CHƯƠNG 4: Năng Lượng Hy Vọng

Thắp Sáng Hy Vọng

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG 4

Năng Lượng Hy Vọng

Chúng tôi luôn luôn nhớ đến anh chị em mỗi khi chúng tôi đến cùng Thượng Đế, Cha chúng ta, về những việc làm do đức tin và tình yêu thương của anh chị em đã chứng tỏ bằng việc làm. Chúng tôi cũng tạ ơn Ngài vì anh chị em luôn vững mạnh trong hy vọng nơi Chúa Cứu Thế Giê-su chúng ta.

1Tê-sa-lô-ni-ca 1:3

“Hy vọng làm cho đầu óc nhẹ nhàng và ánh mắt sáng sủa. Hy vọng vẽ nên bức tranh, đan dệt ý tưởng, làm cho tương lai tràn đầy thỏa thích.”

—Henry Ward Beecher

Khi tôi nói với người ta về hy vọng, tôi phát hiện ra nhiều người trong số họ có một khái niệm sai trật về ý nghĩa thật sự của hy vọng. Nếu bạn không thể hiểu bản chất hay cách hoạt động của một điều gì đó, thì mọi sự sẽ hỏng ngay.

Điều này làm tôi nhớ một câu chuyện vui mà một người đã chia sẻ với tôi về những thử thách khi huấn luyện đội bóng đá của con trai bốn tuổi của ông. Ông nói ông xuất hiện tại sân bóng ở buổi tập đầu tiên của mùa giải với một chút lo lắng. Trước đó ông chưa bao giờ huấn luyện đội bóng, và trước đó không có đứa trẻ nào từng chơi bóng, nên ông biết ông có rất nhiều việc để làm. Bọn trẻ đều xuất hiện đúng giờ, đeo các đòn chêm, và đá những trái bóng đầy màu sắc rực rỡ. Mọi người dường như ai cũng hứng khởi.

Huấn luyện viên mới vào nghề tập hợp các đồng đội bốn tuổi lại trong lúc đó các bậc cha mẹ rất niềm nở dùng điện thoại chụp hình liên tục, rồi nhanh chóng đăng các tấm hình “Buổi tập đầu tiên của năm!” lên các trang truyền thông xã hội để mọi người xem. Huấn luyện viên giải thích với các em rằng chúng sẽ có một “mùa giải hay” và trong mỗi lần tập chúng sẽ chơi “các trò vui” để giúp nhau học kỹ năng bóng đá. Khi nói đến các trò chơi bọn trẻ reo vui lên, nên huấn luyện viên quyết định tập với bài tập dợt tiếp sức. Ông nói, “Được rồi, các em ơi. Hôm nay chúng ta sẽ có một cuộc đua tiếp sức!” Bọn trẻ cùng hòa âm la lên, “Hoan hô!” Cảm thấy tự tin nhờ phản ứng nhiệt thành của các em trước độ tuổi đi học, huấn luyện viên xếp các em thành hai hàng, dạy các em lừa banh tới chỗ góc sân đó và lừa bóng về. Ông nói, “Nó giống như một cuộc đua tiếp sức, sự khác biệt duy nhất đó là các em đá quả bóng.” Một lần nữa các em la lên trong sự phấn khích. “Các em sẵn sàng chưa?” Huấn luyện viên hô. Bọn trẻ đồng thanh la lên, “Dạ rồi.” “Đứng trước vạch nào!… Chuẩn bị!…Bắt đầu!”

