CHƯƠNG 16: Quyền Chọn Lựa Là Của Bạn

Thắp Sáng Hy Vọng

Đăng vào: 1 năm trước

.

CHƯƠNG 16

Quyền Chọn Lựa Là Của Bạn

Đừng lo lắng chi cả, nhưng trong mọi việc hãy cầu nguyện, nài xin và cảm tạ trong khi trình bày các nhu cầu của mình cho Thượng Đế. Sự bình an của Thượng Đế mà con người không thể nào hiểu thấu sẽ bảo vệ trí óc và tâm khảm anh em, khi anh em tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Phi-líp 4:6-7

“Hy vọng là sức mạnh để vui vẻ trong những hoàn cảnh mà chúng ta biết là vô cùng thất vọng.”

– G.K. Chesterton

Thật tuyệt vời khi biết hy vọng hiện ở đây – luôn có sẵn cho bạn và tôi hôm nay. Nhưng để sống trong thực tại của sự thật đó, thì có một kẻ thù của hy vọng mà chúng ta cần đánh bại: lo lắng.

Lo lắng là kẻ thù cay đắng của hy vọng. Không thể nào vừa hy vọng vừa lo lắng cùng một lúc. Bạn phải chọn một thôi, vì hai thứ hoàn toàn đối lập nhau. Hy vọng nhìn thấy mọi điều tốt lành xảy ra; lo lắng bày tỏ điềm xấu. Lo lắng bận tâm đến việc xấu có thể xảy ra. Lo lắng và sợ hãi làm việc kề vai sát cánh nhau, và kéo chúng ta suy nghĩ rằng nếu chúng ta biết nên làm gì với hoàn cảnh, có lẽ chúng ta có thể chấm dứt khó khăn. Và dù Kinh Thánh nói lặp đi lặp lại rằng lo lắng là vô ích và bảo đừng lo lắng, nhưng nó là một cám dỗ nguy hại nhất mà chúng ta phải xử lí. Việc chuyển từ việc tin cậy vào bản thân để giải quyết vấn đề sang việc hoàn toàn tin tưởng vào Chúa cần thời gian.

Tôi đọc được một câu chuyện minh họa cho thấy chìa khóa để chiến thắng lo lắng và sống tràn đầy hy vọng…

Một mục sư đã bay một chuyến bay dài từ nơi này sang sang nơi khác. Lời cảnh báo đầu tiên về thời tiết xấu được phát đi là: “Hãy thắt dây an toàn.” Sau một hồi, một giọng bình tĩnh nói, “Chúng tôi sẽ không phục vụ thức uống lúc này vì đang gặp thời tiết xấu. Hãy cứ thắt dây an toàn.”

Khi vị mục sư nhìn khắp máy bay, rõ ràng là nhiều hành khách lo lắng. Sau đó, tiếp viên nói, “Rất tiếc vì hiện tại chúng tôi không thể phục vụ bữa ăn. Thời tiết xấu vẫn còn.” Và rồi cơn bão nổi lên. Người ta nghe tiếng sấm chớp át luôn tiếng động cơ. Tia sáng tóe ra trong bầu trời đen tối, và trong chốc lát, chiếc máy bay to lớn đó bị đưa qua đẩy lại trên bầu trời. Hồi thì máy bay bị nâng cao lên, hồi thì nó bị sà xuống như thể sắp bị nạn.

Vị mục sư thú nhận ông hiểu được nỗi lo và sợ hãi của những người xung quanh. Ông nói, “Khi tôi nhìn quanh máy bay, tôi thấy hầu hết hành khách đều lo lắng và hoảng hốt. Một số người cầu nguyện. Tương lai mờ mịt và nhiều người thắc mắc liệu họ có vượt qua được cơn bão hay không. Rồi thình lình tôi thấy một cô bé. Rõ ràng cơn bão chẳng có ý nghĩa gì với cháu. Hai chân cháu xếp lại và cháu đang đọc sách, mọi sự trong thế giới của cháu đều bình lặng và trật tự. Đôi khi cháu nhắm mắt lại, rồi cháu đọc tiếp; sau đó cháu duỗi chân ra, nhưng lo lắng và sợ hãi không có trong thế giới của cháu. Khi máy bay bị hất qua lại bởi cơn bão dữ dội, nó lảo đảo hết hướng này tới hướng khác, khi lên thiệt cao và khi hạ xuống dữ dội, khi tất cả những người lớn sợ hãi gần chết, thì đứa bé lạ lùng đó hoàn toàn ngược lại và không sợ hãi.”

