CHƯƠNG 15: Có Cái Nhìn Của Chúa

Thắp Sáng Hy Vọng

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG 15

Có Cái Nhìn Của Chúa

Phúc cho người tin cậy Chúa Hằng Hữu và hoàn toàn hi vọng nơi Ngài.

Giê-rê-mi 17:7

“Chúa là Đấng duy nhất có thể biến trũng rối loạn thành cửa hy vọng.”

-Catherine Marshall

Đôi khi bạn không biết vấn đề được giải quyết như thế nào. Bạn có bao giờ cảm thấy như thế chưa? Bạn đọc Kinh Thánh mỗi ngày, cố gắng giữ thái độ tích cực, có những người bạn tốt khích lệ bạn giữ thái độ đó, nhưng dù bạn có cố cách mấy đi nữa, bạn vẫn thấy nản lòng. Bạn không kinh nghiệm kiểu hy vọng mà chúng tôi đang nói từ nảy đến giờ trong sách này. Có lẽ bạn có một số ngày tràn đầy hy vọng hơn một số ngày khác, nhưng bạn không xem mình là một người đầy hy vọng.

Bạn không phải là người duy nhất cảm thấy như thế. Nhiều người tranh đấu để tìm hy vọng – và rất nhiều người tranh đấu để bám lấy hy vọng. Hy vọng không thể dựa vào hoàn cảnh mà phải được tìm thấy trong Chúa Giê-su mà thôi. Hy vọng không xuất hiện vì bạn ước mong nó xuất hiện. Hy vọng là điều gì đó phải được nuôi dưỡng và phát triển, và học Lời Chúa thường xuyên là nhiên liệu cần thiết để nuôi hy vọng. Bạn không cần chờ đợi – hy vọng luôn ở đây. Bạn có thể nhận hy vọng hôm nay. Bạn không cần phải chờ để cảm nhận nó, nhưng bạn có thể quyết định cuộc sống sẽ khốn khổ nếu không có hy vọng, vậy sao lại không hy vọng ngay BÂY GIỜ! Hãy mong đợi điều gì đó tốt đẹp xảy ra hôm nay!

Một điều quan trọng bạn có thể làm để sống cuộc đời hy vọng – cuộc đời đầy dẫy lòng mong đợi vui vẻ về điều tốt đẹp – là có cái nhìn của Chúa. Bao lâu bạn còn nhìn hoàn cảnh qua cái nhìn tự nhiên, xác thịt thì bạn sẽ bị cám dỗ để cảm thấy bất lực và thất bại. Nhưng khi bạn bắt đầu nhìn cuộc đời như cách Chúa nhìn thì hy vọng sẽ kiểm soát.

Đây là điều xảy ra cho ông Áp-ra-ham. Trong Sáng Thế 15, Áp-ra-ham cảm thấy hơi tuyệt vọng. Chúa đã hứa Áp-ra-ham sẽ làm cha của nhiều nước (xem Sáng Thế 12:2) và xứ Canaan sẽ thuộc về con cháu ông (xem Sáng Thế 12:5-7), nhưng Áp-ra-ham không thấy được sự việc diễn tiến như thế nào. Ông yêu mến Chúa, và ông muốn có hy vọng, nhưng ông không có con. Làm sao Chúa khiến ông thành một dân tộc lớn nếu ông Áp-ra-ham không có một người kế tự?

Trong Sáng Thế 15:2-3, Áp-ra-ham cầu nguyện một trong những lời cầu nguyện thành thật nhất mà tất cả chúng ta đều cầu nguyện hết lần này đến lần khác. Ông nói, “Chúa ơi, làm sao Chúa có thể ban cho con điều gì, vì con không có con?” Và ông nói tiếp, “Xem kìa, Chúa không cho con con cái gì cả …” Áp-ra-ham đâm ra thất vọng. Ông nhìn mọi sự theo cái nhìn của ông, và cái nhìn của ông thì không có hy vọng gì cả.