Khi huấn luyện viên la lên, “Bắt đầu!” Bọn trẻ đứng lộn xộn như kiến vỡ tổ. Thay vì cầu thủ đầu tiên từ mỗi hàng chạy tới vật hình nón trong khi những đứa khác chờ đến lượt mình (cách chơi trò chạy tiếp sức thông thường) thì tất cả các em lại bắt đầu chạy nước rút ra mọi hướng cùng một lúc. Chúng nghe “bắt đầu”… nên chúng đã chạy! Không có trật tự nào cả, không có hàng lối gì hết – hoàn toàn lộn xộn. Huấn luyện viên phải cần tới mười phút, cùng với sự giúp đỡ của một vài phụ huynh đang cười ngơ ngác,để tập hợp bọn trẻ – kéo một số em đang trèo lên cột gôn xuống, đưa những em khác ra khỏi chỗ bán thức ăn và tìm một đứa trẻ đang luống cuống ở sân bóng khác đang muốn vào đội bạn.

Tối hôm đó, khi huấn luyện viên về nhà từ buổi tập, ông cảm thấy mệt mỏi hơn so với trước đó, ông nói với vợ (một giáo viên tiểu học) về thất bại ê chề này. Ông nói, “Anh cho chúng xếp hàng, anh đã giải thích là chúng ta sẽ có một cuộc chạy đua tiếp sức. Anh la lên, ‘Đứng trước vạch nào!…Sẵn sàng…Bắt đầu!’ Như vậy đâu có gì sai?” Cô vợ cười và giải thích cho ông chồng đang bối rối rằng bọn trẻ trong đội của ông chỉ mới có bốn tuổi, chúng chưa học tiểu học nữa. Chắc chắn mấy em này chưa được dạy luật của một cuộc đua tiếp sức bởi vì chúng chưa có kinh nghiệm đua tranh theo đội. Điều duy nhất các em trước tuổi đi học này nghe được là “cuộc đua” và “bắt đầu” – cho nên chúng làm y như vậy! Chúng hiểu sai về cuộc đua, và kết quả là thất vọng và lộn xộn.

Khi tôi suy nghĩ về câu chuyện này, tôi nhận ra rằng cũng như những đứa trẻ này hiểu sai về cuộc đua thì nhiều người cũng hiểu sai về hy vọng, và kết quả là thất vọng và lộn xộn. Có nhiều người nghĩ hy vọng là từ ngữ thụ động – một lối cảm xúc biếng nhác. Họ quan niệm sai lầm rằng nếu họ chỉ ngồi “rung đùi”, hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, thì có lẽ họ sẽ tốt hơn. Nhưng hy vọng không phải là một cảm giác ăn không ngồi rồi. Nó còn hơn là một giấc mộng hão huyền hay một ý nghĩ mong chờ. Nếu bạn hiểu hy vọng như thế, thì bạn sẽ không chắc chắn về điều mình muốn và kết quả là không nhận được gì.

Hy vọng cho chúng ta năng lượng và thúc đẩy chúng ta hành động. Như tôi đã nói trước đây, hy vọng là một sự mong đợi xác quyết, vui vẻ về điều tốt đẹp, và chính sự mong đợi xác quyết, vui vẻ về điều tốt đẹp đó khiến bạn bước ra trong đức tin và hành động vâng theo lời Chúa. Hy vọng quá là hấp dẫn nên không thể thụ động được. Hy vọng là tin cậy một cách can đảm, quyết định một cách dứt khoát, ăn nói một cách dõng dạc và kiên nhẫn một cách nhiệt thành.

Không có sự thụ động nơi hy vọng, vì không có sự thụ động nơi Chúa. Chúa luôn luôn vận hành và làm việc trong cuộc đời bạn, và Ngài muốn bạn hành động vâng lời Ngài. Một người lười biếng, do dự, thụ động không bao giờ là người hạnh phúc. Khi bạn hiểu được sức mạnh của hy vọng, bạn là người sẵn sàng và phấn khởi để hành động trong đức tin và làm những gì cần làm khi thời điểm đúng đến.