Vị mục sư đó không thể tin vào mắt mình. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi máy bay đến nơi và tất cả hành khách vội vã lấy đồ đạc, còn vị mục sư thì nán lại để nói chuyện với cô bé mà ông đã quan sát trong thời gian dài. Sau khi nói về cơn bão và chuyển động của máy bay, ông hỏi tại sao cô bé lại không sợ.

Cô bé trả lời, “Bởi vì cha cháu là phi công, và ông ấy sẽ đưa cháu về nhà.”

Thật là một minh họa rất hay về cách tìm thấy bình an ngay giữa giông bão. Cô bé này không hề lo lắng hay sợ hãi vì cháu tin cha cháu biết ông ta đang làm gì. Ai cũng tập trung vào cơn bão quanh họ, hoảng hốt và lo lắng rằng họ sẽ không qua khỏi. Nhưng những suy nghĩ này không xảy ra cho cô bé này. Trong tâm trí của cháu, lúc nào cha cháu cũng kiểm soát – cháu không có gì phải lo lắng.

Nếu bạn muốn chiến thắng lo lắng trong đời, tôi khích lệ bạn hãy có cùng một thái độ đó. Thay vì đinh ninh là sẽ có điều tồi tệ mỗi khi hoàn cảnh trở nên khó khăn, hãy có đức tin để ngồi xuống và thư giản. Có thể sẽ có một số nhiễu nhương, và những người quanh bạn tỏ dấu hiệu sợ hãi, nhưng bạn biết điều mà họ không biết… Cha Thiên Thượng của bạn là “phi công.” Không đời nào Ngài để bạn thất vọng đâu. Lúc nào Ngài cũng kiểm soát vấn đề.

Bình Tĩnh Trong Cơn Bão

Rô-ma 8:24-25 nói ý này về hy vọng này:

Trong niềm hy vọng đó chúng ta đã được cứu; nhưng hy vọng mà đã thấy rồi thì không còn là hy vọng nữa; vì điều gì người ta thấy thì còn hy vọng gì nữa? Nhưng nếu chúng ta không thấy điều chúng ta hy vọng thì chúng ta tha thiết trông chờ trong kiên trì.

Sự điềm tĩnh là gì? Có nghĩa là kiểm soát những cảm xúc. Khi ai đó cảm xúc bị bối rối, bạn nói với họ, “Hãy bình tĩnh.” Kinh Thánh dạy hy vọng sẽ cho phép chúng ta chờ đợi Chúa với thái độ kiên nhẫn và điềm tĩnh. Nói cách khác, đang khi chúng ta chờ đợi Chúa, chúng ta có thể giữ bình tình. Chúng ta sẽ không hoảng loạn và sợ hãi, và dù chúng ta bị cám dỗ theo hướng đó, chúng ta có thể đắc thắng bằng cách nhớ rằng Chúa yêu thương chúng ta và sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta. Đừng chỉ cố gắng không bực bội, mà hãy đối diện những suy nghĩ lo lắng đó bằng lời nhắc nhở về việc Chúa đã giải cứu bạn trong quá khứ và biết rằng Ngài sẽ lại giải cứu nữa. Chúng ta có thể bị ngã quỵ, nhưng không bao giờ nằm quỵ luôn.