Biết được ông Áp-ra-ham không nhìn thấy hết bức tranh, Chúa đã làm một điều lạ lùng. Sáng Thế 15:5 nói:

Đoạn, Ngài dẫn người ra ngoài và phán rằng: Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy.

Giữa lúc Áp-ra-ham tự thương hại, Chúa biết ông cần gì – ông cần một sự thay đổi trong cái nhìn. Một đàng ông chỉ cầu nguyện với Chúa một cách vô vọng về một bức tranh nhỏ bé – một người con -trong khi Chúa dự định ban phước cho ông có nhiều con cái không thể đếm hết. Nên Chúa đem ông ra ngoài và ban cho ông một cái nhìn mới: bầu trời đầy sao. Giây phút ông Áp-ra-ham có được cái nhìn của Chúa, hy vọng của ông trở nên sống động. Rô-ma 4:18 nói, “Người vẫn tin trong hy vọng dù không còn gì để hy vọng, nên người trở thành cha của nhiều dân tộc như lời đã phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế;”

Câu chuyện của ông Áp-ra-ham rất được khích lệ. Nó cho tôi biết ngay cả những con người giỏi nhất trong chúng ta cũng có thể bị nản lòng lúc này hay lúc khác. Khi chúng ta không thấy lời hứa thành sự thật thì thắc mắc Chúa là điều tự nhiên. Nhưng chúng ta không cần phải cứ kẹt trong những cảm giác nghi ngờ và nản lòng đó. Chúa muốn ban cho chúng ta cái nhìn của Ngài nhằm để lấp đầy chúng ta bằng hy vọng và đức tin. Thay vì nhìn thấy bức tranh nhỏ bé, Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta thấy một bức tranh lớn – bức tranh của Ngài – vì cái nhìn của Ngài sẽ thay đổi mọi sự.

Đeo Kính Của Chúa Vào

Chúng ta hãy đeo cái mà tôi gọi là “kính của Chúa,” và nhìn vấn đề theo cái nhìn của Chúa. Ngài nhìn sự việc rất khác chúng ta nhìn vì Ngài nhìn thấy sự cuối cùng ngay từ lúc khởi đầu.

Chúa nhìn bạn như thế nào? Ngài yêu bạn hơn là bạn có thể hiểu, và Ngài có một kế hoạch tốt lành cho cuộc đời bạn. Bạn không bao giờ cô đơn vì Ngài luôn ở với bạn. Ơn tha thứ của Chúa lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào bạn đã phạm. Lòng thương xót của Ngài là mới mỗi ngày. Là tín hữu, Chúa ban cho bạn quyền năng, và bạn không cần sống cuộc đời thất bại. Bạn đã được tạo dựng thành một người mới trong Chúa, được ban cho một đời sống mới, và bạn có thể bỏ lại phía sau quá khứ của bạn và nhìn về tương lai. Khi bạn biết bạn là ai trong Chúa và cách Chúa nhìn bạn qua sự hy sinh của Con Ngài, điều đó sẽ thay đổi cách bạn sống.

Chúa nhìn vào sự sáng tạo và nói rằng điều đó thật tốt lành (xem Sáng Thế 1:31). Bạn là một phần của sự sáng tạo, nên bạn tốt lành. Nhưng có lẽ bạn thấy khó tin điều đó. Tôi không nói về xác thịt của bạn. Sứ đồ Phao-lô nói, “Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn” (Rô-ma 7:18). Xác thịt chúng ta có bị khiếm khuyết, và chúng ta ai cũng phạm lỗi lầm. Khi Chúa nói, “Con tốt lành,” Ngài đang nói về tâm linh đã được tạo dựng mới của bạn.

Vì chúng ta là tác phẩm của Đức Chúa Trời, được tạo nên trong Chúa Cứu Thế Giê-su để làm những việc thiện lành, là việc Đức Chúa Trời đã chuẩn bị trước cho chúng ta để theo đó mà tiến hành.