Có lúc chúng ta phải chờ đợi Chúa, nhưng sự chờ đợi thật thì không thụ động mà rất là năng động trong lĩnh vực thuộc linh. Chúng ta đang mong đợi Chúa làm những điều lớn lao. Có vô số những câu Kinh Thánh nói về sự chờ đợi Chúa, trong bản Kinh Thánh The Amplified Bible, chỗ nào nói về sự chờ đợi Kinh Thánh đều nói, “Hãy chờ đợi và mong chờ Chúa.” Tôi thích ý này vì nó nói rõ chúng ta cần phải tích cực mong chờ Chúa làm việc trong đời sống chúng ta. Chúng ta cần sẵn sàng hành động khi có chỉ thị từ Chúa ngay tại thời điểm Ngài nói, và đang khi chúng ta chờ đợi, chúng ta đầy lòng tin quyết, hy vọng rằng Chúa đang hoạch định điều lớn lao và tuyệt vời cho chúng ta. Điều duy nhất bạn cần làm là nghĩ đến một phụ nữ đang mang thai! Cô ta lên kế hoạch, mơ ước, chuẩn bị, bàn tán, và suy nghĩ liên tục về đứa con sắp chào đời.

Hãy Xông Vào Cuộc Chiến, Đừng Chạy Trốn

Khi chúng ta đọc sách Thi Thiên, một trong những điều đầu tiên bạn để ý đó là Đa-vít – một người đầy hy vọng và mong đợi. Bạn có thể nghe điều đó trong những lời ông viết. Đây chỉ là một vài ví dụ:

Hỡi tất cả những ai đặt hy vọng nơi Chúa, hãy can đảm và vững chí!

Thi Thiên 31:24

Không ai tin cậy Ngài mà lại bị xấu hổ…

Thi Thiên 25:3

Cho nên, Chúa ơi, hy vọng tôi là gì? Ngài là hy vọng của tôi.

Thi Thiên 39:7

Dù là ông đang chăn cừu ngoài đồng, đang dẫn dắt các binh lính đào ngũ, hay là đang làm vua cai trị khắp nước Y-sơ-ra-ên, Đa-vít luôn luôn sống với hy vọng rằng Chúa sẽ làm điều diệu kỳ trên cuộc đời ông. Nhưng hy vọng của Đa-vít không cho phép ông ngồi chơi mà không làm gì cả. Thật ra, ngược lại mới đúng. Hy vọng của ông khuấy động ông hành động. Đa-vít tin rằng Chúa sẽ làm điều lạ lùng, nhưng ông biết mình đang hợp tác với Chúa và ông cần chủ động vâng lời. Đó là lý do chúng ta thường thấy Đa- vít hay xin Chúa hướng dẫn và rồi dạn dĩ thực hiện các bước đức tin(xem 1Sử ký 14:10, 1Sử ký 14:14, 1Sa-mu-ên 23:2, 2Sa-mu-ên 2:1).

Bạn tưởng tượng xem Đa-vít sẽ thế nào nếu ông bị động, thiếu nhiệt huyết và không kỷ luật khi đối diện Gô-li-át? Tưởng tượng Đa-vít nói với bản thân Ồ, mình tin chắc Chúa làm điều gì đó. Mình chỉ cần ngồi trong các chiến hào với những người còn lại. Chúng ta hãy hy vọng Chúa sai sấm sét đánh chết tên khổng lồ này. Nếu đó là thái độ của ông, Chúa chắc có lẽ đã dùng người khác để đánh bại Gô-li-át rồi. Chúa đang tìm kiếm ai đó sẵn sàng làm phần của mình – người có hy vọng thôi thúc họ hành động. Đa-vít là người đó!