Hy vọng mang lại một mức độ điềm tình và bình an. Hy vọng nói, “Tôi chưa thấy câu trả lời cho hoàn cảnh tôi bằng con mắt trần này, nhưng bởi đức tin tôi tin rằng Chúa đang làm việc.” Luôn nhớ rằng lo lắng là một sự lãng phí năng lực. Nó làm chúng ta kiệt quệ về tâm trí, tình cảm và thật vô ích. Lo lắng chẳng thay đổi điều gì ngoài chúng ta! Nó làm chúng ta bối rối khi đầu óc chúng ta lục lọi tìm kiếm câu trả lời cho các nan đề mà chỉ có Chúa mới có câu trả lời. Chúa không phải là tác giả của sự rối loạn, Ngài là Vua Bình An. Ngài muốn bạn sống trong hy vọng để ngay cả trong những ngày mà mọi thứ quanh bạn dường như mất kiểm soát, bạn có thể vững vàng tin rằng điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Hãy tin, suy gẫm, công bố điều này và khích lệ những người khác đang đối diện với những thử thách.

Hãy tưởng tượng các phụ huynh ngồi xem trận đá bóng của các con mình. Một phu huynh có bệnh lo lắng mãn tính, còn người kia thì không. Một phụ huynh hay lo thì nghĩ chắc có chuyện không may, còn phụ huynh kia thì tin không có chuyện gì cả.

Nào con họ đang học lớp hai – và nó đang chạy, đá bóng và chơi rất hay. Thình lình, nó quay lại, chạy bổ vào cầu thủ đối phương, té xuống và đầu gối bị trầy xước. Dĩ nhiên, cháu khóc là chuyện bình thường, và tất cả những đứa trẻ khác chờ đợi khi người ta băng bó cho cháu bé bị trầy đầu gối. Tất cả cha mẹ đều chăm chú nhìn vào sân để biết chắc là con mình không sao (đúng là không sao), nhưng cái nhìn đời của họ khiến họ có những phản ứng rất khác biệt.

Bậc phụ huynh sống có kiên nhẫn và điềm tĩnh quan sát kỹ khi huấn luyện viên vào sân kiểm tra cậu bé. Phụ huynh này cũng quan tâm đôi chút, như bao bậc cha mẹ khác, nhưng khi biết rõ trẻ chỉ cần băng bó thì người này giơ tay lên hào hứng và khích lệ cậu bé tiếp tục chơi. Vị phụ huynh lạc quan này không phải là không nhận thức về tình huống, nhưng người này không để cho mình bị lung lay và lo lắng chỉ vì có khả năng bị chấn thương. Người này có lòng mong đợi lành mạnh và vui vẻ về điều gì đó tốt đẹp hơn là mang nỗi sợ không lành mạnh và khổ sở cho rằng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra.

Còn vị phụ huynh hay lo lắng có một phản ứng hoàn toàn khác biệt. Vị này chạy xuống sân trong sự hoảng hốt. Trước khi huấn luyện viên, hay thậm chí trọng tài, kiểm tra xem cậu bé có ổn không, thì vị phụ huynh hay lo này đã ở đó, hốt hoảng kiểm tra đầu gối của đứa trẻ và thắc mắc không biết chi phí bệnh viện là bao nhiêu. Hãy nhớ là chỉ trầy xước sơ ở đầu gối, nhưng vị này không có sự điềm tĩnh. Vị này làm to chuyện, đem cậu bé ra khỏi sân, đưa lên xe hơi, nghĩ là đứa trẻ phải bó bột và đi nạng.

Có lẽ bạn chứng kiến những cảnh thế này diễn ra trong cuộc đời của những người quanh bạn (hay có lẽ trong chính đời sống bạn). Những người mà gục ngã ngay khi thấy dấu hiệu đầu tiên của nan đề thì thường nói, “Tôi là một chuyên gia lo mà,” biện hộ cho phản ứng của họ là do tính họ hay lo. Nhưng lo lắng là vũ khí của kẻ thù nhằm cướp đi niềm vui của bạn và niềm vui của những người quanh bạn. Nó không phải là tính khí. Nó dựa trên nỗi sợ hãi và thất bại vì không thể tin cậy Chúa.