Ê-phê-sô 2:10

Hiểu được những thực tại của sự sáng tạo mới và bắt đầu đồng hóa với nó là điều quan trọng. Nhiều người hành xử xấu tệ vì họ nghĩ mình tệ xấu – họ tin họ xấu tệ. Thường người ta bị rơi vào lối sống tội lỗi vì họ không tin họ đã tự do khỏi tội lỗi nhờ Chúa Giê-su. Họ nhìn quá khứ của họ và họ không hiểu quyền năng của sự tái sinh – rằng nếu ai ở trong Chúa Giê-su, họ là một tạo vật mới, mọi sự cũ đã qua đi và mọi sự trở nên mới (xem 2Cô-rinh-tô 5:17).

Hiểu và thật sự tin những thực tại trên là khó rồi, bây giờ Thượng Đế còn nhìn chúng ta là công chính qua Chúa Giê-su nữa.

Chúa đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta,hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Chúa.

2Cô-rinh-tô 5:21

Là người lúc nào cũng thấy “sai trật” phần lớn trong đời, nên việc học biết về giáo lý công chính nhờ Chúa Giê-su là một sự tự do lạ lùng và tuyệt vời đối với tôi. Tôi thích giúp người khác hiểu điều này để họ có thể chấm dứt khước từ bản thân vì dường như họ thấy lúc nào cũng sai lầm. Địa vị ngay thẳng của chúng ta với Chúa không dựa trên những gì chúng ta làm mà trên những gì Chúa Giê-su đã làm.

Khi chúng ta càng học về tình yêu, sự chấp nhận và ân sủng của Chúa, chúng ta để ý thấy hy vọng trở thành bạn đồng hành liên tục của chúng ta. Thành thật mà nói tôi không thể nhớ mới đây nhất khi nào là tôi cảm thấy không có hy vọng. Chúng ta có thể học tin cậy Chúa và luôn luôn tin chắc rằng khi chúng ta tăng trưởng và thay đổi, Chúa sẽ nhìn thấy lòng yêu mến và kết ước của chúng ta với Ngài và Ngài vẫn nhìn chúng ta là những người ở trong mối quan hệ ngay thẳng với Ngài.

Bạn là ai và bạn làm gì có một sự khác biệt lớn. Đó là lý do tôi khích lệ nhiều người hãy tách việc “họ là ai” và việc “họ làm gì.” Bạn là con cái Chúa. Bạn được tái sinh. Bạn được đầy dẫy Thánh Linh. Thay vì nhìn xác thịt, hãy có cái nhìn của Chúa và nhìn tâm linh bạn. Hãy nhìn bản thân trong cái gương Lời Chúa, và sau đó phấn khởi về việc bạn là ai trong Chúa Giê-su.

Tôi cũng khích lệ bạn hãy có cái nhìn của Chúa về những thử thách của bạn. Hãy nhìn nó như Chúa nhìn.

Ngài xem thử thách là tạm thời. Không có nan đề nào tồn tại mãi mãi, nên hãy thắp sáng hy vọng của bạn vì bước đột phá gần hơn là bạn nghĩ. Khi bạn nhìn qua lăng kính của Chúa, bạn sẽ phải nói, “Thử thách này sẽ không kéo dài mãi và tôi sẽ sống lâu hơn nó!”

Khi bạn rơi vào khó khăn và mọi thứ đều nghịch lại bạn cho đến khi bạn dường như không thể bám víu thêm giây phút nào nữa thì lúc đó đừng có bỏ cuộc, vì nó giống như đổi địa điểm và thời gian mà thôi.