Khi Đa-vít xuất hiện tại chiến trường để đem nhu yếu phẩm cho các anh, ông nghe tên khổng lồ người Philitin rủa sả Chúa và chế nhạo quân đội Y-sơ-ra-ên, ngay lập tức ông thắp sáng hy vọng của mình. Ông nói với những người xung quanh mình, “Người giết được người Philitin này và cất sự sỉ nhục ra khỏi Y-sơ-ra-ên sẽ được thưởng gì?” (1Sa-mu-ên 17:26). Ông không nghĩ về sự thua cuộc, ông không nghĩ về sự thất bại; ông không nghĩ về những thách thức chống lại ông – ông hy vọng mình thành công và giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Hy vọng thúc đẩy Đa-vít hành động. Giữa lúc ông mới cảm thấy có hy vọng và lúc giành được chiến thắng, hãy xem các bước hành động của ông: Đa-vít chống cự lại lời chỉ trích từ người anh trai đang cố chê bai và làm ông nản chí (c.28-30); ông thuyết phục vua Sau-lơ để ông chiến đấu (c.32-37); ông thử các vũ khí của Sau-lơ nhưng quyết định không dùng nó (c.38-39); ông chọn năm hòn đá làm đạn dược cho trành ném đá của mình (c.40); ông thách đấu Gô-li-át, đoán trước chiến thắng (c.45-47); và ông xông vào cuộc chiến (c.48). Ông không có thái độ kiểu Hy vọng mọi thứ sẽ trôi chảy. Chờ đợi thử xem sao. Ông có thái độ thế này Hy vọng của tôi đặt nơi Chúa. Nào ta hãy đi và giành chiến thắng! Đa-vít không chạy trốn khỏi cuộc chiến hay lẩn trốn khỏi chiến cuộc như những người lính đang làm, ông xông vào với tràn đầy hy vọng và đức tin rằng nhờ Chúa ông có thể thắng tên khổng lồ. Đa-vít có một mong đợi tích cực rằng điều tốt đẹp sẽ xảy ra!

Cơ Hội Hy Vọng

Bạn cũng có thể có cùng thái độ như Đa-vít. Bạn có thể dùng hy vọng đang được xây đắp trong lòng bạn khi bạn đọc cuốn sách này để khiến bạn tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa, bước ra bởi đức tin và dạn dĩ làm những gì Chúa đã đặt trong lòng bạn để thực hiện. Chúa muốn làm những điều diệu kỳ trong cuộc đời bạn, nhưng Ngài sẽ không thực hiện nếu bạn vô vọng và thụ động – Chúa muốn bạn dự phần vào phép lạ qua lòng mong đợi năng động và tích cực. Có thể bạn nghĩ Bà Joyce ơi, ước gì tôi cảm thấy có hy vọng, nhưng tôi biết không làm sao có được. Hy vọng không phải điều gì đó chúng ta chờ đợi để cảm nhận, đó là điều chúng ta quyết định phải có.

Hãy chủ đích hy vọng! Hy vọng là cơ hội quyền năng, siêu nhiên mà bạn không muốn bỏ lỡ! Rất nhiều năng lượng của chúng ta liên hệ với lối suy nghĩ của chúng ta, cho nên nếu chúng ta suy nghĩ những ý tưởng hy vọng, thì năng lượng của chúng ta sẽ gia tăng, cũng như giảm xuống nếu chúng ta suy nghĩ những điều vô vọng.

Một số người hy vọng Chúa sẽ làm điều gì đó để thay đổi hoàn cảnh của họ, nhưng không bao giờ tự mình làm bất cứ điều gì. Ví dụ, người ta sẽ không tìm thấy việc làm nếu họ không đi tìm. Cũng có những người hành động, nhưng họ lại vô vọng và nghĩ tiêu cực về kết quả. Cả hai loại người này sẽ có những gì họ muốn, nhưng cũng có vài cá nhân khác có giấc mơ thiên thượng, họ cầu nguyện và hành động khi Chúa dẫn dắt, và họ vẫn hy vọng dù phải mất thời gian bao lâu để nhìn thấy giấc mơ của mình được hoàn thành.