Bạn không cần phải sống mà cảm nhận điều tồi tệ. Bạn không cần phải hoảng loạn và mất kiểm soát cảm xúc mỗi khi bị trầy xước đầu gối. Bạn có thể sống với một sự đảm bảo đầy hy vọng rằng mọi sự sẽ ổn thỏa. Thật ra, mọi chuyện còn hơn là ổn thỏa thôi – nó sẽ trở thành vui thỏa nữa cơ! Chúa đang kiểm soát, và khi bạn tin cậy kế hoạch của Ngài cho đời sống bạn, thì hy vọng, bình an và điềm tĩnh sẽ là kết quả tự nhiên. Không điều nào trên đây có ý muốn nói rằng chúng ta không cần phải giải quyết những hoàn cảnh khó chịu, hay mọi thứ ở đời sẽ diễn ra như cách chúng ta muốn nó, mà nó có nghĩa là chúng ta có thể chọn tin điều tốt nhất hay tin điều tệ nhất – điều đó phụ thuộc ở chúng ta!

Tác Dụng Tĩnh Lặng Của Hy Vọng

Con người, kể cả Cơ Đốc Nhân, cũng có thể gặp vấn đề về việc thiếu đi sự ổn định – và thiếu ổn định là do lo lắng và sợ hãi. Lo lắng khiến người ta có cảm xúc hồi trồi, hồi trụt, và tâm trí họ nghĩ đủ thứ tư tưởng kỳ cục. Bạn không hề biết nên làm gì khi gặp những người thân hay bạn bè mà có khuynh hướng hay lo lắng. Cảm xúc của họ dựa trên những biến cố xảy ra trong ngày, nên họ khó lường đoán và không đáng tin. Họ không có ý sống vậy, nhưng họ lầm tưởng rằng cách duy nhất để họ bình tĩnh là nếu mọi hoàn cảnh của họ đều dễ chịu.

Tôi đã sống nhiều năm trồi trụt về cảm xúc, và tôi liên tục cầu nguyện xin Chúa giải quyết nan đề của tôi để tôi được bình an. Bây giờ tôi biết mục tiêu của Chúa dành cho chúng ta đó là chúng ta sống bình an trong giông bão như Chúa Giê-su sống. Tại sao Chúa không cất đi hết nan đề của chúng ta? Suy cho cùng, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm được. Câu trả lời đơn giản là vì chúng ta vẫn còn ở trong thế gian, mà trong thế gian thì sẽ có hoạn nạn (Giăng 16:33). Để không hề gặp khó khăn nào nữa, chúng ta phải ra khỏi thế gian. Còn hiện tại chúng ta còn ở trong thế gian. Ở thế gian này không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng Chúa đã trang bị cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần để sống bình tĩnh và tận hưởng cuộc sống dù có chuyện gì xảy ra.

Hãy Thực Tế

Tôi đang khích lệ bạn qua mỗi chương sách là hãy mong đợi những điều tốt lành, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có những mong đợi phi thực tế. Mong đợi người ta phải hoàn hảo và không bao giờ làm tổn thương bạn là phi thực tế, hoặc hy vọng mỗi ngày trong đời bạn mọi sự sẽ chính xác như bạn muốn cũng không thực tế luôn. Tin điều tốt đẹp xảy ra sẽ giúp bạn lèo lái những giông bão cuộc đời và vẫn tới được đích. Chúng ta trải qua nhiều thứ, nhưng cảm tạ Chúa là chúng ta “vượt qua” được. Trải nghiệm nó có thể không dễ chịu, nhưng chắc chắn là tốt hơn việc bị mắc kẹt và không bao giờ vượt qua.

Tôi không thức dậy mong đợi những rắc rối, nhưng tôi ý thức rằng nó có thể có, và tôi quyết định hướng tâm trí để duy trì niềm hy vọng tràn đầy và mong đợi tích cực rằng mọi sự sẽ mang lại ích lợi. Chúng ta là người chiến thắng bội phần, và đối với tôi điều đó có nghĩa chúng ta chắc chắn có chiến thắng ngay cả trước khi chúng ta gặp nan đề. Thái độ “chiến thắng” trở thành danh tánh mới của chúng ta! Chúng ta không cần phải sống với lối suy nghĩ nạn nhân vì chúng ta an tâm rằng cuối cùng chúng ta luôn luôn chiến thắng.