-Harriet Beecher Stowe

Chúa muốn bạn đi suốt chặng đường với Ngài. Tiếp tục hay bỏ cuộc là chọn lựa của chúng ta. Chúa ban cho chúng ta lời hứa của Ngài, nhưng việc đứng vững vàng và chờ đến khi giông bão qua đi là tùy chúng ta. Dĩ nhiên, Chúa giúp đỡ chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ân sủng, sức mạnh, và sự khích lệ của Ngài, nhưng xét cho cùng, chúng ta phải quyết định tấn tới hay bỏ cuộc. Một trong những lợi ích của thử thách đó là Chúa dùng nó để khiến chúng ta chai lì với gian khổ.

Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Chúa ngươi!

Ê-sai 41:10a

Đây là một câu Kinh Thánh tuyệt vời, cho biết khi chúng ta trải qua khó khăn, Chúa sẽ dùng nó mang lại ích lợi cho chúng ta. Ngài làm rất nhiều việc, nhưng một trong số đó là làm cho chúng ta can trường hơn. Chúng ta chai lì với những khó khăn. Nói cách khác, những thứ trước đây làm bực bội chúng ta, hay đe dọa hay làm chúng ta lo lắng, bây giờ không làm phiền chúng ta nữa.

Mọi người tập tạ đều sẽ có cơ bắp, nhưng khi họ đạt đến một độ nào đó, thì cách duy nhất để cơ bắp họ nở thêm là phải nâng mức tạ nặng thêm. Khi chúng ta xin Chúa thăng tiến chúng ta trong bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta có thể mong đợi Chúa làm điều gì đó trong chúng ta trước khi Ngài làm điều gì đó cho chúng ta. Có thể nói rằng chúng ta phải làm quen với việc nâng mức tạ nặng kí hơn trong tâm linh.

Chẳng hạn, có thể chúng ta cầu nguyện để tình yêu thương của chúng ta ngày càng chan chứa hơn, nhưng cũng có nghĩa là xung quanh chúng ta sẽ có nhiều người khó yêu hơn. Tôi nhớ có lần tôi cầu nguyện xin Chúa cho khả năng để yêu những người khó yêu. Vài tuần sau, trong sự cầu nguyện tôi đã lằm bằm với Chúa về những con người khó yêu mà tôi gặp phải, và Ngài nhắc tôi không thể yêu người khó yêu nếu xung quanh tôi chỉ có những người dễ yêu, những người không bao giờ làm tôi giận gì cả.

Khi chúng ta cầu nguyện xin Chúa dùng chúng ta một cách lớn lao hơn, chúng ta phải nhớ rằng Phao-lô có nói một cánh cửa cơ hội lớn đã mở ra cho ông, nhưng kèm theo đó cũng nhiều kẻ thù (1Cô-rinh-tô 16:9). Satan chống lại mọi điều tốt đẹp. Nó ghét mọi sự tăng trưởng và tiến bộ, nhưng nếu chúng ta cứ vững vàng, thì Chúa sẽ giải cứu chúng ta và đồng thời Ngài sẽ giúp chúng ta tăng trưởng thuộc linh qua những khó khăn.

Điều này không có nghĩa Chúa là tác giả của các nan đề của chúng ta, nhưng chắc chắn Ngài dùng nó để giúp chúng ta trong nhiều cách. Khi bạn đang gặp hoàn cảnh thách thức và đau đớn, hãy cố gắng nghĩ về điều tốt đẹp sẽ ra từ khó khăn đó, thay vì chỉ nghĩ hoàn cảnh khó khăn làm sao. Khi mọi lý do để hy vọng biến mất, hãy cứ hy vọng bởi đức tin như Áp-ra-ham đã làm.

Theo cái nhìn của Chúa, những điều tốt đẹp đang xảy ra ngay cả trong lúc bạn chờ một sự đột phá hay sự giải cứu. Bạn đang tăng trưởng về thuộc linh, bạn đang phát triển lòng kiên nhẫn, bạn đang trải qua một thử thách và khi bạn vượt qua, bạn sẽ kinh nghiệm sự thăng tiến. Và bạn tôn vinh Chúa bằng cách yêu Ngài ngay lúc này như bạn sẽ yêu Ngài khi hoàn cảnh thay đổi.