Suốt cả Kinh Thánh, chúng ta thấy dân sự Chúa nắm lấy những cơ hội siêu nhiên và can dự vào các phép lạ. Khi Chúa hứa sẽ làm sập tường thành Giê-ri-cô, dân Y-sơ- ra-ên đã diễu binh quanh thành, la lên trong sự chiến thắng và đánh trận…các bước hành động! Khi Chúa Giê- su chuẩn bị nuôi 5000 người ăn, các môn đồ đã sắp xếp đám đông và phát thức ăn…các bước hành động! Trước khi Chúa Giê-su chữa lành người đàn bà bị bệnh mất huyết, bà đã len lỏi vào đám đông và sờ trôn áo Ngài…các bước hành động! Khi Thánh Linh đổ xuống vào Ngày lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ đứng trước mọi người và giảng Phúc Âm… các bước hành động! Nếu người nam và người nữ trong Kinh Thánh có thể nắm lấy các cơ hội của họ và thực hiện các bước hành động quyết đoán, thì bạn và tôi cũng có thể làm điều tương tự. Trong đời sống bạn, có thể sự việc sẽ như thế này…

Nếu bạn hy vọng có nghề nghiệp mới, hãy làm việc trong một lĩnh vực nào mà bạn thấy hứng thú, thách thức, thì hãy để hy vọng đó thôi thúc bạn hành động. Bạn có thể học các lớp để mở rộng kiến thức theo những cách bạn được ích lợi trong công việc mới này. Có lẽ bạn nói chuyện với những người hiện đang làm nghề đó, hỏi họ bạn có thể làm gì để chuẩn bị. Sau đó, khi đã chuẩn bị đầy đủ, hãy tích cực tìm việc và làm việc này với một hy vọng trong lòng và nói ra những lời tích cực nơi môi miệng.

Nếu bạn đang thiếu sức lực, và thường ốm đau và bạn hy vọng sức khỏe được cải thiện, thì hãy để hy vọng đó thôi thúc bạn hành động. Bạn có thể tham gia câu lạc bộ thể hình tại địa phương và bắt đầu thói quen tập thể dục. Có lẽ có một số thói quen về chế độ ăn uống hay cách ngủ nghỉ bạn có thể thay đổi để cải thiện mức độ nạp năng lượng. Đơn giản như là giới hạn lượng caffeine đưa vào cơ thể. Ngồi đó chờ Chúa làm thì dễ rồi, nhưng đừng quên hỏi Chúa thử có hành động nào Ngài muốn bạn thực hiện không.

Nếu bạn đang hy vọng rằng một mối quan hệ bị trục trặc được cải thiện, hãy để hy vọng đó thôi thúc bạn hành động. Thay vì chờ người kia chủ động trước thì bạn hãy là người chủ động trước. Bạn có thể viết cho người đó một bức thư ân cần hay gởi một thư điện tử khích lệ. Có lẽ bạn có thể mời người đó đi uống cà phê và xin lỗi về những điều bạn đã làm cho họ vấp phạm.

Nếu bạn hy vọng tài chính của mình được cải thiện, hy vọng có thể vượt qua cảnh túng quẩn, thì hãy để hy vọng đó thôi thúc bạn hành động. Bạn có thể lập một ngân sách – hay tái đánh giá ngân sách hiện tại của bạn – để theo dõi tiền của bạn đang đi về đâu. Bạn có thể gặp ông chủ và hỏi họ những cơ hội mới tại chỗ làm để tăng lương của bạn lẫn lợi ích của công ty.

Trước hết hãy rõ ràng về điều bạn muốn hay cần. Hãy cầu nguyện về vấn đề đó bởi đức tin, và hãy hy vọng khi bạn chờ đợi Chúa. Hãy đảm bảo là bạn bước đi vâng lời ngay lập tức bất cứ sự hướng dẫn nào Thánh Linh chỉ cho bạn. Một số người cầu nguyện rồi sau đó nghi ngờ không biết điều họ cầu xin có xảy ra hay không. Những lời cầu nguyện đó không được đáp lời. Chúa phán hãy “cầu nguyện và chớ nghi ngờ” (xem Gia-cơ 1:6). Cách để không cho nghi ngờ len lõi vào tấm lòng và tâm trí bạn đó là cứ luôn tràn đầy hy vọng và mong đợi tích cực. Hy vọng không phải là thứ gì đó chỉ có một lần một hay thỉnh thoảng mới có. Hy vọng phải là một điều gì đó có liên tục trong đời sống chúng ta!