Một khi được thuyết phục về những điều này sẽ cho phép chúng ta ổn định và bình tĩnh. Trong 1Cô-rinh-tô 15:58, sứ đồ Phao-lô nói chúng ta có thể “vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn.” Thật là một lối mô tả tuyệt vời về ý nghĩa của việc đi theo Chúa Giê-su. Đây chính là điều mà một người để Chúa làm nền tảng của cuộc đời mình có thể sống. “Vững vàng,” “Kiên định,” và “Không đổi dời” là những đặc điểm chúng ta phát triển nhờ gác qua những lo lắng và liên tục quyết định sống trong hy vọng.

Hy vọng đem lại sức mạnh và ổn định cho cuộc đời. Khi bạn có niềm tin rằng Chúa đang kiểm soát và Ngài sẽ làm điều gì đó lớn lao trong hoàn cảnh của bạn, bạn sẽ không bị dồi dập bởi những giông bão của cuộc đời, thay vào đó bạn được neo chắc và an ninh vì hy vọng của bạn ở nơi Chúa.

Bạn Là Gì : Kền Kền Hay Chim Ruồi?

Một mục báo trong tờ Reader’s Diggest ghi:

Cả chim ruồi và con kền kền điều bay qua các hoang mạc nước Mỹ. Điều duy nhất mà các con kền kền nhìn thấy là đống thịt thối rữa, bởi vì đó là thứ chúng tìm kiếm. Chúng lớn nhờ thức ăn đó. Nhưng chim ruồi thì không ăn thịt bốc mùi của động vật chết. Mà chúng tìm những bông hoa đầy màu sắc trong các loài cây sa mạc. Con kền kền sống nhờ xác chết. Chúng sống trong quá khứ. Chúng nhồi nhét những thứ chết chóc và đã xong đời rồi. Con chim ruồi sống nhờ vào cái hiện tại. Chúng tìm kiếm sự sống mới. Chúng làm đầy dẫy bản thân bằng sự tươi mới và sự sống. Mỗi loài chim tìm thấy thứ mà chúng tìm kiếm. Tất cả chúng ta đều như vậy.

Sự khác nhau giữa chim kền kền và chim ruồi rất giống với sự khác nhau giữa lo lắng và hy vọng. Giống như kền kền, lo lắng ăn nuốt những thứ không có sự sống: tiêu cực, bi quan, sợ hãi, lo lắng. Đó là cách sống bẩn thỉu, tìm kiếm thức ăn từ những thứ đã chết và sắp chết. Nhưng hy vọng thì khác. Giống như chim ruồi, hy vọng rất đẹp. Hy vọng tìm kiếm sự sống mới, ăn những thứ tươi mới.

Là con cái Chúa, bạn có quyền tận hưởng cuộc sống, nhưng để làm điều đó, bạn cần chọn trở thành người tích cực, tìm kiếm điều tươi mới và mới mẻ. Tích cực có nghĩa bạn chủ động tìm kiếm những điều tốt đẹp. Bạn liên tục tin cậy và tìm kiếm những điều tốt đẹp Chúa đã dành cho bạn, không tìm kiếm hay mong thảm họa tiếp theo.

Rũ bỏ tính tiêu cực chưa đủ – đó chỉ là khởi đầu. Bạn có cơ hội rũ bỏ tính tiêu cực…và sau đó ôm ấp một cái nhìn tích cực về cuộc sống!

Tôi nhớ khi Chúa xử lý tôi mạnh về hậu quả của tính tiêu cực, và Ngài thách thức tôi chấm dứt suy nghĩ và nói những điều tiêu cực. Tôi làm được vài tháng và nghĩ mình đang rất tốt, nhưng tôi vẫn chưa thấy bất cứ sự thay đổi tích cực nào trong hoàn cảnh của tôi. Khi tôi ngẫm về hoàn cảnh đó, tôi cảm nhận Chúa chỉ cho tôi thấy dù tôi đã cải thiện rất nhiều để không quá tiêu cực, nhưng tôi chưa tích cực hoàn toàn. Chúa muốn chúng ta không chỉ chấm dứt làm những việc sai, nhưng Ngài cũng muốn chúng ta làm những việc đúng. Sứ đồ Phao-

lô dạy kẻ vốn trộm cắp đừng trộm cắp nữa, nhưng phải làm việc để có thể giúp những người thiếu thốn. Ông nói chúng ta nên tránh giận dữ và bực tức mà hãy tử tế với mọi người, làm điều có ích cho họ (Ê-phê-sô 4:28, 31-32).