Thử thách đều có giá trị. Nó đau nhưng nó đáng giá. Chúng ta ai cũng trải qua, nhưng không phải ai cũng vượt qua. Tôi hay nói sau một cuộc thử thách, một số người sẽ có lời làm chứng, còn số khác thì chỉ có “trở chứng” mà thôi.

Biến Hy Vọng Thành Thói Quen

Để có cái nhìn của Chúa, bạn cần phát triển một số thói quen mới trong đời sống hằng ngày. Nghe chữ “thói quen” có thể khiến bạn nghĩ về các thói quen xấu (bởi vì thời nay người ta chú ý nhiều đến các thói quen xấu), nhưng bạn cũng có thể phát triển thói quen tốt. Đáng chú ý nhất, bạn có thể biến hy vọng thành thói quen. Hy vọng là điều bạn có thể phát triển theo thời gian cho đến khi nó trở thành thói quen tự nhiên của bạn.

Thái độ mong đợi – trông ngóng, mong chờ và mong mỏi Chúa sẽ làm điều gì đó lớn lao – là điều không đến với bạn một cách tự nhiên. Đây là lối tư duy hy vọng mà bạn phải chủ tâm phát triển cho đến khi nó trở thành bản chất thứ hai…một thói quen. Một cách để làm điều này là nhắc nhở bản thân hãy mong đợi những điều tốt lành. Có thể bạn dán tờ giấy nhắc nhở trên khắp nhà để nhắc bạn hãy có một tấm lòng hy vọng. Tôi tin vào việc dùng tất cả các phương pháp cần thiết khi tôi nỗ lực phát triển một thói quen mới. Thói quen tốt không có chỗ cho thói quen xấu, nên nếu chúng ta có thói quen hy vọng, thì sẽ không có chỗ trong đầu óc và tâm trí chúng ta cho thói quen hay tuyệt vọng, nản lòng hoặc thất vọng.

Ha-ba-cúc 2:2 nói:

CHÚA bảo tôi: “Con hãy viết xuống khải tượng, ghi khắc rõ ràng trên bảng đá, để người nào chạy ngang qua cũng đọc được.

Hãy viết ra khải tượng của bạn, không nhất thiết là viết dài hay kỹ lưỡng. Bạn có thể viết trên những miếng giấy nhỏ có thể đọc nhanh và dễ khi bạn và gia đình vội vàng đi ngang qua. Hãy suy nghĩ bạn sẽ có thêm hy vọng biết bao nếu…

  • Khi bạn thức dậy đánh răng, có một dòng chữ treo trên gương nhà tắm : “Hy vọng là quan trọng. Đừng quên tin rằng Chúa sẽ làm điều gì đó lớn lao trong đời bạn hôm nay.”
  • Khi bạn đi xuống sảnh, có một dòng chữ ghi: “Hy vọng là mong đợi vui vẻ về điều tốt đẹp. Hãy vui vẻ. Chúa dành sẵn nhiều điều tốt lành.”
  • Khi bạn bước vào bếp để chuẩn bị bữa sáng, có dòng chữ ghi: “Hãy phấn khởi, hôm nay Chúa đang ‘xào nấu’ một món thật ngon.”
  • Khi bạn lên xe đi làm, đưa con đi học, gặp bạn uống cà phê, có một dòng chữ ghi: “Hãy thắp sáng hy vọng. Hôm nay Chúa ở với bạn và Ngài rất thích bày tỏ sự tốt lành cho bạn.”

Tôi không biết bạn sao, nhưng tôi đã tràn đầy hy vọng rồi! Nếu bạn muốn sống một cuộc đời hy vọng, thì hãy làm những gì cần làm. Suốt ngày sẽ có rất nhiều thứ tìm cách cướp đi hy vọng của bạn. Hãy quyết định bạn sẽ có nhiều lời nhắc nhở về hy vọng hơn là những thứ “cướp đi hy vọng.”