Hãy xem xét trong sự cầu nguyện các bước Chúa muốn bạn thực hiện để hoàn thành giấc mơ của bạn. Nếu đó là điều đến từ Chúa, thì Ngài sẽ hướng dẫn bạn và ban phước cho công khó của bạn. Chúa đặt giấc mơ trong lòng tôi về sự giảng dạy Lời Ngài và giúp đỡ người khác, tôi có thể nói thành thật rằng từ lúc đó trở đi tôi không có thụ động. Tôi đã trải qua rất nhiều ngày tháng thất vọng và những lúc khó khăn, nhưng qua năm tháng tôi đã học giữ mình luôn tràn đầy hy vọng. Hy vọng đã làm cho cuộc đời tôi tốt đẹp hơn và khiến tôi trở thành một người tốt hơn. Khi bạn hành động nhắm tới việc ứng nghiệm giấc mơ và mục tiêu của mình, bạn có thể cầu nguyện như Môi-se đã cầu nguyện: Lạy Chúa là Thượng Đế chúng tôi, xin ban ơn cho chúng tôi, xin giúp chúng tôi thành công trong mọi việc, xin giúp chúng tôi thành công (Thi Thiên 90:17).

Môi-se không cầu xin Chúa ban phước cho tính thụ động của ông; ông cầu xin công việc mình được ban phước.

Chúa Dùng Những Cái Bình Tan Vỡ

Có thể bạn đang đọc chương này và bạn đau đớn nhớ lại những lúc bạn đã thất bại khi cố thực hiện trong quá khứ. Có thể đã có những cơ hội khi mà bạn có quyết tâm, hứng khởi thực hiện các bước đi can đảm và biến nó thành sự thật, nhưng công việc lại không kết quả. Nếu đó là điều bạn đang cảm nhận, thì chắc chắn tôi có thể hiểu bạn xuất phát từ đâu. Trước đây có những tháng ngày tôi đã cố gắng hết sức mình, nhưng thay vì làm cho hoàn cảnh trở nên tốt đẹp hơn, tôi cảm thấy như thể mình làm cho nó tồi tệ hơn. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đã kinh nghiệm những tháng ngày như thế. Nhưng chúng ta không nên để những thất bại trong quá khứ ngăn trở chúng ta thử lại một lần nữa trong tương lai.

Chúa biết chúng ta có những sự giới hạn và thiếu sót. Những thất bại của chúng ta không làm Ngài ngạc nhiên, và nó cũng không ngăn trở Ngài làm việc trong đời sống chúng ta. Sự thật thì Chúa sẽ dùng những giới hạn của chúng ta để thi thố quyền năng Ngài. Tôi tình cờ biết được một câu chuyện minh họa ý tôi muốn nói:

Có một người gánh nước tại Ấn Độ có hai chiếc bình lớn được treo tại hai đầu gánh mà anh ta gánh trên vai mình. Một cái bình còn lành lặn và luôn giữ một lượng nước đầy đủ sau một chuyến đi bộ dài từ suối nước tới nhà chủ. Còn cái bình kia có một vết nứt và vừa về tới nhà thì nước chỉ còn nửa bình. Suốt hai năm mỗi ngày người gánh nước chỉ giao một bình rưỡi nước tới nhà của ông chủ. Tất nhiên, bình lành lặn tự hào về thành quả của mình – rất thích hợp với mục đích mà nó được làm nên. Chiếc bình nứt tội nghiệp kia rất xấu hổ về sự khiếm khuyết của mình và rất đau khổ vì chỉ chứa được một nửa trong bình. Sau hai năm chiếc bình bị nứt kia nhận ra nỗi thất bại cay đắng của nó nên nó nói với người gánh nước, “Tôi xấu hổ về bản thân quá và tôi muốn xin lỗi ông.” Người gánh nước hỏi, “Tại sao?” “Ngươi xấu hổ về chuyện gì?”