Chúa muốn thay thế các nguyên tắc thế gian bằng các nguyên tắc tin kính. Bạn thấy điều này xuyên suốt Kinh Thánh. Ngài cất tội lỗi của chúng ta và ban cho chúng ta sự công chính của Ngài. Ngài cất sự hỗn loạn của chúng ta và ban cho chúng ta sự bình an của Ngài. Ngài cất sự đau buồn của chúng ta và ban cho chúng ta sự vui mừng của Ngài. Ngài cất đi điều xấu xa và Ngài mang đến điều tốt lành.

Đây là những điều sẽ như vậy trong đời bạn …

  • Có thể bạn chấm dứt đối xử tệ với ai đó. Đó là một bước tích cực. Nhưng bây giờ hãy đi thêm bước nữa và bắt đầu tử tế với họ, chúc phước cho họ trong mọi dịp bạn có.
  • Có thể bạn chấm dứt nói xấu về người khác, nhưng bây giờ bạn cần tìm điều tốt để nói về họ.
  • Có thể bạn chấm dứt lúc nào cũng than phiền về những khó khăn trong cuộc sống. Đó là một bước tích cực. Nhưng bây giờ, hãy đi thêm bước nữa và bắt đầu cảm tạ về những điều tốt đẹp bạn kinh nghiệm mỗi ngày.
  • Có thể bạn chấm dứt cho rằng bạn sẽ có một ngày kinh khủng khi thức dậy vào buổi sáng. Đó là một bước tích cực. Nhưng giờ hãy đi thêm bước nữa và bắt đầu nghĩ là bạn sẽ có một ngày tuyệt vời trong Chúa.

Như tôi đã nói ở chương trước, Kinh Thánh nói Chúa nhìn sự sáng tạo và Ngài nói, “Ấy là tốt lành” (Sáng Thế 1:31). Tôi thích cách Chúa để thời gian nhìn nhận và quý trọng điều tốt lành. Tôi nghĩ chúng ta nên làm tương tự. Hãy chọn làm con chim ruồi, chứ không phải con kền kền. Hãy gác qua những tiêu cực và tìm kiếm những điều tốt đẹp. Tôi không biết bạn sao, nhưng tôi thà làm chim ruồi còn hơn làm chim kền kền.

Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!

Nếu bạn đang xử lý những lo lắng hay lo âu trong đời bạn, việc này có thể là một giây phút đầy bước ngoặt cho bạn. Bạn có thể quyết định sống cuộc đời tràn đầy hy vọng trong Chúa, phấn khởi và lạc quan về kế hoạch của Ngài cho cuộc đời bạn. Lo lắng không phải là một phần trong gen của bạn. Nó là kẻ thù mà bạn có thể đánh bại nhờ có Chúa giúp.

Khi hoàn cảnh khó khăn nổi lên, bạn không cần phải hoảng sợ và ngã quỵ; bạn có thể tràn đầy bình an và điềm tĩnh. Chúa là Vầng Đá của bạn, và Ngài sẽ neo bạn chắc nên bạn không bị chao đảo bởi những giông bão cuộc đời. Vậy hãy tiến lên và thắp sáng hy vọng của bạn. Bạn có thể thành con chim ruồi, chứ không phải chim kền kền. Bạn có thể nhìn thấy điều tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh, chứ không phải điều xấu. Và nếu bạn tình cờ gặp bão tố và khó khăn khiến bạn sợ hãi, đừng lo lắng…Cha Thiên Thượng là “phi công” của bạn!