xảy ra.

Bên Phải Quay, Bên Trái Quay

Năm 1987, tờ The Los Angeles Times cho in một câu chuyện về một người đàn ông trượt tuyết 53 tuổi tên Ed Kenan. Kenan từng là một thương gia, ông thích trượt tuyết và được huấn luyện để tranh tài sự kiện trượt tuyết lớn trong thế vận hội mùa đông sắp diễn ra. Nhưng có một điều lạ thường ở Kenan: ông bị mù.

Bảy năm trước đó, Kenan mất thị giác, mỗi lần một con mắt. Hai ca mổ không thể giữ hai võng mạc đã bị tách rời do bệnh tiểu đường. Đối diện với khó khăn tột độ, Kenan phải thực hiện một quyết định: Ông không thể ngồi chờ tuyệt vọng, cảm thấy thương tiếc cho bản thân, tức giận vì cuộc đời bạc bẽo với ông hay ông có thể tiếp tục. Kenan đã quyết định – sáu tháng sau khi bị mù, bây giờ ông đang trượt tuyết xuống sườn dốc tại Vail, Colorado. Ông nói, “Tôi đã ép mình để được phục hồi, tôi nghĩ nếu tôi có thể trượt tuyết xuống một ngọn núi thì tôi có thể làm mọi việc tôi quyết định làm.”

Năm 1983, Kenan đã giành huy chương vàng trong một giải trượt tuyết lớn do hiệp hội các vận động viên khiếm thị Alpine Hoa Kỳ tổ chức tại Alta, Utah. Trong vài năm sau đó, ông đã thêm vào thành tích huy chương đó, giành vài huy chương vàng và bạc trong những cuộc tranh tài khác nhau. Ngay cả sự mù lòa cũng không thể ngăn Kenan sống hết tiềm năng của mình.

Khi được hỏi làm thế nào ông có thể trượt xuống trườn dốc núi và khéo léo vượt qua những cánh cổng trong giải trượt tuyết lớn, ông giải thích rằng ông có một người hướng dẫn cận thị trượt tuyết xuống núi ngay phía trước ông. Trong tiếng reo hò, hướng dẫn viên của ông cứ hét lên, “Tiến lên, tiến lên, tiến lên” khi cần thêm tốc độ thì ông ta nói lớn, “Rẽ phải,” “Rẽ trái” khi họ tới gần các cổng. Tất cả những gì Kenan phải làm là tiếp tục di chuyển và tin vào sự chỉ bảo của người hướng dẫn. Nếu ông ta làm thế, thì ông có thể điều khiển hành trình không chút sai lầm và đi qua vạch đích an toàn.

Đành rằng khó khăn bạn đối diện khác với Kenan, bạn có thể học được vài bài học ở đây. Có lẽ bạn biết chịu mất mác bất ngờ là như thế nào. Có lẽ bạn hiểu cảm giác phải đối diện với thất vọng ê chề ra làm sao. Có lẽ bạn đối diện một phát hiện căn bệnh gây sợ hãi. Có lẽ ai đó hay điều gì đó mà bạn nghĩ sẽ luôn ở bên cạnh thì thình lình ra đi. Và có lẽ bạn đang tự hỏi mình Mình bỏ cuộc bây giờ, hay mình tìm cách để tiếp tục tiến bước?

Dù bạn đối diện với bóng tối nào đi nữa, hãy để tôi nhắc bạn rằng bạn không cô đơn. Chúa nhìn thấy những gì bạn trải qua, và Ngài ở bên cạnh bạn luôn. Ê-sai 30:21 nói, “Nếu ngươi đi sai lạc quay qua bên phải hay bên trái thì nghe đằng sau có tiếng bảo, ‘Đây là đường chánh. Hãy đi theo.’” Điều đó có nghĩa là Chúa hứa Ngài sẽ là Đấng hướng dẫn bạn. Khi bạn không thể nhìn thấy nơi phải đi đến, đừng sợ hãi. Đừng “giả chết.”

Đôi khi di chuyển nghĩa là ra khỏi giường và dọn dẹp nhà cửa hay đi làm; còn lúc khác thì có nghĩa là làm theo một số hướng dẫn cụ thể từ Chúa. Dù cách nào đi nữa, dù thử thách ít hay nhiều, Chúa muốn chúng ta chủ động để chúng ta không èo ọt thuộc linh! Chúa sẽ hướng dẫn bạn và bạn sẽ nghe Ngài nói “Rẽ phải,” “Rẽ trái.” Càng vận đức tin, bạn càng có đức tin! Chúa Giê-su phán, “Người nào có nhiều thì được cho thêm để có dư, còn người nào có ít thì lại bị lấy luôn phần đã có” (Ma-thi-ơ 25:29). Ngài nói về đức tin cần thiết để hành động thay vì lẩn trốn trong sợ hãi. Hãy tiến lên – đó là một trong những điều mạnh mẽ nhất bạn có thể làm.

Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!

Nếu bạn thấy mình bị dậm chân trong cuộc sống do những đau đớn, bất ổn hay thất vọng, tôi muốn khích lệ bạn hãy đứng lên và cứ tiến bước. Có thể hoàn cảnh sẽ không dễ dàng, nhưng bạn có thể làm. Hãy vượt qua những thứ nào giữ chân bạn. Hãy quyết định làm việc gì đó hơn là không làm gì. Hãy làm theo những gì Chúa bảo bạn làm.

Chúa muốn giải cứu bạn khỏi vũng bùn thất vọng và nản lòng. Vậy hãy tiến lên và thắp sáng hy vọng của bạn. Dù hiện tại bạn chưa thấy gì, nhưng Chúa có một kế hoạch tuyệt vời cho đời sống bạn. Bạn sẽ không bị tổn thương mãi đâu; bạn có một tương lai tươi sáng phía trước. Đừng “giả chết” thêm giây phút nào nữa.

Và những gì nhìn thấy được là nhờ ánh sáng.Vì thế mà có lời viết, “Nầy kẻ ngủ, hãy thức dậy! Hãy vùng dậy từ cõi chết, thì Chúa Cứu Thế sẽ chiếu sáng ngươi.”

Ê-phê-sô 5:14