“Trong hai năm qua, tôi chỉ có thể giao nửa bình nước mỗi ngày vì do bên hông tôi bị nứt nên nước rò rỉ suốt đường trở về nhà của chủ. Cái bình nói, “Do khiếm khuyết của tôi, nên ông phải làm tất cả công việc này mà không có được giá trị đầy đủ công sức ông bỏ ra.”

Người gánh nước cảm thấy tội cho chiếc bình cũ bị nứt, ông nói với lòng trắc ẩn, “Khi chúng ta trở về nhà của chủ, ta muốn ngươi để ý đến những bông hoa xinh đẹp dọc đường.” Thật ra, khi họ đi lên đồi, chiếc bình cũ nứt để ý thấy những bông hoa dại xinh đẹp ở bên đường. Nhưng đến cuối đường, nó vẫn cảm thấy xấu hổ vì một nửa nước gánh về đã bị rò rỉ.

Người gánh nước nói với cái bình, “Ngươi có để ý thấy là hoa chỉ có ở phía bên đường của ngươi, còn phía bên đường của cái bình kia không có hoa không? Đó là bởi vì ta biết về sự rò rỉ của ngươi và ta tận dụng chuyện này bằng cách gieo những hạt giống hoa phía bên đường của ngươi. Mỗi ngày khi chúng ta đi bộ từ suối nước trở về, ngươi đã tưới cho những hạt giống đó, và trong hai năm ta đã hái những bông hoa xinh đẹp này để trang trí bàn của chủ ta. Nếu không có ngươi rò rỉ như vậy thì chủ đã không có những bông hoa đẹp này để trang trí nhà mình.

Giống như chiếc bình nứt đó, bạn cũng có thể hoàn thành những điều tuyệt vời. Bạn có những thiếu sót và giới hạn, điều đó không thành vấn đề. Đừng để những gì bạn xem là điểm yếu khiến bạn không thực hiện các bước đi can đảm được thúc đẩy bởi hy vọng. 2Cô-rinh-tô 12:10 nói, “…Vì khi tôi yếu đuối lại là lúc tôi thật mạnh mẽ.” Biết vậy há không được an lòng sao? Ngay cả khi bạn yếu đuối, bạn cũng mạnh mẽ vì Chúa ở với bạn. Ngài dùng mọi thành phần trong cuộc đời bạn – kể cả những rạn nứt – để tạo nên một tuyệt tác.

Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!

Hy vọng quả là rất hứng khởi vì bạn cũng có phần trong đó. Bạn không phải ngồi đó chờ câu trả lời “như sung rụng.” Bạn có thể dâng hy vọng cho Chúa, xin Ngài sự khôn ngoan và hướng dẫn, sau đó có những bước thực tiễn nhắm tới mục tiêu. Dù nhiệm vụ trông khó khăn hay thử thách đang dồn ép bạn tới đâu đi nữa,; hãy để hy vọng từng hồi từng lúc thôi thúc bạn hành động. Ngoài việc vâng lời làm theo điều mà bạn cảm nhận Chúa dẫn dắt bạn làm, bạn có thể nhiệt thành cảm tạ Chúa vì Ngài đang làm việc trong cuộc đời bạn. Bạn có thể giữ thái độ tích cực và nói ra những lời tích cực. Bạn có thể nhớ lại những chiến thắng trước đây mà bạn đã trải qua và qua đó bạn sẽ được khích lệ. Chiến thắng đòi hỏi sự quyết tâm và kỷ luật, nhưng kết quả thì thật là mỹ mãn. Nên hãy tiến bước và thắp sáng hy vọng của bạn. Chúa đã giúp Đa-vít đánh bại tên khổng lồ. Ngài có thể làm tương tự cho bạn.