Dán những lời động viên này khắp nơi. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có khuynh hướng tiêu cực hay chán nản, hay nếu bạn đang trải qua một thời điểm khó khăn nào đó.

Càng Lên Cao, Càng Thấy Rõ

Tôi phải thừa nhận, tôi không phải là người leo núi. Có thể bạn leo được, nhưng thật sự đó không phải là sở thích của tôi. Tôi thà để thời gian cuối tuần đi chơi với con cái hơn là khám phá các đường mòn trong rừng núi. Nhưng người ta nói cho tôi biết rằng khi những người leo núi quay về và muốn biết chính xác mình đang ở đâu, thì họ đi lên cao hơn. Một vị trí cao hơn cho họ có tầm nhìn rõ hơn. Dù họ có thể họ trèo lên cây, chạy lên đỉnh đồi, hay leo lên tảng đá, những người leo núi hay leo lên cao. Họ biết được rằng càng lên cao, họ càng nhìn xa hơn.

Tôi nghĩ điều này cũng đúng cho bạn và tôi ngày nay. Đôi khi rất khó nhìn thấy nơi chúng ta đang đi vì chúng ta có tầm nhìn giới hạn. Chúng ta có thể bị rối trí bởi những hoàn cảnh xung quanh và không biết chắc nên đi đâu nữa đây vì chúng ta không có tầm nhìn chính xác. Hy vọng và hướng đi của chúng ta bị che khuất bởi mái che của những thất bại quá khứ, bởi đám mây mù của những mong đợi tầm thường và bởi những hẻm hóc của những thất vọng.

Để có tầm nhìn của Chúa, bạn cần leo lên cao hơn. Bạn phải trèo lên thái độ vô ơn của quá khứ, bạn phải leo lên những ngờ vực và thất vọng. Nếu bạn chọn có những mong đợi và hy vọng cao hơn, tôi tin bạn sẽ bắt đầu có một cái nhìn mới – một cái nhìn thánh thiện. Và khi điều đó xảy ra, thì bạn sẽ có thể nhìn xa hơn trước đây.

Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!

Bạn có thể quyết định là bạn sẽ sống kiểu nào dựa vào cách bạn chọn nhìn bản thân và hoàn cảnh ở đời. Nếu bạn nhìn những lỗi lầm và thất bại, nghĩ rằng đó là những thứ giam hãm bạn, thì bạn sẽ không hy vọng Chúa làm nhiều điều trong cuộc đời bạn. Và nếu bạn nhìn và liên tục nói về nan đề, nó sẽ trở nên to lớn không thể vượt qua được, và bạn sẽ thấy hy vọng là điều gì đó khó nắm giữ.

Nhưng cảm tạ Chúa, có một cái nhìn khác. Cái nhìn của Chúa cho bạn và cuộc đời bạn là cái nhìn tốt hơn… và đó là cái nhìn mới thật sự quan trọng. Khi Chúa nhìn bạn, Ngài đầy tình yêu thương, và Ngài đã sắp đặt một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời bạn. Giê-rê-mi 29:11 nói, “Vì chính Ta biết rõ chương trình Ta hoạch định cho các ngươi. Ta có chương trình bình an thịnh vượng cho các ngươi, chứ không phải tai họa. Ta sẽ ban cho các ngươi một tương lai đầy hy vọng.” Vậy hãy tiến lên và thắp sáng hy vọng của bạn. Chúa đã ban phước cho bạn trước đây, và Ngài hứa sẽ ban phước cho bạn trong tương lai. Mỗi khi bạn không chắc mọi sự sẽ diễn tiến thế nào, thì bạn chỉ cần ra ngoài vào ban đêm và nhìn lên các ngôi sao. Chúa đã giữ lời hứa của Ngài với ông Áp-ra-ham, và Ngài cũng sẽ giữ lời hứa của Ngài với bạn.